1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

BÁN TÂM LINH - Hà Nguyên Huyến

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi shimizu_hn, 18/10/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. shimizu_hn

    shimizu_hn Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/07/2002
    Bài viết:
    1.176
    Đã được thích:
    0
    BÁN TÂM LINH - Hà Nguyên Huyến

    Phùng ngồi nhàn rỗi ở phòng khách, rất ít khi người ta thấy Phùng ngồi ở đây. Phùng bận lắm lu bù với công việc dạy học, quanh năm Phùng gần gũi với bọn trẻ hơn con mình, phấn bảng, giẻ lau thân thuộc như cái cày cái cuốc của nhà nông vậy. Hôm nay cũng như thường lệ, Phùng xuống nhà ngang chuẩn bị dạy cho lớp mở học thêm ở nhà, lác đác vài đứa học trò... buổi dạy không thành. Phùng ngồi thẫn thờ mân mê cái góc bàn, tâm trí để tận đâu đâu thoáng giật mình, Phùng nhận ra bóng mình trong tấm gương lớn đối diện, vẻ mặt như thất thần tâm trạng bồn chồn không yên, tóc tai phờ phạc... nhìn Phùng như người khách đợi chủ nhà ra ơn, đỡ cho cơn bấn bách, chứ không phải chính Phùng chủ căn hộ, cái mi-ni biệt thự này do mồ hôi công sức Phùng tạo ra. Chao ôi! Cuộc đời chẳng là một giấc mơ ư? Chính Phùng đâu có ngờ đời mình lại như chiều hôm nay.
    Ngày ấy, lần đầu tiên bước vào lớp làm thầy, sững sờ Phùng đứng như trời trồng trên bục giảng. Những cặp mắt mở to đen lay láy nhìn Phùng như đòi hỏi ở Phùng; Phùng có cảm giác mình là con người khác hẳn. Phùng giảng bài như lôi kéo cả tâm can, ý nghĩ cựa quậy trong đầu bật ra mồm toả sang học trò, tình thầy trò như ngàn vạn sợi dây vô hình giàng buộc. Sau buổi học, mắt Phùng lung linh sáng rực. Tâm trạng thư thái như vừa giải toả được một tiềm năng.
    Phùng là một người thầy tận tâm, bởi có thời Phùng là một học trò giỏi. Chyện ấy xảy ra thuở thiếu thời nhưng đến nay Phùng vẫn nhớ như in. Mẹ Phùng bảo: "Bố mẹ nghèo, chẳng có gì để lại cho con mong con học hành tử tế, giành lấy ít chữ làm vốn, ấm vào thân sau này."
    Nhà Phùng, bố làm thợ mộc, ông làm theo lề lối cũ, mực mẹo xưa bởi thế mấy ngôi đình và ngọn chùa bản địa vẫn phải mời đến ông. Ông hoàn thành công việc với một lòng tận tuỵ. Mọi người đều biết ông làm không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn vì một cái gì đó ẩn bên trong cao đẹp lắm! Đẹp như bao tấm lòng từ thiện của đời người vẫn thường làm vậy. Mẹ Phùng tần tảo với nương dâu, nong tằm chạy chợ xa, ngặt vì Phùng học dốt quá, mấy năm mà chẳng đâu vào đâu. Đêm đêm nằm cạnh bố, Phùng vẫn thấy bố cậu như nén một tiếng thở dài.
    Rằm tháng riêng năm đó, mẹ bảo Phùng: "Năm nay con phải đội lễ lên chùa cùng mẹ, cầu xin Trời Phật độ trì cho con học hành giỏi giang nên người". Phùng ngoan ngoãn vâng lời mẹ. Sau khi đặt lễ các nơi, mẹ đưa Phùng đến một hành lang dài có chín pho tượng ngồi trên bệ. Đến một pho tượng cầm cuốn sách dày để mở trên đầu gối, một tay giơ ngang mặt, ngón tay chỉ như một lời mách bảo, răn dạy nhưng toàn bộ cử chỉ lại rất thân mật như muốn nói điều gì... Phùng không sao diễn tả bằng lời được.
    Mẹ bảo: "Con sắp lễ và quỳ xuống kêu với ngài đi". Phùng sắp những chiếc bánh gai ra bệ thờ, những chiếc bánh gai gói bằng lá chuối khô rất mộc mạc mà thấy cả tấm lòng thơm thảo của mẹ kêu cửa Phật dành cho Phùng.Làm đúng như lời mẹ dặn ở nhà, Phùng quay ra mảnh sân xép trước hành lang. Đầu xuân cây cối trút bỏ tất cả lá già, đâm ra vạn chồi tơ biêng biếc. Phùng đi rón rén, lá khô xào xạc dưới chân; tiếng lá làm xao động cả cảnh chùa cô tịch, Phùng thấy gai gai... cậu đưa tay hái lộc, một làn gió xuân mỏng như hơi thở phảng phất thoảng qua. Một phiến lá rơi vô tình như đặt vào tay cậu. Phùng đưa lại tận mắt nhìn cho kỹ, đó là một cái lá na. Phùng nắm chặt lá trong lòng bàn tay, phiến lá còn tươi và vàng như kén tằm. Phùng kính cẩn áp lá vào cuốn sách mở trong tay Phật, miệng lẩm bẩm những điều tâm niệm, thành khẩn. Phùng mang lá về nhà cẩn thận ép vào một cuốn sách thỉnh thoảng mở ra xem, điều lạ nhất là mấy chục năm trời mà lá vẫn như xưa, vàng như kén tằm mà mẹ Phùng vẫn thường đánh thành những óng tơ óng ả.
    "Thông đồng bén giọt" Phùng học một mạch hơn chục năm trời, học rất giỏi... chẳng biết có phải Trời Phật đọ không... Phùng trở thành thầy giáo.
    Phùng yên tâm với cuộc đời của một nhà giáo nghèo có tâm với nghề và tự trọng của mình. Sau nhiều năm giảng dạy Phùng troẻ thành một nhà giáo nổi tiếng với nhiều thế hệ học trò thành đạt. Một hôm vợ Phùng bảo: "Người ta ai cũng có cái nghề cụ thể, công tội rành nạch, làm ruộng có lúa, ngô, làm vườn có hoa trái. Ông làm cái nghề u u ... minh minh ... rõ chán" Phùng bảo vợ: "Cái nhìn thấy được là cái nhỏ, có giới hạn. Có cái không nhìn thấy được là cái lớn, đó là "đạo". Đạo làm thầy".
    Phùng yên tâm với nghề dạy học cao siêu và chan chứa tình người. Phùng thanh thản và phơi phới như cậu học trò thuở nào lên chùa xin chữ. Từ trong tâm linh cái mầu nhiệm đã đâm chồi nẩy cây, Phùng mong có ngày đậu thành quả phúc. Âu đó cũng là duyên nợ mà chỉ có Trời Phật mới biết được.
    Cuộc đời đâu có bằng phẳng và giản đơn, con tạo xoay vần, bày trò trêu ngươi thử lòng người trần tục, chuyện xảy ra lâu rồi...

    Không ai tẻ nhạt ở trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử.
  2. shimizu_hn

    shimizu_hn Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/07/2002
    Bài viết:
    1.176
    Đã được thích:
    0
    Hôm đó vào một buổi sáng, Phùng đang say sưa giảng bài, tiếng thầy sang sảng thì bỗng ở cuối lớp có tiếng ồn. Phùng ngưng giảng xuống xem, thì ra có một cậu học trò chui xuống gầm bàn chòng ghẹo bạn. Phùng buột miệng hỏi, giọng pha chút hài hước:
    - Chui dưới gầm bàn gầm ghế là con gì nhỉ?
    - Thưa thầy là con chó ạ! - Cậu bé dõng dạc trả lời.
    Đuổi cậu bé ra khỏi lớp, Phùng quay lại định giảng tiếp cậu bé lại xuất hiện ở cửa, cậu bé nói: "Thưa thầy cho em học tiếp, tiền học phí bố em đã đóng rồi, bố em bảo đồng tiền khó kiếm lắm, tróc xương lòi da mới có, em phải quay lại học không có uổng..."
    Lòng tự ái làm cho mặt Phùng tím tái, không nói nổi thành lời. Sòng phẳng quá, mà cũng phũ phàng quá, cũng rẻ rúng quá. Đồng tiền mua được cả tấm lòng cao thượng và nhân hậu dành cho bao thế hệ học trò ư? Bao triết lú sống tưởng như vững vàng cơ hồ sụp đổ tan tành trong chốc lát ư? Giờ học hôm đó kết thúc sớm.
    Phùng chỉ định cảnh cáo cậu bé, từ trong thâm tâm Phùng muốn những học trò nhỏ hôm nay phải thực sự trở thành những con người hữu ích cho xã hội ngày mai. Đâu có ngờ sự việc lại tiến xa hơn.Bố thằng bé, một người hành nghề đồ tể ở chợ, hắn đến tận nhà Phùng giọng hắn oang oang, hoa chân múa tay như một thằng say rượu, hắn bảo Phùng:
    - Ông làm vỡ mộng của tôi, tôi không được học hành. Đời tôi vất vả tối ngày. Kiếm được tiền cho con đi học mong cho có ngày nó làm thầy thiên hạ. Ông có cái bán thì chúng tôi mua.Thế mà ông ... ông ...
    Hắn sấn sổ với Phùng như là ở giữa chợ. Biết chuyện, hôm sau ông hiệu trưởng gọi phùng lên bảo: "Ông có tuổi rồi mà còn ấu trĩ quá! Ông đuổi nó thì lấy gì mà ăn, tai tiếng có khi còn mất cả danh hiệu tiên tiến của trường ... Thôi, thôi, chúng mình đều làm "tôi" đồng tiền cả. Lương tâm, nhân phẩm đợi lúc no cơm ấm cật hãy bàn".
    Đêm đêm vợ Phùng sẽ sọt: "Sống ở đời phải chiều đời, ông là nhà giáo nổi tiếng một vùng, cơ hội kiếm tiền trong tay ông dễ như quét lá rừng. Ông cứ nghĩ mà xem, cái lòng cao thượng của ông ai biết ông cứ khư khư ôm cái danh hão chẳng thương tôi, thương các con ... Lo cho cái nhà năm miệng ăn, lúc nào tôi cũng phải múa tênh tênh lên vì không có tiền ..."
    Phùng nghe lời vợ, từ hôm đó đến trường chỉ chiếu lệ, ở trường Phùng chỉ dạy một nửa chữ, một nửa để dành mở lớp dạy ở nhà. Lớp học mới mở nhưng học trò nghe tiếng kéo đến rất đông. Họ mua chữ rất song phẳng, xong buổi nào trả luôn buổi ấy. Cuộc sống nhà phùng ngày một khá lên, thiên hạ cần mua thì Phùng bán, Phùng luôn mài sắc lợi khí để kiếm tiền. Chỗ dạy học Phùng gọi là nhà ngang, rộng như cái hội trường, Phùng dòng dây bắc loa. Trang trí đèn đóm sáng rực. Phùng lên lớp như nhập đồng, tiếng của Phùng qua micrô dội lại nghe như tiếng của ai, càng dạy lại càng hay. Nhiều lúc đứng trên bục nhìn xuống, Phùng ngẩn ngơ nghĩ: những người ngồi dưới kia là ai? Cả Phùng và đám học trò như những quân đèn cù quay tít theo một guồng quay vô định. Đâu còn là tình thầy trò nữa mà tất cả là một cỗ máy vận hành theo một ma lực, có lẽ không thể nào dừng lại được.
    Một hôm vợ Phùng bảo: "Ông bảo con ông lấy đôi điều phải trái, cả một lũ lười nhác, trộm cắp tiền nhà, bố làm thầy mà con học dốt như bò ..."
    Phùng bảo: "Dịch tử nhi giáo cha không dạy được con, có tiền rồi, bà đem tiền đi thuê người khác". Phùng nói và chua xót cho hoàn cảnh của mình.
    Phùng vốn là con người cực đoan, ở đầu cực nào Phùng cũng tỏ ra quyết liệt.
    Vợ Phùng bảo: "Dao sắc chẳng gọt được chuôi" ...
    Phùng chẳng mảy may quan tâm, phùng còn mải miết với công việc dạy học để kiếm tiền. Tuy kiếm được rất nhiều tiền nhưng Phùng chẳng bao giờ dám cầm tiền. Phùng sợ tiếng sột soạt của nó như cái "hèm" suốt đời Phùng phải gánh chịu. Nghe tiếng tiền va chạm, Phùng nổi da gà ví như người ta sợ tiếng nghiến răng, hay tiếng cạo tinh tre, tinh nứa vậy. Cũng may việc này nhờ vào một tay vợ Phùng thu xếp.
    Một bữa vợ Phùng bảo: "Này, mình xem cái công trình này của em có tuyệt không?" Nói rồi thị chỉ tay vào cái hòm tựa như hòm công đức của các đình chùa nói: "Ta để ở cửa phòng học thật lịch sự mà mấy thằng quỷ con nhà mình hết nhóc nhách, tiêu đâu thì tiêu còn đâu ta để dành làm vốn" ... Thị mỉm cười ranh mãnh mắt nhìn vào cái ổ khoá đen sì to bằng nắm tay, vẻ mặt thoả mãn lắm.
    Phùng vẫn ngập đầu cả năm trong công việc, duy có một điều khác trước. Sau khi bước ra khỏi lớp Phùng cảm thấy tinh lực cạn kiệt, tâm cốt rã rời. Phùng lim dim mắt mà thấy như cả một xác vô hồn. Nhà Phùng đâu có thiếu, vợ Phùng chạy tứ tung tìm "Sâm, nhung, quế, phụ" tẩm bổ cho Phùng, kết quả không biến chuyển, Phùng như thấy người phát tán tâm linh căn bện Phùng mắc phải là một chứng nan y ... Một hôm sau buổi dạy, vợ Phùng mang hòm tiền vào cất tận nhà trong, thị đi nhún nhảy, thỉnh thoảng lại xóc xóc hòm tiền, điệu bộ thích thú lắm! Phùng nghe tiếng tiền, mơ hồ nhớ tiếng chân trên lá của mình thuở nào trên chùa. Phùng có cảm giác tởm tởm, tóc gáy dựng ngược, mặt đất chòng chành, Phùng ngã lăn ra đất, miệng thổ huyết. Phùng đổ bệnh giữa lúc dạy hay nhất, học trò đông nhất. Phùng bỏ lớp, học trò bỏ thầy tựa hồ như một trò mua bán thông thường vậy.
    Vợ Phùng cuống quýt chạy chữa thuốc men, thị lo rên lên vì cái máy in tiền của mụ. Kết quả kém lắm, sức khoẻ của Phung ngày một suy sụp. Vợ Phùng bảo: "Ông bỏ quách cái nghề bán cháo phổi của ông đi, lúc này đã có vốn tôi nuôi ông chỉ mong ông dậy con, thằng lớn đi cả tuần nay rồi mà chưa thấy về nhà ..."
    Vợ Phùng chạy vào bê cái hòm "Công đức" của Phùng ra. nghe tiếng sột soạt mà đoán là nhiều tiền lắm, thị bảo: "Ba đòng bỏ bị là chị lái buôn, tôi có một hòm tiền, tôi là bà chủ ..." Tiếng khoá bật tách mắt thị tròn xoe, á lên một tiếng bật ngửa ra nền nhà. Phùng chồm dậy dồn hết khí lực vào hai mắt nhìn vào trong hòm, trong hòm hoá ra toàn lá na khô. Phùng hiểu ngay, thằng con Phùng đã giở trò ăn vụng lạc giống của Phùng ngày xưa ... Hồi ấy mẹ Phùng có một lọ lạc giống, bà phơi khô cất kỹ đổ tro bên trên. Phùng mon men hàng ngày đến một ngày kia bị lạc trong lọ tụt xuống, sợ lắm, rồi Phùng nghĩ ra một mẹo đổ tro vào lọ để lọ đầy lên. Thằng con Phùng lấy hết tiền lêu lổng thả lá khô vào, nó đánh lừa cả hai vợ chồng Phùng, Phùng giật mình sực tỉnh vội vàng chạy vào giá tìm cuốn sách ngày xưa, Phùng mở ra xem, lá không còn như xưa nữa mà cháy đen thui ... Phùng đã mất tất cả, cái giá mà Phùng đã " bán tâm linh" của một người thầy!
    Phùng thõng thượt tay buông xuôi sách rớt xuống chân, cái lá văng ra ngoài, một làn gió phũ phàng cuốn đi, Phùng nhìn theo lá đen sì trông như một tàn tro tơi tả mà người ta hoá vàng trong những ngày giỗ kị. Phùng ngã nhoài ra đất, vẻ mặt như vừa "ngộ" ra một điều gì mà chưa kịp thành lời.
    Không ai tẻ nhạt ở trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử.

Chia sẻ trang này