1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Bệnh "lưỡng tính" và những bi kịch có thể giải quyết

Chủ đề trong 'Giáo dục Giới tính' bởi chivas, 19/05/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. chivas

    chivas Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    10/01/2004
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    1
    Bệnh "lưỡng tính" và những bi kịch có thể giải quyết

    Bệnh viện Nhi Trung ương nhiều năm nay đã tiếp nhận nhiều em bé mắc bệnh "lưỡng tính". Đây là bệnh lý khá phổ biến nhưng việc phẫu thuật giới tính cho bệnh nhân còn gặp khó khăn do những định kiến xã hội.

    "Lưỡng tính giả" và "lưỡng tĩnh thật"

    Những ai không may sinh ra với dấu hiệu bất thường về giới tính, thường gặp khó khăn trong việc hòa đồng với cuộc sống chung quanh. Người bị coi là "lưỡng tính" sẽ lớn lên với nỗi mặc cảm và khát vọng được giống như một người... bình thường. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàn, Trưởng khoa Nội tiết, Viện Nhi Trung ương, nhấn mạnh rằng: "Cả hai dạng lưỡng tính (lưỡng tính giả và lưỡng tính thật) đều có thể tìm được sự can thiệp giúp đỡ của y tế, nếu sớm phát hiện".

    Trẻ bị "lưỡng tính giả" do mắc bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh (di truyền từ cha mẹ). Với nhiều hoóc-môn nam được sản xuất trong thời kỳ bào thai, khi sinh ra, trẻ nữ bị nam hóa mạnh bộ phận sinh dục ngoài, khiến âm vật phát triển gần giống như *********. Còn trẻ nam thì có hiện tượng dậy thì sớm, chỉ khoảng 3-4 tuổi đã phát triển cơ bắp, mọc râu, vỡ giọng. (Trẻ "lưỡng tính giả" ở thể mất muối, ngoài dị thường ở bộ phận sinh dục, còn có triệu chứng nôn, ỉa chảy, kém ăn, không tăng cân, không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến trụy tim mạch và có thể tử vong).

    Đối với những trẻ nữ bị "lưỡng tính giả", cơ thể bên trong hoàn toàn là nữ giới nhưng do bộ phận sinh dục ngoài bất thường nên các bậc cha mẹ thường lầm tưởng con mình là trai. Theo thời gian, những trẻ đó lớn lên trong vỏ bọc "con trai" và những phiền phức cũng dần dần bộc lộ. Theo bà Hoàn, nếu không được can thiệp sớm thì càng lớn những trẻ nữ bị "lưỡng tính giả" sẽ càng bị nam hóa mạnh (cả dáng vẻ bề ngoài, tế bào não). Chúng phát triển những thói quen, tính cách và mặc định xem mình là "trai", chưa kể việc xã hội cũng xác định cho họ mang giới tính nam, rất khó sửa chữa.

    Ngược lại, "lưỡng tính thật" ở trẻ sơ sinh là do trong thời kỳ mang thai, quá trình biệt hóa giới tính gặp trục trặc khiến đứa trẻ được sinh ra bề ngoài là nữ, phát triển theo tính cách nữ, nhưng bên trong là nam (không có tử cung, buồng trứng, các xét nghiệm đều cho kết quả là giới tính nam). Hoặc ngược lại sinh ra với bề ngoài là nam, tính cách nam, nhưng bên trong lại là nữ (không có tinh hoàn, các xét nghiệm đều cho kết quả giới tính nữ).

    Với các trường hợp "lưỡng tính thật", sự can thiệp của y tế chỉ giúp người bệnh không mặc cảm, có thể hòa đồng với cuộc sống xung quanh trong chừng mực nào đó. Nhưng với "lưỡng tính giả", nếu can thiệp sớm, khoa học có thể giúp bệnh nhân thực sự trở lại là những người bình thường.

    Từ những chuyện chép ở bệnh viện

    Một bà mẹ có con gái bị "lưỡng tính giả" kể: "Khi sinh cháu, chúng tôi đã thấy "chỗ ấy" không bình thường. Nhưng chỉ nghĩ nó giống như một cái tật bẩm sinh, kiểu như bị "sứt môi, lồi rốn" gì đó thôi. Chúng tôi không mảy may nghi ngờ việc cháu không phải là con trai. Giấy khai sinh của cháu cũng được xác nhận ở phần giới tính là "nam". Khi cháu bắt đầu đi học mẫu giáo, chúng tôi mới thấy có những bất thường. Cháu có biểu hiện giống con gái và thường tè dầm vì không thể tiểu tiện như con trai. Được bệnh viện thông báo: Cháu là con gái, chúng tôi thực sự bị sốc. Nhiều người trong dòng họ đã phản đối kịch liệt việc "chuyển cho cháu thành con gái". Chúng tôi cũng không quen được với điều đó. Nhưng vì tương lai của cháu, chúng tôi phải nghĩ đến chuyện đưa cháu trở lại là người bình thường. Nhưng cháu đã 5 tuổi, bắt đầu có ý thức về giới tính. Chưa kể giấy tờ liên quan đều khai cháu là nam, sẽ rất phức tạp cho chúng tôi".

    Ở các vùng nông thôn, nhiều cha mẹ không để ý đến những bất thường của con cái, các cơ sở y tế của địa phương (trạm xá, nhà hộ sinh) cũng không phát hiện và có tư vấn cần thiết. Nhiều trường hợp "lưỡng tính giả" tồn tại đến khi trưởng thành.

    Một bệnh nhân tên là T.V.Đ, quê ở Hà Tĩnh, cho biết: "Năm nay em đã 24 tuổi. Em cũng nhận thấy mình hơi bất ổn so với các bạn nam khác, nhưng không hề nghi ngờ việc mình sinh ra là con trai. Tuy nhiên, em thích những công việc của nữ hơn, thích trò chuyện với các bạn nữ hơn, trong lúc vẫn làm các việc của con trai, chạy nhảy, thậm chí ngủ chung với các bạn trai. Đơn giản vì trong ý nghĩ em luôn cho rằng mình là con trai. Đến khi cha mẹ em đề cập đến chuyện lấy vợ thì em thực sự thấy bối rối vì sự không ổn của mình. Nhưng em xấu hổ, không thể nói ra điều này. Theo chỉ dẫn của một người quen, em đến viện khám và quá sửng sốt về kết quả giới tính của em là nữ. Bây giờ em cũng không biết phải làm sao. Để trở thành người bình thường, lấy chồng, sinh con thì em phải chấp nhận việc đi phẫu thuật và công bố mình là con gái. Điều đó rất khó khăn, nhất là em lại sống ở nông thôn. Nhưng nếu không phẫu thuật, em sẽ trở thành người "lửng lơ" không thuộc về giới nào".

    Cha của Đ, công tác trong quân ngũ, cho biết: "Tôi vội về Hà Nội và đưa cháu đến viện làm các xét nghiệm di truyền học và khảo sát nồng độ hoóc-môn trong máu. Tay tôi cầm kết quả xét nghiệm, mắt tôi đọc được xác nhận của bác sĩ, tôi mới tin cháu là con gái. Thương con, gia đình tôi muốn cho cháu phẫu thuật. Nhưng tôi biết, kể cả khi đã phẫu thuật, cháu sẽ rất khó khăn khi hòa nhập với cuộc sống trong thân phận một đứa con gái. Chưa kể những phiền phức khi xin giấy tờ để làm thủ tục cho cháu phẫu thuật, bởi ở ta không có luật chuyển đổi giới tính, vì cháu trước đây mặc nhiên đã được coi là con trai rồi".

    "Sẽ tốt hơn nếu họ được chuyển đổi giới tính"

    Nếu "lưỡng tính thật" xảy ra không nhiều thì các trường hợp "lưỡng tính giả" lại gia tăng những năm gần đây. Theo con số thông báo của Khoa Nội - Viện Nhi Trung ương, từ năm 1976-1993, Viện chỉ tiếp nhận 55 trường hợp. Nhưng trong 3 năm (1999-2001) đã có 147 trường hợp nhập viện. Riêng năm 2002, có 30 trường hợp (trong đó có 50% trường hợp là nữ bị lưỡng tính giả", có nghĩa là bộ phận sinh dục ngoài gần giống nam giới).

    Nhưng cũng theo Khoa Nội - Viện Nhi, cơ sở y tế chuyên tiếp nhận và xử lý các trường hợp bất thường về giới tính, thì trong số các bệnh nhân đến viện, có khoảng 15-20% trường hợp đã để quá muộn, bệnh nhân ở tuổi biết nhận thức, thậm chí đã trưởng thành. Đó là chỉ nói những trường hợp viện kiểm soát được, còn thực tế có rất nhiều trường hợp khác không đến cơ sở y tế. Họ lớn lên với mặc cảm và sự đối xử của cộng đồng.

    Các trường hợp "lưỡng tính thật" cũng khao khát được phẫu thuật, để thiên hẳn về một giới. Tuy nhiên, rào cản cũng là vấn đề "không được phép chuyển đổi giới tính". Nhiều trường hợp đến viện xin phẫu thuật nhưng không được thỏa ước, do không lo được những thứ giấy tờ cần thiết để làm "thủ tục". Viện Nhi Trung ương trong nhiều năm nay chỉ phẫu thuật cho duy nhất một trường hợp để mang giới tính nam, khi bệnh nhân đã ở tuổi 27. Các bác sĩ cho biết, sau phẫu thuật, bệnh nhân này có thể quan hệ ******** bình thường, biểu hiện bề ngoài bình thường như một người nam, nhưng không có khả năng sinh đẻ. Còn các trường hợp khác chỉ được làm xét nghiệm, và tư vấn....

    Bà Nguyễn Thị Hoàn bày tỏ quan điểm: Với "lưỡng tính thật", nếu dáng vẻ, tính cách nghiêng về giới nào thì nên phẫu thuật cho bệnh nhân nghiêng về giới đó. Chủ yếu để họ được sống gần với cuộc sống của người bình thường. Nhưng trong trường hợp "lưỡng tính giả", sẽ rất tiếc nếu các bậc cha mẹ phát hiện muộn. Bởi nếu phẫu thuật từ sơ sinh thì mọi việc sẽ đơn giản. Chi phí cho một ca phẫu thuật cũng như các phẫu thuật bình thường, không hơn.

    Thế nhưng thực tế vẫn còn không ít những trường hợp như Đ. Khát vọng trở thành người bình thường đã quá khó khăn và bi kịch sẽ vẫn tiếp diễn trong khi lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được điều đó từ lúc lọt lòng

Chia sẻ trang này