1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Bị chửi có oan hay không ?

Chủ đề trong 'Khoa học Pháp lý' bởi thang1699, 26/08/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. thang1699

    thang1699 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2003
    Bài viết:
    9
    Đã được thích:
    0
    Bị chửi có oan hay không ?

    Tình huống trong chợ như sau:
    NM: áo này giá bao nhiêu vậy chị ?
    NB: 50000 đ.
    NM: 30000 đ bán không ?
    NB: không !
    NM: bỏ đi ra cửa.
    NB: kêu lại nói là bán với giá đó !
    NM: quay lại nói là 25000 đ bán không ?
    NB: chửi !!! (do vi phạm hợp đồng).
    Trong trường hợp trên ai đúng ai sai ! có thể viện dẫn điều luật nào ở đây hay không ?
    Xin các tiền bối chỉ dạy dùm !
    (Em dùng font unicode, không biết các anh chị có đọc được hay không ? xin cho ý kiến )
  2. Giaaotuicom

    Giaaotuicom Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2003
    Bài viết:
    65
    Đã được thích:
    0
    Thân gửi bạn!
    Trong cuốn phim "The paper chase" tại buổi giảng đầu tiên về hợp đồng, ông giáo Kingsfield có nói với sinh viên rằng ông ta sẽ không giảng bài mà ông sẽ áp dụng phương pháp Socrat (Socratic method) tức là ông ấy sẽ chỉ hỏi và các sinh viên phải trả lời. Thông qua phần hỏi và trả lời này, các sinh viên sẽ học được kiến thức.
    Trở lại câu hỏi của bạn. Bạn có hai ý kiến: (1) là có hành vi vi phạm hợp đồng; (2) liệu hành vi chửi đó có phải chịu trách nhiệm gì không. Lý do tôi viện dẫn cuốn phim "The paper chase" là muốn nói với bạn (với tư cách một người có chút ít kinh nghiệm hơn) rằng bạn cần nghĩ xem: (1) liệu những thoả thuận về giá của chiếc áo đó đã hội đủ các điều kiện để lập nên một hợp đồng hay chưa hay đấy mới chỉ là lời đề nghị (offer) và một đề nghị mới (counter-offer) và lúc này giữa người bán và người mua chưa tồn tại một hợp đồng vì chưa có sự chấp thuận (acceptance). Đến đây chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng quan hệ giữa người bán và người muốn mua chưa phải quan hệ hợp đồng cũng như chưa có việc vi vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. (2) Vậy cái hành vi chửi của người bán đó cần được điều bởi hình phạt nào: đạo đức hay pháp luật hay cả hai? Lại một lần nữa nếu chúng ta thử nghĩ thì sẽ thấy người bán: (a), sẽ bị lên án về mặt đạo đức và hình phạt cho người đó là khách hàng cũng như những người xung quanh sẽ không mua hàng của người bán đó nữa. (b) Hành vi chửi của người bán đã xâm hại đến lợi ích của ai chưa, lợi ích của cộng đồng (nếu không trừng phạt thì hành vi chửi rủa sẽ tái diễn cũng như sẽ lây lan), lợi ích cá nhân người mua (liệu có khả năng quá bực bội vì lời chửi mắng mà đâm ra đau ốm và nguời này lại là người lao động chính của gia đình). Trong trường hợp (b) này luật nào điều chỉnh và điều chỉnh bằng điều luật nào để bạn tiếp tục suy nghĩ nhé!
    TB: bộ phim "The paper chase" là bộ phim đặc trưng của sinh viên luật. Nếu có điều kiện các bạn nên xem qua cho biết.
  3. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Về quan điểm đã hình thành hợp đồng chưa? Em đồng ý với anh Giaaotuicom. Vì vậy mà không thể coi hành vi chửi là vi phạm hợp đồng được.
    Tuy nhiên có thêm ý kiến về hành vi chửi:
    Nếu nói người bán xâm phạm lợi ích của cộng đồng (môi trường sinh hoạt không văn minh, nếu không ngăn chặn sẽ khiến hiện tượng này tràn lan và nguy hại cho cộng đồng) thì liệu có đúng không? Giờ ta viện dẫn một nguyên tắc cơ bản của Luật đại ý thế này: được làm những gì mà luật không cấm nếu nó không xâm phạm đến lợi ích nhà nước và xã hội. Thật mơ hồ. Vậy đâu là lợi ích nhà nước, đâu là lợi ích xã hội. Người ta mới chỉ nhìn được những xâm hại lớn: như đốt nhà thì lây lan sang nhà hàng xóm, huỷ hoại môi trường nhà bên cạnh (do thù ghét) nhưng không biết không khí là của chung và có thể gây ảnh hưởng trong một diện rộng. Vậy cái chửi đó liệu có thể gây nguy hại lớn đến mức Luật phải ''''ló mặt'''' vào không? Ừ, bà bán hàng chửi cậu, nhưng những người xung quanh có vì thế mà đau đầu, dẫn đến hiệu suất làm việc không hiệu quả. Hay khách vùng khác đến sẽ có ấn tượng không tốt với môi trường sinh hoạt nơi đây, và allez-y, họ sẽ nói không tốt và dẫn đến hệ quả là số khách du lịch sẽ giảm, lượng thu từ hoạt đông du lịch giảm, kinh tế đi xuống. Những cái đó không phải có thể nhìn thấy hậu quả trước mắt được mà phải chứng minh. hic... mà Luật thì phải rõ ràng, cần có bằng chứng. Thế nên theo em thì vẫn chỉ là Đạo đức điều chỉnh ở đây thôi : bạn hàng xa lánh, khách hàng ít đi, ban quản lý chợ nhắc nhở về nếp sống văn minh.
    Thứ hai, việc xem có phải vì hành vi chửi đó mà người này bị mệt, ốm yếu không lại là một chuyện khác. Cần phải chứng minh nó có mối quan hệ nhân quả hay không? Liệu có phải chỉ vì bị chửi mà dẫn đến đau ốm không? Hay còn những nguyên nhân nào khác? Như thể trạng người đó sẵn đã yếu, cộng tác động (điều kiện) của hành vi chửi mà sinh mệt mỏi (mà anh ta lại là lao động chính trong gia đình -> hệ quả là đời sống gia đình không được bảo đảm -> và lại thành một gánh nặng cho xã hội). Nếu có biết đến Quy luật nhân quả trong triết học thì ta biết là điều kiện khác nguyên nhân rồi. Hay người này có trái tim quá nhạy cảm, yếu ớt, không chịu được những va đập của cuộc sống. Vì thế mặc dù hành vi chửi chỉ ở mức độ nhẹ (ví như là một hai câu) mà sinh ra ngã bệnh. Vậy liệu lỗi có hoàn toàn là từ ''''chửi'''' không?
    Xưa Khổng Minh làm cho Chu Du phải hộc máu mà chết. Nhưng liệu Du không tự phụ và kiêu căng thì kết cục cuối cùng có như vậy không?
    Đó là ý kiến của em. Các bác cứ phản biện lại nhá.
    p/s: nếu kiện thì có thể tuỳ vào hành vi chửi mà xem xét nên có thể chiểu theo ''''xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác'''' không? (nhưng theo như em được nghe nói thì ở VN mình chưa từng có trường hợp tiền lệ về kiện kiểu này)

    No sign!!!
  4. Giaaotuicom

    Giaaotuicom Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2003
    Bài viết:
    65
    Đã được thích:
    0
    Phải rồi, Constancy! Phản hồi của Cons. là tất cả những điều chúng ta muốn làm. Chúng ta đã đặt ra câu hỏi là "liệu câu chửi cần bị trừng phạt như thế nào" và chúng ta đã cố gắng đi tìm câu trả lời. Câu trả lời của chúng ta đã dựa trên những nguyên tắc xét đoán thông thường (nói như người Việt ta là về mặt tình mà nói) và các nguyên tắc pháp lý (được làm những gì pháp luật không cấm và quan hệ nhân quả). Như vậy có thể nói bằng phương pháp Socrat, chúng ta đang ở trên con đường tìm câu trả lời cuối cùng và những câu trả lời ở đây đã có những cơ sở để bảo vệ nó (về cả lý và tình).
    Về paraphap 2 của Cons. tôi xin có thêm ý kiến là pháp luật do con người làm ra (nhân tạo) chứ không phải thiên nhiên sẵn có (kiến tạo). Vì vậy, pháp luật được ra đời, bổ sung hay huỷ bỏ hoàn toàn do ý chí của con người. Một hành vi có thể trước đây không bị coi là hành vi phạm tội hình sự nhưng một ngày có thể trở thành một tội danh. Điều này có thể kiểm chứng qua các đợt sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự. Nếu đa số ý chí một cộng đồng cho rằng một hành vi xứng đáng bị trừng phạt về mặt hình sự thì hành vi đó sẽ trở thành một tội danh mới trong BLHS.
    Mở rộng ý kiến para. 3 của Cons. tôi thử đặt câu hỏi là nếu người bị chửi bị ốm thật thì lúc đó có thể kiện người chửi đòi bồi thường hay không? Cơ sở nào để cho ta có thể kiện? Ngoài quan hệ nhân - quả như Cons. nói thì còn cần điều kiện gì khác mới có thể yêu cầu đòi bồi thường? Việc đòi bồi thường thiệt hại cá nhân thuộc ngành luật nào điều chỉnh? Việt Nam mình đã có quy định nào về đòi bồi thường thiệt hại gây cho cá nhân chưa?
    Mạo muội có mấy ý kiến cho diễn đàn!
  5. satthutinhdoi

    satthutinhdoi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    958
    Đã được thích:
    0
    Hồi đó em chưa học luật hợp đồng , nên không theo được với các bác , bây giờ em có học được tí xíu, ( 2 buổi), hiểu được tí xíu thì thấy hơi bị hay, không biết các bác định bàn tiếp hay không
    To bác Giaaotuicom
    Trở lại câu hỏi của bạn. Bạn có hai ý kiến: (1) là có hành vi vi phạm hợp đồng; (2) liệu hành vi chửi đó có phải chịu trách nhiệm gì không. Lý do tôi viện dẫn cuốn phim "The paper chase" là muốn nói với bạn (với tư cách một người có chút ít kinh nghiệm hơn) rằng bạn cần nghĩ xem: (1) liệu những thoả thuận về giá của chiếc áo đó đã hội đủ các điều kiện để lập nên một hợp đồng hay chưa hay đấy mới chỉ là lời đề nghị (offer) và một đề nghị mới (counter-offer) và lúc này giữa người bán và người mua chưa tồn tại một hợp đồng vì chưa có sự chấp thuận (acceptance). Đến đây chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng quan hệ giữa người bán và người muốn mua chưa phải quan hệ hợp đồng cũng như chưa có việc vi vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng
    En thì chưa hiểu được ý của bác , không biết cái này có tương tự như ý của bác không
    Sự thỏa thuận phải nhầm tạo lập hiệu lực pháp lý ( có nghĩa là làm phát sinh thay đổi chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự)
    vậy căn cứ vào đâu để biết được 1 thỏa thuận đã có hiệu lực pháp lý
    Ví dụ , A rủ B đi đánh bóng bàn, A nói ai thua thì bao người kia 1 chầu bia , B thua , B phải bao A 1 chầu bia, như vậy sự thỏa thuận đến đây đã có hiệu lực pháp lý chưa . Giả sử khi đang uống bia , B khui được lon bia có trúng thưởng 1 chiếc xe toyota thì chiếc xe này thuộc về A hay B
    mong được thỉnh giáo các bác
    Hôm qua lỡ chạm tay nhau
    Về nhà ấy có bị đau không nào
  6. Giaaotuicom

    Giaaotuicom Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2003
    Bài viết:
    65
    Đã được thích:
    0
    Bản thân các bên thoả thuận không thể [và không cần] ý thức rằng thoả thuận của mình phải nhằm tạo ra một hiệu lực pháp lý. Cái này là của pháp luật, vốn tồn tại sau sự tồn tại của các giao dịch dân sự, áp đặt cho các bên hợp đồng. Sự áp đặt này nhằm bảo vệ lợi ích công cộng, hạn chế các thoả thuận không lành mạnh (trong vụ án N-m C-m có nhiều thoả thuận loại này như thoả thuận loại bỏ tính mạng một người, thoả thuận đánh bạc v.v.) Các bên chỉ cần có thoả thuận và cần ý thức được rằng phải tôn trọng thoả thuận đó. Nếu thoả thuận được pháp luật công nhận [và như vậy sẽ được bảo vệ] thì nó có thể tạm gọi là một hợp đồng [tạm chấp nhận với nhau về mặt thuật ngữ sử dụng]. Hợp đồng là một thoả thuận nhưng tất cả mọi thoả thuận không phải đều là hợp đồng. Nếu thoả thuận không được pháp luật thừa nhận thì vẫn có biện pháp để buộc bên kia thi hành [nhờ đòi nợ thuê chẳng hạn]. Nói thế này khá là mơ hồ và khó hiểu đối với một người chưa quan tâm nhiều đến luật dân sự, vậy chỉ xin lưu ý bạn rằng lời hứa cần được tôn trọng. "Nói lời phải giữ lấy lời." Nếu không giữ thì hoặc thông qua pháp luật hoặc thông qua các kênh khác bên kia vẫn có thể buộc bạn phải giữ lời hứa của mình. Nguời ta bỏ qua lời hứa của người khác vì có những lý do như giá trị quá nhỏ hay ngại mất thời gian với toà án v.v.
    Về ví dụ cụ thể của bạn, xin trả lời cụ thể là nó tuân thủ mọi điều kiện của Điều 131 BLDS vì vậy được coi là có hiệu lực [pháp lý]. Nói lan man một chút: yêu cầu thứ tư về hình thức của hợp đồng là một yêu cầu lỗi thời và hoàn toàn bất lợi cho các bên giao kết hợp đồng.
    Về câu chuyện khui nắp bia trúng thưởng. Bản chất của vấn đề theo tôi hiểu là câu hỏi ai là chủ sở hữu của cái nắp bia trúng thưởng đó. Nếu B khao và mở nắp bia thì không phải bàn cãi gì nhiều, B là chủ sở hữu. Nhưng giả định (1) A khao (người trả tiền) hoặc; (2) A khao nhưng nói với ông chủ quán rằng hôm nay uống chịu (thanh toán chậm) hoặc; (3) uống chịu và lô bia đó là của hãng mang đến và nói với ông chủ quán rằng cứ dùng đi bán được thì bán nếu không trả lại hoặc; (4) B mở ra nhưng tưởng là không trúng thưởng nên cho đứa trẻ hàng xóm để nó sưu tầm, sau mới biết nắp lon đó trúng thưởng thì xác định ai là chủ sở hữu không dễ dàng. Trong 4 giả định trên ai sẽ là chủ sở hữu của nắp lon? Tôi thì có câu trả lời ban đầu của riêng mình nhưng cũng muốn bạn tìm hiểu để có câu trả lời của riêng mình. Như vậy giúp bạn sẽ có một cái gì đó bổ sung vào 2 tiết học hợp đồng.
    Nói lan man: tôi nghĩ một trong những nội dung cần thay đổi trong chương trình của trường luật là nên dạy chừng 200 tiết về luật hợp đồng và chừng đó về luật hình sự. Như vậy nó sẽ có ý nghĩa hơn so với việc giảng dạy các môn về triết học, bản chất nhà nước v.v. Các bạn ra đời sẽ gặp những câu hỏi về dân sự, hình sự chứ không ai hỏi các bạn về triết học hay bản chất nhà nước cả! Đấy là những kiến thức không có giá trị thực tế và có thể nói là vô bổ (tôi phải nói thật điều này dù có thể làm ai đó phật lòng). Tôi không dám dạy khôn những ai đã trưởng thành nhưng với những sinh viên thì tôi thấy nên nói với họ những điều này.
  7. satthutinhdoi

    satthutinhdoi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    958
    Đã được thích:
    0
    Mong bác thông cảm cho em vì em post bài với tốc độ hơi chậm ( trình độ hơi bị ít mà luật thì hơi bị dày, nhiều tình huống ), chắc lần sau em sẽ quen hơn và post bài nhanh hơn
    Nếu B khao và mở nắp bia thì không phải bàn cãi gì nhiều, B là chủ sở hữu. Nhưng giả định (1) A khao (người trả tiền) hoặc; (2) A khao nhưng nói với ông chủ quán rằng hôm nay uống chịu (thanh toán chậm) hoặc; (3) uống chịu và lô bia đó là của hãng mang đến và nói với ông chủ quán rằng cứ dùng đi bán được thì bán nếu không trả lại hoặc; (4) B mở ra nhưng tưởng là không trúng thưởng nên cho đứa trẻ hàng xóm để nó sưu tầm, sau mới biết nắp lon đó trúng thưởng thì xác định ai là chủ sở hữu không dễ dàng. Trong 4 giả định trên ai sẽ là chủ sở hữu của nắp lon?
    TH1 : B khao B mở nắp bia, bia là động sản B tuy có hứa khao A nhưng A chưa nhận nó và B vẫn cầm trong tay, vậy khi B mở nắp thì nó vẫn thuộc sở hữu của B
    TH2: B trao A chai bia và A mở nắp , lúc này lúc này A đã xác lập quyền sở hữu đối với chai bia, vì B đã tặng A và A đã nhận tài sản (đ162)
    TH3:A khao nhưng A trả chậm : Thì A có nghĩa vụ trả tiền cho chủ quán theo thỏa thuận mua bán , còn thời điểm chuyển quyền sở hữu được chuyển cho A từ khi A nhận được chai bia theo khoảng 1 điều 432, Vậy nếu a đã cầm chai bia, thì dù có mua chịu hay không chai bia đã thuộc về A
    TH4: "uống chịu và lô bia đó là của hãng mang đến và nói với ông chủ quán rằng cứ dùng đi bán được thì bán nếu không trả lại hoặc" Ở đây A là người chiếm giữ ngay tình vì không biết chai bia là không phải của chủ quán ,Vậy A vẫn là chủ sở hữu chai bia và đại lý bia mất quyền kiện đòi vì a là người chiếm giữa ngay tình
    TH5:"B mở ra nhưng tưởng là không trúng thưởng nên cho đứa trẻ hàng xóm để nó sưu tầm, sau mới biết nắp lon đó trúng thưởng " Khi B mở ra thì B là chủ sở hữu vì A tặng B và B đã nhận , khi B cho đứa bé sưu tập nắp chai mà không đòi đền bù thì nếu em bé cầm nắp chai thì em bé đã là chủ sở hữu nắp chai theo điều 462 về tặng cho động sản
    Vài ý kiến mong được thỉnh giáo bác,
    Hôm qua lỡ chạm tay nhau
    Về nhà ấy có bị đau không nào
  8. satthutinhdoi

    satthutinhdoi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    958
    Đã được thích:
    0
    nhưng 1 điều em vẫn suy nghĩ không ra là , các chủ đại lý hay các tiệm bia thường thì bán nước bia chứ không có bán chai bia, vì họ thường thu chai bia về để đổ nước bia khác
    Chai bia là vật chính nắp bia là vật phụ , nghĩa là nắp bia trước sau gì cũng là của công ti bia
    Vậy chẳng lẽ công ty bia tự thưởng cho mình à
    Có chính vì vậy mà công ty bia thường ra khẩu hiệu, mở nắp bia trúng thưởng . Nếu như vậy thì người trúng thưởng không phải là chủ quán cũng chẳng phải là hành khách mà thuộc về người làm của chủ quán vì khi họ mang bia ra họ thường khui luôn chai bia. Vậy thì cũng quá vô lý vì khi nói "mở nắp bia trúng thưởng thì đối tượng của công ti bia chính là hành khách "
    Còn trường hợp công ty bia chỉ thu chai bia mà không thu nắp bia, chủ quán bán nước bia mà thu lại chai bia nắp bia, hay khi khui xong quăng nắp bia xuống đất ?
    nếu vậy thì nắp bia là vật vô chủ và phải 1 năm sau thì người chiếm hữu mới có thể trở thành sở hữu nắp bia đó vậy thì lúc này thời hạn lãnh thưởng chắc gì còn. Nó cũng vô lý luôn
    Đến đây thì nhứt đầu quá , và vẫn chưa hiểu gì hết, khó thật bác nhỉ
    Hôm qua lỡ chạm tay nhau
    Về nhà ấy có bị đau không nào
  9. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Em có lời bàn thêm một chút về ý này của Satthu mà anh Giaaotuicom chưa đề cập đến.
    Anh Giaao đã nói đến chuyện khi nào thì một thoả thuận có hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, em nghĩ cốt lõi của vấn đề là satthu chưa hiểu thế nào là đề nghị và chấp nhận đề nghị? Có lẽ là chưa học đến. Có thể hiểu nôm na thế này satthu ạ. Khi bạn (bên A)đưa ra một lời đề nghị, đó là bạn muốn nhận được câu trả lời của bên kia (bên B). Nếu bên B chấp nhận toàn bộ những nội dung chủ yêu của đề nghị của A thì coi như một hợp đồng đã được hình thành (tuy nhiên hợp đống đó phải đáp ứng đủ 4 điều kiện của điều 131). Còn nếu bên B lại đưa ra một lời đề nghị mới, như trong ví dụ mua hàng của bài đầu tiên đề cập đến thì khi đó hợp đồng chưa được hình thành. Chỉ khi nào lại có sự chấp nhận của bên A với toàn bộ nội dung chủ yếu lời đề nghị mới của B thì hợp đồng mới hình thành. (Theo như mình nhớ thì phần này được ngay bài đầu tiên về hợp đồng mà)
    Nhân đây cũng xin chia sẻ suy nghĩ với các bạn về việc giảng dạy môn Luật dân sự ở VN. Luật dân sự mà một môn học cơ bản trong lĩnh vực Luật tư. Từ đó nó giúp ta có một khái niệm nền tảng để học tiếp những môn học tiếp theo có liên quan. Ví dụ như sau này học về Hợp đồng kinh tế hay hợp đồng thương mại mà những kiến thức về Luật hợp đồng của Luật dân sự hổng sẽ là một thiệt thòi rất lớn. Hay những kiến thức của Tư pháp quốc tế, thương mại quốc tế cũng rất cần phải nắm vững Luật dân sự thì mới học tốt được. Vậy nhưng qua hai cơ sở đào tạo mà em đã và đang theo học, những kiến thức về Luật dân sự cung cấp cho bọn em quá ít (không phải là thời lượng học ít như anh Giaao nói. Bản thân em thì thấy nó quá nhiều nhưng việc giảng dạy không có hiệu quả lắm. Cũng phải nhận một phần là lỗi của sinh viên bọn em không chăm chỉ nhưng các thầy cô cũng cứ thử đi dạy đúng giờ, giảng cặn kẽ, lấy nhiều ví dụ, đừng có chỉ đọc Luật cho chép thì kiến thức về Luật dân sự có tốt hơn không?). Tóm lại thì lại khổ cho sinh viên, tự học là chính.

    No sign!!!
  10. Giaaotuicom

    Giaaotuicom Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2003
    Bài viết:
    65
    Đã được thích:
    0
    Tôi xin lỗi vì mấy hôm rồi bận quá. Nay xin tiếp tục trao đổi với các bạn như sau:
    (1) Theo ý kiến của tôi thì thoả thuận rằng ai thua sẽ phải trả tiền bia là thoả thuận thuộc loại "hứa thưởng và thi có giải" trong Bộ luật dân sự Việt Nam. Các nhà làm luật sử dụng thuật ngữ "hứa thưởng và thi có giải" này có phần không chính xác, khiến cho nhiều người bị ấn tượng rằng nó chỉ liên quan đến những giao dịch dạng như mở nắp bia trúng thưởng, đường lên đỉnh Olympia hay quay xổ số v.v. Theo tôi nghĩ nếu các nhà lập pháp sử dụng thuật ngữ "điều kiện" thì chính xác hơn. Điều kiện ở đây được hiểu là nếu cậu làm cho tớ cái gì [hoặc cái gì xảy ra] thì tớ sẽ làm cho cậu cái gì [thì cái khác sẽ xảy ra]. Thoả thuận khao bia thể hiện theo nghĩa điều kiện như sau: "Nếu cậu mà thắng tớ, tớ sẽ khao bia cậu" và ngược lại. Thoả thuận này nhìn về hình thức rất dễ bị lầm với thoả thuận tặng cho [khao đãi]. Tuy nhiên, ở đây có điểm khác biệt về bản chất là một bên không có ý chí tặng cho [chuyển giao quyền sở hữu] cho bên kia.
    2. Khi chúng ta chấp nhận với nhau rằng thoả thuận khao bia nếu thắng là thuộc loại thoả thuận "hứa thưởng và thi có giải" thì bây giờ là vấn đề vậy ai là chủ sở hữu của nắp lon trúng thưởng. Bộ luật dân sự Việt Nam không có quy định nào liên quan giải quyết vấn đề này, vì vậy chúng ta cần vận dụng các quy định liên quan và nguyên tắc xét đoán thông thường. Quy định liên quan ở đây là: (1) quy định tại BLDS về người hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thoả mãn yêu cầu của mình (có nắp lon trúng thưởng); (2) trong lời quảng cáo của mình các hãng thường có câu "ai mở nắp lon có hình (ví dụ một con voi) thì trúng thưởng một con voi. Vậy người nào mở nắp lon trúng thưởng thì sẽ trúng thưởng. Ở đây chúng ta không thể không sử dụng nguyên tắc xét đoán thông thường là trong những lời hứa thưởng kiểu này số người dành được giải thưởng là rất hãn hữu. Đó là những người may mắn. A là người may mắn vì đã mở được nắp lon trúng thưởng, A phải được hưởng cái lộc của mình. "Lộc của ai, người ấy hưởng". B cần coi mình là người kém may mắn chứ không nên viện dẫn rằng tôi đã mua lon bia, vậy nó thuộc sở hữu của tôi. B đã rất nhiều lần mua loại bia đó nhưng không trúng thưởng cũng như bao người khác. Tuy nhiên, về mặt đạo lý thì A cần chia cho B một phần may mắn của mình. "Lộc bất khả tận hưởng." Lộc không nên hưởng một mình. Trước đây toà án TPHCM cũng thụ lý một vụ tương tự như thế này thì phải. Không có điều kiện theo dõi nên tôi không biết toà án đã xử như thế nào. Bạn nào biết cho tôi biết với.
    3. Các thoả thuận trả chịu hay để đấy rồi trả sau [trả chậm, trả dần] đều là các thoả thuận mua bán có hiệu lực khi giao hàng.
    4. Về thoả thuận cho vé số vì nhầm tưởng là không trúng. Trước đây TA TPHCM cũng thụ lý một vụ án vé số tương tự. Tôi không biết phán quyết của toà án thế nào, bạn nào biết cũng cho biết luôn. Tôi nhớ thì người tặng cho đã viện lý do nhầm lẫn. Nước mình không may mắn đã theo mô hình luật dân sự Đức với những lý thuyết rất rắc rối. Một trong những lý thuyết đó là nhầm lẫn được hiểu như thế nào. Các nhà lập pháp Đức ngày xưa, căn cứ theo môn tâm lý học, mà chia ý chí của một bên hợp đồng thành hai giai đoạn. Ý chí nội tâm và ý chí biểu hiện. Ý chí nội tâm là ví dụ bạn nhìn thấy một chiếc xe đạp khung nam rất đẹp, màu xanh của hoà bình, hy vọng v.v. Bạn tự nhủ rằng nếu có chiếc xe này đến đón em chiều Thứ Bảy thì quá nên thơ vì vậy đã ngỏ ý muốn mua với cửa hàng xe. Hành vi ngỏ ý mua là ý chí đã được biểu hiện ra ngoài. Khi có sự trùng hợp giữa ý chí nội tâm và ý chí biểu hiện thì ý chí của một bên hợp đồng hình thành. Nếu có sự trùng hợp về ý chí [muốn mua xe đạp màu xanh - muốn bán (để có lời)] thì một hợp đồng được coi là đã được giao kết. Nhầm lẫn được các nhà lập pháp hiểu là không có sự trùng hợp giữa ý chí nội tâm và ý chí biểu hiện. Người nhầm lẫn đã không thể hiện đúng ý chí của mình nên ở đây không có sự trùng hợp về ý chí giữa các bên. Trong trường hợp mua xe đạp sự nhầm lẫn thường xảy ra là nói nhầm với cửa hàng xe là mua chiếc xe màu đỏ. Trong trường hợp này người mua xe đã có sự nhầm lẫn và vì vậy hợp đồng được coi là vô hiệu.
    Trong thoả thuận tặng cho nắp lon trúng thưởng tôi thấy có sự nhầm lẫn giữa ý chí nội tâm (tưởng là không trúng) và ý chí biểu hiện (tặng cho) nên A cần được hoàn trả nắp lon trúng thưởng của mình.

Chia sẻ trang này