Bí mật của các thiên tài Tại sao trên thế giới có những bậc thiên tài, nhưng cũng lại có những người làm gì cũng hỏng? Tại sao cùng được hưởng một nền giáo dục như nhau mà cậu kia thì học giỏi thế, còn cậu này cứ đì đẹt mãi ở điểm trung bình...? Phải chăng, những người tài có gì đặc biệt? Sự đặc biệt trước tiên chính là ở chỗ, ở các học sinh giỏi, hai bán cầu não hoạt động nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin cho nhau hiệu quả hơn ở các học sinh có sức học trung bình. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, khả năng hoạt động khác nhau của bộ não ở các học sinh giỏi và học sinh trung bình trong thực nghiệm trên có thể do sự khác nhau của thể chai - một bộ phận của não được tạo nên từ các bó dây thần kinh tập trung với mật độ cao. Thể chai chính là đường "cáp quang" của bộ não, nối hai bán cầu não trái và phải với nhau. Các thông tin từ một bán cầu não có được chuyển tải đầy đủ và kịp thời sang bán cầu não bên kia hay không phụ thuộc vào "chất lượng" của tuyến cáp quang nào. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thể chai ở những người thuận tay trái thường lớn hơn bình thường. Đây rất có thể là một trong những lý do giải thích tại sao rất nhiều nhà toán học nổi tiếng lại là người thuận tay trái. Các nhà nghiên cứu cũng cho hay có thể hormon testosteron đóng một vai trò nhất định trong việc tạo nên khả năng tư duy toán học ở nam nên phần lớn các thiên tài toán học là nam giới. Theo đó, các thần đồng toán học thường là các em trai, thuận tay trái, cận thị, có khả năng mắc bệnh dị ứng, đau nửa đầu và một số bệnh liên quan đến rối loạn hệ miễn dịch cao hơn mức bình thường. Theo Michael O''Boyle, giáo sư tâm lý học tại Đại học tổng hợp Melbourne, các tài năng, không chỉ trong toán học mà trong các lĩnh vực khác, như âm nhạc, hội họa đều "sở hữu" một bộ não có khả năng tự tổ chức hoạt động khác thường. Một trong những điều khác thường đó là khả năng vận dụng và phối hợp cả hai bán cầu não cùng lúc tốt hơn người bình thường. Khả năng này có thể được tác động nhờ sự rèn luyện, học tập hoặc các yếu tố chủ quan khác hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Các nhà khoa học cũng đã tìm được một số bằng chứng cho thấy yếu tố kinh nghiệm có thể có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của não. Ví dụ, những người chơi nhạc cụ dây xuất sắc sẽ có vùng chức năng điều khiển tay trái trong não lớn hơn bình thường vì khả năng sử dụng tay trái điêu luyện rất cần thiết trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để khẳng định được mức độ ảnh hưởng của giáo dục đối với sự hình thành một tài năng và áp dụng những kết quả nghiên cứu nói trên vào đào tạo nhân tài thì còn rất nhiều vấn đề phải xem xét. Cũng theo Michael O''Boyle, cho dù giáo dục và những tác động chủ quan của con người có thể có những ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến hoạt động của bộ não thì cũng không thể dựa vào đó để cố nhào nặn ra một tài năng bằng bất cứ giá nào. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ không thể tạo ra một thiên tài từ một bộ não hoàn toàn không có một chút năng khiếu "trời cho" sẵn có nào.
====> Các pác về nhà chịu khó tập thể dục để sản sinh nhiều hocmon testosteron --->phát triển khả năng tư duy toán học .Luyện tay trái để phát triển bán cầu não phải --->cân bằng & hài hoà hai bán cầu.