1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Bình Định xưa

Chủ đề trong 'Bình Định' bởi tranhanam, 13/09/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. tranhanam

    tranhanam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/06/2003
    Bài viết:
    568
    Đã được thích:
    0
    Bình Định xưa

    Trường Thi Bình Ðịnh

    Ðào Ðức Chương

    Từ thời Gia Long đến Thiệu Trị, sĩ tử các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận được phân phối ứng thí như sau: Các tỉnh từ Ðèo Cả trở ra thi ở trường Thừa Thiên, từ Ðèo Cả trở vào thi ở trường Gia Ðịnh.

    Ðến năm Canh Tuất (1850), Tự Ðức thứ 3 mới bắt đầu thành lập trường thi Bình Ðịnh để nhận thí sinh các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa. Về sau, trường Bình Ðịnh còn nhận thêm thí sinh của tỉnh Bình Thuận rồi Ninh Thuận. Nếu không kể trường thi An Giang lập năm 1863, mở một khoa rồi phải xóa tên vì bị Pháp chiếm, thì có thể nói trường thi Bình Ðịnh là trường thứ 7, ra đời muộn nhất, sau cả trường Thanh Hoá , được tái sinh (1848).

    VÀI NÉT SƠ LƯỢC:

    Trường thi Bình Ðịnh được xây dựng trên nền đất gò, thuộc thôn Hòa Nghĩa, tổng Thời Ðôn, huyện Tuy Viễn phủ An Nhơn. Trường thi nằm phía tây nam thành Bình Ðịnh và hữu ngạn nam phái Sông Côn, lại gặp khúc cong nên 3 mặt tây, bắc, đông đều có sông ngăn cách, tiện cho việc canh phòng. Khu vực trường thi là một cái nền rộng, chu vi chừng 1.000 mét, cao gần 2 mét, xây bằng đá ong, mặt nền bằng phẳng và lộ thiên. Ðến kỳ mở khoa thi, quan tỉnh mới sai dựng hàng rào dày xung quanh, cất nhà tạm cho quan trường và chia vi cho thí sinh.

    Ngày thi, sĩ tử được gọi vào vi đã phân lô, tự cất lều để làm bài suốt một ngày. Tuyệt đối không được qua lại lều người khác trong giờ thi.

    Khoa Nhâm Tý (1852), Tự Ðức thứ 5, trường Bình Ðịnh mở khoa thi đầu tiên. Bộ Lễ qui định số người đậu Cử Nhân trên toàn quốc mỗi khóa là 124 người, phân định cho các trường như sau:

    Thừa Thiên lấy đậu 20 người, Nghệ An 18 người, Thanh Hóa 20, Nam Ðịnh 20, Hà Nội 20, Bình Ðịnh 13 và Gia Ðịnh 13.

    Bộ Lễ cũng đã xếp trường Bình Ðịnh vào nhóm trường Thừa Thiên, Nghệ An, Gia Ðịnh, tổ chức thi Hương vào tháng bảy âm lịch ở những năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu (định lệ về năm, đôi khi không thực hiện đúng) còn nhóm thứ hai gồm trường Thanh Hóa, Nam Ðịnh, Hà Nội, thi vào tháng chín những năm trên.

    Tính từ khoa Nhâm Tý (1852), Tự Ðức thứ 5, đến khoa Mậu Ngọ (1918), Khải Ðịnh thứ 3 là năm chấm dứt vĩnh viễn nền Hán học, triều đình nhà Nguyễn đã mở 29 khoa thi Hương. Trường thi Bình Ðịnh chỉ tham dự 23 khoa, còn sáu khoa trường này không tổ chức thi bởi các lý do:

    - Năm 1859, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh chiếm thành Gia Ðịnh. Rồi năm 1861, các tỉnh Ðịnh Tường, Biên Hòa thất thủ. Tiếp đến 1862 triều đình ta phải nhường đất ba tỉnh miền Ðông Nam kỳ cho Pháp. Biến cố dồn dập, đất nước có rất nhiều việc khẩn trương phải giải quyết, nên trường thi Bình Ðịnh tạm đóng cửa. Vì vậy, khóa thi năm Tân Dậu (1861), Tự Ðức thứ 14, sĩ tử ở trường Bình Ðịnh phải ra Huế thi chung với trường Thừa Thiên. Còn khoa thi năm Giáp Tý (1864) thì theo lệ cũ, nghĩa là các tỉnh từ Phú Yên tới Quảng Ngãi ra thi ở trường Thừa Thiên; các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận vào thi ở trường An Giang (thay thế cho Gia Ðịnh)

    Năm Quí Dậu (1873), Tự Ðức thứ 26, đúng hạn kỳ mở khoa thi Hương trên toàn quốc (không kể Nam kỳ đã bị Pháp chiếm), thì ở Bắc kỳ lại gặp biến (Hà thành thất thủ lần thứ nhất). Các trường thi Hà Nội và Nam Ðịnh không thi được, nên triều đình mở khoa Giáp Tuất (1874) với tính cách là khoa Quí Dậu triển hạn, để sĩ tử hai trường trên ứng thí. Trường Bình Ðịnh đã mở khoa Quí Dậu nên không mở khoa này.

    Trường Bình Ðịnh còn bị gián đoạn ba khóa nữa. Ðó là khóa Bính Tuất (1886), Ðồng Khánh nguyên niên, trường Bình Ðịnh đã thi xong ở khóa Ất Dậu (1885) nên nay không thi nữa. Ðến khoa thi năm Ðinh Hợi (1887), Ðồng Khánh thứ 2, phong trào Cần Vương ở các tỉnh miền nam Trung Bộ đang lúc sôi động, nên trường Bình Ðịnh không mở được khoa thi, và sĩ tử miền này cũng không ra Huế ứng thí. Rồi khoa thi năm Mậu Tý (1888), Ðồng Khánh thứ 3, tình hình chưa ổn định, trường Bình Ðịnh vẫn bị đình và chỉ một ít sĩ tử miền này ra Huế thi chung với trường Thừa Thiên.

    Căn cứ vào Quốc Triều Hương Khoa Lục của Cao Xuân Dục, bản dịch của Nguyễn Thuý Nga và Nguyễn Thị Lâm, 23 khoa thi của trường Bình Ðịnh gồm:

    1- Khoa Nhâm Tý (1852), Tự Ðức thứ 5, lấy đậu 13 người. Trong đó, Bình Ðịnh 11, có Giải Nguyên. Quảng Ngãi 2, có Á Nguyên.

    2- Khoa Ất Mão (1855), Tự Ðức thứ 8, lấy đậu 13 người. Bình Ðinh 4, có Giải Nguyên. Quảng Ngãi 7, có Á Nguyên. Phú Yên 2.

    3- Khoa Mậu Ngọ (1858), Tự Ðức thứ 11, lấy đậu 13. Bình Ðịnh 1, có Giải Nguyên. Quảng Ngãi 6, có Á Nguyên.

    4- Khoa Ðinh Mão (1867), Tự Ðức thứ 20, lấy đậu 18 người. Bình Ðịnh 14, chiếm cả Giải Nguyên lẫn Á Nguyên. Quảng Ngãi 4. Kể từ khoa này, trường Bình Ðịnh nhận thí sinh của Bình Thuận.

    5- Khoa Mậu Thìn (1868), Tự Ðức thứ 21, lấy đậu 15 người. Bình Ðịnh 8. Quảng Ngãi 7, chiếm cả Giải Nguyên lẫn Á Nguyên.

    6- Khoa Canh Ngọ (1870), Tự Ðức thứ 23, lấy đậu 16 người. Bình Ðịnh 7. Quảng Ngãi 8, chiếm cả Giải Nguyên lẫn Á Nguyên. Phú Yên 1.

    7- Khoa Quí Dậu (1873), Tự Ðức thứ 26, lấy đậu 15 người. Bình Ðịnh 8, có Giải Nguyên. Quảng Ngãi 4. Phú Yên 1. Bình Thuận 2, có Á Nguyên.

    8- Khoa Bính Tý (1876), Tự Ðức thứ 29, lấy đậu 12 người. Bình Ðịnh 7, có Á Nguyên. Quảng Ngãi 3, có Giải Nguyên. Phú Yên 1. Bình Thuận 1.

    9- Khoa Mậu Dần (1878), Tự Ðức thứ 31, lấy đậu 11 người. Bình Ðịnh 6, có Giải Nguyên. Quảng Ngãi 5, có Á Nguyên.

    10- Khoa Kỷ Mão (1879), Tự Ðức thứ 32, lấy đậu 8. Bình Ðịnh 5, có Á Nguyên. Quảng Ngãi 3, có Giải Nguyên.

    11- Khoa Nhâm Ngọ (1882), Tự Ðức thứ 35, lấy đậu 11 người. Bình Ðịnh 6, có Á Nguyên. Quảng Ngãi 5 có Giải Nguyên.

    12- Khoa Giáp Thân (1884), Kiến Phúc thứ 1, lấy đậu 18. Bình Ðịnh 12, có Á Nguyên. Quảng Ngãi 5, có Giải Nguyên. Phú Yên 1.

    13- Khoa Ất Dậu (1885), Hàm Nghi thứ 1, lấy đậu 8. Bình Ðịnh 7, chiếm cả Giải Nguyên và Á Nguyên. Quảng Ngãi bỏ thi.

    14- Khoa Tân Mão (1891) Thành Thái thứ 3, lấy đậu 17 người. Bình Ðịnh 10, có Giải Nguyên. Quảng Ngãi 4, có Á Nguyên. Phú Yên 1. Khánh Hoà 1 và Bình Thuận 1.

    15- Khoa Giáp Ngọ (1894), Thành Thái thứ 6, lấy đậu 19. Bình Ðịnh 9, có Á Nguyên. Quảng Ngãi 5, có Giải Nguyên. Phú Yên 1. Khánh Hòa 1. Bình Thuận 1 và các tỉnh khác 2.

    16- Khoa Ðinh Dậu (1897), Thành Thái thứ 9, lấy đậu 18. Bình Ðịnh 9. Quảng Ngãi 6, chiếm cả Giải Nguyên lẫn Á Nguyên. Phú Yên 2, Khánh Hòa 1.

    17- Khoa Canh Tý (1900), Thành Thái thứ 12, lấy đậu 24 người. Bình Ðịnh 9. Quảng Ngãi 10, chiếm cả Giải Nguyên lẫn Á Nguyên. Phú Yên 1, Khánh Hòa 1. Bình Thuận 3.

    18- Khoa Quí Mão (1903), Thành Thái thứ 15, lấy đậu 18 người. Bình Ðịnh 8, có Giải nguyên. Quảng Ngãi 5. Phú Yên 1. Bình Thuân 1. các nơi khác 3, người Hà Nội đoạt Á Nguyên. Kể từ khóa này có thêm thí sinh tỉnh Phan Rang (tức Ninh Thuận).

    19- Khoa Bính Ngọ (1906), Thành Thái thứ 18, lấy đậu 24 người. Bình Ðịnh 12, chiếm cả Giải nguyên lẫn Á Nguyên. Quảng Ngãi 3. Phú Yên 3. Khánh Hòa 2. Bình Thuận 1. Các nơi khác 3.

    20- Khoa Kỷ Dậu (1909), Duy Tân thứ 3, lấy đậu 16 người. Bình Ðịnh 7, chiếm cả Giải Nguyên lẫn Á Nguyên. Quảng Ngãi 2. Phú Yên 1. Ninh Thuận 2 (tỉnh mới lập, từ năm 1901 đến 1913). Bình Thuận 1. Các nơi khác 3.

    21- Khoa Nhâm Tý (1912), Duy Tân thứ 6, lấy đậu 18 người. Bình Ðịnh 8, có Á Nguyên. Quảng Ngãi 5, có Giải Nguyên. Khánh Hòa 1. Ninh Thuận 1. Các nơi khác 3.

    22- Khoa Ất Mão (1915), Duy Tân thứ 9, lấy đậu 18 người. Bình Ðịnh 10, có Giải Nguyên. Quảng Ngãi 1. Phú Yên 3, có Á Nguyên. Các tỉnh khác 4. Tỉnh Ninh Thuận giải thể, thí sinh lại nhập vào hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận.

    23- Khoa Mậu Ngọ (1918), Khải Ðịnh thứ 3, lấy đậu 12 người. Bình Ðịnh 2. Quảng Ngãi 4, có Giải Nguyên. Phú Yên 2. Các nơi khác 4, người Quảng Nam đoạt Á Nguyên.

    Trên danh nghĩa, trường thi Bình Ðịnh đã đóng góp cho nền Hán học 23 khóa thi Hương, nhưng trên thực tế chỉ có 22 lần thi tại trường Bình Ðịnh. Vì lần thi cuối cùng, khoa Mậu Ngọ (1918), sĩ từ miền này phải vác lều chõng ra Huế để thi trường Thừa Thiên. Nhưng danh sách thí sinh, hạng ngạch lấy đậu và bảng trúng tuyển đều lập riêng, không dính dự gì đến sĩ tử trường Thừa Thiên.

    Số chỉ định trúng tuyển cử nhân ở trường thi Bình Ðịnh, mỗi khóa 13 người. Qui định ấy, giữ đúng được 3 khóa đầu, kể từ lần thứ 4, tức khoa Ðinh Mão (1867), không còn tuân thủ nữa.

    Tổng kết, trường thi Bình Ðịnh đã cung cấp cho đất nước 355 cử nhân Hán học. Trong đó, Bình Ðịnh 186 người, có 12 Giải Nguyên và 10 Á Nguyên. Quảng Ngãi 104 người, có 11 Giải Nguyên và 9 Á Nguyên. Phú Yên 22 người, 1 Á Nguyên. Khánh Hòa 7 người. Ninh Thuận 3 người. Bình Thuận 11 người, có 1 Á Nguyên. và sĩ tử các vùng khác cư ngụ trong vùng này đậu 22 người. Ðó là trường hợp con của các quan theo cha đến lỵ sở, công chức đang làm việc.

    Những người đậu cử nhân trẻ nhất của trường Bình Ðịnh là các ông: Văn Vĩ người thôn Hữu Pháp, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Ðịnh, đậu hạng 12 khoa Mậu Ngọ (1918) lúc 16 tuổi. Rồi đến Trần Quí Hàm người thôn Tri Thiện, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh, đậu Á Nguyên năm Bính Ngọ (1906) lúc 18 tuổi. Và Nguyễn Thuyên, người thôn Nam An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đậu thứ 20 khoa Bính Ngọ (1906) lúc 20 tuổi.

    Những người lớn tuổi nhất còn vác lều chõng đi thi và đậu cử nhân ở trường thi Bình Ðịnh là các ông: Phan Hành người thôn Biểu Chánh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh, đậu hạng 8 ở khoa Quí Mão (1903) lúc 55 tuổi. Võ Văn Quy người huyện Mộ Ðức, tỉnh Quảng Ngãi, đậu hạng 4 ở khoa Giáp Ngọ (1894) lúc 53 tuổi, và Ðinh Hữu Quang người thôn Hưng Lạc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh, đậu hạng 13 cũng khoa Giáp Ngọ lúc 52 tuổi.

    Trường thi Bình Ðịnh cũng có những khoa thi mà danh sách thí sinh trúng tuyển khi bộ duyệt lại, phải thay đổi ở giờ chót, hoặc bị truất bớt, hoặc được thêm vào. Xem ra việc chọn người trúng tuyển ngày xưa rất cẩn trọng, phải qua hai lần duyệt xét, ở trường thi và ở trung ương mới được chính thức đậu.

    - Bộ truất vì có bài bị điểm liệt: Khoa thi Mậu Thìn (1868), trường thi Bình Ðịnh do Bố chánh Quảng Yên là Lê Hữu Tá làm chánh chủ khảo, Toản tu sử quán Phạm Quí Ðôn làm phó chủ khảo, đã lấy 18 người vào bảng cử nhân. Bộ duyệt lại thấy Nguyễn Lương, Phạm Khởi và Lê Văn Cơ có bài bị điểm liệt, nên chỉ cho đậu tú tài. Bảng cử nhân chỉ có 15 người chính thức đậu.

    - Bộ truất vì không có bài được điểm bình trở lên: Khoa thi năm Bính Tý (1876) ban giám khảo trường Bình Ðịnh lập danh sách trúng tuyển là 15 người. Bộ duyệt lại, truất ba người cuối bảng cử nhân là Nguyễn Bá Ðệ, Trịnh Hữu Bằng và Trần Quang Khởi, chỉ cho đậu tú tài, vì thấy trong quyển thi không có điểm ưu hoặc bình.

    - Bộ đánh hỏng vì bài trùng nhau: Việc xét duyệt ở bộ, không chỉ thông qua ở các số điểm ban giám khảo đã cho, mà còn xét rất kỹ từng bài thi. Chẳng hạn, ở khoa Kỷ Dậu (1909), trường Bình Ðịnh do Tham tri bộ Học Ðặng Như Vọng làm chánh chủ khảo và Tế Tửu Quốc Tử Giám Trần Tấn Ích làm phó chủ khảo, lấy đậu 18 người. Bộ duyệt thấy bài kỳ nhất (môn văn sách) của Lê Toại (đậu thứ 15) và Ðoàn Văn Mân (đậu thứ 17) có ba bài trùng nhau và ba bài nhiều đoạn giống nhau nên đánh rớt cả hai.

    - Bộ truất vì bài thi có dấu lạ: Khoa thi Nhâm Tý (1912), Tham Tri Bộ Lại Trần Trạm và Ðốc học trường Hậu bổ Nguyễn Duy Tích được cử làm chánh, phó chủ khảo trường Bình Ðịnh, đã xếp Trần Tuân vào bảng cử nhân và Vũ Liêm Sơn vào bảng Tú tài. Bộ duyệt lại, thấy quyển thi kỳ nhất của Trần Tuân, trong bài văn sách thứ tư ở trên chữ "đệ" có một dấu mực. Theo luật trường thi, phạm phải lỗi thiệp tích, tức là lỗi làm dấu bài để thông đồng với giám khảo. Dù là vết mực vô tình cũng qui tội, nên bộ giáng Trần Tuân xuống bảng tú tài. Nhưng không phải lúc nào bộ cũng tìm cách bắt lỗi thí sinh mà ban giám khảo không thấy hoặc đã bỏ qua. Bộ còn duyệt xét vớt, hoặc ân giảm vài trường hợp:

    - Bộ vớt vì có một bài điểm cao. Ðó là trường hợp của Vũ Liêm Sơn ở khoa Nhâm Tý (1912) điểm hạn ngạch chỉ được đậu tú tài, nhưng kỳ thi chữ Pháp có điểm trội hơn những người tú tài khác, nên bộ vớt lên cho đậu cuối bảng cử nhân.

    - Bộ còn gia ân cho trường hợp của Phạm Thiếu Am, huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận, thi khoa Kỷ Dậu (1909). Bài làm kỳ thứ 3 và kỳ phúc hạch (kỳ 4), chữ viết không giống nhau, nghi là có kẻ làm dùm bài. Nhưng được biết đương sự vừa thi xong thì ngã bệnh, sau khi nghe tin đậu thứ 16 thì bệnh trở nặng và đã chết, nên bộ gia ân miễn xét, vẫn để cuối bảng cử nhân y như ban giám khảo đã xếp hạng.
  2. tranhanam

    tranhanam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/06/2003
    Bài viết:
    568
    Đã được thích:
    0
    (tiếp) TRƯỜNG THI TRONG LỊCH SỬ:
    Trước tình thế căng thẳng của đất nước, Pháp luôn luôn tìm cớ để chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây Nam kỳ, trong cuộc họp các quan đại thần vào những ngày đầu năm Ất Sửu (tháng 2-1865), triều đình quyết định bỏ hẳn ý định dành lại 3 tỉnh miền Ðông. Từ nay chỉ dồn lực lượng giữ các tỉnh còn lại.
    Ðáp ứng với nhu cầu quốc phòng, tháng giêng năm Ðinh Mão (1867), Tự Ðức thứ 20, trường thi Bình Ðịnh bắt đầu mở khoa thi Hương võ. Ðịa điểm thiết lập trường thi Hương võ không xa với trường thi Hương văn, chỉ cách ba thôn về phía Tây và vẫn nằm bên hữu ngạn nam phái sông Côn. Ðó là thôn An Thành, cùng tổng, huyện với thôn Hòa Nghi (thi Hương văn), nhưng nay An Thành thuộc xã Nhơn Lộc. Ðịa bàn thu nhận thí sinh Hương võ của trường cũng từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và cũng theo lệ 3 năm một lần mở khoa thi. Như vậy chỉ sau Hương văn 3 khoa, Hương võ Bình Ðịnh cũng đã cung cấp cho đất nước nhiều võ quan trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng. Trường thi Bình Ðịnh lại một lần nữa không hổ danh, vì đã xây cất từ miền đất mang truyền thống thượng võ:
    Ai về Bình Ðịnh mà coi
    Con gái Bình Ðịnh múa roi, đi quyền.
    Thế rồi, khoa thi Hương năm Ất Dậu (1885), các trường thi khác chưa đến ngày mở khoa, duy có trường Bình Ðịnh đang thi, bỗng nghe hung tin kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi bôn đào. Hội đồng giám khảo quyết định tiếp tục thi cho xong. Tuy nhiên tinh thần sĩ tử không còn hăng hái nữa. Bảng đã yết kết quả kỳ nhất, thí sinh Quảng Ngãi vẫn kéo nhau ra về hết, chỉ còn lại sĩ tử Bình Ðịnh và một số ít các tỉnh khác còn nán lại, tiếp tục thi. Vào phúc hạch chỉ có 8 người đều đậu cả.
    Biến cố ở kinh đô đã kích thích lòng yêu nước của các sĩ tử. Bài Vịnh Sĩ Tử ở trường thi Bình Ðịnh của tân khoa Mai Xuân Thưởng đã phản ánh rõ nét:
    Cửa trường tiếng dạ vẫn còn hơi
    Cờ nghĩa treo lên đã ngất trời
    Ðạo trọng vua tôi mình dám quản
    Oán hờn người Pháp có vơi đâu
    (Khuyết danh dịch)
    Vậy, Mai Xuân Thưởng là ai, đã để lại những gì trong trang sử chống ngoại xâm của nước nhà?
    Nhớ lại, khoa thi năm ấy, trường thi Bình Ðịnh do Bố Chánh Quảng Nam BùiTiến Tiên làm chánh chủ khảo nằm mộng thấy một bà lão đem biếu ông một cành mai mà chỉ có một bông nở to, nhụy vàng cánh trắng, tỏa hương dịu dàng thơm phức. Quan đỡ lấy nhành mai, đoá hoa độc nhất ấy rụng vào nghiên son và bà lão biến mất. Tỉnh dậy, ông suy nghĩ mãi về điềm mộng ấy. Ông bèn xem trong danh sách trúng tuyển cử nhân thấy có một người họ Mai, đó là Mai Xuân Thưởng. Xem lại quyển thi, quả thấy văn chương có khí phách, đoán rằng người này sẽ làm nên nghiệp lớn.
    Ngày xướng danh, quan Chánh Chủ Khảo mời riêng Mai công vào phòng, nhắn nhủ: "Lúc này nước nhà còn hay mất, phần lớn là do nơi đám sĩ phu. Làm việc phải hết sức thận trọng".
    Khi ban áo mão cho các vị tân khoa, quan chánh chủ khảo tặng một bài thơ:
    Sơn hà phong cảnh dị tiền niên
    Hoành giám du khan thử địa huyền
    Hận mãn xương môn trần ám ngoại
    Lệ linh văn viện bút đình biên
    Lịch triều giáo dục ân như hải
    Bát giải thanh danh phẩm thị tiên
    Nhất dự y quan nan tự hủy
    Cương thường khán thử cổ anh hiền.
    Bản dịch trong Non Nước Bình Ðịnh:
    Non sông xưa đã khác rày
    Gương "hoành công khí" nơi này còn treo
    Cửa Rồng hận ngất trần hiêu
    Bút hoa tuôn lệ tiêu điều viện văn
    Lịch triều lai láng biển ân
    Dụ hàng bát tuấn thêm phần thanh cao
    A¨o xiêm trót đã buộc vào
    Cương thường noi dấu anh hào nghìn xưa.
    Việc quan Chánh Chủ khảo nằm mộng, viết theo Quách Tấn, chỉ là chuyện tương truyền. Có điều chắc chắn là sau khi lãnh áo mão Cử Nhân vinh qui bái tổ về làng, Mai Xuân Thưởng bắt tay ngay vào việc mộ quân ứng nghĩa và nhanh chóng trở thành một lãnh tụ tài ba của Phong Trào Cần Vương tỉnh Bình Ðịnh.
    Hai mươi năm sau, 1905, trường thi Bình Ðịnh lại xảy ra một sự kiện cũng liên quan đến lịch sử, không những hâm nóng bầu nhiệt huyết của các sĩ tử ở Bình Ðịnh mà còn là " một tiếng sét đánh vang lừng cả nước" (lời Huỳnh Thúc Kháng), mở đầu cho phong trào Duy Tân kháng thuế ở miền Trung (1908).
    Năm ấy, ba vị đại khoa của tỉnh Quảng Nam là Trần Quí Cáp, Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng, cũng là ba nhà chí sĩ cách mạng, rủ nhau vào Nam tìm đồng chí. Lúc đi ngang qua Bình Ðịnh, ông Trần có quen với Nguyễn Quí Anh, con của học giả Nguyễn Thông hiện cư ngụ tại tỉnh này nên ghé lại thăm. Nhân lúc quan Bình Ðịnh mở kỳ thi tuyển sinh, chuẩn bị cho khóa thi Hương năm tới (1906), ba nhà chí sĩ muốn dùng đề thi của quan trường làm tiếng chuông cảnh tỉnh giới sĩ tử, đánh thức họ dậy lo việc cứu nước, không nên đắm mãi trong giấc mộng khoa cử lỗi thời.
    Hôm thi kỳ hai, sĩ tử đông đến sáu bảy trăm người. Viên Ðốc Học Bình Ðịnh là Hồ Trung Lượng, người huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đậu tiến sĩ 1892, vì nhà có tang nên không thể chủ trì cuộc thi, quan đầu tỉnh phải thay thế. Nhân cơ hội ấy, ba chí sĩ giả dạng sĩ tử chen vào trường thi, chia nhau hành động. Ông Trần làm đề phú, ông Phan làm đề thơ, ông Huỳnh lo việc xem xét tình hình. Bài làm, lấy một tên chung là Ðào Mộng Giác, với ý nghĩa là đã tỉnh mộng. Quan trường ra đề phú là Lương Ngọc Danh Sơn, lấy vần "cầu lương ngọc tất danh sơn" (tìm ngọc quí ở nơi núi đẹp có tiếng) và đề bài thơ là Chí Thành Thông Thánh (lòng chí thành, thấu suốt đạo thánh), diễn ra thất ngôn bát cú Ðường luật. Hai ông đã nạp quyển như bao nhiêu thí sinh khác nhưng văn không khai triển đầu bài, chỉ nhắm vào ý hướng khơi dậy lòng yêu nước, khuyên sĩ tử nên bỏ lối học cử nghiệp và mộng làm quan. Xong việc, cả ba vội lên đường, rời khỏi Bình Ðịnh.
    Chấm quyển thi Ðào Mộng Giác, quan trường sửng sốt, choáng váng nhưng không thể dấu nhẹm vì tin tức đã loan khắp. Các quan đành phải đệ quyển thi ấy về triều và khấu đầu chịu tội. Quan đầu tỉnh giận lắm, thét lính bủa vây, buộc phải tìm cho ra thủ phạm. Khổ cho đám sĩ tử vô tội, nhất là những thí sinh họ Ðào bị nghi ngờ xét hỏi đủ điều. Người ta nhắm vào nhóm họ Ðào làng Vinh Thạnh (của Ðào Tấn) và nhóm họ Ðào làng Biểu Chánh (của Ðào Phan Duân) vì hai họ Ðào này có nhiều người theo Cử nghiệp. Trong khi ấy, ba chí sĩ đã vượt địa giới Bình Ðịnh, đang thong dong qua Phú Yên, trên đường vào Nam.
    Sau đó, ông Trần Quí Cáp dịch ra Việt văn cả hai bài ấy, rồi nhờ ông Hồ Thanh Vân bí mật đem ra Bắc, chuyển cho Nguyễn Hải Thần để truyền bá trong đám nho sĩ Bắc Hà.
    Nguyên văn bài Chí Thành Thông Thái của Phan Châu Trinh:
    Thế sự hồi đầu dĩ nhất không
    Giang sơn vô lệ khấp anh hùng
    Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
    Bát cổ văn chương thụy mộng trung
    Trường thử bách niên cam thóa mạ
    Bất tri hà nhật xuất lao lung
    Chư quân vị tất vô tâm huyết
    Bằng hướng tư văn khán nhất thông.
    Trần Quí Cáp dịch:
    Ngoảnh lại giang sơn luống lẩng lơ
    Anh hùng rầu rĩ khóc người sơ
    Muôn dân tôi tớ phường quyền mạnh
    Tám vế văn chương giấc ngủ mơ
    Dày mặt mỉa mai đành chịu mãi
    Thoát thân trói buộc biết bao giờ
    Người ta ai cũng tâm can ấy
    Nghĩ đến văn này đã thấm chưa?
    Bài thơ trên và bài phú dưới đây, hiện nay có nhiều bản dịch hay hơn bản dịch của Trần Quí Cáp, nhưng bản đầu tiên vẫn có gía trị lịch sử vì đã được các nhà chí sĩ thuở ấy bí mật phổ biến khắp nơi.
    Nguyên tác bài Lương Ngọc Danh Sơn Phú có 6 vần, gồm 38 câu bằng Hán văn. Tác giả đã dịch ra Việt văn bằng thể thơ song thất lục bát, cả thảy 84 câu. Dưới đây là đoạn đầu và đoạn cuối:
    Kìa châu Á trong vòng hoàn hải
    Khi đồng bào vác nỗi mây tuông
    Ngắm xem một cõi dinh hoàn
    Ðều trông thấy kẻ lo buồn xiết bao
    Việc thế sự xôn xao sóng bể
    Mặt anh hùng rầu rĩ non sông
    Nói ra ai chẳng thẹn thuồng
    Sao ta cứ một cái lòng thế thôi?
    Sực thấy chữ tương lai mà sợ
    Còn mơ màng giấc ngủ như không
    Ai ôi đứng dậy mà trông
    Nước ta một góc Á Ðông kém gì!
    Trên Hồng Lạc dưới thì Trần Lý
    Kẻ nhơn tâm sĩ khí ai bì
    Kìa xem Lãnh Biểu xưa kia
    Mã Nhi thuở nọ còn bia đành rành
    Một trận đánh Chiêm Thành đã khiếp
    Bấy nhiêu năm Chân Lạp mở cương
    Nước ta xưa vẫn phú cường
    Những điều hay lạ có nhường chi ai...
    ...Việc nhơn thế thử coi mà gẫm
    Vận tang thương một bóng xanh xanh
    Trời Nam bể Sở mông mênh
    Cái thân chích địa nghĩ mình xót xa
    Nhìn thu lạnh sương sa lác đác
    Cửa thần môn lén bước, buớc ra
    Ngắt trời một giải xa xa
    Thuyền tiên trông đã vượt xa non thần
    Bến Dịch Thủy chần ngần đứng nghỉ
    Tiễn đưa người giọt lệ chứa chan
    Một lời như khóc như than
    Thôi còn Lương Ngọc, Danh Sơn làm gì?
  3. tranhanam

    tranhanam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/06/2003
    Bài viết:
    568
    Đã được thích:
    0
    (tiếp) GÓP VÀO ÐẤT NƯỚC:
    Ðiều đáng nói là trường thi Bình Ðịnh đã đóng góp cho đất nước những anh hùng cứu nước, những nhân tài, những bậc đại khoa.
    Các thủ lãnh của Phong Trào Cần Vương (1885) ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa hầu hết xuất thân từ trường thi Bình Ðịnh:
    - Lê Trung Ðình (1863-1885) đậu cử nhân thứ 17 khoa Giáp Thân (1884), người thôn Phú Nhơn, huyện Bình Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, là lãnh tụ phong trào Cần Vương tỉnh Quảng Ngãi.
    - Nguyễn Tự Tân (?...1885), đậu tú tài, người thôn Phước Thọ, huyện Bình Sơn, cùng Lê Trung Ðình và Vũ Hội dựng cờ khởi nghĩa, chiếm tỉnh thành Quảng Ngãi được 5 ngày.
    - Nguyễn Duy Cung (1843-1885) đậu Á Nguyên khoa Mậu Thìn (1868), người thôn Vạn Tượng, huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nay thuộc xã Tư Nguyên, huyện Tư Nghĩa, bỏ chức án sát Bình Ðịnh để gia nhập cuộc ứng nghĩa ở Bình Ðịnh, làm tham mưu cho nguyên Tổng Ðốc Ðào Doãn Ðịch.
    - Mai Xuân Thưởng (1860-1887), đậu cử nhân thứ 7 khoa Ất Dậu (1885), người làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, tức thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, quận Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn). Ông là lãnh tụ Cần vương có óc tổ chức, có tài thao lược. Từ hai bàn tay trắng, tiếp nhận 600 quân của Ðào Doãn Ðịch, ông đã gầy dựng một lực lượng kháng chiến hùng hậu, với các chiến khu Lộc Ðổng, Linh Ðổng và Hương Sơn.
    - Nguyễn Trọng Trì (1854-192), đậu cử nhân thứ 8 khoa Bính Tý (1876), người thôn Vân Sơn, tổng Thời Ðôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, nay là thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, giữ chức Hiệp Trấn thứ Hương Sơn trong lực lượng Cần Vương của Mai Xuân Thưởng.
    - Võ Phong Mậu, đậu cử nhân thứ 5 khoa Quí Dậu (1873), người thôn Kiên Phụng, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, nay là thôn Thuận Hạnh, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn (tức Bình Khê) tỉnh Bình Ðịnh, giữ chức Tham Trấn thứ Hương Sơn, trong lực lượng của Mai Xuân Thưởng.
    - Nguyễn Thành Phương, đậu tú tài, là thủ lãnh Cần Vương nổi tiếng nhất của Phú Yên, bản doanh đặt tại đèo Quán Cau, thuộc huyện Tuy An.
    - Nguyễn Khanh, đậu tú tài, cùng với Trần Ðường, Trịnh Phong ứng nghĩa Cần Vương ở Khánh Hòa. Ông được phong Tán Tương Quân Vụ, đóng quân tại trung tâm tỉnh, lo việc tuyển quân và tiếp tế lương thực cho hai mặt trận phía bắc và phía nam của tỉnh.
    Ðến phong trào Duy Tân, chống sưu kháng thuế ở miền Trung năm 1908, các thủ lãnh và ban chỉ đạo của phong trào phần lớn đều xuất thân từ trường thi Bình Ðịnh.
    Ở Quảng Ngãi, các cử nhân đã lãnh đạo phong trào tại tỉnh nhà gồm có:
    - Nguyễn Sụy (?...1916) đậu thứ 9 khoa Quí Mão (1903), người thôn Hổ Tiếu, huyện Chương Nghĩa, nay là xã Tư Nguyên, huyện Tư Nghĩa. Án khổ sai 9 năm, đày Côn Ðảo. Năm 1916, tham gia cuộc khởi nghĩa Duy Tân, việc bại lộ, ông tự sát trong ngục (1)
    - Lê Ðình Cẩn (1870-1914), đậu thứ 3, cùng khoa với Nguyễn Sụy. Người thôn Hòa Vinh, huyện Chương Nghĩa, nay thuộc huyện Tư Nghĩa. Án đày Di Lăng, rồi Côn Ðảo.
    - Nguyễn Ðình Quản, đậu thứ 14 khoa Ðinh Dậu (1897), người thôn Phong Niên, tỉnh Quảng Ngãi. Án chém nhưng cải đày Côn Ðảo và chết ở đó.
    - Nguyễn Mân, đậu thứ 15, cùng khoa với Nguyễn Ðình Quản, người thôn Kim Giao, tỉnh Quảng Ngãi. Án đày Côn Ðảo.
    Các tú tài tham gia tích cực phong trào tại tỉnh nhà gồm có:
    Phạm Chẩm và Nguyễn Tuyên, án khổ sai 9 năm đày Côn Ðảo; Nguyễn Thoa, án khổ sai 9 năm; Trần Kỳ Phong (1873-1941) bị đày Côn Ðảo.
    Ở Bình Ðịnh các cử nhân lãnh đạo phong trào gồm có:
    - Hồ Sĩ Tạo (1869-1934), đậu thứ 3 khoa Tân Mão (1891), rồi năm Giáp Thìn (1904) đậu Tiến sĩ. Người làng Hòa Cư, tổng Thời Ðôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, nay là thôn Hòa Cư, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn. Án trảm quyết, cải trảm giam hậu khổ sai chung thân.
    - Lê Chuân (còn gọi là Truân, Quốc Triều Hương Khoa Lục, bản dịch), đậu Giải Nguyên khoa Bính Ngọ (1906), lúc 23 tuổi, người thôn Thanh Lương, tổng Trung, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, nay thuộc huyện Hoài Ân. Án xử 100 trượng, đày 3.000 dặm, cải khổ sai 9 năm.
    - Nguyễn Du, đậu thứ 6 khoa Ðinh Dậu (1897), người thôn Ðại Thuận, tổng Trung Bình, huyện Phù Mỹ, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh (2). Bị cách hết phẩm hàm chỉ còn bằng cử nhân.
    Các tú tài tham gia phong trào gồm các ông:
    Bùi Phiên Dự, thôn Hòa Cư; Ðặng Thành Tích, thôn Ðại Bình đều thuộc huyện An Nhơn; Nguyễn Phát, thôn Dương Liễu và Lê Cương thôn An Lương huyện Phù Mỹ đều bị quan tỉnh Bùi Xuân Huyến đề nghị mức án từ giảo giam hậu đến phạt trượng rồi đày Côn Ðảo.
    Trường thi Bình Ðịnh còn cống hiến một danh nhân văn hóa: Ðào Tấn (1845-1907), đậu cử nhân thứ 8 khoa Ðinh Mão (1867), người thôn Vinh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, nay là thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. ông vừa là nhà thơ, vừa là nghệ sĩ viết tuồng, nhà lý luận sân khấu. Nói đến nhân tài của tỉnh, người đời thường nhắc: "Bình Ðịnh có hai ông vua: Quang Trung vua Võ, Ðào Tấn Vua văn".
    Trường thi Bình Ðịnh cũng là nơi xuất thân của hai nhà thủy lợi:
    - Ðào Trọng Trấp (1876-1934), đậu cử nhân thứ 17, khoa Quí Mão (1903), người thôn Vinh Thạnh, tỉnh Bình Ðịnh. Khoảng năm 1920, khai tạo Khẩu Tư còn gọi là khẩu mới. Lưu Phật Tĩnh ở thôn Phú Mỹ xã Phước Lộc đem nước vào đồng ruộng mênh mông của hai xã Phước Lộc và Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước. Từ đấy cánh đồng trở nên trù phú, cấy được hai vụ, khỏi phải cầu mong nước trời.
    - Ðặng Cao Ðệ (1869-?) đậu cử nhân thứ 9 khoa Canh Tí (1990) người thôn Kỷ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh. Khoảng năm 1930, ông cùng Quang Lộc Tự Khanh Ðào Trọng Trấp (Vinh Thạnh) và nhân sĩ Tô Văn Phong (thôn Công Chánh, xã Phước Nghĩa) đắp phân thủy bờ bạn Thông Chín ở làng Tân Lộc (xã Phước Lộc), lấy nước dồi dào cho các khẩu trên bờ bạn.
    Trường thi Bình Ðịnh còn là nơi xuất thân của các nhà canh tân ngấm ngầm hoài bão làm giàu đất nước, mở mang dân trí, giúp học sinh giỏi của tỉnh nhà du học. Họ lập ra Phước An thương hội, qui tụ các nho sĩ Bình Ðịnh:
    - Lê Doãn Sằn (1877-?), đậu cử nhân thứ 7 khoa Nhâm Tí (1912), người thôn An Cửu, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, giữ chức Hội Trưởng.
    - Trần Trọng Giải (1884-1946), đậu tú tài khoa Ất Mão (1915), người thôn Cảnh Vân (nay là Cảnh An) xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, giữ chức Hội Phó.
    - Tú tài Lâm Thúc Mậu ban kiểm soát, cử nhân Ðào Trọng Trấp hội viên cổ đông.
    Trường thi Bình Ðịnh còn cống hiến cho đất nước một nhà giáo nổi tiếng: Nguyễn Diêu, đậu tú tài khoa Tân Dậu (1861), người thôn Nhơn Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, người đời thường gọi là cụ Tú Nhơn Ân. Danh nhân Ðào Tấn đã nhắc thầy qua bài Sơ Thu Vãng Yết Nghiệp Sư Nhơn Ân Nguyễn Tiên Sinh Sơn Phần Cảm Thuật (Ðầu thu, viếng mộ Nguyễn tiên sinh thầy dạy nghề ở Nhơn Ân, cảm xúc viết ra)
    Thu khí bán sơn hoàn cổ mộ
    Xuân phong nhất nguyệt (3) ức tiên sinh
    Càn khôn nộ tán qui lai vãn
    Không phụ ngô sư hối nhữ tình.
    Việt Thao dịch:
    Mộ cổ thu quyện núi đồi
    Nhớ thầy, nhớ thuở gió xuân ơi
    Ðất trời điên đảo nhưng về muộn
    Làm phụ thầy ta đã dặn rồi
    Sau cùng trường thi Bình Ðịnh cũng là nơi khởi đầu của các bậc đại khoa như:
    - Kiên Tòng, còn gọi là Kiên Lâm (1825-?) đậu Á Nguyên khoa Ất Mão (1855), người thôn An Ðại, huyện Chương Nghĩa (nay là Nghĩa Hành) tỉnh Quảng Ngãi. Ðậu tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1862), làm quan tới chức Bang Biện Ngãi Ðịnh.
    - Phan Văn Hành (1847-?) đậu Giải Nguyên khoa Bính Tí (1876), người thôn Thuận Phước, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đậu Phó bảng khoa Ðinh Sửu (1877), chưa kịp làm quan.
    - Ðỗ Duân (1869-?) đậu Á Nguyên khoa Tân Mão (1891), người thôn Châu Sa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ðậu Hội Nguyên Tiến Sĩ khoa Ất Mùi (1895). Cháu nội của Phó bảng Nguyễn Ðăng Ðệ.
    - Hồ Sĩ Tạo, đã nói ở phần trên.
    - Ðào Phan Duân (1864-1947) đậu cử nhân thứ 6 khoa Giáp Ngọ (1894), người thôn Biểu Chánh, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh. đậu Phó bảng năm Ất Mùi (1895) lúc 31 tuổi. Làm quan đến chức Tuần Phủ, lấy đức giáo hóa dân, không chịu sự xúc phạm của viên Công Sứ Khánh Hòa, ông cãi lại rồi xô ghế bỏ quan về nhà, sáng lập Phước An thương hội, giữ chức cố vấn tối cao.
  4. tranhanam

    tranhanam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/06/2003
    Bài viết:
    568
    Đã được thích:
    0
    (tiếp theo và hết)
    SĨ TỬ TRANH TÀI:
    Mặc dù thường xuyên có sĩ tử của năm tỉnh dự thi, nhưng chỉ có Quảng Ngãi và Bình Ðịnh tranh nhau thủ khoa. Suốt ba khoa thi đầu là Nhâm Tí (1852), Ất Mão (1855) và Mậu Ngọ (1858), Giải Nguyên đều về tay người Bình Ðịnh, đó là Cao Văn Tuấn, người thôn Thắng Công, huyện Tuy Viễn (khoa 1); Nguyễn Ðăng Tuyển, người thôn Chánh Trạch, huyện Phù Mỹ (khoa 2); Nguyễn Ðức Lộc, người thôn Xuân An, huyện Phú Cát (khoa 3). Sự bất quá tam, Bình Ðịnh đoạt thủ khoa 3 lần, trong khi Quảng Ngãi cố tranh sát nút nhưng chỉ đậu Á¨Nguyên ba lần; đó là Phan Văn Ðiển, người thôn An Thổ, huyện Mộ Ðức (khoa 1); Kiều Tòng, người thôn An Ðại, huyện Chương Nghĩa (khoa 2); Phạm Thúc, người thôn Trà Bình, huyện Bình Sơn (khoa 3). Sự việc ấy còn ghi lại trong câu ca dao của vùng:
    Tiếc công Quảng Ngãi đường xa
    Ðể cho Bình Ðịnh thủ khoa ba lần.
    Ðến khoa Ðinh Mão (1867), Bình Ðịnh chẳng những đoạt cả Giải Nguyên, Á Nguyên, đó là Lê Ðăng Ðệ và Nguyễn Tạo cùng ở huyện Phú Cát, mà còn chiếm liên tục đến hạng 8; Quảng Ngãi chỉ chen được vị thứ 9, rồi liên tục từ 10 đến 13 lại là người Bình Ðịnh, lập thành tích Bình Ðịnh 14, Quảng Ngãi 4.
    Bị thua liên tiếp 4 khoa, sĩ tử Quảng Ngãi quyết tâm vùng lên. Họ đã thành công rực rỡ ở hai khoa liền (5 và 6) mang lại vinh dự cho tỉnh nhà. Ðó là khoa Mậu Thìn (1868), Nguyễn Luật, người thôn Mỹ Khê, huyện Bình Sơn đoạt Giải Nguyên và Nguyễn Duy Cung người thôn Vạn Tượng, huyện Chương Nghĩa chiếm Á Nguyên. Tiếp khoa Canh Ngọ (1870), Trương Ðăng Tuyển người thôn Phú Nhơn, huyện Bình Sơn và Phạm Viết Duy người thôn Chánh Mông, huyện Chương Nghĩa đoạt cả giải nhất nhì và Quảng Ngãi còn vượt trội tỷ số đậu. Lúc bấy giờ ca dao có câu:
    Tiếc công Bình Ðịnh xây thành
    Ðể cho Quảng Ngãi vô dành thủ khoa.
    Trong các khoa thi của trường thi Bình Ðịnh, hai khoa Tân Mão (1891), lần thứ 14 và Giáp Ngọ (1894) lần thứ 15 là vui vẻ nhất vì cả năm tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận (lúc đó chưa lập tỉnh Ninh Thuận) đều có người thi đậu cử nhân, còn hai giải nhất nhì chia đều cho Bình Ðịnh và Quảng Ngãi. Dù vậy vẫn có câu: "Một tỉnh KhánhHòa không bằng một nhà Hưng Lạc", bởi khoa Giáp Ngọ (1894), ở Bình Ðịnh tại thôn Hưng Lạc (nay thuộc xã Mỹ Thành) huyện Phù Mỹ có nhà họ Ðinh, cha con cùng thi và cùng đậu cử nhân. Cha là Ðinh Hữu Quang, 52 tuổi, đậu thứ 13. Con là Ðinh Trọng Cát, 22 tuổi, đậu thứ 15; cũng khoa đó, Khánh Hòa chỉ đậu có 1 người, ở hạng thứ 19 là Phạm Tấn, người huyện Tân Ðịnh.
    Những câu ca dao trên phản ảnh phần nào tinh thần tranh đua của thời xưa; không những họ tranh đua trong khoa cử, mà còn cả tranh luận văn chương để thử tài nhau.
    Theo Non Nước Bình Ðịnh của Quách Tấn, một hôm trong quán nước, ông tân khoa Quảng Ngãi gặp ông thủ khoa Bình Ðịnh, liền buông lời trêu chọc. Nhân trong quán có thờ Cửu Thiên Huyền Nữ (vị nữ thần đời thượng cổ Trung Hoa đã dạy binh pháp) trước trang thờ có câu đố "Trạc trạc khuyết linh, Dương dương tại thượng", vị tân khoa liền quay về phía vị thủ khoa, ra câu đố: "Trạc trạc khuyết linh, anh thấy em xinh, dương dương hồ tại thượng". Vế ra này vừa mượn cảnh vừa mượn chữ sẵn có trước mặt, đòi hỏi vế đối cũng phải thỏa các điều kiện ấy nên không dễ gì trong phút chốc mà đối được.
    Liền khi ấy. một người khách đang ngồi trong quán lên tiếng: "Tôi là kẻ thi rớt mà còn thấy câu đối ấy quá dễ, không xứng tài của ngài thủ khoa, nên tôi xin đối thế". Nói xong, người ấy hối chủ quán đem món nhậu ra để gợi hứng, vừa để tạo cảnh, tạo chữ cho vế đối. Chủ quán vội chạy đi lấy rượu và gọi vợ bưng đồ nhậu lên gấp. Người vợ ở trong bếp, nghe tiếng chồng hối thúc, liền dạ lớn để chồng yên tâm.
    Tiếng "dạ" vừa dứt, người "thi rớt" liền ứng khẩu đối ngay: "Cấp cấp bất hạ, chồng kêu vợ dạ, đản đản kỳ nhiên tai".
    Vừa nghe xong vế đối, vị tân khoa sửng sốt, nhìn kỹ lại, đoán biết ngay người ấy không ai khác hơn là Phạm Trường Phát, một danh sĩ của Bình Ðịnh. Quả thật ông thi rớt nhiều lần, không phải vì học kém mà chính bởi hay chữ quá thành cuồng sĩ. Khoa nào ông cũng đi thi, làm bài xong, đọc lại thấy đoạn nào vừa ý, lấy bút khuyên trước "chứ để quan trường không khuyên uổng" Thành ra quyển thi đầy lỗi thiệp tích, làm sao đậu được!
    MỘT THỜI ÐÃ QUA:
    Những ngày huy hoàng của nền Hán học rồi cũng tắt. Ngày 21-12-1917, Toàn Quyền Ðông Dương Albert Sarraut ra nghị định ban hành "qui chế chung về ngành giáo dục ở Ðông Dương", thường gọi là "học chính tổng qui", áp dụng nền giáo dục Pháp Việt trên toàn cõi Ðông Dương. Ở miền Bắc, sau khoa Ất Mão (1915) là chấm dứt nền Hán học. Còn ở miền Trung, gắng gượng một kỳ thi Hương nữa, tức khoa Mậu Ngọ (1918) rồi cũng vĩnh viễn cáo chung. Trường thi Bình Ðịnh mới có 68 tuổi đời (1850-1918) chịu chung số phận như các trường thi khác!
    Ðã một thời, trường thi này cũng cờ lọng rợp trời, đi đầu là cờ biển vua ban, biểu tượng cho quyền hành và chức vụ của Hội Ðồng Giám Khảo. Có hai thớt voi đi kèm đầy đủ yên bệ, đoàn quân nhạc rập rình xen lẫn tiếng trống cồng, vang dội một vùng. Các quan trường triều phục chỉnh tề ngồi trên kiệu, có lính hầu, tàn che lọng rũ. Còn sĩ tử từ nửa đêm đã vác lều chõng đứng đợi gọi tên vào vi dành cho thí sinh.
    Ngày xướng danh còn long trọng hơn nữa. Trên khán đài có đủ mặt hội đồng quan trường và các quan lớn nhỏ thuộc vùng đến dự. Các sĩ tử cùng thân nhân bè bạn đến nghe xướng danh đứng chật khán đài. Trên chòi cao, vị truyền lệnh sứ bắc loa gọi từng người đậu cử nhân, đủ cả tên họ, tuổi tác, quê quán. Từ trong đám đông, vị tân khoa lên tiếng "dạ" lớn, lách mình tiến đến trước khán đài trình diện để được ban áo mão cân đai và tàn lọng trước sự trầm trồ ngưỡng mộ của mọi người.
    Nếu trong lễ xướng danh, tân khoa được rạng rỡ tại trường thi, thì lễ vinh qui bái tổ lại được mở mày mở mặt tại quê nhà. Theo lệ, người đậu tú tài được cấp làng đón rước, đậu cử nhân được hàng tổng đón rước. Khi về tới địa giới của quê quán, tân khoa được hàng chức sắc và dân chúng ứng trực sẵn đưa về tận nhà. Ðám rước đông đảo, long trọng, cờ mở trống giong, tiền hô hậu ủng, "ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau".
    Thi đậu, không những bản thân vị tân khoa được vinh dự mà thầy dạy học, cha mẹ, vợ con và họ hàng cũng được vẻ vang, đúng với câu" dương thanh danh, hiển phụ mẫu". Vì vậy, sự mến chuộng học hành đã trở thành truyền thống của dân tộc. Quan niệm "nhất sĩ nhì nông" đã ăn sâu vào lòng người, thể hiện qua câu ca dao:
    Chẳng tham ruộng cả ao liền
    Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ.
    Dân chúng cũng trọng khoa (thi đậu, học vị) hơn hoạn (làm quan) như trường hợp ông cử nhì Trần Ðình Thoại (tức Trần Ðình Phu) ở làng Thậu Thái (xã Nhơn An, huyện An Nhơn) nhà có hai anh em đều đậu cử nhân, ông đậu Á Nguyên khoa Nhâm Tí (1912) nhưng từ chối không ra làm quan dưới thời Pháp thuộc. Tuy vậy, dân chúng vẫn nhất mực xin gọi bằng quan và được nhà họ Lê, giàu có danh giá nhất làng Thanh Giang (xã Nhơn phong, huyện An Nhơn) kêu gả con với của hồi môn 100 công cấy ruộng.
    Thời ấy, mỗi khoa thi kéo dài hơn một tháng trời, người đi thi, kẻ đi xem, thêm gia nhân và quyến thuộc lên đến hàng vạn người. Quán xá tuy chỉ dựng tạm thời nhưng rộ như nấm mọc. Trong những ngày ấy, con đường từ xã Nhơn Hòa về thành Bình Ðịnh đến chợ Gò Chàm qua lối bến đò Trường Thi trở nên phức tạp. Chàng trai phải đưa người yêu của mình tới tận bến sông, đợi nàng bước lên đò mới yên tâm trở về nhà, vì:
    Ðưa em cho tới bến đò
    Kẻo em thơ dại, "học trò" phỉnh em.
    Ðó là khúc sông ôm choàng lấy thôn Hòa Nghi một đoạn hình vòng cung trên dòng nam phái sông Côn, có tên Trường Thi với bến đò Trường Thi cát trải vàng óng, nước sông trong xanh, đò ngang thưa khách. Phong cảnh nên thơ ấy đã gợi cảm hứng cho nhà thơ Yến Lan (quê ở thành Bình Ðịnh) sáng tác bài Bến My Lăng, một thời nổi tiếng:
    Bến My lăng nằm không thuyền đợi khách
    Rượu hết rồi ông lái chẳng buồn câu
    Trăng thì dày rơi vàng trên mặt sách
    Ông lái buồn để gió lén hôn râu...
    Thời huy hoàng ấy đã qua rồi! Dấu vết Trường thi Bình Ðịnh cũng đã phai mờ theo năm tháng. Các vị cử nhân và tú tài Hán học xuất thân từ trường này, dù ở khoa cuối cùng, cũng không một ai còn sống. Ngày nay, nếu không có người chỉ dẫn, không ai có thể biết được nơi đây, ngày xưa, chỉ mới 70 năm trước, còn là một cái nền khổng lồ vuông vức và cứ mỗi ba năm một lần, triều đình tập hợp thí sinh 6 tỉnh về đây để tuyển chọn hiền tài.
    ÐÀO ÐỨC CHƯƠNG
    Ðặc san CƯỜNG ÐỂ & NỮ TRUNG HỌC QUI NHƠN 1999

  5. tranhanam

    tranhanam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/06/2003
    Bài viết:
    568
    Đã được thích:
    0
    TÂY SƠN THẬP BÁT CƠ THẠCH
    ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
    Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 11 (1), chép việc khởi binh của Tây Sơn như sau: ?oGiặc Tây Sơn là Nguyễn Văn Nhạc nổi loạn, giữ thành Qui Nhơn. Nhạc là người thôn Tây Sơn, huyện Phù Ly (2), phủ Qui Nhơn, trước làm Biện lại, tiêu mất thuế tuần, bèn cùng mưu với em là Lữ và Huệ vào núi dựa thế hiểm làm giặc, bè đảng ngày một đông, địa phương không thể ngăn giữ được. Đến đây đem đồ đảng đánh úp phủ Qui nhơn. Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên bỏ chạy. Nhạc bèn chiếm giữ lấy thành, thả tù ra, lùa dân làm binh, dựng cờ hiệu Tây Sơn và cho bè đảng chia nhau đi cướp bóc. Trăm họ náo động. Việc báo lên, Chúa sai bọn Chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống (con Nguyễn Cửu Thông, lấy Công chúa Ngọc Huyên), Nguyễn Cửu Sách (con Nguyễn Cửu Pháp, lấy Công chúa Ngọc Anh), Cai cơ Phan Tiến, Cai đội Nguyễn Vệ, Tổng nhung Tạng Sùng, Tán lý Đỗ Văn Hoảng đem quân đi đánh không được. Sùng và Hoảng đều chết ở trận. Bấy giờ binh tĩnh đã lâu, tướng sĩ không quen trận mạc, khi phải đi đánh, phần nhiều thác cớ cầu miễn. Trương Phúc Loan thì lại ăn hối lộ mà sai người khác, mọi người đều căm oán, ra trận là chạy ngay...?
    Là những sử gia nhà Nguyễn, viết về kẻ thù số 1 của bản triều, thêm vào đó sự ràng buộc của nền quân chủ chuyên chế kết hợp với quan niệm trung quân ái quốc, dù cho khách quan đến đâu họ không thể viết hoàn toàn trung thực; nếu tệ hơn, còn hạ thấp uy tín của đối phương và bào chữa cho triều đại họ đang phục vụ.
    Theo tài liệu sử nhà Nguyễn, nguyên nhân cuộc nổi dậy rất tầm thường: Nguyễn Nhạc làm Biện lại ở Vân Đồn (?), đánh bạc thua sạch tiền thu thuế năm Tân Mão (1771), bị Đốc trưng Đằng truy tố, phải trốn vào núi, dựa thế hiểm, tụ binh làm giặc.
    Cũng theo các tài liệu sử, công cuộc nổi dậy của Tây Sơn mạnh như thác đổ, tiêu diệt cả hai thế lực Nguyễn Trịnh và hai cuộc xâm lăng của ngoại bang. Thế thì không thể một sớm một chiều làm nên việc lớn, phải có sự chuẩn bị từ lâu, có nhân lực vật lực hùng hậu, người lãnh đạo đầy mưu lược và thu phục nhân tâm.
    Thật vậy, cuộc khởi nghĩa bắt nguồn từ lúc anh em Tây Sơn thọ giáo Trương Văn Hiến, gốc người Hoan Châu (Hà Tĩnh), một nhân sĩ văn võ song toàn. Thầy giáo Hiến có người anh thúc bá là quan Nội hữu Trương Văn Hạnh, một đại thần đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765), dám phản đối Trương Phúc Loan chuyên quyền nên bị giết. Trương Văn Hiến sợ bị vạ lây, trốn khỏi Phú Xuân vào ẩn dật ở An Thái, mở trường dạy văn võ, mong tìm người tài đức trừ nạn quyền thần. Giáo Hiến hy vọng anh em Tây Sơn có thể làm nên việc lớn nên hết lòng rèn luyện từ văn đến võ, cấy vào tư tưởng cách mạng và hun đúc ý chí quật khởi. Riêng về võ, Nguyễn Nhạc học kiếm, Nguyễn Huệ luyện đao, Nguyễn Lữ sức yếu nên theo môn miên quyền.
    Lớn lên, Nguyễn Nhạc nối nghiệp buôn trầu nguồn của thân phụ, mở rộng thương trường và dời nhà từ ấp Phú Lạc sang ấp Kiên Mỹ khách hộ, thôn Vĩnh An, thuộc (tức là tổng) Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay hai thôn Phú Lạc và Kiên Mỹ thuộc xã Bình Thành huyện Tây Sơn). Lợi dụng nghề nghiệp, ông mở rộng giao thiệp, quy tụ hào kiệt, kết nạp phú gia và học sĩ, thân thiện với các tù trưởng dân tộc Bana ở Tây Sơn Thượng. Còn Nguyễn Lữ theo đạo Ma Ní tức Minh Giáo, trở thành thầy pháp nổi tiếng chữa lành nhiều con bệnh, được các bộ lạc người Thượng sùng bái như thánh sống. Trong khi đó, Nguyễn Huệ vẫn tiếp tục học thầy giáo Hiến, được dịp quen biết nhiều bậc cao thủ có hàng trăm môn đệ.
    Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã đến, cần thêm sức mạnh tâm lý để củng cố nhân tâm. Có một thầy địa lý người Tàu đi dạo khắp vùng sông núi Tây Sơn tìm địa cuộc. Nguyễn Nhạc khéo dàn cảnh cọp vồ hụt thầy địa lý ở núi Ngang, ấp Trinh Tường (nay là thôn Trinh Tường, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn), rồi đánh tráo quách đựng hài cốt của song thân để được táng nơi địa huyệt phát vương.
    Lại nhân nhà có giỗ lớn, Nguyễn Nhạc mời bà con, bạn bè,khách khứa đến hàng trăm, bỗng nửa đêm trên hòn Trưng Sơn (cao 422 mét, thuộc ấp Phú Lạc) chiêng trống vang rền, ánh lửa lập lòe, mọi người đến xem nhưng chỉ Nguyễn Nhạc được thần linh gọi lên núi để Ngọc hoàng ban chiếu phong vương.
    Một hôm, Nguyễn Nhạc cùng đoàn tùy tùng trên đường từ đèo An Khê về Kiên Mỹ, khi đến Hoành Sơn tức núi Ngang, ngựa ***g lên làm đứt dây cương, chạy thẳng vào chân núi, rồi ông té nhào, trặc chân không đứng dậy được. Khi đoàn tùy tùng đến thì ?otình cờ? Nguyễn Nhạc thấy được chuôi kiếm trong vách đá.
    Nguyễn Nhạc bèn tổ chức cầu đảo ba ngày đêm, khấn nguyện nếu quả có chân mạng đế vương, xin trời ban cho ấn. Đến đêm thứ ba, lúc giữa khuya, một vòi lửa vụt bay từ hòn Một đến hòn Giải (hai ngọn núi nhỏ nằm trước mặt núi Ngang), rồi nổ lớn như sét đánh. Sáng hôm sau Nguyễn Nhạc dẫn mọi người lên hòn Giải, tìm chỗ có tiếng nổ, thấy một mảng đất ở sườn núi bị sạt lở, cây cỏ cháy sém. Nguyễn Nhạc nhặt được giữa đống đất đá ngổn ngang, một quả ấn bằng vàng, mặt có khắc ?oSơn hà xã tắc? bằng chữ Hán, viết lối triện. Từ đấy, núi Giải mang tên mới là hòn Ấn, núi Ngang là hòn Kiếm, nay vẫn còn gọi.
    Câu chuyện Nguyễn Nhạc được trời phong quốc vương còn cho cả ấn kiếm, lan truyền khắp phủ Qui Nhơn; nhân sĩ hào kiệt qui tụ rất đông vì tin ông có chân mạng đế vương. Năm Tân Mão (1771) đời chúa Định Vương Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần (1765- 1775), tương đương niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32 vua Lê Hiển Tông, mọi người tôn Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn Vương.
    Lực lượng và uy quyền đã có nhưng Nguyễn Nhạc chưa vội khởi binh, cần thời gian xây dựng hậu phương vững mạnh, chiến khu an toàn. Vương cho dời Tổng hành dinh từ Tây Sơn Hạ lên Tây Sơn Trung (gần chân đèo An Khê), ông và bộ tham mưu đóng ở ngọn núi phía nam, nay vẫn còn tên gọi là núi ông Nhạc (3), chia nhân sự làm ba khối : Quân sự do Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng và Võ Đình Tú chỉ huy, đóng ở ngọn núi phía bắc, người đời quen gọi là núi ông Bình (4), nơi đây tổ lò rèn đã sáng chế ra một vũ khí mới gọi là Hỏa hổ (5). Việc hành chánh, ngoại giao, tuyên vận giao cho Võ Xuân Hoài và Trương Mỹ Ngọc đảm nhận. Về kinh tế, tài chánh có Nguyễn Lữ, Nguyễn Thung và Bùi Thị Xuân chuyên trách. Cơ sở kinh doanh Trường Trầu, Nguyễn Nhạc giao cho vợ cả là Trần Thị Huệ quản lý để kinh tài cho tổ chức. Vấn đề quân lương, ngoài những trung tâm sản xuất có sẵn như đồng Hưu (ở Phú Phong), đồng Vụ (Trinh Tường), đồng Quang (Thuận Ninh) thuộc Tây Sơn Hạ, còn có cánh đồng Thượng Giang ở Tây Sơn Trung. Nguyễn Nhạc còn cho phá rừng Mộ Điểu ở Tây Sơn Thượng thành đồng lúa màu mỡ, rộng hàng nghìn mẫu, giao cho người vợ thứ, con của vị đầu mục người Bana, cai quản, ngày nay nơi đây còn mang tên gọi là đồng Cô Hầu.
    Để tăng cường quân số, Vương rút Nguyễn Lữ từ ban tài chánh, sung vào ban tuyển mộ, rồi cùng em lên Tây Sơn Thượng đi khắp các buôn làng để tuyển binh và đưa xuống Tây Sơn Trung cho Nguyễn Huệ luyện tập khép vào đội ngũ.
    Vì vậy Nguyễn Nhạc lấy trọn số tiền thu thuế năm 1771 để sung vào quĩ nuôi quân thì đúng hơn, nhưng đối với quan trên Biện Nhạc phải nói thác là thua bạc để che mắt chính quyền. Sử gia nhà Nguyễn vin vào cớ ấy để hạ thấp giá trị của cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn.
    Từ ngày bị truy nã đến khi khởi nghĩa (1771- 1773), Nguyễn Nhạc có hai năm kiện toàn lực lượng, tuy chưa xuất đầu lộ diện nhưng vùng đất Tây Sơn đã nằm trong tầm ảnh hưởng của phong trào Tây Sơn. Và có thể nói Nguyễn Nhạc có tài dùng người, đã cảm hóa những tay anh chị, thảo khấu trở thành những vị tướng tài ba, đức độ. Người đời thường nhắc nhở Tây Sơn thập bát cơ thạch, tức 18 tảng đá làm nền móng cho nhà Tây Sơn; ý muốn nói đến những người đầu tiên giúp Tây Sơn làm nên nghiệp lớn, gồm 7 vị tướng, 6 nhân sĩ và 5 bậc anh thư.
    (còn tiếp)
  6. tranhanam

    tranhanam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/06/2003
    Bài viết:
    568
    Đã được thích:
    0
    (tiếp)
    THẤT HỔ TƯỚNG
    Thật xứng đáng với danh hiệu người đời dành cho 7 vị tướng của Tây Sơn, đó là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Tuyết, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Lộc và Lý Văn Bưu.
    1. Trần Quang Diệu (?- 1802)
    Họ Trần quê quán ở tổng Trung huyện Bồng Sơn phủ QuiNhơn, nay thuộc thôn Vạn Hội (Vạn Đức và Đông Thắng hợp nhất) xã Ân Tín huyện Hoài Ân tỉnh Bình Định. Họ Trần có ông tổ làm thượng thư dưới thời chúa Nguyễn, nay mộ vẫn còn (6).
    Trần Quang Diệu học võ từ nhỏ, lớn lên được thọ giáo cụ Diệp Đình Tòng, một cao thủ của thôn Vĩnh Thạnh huyện Tuy Viễn (sau tách ra là huyện Vĩnh Thạnh) nhưng phải ẩn náu trong rừng Kim Sơn (nay thuộc huyện Hoài Nhơn) vì thuở tráng niên giết tên quan huyện sở tại khét tiếng tham ô dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738- 1765). Họ Diệp có đủ 5 môn binh khí: côn, thương, đao, kiếm, cung nhưng ông Diệu chỉ học môn đại đao suốt 5 năm, từ cách đánh trên bộ, trên ngựa, trên thuyền đều tinh thông nên được thầy cho xuất môn. Khi từ giã, thầy tặng cho thanh Huỳnh Long bảo đao lưu truyền từ đời nhà Trần và căn dặn: ?oThời thế nhiễu nhương, con nên kịp xuống núi đem sở học làm sở hành kẻo uổng phí đời trai?o (7).
    Một hôm ông Diệu từ Vạn Hội đến Kiên Mỹ thăm Nguyễn Nhạc, bạn mới quen nhưng rất tương đắc. Khi ông đi qua vùng Thuận Ninh, ở phía bờ bắc sông Côn (nay thuộc huyện Tây Sơn) gặp cọp chận đường. Lỡ không mang theo võ khí, họ Trần phải đánh nhau với cọp bằng tay không từ sáng sớm đến trưa nên đuối sức, may gặp Bùi Thị Xuân đi săn, ra tay cứu thoát.
    Họ Trần yêu cầu đưa về Kiên Mỹ, Nguyễn Nhạc rất mừng vì gặp được Bùi Thị Xuân bấy lâu nghe tiếng nhưng chưa có dịp làm quen. Ba chí lớn gặp nhau, vườn đào kết nghĩa, rồi Nguyễn Nhạc làm môi giới cho Trần Bùi nên duyên cầm sắt.
    Trần Quang Diệu là một trong bảy người hợp tác sớm nhất ( với Nguyễn Nhạc, trong thời kỳ trước khởi nghĩa ông được phân công vào ban quân sự đầu tiên gồm 4 người (9) và đã cùng với Nguyễn Huệ rèn luyện số tân binh người Thượng do Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ tuyển mộ ở vùng rừng Mộ Điểu.
    Rằm tháng tám năm Quí Tỵ (tháng 9- 1773), Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc làm lễ xuất quân, lập đàn tế cáo trời đất giữa đèo An Khê, nơi nghẹo Cây Khế có trảng đất rộng rợp bóng mát của hai cổ thụ, tục gọi là cây Ké và cây Cầy. Trần Quang Diệu được phong Đô đốc, thống lãnh đạo quân thứ hai, có Võ Văn Dũng và Lê Văn Hưng bên võ, La Xuân Kiều và Cao Tắc Tựu bên văn cộng tác; theo đường núi ra bắc, đánh chiếm hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn (10).
    Trần Quang Diệu ra quân trận đầu dễ như trở bàn tay. Quốc kỳ thêu kim tuyến vàng chữ Tây Sơn Vương trên nền đỏ hình vuông, viền tua xanh; và quân kỳ cũng nền đỏ, tua xanh, thêu tên họ chức vụ cấp chỉ huy bằng chỉ vàng, bay phất phới trên các huyện đường.
    Bình định xong hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn, Trần Quang Diệu giao binh quyền cho hai tướng Võ Văn Dũng và Lê Văn Hưng cùng hai quan văn là Cao Tắc Tựu và La Xuân Kiều ở lại trấn giữ, ông đem quân vào Tuy Viễn hợp với đạo quân thứ hai của Nguyễn Nhạc, đánh phủ thành Qui Nhơn (11).
    Ở mặt trận mới, Trần Quang Diệu chỉ trợ chiến, giữ an ninh vòng đai đề phòng bị quân viện bao vây. Hạ thành Qui Nhơn xong, ông được giao trấn giữ để đạo quân Nguyễn Nhạc tiến chiếm hai kho lương quan trọng ở Càng Rang và Nước Ngọt (12).
    2. Võ Văn Dũng (?- 1835)
    Họ Võ người thôn Phú Phong (13) thuộc (sau gọi là tổng) Thời Hòa huyện Tuy Viễn phủ Quy Nhơn. Ông là vị tướng cao cấp của Tây Sơn thoát khỏi sự trả thù tàn nhẫn của Gia Long, thọ trên 90 tuổi.
    Võ Văn Dũng sinh trưởng trong một gia đình giàu có, cha mẹ rước thầy về nhà dạy văn luyện võ, ông học chữ thì tối, còn võ, học đâu nhớ đó, mỗi năm phải rước thầy mới để thay.
    Năm 20 tuổi, ông vào Phú Yên buôn ngựa, gặp được bậc cao thủ, hậu duệ của Lương Văn Chánh, truyền cho môn trường kiếm và đoản đao. Sau 5 năm tập luyện, thông thạo cả cách đánh dưới đất và đánh trên ngựa cùng sự phối hợp hai môn trên, Võ Văn Dũng được thầy cho xuất môn và căn dặn: ?oHọc võ để phòng thân và dẹp nỗi bất bình khi gặp, chớ không phải để đấu sức khoe tài ?o (14).
    Ông là bạn cố giao của Nguyễn Nhạc, là một trong bảy người được Nguyễn Nhạc mời hợp tác sớm nhất (15).
    Năm Tân Mão (1771) Nguyễn Nhạc được những người cộng tác tôn làm Tây Sơn Vương, tổng hành dinh dời lên vùng núi gần đèo An Khê, Võ Văn Dũng được sung vào tổ quân sự đầu tiên gồm 4 người (16).
    Ngày khởi nghĩa (tháng 9- 1773), trước ba quân, ông được phong phó Đô đốc, chỉ huy phó đạo quân của Trần Quang Diệu, lãnh trách nhiệm đánh chiếm huyện Bồng Sơn, rồi cùng với học sĩ Cao Tắc Tựu trấn giữ huyện này để Trần Quang Diệu rảnh tay đem quân tăng viện đánh chiếm phủ thành Qui Nhơn.
    3. Lê Văn Hưng
    Ông người làng An Dõng, nay là thôn Kiên Dõng xã Bình Thành huyện Tây Sơn, có ngọn roi xuất chúng, đánh ngã hàng trăm người. Lê Văn Hưng cầm đầu một đảng cướp có vài chục thủ hạ; cũng giống như Chàng Lía trước kia, ông cấm đồng bọn không được xâm phạm tài sản của người cùng huyện. Ông chuyên đi cướp ở vùng xa, của cải lấy được chia làm ba, để lại khổ chủ 1 phần, cho dân nghèo 1 phần và đảng cướp đem đi 1 phần. Vì vậy, ông được lòng dân địa phương và cả dân chúng ở những vùng bị cướp cũng thương mến che chở.
    Lê Văn Hưng rất gan dạ, lúc xông vào cướp thì cầm roi tiên phong, lúc rút luôn luôn thủ vai cản hậu, gặp chống cự chỉ đánh ngã chứ không đánh chết hoặc gây trọng thương. Có một lần vào cướp ở Phú Yên, gặp khổ chủ là bậc cao thủ quyết chặn đường rút của toán cướp, trời gần sáng, ông phải xuống độc chiêu, đối thủ hộc máu chết tại chỗ. Tuần phủ Phú Yên họp cùng quan phủ Qui Nhơn ra lệnh tầm nã, ông phải lẩn trốn trong vùng rừng núi Tây Sơn.
    Năm 1771, nghe tin Nguyễn Nhạc được dân trong vùng tôn làm Tây Sơn vương, Lê Văn Hưng dẫn thủ hạ ra thú và xin gia nhập. Trong quân, được Nguyễn Huệ và Trần Quang Diệu rèn luyện, tài năng ông phát hiện, thăng nhanh chóng từ lính lên cai, đội và sau là tướng.
    Ngày khởi nghĩa (1773) ông được phong Đề đốc, làm thuộc tướng của Trần Quang Diệu. Khi nghe tin Nguyễn Nhạc đã chiếm huyện lỵ Tuy Viễn ở An Thái, Trần Quang Diệu chia đạo quân của mình làm ba đội. Một giao cho Lê Văn Hưng giữ bộ chỉ huy làm lực lượng trừ bị, còn hai đội kia hành quân chiếm huyện lỵ Bồng Sơn và Phù Ly. Sau đó, ông và học sĩ La Xuân Kiều được lệnh trấn giữ huyện Phù Ly.
    Mùa đông năm Quí Tỵ (1773), Nguyễn Nhạc mở mặt trận phía nam, ông được cử làm phó tướng cùng với Ngô Văn Sở và Nguyễn Văn Lộc vào chiếm Phú Yên, Diên Khánh và Bình Thuận. Bình định xong ông cùng với Nguyễn Văn Lộc ở lại trấn giữ.
    4. Nguyễn Văn Tuyết
    Họ Nguyễn quê quán ở thuộc Thời Đôn huyện Tuy Viễn nay là xã Nhơn An huyện An Nhơn. Nguyễn Văn Tuyết, lúc nhỏ thích đánh lộn, lớn lên có sức mạnh phi thường, nhấc bổng tảng đá lớn như bưng nồi cơm, đồng bọn tôn làm đầu nậu chợ Gò Chàm, ai đến đây mãi võ phải xin phép Tuyết.
    Một hôm, ông lão râu tóc bạc phơ và hai thiếu nữ đến chợ Gò Chàm ngang nhiên khuya chiên múa võ. Tuyết giận lắm, dẫn thủ hạ đến hỏi tội. Ông già không trả lời và cũng không chống đỡ mặc cho côn quyền tới tấp giáng vào người. Tuyết sợ hãi bỏ đi. Dò biết ông ấy nghỉ đêm tại miếu thổ địa sau chợ, Tuyết cầm gươm đến phục thù. Ông lão và hai thiếu nữ ngủ say, Tuyết đâm mạnh nhát kiếm vào yết hầu ông lão, sức cản dội lại, kiếm gãy. Thất kinh, Tuyết toan bỏ chạy nhưng không kịp, ông lão đã nắm chặt cổ tay tuyết và ôn tồn nói: ?oNgươi tư chất thông minh, sức mạnh hơn người, sao không lo rèn võ luyện văn để giúp đời, lại theo bọn thảo khấu, tiếng tăm lu mờ! ?o
    Tuyết quì xuống bái phục, xin theo làm môn đệ. Ông lão tên là Trần Kim Hùng, một cao thủ nổi tiếng ở thôn Trường Định thuộc Thời Hòa huyện Tuy Viễn, con trai duy nhứt mất sớm để lại hai cháu nội gái, ông buồn đi khắp nơi cho khuây khỏa và tìm người chân truyền mạch võ. Gặp Tuyết, biết là quí nhân, ông lão rất mừng, hết lòng dạy dỗ. Sau 5 năm học văn luyện võ, ông lão cho Tuyết xuất môn với lời căn dặn: ?oThời thế nhiễu nhương, con phải đem sở học làm việc nghĩa?.
    Nghe Tuyết trở lại quê quán, bọn đồ đảng cũ đến thăm, ông khuyên nên hoàn lương. Một ngày trong năm 1771, nghe tin ở vùng Tây Sơn có Nguyễn Nhạc đang chiêu mộ hào kiệt, ông cùng một số thủ hạ tìm đến sơn trại đầu quân. Nguyễn Văn Tuyết được sung vào ban chỉ huy trường huấn luyện quân sự (17) các tân binh người Thượng, ở Tây Sơn Thượng (nay là An Khê).
    Ngày khởi nghĩa (tháng 9- 1773) Nguyễn Văn Tuyết được tuyên phong tả Đô đốc, sung vào đạo quân thứ nhất do Nguyễn Nhạc trực tiếp chỉ huy. Sau lễ tế cáo trời đất tại đèo An Khê, Nguyễn Nhạc cho quân trực chỉ hướng đông, dừng chân nghỉ đêm ở thung lũng chân núi Bà Phù, mở tiệc khao quân và đãi yến các tướng lãnh. Nhân đấy, Nguyễn Nhạc cải danh núi bà Phù là Tâm Phúc và nay người địa phương vẫn quen gọi thung lũng này là Hóc Yến.
    Mục tiêu đầu tiên của Tây Sơn Vương là chiếm gọn huyện đường Tuy Viễn, ở nam ngạn sông Côn, gần thị tứ An Thái (nay là thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn) để làm nức lòng tướng sĩ. Tả Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết và phú thương Huyền Khê được lệnh trấn giữ lỵ sở này để Nguyễn Nhạc đem đại binh vây thành Qui Nhơn (1.
    5. Võ Đình Tú
    Ông là con của đại phú gia ở Phú Phong, tính can đảm và lòng thương người. Có một nhà sư, không ai rõ tông tích, thường ghé ngang ngồi nghỉ chân ở cổng ngõ nhà họ Võ. Bọn trẻ trong làng thấy nhà sư mặt mày lem luốc, quần áo rách rưới bèn kéo nhau đến chọc ghẹo. Võ Đình Tú mới 14 tuổi nhưng không theo hùa với đám bạn trẻ, trái lại ông rất lễ phép với nhà sư và thường đem cơm nước, bánh trái ra cúng dường.
    Tương truyền, một hôm trời mưa to gió lớn, không ai dám ra đường, đến chiều trời tạnh thì gia nhân mới phát hiện Võ Đình Tú mất tích, từ ấy cũng không thấy nhà sư lui tới nữa. Mọi người đinh ninh rằng ông bị nhà sư bắt cóc.
    Bẵng đi mười năm, Võ Đình Tú trở về nhà, là một thanh niên cao lớn, cường tráng, tính tình điềm đạm, ít nói, suốt ngày đóng cửa đọc sách, không lập gia đình và chỉ kết thân với Võ Văn Dũng.
    Những ngày đầu tụ nghĩa, ông được Võ Văn Dũng tiến cử với Nguyễn Nhạc, Vương thân hành đến rước. Từ ấy Võ Đình Tú trổ tài thao lược, binh pháp tinh thông, Nguyễn Nhạc rất trọng nể. Ông kết thân với Nguyễn Huệ và thường đàm đạo về sự tương quan giữa võ thuật và chiến thuật. Bà Bùi Thị Xuân tặng ông một lá cờ nền đỏ, thêu bốn chữ ?oThiết côn vô địch? bằng kim tuyến vàng.
    Ngày khởi nghĩa, quân chia làm 3 đạo, ông được phong Đại tổng lý, sung vào đạo quân thứ ba, cùng với Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân và Võ Xuân Hoài lo mặt hậu cứ như: tuyển mộ và huấn luyện quân sĩ, thúc đẩy sản xuất, giữ an ninh vùng Tây Sơn để cho đạo quân thứ nhất và thứ hai đánh chiếm các thành lũy mở rộng lãnh thổ.
    6. Nguyễn Văn Lộc
    Lúc nhỏ, ông chăn trâu cho một phú nông ở làng Kỳ Sơn (nay là thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), không có tiền thuê thầy dạy võ, chỉ học lóm nhưng nhờ thông minh và chịu khó nên trở thành bậc cao thủ lúc nào không hay biết.
    Tương truyền một hôm Nguyễn Văn Lộc đi chơi về khuya bị quân canh bắt, ngờ là kẻ trộm, trói vào cột đình. Ông dùng mẻ sành cắt dây, đánh gục tuần đinh và chạy thoát vào cánh đồng lúa chín. Mõ báo động vang lên từ làng này sang làng nọ, đám đông vây chặt, ông phải giựt gậy của quân canh, đánh tháo vòng vây, rồi trốn lên Tây Sơn.
    Nghe tin Nguyễn Nhạc tụ tập quần anh, ông đến xin yết kiến. Nguyễn Nhạc biết ông là người tài, trong dụng ngay. Ngày khởi nghĩa, Nguyễn Văn Lộc được phong hữu Đô đốc, sung vào đạo quân thứ nhất do Nguyễn Nhạc thống lãnh, trách nhiệm đánh chiếm huyện đường Tuy Viễn và phủ thành Qui Nhơn.
    7. Lý Văn Bưu
    Người đời còn gọi tên ông là Mưu, quê quán ở ấp Đại Khoan khách hộ, phường Đại An, xã Phỉ Lam, tổng Trung, huyện Phù Ly (nay thuộc huyện Phù Cát).
    Nơi đây là vùng đồi thấp và gò đống, nhiều cỏ dại, thích hợp việc chăn nuôi, săn bắn. Ông chuyên nghề nuôi ngựa chiến, lại có tài vừa phi ngựa vừa múa kiếm, bắn cung, phóng lao trăm phát trăm trúng. Người đương thời tặng ông danh hiệu Phi Vân Báo tức con heo bay trong mây.
    Nghe danh, Bùi Thị Xuân đến làm quen và học nghề luyện ngựa chiến, rồi tiến cử lên Nguyễn Nhạc. Ông được trọng dụng, giao cho việc luyện tập ngựa chiến và đào tạo kỵ quân.
    Nhờ tài thao lược, ông được Tây Sơn Vương phong Đô đốc và vó ngựa của ông giẫm nát trên các mặt trận trong Nam ngoài Bắc.
  7. tranhanam

    tranhanam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/06/2003
    Bài viết:
    568
    Đã được thích:
    0
    (tiếp)
    LỤC KỲ SĨ
    Người đời gọi danh hiệu này là muốn nhắc tên tuổi 6 học sĩ đã đóng góp vào cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thành công, đó là Nguyễn Thung, Võ Xuân Hoài, Trương Mỹ Ngọc, Cao Tắc Tựu, La Xuân Kiều và Triệu Đình Tiệp.
    8. Nguyễn Thung
    Ông là một phú nông có trang trại khá đẹp ở vùng Tuy Viễn, quen biết với Nguyễn Nhạc từ lúc anh em Tây Sơn còn thọ giáo thầy Trương Văn Hiến. Nguyễn Thung có nhiều gia nhân, ban đầu làm ruộng, sau buôn muối; chở hàng lên Tây Sơn Thượng đổi sản phẩm miền núi, đem về đồng bằng bán lấy lời.
    Tính ông hào phóng, đãi người rất hậu nên thu phục được nhiều người, trong đó có đảng cướp Nhưng Huy và Tứ Linh. Tương truyền, Nhưng Huy lập gánh hát bội nhưng chỉ để dụ người đến xem hát, quên việc tuần phòng, nhân đấy cho thủ hạ đi cướp những nhà giàu; địa bàn hoạt động từ Phú Yên trở vô nên tránh được tai tiếng nơi bản quán là phủ Qui Nhơn. Nguyễn Thung còn kết nạp được bọn cướp biển Tập Đình,ï Lý Tài (người Hoa) và một phú thương ở cửa Giả (nay là thành phố Qui Nhơn). Biết uy tín của Nguyễn Thung rất lớn ở vùng Tuy Viễn, Nguyễn Nhạc tìm cách thuyết phục ông ta về với Tây Sơn trong những ngày trước khởi nghĩa. Sự kết hợp lực lượng và chia quyền hành đã thành công tốt đẹp, theo Chính biên liệt truyện (quyển 30, trang 2b và 3a) Nguyễn Nhạc tự xưng là Đệ nhất trại chủ, Nguyễn Thung làm Đệ nhị trại chủ và Huyền Khê (19) làm Đệ tam trại chủ.
    9. Võ Xuân Hoài
    Quê quán của ông ở Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), theo nghiệp bút nghiên từ nhỏ, giỏi văn chương, thông kinh sử. Ông là bậc hiền sĩ, đức cao, hiểu rộng, mọi người đều kính nể.
    Ngày khởi nghĩa, ông được phong Đại học sĩ, sung vào đạo quân thứ ba do Nguyễn Huệ thống lãnh, lo việc hậu phương yểm trợ tiền tuyến.
    10. Cao Tắc Tựu
    Chỉ biết ông người phủ Qui Nhơn, nhưng không rõ chi tiết về quê quán. Tương truyền ông rất đẹp trai, học rộng lại thông binh pháp. Ông vốn trầm tĩnh nhưng khi bàn quốc sự thì nói năng lưu loát, đầy thuyết phục và hiến nhiều kế hay, mọi người kính nể.
    Ngày khởi nghĩa, ông được phong Hiệp biện Đại học sĩ, sung vào đạo quân thứ hai do Đô đốc Trần Quang Diệu thống lãnh. Sau khi chiếm huyện lỵ Bồng Sơn, ông được giao tổ chức chính quyền cho huyện này.
    11. La Xuân Kiều
    Ông là một văn gia nổi tiếng của huyện Phù Ly (nay thuộc huyện Phù Cát), giỏi Nôm, thông Hán tự, rành điển tích. Ông lại có tài bắn cung, cưỡi ngựa rất hoạt bát. Văn võ kiêm toàn, thật hiếm có.
    Ngày khởi nghĩa, La Xuân Kiều được phong Hiệp biện Đại học sĩ, sung vào đạo quân thứ hai, sau khi chiếm huyện Phù Ly, ông được giao việc cai trị ở huyện nhà.
    12. Triệu Đình Tiệp
    Không rõ quê quán, tương truyền ông rất nghiêm nghị, chuộng thực tế, ghét xa hoa, lại cẩn trọng việc làm, giữ mình thanh khiết và trọng chữ tín. Tiếng đồn ông hay chữ, cai trị giỏi, mọi người nể trọng. Ông cũng được phong Hiệp biện Đại học sĩ trong ngày khởi nghĩa.
    13. Trương Mỹ Ngọc
    Nếu ở Phù Cát (nguyên là Phù Ly) có La Xuân Kiều, ở Bình Khê (Tuy Viễn tách ra) có Võ Xuân Hoài thì ở An Nhơn (Tuy Viễn cũ) có Trương Mỹ Ngọc là ba ngôi sao văn học của tỉnh Bình Định (tức phủ Qui Nhơn cũ).
    Trương Mỹ Ngọc là người có khí phách, được uy tín với dân trong vùng, thấy cảnh nhiễu nhương của bọn tay chân Trương Phúc Loan, ông theo giúp Tây Sơn, được Nguyễn Nhạc trọng dụng, phong Hiệp biện Đại học sĩ. Với tài kinh bang tế thế, ông giúp Tây Sơn Vương rất nhiều trong việc xây dựng guồng máy hành chánh trước và sau khởi nghĩa.
  8. tranhanam

    tranhanam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/06/2003
    Bài viết:
    568
    Đã được thích:
    0
    (tiếp theo và hết)
    NGŨ PHỤNG THƯ
    Nét độc đáo của lực lượng Tây Sơn, không những có Thất hổ tướng, Lục kỳ sĩ mà còn xuất hiện Ngũ phụng thư là 5 bậc anh thư đã đóng góp không nhỏ trong cuộc khởi nghĩa thành công; đó là Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc.
    14. Bùi Thị Xuân
    Tương truyền Võ Văn Dũng và Bùi Thị Xuân có chung một nguồn gốc. Thời chúa Nguyễn (1533- 1775), hai anh em Lê Kim Bảng và Lê Kim Bôi gốc người Nghệ An vào lập nghiệp ở vùng Phú Phong. Để tránh sự chú ý của chính quyền về gốc tích của mình, họ hẹn nhau khi sanh con, cải sang họ mẹ. Sau Lê Kim Bảng lấy con gái họ Bùi ở Phú Phong, sinh hạ Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Thu và Bùi Thị Nhị, không có con trai. Lê Kim Bôi làm rể nhà họ Võ ở Phú Mỹ (?) sinh được con trai, Võ Văn Dũng là con út (20). Vậy Bùi Thị Xuân và Võ Văn Dũng là chị em thúc bá.
    Một thuyết khác cho rằng nữ tướng Bùi Thị Xuân là ái nữ của Bùi Đắc Chí và gọi Bùi Đắc Tuyên bằng chú, quê quán ở ấp Xuân Hòa khách hộ, thôn An Hòa, thuộc Thời Đôn, huyện Tuy Viễn. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, bà được theo đòi nghiên bút, lại khéo tay nổi tiếng viết chữ đẹp và công dung ngôn hạnh vẹn toàn. Tuy vậy, địa thế và phong thổ ảnh hưởng rất lớn đến con người, quê hương bà chỉ có phía tây liền với Phú Phong, còn phía đông lấy suối làm ranh giới, nam giáp núi, bắc giáp sông; bà được hun đúc bởi đất hiểm nên không theo nếp nữ nhi thường tình mà thích võ hơn văn, lơ là việc trang điểm và thường mặc áo hiệp sĩ.
    Năm 12 tuổi, một hôm thầy đồ có việc phải đi, giao lớp lại cho trưởng tràng coi sóc. Bọn học trò trai đem Bùi Thị Xuân ra giễu cợt bèn ra câu đối: ?oNgoài trai trong gái, dưa cải dưa môn?. Một người trong bọn đối lại: ?oĐứng Xuân ngồi thung, lá vông lá chóc?. Cả bọn cười ầm lên. Bùi Thị Xuân giận đỏ mặt, vung tay đi quyền tới tấp vào hai người ấy rồi bỏ về, từ ấy quyết theo nghiệp võ (21)
    Họ Bùi học võ với một bà lão suốt ba năm, đêm nào cũng luyện tập từ đầu hôm đến gà gáy. Học xong môn quyền rồi đến song kiếm, lại còn học nhảy xa, nhảy cao, nhảy sào... môn nào cũng điêu luyện, tiếng đồn bay xa khắp vùng. Xuất sư, bà mở trường dạy võ cho nữ giới, môn sinh có đến vài chục người, xuất sắc nhất là Bùi Thị Nhạn.
    Từ ngày cứu Trần Quang Diệu thoát khỏi nanh vuốt của mãnh hổ, Bùi Thị Xuân gia nhập phong trào Tây Sơn. Ngày khởi nghĩa bà được phong Đại tổng lý, sung vào đạo quân thứ ba lo việc củng cố hậu phương yểm trợ tiền tuyến.
    15. Bùi Thị Nhạn
    Bùi Đắc Lương, một cự phú ở ấp Xuân Hòa, sinh hạ 3 trai là Bùi Đắc Chí, Bùi Đắc Trung, Bùi Đắc Tuyên và hai gái là Bùi Thị Loan, Bùi Thị Nhạn. Bùi Thị Xuân là trưởng nữ của Bùi Đắc Chí, còn Bùi Thị Nhạn là quý nữ của Bùi Đắc Lương, nên mặc dù vai vế trong gia tộc là cô cháu nhưng bà Xuân lớn tuổi hơn bà Nhạn (22).
    Bùi Thị Nhạn thông minh, có năng khiếu về võ nghệ, là môn đệ xuất sắc nhất trong võ đường Bùi Thị Xuân. Bà mau chóng trở thành một nữ kiếm khách và là một sĩ quan cao cấp trong đạo quân của Bùi nữ tướng.
    Sau bà Nhạn kết duyên với Nguyễn Huệ, khi người vợ trước là bà Phạm Thị Liên qua đời.
    16. Trần Thị Lan
    Cũng theo Nhà Tây Sơn của Quách Tấn và Quách Giao, Trần Thị Huệ và Trần Thị Lan là con của Trần Kim Báu và cháu nội của võ sư Trần Kim Hùng, quê quán ở ấp Trường Định khách hộ, thuộc (tổng) Thời Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn nay là thôn Trường Định, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn (quận Bình Khê cũ).
    Tương truyền, lúc Thị Huệ 8 tuổi và Thị Lan 3 tuổi thì mẹ mất, cha buồn phiền bỏ nhà vào huyện Quảng Phước phủ Bình Khương (23) mở trường dạy võ, gửi hai con sống với ông bà nội ở quê nhà. Lớn lên Thị Huệ học nữ công với bà nội, Thị Lan thích theo nghiệp võ của ông nội, học chuyên về kiếm thuật và luyện thân lanh lẹ như chim én nên lấy biệt hiệu là Ngọc Yến.
    Chín năm sau, Trần Thị Lan được 12 tuổi thì cha mất. Ông nội phải dẫn hai cháu vào Ninh Hòa thọ tang, để có tiền lộ phí ông phải bày kế mãi võ. Khi về đến chợ Gò Chàm, ông đang mãi võ thì gặp sự xung đột với Nguyễn Văn Tuyết nhưng tiền hung hậu kiết.
    Sau này Trần Thi Huệ kết duyên với Nguyễn Nhạc, Trần Thị Lan lên thăm chị ở cơ sở kinh doanh Trường Trầu (ấp Kiên Mỹ) gặp được Bùi Thị Xuân, hai bên kết nghĩa và nằm trong đội quân Bùi nữ tướng. Khi Nguyễn Văn Tuyết tìm đến Tây Sơn, lại gặp Trần Thị Lan, cháu nội của thầy mình, cả hai rất mừng và kết duyên cầm sắt.
    17. Nguyễn Thị Dung
    Bà Dung là em của Nguyễn Văn Xuân, người làng Lạc Phổ huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi. Nghe tiếng thầy Trương Văn Hiến ở An Thái, anh em đến xin thọ giáo. Trường không thu nạp nữ sinh nên chỉ có Nguyễn Văn Xuân được nhận, còn Nguyễn Thị Dung thì Giáo Hiến giới thiệu đến võ đường của Bùi Thị Xuân ở Xuân Hòa.
    Nguyễn Thị Dung sở trường về kiếm, tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn là một sĩ quan cao cấp trong đội nữ binh của Bùi Thị Xuân. Sau Nguyễn Thị Dung kết duyên với Trương Văn Đô người làng Mỹ Khê huyện Sơn Tịnh (cùng tỉnh), một danh tướng của Tây Sơn.
    18. Huỳnh Thị Cúc
    Thị Cúc là em của Huỳnh Văn Thuận, người làng Đông Quang huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi. Huỳnh Văn Thuận và Nguyễn Văn Xuân là bạn tâm giao, cả hai đều có tài văn học và cùng thọ giáo Trương Văn Hiến. Như trường hợp của Thị Dung, bà Huỳnh Thị Cúc cũng được họ Bùi thu nhận vào võ đường.
    Trong hàng môn đệ của Bùi Thị Xuân, đều đứng dưới cờ khởi nghĩa của Nguyễn Nhạc, sau đó họ lần lượt kết hôn với các tướng lãnh Tây Sơn. Duy có Huỳnh Thị Cúc quyết không lập gia đình, suốt đời gắn bó với đoàn nữ binh của Bùi Đại tướng.
    Trên đây là 18 người đầu tiên đến với anh em Nguyễn Nhạc, họ là những tảng đá đắp móng xây nền dựng lên cơ nghiệp nhà Tây Sơn.
    Nói vậy, công thần buổi ban đầu của Tây Sơn không chỉ có thế, phải còn nhiều người nữa, chẳng hạn bên võ có: Đô đốc Đặng Văn Long tự là Tử Vân, hiệu là Đặng Thiết Tý (cánh tay của họ Đặng cứng như sắt), người huyện Tuy Viễn; Nội hầu Phan Văn Lân, học trò Giáo Hiến, người miền ngoài, không rõ phủ huyện; Nguyễn Văn Xuân, tì tướng của Trần Quang Diệu, sau khi hạ thành Qui Nhơn được theo phò tá Nguyễn Nhạc ở mặt trận phía bắc; Tư mã Ngô Văn Sở lãnh cờ hiệu Chinh nam Đại tướng quân, tiến chiếm gọn ba phủ Phú Yên, Diên Khánh và Bình Thuận...Ngoài các tướng, bên văn cũng có các học sĩ theo giúp Tây Sơn như : Mã Vĩnh Thắng người huyện Tuy Viễn, nức tiếng về thơ và từ; Võ Văn Cao quê nhà ở chân núi Cù Mông phía địa phận tỉnh Phú Yên, tính cương trực, làm việc cẩn trọng và nghiêm túc, ghét thơ văn phù phiếm, chuộng Nho giáo, chống tư tưởng Lão Phật; Lưu Quốc Hưng người Phú Yên, bản chất chính trực và cương quyết; Huỳnh Văn Thuận người Quảng Ngãi, hay chữ từ nhỏ, thông kinh sử, có tài thuyết phục; Nguyễn Văn Huấn và Nguyễn Văn Danh tổ tiên ở Nghệ An bị chúa Nguyễn bắt vào huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi, nhà nghèo nhưng hiếu học, anh em đều thọ giáo thầy Trương Văn Hiến...
    Các nhân vật vừa nêu trên có thể họ đến với Tây Sơn sau ngày khởi nghĩa, hoặc vì một lý do nào khác mà người đời không liệt vào hàng Thập bát cơ thạch?
    Có điều đáng tiếc cho lịch sử Việt Nam, cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn chỉ cách nay trên 200 năm, thế mà những gì đã xảy ra ở triều đại này rất mơ hồ, nhiều tài liệu còn trái ngược nhau, chẳng hạn như giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, ai anh, ai em? Lai lịch những công thần và diễn biến của cuộc khởi nghĩa ra sao? Ngày nay chỉ còn biết căn cứ vào các bức thư của giáo sĩ, vào sự tương truyền, vào rất ít ở chính sử, liệt truyện của triều Nguyễn và Thanh sử...
    Ai đã gây ra nạn khan hiếm tài liệu về Tây Sơn? Nguyễn Ánh, khi lên ngôi (1802) không những trả thù tận gốc rễ những người theo Tây Sơn mà còn có cả một sách lược dài hạn tiêu hủy tàn tích Tây Sơn, tận diệt nền văn hóa Tây Sơn. Chính sách ấy được duy trì suốt triều đại nhà Nguyễn (1802- 1945).
    Năm 1885- 1887, Mai Xuân Thưởng người làng Phú Lạc xã Bình Thành huyện Tây Sơn, ứng nghĩa Cần Vương chống Pháp ở Bình Định, bị triều đình Đồng Khánh kết tội ?oDương vị Hàm Nghi khởi nghĩa, âm vị ngụy Nhạc phục thù?. Bản án trảm quyết 11 người, ngoài 5 tướng lãnh như Bùi Điền (Thống trấn), Nguyễn Đức Nhuận (Hiệp trấn)..., 7 người còn lại đều là Mai tộc gồm: Mai Xuân Thưởng (Nguyên Soái) cùng bà con liên hệ với ông như Mai Xuân Quang (anh ruột), Mai Xuân Khánh (em ruột) cũng bị xử tử với tội danh ?okhông biết can ngăn?; 4 người anh em họ là Hòa, Vân, Nghị, Dao bị bị xử chém với tội danh ?ođã nhận chức hàm?. Các người khác trong Mai tộc tuy không can dự cũng bị liên lụy như 3 người bác là Chất (72 tuổi), Đức (65 tuổi), Hanh (62 tuổi); 4 anh họ thân là Dư, Dương, Tuyết, Ngân và 5 người em họ thân là Cẩm, Hoán, Dũng, Hóa, Pháp đều bị giải về quê quán giao cho chính quyền địa phương quản thúc (24). Bản án khắc nghiệt với Mai tộc chỉ vì Mai Xuân Thưởng có bà cao tổ cô Mai Thị Hạnh là vợ của Nguyễn Phi Phúc, tức thân mẫu của Nguyễn Nhạc.
    ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
  9. pumpkin_misa

    pumpkin_misa Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/10/2006
    Bài viết:
    5
    Đã được thích:
    0
    Tinh thần hiếu học của người Bình Định xưa và dòng họ "tứ đại khoa danh"
    17/02/2005
    Theo "Quốc triều Hương khoa lục", Trường Thi Bình Định từ khi ra đời (1852) đến khoa thi cuối cùng (1915), trong vòng 63 năm đã mở 22 khoa thi và chọn được 342 vị cử nhân. Riêng sĩ tử Bình Định chiếm 194 vị, còn lại 148 vị thuộc các tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và một vài nơi khác. Kết quả ấy cho thấy rằng: người Bình Định xưa rất hiếu học.
    Mặc dù Bình Định có Trường Tỉnh học từ đời Gia Long (1802), thế nhưng phải đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) mới có chỉ dụ thành lập Trường Thi Bình Định. Đến năm Tự Đức thứ 5 (1852) Trường Thi Bình Định mới mở khoa thi đầu tiên. Trường Thi Bình Định ra đời trở thành nơi hội tụ của sĩ tử 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (về sau thu nhận thêm sĩ tử Bình Thuận và một số nơi khác).

    Một số vị khoa bảng tại Văn chỉ Tuy Phước năm 1932: Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, Phó bảng Đào Phan Duân, Tú tài Trần Trọng Giải, Cử nhân Trần Đình Tân...

    So với các Trường Thi khác như Thừa Thiên, Thăng Long, Nghệ An, Gia Định? thì Trường Thi Bình Định ra đời muộn hơn. Sự ra đời của Trường Thi là một động lực tác động mạnh mẽ vào tinh thần hiếu học của từng sĩ tử, từng dòng họ ở Bình Định. Trong 22 khoa thi của Trường Thi Bình Định, sĩ tử Bình Định chiếm 12 thủ khoa, Quảng Ngãi 10 thủ khoa, các tỉnh còn lại không có thủ khoa. Tinh thần hiếu học, khuyến học của người Bình Định xưa thật đáng trân trọng, tinh thần ấy được thể hiện trong những câu hát: Lúc sĩ tử Quảng Ngãi giành thủ khoa: "Tiếc công Bình Định xây thành/ Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa". Khi sĩ tử Bình Định liên tiếp 3 khoa chiếm vị trí thủ khoa: "Tiếc công Quảng Ngãi đường xa/ Để cho Bình Định thủ khoa 3 lần". Riêng một nhà ở làng Xuân Quơn (ngày nay là Xuân Quang - phường Ghềnh Ráng - TP. Quy Nhơn) có 3 con đi thi đều đậu cả 3 (2 cử nhân, 1 tú tài). Khoa ấy Khánh Hòa chỉ đậu một cử nhân: "Một tỉnh Khánh Hòa không bằng một nhà Xuân Quơn".
    Sự hiếu học ấy đã tạo điều kiện cho Bình Định sản sinh nhiều bậc lương đống, trung thần, hiển hoạn, đại khoa. Và, trong những dòng họ khoa bảng ở Bình Định dưới thời phong kiến, chỉ có một dòng họ được người đời khen tặng 4 chữ "Tứ Đại Khoa Danh" (bốn đời tiếng tăm do đỗ đạt). Đó là dòng họ Lê ở thôn An Cửu, nay thuộc xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước.
    Đời thứ nhất: Lê Doãn Xuân (1799-1840) đỗ đầu kỳ thi Hương (Giải nguyên) trong 32 cử nhân khoa Đinh Dậu năm Minh Mạng thứ 18 (1837) tại Trường Thi Thừa Thiên.
    Đời thứ hai: Lê Thuần tự Khải (1828-1890) con ông Lê Doãn Xuân, đỗ tú tài. Ông có 2 người con đều thi đỗ cử nhân, đó là Lê Tấn và Lê Thân.
    Đời thứ ba: Lê Tấn tự Bích (1855-1908) đỗ cử nhân thứ 5/18, tại Trường Thi Bình Định khoa Đinh Dậu năm Thành Thái thứ 9 (1897).
    Lê Thân tự Tử Văn (?-1908) đỗ đầu (Giải nguyên) kỳ thi Hương tại Trường Thi Bình Định khoa Ất Dậu năm Hàm Nghi thứ nhất (1885). Khoa này trúng tuyển 8 cử nhân, trong số đó có Mai Xuân Thưởng lãnh tụ phong trào Cần Vương ở Bình Định sau này.
    Đời thứ 4: Lê Doãn Sằn (1883-1948) con ông Lê Tấn, đỗ cử nhân thứ 7/18 tại Trường Thi Bình Định khoa Nhâm Tý năm Duy Tân thứ 6 (1912); Lê Hiếu Thuật, con của Giải Nguyên giáo thọ Lê Thân, đỗ tú tài.
    Hiện nay con cháu họ Lê tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ, nhiều người đỗ đạt cao. Truyền thống hiếu học, khuyến học của người Bình Định xưa và tấm gương hiếu học của họ Lê "Tứ Đại Khoa Danh" ở thôn An Cửu đáng được nêu cao để các thế hệ sau noi theo.
    (Baobinhdinh)

  10. pumpkin_misa

    pumpkin_misa Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/10/2006
    Bài viết:
    5
    Đã được thích:
    0
    Đất Bình Định xưa...
    HỮU VINH

    Vài mốc thời gian về quá trình hình thành
    Theo lịch sử tên gọi Bình Định có từ khi vua Gia Long chiếm lại vùng đất này từ nhà Tây Sơn. Vậy, trước đó trăm năm, nghìn năm đất Bình Định là gì? Trả lời câu hỏi này thuộc các nhà sử học, song qua một vài ghi chép và từ các gia phả dòng họ hiện nay (có thể chưa được thẩm định về lịch sử) ở Bình Định, thì đất Bình Định có bề dày lịch sử nhiều thiên niên kỷ.
    Ít nhất cách đây trên 2300 năm đất này đã có cư dân sinh sống, gọi là đất Việt Thường Thị, nằm trong Bách Việt. Tục truyền rằng, năm 2353 trước Công Nguyên vua xứ Việt Thường Thị đem dâng rùa thần cho Trung Quốc tỏ ý thần phục. Từ đời Tần đến đời Hán, đời Đường (Trung Quốc) xứ này có tên là Lâm Ấp thuộc Tượng Quận, rồi Tượng Lâm thuộc Nhật Nam. Đời Hậu Hán, Khu Liên giết quan huyện và tự xưng là vua Lâm Ấp. Đến năm 627 đời Đường đất được đổi tên là Lâm Châu, có ba huyện: Lâm Ấp, Kim Long và Hải Giới. Năm 803 nhà Đường bỏ đất này, dân chúng tự dựng nên nước Chiêm Thành, xây thành Đồ Bàn làm kinh đô. Năm 1470, đời Lê Hồng Đức, nước Đại Việt mở đất đến núi Thạch Bi (Phú Yên ngày nay) đặt làm phủ Hoài Nhơn thuộc thừa tuyên Quảng Nam. Phủ có 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn.
    Năm 1602, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đổi tên là phủ Quy Nhơn và đời chúa Nguyễn Phúc Tần đổi làm phủ Quy Ninh (1651). Sau đó, chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát khôi phục lại tên cũ là phủ Quy Nhơn. Thời nhà Tây Sơn (1773-1802), thành Đồ Bàn được xây dựng thêm và đặt tên thành Hoàng Đế, kinh đô của vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc). Sau khi tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu bỏ thành Quy Nhơn, nhà Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Phúc Ánh lấy lại đất và đặt là dinh Bình Định. Năm 1808 dinh Bình Định chuyển thành trấn Bình Định và năm 1816 đặt Tri phủ Quy Nhơn trông coi ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tri Viễn. Đến thời vua Minh Mạng được đổi tên thành tỉnh Bình Định (1832) và đặt chức Tổng Đốc Bình Phú coi tỉnh Bình Định và Phú Yên. Từ đó về hành chính tỉnh Bình Định tiếp tục có nhiều thay đổi cho đến năm 1945.

    Tổ chức hành chính tỉnh Bình Định thời nhà Nguyễn
    Sau khi vua Minh Mạng đổi tên thành tỉnh Bình Định và đặt chức Tổng Đốc Bình Phú, lúc này dưới tỉnh có Phủ, dưới phủ có Huyện, dưới huyện có Tổng, dưới tổng có Thôn. Theo phân chia đó, tỉnh Bình Định bấy giờ có phủ Hoài Nhơn gồm các huyện: Bồng Sơn, Phù Mỹ và Phù Cát; Phủ An Nhơn có huyện Tuy Viễn và Tuy Phước và toàn tỉnh có 14 tổng, 677 thôn. Năm 1877, phần phía tây của Huyện Tuy Viễn từ thôn Phú Phong tới An Khê được đặt làm Nha Kinh Lý An Khê, sau đó cải là huyện Bình Khê có bốn tổng (An Khê, Vĩnh Thạnh, Tân Phong và Thuận Tuyên) thuộc phủ An Nhơn. Năm 1906, tách một số tổng của của huyện Bồng Sơn lập thành huyện mới Hoài Ân, trực thuộc phủ Hoài Nhơn; huyện Tuy Phước được nâng lên là phủ Tuy Phước (không có huyện) chỉ có bốn tổng.
    Như vậy, đến năm 1906 tỉnh Bình Định có tổ chức hành chính: 3 phủ, 6 huyện, 27 tổng, 702 thôn (Phường, Trang). Đáng chú ý là đến năm 1910, các huyện không còn trực thuộc phủ, mà phủ và huyện có quyền hành ngang nhau, dưới phủ, huyện có tổng. Và tỉnh Bình Định có các huyện Bồng Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân, Tuy Viễn, Bình Khê và các phủ: Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước với dân số khoảng 589000 người, bao gồm các dân tộc: người Kinh trên 581000 người, người dân tộc thiểu số 7000 người, người Hoa 7000 người, người Pháp 120000 người, Ấn Độ 6 người. Năm 1915, tỉnh Phú Yên sáp nhập vào tỉnh Bình Định gọi là tỉnh Bình Phú cho đến năm 1945.
    Qua quá trình hình thành và phát triển cho thấy, vùng đất Bình Định đã trải qua nhiều biến chuyển lịch sử, trầm tích nhiều tầng lớp văn hóa, mà ngày nay những gì hiện hữu chỉ là một phần nhỏ của "tảng băng chìm".

    Hữu Vinh

Chia sẻ trang này