1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Bổ sung thông tin biên niên về Khánh Ly

Chủ đề trong 'Nhạc TRỊNH' bởi nguyenthanhchuong, 06/03/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. nguyenthanhchuong

    nguyenthanhchuong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/05/2003
    Bài viết:
    176
    Đã được thích:
    0
    Bổ sung thông tin biên niên về Khánh Ly

    Nguyenthanhchuong vừa trích dịch một chút tiểu sử biên niên về Nữ hoàng chân đất - Khánh Ly, xin phép được post lên để cả nhà đọc chung, và rất thiết tha mong được cả nhà bổ sung thêm tư liệu (nếu có) về cuộc đời cầm ca của người nữ ca sĩ đã trọn đời xả thân cho sự nghiệp và cho công chúng.

    Đến đầu tháng 4 này, chúng ta tưởng niệm 3 năm ngày mất cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, vì vậy, việc nhấn mạnh vai trò của Khánh Ly trong sự nghiệp âm nhạc của ông, thiết nghĩ, cũng là một việc có ý nghĩa...

    ***

    KHANH LY


    Khánh Ly sinh ngày 6 tháng 3 năm 1945. Tên thật: Nguyễn Thị Lệ Mai. Hiện cư ngụ tại Cerritos, CA.

    Năm 1959, khi lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình tuyển lựa "Thiếu Nhi Tài Sắc" do đài phát thanh Sài Gòn thực hiện được phát thanh qua làn sóng điện tại Miền Nam Việt Nam. Người đoạt giải nhì trong chương trình này chính là Lệ Mai, 14 tuổi.

    Năm 1962, Khánh Ly đã thực sự bắt đầu bước vào cuộc đời ca hát của mình. Cô đã trình diễn ở rất nhiều phòng trà ca nhạc tại Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Phần nhiều tại thành phố đà Lạt, "Phố Núi Cao" của vùng cao nguyên Việt Nam.

    Năm 1964, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mời Khánh Ly về Sài Gòn trình diễn và thu băng cho các hãng phát hành đĩa nhạc tại Sài Gòn. Bài hát Ướt Mi, một sáng tác của Trịnh Công Sơn vào năm 1959 đã được thu băng lần đầu tiên qua giọng hát Khánh Ly. Rồi từ đó và mãi đến sau này, khi nhắc đến Khánh Ly là nhắc đến Ướt Mi, đến Trịnh Công Sơn.

    Năm 1964, cuốn băng "Sơn Ca 7" qua tiếng hát Khánh Ly với những tình khúc Trịnh Công Sơn làm dậy lửa yêu đương đã đánh dấu sự thành công của dòng nhạc Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly. Họ đã trình diễn khắp nơi trên đất nước Việt Nam và nhất là trong "Sân Cỏ Đại Học". Từ đó, Khánh Ly được mệnh danh là "Nữ Hoàng Chân đất" hay "Nữ Hoàng Sân Cỏ"

    Năm 1969, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn được mời đi lưu diễn tại Âu Châụ Khánh Ly là người nữ ca sĩ Việt Nam đầu tiên trình diễn tại đây cũng như các nước trên toàn cầu. Đến cuối năm 1970, Khánh Ly đã trình diễn tại Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Nhật Bản. Lúc bấy giờ, Nippon Columbia đã mời Khánh Ly trực tiếp cộng tác tại Nhật Bản để trình diễn tại Osaka Fair. Khánh Ly đã thu vào đĩa vàng tại Nhật hai nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn đó là Diễm Xưa và Ca Dao Mẹ được chuyển dịch sang tiếng Nhật.

    Tiếp tục cuc "du ca" với cây đàn của Trịnh Công Sơn. Họ đã có những buổi trình diễn trong các trường đại học lớn. Những buổi này, Khánh Ly đã trở thành "Nữ Hoàng Có Giọng Hát Nhừa Nhựa". Trong mỗi lần trình diễn như thế, có khi kéo dài đến cả bốn, năm giờ đồng hồ, Khánh Ly đã hát say mê hơn 45 nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn để đáp lại lời yêu cầu của giới thưởng ngoạn.

    Năm 1970, ngọn lửa chiến tranh bắt đầu lan tràn khắp mọi nơi. Trịnh Công Sơn đã viết lên những bản "Phản Chiến Ca" để nói lên niềm hy vọng cho hoà bình, cho đất nước và con người Việt Nam. Với tâm huyết của một Người Con Gái Việt Nam Da Vàng, Khánh Ly yêu quê hương như yêu đồng lúa chín, và để chia sẻ niềm khao khát hoà bình, tự do chung cho cả một dân tộc bằng những ca khúc đấu tranh đầy phẫn nộ, Khánh Ly đã hát cho Quê Hương Việt Nam.

    Ngoài ra, Khánh Ly còn đóng góp rất nhiều công sức trong việc trình diễn của mình cho các hội đoàn, công giáo Việt Nam bằng những buổi ca nhạc để gây dựng công quỹ cho các chương trình như: xây chùa, nhà thờ, trại mồ côi, trại tị nạn ở kháp mọi nơi. Tính đến nay, Khánh Ly đã trình diễn không biết bao nhiêu lần "miễn phí" cho sinh viên học sinh, các Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, hội đoàn, tôn giáo v.v...

    Năm 1972, Khánh Ly đã mở riêng cho mình một phòng trà ca nhạc mang tên Khánh Ly trên con đường Tự Do, số 1214 tại thành phố Sài Gòn. Năm 1975, Khánh Ly cùng gia đình rời Việt Nam tìm tự do và định cư tại Hoa Kỳ, thành phố Cerritos, CA cho đến bây giờ. Khánh Ly, tuy phải theo đời cơm áo, mai ra cùng phố xôn xao, bỏ lại những yêu dấu tan theo nhưng Khánh Ly cũng không ngưng phát triển Kiếp Cầm Ca. Trung tâm băng nhạc Khánh Ly đã thành lập, cho ra đời những đĩa nhạc châu ngọc quý báu để đóng góp trong làng âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại. Khánh Ly Productions đã phát hành hơn 30 đĩa nhạc, 4 cuốn băng video, ngoài ra Khánh Ly còn rất bận rộn trong công việc thu băng cho các trung tâm băng nhạc nổi tiếng khác như Asia Productions, Thuy Nga Paris, Mây Productions..v.v... Năm 1979, hàng đĩa Nippon Columbia đã mời cô thu băng lần thứ nhì qua các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lần này, đĩa vàng đã được ấn bản hơn 2 triệu đĩa tại Nhật Bản. Năm 1987, Khánh Ly lại môt lần nữa dến thăm Nhật Bản và thực hiện một chương trình cho người Thuyền Nhân, "Boat People", qua nhiều nhạc phẩm khác nhau, trong đó có bài "Đêm Chôn Dầu Vượt Biển" của Châu Đình An.

    Năm 1988, Khánh Ly được mời đến Vatican cho một buổi lễ "Xưnh Danh 117 vị mục sư Việt Nam" và lần này niềm vinh dự lớn dành cho Khánh Ly, người con ngoan đạo đã được gặp đức giáo hoàng đệ nhị John Pope Paul.

    Khánh Ly... Đời vẫn hát... Hát mãi cho người mua vui. Năm 1996, cuối mùa thu, Khánh Ly đã nói lên cho toàn thế giới, trái tim nhân loại, cho mọi người cùng nghe bằng một nhạc phẩm "Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng" của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng để thầm cảm ơn một tình thương nhân loại. Chính phủ Phi Luật Tân đã chấp nhận cho người Việt tị nạn ở lại ngay trên đất nước của họ trong "Làng Việt Nam" được xây bên ngoài Việt Nam...


    Nguồn: www.khanhly.net/tieusu.asp



    ***



    Khánh Ly

    Buổi trình diễn đầu tiên của Khánh Ly diễn ra vào năm 1959, trong cuộc thi năng khiếu âm nhạc thiếu nhi được tài trợ bởi Đài Phát thanh Sài Gòn. Buổi trình diễn được phát sóng trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam. Lúc đó, Khánh Ly mới có 14 tuổi. Và cô đã chiếm giải nhì.

    Năm 1962, vào tuổi 17, Khánh Ly bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình. Cô lưu diễn ở nhiều phòng trà tại Cao Nguyên Trung Phần. Một trong những địa điểm nổi tiếng nhất là Đà Lạt, địa điểm lý tưởng cho các đôi tình nhân và khách du lịch.

    Năm 1964, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mời Khánh Ly về Sài Gòn để trình diễn. Lúc đó, cô đã từ chối lời mời của người nhạc sĩ trẻ đầy triển vọng này.

    Năm 1967, sau khi gặp lại nhau một cách tình cờ và may mắn, Khánh Ly bắt đầu cộng tác với Trịnh Công Sơn. Theo hồi ức của Khánh Ly, sự cộng tác này bắt đầu từ Quán Văn tại Sài Gòn. Chỉ trong một thời gian ngắn, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đã trở nên nổi tiếng trong toàn quốc.

    Cũng theo hồi ức của họ, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn bắt đầu trình diễn tại nhiều trường đại học và cao đẳng. Những cuộc trình diễn của họ ngày càng thu hút được đông đảo công chúng. Khánh Ly trở thành ca sĩ Việt Nam đầu tiên tổ chức chương trình cho riêng mình. Những chương trình biểu diễn của họ thường kéo dài ít nhất bốn giờ đồng hồ, và trong thời gian đó, họ có thể mang đến cho công chúng khoảng 40-50 bài hát.

    Năm 1970, cuộc chiến tranh Việt Nam đã leo đến bậc thang cao chưa từng thấy. Trong suốt thời gian này. Trịnh Công Sơn đã sáng tác một loạt nhạc phẩm phản chiến và ca ngợi hòa bình. Cũng thời gian đó, Khánh Ly đã tăng cường lưu diễn các tác phẩm phản chiến này tại các doanh trại quân đội và các chiến tuyến của quân đội Việt Nam cộng hòa.

    Bênh cạnh đó, Khánh Ly còn đi lưu diễn tại nhiều vùng miền khác nhau. Từ năm 1967 tới 1975, Khánh Ly đã trình diễn miễn phí cho sinh viên, bộ đội, và các lãnh tụ tôn giáo. Sự kiện này đã làm nổ bật tinh thần nhân văn của Khánh Ly và càng khiến cho thính giả hâm mộ cô hơn.

    Năm 1969, chính quyền Nam Việt Nam đã tài trợ cho Khánh Ly đi lưu diễn tại châu Âu. Cô trở thành nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên trình diễn tại nước ngoài. Các cuộc trình diễn của cô chủ yếu phục vụ sinh viên Việt Nam du học và cộng đồng người Việt tại châu Âu. Khánh Ly tiếp tục lưu diễn tại Hoa Kỳ và Ca-na-đa vào năm sau.

    Năm 1970, hãng Nippon Columbia đã mời Khánh Ly sang Nhật Bản để dự Hội chợ Osaka và thu âm hai bài hát Diễm Xưa và Ca Dao Mẹ bằng hai thứ tiếng Nhật và Việt. Trịnh cộng sơn đã đặc biệt yêu cầu hãng này chọn Khánh Ly làm ca sĩ để thu âm.

    Năm 1972, Khánh Ly đầu tư và mở Phòng Trà Khánh Ly của riêng mình. Phòng trà này đặt tại số 1214 đường Tự Do, Sài Gòn (nay là đường Đồng Khởi, quận 1).

    Năm 1975, Khánh Ly cùng gia đình đã theo đoàn người di tản sang Hoa Kỳ và định cư tại thành phố Ceriitos, bang California.

    Năm 1979, hãng Columbia Nippon một lần nữa mời Khánh Ly sáng Nhật Bản và thu âm một chương trình, trong đó có một số nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Năm 1982, Hãng phát thanh Bunka Honso mời Khánh Ly tham gia Liên hoan Âm nhạc Châu Á với nhiều nghệ sĩ khác từ một số nước châu Á.

    Năm 1982, Khánh Ly được mời tới Nhật Bản để tham gia trình diễn tại Diễn đàn Âm nhạc châu Á với các ca sĩ khác đến từ Hàn Quốc, Hồng-Kông, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và Nhật Bản. Sau đó, hãng Nippon Columbia đã mời cô thu âm mười nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Cô đã hát các nhạc phẩm này bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật.

    Năm 1985, Khánh Ly cùng chồng là ông Nguyễn Hoàng Đoan thành lập Khánh Ly Productions.

    Năm 1987, Khánh Ly trở lại Nhật Bản để thu âm nhạc phim cho bộ phim Thuyền nhân của Hãng phim Motion.

    Năm 1988, Khánh Ly được mời tới Va-ti-căng dự buổi tưởng niệm đặc biệt nhằm vinh danh 117 vị linh mục người Việt đã tử vị đạo. Nhân dịp này, Khánh Ly đã được Giáo hoàng John Paul II tiếp riêng.

    Năm 1989, sau khi Bức tường Béc-lin sụp đổ, Khánh Ly cùng bạn là Thanh Thuyền đã tham gia chương trình hòa nhạc đầu tiên tại Đông Berlin

    Năm 1990, Khánh Ly là ca sĩ đầu tiên lưu diễn tại Liên Xô cũ và các nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc?

    Năm 1992, Khánh Ly được mời tham dự Liên hoan Thanh niên thế giới, tổ chức tại thành phố Denver, bang Colorado, Hoa Kỳ. Cô đã tham gia trình diễn phục vụ đông đảo thính giả về dự Liên hoan. Đây cũng là dịp cô được gặp Giáo hoàng John Paul II lần thứ hai

    Năm 1996, NHK, hãng thông tấn lớn nhất của Nhật Bản, đã chọn Khánh Ly là người đầu tiên trong danh sách mười người nổi tiếng để làm phim tư liệu về cuộc đời và gia đình cô. Bộ phim dài 50 phút, và đã được trình chiếu bởi Hãng Hideo Kado.

    Tháng 9/1997, Hãng thông tấn NHK đã phát hành một cuốn sách viết về Khánh Ly, dày 270 trang bằng tiếng Nhật. Cuốn sách được bán tại riêng Nhật Bản.

    Khánh Ly thực sự là một ngôi sao của công chúng. Trong suốt sự nghiệp cầm ca rất nổi tiếng của mình, cô luôn cố gắng tự vượt lên bản thân để có thể đưa giọng ca của mình đến với thính giả trên toàn thế giới qua băng đĩa hoặc các buổi trình diễn. Tinh thần nhân văn của cô đã chinh phục được nhiều thế hệ. Cô thực sự là một người phụ nữ Việt Nam mẫu mực và là một ngôi sao sáng của nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam.

    (nguyenthanhchuong lược dịch)



    Được nguyenthanhchuong sửa chữa / chuyển vào 01:27 ngày 08/03/2004

    Được nguyenthanhchuong sửa chữa / chuyển vào 01:33 ngày 08/03/2004
  2. nha_trang

    nha_trang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/06/2003
    Bài viết:
    45
    Đã được thích:
    0
    Trò chuyện cùng Khánh Ly ...
    Việt Tide: Cái gì đã thúc đẩy chị từ khi mới 8, 9 tuổi đã tự mình lên sân khấu tại hội chợ ở HN đế cất tiếng hát cũng như sau này mới 12 tuổi đã trốn nhà leo lên xe chở rau về Sài Gòn để dự thi chương trình tuyển lựa ca sĩ nhi đồng ở đài phát thanh?
    Khánh Ly: Tôi nghĩ điều đó chỉ có thể giải thích là sự đam mê ca hát trong huyết quản của mình, từ bố tôi -- một người không phải là nghệ sĩ nhưng lại có rất nhiều nghệ sĩ tính -- truyền sang cho tôi. Lúc đó tôi chưa ý thức được điều mình làm nhưng vẫn cứ làm. Sự yêu nhạc đã nằm sẵn trong tiềm thức, trong máu của mình. Trong những năm tản cư lên Việt Bắc sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 bùng nổ, tôi đã được bố tôi hát cho nghe những bài hát của các nhạc sĩ của thời đó. Có thể nói tôi đã lớn lên trong tiếng hát của bố chứ không là lời ru của mẹ. Những bài hát đó như bài "Chiều Vàng" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, bài "Con Thuyền Không Bến" của Đặng Thế Phong đã đi theo tôi, đã ngấm vào hồn tôi, trong suốt cuộc đời sau này.
    Việt Tide: Phải chăng lúc mới bắt đầu hát nhạc TCS chị chỉ hát những bài nhạc tình? Những bài mà chúng ta gọi là về "thân phận" xuất hiện lúc nào?
    Khánh Ly: Ngay từ khi mới gặp nhạc sĩ TCS tôi đã được anh tập cho những bài hát về tình yêu như Dấu Chân Địa Đàng, Tuổi Đá Buồn bên cạnh những ca khúc về thân phận con nguời Việt Nam như Xin Mặt Trời Ngủ Yêu, Xin Cho Tôi và Phúc Âm Buồn. Cũng xin kể lại một giai thoại ở đây là bài này lúc đầu chỉ có tên là "Phúc Âm" nhưng một hôm trong lúc ngồi tập, tôi nghịch ngợm viết thêm chữ "Buồn" và khi đem in anh TCS đã cho đổi tựa là "Phúc Âm Buồn".
    Việt Tide: Khi người ca sĩ hát là muốn trình bày tất cả những suy nghĩ, tâm tình người nhạc sĩ gói ghém trong ca khúc. Đối với chị, lúc đó vẫn còn là một thiếu nữ rất trẻ, khi trình bày những bài hát về thân phận, về chiến tranh, về đất nước... chị đã cảm nhận điều đó bằng cách nào? Qua sự giải thích của nhạc sĩ TCS hay bằng sự suy nghĩ của mình?
    Khánh Ly: Khi tôi gặp nhạc sĩ TCS thì tôi còn rất trẻ, chỉ 18 tuổi. Và khi tôi bắt đầu hát nhạc anh thì tôi đã 21 tuổi. Tôi đã sớm nhận biết được những điều mà anh Sơn muốn nói vì ít ra tôi cũng đã trải qua những ngày tháng dù không hiểu biết nhiều về cuộc chiến nhưng tiềm thức vẫn còn ghi lại những ngày cùng gia đình chạy loạn ở ngoài Bắc. Cho tới giờ này tôi chưa quên và tôi cũng không hiểu vì sao trong trí nhớ của đứa trẻ 2, 3 tuổi mà tôi vẫn còn nhớ mãi. Rồi đến cuộc di cư năm 1954 và cuộc chiến bùng nổ năm 1960. Bằng sự nhận xét và ý thức của một người VN, dù là một người đàn bà, tôi cũng cảm nhận những điều mà nhạc sĩ TCS muốn gửi gấm trong nhạc của ông để nói lên thân phận của những người dân trong một xứ sở nghèo, nhược tiểu và không bao giờ thật sự có quyền nói lên mơ ước của mình.
    Việt Tide: Lúc trước, trong một khoảng thời gian rất dài, khi nhắc đến nhạc TCS là nói đến chị. Nhưng từ khi ra ngoại quốc chị đã không còn có cơ hội hát nhạc của anh nhiều. Về sau này, từ thập niên 90 trở đi, nhạc TCS bắt đầu phổ biến mạnh hơn trong nước và với những ca sĩ mới hơn, trẻ hơn. Chị có cảm tưởng là mình bị đi ra ngoài lề dòng nhạc TCS hay chăng?
    Khánh Ly: Tôi chỉ muốn nói như thế này: có những bài hát anh làm ra nhiều người suy diễn cho rằng viết để cho tôi, như bài "Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên" chẳng hạn, nhưng thực ra đó là cho các em của anh lúc đó vừa vượt biên ra ngoại quốc. Cũng có những bài hát khác, tôi cảm thấy có hình ảnh của mình trong đó. Có những bài hát của anh, trong khi tôi đã trình diễn rất nhiều lần ở hải ngoại, thì chỉ được cho hát trong nước thời gian gần đây. Tôi đã đi với anh trên con đường ca nhạc từ lâu lắm rồi và mối thâm tình đủ để tôi yên lòng là không bao giờ tôi bị gạt ra khỏi dòng nhạc TCS.
    Việt Tide: Chị có project gì cho tương lai gần không?
    Khánh Ly: Thực sự thì những điều đó còn tuỳ thuộc vào nhà tôi (anh Nguyễn Hoàng Đoan). Nếu ông thích làm thì sẽ thực hiện. Chúng tôi có rất nhiều những hình ảnh tài liệu riêng về anh TCS nhưng cũng chưa cảm thấy muốn thực hiện ngay trong lúc này. Tôi cũng đã thu tất cả các bài nhạc TCS và được anh cho toàn quyền sử dụng nhạc của anh tại hải ngoại. Thời gian gần đây tôi cũng tham dự vào việc gây quỹ giúp thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, giúp trẻ em khuyết tật, giúp người cùi, xây lại các nhà nguyện bị đổ nát dưới danh nghĩa Trịnh Công Sơn - Khánh Ly Foundation.
    Việt Tide: Nhìn lại cuộc đời ca hát hơn 40 năm của mình, có hình ảnh nào làm cho chị nhớ mãi không?
    Khánh Ly: Có lẽ hình ảnh làm cho tôi cảm động và khắc sâu trong tâm khảm của tôi là những người lính Việt Nam Cộng Hòa đứng dưới giao thông hào trong cơn mưa và nghe tôi hát nhạc của anh Trịnh Công Sơn. Tôi sẽ mang những hình ảnh này với mình đến cuối đời.
  3. nguyenthanhchuong

    nguyenthanhchuong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/05/2003
    Bài viết:
    176
    Đã được thích:
    0
    Nỗi buồn nhớ quê hương
    Khánh Ly

    Du Tử Lê có một đoạn thơ viết về đời lưu vong của mình trên đất Mỹ, ý thơ mang nỗi buồn khôn nguôi:
    ?oKhi tôi chết hãy đem tôi ra biển
    Ðời lưu vong không cả một ngôi mồ
    Vùi đất lạ thịt xương e khó rã
    Hồn không đi sao trở lại quê nhà...
    Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
    Và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
    Cho tôi hướng vọng quê hương tôi lần cuối
    Ðời lưu vong tận huyệt với linh hồn?

    Quê hương nghe thấm thía làm sao khi những người xa đất nước nhớ về, nghĩ về nó, dù bất luận quá khứ của mỗi người như thế nào, khi ở xa đều nhớ về nó với chung một nguồn gốc: con người Việt Nam sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên dải đất Việt Nam, từ chén mắm ruốc, tô phở Hiền Lương, bờ tre, ngọn lúa, dòng sông... đều trở thành nỗi nhớ, lòng yêu quê hương vô bờ của người đi xa.
    Tôi là gái Bắc, lớn lên ở Sài Gòn, nhưng lạ lùng làm sao tôi không nhớ Hà Nội bao nhiêu. Không yêu Sài Gòn lắm. Mà chỉ xót xa đến Huế. Huế nghèo, thành phố chỉ vài con đường chính, Huế nóng cháy da, mềm thịt. Huế lạnh buốt, lạnh từ lòng lạnh ra. Dường như Huế chỉ thực sự huyền ảo, nên thơ bởi những nghệ sĩ khi viết về quê hương mình. Có lẽ đó là điều dĩ nhiên của mọi người, mọi miền khi viết về nơi mình được sinh ra. Âu cũng không phải là điều làm cho ta ngạc nhiên.
    Nhưng không phải vì những điều người Huế viết về Huế đã làm tôi yêu Huế. Vì như vậy tôi phải yêu Hà Nội hơn mới có lý. Phải yêu Sài Gòn, phải yêu Ðà Lạt hơn mới phải. Vậy mà tôi yêu Huế, thỉnh thoảng gặp lại một vài người bạn, tôi năn nỉ ?omi nói cho tau nghe chút cho đỡ ?odzớ? ?. Con gái Huế nói như hát, dịu dàng, đi đứng khép nép nhẹ nhàng. Có một cái gì đó thật mong manh, như tơ, như sương khói, như một điều không có thật trong con người của các cô gái Huế. Tôi có cảm tưởng như họ không phải là một sự hiện hữu. Một chút hương khói hư ảo, chập chờn. Chỉ một tiếng động khẽ dù là tiếng rơi của một chiếc lá, cũng đủ làm tan biến đi tất cả. Mười ba năm qua, chỉ xin nói vài câu cho đỡ nhớ ?onhà?. Như thế là yêu đấy, nhiều mới khổ chứ. Dù tôi chỉ biết Huế sau tết Mậu Thân và không quá mười lần ghé Huế. Nhưng tôi yêu Huế bởi từ Huế tôi mới biết thế nào là tình yêu. Tôi không muốn nhắc đến, những điều đã được viết quá nhiều về một nơi chốn. Tôi chỉ muốn nhắc đến ?oHuế của riêng tôi? và như vậy cũng có nghĩa là mở ra cánh cửa kỷ niệm, của những hân hoan, đau đớn, những ước mơ không thành, những dằn vặt ám ảnh, đeo đuổi tôi suốt mười ba năm qua... mười ba năm đã không thành, không nói. Thì bây giờ lẽ ra càng không nên nói. Bởi dù có thêm 100 năm nữa ?oHai mái đầu xanh giờ đã bạc? cũng chẳng còn bao giờ gặp lại nhau. Nếu có chăng thì cũng là kiếp sau. Nhưng ?otình tưởng đã yên mà tâm còn động vọng?. Thì ra mười ba năm với tôi vẫn còn là cơn mộng. Chưa thoát ra được. Không thoát ra được. Không muốn thoát ra. Cố gắng bao che, tự dối mình. Chỉ là một cơn mộng. Ðêm sẽ qua, mộng sẽ tàn. Ta sẽ tỉnh. Thấy tóc vẫn còn xanh với lời dặn ?ochưa qua đèo Hải Vân nhớ cột tóc, kẻo gió bay nghe em?.
    Mộng đã tàn. Tôi đã tỉnh với đau đớn. Thì thầm một mình ?okhóc đi chứ?. Còn khóc được là biết mình còn sống. Còn khóc được là biết Huế còn đó trong trái tim, trong tận cùng thống khổ, khốn cùng của một kiếp người mà hạnh phúc đồng nghĩa với bất hạnh.
    Tôi vốn là một đứa trẻ mồ côi cha; cha tôi chết trong trại Ðầm Ðùn sau bốn năm bị giam hãm. Học hành dở dang, vài năm trường Tây, vài năm trường ta. Trường học chẳng dạy tôi điều gì. Gia đình chẳng dạy tôi điều gì. Nên tôi tự dạy tôi ra đời năm 16 tuổi. Ði hát nhưng không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ. Hát vì thích hát. Ðiều này tôi hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi ông bố có nhiều nghệ sĩ tính, nhưng lại đi theo kháng chiến và chết đau thương trong lao tù. Không có tình thương của cha, không hợp tính với mẹ. Ngoài ý thích được hát, tôi không biết mình phải làm gì. Ðời sẽ cho tôi những gì và tôi sẽ được những gì.
    Tôi quờ quạng sống lang thang giữa đám bạn bè tốt bụng, nay đứa này cho bịch gạo, mai đứa kia cho chai nước mắm. Nghèo mà vui, tôi không buồn vì nỗi bị gia đình hắt hủi, từ bỏ. Tôi như một thằng con trai giữa đám bạn trai. Tuy không có cái cảnh vườn đào kết nghĩa nhưng cho đến bây giờ gần 30 năm qua, có đứa đã ra đi mãi, có đứa nửa điên nửa dại, có đứa nhà cao cửa rộng vợ con đùm đề. Thỉnh thoảng gặp lại tưởng 30 năm mà như một ngày. Cũng tưởng đời sẽ mãi lêu bêu cho tới ngày cuối, nhưng nếu định mệnh là điều có thật thì điều đó đã đến với tôi một đêm mưa tại Ðà Lạt.
    Dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng tròn, gọng đồi mồi, cặp mắt bồ câu, vầng trán cao, rộng, sống mũi thẳng, nụ cười đẹp tươi với chiếc răng khểnh. Người con trai đó nói với tôi bằng giọng Huế. Dân Ðà Lạt đa số nói tiếng Huế nhưng hơi lai, nhưng Sơn là ?oHuế chay?. Sơn với hai bàn tay gầy guộc, những ngón tay dài, tài hoa, tháp cho tôi một đôi cánh, xỏ vào chân tôi đôi hài bảy dặm. Cô bé lọ lem lột xác. Lột xác để từ một đoạn trường này bước sang một đoạn trường khác.
    Từ Sơn tôi đã thành danh, nhưng đó cũng chưa hẳn là điều tôi mong muốn. Tôi có cảm tưởng như vậy. Có phải đời sống là như thế hay sao? Thế là đủ hay sao? Nếu thiếu thì thiếu cái gì và tại sao thiếu? Ðời sống tầm thường thế thôi sao? Một đứa trẻ mồ côi bị gia đình hắt hủi - luôn thèm một mái ấm gia đình, một lời ngọt ngào của mẹ. Thèm từ một cái áo, một đôi giày. Mà phải gia đình nghèo khó gì cho cam. Chỉ vì... đúng là dưới một ngôi sao không mấy đẹp. Lúc sống lang thang như một thằng lãng tử, tôi thường tự hỏi mình có nhu cầu gì cho đời sống? Sống trong đời sống mình cần có những gì? Tình, tiền, danh vọng? Cho đến lúc nghĩ rằng mình đã có đủ những điều mơ ước tôi vẫn luôn luôn âm thầm. Hình như không phải như mình nghĩ. Cuộc sống, đời sống, con người sống trong đời chỉ tầm thường thế sao?
    Có lúc tôi cảm thấy thèm thuồng cái hạnh phúc nhỏ nhoi của một cặp vợ chồng nghèo, chồng đạp xích lô. Chỉ cần vài cuốc xe đủ tiền ăn một ngày là thôi. Ông ghếch xe lên lề đường làm đỡ tô mì, tô cháo cá cho ấm bụng rồi chở vợ con đi dạo mát. Ở cái hạnh phúc giản dị thiêng liêng đó đâu có tốn kém gì. Mà cần gì phải ông lớn, bà lớn, ca sĩ nọ, tài tử kia.
    Một hôm tôi hỏi Sơn: ?oSống trong đời mình cần phải có gì? Làm gì?? Sơn cười, ngón tay dài khẽ đẩy cái gọng kính đang trễ xuống. Câu trả lời ngắn gọn: ?oCần có một tấm lòng?. Tôi nhìn Sơn: ?oMột tấm lòng??. Ở giữa thế kỷ này, giữa thời gạo châu, củi quế, giữa thời giá trị con người được đánh giá bằng áo quần, nhà cửa, vòng vàng, hột xoàn... Một tấm lòng để làm gì? Sơn nhìn tôi, ngón tay lại đẩy cao gọng kính. ?oSống trong đời ta luôn luôn phải sống với một tấm lòng, phải có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để... gió cuốn đi?. Tôi nhìn sững Sơn, không nhớ là bao lâu, nhưng chắc chắn là lâu lắm. Cứ ngồi nhìn anh, nhìn vầng trán mênh mông, cúi xuống thật thấp, ngón tay gẩy trên những sợi dây đàn. Chiều xuống lúc nào không hay, gió từ sông Hương thổi mạnh. Hình như trời muốn chuyển mưa. Hình như lòng tôi cũng đang chuyển động dữ dội. Một ánh sáng kỳ lạ nào đó vừa chiếu dội vào cõi u tối, ngu muội. Hình ảnh con nhỏ bụi đời lúc hàn vi chợt sừng sững trước mắt tôi. Cái ngõ tối lầy lội đường Phan Thanh Giản, cái nhà sàn cầu sắt Ða Kao. Những buổi chiều nằm trên đồi săn Ðà Lạt, khóc một mình. Tất cả chợt sống lại hay đúng hơn ở một lúc nào đó tôi đã chết. Và chiều nay bên dòng sông Hương êm đềm thơ mộng - vầng trán mênh mông, giọng nói dịu dàng, ánh mắt thăm thẳm bao dung, Sơn đã kéo tôi ra khỏi cái chết ngu xuẩn. Sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn trôi đời suối, đời người cũng đã sống và hãy thả trôi đi những miền đau.
    Hai mươi năm qua tôi đã sống như lời Sơn nói, như điều Sơn muốn. ?oCòn ai thấy được hay không điều đó không cần thiết. Chỉ cần Sơn không thất vọng là đủ rồi?
    Những ngày tháng ở Huế, gần Sơn và gia đình. Ðó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của đời tôi. Sáng Ðông Ba, chiều Vĩ Dạ, tối họp nhau ở Cercle hay nhà anh chị Lễ, đàn hát, ngâm thơ. Sơn yêu thơ Nguyễn Bính, bắt tôi ngâm đi ngâm lại bốn câu:
    ?oMà sao giấc ngủ không dài
    Mà đêm ngắn xuống mà trời cứ mưa
    Ở đây tôi sống như thừa
    Có thêm men rượu tạm vừa lòng nhau?.
    Có bao giờ Sơn hiểu rằng dù rượu có hết mà sầu vẫn không
    vơi. Sơn ơi! Huế ơi!
    ?oNỗi sầu cứ như tóc bạc, cứ cắt lại dài ra..?

    Được nguyenthanhchuong sửa chữa / chuyển vào 00:05 ngày 08/03/2004
  4. nguyenthanhchuong

    nguyenthanhchuong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/05/2003
    Bài viết:
    176
    Đã được thích:
    0

    Bên đời hiu quạnh
    Khánh Ly
    Ở đâu và bao giờ cũng vậy, mỗi khi nghe tiếng anh nói cười, tôi đều cảm thấy một nỗi yên tâm vô cùng... ?oỒ, Mai hả, có quà không?. Tôi cười... ?oEm cũng chưa biết tính sao, để xem đã nghe anh.?. Miệng thì nói vậy, sáng hôm sau tôi đã có mặt ở phi trường. Chuyến bay cất cánh lúc 7 giờ sáng.
    Trời lúc đó đã sang tháng 4. Tuyết vẫn phủ trắng xóa 2 bên đường từ phi trường về nhà. Hình như cái gì vào lúc sắp hết cũng mạnh mẽ thêm, như ánh lửa, như con nắng, như mùa đông, như tình yêu - rồi mới chịu dứt hẳn, mới chịu buông tay chấp nhận. Cũng may, tôi chuẩn bị áo lạnh đầy đủ vậy mà cũng không tránh khỏi những xuýt xoa.
    Tôi đi thẳng lên lầu, rón rén bước vào phòng. Anh đang ngủ. Giấc ngủ buổi chiều. Khuôn mặt gầy, xương xương góc cạnh. Cái kính gọng vân vân như đồi mồi để trên cái bàn nhỏ đầu giường. Anh gầy quá. Tôi bước lại gần anh hơn. Rất nhẹ nhàng tôi cúi xuống nhìn sát mặt anh. Tôi không nghe thấy hơi thở của chính mình. Tự dưng tôi muốn hôn lên trán anh. Tôi không làm thế. Tôi muốn nắm lấy bàn tay rất gầy có những ngón thon dài, đặt trên ngực. Tôi không làm thế. Và cũng rất nhẹ nhàng như khi bước vào, tôi ra ngoài phòng khách ngồi nói chuyện với Tâm, Tịnh, và anh Thích.
    Anh bước ra, tay vuốt tóc, tay chỉ tôi... ?oA, tới rồi à.Tới hồi nào vậy?? Giọng anh không hề có chút ngạc nhiên, làm như cái chuyện tôi đến, anh đã biết. Ngày xưa cũng thế. Chúng tôi ôm choàng lấy nhau và đến lúc này tôi mới cảm nhận rằng chúng tôi thực sự có nhau. Không phải trong một giấc mơ kéo dài 17 năm. Tất cả chúng tôi ngồi bên nhau. Hình như chưa bao giờ chúng tôi nói với nhau nhiều dù ở bất cứ một đề tài, một lĩnh vực nào. Hình như chúng tôi có cách nói mà chỉ hai chúng tôi hiểu được. Một cách nói ở bốn con mắt im lặng. Cũng có lúc, cả hai chúng tôi bị lôi cuốn vào câu chuyện vui của mọi người. Nhưng đó là những điều hoàn toàn không dính líu, liên quan đến những điều thực sự chúng tôi muốn nói với nhau. Tất cả những điều cần nói, chính là những điều không bao giờ nói ra bằng lời.
    Buổi chiều tuyết rơi kín mặt hồ, chúng tôi đi bên cạnh hàng cây đầy hoa. Hoa tuyết. Nói chuyện bâng quơ, không có gì rõ ràng được đặt ra, không có gì thắc mắc, không có khoảng cách 17 năm để phải ngó ngàng. Tôi ngỡ như vừa từ Sài Gòn vào Huế thăm anh. Anh từ Huế vào Sài Gòn. Chúng tôi uống cafe tại La Pagode. Tôi tưởng sẽ có nhiều điều, để hai anh em nói với nhau. Nhưng cả hai đều không nói gì cả.
    Bao nhiêu ngày tháng đã đi qua giữa chúng tôi. Anh vẫn không bao giờ thay đổi. Tôi cũng thế. Cả hai không có những thắc mắc về đời sống của nhau bởi 30 năm trước đã không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi... Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có. Anh im lặng cũng có thể vì những điều anh nghĩ, anh muốn, không còn cần thiết phải nói ra.
    Trong một căn phòng, không phải bên cạnh Sông Hương mà ở ngay giữa lòng thành phố Montreal. Bên ngoài tuyết rơi, chúng tôi ngồi với nhau, những người bạn cũ. Hát lại những bài hát ngày xưa. Hoặc những tình ca mới. Mỗi người một ly rượu, khói thuốc mù mịt, mọi người ngồi sát nhau trên chiếc thảm, trước lò sưởi... Không ai cảm thấy lạnh. Không chút lạnh lẽo nào giữa chúng tôi trong căn phòng nhỏ....Anh hát đi. Không, Mai hát đi. Giang hát đi. Mai ngâm thơ đi...
    ?oMà sao giấc ngủ không dài.
    Mà đêm không ngắn mà trời cứ mưa.
    Ở đây tôi sống như thừa.
    Có đem men rượu tạm vừa lòng nhau?
    (NB)
    Cũng mùa đông, một đêm nào đó, 1974 ở nhà anh chị Lê, ở Huế. Ngôi biệt thự bên cạnh sông Hương. Ngoài trời cũng tối và lạnh như đêm nay. Mùa đông ở Huế. Chúng tôi cũng ngồi bên nhau như hôm nay. Lúc đó tôi vừa 30 tuổi. Tóc vẫn còn xanh. Lòng còn tha thiết yêu đời sống. Một buổi sáng tôi bỗng thấy mặt trời lên cùng tôi và biển cả. Nước mắt tôi tuôn như mưa. Tôi nhớ mùa Ðông ở Huế. Mùa đông ở Huế và anh.
    17 mùa đông lặng lẽ đi qua, tôi vẫn nhớ những ngày âm u lạnh lẽo của Huế. Tôi có thể quên nhiều điều, tôi có thể quên tất cả để chỉ nhớ về những con đường của Saigon - nơi tôi đã ở và đã từ đó ra đi... nhưng không bao giờ tôi quên được những ngày tháng ngắn ngủi, vội vàng ghé Huế. Ðến vội vàng. Ði vội vàng mà chẳng thể nào quên được. Một thứ tình lạ thường đã trói buộc Huế trong trái tim tôi. Một trói buộc mơ hồ nhưng mạnh mẽ, đằm thắm. Tôi lớn trong hơi thở của Huế. Chính Huế cho tôi hơi thở.
    Bây giờ là cuối Ðông. Những bông tuyết bay trong chiều, đậu trên những cành cây trụi lá, gầy guộc. Chúng tôi đi bên nhau. Tia nắng dịu dàng đậu trên những bông hoa nhỏ bé, lấp lánh, tấm thảm dầy trắng tinh, chỉ có vết chân bé nhỏ của những chú sóc nghịch ngợm chạy tới ăn những hột bắp rang nở bung mà anh liệng ra để dụ chúng lại gần. Anh cười vui, ánh mắt long lang theo dõi. Tôi ít thấy anh cười mà cũng không bao giờ thấy anh tỏ vẻ buồn bã.
    Chúng tôi tìm đến một thân cây lớn, một nửa ngập dưới tuyết, ngồi nghỉ chân. Tuyết vẫn rơi. Chỉ có hai chúng tôi giữa một vùng trắng mênh mông yên lặng. Chẳng lẽ không có gì để nói, không còn gì đáng nói sau mười mấy năm vắng nhau? Có chứ. Anh đã nói, không phải với riêng tôi, mà ở những bài hát. Tôi đã nghe và hiểu từ đó...
    ?oCó đường xa mà gió chiều quạnh quẽ. Có hồn ai đang nhẹ nhẹ sầu lên... Tôi là ai mà còn khi dấu lệ. Tôi là ai mà còn trần gian thế. Tôi là ai. Là ai. Là ai mà yêu quá đời này... Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo. Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo..?.
    Tôi bỗng thương anh thêm và càng quý trọng những giây phút bên anh. Cũng vội vàng, ngắn ngủi như những lần tôi ghé Huế. Tuy nhiên, tôi nghĩ, như thế có lẽ tốt hơn. Bởi vì những điều như thế đã cho tôi cái cảm tưởng là không hề bao giờ, giữa chúng tôi có cái khoảng cách 17 năm. Lá vẫn rơi trên lối chúng tôi đi. Những khóm hoa nắng vẫn lấp lánh trên đường chúng tôi đi. Tất cả vẫn rất còn rực rỡ.
    Quay về căn phòng nhỏ. Ánh lửa như hồng thêm, ấm áp thêm bên ly rượu màu hổ phách, cay nồng. Cởi áo lạnh ra, trông anh gầy hơn xưa nhiều song so với lần gặp nhau ở Paris 1989, anh có vẻ khỏe hơn. Bên cạnh anh là Hoàng Xuân Giang của quán Văn ngày xưa. Giang đã có vợ, con gái lớn rồi. Hoàng Xuân Sơn cũng đùm đề một gánh thê nhi nặng trĩu hai vai. Ph¹m Nhu
    Được nguyenthanhchuong sửa chữa / chuyển vào 00:03 ngày 08/03/2004
  5. nguyenthanhchuong

    nguyenthanhchuong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/05/2003
    Bài viết:
    176
    Đã được thích:
    0
    Hôm Nay Thức Dậy
    Khánh Ly
    "Hôm nay thức dậy không còn thấy mọi người, không còn thấy mặt người. Vây phủ quanh đời nói tiếng yêu thương" (TCS). Hôm nay thức dậy. Một mình. Bao nhiêu mệt mõi của một cuối tuần như ngựa. Rống như trâu. Bây giờ mới thấm. Tôi như người mộng du. Ở San José, mở mắt dậy, tưởng ở nhà. Về đây rồi. Còn tưởng sáng San José. 6,7 giờ sáng khi mọi người thức dậy, các con đi học thì tôi ?ngủ. 3 giờ chiều mới mở mắt. Ngày hay đêm. Ở đâu đây. Chẳng biết. Chẳng cần biết. Mấy chục năm như thế rồi. Giờ đã gần cuối đời. Có cần thiết phải thay đổi một ?thói quen. Một thói quen mọi người cho là ?xấu. Khó chịu. Nhưng đáng yêu với tôi. Thói quen nào cũng đáng yêu. Yêu người, thương áo quen hơi ngọt ngào. Yêu đêm tối có nỗi cô lẻ mênh mông. Hơi áo người yêu. Tôi không chia cho ai. Ðêm tối bao la kia. Không ai chia cho tôi. "Một người điên trong thành phố" (TCS)
    Ði. Về. Rồi lại đi, về. Cứ như thế. Chẳng cần biết nơi mình đến trời có xanh? Nơi mình về trời có vui? Những thành phố giống nhau đến nhàm chán. Những khuôn mặt da trắng, tóc vàng, mắt xanh..nhìn hoài thương không vô. Tôi đi ngơ ngác, chán chường với một điểm hy vọng nhỏ nhoi. Ðến với người mình còn yêu. Và còn yêu mình.
    Trời đã vào thu. Cơn mưa bất chợt phủ trùm thành phố. Vẫn tìm đến như đã tìm đến nhau. Mưa ngoài trời. Mưa trong lòng, trong mắt trong cả môi cười. Ðến với nhau. Lòng như đại dương. Tình như non cao. Giữa đời suối khe. Mưa nữa đi. Lạnh thêm chút nữa. Cho lòng thêm chút ấm. Vẫn chưa đủ, vẫn còn xa quá. Bao nhiêu cho đủ. Bao nhiêu cho vừa. Xuân. Không thấy xuân vui. Hạ không thấy lòng bớt nhớ những chiều qua phố xưa. Thu. Nỗi nhớ nhiều hơn. Nhớ nhiều quá. Yêu nhiều quá những cơn mưa phùn Ðà Lạt, những con dốc nhấp nhô, mái nhà ngói đỏ phơi mình giữa màu xanh của lá. Chưa lạnh lắm nhưng đủ để thu mình ở một góc nhỏ café Tùng. Hơi nóng từ ly café chuyền qua ấm dần hai tay giá lạnh. Thú vị lắm. Ngồi ở nhà Thủy Tạ, một mình nhìn mưa bay trên Hồ Xuân Hương. Mưa bay dịu dàng. Nỗi buồn cũng dịu dàng. Trong cơn điên dịu dàng. Mướn Taxi chạy xuống phi trường Liên Khương. Không đón đưa ai. Ðến để nhìn mọi người đưa đón nhau. Xem xem vui buồn đến đâu. Chạy lên phi trường Cam Ly, cũng chẳng đến đưa ai. Phi trường vắng lặng. Phi đạo nằm soải im lìm chờ đợi. Như một người chờ một người. Người không đến thì ta đi. Phi đạo nằm lại. Tiếp tục chờ đợi. Nắng. Mưa. Ngày. Ðêm. Phi đạo Cam Ly vẫn còn đó.
    Bốn mùa buồn. Bốn mùa chờ đợi. Một chờ đợi cũng dịu dàng. Nhớ Saigon. Chạy ra chợ Hòa Bình rinh một sọt chuối Laba. Nhẩy lên xe đò Minh Trung. Ði ghé Ðịnh Quán ăn cơm thịt heo quay. Xe ghé Ðịnh Quán cũng lại cơm. Tới Saigon chỉ ở lại một ngày. Làm một vòng Saigon-Chợ Lớn. Phân phát hết sọt chuối. Lại nhảy lên Minh Trung về lại Hồ Than Thở. Nhưng không thở than.
    Một thời 20 rất bụi đời, rất vỉa hè. Ðến như gió. Ði như gió. Từ đâu tới. Ði về đâu. Không biết. Không cần biết. Ðáng yêu biết bao những ngày tháng mây trời, biển khơi. Phà khói thuốc vào sương mù Ðà Lạt. Buổi sáng thức dậy, ngửi mùi thơm của thông. Nghe thông hát reo nhè nhẹ. Mặc áo len cổ tròn, quàng cổ, quần jean, thế là ?xuống phố. Có lúc đi giữa mưa vẫn nghe tiếng chân mình rộn rã reo vui trên mặt đường loang nước. Từ ngã tư. Xe đò, xe lam từ hướng Chi Lăng chạy ra. Bước lên xe ngồi xuống. Bao giờ tôi cũng nhìn ngoái lại trường tiểu học Phan Chu Trinh nằm bên kia đường. Tôi đã học ở đây năm 1956. Xe qua nhà vãng lai dành cho các sĩ quan Không Quân nghỉ mát. Qua ga xe lửa. Tiệm phở ở ga ăn cũng khá. Ðổ một con dốc. Rồi một con dốc nhỏ nữa, qua nhà thương Soyer. Trường Yersin. Xe cứ chạy. Tay trái là sân vận động, sân tennis. Khách sạn Palace. Ðường rẽ lên nhà thờ chánh tòa Ðà Lạt. Bên phải là Hồ Xuân Hương. Vòng theo một bùng binh. Ngang qua quân Vụ Thị Trấn, xe đò lên dốc. Vào bến đậu ngay cạnh café Tùng. Vào làm một ly đã. Mọi chuyện tính sau. Ngày nào cũng thế năm năm như thế. Không thay đổi.
    Không ai có thể "bẩy" tôi ra khỏi Ðà Lạt lúc đó, dù là ông Cương khểnh, dù là ông Trịnh Công Sơn, dõi theo từng bước chân tôi những chiều đến giáo đường một mình. "Sợi tóc em bồng trôi nhanh. Trôi nhanh". Những cùng sống mỗi người một đời nhỏ nhoi, mỗi người một góc trời nhỏ nhoi. Sơn không biết gì về tôi. Tôi không biết gì về Sơn. Không cần thiết. Sơn không bao giờ hỏi. Tôi không bao giờ hỏi. Một người hát nhạc một người. Anh Sơn và Mai. 20 năm trước như thế và 20 năm sau cũng vẫn như thế. Một người hát nhạc một người. Anh Sơn và Mai.
    Tôi chỉ thực sự là tôi. Thực sự hạnh phúc khi hát nhạc anh Sơn. Ngoài ra chỉ là một thứ hạnh phúc mong manh. May ra rực rỡ hơn cho cái hạnh phúc thật sự của mình. Ðó là sự thật. Tôi chỉ thuần phục một người. Ðó là Trịnh Công Sơn. Không bao giờ hối tiếc. Sau này có ông Trầm Tử Thiêng. Tôi không bao giờ hối tiếc.Trong đời, tôi cũng đã gây nên nhiều lầm lỡ. Ân hận hối tiếc đã nhiều. Những vấp ngã ít người tránh khỏi. Nhiều hay ít mà thôi. Song trời đưa đẩy tôi gặp Sơn. Trời cho tôi những ngày đẹp đẽ đáng yêu nhất. Tôi không bao giờ hối tiếc. Nếu có kiếp sau. Tôi cũng xin gặp lại Sơn, như đã gặp. Ở Ðà Lạt. Ở Việt Nam.
    Mùa đông cũng đã gần kề. Mùa đông Ðà Lạt như mùa thu kéo dài. Thêm chút lửa ấm từ lò sưởi ngọt ngào mùi gỗ thông. Ðêm Ðà Lạt bao giờ cũng lạnh. Hơn, kém một tí cũng không cho ta thấy rõ mùa đang chuyển. Bốn mùa xoay quanh những thói quen đáng yêu. Hương café thơm ngát qua bao nhiêu suối khe đồi núi. Dốc tháp, dốc. Mái nhà ngói đỏ và mùi thơm của gỗ thông. Tôi yêu Ðà Lạt vô chừng. Như một người tình. Hơn một người tình. Tôi rời Ðà Lạt không ngờ, như khi đến. Rời xa mà vẫn yêu. Yêu nhiều hơn vì trong cái yêu có cái tiếc nuối mặc dù sự việc rời bỏ Ðà Lạt năm 1967 đã đưa tôi đến một đổi thay, đến một hạnh phúc may mắn không bao giờ tôi dám nghĩ đến. Năm 1964 khi Trịnh Công Sơn rủ tôi về Saigon đi hát với anh. Tôi từ chối. Không phải vì không yêu nhạc Sơn. Nhưng lúc đó tôi yêu Ðà Lạt hơn. Cái lối sống xô bồ, ồn ào mánh mung của Saigon không hợp với tôi. Trong khi đó Ðà Lạt là thiên đường. Êm ả, trong sáng. Saigon đó có một chỗ đứng nào cho tôi. Là một người không hề có một chút tham vọng. Thích an phận, bằng lòng với những điều mình có. Một đứa con gái tầm thường như tôi. Những ngày tháng ở Ðà Lạt đã là một an ủi quá đủ rồi. Với làm vui chi những điều quá xa vời. Cũng không hề mơ ước một đổi thay. Hơn thế nữa con người tôi, tâm hồn tôi hợp với Ðà Lạt hơn. Thế mà rồi tôi đã rời xa nơi chốn đã cho tôi biết bao ngày tháng đẹp đẽ trong sáng.
    Một ngày của năm 1967. Tôi đến Nha Trang. Vùng biển xanh, cát trắng. Không một chuẩn bị nào cho nơi chốn mới. Thì cũng đến hát là cùng. Vẫn còn cơ hội để không trở lại Saigon. Một vài tháng phù du đủ làm đời tôi nổi sóng. Nha Trang không có gì quyến rũ. Nha Trang tầm thường quá so với Ðà Lạt. Nhưng tôi không muốn trở về Ðà Lạt. Nơi đã tặng tôi một bất hạnh. Một người đã cho tôi sự sợ hãi, ê chề không tưởng. Trên một chuyến xe đò. Tôi và các con tôi đành phải trở lại Saigon. Một nơi chốn cũng đã làm tôi sợ hãi. Cùng với hạnh phúc tuyệt vời. Tôi cưu mang cho đến cuối đời.
    Mùa thu nhẹ nhàng cho những tâm hồn đa sầu đa cảm, đa tình, lãng mạn. Gợi biết bao nhiêu cảm hứng cho thi, văn, nhạc sĩ. Mùa thu là mùa đẹp nhất trong bốn mùa. Ðông đến. Mùa đông ở xứ Mỹ bàng bạc khắp nơi mầu trắng của tuyết. Cái lạnh lẽo bao trùm cả trời đất. Cả lòng người. Nhất là những người xa quê hương lưu lạc trôi nổi. Giáng sinh đã gần kề. Gần lắm rồi. Ở đây Giáng Sinh được đón chờ nhiều hơn Tết Nguyên Ðán. Bà con gửi thiệp cho nhau. Quà cáp tặng nhau. Người lớn, trẻ con. Ai có phần nấy. Rộn ràng nhộn nhịp trong tiếng nhạc đón mừng con một Ðức Chúa Cha xuống trần gánh chịu tội lỗi của loài người. Và tội lỗi đó vẫn tiếp tục một cách thản nhiên. Chắc Chúa cũng phải hối hận khi đặt loài người trên tất cả mọi loài. Nhưng dù gì, mọi người, mọi nơi đều rộn ràng chờ đón Giáng Sinh. Giầu có thì huy hoàng. Nghèo khó cũng ráng cho được một cây thông nhấp nhánh những ngọn đèn xanh đỏ, tím vàng. Gọi là có với gia đình. Ấy, đôi khi nghèo mà vui. Bạn bè vài ba người quay quần bên mâm cơm. Ôn lại kỷ niệm cũ. Bạn bè cũ. Ðứa nào còn, đứa nào đã về với Chúa. Hạnh phúc, niềm vui, không tìm được ở nơi chốn ồn ào náo nhiệt. Ở những nơi đó thường thiếu sự thật thà, sự tử tế. Bởi có những người đến với nhau không có lòng thật thà, không có lòng tử tế. Cả hai điều này ngày càng ít đi.
  6. nguyenthanhchuong

    nguyenthanhchuong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/05/2003
    Bài viết:
    176
    Đã được thích:
    0
    Nỗi niềm xa xứ
    Khánh Ly
    Tôi muốn xếp vào cái túi nhỏ vài bộ quần áo, gọi một chiếc xe. Một phi trường, một nhà ga, nơi người ta đưa tiễn nhau? Về đâu nhỉ? Tôi không biết. Có thể là bất cứ nơi nào cho tôi hơi thở trong lành, thấy cái nhìn ấm áp và giọng nói dịu dàng.
    Tôi biết đi đâu đây? Có biết bao điều để nhớ đến quặn thắt ruột gan mà không thể với tới được.
    Bây giờ là mùa thu, tôi luôn chờ đợi mùa thu để sống lại đời mình trong những năm tháng ngắn ngủi. Ngày đó, tôi còn bé lắm, hai bàn tay nhỏ nâng niu, hít hà mùi thơm của cốm gói trong lá sen. Ngày đó, tôi không biết cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ và mùi hoa sữa ngọt ngào của thu Hà Nội. Những con đường nhỏ ở cái thành phố có những cô gái má hồng như màu hoa đào. Thành phố có những cơn mưa bụi bất ngờ chưa bao giờ làm bước chân tôi nhanh hơn và tôi tìm cho mình một chỗ nhàn nhã nhìn mọi bước đi trên hè phố. Không ai vội vã cả.
    Hay là mình làm một chuyến đi xa. Bay về Hà Nội tìm lại những hương thơm ấy? Hà Nội đẹp lắm, nhưng xa quá? Tôi muốn tới mà nào hay đôi chân đã mỏi rồi. Sài Gòn cũng xa xôi mà Huế cũng vậy. Tất cả đều như bỏ tôi mà đi hay chính tôi đã bỏ tất cả? Trái tim ấy - tấm lòng kia. Sao quá xa.
    Dù cảm nghĩ về ngày tháng và các sự kiện rất đỗi mơ hồ nhưng lúc hơi thu vừa chớm hay lúc đông về, lòng tôi không khỏi xao xuyến. Rõ ràng là đời mình chỉ có một mùa để đi về và thương nhớ. Mùa xuân rực rỡ quá, mùa hè trần trụi quá. Rực rỡ hay trơ trẽn đều làm tôi khó chịu. Tôi chợt muốn rời bỏ nơi này để đi về một nơi nào đó, một ngọn đồi, nằm dài dưới gốc thông nghe chim hót, tiếng suối reo rồi chìm vào giấc ngủ?
    Với tôi, cái nơi đang sống này có nhiều điều dư thừa và không cần thiết. Cái tôi cần chỉ nhỏ như hạt bụi. Tiếc rằng tôi đã đi tìm bao năm mà không thấy. Có thể vì nó quá bé trong cái mênh mông, bát ngát đến ngộp thở này. Cũng có thể điều tôi kiếm tìm không hề có. Không. Tấm lòng ấy. Trái tim ấy là điều có thật nhưng hỡi ơi, tôi không thể?
    Được nguyenthanhchuong sửa chữa / chuyển vào 00:24 ngày 08/03/2004
  7. nguyenthanhchuong

    nguyenthanhchuong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/05/2003
    Bài viết:
    176
    Đã được thích:
    0

    Có những điều người ta chỉ nói một lần rồi thôi. Có những sự việc người ta chỉ thoáng nghĩ đến rồi quên nhanh. Có những sự cớ phải buộc lòng bôi xóa để sống bởi đời sống nghiệt ngã ở khắp mọi nơi. Tuy thế nào mặc lòng, vẫn có những u uẩn cứ theo ta. Bóng ma quá khứ, như món nợ tiền kiếp.
    Tôi không còn trẻ dại để mong Xuân về, Tết đến. Tôi cũng không còn đủ thanh xuân để mong nắng Xuân hồng trên má, gió Xuân làm mắt long lanh hơn hay để khoe người yêu một tà áo mới. Tôi lại chưa đủ già để quên những năm tháng có cay đắng, có ngọt ngào. Những ngày tháng ngập tràn tiếng cười và tiếng khóc. Thời gian cứ trôi qua. Cứ là thời gian và tôi vẫn cứ là tôi. Hai mươi lăm năm không thay đổi được bao nhiêu nơi con người tôi, à không, tôi muốn nói cái đầu tôi, nó vốn nhỏ bé nhưng lại chứa đựng quá nhiều kỷ niệm khiến nhiều khi tôi mất thăng bằng. Ðó là tôi đã gạn lọc sàng đãi để chỉ giữ lại điều mình muốn.
    Khi tôi đến Huế, hơi Xuân lạnh còn đầy không gian. Không có hoa Phượng bay ... mù không lối vào, chỉ có mưa phùn buồn não lòng. Huế lạnh và buồn trong tiếng đại bác thỉnh thoảng từ xa vọng về. Ánh đèn vàng hiu hắt không soi rõ bước chân của người khách lạ bơ vơ trên hè phố. Gió càng về khuya càng lạnh. Mưa vẫn rơi rất nhẹ, người khách lạ dừng bước nhìn qua bên kia sông. Ta sẽ về nơi đó. Không có mưa rơi, gió lạnh nhưng cũng không có ai chờ đón ta.
    Cách đó chỉ một con đường, anh ngồi lặng lẽ. Những ngón tay thon gầy lười biếng vuốt nhẹ trên từng sợi dây đàn. Cây đàn đã cũ nhả ra những âm thanh dịu dàng. Căn phòng nhỏ bỗng như ấm lại và sáng hơn cùng với tiếng cười con gái khúc khích. Anh ngước nhìn lên nhìn hiền lành rồi lại cúi xuống. Năm cô em gái, tóc dài đen nhánh mượt mà, hồn nhiên chạy ra ngồi quanh anh. Không có sự bao bọc, che chở nào êm ái hơn... Ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn...
    Tôi người khách lạ trong thành phố, đứng một bên cửa nhìn vào lòng quặn đau, nước mắt ứa ra. Tôi có thể bước vào được. Trong căn nhà nhỏ đơn giản đó, lúc nào cũng có một chỗ dành cho tôi, bên cạnh anh. Bao giờ cũng bên cạnh anh cũng với tình yêu và bóng mát của Mẹ anh. Người mẹ đó là tất cả. Là tình yêu duy nhất của đời anh. Bà cũng là người bạn, hiểu và cần thiết cho anh hơn bất cứ người nào.
    ... Mùa Xuân năm ấy, tôi bỏ lại tất cả. Bỏ lại cả cuộc đời. Dĩ nhiên là Anh bao giờ cũng ở trong tim tôi, một chỗ thật riêng tư và trang trọng - Hình ảnh cuối cùng tôi trông thấy là Vũng Tàu. Âm thanh cuối cùng tôi nghe thấy không phải là tiếng sóng biển mà là những tiếng đại bác từ bãi trước bắn vói theo. Lúc đó buổi sáng, tôi ôm chặt con trong tay, mê sảng không nghĩ được một điều gì. Không nghĩ đến ai. Vũng Tàu đó, đâu có xa lạ gì với tôi nhưng dẫu có muốn, tôi cũng không quay lại được. Phía trước và quanh tôi mênh mông biển cả. Không biết mình sẽ đi đâu nhưng con tàu nhỏ mang theo tôi, cứ tiến tới.
    Cuộc đời đã sang trang chỉ sau một giấc ngủ. Hầu như mọi người đều thay đổi. Phải thay đổi để thích ứng với cuộc sống mới nơi quê người. Trên quê nhà. Cho đến bây giờ trong cõi lòng tan nát của những người ra đi ngày ấy, bao nhiêu kỷ niệm còn được giữ lại. Bao nhiêu ước mơ còn tiếp tục được thắp sáng. Riêng tôi, một ngày qua, nỗi đau có dịu lại nhưng nỗi nhớ lại đầy hơn. Tôi nhớ thương những tháng ngày, những người đã cho tôi một thời hạnh phúc hiếm hoi và dẫu sao, tôi cũng nhớ thương nơi tôi đã bỏ đi trong một ngày đất trời mù mịt tang tóc...
    ... Quen biết nhiều, nhưng gọi là bạn, tôi lại chẳng có ai. Với tất cả tôi đều dành một sự quý mến, nhường nhịn như nhau, bằng nhau - ông N.D. Toàn, ông T.C. Sơn dĩ nhiên phải đạc biệt hơn và không thể coi là bạn - ở mỗi người, tôi yêu một điều gì đó và chỉ cần như thế. Những người tôi được biết là những người hoặc có thực tài hoặc đức độ. Ðức là điều không phải ai cũng được. Tiền, tài, thế gian này không thiếu. Chỉ thiếu người đức độ...
    ... Họ thường gặp nhau vào buổi chiều. Những cơn gió nhẹ từ con sông rong chảy ngang thành phố, đã xua tan cơn nóng bức, làm dịu lại cả những mặt đường. Cây lá bắt đầu xôn xao nhảy múa chờ đón nắng khuya. Ðó là giờ phút thuận tiện cho những cuộc gặp gỡ. Họ là những người còn trẻ. Tất cả như mới vào đời. Mới bắt đầu cuộc chơi. Họ nhìn nhau bằng những cái nhìn trong sáng đầy tin cậy. Họ cười với nhau bằng những nụ cười hồn nhiên, thơ dại và chân chất. Họ còn trẻ. Họ chưa chuẩn bi, chưa có một chuẩn bị nào cho một cuộc chơi nhiều bi thảm, mà phải mãi nhiều năm sau này, họ mới biết được.
    Tuổi trẻ, ở bất cứ thời điểm nào đều đáng yêu. Hãy nhìn họ nói với nhau. Hãy nghe họ hát với nhau những bài hát ca ngợi cuộc sống và tôn vinh nỗi chết. Họ có cùng một tuổi trẻ. Cùng một niềm tin dẫu rằng tuổi trẻ sẽ qua và niềm tin sẽ nhận chìm họ trong nỗi thống khổ. Ðúng, phaỉ nhiều năm sau, họ mới biết.
    Buổi chiều. Là buổi chiều của hơn 30 năm về trước. Có những người trẻ ngồi hát bên nhau, nói với nhau về tình yêu, cuộc đời, thân phận và quê hương. Ở đâu đó, tiếng đại bác vọng về. Ở đâu đó, không xa lắm, đêm đêm nỗi chết hiện diện cận kề như một người tình không chờ đợi. Những người trẻ vẫn ngồi hát bên nhau. Tiếng đàn hát của họ không che lấp được tiếng đại bác. Không che lấp được tiếng khóc than. Không lau khô được những dòng nước mắt. Nhưng họ vẫn hát. Chính là họ đang vỗ về an ủi trái tim của họ, trái tim của những người cùng một thế hệ. Những trái tim chưa kịp trẻ. Còn rất non trẻ.
    Mãi đến sau này, rất nhiều năm sau này, khi họ, những người của hơn 30 năm trước lại ngồi với nhau, hát lại những bài tình ca cũ, họ mới chợt nhận thức được rằng trái tim của họ đã tan nát từ bao giờ. Họ ngồi với nhau trong một căn nhà ấm cúng. Ở đấy, đại bác đã im tiếng chăng? Không. Nó vẫn còn rền vang trong tận cùng đáy sâu kỷ niệm hòa lẫn tiếng khóc than hờn oán của cả một thế hệ đã tả tơi đến chẳng còn nhận ra ai. Cũng một buổi chiều. Thời điểm cũng vẫn là buổi chiều. Bao giờ buổi chiều cũng là khoảng thời gian đẹp đẽ để gặp nhau. Tiếng hát được cất lên trong không gian đang nhạt nhòa. Thật thà hơn, buồn bã hơn. Họ gặp lại nhau để biết rằng đây không phải là một giấc mơ. Rằng tiếng hát cũng như người hát đều là thật. Không gì có thể thật hơn. Thật như nỗi chết vậy.
    ... Hơn 30 năm không còn cùng nhau ngồi hát ca. 25 năm xa lìa cố quận. Bao nhiêu cay đắng bể dâu không khiến lòng tôi phai mờ những dấu ấn tốt đẹp đã để lại mảnh đất nhiều bất hạnh khổ đau. Quê hương thì bao giờ cũng thế. Nhưng đời người, những con đường, những góc phố, những dòng sông, những khuôn mặt, những nụ cười, những ánh mắt... tất cả dường như đã biến dạng. Ðiều còn lại, phải chăng là những ước mơ đâu đó trong trái tim mọi người. Anh gầy hơn xưa, tưởng như chẳng còn có thể gầy hơn nữa. Anh trầm lắng như tượng đá. Ánh mắt xa vắng. Nụ cười vu vơ khiến tôi đau lòng. Sao anh không khóc đi. Nước mắt có khi thay được cho bao nhiêu điều muốn nói... Vẫn những người em gái xưa, nay đã thành thiếu phụ, ở quanh anh. Không còn phải là những phút xum vầy sung sướng hạnh phúc đơn sơ. Chẳng có gì, chẳng có ai lấp đầy nỗi đơn lẻ trong anh. Ôi, làm sao trả lại cho anh, cho tôi, cho chúng tôi những tháng ngày đã mất... Người quen biết cũ lần lượt vắng xa và sẽ chẳng còn bao lâu nữa, tôi cũng sẽ rong chơi một nơi nào đó. Sẽ chẳng còn gì. Sẽ chẳng còn ai từng ngày, ngồi thương tiếc. Kỷ niệm sẽ tàn phai, mất hút. Như chưa bao giờ xảy ra, như một điều không có thật. Như huyền thoại... Một ngày nào, anh bảo tôi... Huyền thoại là điều không có thật...
    Ngày đó... ngày đó chúng tôi còn trẻ và rất gắn bó. Có ai trong chúng tôi nghĩ rằng có một ngày nào đó lại phải thương nhớ nhau từng phút giây. Tuy vậy, bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn ở trong trí tưởng của mỗi người, như ngày đầu ngồi với nhau, vào đời nhau bằng những bản tình ca. Hồn xa rồi, người ta còn có thể sống được không? Trái tim ngưng đập rồi, người ta có thể nào không chết? Chúng tôi đã đến với nhau một lần. Chỉ một lần nhưng xin đủ cho một đời...

Chia sẻ trang này