1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

bóng đá việt nam hướng đến seagame 22

Chủ đề trong 'Bóng đá Việt Nam' bởi Matngocboyfan, 27/12/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. dia_golden

    dia_golden Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/11/2002
    Bài viết:
    2.568
    Đã được thích:
    1
    Thể Công qua lăng kính người hâm mộ
    Hình như việc một đội bóng không giành được thứ hạng cao, song vẫn có số cổ động viên đông vào loại nhất nước chẳng có gì là nghịch lý. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, việc quý mến thương yêu ấy, không xuất phát hoàn toàn từ những gì mà Thể Công đã làm được trong vòng chục năm trở lại đây.
    Cổ động viên là thế. Khi đã yêu đội bóng rồi, thì cho dù thăng trầm thế nào, cái tên của đội bóng vẫn mãi trong tim họ, đời cha truyền cho đời con, đời con truyền cho đời cháu niềm thương mến ấy. Bây giờ, cụm từ "thế hệ vàng" đang lạm phát trên các báo. Tháng trước, năm trước được khen là vàng, tháng sau, năm sau tự nhiên thấy biến ra nhôm, ra sắt gỉ, thậm chí chẳng cần phải lấy nước cường toan, lấy lửa ra mà thử nữa.
    Tuy vậy, Thể Công đã từng có "thế hệ vàng" theo đúng nghĩa của nó. Một thế hệ của Khánh, Giáp, Hải, Mỵ, Bính, Bền, Ba đẻn, ... Một thế hệ được nhớ đến với niềm trìu mến về những con người tài năng, một tập thể đoàn kết, và trên hết, những trận thắng để đời trước các đội bóng hùng mạnh của Trung Quốc, Cu Ba, những trận đấu ngang ngửa với các đội bóng hạng nhất của Tiệp Khắc, Liên Xô. Đó là những năm tháng đẹp đẽ và hào hùng của Thể Công. Niềm tin cứ thế được nhân lên, huyền thoại cứ thế mà lan truyền, tạo nguồn cảm hứng bất tận cho những câu chuyện về đội bóng, những lúc bên chén trà và điếu thuốc thơm.
    Việc kế tục truyền thống cha anh đi trước, âu cũng là một nét đẹp về văn hoá, điều này xảy ra không chỉ với riêng Thể Công, mặc dù không phải đội bóng nào cũng có được thói quen này. Nếu như không có cuộc cách mạng về chuyên nghiệp hoá bóng đá, có lẽ việc trên cũng chẳng có gì đáng nói cả. Trong suốt cả thời gian dài của quá trình làm bóng đá theo phong trào, mọi cách làm của lớp đi trước đều được lớp sau noi theo, khỏi cần sáng tạo cũng vẫn dẫn đến thành công (?!). Điển hình của việc này là cách tuyển mộ cầu thủ. Do tình hình đất nước còn đang chiến tranh (và thậm chí một thời gian sau năm 1975), quân đội luôn luôn được ưu tiên. Theo tư duy ấy, hễ địa phương nào có cầu thủ năng khiếu, gần như chắc chắn sẽ được ưu tiên gọi (nhập ngũ) vào đội của quân khu, quân đoàn... trên địa bàn tỉnh đó, để rồi cái đích cuối cùng sẽ là Thể Công.
    Quá trình chuyên nghiệp hoá bóng đá mang đến một làn gió mới cho những người làm bóng đá ở Việt Nam. Như một tất yếu, năm đầu tiên của bóng đá chuyên nghiệp chứng kiến sự ì ạch của hầu hết các đội bóng, háo hức đổi mới nhưng vẫn nặng nề và luyến tiếc cơ chế cũ. Năm thứ hai và thứ ba bắt đầu với quá trình chuyển mình của một số lớn các đội bóng, việc chuyển nhượng cầu thủ diễn ra sôi nổi, tuy vẫn còn những vướng mắc của thuở ban đầu làm chuyên nghiệp. Người hâm mộ và những cổ động viên Thể Công bắt đầu lo lắng. Đội bóng này chẳng làm gì cả. Những cựu binh ngày trước nay mỗi người một ngả. Nguyễn Văn Vinh làm HLV cho HAGL, Nguyễn Văn Nhật vào tận miệt vườn lục tỉnh, Vương Tiến Dũng thì HLV cho Thanh Hoá, thậm chí Nguyễn Trọng Giáp được thấy trên tivi với chức danh... Trưởng đoàn bóng đá nữ!!!. Các HLV còn lại của Thể Công thì thay đổi luôn, với khá nhiều nhỏ to xì xào sau mỗi lần thay đổi.
    Tướng là vậy, nói đến quân lại còn buồn hơn. Quen với lối tuyển mộ theo kiểu cũ, cũng đồng nghĩa với thói quen về lối tư duy "vắt chanh bỏ vỏ". Một loạt cầu thủ ra đi như Minh Dũng, như Thành Lợi đã toả sáng, hay chí ít cũng là trụ cột ở những đội bóng khác. Đó là chưa kể tới những cầu thủ bị thải ra nhưng được CAHN (ngày trước) hay một số đội khác chào đón.Với cách làm này, đã ai dám chắc nếu về với Thể Công sẽ có một tiền đồ ổn định, dù cho một số (bây giờ chắc là không nhiều như trước nữa) cầu thủ vẫn mong có ngày sẽ được đá trong đội hình của Thể Công.
    Thử điểm lại lực lượng mùa này của Thể Công mới thấy đáng lo ngại. Đội hình được bổ sung 3 cầu thủ "hạng dưới" gồm: Đình Quý (tiền vệ Thanh Hoá) và 2 cầu thủ trẻ của Quân khu 4 là hậu vệ Võ Thành Trung, tiền vệ Phan Văn Đại. Trong khi đó, những trụ cột như Quang Hà chắc chắn không thể tham dự vì chấn thương, Hải Long thì viêm gan B mới tập lại, phong độ rất thất thường (lời Hải Long), Hải Biên, Như Thuần, Quốc Trung... đồng loạt xuống dốc không phanh. Tiền đạo khủng hoảng trầm trọng với 2 cầu thủ duy nhất là Phương Nam và Tuấn Phi. Lại còn cái danh sách đen "thò thụt" của mấy vị chức sắc. Mà chỉ còn mấy ngày nữa thôi, Thể Công đã phải đối mặt với đối thủ vừa được bổ sung khá nhiều cầu thủ giỏi và vốn khá kỵ giơ là Sông Đà - Nam Định.
    So sánh sự đầu tư của Thể Công với mấy anh tư nhân như HA.GL, GĐT.LA mà buồn. Chợt nhớ đến lời kể hào hứng của một vị tướng già về câu chuyện của cố Tổng Tham mưu phó QĐNDVN, tướng Vương Thừa Vũ. Ba mươi phút trước trận đấu với đội Ngôi sao thành Pécm, ông triệu tập gần hết đội bóng, có mặt cả Cục phó Cục Quân huấn Nam Hồ. Đội trưởng Nguyễn Trọng Giáp thay mặt cho cả đội, phải trình bày rõ ràng toàn bộ hoạt động của từng cầu thủ trong trận đấu, từ lúc bắt đầu giao bóng - ai chuyền cho ai - cho đến việc tiền vệ di chuyển thế nào, tiền đạo chạy ra sao... Kể ra chuyện này không nhằm mục đích khen cách làm của ông, song có thể thấy được cái tâm của người lãnh đạo từ cấp rất cao đối với đội bóng.
    Biết đến bao giờ thì Thể Công mới tìm ra một nhà lãnh đạo như thế. Biết đến bao giờ Thể Công thay đổi tư duy làm bóng đá. Biết đến bao giờ thì Thể Công mới nhận thức được rằng đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, và rằng chẳng có thứ gì cho không mà lại đạt chất lượng cao cả? Hàng loạt câu hỏi ấy dường như vẫn "đóng băng"!
    Năm 2004, Thể Công tròn 50 tuổi. Ngũ thập tri thiên mệnh (tuổi năm mươi là biết được mệnh trời). Nếu cứ tiếp tục duy trì cung cách hiện tại, thì dẫu có biết được mệnh trời, Thể Công cũng khó có thể trụ lại nổi trong mùa bóng này hay xa hơn là một vài mùa tới, khi đã lực bất tòng tâm, bởi lực lượng đã giúp cho Thể Công trụ hạng vài mùa bóng vừa qua đã cạn kiệt. Thể Công đã ăn gần hết vốn của mình rồi.
    Dù biết là còn rất nhiều chông gai, vẫn hy vọng đội bóng này xốc lại đội ngũ, tìm ra con đường tất yếu phải đi trong quản lý bóng đá chuyên nghiệp, và trở lại bản đồ bóng đá với đúng tầm cỡ mà Thể Công xứng đáng phải có.

     
  2. dia_golden

    dia_golden Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/11/2002
    Bài viết:
    2.568
    Đã được thích:
    1
    "Văn Quyến, Huy Hoàng... đều có thể chuyển nhượng"
    Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Hồng Thanh - Trưởng đoàn bóng đá SLNA với PV VietNamNet, sau khi đội bóng thành Vinh ồ ạt chuyển nhượng hoặc cho mượn gần 20 cầu thủ với thời hạn 1 năm trước khi mùa bóng mới 2004 khai diễn.

    - SLNA đã có lời từ việc "bán cầu thủ" chưa, thưa ông?
    - Đến thời điểm này, tôi xin khẳng định rằng SLNA đã có lời từ việc chuyển nhượng cầu thủ. Đây thực sự là thành quả của công tác đào tạo cầu thủ mà chúng tôi đã cố gắng duy trì trong suốt thời gian dài vừa qua.
    - Với số tiền khá lớn thu được từ chuyển nhượng cầu thủ, SLNA sẽ tái đầu tư như thế nào cho công tác đào tạo?
    - Chúng tôi dành khoảng 500 triệu đồng cho việc xây dựng, nâng cấp các cơ sở vật chất để phục vụ công tác đạo tạo cầu thủ trẻ nhằm "tái sản xuất", và tiếp tục duy trì chính sách chuyển nhượng cầu thủ theo cơ chế bóng đá chuyên nghiệp. Ngoài ra, số tiền còn lại (khá lớn) chúng tôi sẽ dùng vào việc nâng cao thu nhập, cũng như tăng tiền thưởng cho các cầu thủ ở đội 1.
    - Việc chuyển nhượng nhiều cầu thủ như hiện nay liệu có ảnh hưởng đến mục tiêu giành chức vô địch của SLNA ở mùa giải 2004?
    - Tôi nghĩ là không, bởi chúng tôi vẫn còn nhiều cầu thủ xuất sắc khác vừa thi đấu rất thành công trong màu áo Olympic VN tại SEA Games 22 như Huy Hoàng, Văn Quyến, Như Thuật, Lâm Tấn, Quốc Vượng, Công Vinh... cùng nhiều cựu binh có kinh nghiệm như Sỹ Sơn, Quang Thọ, Đức Lam... SLNA sẽ đảm bảo đủ lực để chạy đua danh hiệu vô địch.
    - Hiện nay, các cầu thủ Văn Quyến hoặc Huy Hoàng đang rất được "giá", và nhiều đội rất muốn có các cầu thủ này, liệu SLNA có chuyển nhượng?
    - Hoàn toàn có thể, vì đã làm bóng đá chuyên nghiệp thì việc mua-bán cầu thủ là hoạt động bình thường. Vì vậy, nếu có CLB nào đưa ra giá cả hợp lý và đúng nguyện vọng của cầu thủ, thì chúng tôi sẵn sàng chuyển nhượng, như trường hợp thủ môn Thế Anh về NHĐA chẳng hạn.
    Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, SLNA đang rất cần các cầu thủ này, nên chúng tôi chưa thể cho họ ra đi. Có thể trong các mùa bóng tới, khi chúng tôi đào tạo được nhiều Văn Quyến hoặc Huy Hoàng mới, thì việc chuyển nhượng những Văn Quyến, Huy Hoàng... hiện nay là hoàn toàn có thể.

     
  3. dia_golden

    dia_golden Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/11/2002
    Bài viết:
    2.568
    Đã được thích:
    1
    Xe Toyota Vios tặng Văn Quyến đã có người mua

    15h30'' hôm nay, chiếc Toyota Vios - phần thưởng dành cho cầu thủ Việt Nam hay nhất SEA Games 22 Phạm Văn Quyến - đã được bán. Liên hiệp lắp máy Việt Nam (LILAMA), cũng là nhà tài trợ của SLNA ở mùa giải 2004, đã bỏ ra 19.800 USD để mua chiếc xe, đồng thời tài trợ riêng cho Quyến 2.200 USD.
    Như vậy, ngoài 20% giá trị được hưởng từ số tiền bán chiếc xe (3.960 USD), Văn Quyến được tài trợ thêm 2.200 USD. Tổng cộng, tiền đạo trẻ này sẽ có 6.160 USD từ nhà tài trợ là Trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim.
    Trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim đã không tiến hành một cuộc bán đấu giá rầm rộ. Những người quan tâm chỉ cần đặt giá qua điện thoại hoặc tới trực tiếp. Ngoài LILAMA, chỉ có 4 cá nhân tham gia vào cuộc đấu giá này. Tuy nhiên, cả 4 cá nhân đều chỉ trả giá vào khoảng 21.000 USD và 20.800 USD, nên không thể vượt qua được mức 22.000 USD mà LILAMA đã đề nghị từ sáng nay. Giá xuất xưởng của chiếc xe là 19.800 USD.
    Ông Thái Doãn Bách, Trưởng ban đại diện của Tổng công ty lắp máy Việt Nam, cho biết: "Hoạt động của chúng tôi từ trước tới giờ chỉ liên quan tới sắt thép. Bây giờ, chúng tôi muốn chuyển hướng tới thể thao vì chúng tôi đều là những người hâm mộ thể thao và cũng đang cần xe". Chủ nhân mới của chiếc Toyota Vios cũng không yêu cầu Quyến phải ký tên kỷ niệm hay làm một thủ tục đặc biệt gì với chiếc xe.
    Trước đó, LILAMA cũng đã đầu tư cho SLNA 1,7 tỷ đồng để được phép đặt 4 biển quảng cáo trên sân Vinh, và có quyền in tên thương hiệu trên áo cầu thủ.
    Chiếc xe Toyota Vios sẽ ở lại TP HCM và do văn phòng miền Nam của LILAMA sử dụng.
    Gia Tuệ

     
  4. dia_golden

    dia_golden Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/11/2002
    Bài viết:
    2.568
    Đã được thích:
    1
    "Người nhà" đấu nhau!
    Trận lượt đi tranh Siêu Cup quốc gia - Báo Tiền Phong 2003 giữa hai đối thủ "người nhà" Bình Định và HA.GL sẽ diễn ra trên sân Quy Nhơn. Về tương quan lực lượng, HA.GL được đánh giá nhỉnh hơn, song do hiểu nhau như người nhà, kết cục cuộc chạm trán này sẽ rất khó đoán.
    Kẻ đi - người đến: cân bằng lượng, giảm chất

    Cả hai đều có những xáo trộn đáng kể về lực lượng sau mùa giải 2003.
    Với HA.GL, 5 cựu tuyển thủ và tuyển thủ quốc gia, tuyển thủ Olympic ra đi với nhiều lý do khác nhau: Văn Sỹ Hùng giải nghệ đi làm ông "chủ gỗ" ở Thanh Hoá; Phi Hùng tài năng và rắc rối song hành nên phải tạm lánh xuống Bình Định theo một hợp đồng cho mượn; Trung Tuấn và Việt Thắng ra đi vĩnh viễn sau nghi án bán độ ở Cúp C1 Đông Nam Á 2003. Trường hợp đáng tiếc nhất là Lê Quốc Vượng. Tuyển thủ Olympic được coi như một phát hiện mới của bóng đá VN ở vị trí tiền vệ trụ đã trở về đội bóng chủ quản SLNA. Ngoài số "nội binh" nói trên, HA.GL còn mất thêm Sakda - tuyển thủ Olympic Thái Lan vừa bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games. Anh chàng này đã chạy sang ký hợp đồng với đối thủ của HA.GL tại V-League là NHĐA bởi sự chần chừ của "bầu" Đức.
    Bù vào những chỗ trống, HA.GL đã mời về 2 trụ cột của SLNA - nhưng đã gần "hết đát" - là tiền vệ Ngô Quang Trường và trung vệ Lê Thành Long. Tiền vệ Trịnh Duy Quang cũng được triệu hồi sau một mùa cho Bình Định mượn. Cựu tiền vệ của LG.ACB Vũ Hồng Việt (24 tuổi) từ dưới xuôi lên. Đáng kể nhất là Tawan Sripan - tiền vệ tấn công lừng danh của đội tuyển Thái Lan, nhưng nay cũng đang ở bên kia sườn dốc. Nếu làm một con tính thuần tuý về lý thuyết, về lượng thì HA.GL cân bằng nhưng về chất lại có vẻ yếu đi. Tuy nhiên, GĐKT Nguyễn Văn Vinh lại không nghĩ vậy: "Chúng tôi vẫn còn đó bộ khung tuyển thủ Việt - Thái rất tốt như Văn Hạnh, Mạnh Dũng, Minh Đức, Kiatisak, Dusit... Sự biến đổi lực lượng cũng đồng nghĩa với HA.GL có một khí thế mới. Yếu tố tinh thần bao giờ cũng rất quan trọng...".
    Phía Bình Định cũng mất đi tới 4 trụ cột gồm: tiền vệ Trương Văn Tâm (về Bình Dương), tiền vệ Trịnh Duy Quang, trung vệ Trần Tấn Thật (trở về quê phố Núi) và tiền vệ đẹp trai có lối chơi nghệ sĩ Sandro người Brazil. Để bù vào 4 vị trí này, 4 người đã đến là trung vệ Nirut Siripong (Thái Lan), 2 tiền vệ Jose và Carlos Granano (Brazil) và Phi Hùng từ HA.GL xuống. Xem ra, so với HA.GL, mất mát trong sự đi và đến của Bình Định lớn hơn (?), bởi họ không thể lấy lượng cầu thủ ngoại (giới hạn là 3) để lấp chỗ cho số nội binh toàn là trụ cột.
    Cuộc đấu người nhà: Bất phân thắng bại!
    Bước vào mùa giải mới, trong đó "bước đệm" là cuộc đấu giành Siêu Cup, cả hai đã có một quá trình chuẩn bị âm thầm nhưng kỹ lưỡng. Đó là cuộc tiến quân sang Thái Lan tập huấn dài hạn, với những trận đấu cọ xát với các đội bóng mạnh của nước này và giành kết quả không tồi.
    Xét về tương quan lực lượng, khách nhỉnh hơn chủ nhà ở từng tuyến, đặc biệt là 2 cánh với "cái chân trái kỳ ảo" của Dusit bên trái và "chiếc động cơ" Minh Đức bên phải. Tuyến giữa của đội bóng phố Núi được bổ sung Tawan, tuy thể lực đã xuống nhiều do tuổi tác nhưng với sự bố trí phía sau 2 tiền đạo, tiền vệ có những cú sút thần sầu này vẫn sẽ là một "kho đạn" đáng kể cho người đồng đội ăn ý Kiatisak trên tuyến đầu. Về mặt lối chơi, HA.GL cũng đa dạng hơn, sắc sảo hơn nhờ sự hiện diện của những cầu thủ giàu kinh nghiệm, có khả năng điều tiết nhịp độ trận đấu tốt...
    Nhưng vấn đề ở đây là sự hiểu nhau khá sâu giữa hai đội. Ngoài ý nghĩa "người nhà" giữa các cầu thủ nội, lực lượng ngoại binh nòng cốt của họ cũng là... người nhà - những tuyển thủ Thái Lan. Chính vì thế, dù được đánh giá cao hơn về chuyên môn, HA.GL cũng rất khó phát huy thế mạnh của mình.
    Và cũng chính vì lẽ đó, những cuộc đối đầu giữa họ thường bất phân thắng bại, mà kết quả gần đây nhất là 2 trận đấu tại V-League 2003 (lượt đi hoà 3-3 và lượt về hoà 1-1). Lần này sẽ lại bất phân thắng bại nữa chăng?
    Nhưng hoà sẽ là kết quả thuận lợi cho HA.GL khi trận lượt về họ được chơi ở Pleiku.

    Triệu Vân

     
  5. chipheoxd

    chipheoxd Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/11/2003
    Bài viết:
    40
    Đã được thích:
    0
    Nhớ lại trận CK mà tức cái thằng thối Đức Tuấn,phá bóng vào chân nó.Thằng này là con Lê Khắc Chính,một duyên nợ của bóng đá thủ đô.Đúng là hai cha co ăn hại ,phá hoại.Làm lụi tàn một cơ hội có một không hai
  6. dia_golden

    dia_golden Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/11/2002
    Bài viết:
    2.568
    Đã được thích:
    1
    Không nên đi sâu vào chuyệ gia đình người khác như vậy, bàn nên kìm chế lời ăn tiếng nói của mình. Đức Tuấn đá có phốt nhưng đó cũng là nỗ lực của em nó rồi..... Conbf Chính Cối bạn chưa xem ông đá thì đừng nên có những lời phát biểu kém khách quan như vậy
     
  7. chipheoxd

    chipheoxd Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/11/2003
    Bài viết:
    40
    Đã được thích:
    0
    Có thể bác Chính đá hay nhưng HLV lại được bầu ''HLV dở nhất trong năm,lực bất tòng tăm"
    Nói thế thôi,VN thua tại cái bọn LDBĐVN,nên loại cu Phạm Ngọc Viễn ra khỏi BLĐ.Không biết cu này đã đứng ra xin lỗi nhân dân chưa nhỉ??
  8. adu

    adu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2003
    Bài viết:
    142
    Đã được thích:
    0
    Um, Thế Anh sang NHĐA với giá chuyển nhượng là 750 triệu đấy, có ai biết chưa nhỉ?
    :-) 1+1=5 :)
  9. dia_golden

    dia_golden Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/11/2002
    Bài viết:
    2.568
    Đã được thích:
    1
    HA Gia Lai sẽ lấy lại hình ảnh của nhà vô địch V-League?
    14h30'' thứ tư, đội bóng cao nguyên gặp lại Bình Định trong trận tranh Siêu Cup quốc gia lượt về. Sau khi hoà 1-1 trên sân Quy Nhơn, HA Gia Lai có nhiều thuận lợi trong cuộc quyết đấu tại Pleiku chiều mai. Tuy nhiên, ngoài chiếc Cup, các CĐV còn đang chờ đợi ở CLB phố núi một màn trình diễn đẹp mắt.
    HA Gia Lai hành quân tới miền đất võ chiều chủ nhật trước với tư cách là đương kim vô địch quốc gia, cùng dàn cầu thủ được đánh giá là đủ sức bảo vệ ngôi quán quân Việt Nam ở mùa giải mới. Tuy nhiên, họ đã làm người hâm mộ thất vọng bởi màn trình diễn yếu kém và thiếu độ kết dính giữa các tuyến, để Bình Đình nắm quyền chủ động trên sân trong phần lớn thời gian thi đấu. Một HA Gia Lai với lối đá tấn công đẹp mắt, hiệu quả đã không xuất hiện trong trận chạm trán Bình Đình cuối tuần qua. Sự nỗ lực của một số cá nhân cũng chỉ đủ giúp đội bóng này có được kết quả hoà 1-1.
    Ở trận lượt về, HA Gia Lai chỉ cần hoà không bàn thắng hoặc thắng sát nút là đoạt Siêu Cup. Nhưng để đạt được kết quả này, đội bóng nhà giàu cần phải có sự điều chỉnh ở tuyến giữa, sao cho hàng tiền vệ của họ cơ động và hiệu quả hơn. Trận đấu chiều chủ nhật vừa qua, HA Gia Lai mạnh lên hẳn sau khi lão tướng Hữu Đang vào sân ở phút 65 để đảm nhận vai trò hỗ trợ cho bộ đôi Kiatisuk - Minh Hải. Còn trước đó, tiền đạo trụ cột Kiatisuk bị đói bóng trong gần như suốt hiệp một, và bị các trung vệ của Bình Đình kèm rất sát. Nhưng Hữu Đang cũng không thể gánh vác trọng trách tiếp đạn trong phần lớn thời gian thi đấu bởi anh đã thành lão tướng nên sức lực có hạn. Tawan Sripan và Kiatisuk đã chơi với nhau ăn ý khi còn cùng khoác áo đội tuyển Thái Lan. Nhưng trong trận lượt đi tại Quy Nhơn, Tawan và "Zico Thái" hầu như không có pha phối hợp nào đáng chú ý để tạo nguy hiểm về phía cầu môn Bình Định.
    Không chỉ kém trong triển khai tấn công, khả năng phòng thủ từ xa của HA Gia Lai cũng kém hẳn sau sự ra đi của Sakda (tới NH Đông Á), Phi Hùng (đầu quân cho chính Bình Định theo hợp đồng cho mượn) và Quốc Vượng (trở lại SLNA). Quang Trường thì vẫn dũng mãnh trong các pha cản phá, nhưng tiền vệ mới chuyển đến từ SLNA này cũng mờ nhạt ở lượt đi bởi dường như không đủ sức để thi đấu mạnh mẽ trong suốt trận. Trong khi đó, hàng tiền vệ của Bình Định chơi tốt hơn ở lượt đi, thể hiện được sự gắn kết, cơ động, với sự góp mặt đáng chú ý của tiền vệ xuất sắc đội U23 Thái Lan là Issawa và tân binh người Brazil Carlos Granano.
    Hàng tấn công HA Gia Lai được đánh giá là tuyến chơi tốt nhất của CLB này trong trận đấu chiều chủ nhật, nhưng vẫn cần được cải thiện ở ngày tái ngộ. Các chân sút của họ đã không thể trở thành mối đe doạ thường trực trước cầu môn Bình Định ở lượt đi. Tiền đạo dự bị Minh Hải đã san bằng tỷ số khi vào thay người. Nhưng đó là bàn thắng xuất phát từ tình huống cố định: Minh Hải đánh đầu chuẩn xác sau quả đá phạt góc của Kiatisuk ở phút 65. Trong những phút còn lại được thi đấu trên sân, Minh Hải không chứng tỏ được mình là sự lựa chọn lý tưởng cho vị trí đá cặp với Kiatisuk. Tiền đạo này không có khả năng cầm bóng đột phá, chạy chỗ thiếu hợp lý nên hầu như không tận dụng được những khoảng trống mà đối tác Kiatisuk tạo ra.
    Mùa vừa qua, HA Gia Lai rất nguy hiểm trong các pha tấn công biên với sự dâng cao hợp lý của hai hậu vệ cánh trong sơ đồ 5-3-2. Tuy nhiên, họ đã không thực hiện được đấu pháp này ở trận gặp Bình Định mới đây. Các trung vệ cũng chỉ mới tập trung hoàn thành nhiệm cản phá, chứ hầu như không phát động được một đợt tấn công nào đáng chú ý.

     
  10. dia_golden

    dia_golden Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/11/2002
    Bài viết:
    2.568
    Đã được thích:
    1
    Mẹ Việt Thắng đã gặp LĐBĐ Việt Nam
    Chiều qua, mẹ của cựu tiền đạo U23 Việt Nam Nguyễn Việt Thắng đã gặp Phó chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Trần Duy Ly ngay sau khi từ Long An bay ra Hà Nội. Trong chuyến đi "đánh trống kêu oan" này, bà Lê Thị Bích Thuỷ đi một mình và chỉ có sự trợ giúp từ luật sư của Việt Thắng là ông Trần Vũ Hải.
    Bà Thuỷ khẳng định: "Tôi tin rằng con trai mình không tham gia bán độ cũng như lôi kéo các cầu thủ khác. Đó không chỉ là linh cảm của người mẹ mà tôi đã rất nhiều lần dò hỏi, kiểm tra các mối quan hệ của Thắng". Bà nói thêm: "Nếu như LĐBĐ Việt Nam có chứng cứ về việc Thắng phạm tội, tôi sẽ chấp nhận các quyết định kỷ luật mà không nhờ cậy đến luật sư nữa".
    Theo ông Trần Vũ Hải, phía LĐBĐ Việt Nam đã hứa đến ngày 6/1/2004 sẽ trả lời về lá đơn khiếu nại của Việt Thắng. Ông Hải cũng cho biết đã yêu cầu việc giải quyết khiếu nại phải được xem xét bởi những người không tham gia ban hành quyết định kỷ luật Việt Thắng.
    Bản thân Nguyễn Việt Thắng hiện sinh hoạt tại CLB bóng đá Gạch Đồng Tâm. Thắng nói anh vẫn tập luyện đều đặn và được hưởng đầy đủ mọi chế độ như các đồng đội, chỉ buồn là dù án kỷ luật có được xoá bỏ cũng không thể tham gia thi đấu tại V-League 2004 ít nhất đến hết giai đoạn một do đã qua thời hạn đăng ký.
    Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch CLB Gạch Đồng Tâm Long An, cho phóng viên VnExpress biết nếu có chứng cứ về việc Việt Thắng bán độ, ông sẽ cắt hợp đồng với cầu thủ này ngay lập tức. Còn nếu không, Việt Thắng vẫn được coi là một công nhân có hợp đồng lao động với công ty Gạch Đồng Tâm. "Tôi không thể chấp nhận những cầu thủ bán đứng đội bóng của mình và nếu thực sự Việt Thắng là một người như vậy, tôi sẽ đề nghị cấm cậu ta thi đấu vĩnh viễn", ông Thắng quả quyết.


    Thành Lê

     

Chia sẻ trang này