brothers in arms. dire straits 1. Vài nét về tác giả, tác phẩm. Phần này đã có bài viết khá đầy đủ của bạn Hoàng Cương trên Giaidieuxanh. Vào đây để xem chi tiết: http://giaidieuxanh.com.vn/nhacquocte/2004/04/57597/ 2. Hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. * Em không dịch theo chữ mà theo ý nghĩa chủ đạo của cả tác phẩm, do đó có thể có nhiều đoạn không theo nghĩa gốc. * Phần cảm nhận được viết theo mạch cảm xúc mà không theo kiểu lôi từng phần ra rồi giải quyết phần đó. Ví dụ, để nói về ý nghĩa phản chiến của bài hát, em sẽ nhặt những câu có tư tưởng phản chiến rồi phân tích cho xong. * Một điều nữa cho các bác dễ theo dõi bài viết. Em viết theo kiểu có người dẫn chuyện và bản thân nhân vật kể chuyện. Phần chữ thường coi như người dẫn chuyện, còn phần chữ in nghiêng là nhân vật...kể lể. * Và điều cuối cùng, em viết bài này vì em rất kết bài hát, là cảm nhận của riêng em, cho nên không tránh khỏi chủ quan, phiếm diện. Cho nên, nếu ai chưa đồng ý ở điểm nào về mặt ý tưởng hoặc có sai sót gì thì cứ góp ý để em rút kinh nghiệm cho những pài sau. 3. Trước khi đọc, hãy nên nghe lại Đáng tiếc là vì quá vội mà em chưa upload lên được, ai giúp em với. Xin cảm ơn trước! 4. Lời và dịch lời.Brothers in arms Dire Straits These mist covered mountains Are a home now for me But my home is the lowlands And always will be Someday you''ll return to Your valleys and your farms And you''ll no longer burn to be brothers in arms Though these fields of destruction Baptisms of fire I''ve witnessed your suffering As the battles raged higher And though we were hurt so bad In the fear and alert You did not desert me My brothers in arms These''s so many different worlds So many different suns And we have just one world But we live in different ones Now the sun''s gone to hell And the moon''s riding high Let me bid you farewell Every man has to die But it''s written in the starlight And every line on your palm We''ve fools to make war On our brothers in arms Chiến hữu Dire Straits. Những rặng núi khuất trong mây mù, Đã trở thành ngôi nhà chung của chúng tôi. Nhưng nhà tôi thực ở vùng đồng bằng, Và sẽ mãi là vậy. Ngày nào đó chúng ta sẽ lại trở về, Khu thung lũng và nông trại thuở ấu thơ, Và sẽ không phải chịu cảnh này lâu nữa. Tại vùng đất bị tàn phá ác liệt này, Qua trận đánh đầu tiên này, Tôi đã được chứng kiến sự ngoan cường của anh. Trong cơn thịnh nộ không ngừng tăng lên của chiến trận, Trong những cơn đau triền miên, Cũng như trong nỗi sợ hãi và cả nguy nan, Anh vẫn không từ bỏ, vẫn luôn bên tôi. Chiến hữu của tôi ơi! Có rất nhiều thế giới quanh ta. Và vầng dương kia cũng không phải là duy nhất. Mỗi chúng ta cũng chỉ có một thế giới mà thôi, Nhưng chúng ta thực sự sống trong những thế giới khác. Giờ đây mặt trời đã lùi vào bóng tối, Chỉ còn đó vầng trăng đêm lạnh lẽo. Xin được gửi tới anh lời tiễn biệt cuối cùng. Các chiến binh rồi cũng sẽ tử trận mà thôi! Nhưng còn đó những khắc khoải trong ánh sao, Trong từng bước trên con đường vinh quang của anh, Rằng: Chúng ta thật ng* xuẩn biết bao khi đem đến chiến tranh Tới những chiến binh của chúng ta. 5. Brothers in arms - Chiến hữu. Brothers in arms được coi là một trong những dấu son rõ nét nhất trong sự nghiệp của Dire Straits cũng như của MK. Điều này không chỉ nằm ở giai điệu mượt mà, bi tráng mà đặc biệt ở nội dung giàu tính cảm xúc của tác phẩm. Ở đó toát lên hào khí của chủ nghĩa anh hùng lẫm liệt và tình đồng chí cao cả. Bài hát được mở đầu bằng một khung cảnh ảm đạm, lạnh lẽo trong tiếng keyboard não nề: These mist covered mountains Are a home now for me But my home is the lowlands And always will be Những rặng núi khuất trong mây mù, Đã trở thành ngôi nhà chung của chúng tôi. Nhưng nhà tôi thực ở vùng đồng bằng, Và sẽ mãi là vậy. Chiến tranh là điều mà đa số con người đều muốn tránh và luôn là lựa chọn cuối cùng giữa các quốc gia khi không thể tìm được một quyết định nào khả quan hơn. Và việc đi lính, dù muốn hay không, vẫn hằng ngày diễn ra trên thế giới, kéo theo đó là cuộc sống thiếu thốn, gò bó trong quân lệnh và đầy hiểm nguy cho người lính. " Chúng tôi đóng quân tại đây, một vùng núi quanh năm mây mù bao phủ, lạnh lẽo, ẩm thấp và đầy rẫy những căn bệnh nguy hiểm đến từ rừng già, suối ng*ồn. Tôi có nói " a home" là bởi vì đây chỉ là một trong số rất nhiều nơi chúng tôi đã đi qua. Chả có chỗ nào là cố định cả, có lệnh là chuyển quân thôi. Phải nói thực, ở đây không được thoải mái lắm. Tôi nghĩ là sống không ra sống, không biết là đêm hay ngày. Mọi hoạt động của chúng tôi được chỉ thị từ những hồi còi cảnh báo. Khi nào có còi là sẽ phải thực hiện, dù đó là ngày hay nửa đêm. Có khi đang ăn với nhau, rồi một hồi còi, bỏ bát vác súng, và lúc sau quay lại thì mãi không gặp được nhau nữa. Hơn nữa ở đây, lúc nào, chỗ nào cũng mưa, không khí thì ẩm thấp quanh năm, còn sương mù dày đặc nên việc xác định ngày hay đêm cũng khó khăn, lâu dần thành quen nên cũng không để ý. Đời lính vậy mà. Có điều, chắc bạn sẽ thắc mắc vì sao một nơi như vậy mà tôi lại gọi là " home" ?" Nếu để ý, bạn sẽ thấy một sự khác biệt khá cơ bản về nghĩa của từ " home " và " house" trong tiếng Anh. Trong tiếng Việt có câu: " Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", thì " house" mang nghĩ là nhà - một cái nhà cụ thể, còn " home" mang nghĩa là tổ ấm, là gia đình. Thật lạ! Anh lính đã nói gia đình anh ở vùng đồng bằng cơ mà? Vậy mà, anh ta lại gọi vùng núi nơi anh đóng quân là nhà của mình, hơn nữa lại như là gia đình mình vậy! " Lí do à? Thực ra, ban đầu khi tới đây, tôi cũng chán ngán lắm. Cảnh sống khổ cực giữa nơi hoang vu xa lạ này khiến con người ta nhanh chóng quên đi cái háo hức - nhiều khi là giả tạo - của ngày lên đường sao mà tươi vui nhộn nhịp quá. Dù sao thì cũng đã dần quen hoàn cảnh rồi nên cũng đỡ. Dĩ nhiên không phải một sớm một chiều mà tôi có thể tồn tại mà chiến đấu như bây giờ. Tôi có rất nhiều sự giúp đỡ từ phía ban chỉ huy, và đặc biệt là những người lính khác - những chiến hữu của tôi, chúng tôi đã như anh em trong một gia đình vậy..." Lí do rất cụ thể như vậy. Anh ta có những người đồng đội, những người - cũng như anh ta - đến từ mọi vùng đất. Có người ở thành phố đông vui, có người ở vùng quê hẻo lánh, lại có người ở tận những khu thung lũng hoang vắng, những vùng thảo nguyên mênh mông. Họ đến đây, những con người xa lạ đã trở nên gần gũi. Đến đây hẳn bạn sẽ thấy có gì đó rất giống với hoàn cảnh của những người lính trong " Đồng chí" của Chính Hữu: Quê hương anh nước mặn đồng chua, Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá. Tôi với anh vốn người xa lạ, Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau. Súng bên súng, đầu sát bên đầu, Đêm đắp chung chăn thành đôi tri kỉ. Đồng chí! Vậy đó, không quen, thành đồng chí, rồi tri kỉ của nhau. Nếu bạn là người khó tính có thể thắc mắc tại sao tôi ( tức là Sadkiller em đây mà ) lại lôi mấy ông ở tận... Việt Nam vào trong bài này? Đơn giản là tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điêu: ở đâu cũng vậy thôi, đời lính như nhau cả, giống nhau đến lạ kì, mọi ranh giới về không gian không còn ý nghĩa nữa. Có thể vì thế mà ta thấy bài hát này gần gũi hơn? Những điều kéo họ xích lại gần nhau thật cũng không khác nhau nhiều: Though these fields of destruction Baptisms of fire I''ve witnessed your suffering As the battles raged higher And though we were hurt so bad In the fear and alert You did not desert me My brothers in arms Tại vùng đất bị tàn phá ác liệt này, Qua trận đánh đầu tiên này, Tôi đã được chứng kiến sự ngoan cường của anh. Trong cơn thịnh nộ không ngừng tăng lên của chiến trận, Trong những cơn đau triền miên, Cũng như trong nỗi sợ hãi và cả nguy nan, Anh vẫn không từ bỏ, vẫn luôn bên tôi. Chiến hữu của tôi ơi!
Vậy đó! Chẳng phải ngẫu nhiên mà họ lại có thể coi nhau như anh em một nhà, nhất là khi họ đến đây từ những nơi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau... Chính sự cảm phục, những lúc giúp đỡ nhau trong từng cơn đau, lúc kề vai sát cánh tại ranh giới giữa sự sống và cái chết đã vô hình kéo họ lai với nhau. Những ai sống với nhau qua lúc tên bay đạn lạc mới có thể hiểu và thông cảm cho nhau một cách sâu sắc như vậy, đến mức coi nhau như anh em một nhà. Ở đây, chúng ta bắt gặp một " trận địa". Tuy nhiên, trong nhạc Rock, với những chuẩn mực bất thành văn thông thường thì trận địa trong bài hát này có vẻ hơi " hiền". Đó có thể là do không có những đoạn trống dồn chát chúa, những đoạn lead điên cuồng, chói tai thể hiên sự khốc liệt đến cùng cực như thường gặp trong " trận địa" của những Manowar, Metal hoặc trận đánh đầy hùng khí của Prog...hay những tiếng gào thét cháy cổ trong Death...Bạn có thể cãi ngay rằng vì đặc điểm của các dòng nhạc là khác nhau. Đồng ý, nhưng đối với dòng Thrash, Power hay Death mà nói, vẫn có những bài hát rất hiền, rất êm tai, nhưng khi chuyển chủ đề sang chiến trận thì kiểu gì cũng phả thay đổi tốc độ và phong cách biểu diễn. Mà kể cả nhạc của Dire Straits, thì phần trống dồn cũng không phải là kém. Trong bài này, chiến trường hiển hiện thật nhẹ nhàng đối với người lính. Cũng chẳng có gì lạ. Bởi bên cạnh anh ta còn có những chiến hữu - những người anh em trong gia đình. Điều đó chẳng phải đã là quá đủ để quên đi cái ác liệt của chiến trận sao? Rõ ràng, tình chiến hữu trong trường hợp này đã giúpvượt qua những khó khăn, trở ngại thông thường để giữ lại một chút gì đó gọi là bình an nơi người lính. Cái cách mà người lính gọi " My brothers in arms" cho thấy một sự trìu mến biết bao khi nhắc đên những những chiến hữu. Chúng ta thật may mắn khi được biết thêm một hình ảnh mới về chến tranh qua giọng ca khàn đục có phần u uất của Mark Knopfler (MK) cũng như chính những " giọt lead" mà anh chơi. " Giọt lead" - tôi quan niệm vậy - là một điều rất hay gặp trong Rock''n''Roll, khi mà nhạc Rock chưa mang nặng tính kích thích như ngày nay. Nó khác xa với những đoạn lead chói tai của những hiệu ứng âm nhạc điện tử mới hay những đoạn lead chơi nguyên cả phần ca từ như để ...lấy thành tích trong nhạc Pop. MK quả thật rất khó tính đối với mỗi nốt nhạc bật ra từ cây guitar của mình. Câu lead thường ngắn, gọn gàng, trau chuốt và không kém phần êm ái. Mỗi nốt nhạc dưới tay anh đã trở thành những lời nói thực sự. Giọng nói đó có khi là những câu tươi vui trong Lady writer, Tunnel of love, Walk of life... hay chậm rãi đầy cảm xúc trong Romeo and Juliet, So far away... và dĩ nhiên là bài này, Brothers in arms. Và thường thì, ngay sau một câu hát của MK sẽ là một câu lead đáp lại, ngắn thôi, nhưng nghe thì đúng như là hai con người đang đối đáp với nhau vây. Đây là đặc điểm rõ ràng nhất trong nhạc của Dire Straits. Đặc biệt hơn khi MK vừa là vocal vừa chơi lead nên sự đồng cảm trong chuyển tải nội dung cũng như phong cách biểu diễn đạt đến mức độ hoàn mĩ. Tôi lan man như vậy cũng chỉ muốn khẳng định một điêu: nhạc của Dire Straits có thể dễ nghe thật, nhưng không hề rẻ chút nào! Nhạc hay đã đành nhưng lời thì quả là một tài sản quí giá. Xem đoạn này nhé: These''s so many different worlds So many different suns And we have just one world But we live in different ones Có rất nhiều thế giới quanh ta. Và vầng dương kia cũng không phải là duy nhất. Mỗi chúng ta cũng chỉ có một thế giới mà thôi, Nhưng chúng ta thực sự sống trong những thế giới khác. Đây là đoạn tôi thích nhất và thực sự tôi không hề muốn dịch một tí nào vì sẽ thật là khiên cưỡng với chỉ vài dòng ngắn ngủi. Chỉ có 4 câu thôi nhưng đã gói được gần như toàn bộ tình cảm người lính gửi gắm, đặc biệt là câu thứ tư: " But we live in different ones". Không biết bạn nghĩ sao chứ tôi nghe thì nó giống như thơ vậy, rất lãng mạn! Ở đây có 2 từ mà tôi tạm gọi là " từ khoá", hay nôm na gọi là " nhãn tự" trong thơ vậy. Đó là: WORLD và ONE. Nếu chỉ nhìn về mặt lượng thì sẽ có nhiều người hồ đồ mà nói: Thật là đối nghịch, một bên là thế giới bao la, một bênchỉ là con người nhỏ bé, có gì mà liên hệ tới nhau. Phải, nhưng, bạn đã bao giờ nghe ai nói: " Mỗi con người ta là một thế giới" chưa? Tôi cá là rồi. Vì sao nhỉ? Có người quan niệm rằng, con người sống trên trái đất, không chỉ trực tiếp tác động qua lại với các yếu tố vật chất mà còn có cả một thế giới bên trong con người đó. Thế giới bên trong đó thực chất là những quan niệm, tri giác, ý thức...của người đó đối với thế giới xung quanh, và nó không hề giống với thế giới bên trong của người khác. Cùng một sự vật, hiện tượng nhưng sẽ có hai quan niệm khác nhau trong 2 con người khác nhau. Cũng có trường hợp hai quan niệm đó là giống nhau, nhưng nếu xét ở mức độ số lượng sự vật, hiện tượng là rất nhiều thì hai thế giới đó sẽ khác nhau một cách tương đối. Từ World dùng trong câu " And we have just one world" đúng với ý nghĩa mỗi con người có một thế giới bên trong. Nghe rất bình thường. Nhưng nếu đặt câu đó theo cảm hứng chung của bài hát và đi kèm với câu " But we live in different ones" thì ý nghĩa của nó thực sự sâu sắc: tình bằng hữu giữa những người lính đó sâu đậm đến mức họ giống nhau cả về thế giới bên trong. Đó là sự đồng điệu về suy nghĩ, tình cảm, chí hướng... Họ chỉ khác nhau vẻ bề ngoài mà thôi, còn bên trong họ tồn tại một thế giới như nhau. Đó là một sự đồng cảm gần như tuyệt đối! WE có thể là tôi, anh và những người khác trong câu: " And we have just one world". Nhưng WE lại đổi thành nghĩa " một con người thống nhất" trong câu : " But we live in different ones". Đây chính là một lối chơi chữ trong tiếng Anh. Và theo tôi thì từ "ones" trong câu này mang nghĩa đại diện cho cả Worlds và People, và có thể hiểu câu cuối này theo 2 nghĩa: " Nhưng chúng ta thực sự sống trong những thế giới khác" " Nhưng chúng ta thực sự sống trong những con người khác".Cả hai cách hiểu đều không sai nhưng nếu cho chọn, tôi sẽ theo cách thứ 2. Rõ ràng, đây là biện pháp nói quá trong thơ văn thôi, chứ đúng là không ai có thể giống nhau đến như vậy được, phải không? Tuy nhiên, ta vẫn thấy hợp lí bởi tác giả ( tức là MK chứ không phải là em) chỉ muốn nhấn mạnh sự đoàn kết, khăng khít những con người cùng chiến tuyến đã vượt qua những suy nghĩ thông thường. Chiến hữu mà, phải thế chứ, nhỉ? "...ngày...tháng..., Tập kích vào... Một trong số chúng tôi hi sinh... ... Tôi không biết phải nói gì hơn. Chiến tranh là vậy mà. Biết là gian lao, khốc liệt đấy, biết vào với chiến tranh tức là phải biết chấp nhận đấy. Vậy mà vẫn thấy nghẹn nơi cổ, đắng quá! Chao ôi, sinh mạng con người ta rẻ rúng vậy sao? Thôi thì, ai rồi cũng phải chết. Anh đi trước tôi một ngày, coi như là anh đỡ khổ hơn tôi một ngày vậy. Đời lính biết nói gì về ngày mai đây? Chỉ là xót xa quá, nhìn thấy anh nằm trên đất mà không thể mang anh theo để có thể tiễn anh một cách tử tế đối với một con người. Dù chỉ là một manh áo rách bọc da, cũng còn hơn là phơi thân ra đó cho nắng thiêu mưa dội, cho gió lùa cát phủ. Chạy qua nơi anh nằm xuống cũng chỉ biết rơi cho anh một giọt nước mắt thôi mà không thể làm được gì. Tôi biết những người khác cũng vậy. Anh tha lỗi cho chúng tôi, chắc anh cũng hiểu... ... Buổi chiều, ngay sau trận đánh, chúng tôi được lệnh tiếp tục chuyển quân... ... Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra? Đây là đâu? Đồng đội tôi đâu? Nhưng... tôi đau lắm rồi..." " Now the sun''s gone to hell And the moon''s riding high Let me bid you farewell Every man has to die Giờ đây mặt trời đã lùi vào bóng tối, Chỉ còn đó vầng trăng đêm lạnh lẽo. Xin được gửi tới anh lời tiễn biệt cuối cùng. Các chiến binh rồi cũng sẽ tử trận mà thôi! " Chiến tranh là vậy mà!". Một qui luật? Một sự chấp nhận? Phải! Biết vào chiến tranh là phải biết chấp nhận? Phải Nhưng một cách thẳng thắn, con người nói ra những câu đó, với toàn bộ sự bất lực đớn hèn của mình, về cái họ tự gây ra, về cái mà đáng lẽ họ có thể dẹp bỏ ngay từ gốc rễ. Thật mỉa mai! Chiến tranh như một guồng xoáy mà khi đã ở trong đó, không thể cưỡng lại bất cứ hậu quả nào mà nó mang lại. Xưa nay vẫn vậy thôi. Và cái chết cũng đến như một điều gì đó thật tự nhiên, như được sắp đặt cả rồi vậy. " Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành" Bạn còn nhớ những câu thơ này trong " Tây tiến " của Quang Dũng chứ? Đó chính là hình ảnh chân thực nhất của chiến tranh. Và cũng chỉ có những câu thơ như vậy mới có thể diễn tả hết sự bi đát của người lính trong chiến tranh. Những cái chết đến thật bất ngờ, tự nhiên, cho nên mới có chuyện chết ở " viễn xứ" và mồ thì nằm "rải rác". Mạng người mà rải rác như hạt cát, hạt bụi vậy. Đó mới là bộ mặt thật của chiến tranh! Hay đó cũng chính là một cảm hứng khác mà tác phẩm muốn đề cập đến: Phản chiến! Mặc dù không phải là đề tài chính, song bài hát cũng khá thành công khi đề cập đến tư tưởng phản chiến qua những suy nghĩ và lời nói của người lính xuyên suốt tác phẩm. Ngay từ khi vào bài, sau những câu giới thiệu theo lẽ thường, người lính đã biểu lộ một thái độ mệt mỏi và chán chường với cuộc chiến: " Someday you''ll return to, Your valleys and your farms. And you''ll no longer burn to be Brothers in arms" Ngày nào đó chúng ta sẽ lại trở về, Khu thung lũng và nông trại thuở ấu thơ, Và sẽ không phải chịu cảnh này lâu nữa. Đang ở nơi đóng quân, đang làm nhiệm vụ, vậy mà người lính vẫn không nguôi mong mỏi. Một lời ước nguyên thật giản đơn và bình dị quá: chỉ mong một ngày không xa, sẽ lại được trở về với gia đình, với ruộng vườn, quên đi cái cảnh ăn vội uống vội để rồi cuống cuồng xung trận khi có báo động. Xin đừng vội qui chụp anh lính là ********* thế này thế nọ. Và cũng đừng thắc mắc tại sao tôi lại dịch "You" thành nghĩa " Chúng ta". Bởi vì,từ trong sâu thẳm, nó là ước nguyện chung của tất cả mọi người. Tôi mong ước như vậy, chẳng lẽ anh lại thích ở đây chắc? " Tôi nói AND YOU''LL NO LONGER BURN TO BE BROTHERS IN ARMS không phải là tôi không muốn sống cùng anh. Tôi với anh vẫn là những chiến hữu tuyệt vời của nhau. Nhưng bạn ơi, khi chúng ta là Chiến Hữu, khi mà chữ Chiến vẫn đứng trước chữ Hữu, tức là chúng ta vẫn còn phải sống trong cảnh bom rơi đạn nổ ở cái xứ chết tiệt này, tức là chúng ta vẫn phải sống trong chiến tranh. Tôi thì không thích điều đó, chắc anh cũng vậy. Chúng ta vẫn muốn là anh em tốt với nhau, đúng không? dĩ nhiên là không phải trong cái cảnh này, ngoài đời thì chúng ta vẫn có thể là anh em cơ mà, đâu nhất thiết phải có chiến tranh mới là anh em?" Như vậy chẳng đã quá rõ? Họ muốn ngừng ngay cái công việc giết chóc vô nghĩa này lại và trở về nhà. Họ chẳng cần cái Brothers in arms - chiến hữu chi cho đẹp giấy tờ. Brothers - bằng hữu là đủ rồi. Cuối cùng, dư luận xã hội cũng cho thấy một thái độ tích cực hơn trong ủng hộ việc giải giáp để hướng tới cuộc sống hoà bình: But it''s written in the starlight And every line on your palm We''ve fools to make war On our brothers in arms Nhưng còn đó những khắc khoải trong ánh sao, Trong từng bước trên con đường vinh quang của anh, Rằng: Chúng ta thật ng* xuẩn biết bao khi đem đến chiến tranh Tới những chiến binh của chúng ta. Trong cuộc sống, cái gì được cho là thành công theo bạn? Tiền tài? Danh vọng? Có người nói tiền tài, có người nói danh vọng, có người nói cả hai! Vậy, cái gì được cho là thành công đối với một người lính nơi chiến trận? Đó chẳng phải là những chiến thắng sao? Lính mà, chỉ có chiến thắng mới là vinh quang. Vậy mà, vượt lên trên tất cả những vinh quang, chúng ta vẫn muốn phỉ nhổ vào cái điều đã mang lại vinh quang cho người lính. Chiến tranh! Người dân của nước bị xâm chiếm thì không nói cũng biết. Họ phản đối chiến tranh. Nhưng chính phủ các nước chủ chiến, gây chiến lại lập luận thế này trước dân chúng: Tôi gây ra cuộc chiến này, nếu thắng, tôi sẽ chiếm được đất đai, tài nguyên... nhưng có phải là cho tôi đâu? Một mình tôi thì dùng hết làm sao được? Tôi làm là làm cho nhân dân tôi, đất nước tôi. Có nhiều đất, nhiều tài nguyên, nhân dân tôi sẽ giàu có hơn, ấm no hơn, dân tộc tôi sẽ phát triển hơn. Chính phủ phải có trách nhiệm lo cho dân, cho nước, các bạn còn trách gì chúng tôi nữa? Nghe thật đơn giản và hợp lí, hợp lí đến mức trần trụi! Bạn nghĩ sao? Dĩ nhiên là đối với những người yêu chuộng hoà bình thì đó quả là sự xúc phạm to lớn. Và nhân dân các nước chủ chiến chắc chắn cũng không ủng hộ phát triển theo con đường này. Vì đơn giản là họ không thể ăn ngon ngủ yên khi những đứa con của họ đang phải lăn lộn nơi đất khách quê người, để rồi không biết có còn gặp được nhau nữa không. Con người ta tồn tại không phải là để phát triển sao? Trong khi đó, chiến tranh, một mặt chỉ đem đến cái chết, mặt khác là sự kìm hãm phát triển. Lí luận trên chẳng qua chỉ là để biện hộ cho việc giết người nước khác. Đến khi những người lính nước mình chết thì lại ru ngủ dân chúng bằng những huân chương, mề đay, rồi phong anh hùng này anh hùng nọ, rồi bảo đó là vinh quang. Đạp lên người khác để sống, đó chả phải là hành động của con người, chứ đừng nói là vinh quang. Và hậu quả thế nào thì chúng ta đều rõ, và người chịu hậu quả là ai thiết nghĩ cũng chẳng cần phải bàn đến nữa. Sẽ thật là khó khi nói bài hát này là hay nhất, bài hát kia là dở nhất. Tuy nhiên, Brothers in arms đúng là một tác phẩm có giá trị thực sự. Không chỉ nổi trội bởi giai điệu êm ái, du dương với cách phối khí hoàn hảo mà còn để lại ấn tượng sâu đậm tới người nghe bằng những tư tưởng chính nghĩa và tiến bộ. Đó là tình đồng chí, đồng đội cao cả, đó là tình yêu hoà bình của những con người mới, thế giới mới. Brothers in arms là biểu hiện của tính nhân văn cao cả, đại diện cho ước vọng không ngừng nghỉ mà một thế giới văn minh đang theo đuổi: Chấm dứt Chiến Tranh. (Hết) (Bài này được Sadkiller viết để nhớ về Phiêu và anh em)
Hi Sadkiller , Dire Straits cũng là ban nhạc mà tớ rất thích . Mark Knopfler quả là con người kì tài , mỗi album của DS đều được coi là 1 project của MK , trong đó thậm chí tiếng bass hay tiếng trống dồn cũng đều do cái đầu hói siêu việt của MK soạn ra. Do đó nhạc MK về sau này vẫn là những âm thanh của Dire Straits . Được cái , nhiều bài hát được phối rất công phu và có vẻ hoành tráng nhưng lời thì .. rất chuối (hoặc giả tớ ko đủ trình để cảm nhận lời hát ) nhưng Brothers in arms quả thực lyric thật tuyệt vời . Album cùng tên là 1 album mang hơi hướng phản chiến với Brothers in arms , Ride Ride Across The River , The Man''''''''s Too Strong ... Clip của bài hát này cũng rất ấn tượng Được Judevna sửa chữa / chuyển vào 16:06 ngày 29/12/2005