1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Bức tường

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi quy_coc_tu, 11/04/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. quy_coc_tu

    quy_coc_tu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/01/2003
    Bài viết:
    41
    Đã được thích:
    0
    Bức tường

    Truyện này được viết đầu năm 2001 ở một khu tập thể bên bờ sông Hồng. Ở đây, tại các ngã tư Vân Đồn - Bạch Đằng, Vân Đồn - Nguyễn Công Trứ, cuộc sống cuồn cuộn như dòng cát đỏ ngầu của sông Hồng. Từ sáng sớm đến tối mịt, hàng nghìn cửu vạn ngồi ở chợ người chờ bán sức lao động. Buổi tối, những **** đứng thành hàng dài quanh các gốc cây đoạn công viên Yecsin, Nguyễn Huy Tự, Trần Quang Khải dọc tới chân cầu Long Biên đón khách. Ở bất kể góc tối của quán cà phê nào cũng có kim tiêm, ma túy. Nhưng ở khu tập thể này - nơi xảy ra câu chuyện - cuộc sống vẫn trôi đều đều, êm ả. Cho đến một ngày...

    1
    Bức tường tróc vôi đã kín đầy nét gạch vẽ và chữ viết. Những nét trũng sâu, rêu xám đùn lên thành luồng xốp vữa rỉ bụi. Có nét còn rất mới. Tất cả được trình bày loạn xạ, phơi bày cảm xúc dung tục và hoang dại. Người tinh ý có thể đoán rằng, chúng được hình thành từ nhiều bàn tay khác nhau, qua nhiều thế hệ khác nhau. Mức độ biểu cảm đậm đặc của chúng gây sự chú ý ngay lập tức.

    Buổi chiều nắng nhạt. Mấy người đàn bà đang giặt quần áo và đám trẻ con đang chơi lê la ngoài sân thì một người đàn ông lạ mặt xuất hiện. Người này chừng ba mươi, nước da hơi xanh, đôi mắt đam mê đen tối. Hắn hỏi bà Huyền, bảo có người giới thiệu thuê nhà, và nếu được, sẽ ở lại thành phố một thời gian.

    Mấy người đàn bà xao xác giục con đi gọi bà Huyền. Hình như họ nói to hơn, và trong cái thanh điệu gò mình cố ý, người khách nhận thấy khoái thú thể hiện ánh lên không giấu giếm nơi những đôi mắt háo hức.

    Người khách đặt chiếc va li bên bờ gạch, hỏi xin chút nước rửa mặt. Mấy người đàn bà kéo chậu ngâm xà phòng ra hai bên, nhường khách vòi nước. Hắn mở ngăn ngoài va li, rút ra chiếc khăn bông còn trắng, nhúng nước, úp lên mặt.
    - Nước trong - Hắn nói.
    - Khu nhà cũ, nhưng nguồn nước tốt - Chị áo hoa nói.
    - Có bơm nước lên tầng 5 được không? - Người khách hỏi.
    - Được. Trước đây thì không, phải tắm cả dưới này - Chị áo hoa chỉ bức tường - Chỗ đó là nhà tắm. Đã đập, nhưng còn để tường ngăn vườn.
    Người khách vắt kiệt chiếc khăn mặt, đi tới gần bức tường, chăm chú nhìn những hình vẽ và chữ viết. "Vĩ đại!" - Hắn lẩm bẩm, đôi mắt đen loé sáng.
    - Tôi đã bảo bà Huyền thuê thợ quét đi. Để trẻ con nhìn thấy... - Một chị nói.
    - Gớm! Quét đi nó càng có chỗ vẽ - Chị áo hoa nói.
    - Ai nhìn thấy cũng khiếp! - Chị kia nói.
    - Rõ tởm! - Chị khác nói.
    - Ai? - Chị kia hỏi.
    - Bọn đàn ông - Chị áo hoa nói.
    - Còn bọn trẻ con ngày càng láo xược! - Chị khác nói.
    Câu chuyện càng lúc càng háo hức. "Mẹ kiếp. Chúng sẽ láo xược theo khả năng của chúng..." - Người khách nói thầm, vung tay vào không khí.
    - Anh bảo sao? - Chị áo hoa hỏi, giật mình, thấy mắt người khách lộ tia sáng sẫm như ma quỉ.
    - Không. Bức tường xây lâu chưa?
    - Từ hồi có khu nhà. Khoảng mười lăm năm.
    - Vậy là chưa lâu... - Người khách lại nói thầm - Một trật tự lắp ghép đồng loạt. Một đời sống bầy đàn. Nhưng mình phải nhìn lên những ban công. Chúng thường thể hiện cố gắng...
    - Tôi sẽ cấm thằng con mon men ở cái sân này! - Một chị phẫn nộ.
    - Tôi sẽ bắt con gái phải đi cửa sau! - Một chị khác hét lên.
    - Còn lão chồng tôi thật hèn hạ! - Bà ngồi cạnh vòi nước rên rỉ.
    Người đàn bà tầm năm mươi, khuôn mặt béo bất mãn. Lão hèn lắm, không thể nói được! - Giọng bà phấn khích - Tôi sẽ giết lão!
    - Họ có cách biểu hiện khác - Người khách lẩm bẩm - Giá như họ cũng có một bức tường và mấy viên phấn, họ sẽ khá hơn...
    - A! Bà Huyền đâu? - Một chị reo lên.
    Người khách giật mình. Ánh chiều vàng đậm. Đám trẻ con chạy tưng bừng kéo theo một bà mặc váy.
    - Bà Huyền đấy! - Bà béo nhìn người khách đắc thắng.
    - Anh tìm tôi à? - Bà Huyền hỏi.
    - Vâng, tôi thuê nhà. Anh Phúc bảo gặp chị.
    - À, anh Văn phải không? Anh Phúc đã đưa chìa khóa và giấy tờ cho tôi. Anh định thuê bao lâu?
    - Trước mắt là một tháng, nhưng cũng có thể lâu hơn.
    Người khách theo bà Huyền lên tầng 5. Căn hộ một phòng, hai lớp cửa sắt, ban công rào chuồng cọp. "Giường chiếu đủ cả. Tôi là tổ trưởng khu phố này. Có gì anh cứ gọi tôi" - Bà Huyền nói.

    2
    Tối hôm đó, Văn ngủ ở khu nhà tập thể. Căn hộ tường lắp ghép, cách âm tồi, có thể nghe rõ chuyện đằng sau những tấm cửa sắt. Những giọng nói to nhỏ đầy khoái cảm sự kiện xoay quanh người mới đến.
    - Nó cứ nhìn bức tường, lâu lắm... - Giọng bà béo
    - Nó nhìn quái gì? - Giọng một người đàn ông - Chắc nó không phải người Hà Nội.
    - Phải. Nó ở đâu thì ma nào biết. Ánh mắt nó thích thú, lại có vẻ khinh bỉ, diễu cợt.
    - Nó khinh ai?
    - Chịu. Nhưng nó nói năng cũng lịch sự.
    - Thế được rồi. Nói vừa vừa thôi!
    - Ông câm đi! Nó cứ nhìn bức tường... Nó còn cười?
    - Kệ xác nó. Ngủ đi!
    Có tiếng trở mình. Tiếng ngáy của người đàn ông. Tiếng rủa tục tĩu của người đàn bà. Căn hộ bên, tiếng ti vi: "Trẫm muốn về Yên Kinh, mưu đồ khôi phục. Mỵ nương, nàng có theo trẫm không?...".
    - Con này đóng chán! - Có tiếng trong trẻo - Phim trước, Tiểu Phi Yến đóng hay hơn.
    - Ừ, nhưng thằng quân sư này được - Giọng chị áo hoa.
    - Em thích thằng trẫm hơn! - Giọng cô gái.
    - ...
    - Mắt nó xa xôi...
    - A! Mày thấy thằng mới đến chưa?
    - Chưa! Thế nào?
    - Nó cứ nhìn bức tường...
    - Ai đến đây mà không nhìn bức tường?
    - Nhưng nó nhìn rất chăm chú. Còn thích thú nữa...
    - Bỉ ổi!
    - *********! - Cô gái bỗng rít lên. Tiếng rít làm người khách rùng mình. "Thôi đủ rồi!" - Cô chị nói. Xẹt! Tiếng màn xé. "Mày câm đi! Con đĩ!" - Cô gái hét điên dại. Xạch... Két... Tiếng kéo cửa. "Khuya rồi, có cho hàng xóm ngủ không?" - Giọng chồng bà béo. "Ông cút đi!" - Cô gái quát ra. "A, con này!" - Chồng bà béo nén tiếng gầm trong cổ.
    Văn đá tấm chăn đơn xuống đất. "Những cơn điên... Những số phận... Mình chưa nhìn kỹ những cửa sổ ban công ở đây... Hình như chúng treo đầy quần áo và tã lót...". Hắn lẩm bẩm, đi nhanh ra phía cửa.
    - Em bị muỗi đốt à? - Văn hỏi.
    - A! - Cô gái há miệng, im bặt.
    Chồng bà béo rút lui.Văn nhướn mày vuốt dọc chiếc áo ngủ của cô gái.
    Hắn về giường. Không ngủ được. Cảm giác buồn bực len lỏi. Cái cảm giác buồn bực theo đuổi hắn bao năm trời. Ngồi tựa thành giường, buồn rũ rượi, hắn không biết dưới kia một tầng cũng có người chưa ngủ. "Định định mệnh ơi, ngươi hãy hiện ra đi? ".



    Ta nhỏ bé vì ta phải tuân theo tự nhiên
    Ta vĩ đại vì ta có thể sử dụng tự nhiên
  2. quy_coc_tu

    quy_coc_tu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/01/2003
    Bài viết:
    41
    Đã được thích:
    0
    3
    Chị sống ở đây đã gần hai năm. Những đêm trời đẹp, chị tắt đèn ban công, nhìn lên phía màn sao xanh thẫm. Giữa cái mông mênh vời vợi của đêm thâu, chị thả hồn cho nó phiêu du về bất cứ nơi nào chị thích. "Thằng bé đã ngủ từ lâu...". Chiều nay nó tha thẩn bên bờ tường, xếp những viên gạch nhựa.
    Lòng sân vắng teo. Khu tập thể chìm sâu trong giấc ngủ mệt. Nghe rõ tiếng giật nước. Tiếng cánh cửa va vào nhau lách cách. Chị với tay, vuốt dài theo làn gió lướt qua ban công đầy hơi ẩm. Những đám mây sáng chạy đuổi dưới ánh trăng. Chị nhắm mắt, nghe tiếng co duỗi rất nhẹ của những cánh hồng đêm. "Ôi, đêm hoa lau! hoa lau!". Cơn mơ trắng trải ra...
    Một đêm, chị bỗng nghe tiếng kéo cửa trên tầng 5. Tiếng bước chân. Tiếng bước chân dồn nén gấp gáp. Chị dụi mắt. Một bóng đen lao ra từ chân cầu thang. Gã chạy như ngựa cuồng quanh sân, vừa chạy vừa gầm khan. Gã vung tay đá chân loạn xạ, rồi gã nhảy chồm chồm, hai tay đấm ngực. Một hồi rũ rượi, gã đứng im, tay buông thõng. Bất giác, gã ngồi thụp xuống sân. Hồi lâu, gã cứ ngồi im như vậy.
    Chị níu chặt chấn song, nhìn bóng đen, liên tưởng tới lần đi xem bách thú, có con khỉ ngồi thõng tay. Mắt nó tối sầm, sầu não ghê gớm.
    Bóng đen quanh quẩn. Rồi gã với một mảnh sành, đưa lên trời ngắm nghía. Bất giác, gã vạch mạnh lên tường, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Người gã run rẩy, rúm ró. Cái đầu bé như quả bưởi rật rật. Đôi chân nhấp nhảy cuồng loạn theo nét vẽ.
    Một hồi, dường như mệt lả, gã đứng im, ôm ngực thở. Dáng gã cong queo như tượng ma cây. Những sợi tóc mỏng xơ bám rệp trên cái đầu nhỏ xíu. Bất giác gã ngẩng đầu nhìn lên những ô ban công, miệng giần giật, lắp bắp điều gì đó. Ánh trăng chiếu nửa bên mặt. "A, lão Đạt! Thì ra là lão..." - Chị đưa tay lên miệng ngăn một tiếng hét.
    Đêm. Khuôn mặt người đàn ông cứ hiện về chợp chờn. Chị bắt đầu để ý nhìn xuống khoảng sân. Rồi chị phát hiện ra rằng, đêm nào cũng có người đi ra từ cầu thang, tới bức tường, vẽ hoặc viết gì đó. Tất cả đều sống trong khu nhà, và chị đều quen mặt. Thì ra vậy! Chị cứ nghĩ, những bức tranh trên tường phải do bọn lưu manh bên ngoài vào vẽ. Thì ra vậy? Thì ra là như vậy?
    Chị ghi nhật ký.
    "...
    Đêm..., năm 1994. Lần này lại là lão Đạt, chồng bà Hoà béo ở tầng 5. Lão này hèn hạ, vợ lão bảo thế. Lão thuộc về một thế hệ đại trà. Không nên đòi hỏi cá tính ở lão. Nào, thử xem lão vẽ gì! A, lão vẽ ngực phụ nữ. Tất nhiên rồi, lão cũng không ngoại lệ. Sao bé tí vậy? Mà lại gày gò, nhợt nhạt, toàn mụn nhọt. Hình như lão đang hát. Lão thích những khúc hát trên tivi. Lão chửi thằng con, rằng chúng mày đểu, không như lứa bọn tao. Lão thích nói chuyện thời thế. Lão sắp về hưu. Trời ơi, lão vẽ ngực phụ nữ mà như cái tã rách!
    Đêm..., năm 1994. Lần này là thằng Cường, con lão Đạt, 27 tuổi. Nó không thích vẽ. Tốt nghiệp đại học kinh tế, nó bảo thôi không học nữa. Lão Đạt khuyên nó học cao hơn để có bằng cấp hơn người. Nó bảo không cần. Lão Đạt bảo nó lấy vợ. Nó bảo chỉ thích gái mát xa. Lão Đạt bảo nó mất dạy. Nó bảo lão ấu trĩ. Nó thuộc thế hệ ghét trừu tượng, chỉ thích cái gì có thể sờ nắm được. Nó thể hiện mình bằng cách viết những câu tuyên bố lên tường. Chữ viết của nó như gà bới. Khuôn mặt nó câng câng, không cảm xúc. Nó thích nói chuyện giật gân. Những câu tuyên bố của nó nếu không rỗng tuyếch thì cũng đầy bạo lực và tục tĩu. Tuy nhiên, cũng có câu đau đớn.
    Đêm..., năm 1994. Lất phất mưa. Buồn quá. Mơ thấy cánh đồng ngập nước. Đám rắn cuộn tròn trên bờ cỏ. "Hoa lau! hoa lau!..." Nước rút hết. Cánh đồng ngạt ngào hoa cỏ. Khát quá. Đi tới vệ mương. Nước rêu nhờ. Định cúi uống thì thấy một bóng trắng rợn lượn dưới đáy. Sợ quá. Người cứ nao nao. Đi ngủ. Mưa, chẳng có ai vẽ đâu.
    Đêm..., năm 1994. Mấy hôm nay trời cứ mưa rả rích. Hai giờ đêm. Lạ thật, có người đang vẽ. A, cụ Thiều ở tầng 1. Cụ ra đây làm gì? Mưa dữ dội.Cụ Thiều tay cầm ô, chọn một khoảnh tường vôi bằng phẳng, đặt nét vẽ. Cụ thuộc một thế hệ đau thương, nhưng có chí khí. Cụ buồn. Ánh mắt cụ cô đơn, thoáng gì như ăn năn, nhưng tuyệt không bi luỵ. Cụ vẽ một suối tóc dài chảy nghiêng trên bờ vai trần tròn trịa. Người nữ mặt trái xoan, một tay đặt lên núm vú đầy căng, tay kia đặt hờ ra sau gáy. Những ngón tay tuyệt đẹp. Tiếc là cái cổ quá dài, cảm tưởng như cô gái bị ốm. Có lẽ cụ đã già rồi...
    Đêm..., năm 1995. Mùa xuân. Thay đổi thời tiết. Bị ốm. Bé Phong cũng ho khục khặc. Con tôi. Mẹ yêu con. Mẹ chép cho con bài "Thầy dắt em đi qua cầu". Trời khi mây khi mưa. "Đêm hoa lau! hoa lau!...". Lại mơ giấc mơ như vậy. Có người đi đến gần bức tường. Thằng Linh. Nó đang học cấp ba. Thằng này ngoan. Gặp khi nào nó cũng chào chị. Xem nó vẽ gì. Nó không vẽ. Nó rút một con dao bấm. "Tách!"- Nó làm gì đấy? Nó chọn chỗ tường lở loét. Nó cạo sạch những mảng rêu đùn còn sót lại. Khoảng tường trơ gạch đỏ. Sao nó không vẽ hay viết gì? Không, hình như nó đang làm việc điêu khắc. Nó cạo một viên gạch vẹt hai góc. Viên khác nó khoét lõm giữa. Nó tạo ra những hình thù kỳ dị. Không hiểu nó muốn gì...
    ...
    4
    Chị lật những trang nhật ký. Vậy là tất cả đàn ông trong khu nhà đều đã vẽ hoặc viết gì đó lên tường. Ông Thiêm, ông Mẫn, anh Khoa, anh Phúc, thằng Trung, thằng Tú... Còn ai nữa? Cụ Thiều chỉ vẽ một lần. Thằng Linh, anh Vinh cũng ít. Chỉ có bố con lão Đạt là vẽ, viết nhiều nhất. "Vậy là tất cả...". Không, hình như còn thiếu ai đó. Ai nhỉ? A... trời ơi, bé Phong". Chị giật mình, nhớ tới giọng nói của người đàn ông mới gặp ban chiều: "Thằng bé rất đẹp. Con chị à?".
    Chiều nay chị đưa con ra ngoại thành chơi. Những đám mây trắng rong ruổi về phía núi. Bé Phong mướt mải chạy dọc vệ cỏ. Chị bứt mấy cây cỏ gà đưa con: "Đây là con gà ri này, còn đây là con gà xồm". Nó hỏi: "Sao cỏ lại gọi là gà hở mẹ?". Chị bảo: "Vì nhìn giống con gà. Đấy là tưởng tượng con ạ". Nó hỏi: "Sao con không thấy giống?". Chị bảo "nhìn kỹ xem!", rồi cầm cây cỏ rung rung: "Nhìn cái đầu xồm này!" - Chị uốn cọng cỏ thành hình con gà. "Thấy chưa nào?". Bé Phong cười. Mắt nó sáng lonh lanh.
    Chị tạt qua chỗ ông bà ngoại. Hai ông bà chỉ nói chuyện với thằng bé. Mẹ nhìn chị như van xin. Bố chị chỉ ghế bảo bà cứ ngồi đấy. Bà nhìn ông, nén một tia căm hận. Không khí ngột ngạt. Ngồi một lát, chị gọi con về. Bà Loan dắt cháu ra cửa, nói với con gái: "Thuỷ, ****** đểu như chó. Tao chỉ vì thằng Ngọc...". "Vâng, con biết rồi" - Chị nói - "Tuỳ mẹ. Mẹ bảo em Ngọc rảnh qua chỗ con chơi".
    Bố Thủy là người "đang lên" như cách nói của các quan chức. Ông ta không xấu, chỉ quá nhiều tham vọng và rất đa tình.
    Chị đưa con về. Đường phố dày đặc xe cộ, cống rãnh, bụi bặm khó thở. Tiếng còi xe không ngớt. Thằng bé ngồi trước, tay đập liên hồi vào biển côngtơmét. Chị kéo mũ cho con, người nao nao, nóng ruột. Bỗng có tiếng còi giật. Một chiếc xe phân khối lớn lướt xẹt qua, phanh xầm truớc mặt. Chị lạng người, lúi chúi, suýt ngã. "*** mẹ, đi kiểu gì đấy? Mù à?" - Người đàn ông nhìn xói vào mặt chị. Chị vừa sợ, vừa sôi máu. Bé Phong khóc thét. Chị quát nó im. Nó càng khóc. Chị tát nó một cái. Suốt đường về hai mẹ con cứ ấm ức.
    5
    Trời xẩm tối. Những người đàn bà chuẩn bị cơm nước trên nhà. Khoảng sân đã vãn người. Chị lúi húi mãi vẫn không tìm thấy chiếc khăn rửa mặt cho con.
    Lúc cho xe vào sân, chị giật mình thấy bóng một người đàn ông bên cạnh bức tường. Hắn nhìn chị, hơi gật đầu chào. Chị im lặng chào lại. "Tôi chưa bao giờ gặp chị... Chị cũng sống ở đây ư? Lạ thật" - Hắn làm cử chỉ như có ý hỏi.
    - Thằng bé rất đẹp... - Người đàn ông giọng trầm nuốt vào ngực, dường như nói cho riêng hắn - Tôi đoán rằng, nó phải có một người mẹ tốt. Hạnh phúc ấy không phải đứa trẻ nào cũng có.
    Chị thấy nhột nhạt, khó chịu bởi cách nói như tìm từ của hắn. Dường như hắn muốn nói một ý khác. Chị nhìn hắn. Hắn không cao lắm, mái tóc đen mềm. Bộ quần áo hắn mặc, đôi giày hắn đi đều bình thường, không chải chuốt, cũng không quá cẩu thả. "Hắn không có gì đặc biệt...". Nhưng sao thế nhỉ? Chưa có người đàn ông nào bắt chuyện bằng cách khen chị là một người mẹ tốt, và hạnh phúc ấy không phải đứa trẻ nào cũng có. "Hay là hắn đang diễu cợt?". Thốt nhiên chị nhớ lại khuôn mặt khiếp hãi của bé Phong khi chị tát nó, chợt thấy mặt đỏ lên, nóng bừng.
    - Nó sẽ cứng cáp? Đúng vậy! Hơi ấm tuổi thơ sẽ giúp nó sau này. Nó sẽ không dễ bị chao đảo trước những cái dung tục vô lý của đời sống. Hắn bỗng nói nhanh, sôi nổi, và chị ngạc nhiên thấy giọng hắn ấm áp kỳ lạ. Khuôn mặt hắn không có nét gì diễu cợt, thậm chí chị còn nhìn thấy thoáng gì như thành kính trên vầng trán rộng hơi nhíu lại của hắn. Thoáng ấy biến đi rất nhanh.
    Chị hỏi: "Anh làm gì?", ngạc nhiên thấy giọng mình âm âm trong màng tai. "Tôi làm việc cho một công ty buôn bán hàng mỹ nghệ" - Hắn nói - "Công ty định mở chi nhánh ở Hà Nội, nhưng việc chưa chạy, và hiện tôi không làm gì cả". Hắn thả điếu thuốc xuống sân, dùng mũi giày giẫm nát. "Anh tên gì? Sao anh ở đây?" - Chị hỏi, lại thấy là lạ vì cách nói bất lịch sự của mình. "Tôi tên là Văn. Anh Phúc người cùng quê bảo tôi có thể ở đây với giá thuê rẻ, trong khi anh chờ người mua căn hộ" - Hắn nói.
    Câu chuyện giữa hai người cứ tiếp tục như vậy. Thủy đứng trên bờ gạch, nói những câu ngắn gãy khúc. Văn đứng cạnh bức tường, nói những câu dài thong thả, thỉnh thoảng lại nhìn vào những hình vẽ.
    "Rất đúng ngữ pháp. Hay là hắn bị điên?". Chị đã thấy nhiều người đàn ông, và cả đàn bà, nhìn những hình vẽ ấy, nhưng không ai nhìn như hắn. Thường họ phản ứng ngay. Họ cười. Họ nói. Họ chửi tục. Hắn cũng hơi cười, nhưng đó là một kiểu cười vào bên trong, còn ánh mắt hắn nói lên điều gì đó mà chắc chắn không phải những điều được thể hiện trên tường. Chị còn nhận ra rằng, trong cái vỏ thông thái mệt mỏi, hắn có gì rất vội vã, bồng bột - một sự buồn bực tàn phá chạy suốt. Giọng hắn đều đặn, trôi chảy, nhưng chị có cảm giác hắn luôn phải tìm từ và không vừa ý với cách diễn đạt của mình. Ngay câu nói tự nhiên nhất của hắn vẫn phảng phất một ẩn ý mông lung mà chị không hiểu. Khi nói về bé Phong, giọng hắn ấm áp như hơi phù sa của một dòng sông nắng, nhưng thỉnh thoảng nó lại chen vào những âm thanh heo hút như tiếng gió lùa trên một triền thung lũng, nó gây cho chị những dự cảm không lành, gờn gợn một nỗi sợ mơ hồ. Nó bảo chị nên tránh xa người đàn ông này.
    Ta nhỏ bé vì ta phải tuân theo tự nhiên
    Ta vĩ đại vì ta có thể sử dụng tự nhiên
  3. quy_coc_tu

    quy_coc_tu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/01/2003
    Bài viết:
    41
    Đã được thích:
    0
    7
    Tối hôm đó chị thấy người khó chịu, gây gây sốt. Một cảm giác mệt mỏi xâm chiếm toàn thân thể. Chưa bao giờ chị thấy như vậy. Nỗi mệt mỏi như chạy suốt tháng năm, về thời điểm lần đầu tiên chị ý thức có mình trên đời. Dường như, nỗi mệt mỏi luôn thường trực đâu đó, trong từng khoảnh khắc, theo từng bước chân mà giờ đây chị mới chợt nhận ra nó. Một nỗi trống trải, khắc khoải, bám riết đầu óc, và như một nỗi đau đớn nhè nhẹ, nó loang rộng ra mãi, miên man xâm nhập từng cơ bắp, làm buột bạt mọi cố gắng ý thức ngoại vật.
    Chị không quen ngủ sớm. Nhưng hôm nay, tất cả đang gọi chị vào giấc ngủ. Chị thèm một giấc ngủ dài, miên viễn, ấp ủ trong đôi cánh bập bềnh của quên lãng. Quên lãng, quên lãng. Không gian đang khắc khoải. Khắc khoải những ảnh thể.
    Im lặng trùm phủ. Chị sợ hãi, phân vân, và phải lâu lắm chị mới lờ mờ nhận ra rằng mình đang ở trong một giấc mơ. Rồi trong mơ, chị lại thấy mình đang mơ, và hình như đã mơ giấc mơ này nhiều lần. Chị thấy mình nằm trên một mặt phẳng lãng đãng hương. Làn hương thơm dịu xâm nhập, mơn trớn nhè nhẹ trên da thịt, thổn thức một niềm hạnh phúc râm ran trong cổ. Và, vẫn trong sự lặng im lãng đãng, chị thấy những bụi hoa bay. Bụi hoa bay âm thầm. Không gian trắng xoá.
    Bỗng xuất hiện những tiếng xao xác. Tiếng động không thực, từ đâu đó rất xa, nhưng trong cõi im lìm trắng xoá, nó sói dài như vết xước trong ngực. Nóng bức, khó thở. Những nhánh cỏ vươn dậy thành cánh tay lửa khổng lồ uốn éo. Khuôn mặt ai đó lẩn khuất, ẩn hiện như ú tim. Chị nhận ra những khuôn mặt quen quen. Chị mướt mải gọi theo, vừa gọi vừa ôm chặt ***g ngực ứ đầy.
    Chị chạy như cù trong vòng tròn chằng chịt những nét vẽ, rất giống những nét vẽ trên bức tường ở khu tập thể. Tiếng nhạc kinh động. Những nét vẽ loang rộng thành kẽ nứt không lồ. Một cảm giác cay đắng nghẹn lên trong cổ. Hàng nghìn gương mặt chạy qua. Hàng nghìn điều muốn nói thôi thúc chị chống cự. Nhưng chân tay dường như bị bó chặt, và cảm giác chìm dần chìm dần càng làm chị sợ hãi.
    Một luồng sáng xẹt qua. Chị chợt thấy mình đang nằm trên giường, bấm vào đầu ngón tay trỏ, thấy hơi đau. Chị thở dốc. Cảm giác yên tâm tràn ngập. Chị đang sống và đang nhìn cái sinh thể kia chìm xuống. Dưới kia là vực thẳm - vực thẳm mông mênh, hun hút tàn lửa. Chị biết, sinh thể đang chìm xuống kia là chị, và như bị thôi miên, chị nhìn nó chìm xuống với một niềm khao khát kỳ lạ. Chị vươn rộng cánh tay, sung sướng đón nhận những cánh hoa lau...
    Chị nhìn đồng hồ: 11 giờ đêm. Im lặng. Chị nhìn lại đồng hồ: 11 giờ đêm. Sao thế nhỉ? Chị nhìn thấy những cánh hoa hồng nở to. Bên cạnh chị, bé Phong đang ngủ. Chị dụi mắt, phân vân. Ha? Có gì đó giật thót trong ngực. Chị nhắm nghiền mắt, co rúm người trong chăn. Chị nghe tiếng kim đồng hồ. Tiếng thở nhẹ của bé Phong. Chị quờ tay, chạm vào người con, thấy hơi ấm. Chị nắm tay nó, choàng cả người, ôm ghì nó vào ngực.
    Thằng bé cựa quậy, ú ớ. Hơi ấm từ nó lan toả. Chị run run cúi xuống, đặt môi mình lên môi con. Hơi ấm. "Ôi con, một kẻ đồng hành". Chị nhìn con như một phát hiện. Chị nhìn ngọn điện đang sáng. Nhìn những bông hồng. Đây là phòng chị. Những bông hồng chị mua cách đây hai hôm. Nhưng có gì đó rất mới. Dường như chị vừa trải qua một sự lạ. Có gì đó rất da diết, rất lãng đãng, đã đưa chị đi về những tháng năm, những kỷ niệm, những gương mặt. Chị đứng dậy, tới bàn rót một cốc nước nóng, cố kéo mình về thực tại.
    Dưới lòng sân, một đôi trai gái đang ôm nhau bên cạnh bức tường. Chị nhận ra thằng Cường, con lão Đạt. Cô gái là Thoa, em chị Lụa. Thoa sống cùng chị Lụa trên căn hộ tầng 5. Cô đang học trung cấp mỹ thuật công nghiệp. Người ta đồn, rằng cô làm gái.
    Thủy ít nói chuyện với Thoa. Khi chạm mặt Thoa, chị luôn cảm thấy xấu hổ. Nhiều lúc chị nghĩ, cảm giác này có cội rễ từ một nhãn kiến hẹp hòi. Nhưng trong tận cùng, chị rất ngán bọn gái điếm. Có lẽ những người đàn ông lương thiện cũng rất ngán bọn cướp. Thoa còn hay có những cơn điên bất chợt. Những lúc ấy, cô cào cấu, chửi rủa cả thiên hạ.
    Nhưng lúc này Thoa không điên. Cô nép mình trong vòng tay người tình, ngoan ngoãn như chú mèo con vùi mình trong đám tàn tro ấm. Cường đưa tay vuốt nhẹ mái tóc sương mượt của người yêu. Lần đầu tiên, chị nhìn thấy những nét thư giãn trên khuôn mặt bình thường luôn đăm đăm của nó.
    8
    Đó cũng là một buổi chiều nắng nhạt, hiền lành như mọi buổi chiều khác, với nỗi buồn không thực và những khắc khoải mơ hồ. Những cánh chim én hiếm hoi trên bầu trời Hà Nội kêu vào không trung tiếng xác xao của một ngày xuân gần tàn. Một buổi chiều như thế gieo vào lòng người cảm xúc. Và bà Hoà béo cũng thấy lâng lâng nhẹ nhõm. Bà quên đi những lo toan, cãi vã - cái không khí tức tối phiền muộn thường trực trong gia đình bà.
    Bà đi dạo quanh sân, nhìn ánh nắng trải trên ban công thật đẹp, chợt nghĩ chồng mình chưa hẳn đã hèn hạ. Trời đẹp thế này mà uống bia thì tuyệt. A, mình sẽ mua bia, mua mấy gói cá nướng. Lão Đạt và thằng Cường sẽ có một buổi vui, mà biết đâu, niềm vui chẳng làm xích lại khoảng cách thù địch giữa họ. Ý nghĩ đến, và ngay lập tức, nó xâm chiếm bà bằng một niềm hoan hỉ mãnh liệt. Máu dồn lên mặt, bà chao đảo trong niềm hạnh phúc của kẻ tội phạm chợt tìm ra đường hoàn lương. Bà chạy nhanh lên cầu thang. Khi tra chìa khoá vào ổ, bà hấp tấp đến nỗi phải loay hoay một lúc mới mở được hai lớp cửa.
    Bà mở tủ, kéo ra một hộp đựng tiền. Số tiền hưu hàng tháng bà để riêng, cuối năm gửi tiết kiệm. Bà ngần ngừ rút ra hai tờ 50.000 đồng, cộng với mấy chục nghìn tiền lẻ đang có, nhất định bà sẽ hào phóng. Lão Đạt sẽ không dám bảo bà bủn xỉn nữa - điều mà tuy lão không nói, nhưng bà biết lão vẫn thầm khinh bà. Bà sẽ tha thứ cho lão cái bản tính ỳ nhác, bất tài, nó làm bà mất lòng tin, mà vì đó bà luôn phải tằn tiện. Trong niềm hân hoan cuồng nhiệt, bà như nhìn thấy nụ cười trẻ trung của chồng cách đây 30 năm, rạng rỡ một niềm tin huy hoàng, nụ cười mà từ lâu bà không còn tìm thấy trên khuôn mặt lầm lỳ cáu bẳn của lão Đạt.
    Bà Hòa đi nhanh, vội vã. Trong niềm say sưa hào phóng, bà không tới đại lý mà mua bia ngay ở quán cóc gần khu tập thể. Chị bán hàng tíu tít chạy lấy cho bà đủ thứ, trong khi rất ngạc nhiên vì cách nói to, cởi mở của bà Hòa. "Hôm nay nhà bác có việc gì vui thế ?" - Chị bán hàng hỏi. "Vâng...".
    Câu hỏi của chị bán hàng chẳng có ý gì, nó bâng quơ và vô tình như mọi câu hỏi xã giao thường lệ, nhưng nó cứ vang mãi trong lòng bà Hòa: "Hôm nay có việc gì vui thế...". Buổi sáng, bà xem lịch: 15 tháng 4. Bà thấy lạ: 15 tháng 4? Buổi chiều, khi nhìn lên ban công, bà loáng thoáng nhớ lại tờ lịch. Bây giờ cũng vậy, câu nói của chị bán hàng cứ vang vang. Con số 15 tháng 4 cứ lởn vởn trong đầu bà.
    15 tháng 4... 15 tháng 4... Những con đường đất trắng. Một làng quê với luỹ tre xanh. Cơn mưa phùn. Tiếng máy bay rền rền u ám. Cái sân gạch nứt nẻ cỏ ấu. Tấm bạt căng trên những thân tre cong queo. Những người khiêng bàn ghế. Những cơi trầu. Những đĩa thuốc cuộn. Cô gái quần lụa đen, áo sơ mi trắng ôm bó hoa layơn đi dưới nền trời lất phất mưa quyện trong mùi thơm của khói pháo. A, khói pháo!... 15 tháng tư, vậy mà lão có nhớ gì đâu! Bà Hòa loáng choáng như người say. Đột nhiên, tất cả đều vô nghĩa. Niềm hoan hỉ mãnh liệt mới đây thôi đã tắt ngấm.
    Vừa vào đến cổng thì bà gặp Văn, người khách thuê trọ ở khu tập thể từ mấy tuần nay. Cái dáng im lìm bên cạnh bức tường làm bà giật mình. "Cậu... cậu Văn!". "Vâng, chào bác!" - Văn nói. Cặp mắt sáng đen của hắn lướt hờ trên mặt bà Hòa. Hắn bảo: "Bác để cháu xách hộ hai túi bia. Bác mua nhiều bia thế". "Vâng"...
    Văn ngạc nhiên nhìn khuôn mặt như mất hồn của bà Hòa. Rồi hắn cảm thấy như có một quầng đen lởn vởn trên cái trán ngắn của người đàn bà béo múp míp này. Bà ta cứ "vâng... vâng..." luôn miệng. Thốt nhiên, Văn thấy sợ.
    Ta nhỏ bé vì ta phải tuân theo tự nhiên
    Ta vĩ đại vì ta có thể sử dụng tự nhiên
  4. quy_coc_tu

    quy_coc_tu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/01/2003
    Bài viết:
    41
    Đã được thích:
    0

    Lão Đạt và thằng Cường xuất hiện.
    Hai gã này không hiểu từ đâu về, khoác vai nhau, say khướt. Chưa bao giờ người ta thấy bố con họ thân thiện với nhau như vậy. Lão Đạt hát như bò. Thằng Cường dậm chân theo nhịp. Họ ôm choàng lấy bà Hoà làm bà giật nảy mình, suýt đánh rơi túi cá nướng. "A! Lại có bia nữa đây... ồ ố ô...".
    Lão Đạt kéo Văn ngồi xuống. "Anh Văn, ngồi uống với tôi! Hôm nay tôi có chuyện chán đời. Tôi phải đập phá! Cường, đem cái chiếu xuống đây!" - Lão Đạt quát.
    Cường chuệnh choạng chạy lên cầu thang. Một lát đem xuống hai manh chiếu. "Tôi làm ở Viện gần hai mươi năm, vậy mà chúng nó dám đuổi tôi. Chúng nó ngu như chó!" - Lão Đạt giận dữ. "Chúng nó thì biết ***** gì về khoa học!" - Lão cười đau đớn. Khuôn mặt thường ngày vốn nhu nhược bỗng trở nên hung dữ.
    Cường đặt những chai bia lên chiếu. Nó còn rút ra hai chai Lúa Mới đầy nguyên. Nó tỏ ra phấn khích khác thường trong việc phụng sự cơn thác loạn đau khổ của ông bố. Văn nhìn hai người. Hắn thấy buồn rũ rượi. Được, hắn sẽ uống cho tan nát, cho chết mẹ chúng nó đi!
    Bà Hoà ngơ ngác nhìn ba người đàn ông uống rượu. Họ uống như ba thằng điên, nói như quát vào mặt nhau những câu khủng khiếp. Họ làm cả khu tập thể náo loạn.
    Ông Thiêm, anh Mẫn đi qua, hỏi có việc gì thế. Họ bảo muốn phá đời, rằng đời rất chật chội, rất vô nghĩa, cần phải phá. Rồi họ hỏi hai vị có muốn phá không thì ngồi xuống. Thế là bọn họ có năm người. Thằng Cường, anh Mẫn loạng choạng chạy ra quán: "Có bao nhiêu rượu đem hết ra đây!" Chị bán hàng hoảng hốt lấy ra một rổ Lúa Mới. Cả đám reo lên như cuồng khi hai người đặt rổ rượu xuống sân.
    Càng uống họ càng phấn khích. Chẳng bao lâu, sân rượu đã đông nghẹt. Ông Phúc, anh Khoa, anh Đại, ông Đàm... Cụ Thiều chống gậy ra hỏi: "Có việc gì thế ?". "Phá đời, phá đời, cụ ơi! Cụ sống đạo đức 80 năm rồi, ngồi xuống thôi!". Cụ Thiều ngồi xuống. Thằng Tú, thằng Quyết chạy xuống hỏi: "Có việc gì thế ?". "Việc gì à? Tại sao phải có việc gì! Chúng mày 16 rồi phải không? Ngồi xuống!". Hai thằng ngồi xuống.
    Mấy giờ liền trôi qua. Sân rượu đã đông nghẹt đám đàn ông ở khu tập thể. Họ uống. Họ cười rũ rượi. Họ quát vào mặt nhau những câu vi phạm mọi khuôn khổ đạo đức xã hội. Đập phá! Đập phá! "Phá đời thôi anh em ơi!" - Một người hét lên.
    Tiếng hét như có ma lực kỳ lạ, dội vào những ***g ngực đang đập thình thình vì men rượu và phấn khích. Một người cởi phăng áo sơ mi, xé toang làm hai mảnh. Gã buộc một vạt áo vào chiếc cổ chai, huơ lên: "Phá đời thôi anh em ơi!". Rồi gã chạy băng băng lên cầu thang. Đám người rùng rùng chạy theo như cơn một lốc cát. Họ ùa vào những căn hộ. Kẻ cầm dao, người cầm búa, họ vớ lấy bất kỳ thứ gì cứng rắn có thể dùng được. Họ đập vụn những ô ban công. Họ phá tan những lớp cửa sắt. Họ hò nhau ném những rào chuồng cọp xuống sân... Tiếng kêu khóc, những ánh mắt sợ hãi của phụ nữ và trẻ em càng làm họ phấn khích.
    Cuộc phá huỷ đem lại khoái cảm khủng khiếp. Chưa bao giờ họ thấy sướng như lúc này. Họ chất núi trên sân những chiến lợi phẩm, những khung sắt, ô cửa... mọi vật dụng thường ngày bao bọc quanh họ. "Đốt! Đốt hết đi!" - Một người hét. "Đốt!" - Những tiếng hét đồng thanh vang lên.
    Cơn thác loạn đang lên đến cực điểm thì một vệt sáng xẹt tới. Một chiếc xe máy lao thẳng vào sân, phanh sát cạnh núi đồ đạc. Đám người dạt ra hai bên. Thằng Linh và Thoa bước xuống xe. Mặt thằng Linh đê mê như vừa ở động tiên về. Thoa mặc áo dài trắng, tóc thả lơi, môi và móng tay tô đỏ.
    Đám người gầm lên. Họ hè nhau dốc ngược chiếc xe máy. Họ tưới xăng lên sân. Vòng người bỗng im lặng. Nghe rõ tiếng xăng chảy. Họ nhìn nhau, những ánh mắt mờ dại như bị thôi miên.
    Thằng Linh đưa bao diêm cho Thoa. Thoa uể oải rút ra một que, quẹt lửa. Tiếng xẹt diêm làm cả bọn nhón người về phía trước.
    Im lặng.
    Bất giác, Thoa đưa que diêm lên soi, ánh mắt buồn như ánh mắt Đức Mẹ. Bằng một động tác khinh bỉ ghê gớm, nó ném que diêm đang cháy vào đống đồ đạc tẩm xăng.
    Một tiếng "bùng" dữ dội. Ngọn lửa bốc lên tới tận nóc nhà. Cả đám người nhào lên, gào thét. Ngọn lửa rùng rùng. Những tiếng ừng ực khoái cảm. Những huyết quản căng lên như sắp vỡ. Thốt nhiên, mọi cặp mắt đều hướng về phía Thoa.
    Những cặp mắt đã mờ dại, mắt của những con bò tót trong cơn say máu, bị kích thích bởi ngọn lửa đang bốc lên ngùn ngụt.
    Thoa lùi chầm chậm về phía bức tường. Đám người huơ huơ những thanh củi đang cháy, từ từ tiến lại. Những tiếng thở khò khè nén trong ngực.
    Thoa đã lùi sát vào bức tường. Nó kiễng chân, lưng chạm phải lớp rêu lạnh giá. Đôi tay trắng xanh run rẩy bám chặt vào mấy viên gạch. Mái tóc xổ tung trên ngực áo phập phồng sợ hãi. Những hình vẽ trên tường nhảy múa bập bùng.
    Đột nhiên, đám đông khựng lại. Có gì đó vừa rợn qua mắt họ. Những hình vẽ, khuôn mặt, mái tóc và thân thể của Thoa... Đám đông rùng mình, nhìn nhau. Người này đọc trong mắt người kia điều bí mật tội lỗi. Những hình vẽ uốn éo... "Con yêu tinh!" - Một người thì thào. "Con yêu tinh! Con yêu tinh!" - Đám đông hoảng loạn.
    Thằng Linh run run kéo ra con dao bấm đưa cho cụ Thiều: "Giáo sư hành đạo đi!". Cụ Thiều cầm con dao, tìm mãi mới thấy nút bấm. Xẹt! Lưỡi dao lạnh toát. Cụ Thiều nhìn Thoa. Nó bước xuống khoan thai, mái tóc dài chảy trên thân thể trắng toát, cặp môi đỏ mọng, ném vào đám đông những tia khinh bỉ thách thức. Bất giác, nó giang rộng hai cánh tay, cười rũ rượi. Tiếng cười giá buốt làm đám đông tê liệt. Giữa hơi lửa rùng rùng, nó kiêu hãnh vươn cổ chờ đợi.
    Cụ Thiều lạnh người, đánh rơi con dao. Thằng Cường bò tới nhặt, giúi vào tay lão Đạt: "Bố về hưu rồi...". Lão Đạt nắm chặt con dao. "Con yêu tinh... Con yêu tinh...". Lão lắp bắp. Khuôn mặt trắng bệch kiệt sức. Lão quị xuống run rẩy.
    Thoa như xuất thần. Khuôn mặt nó đỏ hồng như người sốt mê. Đám đông thảng thốt nhìn nhau. Không ai dám cử động.
    Im lặng.
    Đột nhiên, một bóng lớn trườn tới, giật phắt con dao từ tay lão Đạt. "Chúng mày... Chúng mày... Đểu cáng! Hèn hạ!..." - Giọng nói run lên giận dữ, phấn khích. "Bà Hoà!" - Đám đông sợ hãi. Chưa bao giờ khuôn mặt bà ta biến dị khủng khiếp như lúc này. "15 tháng 4... 15 tháng 4...". Bà lẩm bẩm đau đớn. "Chúng mày... chúng mày...". Miệng bà méo xệch. "Mày!". Bà nhìn như nuốt sống lão Đạt. Bộ ngực đồ sộ hổn hển. Những ngón tay béo múp nắm chặt chuôi dao.
    Lão Đạt nằm lạnh ngắt như một đống rẻ. Cụ Thiều cũng đã quị xuống vì kiệt sức. Không khí lạnh toát trùm lên đám đông.
    Bà Hoà đã phát điên. Linh tính mách bảo bà điều bí mật sợ hãi trong mắt đám đàn ông. "Một lũ đểu cáng hèn hạ... Tao phải giết nó... Con điếm!" Bà gầm lên một tiếng rùng rợn. Cả tấm thân khổng lồ lao thẳng vào Thoa.
    Sự tấn công bất ngờ của bà Hoà làm Thoa sửng sốt. Tiếng gầm làm nó giật mình, và như một phản ứng tự nhiên, nó lạng nhanh sang một bên. "Rục!" Mảng tường vôi rơi lả tả. Cả khối thịt khổng lồ rơi bịch xuống, đạp đạp mấy cái rồi nằm im.
    Máu sối trên sân tanh lợm. Những ngọn lửa sắp tắt phập phùng. Hơi lạnh ghê rợn xâm nhập những cơ thể đang chết lặng trước một thực tại mà họ không hiểu. Dường như họ đã lờ mờ nhận ra điều gì đó rất khủng khiếp. Một người ôm đầu, lảo đảo chạy ra phía cổng, vừa chạy vừa kêu như thất thanh. Đám đông thảng thốt dẫm đạp lên nhau, mỗi người chạy một ngả. Vài người kiệt sức nằm lại trên sân.
    Bỗng có tiếng rú dài. Chiếc xe cứu thương đậu xịch trước cổng. Hồi lâu thằng Cường mới hiểu điều đang diễn ra. Nó nhào tới, cùng với hai cô y tá xốc bà Hoà lên cáng cứu thương.
    Trên sân lúc này chỉ còn Thoa và Văn. Hắn gục đầu, ngơ ngác như con thú bị bỏ rơi. Hình như có gì đó đã xảy ra. Nhưng hắn không hiểu gì. Tất cả...
    "... Lạnh lẽo và bất trắc... hiểm hoạ và đau khổ... Họ sợ cái lạnh ấy. Họ đóng cho mình những cái cũi. Được bao bọc bởi hơi ấm, họ hé mắt nhìn ra thế giới lạnh lẽo bên ngoài bằng trí tưởng tượng và những giấc mơ. Thỉnh thoảng, họ cũng cho phép mạo hiểm nho nhỏ. Nhưng họ vẫn luôn sợ hãi. Mỗi ngày, họ lại đắp quanh những cái cũi của họ ti tỉ thứ vụn vặt. Rồi một ngày, khe hở nhỏ nhất cũng bị họ bịt kín. Họ thấy ngột ngạt. Giấc mơ và trí tưởng tượng của họ cũng trở nên cằn cỗi. Họ sinh ra cáu bẳn. Trong cơn giận giữ mù quáng, họ hè nhau đập nát những cái cũi bao bọc quanh họ. Hoài niệm từ những lần mạo hiểm nho nhỏ kích thích khiến họ trở nên liều lĩnh".
    "Nhưng khi tấm ngăn xụp xuống thì cái giá lạnh bên ngoài ùa đến. Họ đã ở trong cũi quá lâu và không thể tưởng tượng được điều đó khủng khiếp thế nào. Họ chợt hiểu rằng, họ không căm ghét cái gì hơn là cái giá lạnh. Họ ngơ ngác, sợ hãi. Họ tìm ra kẻ đã dụ dỗ họ vào những việc liều lĩnh. Họ hè nhau lao vào giết chết hắn. Rồi họ lại vội vàng đóng cho mình những cái cũi khác. Tất cả là như vậy. Mãi mãi là như vậy..."
    "... Hắn đã theo đám đông, đã ùa vào những căn hộ. Những cửa sắt, những rào chuồng cọp..., hắn chưa ở đây lâu đến nỗi có thể căm ghét chúng. Còn cô gái đang đứng trước mặt, hắn mới gặp một lần, và chẳng có ý niệm gì rõ ràng về một cuộc mạo hiểm. Chính hắn cũng sợ cái lạnh, cũng như chưa bao giờ thực sự hiểu gì về nó. Hắn chẳng hiểu gì, và điều tồi tệ nhất, khủng khiếp nhất là hắn chẳng thấy một nỗi đau đớn hay uất ức gì rõ ràng. Hắn chỉ thấy trống rỗng..."
    Đã từ lâu, thời gian trôi qua hắn không để lại xúc cảm gì ngoài ý niệm mơ hồ về một dòng chảy mệt nhoài chán ngán. Hắn không hiểu những lo toan, phấn đấu của đám đông. Danh dự, trách nhiệm, bổn phận... dường như rất quan trọng với họ, thì với hắn, chúng nhỏ bé, ngột ngạt, phù phiếm. Hắn thèm khát hơi ấm, nhưng hắn lờ mờ hiểu rằng nó phải trả bằng một giá nào đấy. Hắn quá ích kỷ để chấp nhận cái giá ngột ngạt ấy, cũng như hắn chưa bao giờ đủ dũng cảm để yêu mến cái giá lạnh bên ngoài. Cuộc đời hắn là những ngày giằng xé giữa lý trí và sở thích, giữa cam chịu và liều lĩnh, giữa danh dự và điếm nhục. Hắn đã chán ngấy những tham vọng về địa vị và quyền lực, những thứ mà một thời là lý tưởng và mục đích sống của hắn. Tiền bạc chẳng gợi lên cho hắn cảm xúc gì ngoài ý nghĩa thực dụng có thể giúp hắn sống qua ngày. Đôi khi, một số tiền lớn cho hắn cảm giác yên tâm, song chính hắn lại khinh bỉ cảm giác ấy. Toan tính của đám đông làm hắn nghẹt thở, nhưng hắn vẫn tỏ vẻ chăm chú theo dõi câu chuyện của họ vì phép lịch sự - cái phép lịch sự đểu cáng mà vì thói quen, lười nhác hay sợ hãi hắn chưa dám bỏ. Thỉnh thoảng, hắn cũng ngạc nhiên khi bạn bè tỏ ra lo lắng cho hắn. Họ đến và cho hắn những lời khuyên. Hắn biết đó là những lời khuyên chân thành. Chúng gần với lý trí lành mạnh, gần với lý trí đám đông, nhưng cũng rất gần với mê muội và hèn nhát, và chúng chẳng gây cho hắn xúc cảm gì ngoài cảm giác chán ngán.
    Tình yêu với hắn là cái gì đó rất lớn. Hắn cảm thấy nó sẽ đem lại hạnh phúc. Nhưng những cô gái đã gặp chỉ làm hắn thất vọng. Họ luôn có nét quyến rũ nào đấy làm hắn mềm lòng, nhưng trong tận cùng, hắn hiểu rằng cái mà hắn thèm khát nhất ở họ là hơi ấm.
    Tuổi thơ phiêu bạt, một ngày hắn cùng mẹ đến trọ ở một làng quê. Bên rổ khoai sọ bốc hơi, cụ già chủ nhà kể cho hắn nghe câu chuyện về một con tằm: "Nó nằm trong kén và mơ ước có cặp cánh lộng lẫy để trở thành con ngài đẹp nhất khu rừng. Ước mơ ấy thôi thúc mãnh liệt đến nỗi một ngày nó bỏ kén ra đi, hy vọng sẽ tìm được cặp cánh thần kỳ ấy. Nó đi mãi, nhưng cặp cánh mà nó muốn tìm thì mãi vẫn chưa thấy mọc trên thân thể ngày càng tiều tuỵ. Nó chỉ thấy giá lạnh. Chán nản và thất vọng, nó quay trở về khu rừng. Các bạn hàng xóm đều đã hoá ngài. So với cặp cánh tưởng tượng của nó, cặp cánh của họ nhỏ bé và xấu xí hơn nhiều, nhưng họ đều rất vừa ý và tự hào vì chúng. Họ nhìn thân thể trần trụi của nó bằng những ánh mắt thương hại. Đau khổ và cô đơn, nó tìm về ổ cũ giá lạnh của mình. Nó nuối tiếc những năm tháng tuổi thơ. Và... cái mà nó nuối tiếc nhất là hơi ấm". Câu chuyện của cụ già gieo vào tâm hồn trẻ thơ của hắn những thắc mắc đau khổ, và như một định mệnh, nỗi ám ảnh về con tằm, ổ kén, hơi ấm cứ theo đuổi hắn suốt những năm tháng sau này.
    Chỉ còn hắn và Thoa. Khu nhà, khoảng sân, bức tường, tất cả, tịnh mịch và buồn thảm. Bị bỏ rơi. Có gì đắng ngắt ứ nghẹn trong huyết quản, hắn nhìn Thoa. Trời ơi, tại sao có một ánh mắt như thế? Hắn run run nhìn sâu vào mắt cô, bắt gặp tia kiêu hãnh khó chịu. Thoáng lướt qua những hình ảnh uốn éo. "Nó đã có bao nhiêu lần loã lồ điếm nhục". Bất giác, một ham muốn nhói lên trong hắn, và như một ngọn lửa ma quái, nó chạy khắp ***g ngực, dồn lên mặt giần giật. "Con điếm!" Hắn không thể chịu được điều khinh bỉ ghê gớm ấy. "A... loã lồ... nhục nhã!...".
    Hắn nghe tiếng Thoa thở. Cặp mày nó cau lại. Đột nhiên, nó rú lên một tràng cười khinh bỉ, buốt như gương vỡ. Tràng cười quất vào ngực hắn như luồng roi điện. "Cả mày cũng vậy thôi! Mày cũng như chúng nó. Sợ hãi và hèn hạ".
    Hắn chợt thấy Thoa rất buồn. Nét buồn sâu thẳm làm hắn muốn khóc. Lúc này, hắn chỉ thấy xấu hổ, ân hận. Hắn muốn quì xuống chân nó xưng tội, vùi vào lòng nó mà khóc. Hắn không thể đứng thế này được nữa. Hắn đã quá mệt mỏi, sợ hãi, run rẩy. Những hình ảnh nhoà dần... nhoà dần... Hắn nghe thấy một tiếng kêu thắt ruột trên cao. Hắn nhìn lên, bắt gặp ánh mắt quen quen, rất giống ánh mắt mẹ hắn trong lần cuối cùng hắn về thăm bà.
    Ta nhỏ bé vì ta phải tuân theo tự nhiên
    Ta vĩ đại vì ta có thể sử dụng tự nhiên
  5. quy_coc_tu

    quy_coc_tu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/01/2003
    Bài viết:
    41
    Đã được thích:
    0
    9
    Những tia nắng chiều vàng nhạt lọt vào mắt Văn. Một màu vàng khắc khoải, gợi nhớ da diết về một xúc cảm vĩnh hằng mà dấu vết của nó thường bất chợt tái hiện trong những khoảnh khắc kỳ lạ hiếm hoi. Nó đưa Văn trở về buổi chiều xưa trong ngôi đình lạ. Tất cả đều vắng lặng. Cậu bé Văn mở to đôi mắt trẻ thơ, chăm chú nhìn vệt nắng ẩn hiện trên khuôn mặt trắng ngà của thánh Mẫu. Bất giác, cặp mày dài cau lại. Từ đáy mắt pho tượng bắn ra tia lửa xanh sâu thẳm. Cậu bé ú ớ lao ra khỏi đình, chân ríu vào nhau, nghe như có một bóng khổng lồ đang thình thịch đuổi theo. Trên sân đình, bóng cây gạo đổ rờn rợn. Tối hôm đó, cậu bé vùi đầu vào ngực mẹ, thổn thức. Lần đầu tiên, một cảm giác hồi hộp về những điều bí ẩn xung quanh thót nhói trong ngực nó.
    Vệt nắng chao động. Văn xoay người, thấy mình đang nằm trên chiếc giường xa lạ, phảng phất mùi hương phụ nữ. Cảm giác êm nhẹ của chăn gối làm hắn nghi hoặc. Hắn bật dậy, nhìn khắp gian phòng. Mành che, khăn phủ bàn, lọ hoa hồng... tất cả đều hiền lành ấm áp. Hắn nâng chiếc gối bông lên mặt, hít một hơi dài đầy căng ***g ngực. Một cảm giác đói khát cồn cào trong bụng hắn.
    Hắn mở tủ lạnh, thấy một đĩa bún đầy, chả nướng và nước sốt. Chưa bao giờ hắn thèm ăn như lúc này. Hắn ăn như ma đói. Càng ăn càng thấy đói. Hắn lục tung tất cả, thịt cá, hoa quả, bánh kẹo,... hắn ăn hết.
    Hắn đã thấy người ấm lên. Hình như hắn vừa trải qua một cơn lạnh khủng khiếp. Hắn đi lại trong phòng, ngẫm nghĩ. Chợt hắn phát hiện ra mảnh giấy nhỏ kẹp dưới lọ hoa: "Anh Văn, đồ ăn trong tủ lạnh, chìa khoá trên bàn. Chiều tôi về. Thủy".
    Hắn cầm tờ giấy, phân vân. Hắn nhìn mấy cuốn sách trên giá. Hắn đi đi lại lại trong phòng. Hắn tới bàn, nhặt một thỏi son đưa lên mắt ngắm nghía. "Sao thế nhỉ?" Bóng ai đó thoáng qua. Hắn nhíu mày, nghi hoặc. Chợt hắn phát hiện tấm gương nhỏ đặt nghiêng trên bàn. Hắn cúi xuống, chăm chú nhìn khuôn mặt trong gương. Hắn nhìn rất lâu. "Hả...?" Đột nhiên, hắn lao ra khỏi phòng, chạy bổ xuống cầu thang.
    10
    Khi chị bước vào sân và nhìn thấy hắn, như lần đầu chị gặp - một cái bóng bên cạnh bức tường, thì một cảm giác là lạ dâng lên trong chị. Có gì đó như sự ngưng nghỉ của thời gian, sự quy hồi, lặp lại ngẫu nhiên làm tim chị thót lại.
    Chị không nhớ đã thấy ánh mắt này ở đâu, một ánh mắt thật buồn, và trong không gian vàng nhạt của buổi chiều, nó càng lẻ loi tuyệt vọng. Ánh mắt của kẻ không còn tìm thấy ý nghĩa trong những vận hành buồn tẻ xung quanh. Thỉnh thoảng, người ta cũng nhìn thấy ở trẻ con ánh mắt tương tự - vào những lúc chúng thất vọng. Chúng luôn làm người ta hẫng hụt, thậm chí giật mình, hoài nghi về ý nghĩa của sự sống, bởi ý nghĩa của sự sống, nếu có, luôn được thể hiện trong ánh mắt.
    Bất giác, Văn nhíu mày. Quen quá, quen quá. Không lẽ... cô ta... ánh mắt đó... tiếng kêu... "Chị...?" - Câu hỏi buốt nhói, khơi dậy trong hắn những hình ảnh khiếp hãi. "Tối hôm qua... Chị...?". Hắn đã nhớ lại. Phải, hắn đã nghe thấy tiếng kêu thắt ruột trên cao. Hắn nhìn thấy ánh mắt quen quen. Ánh mắt ấy và ánh mắt Thuỷ...
    "Vâng". Thủy nhìn hắn, đôi mắt cười bí ẩn. "Vậy là cô ta đã nhìn thấy tất cả". Hắn đỏ mặt. "Có thể cô ta đã theo dõi toàn bộ diễn biến của buổi tối...".
    - Tôi và Thoa đã đưa anh lên nhà - Thuỷ nói chậm dãi, dò xét. Có gì đó rất lạ phảng phất trong âm điệu, đặc biệt nụ cười bí ẩn của Thủy làm hắn luôn phải nhìn chị kỹ hơn:"Khuôn mặt trái xoan, đuôi mắt dài, những tia sáng sâu hứa hẹn năng lượng xung mãn và những mạo hiểm. Chân mày thanh, vầng trán tròn, phẳng, đoan chính. Sống mũi cao, miệng và cằm đầy đặn, có phong độ của bậc mệnh phụ..."
    - Đêm qua, Thoa đã bỏ đi - Thủy nói tiếp - Những người đàn ông mỗi người đi một nơi, chưa có ai về cả.
    - Chị đã gọi xe cấp cứu cho bà Hoà phải không?
    - Vâng.
    - Tôi đã ăn hết mọi thứ trong tủ lạnh...
    Hắn nói những câu vô nghĩa. Hắn lúng túng. Hắn không hiểu người đàn bà đẹp đang đứng trước mặt hắn. "Cô ta đã theo dõi toàn bộ diễn biến của buổi tối, vậy mà cô ta rất bình thản. Có gì đó đã xảy ra!... Một đám đông lên cơn điên... Cô ta đã đưa mình lên nhà... Hình như mình đã ngủ say... Chiếc giường êm... Mùi hương nhẹ...".
    - Đêm qua Thoa đã bỏ đi. Cô ấy bảo: Đời là những chuyến đi, buồn lắm! - Thủy làm một cử chỉ chậm rãi - Chúng tôi tưởng anh sắp chết. Nhưng anh chỉ ngủ say. Sau giấc ngủ, tất cả đều bình an - Thủy nói bằng một giọng nhẹ, đều đặn, nhưng Văn vẫn nhận thấy những gợn run rất nhỏ. Những xúc cảm được nén sâu.
    - Chị Thủy, chị không thấy gì ư? - Hắn thì thào, nghi hoặc.
    - Có, anh Văn. Cơn điên của họ làm tôi sợ. Nhưng không ai vào phòng tôi. Thoạt đầu tôi rất ngạc nhiên. Nhưng sau đó tôi hiểu rằng, họ chỉ phá những gì của họ, liên quan đến họ, đời của họ. Những hình vẽ trên tường không xa lạ với tôi, tôi cũng rất tò mò về bí mật của chúng... Tôi đứng trên ban công nhìn xuống... như bị thôi miên... Tất cả, không giải thích nổi. Anh có tin không: Tôi sợ hãi, tôi cũng hứng thú nữa, nhưng bây giờ tôi chỉ thấy buồn... Tất cả? vâng? như một làng quê sau cơn bão.
    Hắn nhìn lên những ô ban công. Chỉ có phòng Thủy còn nguyên vẹn. Tất cả đều nát vụn. Trên sân, một đám khói đen sạm, những viên gạch sùi lên vì đám cháy.
    - Sáng nay, xe cứu hoả đã dọn đi tất cả - Thủy nói - Vợ con họ cũng đã bỏ đi.
    - "Nàng thật kỳ lạ" - Hắn lẩm bẩm - "Tiếng kêu của nàng làm ta đau lòng. Bàn tay nàng ấm áp. Nàng tìm gì trong đời sống này? Đôi mắt và nụ cười kia? Tâm hồn người đàn bà là một đại dương u tối, luôn sẵn sàng nổi loạn?".
    - Anh làm gì đấy? - Chị hỏi, nhìn theo bàn tay xương xương của hắn đang đưa những nét vẽ trên tường.
    - Tôi đang làm cái việc như bé Phong đang làm - Hắn nói, chỉ tay về phía bé Phong đang xếp những viên gạch nhựa. - Tôi sắp xếp một thế giới. Của tôi và cho riêng tôi. Văn mỉm cười. Lần đầu tiên Thủy thấy hắn cười, hiền lành và rạng rỡ.
    - Một thế giới cho riêng anh?
    - Vâng, đúng vậy. Chị thấy bé Phong đang làm gì không? Nó xếp những viên gạch nhựa thành lâu đài và chiến hào. Đấy là một trò chơi, và nó chơi với một niềm đam mê. Chỉ có trẻ con mới có thể đam mê hết mình như thế. Nó luôn có những lâu đài tuởng tượng mà ở đó, thế giới vận hành đúng như những gì nó sắp xếp."
    - Vậy ư?
    - Đúng vậy. Chiều nay, lúc chị chưa về, tôi chạy xuống sân vì chợt nhớ lại chuyện đêm qua. Nhưng tất cả dường như đã qua đi. Tôi chỉ thấy trong lòng xúc động. Ánh nắng trải trên những ô ban công. Khu nhà, khoảng sân, bức tường... Rồi tôi nghe thấy tiếng rung rất nhẹ của những sợi tơ vô hình. Màu vàng nhạt tràn đầy, thấm sâu vào những khe nứt. Có gì rất lặng lẽ, sâu thẳm toát ra từ trong lòng cảnh vật, rực rỡ một màu sáng thần linh. Những hoài niệm thoáng chạy qua ngực tôi. Thực tại như bay bổng, nó cuốn tôi đi, và tôi thả mình chìm sâu vào trong nó. Một thôi thúc mãnh liệt dâng lên trong tôi, và tôi bắt đầu vẽ...
    Chị nhìn theo tay hắn. Trên bức tường vôi, giữa những hình vẽ cũ chằng chịt, hiện lên một bức tranh màu gạch non: Một triền đồi xa tít, một cánh đồng, một con chim khổng lồ chống cánh trên đỉnh đồi nhìn nhìn về phía xa, một quả trứng lớn nằm trơ trọi giữa đám cây cỏ và những viên đá hình thù kỳ dị...
    - Đây là thế giới của anh ư? - Thủy hỏi.
    - Một thế giới tưởng tượng - Hắn nói - Đây là cánh đồng hoang, còn bên kia là vùng đất chưa biết đến. Một lần, có con chim trắng từ phía bên kia đồi bay đến, đôi cánh che rợp trời và tiếng kêu của nó hay hơn mọi âm thanh trên cánh đồng. Đang bay, nó bỗng chuyển dạ đau bụng. Không biết làm thế nào, nó đành tìm một vạt đất bằng phẳng và đặt quả trứng của mình lên đó. Sau khi đẻ xong, nó ở lại ấp quả trứng bằng tình yêu và lòng kiên nhẫn mẫu mực. Nhưng một hôm trời đẹp, nó bỗng nhớ quê da diết. Nó nghe thấy tiếng gọi trên không trung. Và nó bay đi...
    - Rồi sao nữa? - Chị hỏi, cảm thấy giọng hơi run, mặt nóng bừng.
    - Có thể con chim mẹ chẳng bao giờ nhớ rằng nó đã để lại đây một quả trứng (ký ức của nó hữu hạn, và nó có thể quên). Cũng có thể nó đã bị thương và vẫn đang nằm dưỡng bệnh. Ngày đêm nó cầu nguyện cho đứa con mau đạp vỡ vỏ để bay đến với nó...
    - Trong bức tranh, tất cả đều méo mó, lệch lạc...
    - Không gian của bức tranh là không gian mơ, tĩnh lặng và lãng đãng, méo mó và run rẩy. Đó là thế giới của con chim non trong vỏ trứng. Nó bị đẻ non, bị bỏ rơi, thiếu hơi ấm của mẹ, nó không đủ sức để đạp vỡ lớp vỏ. Nó chỉ hình dung được thế giới bên ngoài bằng khát vọng và trí tưởng tượng... Tất nhiên, điều đó cũng có nghĩa là nó chẳng hiểu gì về thế giới cả.
    - Còn những bóng xám và vết xước này?...
    - Đó là những bóng xanh. Con chim mẹ bay đi, để lại bóng xanh và khoảng trống. Tiếng kêu của nó đọng lại như vết xước trên không trung. Con chim non chỉ thấy bóng mờ mờ mà nó cảm nhận được hơn là nhìn thấy, và nó phải rất lắng tai mới nghe được những gợn xước sói qua lớp vỏ. Nó kêu lên tiếng hoài cảm yếu ớt, nhưng mẹ nó chẳng bao giờ nghe thấy.
    Ta nhỏ bé vì ta phải tuân theo tự nhiên
    Ta vĩ đại vì ta có thể sử dụng tự nhiên
  6. quy_coc_tu

    quy_coc_tu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/01/2003
    Bài viết:
    41
    Đã được thích:
    0
    Ta nằm lại dưới chân đồi quên lãng
    Chìm sâu vào nỗi nhớ nhung xa vời
    Những bóng xanh lặng lờ trôi
    _________ Về một miền hoài niệm
    Những thanh âm của nghìn xưa im tiếng
    Dưới chân đồi hoang vu
    _________ Ta ngủ giấc mệt nhoài
    Những ám ảnh nhớ nhung miên viễn
    Mẹ đã bỏ ta đi
    _________ Về phía bên kia đồi
    Ta ngủ quên trong hơi ấm tuyệt vời
    Khi tỉnh dậy, chỉ còn là hoài niệm
    ôi mẹ đã đi xa!
    Bỏ ta lại dưới chân đồi, quên lãng...
    Có gì đó rất xa xôi trong giọng kể của hắn.
    - ... Có con chim ấy không? - Thủy hỏi.
    - Có đấy, chị Thủy, đó là con chim Thơ.
    - Con chim Thơ?
    - Vâng. Mấy ngàn năm nay, thi nhân dõi mắt lên vòm trời để tìm hình bóng con chim ấy. Họ lắng nghe trong không trung tiếng kêu của nó còn rớt lại. Họ xúc động và viết lên những bài thơ. Vâng, con chim ấy là con chim Thơ, và tất cả những bài thơ được viết ra chỉ để ca tụng vẻ đẹp của nó hoặc miêu tả hoài niệm về nó.
    - Không có những bài thơ khác ư?... những bản anh hùng ca?... những bài thơ về tình yêu?... và cả những bài thơ đau khổ, điên loạn nữa?
    - Tất nhiên là có. Chúng là biến thể của một bài thơ lớn, người ta viết chúng trong hoài niệm và ký ức, trong nỗi nhớ triền miên. Tất cả những bài thơ đó đều có chung một nội dung: Hoài tượng Mẹ - dù là tình yêu hay thù hận.
    - Hoài tượng... Ký ức... Vâng,... - Chị ngắc ngứ, cảm thấy khó nói - Nhưng anh nghĩ sao... về cơn điên bất chợt của đám đông?
    - Những đứa trẻ thiếu mẹ thường dễ độc ác và dễ mắc bệnh điên. Ở đâu đó luôn có những cơn điên như vậy, bởi Người Mẹ Lớn đã bỏ đi, và sự chờ đợi quá lâu thường gây mệt mỏi và cáu giận. Hướng về bà, về tình yêu lớn của bà - đó là cách duy nhất để chữa bệnh điên, nhưng những đứa con lại hay quên điều đó. Chúng tưởng rằng khi bịt tai, bịt mắt, nhốt mình trong một cái cũi, bịt kín mọi khe hở là có thể yên ổn. Nhưng khi làm việc đó, chúng đã cắt đứt liên hệ với người mẹ - người mẹ tốt bụng và tội nghiệp đang mắc nạn ở đâu đó không về kịp để chữa bệnh cho chúng. Những đứa trẻ ấy cần được dạy dỗ về tinh thần thi ca hơn ai hết. Bởi tinh thần ấy là ý chí vươn tới tình yêu và sự giải thoát - một cố gắng siêu việt.
    - ... Nhưng thực tại? Tôi? Bé Phong? Anh? Chúng ta? - ở một khu tập thể đổ nát, bên một bức tường đầy hình ảnh dung tục, và... vâng, tất cả? Tại sao lại như vậy?...
    - Tôi không biết, chị Thuỷ ạ. Chiều nay, tất cả đều vắng lặng. Tất cả chìm trong một màu vàng quên lãng. Tôi nhìn khu nhà, nhìn bức tường... và tôi vẽ bức tranh ấy. Đó là một phác thảo sơ sài, một cố gắng nhỏ nhoi, vô nghĩa... Bởi một thoáng nữa thôi, màu vàng kia sẽ tắt...
    11
    Đêm nay, tất cả đều vắng lặng. "Sẽ không còn ai đến vẽ nữa". Chị vịn chấn song, nhớ lại ánh mắt hắn đăm đăm nhìn lên vòm trời đầy nắng. Có gì đó ấm áp quen thuộc, gợi nhớ về một miền gió xanh ***g lộng những cánh hoa lau. "Tất cả đã đi xa... em đã có những mạo hiểm và em chấp nhận... nhưng em vẫn nhớ về những cánh hoa lau... dù anh đã không thực sự dũng cảm và rộng lượng..."
    Sáng hôm sau, Văn gõ cửa phòng chị: "Công ty tôi đã phá sản. Tôi phải đi. Nhờ chị chuyển hộ bà Huyền chìa khoá và giấy tờ thuê nhà".
    Hắn đứng trên bậu cửa. Chiếc va li buộc sơ sài. Chưa bao giờ chị thấy hắn cô đơn như lúc này.
    Dường như đọc được điều gì trong mắt chị, hắn nói nhanh: "Đêm qua tôi đã viết lại bài thơ". Hắn rút ra mấy tờ giấy: "Tôi viết tặng chị".
    Đôi tay hắn run run chạm vào tay chị. Chị ôm chầm lấy hắn, ép vồng ngực ấm áp vào ngực hắn. Hơi ấm từ chị truyền sang, lan toả khắp người hắn. Hắn ôm chị hồi lâu, rồi gỡ nhẹ bàn tay thon mềm đang vòng qua lưng: "Cám ơn? cám ơn? Chị rất ấm...". Hắn nhìn sâu vào mắt chị, rồi bằng một động tác dứt khoát, hắn với chiếc va li, bước nhanh xuống cầu thang.
    Đoạn kết
    Những người đàn ông ở khu tập thể bỏ đi mấy ngày, song họ cũng lần lượt quay về. Họ dựng lại những tấm cửa sắt và rào chuồng cọp. Vợ con họ cũng lần lượt đoàn tụ trở lại.
    Năm 1997, sở nhà đất thành phố Hà Nội cho sửa lại khu tập thể. Những căn hộ được trang bị mới, hiện đại. Rào chuồng cọp cũng được dỡ đi. Thời gian đầu, người ta luôn cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó. Nhưng rồi họ cũng quen dần.
    Bức tường cũng được dỡ đi. Khu nhà đối diện được sửa thành trụ sở của một công ty liên doanh. Sau khi ra viện, bà Hoà béo xin được chân bảo vệ. Bà liền cho dựng ở chỗ bức tường cũ một quán nhỏ bán hàng nước. Khách hàng rất thích bà chủ vì tính bà cởi mở, chóng quên. Nhưng thỉnh thoảng, bà Hoà hay có những cơn xúc động, phấn khích kỳ lạ. Bà kể cho khách nghe những câu chuyện lộn xộn. Chuyện của bà thường bắt đầu thế này: "Chú ạ, chỗ này truớc đây là một bức tường...".
    Sưu tầm
    Ta nhỏ bé vì ta phải tuân theo tự nhiên
    Ta vĩ đại vì ta có thể sử dụng tự nhiên

Chia sẻ trang này