1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Các bác nghĩ gì về phim Nghề báo chiếu trên VCTV2

Chủ đề trong 'Báo chí - Truyền thông' bởi danhkem, 27/06/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. danhkem

    danhkem Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/08/2005
    Bài viết:
    526
    Đã được thích:
    0
    Các bác nghĩ gì về phim Nghề báo chiếu trên VCTV2

    Từ 21-6-2007, VCTV2 đang chiếu bộ phim "Nghề báo" dài 20 tập Kịch bản : Nguyễn Mạnh Tuấn, ĐD: Phi Tiến Sơn, Hãng TFS sản xuất năm 2006. Hôm nay mới chiếu được đến tập 6. Em vào đây nhưng không thấy bác nào nói về phim này cả. Em gửi các bác bài viết về bộ phim này, các bác bình luận nhé.
    Bộ phim Nghề báo: Một cách nhìn méo mó!

    Lần đầu tiên đời sống và quá trình tác nghiệp của báo giới được thể hiện qua 20 tập phim Nghề báo (KB: Nguyễn Mạnh Tuấn, ĐD: Phi Tiến Sơn, Hãng TFS sản xuất năm 2006, vừa chiếu những tập cuối trên màn ảnh nhỏ thành phố). Không chỉ tạo ra những luồng dư luận trái chiều, bộ phim đã gây bức xúc cho số đông nhà báo chân chính đang đấu tranh bảo vệ lẽ công bằng cho xã hội...

    Khi còn bộn bề những vấn nạn, những cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa cái thiện và cái ác thì làm báo quả là nghề không đơn giản và hiện được xếp vào top 10 nghề nguy hiểm nhất của xã hội.

    Được khởi chiếu trên HTV9 từ ngày 12-6-2006 (nhân dịp kỷ niệm 81 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam), câu chuyện Nghề báo đề cập xoay quanh cuộc sống gia đình, nghề nghiệp và tình yêu của các phóng viên viết mảng chính trị - xã hội.

    Bắt đầu từ những đơn tố cáo Tổng giám đốc Công ty SJK Tô Thanh trong thời điểm nhạy cảm của cả nước đang tập trung chống tham nhũng, dưới sự thao túng của cây bút lão luyện Quang Sinh, nhân vật chính trong phim - Thúy Bình, một phóng viên tên tuổi của báo Sài Gòn mới, đã có những bài phóng sự vạch trần tội trạng Tô Thanh, đẩy ông này vào tù khiến gia đình tan nát, vợ lâm trọng bệnh, con trai nghiện ngập, con gái phải bán thân. Cuối cùng sự thật được phơi bày: Tô Thanh vô tội, tờ báo và Thúy Bình loay hoay tìm cách sửa sai trong sự ân hận muộn màng.

    Giới thiệu như đề tài đương đại mổ xẻ những vấn đề hiểm hóc của báo giới, bộ phim thu hút được một lượng lớn khán giả tò mò và tất nhiên là sự quan tâm hàng đầu của cánh báo chí. Sự thu hút ấy còn là tên tuổi ê-kíp thực hiện từng làm nên những bộ phim chất lượng cao đoạt nhiều giải thưởng uy tín: Phi Tiến Sơn (Lưới trời - giải cánh diều vàng), Nguyễn Mạnh Tuấn (tác giả kịch bản Đồng tiền xương máu, Blouse trắng...), Hồng Ánh, Hoàng Phúc, Đào Bá Sơn, Tạ Minh Tâm, Hòa Hiệp, Xuân Hòa, Diễm My.

    Nhân vật Thúy Bình được xây dựng là nhà báo giỏi, nhưng từ đầu tới cuối phim chỉ thấy cô giống một phóng viên ngờ nghệch trong nghiệp vụ. Cô xin tư liệu của đồng nghiệp báo khác, khi có rồi chẳng thấy kiểm tra lại xem chính xác hay không. Thậm chí, nguyên tắc cơ bản của phóng viên chính trị - xã hội khi viết bài điều tra là phải đối chiếu chứng cớ từ nhiều nguồn để tìm sự chính xác có thể tin tưởng nhất, chưa kể đến việc cạnh tranh thông tin giữa các báo, vậy mà Thúy Bình cứ lấy tài liệu đó bê nguyên xi hết lên báo và viết bài với suy nghĩ rằng Quang Sinh là một nhà báo lão làng và lão luyện, đã nói thế thì phải tin anh ấy chứ (!).

    Khi theo dõi Tô Thanh tại nhà riêng, Thúy Bình luôn so sánh, ghen tỵ là tại sao ông ấy ngụ trong biệt thự, còn mình lại ở chung cư. Khi bị Tân - con trai Tô Thanh - ném đá trúng đầu, biết là vô ý nhưng cô vẫn im lặng để đàn em Đỗ Hòa tương lên một bài viết sai sự thật; hoặc chuyện hai đứa con Tô Thanh đón đường Thúy Bình để phân bày sự việc khiến cô ngã xe lại bị cô biến thành một vụ cướp xe. Hình tượng Thúy Bình với nhiều tình huống kệch cỡm, sống sượng hoàn toàn phi thực tế với đời sống báo chí.

    Nhân vật ngớ ngẩn nữa là Đỗ Hòa. Trong khi giả dạng đại gia xâm nhập vào một ổ mại dâm anh tình cờ gặp lại Thơ - con gái Tô Thanh - vì hoàn cảnh gia đình phải bán thân. Trên thực tế có phóng viên nào lúc đó như Đỗ Hòa dám mở miệng rằng: ?oTôi là nhà báo, tôi vô đây để viết bài?(?), chắc chắn tụi mặt rô bảo kê ở đây không thể để anh ra về nguyên vẹn.

    Phóng viên trẻ này đang lúc nằm bệnh viện còn được phỏng vấn để truyền hình trực tiếp (THTT) gương người tốt việc tốt, nhưng chỉ với một máy quay phim xách tay và một người cầm micro. Điều sơ đẳng ai trong nghề cũng biết là muốn THTT phải có cả ê-kíp với lỉnh kỉnh phương tiện máy móc, xe cộ, vả lại đâu phải thứ gì cũng THTT được. Mà nội dung phỏng vấn cũng lạ đời, cả công an điều tra chứng cớ còn trong vòng phá án cũng được lên THTT luôn (!).

    Tình tiết cơ bản sai lệch là thế, còn sự thêm thắt chi tiết các nữ nhà báo quên kéo dây kéo, quên cài nút áo từ đầu đến hết phim đếm kỹ chắc trên dưới chục lần gây phản cảm, khó chịu. Chuyện phóng viên Linh Sương và Đỗ Hòa tác nghiệp trong rừng cao su bị công an phát hiện lại do một chi tiết rất vô duyên: tranh cãi nhau khi đang... bí mật quay phim! Chi tiết này được copy từ chuyện có thật của PV Võ Hương (Tuổi Trẻ) nhưng trên phim lại không đủ sức thuyết phục. Ngoài đời có phóng viên nào điên đến độ cãi nhau lúc dầu sôi lửa bỏng đó?

    Chưa kể lỗi kỹ thuật sơ đẳng nhất là ánh sáng, trong bối cảnh ban đêm mà cứ sáng trưng như ban ngày nên cảnh Linh Sương đưa tay mò tìm chiếc điện thoại trong bóng tối buồn cười quá vì ai cũng nhìn rõ mồn một chiếc điện thoại nằm đó!

    Cũng PV Linh Sương đã leo vào biệt thự của Tổng GĐ Trần Dư khi ông đang chiêu đãi các nhà báo giúp mình dùng thủ đoạn triệt hạ Tô Thanh, cô nhà báo này đã giương ống kính... chưa mở nắp để chụp lia lịa (!). Lại cũng PV này cho bà giúp việc nhà Tô Thanh 50 ngàn đồng để nhờ đặt máy ghi âm trong nhà giùm (!).

    Rồi có tổng biên tập nào bị chi phối việc đăng bài hay kỷ luật phóng viên cơ quan mình quản lý từ một phóng viên của tờ báo khác như nhân vật Quang Sinh chi phối Lê Mão? Cũng chưa hề có phóng viên nào bị kỷ luật như kiểu Linh Sương chuyển từ phóng viên sang làm lao công.

    Mọi tình tiết đều phi logic, phi thực tiễn. Các tuyến nhân vật xây dựng quá dễ dãi, ẩu tả và cường điệu: Quang Sinh là nhà báo lão luyện nhưng chả thấy viết lách gì, anh quan hệ mật thiết với giới xã hội đen, bản thân nhân vật này cũng giống như mafia, cứ xuất quỉ nhập thần, lúc thì chơi thể thao khi thì ở nhà hàng, tiệm massage để bàn mưu tính kế các phi vụ làm ăn hoặc hãm hại người khác.

    Trưởng ban Phan Thăng luôn bảnh bao, chả thấy làm gì ngoài mỗi việc săm soi quần áo phóng viên xem có chỉnh tề không và ai chưa kéo khóa quần, quên cài nút áo để nhắc nhở, rồi canh xem ai hôn nhau trong tòa soạn thì... trừ điểm thi đua!

    Ảnh hưởng nhiều từ phim Hong Kong, cảnh Thúy Bình bị hành hung ngay trong nhà mình khiến người xem không có chút thương cảm nào, ngược lại chỉ thấy buồn cười khi ba tay khủng bố bịt mặt giống kiểu hài được sân khấu hóa rẻ tiền. Chuyện con trai Tô Thanh bắt cóc con gái Thúy Bình giữa ban ngày bị bảo vệ rượt chạy lòng vòng trong trường mẫu giáo... càng khiến người xem ngao ngán.

    Đành rằng nghề nghiệp nào cũng có những mặt trái nhưng kiểu điển hình hóa các nhân vật như Quang Sinh, Thúy Bình là điều các nhà làm phim nên cẩn trọng và cân nhắc. Có đồng nghiệp của chúng tôi từng từ chối cả tỉ đồng tiền hối lộ của Mai Văn Huy - GĐ Công ty TM dầu khí Đồng Tháp - để giữ ngay thẳng ngòi bút của mình, cũng trong vụ án này có những nhà báo lao tâm khổ tứ dấn thân chịu cực chịu khổ hàng tháng trời với người dân để lần ra sự thật cuối cùng.

    Trong vụ điện kế điện tử gần đây phóng viên báo Tuổi Trẻ đã phải sang tận Singapore để điều tra, xác minh từng chi tiết nhằm củng cố thêm chứng cứ cho bài viết, đưa những kẻ phạm tội ra pháp luật.

    Có tổng biên tập mà chúng tôi biết, mải mê với những công trình xây dựng nhà tình thương cho người nghèo, vùng nào vừa xảy ra bão lụt là thấy anh lăn xả tới, đích thân lái xe đường trường mang lương thực cứu đói cấp tốc cho họ. Còn có nhà báo nổi tiếng thường dành toàn bộ những ngày nghỉ cuối tuần của mình để đến các trung tâm phúc lợi xã hội, mang tiền và hàng hóa vận động được của các nhà hảo tâm để lo cho những người kém may mắn.

    Những nhân vật như thế lại không thấy bóng dáng đâu trong Nghề báo!

    Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn từng phát biểu là ông sống trong môi trường làm báo, từng viết báo nên biết tường tận nghề báo. Đạo diễn Phi Tiến Sơn thì khen kịch bản... tuyệt vời, thể hiện nghề báo trọn vẹn, chỉn chu; nhưng dường như cả hai đều cố tình và thiếu thực tiễn khi trình bày bộ mặt báo chí với một thái độ xem thường nghề này. Nếu hướng đến số đông thì lượng khán giả xem phim sẽ không hiểu các ông muốn chuyển tải những thông điệp gì, còn nếu nhắm đến đối tượng báo chí thì đây đích thị là một sự bôi bác.

    Theo Công An TP.HCM

    ________________
  2. iphoneviet

    iphoneviet Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/07/2007
    Bài viết:
    507
    Đã được thích:
    0
    Ặc báo Công an chơi lại truyền hình, còn ông nào nhảy vào chiến không

Chia sẻ trang này