1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Các bài viết về chủ quyền biển đảo

Chủ đề trong 'Lịch sử Văn hoá' bởi macay3, 02/07/2014.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. macay3

    macay3 LSVH - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    26/10/2007
    Bài viết:
    2.931
    Đã được thích:
    1.543
    Niềm tin chiến thắng trong việc giành chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

    [​IMG]

    Hồ Bạch Thảo

    Dù chiến đấu bằng ngòi bút, trên nghị trường, hoặc chiến trường, Việt Nam có nhiều yếu tố chiến thắng ; xin được lần lượt phân tích dưới đây :

    1. Thắng vì chúng ta phải, địch trái

    Có kẻ bảo rằng thắng bại do sức mạnh, không can dự gì đến sự phải trái, điều đó mới nghe qua có vẻ đúng, nhưng thực tế lịch sử Việt Nam chứng minh ngược lại ; tuy một nước nhỏ, yếu ; nhưng đã nhiều lần chiến thắng Trung Quốc xâm lược :

    “ Nực cười châu chấu đá xe,
    Tưởng rằng chấu ngã, ai ngờ xe nghiêng.”

    Việc này không phải tự ta vỗ ngực khoe khoang, chính lịch sử Trung Quốc đã xác nhận như vậy. Sau khi quân Thanh thua trận tại thành Thăng Long, vua Càn Long nêu lý do không muốn đánh An Nam, vì nếu giết được một Nguyễn Quang Bình [Nguyễn Huệ] thì sẽ nảy ra nhiều Nguyễn Quang Bình khác ! Riêng viên Thị Lang bộ hộ Đường Trụ dưới thời Gia Tĩnh triều Minh đã điều trần lên vua 7 lý do không nên đánh An Nam, xin trích dịch điều thứ 4 như sau :

    Ngày 1 tháng 12 nhuần năm Gia Tĩnh thứ 15 [12/1/1537]

    “ Tả Thị lang bộ Hộ Đường Trụ dâng sớ can gián về việc đánh An Nam như sau :

    (…) Nếu bảo rằng An Nam là đất cũ của Trung Quốc, nên nhân lúc loạn chiếm đi. Thần khảo Mã Viện nam chinh, đến được Lãng Bạc quan quân chết gần nửa. Nhà Hán dựng Đồng Trụ làm giới hạn, gần với phủ Tư Minh ngày nay.

    Vào năm Vĩnh Lạc [1407-1408] thứ 5 bình Giao Chỉ ; năm sau Giản Định tiếm hiệu nổi lên, đến năm thứ 8 [1410-1411] Trần Quý Khoách làm phản ; rồi các thổ dân hưởng ứng theo, chỉ còn một thành Giao Châu an toàn ! Năm thứ 11 [1413-1414] Trần Quý Khoách bị bắt, Trần Nguyệt Hồ lại làm phản ; rồi năm Tuyên Đức thứ 2 Lê Lợi làm phản. Các quan văn võ của ta bị chết rất nhiều, như bọn Lưu Tử Phụ, Hà Trung, Dịch Tiên, Lý Nhiệm, Cố Phúc vv.. Quân sĩ, của cải vật chất tổn thất có đên mấy chục vạn ; làm kiệt sức lực Trung Quốc hơn 10 năm, chỉ được cái tiếng thu phục được một số quận huyện trong mấy năm. Còn các triều đại khác, đánh mà không thắng như Tống Thái Tổ, Tống Thần Tông, Nguyên Thế Tổ, Hiến Tông thì quân đội chôn vùi, uy danh thương tổn. Các sự kiện kê ra như tấm gương sáng có thể soi, đó là điều thứ 4. ” 1

    Câu hỏi được được đặt ra : Tại sao một nước nhỏ bé như Việt Nam, có thể chiến thắng Trung Quốc, một nước lớn đất rộng, dân đông hơn hàng chục lần ?

    Qua sự kiện lịch sử cho biết nguyên nhân chiến thắng là do lòng căm thù địch, cái mà người xưa gọi là “ địch khái ”, giận kẻ xâm lăng, tạo nên sức mạnh dời non lấp bể.

    Dưới thời nhà Trần, thấy thế giặc mạnh, vua sai Đỗ Khắc Chung mang thư đi giảng hòa. Trong cuộc hội kiến , tướng Nguyên Mông, “ Ô Mã Nhi, hỏi Chung :

    – Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ “Sát Thát” [giết Mông Cổ], khinh nhờn Thiên binh, lỗi ấy to lắm !

    Khắc Chung đáp :

    – Chó nhà cắn người lạ, không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần tại sao lại không có ?

    Nói xong giơ cánh tay cho xem 2. ”

    Thời khởi nghĩa chống quân Minh, nghĩa quân vây thành Xương Giang [tỉnh Bắc Giang], ban đêm xây ụ như núi đất xung quanh để bắn vào thành ; lại đào địa đạo xuyên vào thành rồi xông lên, cuối cùng phá thành, giết chủ tướng Lý Nhiệm ; sự kiện này được sử Trung Quốc, Minh Thực Lục, chép như sau :

    “ … Bốn phía giặc đều xây núi đất, dùng phi minh bắn vào thành ; Nhiệm 3 sai quân cảm tử ban đêm mở cửa thành ra đánh, giết giặc giữ núi đất. Mưu tập kích doanh trại, giặc đào địa đạo vào thành, Nhiệm sai đào hào ngang chặn địa đạo, rồi ném đá xuống, khiến giặc chết nhiều…” 4 [Minh Thực Lục]

    Đứng về mặt quân sự mà xét, chỉ có đạo quân vì đại nghĩa, tinh thần cao, sẵn sàng hy sinh cho lẽ phải mới dám khắc chữ Sát Thát vào tay, đào địa đạo xông vào lòng địch.

    Còn đạo quân phi nghĩa thì như thế nào ? Cũng tại Minh Thực Lục chép về vụ Thiên hộ Tiền Hoằng, thuộc vệ Tùng Phan, đồn trú tại Quảng Tây ; vệ này được lệnh điều sang Giao Chỉ. Hoằng cùng quan quân trong vệ lập mưu khích động thổ phiên Dung Nhi Kết nổi loạn, để cấp trên lưu lại dẹp loạn, khỏi phải sang đánh Giao Chỉ. Rồi sự việc đã xảy ra đúng như dự liệu của quan quân vệ Tùng Phan, Dung Nhi Kết khởi sự trước, cấu kết với các dân tộc thiểu số khác gây ra cuộc nội loạn tại vùng Quảng Tây, Quý Châu, Tứ Xuyên. Triều đình nhà Minh phải mang quân tới đánh dẹp, rồi điều tra được nguyên nhân cuộc biến, bèn xử chém Tiền Hoằng ngay tại Tùng Phan để làm yên lòng dân :

    Ngày 27 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 3 [12/3/1428]

    Xử chém Tiền Hoằng Thiên hộ vệ Tùng Phan, biếm trích Đô Chỉ huy Cao Long làm Sự quan, bắt Hàn Chính, Đặng Giám sung quân tại Quảng Tây.

    (…) Khởi đầu Hoằng khích động Phiên Man Dung Nhi Kết làm loạn. Thiên tử mệnh Chỉ huy Cẩm Y vệ Nhiệm Khải, Giám sát Ngự sử Lý Ngọc tra vấn sự thực, đến nay bọn Khải tâu rằng Phiên Man làm loạn thực do Thiên hộ Tiền Hoằng khích động. Nguyên do vệ Tùng Phan mang quân đánh Giao Chỉ, quân lính sợ không muốn đi bèn mưu với Hoằng. Hoằng nói chỉ có cách là tung tin người Man làm phản, Đô ty phải báo về triều, tất phải sai vệ Tùng Phan đánh dẹp và đình chỉ việc đi đánh tại Giao Chỉ. ” 5

    Sự kiện nêu trên cũng dễ hiểu thôi, làm một việc phi nghĩa người ta có thể chịu mất hàng triệu đô la, vì cho đó là việc làm ăn có lời có lỗ ; nhưng không ai tự nguyện đánh mất sinh mệnh mình !

    Bây giờ hãy thảo luận thẳng vào vấn đề : Hoàng sa, Trường Sa ; giữa Trung Quốc và ta, ai phải, ai trái ?

    Trung Quốc gọi Hoàng Sa là Tây Sa ; địa danh này được đặt ra từ năm 1909 khi Thuỷ sư Quảng Đông Lý Chuẩn [李 準] mang 2 tàu, đến tìm hiểu quần đảo này. Lý Chuẩn là ai ? Xin thưa, đó là bầy tôi từng thờ 4 chủ : nhà Thanh, Tôn Trung Sơn, Viên Thế Khải, Đoàn Kỳ Thuỵ. Vào năm 1911, cách mệnh Trung Quốc khởi sự tại Quảng Đông, Chuẩn mang quân đàn áp, giết 72 nhà cách mệnh, sau đó những người này được chôn tại mộ Liệt sĩ tại Hoàng Hoa Cương, Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông]. Cần lưu ý vào năm 1924 Liệt sĩ Phạm Hồng Thái nước ta từng mưu giết Toàn quyền Pháp Merlin, bằng cách giả làm nhà báo đến dự tiệc tại khách sạn Victoria nơi tô giới Sa Diện, rồi bất ngờ ném quả lựu đạn bọc trong máy ảnh, nhưng chỉ giết được 5 người Pháp, riêng Merlin bị thương nhẹ. Sau đó Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang tự tử, người Trung Hoa mến mộ khí tiết, cũng đem chôn tại Hoàng Hoa Cương.

    Lúc phe cách mệnh nổi dậy tại Vũ Xương [Wugang, Hồ Bắc], thế mạnh như chẻ tre, Chuẩn sợ bị phe cách mệnh hỏi tội, bèn trở cờ theo Hồ Hán Dân, đồng chí của Tôn Trung Sơn. Nhưng chẳng bao lâu Viên Thế Khải giành được quyền lực đánh đuổi phe cách mệnh để chuẩn bị lên làm vua, Lý Chuẩn lại theo Viên chống lại Tôn Trung Sơn. Rồi khi Viên chết, Chuẩn quay sang phò trùm quân phiệt Đoàn Kỳ Thuỵ.

    Việc Lý Chuẩn mang tàu đến Hoàng Sa [Tây Sa] cũng chỉ vì nghe thương gia ngoại quốc nói chỗ này có nhiều phân chim và mỏ khoáng. Vì mục đích như vậy nên Chuẩn cho nhân viên xét nghiệm hoá chất đi cùng. Đây là lần đầu tiên người của nhà cầm quyền Trung Quốc đặt chân đến đảo này, nên Lý Chuẩn lấy tên tàu, hoặc tên làng quê mình đặt tên cho đảo : như tên tàu Phục Ba [伏波] đặt tên cho đảo Phục Ba, dùng tên tàu Sâm Hàng [琛航] đặt tên cho đảo Sâm Hàng, dùng tên làng Lân Thuỷ [鄰水] thuộc tỉnh Tứ Xuyên quê của Chuẩn đặt tên cho đảo Lân Thuỷ. Việc làm của Lý Chuẩn chưa được chính thức công nhận, nên bộ Thanh Sử Cảo, phần địa lý chí, của nhà Thanh soạn sau đó, không chép đến quần đảo này.

    Còn trước trước thời gian này, chính sử Trung Quốc chưa hề đề cập đến quần đảo Tây Sa ; nhưng vì nhu cầu giành giật đảo, nên một số Học giả Trung Quốc, như Hàn Chấn Hoa viết theo đơn đặt hàng, dùng cách “ treo đầu heo, bán thịt chó ”, đem các địa danh khác có sẵn trong sử, chí cũ, như Trướng Hải, Tượng Thạch vv… từ các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, để gán cho Tây Sa [Hoàng Sa], Nam Sa [Trường Sa]. Việc làm sai trái này chúng tôi có dịp phản biện trong cuộc hội thảo tại đại học Temple [Philadelphia, USA] và được in lại trong sách Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam 6.

    Cần lưu ý suốt hai triều đại Minh, Thanh, quân Nhật thao túng cướp phá vùng biển, Trung Quốc chỉ phòng thủ trên bờ và ven biển cũng không xong, nên không màng đến biển cả. Bằng cớ ngay cả đảo lớn giàu tài nguyên như Ðài Loan, được liệt vào ngoại quốc dưới triều Minh.

    Biển lúc bấy giờ là mối hệ lụy, nên Trung Quốc chủ trương phòng thủ thụ động trên bờ, bỏ mặc đại dương không chiếu cố đến. Chiến lược này được phản ảnh một cách cụ thể trong trường hợp viên Tổng đốc Lưỡng Quảng Ngô Hùng Quang xin chế tạo nhiều thuyền để ra biển bắt cướp ; bị vua Gia Khánh bác và khẳng định quốc sách là phòng thủ tại cảng và truy lùng những người trên bờ ngầm mua bán hợp tác với bọn cướp. Xin trích dẫn chiếu thư của vua Gia Khánh có đoạn như sau :

    Ngày 2 Kỷ Tỵ tháng 12 năm Gia Khánh thứ 12 [30/12/1807]

    “ (…) Ðiều đó khẳng định rằng việc cấm bọn phỉ tiếp tế tất phải nghiêm tra trên bờ, làm vững rào dậu là biện pháp chính. Phúc Kiến nghiêm cấm tiếp tế tại cửa biển, thực hiện hữu hiệu, tỉnh Quảng Ðông cần nhất luật thực hiện…” (Nhân Tông Thực Lục quyển 189, trang 7).

    Với chiến lược từ bỏ biển đảo gần bờ, Hải Quốc Ðồ Chí, quyển 1, mục Trù hải, Ngụy Nguyên nêu bằng chứng rằng dưới thời Minh, Thanh, đảo Châu Sơn [Zhowshan] thuộc tỉnh Chiết Giang, không tiện việc phòng thủ, nên đã bỏ ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Nhìn lên Google Map, đảo này chỉ cách bờ biển Trung Quốc khoảng 10 km ; nay gọi là Châu Sơn thị, dân số hơn 120 vạn người, tại đó có Phổ Ðà Sơn là khu du lịch quốc tế.

    Ngoài ra trong Chiết Giang Thông Chí của Thẩm Dực Cơ đời Thanh, tại mục Hải Phòng còn nêu thêm hai vùng đất sau đây, vào thời Hồng Vũ triều Minh cho đến đầu triều Thanh, không nằm trong lãnh thổ Trung Quốc :

    – Thứ nhất là đảo Kim Ðường, nay mang tên Kim Ðường Trấn [Jintang Island], nằm giữa Châu Sơn thị [Zhoushan] và khu Trấn Hải ; đảo chỉ cách bờ biển vài cây số.

    – Thứ hai về đảo Ngọc Hoàn ; nay là huyện Ngọc Hoàn [Yuhoan] cách bờ biển Ôn Linh thị tỉnh Chiết Giang chưa đầy 1 km, dân số 60 vạn người.

    Riêng Quảng Ðông Thông Chí quyển 9 mục Hải Phòng có ghi 22 vị trí tiếp giáp với biển An Nam. Chúng tôi phối kiểm lại với chính sử Trung Quốc Thanh Thực Lục, thì cả hai nguồn đều xác nhận 4 vị trí sau đây tiếp giáp An Nam : Thất Thập Nhị Kính tọa độ khoảng 21.726334,108.57170 (Quý vị chưa quen, xin ghi số bên cạnh, mở Google map chép hàng số vào ô chữ nhật, rồi gõ vào hình mặt kính ô màu bên phải, thì sẽ thấy vị trí trên bản đồ), Vi Châu tại tọa độ 21.046695,109.117584, Ðại Ðộng Thiên tọa độ 18.293906,109.150887, Tiểu Ðộng Thiên vị trí gần Đại Động Thiên. Từ 4 vị trí này có thể vẽ ra được tuyến đường ngoài biển khơi xuất phát từ Thất Thập Nhị Kính, châu Khâm, hướng đông đến Vi Châu phía nam châu Liêm, rồi theo hướng nam ra đảo Hải Nam, đến Ðại Ðộng Thiên, Tiểu Ðộng Thiên thuộc phía nam Tam Á. Nói vắn tắt, xét lịch sử và địa lý Trung quốc, lãnh thổ nước này chưa hề vượt quá phía nam đảo Hải Nam; vậy làm gì có Tây Sa [Hoàng Sa], Nam Sa [Trường Sa] nằm trong đó.

    Riêng về Việt Nam thì chứng cớ chủ quyền về Hoàng Sa Trường Sa được ghi rõ trong sử chí của triều đình và các công trình tư nhân từ triều Lê đến triều Nguyễn. Về sử chí của triều đình phải kể đến Đại Nam Thực Lục, Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ, Ðại Nam Nhất Thống Chí, Ðại Nam Nhất Thống Toàn Ðồ. Về công trình tư nhân có Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Ðồ Thư của Nguyễn Bá Công, Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí Phan Huy Chú, Hoàng Việt Ðịa Dư Chí của Phan Huy Chú. Những sử liệu này chúng tôi đã có dịp trích dịch trong hai trang mạng dưới đây:

    http://viethoc.org/eholdings/*******_TruongSa_HoBachThao_01.pdf

    http://www.viethoc.org/eholdings/*******_TruongSa_HoBachThao_02.pdf

    Ngoài ra còn có rất nhiều sử liệu khác được ghi trong Châu bản triều Nguyễn, các sắc phong của triều đình, cùng những bản đồ mới tìm được, tất cả đều xác nhận chủ quyền biển đảo của nước ta.

    2. Thắng vì Trung Quốc có nhiều nước thù địch, ta có nhiều đồng minh

    Dưới thời Chiến Quốc Trung Quốc có chiến lược gia nổi tiếng Tô Tần chủ trương hợp tung, tức hợp các nước từ bắc xuống nam để chống lại nước Tần hùng mạnh ; lại có Trương Nghi xướng ra thuyết liên hoành để chống lại. Ngày nay tại châu Á đang hình thành thế liên hoành và hợp tung dưới sự ủng hộ của Mỹ, để chế ngự Trung Quốc. Về liên hoành từ đông sang tây có các nước Việt Nam, Lào, Miến Điện, Ấn Độ ; về hợp tung từ bắc xuống nam có các nước Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Phi Luật Tân, Malaysia, Indonesia, Úc. Còn về phía bắc giữa Nga và Trung Quốc thì khỏi lo, suốt hai thế kỷ dưới thời cận đại và hiện đại, hai nước này chưa bao giờ thực sự hoà hảo với nhau. Hãy xem lãnh thổ Trung Quốc từ thời Khang Hy trong hiệp ước Ni Bố Sở ký với Nga năm 1689, để so sánh với ngày nay, Trung Quốc đã mất cho Nga phần đất lớn hơn cả nước Việt Nam, trong đó có vùng biên giới Nga tiếp giáp với Triều Tiên hiện nay và ngay cả hải cảng Vladivostok.

    Lẽ dĩ nhiên liên minh hợp tung, liên hoành hiện nay còn lỏng lẻo, muốn củng cố Việt Nam ta cần phải đóng góp vào ; cũng như đầu tư ngân hàng, muốn rút ra nhiều [withdraw] phải cần ký thác [deposit]. Hãy tỏ cương quyết, trước sau như một ; hành động dũng cảm xịt vòi rồng xua đuổi giàn khoan Trung Quốc là một sự đóng góp đáng kể, để xây dựng uy tín và niềm tin với các nước bạn.

    3. Thắng vì Mỹ quyết bảo vệ sân sau Thái Bình Dương, riêng người dân Trung Quốc không muốn thù địch với Mỹ

    Hai thế kỷ về trước,trong kiệt tác Hải Quốc Ðồ Chí 海國圖志 Học giả Ngụy Nguyên [1774-1857] Trung Quốc đã có nhận xét về chế độ dân chủ tại Mỹ rất xác đáng. Gọi chương trình tức hiến pháp của nước Mỹ “ đời qua đời không có mối tệ ” “ 27 bộ [tiểu bang] cộng cử một đại Tù trưởng [Tổng thống] cứ 4 năm thì thay đổi, quan chức tuy thay nhưng lòng người vui vẻ một dạ ” “ Nghị sự, tố tụng, tuyển quan, cử hiền tài, đề bạt từ dưới lên ; cứ dân chấp nhận là được, dân phủ nhận thì bỏ ” lại “ vừa giàu và mạnh nhưng không ăn hiếp nước nhỏ, không quen thói cú vọ với Trung Quốc, vì nghĩa phẫn giận, tình nguyện ra tay ”.

    Qua lịch sử thời cận đại, Trung Quốc lâm vào cảnh “ một miếng thịt trăm dao xâu xé ”, liệt cường tranh nhau chiếm các cảng khẩu, tô giới ; dọc theo bờ biển phía bắc từ tỉnh Liêu Ninh cho đến tỉnh Quảng Đông phía nam ; dọc sông Dương Tử từ tỉnh Giang Tô lên đến tỉnh Tứ Xuyên ; và còn nhiều chỗ khác như tại các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam vv… Riêng nước Mỹ chưa từng chiếm của Trung Quốc một thước đất ; lại có những người như Quốc vụ khanh Mỹ John Hay năm 1899 đã thuyết phục các nước Anh, Đức, Nga, Nhật, Ý, Pháp chấp nhận chính sách Môn hộ khai phóng [Open-door policy] giúp cho Trung Quốc giành được nhiều quyền lợi. Sau thời chiến tranh lạnh, tư bản Mỹ rầm rộ đầu tư vào, khiến Trung Quốc trở thành nước giàu mạnh.

    Bàn về cá nhân, những khuôn mặt lớn Trung Quốc như bà Tống Mỹ Linh, phu nhân Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã sống mãn đời tại Nữu Ước. Kẻ đối lập, ông Trương Học Lương, người đã từng cả gan bắt cóc Tưởng Giới Thạch để đòi Quốc dân đảng, Trung cộng hợp tác chống lại Nhật, đã bị Tưởng Giới Thạch giam lỏng mấy chục năm trời, cuối đời cũng sống yên vui tại Hawaii.

    Nói tóm lại, người dân Trung Quốc đối với Mỹ :

    “ Sống không thù nhau,”
    “ Chết không oán nhau.”

    Thì cho dù họ có bị nhà nước ép buộc cũng không muốn thù địch với Mỹ.

    Riêng nước Mỹ sau khi đánh thắng hạm đội Tây Ban Nha, giành chủ quyền tại Hawaii và Phi Luật Tân, thì Thái Bình Dương thực sự là sân sau của Mỹ. Thời cuộc đưa đẩy Việt Nam cùng với Mỹ san sẻ chung chiến lược chế ngự Trung Quốc ; đây là dịp may của Việt Nam, quyết không nên bỏ lỡ.

    *
    Giống như trận Xích Bích thời Tam Quốc, tuy hai phe Ngô, Thục đã chuẩn bị kỹ, nhưng còn thiếu gió đông, mới thực hiện được trận hoả công. Việc giành chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của ta, ngoài ba yếu tố đã trình bày ở trên, cũng cần phải có nội lực đẩy mạnh lên ; đó là tinh thần đoàn kết, hoà hợp hoà giải dân tộc, mới tạo nên được sức mạnh tổng hợp.

    Bàn về sự đoàn kết, có thể nói thời đại nhà Trần là một mô hình tiêu biểu. Nhà Lý nhường ngôi chưa được bao lâu [1237], nội bộ nhà Trần có cuộc khủng hoảng lớn, tưởng chừng có thể làm lung lay cả triều đại. Bấy giờ Chiêu Thánh Hoàng hậu [tức Lý Chiêu Hòang], chánh cung của vua Trần Thái Tông không có con. Thái sư Trần Thủ Độ bèn rắp mưu đem Công chúa Thuận Thiên họ Lý, [vợ của An sinh vương Liễu, anh ruột nhà vua] lúc bấy giờ đang có thai ba tháng, làm vợ vua Trần Thái Tông, để mong có con nối dõi. Việc làm loạn luân này, khiến Liễu tức giận họp quân trên sông cái nổi loạn. Đến hai tuần sau, Liễu tự lượng thế cô khó lòng chống được, ngầm đi thuyền độc mộc, giả làm người đánh cá đến chỗ vua xin hàng :

    Lúc ấy vua đang ở trong thuyền, anh em nhìn nhau khóc. Trần Thủ Độ nghe tin, đến thẳng thuyền vua, rút gươm thét lớn :

    Giết thằng giặc Liễu.

    Vua giấu Liễu trong thuyền, vội vàng bảo Thủ Độ :

    – Phụng Càn Vương [tước hiệu cũ của Liễu thời triều Lý] đến hàng đấy.

    Rồi lấy thân mình che cho Liễu. Thủ Độ tức lắm, ném gươm xuống sông nói :

    – Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các ngươi thuận nghịch thế nào ?

    Vua nói giải hòa, rồi bảo Thủ Độ rút quân về. ” 7

    Theo luân lý xưa đạo phu phụ rất quan trọng, việc thay vợ đổi chồng thường là nguyên nhân gây nên mối thù truyền kiếp. Rất may, vua Trần Thái Tông cương quyết bảo vệ tình nghĩa anh em, lấy sự đoàn kết làm trọng, giúp cơ nghiệp nhà Trần bước đầu xây nền móng vững chắc .

    Đoàn kết không phải chỉ là câu nói ngoài cửa miệng để tuyên truyền, cần có lòng thành, bụng dạ phải rộng lượng, không cố chấp thành kiến. Việc cử Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn con An sinh vương Liễu làm tổng Chỉ huy quân đội là tấm gương can đảm, dám dùng người. Hưng Đạo vương, người lập công đầu trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, cũng là nhân vật triệt để thực hiện tình đoàn kết. Sử chép An sinh vương Liễu vẫn ôm mối thù xưa, lúc sắp mất cầm tay Trần Quốc Tuấn giối giăng rằng :

    “ Con mà không vì cha lấy thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”

    Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.

    Lại có lần Quốc Tuấn đem chuyện ấy vờ hỏi Hưng Nhượng vương Quốc Tảng. Quốc Tảng thưa :

    – Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.

    Quốc Tuấn rút gươm kể tội :

    – Tên lọan thần là đứa con bất hiếu mà ra.

    Định giết Quốc Tảng. Con trưởng Hưng Vũ Vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Rồi ông dặn Hưng Vũ Vương :

    – Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng.” 8

    Lúc này vua tôi, quân dân một lòng, nội bộ đoàn kết vững vàng ; nên có thể đánh tan mọi âm mưu của kẻ ngọai xâm.

    Hiện nay, có rất nhiều việc cần làm gấp để củng cố đoàn kết dân tộc. Riêng về phương diện lịch sử, thiết tưởng nên theo cách người xưa, chờ đậy nắp hòm rồi mới định luận (cái quan định luận). Bởi vậy lịch sử hiện đại nên chia ra hai phần : sự kiện [fact] và ý kiến [opinion]. Về sự kiện thì có thể lưu truyền, nhưng ý kiến phê bình phải, trái thì nên để dành lại cho thế hệ sau. Vì hiện tại phê bình khó tránh khỏi thiên vị, mà dễ tổn thương đến khối đại đoàn kết dân tộc.

    Lại cần nói thêm người Việt trong và ngoài nước hiện nay làm chủ đến hàng chục triệu computer, một lời đưa lên mạng có thể truyền ra cả thế giới. Người xưa dạy rằng “ một lời nói có thể hưng vượng nước, một lời có thể chôn nước.” Vậy khi gõ tay đánh chữ, hãy nhìn lên màn hình computer, coi như có linh hồn những chiến sĩ đời Trần khắc hai chữ “ Sát Thát ” vào tay, chiến sĩ đời Lê đào địa đạo xông vào thành địch, chiến sĩ thời nay liều chết chiến đấu tại Hoàng Sa, Trường Sa, để cẩn thận chọn lời, chọn chữ ; nói những điều có lợi cho nước.

    Chú thích:

    1 Minh Thực Lục, Thế Tông, quyển 195, trang 1a-2a.

    2 Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, NXB Khoa học xã hội: Hà Nội, 1998

    3 Nhiệm : Lý Nhiệm, chỉ huy quân Minh, tử trận tại thành Xương Giang.

    4 Hồ Bạch Thảo, Việt Sử Tư Liệu Và Lời Bàn, Thư Ấn Quán: Hoa Kỳ, 2009, trang 342-343.

    5 Minh Thực Lục q. 37, t. 0921-0922.

    6 Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam, NXB Trẻ : T.P. Hồ Chí Minh, 2011, trang 196.

    7 Đại Việt Sử Ký Tòan Thư, tập 2, trang 16.

    8 Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 2, trang 80.



    Nguồn bài đăng
  2. macay3

    macay3 LSVH - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    26/10/2007
    Bài viết:
    2.931
    Đã được thích:
    1.543
    Vì sao Trung Quốc thiết lập giàn khoan trong vùng biển Việt Nam?
    Vì sao là lúc này và vì sao Việt Nam?


    [​IMG]
    Hạm đội Nam Hải của TQ

    Ankit Panda

    Đàm Hà Khánh dịch từ The Diplomat

    Với ai, cái gì, ở đâu, khi nào và như thế nào, việc giàn khoan dầu Trung Quốc HD-981 thâm nhập vào vùng biển Việt Nam đã được đề cập một cách toàn diện, từ những nhà bình luận ở đây tại tạp chí The Diplomat và những nơi khác. Câu hỏi xuyên suốt đặt ra là, với liên tục những hành động khiêu khích của Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lý do là tại sao? Sự ẩn khuất trong những quyết định nội bộ của Trung Quốc gây khó khăn để trả lời câu hỏi đó, nhưng một số lượng những bằng chứng hiện hữu cho thấy cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu với Việt Nam được đưa ra nhằm kiểm tra dũng khí của các nước ASEAN và Hoa Kỳ. Nó cung cấp cho Bắc Kinh một cơ hội để đánh giá phản ứng quốc tế để Trung Quốc xác quyết chủ quyền lãnh thổ trên biển của mình

    Như Carl Thayer đã chỉ ra trên trang này cũng như M. Taylor Fravel cho biết trong cuộc phỏng vấn với The New York Times, quyết định của Công ty dầu khí viễn dương quốc gia Trung Quốc di chuyển giàn khoan dầu HD-981 là một bước đi có chủ ý nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ. CNOOC có thể là một doanh nghiệp nhà nước nhưng quyết định di chuyển khối tài sản 1 tỷ USD này vào một khu vực có trữ lượng dầu khí chưa rõ ràng trong khi chắc chắn kích động một cuộc khủng hoảng ngoại giao với các kịch bản địa chính trị của động thái này. Thực tế là khoảng 80 tàu hải quân và tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đi kèm với giàn khoan củng cố quan điểm cho rằng Trung Quốc đã thực hiện một chiến lược tiến tới mục tiêu khẳng định chủ quyền lãnh thổ trong khu vực.

    Câu hỏi tại sao Trung Quốc đã chọn riêng Việt Nam để leo thang có lẽ dễ trả lời hơn một chút. Một số nhà phân tích đã lưu ý rằng Trung Quốc gây bất ngờ với thế giới bằng cách chọn leo thang tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam trong lúc quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện, gần đây nhất là vào mùa thu năm 2013. Ngoài ra, tồn tại một mức độ nhất định của tình đồng chí giữa ********************** (ĐCSVN) và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đối với Trung Quốc, đột ngột mạo hiểm một mối quan hệ song phương tương đối ổn định thông qua một sự cạnh tranh tiềm ẩn có vẻ trắng trợn và vô trách nhiệm.

    Ngược lại, nếu Trung Quốc phải thúc đẩy bất kỳ tranh chấp nào ở Biển Đông để kiểm tra dũng khí của Hoa Kỳ và các nước ASEAN, Việt Nam có lẽ là ứng cử viên phù hợp nhất. Như Tường Vũ nói với tờ New York Times, một cuộc tranh luận chính trị tồn tại ở Việt Nam về việc nước này nên duy trì gần gũi với Trung Quốc hoặc theo đuổi các mối quan hệ mật thiết hơn với phương tây, và với ảnh hưởng của phe cựu trào có trọng lượng đáng kể hơn. Biết rõ thái độ này, Trung Quốc đánh bạc với một mức độ khá tự tin rằng mặc dù giàn khoan dầu là hành động khiêu khích, Việt Nam chỉ sẽ đáp trả bằng lời nói và giữ giới hạn – không vũ lực.

    Với mục đích này, tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc chỉ đâm vào tàu Việt Nam và bắn họ bằng vòi rồng – PLAN vẫn duy trì chức năng hỗ trợ, đảm bảo rằng bất cứ động cưỡng bức nào đã được sử dụng đều không có nguồn gốc rõ ràng từ tàu quân sự (mặc dù Việt Nam không hoàn toàn đồng ý cách giải thích này). Hơn nữa, trước khi Trung Quốc có thể bắt đầu thử vận may của mình với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn Philippines, nước mà gần đây đã ký một thỏa thuận mười năm chia sẻ cơ sở quốc phòng với Hoa Kỳ, nó phải xem Hoa Kỳ có sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực.

    Trong khi với Philippines, Hàn Quốc, và Nhật Bản Hoa Kỳ có hiệp ước ràng buộc để hành động, trong trường hợp tranh chấp khác trong Biển Đông, đặc biệt là tranh chấp quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc, tất cả những gì nước Mỹ đã hành động chứng tỏ rằng họ sẵn sàng đứng lên vì lợi ích của chính họ đã được xác định trong quá khứ, bao gồm tự do hàng hải, giải quyết hòa bình tất cả các cuộc xung đột, và không sử dụng cưỡng chế và đe dọa trong tranh chấp. Với vụ HD-981, Trung Quốc đã thách thức Mỹ trên cả ba. Ngoài ra, với lợi ích của Exxon Mobil ở các vùng biển, HD-981 cũng cản trở lợi ích thương mại của Mỹ trong khu vực. Cho đến nay, phản ứng của Hoa Kỳ – một tuyên bố kêu gọi hành vi của Trung Quốc là “khiêu khích” – thực sự không đủ trọng lượng để Trung Quốc dừng các hành vi như vậy trong tương lai.

    Cuối cùng, Trung Quốc đã tính toán thời gian để thực hiện động thái này ngay khi Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa rời châu Á và ngay trước cuộc họp của lãnh đão ASEAN tại Naypyidaw, Myanmar cuối tuần qua. Làm như vậy, Trung Quốc đã mạo hiểm: động thái chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của quốc tế lớn và bị lên án. Tuy nhiên, như các báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cho thấy, Trung Quốc vẫn có một sự đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo khu vực không được kết chặt đầy đủ để hình thành một mặt trận chung chống lại sự ép buộc của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó đáng chú ý là các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra một tuyên bố riêng biệt, “quốc tế hóa” các tranh chấp trong khi cho rằng mối nguy từ hành động của Trung Quốc vẫn chưa quá giới hạn ( và có lẽ trong tương lai gần)

    Tương tự như vậy, đối với một Hoa Kỳ suy sụp, mệt mỏi và không đủ khả năng tài chính cho vai trò cảnh sát toàn cầu, thất bại tại giàn khoan dầu này nằm trong dây chuyền của cuộc khủng hoảng toàn cầu như tại Syria và Ukraina – chỉ cần khác mức độ khẩn cấp chính trị. Bằng cách tránh một đồng minh có hiệp ước hoặc đối tác chính của Mỹ, Trung Quốc tìm cách tô vẽ Mỹ như là một thế lực không thể khẳng định lợi ích của mình trong khu vực. Một hệ quả tiêu cực của việc này là các quốc gia khác tham gia vào tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sẽ tìm cách đơn phương quân sự hóa để bù đắp sự phụ thuộc vào đảm bảo an ninh của Mỹ, có khả năng tạo ra một viễn cảnh nhức đầu cho Trung Quốc sau này trong tương lai.

    Quyết định di chuyển giàn khoan dầu HD-981 vào vùng biển tranh chấp phù hợp với quyết định của Trung Quốc áp đặt khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông cho thấy tín hiệu về tham vọng của Trung Quốc trong việc đơn phương theo đuổi yêu sách lãnh thổ trên biển của mình. Trung Quốc nói rằng các giàn khoan dầu sẽ vẫn ở vùng biển này cho đến tháng Tám năm nay. Rốt cuộc điều khác biệt duy nhất trong khủng hoảng lần này là việc lần đầu tiên Trung Quốc thiết lập món tài sản đắt tiền này trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác. Và Việt Nam không phải là một quốc gia dễ xơi – nó có năng lực hải quân ở mức độ vừa đủ có thể dẫn đến một cuộc ẩu đả có vũ trang với Trung Quốc. Nhìn chung, trong sáu tháng qua, chúng ta đã thấy Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn bao giờ hết trong việc theo đuổi tuyên bố của mình, và cho thời điểm này, nó đang thành công.

Chia sẻ trang này