1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Các bạn ơi, chưa có bài nào nói về Thiền cả, Vào đây nhé?

Chủ đề trong 'Võ thuật' bởi humanaterer, 03/12/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Tien_Ky_Anh

    Tien_Ky_Anh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    20/10/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Bác HieuYen đã nói tới Thiền tông và hệ thống Công án ( sách Bích Nham Lục liệt kê khoảng 1700 công án ), thì chúng ta hãy trao đổi về Thiền tông nhé :
    Công án là tinh hoa của Thiền Tông, vốn là những câu hỏi mà Ý thức bình thường của con người không thể hiểu nổi, và khi một người học trò được thầy mình trao truyền cho một Công án, qua nhiều năm tháng miệt mài ôm trọn mối Nghi về Công án đó, nếu Cơ Duyên đến, người đó sẽ Ngộ.
    Phương cách chung khi tham công án là : treo nó trong đầu, không suy luận phân tích, diễn giải gì về nó, và chỉ ngày càng phát triển mối Nghi về công án đó, cho tới khi mối Nghi đó quá lớn, tới một lúc nào đó nó sẽ bùng nổ, và người ta sẽ có kinh nghiệm chứng Ngộ.
    Như HieuYen nói, người ta không thể hiểu về Công án, chỉ bởi nó nằm ngoài khả năng tư duy của con người. Nếu ai đó hiểu được Công án, đó là người đã có kinh nghiệm chứng Ngộ.
    Nhờ vào sự đặc biệt của Công án, Thiền tông không cần bất cứ kinh điển giáo lý nào, bởi họ cho rằng công án là phương tiện trực chỉ nhân tâm, đi thẳng vào Phật tính, nằm ngoài mọi giáo lý và được tâm truyền trực tiếp từ thầy sang trò. Hằng năm, các môn đồ Thiền tông Nhật Bản vẫn có ngày lễ đặc biệt, trong lễ đó, họ tung tất cả các kinh điển giáo lý của Đại thừa, Tiểu thừa, Mật thừa lên trời, rồi đốt sạch, và trong lúc kinh sách cháy, họ hát tuyên ngôn của Thiền tông :
    " Bất lập văn tự
    Giáo ngoại biệt truyền
    Trực chỉ nhân tâm
    Kiến Tánh thành Phật " .
    "Chân Không Diệu Hữu"
    Tiền Kỳ Anh
  2. Tien_Ky_Anh

    Tien_Ky_Anh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    20/10/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Đây là thư trao đổi của mình với một người đã tu Thiền tông lâu năm, một người rất nổi trên các diễn đàn Phật học : Nguyễn Đức Quý, nick là NguyenDucQuyZen ( đã ngoài 40 tuổi ). Qua bức thư này, mình mong bác Quý trực tiếp vào trao đổi với anh em trong box.
    -----------------
    " Gần đây, em đọc một số tài liệu nói rằng : cả ba tông phái lớn nhất của đạo Phật ngày nay đều xa rời con đường tu luyện của đạo phật nguyên thuỷ mà đức Thích Ca đã dạy : Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Tông. Theo huynh điều này thế nào ? Bởi em mới tìm hiểu, nhưng thấy hình như là vậy. Bởi hình như Phật Thích Ca không dạy câu chú nào cho mọi người ( nếu em nhớ không nhầm thì có sách còn nói là lên án thần chú ) - đó là cái không đúng của Mật tông.
    Còn Thiền Tông, với phương tiện là các công án, mà bản chất của các công án là những câu hỏi mà ý thức bình thường của con người không thể giải đáp nổi. Nhưng phương pháp tham công án lại không cho người ta dùng lý trí suy luận, mà phải treo nó trong đầu,để trực giác tự trả lời. Và đây là cách để làm cho lòng hiếu kỳ, tính tò mò của người luyện về công án mà họ theo đuổi càng ngày càng lớn dần ( Thiền gọi là Đại Nghi ), và khi lòng hiếu kỳ đó bị dồn nén tới mức độ nào đó, thì nó sẽ bùng nổ, và người ta Ngộ ( đại Nghi đại Ngộ). Nhưng bản chất của quá trình này là : Ức chế Tâm tới mức tột độ, và khi Ý thức bị dồn nén lâu ngày, nó sẽ bùng nổ, và cái nằm ngoài ý thức sẽ xuất hiện để giải đáp công án.
    Theo tài liệu đó, thực chất người Ngộ trongThiền tông chỉ đạt được một loại Định nào đó, mà chưa Giải Thoát thực sự. Bởi bản thân người viết tài liệu đó đã tu Thiền tông mấy chục năm, khai Ngộ cả 1700 công án, nhưng nhận ra vẫn còn tham , sân , si. Và đi đén kết luận : Thiền tông không thể làm người Giải Thoát thật sự, mà chỉ hướng tới sự triệt Ngộ. Em cũng đọc một số sách về Thiền tông của Nhật, họ công nhận rằng : người Ngộ bằng công án, vẫn chưa bỏ được thói quen xấu, do lậu hoặc từ nhiều đời còn tồn đọng, và nhiều khi đạo đức, lối sống còn chưa bằng người bình thường.
    Nhưng điểm quan trọng nhất mà tài liệu đó nói tới là : tất cả các pháp ức chế thân tâm đều không đi tới Giải Thoát, mà chỉ dẫn người ta tới một loại Định nào đó, trong Định đó, người ta có trí tuệ, có thần thông. Bởi đức Thích Ca ngày xưa tu theo những pháp ức chế thân tâm đó, thì cao nhất chỉ đạt tới Phi tưởng phi phi tưởng định. Mà quả thực em thấy tham công án thực sự rất ức chế tâm, mà nếu không có sự ức chế càng ngày càng mãnh liệt đó, thì chắc là khó có thể Ngộ được. Vấn đề này ý kiến của huynh thế nào, vì chắc huynh luyện công án nhiều, nên có nhiều kinh nghiệm.
    Còn với Mật tông, thì phương tiện là chú. Bản chất các câu chú là những âm thanh vi tế tích cực được chọn lọc từ các Luân Xa. Khi niệm chú, người ta áp đặt rung động của các câu chú này lên thân và tâm, và lâu ngày thân tâm sẽ đạt được rung động vi tế của câu chú đó. Nhưng quá trình này cũng gây ức chế rất lớn, và theo tài liệu trên, cứ pháp nào ức chế thân tâm, thì đều chỉ làm người ta phát triển Tưởng thức thuộc Tưởng uẩn ( cái này thì em không rõ lắm ), mà không bao giờ đưa đến rốt ráo thực sự. Em thấy điều này đúng lắm, vì em cũng có một thời gian luyện theo hệ thống Tan tra ( ananda marga) , và cuối cùng phải bỏ vì ức chế thân tâm - nhất là khi niệm chú . Bản thân những người thầy dạy cũng bị như vậy, nhưng theo lý giải của họ thì đó là do quá trình đốt Nghiệp, và thân tâm phản ứng?...
    Còn với Tịnh Độ, thì tài liệu đó nhấn mạnh rằng Phật Thích ca không dạy người ta cầu khấn một ai, không dạy đệ tử cầu khấn mình, mà tinh hoa của Tịnh Độ là 6 chữ : " Nam mô a di đà Phật ", đã thấy rõ chủ trương đi lạc đường.
    Tài liệu đó nêu ra quan điểm của Phật pháp nguyên thuỷ, và nhấn mạnh điều cốt lõi trong pháp nguyên thuỷ khác hẳn với ngoại đạo và các pháp sai lệch hiện nay : là pháp nguyên thuỷ không ức chế thân tâm.
    Con đường căn bản là : ngay vào đầu không dạy người ta tập trung, bởi khi chưa kiểm soát được dục vọng mà đã gom tâm trí lại, thì nhất định sẽ bị ức chế, dù người ta cố gắng thư giãn thả lỏng đến mấy. Và người ta phải luyện xả tâm, xả bỏ dục vọng trong cuộc sống hàng ngày, cho đến khi nào kiểm soát được tham ,sân , si theo ý muốn ( tất nhiên chưa xoá bỏ được ), thì mới được vào Thiền.
    Điều then chốt mà em nhận thấy trong pháp này là : khi xả bỏ ddược Tham sân si, thì Tâm sẽ tự rơi vào Định, mà không cần phải cố gắng tập trung tư tưởng. Điều này em thấy vô cùng đúng, bởi khi luyện những môn khác, khi ngồi cố gắng tập trung, nhất định mình sẽ bị ức chế, và thỉnh thoảng lắm mới nhập được vào sâu, nhưng cái sâu đó vẫn trong sự ức chế. Trong khi nhiều hôm, tự dưng tinh thần thanh thản, an tĩnh, thì chả cần tập trung cố gắng gì, chỉ cần ngồi xuống, là vào sâu hun hút mà không có bất cứ sự căng thẳng ức chế nào.
    Phải chăng điều mà pháp kia nói đến đúng là pháp nguyên thuỷ ? Phải kiểm soát được tham sân si rồi mới được nhập Thiền. Nếu chưa kiểm soát được tham sân si mà nhảy vào Thiền, tập trung tư tưởng là thể nào cũng rơi vào Tưởng định ?
    Xin huynh cho biết ý kiến, vì điều này cũng làm em trăn trở ghê gớm. ".
    "Chân Không Diệu Hữu"
    Tiền Kỳ Anh
  3. nguyenducquyzen

    nguyenducquyzen Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    890
    Đã được thích:
    0
    Ồ thì ra bác Tien_Ky_Anh đã đưa PM của bác gởi cho em lên đây rồi à?
    Thế này thì em buộc phải dành thời gian để trả lời rồi. Nhưng xin các bác cho em xin khất lại vài ngày nhé, vì hiện nay em hơi bận, chưa thể trả lời cho các bác ngay được. Tạm thời xin các bác vào xem bài này của em nhé:
    BÀN VỀ THIỀN ÐỊNH CỦA ÐẠO PHẬT:
    http://www.thientongvietnam.huongsen.com/phpBB/viewtopic.php?t=31
    PS bác Tien_Ky_Anh: trời!!!!! sao bác lại khai tăng tuổi của em lên vậy??????? Em chưa đến 40 tuổi mà!!!!!
    Mời bạn đến thăm diễn đ àn Thiền và Phật pháp:
    http://www.thientongvietnam.huongsen.com/phpBB/viewforum.php?f=10
  4. gemmenoire

    gemmenoire Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    21/02/2002
    Bài viết:
    1.242
    Đã được thích:
    0
    Cho hỏi....nick cũ của bac nguyenducquy có phải là zen trong Box học thuật không ạ?

    Đời xanh như lá,.... bạc như vôi
  5. VXDTA

    VXDTA Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    07/11/2002
    Bài viết:
    657
    Đã được thích:
    0
    Thiện tai! Thiện tai!
    Tại sao cứ sa đà vào Công án? Còn Công án tức còn thắc mắc ức chế, sao giải thoát được?
    Học võ thành cao thủ phải theo các bước học hình, học ý, xóa hình, xóa ý, thuận thế nào theo thế đấy như nước chảy mây trôi vậy.
    Phật pháp nhằm giải thoát cũng vậy thôi. Phủ định tất cả, khẳng định tất cả, rồi không phủ định cũng không khẳng định, trung dung không day dứt ----> giải thoát rồi đó!
  6. Tien_Ky_Anh

    Tien_Ky_Anh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    20/10/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Trong lý luận Đạo học, quan trong nhất là phải xác định mình đang ở cấp độ tinh thần nào ! Đã thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của Nhị nguyên hay chưa ! Nếu đã đắc Đạo, đã thoát khỏi Nhị Nguyên, thì mới áp dụng được những lý quá cao siêu của kinh điển vào cuộc sống : " không phải thế này mà vẫn là thế này, là thế kia nhưng lại không phải thế kia,...". Nếu đã chứng được những trạng thái đó qua Thiền, hiểu về nó, thì mới áp dụng được. Còn nếu chưa chứng được những trạng thái đó qua Thiền, thì Không Thể Hiểu Được về nó, chứ đừng nói gì đến việc áp dụng.
    Ở đây, xác định chúng ta đều chưa có ấn chứng, cùng nhau bàn luận để mong cầu tiến bộ. Chứ nếu giải thoát mà đơn giản như vậy, thì mặc dù tôi chả hiểu gì, chả chứng đuợc gì về : " Săc Sắc Không Không, Sắc là Không, Không là Sắc,... ", nhưng tôi vẫn đem ra dạy cho người khác, và cuối cùng là cả thầy và trò đều mù tịt như nhau.
    Thế này bác ạ, theo tôi nghĩ, một người muốn phủ định tất cả khẳng định tấ cả, áp dụng lý đó vào cuộc sống, thì đó phải là người đã thấu triệt tới tận cùng của Tánh Không, đã rũ bỏ được hết tham sân si, không còn bị một cái gì ảnh hưởng lôi kéo, đã thoát khỏi luân hồi, thì mới trung dung không day dứt, thì mới giải thoát theo đúng nghĩa đạo Phật.
    "Chân Không Diệu Hữu"
    Tiền Kỳ Anh
    Được Tien_Ky_Anh sửa chữa / chuyển vào 10:17 ngày 11/12/2002
  7. nguyenducquyzen

    nguyenducquyzen Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    890
    Đã được thích:
    0
    Chào bác gemmenoire!
    Không phải đâu bác ạ!
    Cái nick đầu tiên em đăng ký trên ttvnonline và cũng là trên NET chính là cái nick nguyenducquyzen này! ngoài nick này em cũng còn một số nick khác nhưng không phải là zen! zen là bác khác.
    Mời bạn đến thăm diễn đ àn Thiền và Phật pháp:
    http://www.thientongvietnam.huongsen.com/phpBB/viewforum.php?f=10
  8. Tien_Ky_Anh

    Tien_Ky_Anh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    20/10/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Có phải bác Quý có nick nữa là Tiểu Thư Lọ Lem không ? Cái này thì em nghe ai đó nói trên Học thuật thì phải !
    "Chân Không Diệu Hữu"
    Tiền Kỳ Anh
  9. nguyenducquyzen

    nguyenducquyzen Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    890
    Đã được thích:
    0
    Xin chào bác Tien_Ky_Anh!
    Em xin được trả lời về các vấn đề bác hỏi như sau:
    Không phải là hiện nay Đạo Phật có 3 tông phái lớn nhất là Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Tông như bác viết. Đó chỉ là ba tông phái lớn nhất của Phật giáo Bắc tông (thường gọi là Đại Thừa) mà thôi. Thực ra thì hiện nay Phật Giáo trên thế giới được chia làm hai Hệ phái chính là: Bắc Tông và Nam tông(Theravada). Riêng ở Việt nam còn có thêm hệ phái Khất sĩ do Tổ Minh đăng Quang sáng lập. Để hiểu rõ sự phân pháu này chúng ta cần phải nghiên cứu về Lịch sử Phật giáo. Ở đây em xin giới thiệu một bài viết về vấn đề này của Bình Anson trên website Buddasasana: http://www.buddhanet.net/budsas/uni/1-bai/phap003.htm
    (Ngoài ra liên quan đến vấn đề này còn có nhiều bài viết khác ở đây: http://www.buddhanet.net/budsas/uni/index.htm)
    Mời bạn đến thăm diễn đ àn Thiền và Phật pháp:
    http://www.thientongvietnam.huongsen.com/phpBB/viewforum.php?f=10
  10. nguyenducquyzen

    nguyenducquyzen Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    890
    Đã được thích:
    0
    Mahayana và Theravada: Cùng một cỗ xe
    Bình Anson

    Phật giáo ngày nay có nhiều tông phái với các truyền thống khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta thường phân biệt hai tông phái chính: Phật Giáo Đại thừa - Mahayana, và Phật Giáo Nguyên thủy - Theravada. Phật Giáo Mahayana thịnh hành ở các nước Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Triều Tiên, và Nhật Bản. Trong khi đó, Phật Giáo Theravada được lưu truyền rộng rãi ở Tích Lan (Sri Lanka), Miến Điện, Thái Lan, Lào và Cam Bốt.
    Riêng Việt Nam có lẽ là một quốc gia Á Châu đầu tiên mà cả hai tông phái lớn nầy đều được chính thức thừa nhận và đã cộng tác hoạt động trong nhiều thập niên qua. Tông phái Đại thừa có một truyền thống lâu đời và đã có mặt tại Việt Nam do các tu sĩ Ấn Độ truyền sang vào cuối thế kỷ thứ II C.N [10, t. 47]. Tông phái Nguyên thủy cũng có mặt tại vùng đất nầy qua nhiều thế kỷ trong các cộng đồng người Khơ me (Cao Miên) tại miền Nam Việt Nam, và được truyền bá đến các Phật tử người Việt trong thập niên 1940 [11, t. 15]. Trong những năm gần đây lại có những dự án dịch thuật các kinh điển của cả hai truyền thống, từ các văn bản gốc tiếng Hán và tiếng Pali, sang tiếng Việt hiện đại.
    Trong bài viết ngắn dưới đây, tôi xin mạn phép trình bày sơ lược về nguồn gốc của Mahayana và Theravada, ***g trong bối cảnh lịch sử phát triển của đạo Phật tại Ấn Độ trong khoảng 1000 năm đầu tiên sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Tiến trình đó được tạm chia làm ba thời kỳ: thời kỳ nguyên thủy (100 năm), thời kỳ bộ phái (400 năm), và thời kỳ chuyển hóa (500 năm).
    1. Thời kỳ nguyên thủy
    Trong 45 năm truyền dạy đạo pháp, Đức Phật đã để lại rất nhiều bài giảng, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, cho nhiều người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Các bài giảng nầy thường được các vị tu sĩ đệ tử ghi nhớ, sắp xếp lại, truyền khẩu cho nhau, và dùng để giảng lại cho người khác. Khi được phân phối đi hoằng dương đạo pháp ở các vùng khác nhau, các bài giảng nầy thường được chuyển dịch ra tiếng địa phương và điều nầy được Đức Phật chấp nhận và khuyến khích [1, t. 42].
    Có một lần, hai vị đại đức Yamelu và Tekula xin phép Đức Phật để ghi chép và chuyển dịch những bài giảng của Ngài sang tiếng Vedic, vốn là văn tự của giới quý tộc dùng để phúng tụng kinh Vệ Đà, để bảo đảm tính nhất quán và chính xác của các bài kinh, nhưng Phật không đồng ý. Ngài cho rằng các bài giảng của Ngài phải được phổ biến đến mọi người qua ngôn ngữ địa phương để họ có thể nghe, hiểu và thực hành được [1, t. 43]. Cũng vì vậy mà dù rằng Đức Phật dùng tiếng Magadhi (Ma Kiệt Đà) để giảng pháp, nhưng các bài giảng đã được truyền khẩu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
    Sau khi Đức Phật nhập diệt, ngài Ma Ha Ca Diếp triệu tập một hội đồng gồm khoảng 500 tu sĩ tại vùng đồi núi ngoại thành Vương Xá (Rajagaha) để kết tập kinh điển, sau nầy được gọi là Đại Hội Kết Tập Lần Thứ Nhất. "Kết tập" có nghĩa là thu góp, tập hợp lại, ôn lại, đừng để cho tán thất. Tiếng Phạn là "sangiti", có nghĩa là cùng nhau tụng lại (chanting together). Trong Đại Hội nầy, ngài Ma Ha Ca Diếp là chủ quản, ngài A Nan Đa đọc lại các bài kinh giảng và ngài Ưu Ba Ly đọc lại các điều luật. Sau lần kết tập đầu tiên nầy, bộ Luật Tạng và bộ Kinh Tạng được đúc kết [2, t. 69]. Lúc ấy, Kinh Tạng được chia ra thành 4 bộ chính: Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, và Tăng Chi Bộ.
    2. Thời kỳ bộ phái
    Sau đó, nhiều phái đoàn truyền giáo được gửi đi các nơi để hoằng dương đạo pháp, từ miền Trung Ấn đến mạn Nam và mạn Tây xứ Ấn Độ. Trong thời kỳ nầy có nhiều biến động, thay đổi bố cục chính trị giữa các vương quốc trong vùng, và vì thế có nhiều thay đổi trong sinh hoạt xã hội, tạo ảnh hưởng đến các sinh hoạt tăng đoàn, nhất là tại những nơi mà Phật giáo còn mới, chưa vững mạnh. Nhiều tu sĩ trẻ trong những vùng nầy bắt đầu cảm thấy có nhu cầu cần sửa đổi giới luật và lề lối sinh hoạt để phù hợp với đời sống địa phương.
    Một trăm năm sau ngày Đức Phật nhập diệt thì có một Đại Hội Kết Tập Lần Thứ II tại thành Vaisali với 700 tu sĩ, mục đích chính là để giải quyết các tranh chấp về 10 điều luật căn bản, trong đó có luật cấm các tu sĩ thu nhận vàng bạc do dân chúng cúng dường [2, t. 80]. Nhưng thêm vào đó, Đại Hội cũng duyệt lại các kinh điển, và kết tập một số bài kinh giảng không được đúc kết lúc trước. Đó là những cơ sở để thành hình bộ kinh thứ 5, Tiểu Bộ, về sau nầy [3, t. 50-56].
    Vì Đại Hội quyết định giử nguyên 10 điều giới luật căn bản mà không sửa đổi, một số tu sĩ trẻ không hài lòng và bắt đầu có khuynh hướng ly khai. Đây là mầm mống đưa đến sự phân chia đầu tiên trong tăng đoàn: bộ phái Trưởng Lão Thuyết Bộ (Sthaviravada) gồm các tu sĩ có khuynh hướng bảo thủ, và Đại Chúng Bộ (Mahasanghika) gồm các tu sĩ có khuynh hướng cải cách [2, t. 81].
    Một trăm năm sau đó, một Đại Hội Kết Tập Lần Thứ III được triệu tập dưới thời vua A Dục (Asoka), 268-232 T.C.N. (Trước Công Nguyên). Dưới sự chỉ đạo của ngài Mục Kiền Liên Tu Đế (Moggaliputta Tissa), Đại Hội nầy gồm khoảng 1000 tu sĩ đúc kết Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng. Kinh Tạng (Sutta Pitaka) giờ đây gồm 5 Bộ Kinh: Trường Bộ, Trung Bộ, Tiểu Bộ, Tương Ưng, và Tăng Chi [2, t. 109]. Thêm vào đó, tổ chức tăng đoàn theo truyền thống Trưởng Lão Thuyết được chấn chỉnh lại theo đúng các giới luật.
    Trong thời kỳ nầy, Đại Chúng Bộ bắt đầu phân chia ra thành nhiều tông phái. Nhiều nhà sử học ghi nhận có tất cả bốn lần phân chia, tổng cộng là 7 tông phái trong vòng 200 năm. Bên cạnh đó, Trưởng Lão Thuyết Bộ cũng bị phân chia bảy lần, tạo ra mười một tông phái [2, t. 111]. Vì vậy mà ngày nay có nhiều sách viết về "mười tám tông phái", cộng thêm với hai bộ phái đầu tiên [4, t. 123]. Tuy nhiên, cũng có sách đã liệt kê đến 34 tông phái [2, t. 115].
    Vua A Dục là một vị vua rất sùng bái đạo Phật, và đã đóng góp rất nhiều trong công cuộc phát huy đạo pháp. Ngài đã gửi nhiều phái đoàn đi truyền giáo nhiều nơi. Trong đó có Đại đức Mahinda, một trong những người con của ngài, cùng với 4 vị tu sĩ được gửi sang đảo Tích Lan để truyền bá đạo Phật. Một mặt khác, đạo Phật cũng được phát triển rộng rãi ở mạn Tây Bắc, và trung tâm Phật giáo ở Kashmir trở thành một trong những trung tâm chính thời đó. Trong thời kỳ nầy, các tư tưởng Đại thừa bắt đầu thành hình, và thâm nhập vào một vài tông phái của Đại Chúng Bộ, chẳng hạn như tông Thuyết Xuất Thế Bộ (Lokottaravadin).
    3. Thời Kỳ Chuyển Hóa: Theravada
    Khi Đại đức Mahinda và phái đoàn truyền giáo sang Tích Lan, ngài được vua Tích Lan giúp xây cất một ngôi chùa lớn, gọi là Đại Tự Viện (Mahavihara), và từ đó thành lập tông phái Đại Tự Viện ở xứ nầy. Một trăm năm sau thì một ngôi chùa khác, tự viện Vô Úy Sơn (Abhayagiri), được xây cất và các tu sĩ ở chùa nầy bắt đầu tạo ảnh hưởng lớn mạnh ở Tích Lan. Thêm vào đó, cũng có nhiều nhóm tu sĩ với khuynh hướng đại thừa từ Ấn Độ sang hoạt động tại xứ nầy, nhưng không có ảnh hưởng sâu rộng. Sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai tông phái nguyên thủy Đại Tự Viện và Vô Úy Sơn kéo dài qua nhiều thế kỷ, và chỉ chấm dứt vào khoảng thế kỷ thứ 12, khi nhóm Đại Tự Viện được vua Parakkamabahu chính thức thừa nhận, kết tạo thành tông phái Theravada như chúng ta thấy được ngày nay.
    Vào những thập niên cuối cùng trước công nguyên (29-17 T.C.N.), khoảng 500 tu sĩ phái Mahavihara tập họp lại và bắt đầu cho viết các bộ Kinh, Luật và Thắng Pháp trên một loại giấy bằng lá bối đa. Lần đầu tiên, sau gần 500 năm truyền khẩu, ba bộ Tạng được ghi chép hoàn toàn trên lá bối, và từ đó bộ Tam Tạng kinh điển hệ Pali được tạo ra và lưu truyền cho đến ngày nay. Đó là Đại Hội Kết Tập Lần Thứ IV. Sở dĩ văn tự Pali được dùng vì đó là ngôn ngữ chính thống miền Tây Ấn và là ngôn ngữ sử dụng bởi ngài Mahinda. Nhờ tình trạng xã hội tương đối ổn định và đảo Tích Lan tương đối biệt lập nên các bộ Tam Tạng nầy đã được gìn giữ nguyên vẹn, dù rằng trong khi sao chép chuyển truyền từ đời nầy sang đời khác, có thể có một vài sửa đổi, sơ sót. Nhưng đó chỉ là các đoạn nhỏ, không quan trọng [3, t. 59-60]. Từ đó, Đại Tạng Kinh được truyền bá sang các nước lân cận như Miến Điện, Thái Lan, Lào, và Cam Bốt. Ngoài ra, một số các bài luận thuyết của các danh sư trong thời kỳ nầy, như bộ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) của ngài Phật Âm (Buddhaghosa) trước tác trong thế kỷ 4 C.N., bộ Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammattha Sangaha) của ngài Anuruđha, ... cũng được quý trọng, gìn giữ và lưu truyền cho đến ngày nay.
    Danh từ Theravada là tiếng Pali, đồng nghĩa với chữ Sthaviravada của tiếng Sanskrit, có nghĩa là giáo thuyết của các vị trưởng lão (Doctrine of the Elders). Sách Tàu thường dịch là Trưởng Lão Bộ, có khi dịch là Thượng Tọa Bộ, nhưng dịch sát nghĩa là Trưởng Lão Thuyết Bộ, là một trong hai bộ phái chính từ thời kỳ nguyên thủy. Tuy nhiên, danh từ Theravada ngày nay thường được dùng để chỉ truyền thống Phật giáo Nam tông, bắt nguồn từ Tích Lan, chịu nhiều ảnh hưởng của nhóm Đại Tự Viện (Mahavihara), do Đại đức Mahinda và các tu sĩ thuộc tông phái Phân Biệt Thuyết Bộ (Vibhajyavada), một nhánh của Trưởng Lão Thuyết Bộ, truyền bá vào Tích Lan khoảng 200 năm trước Công nguyên. Có sách cho rằng thật ra, ngài Mahinda thuộc truyền thống Xích Đồng Diệp Bộ (Tamrasatiya), bộ phái của các tu sĩ mặc y màu đồng đỏ và là một nhánh nhỏ của Phân Biệt Thuyết Bộ [12, t.17-18]. So với các tông phái khác vẫn còn hoạt động ngày nay, truyền thống Theravada có thể được xem như là một truyền thống tương đối lâu đời nhất, tương đối gần với thời kỳ nguyên thủy nhất.
    (Còn tiếp)
    Mời bạn đến thăm diễn đ àn Thiền và Phật pháp:
    http://www.thientongvietnam.huongsen.com/phpBB/viewforum.php?f=10
    Được nguyenducquyzen sửa chữa / chuyển vào 10:47 ngày 11/12/2002

Chia sẻ trang này