1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Các CLB Thư pháp Việt Nam

Chủ đề trong 'Nghệ Thuật Thư Pháp' bởi duongphuongbay, 09/05/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Các CLB Thư pháp Việt Nam

    CLB Thư pháp ''''Cảo Thơm Thư Hiên''''​

    Một góc đường Bà Triệu lá vàng phủ kín lối, mái đầu bạc chăm chú trên trang giấy dó hay những bức hồng điều, họ đang tạo nên các bức hoạ với giấy mực đơn sơ mà gửi gắm vào đây tâm nguyện lớn lao: lưu giữ và truyền lại một nét văn hoá xưa cho người đời nay. Đó là những thành viên trong câu lạc bộ thư pháp ''''Cảo thơm thư hiên''''.

    "Ngay từ sau tết dương lịch đã có rất nhiều người tìm tới đây xin chữ'''', bác Hồng Thanh mỉm cười nói. Trong căn nhà tuyềnh toàng, bộn bề giấy và bút, bác giảng giải cho tôi nghe ý nghĩa một dòng đề từ còn chưa ráo mực. Qủa đúng như tên gọi ''''áng văn chương thơm thảo'''', câu lạc bộ được thành lập với ước mong của những người tâm huyết, xin lưu lại hậu thế một chứng tích cho sự hiện diện của mình ở quãng đời bộn bề sự việc này. ''''Thầy không muốn thờ ơ với mình và không muốn ghẻ lạnh với người, thầy không muốn lại có một nỗi lòng đầy hoài niệm trước cảnh: Lá vàng rơi trên giấy - Ngoài trời mưa bụi bay - như cụ Vũ Đình Liên đã từng viết", thầy Thế Anh tâm sự. Hơn 10 năm vắng bóng, quãng thời gian dài tưởng chừng như cảnh cứ mỗi độ cuối đông , ở một góc nhỏ trên phố Hàng Buồm, ông đồ già trải chiếu cùng nghiên bút, lặng lẽ góp với đất trời chút xuân đã đi vào ký ức, nay lại trở về và đang thực sự khởi sắc, sống động hơn

    Một tác phẩm tồn tại với thời gian phụ thuộc vào cái hồn tác phẩm. Cái hồn ấy lại sống được nhờ vào tâm người tạo ra nó, cái tâm của người thưởng thức nó. Tôi đã tìm thấy sự đồng điệu của tấm lòng người cho và xin chữ trong một buổi chiều bảng lảng. Người bán tranh chữ bắt đầu dọn hàng, thầy Thế Anh cũng lục tục sắp sanh giấy mực thì một cậu sinh viên tìm đến xin chữ không biết để tự chiêm nghiệm cho bản thân hay tặng bạn bè, chiếc bàn nhỏ đã bị công an thu hồi sáng, thế là một trẻ cúi lưng, tờ giấy dó được trải rộng, một già vững nét bút viết nên chữ ''''Tâm'''' với sự trân trọng hiếm thấy. ''''Mang cái nghiệp chữ nghĩa không thể tính toán được đâu con ạ. Có hôm thầy đang viết chữ cho khách, thấy một người ăn mày rách rưới quanh quẩn, chăm chú nhìn mấy bức thư pháp ***g khung kính, biết rằng vì sa cơ lỡ vận nên phải cầm lòng xin bố thí chứ nhất định ông ấy cũng là người học hành. Thầy viết tặng một chữ, ông ấy cứ cảm ơn mãi'''', vẻ ấm áp hiện hiển rõ trong đôi mắt hiền từ của người thầy đầu tiên dạy tôi cách cầm ngọn bút lông. An nhiên, tự tại, thoát trần mà cao quý làm sao những con người mong giữ lại cái hơi khí truyền thống của ông cha. Nhớ Tết năm nào đi qua đây còn có chút chạnh lòng bởi giữa phố phường đông đúc, từng bức viết treo trên hàng rào sắt sao như lạc lõng thế?

    ''''Người xin chữ năm nay đông lắm, mà phần nhiều lại là sinh viên và cả học sinh phổ thông. Mọi năm ngoài 23 tháng chạp, các bác mới ra viết, năm nay nhiều người biết tìm vào tận nhà'''', bác Thanh lên tiếng. Người xin chữ phần lớn lại thích viết vào giấy hồng điều, giấy hoa tiên (giấy dó nhũ điệp vẽ hoa văn) hoặc lụa hồng để treo tết cho đỏ đắn. Cũng có người hiểu biết, vẫn xin được viết trên giấy dó truyền thống.

    Thầy Thế Anh giảng giải cho tôi, mực tàu mà phải là mực thỏi mài viết trên giấy mới không bị nhoè. Nét chữ mới sắc, mới lộ được hết phong khí của người viết. Thứ mực nước bán sẵn không thể phù hợp được với loại giấy vốn đã rất mỏng và khó tính này. Có thể nói, ở tất cả các công đoạn sản xuất - từ bóc vỏ dó, ngâm và giặt dó, giã dó, nấu dó, lọc dó, xeo giấy, đến đóng gói kiện giấy và vận chuyển đi bán - đều hết sức vất vả. Làm giấy thủ công trước đây hầu như hoàn toàn phải bằng sức người, bằng đôi tay trần của người thợ. Sản xuất giấy cần rất nhiều nước, mà phải nước sạch, lại phải cần lửa, để đốt lò nấu bột dó. Xưa kia, ở làng Yên Thái, người ta chọn ven bờ sông Tô Lịch để làm nơi sản xuất, ngâm, đãi, nấu dó. Những cái vạc lớn nấu bột dó đặt trên các lò đắp đất trên bờ sông. Cạnh đấy là bãi sông - nơi ngâm, giậm và đãi vỏ dó. Trên bờ sông ấy có giếng nước rất sâu, trong mát, đã nổi tiếng một thời ở Thăng Long xưa. Dó nấu chín, ngâm nước vôi, được đem giã nhuyễn bằng cối lớn, chày tay....

    Thế là trong từng phần góp nhặt lên một tác phẩm hoàn chỉnh đều đòi hỏi tâm lực của không ít con người lao động. ''''Phải biết gò lưng mài mực, biết cọ rửa nghiên đựng cho tới khi các đầu ngón tay dính đen bởi thứ mực thuỷ chung, biết vung nét bút khi mềm như gió thoảng, khi cứng thì như ngọn núi vững chãi, con mới hiểu được hết thế nào là cái Nhẫn trong tự bản thân mình''''.

    Một người nước ngoài từng nói với tôi rằng, ông thích Huế vì tính cách con người, ông mê Đà Lạt vì cảnh vật và yêu Hà Nội bởi nơi này luôn giữ được phong khí từ ngàn xưa. Mùa xuân sắp tới, một nét xuân giản dị trong bức tranh chung muôn hồng nghìn tía sẽ lại được tạo nên từ những con người với ước mơ bình dị trong câu lạc bộ thư pháp mà tôi có dịp may được tiếp xúc. (vnn)
  2. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    CLB Thư hoạ Thăng Long - CLB UNESCO Thư pháp Việt Nam

    ''''Một giọt nước nhỏ không làm nên biển cả, nhưng mênh mông đại dương là do những giọt nước nhỏ hợp thành", CLB Thư hoạ Thăng Long ra đời cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
    Nhớ lại những ngày đầu thành lập, CLB chỉ có ba người hàng tuần cùng nhau trao đổi, học tập, thể hiện ý tưởng của mình qua các bức thư pháp. Dần dần CLB đã thu hút thêm một số cán bộ hưu trí và hoạ sĩ trẻ. Sự phát triển của CLB trải qua một quá trình tiệm tiến như .
    Trên cơ sở CLB Thư hoạ Thăng Long, CLB UNESCO Thư pháp Việt Nam được ra đời. ngày 10/8/1999. CLB đã tổ chức thành công cuộc Triển lãm Xuân Nhâm Thìn 2000-một cuộc triển lãm thư pháp có tính chất toàn quốc-đầu tiên ở Việt Nam. 80 bức thư pháp của trên 40 tác giả trong nước từ vị lão nho như Lê Xuân Hoà, Nguyễn Văn Bách đến các sinh viên trẻ như Nguyễn Đại Cồ Việt, Phan Thị Minh Bạch...Tiếp theo là Triển lãm Xuân Tân Tỵ tại Nhà Thái học (Văn Miếu). Triển lãm lần này còn có các câu đối, hoành phi chuẩn bị cho Nhà Thái học và những tác phẩm thể hiện trên gốm sứ, gò đồng.
    Tại Lễ hội mùa xuân tôn vinh văn hoá dân tộc năm Nhâm Ngọ, CLB đã cử người tham gia viết chữ ở Vườn Giám, quyên góp ủng hộ đồng bào nghèo ăn tết. Kết quả trong hai ngày 28 và 29 tết đã thu được 500.000 đồng góp cùng Ban tổ chức gửi vào quỹ nhân đạo.
    Mục tiêu chính của CLB Thư pháp UNESCO Việt Nam là đoàn kết những nhà thư pháp và người yêu thích thư hoạ, tạo điều kiện để họ gặp và trao đổi, thưởng thức và sáng tác thư pháp. Nghiên cứu sưu tầm, bảo vệ và phát huy những tinh hoa nghệ thuật thư pháp Việt Nam qua di bút của các bậc tiên nho ở các thời kỳ với tư cách là một bộ phận của nền văn hoá dân tộc. Giao lưu văn hoá trong lĩnh vực thư pháp với các nước trong khu vực và trên thế giới.
    CLB đã hai lần giao lưu với Hội Thư pháp truyền thừa Đài Bắc và tham gia một phần vào việc tổ chức triển lãm thư pháp ''''Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh'''' do nhà thư pháp Lỗ Nguyên ở Đông Hưng ở Quảng Tây. Đồng thời kết hợp với Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng tiếng Trung Quốc (514A Láng Trung) mở lớp dạy thư pháp do Phó chủ nhiệm CLB Trần Quốc Chí đảm nhiệm hay tổ chức các buổi sinh hoạt giao lưu viết chữ hàng tuần hàng tháng ở 41B Nguyên Hồng, 47 Hàng Quạt, ở hồ Nghĩa Tân, quán trà Hi Lạc....
    Qua nhiều năm chiến tranh, Thư pháp-ngành nghệ thuật gắn liền với sự phát triển của lịch sử, văn hoá dân tộc Việt Nam đã bị ngừng trệ. May mắn trong dân gian còn có một só vị túc nho, rải rác đây đó viết chữ Hán đẹp phục vụ cho việc xây dựng tôn tạo các di tích văn hoá lịch sử trong nước. Sự ra đời và hoạt động của các CLB Thư pháp đã tạo điều kiện phát triển cho nhiều người có tâm huyết muốn chấn hưng nghệ thuật dân gian độc đáo này. (vnn)
  3. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Câu lạc bộ Thư pháp sinh viên ngành Hán Nôm Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)​
    Bắt đầu từ nhu cầu học tập và nghiên cứu chữ Hán, Câu lạc bộ Thư pháp sinh viên ngành Hán Nôm Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã được thành lập và hoạt động trong gần một năm trở lại đây. Ban đầu mục đích Câu lạc bộ Thư pháp nhằm giúp các thành viên tìm hiểu, thưởng ngoạn và sáng tạo nét đẹp thư pháp. Nhưng cho đến nay, hoạt động thư pháp của câu lạc bộ đã thực sự lan rộng và đã thu hút số lượng lớn các bạn sinh viên và khách hàng tham gia.
    Theo cô Vũ Xuân Bạch Dương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp sinh viên, hình thức thư pháp gồm khoảng sáu đến bẩy loại chữ nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo thời gian phát triển, người Trung Quốc sáng tạo ra nhiều lọai chữ như: chữ Triện, chữ Lệ, chữ Hành, chữ Thảo, chữ Khải? Và Thư pháp chính là cách thức viết thể hiện những loại chữ này. Về mặt thẩm mỹ, ngoài một số nguyên tắc chung, Thư pháp phụ thuộc chính vào sự sáng tạo và tính cách của người viết.

    Thư pháp thường ghi những bài thơ, những câu danh ngôn, lời dạy của những đức thánh hiền? Khi những bức thư pháp được treo lên tường, người ta có thể tự nhìn vào đó mà ghi nhớ và tự nhắc nhở mình thực hiện theo những điều hay ý đẹp trong thư pháp.
    Hiện nay, vào những ngày lễ lớn là Câu lạc bộ Thư pháp sinh viên lại được tổ chức hoạt động sôi nổi. Tùy theo mỗi loại hình chữ viết thư pháp, mỗi loại giấy mực thể hiện khác nhau mà giá mỗi thư pháp được bán cho các bạn sinh viên hoặc khách hàng từ 20 đến 70 ngàn đồng. Số tiền này lại xung vào công quỹ giúp các bạn sinh viên có hoàn cảnh nghèo trong khoa Hán Nôm.(vnn)
  4. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Giới thư pháp Hán Nôm Huế
    Từ lâu, Huế đã nổi tiếng là chốn thần kinh văn võ đua tài. Những tên gọi của Nhà Đồ, cống Lương Y... đến nay đủ cho thấy ở đây từng hội tụ biết bao thầy đồ, ông cống tài hoa. Theo năm tháng, người mai một dần, song dứt tuyệt thì không. Vẫn còn những người lặng thầm đeo đuổi chút nghiệp từ lâu đã được gọi là "hồn muôn năm cũ".
    Rất nhiều người Huế không biết rằng, ông giáo già người Quảng Ngãi ở trong căn phòng nhỏ của khu tập thể số 5, đường Hà Nội, là một trong số ít những nhà thư pháp hiện nay ở Huế. Theo bút nghiên chữ Hán từ ngày để chỏm, học ở người bác ruột, ở ông thầy đồ trường làng, rồi tự nghiên cứu sách vở, nay đã 77 tuổi, ông giáo già Nguyễn Đình Thảng vẫn cứ là người linh hoạt mỗi khi cầm đến cây bút lông. Mấy mươi năm dạy học, hết ở Hà Nội lại vào nam, cuối cùng dừng chân ở Huế, ở đâu thầy cũng dành thời gian cho việc luyện rèn nét bút. Để rồi cũng như những bậc thư pháp đồng trang Lê Xuân Hòa, Nguyễn Văn Bách đất Hà thành, thầy Thảng sống lặng trầm trong góc đời thường, mỗi độ xuân về lại viết tặng đôi ba chữ cho đám học trò cũ hay mấy người quen.
    Đến với thư pháp trễ hơn, nhà sư Thích Phước Thành (chùa Châu Lâm - Huế) cũng có hơn 13 năm thực sự cầm bút. "Tôi học chữ Hán từ ngày quy y, đã mấy mươi năm rồi. Song mãi đến khi thầy trụ trì trong chùa ngỏ ý thâu nạp tôi học viết chữ, tôi mới hiểu mình đam mê điều gì. Tất nhiên, tôi không cầu tham cầu thắng, chỉ lấy thư pháp làm một cách rèn tâm đức cho mình!'', sư Phước Thành bảo vậy. Góc luyện thư pháp của ông là một mái lầu nhỏ sau chùa, nhìn vào núi xa, vô danh như chính cuộc đời tu hành tĩnh lặng. Thảng hoặc, mới có một vài người bạn yêu thích thư pháp ghé thăm, chuyện trò.
    Không suôn sẻ bằng, ông Nguyễn Khánh, dân Phú Lộc, cả một đời lang bạt tứ xứ, cận tuổi "không nên chơi vung bốn bể" mới cùng vợ con về Huế cư ngụ, tài sản mang theo chỉ là nỗi đam mê chữ Hán từ thuở "đầu trọc chăn trâu". Trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể Nhà máy chế biến thủy hải sản Huế, nhiều năm nay ông âm thầm ngồi luyện bút, chữ được chữ mất cũng đã hàng ngàn. Tự xem sở học của mình không nhiều như người khác, ông chỉ lấy "dụng tâm" đắp vào chỗ khuyết "dụng tài", thỉnh thoảng viết tặng đôi câu đối phúng điếu người ta, hay chép lại vài trang thơ cổ cho anh em thân hữu.
    So với ba bậc cao niên trên, thì Nguyễn Phước Hải Trung, cựu sinh viên ngữ văn Đại học Tổng hợp, cán bộ phòng nghiên cứu Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, là một gương mặt rất trẻ, vừa qua tuổi "nhi lập". Tính từ ngày biết chữ Hán đến nay, anh có 10 năm chẵn, trong đó hơn năm năm "ngồi trên núi" thư tịch triều Nguyễn và cổ văn. Hoàn cảnh đó cho phép anh đọc nhiều và tiếp cận gần hơn kho tàng văn học cổ. Từ biết thành ra thích, từ thích thành ra đam mê, Hải Trung theo thư pháp từ hồi nào không rõ, chỉ luôn tự thú rằng "mình có điều gàn dở, tập tành mãi cũng có thể tạm gọi là biết viết". Triển lãm thư pháp dịp Festival Huế 2000 mới đây là lần đầu anh thực sự thử sức và đã thành công. Tháng 12-2000, anh có tiếp một cuộc triển lãm ở Lào trong đợt tham gia chương trình giao lưu văn hóa Việt - Lào nhân dịp quốc khánh nước bạn, và nhận được nhiều cổ vũ khích lệ từ các nhà văn hóa.
    Có thể nói, trong giới thư pháp hiện nay ở Huế, những người như thầy Thảng, sư Phước Thành hay Hải Trung không nhiều. Song nếu đến Huế để dụng tâm tìm kiếm, nhiều người sẽ phải bất ngờ phát hiện ra, ở góc phố này, ngõ xóm kia, thể nào cũng còn một vài người đam mê cây bút lông nhưng chỉ lấy làm ý riêng một mình. Có người năm trước còn gặp, năm sau đã khuất mặt, như cụ Di ở đường Hàn Thuyên (Huế). Có người tâm ý đã nhiều năm, nhưng chỉ tự xem là có học chữ Hán, như các giảng viên trường đại học: thầy Ngô Thời Đôn, thầy Trần Đại Vinh, thầy Lê Cảnh Vững và một số tăng ni các chùa. Họ như một dòng chảy ngầm, không phô diễn ra mặt, với quan điểm chung "an bần nhi lạc đạo". Thêm cái chất Huế trầm tĩnh muôn năm đã khiến cho những người ưu ái Hán tự càng giấu kín mình.
    Thầy Thảng có lần bảo, người Huế vốn chuộng lễ tiết, có điều lễ tiết trang trọng nhất mà người Huế đề cao lại là cách cư xử thanh nhàn. Trong đó, điểm thanh nhàn nhất, lại là lối hành xử "nhân bất tri, nhi bất uẩn, (người ta không biết, mà không lấy làm buồn). Ông Nguyễn Khánh tâm tư: "Cụ Khổng đã dạy rứa thì chúng tôi dù chưa đáng là kẻ quân tử, nhưng theo học cái lý, cái chữ nhà nho, cũng phải tự răn mình sống sao cho được".
    Song, không phải nói vậy mà giới thư pháp Hán Nôm Huế quên nhiệm vụ giáo huấn truyền nghề cho đời sau. Dẫu không nói ra, nhưng giới Hán Nôm Huế ai cũng biết, thầy Thảng đến nay còn đang tìm "đồ đệ". Người trẻ trong "làng" như Hải Trung có ôm bút nghiên đến nhà thầy, nhưng cũng tự nhận mình "học lóm", chưa nhận được cái đạo tâm truyền của người cầm bút ở thầy. Ông Nguyễn Khánh cũng đau đáu nỗi niềm cần có người bàn chương luận chữ, biết đâu khi ông trăm tuổi về cội sẽ thay ông cầm cây bút. "Chữ tôi viết không là của tôi, mà là chữ của thầy của cha còn đó, hỏng đi một nét là thấy lòng buồn khôn kể rồi", ông than như vậy. Trong ngôi nhà tềnh toàng, vợ ông đã nhiều đêm bảo ông gàn dở, khi cứ ngồi viết đi viết lại mấy câu chữ Hán mà những sinh viên Huế nhờ cậy. "Người ta có lòng, mình không lấy lòng đãi thì không được. Mà cái lòng đó của kẻ đi sau, biết đâu mình đãi đúng mức, lại có thêm người tâm ý như mình". Khả quan hơn, sư Thích Phước Thành cho biết, sư hiện đang rèn luyện cho một vài chú tiểu nhỏ, nhằm chọn được người có thể phát huy hơn khả năng thư pháp của ông.
    Theo ông Nguyễn Khánh, nói đến thư pháp Hán Nôm, người Huế có thể tự hào, bởi Huế từng là nơi tụ hội của nhiều danh sĩ cũ, những ông đồ "khinh đời mắt trắng" mà chỗ ở, chỗ dạy của họ còn ghi dấu ở khu cửa Nhà Đồ hay cống Lương y, vùng Kim Long hay Nguyệt Biều... Trong rất nhiều ngôi nhà ở Huế, hiện vẫn còn treo những bức trướng, câu đối, hoành phi với mầu gỗ mầu sơn son thếp vàng đã bạc xỉn với thời gian, nhưng vẫn cứng cáp ngang tàng những nét khắc, nét chạm chữ Hán căn theo dấu mực của một bậc thư pháp gia nào đó, là vương tôn công hầu, hoặc chỉ là một hàn sĩ tài hoa. Những hình ảnh tâm đắc ấy cho phép người Huế hy vọng, sẽ khó mất đi một thú chơi, một nét văn hóa truyền thống như thư pháp Huế.
    Một giảng viên Hán Nôm trường đại học Sư phạm Huế cao hứng dẫn câu: "Thệ giả như tư phù, bất xá trú dạ" (của Khổng Tử) để ví cái dòng học Hán Nôm nghiền thư pháp của đất Huế, phải chăng sẽ cứ như "dòng nước xuôi chảy mãi không có nơi dừng". Chỉ biết đến bây giờ, ngày ngày thầy Thảng hay nhà sư thích Phước Thành vẫn miệt mài trau chuốt câu chữ, như mong gửi gắm lại được cho những kẻ đi sau chút "hồn muôn năm cũ" của mình!

Chia sẻ trang này