1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Các nhà văn tiền chiến (tác giả & tác phẩm chọn lọc)

Chủ đề trong 'Văn học' bởi julie06, 29/12/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Tác phẩm chọn lọc
    ***​
    Chuyện Ký Viên ​
    Ông Ký-viên, thuở còn đi học, dạo ra ngoài đồng, thấy có ba ông già chừng bảy, tám mươi tuổi, tóc râu trắng bạc, lum khum cuốc đất, công việc làm như kẻ còn trai. Ông Ký-viên hỏi: - Ba ông tuổi tác chừng ấy, tiếp dưỡng thế nào, mà sức lực còn mạnh thể ấy ? Một ông trả lời rằng: Thất nội cơ thô xú (nghĩa là trong nhà vợ thô kém); một ông đáp rằng: Vãn phạn giảm sổ khẩu (nghĩa là: cơm chiều bớt và miếng); ông thứ ba đối lại rằng: Dạ ngọa bất phúc thủ (nghĩa là: Đêm nằm chẳng úp đầu). Ông Ký-viên bèn nối ba câu ấy mà rằng : Chỉ tại tam tẩu ngôn, Sở dĩ thọ trường cửu (nghĩa là: ý chỉ thay lời ba ông, chỗ do sống lâu xa)
    Chính là lời dạy người ta muốn hưởng tuổi xa, thì phải tiết ẩm thực, viện sắc dục, vẫn hợp với lời Tiền Kiên ca rằng: Thượng sĩ dị phòng, Trung sĩ dị bị, phục dược bách lõa, bất như độc ngọa; (nghĩa là: kẻ thượng sĩ riêng phòng, kẻ trung sĩ riêng mền; uống thuốc trăm viên, chẳng bằng nằm riêng)
    Đính vận cả hai bài ca:
    Thất nội cơ thô xú
    Vãn phạn giảm sổ khẩu
    Dạ ngọa bất phúc thủ
    Chỉ tai tam tẩu ngôn!
    Sở dĩ thọ trường cửu.
    ( Trích Miscellanées)
    *** ​
    Chuyện tên Giáp ​
    Có tên dân nghèo, gần mãn tháng chạp, trong mình không có manh áo cho lành, nghĩ qua tết nhứt lấy chi mà ăn mặc, lén vợ vác một cây hèo ra núp xó mả, chờ có ai đi lẻ bọn chận mà ăn cướp. Hồi lâu thấy một người lom khom đi tới, anh ta vác hèo chạy ra, thì là ông già vác bao gạo đứng xó ró bên đàng, nói nội mình không có giống gì, chỉ có năm ba cân gạo mới xin bên thằng rể đem về ăn cho đỡ đói. Tên Giáp không nghe, giựt bao gạo, lại muốn lột cái áo rách của ông già, ông già năn nỉ lắm mới thôi. Giáp vác gạo về, vợ hỏi gạo ở đâu? Giáp nói dối rằng gạo người ta tụi tiền cờ bạc, chớ gạo ở đâu! Giáp nghĩ chước ấy hay, ngày sau lại ăn quen đi nữa, hồi lâu thấy một người vác đoản côn cũng tới tại gò mả, ngồi chồm hổm ngó mong, coi ý cũng là một người đồng đạo. Giáp thụt lui trở ra, tên kia thất kinh hỏi ai vậy? Giáp nói là người đi đàng. Hỏi sao không đi? Giáp nói tôi đợi anh. Tên kia cười. Hai đàng hiểu ý nhau, nói chuyện nghèo khổ. Canh khuya không đặng vật gì, tên Giáp buồn ý muốn về. Tên kia nói: anh đi làm nghề, mà coi ý còn quê, xóm trước kia có nhà gả con lấy chồng, dọn dẹp cả đêm, lẽ nào cũng mỏi mệt, thôi anh theo tôi, có được sẽ chia đôi. Giáp mừng đi theo tới cửa ngõ, cách vách nghe nấu bánh, biết trong nhà chưa ngủ, rình bên vách. Một chặp có người mở cửa đi gánh nước, hai người lẻn vào, thấy đèn leo lét để đàng phía chái, nhà trong thì tối đen. Một người đờn bà nói: con hai chịu khó đi coi nhà trong, đồ đạc con để trong rương, không biết đã khóa chưa. Nghe tiếng con gái nho nhỏ, nói giọng chả chớt, làm biếng, hai người mừng thầm, ẩn bóng chạy vào nhà trong, mò nhằm cái rương, dở nắp thăm coi nghe sâu hóm. Tên kia nói thầm, biểu Giáp chun vào lấy được một gói đưa ra. Tên kia hỏi còn hết? Giáp nói hết. Tên kia gạt Giáp, biểu mò nữa, sẽ lén đậy nắp rương khóa lại rồi bước rảo đi mất. Giáp ở trong rương lúng túng một hồi, thấy đèn sáng rọi vào, nghe một người đờn bà nói: ai đã khóa rồi. Hai mẹ con đem nhau lên giường, tắt đèn mà ngủ. Giáp lục đục không biết làm chước gì mà ra cho khỏi, mới giả làm chuột cạp sột sột trong rương, đứa con gái nghe, kêu mẹ nói trong rương có chuột. Người mẹ nói: tao mệt quá, mầy phải đi coi kẻo nó cắn hết áo quần mầy. Đứa con gái chờ dậy lấy khóa mở rương, Giáp ở trong rương chờn vờn nhảy ra, đứa con gái hoảng kinh ngã ngửa. Giáp rầm chạy đại, dầu không đặng chi mà cũng mừng khỏi hoạ. Nhà gái bị ăn trộm đồn ra, có kẻ nghi cho Giáp. Giáp sợ trốn đi xứ xa, ở với nhà giàu làm thuê mướn; việc nguôi ngoai rồi mới dám trở về làm ăn, bỏ nghiệp du côn.
    Rút từ Chuyện giải buồn - cuốn sau.
    Bản in Quản hạt, Sài Gòn, 1895.

    Được julie06 sửa chữa / chuyển vào 09:55 ngày 30/12/2004
  2. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Thạch Lam (1909 - 1942)
    o0o​
    Tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân, sinh năm 1909. Quê nội làng Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam. Quê ngoại Cẩm Giàng, Hải Dương. Thuở nhỏ, Thạch Lam sống với gia đình ở quê ngoại, sau đó theo cha chuyển sang Thái Bình tiếp tục bậc tiểu học. Lớn lên, ông cùng gia đình chuyển ra Hà Nội, học trường Canh nông, rồi trường Trung học Albert Saraut.
    Thạch Lam bắt đầu hoạt động văn học từ 1932, thành viên của Tự lực văn đoàn. Ông tham gia biên tập các tờ tuần báo Phong hóa, Ngày nay. Thạch Lam mất vì bệnh lao năm 1942 tại Hà Nội.
    Tác phẩm chính: Các tập truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942), tiểu thuyết Ngày mới (1939), tập tiểu luận Theo dòng (1941), tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường (1943).
    01.Đứa con đầu lòng
    02.Nhà mẹ Lê
    03.Trở về
    04.Một cơn giận
    05.Người bạn trẻ
    06.Cái chân què
    07.Đói
    08.Một đời người
    09.Người lính cũ
    10.Người bạn cũ
    11.Hai lần chết
    12.Gió lạnh đầu mùa
    13.Bên kia Sông
    14.Người đầm
    15.Hai đứa trẻ
    16.Đứa con
    17.Trong bóng tối buổi chiều
    18.Đêm sáng trăng
    19.Cuốn sách bỏ quên
    20.Dưới bóng hoàng lan
    21.Tối ba mươi
    22.Cô hàng xén
    23.Tình xưa
    24.Sợi tóc

    Trong bài giới thiệu tập truyện ngắn Gió đầu mùa xuất bản trước cách mạng tháng Tám, Thạch Lam viết :
    "Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn".
    Có thể coi đoạn văn ngắn nói trên như là "Tuyên ngôn văn học" của Thạch Lam. Và quả thật, trong toàn bộ gia tài sáng tạo của Thạch Lam, hầu như không một trang viết nào lại không thắm đượm tinh thần đó. Là thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn, được coi là một trong những cây bút chính của nhóm ấy, song trước sau văn phong Thạch Lam vẫn chẩy riêng biệt một giòng. Đề tài quen thuộc của nhóm Tự Lực văn đoàn là những cảnh sống được thi vị hóa, những mơ ước thoát ly mang mầu sắc cải lương, là những phản kháng yếu ớt trước sự trói buộc của đạo đức phong kiến diễn ra trong các gia đình quyền quý. Thạch Lam, trái lại, đã hướng ngòi bút về phía lớp người lao động bần cùng trong xã hội đương thời. Khung cảnh thường thấy trong truyện ngắn Thạch Lam là những làng quê bùn lầy nước đọng, những phố chợ tồi tàn với một bầu trời ảm đạm của tiết đông mưa phùn gió bấc, những khu phố ngoại ô nghèo khổ, buồn, vắng ... Trong khung cảnh ấy, các nhân vật cũng hiện lên với cái vẻ heo hút, thảm đạm của số kiếp lầm than - Đó là mẹ Lê, người đàn bà nghèo khổ, đông con, góa bụa ở phố chợ Đoàn Thôn, là bác Dư phu xe ở phố Hàng Bột, là Thanh, Nga với bà nội và cây hoàng lan trong một làng quê vùng ngoại ô, là cô Tâm hàng xén với lối đường quê quen thuộc trong buổi hoàng hôn ... Tất cả những cảnh, những người ấy đều được mô tả bằng một số đường nét đơn sơ, thưa thoáng nhưng vẫn hết sức chân thực. Thạch Lam không hề gắn cho nhân vật của mình những hành động, những ý nghĩ khả dĩ có thể làm bi thảm thêm cuộc đời của họ. Trái lại ông cũng không như một số nhà văn lúc ấy vẫn thường khoác lên cảnh vật hoặc nhân vật thứ "ánh trăng lừa dối " như nhà văn Nam Cao đã từng nhận xét.
    Tác phẩm của Thạch Lam vì thế có nhiều yếu tố hiện thực tuy nhân vật không dữ dội như Chí Phèo, lão Hạc của Nam Cao, hay bị đày đọa như chị Dậu của Ngô Tất Tố ... Cái riêng, cái độc đáo, cái mạnh của Thạch Lam, chính là ở lòng nhân ái, và vẻ đẹp tâm hồn quán xuyến trong mọi tác phẩm của ông. Nhân vật Thạch Lam, bất luận ở hoàn cảnh nào, vẫn ánh lên trong tâm hồn cái chất nhân ái Việt Nam. Mẹ Lê nghèo khổ đến cùng cực nhưng vẫn nguyên vẹn là một bà mẹ cần cù, chăm chỉ chịu thương chịu khó, hết lòng vì đàn con. Liên và Huệ hai cô gái điếm, hai con người tưởng như vất đi ấy, trong đêm giao thừa ngồi khóc vì nỗi trơ trọi, thiếu quê hương và chán chường cho cảnh bèo bọt của thân phận mình. Thạch Lam đôi khi còn đặt nhân vật của mình vào vùng ranh giới tranh chấp giữa cái thiện và cái ác, để rồi tự bản thân con người bằng việc thức tỉnh của lương tri, của phẩm giá xác lập chỗ đứng tốt đẹp cho mình trong cuộc sống đầy bùn nhơ của xã hội cũ. Đó là trường hợp của nhân vật Thanh trong truyện ngắn Một cơn giận hoặc Thành trong truyện ngắn Sợi tóc.
    Đọc truyện ngắn Thạch Lam rõ ràng ta thấy yêu con người, quý trọng con người hơn. Và cũng từ đó ta thương cảm, nâng niu, chắt gạn từng chút tốt đẹp trong mỗi một con người.
    Sống rất ngắn ngủi (sinh năm 1909, mất năm 1942), Thạch Lam viết chưa nhiều. Một truyện dài : Ngày mới; một tập tiểu luận : Theo giòng; hai cuốn truyện cho thiếu nhi : Cuốn sách và Hạt ngọc; một tập ký : Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Phần quan trọng nhất, ba tập truyện ngắn : Nắng trong vườn, Gió đầu mùa, Sợi tóc.
    (...)

    trích Lời Nhà Xuất Bản
    tập truyện Gió đầu mùa
    Nhà Xuất Bản Văn Học
    Hà Nội - 1982

Chia sẻ trang này