1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Các tác phẩm Hồ Anh Thái

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi hoangvan09, 11/01/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0

    Hi, cuốn "Cõi người rung chuông tận thế" là truyện dài các bác ui. Các bác down từ thư viện của Tom Gud giúp iem nhé.
  2. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Một bài viết rất hay về văn HAT của NTTH:
    Hồ Anh Thái... và 3 trong 1
    (Sắp đặt và Diễn - tập truyện ngắn của Hồ Anh Thái, NXB Hội Nhà Văn và Công ty văn hóa Đông A)
    TT - Không phải ngẫu nhiên mà những người tuyển Sắp đặt và Diễn chọn 25 truyện ngắn khá tiêu biểu cho ba giai đoạn sáng tác của nhà văn Hồ Anh Thái, nếu lấy thời kỳ anh viết về Ấn Độ như một dấu mốc.
    Giai đoạn ?otiền Ấn Độ? với Chàng trai ở bến đợi xe, Mảnh vỡ của đàn ông, Những cuộc kiếm tìm... là ánh mắt trong sáng, tìm kiếm và hi vọng ở cuộc đời với những điều biết hay chưa biết qua những số phận, những cuộc đời mong manh đẹp, trong trẻo nhưng phảng phất buồn.
    Giai đoạn ?oẤn Độ? là Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Người Ấn, Thi nhân, Người đứng một chân, Kiếp người đi qua... thì sự trong sáng mang dáng dấp thư sinh đã ở lại sau lưng. Lúc này là sự chiêm nghiệm cuộc đời, nhân tình thế thái của người biết và ngộ ra nhiều điều với ánh mắt điềm đạm và thái độ cảm thông lão thực. Với nhiều độc giả, mảng viết về Ấn Độ của Hồ Anh Thái sẽ còn được đọc dài lâu.
    Mảng thứ ba là ?ohậu Ấn Độ? với Sắp đặt, Diễn, Bến Ôsin, Trại cá sấu, Lọt sàng xuống nia, Cả một dây theo nhau đi... thì ôi thôi, tất cả những gì làm nên một Hồ Anh Thái trước đây như thư sinh, trong sáng, hay trầm tư, triết luận đã vô thức hòa quyện ẩn sâu sau sự hài hước, hóm hỉnh và sắc sảo đến rợn người của câu chữ.
    Người đọc bị cuốn vào một thế giới đầy hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, như thể được tham gia một màn biểu diễn tung hứng ngọt ngào của những con dao - ngôn từ - sáng lóa, sắc lẹm, lanh canh những âm thanh ma lực, để rồi chìm dài trong nỗi khắc khoải đến tức thở về nhân tình thế thái, những thói hư tật xấu, những tham, sân, si của con người thời hiện đại.
    Gần như tất cả những nhân vật trong 25 truyện Sắp đặt và Diễn rơi vào những tình huống, những hoàn cảnh mang tính điển hình cho một số đông, với đa tầng ý nghĩa ẩn dưới bút pháp tài hoa không ngừng thay đổi trong con mắt hài hước cố hữu của tác giả.
    Mới thấy văn chương với Hồ Anh Thái đúng là một nghiệp với đa tầng phong cách biểu hiện, với một tiềm năng đọc mới và thấu suốt cuộc sống, con người, những gì mà với nhiều người khác đã trở nên cũ mèm.
    Cầm cuốn sách dày 420 trang, không tin rằng tác giả có thể lôi tuồn tuột mình đi từ đầu đến cuối nhanh đến thế. Trên chặng đường vừa đọc vừa thở dồn dập đó là cười, là khóc, là xót xa, là buồn, đến trang cuối cùng lúc nào không biết! Có cùng tham gia Sắp đặt và Diễn rồi, mới thấy cuộc đời này thật đáng giá, một cuộc đời đáng để yêu chứ không phải chỉ để sống mà thôi.
    NGUYỄN THỊ THU HUẸ
  3. anjingruyu

    anjingruyu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/09/2005
    Bài viết:
    207
    Đã được thích:
    0
    Bác hoangvan09 post bài làm iem sốt ruột quá, làm ơn mỗi ngày chép hộ 1 truyện, chỉ 1 tháng là được cả cuốn Sắp đặt và Diễn thôi mừ. Chị Huệ khen chắc là chính xác. Hay là bác lên list truyện trước , những truyện nào có ở trang trước rồi thì thui.
  4. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0

    Hồ Anh Thái với ''Sắp đặt và Diễn''
    Nguyễn Thị Thu Huệ
    Tuyển tập 25 truyện ngắn tiêu biểu cho 3 giai đoạn sáng tác của nhà văn Hồ Anh Thái "Sắp đặt và Diễn" vừa được NXB Hội nhà văn và công ty Văn hóa Đông A ấn hành. Dưới đây là cuộc trao đổi giữa nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về cuốn sách này.
    Nguyễn Thị Thu Huệ: Chà, Sắp đặt và Diễn, lại chạy theo xu hướng tìm tòi cách tân, một xu hướng nghệ thuật có vẻ như mới lắm đây đang thịnh hành khoảng dăm năm nay? Không biết đấy có phải là thời trang cần có của nghệ thuật hiện đại nói chung. Và bây giờ là Văn học?
    Phạm Xuân Nguyên: Có thể hiểu thế này, Hồ Anh Thái với Sắp đặt và Diễn là sắp đặt 3 giai đoạn sáng tác của mình. Giai đoạn tiền Ấn Độ với: Mảnh vỡ của đàn ông, Những cuộc kiếm tìm, Chàng trai ở bến đợi xe... là sự ngó nghiêng nhìn vào cuộc đời với sự tin cậy với những ước mơ, khát vọng.
    Giai đoạn "Ấn Độ" là: Người đứng một chân, Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Người Ấn, Kiếp người đi qua... lại là nhân sinh quan được chiếu rọi bởi những triết lý Phật giáo thông qua những số phận, mảnh đời tưởng như rất vô tình ngang qua nhưng thực ra là cả một kiếp người với bao nỗi sâu cay.
    Giai đoạn 3 là Bến Ôsin, Cả một dây theo nhau đi, Trại cá sấu, Sắp đặt, Diễn... hoàn toàn là sự thay đổi phong cách: Hài hước, châm biếm... và ám ảnh bởi những chi tiết.
    Nguyễn Thị Thu Huệ: Tôi đã gọi Sắp đặt và Diễn là 3 trong 1. Nếu sòng phẳng nói ra ý kiến của mình, anh thích 3 hay 2, thậm chí là 1?
    Phạm Xuân Nguyên: Sòng phẳng nhé. Tôi thích giai đoạn Ấn Độ. Đấy là Hồ Anh Thái. Chính hiệu.
    Nguyễn Thị Thu Huệ: Không biết tôi có đúng không khi hiểu nôm na rằng: Mỗi một giai đoạn đánh dấu một thời điểm sáng tác của nhà văn, phản ánh rất rõ nhân sinh quan, thế giới quan của người viết với chính mình, và với xã hội. Tôi đọc Hồ Anh Thái từ những giai đoạn đầu tiên, cho tới bây giờ. Nếu để nói từ thích, tôi lại thích nhất giai đoạn sau này. Cái sự thích ấy cũng bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Thích cách nhìn về nhân tình thế thái, về các góc khuất mặt của con người, đặc biệt là... giới văn nghệ sĩ thời nay. Thích cách "Ngộ" của Hồ Anh Thái trước cuộc đời, trước những Sinh, lão, bệnh, tử và những Tham, sân, si... để rồi thấy cuộc đời như bóng câu qua cửa, sống gửi thác về. Tôi không thấy những truyện tưởng chỉ để cười nếu đọc thoáng qua, như Bến Ôsin, Cây hoàng lan... hoá cây si chỉ đơn thuần là những chuyện cười cho vui, mà ở đây là cười ra nước mắt.
    Cũng không ít người than với tôi là lão này dạo này ghê gớm quá, mất đâu vẻ sâu xa trầm lắng ngày xưa? Cũng không ít người yếu bóng vía vừa đọc vừa giật mình, lạnh người chạnh lòng chột dạ ấm ức vì nghĩ tên này lại viết mình đây... Tôi không thích đọc văn chương theo kiểu không văn chương đó. Anh thấy sao?
    Phạm Xuân Nguyên: Kiểu đọc đó, tôi gọi ngắn gọn là: Có tật thì giật mình. Đúng là những truyện ngắn sau này Hồ Anh Thái thay đổi hoàn toàn bút pháp: Châm biếm đến ám ảnh. ?oÔng nhà thơ tiếng thơm phưng phức mấy chục năm qua, giờ móm hết, biếu gì ông cũng không ăn. Ông trịch thượng gọi nàng là mày xưng tao. Con kia, thơ phú làm cái khỉ gì, đấy là chỗ trốn của bọn lười học lười lao động mà lại thích nổi danh. Mày học hành thế nào, không bao giờ tiên tiến à, mày làm ăn thế nào, không bao giờ xuất sắc à, đấy, tao nói cấm có sai. Ông móm, lại ham nói, nước bọt cứ sùi ra hai bên mép như nòng nọc. Ông móm, thành ra có cho cái gì ông cũng chẳng xơi. Bù lại, chẳng xơi của ai cái gì, thành ra ông có quyền chửi thơ người này thối thơ người kia khắm. Cả hội viên lẫn mon men hội viên ai cũng kinh, thấy ông từ xa là tất cả thành thợ lặn? (Lọt sàng xuống nia)
    Nếu đọc mà chỉ để xem có bóng dáng mình hay không thì cũng giật mình thật.
    Nguyễn Thị Thu Huệ: Khi Sắp đặt và Diễn ra đời, một nhà báo có nói với Hồ Anh Thái và chúng tôi bên bàn cà phê: Chắc chắn có rất nhiều người ngày đêm mong Hồ Anh Thái sẽ mải mê với trăm công nghìn việc ngược xuôi hết Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam... đến mức có một ngày gác bút. "Điếu văn" đọc cho sự gác bút đó có câu: Từ rất lâu rồi, anh luôn làm cho chúng ta khó chịu. Bỗng có một ngày anh chợt làm cho chúng ta dễ chịu, đấy là ngày hôm nay!
    Phạm Xuân Nguyên: Tôi thì không tin có ngày Hồ Anh Thái sẽ gác bút, dù anh có đảm nhiệm những việc như chị vừa kê ra. Với Hồ Anh Thái, viết là một ?onghiệp chướng?, một niềm đam mê như bị ?oốp đồng?. Cho nên, ta không mong chờ gì về cái ngày mà anh làm cho một số ai đó cảm thấy dễ chịu chắc là không đến.
    Nguyễn Thị Thu Huệ: Trở lại vấn đề 3 trong 1 là cái mà ám ảnh tôi nhất. Đấy là vấn đề thay dổi phong cách. Tôi thấy Hồ Anh Thái không chỉ dũng cảm trong việc dấn thân tìm tòi cách biểu hiện khác với chính mình mà đấy là sự nỗ lực không ngừng trước một việc tưởng như đơn giản nhưng thực ra, là khó nhất đối với người sáng tác. Vậy mà anh đã làm được điều đó. Anh nói, anh thích loạt truyện Ấn Độ vì những triết lý sâu sắc ẩn chứa đằng sau mỗi thân phận hay câu chuyện. Tôi thì thấy loạt truyện sau này triết lý về Phật giáo ẩn chứa trong đó còn sâu sắc hơn. Có điều, tác giả dẫn ta đi theo một lối khác, cười đấy mà đau lòng đấy, mà thấm thía đấy, mà nhận ra những thông điệp của nhà văn sau mỗi câu văn. Đây là một đoạn Hồ Anh Thái dẫn lại sử thi Mahabharata trong truyện Một bà năm ông:
    ?o - Cái gì khô héo hơn cọng rơm khô.
    - Một trái tim đau buồn.
    - Cái gì mà người ta đánh mất lại đem tới niềm vui chứ không buồn bã?
    - Cơn giận. Vứt bỏ nó người ta sẽ không đau buồn nữa.
    - Cái gì lạ lùng nhất đời?
    - Ai cũng thấy chúng sinh đi về cõi chết, nhưng ai còn sống thì lại tìm cách sống đời đời kiếp kiếp. Đấy là điều lạ lùng nhất".

    Có lẽ, vì những quan niệm cực kỳ giản dị đó, mà tất cả cách cảm, cách nhìn, cách viết của Hồ Anh Thái giờ đây - cho đến lúc chúng ta ngồi nói chuyện về anh, đều đựơc phản chiếu qua một lăng kính của sự hài hước để cuộc đời không phải là cọng rơm khô.
  5. anjingruyu

    anjingruyu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/09/2005
    Bài viết:
    207
    Đã được thích:
    0
    Mấy hôm trước đi công tác, ôm "Tiếng thở dài ..." đi. Đọc lại vẫn thấy hay, dịu đầu. Mình ưa lối viết ấy. Còn chị Huệ làm phim nhiều nên chắc chắn ưa kiểu va đập trong Sinh Lão Bệnh Tử rồi. Chả biết chị Huệ sắp tới làm phim gì liên quan đến quyển 4 lối ấy không. Truyện HAT làm phim chắc hot.
  6. sayyes

    sayyes Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/09/2004
    Bài viết:
    23
    Đã được thích:
    0
    Bạn nào có truyện ngắn "Nham" của HAT không post lên đây luôn đọc cho vui đi (viết về chat bằng tiếng Việt không dấu ý). Mình tìm mãi mà chưa được.
    Thanks.
    Được sayyes sửa chữa / chuyển vào 19:29 ngày 03/12/2005
  7. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Hồ Anh Thái
    Sắp đặt
    (17/01/2005)
    Một tấm ảnh.
    Một lọ thuốc viên.
    Một túi du lịch mác Samsonite.
    Một bộ quần áo treo trong tủ.
    Người khách trọ phòng số 37 chỉ bày ra có bằng ấy thứ. Mười giờ sáng cô dọn phòng mở cửa vào thì ông khách đã đi vắng. Đàn ông. Bộ quần áo treo trên mắc trong tủ xác nhận. Quần dài khoảng 1,1m. Áo sơ mi cỡ 42. Một người đàn ông cao ráo tầm thước. Căn phòng thoáng một hương vị đàn ông.
    Tấm ảnh đen trắng chắc phải chụp từ hơn hai chục năm trước. Hồ Tây. Bờ bên kia xa tít như trong eo biển, không phải toen hoẻn ao làng bờ kè như bây giờ. Một đôi trai gái dáng vẻ sinh viên. Chàng đặt tay lên vai nàng, đặt hờ, những ngón tay chỉ hơi lấp ló trên mép vai, vừa cố chứng tỏ tình thân vừa như ngượng ngùng sắp rụt tay lại. Nàng thì e thẹn như muốn đứng tránh khỏi chàng. Bạn bè. Thậm chí là người yêu. Nhưng dứt khoát không phải vợ chồng.
    Tấm ảnh đặt trên cái tủ con phía đầu giường, ngay chân cây đèn đứng đọc sách ban đêm. Cô phục vụ bật đèn. Hai gương mặt thanh niên sáng bừng lên. Nàng đầy sức sống, hai lúm đồng tiền phơn phớt đủ làm duyên mà chưa đến mức điệu. Chàng mắt ướt, thoang thoáng nét âu sầu.
    Bên cạnh tấm ảnh là lọ thuốc, lắc nghe lốp cốp những viên là viên. Trên lọ thuốc toàn là chữ lạ, chẳng biết thuốc gì.
    Chiếc túi du lịch bỏ trên một cái ghế xa lông. Một cái băng dính của Hãng hàng không móc quanh tay cầm, có ghi mã số và tuyến đường Hồ Chí Minh - Hà Nội. Cô phục vụ chỉ nhấc nó lên để lau mặt ghế. Miệng túi khóa kéo. Im ỉm.
    Vẫn mấy thứ trên.
    Thêm cái quần lót phơi trong phòng tắm.
    Một bộ kim tiêm.
    Hai ống Insulin chưa dùng.
    Cô phục vụ phòng thoạt trông thấy bộ kim tiêm thì giật mình. Rồi cô trấn tĩnh. Không phải ma túy. Người đàn ông mắc bệnh tiểu đường. Mà bộ kim tiêm trông cũng ngon, không phải thứ kim tiêm vứt đầy bờ bụi ven bờ Hồ Tây ngay bên ngoài khách sạn.
    Tấm ảnh đổ ngang bên chân đèn. Thành ra đôi trai gái nằm ngả người bên nhau, cái thế chênh vênh nghiêng ngửa. Nàng ở trên. Chàng ở dưới. Cô phục vụ dựng lại tấm ảnh. Đôi mắt ướt thoáng vẻ âu sầu của người đàn ông bắt đầu khiến cô lục trong gương mặt những người bạn trai. Hình như cũng có một anh chàng cô thích có đôi mắt ấy.
    Cô lại giật mình một cái nữa. Chợt nhớ ra. Chiều hôm qua, lúc hết ca, cô sắp sửa ra về thì chạm một người đàn bà đang bước vào khách sạn. Gương mặt quen quen. Cô chỉ kịp nghĩ đó là một khách trọ. Rồi quên. Bây giờ nhìn tấm ảnh mới nhớ người đàn bà hôm qua có hai lúm đồng tiền phơn phớt. Chính là cô gái trong tấm ảnh này. Hôm qua chị ta đến thăm người khách trọ.
    Trong sọt rác có hai ống thủy tinh Insulin đã bẻ cổ. Ba cái bao cao su đã dùng. Cô phục vụ đem sọt rác đổ vào thùng rác lớn rồi mang đi.
    Buổi tối cô kiếm thêm việc nấn ná ở lại muộn một chút để rình xem mặt người đàn ông. May mắn thì cô sẽ được thấy cả người đàn bà. Rất có thể hôm nay chị ta sẽ lại đến thăm người đàn ông. Nhưng rồi cô phải về mà chẳng gặp được ai cả.
    Tấm ảnh úp sấp xuống mặt bàn, phơi lộ mấy con số viết bằng bút bi: 2-5-1982.
    Hai ống Insulin đã bẻ cổ.
    Hai cái bao cao su đã dùng.
    Tất cả đều trong sọt rác.
    Góc phòng tắm có một đống tro đen kịt vẫn còn lưu hình những tờ giấy quăn queo.
    Cô phục vụ xối nước cho đống tro trôi đi. Còn một vài mẩu giấy chưa cháy hết. Mẩu từ bức thư cũ, nét chữ con gái viết bằng mực tím nhòe nhạt, hình như có chữ hiểu chữ nhớ. Mẩu hóa đơn chứng từ, đôi ba con số chẳng nói lên điều gì. Cô gái nhặt những mẩu giấy cháy dở bỏ vào sọt rác để mang đi đổ.
    Lọ thuốc, bộ ống kim tiêm, cái quần lót hôm qua phơi trong phòng tắm, bộ quần áo treo trong tủ gương... tất cả đều biến mất. Phải hiểu là tất cả đã được thu dọn vào trong cái túi du lịch kéo khóa im ỉm kia. Phải hiểu là người khách sắp ra đi. Phải suy luận là ông ta sắp trở lại Sài Gòn.
    Dọn dẹp xong, cô phục vụ ngắm nghía lại người con trai trong tấm ảnh. Phải thầm thú nhận là cô đã mê anh chàng đẹp trai này. Cô dựng lại tấm ảnh cho ngay ngắn ở chân đèn rồi mới khóa cửa đi ra.
    Giữa trưa. Chính ngọ. Giờ Hà Bá đi bắt người ở nơi sông nước. Phía ngoài Hồ Tây có tiếng người lao xao, tiếng chân chạy rầm rập. Tiếng kêu có người chết đuối. Lâu lâu nơi hồ nước lại có một vụ. Mấy cô tổ buồng đang làm việc không dám chạy ra xem, chỉ ngó đầu qua cửa sổ hành lang nhìn ra. Những tán cây che khuất chẳng thấy được gì. Đành hỏi vóng xuống xem ai chết, chết lâu chưa, chết sấp hay chết ngửa. Mỗi người nói một phách. Láo nháo một lúc thì cũng chẳng biết là còn sống thật hay đã chết hẳn. Chỉ biết người chết là đàn ông.
    Cháu biết chú. Cô phục vụ thầm nói với người đàn ông. Như là ông ta đang đứng trong phòng trước mặt cô.
    Làm sao cháu có thể biết một người chưa bao giờ thấy mặt.
    Cháu biết chú. Bao lâu nay cháu vẫn nhìn thấy chú.
    Thế thì người đàn ông chỉ biết cười. Người Việt có được cái cười để thoát ra khỏi mọi tình thế lưỡng nan.
    Cô phục vụ tim đập thình thình. Lạ quá. Linh cảm tai họa đang ở đâu đó rất gần. Có cái gì xui khiến cô chạy trở lại phòng 37, mở khóa vào phòng. Chiếc túi du lịch vẫn nằm ở chỗ cũ, chắc là mọi thứ đã được xếp gọn hết vào trong ấy. Tấm ảnh bay xuống bên sườn tủ. Cô phục vụ vội nhặt lên và đến lúc này cô mới thấy trên mặt tủ, cạnh chân đèn có một tờ giấy. Nét chữ bút kim. Hai dòng.
    Không ai có tội.
    Tôi tự quyết định số phận của mình.
    Dòng thứ ba là chữ ký
    Dòng thứ tư là tên đầy đủ của người đàn ông.
    Người đàn bà.
    Cô dọn phòng.
    Một đống vỏ gối vải trải giường vừa thay ra.
    Ngày hôm sau. Cô dọn phòng ôm một đống vỏ gối vải trải giường xuống sân trước khách sạn, định đưa sang cho tổ giặt là. Đúng lúc người đàn bà đi vào. Người đàn bà hai lúm đồng tiền phơn phớt. Cô đã nhìn chị ta không biết bao nhiêu lần trong tấm ảnh. Chỉ cần bước qua lề tấm ảnh là từ thiếu nữ chị ta hóa thành người đàn bà này. Rõ ràng người đàn bà không biết chuyện gì xảy ra với người khách ở phòng 37 từ hôm qua.
    Cô phục vụ thương cả đôi trai gái trong ảnh. Cô không muốn người đàn bà đi vào sảnh lễ tân xin gặp người đàn ông rồi mới biết chuyện. Cô mời người đàn bà ra hẳn ngoài cổng. Kể. Chuyện đã hết. Hết rồi. Cô về đi, nếu muốn thì cô đi tìm chú ấy ở đâu đó. Cô mà vào khách sạn, công an đến hỏi han tỉ mỉ, ồn ào lên mà chẳng để làm gì.
    Cháu biết cô. Cô dọn phòng chỉ nói ngắn gọn.
    Thế ư. Cảm ơn cháu. Người đàn bà mắt khô khốc nói mà hình như không hiểu mình nói gì.
    Cháu biết cô. Cô dọn phòng nhắc lại khi người đàn bà đã đi khuất.
    Trong ví cô dọn phòng có tấm ảnh đôi trai gái ngày xưa. Lúc chạy đi báo cho chủ khách sạn về tờ giấy ở phòng 37, cô đã giấu đi tấm ảnh cho riêng mình. Không hiểu vì sao.
    Cánh cửa phòng 37 có dán giấy niêm phong.
    Một người đàn bà giọng Nam.
    Ba chiếc mùi xoa trong xắc tay.
    Chủ khách sạn.
    Cô dọn phòng.
    Ngay buổi chiều, giám đốc khách sạn bảo cô dọn phòng cầm chìa khóa lên mở phòng 37. Đi cùng có giám đốc và một người đàn bà vừa bay từ Sài Gòn ra. Họ bóc niêm phong, mở cửa vào phòng, bàn giao cái túi du lịch cho người đàn bà. Chị ta luôn miệng tội quá tội quá. Nước mắt rơi lã chã. Định đưa mùi xoa lên chấm nước mắt thì mới thấy là nó đã ướt sũng, bèn mở cái xắc lấy cái mùi xoa khác. Cô phục vụ để ý thấy trong xắc còn có một cái mùi xoa nữa.
    Tờ giấy niêm phong được bóc đi, vết hồ được cạo được lau sạch, phòng 37 lại sẵn sàng chờ người đến thuê phòng.
    Một tấm ảnh.
    Một lọ thuốc viên.
    Một túi du lịch mác Samsonite.
    Hai bộ quần áo treo trong tủ.
    Nửa năm sau. Cô dọn phòng mở cửa bước vào phòng 36. Giật mình. Vẫn là chiếc túi du lịch ngày trước dù cái băng dính của Hãng hàng không đã được bóc đi. Hai bộ quần áo treo trong tủ lại có đúng bộ dạo trước, cô nhớ rõ cỡ áo và chiều dài chiếc quần. Lọ thuốc lắc nghe lốp cốp những viên là viên. Trên lọ thuốc toàn là chữ lạ, chẳng biết thuốc gì.
    Cô dọn phòng không tin vào mắt mình. Tấm ảnh đặt ở chân đèn xác nhận. Vẫn là đôi trai gái ngày xưa, nhưng trong ảnh còn có thêm ba người bạn trai. Ba người này tinh nghịch giữ tay giữ vai đôi trai gái đang cố vùng ra, buộc họ phải đứng sát vào nhau để chụp ảnh. Chính là chàng trai mắt ướt. Chính là cô gái hai lúm đồng tiền phơn phớt.
    Cháu biết chú. Cô phục vụ thầm nói với người đàn ông. Như là ông ta đang đứng trong phòng trước mặt cô.
    Làm sao cháu có thể biết một người chưa bao giờ thấy mặt.
    Cháu biết chú. Bao lâu nay cháu vẫn nhìn thấy chú.
    Thế thì người đàn ông chỉ biết cười. Người Việt có được cái cười để thoát ra khỏi mọi tình thế lưỡng nan.
    Hôm nay cô phục vụ sẽ lấy cớ ở nhà cô mọi người đi về quê hết rồi, cô ngại về nhà một mình, cô xin làm thêm ca để nán lại đây. Cô sẽ chờ cho đến khi nhìn thấy được mặt người đàn ông, lần trước ở phòng 37 lần này ở phòng 36. Cô sẽ không ngần ngại mà ra mặt nói chuyện với người đàn ông. Cháu biết chú.
    Họa sĩ chơi trò sắp đặt installation sẽ nhắc tác giả câu chuyện này: ông bỏ quên bộ kim tiêm và những ống thuốc tiểu đường, ông quên tấm ảnh còn trong ví của cô dọn phòng.
    Chắc là tôi còn quên vài thứ nữa, quên vài nhân vật nữa. Trò sắp đặt bao giờ cũng có những vật liệu chất liệu biến đi vô tăm tích. Thậm chí cả họa sĩ cũng biến.
  8. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Hồ Anh Thái
    Báo
    Sao chúng mình không cùng nhau ra một tờ báo nhỉ. Một câu buông bất chợt vào giữa hội. Rộn ràng hẳn. Hội ăn nhậu chị em, nhân sự gồm mấy chị và một em. Mấy chị đều ăn nên làm ra, buôn bán từ bất động sản cho đến đánh hàng xuyên quốc gia, mỗi người mấy nhà nội thành kèm mấy miếng đất ngoại thành ngoại tỉnh. Một em trai chưa đến tuổi tam thập nhi lập, thuộc diện sống bằng thừa kế, cha mẹ ki cóp cho cọp con xơi, lên đời xe máy từ uyn đến a còng, lên đời xe hơi từ Tô sang Pho sang Métxìđẹt. Thanh niên sành điệu từ đầu đến chân toàn hàng hiệu, phụ tùng trên người ước tính cả chục cây vàng, chân đi giày da đen lại mang tất trắng. Lấp ló cổ chân trắng phớ như chân sản phụ.
    Khoan vội nói chuyện chị em xuất thần nổi hứng rủ nhau đi làm báo. Báo chí là chủ đề dềnh dàng trong toàn bộ trước tác này. Xin tuần tự bắt đầu từ chuyện họ là hội ăn nhậu. Ăn cho đến không còn gì mà không ăn nữa. Đám nouveaux riche nhà giàu mới phất ban đầu gắng gượng ăn Âu, gắng mãi chuyển sang ăn Á, cố ăn Ấn dần qua Nhật bật về Tàu, cuối cùng cáo chết quay đầu về nơi đặc sản đồng quê An nam. Miến ngan, bún cua, bún đậu mắm tôm thực sự khoái khẩu. Người châu Á ăn sạch những con hai chân, bốn chân, nhiều chân kềnh càng như cua đến không chân như sâu rắn, các loại bọ xít cào cào chẩu chấu biết bay cho đến chuột rết không biết bay. Xơi hết.
    Từ thực phẩm xác thân sang thực phẩm làm hồn. Xơi đến báo cả chị lẫn em đều thực sự hào hứng. Em trai duy nhất trong nhóm bảo em quen một chị nhà văn đang sáng chói văn đàn, chị này đứng sau rất nhiều tờ báo. Bốc điện thoại gọi ngay. Chi nhà văn đủng đỉnh đi đến. Cằn nhằn buổi chiều đang ngồi viết tiểu thuyết, đang cho nhân vật chửi thằng cò đất thì em gọi. Sà ngay xuống bên nồi nước dùng bún ốc. Tờ báo coi như hoài thai bên nồi nước dùng nghi ngút mùi gừng mùi sả sực nức.
    *
    * *
    Chị nhà văn bảo chị thường trực có thái độ ngần ngại trước báo chí. Phản ứng đầu tiên của chị là can thằng em đứng đâm đầu làm báo. Bên phương Tây người ta bảo muốn giết ai thì xui người đó bỏ tiền ra làm báo. Mỗi năm có hàng trăm tờ báo chết yểu cùng lúc hàng trăm tờ báo mới mở ra thiêu thân tự lao mình vào lửa. Bên ta báo phát hành nhiều nống số lượng lên nhiều hơn nữa, báo phát hành ít thì xít ra nhiều. Để xin được quảng cáo. Phát hành được một vài ngàn bản cũng vẫn ra báo, thu nhập nhân viên mỗi tháng trăm ngàn cũng còn hơn không, lừa được thằng quảng cáo nào thì lửa lấy tiền nuôi nhau. Nhưng mấy chị một em hăng máu lên rồi, sẵn sàng mất cả một cái nhà để chơi báo. Chơi. Ôkê, thì chơi.
    Tài chính là chuyện hàng đầu coi như đã yên tâm. Mấy chị một em ai cũng có thể lo được mỗi kì nguyệt san mấy trang quảng cáo. Công ty của chính mình, của cha mẹ anh chị em mình. Các ngân hàng xí nghiệp của người thân thiết hoặc của đối tác. Đều đều mỗi tháng mươi cái quáng cáo là đủ tiền in báo. Nhưng nói chuyện sẵn sàng bán nhà chỉ là để yên tâm mà chơi xông vào trưởng văn trận báo thì phải có quyết tâm làm ăn có lãi. Lãi không chỉ vì mình hám tiền, lãi vì báo mình bán được, bán được tức là có người đọc, có người đọc thì mới có động cơ có cảm hứng để tiếp tục. Ai đủ can đảm đứng hét to mãi vào một bãi trống, không tiếng vọng?
    Tính đến đây tức là phải lo việc phát hành. Chị nhà văn đôn đáo dẫn mấy chị một em đi gặp trùm phát hành. Một nhà báo quyền thế, trong tay có tập đoàn cả đường dây phát hành trong nam ngoài bắc. Ông từng từ chối chức tổng biên tập một tờ báo, ông chỉ thích đứng đằng sau tất cả mà điều khiển tất cả. Ôkê, ông bảo êkíp làm báo này khiến tôi tin tưởng.
    Báo ra đời bên một nồi nước ốc. Sau này chị nhà văn bảo đấy là tín hiệu buộc ta phải cưỡng lại, báo chí quyết không được quyền nhạt. Trong văn chương báo chí, trăm thứ tội đều tha thứ được, hãnh tiến quê mùa dốt nát, trắng trợn trâng tráo đểu giả, uỷ mị cải lương lạc thời đều tha thứ được. Nhạt thì không. Nhạt nhẽo bị kết tội đóng đinh câu rút vĩnh viễn, ném đá triền miên, thả bè trôi sông đời đời. Chị nhà văn bảo nội dung sẽ còn phải bàn nhiều, sinh ra con thì trước tiên hãy đặt tên cho con đã. Đừng đặt những cái tên kép, tam tứ ngũ ngôn, không ấn tượng. Cứ trần một chữ mà choáng. Mới. Tức là không cũ không quá đát không lạc hậu. Trẻ. Tức là không già không nhăn nheo không thủ cựu, nhưng cái tên này bị nhiều nơi xài quá rồi sống. Tức là không chết không ươn không thối. Chơi. Tức là không tất bật bươn chải bần tiện vương vấn sự đời. Chơi. Là phong lưu là tiêu xài là nghệ thuật thưởng thức là cái đích của mọi cái đích ở kiếp người. Chơi.
    Chơi được chọn.
    *
    * *
    Tạp chí Chơi. Chị nhà văn cung kính mời đến một nhà thơ lão luyện trong làng báo. Ông về hưu đã lâu, chẳng thiếu tiền, ông chỉ cần được làm báo cho đỡ nhớ nghề, cho có cảm giác không bị gạt ra bên lề đời sống. Từ lão tướng cầm chòm này mà ra một êkíp làm báo thành thục. Toàn là những cây bút viết chuyên mục, nhuận bút bảy chữ số. Họ bắt đầu lập ra đề án. Chơi là tạp chí văn hóa văn nghệ lối sống. Lần đầu tiên xứ ta có một tạp chí toàn diện theo kiểu Pari Mát hoặc Niu Oóckờ và hơn thế nữa. Mọi vấn đề đều có ở đó, từ văn hóa văn nghệ cho đến lịch sử đến khoa học và kinh tế thế giới, tử xu thế thời đại cho đến lối sống, cái ăn mặc cái ở cái làm cái giải trí cổ kim đông tây, tức là tất cả những gì tạo nên con người và xã hội, không có một giới hạn nào. Chỉ trừ chính trị nhà nước và tôn giáo. Báo chí như thế là bổ ích và an toàn. Các mảng nội dung được phân công ngay. Nhà phê bình A giữ mảng Văn học, chém cho đẹp vào, văn chương chữ nghĩa đang trên đà biến thành câu lạc bộ phường xã. Nhà báo B giữ phần Truyền hình Điện ảnh. Không, lâu nay tôi vẫn thường làm các mục trả lời bạn đọc, trả lời quê quê tếu tếu. Thì quê quê tếu tếu mới đúng là truyền hình điện ảnh, B giữ mảng ấy là phải rồi. Tiến sĩ C, thạc sĩ D, cử nhân E lo phần Khoa học và Kinh tế thế giới. Dịch giả G làm chuyên mục Chữ S to tướng trên hành tinh nhỏ bé. Một tay chơi nức tiếng bạn của nhà thơ thì cho giữ mục Chơi, chưa hề viết bao bao giờ thì bây giờ viết, chơi được thì viết được. Chơi rụng rời thì viết rơi rụng.
    Họ muốn mời thêm những cây bút thời thượng như Lâm Thị Hoan Hỉ hay Hai Cắc Cớ viết chuyên mục nhưng nhà thơ trưởng lão bác ngay. Ông ghét các cây bút nổi tiếng, họ cũ mòn rất nhanh. Ta đây còn nổi tiếng gấp vạn lần. Không cần. Người chưa viết bao giờ như tay chơi kia làm sao cho hắn viết được thì ra ngay cái lạ. Sướng hơn.
    Mấy chị một em lo phần trị sự phát hành. Mấy chị chạy quảng cáo tổ chức phát hành, thằng em làm chủ nhiệm báo. Mấy chị một em lâu nay đầu tư vào khách sạn nhà hàng, khi nào muốn làm giàu văn hóa thì nhập phim Mỹ, phim Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, khi nào muốn gia ân cho phim Việt Nam thì mua quyền phát hành bộ phim chiếu một ngày rồi đứt. Bây giờ đang rục rịch ra báo thì có ngay một ông bạn tài phiệt đầu tư cho bộ phim nội hóa mang tên Của lạ mời cả bộ sậu đến họp báo. Ông tài phiệt cứ tưởng cái phong bì cho nhà báo là to, ông đi xa hơn dạy các nhà báo cách viết sao cho ngọt cho khán giả kéo đến chiếu cố phim nội. Ôi giời dạy khỉ đu cây. Cuộc họp báo đầu tiên của cả bộ sậu kết thúc bằng một liều thuốc ngủ tại cái rạp mênh mông mang tên Thung sâu vắng lặng.
    *
    * *
    Nhân sự xem thế đã dần dần hình thành. Nhà thơ trưởng lão và chị nhà văn gọi đến một nhà báo trẻ làm thư kí tòa soạn thường trực bên cạnh chú em chủ nhiệm báo. Thư kí tòa soạn như một thứ cửu vạn cho cả tổng biên tập trên và ban biên tập dưới. Phải có sức mạnh cơ bắp. Chị nhà văn giới thiệu dăm ba ứng cử viên, người nào chị cũng chú thích là thanh niên to cao, đến mức trưởng lão phải vặn lại cô chọn thư kí tòa soạn hay cô đi mua thịt. Cuối cùng thư kí tòa soạn được chọn cao to đen tươi, cao mét tám nặng bảy mươi sáu cân. Chàng chọn khoa báo chí vì báo chí đang thịnh, nghe đâu là quyền lực thứ tư, đất nước có gần sáu trăm tờ báo viết kiểu gì cũng chẳng lo không xin được việc. Qua cầu qua phà đến cơ sở chìa thẻ nhà báo là khối kẻ hãi hùng.
    Một đồng nghiệp xui chàng chuyển sang viết kinh tế, xuân hạ thu đông tứ kì các nhà máy xí nghiệp công ty doanh nhân tự ý cống nộp, coi như đóng thuế báo chí để cho yên thân. Nhà báo không cần thiên tài vào nghề dăm năm đã có quyền hóa phép ra đất xây nhà. Dịp Tết lại các doanh nhân vây ra cái quảng cáo, mấy chóp bu làm báo bội thu, còn lại cái móng tay đến nhà báo cũng đủ xơi tạm, đến ông nhà văn cộng tác còn lại hạt mảy hạt tấm lót dạ. Chàng chí khí máu mê văn nghệ, trót dại chưa nghiên cứu kinh tế như người bị bắt nạt trót dại chưa học võ, chàng vững vàng kiên định với văn nghệ, chàng bèn chuyển sang đầu quân cho báo này.
    Ngày đầu đến văn phòng, chàng thư kí chìa ngay ra một bài báo cho mục Du lịch, bài báo giải thích vẻ lừ đừ như chuột phải thuốc của chàng. Chuyến đi lên miền núi Thái Nguyên, gần một giờ chiều mới đến uỷ ban huyện. Một ông cán bộ văn phòng xin lỗi đoàn lên đột ngột không kịp chuẩn bị cơm nước: mời đoàn ra quán dùng tạm. Cơm dọn ra chàng ăn một bát thấy hai thái dương buôn buốt nghẹn ngào buồn nôn. Chàng chống đũa nhìn mâm cơm đắm đuối. Lại còn hỏi xin quả ớt may ra xơi thêm được bát nữa. Chủ quán bảo vùng này không trồng ớt cũng không nhập ớt nơi khác về. Cơm nước xong đoàn lên xe đi tiếp vào bản. Mấy nhà báo đi cùng kêu ngột ngạt nóng bức lột hết xống áo ra chỉ còn may ô. Lái xe thì kêu buồn ngủ không cưỡng nổi, cố chạy thêm hai chục cây số rồi rúc xe vào dưới bóng cây gục xuống lịm đi. Sau buổi chiều tất cả đều váng vất nghẹn ngào, buổi tối về đến thành phố, kể chuyện ăn trưa ở vùng nọ, dân địa phương ai cũng tròn mắt. Dám ăn cơm ở đó cơ à? Chúng tôi người ở đây mà đi công tác về đấy cũng phải mang thức ăn theo, có chết đói cũng không dám ăn cơm hàng cháo chợ. Một ông cán bộ thành phố tổ chức cưới vợ cho con ở đấy, mời quan khách trên tỉnh về phải mời cả công an đứng vòng trong vòng ngoài các bàn ăn. Dân vùng ấy có kẻ bỏ bùa, tán bột từ lõi cây, và nhớt sâu, phơi sương hạ thổ mấy lần, mỗi năm bắt lấy một nhân mạng lớ ngớ đi lạc vào vùng. Nhân mạng ấy sẽ làm ma nhà họ, trông nhà, trông nương rẫy cho họ, bảo toàn sinh mạng cho họ không bị người hành giời vật. Bùa của họ ăn vào có người ba ngày chết ngay. Không chết ngay thì thành kén trong bụng một tháng sau mới chết. Có ớt ăn vào thì giải độc bùa ấy nhưng cả vùng đó bói không ra một quả ớt.
    Mọi triệu chứng thông tin trùng khớp. Chàng thư kí tòa soạn muốn đưa bài vào mục Giữa đường thấy chuyện. Chàng chất vấn chính quyền huyện xã, nếu không có thì phải chính thức xua tan những lời đồn đại về bùa, ngải, nếu có thì phải cho biết họ đã có biện pháp xử lí ra sao.
  9. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Chàng thư kí không thuộc diện chết sau ba ngày. Như vậy chàng mất thêm một tháng phấp phỏng chờ bùa độc làm kén trong người. Một tháng chàng lừ đừ ngồi trong văn phòng đúng triệu chứng say thuốc. Văn phòng là nhà của chàng chủ nhiệm báo, một phòng xịn trong khách sạn của gia đình. Điện thoại kéo vào văn phòng không hiểu sao toàn người gọi đến nói chán chê mới biết nhầm máy. Chàng thư kí tòa soạn trực cái điện thoại ấy. Reng reng reng. A lô anh Tèo đấy à? Thư kí xẵng giọng: Tèo thua đề bán nhà này cho tôi rồi. Chết, thua nhiều không anh. Tám trăm triệu. Anh có biết anh Tèo chuyển đi đâu không. Trốn rồi. Thằng Tí nhà anh ấy đi đâu. Cũng trốn hết rồi, ở lại có chết cả lũ. Dập máy.
    Tạp chí có đủ bộ sậu từ chủ nhiệm sang tổng biên tập đến thư kí tòa soạn. Đó là nhân sự thực tế, nhưng muốn xuất bản được phải đi tìm một cơ quan chủ quản, phải là phụ trương cuối tháng của một tờ báo có giấy phép. Phụ trương báo Người đô thị còn đang bỏ trống. Đúng ra là nó đã từng do một ông đầu nậu làm theo kiểu chơi thử, làm được một năm thì hết hơi sập tiệm. Sau đó một bà nhà văn cấp quận lao vào. Thiếu ảnh bà xông vào các cuộc họp, gí máy tự động vào mặt các quan chức văn nghệ mà chụp. Thiếu truyện bà in truyện ngắn của bà. Thiếu thơ bà in thơ của bà. Trang âm nhạc bà thầu ca khúc của bà luôn. Còn trống mấy trang nữa bà in kịch bán phim tài liệu của bà lấp đầy chỗ trống. Báo Tết tổng biên tập còn không dám cho đăng ảnh của mình, sợ mang tiếng hâm hoắng, thế vào bà in ảnh bà to như lãnh tụ cùng lời chúc mừng năm mới. Trình bày bà làm lấy nốt. Tờ báo như tập san độc quyền của các ngành thuỷ lợi thuỷ nông đường sông đường mía. Cũng một năm thì thở hắt ra.
    Báo như thế là đã có dớp. Không hết hơi thì cũng dẹp tiệm. Cái chính là nó đã mất tên đã chết trong lòng độc giả từ lâu, không nên chơi trò xác ướp trở lại. Mọi người quay sang báo Ngày đẹp. Phụ trương Chơi của báo Ngày đẹp, nghe ngon tai. Nhưng Ngày đẹp lâu nay chỉ in được 1.000 bản vừa bán vừa cho, chủ thầu trước thua lỗ bỏ trốn sang Đông Âu mang theo nợ nần truyền kiếp. Tai tiếng ấy có đáng cho bộ sậu những nhà báo hàng đầu như ta ghề vai vào đi tỉếp chặng đường đứt gánh? Rốt cục toàn những người cấp tiến cởi mở với nhau, ngại ngần dẹp sang bên, ta chọn báo Ngày đẹp. Toàn bộ Ngày đẹp do một ông phó tổng tung hoành tổng biên tập và tòa soạn không ai biết làm báo, chẳng qua cơ quan chủ quản bổ nhiệm thì phải làm. Ông phó tổng có thực quyền. Ông sốt sắng. Ông động viên ông nhiệt tình hợp tác cho tạp chí Chơi về làm dưới vòm ông.
    Bộ sậu Chơi được mời đến nhà ông tổng biên tập Ngày đẹp. Ăn lươn nướng ống bương kiểu Nghệ An. Lươn nướng chui hết ra khỏi ống bương thì ông tổng mới oang oang nói như nói vào nơi không người rằng phó tổng Ngày đẹp đã qua mặt ông, lâu nay ông vẫn xử sự theo kiểu nhà có con gái bị trêu ghẹo là để yên xem sao. Người ta khinh ông không biết làm báo ông cũng để yên xem sao. Người ta định ra một tờ báo mới không báo cáo ông cũng để yên xem sao. Bọ cứ để yên xem các chú còn kéo con gái bọ đi đến đâu nữa.
    Bậc trưởng lão nghề báo và bộ sậu Chơi đã xơi hết lươn. Ra về mặt thì yên mà trong lòng lươn quằn quại. Một cô nhà báo ãngti ghen ghét với bộ sậu ở lại kích ông tổng. Chú dẹp bọn này là phải. Chúng nó đã tai tiếng với trên với dưới từ lâu. Chúng nó có tài phiệt đứng sau, cậy trường lực, chúng nó gây hấn nội dung, ba bữa người ta dẹp. Nếu không dẹp được âm binh nổi loạn, Chơi là báo non tuổi hơn Ngày đẹp báo mẹ thì cũng phiền chú. Dẹp.
    *
    * *
    Thời hạn án treo một tháng chưa hết, chàng thư kí Chơi ngày ngày ngồi ôm bàn trực điện thoại. Chờ bùa ngải làm kén. Chờ chết làm ma cho một miền rừng. Ngày ngày ra vào phấp phỏng. Bứt rứt. Tức tối. Ngồi chờ mãi như thế ai mà chịu nổi, chàng lừ lừ lên đường ra quần đảo đông bắc viết thêm bài du kí. Một tay xe ôm chở chàng đi trên con đường xuyên đảo. Thao tác kiểu gai hướng dẫn viên du lịch anh xe ôm chở thư kí vào làng, chỉ hai cái giếng cổ dưới chân núi. Đúng lúc một đám con gái đang tắm tiên dưới suối thấy động chạy toé bốn phương tám hướng. Cứ nồng nỗng thế mà chạy, hai bàn tay úp mặt chứ không che hai điểm trên một điểm dưới. Họ cho rằng con người chỗ ấy ai cũng như ai, chỉ có cái mặt lộ ra mới phải ngượng. Tay xe ôm bảo đấy là giếng Long Nhãn mắt rồng, có từ ngày xửa ngày xưa. Con gái làng này chỉ ăn nước giếng ấy mà đẹp nổi tiếng, đẹp nhất quần đảo. Từ ngày có đường ống nước, nước máy vào tận nhà, người ta ngứa tay thế nào lấp giếng đi. Thế là hai chục năm qua làng thành trại cá sấu, con gái làng mắt lồi răng vổ. Cả làng sợ quá phải khơi lại giếng, nước càng trong leo lẻo mà chẳng ai dám lấy về dùng. Thư kí thử phản biện, cậu nói thế nào ấy chứ. Thật mà, em thề, vợ em cũng người xã này. Vợ cậu làm sao? Vợ em cũng vổ. Vổ cũng có duyên đấy. Anh nói thế nào, em tưởng răng khểnh mới có duyên chứ?
    Đi cơ sở, chàng chỉ thích lân la với những nhân vật như thế. Chán người, chàng chỉ thích viết về thiên nhiên du lịch sinh thái lịch sử. Theo đường công tác chính thức, phải chìa thẻ nhà báo, lòng cứ tê tê vì đọc được ý nghĩ trong đầu người địa phương: nhà báo à, chắc lại đến xin quảng cáo hoặc moi móc nã tiền; nhà văn à, vừa mới có mấy ông nhà văn chả thấy nổi tiếng bao giở đến bình văn bình thơ xin phong bì nặng.
    Chàng thư kí về lại văn phòng. Lại điện thoại nhầm số. Gọi đến cho người ta mà lại quát hỏi a lô ai đấy. Thư kí lạnh tanh: Đội tra tấn xét hỏi hình sự số Năm đây. Một lát lại reng reng a lô chị Cậy đấy à. Thư kí: Chị Cậy chết rồi. Ôi, em vừa gặp chị ấy sáng nay mà. Chết lúc chiều rồi. Em đang chờ chị ấy mang hàng đến, khách đang chờ. Thế thì xuống âm phủ mà chờ.
    Mấy người ngồi quanh ai cũng lắc đầu. Điện thoại bưu chính viễn thông độc quyền thế đấy. Thư kí tòa soạn nói năng thế đấy. Trông vẫn chưa ra một tòa soạn báo.
    *
    * *
    Cuối cùng xin được giấy phép ở báo Tiếng vọng. Cái tên hơi hoài cổ. Bù lại báo con tên Chơi nghe rất hậu hiện đại, rất mốt.
    Thư kí lao vào làm ngày làm đêm. Dựng trang với họa sĩ trình bày. Gào thét các ban bệ nộp bài. Nhà phê bình bỏ đi kinh doanh công ty nước ngoài vứt mảng Văn học lại cho một nhà thơ trẻ đang thất nghiệp. Thơ chàng chết yểu năm chàng hai mươi tuổi. Uất ức Làng văn không xếp chàng vào chiếu nào. Căm hờn. Chàng chủ trương trang văn học chỉ có tiểu khí xỏ xiên đánh đấm tất cả những kẻ thành đạt. Chàng kí đủ mọi bút danh nấp trong bụi rậm mà vãi đạn ra. Làm sao cho báo mình số nào cánh văn nghệ sĩ cũng phải thấp thỏm liếc qua một cái, xem họ có bị lên thớt hay không. Chỉ có chàng nộp bài hăng hái sớm nhất. Các trang khác thì thư kí hò như hò đò, vò đầu bứt tai như ngứa gầu ngứa chấy. Chàng đề nghị chủ nhiệm trói buộc các trưởng trang bằng cách kí hợp đồng trả thù lao để họ không biến được. Chị nhà văn thấy bộ sậu bắt đầu khởi động được chị bèn lẳng lặng rút về viết tiếp tiểu thuyết, không biết thằng cò bất động sản trong bản thảo của chị còn lươn lẹo những mánh lới gì nữa. Ai cũng bảo vui thì làm báo thôi chứ không muốn nhận tiền ràng buộc. Không ràng buộc. Vậy thì lấy ai nộp bài bây giờ? Ông trưởng lão bảo chính vì thế ông không thích mời các cây bút nổi danh hoặc nhà văn nhà thơ. Ông chỉ thích nhà báo thuần tuý. Họ không có sự nghiệp nào khác ngoài làm báo, họ sẽ không tạt ngang tạt ngửa khơi khơi amatơ, họ chỉ duy nhất tâm niệm làm báo mà thôi.
    Đang nước sôi lửa bỏng thì được tiếp hai ông nhà thơ. Ông đi xe hơi của con trai đến, đũng quần ướt đẫm khai mù, răng lợi xiên xẹo mắt đầy lá hành nhánh tỏi. Ông bảo chưa bao giờ ông sáng tác sung sức như bây giờ. Ông đưa thư kí một chùm mười bài thơ bảo đăng cho nhà thơ lớn. Ông thơ thứ hai không danh không tiếng, một đời ngơ ngẩn mất hồn vì thơ. Nhà ông xập xệ bão sập, ông chui vào lôi được cái tập bản thảo ra bỏ đi luôn. Đến nhà bạn ngồi làm thơ. Vợ con ông nhếch nhác bồng bế nhau về nhà ngoại ở nhờ mấy năm coi như không có ông. Sau này vợ buôn bán giàu phổng lên. Thằng con ba mươi tuổi thì có hẳn công ty riêng. Ông thơ mò về xin tiền vợ in tuyển tập thơ. Bà vợ bảo là căm thơ. Ông xin tiền con trai. Chàng doanh nhân bảo bố muốn gì con cũng chiều nhưng in thơ thì không. Con hận thơ. Thơ của bố suýt nữa làm mẹ con con đi ăn mày. Thế mà ông vẫn in được tập thơ, con không cho tiền thì lấy trộm tiền của con, mỗi tập tiền rút ruột vài tờ 100 nghìn, con trai nghi ngờ đuổi việc mấy đời thủ quỹ. Thế mà còn kể lại cho tòa soạn nghe. Thế mà cứ ra vẻ quân sư tha thiết khuyên tạp chí Chơi mở trang thơ, in thơ của ông mở hàng. Việt Nam là đất nước thơ ca, báo chí không in thơ là giết đi một lượng lớn độc giả tiềm tàng.
    Điện thoại gọi đến reng reng reng. Chả biết người ta có nhầm không mà thư kí nhấc ống nghe lên nói ngay, không, không nhận thơ đâu, thơ ca thời này bốc mùi lắm. Dập máy luôn.
    *
    * *
    Báo ra. Cuốn tạp chí cầm nặng tay cũng sặc sỡ bìa người mẫu trong nước và nước ngoài. Mấy đêm liền thư kí cùng trưởng lão làm ngày làm đêm, hai ba giờ sáng lăn ra ngủ trên bàn làm việc dưới nền nhà. Báo đưa phát hành vào các sạp báo, những sạp nhỏ chỉ xin nhận ba cuốn bán thử, hết sẽ lấy nữa, nhỡ bán không được tối lại khiêng về nặng gãy lưng em. Thư kí qua các sạp báo đánh mắt liếc vào sản phẩm của mình nằm tênh hênh thiếu nữ ngủ ngày theo kiểu thiếu nữ vô hồn, vô tư và hồn nhiên. Cẩn thận liếc thêm một cái xem sạp báo có dán áp phích quảng cáo Chơi hay không.
    Về văn phòng vừa lúc có chuông điện thoại. Thư kí vui vẻ cầm ống nghe đúng bài bản: Tòa soạn báo Chơi xin nghe. Đầu tiên bên kia xối xả một tràng. Báo cái đầu bờ ****** đây này. Chúng mày bảo chị Cậy chết làm suốt một buổi chiều ****** chạy đi khắp nhà xác bệnh viện tìm. Rồi ****** sẽ cho báo chúng mày không còn chỗ mà chôn.
    Ngẩn ngơ một lúc sau mới nhớ ra hiểu ra. Trong một ngày vui thế này ai còn nhớ chuyện nhấm nhẳng của những ngày hoang mang chưa biết bùa bả có làm kén trong bụng hay không. Chiều cả bọn kéo nhau đi bún ốc. Trùng hợp thế nào, ngày báo hoài thai cũng đã bún ốc. Lại thấy chàng chủ nhiệm báo cười cười khi mọi người nhắc chuyện hôm nay có thằng mô mở hàng gọi đỉện thoại chửi báo. Chủ nhiệm lại còn nháy mắt hỏi thư kí có thấy giọng thằng chửi quen quen. Bỏ cha giọng ấy quen thật. Hay chính là chủ nhiệm chửi đểu chửi đùa? Bọn tài phiệt bị khinh thường nhân văn đôi khi không từ cơ hội để xỏ xiên cánh chữ nghĩa. Mà đúng là lúc ấy tay chủ nhiệm không có trong văn phòng. Hay chính là hắn?./.
  10. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Hồ Anh Thái
    Chợ
    Bệnh viện. Ngủ gà ngủ gật như khoá họp thường niên, sêmina, hội thảo quốc tế và khu vực. Lơ mơ gà gật ngủ ngồi trông người bệnh. Khi nào người nằm giãy giụa thì mở mắt, trói lại chân tay cho chặt. Khi nào máy rú lên thì chạy đi gọi bác sĩ. Khi nào y tá đi hút đườm thì thêm một tay giữ cái khăn, xoẹt một cái xoẹt hai cái thì nhăn mặt đau đớn hơn cả người bệnh.
    Chính lúc ấy tôi nhìn lên thấy gã. Đúng hơn là tôi nghe gã xuýt xoa trước, ôi khổ thân bác quá. Gã đang nhìn chòng chọc xuống cái hình nhân quằn quại run giật sau mỗi cú xoẹt xoẹt hút đườm đau rát. Gã ngồi xổm ôm gối thu lu, đúng kiểu người Việt ra đến nước ngoài rồi vẫn ngồi. Chồm hổm cả một dây tư thế đi cầu đại tiện trên quảng trường, công viên, ga xe điện ngầm. Tư thế đệ nhất khoái ngồi xổm thượng lên cả xí bệt văn minh. 15 năm ở Đức rồi vẫn ko thay đổi thế ngồi. ko thay đổi giọng nói khê khê lổn nhổn bán sơn địa. Yêu quê hương qua từng âm tiết nhỏ, ai gọi thân sinh là bủ, tôi êm đềm nghe em nói trên xe.
    Mà trên xe thật. Gã ngồi đúng tư thế ấy trên xe khách Tây Bắc về Hà Nội. Cô hành khách ngồi bên hỏi anh cũng về HN hả anh. Gã bảo ừ anh về Hà Nội. Nếu dừng ở đó thì câu trả lời đúng nội dung đúng nghi thức, hỏi A thì trả lời A. Nhưng quê ta hỏi A thì sẽ được câu trả lời ABCD, thậm chí cả EGHI cho đến hết bảng chữ cái. Thế là gã trả lời ừ anh về Hà Nội, có thằng em đang học tại chức tháng này tập trung ở trường nó bảo anh lên chơi HN cho vui, anh đi Đức 15 năm, tháng nào cũng gửi tiền về cho nó, nó khoe đang đại học, hoá ra về thì thấy nó đang tại chức, dốt chuyên tu ngu tại chức, thôi thì méo mó có hơn ko, như thế là nó cũng có chí tiến thủ chờ đề bạt. Đến đây hết bảng chữ cái tiếng Việt, gã có thể chuyển sang bảng chữ cái tiếng Đức, nhưng cô gái chặng ngang bằng một cái kẹo cao su chìa ra mời. Ko anh ko ăn, em cứ tự nhiên. Chối xong lại nhớ đến cái đoạn quảng cáo tivi, trai gái chĩa mồm vào mặt nhau mà nói, kẻ đối thoại phải phẩy tay xua bớt uế khí vì ko chịu ăn kẹo. Thế là nhận kẹo. Thế là nhai chóp chép. Kể tiếp. Cô gái đồng hành chỉ việc thỉnh thoảng mồi một câu ngắn, hỏi một thì được trả lời hai ba, dấn thêm tí nữa đến bốn năm sáu, rướn tí nữa đến mười. Bao nhiêu năm lao động châu Âu vẫn thật thà có gì nói nấy, bao nhiêu năm vẫn yêu quê hương nguyên vẹn thổ âm thổ ngữ, vẫn sắc tố da nước mặn đồng chua, vẫn thế ngồi rung rinh mấy nhịp cầu tre. Nơi quê nhà là anh chăn vịt thì sang xứ người vận là anh chăn vịt. Nơi quê nhà chăn trâu cắt cỏ, anh xe ôm chợ người buôn nước bọt chỉ trỏ thì đến gầm trời choáng lộn nào đắp cả vàng lên người hàng chục năm vẫn còn đó rưa rứa xêm xêm.
    Gã bảo, em ko ngờ người ác mà có người đẹp thế. Trông như sinh viên. Da trắng má hồng mắt bồ câu hoang dã. Cô ấy mời em cái kẹo, một ngụm nước trong chai Lavi, thế là em lăn quay. Ngả lưng ra ghế há hốc mồm mê man. Thực ra em bay lên trần xe chất lượng cao thấp tèm em nhìn xuống thấy nó thản nhiên lục túi em lấy 12 triệu cộng cái đồng hồ Đức cộng vài thứ quà linh tinh cho họ hàng. Em hô hoán lên. Mấy hành khách ngồi gần cửa sổ mở cửa ra phẩy tay xua một con ruồi tưởng tượng vo ve bay lạc vào trong xe máy lạnh. Em bay vút lên hét vào tai bác tài, bác ta thò ngón út dài ngoáy lỗ tai gẩy ra một cục ráy tai. Xe đến bến, hành khách xuống hết, em vẫn mê man giấc mộng bá vương.
    Em ko ngờ người đẹp thế mà ác thế. Trông như sinh viên. Có cặp sách hẳn hoi. Ngọt ngào lắm. Tí nữa thì em đời đã thiên thu. Bây giờ em thấy nó vẫn đang ôm cặp sách lảng vảng ở bến xe kia kìa, anh hô hoán bắt nó hộ em với.
    Gã hơn tôi fải đến chục tuổi, mặt già hơn cả bố tôi, mà cứ xưng là em. Người Bắc lạ thế. Khó mà xưng hô với nhau theo kiểu công dân được. Gặp nhau lần đầu chẳng cần biết tên tuổi cứ xưng em với bất kì ai. Gọi nhau trên điện thoại giao dịch, nào có biết người ta mà cứ ton ton xưng em. Nhưng cứ thử quệt xe vào em, thử nhỡ mồm nhỡ tay với em một cái mà xem, em sẽ nhảy lên thành bố mình ngay.
    Gã hỏi hình như trong hôn mê em la hét ghê lắm phải ko? Tôi bảo anh cứ như lợn thọc tiết. Ôi giời, em làm phiền ông quá, chắc làm ông ko ngủ được. Gã ái ngại thực lòng vì gây ô nhiễm âm thanh cho ông người bệnh của tôi, cho cả phòng cấp cứu. Rồi gã mời tôi khi nào gã khỏi về thăm gã ở xã ấy huyện ấy tỉnh ấy, dân ở đấy ko ăn kẹo cao su ko uống Lavi, hai tháng nữa gã mới trở sang Đức, nếu tôi có dịp sang thì tìm gã ở khu ấy quận ấy thành phố ấy. Đời này được mấy người như gã. Đến chết vẫn ko hết ngô nghê tin người.
    *
    Cùng lúc gã trai ở góc phòng vặn vẹo quăng quật trên giường. Máy đo huyết áp tim mạch của gã rú rít. Giường gã nằm chỉ là một cái băng ca có bánh xe, người ta mới đẩy vào, cho nằm luôn trên băng ca mạ kền sáng loáng. Gã như hổ rứt xích. Bánh xe cứ trượt đi, băng ca xoay vẹo vọ. Cô người nhà cố giữ cái băng ca cho khỏi đổ. Tôi phải chạy tới giúp. Phải công nhận gã điển trai, sống mũi thẳng tuyệt đẹp. Một con đực lúc thường tốn gái, tội nợ gì chỉ vì tình uống 50 viên thuốc ngủ. Tình hiện hình qua đứa con gái đứng cạnh gã lúc này: một mắt thâm tím, vành mắt rách máu đóng vẩy. Trước khi bỏ về nhà làm một giấc ngàn thu, gã quai vào mặt nàng hai quả búa tạ.
    Tôi fải cố giúp cô kia xoay người gã lại cho ngay ngắn. Cô tua lại cái bài trên chợ báo chí sáng nay rằng gã uống nhầm thuốc. Chả nhẽ tôi tua lại cái băng văn phòng tôi sáng nay rằng nó là thương nhân nhìn đâu cũng thấy tiền, ko gì qua được mắt nó, lại những 37 tuổi đầu, nó ko thèm cho ai uống nhầm thuốc thì thôi. Chỉ nghĩ vậy đã nghe tiếng khoái trá trên đầu.
    Tôi thì bao giờ cũng ngưỡng mộ những kẻ tự tử. Họ còn có lương tâm, còn liêm sỉ, còn trọng danh dự. Chí ít còn là kẻ lãng mạn cuối cùng như gã. Gã có một thằng bạn hàng chí cốt, bố người Tàu, mẹ người Mĩ còn nó sinh ra ở Pháp. Một mình nó mang trên người cả ba châu lục. Ko chỉ là bạn hàng, thằng ấy còn là bạn chơi. Hai đứa cắp nhau đi châu Á châu Âu châu Mĩ. Làm. Ăn. Chơi. Chơi mãi, cô thư kí của gã kết thằng kia. Quấn nhau tin nhau đến nỗi đi đâu cũng ba, có khi ở khách sạn nước ngoài ba đứa nằm một giường, thằng hợp chủng nhân nằm giữa, gã một bên và con kia một bên. Thằng nằm giữa ko sợ gã thò tay qua người nó như trong chuyện tiếu lâm châu Âu. Tin nhau yêu nhau đến nỗi vài ba năm nay thằng kia ko sang làm ăn thì gã và cô thư kí nằm chung giường, cũng chẳng có ý dành một chỗ cho thằng kia nằm nữa. Yêu nhau kết nhau đến nỗi cô người yêu đòi cưới. Cưới thì sẵn sàng. Nhưng đến thế gã bắt đầu đắn đo. Ngập ngừng. Ngại ngần. Cô người yêu sẽ thành vợ gã. Vợ gã ngày nào cũng biết đến tận cùng. Vợ gã cũng đã biết đến tận cùng của thằng bạn gã ... Gã đọc thấy phép so sánh của người gã muốn cưới. Gã lảng gã lờ gã lơ gã ngây ngô gã trì hoãn. Nhưng mà gã đau. Nhưng mà nàng khóc. Nước mắt đàn bà làm gã nhụt chí, gã chỉ muốn lấy quách nàng đi. Gã quay sang hận thằng kia.
    Ngày nào cũng nước mắt. Ngày nào cũng xung đột. Đỉnh cao. Gã hận thằng bạn làm ăn bạn chơi ngày trước. Hận chính gã. Hận con kia. Gã đấm vào mặt con kia hai cái, bỏ về nhà. Tay đau, mà cảm thấy mặt cũng đau. Tìm rượu. Rồi tìm năm mươi viên thuốc ngủ.
    *
    Tôi gặp lại gã ở một cái chợ khác. Phần lớn đàn ông gặp nhau ở đấy. Những bãi bia ngổn ngang chi chít trên bản đồ các đô thị. Ngành nào cũng có thể lụn bại trừ sản xuất bia. Bia như thác đổ xuống đầu thị dân. Ném theo thác lũ ngôn từ phong phú tươi mởn sinh động. Rửa sạch giải toả đôi ba nỗi niềm. Tặng thêm miễn phí mấy cái tiểu đường tim mạch gan thận gút ghiếc. Sá gì. Bác sĩ cấm nhưng bác sĩ có khi cũng theo ta ra bãi bia, bia hơi Hà Nội ai cưỡng được. Mọi khó khăn khúc mắc được giải quyết ở đấy. Mọi xung đột được giải quyết hoặc khởi lên ở đấy. Mọi hợp đồng thoả thuận văn bản ghi nhớ được kí ở đấy.
    Ba vại bia rồi, tôi đi vào toa-lét. Cái máng dẫn nước tiểu lát gạch men trắng bong, dốc dần xuống, nước trôi triền miên vệ sinh lịch sự. Có một gã vào theo ngay. Gã đứng ở đầu nguồn, một dòng nước hùng dũng nam tính trôi xuống phía tôi ở hạ lưu dòng chảy. Cả hai đi ra gần như cùng lúc. Tôi đưa mắt sang ngang. Nhận ra gã. Gương mặt điển trai ấy, cái sống mũi thẳng tuyệt đẹp ấy.
    Gã thú vị nghe tôi giải thích vì sao tôi biết gã. Gã đang ngồi uống bia với thằng bạn ba lục địa mới trở sang làm ăn. Làm. Ăn. Chơi nữa. Rốt cục gã chẳng lấy người gã yêu. Tỉnh dậy sau năm chục viên thuốc ngủ, gã thấy đời cái gì cũng nghiêm trọng mà cái gì cũng nhẹ nhàng. Yêu thì cứ để thế mãi cho nó đẹp, sao lại mưu toan huỷ diệt nó bằng hôn nhân? Hôn nhân rồi nằm bên A so sánh với bên B rách việc. Dạo này lại như trước, duy trì một giường ba người bạn, gã một bên và con kia một bên, bên cạnh cả A và B thì chẳng ai buồn so sánh nữa, mà thằng nằm giữa cũng chả ngại thằng nằm bên thò tay qua người mình...

Chia sẻ trang này