1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Các Thành Trì & Kinh thành ở Việt Nam

Chủ đề trong 'Du lịch' bởi kienxanh, 18/08/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. kienxanh

    kienxanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2006
    Bài viết:
    762
    Đã được thích:
    0
    Các Thành Trì & Kinh thành ở Việt Nam

    Chào các bạn,

    Có một lần, khi đặt bước chân đầu tiên đến xứ Huế, mình đã lặng người đi trong khu Hoàng Thành phía sau đổ nát cỏ dại mọc đầy, nơi rất ít dấu chân lữ khách lưu lại....

    Có một lần, mình trở lại Cổ Loa - Thành ốc đầu tiên của Nước Việt và ngỡ ngàng trước việc làm mới lại - mà người ta gọi là trùng tu - những di tích ngàn năm...

    Có một lần, khi đi xa trở về Hà Nội, mình vào thăm khu Hoàng Thành Thăng Long xưa và bắt gặp một cái nhìn ngỡ ngàng của người bảo vệ. Dường như hiếm hoi lắm mới có người bước chân vào chốn ấy....

    Và có một lần, khi ngồi thừ ra trước màn mưa dày đặc, mình chợt nhớ đến những kinh thành, thành trì có từ xa xưa của nước Việt mình. Có bao nhiêu thành trì , có bao nhiêu kinh thành của một đất nước bốn ngàn năm lịch sử trải qua biết bao cuộc đổi thay?

    Thành Cổ Loa, Thành Hoa Lư, Thành Tây Đô, Thành Nhà Hồ, nhà Mạc và bao nhiêu nữa????

    Mình muốn được các bạn cho mình biết thông tin trước khi bắt đầu một cuộc hành trình mới.
    Chân thành cảm ơn
  2. kienxanh

    kienxanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2006
    Bài viết:
    762
    Đã được thích:
    0
    Thành Cổ Loa thời Âu Lạc
    Cho tới nay, sau nhiều phát hiện khảo cổ học, Cổ Loa vẫn là tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất, trong lịch sử xây dựng thành lũy của nước ta.
    Là một tòa thành cổ có niên đại thuộc thời dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc, thời mà lịch sử dân tộc nói chung còn biết bao ẩn số chưa được giải đáp, thành Cổ Loa bản thân cũng chứa đựng nhiều ẩn số và là đối tượng tranh luận sôi nổi của nhiều nhà nghiên cứu.
    A. Vị trí địa lý Di tích thành Cổ Loa nằm ở bên phải đường quốc lộ số 3 đi từ Hà Nội đến Thái Nguyên, quãng cây số 17. Hiện nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
    Khu vực quanh thành cổ và ngay cả trong phạm vi thành cổ là một vùng gò đống ngổn ngang, đầm sâu, ruộng chiêm trũng. Đường xe lửa Hà Nội - Việt Trì cắt ngang qua đoạn thành ngoài phía góc đông bắc. Sông Hoàng chảy quanh ôm cả phía nam thành ngoài Nhìn chung khu vực Cổ Loa là khu vực cao, thoái đầu tư phía bắc xuống phía nam. Theo các nhà địa chất, Cổ Loa xưa là bãi bồi của sông Hồng với một nhánh quan trọng chảy qua phía nam (Sông Hoàng nay chỉ còn là con lạch nhỏ).
    "Cổ Loa là một khu đất cao, thoải dần từ bắc - miền đồi trung du, vốn là thềm bậc 2 của sông Hồng - xuống nam theo dòng nước chảy. Rải rác đó đây có những gò cao - là thềm sót bậc 1 của sông Hồng - và những doi đất cao chạy dọc sông. Xen giữa gò cao là những hố lớn, đầm lầy - những vết tích của dòng sông cũ đã đổi dòng và đổi luôn luôn trên bãi bồi do chính nó tạo ra.
    Quanh các bờ hồ, đầm... có nhiều rừng cọ, rừng cây to, gỗ quý với những bụi cây gai rậm rạp [1].
    Điểm lại những ghi chép ít ỏi trong thư tịch cổ, ta thấy tên An Dương Vương xuất hiện lần đầu tiên trong Hậu Hán thư [2].
    Sách Quảng Châu ký (do Sử ký sách ẩn dẫn) nói An Dương Vương "đóng đô ở huyện phong Khê". Theo Hậu Hán thư thì Phong Khê là do Mã Viện, năm 43, tách đất huyện Tây Vu mà đặt ra.
    Sách Nam Việt Chí (Cựu Đường thư - Địa lý chí dẫn) việt: "Thục cho con là An Dương Vương, cai trị Giao Chỉ. Đất nước đó nay ở phía đông huyện Bình Đạo. Thành đó có 9 vòng, chu vi 9 dặm, sĩ thứ đông đúc". Đây là sách đầu tiên nói đến thành của An Dương Vương.
    Sách Thủy Kinh Chú xác nhận: "Nay ở huyện Bình Đạo biện còn thấy chỗ cũ cung thành của An Dương Vương". Sách Tấn Thái khang địa chí chép: "Huyện ấy thuộc quận giao Chỉ".
    Tùy thư chép việc Lý Phật Tử đóng ở "Việt Vương cổ thành". Thành cũ của vua Việt bắt đầu xuất hiện từ đây.
    An Nam chí lược (thế kỷ XIV) chép: "Thành Việt Vương tục gọi là thành Khá Lũ. Có ao cổ. Người trong nước mỗi năm tìm được ngọc châu dùng nước ao ấy để rửa ngọc thì sắc ngọc tươi đẹp".
    Đại Việt sử lược (cuối thế kỷ XIV) ghi: "Phán đắp thành ở Việt Thường, xưng hiệu là An Dương Vương".
    Tới thế kỷ XV, tên Loa Thành mới xuất hiện.
    An Nam chí nguyên và Việt Kiệu thư chép: "Việt Vương thành ở huyện Đông Ngạn, còn gọi là Loa Thành". Hai sách ấy giải thích: "Vì An Dương Vương đóng đô ở đất Việt nên người đời sau gọi thành ấy là Việt Vương thành". Có tên Loa thành vì thành ấy quanh co như hình con ốc".
    Sách Việt Nam, Lĩnh Nam chích quái, Dư địa chí (của Nguyễn Trãi), Đại Việt sử ký toàn thư có nói tới Loa thành và còn đưa ra thêm tên gọi là thành Tư Long, thành Côn Lôn [3].
    Về cùng một tòa thành cổ, nhưng ý kiến khác nhau đã đặt trước chúng ta hai địa điểm - Cổ Loa và Cao Xá - cách nhau hằng trăm cây số.
    Địa điểm thứ nhất, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, được tuyệt đại đa số các nhà khoa học chấp nhận bởi vì nơi đây ngoài truyền thuyết, địa danh, phong tục hội hè... còn cả di tích tòa thành cổ khá nguyên vẹn chứng minh sự tồn tại của kinh thành nước Âu Lạc cũ.
    Địa điểm thứ hai, xã Cao Xá, huyện Diễn Châu (Nghệ An), được ít người chú ý bởi lý do đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là không có di tích chứng minh.
    Chúng tôi tán thành ý kiến về địa điểm thứ nhất.
    Được kienxanh sửa chữa / chuyển vào 09:31 ngày 18/08/2006
  3. kienxanh

    kienxanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2006
    Bài viết:
    762
    Đã được thích:
    0
    B. Cấu trúc
    1. Tường thành

    Di tích hiện thấy có ba vòng khép kín: tường thành ngoài, tường thành giữa và tường thành trong.
    a) Tường thành ngoài là một vòng tường khép kín đắp lần theo những gò đồng thiên nhiên nên không có hình dáng rõ ràng: Dài khoảng 8.000 mét [4]. Cao trung bình từ 3 đến 4 mét; chỗ cao nhất là Gò Cột Cờ cao tới 8 mét. Chân thành rộng từ 12 đến 20 mét. Phần phía bắc thuộc xã Dục Tú, Dục Nội có chỗ đã bị san bằng, sonh nhình chung vẫn có thể còn đủ để quan sát di tích cũ.
    Qua Quan sát bên ngoài, qua những chỗ sạt lở, những đoạn bị cắt ngang và qua lắt cắt với mục đích nghiên cứu của nhà khảo cổ, có thể thấy được cấu trúc của tường thành:
    - Các vòng tường thành không phải đều do đắp xây mà nhiều đoạn vốn là gò đất tự nhiên. Có thể khẳng định rằng tường thành được đắp nối các gò vốn có hoặc đắp thêm trên các gò theo thế tự nhiên mà thành.
    - Trong tường thành, ở lưng chừng tường, độ cao các chỗ không thống nhất, thấy lộ một lớp mỏng những mảnh ngói ống, ngói bản, có nơi có một lớp đá cuội. Ơở phần phía nam sửa thành hiện tượng này rõ rệt hơn và phổ biến hơn. Lát cắt của Viện Khảo cổ học năm 1970 ở đầu Xóm Mít không thấy hiện tượng này (chỗ này là quãng giữa của đoạn tường thành phía nam).
    Lớp mảnh ngói [5] ở nhiều chỗ tồn tại như ranh giới của hai lớp tường trên và dưới rõ ràng.
    - Cách đắp bình thường như mọi cách đắp ở những tòa thành thường thấy xưa nay, tức là đào đất ngay cạnh tường phía ngoài mà đắp cao dần lên. Phần đất bị đào sâu trở thành hào ngoài. Khi đắp người ta tất có đập, đầm, nhưng không dùng gậy nhồi kỹ như kiểu trình tường (một cách đắp thành của Trung Quốc).
    b) Tường thành giữa, như tường thành ngoài, là một vòng tường khép kín, không có hình dáng nhất định, cũng đắp nối các gò tự nhiên và men theo đầm hồ mà thành. Chiếu dài khoảng 6.500 mét, cao từ 6 đến 12 mét, mặt thành rộng trung bình 10 mét, chân thành rộng tới 20 mét, có nơi còn hơn thế.
    Đây là vòng tường thành còn được bảo vệ chu đáo nhất trong cả ba vòng, đặc biệt là phần phía bắc.
    Về cấu trúc, tường thành giữa cũng có những đặc điểm như ở tường thành ngoài, điểm đặc biệt đáng lưu ý là lớp ngói ở giữa tường thành thấy phổ biến ở phần phía nam.
    Một điểm độc đáo hầu như chưa thấy ở đâu là vòng tường ngoài và vòng tường giữa được đắp bằng nhau ở phía nam tạo thành một quãng trống làm cửa ra vào. Đây là cửa Nam của thành, có cái tên chữ Hàn là "Trần Nam môn". Cửa Nam được xác định bằng hai miếu thờ thần trấn cửa xây trên mặt tường thành nơi hai vòng tường gặp nhau [6].
    Hiện tượng nối liền hai vòng tường ngoài và giữa để tạo lối ra vào và việc thuận theo thế đất tự nhiên để đắp tường làm cho hai vòng tường thành ngoài và giữa có chứng cớ để mang một tuổi chung, đồng thời có dáng vẻ nguyên thủy của một công trình quân sự.
    c) Tường thành trong mang dáng vẻ khác hẳn hai vòng tường trên, có hình chữ nhật nghiêm chỉnh. Chu vi khoảng 1.650 mét. Mặt thành rộng khoảng 10 mét, chân thành khoảng 20 mét. Thành cao chừng 5 mét.
    Đáng lưu ý là quanh tường thành trong có đắp 12 ụ đất nhô ra phía ngoài gọi là "hỏa hồi". Hỏa hồi được đắp rất cân xứng. Mỗi tường ngang hai chiếc, mỗi tường dọc bốn chiếc (hai dài, hai ngắn). Tính cân đối còn thể hiện ở cả gián cách giữa các hỏa hồi của các tường đối diện. Hỏa Hồi ở hai tường dọc đều được bố trí như nhau. Hai hỏa hồi dài ở giáp hai góc và hai hỏa hồi ngắn ở giữa [7].
    Kết quả lát cắt thành của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ở góc đông bắc cho hay:
    - Lớp trên đất thịt nhẹ, có nhiều mảnh sành, sứ từ tương đối xưa đến hiện đại.
    - Lớp dưới đất thuần mịn, chắc. Ơở độ sâu 1,20 mét (phía ngoài), 1,60 mét (phía trong) so với mặt thành có lớp ngói ống, ngói bản trải thoai thoải ra hai phía chân thành, trong lẫn nhiều than gỗ cháy đen và than bùn. Dưới là một dải đá tảng.
    Cấu trúc tần lớp ở các hỏa hồi cũng như vậy.
    Phạm vi thành trong hiện nay là nơi cư dân đông đúc. Nhiều nhà cửa xây dựng ngay trên tường thành. Thực ra từ lâu việc này đã xảy ra, chứng cớ là nhiều ngôi đình của xóm làng xây dựng từ đầu thời Nguyễn đã lấy tường thành làm nền kiến trúc. Hiện tượng bị phá hủy của thành trong rất nghiêm trọng, song nếu quan sát kỹ thì hình dáng của tòa thành vẫn còn thấy rõ.
    d) Những gò đất.
    Trong phạm vi ba vòng thành cũng như bên ngoài có nhiều gò đất tròn, dài, có khi thành dải dài. Ơở những người nghiên cứu cho rằng đây là những ụ, lũy phòng vệ, là những pháo đài tiền vệ [8].
    2. Hào ngoài
    Cả ba vòng tường thành đều có hào ngoài. Hào thành ngoài phía tây nam và nam, lợi dụng con sông Hoàng chảy gần sát với thành. Phía tây nam từ gò Cột Cờ, phía đông từ Đầm Cả, người xưa đã đào khắp ven phía ngoài tường thành. Như vậy nước sông Hoàng có thể chảy thông khắp thành.
    Hào thành giữa cũn nối với hào thành ngoài ở Cột Cờ và Đầm Cả. Ơở quãng Đầm Cả qua cổng Cửa Song, hào này còn nối liền với năm con lạch chảy tựa bàn tay xòe phạm vi thành giữa. Như vậy sông Hoàng cũng cung cấp nước cho cả vùng hào thành giữa và hệ thống lạch trong thành. Hào thành ngoài và giữa ngày nay đã bị bồi lấp nông đi và trở thành những dải ruộng chiêm, rộng trung bình từ 10 đến 30 mét.
    Hào thành trong cũng được đào xung quanh tường thành. Ngày nay được chia cắt thành từng thửa ao của từng nhà, nhưng nhìn chung dấu vết hào còn rõ. Hào thành trong là một vòng hào khép kín nối với sông Hoàng bằng một trong năm lạch nước ở thành giữa (ngày nay không còn thấy rõ chỗ nối thông).
    3. Cửa thành
    Vòng thành trong chỉ mở một cửa chính giữa tường thành phía nam. Thành trong lại được xây dựng chính hướng nam - bắc, tây - đông.
    Vòng thành giữa mở bốn cửa: Cửa Trấn Nam, cửa Bắc, cửa Tây Bắc, cửa Tây Nam. Ơở các cửa, trên mặt thành đều có xây một miếu thờ thành trấn cửa. Riêng cửa Trấn Nam là cửa chung với thành ngoài và cũng là cửa chính (cửa Tiền) của mình thành nên xây hai miếu hai bên.
    Vòng thành ngoài mở ba cửa: Cửa Trấn Nam, cửa Bắc, cửa Tây Nam.
    Ngoài ra còn có hai lối ra đường thủy. Một là cửa Đông, ở nơi có dòng nước chảy thông từ sông từ sông Hoàng tới cửa Cống Song vào hệ thống năm lạch nước thành giữa. Theo nhân dân, ở đây xưa kia cũng có miếu thờ, nay đã mất.
    Hai là ở chỗ gò Cột Cờ, nơi dòng nước sông Hoàng chảy thông vào hào thành ngoài và thành giữa, cắt ngang vòng thành ngoài thành một cửa mở.
    Hai nơi này nếu gọi là cửa cũng có thể được, song không là ý thường hiểu của một cửa thành có cổng đóng mở, mà chỉ là lối ra vào dành riêng cho thuyền bè mà thôi [9].
    Cho tới nay, tất cả mọi cửa không còn dấu vét gì để co thể biết chúng có cánh đóng mở ra sao, bên trên có lầu cửa hay không?

    (1) (8) Trần Quốc Vượng: Cổ Loa, những kết quả nghiên cứu vừa qua và những triển vọng tới, Khảo cổ học số 3 - 4, tháng 12-1969, tr. 106.
    (2) Hậu Hán thư - Quận Quốc Chí chưa ở dưới Mục "Quận Giao Chỉ": Đấy là nước cũ của An Dương Vương.
    Cả đoạn khảo thư tịch cổ này chúng tôi sử dụng tài liệu của Trần Quốc Vượng, đã dẫn, tr. 102-103.
    (3) Đại Việt sử ký toàn thư. T. I, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1972, tr. 64.
    (4) Con số 8.000 mét là theo Trần Quốc Vượng. Theo F. Đêpierơ (F. Despierres) và Cl. Mađơrôlơ (Cl. Madrolle) thì tường thành ngoài đo được 7.600 mét, tường thành giữa đo được 6.150 mét.
    (5) Ngói ống, ngói bản là loại di vật phân bố ở khắp thành, đặc biệt phần phía nam: trong tường thành, trên một số gò ngoài các tường thành, các mặt ruộng ngoài tường thành, trong các ao, sân nhà ở khu vực này... Đoàn điều tra khảo cổ và cổ sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1966, đã đặt cho chúng cái tên là "Gốm Cổ Loa". Lâu dần "Gốm Cổ Loa" được gọi quen như một thuật ngữ khảo cổ học. Chúng tôi cho rằng cách gọi đó không đúng. Dù đã rất quen thuộc vẫn phải thay đổi để đảm bảo tính khoa học của thuật ngữ, tránh sự phiền phức cho những người nghiên cứu mai sau. Vấn đề này cũng rất đơn giản, chỉ cần gọi đúng tên của di vật vốn đã có là: ngói ống, ngói bản, đầu ngói ống, đinh ngói v.v...
    (6) Cả cái tên "Trấn Nam môn" lẫn miếu thờ thần trên mặt thành đều là những sản phẩm xuất hiện sau thời An Dương Vương rất xa. /
    (7) Theo Trần Quốc Vượng: Trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử. Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội xuất bản, 1970, thì tất cả có 18 hỏa hồi đắp cao hơn mặt thành từ 1 đến 2 mét, nhô ra phía trước từ 10 đến 50 mét. /
    (9) Theo Trần Quốc Vượng: Đã dẫn, thì ở vòng thành ngoài có lẽ còn một cửa Tây Bắc tương ứng với cửa Tây Bắc của thành giữa.

    (sưu tầm)
    Được kienxanh sửa chữa / chuyển vào 09:30 ngày 18/08/2006
  4. giangnh80

    giangnh80 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/09/2004
    Bài viết:
    627
    Đã được thích:
    0
    Còn Thành nào nữa bạn nói tiếp đi, mình đang theo dõi
  5. likemoon

    likemoon Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/02/2006
    Bài viết:
    659
    Đã được thích:
    0
    Ủng hộp topic của bạn kiến , tớ post một đường link khá đầy đủ về các thành cổ Việt Nam:
    http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%83_lo%E1%BA%A1i:Th%C3%A0nh_c%E1%BB%95_Vi%E1%BB%87t_Nam
    Có điều, việc bảo tồn bảo trì các di tích này ở Việt Nam quá kém, kể cả ở Huế, chẳng nhẽ ngân sách nước ta không đủ để duy trì và tôn tạo các công trình lịch sử này. Đầu tư 1 mà sẽ thu về 1000 trong tương lai cả về kinh tế, văn hoá, xã hội. Thật đáng ngạc nhiên !!!
  6. smkt

    smkt Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/12/2004
    Bài viết:
    6.586
    Đã được thích:
    1

    Lần trước đến Huế em cũng đi vào một số thành bị bỏ hoang, ngay cả trong một số lăng đi sâu ra đằng sau cũng rất nhiều di tích bị hoang phế, nhìn thật...Đi đi chị...đi và chia sẻ nhé, nếu được chắc sẽ tham gia ví chị 1 vào chỗ
  7. kienxanh

    kienxanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2006
    Bài viết:
    762
    Đã được thích:
    0
    @giangnh80 : Mình cũng đang muốn biết nữa đây. Mong cả nhà đòng góp thông tin và kinh nghiệm đi đến những nơi này.
    @likemoon : cảm ơn thông tin của bạn nhiều.
    @smkt: sau khi đi Hà Giang về, MSC lại tiếp tục nhé! Theo chương trình mới này. Okie nhé???
  8. kienxanh

    kienxanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2006
    Bài viết:
    762
    Đã được thích:
    0
    Thành Hoa Lư

    Sử chép rằng: "Mậu thìn năm thứ 1 (968), Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh về động Hoa Lư, xây dựng đô mới, đắp thành đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi" [1]. Đây là chép về vua Đinh Tiên Hoàng sau khi dẹp xong các sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi vua và xây dựng kinh đô.
    Sử lại chép "Giáp thân năm thứ 5 (984)... Dựng nhiều cung điện, làm điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, có cột điện dát vàng bạc, làm nơi coi chầu; bên đông là điện Phong Lưu, bên tây là điện Từ Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, rồi lại dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc lợp bằng ngói bạc" [2]. Đây là chép về vua Lê Đại Hành, sau khi lên ngôi đã tiếp tục xây dựng kinh đô Hoa Lư thành một thủ đô tráng lệ.
    Sử chép tiếp: "Canh tuất, Thuận Thiên năm thứ 1 (1010)... Mùa thu tháng 7, Vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi là thành Thăng Long. Đồi châu Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư làm phủ Trường Yên..." [3].
    Cứ theo sử sách thì Hoa Lư đã đóng vai trò thủ đô 42 năm. Trong 42 năm đó, trải ba triều: Đinh - Lê - Lý, Hoa Lư đã được tu bổ xây dựng khá nhiều. Iít nhất nơi đây đã là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế và quân sự của hai triều Đinh và Tiền Lê [4].
    A. Vị trí địa lý
    Thành Hoa Lư thuộc đất xã Trường Yên, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình cũ (hay là Hà Nam Ninh); cách Hà Nội khoảng 10 km về phía tây bắc. Hệ thống núi đá vôi của huyện Gia Khánh phát triển thành những dải núi hiểm trở bao bọc xung quanh một vùng đất bằng, rộng lớn, ngay bên bờ phía đông nam sông Hoàng Long. Vùng đất này đã được chọn làm khu vực kinh thành Hoa Lư.
    Thế đất Hoa Lư tuyệt đẹp. Núi cao bao quanh gần như kín ba mặt tây, nam và đông, tạo nên những bức tường cao vô cùng kiên cố. Phía bắc và phía đông bắc ít núi, lại có con sông Hoàng Long án ngữ như một hào ngoài. Sông Hoàng Long là con sông lớn bắt nguồn từ vùng rừng núi Hòa Bình, Nho Quan chảy ra sông Đáy, lại là con đường giao thông thuận tiện từ kinh thành ra bắc vào nam. Từ Hoa Lư còn có nhiều con đường len lỏi trong vùng, qua những ngách núi cheo leo để đi sâu vào vùng núi hoặc vào phía nam.
    Chọn Hoa Lư làm kinh thành, người xưa chỉ cần xây nối một số đoạn ngắn các khoảng trống giữa hai quả núi là có một công sự khép kín vô cùng kiên cố mà không phải tốn nhiều công sức.
    Tiếp sau Cổ Loa, Hoa Lư là một tòa nhà điển hình cho phương pháp xây dựng lợi dụng địa thế tự nhiên. Cũng bởi lẽ đó mà thành Hoa Lư có dáng hình độc đáo, có đầy đủ tính chất kiên cố, hiểm trở của một công trình quân sự, lại thêm tính kỳ vĩ, hữu tình của một thắng cảnh.
    B. Cấu trúc
    Mười đoạn tường thành nhân tạo đã nối những ngọn núi, dải núi đá vôi tạo nên hai vòng thành khép kín sát cạnh nhau, được gọi là thành ngoài và thành trong, với diện tích chừng 300 hécta có dư.
    1. Thành ngoài rộng chừng 140 hécta, gồm địa phận hai thôn Yên Thượng và Yên Thành, thuộc xã Trường Yên. Thành ngoài được nối kín bằng năm đoạn tường thành.
    ? Đoạn thứ nhất "Nối từ núi Đầm sang núi Thanh Lâu. Nnân dân gọi đoạn này là Tường Đông.
    ? Đoạn thứ hai: Nối từ núi Thanh Lâu sang núi Cột Cờ.
    ? Đoạn thứ ba: Nối từ núi Cột Cờ sang núi Chẽ.
    ? Đoạn thứ tư: Nối từ núi Chẽ sang núi Chợ.
    ? Đoạn thứ năm: Nối từ núi Mã Yên sang một dải núi khác. Nhân dân quen gọi là Tường Vầu.
    2. Thành trong về diện tích, tương đương với thành ngoài, nay thuộc đất thôn Chi Phong, xã Trường Yên. Quanh thành trong cũng có năm đoạn tường đắp nối các dải núi, bao gồm:
    ? Đoạn thứ nhất: Nối từ núi Hàm Sá sang núi Cánh Hàn. Nhân dân quen gọi là Tường Dền.
    ? Đoạn thứ hai: Nối từ núi Cánh Hàn sang núi Hang Tó. (Cũng là đoạn phụ cùng tuyến với Tường Dền).
    ? Đoạn thứ ba: Nối từ núi Quèn Dót sang núi Mồng Mang. Nhân dân quen gọi là Tường Bồ.
    ? Đoạn thứ tư: Nối từ núi Mồng Mang tới núi Cổ Giải. Nhân dân quen gọi là Tường Bìm.
    ? Đoạn thứ năm: Đắp ngang giữa thành trong. Nhân dân cũng gọi là Tường Vầu như đoạn đắp ngang giữa thành ngoài [5].
    3. Tài liệu điền dã của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho biết rằng:
    a) Đoạn tường từ núi Chẽ sang núi Cột Cờ dài 300 mét, có một con ngòi chảy từ trong thành ra sông Hoàng Long và chảy qua đoạn tường này ở chỗ chân núi Chẽ. Từ chân núi ra bờ ngòi khoảng 30 mét còn thấy vết tích của tường thành. Ngòi rộng chừng 40 mét. Ngay sát bờ ngòi bên kia là tường thành đắp thẳng, nối với núi Cột Cờ.
    Tường thành hiện bị phá hoại nên từng chỗ cao thấp có khác nhau, nơi cao nhất là 5 mét so với mặt vuông, nơi thấp từ 2 đến 3 mét. Tường thành đắp ngang qua một vùng lầy lội nên cấu trúc có những điểm đáng chú ý.
    Vì vốn là chỗ đất lầy dễ lún nên móng đã được xử lý tốt. So với mặt ruộng hiện nay, móng tường sâu chừng 2 mét, được làm bằng cách trải lót cành cây lẫn với đất đắp nhiều lớp. Còn có những cọc đóng sâu xuống giữ cho móng không trôi. Có cọc đơn và cọc kép. Cọc kép gồm hai cọc nối nhau bằng đà ngang có lỗ mộng. Trên đà ngang lại xếp nhiều cây gỗ dài.
    Đây là cách xử lý truyền thống trong việc chống lún ở những vùng lầy lội. Cách này rõ ràng có hiệu quả tốt, tường thành xây đắp bên trên đã tồn tại vững vàng cho tới ngày nay.
    Thân tường cũng được làm khá đặc biệt. Mặt trong của tường xây gạch dày khoảng 0,45 m rất cẩn thận, thẳng và vững chắc. Chân tường có kè đá tảng và đóng cọc gỗ lớn, chồng chéo.
    Phía ngoài của tường gạch là phần tường đắp rất dày đất ốp vào tường gạch.
    Thông thường ở những tòa thành sau này thì phần xây gạch hoặc đá phải là ở mặt ngoài của tường thành. Ơở đây, thì ngược lại. Như vậy có thể nghĩ rằng phần xây gạch chỉ là tường ốp chống lở sụt mà thôi chứ không có ý đồ gây khó khăn cho việc vượt tường (vì không có ai lại có ý đồ gây khó khăn cho chính mình). Vả lại nền gạch hoa lát tìm thấy ngay trên tường thành sát chân núi Cột Cờ cho hay rằng có những kiến trúc trên mặt tường thành và tất nhiên phải có hoạt động ở đó, tối thiểu cũng là hoạt động canh phòng những nơi xây đắp nhân tạo kém hiểm trở so với những dãy núi đá thiên nhiên [6].
    Gạch xây tường thành là những viên gạch chữ nhật cỡ lớn 30 x 16 x 4 cm. Trên mặt gạch có văn chải. Có viên được in chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên". Một số viên in chữ "Giang Tây quân" kích thước và màu sắc khác hẳn với loại gạch trên. Mới đây khảo cổ học lại phát hiện thêm loại gạch in chữ "Giang Tây chuyên" tương tự gạch "Giang Tây quân".
    b) Đoạn tường thành từ núi Cột Cờ đền núi Thanh Lâu dài 233 mét, hiện còn cao 2,75 mét so với mặt ruộng. Mặt thành rộng 4 mét, chân thành rộng 20 mét. Đây cũng là một đoạn đắp qua vùng lầy lội nên có lót cành cây, gia cố móng. Thân tường thành cũng có xây gạch ốp, đắp tường đất không khác gì ở đoạn tường thành đã nói trên. Hai đoạn tường đều có cùng kỹ thuật, cùng nguyên vật liệu, đắp cùng thời, vấn đề đã rõ ràng chắc không còn gì phải bàn cãi.
    4. Chỉ nhìn trên bản vẽ đã thấy thành Hoa Lư là một tòa thành được xây dựng theo địa hình tự nhiên. Thành ngoài cũng như thành trong đều có bốn mặt núi cao bao bọc. Phần phải xây dựng, chẳng là bao mà đã có tòa thành rộng rãi, hiểm trở. Cả thành ngoài, thành trong đều lợi dụng được một nhánh sông Hoàng Long chảy dọc thành làm một đường giao thông dưới nước. Việc vận chuyển vào thành hay ra ngoài đều dễ dàng.
    Một tổng thể kinh thành gồm hai tòa thành riêng biệt, rất thuận tiện cho việc bố trí từng khu triều đình, quan lại hay quân sĩ. Việc qua lại giữa hai thành không vì vậy mà trở ngại. Thiên nhiên đã khéo bố trí cho một con đường kín đáo mà thuận tiện, đó là Quèn Vông, quãng tiếp giáp giữa núi Hang Sung và núi Quèn Dót.
    Ơở mỗi tòa thành ngoài cũng như thành trong, chỉ bằng một đoạn tường thành ngắn có thể chia làm hai phần, tăng thêm mức độ quanh co hiểm hóc cho công trình.
    Triều Đinh thành lập sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, khi mà những mô hình thành lũy kiểu Hán ngang bằng sổ ngay, phương hướng tề chỉnh, quy cách xây dựng trở thành công thức, đã mọc lên không ít ở nhiều nơi. Nhưng thành Hoa Lư độc đáo được xây dựng lại không theo một khuôn mẫu Trung Quốc của bất cứ thời nào. Hoàng tộc, triều đình, quân sĩ phân đẳng cấp đã rất rõ ràng, nhưng Hoa Lư không hề có "Thành quách trùng trùng", không câu nệ công thức, chỉ cốt saso kiên cố, lợi hại.
    Là một căn cứ quân sự, Hoa Lư quả đã đạt tới đỉnh cao về mức độ kiên cố, hiểm trở của một công trình phòng thủ. Có thể nói Hoa Lư là một công trình kiến trúc quân sự hiếm có trong lịch sử nước ta và cả trong lịch sử các nước khác đương thời.

    (1) (2) (3) Đại Việt sử ký toàn thư: /
    (4) Các nhà khảo cổ Việt Nam đã mất nhiều công sức và thời gian điều tra nghiên cứu mới hiểu được, chắc chắn là chưa kỹ, về tòa thành cổ độc đáo này. Chúng ta cũng không nên trách nhà nghiên cứu người Pháp, L. Bơdaxiê do thiếu tư liệu điền dã nên đã viết về tòa thành này chỉ bằng mấy câu mượn của sứ giả Trung Quốc đời Tống là Tống Cảo đã tới Hoa Lư khoảng năm 988 và mô tả đô thành này như sau: "Trong thành lũy có phòng vệ không có dân cư, chỉ có mấy nghìn túp lều bằng tre, lợp tranh dùng làm trại lính... Cung điện nhà vua nhỏ bé, ở lối vào ghi hai chữ "trí môn"... Người ta đưa chúng tôi đi xem những tháp canh bằng gỗ dựng lên để phòng vệ cho thị trấn này. Cách xây dựng thì đơn sơ mà hình thù thì xấu xí". Xem L. Bơdaxiê: Nghệ thuật Việt Nam, Paris, 1954. / (5) Tên Vầu được đặt chung cho cả hai đoạn đắp ngang thành ngoài và thành trong chia mỗi thành làm hai phần, chắc là một từ cổ có ý nghĩa như: giữa, phân đôi... Chúng tôi chưa tìm hiểu được.
    (6) Nền gạch đã phát hiện hình chữ nhật 4,5 x 8,6 mét. Gạch lát nền là gạch in hoa sen hoặc in hình đôi chim phượng, xung quanh đều viền một đường văn triện. Quanh nền gạch còn tìm thấy những viên gạch hình chữ nhật có in chữ "Giang Tây quân" hoặc "Đại Việt quốc quân thành chuyên". Gạch "Giang Tây quân" đã được Trần Quốc Vượng nghiên cứu và kết luận đó là gạch do quân sĩ Giang Tây, Trung Quốc đóng ở nước ta mang vào thời thuộc Đường hồi thế kỷ VIII, sau này các đời Đinh, Lê, Lý dùng lại (xem Nghiên cứu lịch sử, số 83, tr. 49 - 64). Gạch "Đại Việt quốc quân thành chuyên" là gạch xây thành do quân sĩ nước Đại Việt làm thời Đinh, thời Tiền Lê và có thể cả vào thời Lý.
    Còn tìm thấy mảnh gạch vỡ có in chữ "Bình" và được đoán rằng gạch vốn in chữ "Thái Bình" niên hiệu của vua Đinh Tiên Hoàng.
  9. kienxanh

    kienxanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2006
    Bài viết:
    762
    Đã được thích:
    0
    Ngày hôm qua, có bạn gửi cho mình thêm tài liệu về các thành trì VN. Mình xin post tiếp và cũng mong nhận được thông tin , kinh nghiệm từ nhiều bạn hơn nữa
    Thành Thăng Long

    Địa thế ưu việt của miền đất Hà Nội đã làm cho Hà Nội đóng vai trò một trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa từ lâu đời và giữ vai trò thủ đô của đất nước trong một thời gian dài nhất của lịch sử.
    Từ năm 545, Lý Nam Đế đã dựng đô thành Vạn Xuân, rào lũy ở cửa sông Tô Lịch để chống quân xâm lược Trần Bá Tiên [1].
    Năm 602, Nhà Tùy chuyển trụ sở đô hộ từ Long Biên sang Tống Bình (miền Hà Nội ngày nay).
    Năm 621, Khâu Hòa xây dựng Tử Thành, năm 767 Trương Bá Nghi xây La Thành, năm 791 và 801. Triệu Xương và Bùi Thái sửa sang La Thành, năm 808 Trương Châu sửa lại La Thành [2] gọi là "An Nam La Thành".
    Lần cuối cùng đắp thành ở miền Hà Nội trong thời Bắc thuộc là lần do Cao Biền đắp [3] trong khoảng những năm 866 - 868.
    La Thành của Cao Biền có quan hệ chặt chẽ với thành Thăng Long đời Lý, và được gọi tên thành Đại La cũng từ chiếu dời đô của Lý Thái Tổ.
    Từ năm 1010 Lý Thái Tổ định đô ở miền đất Hà Nội, kinh đô được gọi là Thăng Long. Qua suốt các triều Lý, Trần, Lê, tên thủ đô có đổi: Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh; thành lũy, cung điện có xây, có phá, có đổi chỗ, có mở mang, song vẫn ở quanh vùng Hà Nội ngày nay.
    Miền đất Hà Nội do "có thể rồng cuộn hổ ngồi", "tiện hình thế núi sông sau trước", "muôn vật rất thịnh và phồn vinh", nên lịch sử đã ưu tiên trao cho địa vị trung tâm của đất nước qua nhiều thời đại. Cũng do sự ưu đãi đó của lịch sử mà miền đất Hà Nội đã chịu bao độ bể dâu, những kinh thành xây dựng trên đất này cũng chịu những đổi thay nặng nề tới mức có kinh thành hầu như không còn dấu vết.
  10. kienxanh

    kienxanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2006
    Bài viết:
    762
    Đã được thích:
    0
    A. Thành Thăng Long thời Lý
    Trần Huy Bá đã đề xuất [4]:
    "Phía bắc áng chừng ở vào chỗ rẽ đường xuống trường Đua Ngựa cho đến cửa đền Quan Thánh.
    Phía đông từ quá đền Quan Thánh đến gần Văn Miếu bây giờ.
    Phía nam từ gần Văn Miếu tới gần chỗ rẽ tránh đường xe điện Cầu Giấy.
    Phía tây từ gần chỗ tránh đường xe điện Cầu Giấy đi tắt đến gần chỗ rẽ xuống trường Đua Ngựa bây giờ.
    Núi Khán Sơn ở Bách Thảo và chùa Một Cột phải ở về phía đông Hoàng thành Thăng Long xưa. Hồ Ngọc Hà phải là ở về phía đông của nội thành mới đúng như bản đồ đời Hồng Đức ghi.
    Như thế các cung điện chính phải ở vào khu Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Vạn Phúc, nhà máy rượu bia và chùa Bát Tháp bây giờ mới là đúng chỗ. Vậy thành Thăng Long xây năm 1805 có lẽ đã theo sự nhu cầu về gần bên sông Hồng Hà mà đã thiên hẳn ra ngoài phía đông thành Thăng Long cũ, rồi các di vật đều thiên cả ra mà sử không chép tường tận chăng?".
    Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán đã có ý kiến khác: "Sử sách không hề chép có một sự di chuyển nào của kinh đô Thăng Long qua những triều đại Lý - Trần - Lê. Trái lại, những di tích ghi trong tài liệu cũ phối hợp với sự điều tra tại chỗ cho phép đoán định rằng thành Thăng Long đời Lý vẫn giữ nguyên vị trí cũ cho đến đời Nguyễn. Núi Nùng tức núi Long Đỗ được thuyết phong thủy coi như là một nơi tập trung của "Khí thiêng sông núi nơi đế đô" vẫn là trung tâm của đô thành Thăng Long qua bao nhiêu thế kỷ" [5]. "Như thế là kinh thành Thăng Long cũ bao gồm Hoàng thành cùng khu buôn bán về phía đông giáp với sông Hồng, khu nông nghiệp về phía tây đã được hình thành ít nhất ngay từ thời Lý".
    Hai ý kiến khác nhau quá xa về vị trí địa lý của thành Thăng Long đời Lý cho tới nay vẫn chưa phân phải trái, vẫn phải đợi "Khi nào có đủ điều kiện khai quật thăm dò ở dưới lòng đất, thì sự xác minh mới là chính xác". [6]
    Những dòng thư tịch chép về vị trí và cấu trúc thành Thăng Long đời Lý thật ích ỏi. Tuy vậy số lượng tư liệu nghèo nàn đó vẫn có giá trị nghiên cứu của nó, mà giá trị cao hay thấp còn tùy ở cách khai thác của từng người nghiên cứu.
    Chúng ta gặp những dòng đầu tiên quan hệ tới kinh đô Thăng Long đời Lý trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ viết năm Canh Tuất (1010). Bài chiếu có đoại viết:
    "... Thế mà nhà Định, nhà Lê lại theo lòng riêng, lơ là mệnh trời,... yên ở nơi quê quán, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tồn, muôn vật không nên. Trẫm rất xót thương, không thể không rời đi nơi khác. Huống chi đô cũ của Cao Vương ở thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thể rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa nam bắc đông tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là nơi hơn cả".
    Như vậy kinh đô nhà Lý được định ra không câu nệ vào đất quê hương của dòng họ, mà chọn nơi trung tâm về địa lý, về kinh tế để xây dựng. Nơi ấy chính là La Thành cũ của Cao Biền (7).
    Sử chép tiếp:
    "Bèn xây dựng cung điện ở trong cung thành Thăng Long phía trước dựng điện Càn Nguyên là chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu làm điện Giảng Võ, lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, chính hướng nam là điện Cao Minh, đều gọi là thềm rồng; bên trong thềm rồng có mái cong, hàng hiên bao quanh bốn mặt. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An và Long Thụy làm nơi nghỉ ngơi, bên tả làm điện Nhật Quang, bên hữu làm điện Nguyệt Minh; đằng sau dựng hai cung Thúy Hoa và Long Thụy làm chỗ ở cho cung nữ. Dựng kho tàng, đắp thành đào hào, bốn mặt thành mở bốn cửa, phía đông gọi là cửa Tường Phù, phía tây gọi là cửa Quảng Phúc, phía nam gọi là cửa Đại Hưng, phía bắc gọi là cửa Diệu Đức. Lại ở trong thành làm chùa Hưng Thiên Ngự và lầu Ngũ Phượng Tinh, ở ngoài thành làm chùa Thắng Nghiêm ở phía nam" [8].
    Đoạn thư tịch này cho hay: Có một tòa thành trong mới được đắp, có tường thành và hào ngoài, mở bốn cửa ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Tòa thành này bao quanh các cung điện, kho tàng, chùa tháp của nhà vua và nằm trong thành Đại La của Cao Biền, như vậy thành Thăng Long thời Lý có hai vòng thành: thành ngoài là La Thành của họ Cao và thành trong mới đắp sau khi dời đô tới.
    "Quý Sửu, năm thứ tư (1013)... / Mùa đông tháng 10... / Đắp thành đất ở bốn mặt kinh Thăng Long" [9]
    "Giáp Tý năm thứ 15 (1024)... / Mùa xuân... sửa chữa kinh thành Thăng Long" [10]. Ghi chép tuy không rõ ràng, song ta cũng có thể nghĩ rằng việc đắp thành đất và việc sửa chữa kinh thành Thăng Long tức là tiếp tục đắp và sửa chữa tòa thành trong mới được đắp từ năm 1010, tường thành vẫn đắp bằng đất chứ không xây gạch hay đá, hoặc bằng loại vật liệu khác.
    Đoạn chép: "Mậu Ngọ (1078). Mùa xuân, tháng giêng sửa lại thành Đại La", cho biết rõ ràng hơn, đó là công việc sửa chữa vòng thành ngoài của kinh thành Thăng Long đời Lý.
    Cho tới nay, những cuộc khai quật lẫn tìm dấu vết thành Thăng Long thời Lý không nhiều và mới chỉ tiến hành ở vùng Ngọc Hà. Cũng có thể nói rằng phần do yêu cầu sự việc xây dựng của Hà Nội, phần do ý đồ muốn khảo nghiệm ý kiến về vị trí thành Thăng Long thời Lý của Trần Huy Bá mà những cuộc đào tìm đều tiến hành ở khu vực này.
    Hiện vật thu nhặt được cũng nhiều và có hiện vật rất có giá trị song vẫn chưa đủ để chứng minh rằng thành trong của Thăng Long thời Lý là ở vùng Ngọc Hà ngày nay, nghĩa là chếch hẳn về phía tây thành Đông Đô thời Lê, Hà Nội thời Nguyễn.
    Năm 1889, khi thực dân Pháp mở vườn Bách Thảo có tìm thấy cột đá chạm rồng suốt thân cột, đường kính cột 0,50 mét, cao trên 2 mét [11]. Đây là cây cột đá chạm rồng độc nhất ở nơi cung điện nhà vua trong thành Thăng Long đời Lý.
    Mắy năm đầu thế kỷ XX lại đào được ở phía tây vườn Bách Thảo lan can đá chạm sấu, hai bên lan can còn chạm hoa cúc dây mang phong cách Lý - Trần [12]. Đây cũng là lan can bậc lên xuống các cung điện nhà vua.
    Tháng 7-1932 đã tìm thấy một hộp nhỏ chạm hoa cúc dây, trong có một cán dao hình đầu con vẹt. Hai hiện vật đều bằng vàng tìm thấy ở độ sâu chừng 2 mét, nơi cổng vào trường Đua Ngựa [13].
    Vùng Ngọc Hà, Vạn Phúc, Hữu Tiệp, Kim Mã v.v... hàng trăm năm nay thường tìm thấy đồ đất nung hình rồng, phượng, cầm thú v.v... Đó là những bộ phận vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc mang phong cách Lý - Trần. Hàng vạn mảnh đồ sứ tráng men xanh, vàng, nâu cũng tìm được tại vùng này.
    Năm 1970 - 1972, Khoa Sử Trường đại học Tổng hợp Hà Nội đã khai quật ở sườn phía tây nam núi Cung nhằm tìm dấu vết cung Thái Hòa và thành trong. Đợt khai quật không mang lại kết quả mong muốn.
    Năm 1972, Viện Bảo tàng Lịch sử khai quật khu Đồng Gạch và Đồng Giếng. Hàng loạt di vật kiến trúc như gạch, ngói, sư tử đá và đất nung... đã được phát hiện rải rác trong tần văn hóa nhưng chưa tìm thấy nền kiến trúc. Những chồng bát đĩa nung hỏng dính liền nhau tìm thấy ở Đồng Gạch và những di tích bếp đun tìm thấy ở Đồng Giếng gợi ý cho nhận định: đây là khu vực cư trú của những phường thợ thủ công sản xuất phục vụ cho kinh đô khi đó.
    Năm 1978, để phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng kiến trúc Cung Thiếu niên trung ương đã được xây dựng tại vùng Quần Ngựa khu Đồng Gạch lại được coi là một trọng điểm điều tra. Một phế tích kiến trúc xây dựng bằng vồ và ngói lưu ly nhiều màu được phát hiện. Hiện vật đều mang đặc điểm thời Lê, do vậy dự đoán về ngôi chùa Chân Giáo thời Lý, nơi đi tu và bị sát hại của vua Lý Huệ Tông cũng chưa được chứng minh.
    Tháng 11-1978, khu Quần Ngựa lại tiếp tục được đào thám sát với quy mô lớn hơn. Khu Đồng Gạch cung cấp nhiều di vật gạch vồ, gốm sứ tráng men, bát đĩa, âu hũ nguyên vẹn trong một tầng văn hóa ổn định.
    Một khẩu giếng quây bằng những bao nung đồ sứ (giống như khẩu giếng thời Trần phát hiện được ở Tức Mặc) [14] củng cố nhận định đã nêu: đây là khu vực thủ công nung gốm sứ. Nhiều phế phẩm đồ sứ dính liền nhau cũng lại tìm thấy ở đây. Dấu vết dòng sông cổ, đoạn còn đoạn mất, nối với sông Tô Lịch chính là con đường vận chuyển hàng hóa của những lò nung nơi đây đi tới các vùng tiêu thụ.
    Khu "Chùa Chân Giáo" (?) lại được đào 5 hố. Kết quả cho phép khẳng định rằng ngôi chùa thời Lý đó không có ở nơi đây.
    Đình Thái Tề, phía bắc núi Cung, cũng được thám sát và tìm thấy nhiều vật liệu kiến trúc đất nung thời Trần như: rồng, phượng trang trí trên các bờ nóc của mái kiến trúc cổ.
    Chùa Vĩnh Phúc được đào 10 hố ở xung quanh. Một ngôi chùa cổ thời Lê còn để lại dấu vết khá rõ ràng, quy mô to lớn ở độ sâu chừng 1 mét.
    Trên cơ sở đó, người phụ trách khai quật đã đưa ra kết luận:
    "1- Quần Ngựa chỉ có một số kiến trúc thời Lý - Trần... Những phế tích kiến trúc thời Lê đậm đặc và đồ sộ.
    2- Quần Ngựa chỉ là khu vực cư trú của những người bình dân suốt từ thời Lý - Trần đến đầu Lê. Và đặc biệt, từ thời Lê trở về sau thì mật độ dân cư ở đây mới thật sự đông đúc" [15].

Chia sẻ trang này