1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Các thiết bị thám hiểm không gian tự động (Robotic Spacecraft)

Chủ đề trong 'Thiên văn học' bởi Hero_Zeratul, 18/07/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    Dự án Mariner
    tiếp theo​
    Mariner 6 và 7: Được phóng lần lượt vào ngày 24/2/1969 và 27/3/1969, Mariner6 và 7 đã hoàn thành nhiệm vụ bay qua Sao Hỏa ở vùng xích đạo và vùng cực nam vào các ngày 31/7/1969 và 5/8/1969. 2 Mariner này tiến hành quá trình thám hiểm khí quyển Sao Hỏa với các thiết bị cảm biến từ xa và chụp hàng trăm bức ảnh.
    [​IMG]
    Mariner 9 ?" vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Sao Hỏa: Mariner9 được phóng vào tháng 5/1971. Mariner9 được trang bị thêm hệ thống tên lửa đẩy giúp nó xâm nhập vào trường hấp dẫn của Sao Hỏa. Bắt đầu bay quanh Sao Hỏa từ tháng 11/1971, Mariner9 phát hiện thấy một cơn bão bụi lớn đang bao phủ hầu hết bề mặt hành tinh đỏ này. Mariner9 đã phải chờ cho đến khi cơn bão tan để chụp những bức ảnh rất rõ nét về bề mặt Sao Hỏa. Mariner9 cũng đã chụp những bức hình cận cảnh đầu tiên về hai vệ tinh Phobos và Deimos của Sao Hỏa.
    [​IMG]
    Mariner 10: hai năm sau Mariner9, Mariner10 đã thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên của nhân loại qua hai hành tinh: Sao Kim và Sao Thủy. Được phóng vào ngày 3/11/1973, Mariner10 bay qua Sao Kim ngày 5/2/1974. Sử dụng bộ lọc tử ngoại, Mariner10 đã chụp những bức ảnh rất nét về đám mây của Sao Kim. Mariner10 cũng tiến hành những khảo sát khí quyển đối với hành tinh này. Mariner10 đã gia tốc nhờ lực hấp dẫn của Sao Kim để tiến đến Sao Thủy. Mariner10 bay qua Sao Thủy 3 lần: 29/3/1974, 21/9/1974 và 16/3/1975.
    [​IMG]
    Ý nghĩa của dự án Mariner
    1. Các kỹ sư của JPL (Jet Propulation Laboratory), NASA đã chứng minh được sự khả thi của những chuyến bay liên hành tinh với các thiết bị thám hiểm tự động nhỏ, dễ chế tạo, phóng bằng động cơ đẩy cỡ trung dựa trên tên lửa Atlas (khối lượng các Mariner trong khoảng từ 200 đến 450kg, trừ Mariner9 nặng 998kg do được trang bị thêm hệ thống tên lửa đẩy). Thời gian chế tạo các thiết bị thám hiểm ngắn, có thể hoạt động tốt trong một vài năm. Các thiết bị này có khả năng thu thập tốt các thông tin về những hành tinh gần Trái Đất cũng như khoảng không gian giữa các hành tinh.
    2. dự án đã thu thập được rất nhiều số liệu về bề mặt của Sao Hỏa và sao Thủy, một số thông tin về tầng khí quyển của Sao Hỏa và Sao Kim cũng như các kết quả nghiên cứu môi trường hệ Mặt Trời. 3 hành tinh được thám hiểm đều có những điểm khác biệt lớn so với Trái Đất. Sao Kim có một lớp khí quyển carbon dioxide dày đặc, bị các đám mây mờ bao quanh. Nhiệt độ bề mặt của Sao Kim rất lớn một phần do gần Mặt Trời, một phần do hiệu ứng nhà kính. Sao Thủy không nóng bằng Sao Kim, không có khí quyển. Bề mặt Sao Thủy có nhiều miệng hố giống như Mặt Trăng, tuy nhiên, Sao Thủy không có các vùng đồng bằng giống Mặt Trăng. Bề mặt Sao Hỏa có nhiều miệng hố, nhiều miệng núi lửa và thung lũng. Sao Hỏa có một bầu khí quyển mỏng và lạnh với thành phần chủ yếu là carbon dioxide. Trường điện từ của 3 hành tinh này đều có cường độ thấp, không đáng kể.
    3. Các kinh nghiệm, bài học rút ra từ dự án Mariner là nền tảng cho các cuộc khám phá hệ Mặt Trời tiếp theo
    Tài liệu tham khảo:
    [1] NASA fact sheets - Mariner to Mercury, Venus and Mars
    http://www.jpl.nasa.gov/news/fact_sheets/mariner.pdf
    [2] http://www.astronautix.com/alpha/alpndexm.htm
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 09:48 ngày 17/09/2006
  2. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    Dự án Ranger​
    Dự án Ranger là dự án đầu tiên của Hoa Kỳ thực hiện mục đích thám hiểm một thiên thể khác ngoài Trái Đất. Bắt đầu được tiến hành vào năm 1959, bao gồm 3 giai đoạn với 9 tàu thăm dò, dự án Ranger đã thu được các kết quả quan trọng trong việc thử nghiệm, triển khai các công nghệ vũ trụ, quan sát, chụp ảnh bề mặt Mặt Trăng.
    Giai đoạn 1
    Trong giai đoạn 1, hai tàu thám hiểm được thiết kế với mục đích chính là kiểm tra việc sử dụng kết hợp tên lửa đẩy Atlas/Agena cũng như các trang, thiết bị. Mục tiêu tiến đến Mặt Trăng không được đặt lên hàng đầu đối với Ranger 1 và Ranger 2.
    Trong quá trình phóng, do lỗi của hệ thống tên lửa đẩy, Ranger 1 và Ranger 2 chỉ được đưa lên những quỹ đạo gần Trái Đất, do đó, 2 tàu thám hiểm này không có khả năng tự ổn định, không thu thập được đủ năng lượng. Thời gian tồn tại của Ranger 1 và Ranger 2 rất ngắn:
    + Ranger 1: ngày phóng: 23/8/1961, khối lượng: 306 kg, hệ thống tên lửa đẩy: Atlas LV-3A/Agena B. Do tên lửa Agena B không hoạt động, Ranger 1 chỉ được đưa lên một quỹ đạo gần Trái Đất (179 ?" 446 km). Ranger 1 rơi trở lại Trái Đất vào ngày 29/8/1961 sau khi thực hiện 111 chu kỳ bay.
    + Ranger 2: ngày phóng: 18/11/1961, khối lượng: 304 kg, hệ thống tên lửa đẩy: Atlas LV-3A/Agena B. Một lần nữa, tên lửa Agena B không hoạt động, Ranger 2 bay trên một quỹ đạo gần Trái Đất (150 ?" 242 km). Ranger 2 rơi trở lại Trái Đất vào ngày 20/11/1961.
    [​IMG]
    Hình: Ranger 1 và Ranger 2​
    Giai đoạn 2
    Giai đoạn 2 của dự án Ranger có nhiệm vụ chính là phóng thiết bị thăm dò lên Mặt Trăng. Các Ranger 3, 4 và 5 có khoang riêng để camera, các đầu dò và máy đo địa chấn. Khoang riêng này được trang bị tên lửa hãm (module đổ bộ) với kỳ vọng sẽ triển khai được các thiết bị này hoạt động trên bề mặt Mặt Trăng.
    Giai đoạn hai chứng kiến sự thành công của quá trình vận hành hệ thống tên lửa đẩy Atlas/Agena, tuy nhiên, cả 3 tàu thăm dò đều gặp trục trặc và kết thúc giai đoạn 2, vẫn chưa một Ranger nào thực hiện thành công kế hoạch theo thiết kế ban đầu.
    + Ranger 3: ngày phóng 26/1/1962, khối lượng: 327 kg, hệ thống tên lửa đẩy: Atlas LV-3A/Agena B. Do hệ thống dẫn của tên lửa Agena B hoạt động sai nên Ranger 3 bay chệch khỏi Mặt Trăng với khoảng cách 36874 km và tiếp tục bay trên một quỹ đạo xung quanh Mặt Trời. Trong quá trình bay qua, Ranger 3 đã thực hiện được một số khảo sát tại vùng tia gamma đối với bề mặt Mặt Trăng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là những kết quả khảo sát của Ranger 3 đối với cường độ tia gamma trong môi trường vũ trụ. Cường độ của tia gamma trong môi trường vũ trụ mạnh gấp khoảng 10 lần các nhà khoa học dự tính, từ đó cần phải nâng cấp các thiết bị bảo vệ cho những tàu vũ trụ có người lái.
    + Ranger 4: ngày phóng: 23/4/1962, khối lượng: 328 kg, hệ thống tên lửa đẩy: Atlas LV-3A/Agena B. Do bộ đếm của Ranger 4 hoạt động sai nên toàn bộ quá trình điều khiển từ mặt đất cũng như từ phần mềm cài trên tàu đều bị tê liệt. Trạm định vị trên mặt đất vẫn theo dõi được quá trình bay của Ranger 4. Các kết quả theo dõi cho thấy, Ranger 4 đã đâm xuống Mặt Trăng với vận tốc khoảng 2.67 km/s. Ranger 4 là thiết bị thám hiểm đầu tiên của Hoa Kỳ đến được Mặt Trăng. Tầng trên của tên lửa Agena B vượt qua Mặt Trăng và tiếp tục bay trên một quỹ đạo quanh Mặt Trời. Mặt đất không thể nhận được một bức ảnh nào từ Ranger 4.
    + Ranger 5: ngày phóng: 18/10/1962, khối lượng: 340 kg, hệ thống tên lửa đẩy: Atlas LV-3A/Agena B. Do thiết bị định vị của tên lửa Agena B gặp lỗi nên Ranger 5 vượt qua Mặt Trăng tại khoảng cách 725 km. Mặt khác, các tấm pin mặt trời cũng gặp trục trặc và do đó, ăngten không hoạt động được. Các số liệu khảo sát tia gamma được truyền về mặt đất trong vòng 4 giờ trước khi nguồn năng lượng cạn kiệt.

    Hình: Ranger 3, 4 và 5​
    (Còn tiếp)
    Tài liệu tham khảo:
    [1] NASA fact sheet ?" Rangers and Surveyor to the Moon
    [2] http://www.astronautix.com/craft/ranger12.htm
    [3] http://www.astronautix.com/craft/raner345.htm
    [4] http://www.astronautix.com/craft/ranr6789.htm
    [5] http://phil.ae.free.fr/astro/espace/lunexpl1.html
  3. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    Dự án Ranger
    (tiếp theo và hết)​
    Giai đoạn 3
    Sau hàng loạt các thất bại xảy ra tại giai đoạn 1 và giai đoạn 2, các Ranger đã được thiết kế đơn giản hơn, module đổ bộ đã bị loại bỏ. Mục đích chính của các Ranger trong giai đoạn 3 là tiếp cận Mặt Trăng, chụp các bức ảnh và truyền về Trái Đất. Quá trình hoạt động của Ranger sẽ kết thúc khi thiết bị thăm dò va chạm với Mặt Trăng.
    Mỗi Ranger được trang bị 6 camera, 2 camera chụp ở góc rộng (channel F), 4 camera chụp ở góp hẹp (channel P). Mỗi camera hoạt động trên một kênh khác nhau, có nguồn điện, bộ đếm cũng như thiết bị truyền tín hiệu riêng. Ngoài 6 camera trên, các Ranger giai đoạn 3 không hề trang bị thêm một thiết bị thăm dò, đo đạc nào khác.
    + Ranger 6: ngày phóng: 30/1/1964, khối lượng: 362 kg, hệ thống tên lửa đẩy: Atlas LV-3A/Agena B. Ngày 2/2/1964, 65.5 giờ sau khi phóng, Ranger 6 đã đâm vào Mặt Trăng tại bờ phía đông của biển Tranquillitatis (Mare Tranquillitatis). Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống camera không vận hành được và NASA không hề thu được một bức ảnh nào từ Ranger 6.
    + Ranger 7: ngày phóng: 28/7/1964, khối lượng: 362 kg, hệ thống tên lửa đẩy: Atlas LV-3A/Agena B - Ranger đầu tiên hoàn thành mục tiêu đặt ra. Ranger 7 tiếp cận Mặt Trăng ngày 21/7/1964. Bức ảnh đầu tiên được chụp vào lúc 13:08:45 GMT tại khoảng cách 2110 km. Tổng cộng 4308 bức ảnh đã được chụp và truyền về Trái Đất trong vòng 17 phút trước khi Ranger 7 va chạm với Mặt Trăng. Bức ảnh cuối cùng Ranger 7 truyền về Trái Đất cho phép phân biệt các chi tiết có kích thước 0.5 mét. Ranger 7 đã đâm xuống Mặt Trăng với vận tốc 2.62 km/s tại khu vực giữa biển Nubium (Mare Nubium) và đại dương Procellarum (Oceanus Procellarum).
    + Ranger 8: ngày phóng: 17/2/1965, khối lượng: 366 kg, hệ thống tên lửa đẩy: Atlas LV-3A/Agena B. Ranger 7 tiếp cận Mặt Trăng ngày 20/2/1965, bức ảnh đầu tiên được chụp vào lúc 9:34:32 GMT tại độ cao 2510 km. Tổng cộng 7137 bức ảnh đã được chụp và truyền về Trái Đất trong vòng 23 phút trước khi Ranger 8 va chạm với Mặt Trăng. Bức ảnh cuối cùng Ranger 8 truyền về Trái Đất cho phép phân biệt các chi tiết có kích thước 1.5 mét. Ranger 8 đã đâm xuống Mặt Trăng với vận tốc 2.68 km/s tại biển Tranquillitatis.

    Hình: ảnh Ranger 8 chụp Mặt Trăng tại độ cao 11km, cho phép phân biệt các chi tiết có kích thước 4m, 5s trước khi va chạm. Kích thước khu vực trong hình là 2x2km, hơn 4 năm sau, tàu Apollo 11 đã hạ cánh xuống sát phía nam khu vực trongbức hình này.​
    + Ranger 9: ngày phóng: 21/3/1965, khối lượng: 366 kg, hệ thống tên lửa đẩy: Atlas LV-3A/Agena B. Ranger 9 tiếp cận Mặt Trăng vào ngày 24/3/1965. Bức ảnh đầu tiên được chụp vào lúc 13:49:41 GMT tại độ cao 2363 km. Tổng cộng 5814 bức ảnh đã được chụp và truyền về Trái Đất trong vòng 19 phút trước khi Ranger 9 va chạm với Mặt Trăng. Bức ảnh cuối cùng Ranger 9 truyền về Trái Đất cho phép phân biệt các chi tiết có kích thước 0.3 mét. Ranger 9 đã đâm xuống Mặt Trăng với vận tốc 2.67 km/s tại miệng hố Alphonsus (crater Alphonsus).

    Hình: Ranger 6, 7, 8 và 9​
    Kết luận:
    1. Sáu năm vận hành với 9 tàu thăm dò được phóng lên không gian, các Ranger đi vào lịch sử chinh phục không gian của NASA với vai trò là các tàu thám hiểm đầu tiên được trang bị, thử nghiệm những thiết bị, kỹ thuật quan trọng trong ngành hàng không vũ trụ:
    + Kỹ thuật ổn định 3 chiều (three axis attitude stabilization): thay vì xoay liên tục, tàu thám hiểm ổn định trong không gian sao cho đảm bảo được những điều sau: các tấm pin mặt trời hướng nhiều nhất về phía Mặt Trời, ăngten hướng về Trái Đất, camera cùng các thiết bị quan sát, cảm biến, ? hướng về phía mục tiêu.
    + Động cơ đẩy trang bị trên tàu thám hiểm
    + Các kỹ thuật truyền thông 2 chiều, định vị giữa thiết bị thám hiểm và mặt đất
    + Khả năng tự tính toán (onboard computing) trên cơ sở các lệnh gửi đi từ mặt đất
    2. Ba năm liên tục với 6 lần phóng thất bại, hầu như không thu được một kết quả gì khả quan, dự án Ranger chứng kiến những quyết tâm, nghị lực, nỗ lực khắc phục khó khăn của những người tham gia cũng như sự vận hành mềm dẻo, điều chỉnh các mục tiêu sao cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện khoa học công nghệ.
    3. Nối tiếp Ranger, NASA tiếp tục thực hiện đồng thời hai dự án Surveyor và Luna Orbiter thám hiểm Mặt Trăng. Các kết quả khảo sát môi trường vũ trụ cũng như quan sát, chụp ảnh Mặt Trăng của 3 dự án này là tiền đề quan trọng cho việc thiết kế, vận hành những con tàu vũ trụ có người lái chinh phục Mặt Trăng của NASA.
    Tài liệu tham khảo:
    [1] NASA fact sheet ?" Rangers and Surveyor to the Moon
    www.jpl.nasa.gov/news/fact_sheets/rangsurv.pdf
    [2] http://www.astronautix.com/craft/ranger12.htm
    [3] http://www.astronautix.com/craft/raner345.htm
    [4] http://www.astronautix.com/craft/ranr6789.htm
    [5] http://phil.ae.free.fr/astro/espace/lunexpl1.html
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 08:34 ngày 23/09/2006
  4. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    Dự án Lunar Orbiter
    1. Giới thiệu
    Trong hai năm 1966 và 1967, NASA liên tục phóng thành công 5 tàu thám hiểm kiểu vệ tinh Lunar Orbiter. Mục đích chính của các Lunar Orbiter là vẽ bản đồ chi tiết bề mặt Mặt Trăng, xác định rõ vị trí đổ bộ cho các tàu Surveyor và Apollo. Kết thúc chương trình Lunar Orbiter, 99% diện tích bề mặt Mặt Trăng đã được chụp ảnh với độ phân giải lên tới 60 m. Chương trình Lunar Orbiter có thể chia thành hai giai đoạn chính:
    + Giai đoạn 1 (Lunar Orbiter 1, 2, 3): tập trung khảo sát 20 địa điểm dự định sẽ dùng làm nơi đổ bộ. Các địa điểm này tập trung chủ yếu tại các khu vực có vĩ độ thấp.
    + Giai đoạn 2 (Lunar Orbiter 4, 5): khảo sát các vùng còn lại của Mặt Trăng, chủ yếu là các vùng cực.
    [​IMG]
    Ảnh: Các tàu Lunar Orbiter​
    2. Cấu tạo Lunar Orbiter
    [​IMG]
    Ảnh: Sơ đồ Lunar Orbiter​
    Các tàu Lunar Orbiter do hãng Boeing chế tạo, có hình nón cụt, chiều cao 1.65 m, đường kính đáy 1.5 m, khối lượng 286 kg. Nguồn năng lượng chủ yếu được cung cấp bởi 4 tấm pin Mặt Trời với sải tổng cộng là 3.72 m. Lunar Orbiter bao gồm 3 tầng:
    + Tầng thứ nhất: chứa pin, hệ thống tiếp sóng, chương trình bay, hệ thống định vị theo sao Canopus, bộ giải mã lệnh, bộ mã hóa, bộ khuếch đại sóng và hệ thống camera. Tầng này cũng là nơi gắn các tấm pin mặt trời và 2 ăngten với đường kính 1.32 và 2.08 m.
    [​IMG]
    Ảnh: Camera của Lunar Orbiter​
    + Tầng thứ hai: chứa động cơ, nhiên liệu và tên lửa đẩy nhằm phục vụ việc hiệu chỉnh vận tốc .
    + Tầng thứ ba: chứa tấm chắn cách nhiệt bảo vệ tàu thăm dò khỏi ảnh hưởng bởi động cơ ở tầng 2. Ở trên nóc ở tầng này là 4 động cơ để hiệu chỉnh độ cao.
    Các Lunar Orbiter được phóng đến Mặt Trăng sử dụng hệ tên lửa đẩy Atlas/Agena D
    [​IMG]
    Ảnh: hệ tên lửa đẩy Atlas/Agena​
    (Còn tiếp)​
    Tài liệu tham khảo
    [1]. http://nssdc.gsfc.nasa.gov/planetary/lunar/lunarorb.html
    [2]. http://www.lpi.usra.edu/resources/lunar_orbiter/
  5. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    3. Giai đoạn 1, lựa chọn bãi đáp
    Mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 1 đó là lựa chọn địa điểm đổ bộ phù hợp cho các tàu thuộc dự án Surveyor và Apollo. Thực hiện nhiệm vụ này là các tàu Lunar Orbiter 1, 2 và 3.
    + Lunar Orbiter 1
    Ngày phóng: 10/08/1966, quá trình chụp ảnh Mặt Trăng diễn ra từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 8, tổng thời gian hoạt động: 35 ngày. Lunar Orbiter 1 đã chụp tổng cộng 413 bức ảnh với độ phân giải cao và vừa phải. Tổng diện tích được chụp là khoảng 262 nghìn km vuông thuộc bề mặt quay về phía Trái Đất và 3 triệu km vuông thuộc phía bên kia của Mặt Trăng. Quá trình bay xung quanh Mặt Trăng của Lunar Orbiter 1 cũng giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm về trọng trường của vệ tinh này.
    Lunar Orbiter 1 tập trung vào khảo sát tính chất của một số khu vực, đặc biệt là độ bằng phẳng của bề mặt. Các khu vực này được lựa chọn dựa trên những số liệu trước đó của các tàu Ranger 7, 8 và 9. Dựa trên các số liệu của Lunar Orbiter 1, NASA đã chọn ra được 10 địa điểm phù hợp cho quá trình đổ bộ.
    [​IMG]
    Ảnh: Lunar Orbiter 1 chụp Trái Đất từ Mặt Trăng​
    + Lunar Orbiter 2
    Ngày phóng: 06/11/1966, quá trình chụp ảnh Mặt Trăng diễn ra từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 11. Cũng như Lunar Orbiter 1, Lunar Orbiter 2 cũng thực hiện việc chụp ảnh và nghiên cứu trọng trường của Mặt Trăng. Bay tổng cộng 40 vòng quanh Mặt Trăng, Lunar Orbiter chụp tổng cộng 211 tấm hình. Do trục trặc tại thiết bị trao đổi dữ liệu, một số tấm ảnh đã không được truyền về Trái Đất.
    [​IMG]
    Ảnh: Lunar Orbiter 2 chụp phần nền và thành của crater Copernicus​
    Các khảo sát của Lunar Orbiter 2 tập trung vào việc lựa chọn bãi đáp cho các tàu Apollo dựa trên các số liệu về vị trí, địa hình, đặc tính của đất, sỏi. Dựa trên các số liệu của Lunar Orbiter 2, NASA đã chọn ra được 13 địa điểm với mức ưu tiên số 1 và 17 địa điểm với mức ưu tiên số 2.
    + Lunar Orbiter 3
    Ngày phóng: 05/02/1967, quá trình chụp ảnh Mặt Trăng diễn ra từ ngày 15 đến ngày 23 tháng 2. Khác với hai Lunar Orbiter trước, nhiệm vụ chính của Lunar Orbiter 3 là kiểm tra lại các vị trí đã được lựa chọn. Lunar Orbiter 3 bay tổng cộng 54 lần xung quanh Mặt Trăng, chụp 211 bức ảnh, Tuy nhiên, chỉ 75% kết quả được truyền về Trái Đất do trục trặc ở thiết bị trao đổi thông tin.
    [​IMG]
    Ảnh: Lunar Orbiter 3 chụp phía bên kia của Mặt Trăng​
    (Còn tiếp)​
    Tài liệu tham khảo
    [1]. http://nssdc.gsfc.nasa.gov/planetary/lunar/lunarorb.html
    [2]. http://www.lpi.usra.edu/resources/lunar_orbiter/
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 13:05 ngày 17/02/2007
  6. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    4. Giai đoạn 2, hoàn thành bản đồ Mặt Trăng
    Mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 2 (Lunar Orbiter 4 và 5) đó là chụp ảnh nốt những khu vực còn lại trên Mặt Trăng với độ phân giải cao và trung bình. Ngoài ra, Lunar Orbiter 5 còn có nhiệm vụ kiểm tra lại chi tiết những địa điểm đổ bộ đã được chọn cho chương trình Surveyor và Apollo
    + Lunar Orbiter 4
    Ngày phóng: 04/05/1967
    Với sự thành công của các Lunar Orbiter 1, 2 và 3, nhiệm vụ của Lunar Orbiter 4 đã có thay đổi. Tàu thăm dò này sẽ thực hiện các quan sát tổng quát hơn, nhằm tìm hiểu về các đặc điểm bề mặt của Mặt Trăng, phục vụ cho nhiều mục đích nghiên cứu khác nhau. Lunar Orbiter 4 bắt đầu quá trình chụp ảnh vào ngày 11/05/1967. Tuy nhiên, ngay sau đó, trục trặc đã xảy ra đối với tấm che ống kính camera. Trung tâm điều khiển đã quyết định để các ống kính camera ở chế độ luôn mở, do đó, một số bức ảnh đã bị ảnh hưởng do bị lộ sáng. Ngày 20/05/1967, thêm 1 trục trặc lại xuất hiện trong hệ thống truyền dữ liệu. Vì những lý do trên, trung tâm điều khiển quyết định chấm dứt quá trình chụp ảnh vào ngày 26/05. Mặc dù hệ thống truyền dữ liệu hoạt động không bình thường, tuy nhiên toàn bộ các bức ảnh đã được truyền đầy đủ về Trái Đất. Sau khi đã truyền hết thông tin, đầu tháng 6, Lunar Orbiter 4 đã chuyển xuống một quỹ đạo gần Mặt Trăng hơn để thu thập các thông số chuẩn bị cho Lunar Orbiter 5. Tổng cộng, Lunar Orbiter 4 đã chụp được 419 bức ảnh có độ phân giải cao và 127 bức ảnh có độ trung bình (độ phân giải dao động trong khoảng từ 58m đến 134m), bao gồm 99% diện tích của bề mặt quay về phía Trái Đất. Lunar Orbiter đâm xuống bề mặt Mặt Trăng vào ngày 31/10/1967.
    [​IMG]
    Ảnh: Lunar Orbiter 4 chụp khu vực Mare Orientale Basin, khu vực trũng trong hình được bao quanh bởi sườn của dãy núi Cordillera, có đường kính khoảng 900 km ​
    + Lunar Orbiter 5
    Ngày phóng: 01/08/1967
    Nhiệm vụ của Lunar Orbiter 5 là kiểm tra các địa điểm đổ bộ dự định của các tàu Apollo và Surveyor, đồng thời chụp nốt các vùng còn lại ở phía bên kia của Mặt Trăng. Quá trình chụp ảnh diễn ra từ ngày 06 đến ngày 18 tháng 8, tổng cộng Lunar Orbiter 5 đã chụp được 633 tấm ảnh có độ phân giải cao và 211 bức ảnh có độ phân giải trung bình, trong đó có những bức ảnh cho phép phân biệt các chi tiết có kích thước 2m. Lunar Orbiter 5 đâm xuống Mặt Trăng vào ngày 31/01/1968
    [​IMG]
    Ảnh: Lunar Orbiter 5 chụp crater Tycho​
  7. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    Nhiệm vụ New Horizons
    Một số tài liệu tham khảo chính:
    1. Official New Horizons mission website, http://pluto.jhuapl.edu
    2. NSSDC, New Horizons Pluto Kuiper Belt Flyby, http://nssdc.gsfc.nasa.gov/nmc/masterCatalog.do?sc=2006-001A
    3. Wikipedia, New Horizons,http://en.wikipedia.org/wiki/New_Horizons
    [​IMG]
    New Horizons khảo sát Sao Diêm Vương và Charon (ảnh minh họa)​
    1. Giới thiệu chung
    New Horizons là nhiệm vụ của NASA thực hiện việc phóng tàu thám hiểm không người lái kiểu bay qua (fly by) khảo sát Sao Diêm Vương và vệ tinh Charon. Nhiệm vụ còn có thể được mở rộng đối với một số thiên thể khác thuộc vành đai Kuiper. Đây là nhiệm vụ đầu tiên thuộc chương trình ?oNew Frontiers?.
    Ngày 19/01/2006, tàu vũ trụ đã được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Atlas-V 551. Ngày 07/06/2006, New Horizons vượt qua vùng quỹ đạo Sao Hoả, ngày 28/02/2007, tàu vũ trụ bay lướt qua Sao Mộc. Hiện nay, New Horizons đã vượt qua vùng quỹ đạo Sao Thổ và dự định sẽ tiếp cận Sao Diêm Vương vào tháng 07/2015.
    Ba mục tiêu chính của New Horizons:
    + Xác định các đặc điểm địa chất (geology), hình thái (morphology) tổng quan của Sao Diêm Vương và Charon
    + Xác định thành phần hoá học của vật chất trên bề mặt Sao Diêm Vương và Charon
    + Khảo sát bầu khí quyển của Sao Diêm Vương và xác định tỉ lệ thoát li (escape rate) của khí quyển khỏi thiên thể.
    Nhiệm vụ chỉ có thể được xem là thành công nếu đạt được cả 3 mục tiêu trên
    Ngoài ra, New Horizons còn có 1 số mục tiêu phụ khác như :
    + Xác định sự thay đổi theo thời gian của bề mặt và khí quyển Sao Diêm Vương;
    + Chụp ảnh ba chiều một số khu vực trên bề mặt Sao Diêm Vương và Charon
    + Tinh chỉnh các thông số về bán kính, khối lượng, quỹ đạo của Sao Diêm Vương và Charon
    + Phát hiện sự tồn tại của các vệ tinh khác của Sao Diêm Vương,
    + Khảo sát thêm 1 hoặc 1 số thiên thể khác trong vành đai Kuiper
    v.v...
    [​IMG]
    New Horizons rời bệ phóng​
    (còn tiếp)​
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 18:15 ngày 10/08/2008
  8. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    2. Cấu tạo và các thiết bị khoa học
    New Horizons có khung cơ bản là một hình lăng trụ tam giác với một ăngten (high gain) đường kính 2.1 met gắn bên trên. Toàn bộ thân tàu được bao phủ bởi lớp cách nhiệt nhiều lớp. Tổng khối lượng của New Horizons khi phóng là 465 kg.
    Tàu vũ trụ hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, dựa trên sự phân hạch plutonium. New Horizons mang theo 11 kg plutonium ôxít. Vào thời điểm phóng, nguồn năng lượng này có công suất vào khoảng 240 W và sẽ giảm dần, chỉ còn khoảng 228 W vào thời điểm tiếp cận các thiên thể mục tiêu năm 2015.
    Để hiệu chỉnh quỹ đạo, trên New Horizons được triển khai 4 động cơ phản lực 4.4 N và 12 động cơ phản lực 0.8 N. Tổng khối lượng nhiên liệu cho các tên lửa hiệu chỉnh quỹ đạo là 80 kg. Tàu vũ trụ có thể tự ổn định bằng cả hai cách : xoay liên tục hoặc ổn định 3 chiều. Quá trình định vị được thực hiện dựa trên các ngôi sao (sử dụng star camera).
    New Horizons liên lạc với Trái Đất thông qua 4 ăngten. Trong khoảng cách nhỏ hơn 5 AU, tàu vũ trụ sử dụng 2 ăngten trường rộng (low gain). Khi đã tiếp cận Sao Diêm Vương, quá trình trao đổi thông tin sẽ được tiến hành giữa ăngten trường hẹp (high gain) với hệ thống Deep Space Network trên Trái Đất tại vùng tần số từ 7 đến 12.5 GHz (X band), tốc độ khoảng 600 bit/s. Ngoài ra, trên tàu vũ trụ còn có 1 ăngten trường trung bình (medium gain) với khả năng trao đổi thông tin từ khoảng cách tối đa 50 AU.
    Toàn bộ các trang thiết bị khoa học trên New Horizons có tổng công suất là 21 W và có khối lượng 31 kg với các mục đích chính sau :
    + Tiến hành quan sát tại vùng phổ từ cận hồng ngoại đến tử ngoại, tập trung chủ yếu vào vùng sóng khả kiến
    + Nghiên cứu vật chất ở dạng plasma và những hạt năng lượng cao
    + Thực hiện một số nghiên cứu tại vùng sóng vô tuyến
    + Đo đạc mật độ bụi tại vùng ngoại ô của hệ Mặt Trời
    [​IMG]
    Ảnh : New Horizons với phần thân hình lăng trụ tam giác, ăngten trường hẹp ở phía trên, thiết bị hình trụ tròn gắn ở đỉnh tam giác phía bên phải chính là nguồn năng lượng hạt nhân​
    (còn tiếp)​
  9. hailualep

    hailualep Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/11/2007
    Bài viết:
    38
    Đã được thích:
    0
    Xin cho em hỏi:
    "động cơ phản lực 4.4 N" N là gì vậy ạ?
    "Trong khoảng cách nhỏ hơn 5 AU" 5AU là gì vậy ạ?
    Em là dân thiên văn nghiệp dư thôi hix...nhưng mừ em cũng muốn học hỏi những cái cao xiu.
    Được hailualep sửa chữa / chuyển vào 19:51 ngày 13/08/2008
  10. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    + N là ký hiệu của đơn vị đo lực newton. Động cơ đó có lực đẩy là 4.4 newton
    + AU là viết tắt của "Astromical Unit - Đơn vị Thiên văn". AU hiểu 1 cách đơn giản và gần đúng là khoảng cách trung bình từ Trái Đất đến Mặt Trời (định nghĩa chính thức của IAU thì hơi phức tạp hơn 1 chút). 1 AU = 149597870691 ± 30 met (gần bằng 150 triệu km)

Chia sẻ trang này