1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cái chúng ta dựa vào để tồn tại

Chủ đề trong 'Tâm Lý Học' bởi tuonghoangnam4488, 17/11/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. tuonghoangnam4488

    tuonghoangnam4488 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    10/12/2014
    Bài viết:
    68
    Đã được thích:
    12
    [​IMG]
    Kiếm sống, một nỗi lo muôn thuở!

    Đây đã là nỗi ưu tư của con người từ trước khi nền khoa học của loài người phát triển kéo dài cho đến tận thời đại kinh tế toàn cầu hóa như ngày nay. Người Việt chúng ta thường gọi một cách dân dã hoạt động kinh tế để kiếm sống là “làm ăn”. Cụm từ này chỉ mình nó đã miêu tả được điều cốt yếu nhất của lĩnh vực kinh tế. Mọi hành vi kinh tế đều do con người tạo ra và về bản chất đều chỉ là làm và ăn. Con người làm để ăn và con người ăn để làm. Làm và ăn, một cái là đầu ra của con người còn một cái là đầu vào của con người. Có làm thì mới có ăn nhưng không ăn thì chẳng có sức để mà làm. Luôn luôn cần phải có cái nguyên liệu đầu vào trước thì mới có thể hình thành được sản phẩm gì đó ở đầu ra. Tính chất của đầu vào quyết định tính chất của đầu ra. “Ăn” chỉ là một từ đại diện cho rất nhiều nhu cầu đầu vào của con người. Giả sử ta bỏ đi phần lớn các nhu cầu, chỉ để lại ba nhu cầu thiết yếu nhất đó là ăn, uống, hít thở. Ăn là việc có thể chờ. Một người vẫn có thể nhịn đói để làm việc và người đó có thể nhịn đói tối đa một tuần. Uống là nhu cầu cấp thiết hơn so với ăn nhưng con người có thể nhịn khát tối đa ba ngày nên uống cũng vẫn có thể chờ. Nhưng hít thở thì không. Nếu thiếu dưỡng khí, bạn sẽ chết ngay. Nói chung, bạn phải hít thở được thì bạn mới còn có cơ hội để mà ăn và uống.

    Tuy việc hít thở là cấp thiết, là quan trọng với cơ thể nhưng thực tế, tâm trí con người lại tập trung vào những nhu cầu như ăn và uống nhiều hơn. Việc hít thở được chúng ta để hoạt động một cách tự động. Trong sinh hoạt hàng ngày, hiếm khi chúng ta tiến hành việc điều tiết hơi thở. Hít thở là một việc bình thường đến mức tầm thường đối với tâm trí của phần lớn chúng ta. Còn ăn uống thì lại thu hút gần như toàn bộ sự chú ý của tâm trí. Chưa ăn bữa ngày hôm nay, chúng ta đã lo nghĩ về những bữa ăn của ngày hôm sau, thậm chí của cả phần đời còn lại. Lo nghĩ đến mức tức thở. Mà không thở được thì đâu còn khả năng để làm nữa, mà không còn khả năng làm thì tất nhiên sẽ không có cái ăn trong tương lai.

    Để sống còn, bạn phải hành động. Nhưng trước khi hành động để có cái ăn, cái uống cũng như thỏa mãn tất cả các nhu cầu khác thì bạn phải hành động để có dưỡng khí mà thở trước đã. Trong một cuộc sống mà tính bất ổn định ngày càng tăng lên như hiện nay, cảm giác bí bách, nghẹt thở sẽ thường xuyên xuất hiện trong tâm trí chúng ta. Hết nỗi âu lo này đến nỗi âu lo khác ập lên đầu chúng ta khiến chúng ra rối trí, giải quyết không xuể. Sự hỗn độn của thông tin gây rắc rối cho khả năng định hướng của chúng ta, khiến chúng ta hay rơi vào một trạng thái kẹt trong tâm lý. Bạn cảm thấy cần gấp rút làm một điều gì đó. Cảm giác gấp rút này giống cảm giác gấp gáp của người đang lặn dưới nước trong tình trạng sắp hết dưỡng khí. Đối với thân xác, dưỡng khí là oxy; đối với tâm lý, dưỡng khí là cảm giác hy vọng. Cái đã gây ra cảm giác gấp rút trong bạn chính là cảm giác thiếu hy vọng trong tâm trí.

    Như vậy, điều mà chúng ta luôn cần làm trước nhất không phải là hành động để đảm bảo cái ăn cái mặc trong tương lai mà là hành động để duy trì hy vọng cho tâm trí, duy trì dưỡng khí để thở. Sở dĩ việc hít thở là một hành động tầm thường đối với tâm trí là bởi nó quá dễ để thực hiện, dễ đến mức “nhắm mắt cũng làm được”. Còn việc đảm bảo cái ăn cái mặc thì lại không dễ nên tâm trí sẽ tập trung chủ yếu cho việc đó. Bạn sẽ cố hết sức để suy nghĩ, tính toán xem mình cần phải làm gì, mình nên làm gì, chiến lược và các bước cụ thể. Sự lo lắng, mất cân bằng trong tâm lý thúc ép bạn phải nhanh chóng tư duy ra được một kết quả hoàn hảo, một kết quả khiến bạn có thể tin tưởng được, khiến bạn thông suốt và tự tin hành động. Nhưng vấn đề là tâm lý càng mất cân bằng, suy nghĩ của bạn càng rối rắm, khó ra được kết quả. Không tư duy ra được gì thì bạn lo càng thêm lo. Lo nghĩ nhiều vừa sinh bệnh trong tâm lý, vừa sinh bệnh trong thân xác, vừa tác động xấu đến nhận thức và hành vi của bạn. Bạn có thể sinh nhiều suy nghĩ cực đoan, nhận thức dễ mù quáng, không đủ tỉnh táo để nắm bắt các cơ hội xuất hiện trong cuộc sống. Suy nghĩ và hành động trong trạng thái lo lắng, mất cân bằng tâm lý giống như là sự vùng vẫy vô vọng trong dòng nước chảy xiết vậy. Vùng vẫy giữa dòng nước chảy xiết thì chỉ đuối sức nhanh hơn chứ không giúp ta sống còn được. Người ta nói “Cái khó ló cái khôn”, nhưng cái khôn chỉ ló ra khi bạn có đủ sự bình tĩnh. Đừng suy nghĩ và hành động để cân bằng tâm lý trở lại, hãy cân bằng rồi mới suy nghĩ và hành động. Tâm lý của bạn sẽ cân bằng lại ngay nếu nó có cảm giác hy vọng.

    Nguyên tắc hành động để mang lại cảm giác hy vọng cũng dễ đến mức tầm thường như việc hít thở vậy. Đó là một nguyên tắc mang tính căn bản. Sự sống có tính chất là chuyển động liên tục, không dừng lại. Tim luôn phải đập, phổi luôn phải hô hấp. Tâm lý con người chỉ lấy lại cân bằng khi nó cảm thấy có bước tiến. Bước tiến tức là một sự thay đổi trong hoàn cảnh hiện tại của bạn và do chính bạn chủ động tạo ra. Khi bạn di chuyển, bạn phải nhìn thấy đất đang trôi đi dưới chân mình, nhìn thấy quang cảnh xung quanh có sự biến đổi. Tất cả những dấu hiệu về sự thay đổi minh chứng cho tâm trí rằng bạn đang di chuyển. Nếu bạn chạy hết tốc lực nhưng thấy quang cảnh xung quanh chẳng có chút thay đổi nào thì tâm trí của bạn sẽ vẫn cho rằng bạn đang đứng yên, không tiến chút nào cả. Bởi vậy, khi gặp bế tắc tâm lý và tư duy, việc bạn cần làm là thực hiện ngay một việc nào đó mà bạn có thể dễ dàng thực hiện. Bạn không cần biết việc này là thực tế hay phi thực tế, hợp lý hay không hợp lý, hay có liên quan tới vấn đề mà bạn gặp phải hay không, miễn là bạn có thể làm được. Những việc bạn phải làm, nên làm, cần làm lại nằm trong khuôn khổ của những việc bạn có thể làm. Một bài toán cực khó được chia thành nhiều bài toán cực dễ. Làm việc khó thì không chắc thành công nhưng làm việc dễ thì chắc chắn thành công. Vì thế, khi thực hiện một động thái mà bạn có thể dễ dàng làm với sự tập trung cao nhất, thành công sẽ đến và mang lại cho tâm lý cảm giác có bước tiến. Có bước tiến tức là có hy vọng. Khi tâm lý cân bằng trở lại một chút thì những tư duy của bạn sẽ sáng suốt hơn, toàn diện hơn. Bạn sẽ dễ dàng thấy được điều thực sự cần làm.

    Nói tóm lại, nguyên tắc căn bản trong cuộc sống đó chính là “không ngừng hành động”. Có lẽ bạn đã nhận được nhiều lời khuyên, đã rèn luyện được nhiều kỹ năng quan trọng cũng như tiếp thu được nhiều kiến thức để giúp bạn tồn tại được trong cuộc sống hỗn độn này. Nhưng tất cả những kiến thức và kỹ năng cao cấp đó lại không phải điểm tựa vững chắc cho bạn. Chúng chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không phải cái chính yếu. Cái gì là căn bản mới là điểm tựa để tồn tại. Khi giải toán, cho dù bạn dùng phương pháp cao siêu nào để giải đi chăng nữa mà lại vi phạm những lỗi sai cơ bản thì các phương pháp cao siêu kia cũng trở thành vô dụng. Bài toán vẫn bị giải sai. Những kỹ thuật và công nghệ tân tiến thời nay cũng không làm cuộc sống loài người bớt rối hơn bởi lẽ họ đã không để tâm đến những điều cơ bản nhất. Kỹ năng cơ bản là gốc rễ, còn những kỹ năng cao siêu là cành nhánh. Rễ mà không ổn thì cây trái mọc ra trên cành nhánh sẽ giảm chất lượng. Thiếu một cành hoặc cành còn non, cái cây vẫn sống, bộ rễ hỏng thì cái cây chết ngay. Rễ mà ổn thì cành nhánh mọc ngày càng nhiều, hoa trái đua nhau xuất hiện. Điều cơ bản là cái bạn không cần học bởi nó là cái bẩm sinh vốn ai cũng có rồi. Bạn chỉ cần tận dụng triệt để nó mà thôi và nó sẽ giúp bạn có được mọi thứ. Tạo hóa vốn không làm khó con người mà chính sự rối loạn tâm lý mới là cái làm khó con người. Sự rối loạn này biến cái đơn giản thành cái phức tạp. Bởi vậy, bạn sẽ thấy rằng suy nghĩ phức tạp thì rất dễ mà suy nghĩ đơn giản thì có vẻ rất khó khăn. Câu trả lời cho mọi vấn đề luôn có sẵn như trái dại trên cây vậy. Chỉ cần bạn không quên nguyên tắc căn bản thì bạn nhất định sẽ tìm thấy điều phi thường trong cái tầm thường nhất.

Chia sẻ trang này