Cảm nghĩ nhân đọc Kỳ Án Ánh Trăng Tôi vừa mới đọc truyện này xong, mất một đêm một ngày, trong đó buổi đêm mất ngủ. Theo tôi, đây là một truyện rất hay trong mảng truyện kinh dị. Lý do: tác giả đã làm cho tôi sợ được (không dễ đâu nhé). Bạn đã đọc truyện nào mà thỉnh thoảng lại thấy lành lạnh dọc sống lưng, phải quay người, lắng tai nghe xem có tiếng bước chân thình thịch, tiếng cửa kẽo kẹt sau lưng mình không? Kỳ án Ánh trăng là một truyện như thế. Có những lúc chân đã bước đi là không bao giờ quay trở lại được, như khi người ta bước chân ra ngoài cửa sổ cách mặt đất 4 tầng lầu... Có những tội ác đã phạm là không thể quay đầu... Ánh trăng âm u, quỷ hồn than khóc... Cách miêu tả sinh động, tình tiết lạ lùng khiến mọi giác quan của ta căng lên, rợn người trong đêm vắng. Tác giả cũng khéo kích thích trí tưởng tượng phong phú của độc giả: cuộc vui của những oan hồn, khúc nhạc "Ánh trăng" giữa đêm khuya, phòng giải phẫu tử thi, ma nhập, ảo giác, nhảy lầu tự tử, ngày định mệnh 16/6... Các thể loại đan xen lẫn nhau nên đọc rất hồi hộp, lại đi kèm thêm chất li kỳ của một vụ án trinh thám, bi kịch của tình yêu và sự phản bội... làm cho câu chuyện hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, truyện không thể tránh được một số hạt sạn. Vẫn còn những tình tiết kỳ lạ mà nhân vật chính gặp phải nhưng chưa được giải thích đầy đủ. Chẳng hạn như hai lần Diệp Hinh nói chuyện với Tạ Tốn giả trên tàu hỏa, lẽ nào hành khách đi cùng thấy cô nói lảm nhảm một mình khá lâu mà không phản ứng? Rồi cái tiêu bản người hoàn hảo trong suốt thực chất là cái gì? Tiêu Nhiên phải chăng cũng có một khối u não nên mới có thể trò chuyện với hồn ma dễ dàng như thế? Diệp Hinh hẳn đã nói chuyện với linh hồn bố mình, thế còn cái áo jacket của bố là vật chất hữu hình thì làm sao đến tay cô được? Ai đã lần xem hồ sơ vụ án Nguyệt Quang xã trước Diệp Hinh? Còn một điểm mà tôi khá ngạc nhiên là sao trường này kiếm được nhiều tử thi cho sinh viên thực tập thế, hàng đêm còn có ông già vào cưa tử thi nữa, mà lại cưa trong đêm, không dùng đèn đóm gì mới tài! Những điểm chưa chặt chẽ trên là điều dễ thấy trong các truyện có chủ đề siêu nhiên hoang đường. Cũng giống như xem phim, vì chỉ xem ở rạp có một lần nên khán giả thường tặc lưỡi bỏ qua cho các chi tiết thiếu logic. Vả chăng, những lỗ hổng này nếu cần tác giả có thể vá lại bất kỳ lúc nào bằng những lời giải thích hợp lý - vấn đề càng siêu tự nhiên thì càng lắm cách giải thích. Vậy nên xét cho cùng, những lỗi cỏn con này cũng không quan trọng lắm. Một hạn chế khác, theo tôi, nằm ở mảng trinh thám - hình sự. Ở khía cạnh này Kỳ án Ánh trăng cũng giống như nhiều truyện trinh thám phổ biến khác, đọc một lần thì thấy cực kỳ thú vị nhưng chưa chắc đã đọc lại lần thứ hai. Vì sao? Vì việc phá án ít dựa trên lập luận và quan sát kỹ càng, chi li tới cùng như kiểu Sherlock Holmes mà dựa nhiều vào sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nói đơn giản thế này: nhà văn bày ra khoảng chục người có khả năng gây án, sau khi qua một vài bước suy luận, theo dõi đơn giản, ta loại được vài cái tên. Và đột nhiên, trong khi điều tra, ta tình cờ (chứ không phải chủ động) biết được sự liên quan của một người mà ta không ngờ tới... và khi đã hiểu được động cơ gây án thì phăng ra thủ phạm quá dễ dàng. Kiểu phá án như thế chỉ gây bất ngờ được lần đầu, sau đó không còn khiến độc giả hồi hộp nữa. Như trong truyện này, nói thực tôi đã đoán ra thủ phạm khi mới đọc gần nửa truyện, tuy chưa biết tác giả sẽ gán động cơ gì cho hắn. Theo môtíp quen thuộc, thủ phạm thường là người đã góp mặt từ đầu nhưng không nổi bật nên ít gây sự chú ý, dường như đóng vai một người quan sát bên lề, một thành viên phụ của cuộc chơi. Thế rồi bất ngờ cái mặt nạ của hắn rơi xuống, mọi thứ được giải thích ăn khớp với nhau... Xong!!! Còn một khía cạnh nữa cũng nên được bàn tới... đó là tình yêu. Về kết cuộc của cặp Tiêu Nhiên - Y Y, theo tôi hoàn toàn dễ hiểu trong hoàn cảnh xã hội rối ren của Trung Quốc lúc đó, nhưng không hiểu tác giả miêu tả thế nào mà tôi cảm thấy cặp này hơi sến. Có lẽ tại anh chàng Tiêu Như toàn ca những bài não tình ủy mị quá chăng? Mối tình Diệp Hinh - Tiêu Nhiên thì có lẽ chỉ là đồ trang sức để tô điểm thêm cho nét kỳ bí của câu chuyện nên tác giả không đầu tư nhiều. Lẽ ra nó có thể hay hơn, sâu đậm hơn. Tuy nhiên đoạn cuối cuộc tình lại là một điểm sáng (và đã câu được của tôi vài giọt nước mắt ) Nó gợi cho tôi nhớ tới bộ phim Oan Hồn, trong đó chàng trai sau khi cứu được người yêu đã ra đi mãi mãi, để lại cô gái tuôn rơi hai hàng lệ... "Hãy tha thứ cho anh, anh không ở bên em được nữa... Nhưng dù chúng ta không thể gắn bó với nhau, trước mắt em vẫn là cuộc sống, là hy vọng..." Chỉ có điều, trong khi chàng Sam thanh thản bước lên cõi vĩnh hằng thì Tiêu Nhiên lại chơi một đòn "hồi mã thương" theo đúng thuyết luân hồi của phương Đông. Đây cũng là khúc vĩ thanh khá độc đáo mà tác giả để lại cho chúng ta: Ai biết được sự nối dài quá khứ ấy là phúc hay họa?
Mình đọc rồi. Lúc đọc thì thấy hấp dẫn quá nên quảng cáo tùm lum. Đọc xong rồi thấy chán chết. Tiếc là đã tiêu mất hai buổi chiều . Chẳng thấy li kỳ rùng rợn gì cả. Tác giả thắt nhiều nút quá, nhưng mở nút thì không thuyết phục chút nào. Cả truyện chỉ ấn tượng mỗi anh chàng Tiêu Nhiên. Ước gì ở ngoài đời có 1 anh chàng giống như thế nhỉ
Theo như trong báo thì "Kỳ án ánh trăng" không chỉ đơn thuần là đọc để sợ, mà còn ẩn chứa ý nghĩa nhân văn khá sâu sắc, tiếc là tui chưa đọc nên ko bình luận gì thêm dc, đi "lùng" 3 nhà sách mà ko có, hic
Lâu không vào Văn học, không ngờ bài viết cũ của mình lại có người trả lời. Thực ra dạng như Kỳ án ánh trăng đọc một hai lần cho biết rồi cũng để đấy thôi. Kiểu như Mật mã Da Vinci ấy mà. Mất công đan dệt bao nhiêu tình tiết để rồi giải đáp dở òm, thiếu chặt chẽ. Tuy nhiên bạn nào đọc KAAT nên đọc vào buổi tối - đêm, phòng nào có cửa sổ nên mở ra cho ánh trăng hắt vào cho nó thêm cảm xúc.