1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cảm nhận ca khúc Trịnh Công Sơn

Chủ đề trong 'Nhạc TRỊNH' bởi home_nguoikechuyen, 24/11/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    Cảm nhận ca khúc Trịnh Công Sơn

    Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng


    nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn


    Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
    Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
    Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
    Em là tôi và tôi cũng là em.
    Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
    Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm
    Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ
    Tôi là ai mà còn trần gian thế
    Tôi là ai, là ai, là ai?
    Mà yêu quá đời này.

    Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
    Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng
    Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
    Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh
    Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
    Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm.



    Làm người ai cũng phải trải qua những thăng trầm của cuộc sống.Nhưng trong thời đại ngày nay, khi mà xung quanh chỉ là những dấu ấn của hư vô, những bon chen, hào nhoáng của cuộc sống.Lại khiến mình phải nghĩ lại.Chúng ta cứ mãi miết chạy theo những xoay vần của tạo hoá, nhưng cũng có lúc chúng ta phải dừng lại và ngẫm nghĩ:<<Mình đã làm được gì cho cuộc đời, cho hiện tại và tương lai.Phải chăng chỉ là những vệt sáng vô thường?>>. Nhiều lúc tôi đã rất buồn, rất cô đơn, rất tuyệt vọng khi nghĩ về cuộc sống.Nhưng lại nghĩ<< Vui buồn hội ngộ trong kiếp người>>, câu nói đó dường như đã khiến tôi suy nghĩ rất là nhiều.Nhiều lúc tôi muốn hét lên rằng:<<Phải chăng cuộc sống đã cho ta lắm ngày bất hạnh>>,Nhưng ....<<Rằng con người, rồi ai cũng như ai phải đi hết buồn vui của cuộc sống, chỉ khác nhau một chữ thôi, chữ...HOÀI>>(Hoàng Phủ Ngọc Tường>>.Những lúc như vậy tôi lại đi tìm trong chất nhạc da diết kia một ca khúc, một ca khúc tôi rất thích, đã cùng tôi bao vui buồn trong kiếp người:<<Tôi ơi đừng tuyệt vọng>>
    Khúc nhạc vang lên cùng giọng ca thì thầm tự sự của người nhạc sĩ "Đừng tuyệt vọng! Tôi ơi đừng tuyệt vọng!". Anh đang nói với mình hay nói với tôi, với mọi người "một lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi tuyệt vọng"? Sự săn đuổi những giấc mơ, ảo vọng đôi khi dồn con người vào nỗi tuyệt vọng. Người ta tưởng chừng không sống được nếu thiếu một thứ gì đó mà họ tưởng là rất cần thiết cho cuộc đời: tình yêu, danh vọng, tiền tài... Nhưng suy cho cùng, nếu người ta có tất cả những thứ ấy, cuối cùng cũng đi về một cõi phù du và nếu như có mà không biết trân trọng, sử dụng một cách hữu ích và hợp lý thì cũng như không có mà thôi, đôi khi chúng còn gây ra cho chúng ta nhiều nỗi muộn phiền, lo âu hơn. Thôi thì hãy cứ sống như ta vốn có để thấy những xoay vần của tạo hóa, thấy 'lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông", thấy "em là tôi và tôi cũng là em", chúng ta đều là những sinh linh bé nhỏ giữa biển đời bao la, giữa vũ trụ mênh mông. Và hãy dấu đi những giọt lệ ưu phiền, những tuyệt vọng trần thế để hồn nhiên cười lên mà yêu đời hơn một chút. Có lẽ ta sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra rằng mình thật vô lý khi tuyệt vọng, thấy rằng đời còn chút đáng yêu và lại tự hỏi mình "tôi là ai mà còn trần gian thế? Tôi là ai? Là ai? Mà yêu quá đời này!".
    Câu hỏi day dứt cũng là câu trả lời. Ta là Người, sống giữa Đời bằng Tình Người. Chỉ cần có một "tấm lòng chân thành, dù chỉ để gió cuốn đi", ta sẽ được đền đáp bằng những gì tốt đẹp nhất của đời sống.


    ------------------------------------


    Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em.

    Được home_nguoikechuyen sửa chữa / chuyển vào 24/11/2002 ngày 09:59
  2. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    Bống Không Là Bống


    nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn

    Bống không là bống bống ở nơi nào.
    Bống không là bống không ở trong ao.
    Bống nhảy lên bờ bống đi chơi phố.
    Nắng vàng ủng hộ cho bống căn nhà.
    Tìm tình tìm tình trong nắng em gặp cơn mưa.
    Ô hay tìm tình giữa ngọ buồn lưa thưa về.
    Tìm tình tìm tình trên núi em gặp mây bay.
    Ô hay tìm tình giữa chợ tình phai mất rồi.
    Bống không là bống bống mặc áo dài.
    Bống ra ngoài ngõ bước nhịp khoan thai.
    Có một con đường bống đi không tới.
    Vui buồn hội ngộ trong kiếp con người

    Bài này của bác netinventor:
    Trong âm nhạc, mảng dân ca là một đề tài rất phong phú và gần gũi với mọi người. Nhiều nhạc sĩ đã thử nghiệm với dòng âm nhạc này và đã thành công nhất định. Trong nhạc dân ca, người ta rất hay dùng những hình ảnh quen thuộc như cây đa, con đò, đồng lúa, ruộng vườn, cuộc sống lao động của nông dân... nhưng có một mảng nhỏ trong số đó mà ít người nhạc sĩ thể hiện được cái hay, cái tự nhiên của nó đó là nhạc đồng dao. Sở dĩ nhạc đồng dao không có nhiều bởi vì đây là nhạc của trẻ chăn trâu, giai điệu rất đơn giản, sử dụng những câu hát lặp và láy. Những suy nghĩ rất hồn nhiên của trẻ nhỏ khiến nhiều nhạc sĩ khó cảm thụ để mà viết được. Nó là một dạng ca dao truyền miệng ngắn với những câu 4,5 chữ, nhịp vui như chân sáo nhảy và đôi khi ta cảm thấy nó như một bài vè... Người ta thường viết được những bài hát giàu suy nghĩ và ý tưởng nhưng lại khó viết được một bài hát rất trẻ thơ, viết theo cách nhìn sự vật hơn là bản chất của những mục đồng. Nhưng thực sự đó là một thế giới rộng và phong phú cần khám phá.
    Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có một số khám phá rất thú vị và riêng với cá nhân tôi cảm thấy ông có những thành công ít nhất trong giai điệu. Nhưng khác với đồng dao hồn nhiên một chút là ông đem tính triết lý của mình vào nhạc đồng dao khiến nó không còn là nhạc cho trẻ nhỏ nữa mà là nhạc cho mọi người. Những triết học, thi ca đi cùng với giai điệu trẻ thơ đã đưa đồng dao lên ngang tầm với những loại nhạc giàu tính nhân văn sâu sắc khác. Đó là một cách biểu hiện mới theo như cách nói của Trịnh, một cách biểu hiện phù hợp với thời đại. Một số bài có dáng dấp đồng dao như Ra đồng giữa ngọ, ở trọ, con mắt còn lại... nhưng đến bài hát Bống không là Bống thì thực sự thoát thai thành một thứ nhạc đồng dao hiện đại. Đó chính là lý do tại sao tôi muốn nói về bài hát này một chút, bài Bống không là Bống.
    Ai cũng biết rằng nhân vật Bống quá gần gũi với nhân gian. Nó là cổ tích nhưng cũng là đời thường. Có ai đã từng đi câu bống chưa nhỉ, rất là thú vị! Bống là một loài cá phàm ăn, chính ngày xưa tôi đã từng chứng kiến một người chỉ cần một cái que tre, buộc vào một sợi dây cước, đầu sợi dây chỉ buộc một con giun. Buộc chứ không phải là móc giun vào. Thả xuống nước nơi có nhiều bống, bống sẽ bu đến. Chỉ cần bống ngậm vào con giun, nhấc lên, đưa một cái rổ vào phía dưới, bống há miệng ra là rơi vào rổ. Trong nửa tiếng là có thể câu được hàng chục con bống như vậy và chỉ cần một đến 2 con giun mà thôi. Câu bống thật là dễ như vậy đó và tất nhiên câu bống cũng là một nét gì đó rất dân gian Việt Nam của những đứa trẻ nông thôn. Trong văn học bống là một nhân vật đáng yêu, hồn nhiên và cả tin nữa. Bống sẵn sàng trồi lên mặt nước để đón nhận sự chăm sóc yêu thương của Tấm để rồi đón nhận một thực tại đau đớn đó là cái chết. Sự xung đột tình cảm giữa Tấm và Cám, sự đối nghịch giữa yêu và ghét đã vô tình giết chết bống. Phải chăng đó chính là cuộc đời và thân phận của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, giằng xé giữa hai thế lực xã hội, thiện và ác. Nhưng chúng ta không bàn sâu về điều này, mà sẽ đi sâu vào đàm đạo cái hay trong bài Bống không là Bống. Một ý tưởng nảy sinh từ một cô ca sĩ đồng thời lại phù hợp với một câu chuyện cổ tích nổi tiếng có lẽ đã thôi thúc Trịnh Công Sơn đột phá một một bài hát mà chưa bao giờ có ai thử nghiệm. Nhân vật bống thực sự đã có một chỗ đứng trong âm nhạc Việt Nam bên cạnh những hình ảnh dân ca quen thuộc khác dưới một chất liệu đồng dao hài hoà.
    Mở đầu bài hát cho đến hết nhạc sĩ luôn nhắc lại... Bống không là bống ... Đúng là giọng đồng dao lặp đi lặp lại. Nhạc sĩ không kể gần xa về một cái diện mạo bên ngoài mà gọi thẳng luôn như vậy. Nghe gần gũi quá, nghe cứ như Trần Đăng Khoa gọi chú chó vàng của mình: Vàng ơi vàng ơi vậy! Nhưng đó là thơ, còn đây lại là âm nhạc, tài tình như vậy đó. Để tạo ra một câu nghe như một tiếng gọi trong âm nhạc thật là khó. Trong thơ ca, văn học thì Bống được nói đến nhiều nhưng trong âm nhạc thì chưa ai lại bắt đầu một bài hát bằng một tiếng gọi thân thương đến vậy. Và rồi thì Bống... không ở trong ao... vậy chứ Bống ở đâu vậy nhỉ. À, Bống không ở trong ao thì phải ở trong biển rồi. Nhưng Bống đâu có ở trong biển bao giờ. Đó là biển nhân thế, biển đời người... mà Bống vẫn chỉ là đứa bé mới lớn lên giữa đời sống kia. Còn nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm chưa hiểu hết được cái buồn vui của đời người. Bống muốn khám phá thế giới đó, tò mò như một đứa trẻ hồn nhiên và thế là... Bống nhảy lên bờ Bống đi chơi phố...Nghe cứ như một đứa bé nông thôn mới ra chơi thị thành vậy. Thật đáng yêu làm sao. Trong cái biển đời người đó, nhạc Trịnh Công Sơn, vốn tự nhận mình là ánh nắng vàng đã là người đầu tiên dìu dắt Bống, đi bên cạnh Bống và rồi... ủng hộ cho Bống căn nhà... Căn nhà đó là căn nhà chung của âm nhạc mà nhạc sĩ là người đã đến trước và giờ nhường lại cho cô Bống bé nhỏ. Trong âm nhạc, nhạc sĩ họ Trịnh vẫn chỉ là đứa bé, và cô Bống cũng chỉ là đứa bé nhưng một đứa bé già dặn và một đứa bé ngây thơ. Một đứa bé thành thị và một đứa bé nhà quê gặp nhau. Và rồi họ thấy được sự đồng điệu về âm nhạc và tặng nhau món quà âm nhạc xa xỉ đó.
    Từ buổi hai người bạn đó gặp nhau, họ cùng nhau đi khám phá cái thế giới tình yêu đa dạng phức tạp của đời người. Nhưng cậu bé thành thị thì khám phá tình yêu bằng cách cảm nhận, ngồi lắng nghe và thấu hiểu bằng trái tim đã qua thời rực cháy tuổi trẻ. Còn cô Bống thì đi ra ngoài để khám phá bằng mắt, bằng các giác quan của mình. Và rồi thì Bống đã gặp những sự lạ mà Bống không tài nào hiểu nổi, không thể cắt nghĩa nổi... Tìm tình trong nắng em gặp cơn mưa... Ô, lạ nhỉ tại sao người ta yêu nhau lại phải hờn dỗi nhau nhỉ, tại sao khi vui thì người ta lại khóc. Bống không hiểu nổi những tình cảm trái ngược và quá phức tạp của đời người vì bống quá hồn nhiên. Những sự trái ngược đó, thì nhạc sĩ họ Trịnh lại thấu hiểu nó rất nhiều rồi và tất nhiên như vậy thì mới có thể nói được qua cái nhìn của Bống. Bống không hiểu tại sao giữa giờ ngọ nắng chang chang, gay gắt đến như vậy mà lại có mưa lưa thưa về. Thế là Bống buồn, buồn vì không hiểu được những cái dư vị đó của tình yêu. Nỗi buồn man mác khó tả của Bống cũng ví như một cơn mưa nhẹ, lưa thưa vậy... Ô hay, tìm tình giữa ngọ buồn lưa thưa về... Cái từ Ô hay rất độc đáo, mấy ai có thể diễn tả được cái sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng của con người trong âm nhạc đến vậy. Giai điệu đang xuôi xuôi thì lại chấm thêm một chữ Ô hay hay vào giữa thì thật là kì lạ. Không, phải nói là kì diệu mới đúng. Một sự chuyển gam rất hồn nhiên của đồng dao đúng như bọn trẻ chăn trâu vẫn hát. Nó như cái suy nghĩ tự nhiên lúc nắng lúc mưa của bọn trẻ vậy.


    ------------------------------------
    Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em.
  3. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    --------------------------------------------------------------------------------
    Thế rồi Bống đi lên núi tìm tình yêu, khám phá màu sắc của tình yêu ở một thế giới hẻo lánh, hoang vu. Và Bống lại gặp sự lạ...em gặp mây bay... Núi tượng trưng cho một tình yêu son sắt bền vững qua thời gian. Thế nhưng mây lại là tình yêu xa cách, chia ly và ta vỡ. Người ta cứ nói nhiều về sự chung thuỷ, bất tử của tình yêu nhưng thực tế lại có quá nhiều sự chia tay, tan vỡ, ly biệt trong tình yêu. Tình yêu rút cục cũng chỉ là một chút mây phù du hay sao? Lạ thật đấy, lại một sự trái ngược mà Bống băn khoăn, cần giải thích. Núi là Sơn, nhưng Sơn không được mây bao phủ... mây phủ ngàn năm... như Phù vân yên tử..mà chỉ nhìn mây bay qua rồi đi xa mãi mãi. Phải chăng đó là một đỉnh núi cá biệt. Không phải như thế mà đó là sự cá biệt trong những cá biệt chung trong đời người, của tình yêu và không có gì nằm ngoài quy luật cả. Nhưng chỉ có những đỉnh núi ngàn năm mới hiểu được điều đó, còn cô Bống nhỏ bé, còn đang chập chững kia làm sao hiểu được. Muốn hiểu được nó cần phải có thời gian và sự đúc kết...
    Bống cảm thấy chưa chắc chắn về những gì mình nhìn thấy và muốn khám phá thêm nhiều nữa và Bống về chợ để tìm tình yêu. Cứ tưởng rằng, ở chợ nơi phồn hoa đông đúc, nơi có tình yêu được thể hiện đầy đủ tính cách của nó thì hoá ra lại không phải như vậy. Cái màu sắc đông đúc, hội ngộ ở giữa chợ ấy chỉ là mầu sắc giả tạo, không có thực. Phải chăng ở chợ người ta chỉ ngã giá, thoả thuận cho món hàng của mình xong là ra đi không còn một cảm xúc một vương vấn gì cả, kể cả trách nhiệm về cái tình cảm của mình cũng không có nốt. Nó không bền lâu như núi, mà nó hời hợt thuận mua vừa bán. Nó cũng trái gió trở trời như nắng mưa và nó có thể chia tay, không mua chỗ này thì mua chỗ khác và cũng chẳng khác gì một đám mây cả. Tuy nhiên tất cả những cái đó cũng vẫn không làm mất đi cái vô tư, vui tươi, hồn hậu của Bống, bởi vì bài hát này là bài hát thể hiện sự thoát thai của Bống sang người như La Hán chuyển mình thành Phật. Nếu Bống đã là người rồi thì Bống sẽ tham gia vào cái thế giới cạm bẫy đời người, đi cùng với những tình cảm bon chen, toan tính đó, những buồn vui đã được định nghĩa và những cảm xúc có lý do và tất nhiên sẽ phải trả giá cho sự hiếu kỳ. Nhưng rất may cô Bống của chúng ta chưa rơi vào hoàn cảnh đó và vẫn còn đang đi bên lề của nó mà thôi. Hãy cứ là một đứa trẻ vô lo vô nghĩ để rồi mãi mãi được hồn nhiên, thấy cuộc đời thật đẹp và đáng yêu. Đó chính là mong ước của nhạc sĩ trong đoạn sau của bài Bống không là Bống.
    Bống không là Bống Bống mặc áo dài... nghe có cái gì rất Việt Nam đến thế. Bống là một nhân vật dân gian Việt Nam gần gụi, áo dài cũng là một sản phẩm rất Việt Nam. Thế rồi cái dáng khoan thai cũng rất con gái Việt Nam, tha thướt mà nhẹ nhàng. Không cần cầu kì kiệt kê ra một loạt những cái thuộc Việt Nam mà chỉ chấm phá vài nét là tạo nên ấn tượng đẹp đẽ về bản sắc Việt Nam. Đó là cái thần tình của nhạc sĩ họ Trịnh, nói ít mà hiểu nhiều. Bống ra ngoài ngõ bước nhịp khoan thai... Tại sao lai không bước ra ngoài phố mà lại bước trong ngõ nhỉ... phải chăng là muốn làm duyên với ai đó chăng, với một người nào đó chăng? Rất kín đáo không muốn phô bày trước phố đông người mà lại chỉ muốn cho một người nơi ngõ nhỏ. Đó cũng là một tính cách Việt Nam chăng? Có thể là như vậy đấy! Cái từ khoan thai thật hay, nói rất nhiều được cái tính cách con gái Việt Nam trong dáng điệu cử chỉ, có cái gì đó tự tin mà dịu dàng trong mắt người khác. Ôi, thật là khó tả, đó là cái gì đó rất Việt Nam vậy!!!
    Cuối cùng nhạc sĩ viết... có một con đường Bống đi không tới... Đó chính là... Vui buồn hội ngộ trong kiếp con người... Ngày xưa khi còn trẻ trong chiến tranh, chính nhạc sĩ đã muốn là mình là đường, là phố thênh thang để mở rộng lòng mình ra, dàn trải đến mọi người. Khi về già ông lại muốn thu mình làm ngõ nhỏ để nhìn ngắm cuộc đời. Một sự rút lui rất hợp lý, và sâu sắc. Và khi nhìn thấy Bống, nhạc sĩ lại thấy mình sống lại cái thủa chập chững bước vào những con đường đời rộng lớn... Nhưng rồi nhạc sĩ mong ước... Bống đi không tới... Ông muốn Bống chỉ tìm hiểu cuộc sống một chút thôi, đừng dấn thân vào sâu quá. Những bon chen, cám dỗ và thách thức cũng như trả giá của cuộc đời rất khắc nghiệt. Hãy là cô Bống nhí nhảnh, ngây thơ, không tư lự. Hãy vui chơi một chút, đừng như nhạc sĩ ngày xưa... đừng cả tin để rồi bị xô vào cái dòng xoáy nghiệt ngã đó của số phận... dù đi đâu về đâu rồi Bống cũng trở về căn nhà thân thương của mình, căn nhà âm nhạc. Đó mới chính là nơi để Bống sống và ca hát rất tự do về những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời này. Căn nhà âm nhạc đó cũng chính là căn nhà tình yêu đích thực, đó là nơi mà Bống có thể tìm thấy tình yêu chân chính cho mình. Con đường đời nhạc sĩ đã đi qua, xin mong rằng Bống sẽ không bao giờ bước qua nó. Con đường đầy những vui buồn, hội ngộ chia ly đó sẽ mãi mãi là những giấc mơ phù du không có thực. Giấc mơ trở thành con người là một giấc mơ gian khó, Bống hãy là cá bống, là con người mình, là trẻ thơ, là những gì nguyên chất đẹp đẽ như kim cương hổ phách không có một tì vết. Như thế Bống sẽ bất tử với dân gian Việt Nam, và bất tử trong mơ ước cổ tích của trẻ thơ Việt Nam.
    Tôi xin kết thúc bài nói chuyện mua vui cũng được một vài trống canh ở đây. Xin chúc quý vị bình an và tiếp tục những câu chuyện khác về Trịnh Công Sơn.
    Thân ái
    Vô Thường Ca
    ------------------------------------
    Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em.
  4. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
      
    Ru Đời Đi Nhé


    nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn

    Có khi mưa ngoài trời
    là giọt nước mắt em .
    Đã nương theo vào đời
    làm từng nỗi ưu phiền ...
    Ngoài phố mùa Đông
    đôi môi em là đốm lửa hồng.
    Ru đời đi nhé
    cho ta nương nhờ lúc thở than
    Chân đi nằng nặng
    hoang mang ta nghe tịch lặng
    rơi nhanh dưới khe im lìm.
    Ru đời đi nhé
    ôi môi ngon này giữa trần gian.
    Ru từng chiếc bóng
    lênh đênh vào giấc ngủ ngon.
    Cho tôi tay gối mong manh,
    cho tôi ôm lấy vai thon.


      Tôi mê nhạc Trịnh Công Sơn từ khi nào chẳng hay, có lẻ từ khi biết ngồi một mình lặng lẽ....
    Tôi đến phố núi như một sự sui khiến của số phận. Trong nỗi vui buồn nay đây mai đó, tôi tìm đến với nhạc Trịnh Công Sơn những lúc âm thầm, để nghe "Trong khi ta về lại nhớ ta đi. Ði lên non cao đi về biển rộng. Ðôi tay nhân gian chưa từng độ lượng. Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì...." (Một cõi đi về). Tôi bỗng gặp mình của hôm qua, hôm nay là lạ, quen quen...Có đôi khi nghe trong sương phố từng lời tình buồn xa vắng:" Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng. Ru đời đi nhé, cho ta nương nhờ lúc thở than" (Ru đời đi nhé). Chợt nhận ra mình không quá lẻ loi....
    Bạn ở Sài Gòn gửi tặng tôi cuộn băng Chìm dưới cơn mưa với đôi dòng vỏn vẹn:" Yêu nhạc Trịnh, mình đi tìm chính mình. Bởi có đôi khi mình lạc mất mình chẳng hiểu nổi mình". Thế đấy. Trong chén tình Trịnh Công Sơn mời ta, có vị men nồng ngọt ngọt, đắng ủ kín cõi đau, có tiếng sóng âm âm nôn nao lòng biển lớn và có cả lời sỏi đá thao thức tự ngàn xưa...Phải lắng đọng lắm mới cảm thấu vị đắng ngọt tình ấy.
    Lâu nay, ít ai hát nhạc Trịnh Công Sơn cho thật hay. Phải chăng còn quá hiếm hoi kẻ dám chuốc cạn chất men nồng ấy? Phải chăng cuộc đời còn thiếu kẻ tài hoa dám nấu đủ tháng ngày long đong? Mỗi lần nghe Trịnh hát tôi lại ấm lòng. Có lúc, tôi đã bật khóc vì quá đỗi yêu nhạc Trịnh hát tôi lại ấm lòng. Có lúc, tôi đã bật khóc vì quá đỗi yêu nhạc Trịnh, yêu...mình:" Trời cao đất rộng. Một mình tôi đi...một mình tôi đi. Ðời như vô tận- một mình tôi về...một mình tôi về với tôi" (Lặng lẽ nơi này). Và, trong cõi đời dâu bể này, tôi còn đi miết, đi miết dẫu hiểu rằng:" Làm sao ru được tình vơi. à ơi...nỗi đau này người!".
    Ngày phố núi có bốn mùa. Bốn mùa lặng qua như gió, như mây, như nắng, như mưa...Sau bộn bề cuộc mưu sinh, sau những vấp ngã đớn đau, tôi lại chìm vào thế giới nhạc Trịnh lại ôm đàn guitar cũ kỹ trong đêm mịt mù, líu lơi lời Trịnh: "Ðừng tuyệt vọng. Tôi ơi, đừng tuyệt vọng. Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng..." (Tôi ơi đừng tuyệt vọng) những cung bậc man mác, những lời buồn thánh ru hồn lặng xanh như cỏ, như cây ven sông đời theo thiết chảy! Vâng, ru đời đi nhe...

    ------------------------------------
    Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em.
  5. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau

    Thuy_Dung.JPG (15912 bytes)          Âm thanh từ chiếc tivi trong góc phòng phát ra giai điệu quen thuộc, khiến tôi phải chăm chú quan sát màn hình. Ca sĩ Thuỳ Dung ngồi đó, chị thật trang trọng trong áo dài trắng muốt, hợp âm rời của tiếng dương cầm và giọng ca cất lên đã đưa tôi về lại khung trời Huế của 30 năm trước.
    "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thủa mắt xanh xao...". Dạo đó, đầu thập niên 70, bọn chúng tôi, những lúc rỗi rảnh không gì thú hơn là ngồi co ro trong cái rét gai gai, mưa dầm rỉ rả ở góc quán ca phê mà nhấm nháp những giai điệu mượt mà của nhạc Trịnh. Bạn bè có đứa bảo rằng đó là những tình ca tuyệt vời, nhưng riêng tôi thì nhạc Trịnh có cái gì mơ màng lãng đãng, để cảm nhận hơn là để hiểu. Không nói mà chỉ phơi bày; ta thấy, ta biết và ta chấp nhận quy luật vạn vật như đông tàn rồi xuân đến, hết hợp rồi sẽ tan. Âm nhạc của Trịnh qua giọng ca Khánh Ly như dòng sông lững thững trôi, ngày qua ngày, bên bờ thế sự thăng trầm.Vô ngôn như Thiền.
    Dạo gần đây, được nghe nhạc Trịnh qua những ca sĩ hôm nay, cũng vẫn Diễm xưa, Rừng thu đã khép, Lời buồn thánh... trong tôi cảm nhận có gì khang khác. Không giải thích được. Và khi Thuỳ Dung cất cao: "Chiều nay còn mưa sao em không lại... nhớ mãi trong cơn mê này... làm sao có nhau... hằn lên nỗi đau...", tôi đã: "ngộ" ra rằng: cũng vẫn những âm giai, ca từ ấy, hơn 30 năm về trước, nay nghe như vẫn còn đó những điều trăn trở, nó thôi thúc, nó dồn nén, nó không êm ả, nó đan xen nhiều dấu hỏi, hỏi người hỏi mình, hỏi cho ra ngọn ngành sự vật. Chủ động dấn thân.
    Tôi không phải là nhà phê bình, lại càng không dám so sánh vì suy cho cùng, mọi so sánh đều là khập khiểng, chỉ xin được cám ơn giọng ca Thuỳ Dung đã cho tôi, 30 năm sau, một cảm nhận khác nữa về nhạc Trịnh.
    2 bài viết trên , lấy từ báo Thanh Niên.
    Có thể các bạn cho tôi là dở hơi, khi lập nên cái topic này.Nhưng mà tui thấy, gần đây chất luợng box, có quá ít bài viết chất. Thế nên tui lập topic này, mong mọi người huởng ứng. Và post bài, những dòng suy nghĩ, cảm nhận của các bạn về ca khúc mà mình thích của Trịnh.Xin cảm ơn.
    ------------------------------------
    Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em.
  6. tigerlily

    tigerlily Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    22/03/2002
    Bài viết:
    3.048
    Đã được thích:
    2
    1. Cảm ơn home vì bài viết đầu tiên rất giàu cảm xúc. Mong sẽ được đọc nhiều hơn nữa những bài viết như thế CỦA EM.
    2. Hoan nghênh ý tưởng của home về một topic tuy không mới mẻ nhưng mang tính nghiêm túc như thế này. Mong mọi người sẽ hưởng ứng nhiệt tình.
    3. Những trăn trở của home đối với tình trạng hiện nay của box mình thật là đáng quí, trùng với những suy nghĩ của các mods và nhiều thành viên trong box.
    4. Thiết nghĩ bài của ai thì người nấy đăng, không nên lấy bài viết đã lâu của người khác đắp đập và topic của mình. VD ở đây, bài viết của netinventor rất hay, và đã chìm ở dưới lâu rồi, nhưng home đã hỏi ý kiến của netinventor khi sử dụng bài của anh ấy chưa? Hy vọng là lần này sẽ không có vấn đề gì.
    Hơn nữa, nhặt nhạnh lại những tàn tích của một thời không phải là giải pháp. Hãy làm một điều gì đó thật mới. Em đã làm được một việc rồi đó: viết được một số bài giàu cảm xúc cá nhân, rất đáng lưu tâm. Hay như winterm và dong533, viết những dòng văn có sức rung động lòng người... lys tin rằng với những hoạt động thiết thực như thế, box mình sẽ dần lấy lại được phong độ và đi lên.
    Lời cuối: Chúc cho topic này nói riêng và box Nhạc TRỊNH của chúng ta nói chung ngày càng có nhiều bài viết nghiêm túc, mang tính trí tuệ, và luôn là nơi chia sẻ suy nghĩ, tình cảm của mọi người.
    All the rivers run into the sea; yet the sea is not full: unto the place from whence the rivers come, thither they return again. (ECCLESIASTES)

    lys

Chia sẻ trang này