1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cảm nhận của bạn về Thơ Mới

Chủ đề trong 'Thi ca' bởi ltv_dhl, 07/11/2007.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. M0on1989

    M0on1989 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2007
    Bài viết:
    217
    Đã được thích:
    0
    Và khi nhắc đến các đại diện của Thơ Mới , ta cũng không thể không nhắc đến Lưu Trọng Lư và "Tiếng thu"
    Tiếng thu
    Em không nghe mùa thu
    Dưới trăng mờ thổn thức?
    Em không nghe rạo rực
    Hình ảnh kẻ chinh phu
    Trong lòng người cô phụ ?
    Em không nghe rừng thu,
    Lá thu kêu xào xạc,
    Con nai vàng ngơ ngác
    Đạp trên lá vàng khô ?
  2. M0on1989

    M0on1989 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2007
    Bài viết:
    217
    Đã được thích:
    0
    Nắng mới
    Tặng hương hồn thầy me
    Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
    Xao xác gà trưa gáy não nùng,
    Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
    Chập chờn sống lại những ngày không.
    Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời
    Lúc người còn sống tôi lên mười;
    Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
    Áo đỏ người đưa trước dậu phơi.
    Hình dáng me tôi chửa xóa mờ
    Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
    Nét cười đen nhánh sau tay áo
    Trong ánh trưa hè trước dậu thưa.
  3. M0on1989

    M0on1989 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2007
    Bài viết:
    217
    Đã được thích:
    0
    Hôm nay em tần mần đi ngồi kiếm mấy bài viết về Thơ Mới đọc cho vui củă vui nhà nè .
    [sửa] Lịch sử
    Việc chủ nghĩa tư bản thâm nhập vào Việt Nam và sau Thế chiến thứ nhất, cùng với việc người Pháp đẩy mạnh phong trào khai phá thuộc địa đã vô tình đẩy nhanh làn gió của văn hóa phương Tây vào Việt Nam.
    Giới trí thức trẻ nhanh chóng tiếp thu văn hóa Pháp và nhận ra vần luật, niêm luật của Nho gia đã quá gò bó trong việc thể hiện tiếng thơ của con người. Năm 1917 trên báo Nam Phong (số 5), Phạm Quỳnh, nổi tiếng là người bảo thủ, cũng phải thú nhận sự gò bó của các luật thơ cũ:
    "Người ta nói tiếng thơ là tiếng kêu của con tim. Người Tàu định luật nghiêm cho người làm thơ thực là muốn chữa lại, sửa lại tiếng kêu ấy cho nó hay hơn nhưng cũng nhân đó mà làm mất đi cái giọng tự nhiên vậy."
    Sau đó, Phan Khôi cũng viết nhiều bài báo chỉ trích những trói buộc của thơ văn cũ và đòi hỏi cởi trói cho sáng tác thơ ca.
    Trong khoảng 1924-1925, cuốn tiều thuyết của Hoàng Ngọc Phách kể về mối tình Đạm Thủy-Tố Tâm đã gây sóng gió trong giới học sinh và thanh niên thành thị, dù tình yêu ấy chưa vượt qua được rào cản của đại gia đình phong kiến. Tiếp theo đó, năm 1928, Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã phá vỡ vần điệu niêm luật, số câu, số chữ của "thơ cũ" khi dịch bài La cigale et la fourmi (Con ve và con kiến) của La Fontaine sang tiếng Việt. Năm 1929, Trịnh Đình Rư tiếp tục viết trên báo Phụ nữ tân văn (số 26):
    "Cái nghề thơ Đường luật khó đến như thế, khó cho đến đỗi kẻ muốn làm thơ, mỗi khi có nhiều tư tưởng mới lạ muốn phát ra lời, song vì khó tìm chữ đối, khó chọn vần gieo, nên ý tưởng dầu hay cũng đành bỏ bớt. Cái phạm vi của thơ Đường luật thật là hẹp hòi, cái qui củ của thơ Đường luật thật là tẩn mẩn. Ta nếu còn ưa chuộng mà theo lối thơ này mãi, thì nghề thơ văn của ta chắc không có bao giờ mong phát đạt được vậy."[1]
    Ngày 10 tháng 3 năm 1932, bài thơ Tình già của Phan Khôi ra mắt bạn đọc trên báo Phụ nữ tân văn số 122 cùng với bài giới thiệu mang tên Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ đã có tiếng vang mạnh mẽ, được xem là bài thơ mở đầu cho phong trào Thơ mới. Ngay sau đó, cuộc tranh luận giữa lối thơ mới và thơ cũ diễn ra vô cùng gay gắt. Mãi đến năm 1941, cuộc tranh chấp mới chấm dứt do sự thắng thế của lối thơ mới, khép lại mấy trăm năm thống lĩnh của thơ Đường. Một thời kỳ vàng son mới của văn học Việt Nam đã diễn ra với tên gọi quen thuộc là phong trào Thơ mới.
    [sửa] Khuynh hướng chung
    Khuynh hướng chung của thời kỳ Thơ mới những năm 1930-1945 là khuynh hướng lãng mạn, là lý tưởng thẩm mỹ cái "tôi" của tác giả, thẩm mỹ hóa cái cuộc sống rối ren, tơi bời của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến và là tâm trạng buồn sầu, ưu uất, lạc lõng giữa vòng đời.
    Tính khuynh hướng của nghệ thuật lãng mạn rất đa dạng, có khi lãng mạn, mộng mơ, ai ca, thần bí, anh hùng, triết học, cũng có khi lãng mạn anh hùng, lãng mạn công dân hay lãng mạn xã hội,... Nhưng nét bao trùm chủ nghĩa lãng mạn là mộng mơ. Các nhà thơ muốn thoát khỏi những điều kiện ngột ngạt của xã hội bảo hộ thời thơ mới bằng cách tưởng tượng, trốn vào trong cái thế giới vô cùng lý tưởng ấy. Đối với chủ nghĩa lãng mạn, chỉ có cái gì khác thường, khác người, khác đời, và sự đối lập giữa mộng và thực là đáng kể. Trong hoàn cảnh mất nước, sống giữa cái xã hội hủ lậu, ngột ngạt ấy thì sự đối lập là dễ hiểu.
    Trong văn học thời kỳ này, thơ cũng như văn xuôi, cá nhân tự khẳng định, tự biểu hiện ra niềm vui, mơ ước, khát vọng. Cảm hứng sáng tác gắn liền với ý thức cá nhân; thơ mới là thơ của cái "tôi", một cái "tôi" chưa bao giờ được biết đến trong thơ cổ điển. Cái "tôi" bấy giờ không làm việc "tải đạo" nữa mà vượt lên những công thức ước lệ, khuôn khổ định
    Buồn, cô đơn là tâm trạng của một cá thể thi nhân nhưng lại là nét chung của các nhà thơ trong trường phái này. Đây không phải là một hiện tượng lạ mà do những nguyên nhân khách quan chung. Họ không biết phải làm gì, phải đi theo hướng nào giữa cái xã hội tan tác ấy. Họ cũng không chấp nhận được cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt như mọi người xung quanh. Do đó, họ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ giữa xã hội.
    Trong thơ mới có nhiều rạo rực, âu lo, có nhiều khát vọng một cách vội vã, căng thẳng, chính cái mới này đã quyết định sự ra đời của thơ mới.
    [sửa] Những tác phẩm đầu tiên
    Những tác phẩm ra đời đầu tiên được chính nhóm Tự lực văn đoàn chê là "đọc lên nó lủng củng, trục trặc, lại có vẻ ngơ ngẩn" và giáo sư Hoàng Như Mai cho rằng "bây giờ không ai kể nó ra nữa, không phải vì bội bạc mà vì nó dở"[2]
    Một đoạn trong bài "Tình già" của Phan Khôi viết:
    ...Ôi đôi ta tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng.
    Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau...
    Một đoạn trong bài "Trên đường đời" của Lưu Trọng Lư viết:
    Lần bước tiếng gieo thầm, bóng ai kia lủi thủi.
    Lẳng lặng với sương đeo im lìm cùng gió thổi
    Không tiếng không tăm không thưa không hỏi...
    Một đoạn trong bài "Hai cô thiếu nữ" của Nguyễn Thị Manh Manh:
    Hai cô thiếu nữ đi ra đồng
    (Một cô ở chợ, một cô ở đồng)
    Hai cô thiếu nữ đi ra đồng
    Một mảnh lụa hồng, một vóc vải đen
    Hai cô rủ nhau đi xuống đầm
    (Cô đi chân không, cô đi dép đầm)
    Hai cô rủ nhau đi xuống đầm
    Bóng lụa hồng tách bóng vải thâm...
    [sửa] Tác giả, tác phẩm tiêu biểu
    Thế Lữ: Nhớ rừng, Cây đàn muôn điệu...
    Xuân Diệu: Nguyệt cầm, Lời kỹ nữ...
    Huy Cận: Ngậm ngùi, Tràng giang...
    Lưu Trọng Lư: Tiếng thu...
    Hàn Mặc Tử: Đây thôn Vĩ Dạ...
    Chế Lan Viên: Thu...
    Phạm Huy Thông: Tiếng địch sông Ô...
    Vũ Đình Liên: Ông đồ...
    Nguyễn Nhược Pháp: Chùa Hương...
    Tế Hanh: Quê hương...
    Nguyễn Bính: Mưa xuân...
    Đoàn Phú Tứ: Màu thời gian...
    Thâm Tâm: Tống biệt hành...
    Vũ Hoàng Chương: Say đi em...
    T.T.Kh: Hai sắc hoa Tigôn...
  4. M0on1989

    M0on1989 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2007
    Bài viết:
    217
    Đã được thích:
    0
    Thẩm bình tác phẩm của Xuân Diệu
    Chu Văn Sơn
    Thơ duyên
    Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên,
    Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
    Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
    Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.
    Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu,
    Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
    Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
    Lần đầu rung động nỗi thương yêu.
    Em bước điềm nhiên không vướng chân,
    Anh đi lững đững chẳng theo gần,
    Vô tâm - nhưng giữa bài thơ dịu,
    Anh với em như một cặp vần.
    Mây biếc về đâu bay gấp gấp,
    Con cò trên ruộng cánh phân vân.
    Chim nghe trời rộng dang thêm cánh,
    Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.
    Ai hay tuy lặng bước thu êm,
    Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm,
    Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,
    Lòng anh thôi đã cưới lòng em.
    (Rút từ tập Tuyển tập thơ Xuân Diệu, T.1, NXB Văn học, 1983 )
    1. Bén duyên với Thơ duyên
    Nếu Thơ Duyên là một bài thơ rất Xuân Diệu, thì xem ra những lời bình mà tác giả Thi nhân Việt Nam dành cho thi phẩm này cũng rất Hoài Thanh [1] . Cơ chừng chỉ nhờ những ấn tượng mà ngòi bút bình thơ tài hoa tinh tế kia lẩy ra, nhiều người mới tìm đọc toàn bài. Còn trước đó ít ai ngó ngàng đến cả thi phẩm. Cho đến khi giành được một chỗ xứng đáng trong sách giáo khoa phổ thông trung học, người ta mới thấy Thơ duyên được giới phê bình si mê hơn. Thơ Duyên vậy là bén duyên với Hoài Thanh mà vẫn luôn mặn duyên với giới phê bình!
    Như cái tên của nó, Thơ duyên có một bình diện nội dung rất dễ thấy là sự xúc động trước cuộc giao duyên huyền diệu của cả thế gian này, mà nhìn kĩ chính là sự hoà quyện của ba mối tơ duyên chính: thiên nhiên với thiên nhiên, con người với thiên nhiên và con người với con người. Cảm hứng giãi bày đó đã thu hút mối quan tâm của hầu hết những ngòi bút phê bình kia. Thế cũng dễ hiểu. Cảm hứng này đã khiến bài thơ hiện ra như một thể sống động tràn ngập cảm xúc. Ở đó, những biến thái mơ hồ nhất của thiên nhiên và của con người đều được thể hiện bằng ngòi bút thật tinh tế. Ở mạch cảm hứng đó quả là thấy rất rõ một nét đặc trưng của hồn thơ Xuân Diệu, ấy là "sự bồng bột của Xuân Diệu được phát biểu ra đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi" [2] . Nhưng chính vẻ đẹp có phần phô ra này đã làm khuất chìm đi một bình diện nội dung khác, cũng hết sức quan trọng, thậm chí chính nó mới làm nên cái duyên thầm của Thơ duyên: nội dung cắt nghĩa. Lớp nội dung này không phải hoàn toàn chưa được biết đến. Nhưng nó đòi hỏi phải được quan tâm chu đáo hơn, tận tình hơn. Bởi phần lớn bí mật của thi phẩm này hãy còn nằm im ở đó.
    Bạn đừng vội vàng lắc đầu rằng: sự rung động hồn nhiên của tâm hồn mới là phần căn bản của thơ, còn lí giải, cắt nghĩa chỉ là thứ yếu, vì rằng "lí" chỉ là sở đoản của thơ. Điều bạn vừa nghĩ chắc bạn đinh ninh là một thứ hiển nhiên? Không hẳn đâu. Nếu cứ tuyệt đối hoá thì vô tình bạn đã phạm phải sai lầm: vừa làm nghèo tiếng nói vốn phong phú của thơ, vừa làm nghèo cả chính Xuân Diệu. Cắt nghĩa mọi thứ, nhất là tình yêu, có thể nói, là ham muốn lớn suốt cả đời Xuân Diệu. Dẫu có lúc thi sĩ than: "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu", nhưng ta cũng đừng vội tin rằng đó là lời thú nhận về sự bất lực. Đơn giản vì, ngay sau lời than vẩn vơ đó thi sĩ đã cắt nghĩa luôn rồi đấy thôi [3] . Không chỉ thế, mà ông còn theo đuổi việc cắt nghĩa tình yêu hết cả một đời. Cho nên, cứ nhìn kĩ mà xem, chẳng phải ý hướng cắt nghĩa, lập lí đã đi vào hình thức tổ chức của mọi bài thơ Xuân Diệu đó sao? Bên dưới mạch xúc cảm sôi nổi, bồng bột ta vẫn thường gặp một mạch luận lí ở mức nào đó, mà đôi khi là cả... lí sự nữa! Tóm lại, những dài dòng này, chỉ nhằm để khẳng định rằng: Thơ duyên còn là một vỡ lẽ, một khám phá về tơ duyên đã được nảy nở thế nào giữa hai cá thể vốn xa lạ trên cõi sống này.
    2. Cảm quan nghệ thuật Xuân Diệu
    Ý tưởng cắt nghĩa của Thơ duyên có lẽ đã khởi nguồn từ một cội rễ sâu xa hơn: cảm quan nghệ thuật của Xuân Diệu. Có thể hiểu cảm quan như là lối cảm nhận riêng trong đó chứa đựng quan niệm và cách cắt nghĩa riêng về thế giới của người nghệ sĩ. Trong những trường hợp thật điển hình, cảm quan ấy thường đọng lại trong những hình mẫu tổng quát nào đó. Nó khiến cho cảnh quan thế giới đi vào tâm hồn người nghệ sĩ được khúc xạ qua hình mẫu ấy, được qui chiếu vào hình mẫu ấy. Do đó khi hiện hình trong sáng tạo, thế giới xung quanh sẽ hiện ra như những biến thể, những hoá thân, phân thân khác nhau của cái hình mẫu ấy. Dĩ nhiên phải là những biến thể cực kì sống động. Đọc Xuân Diệu, thì thấy thế giới dường như được qui chiếu về hai hình mẫu tổng quát: Mảnh vườn tình ái và Sa mạc vô liêu [4] . Hình ảnh tạo vật thiên nhiên hết sức đa dạng và sống động trong thơ ông chỉ là những hoá thân, những biến thể khác nhau của hai hình ảnh ấy mà thôi. Thực ra, chúng chỉ là hai phía đối lập biện chứng của cùng một cảm quan nghệ thuật Xuân Diệu. Bởi vì, hai hình ảnh tổng quát này vừa tương sinh lại vừa tương khắc - chúng tương phản nhau nhưng lại chuyển hoá sang nhau. ở phía này, thế giới hiện ra như một mảnh vườn tình ái, trong đó vạn vật đang rạo rực đắm say, đang giao duyên tình tự với nhau - Tình thổi gió màu yêu lên phấp phới; bao trùm lên là một bầu sinh khí ngập tràn ánh sáng và hơi ấm. ở phía kia, thế giới lại hiện ra trong diện mạo một hoang mạc vô liêu, tất cả cứ như một cõi hoang vắng, sinh khí suy biến tiêu tán - và cảnh đời là sa mạc vô liêu; tạo vật thành lẻ loi, trống trải, lạnh lẽo, âm u, âu sầu. Nếu mảnh vườn tình ái là thiên nhiên gợi tình, thì hoang mạc vô liêu là thiên nhiên gợi buồn. Một đằng đánh thức dậy trong con người khát khao luyến ái yêu đương, một đằng lại đánh thức nỗi cô đơn cố hữu trong từng cá thể. Dù gợi tình hay gợi buồn, thế giới xung quanh đều dẫn lối cho con người đến một cái đích duy nhất thôi: tình yêu! Bởi chỉ đến với tình yêu con người mới được thoả những khát khao tình ái, cũng chỉ đến với tình yêu mỗi cá thể mới vượt thoát được nỗi cô đơn. Có thể nói, trong thiên nhiên tạo vật của Xuân Diệu luôn giăng mắc hai sợi tơ như thế và sẵn sàng xe duyên cho mọi lứa đôi. Tơ duyên nảy sinh giữa những cá thể vốn xa lạ nhau chính là ý muốn của một thế giới như vậy. Một ý muốn không ai có thể cưỡng được. Không phải tơ duyên hình thành từ kiếp trước một cách siêu hình theo quan niệm nhà Phật. Mà chính tạo vật thiên nhiên quanh chúng ta đây đã xe duyên cho con người. Đó là một quan niệm rất trần thế của Xuân Diệu.
    Hoàn toàn có thể coi, Thơ duyên là sự thu nhỏ của Thế giới Xuân Diệu vào khuôn khổ một thi phẩm.
    3. Thơ duyên, tình và tứ
    Nếu như tứ được hiểu như là sự hoá thân của ý vào toàn thể thi phẩm mà trước hết là vào hình tượng bao trùm, thì cái ý cắt nghĩa này đã chi phối hoàn toàn cấu tứ của Thơ duyên.
    Theo tôi, trong một tứ thơ điều quan trọng nhất không hẳn là ý, không hẳn là hình, cũng không hẳn là hình chứa đựng ý. Mà là cái quá trình ý hoá thân vào hình, tức là một sự chuyển hoá. Sự chuyển hoá này khiến cho thi phẩm là cấu trúc động, trong đó, theo mạch tuyến tính của lời thơ, tình ý vừa hiện hình vừa chuyển hoá vào hình tượng thơ một cách hợp lí và trọn vẹn.
    Hãy nhìn vào mạch cấu tứ. Đầu tiên là xuyên qua bố cục của nó. Cảm hứng cắt nghĩa dường như đã chọn cho thi phẩm này một bố cục phù hợp, với hai phần khá rõ rệt. Phần đầu, ba khổ; phần sau, hai khổ. Mỗi phần đều có một trình tự gần giống nhau: bắt đầu là một bức tranh thiên nhiên, sau đấy là sự chuyển biến thầm kín bên trong nhân vật trữ tình. Mỗi phần ngầm lí giải về một lí do hình thành tơ duyên của con người. Hai phần nội dung này nối liền nhau vừa theo bước đi của thời gian, vừa theo bước chuyển trong tâm tình của nhân vật. Nhân vật trong vai chủ thể ở đây là một nam nhân trong cái thời khắc thật nhạy cảm: một cậu bé đang thành một chàng trai. Chủ thể vừa đón nhận tinh tế những âm vọng từ thiên nhiên, vừa lắng nghe những biến thái tinh vi mơ hồ nhất của hồn mình - chủ yếu là những biến thái tế vi trong cảm xúc luyến ái. Nghĩa là, vừa cảm nhận bằng dòng mĩ cảm về cái duyên ẩn hiện trong thiên nhiên, vừa cắt nghĩa bằng mạch lí giải về mối duyên càng lúc càng tượng hình rõ nét trong con người.
    Cùng với bố cục, ta có thể thấy hai hệ thống hình tượng (cảnh và người) cứ từng bước chuyển hoá. Chẳng phải ở trung tâm của bài thơ là một đôi thiếu niên đi từ chiều mộng đến chiều thưa hay sao? Cảnh chuyển làn từ "mảnh vườn tình ái" thành "hoang mạc vô liêu", và trên con đường ấy, thoạt tiên con người còn là những kẻ vô tâm, thế rồi thiên nhiên cứ biến họ dần thành kẻ hữu tình. Theo sự chuyển hoá đó, các nội dung cắt nghĩa (ý) cũng thâm nhập xe quyện vào từng phần của mạch thơ. Theo bước chân của họ, mà cũng là theo nhịp thời gian, cứ từng bước, trong lòng mỗi cá thể kia, luyến ái nảy sinh, tơ duyên nảy nở, gắn kết họ thành đôi lứa. Nghĩa là thế giới xung quanh cứ đồng lòng xe duyên cho họ. Mạch vận động như thế chẳng phải chính là trình tự cấu tứ của Thơ duyên hay sao?
  5. M0on1989

    M0on1989 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2007
    Bài viết:
    217
    Đã được thích:
    0
    (Tiếp)
    4. Bén duyên tất sẽ "cưới lòng"
    Hãy đi vào từng phần của thi phẩm.
    Bắt đầu bằng một buổi chiều - một buổi chiều rất Xuân Diệu:
    Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên
    Cây me ríu rít cặp chim chuyền
    Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
    Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền
    Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
    Lả lả cành hoang nắng trở chiều
    Thuộc về hai khổ thơ, nhưng sáu câu thơ liền mạch này đã dựng lên một bức tranh thiên nhiên quyến rũ. Và nhìn kĩ mà xem, đó chẳng phải là một mảnh vườn tình ái hay sao?
    Thế giới Xuân Diệu là thế giới của chữ Tình. Cho nên vườn tình ái là gương mặt tập trung nhất, sống động nhất của thế giới ấy. Trong mảnh vườn kia, vạn vật đang dậy men tình ái, tất cả đều khát khao ân ái. Tạo vật ở đó tất phải được phân lập thành những cặp đôi. Mà đáng nói hơn là quan hệ giữa những cặp đôi kia phải là quan hệ luyến ái. Có như thế mới thành thơ yêu. (Xin mở ngoặc đơn : cần phải nói thật rõ điều này vì rằng phân lập thành những cặp đôi chưa phải là quyết định. Thơ của nhiều người khác cũng có phân lập kiểu ấy. Nói ngay trong thơ Hồ Chí Minh, những "Núi ấp ôm mây mây ấp núi", "Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây", "Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn" , v.v... chẳng phải cũng là cặp đôi đó sao? Song, nhìn kĩ thì các cặp đôi ở thơ Bác nghiêng về quan hệ bạn bầu, bằng hữu. Nên đó không thuộc phạm trù thơ tình). Thiên nhiên thật khéo đặt bày! Là vườn tình ái nên phải đủ cả địa chỉ dành cho loài vật và con người. Điểm nhìn trong thi phẩm cứ dịch chuyển dần từ địa chỉ này sang địa chỉ khác. Bắt đầu, tất phải từ những gì thiên nhiên nhất. Cho nên bốn câu đầu nghiêng về cảnh trí dành cho cuộc giao duyên của loài vật, mà tâm điểm là cây me đương lúc thu về. Câu thơ đầu, từng chữ một sáng nghĩa nhưng kết vào thành chuỗi thì như bị tối, bị nhoè. Tất cả trở nên mơ hồ. Nghĩa câu thơ chỉ tỏ dần khi ta đọc câu tiếp: Cây me ríu rít cặp chim chuyền. Thì ra đây là duyên cớ. Vì có cặp uyên ương đang tình tự mà câu chữ trở nên đắm đuối. Nhánh cây nơi đôi chim chọn không còn là nhánh vô tình, vô tri. Nó biến thành điểm hẹn tình yêu, thành địa chỉ luyến ái. Liên tưởng thơ bèn biến nó thành nhánh duyên - nơi giao duyên và cũng thật duyên dáng. Lời tình tự ríu rít kia cũng đâu còn là những tiếng kêu vô nghĩa! Nó đã là tiếng lòng của đôi lứa. Nó là lời tình tự. Nó thành cuộc hoà thơ. Và như thế chẳng đủ cho một chiều thực thành chiều mộng sao? Chiều thơ mộng hay chiều trong cõi mộng thì cũng thế thôi. Rõ ràng câu thơ được viết bằng một ngữ pháp rất Xuân Diệu. Đúng như cảm nhận của Hoài Thanh, ngay từ câu thơ đầu này, Xuân Diệu đã sẵn sàng làm "mất đi một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng" - tức là thủ pháp mơ hồ hoá.
    Dầu sao, cây me, mới chỉ là địa chỉ dành cho cuộc hẹn hò tình tự của loài vật. Đối diện với cảnh tình tứ ở đấy lòng người có xao động nhưng chưa phải là những xao động thật mãnh liệt. Cái nhìn của nhân vật trữ tình di chuyển từ cây me sang con đường. Đây mới là địa chỉ dành cho hò hẹn của con người:
    Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
    Lả lả cành hoang nắng trở chiều
    Một con đường xinh xắn duyên dáng với những đường nét tình tứ. Tất cả đều đang ở trạng thái say men luyến ái. Các động thái ở đây đều là những biến thái tinh vi của cảm xúc luyến ái. Con đường với gió thành một cặp. Cành hoang và nắng lại thành một cặp khác. Con đường đang làm cho mình thon thả, đang làm duyên để sánh cùng với gió. Gió thì xiêu xiêu như cái dáng của chàng Kim trong buổi tự tình với Thuý Kiều - "Sóng tình dường đã xiêu xiêu / Xem trong âu yếm có chiều lả lơi". Cành hoang như lả mình vào nắng, trong khi nắng ý tứ né mình gượng tránh, chưa muốn đón nhận một cử chỉ lả lơi, mà thi sĩ diễn tả bằng cái điệu đến là yêu kiều "nắng trở chiều". Điệu ấy vừa tả sắc nắng mang trong nó cái bóng di chuyển của thời gian, vừa thể hiện được cái tình tứ mà đoan trang của nắng. Tất cả cứ quấn quýt quyến luyến nhau khiến cho con đường hiện ra đúng là con đường để ngỏ, mời mọc những bước chân đôi lứa. Đối diện với cảnh tượng đầy những khiêu gợi luyến ái ấy, ai có thể cầm lòng được đây?
    Lạc vào vương quốc của yêu đương, chàng thiếu niên nhận ra một biến đổi thật kì diệu vừa diễn ra trong lòng, và ý tưởng cắt nghĩa loé lên những vỡ lẽ đầu tiên:
    Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
    Lần đầu rung động nỗi thương yêu
    Có một ranh giới thật mơ hồ mà cũng thật rõ rệt giăng qua hai chữ buổi ấy và lần đầu đánh dấu một đột biến trong tâm hồn. Khi những luyến ái đầu đời thức dậy, nó lập tức biến một cậu bé thành một chàng trai. Cùng với nó ta thấy một cuộc "đảo chính" trong lối xưng hô. Kiểu xưng hô của cậu bé bị phế truất, thì kiểu xưng hô đĩnh đạc của một tình nhân cũng bắt đầu tiếm quyền: Ta - Bạn thành Anh - Em. Giọng cắt nghĩa nổi trội lên:
    Em bước điềm nhiên không vướng chân
    Anh đi lững đững chẳng theo gần.
    Vô tâm - nhưng giữa bài thơ dịu
    Anh với em như một cặp vần
    Từ vô tâm đã hoá thành hữu ý. Vào mảnh vườn tình ái ấy, làm sao còn có thể vô tâm. Trước đó chỉ một chút thôi, em còn điềm nhiên, nghĩa là em dửng dưng, chẳng bận lòng. Anh cũng còn lững đững, thả những bước lững thững với thái độ hờ hững. Nào ai đã để ý đến ai đâu! Nhưng chúng ta đã vào trong chiều mộng, đang đi giữa một cuộc hoà thơ, một bài thơ. (Ở một bài khác Xuân Diệu cũng viết về thiên nhiên xung quanh trong ẩn dụ lớn là bài thơ thế này: Chúng tôi ngồi giữa một bài thơ / Mộy bài thơ mênh mông như vũ trụ). Trong bài thơ ấy, nghĩa là trong cuộc hoà thơ của sự sống ấy, anh với em như một cặp vần. Đây là một sáng tạo tinh tế mà láu lỉnh của Xuân Diệu. Suốt từ dân gian qua trung đại đến hiện đại, những cặp biểu tượng về đôi lứa được tạo ra không kể xiết. Nhưng cặp vần? Có lẽ đây là lần đầu tiên. Đang ở trong một cuộc hoà thơ, một bài thơ, thì còn gì hợp hơn, thi vị hơn khi ví anh với em như một cặp vần. Nó nói được cái ý không thể tách lìa và cũng không thể tách nhau. Vần chỉ là vần khi đi thành cặp đôi thôi. Vậy là trời đất đã hoàn thành việc xe duyên, tơ duyên đã buộc hai kẻ vô tâm vào một cặp vần.
    Ấy mới là lí do thứ nhất.
    Chưa hết, sự cắt nghĩa của Xuân Diệu còn triệt để hơn. Phần sau còn là một lí do nữa, hợp thành sự hoàn hảo mà đất trời muốn xe kết cho lứa đôi. Cũng thiên nhiên, nhưng ở đây cảnh lại hoàn toàn tương phản. Trên kia thiên nhiên là Mảnh vườn tình ái, thì đây là hoang mạc vô liêu. Trong thiên - nhiên - gợi - tình, đầy một niềm rạo rực đắm say. Ở thiên - nhiên - gợi - buồn, lại đầy một nỗi đìu hiu quạnh vắng. Gợi tình thì đôi chim ríu rít, gợi buồn lại chỉ có một con cò. Thiên nhiên của những cặp đôi đã nhường chỗ cho thiên nhiên của li tán chia rời:
    Mây biếc về đâu bay gấp gấp
    Con cò trên ruộng cánh phân vân
    Chim nghe trời rộng dang thêm cánh
    Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.
    Vì bài thơ được viết theo dòng thời gian tự nhiên từ chiều mộng đến chiều thưa tương ứng với các cảnh như thế mà chúng ta dễ quên đi sự phân lập có chủ ý giữa hai cảnh sắc là mảnh vườn tình ái và hoang mạc vô liêu. Nhưng nhìn kĩ sẽ thấy rất rõ sự thay thế của hai thiên nhiên ấy. Tất cả giờ đây đều trống trải, lạnh lẽo, lẻ loi... buồn. Khổ thơ đầy phấp phỏng! Nó gợi ta nhớ đến câu thơ: Tôi là con nai bị chiều đánh lưới / Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối (Khi chiều buông lưới). Cả con nai ấy, cả con cò này đều chỉ là hai biến thể khác nhau của cùng một Cái Tôi cô đơn Xuân Diệu mà thôi. Trống trải, người ta cần nương tựa; lạnh lẽo, người ta cần hơi ấm; lẻ loi người ta cần có đôi. Tất cả chỉ là những biểu hiện của trạng thái cô đơn cố hữu. Làm sao có thể vượt thoát được nỗi cô đơn bất hạnh này? Tất cả những nhu cầu ấy chỉ được đáp ứng một khi con người đi đến tình yêu. Chẳng phải đây là lí do thứ hai ư? Tơ duyên cần phải hình thành bởi đó là phương cách duy nhất để con người vượt thoát nỗi cô đơn.
    Đến đây, Xuân Diệu đã có thể kết luận chung cho toàn bộ sự cắt nghĩa của mình, để khép lại toàn bài:
    Ai hay tuy lặng bước thu êm
    Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm
    Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
    Lòng anh thôi đã cưới lòng em.
    Khi nhu cầu cắt nghĩa nổi trội thì lối diễn đạt luận lí lôgíc cũng giành lấy chủ quyền. Bốn câu thơ kia hoàn toàn có thể khôi phục lại thành một câu văn xuôi nhiều mệnh đề, thể hiện một kết luận như đinh đóng cột: Ai có ngờ đâu chiều thu diễn ra bình lặng thế, ngỡ không có một biến cố gì lớn lao khuấy động, tuy chẳng có người thứ ba là mai mối, chỉ cần trông thấy chiều hôm như thế, thì lòng anh đã gắn kết với lòng em rồi. Chữ thôi đã nói cái thế không thể cưỡng lại, không thể còn đảo ngược, một sự đã rồi. Còn chữ cưới lòng nói được một cuộc đính ước ngầm, một cuộc hôn nhân bí mật của hai tâm hồn. Nó diễn tả được cái trạng thái tế nhị Tình trong như đã mặt ngoài còn e của những cặp uyên ương mà Nguyễn Du từng nói hai trăm năm trước đó thôi. Vậy đấy, tất cả cứ diễn ra "như không" mà kì thực chứa đựng bao biến đổi ngấm ngầm mà kì diệu!
    Một sự cắt nghĩa rất Xuân Diệu! Vừa tinh tế vừa tinh quái!
  6. M0on1989

    M0on1989 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2007
    Bài viết:
    217
    Đã được thích:
    0
    Vội vàng
    Tặng Vũ Đình Liên
    Tôi muốn tắt nắng đi
    Cho màu đừng nhạt mất;
    Tôi muốn buộc gió lại
    Cho hương đừng bay đi.
    Của ong **** này đây tuần tháng mật;
    Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
    Này đây lá của cành tơ phơ phất;
    Của yến anh này đây khúc tình si;
    Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
    Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;
    Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
    Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
    Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
    Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
    Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
    Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
    Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
    Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
    Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
    Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
    Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
    Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
    Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi
    Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.
    Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
    Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
    Chim rộn ràng chợt tắt tiếng reo thi,
    Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
    Chẳng bao giờ, ôi ! chẳng bao giờ nữa...
    Mau đi thôi! mùa chưa ngả chiều hôm,
    Ta muốn ôm
    Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
    Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
    Ta muốn say cánh **** với tình yêu,
    Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
    Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
    Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
    Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
    - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
    (Rút từ tập Thơ Thơ, 1938)
    1. Cái động thái bộc lộ đầy đủ nhất thần thái Xuân Diệu có lẽ là vội vàng. Ngay từ hồi viết Thi nhân Việt nam, Hoài Thanh đã thấy "Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt". Cho nên, đặt cho bài thơ rất đặc trưng của mình cái tựa đề Vội vàng, hẳn đó phải là một cách tự bạch, tự hoạ của Xuân Diệu. Nó cho thấy thi sĩ rất hiểu mình.
    Thực ra, cái điệu sống vội vàng cuống quýt của Xuân Diệu bắt nguồn sâu xa từ ý thức về thời gian, về sự ngắn ngủi của kiếp người, về cái chết như là kết cục không thể tránh khỏi mai hậu. Sống là cả một hạnh phúc lớn lao kì diệu. Mà sống là phải tận hưởng và tận hiến! Đời người là ngắn ngủi, cần tranh thủ sống. Sống hết mình, sống đã đầy. Thế nên phải chớp lấy từng khoảnh khắc, phải chạy đua với thời gian. Ý thức ấy luôn giục giã, gấp gáp.
    Bài thơ này được viết ra từ cảm niệm triết học ấy.
    *
    Thông thường, yếu tố chính luận đi cùng thơ rất khó nhuần nhuyễn. Nhất là lối thơ nghiêng về cảm xúc rất "ngại" cặp kè với chính luận. Thế nhưng, nhu cầu phô bày tư tưởng, nhu cầu lập thuyết lại không thể không dùng đến chính luận. Thơ Xuân Diệu hiển nhiên thuộc loại thơ cảm xúc. Nhưng đọc kĩ sẽ thấy thơ Xuân Diệu cũng rất giàu chính luận. Nếu như cảm xúc làm nên cái nội dung hình ảnh, hình tượng sống động như mây trôi nước chảy trên bề mặt của văn bản thơ, thì dường như yếu tố chính luận lại ẩn mình, lặn xuống bề sâu, làm nên cấu tứ của thi phẩm. Cho nên mạch thơ luôn có được vẻ tự nhiên, nhuần nhị. Vội vàng cũng thế. Nó là một dòng cảm xúc dào dạt, bồng bột có lúc đã thực sự là một cơn lũ cảm xúc, cuốn theo bao nhiêu hình ảnh thi ca như gấm như thêu của cảnh sắc trần gian. Nhưng nó cũng là một bản tuyên ngôn bằng thơ, trình bày cả một quan niệm nhân sinh về lẽ sống vội vàng. Có lẽ không phải thơ đang minh hoạ cho triết học. Mà đó chính là cảm niệm triết học của một hồn thơ.
    2. Mục đích lập thuyết, dạng thức tuyên ngôn đã quyết định đến bố cục của Vội vàng. Thi phẩm khá dài, nhưng tự nó đã hình thành hai phần khá rõ rệt. Cái cột mốc ranh giới giữa hai phần đặt vào ba chữ "Ta muốn ôm". Phần trên nghiêng về luận giải cái lí do vì sao cần sống vội vàng. Phần dưới là bộc lộ trực tiếp cái hành động vội vàng ấy. Nói một cách vui vẻ: trên là lý thuyết, dưới là thực hành! Điều dễ thấy là thi sĩ có dụng ý chọn cách xưng hô cho từng phần. Trên, xưng "tôi" - lập thuyết, đối thoại với đồng loại. Dưới, xưng "ta" - đối diện với sự sống. Trình tự luận lí có xu hướng cắt xẻ bài thơ. Nhưng hơi thơ bồng bột, giọng thơ ào ạt, sôi nổi như thác cuốn đã xoá mọi cách ngăn, khiến thi phẩm vẫn luôn là một chỉnh thể sống động, tươi tắn và truyền cảm.
    *
    Mở đầu bài thơ là một khổ ngũ ngôn thể hiện một ước muốn kì lạ của thi sĩ. ấy là ước muốn quay ngược qui luật tự nhiên - một ước muốn không thể:
    Tôi muốn tắt nắng đi
    Cho màu đừng nhạt mất
    Tôi muốn buộc gió lại
    Cho hương đừng bay đi
    Muốn "tắt nắng", muốn "buộc gió" thật là những ham muốn kì dị, chỉ có ở thi sĩ. Nhưng làm sao cưỡng được qui luật, làm sao có thể vĩnh viễn hoá được những thứ vốn ngắn ngủi mong manh ấy? Cái ham muốn lạ lùng kia đã hé mở cho chúng ta một lòng yêu bồng bột vô bờ với cái thế giới thắm sắc đượm hương này.
    Thế giới này được Xuân Diệu cảm nhận theo một cách riêng. Nó bày ra như một thiên đường trên mặt đất, như một bữa tiệc lớn của trần gian. Được cảm nhận bằng cả sự tinh vi nhất của một hồn yêu đầy ham muốn, nên sự sống cũng hiện ra như một thế giới đầy xuân tình. Cái thiên đường đầy sắc hương đó hiện diện trong Vội vàng vừa như một mảnh vườn tình ái, vạn vật đang lúc lên hương, vừa như một mâm tiệc với một thực đơn quyến rũ, lại vừa như một người tình đầy khiêu gợi. Xuân Diệu cũng hưởng thụ theo một cách riêng. ấy là hưởng thụ thiên nhiên như hưởng thụ ái tình. Yêu thiên nhiên mà thực chất là tình tự với thiên nhiên.
    Hãy xem cách diễn tả vồ vập về một thiên nhiên ở thì xuân sắc, một thiên nhiên rạo rực xuân tình:
    Của ong **** này đây tuần tháng mật;
    Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
    Này đây lá của cành tơ phơ phất;
    Của yến anh này đây khúc tình si;
    Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
    Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;
    Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
    Có lẽ trước Xuân Diệu, trong thơ Việt Nam chưa có cảm giác "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần". Nó là cảm giác của ái ân tình tự. Cảm giác ấy đã làm cho người ta thấy tháng giêng mơn mởn tơ non đầy một sức sống thanh tân kia sao mà quyến rũ - tháng giêng mang trong nó sức quyến rũ không thể cưỡng được của một một người tình rạo rực, trinh nguyên.
    Hai mảng thơ đầu kế tiếp nhau đã được liên kết bằng cái lôgic luận lí ngầm của nó. Thi sĩ muốn "tắt nắng", muốn buộc gió chính vì muốn giữ mãi hương sắc cho một trần thế như thế này đây. Hương sắc là cái sinh khí của nó, là vẻ đẹp, là cái nhan sắc của nó. Tất cả chỉ rực rỡ trong độ xuân thì. Mà xuân lại vô cùng ngắn ngủi. Và thế là mảng thơ thứ ba của phần luận giải đã hình thành để nói về cái ngắn ngủi đến tàn nhẫn của xuân thì trong sự sống và cái xuân thì của con người. Phải, cái thế giới này lộng lẫy nhất, "ngon" nhất là ở độ xuân; còn con người cũng chỉ hưởng thụ được cái "ngon" kia khi còn trẻ thôi. Trong khi đó, cả hai đều vô cùng ngắn ngủi, thời gian sẽ cướp đi hết thảy. Có lẽ cũng lần đầu tiên, thơ ca Việt Nam có được cái quan niệm này:
    Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
    Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
    Con người thời trung đại lấy sinh mệnh vũ trụ để đo đếm thời gian. Nên hình như họ yên trí với quan niệm thời - gian - tuần - hoàn, với cái chu kì bốn mùa, cũng như cái chu kì ba vạn sáu nghìn ngày của kiếp người. Hết một vòng, thời gian lại quay về điểm xuất phát ban đầu. Con người hiện đại lấy sinh mệnh cá thể làm thước đo thời gian. Nên họ sống với quan niệm thời - gian - tuyến - tính. Thời gian như một dòng chảy vô thuỷ vô chung mà mỗi một khoảnh khắc qua đi là mất đi vĩnh viễn. Cho nên Xuân Diệu đã nồng nhiệt phủ định:
    Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
    Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại !
    Không chỉ dùng sinh mệnh cá thể, Xuân Diệu còn đo đếm thời gian bằng cái quãng ngắn ngủi nhất của sinh mệnh cá thể: tuổi trẻ. Tuổi trẻ đã một đi không trở lại thì làm chi có sự tuần hoàn.
    Trong cái mênh mông của đất trời, cái vô tận của thời gian, sự có mặt của con người quá ư ngắn ngủi hữu hạn. Nghĩ về tính hạn chế của kiếp người, Xuân Diệu đã đem đến một nỗi ngậm ngùi thật mới mẻ:
    Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
    Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời
    Không chỉ quan niệm, mà ngay cả cảm giác cũng hết sức mới lạ. Xuân Diệu đã đem đến một cảm nhận đầy tính "lạ hoá" về thời gian và không gian:
    Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
    Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt...
    Là người đã tiếp thu ở mức nhuần nhuyễn phép "tương giao" (Correspondance) của lối thơ tượng trưng, Xuân Diệu đã phát huy triệt để sự tương giao về cảm giác để cảm nhận và mô tả thế giới, trước hết là thời gian và không gian. Có những câu thơ mà cảm giác được liên tục chuyển qua các kênh khác nhau. Thời gian được cảm nhận bằng khứu giác: "Mùi tháng năm" - thời gian của Xuân Diệu được làm bằng hương - chẳng thế mà thi sĩ cứ muốn "buộc gió lại" ư - hương bay đi là thời gian trôi mất, là phai lạt phôi pha! Một chữ "rớm" cho thấy khứu giác đã chuyển thành thị giác. Nó nhắc ta nhớ đến hình ảnh giọt lệ. Chữ "vị" liền đó, lại cho thấy cảm giác thơ đã chuyển qua vị giác. Và đây là một thứ vị hoàn toàn phi vật chất: "vị chia phôi"! Thì ra chữ "rớm" và chữ "vị" đều từ một hình ảnh ẩn hiện trong cả câu thơ là giọt lệ chia phôi đó. Giọt lệ thường long lanh trên khoé mắt người trong giờ phút chia phôi. Giọt lệ thành hiện thân, biểu tượng của chia phôi. Vì sao thời gian lại mang hương vị - hình thể của chia phôi? ấy là những cảm giác chân thực hay chỉ là trò diễn của ngôn ngữ theo kịch bản của phép "tương giao"? Thực ra cái tinh tế của Xuân Diệu là ở chỗ này đây. Thi sĩ cảm thấy thật hiển hiện mỗi khoảnh khắc đang lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ thật sự là một cuộc ra đi vĩnh viễn. Trên mỗi thời khắc đều đang có một cuộc ra đi như thế, thời gian đang chia tay với con người, chia tay với không gian và với cả chính thời gian. Tựa như một phần đời của mỗi cá thể đang vĩnh viễn ra đi. Từng phần đời đang chia lìa với cá thể. Cho nên thi sĩ nghe thấy một lời than luôn âm vang khắp núi sông này, một lời than triền miên bất tận: "than thầm tiễn biệt". Không gian đang tiễn biệt thời gian! Và thời gian trôi đi sẽ khiến cho cái nhan sắc thiên nhiên diệu kì này bước vào độ tàn phai. Một sự tàn phai không thể nào tránh khỏi!
    Và, một điều rất đáng nói đã bộc lộ đây đó trong thi phẩm này là: do dùng tuổi trẻ để đo đếm thời gian, nên ở Xuân Diệu đã xuất hiện một ý niệm thời gian khá đặc biệt, đó là thì sắc. Thời gian được nhìn ở phía nhan sắc, gắn với nhan sắc của sự vật. Vì thế mà với hồn thơ này, thời gian, về thực chất không có ba thì phân lập rành rẽ với quá khứ - hiện tại - tương lai, mà chỉ có hai thì luôn tranh chấp và chuyển hoá thôi đó là thời tươi và thời phai. Nó không phải là hai mùa. Không phải Xuân Diệu lược qui bốn mùa vào hai mùa. Mà là hai thì của mỗi một tạo vật thiên nhiên. Thời tươi: vạn vật thắm sắc, thời phai: vạn vật phôi pha, phai lạt. Vật nào trong trần thế này cũng trải qua hai thì ấy. Tất cả những ý niệm thời gian khác như năm tháng, mùa vụ, phút giây... dường như đều tan trong cái ý niệm thì sắc tổng quát đó. Mà ta thấy ở đây, nó hiện diện trong sự đối lập của "độ phai tàn" (thời phai) và "thời tươi":
    - Chim rộn ràng chợt dứt tiếng reo thi
    Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa.
    - Cho no nê thanh sắc của thời tươi.
    Có thể nói ý niệm thì sắc này đã chi phối toàn bộ nhỡn quan Xuân Diệu đối với việc cảm nhận vẻ đẹp của thế giới trong sự trôi chảy vô thuỷ vô chung của nó.
    Thế đấy, không thể buộc gió, không thể tắt nắng, không thể cầm giữ được thời gian, thì chỉ có một cách thực tế nhất, khả thi nhất là chạy đua với thời gian, là tranh thủ sống:
    Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao gì nữa...
    Mau đi thôi! mùa chưa ngả chiều hôm
    Đến đây, phần luận giải cuả tuyên ngôn Vội vàng đã đủ đầy luận lí!
  7. M0on1989

    M0on1989 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2007
    Bài viết:
    217
    Đã được thích:
    0
    (Tiếp )
    Phần cuối của bài thơ là lúc tuyên ngôn được hiện ra thành hành động, ấy là Vội vàng trong hình thái sống của cái tôi cá nhân cá thể này. Bài thơ được kết thúc bằng những cảm xúc mãnh liệt, bằng những ham muốn mỗi lúc mỗi cuồng nhiệt, vồ vập. Đó là cả một cuộc tình tự với thiên nhiên, ái ân cùng sự sống. Chỉ có thể diễn tả như thế, Xuân Diệu mới phô diễn được cái lòng ham sống, khát sống trào cuốn của mình:
    Ta muốn ôm:
    Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
    Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
    Ta muốn say cánh **** với tình yêu,
    Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
    Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
    Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
    Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
    - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
    Nếu chọn một đoạn thơ trong đó cái giọng sôi nổi, bồng bột của Xuân Diệu thể hiện đầy đủ nhất, thì đó phải là đoạn thơ này. Ta có thể nghe thấy giọng nói, nghe thấy cả nhịp đập của con tim Xuân Diệu trong đoạn thơ ấy. Nó hiện ra trong những làn sóng ngôn từ đan chéo nhau, giao thoa, song song, thành những đợt sóng vỗ mãi vào vào tâm hồn người đọc. Câu thơ Ta muốn ôm chỉ có ba chữ, lại được đặt ở vị trí đặc biệt: chính giữa hàng thơ, là hoàn toàn có dụng ý. Xuân Diệu muốn tạo ra hình ảnh một cái tôi đầy ham hố, đang đứng giữa trần gian, dang rộng vòng tay, nới rộng tầm tay để ôm cho hết, cho khắp, gom cho nhiều nữa, nhiều nữa, mọi cảnh sắc mơn mởn trinh nguyên của trần thế này vào lòng ham muốn vô biên của nó. Cái điệp ngữ:"Ta muốn" được lặp đi lặp lại với mật độ thật dày và cũng thật đích đáng. Nhất là mỗi lần điệp lại đi liền với một động thái yêu đương mỗi lúc một mạnh mẽ, mãnh liệt, nồng nàn: ôm - riết - say - thâu - cắn. Có thể nói, câu thơ "Và non nước, và cây, và cỏ rạng" là không thể có đối với thi pháp trung đại vốn coi trọng những chữ đúc. Thậm chí, đối với người xưa, đó sẽ là câu thơ vụng. Tại sao lại thừa thãi liên từ "và" đến thế? Vậy mà, đó lại là sáng tạo của nhà thơ hiện đại Xuân Diệu. Những chữ "và" hiện diện cần cho sự thể hiện nguyên trạng cái giọng nói, cái khẩu khí của thi sĩ. Nó thể hiện đậm nét sắc thái riêng của cái tôi Xuân Diệu. Nghĩa là thể hiện một cách trực tiếp, tươi sống cái cảm xúc ham hố, tham lam đang trào lên mãnh liệt trong ***g ngực yêu đời của thi s !
    Câu thơ:
    Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
    Cho no nê thanh sắc của thời tươi
    cũng tràn đầy những làn sóng ngôn từ như vậy. Từ "cho" điệp lại với nhịp độ tăng tiến, nhấn mạnh các động thái hưởng thụ thoả thuê: chếnh choáng - đã đầy - no nê. Sóng cứ càng lúc càng tràn dâng, cao hơn, vỗ mạnh hơn, đẩy cảm xúc lên tột đỉnh:
    - Hỡi Xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !
    Ta thấy Xuân Diệu như một con ong hút nhuỵ đã no nê đang lảo đảo bay đi. Lại thấy thi sĩ như một tình lang trong một cuộc tình chếnh choáng men say.
    Sống là hạnh phúc. Muốn đạt tới hạnh phúc, phải sống vội vàng. Thế là, Vội vàng chính là cách duy nhất để đến với hạnh phúc, là chính hạnh phúc và dường như cũng là cái giá trả cho hạnh phúc vậy! Xuân Diệu quả đã mang trong mình nguồn sống trẻ. Xuân Diệu là thi sĩ của nguồn sống trẻ. Ta hiểu vì sao, khi Xuân Diệu xuất hiện, lập tức thi sĩ đã thuộc về tuổi trẻ!
    Văn Chỉ, xuân 1996
    [1]Đó là lời bình cho đôi câu "Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu / Lả lả cành hoang nắng trở chiều" và "Mây biếc về đâu bay gấp gấp / Con cò trên ruộng cánh phân vân" mà ai cũng tấm tắc khen tài trong Thi nhân Việt Nam.
    [2]Lời Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam.
    [3]Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!/ Có nghĩa gì đâu một buổi chiều / Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt / Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu... (?~Vì sao?, Thơ thơ)
    [4]Những cụm từ này mượn của chính Xuân Diệu. Từ trong tâm thức, tác giả đã có các ý niệm khái quát ấy tuy là tự phát: "Đem chim **** thả vào vườn tình ái" (Phải nói) và "Và cảnh đời là sa mạc vô liêu" (Yêu)
    Nguồn: Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  8. M0on1989

    M0on1989 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2007
    Bài viết:
    217
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Bính và "kiếp con chim lìa đàn"

    Chu Văn Sơn
    . Nguyễn Bính trong mỗi chúng ta
    Nỗi nhớ của con người thường gắn liền với một cái cớ nào đó. Hễ gặp duyên cớ kia là nhớ nhung cứ thế mà thức dậy, mà da diết. Tôi thường nhớ tới Nguyễn Bính mỗi độ xuân về. Nhất là lúc mưa xuân. Đấy cũng là lúc rời phố xá, tôi trở về quê nhà ăn tết với người thân. Tôi cứ thấy Nguyễn Bính về theo từng chấm mưa rắc bụi lên cỏ cây hoa lá, lên những võng tơ nhện óng ánh sương giăng mắc vệ đường, vệ đê, bụi hoang nơi đồng nội. Bấy giờ những nẻo đường quê dường như mềm hơn, mịn hơn. Những làn bụi từng bị rang khô dưới nắng hè, từng lầy lụa trong mưa dầm tháng bảy, từng xáo cuộn cùng xác lá trong gió heo may tháng mười giờ đã yên nằm trên mặt đường ẩm mát. Lấy móng tay gợi lên thì xốp tơi như lòng khoai lang bột đồng màu. Những hàng xoan se mình tím tái trong suốt mùa đông bỗng tươi da, nhựa đang chuyển mình lên những chồi hẹn nhú. Nước giếng khơi như bỗng trong đầy. Hoa bưởi rắc phấn vàng xuống tóc người dừng bước... Ở đâu tôi cũng thấy Nguyễn Bính. Cái gì cũng nhắc về Nguyễn Bính. ấy là lúc đã về tới cố hương, về với tuổi thơ xưa. Nguyễn Bính cứ lãng đãng theo tôi trên mỗi bước đường làng. Tôi trò chuyện cùng ông như với một cố nhân, một người vẫn ở mãi chốn quê, chỉ có mình là bỏ quê phiêu dạt. Nguyễn Bính là làn mưa xuân rắc mình lên chốn hương thôn, là lá dâu xanh dập dờn **** vàng cuối bãi. Nguyễn Bính là chiếc lá lìa cành đầu ngõ, là chiếc mo cau rụng vội góc vườn. Nguyễn Bính là sắc nắng chiều man mác trên mỗi thân cau, là ngọn mồng tơi ngập ngừng nơi lưng giậu. Nguyễn Bính là tiếng trống chèo động lòng đêm hội, là cỗ tam cúc thắc thỏm giao thừa. Nguyễn Bính là mảnh khăn điều trẩy hội chùa, là cây lụa trắng đang về chợ làng xa. Nguyễn Bính là nỗi hờn tủi của những con đò. Nguyễn Bính là tiếng thở than của mỗi tấm liếp. Nguyễn Bính là những mảnh đời lỡ làng sau mỗi luỹ tre lối xóm. Nguyễn Bính là nỗi đoái trông của mỗi vườn cam mái gianh. Nguyễn Bính là đôi mắt đau đáu trong thẳm sâu lòng người xa xứ... Tôi nhớ Nguyễn Bính như là khắc khoải về xa xưa, về hiện tại của chính mình. Tôi, một đứa con sống trong lòng Tổ quốc còn thế. Trách chi cái anh chàng Việt kiều Hoàng Chính nào kia ở cuối thế kỉ hai mươi lênh đênh xứ người, nhớ về Tổ quốc là nỗi nhớ Tiếng Việt, nhớ tiếng mẹ đẻ, là nhắc nhau nhớ đến Nguyễn Bính: Mười một năm trời đi biệt xứ / Em còn nhớ tiếng Việt Nam không?/ Lòng còn xôn xao Thơ Nguyễn Bính? / Chuyện"Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông" (Gửi vầng trăng lưu lạc). Nguyễn Bính là tiếng vọng cội nguồn trong lòng kẻ lưu lạc. Nguyễn Bính là tiếng trở mình của rặng tre trong lòng kẻ tha hương. Nguyễn Bính còn là cái tiếng Việt trong lòng đứa con xa đất mẹ... Ai đó nói trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Sau bấy nhiêu năm, tưởng cũng có thể nói, trong mỗi chúng ta đều có một Nguyễn Bính, kể cả những ai muốn chối bỏ điều đó. Sức đeo bám của Nguyễn Bính trong hồn mỗi người Việt lớn hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Sau ca dao có lẽ chỉ Nguyễn Bính mới có nổi sức đeo bám này. Hồn quê trong mỗi chúng ta bây giờ chẳng phải còn có tên là Nguyễn Bính ư?
    Và khi rời khỏi cố hương ra với đời sống của mình chốn đô thị, tôi cũng luôn thấy nhớ Nguyễn Bính. Các đô thị càng mọc lên, các cao ốc càng chất ngất, càng thấy nhớ Nguyễn Bính. Nguyễn Bính như là cái gì đang mất lại vừa như một cái gì không thể mất. Là cái vô hình luôn hiện hữu, là cái hiện hữu mà vô hình.
    *
    Nhưng cái tên Nguyễn Bính đến với tôi từ bao giờ?
    Người ta thường thích nhớ về "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy". Tất nhiên, có khi nhớ được, có khi chẳng còn nhớ nổi, tất cả cứ nhoè lẫn nhạt nhoà. Phần mình, với Nguyễn Bính, thì tôi chẳng thể nào quên. U tôi, chị tôi có ru tôi bằng Nguyễn Bính hay không? Kí ức thuở nằm nôi, nằm võng không thấy vọng lên câu nào. Còn như Kiều, Chinh phụ, Trương Chi, Hoàng Trừu, Tống Trân, Phạm Tải... thấy nhiều hơn. Trong tuổi thơ tít tắp của mình ở xứ Thanh, tôi thường đi phụ giúp u tôi làm trên lò gốm. U tôi là thợ vần, cả đời tay thì vo đất sét, chân thì đạp bàn xoay, cùng thợ chuốt làm ra đủ thứ chum, vại, thửng, hũ, cóng, ang... Các bà thợ vần, thợ chuốt vừa làm vừa tán đủ thứ chuyện, rồi hát hò, ngâm thơ, rồi tranh cãi nhau về nghĩa lí của câu tục ngữ này, câu thành ngữ nọ. Hôm ấy, một chị thợ chuốt còn trẻ, sau khi chuyện vãn, đã cất lời ngâm một đoạn khá não nùng mùi mẫn: "Em ơi em ở lại nhà / Vườn dâu em đốn mẹ già em thương...". (Phải khi vào cấp ba tôi mới biết nó là "Lỡ bước sang ngang"). Đến chỗ "đêm nay là trắng ba đêm...", chị ta ngâm tiếp là "Chị thương chị kiếp con chim lạc đàn". Lập tức, tôi nghe thấy tiếng phản đối của một bác thợ lò:"con chim lìa đàn chứ sao lại lạc". Đang ngâm, bị cắt ngang, khác nào bị chẹn họng, và chắc là không chịu được cái giọng chỉnh kẻ cả, chị kia cãi lại gay gắt: Cái ông này, vô duyên! Người ta nói chim lạc đàn chứ ai nói lìa đàn bao giờ! Thế mà cũng đòi sửa! Bác thợ lò thấy cần phải đè bẹp đối thủ, phải thắng triệt để nên ra điều sành sỏi chữ nghĩa: Lạc thì thường, thì non nghĩa. Lìa mới lạ, mới già nghĩa, chữ mới chín. Đang bay cùng mà phải lìa khỏi đàn, thì mới đau chứ ..". Rồi bác ta còn bảo, nếu không chịu, mai sẽ mang nguyên văn lên cho xem. Chị ngâm thơ đành ấm ức mà im lặng.
    Cũng mãi sau này, tôi mới ngớ ra rằng, đó có lẽ là cuộc tranh luận về ngôn ngữ thơ đầu tiên mà mình được chứng kiến.
    Bởi cái lẽ "đầu tiên" ấy mà găm rất sâu vào lòng trí non nớt của tôi cái hình ảnh con chim lìa đàn. Nó cô lẻ. Nó côi cút. Thoi thót suốt tuổi thơ tôi. Lúc bấy, tôi không ngờ, và có lẽ ngay cả Nguyễn Bính khi viết câu ấy cũng không thể ngờ "con chim lìa đàn" đã thành chân dung tự hoạ (hay tự ám?) da diết nhất của Nguyễn Bính.
    Thực ra, khi đọc thi sĩ này, thấy **** trắng **** vàng bay loạn trong thơ ông, một đôi người bèn coi bươm **** là biểu tượng chuẩn nhất cho Nguyễn Bính. Đúng là hồn thơ này cũng có ngất ngây chuyện **** hoa, cũng sinh ra những bóng **** quyến rũ. Nhưng cũng tựa như dáng chập chờn của nó, bươm **** chỉ thuộc vào cái phần tình tang lẳng lơ, phần bâng quơ phù hoa của vườn thơ Nguyễn Bính thôi. Một lúc khác, Nguyễn Bính có ví nỗi cô đơn nhục nhằn trên đường đời của mình với con ngựa và người chị với chiếc thuyền nan - Em vốn đường dài thân ngựa lẻ / Chị thì sông cái chiếc đò nan / Quê người đứng ngóng mây lưu lạc / Bến cũ nằm nghe sóng lỡ làng. Nguyễn Bính sinh năm Mậu Ngọ (1918). Ví mình như con ngựa không chỉ là ý thức về thân thế long đong của mình, mà trong đó còn chứa cả một ý niệm về cái bản mệnh giời đày của mình nữa. Vẫn biết thân ngựa lẻ kia cũng chỉ là biến thể của cùng một cái tôi Nguyễn Bính. Song con chim lìa đàn vẫn cứ ám hơn cả. Nó vận vào thân phận nhiều trái ngang của thi sĩ. Nó mới thực sự là chân dung tinh thần chan chứa những sầu tủi của Nguyễn Bính. Mà trước hết là chân dung tự họa của cái Tôi trữ tình thi sĩ. Đó chẳng phải là một cá nhân đang tách ra khỏi bầy đàn, một cá thể đang tách khỏi đoàn thể, cái Tôi đang tách khỏi cái Ta? Nhưng với con chim kia, đó không phải là một cuộc vùng lên cao ngạo, bứt phá bướng bỉnh, vượt thoát bất cần. Mà đó là sự chia lìa. Nó không thể không tách ra, nhưng cái nó cảm thấy rõ khi vừa tách ra không phải vũ trụ dành riêng cho sự tung hoành, trái lại, là sự chơi vơi, là nỗi đơn côi. Lìa đàn là đánh mất điểm tựa vững chắc, mất vòng tay ôm ấp chở che. Lìa đàn, chưa tìm thấy mình đã đánh mất mình. Lìa đàn, bơ vơ giữa cõi, lưu lạc tìm đàn. Và hình ảnh con chim lìa đàn ấy thực sự là một ám ảnh trong tâm thức thi sĩ. Nó còn bay mãi trong hồn thơ Nguyễn Bính với những bóng dáng khác nhau: "Lẻ loi thân nhạn sang nam ấy" ,"Thân em chẳng khác con chim non / Bơ vơ trong xứ người xa lạ", "Sầu nghiêng theo cánh chim lìa tổ / Biết lạc về đâu lòng hỡi lòng?"...
    2. Ra đời trong biến thiên
    Bằng lòng với những ấn tượng chủ quan, xem ra là điều không thể. Cần phải trả Nguyễn Bính về với thời đại của ông, về với cuộc biến thiên chưa từng có ở chốn nước non bình lặng này [1] hồi đầu thế kỉ trước. Nguyễn Bính là con đẻ của cuộc biến thiên ấy hay nhân cuộc biến thiên này mà cái anh chàng thôn dân nghìn đời đất Việt đã lỡ bước sang ngang, đã hoá con chim lìa đàn mà thành ra Nguyễn Bính?
    Cuộc biến thiên tầm cỡ như vậy, bao giờ cũng vừa là một cơn bão tàn phá vừa là một cơn trở dạ của lịch sử. Nghĩa là bao giờ cũng có hai mặt biện chứng: huỷ diệt và sinh thành. Sức mạnh phá hoại sẽ phá vỡ và phế bỏ nhiều cái cũ, mặt khác cũng nhân đó mà nhiều cái mới nảy nở sinh sôi. Phá huỷ dọn đường cho sinh thành, sinh thành biện minh cho huỷ diệt. Nó chi phối thực tại đời sống như một qui luật không thể cưỡng được. Tất cả đều bị cuốn vào quĩ đạo vừa vô hình vừa hữu hình của nó. Cuộc biến thiên đó muốn đập vỡ một thế giới cũ để cho một thế giới mới ra đời. Nên điều thật khó tránh là, trong những cái bị tàn phá một cách say sưa, sẽ lẫn vào không ít những giá trị thiêng liêng thuộc vào hàng bảo vật của giống nòi. Không chỉ trên qui mô toàn xã hội, mà ngay trong mỗi một con người cũng đương diễn ra một cuộc biến thiên ngấm ngầm: con người mới đang đòi phải phế bỏ con người cũ. Mà chia lìa con người cũ bao giờ cũng đau đớn. Bởi thế trong xã hội cũng như trong mỗi cá thể, đều hình thành hai thế lực: cách tân và bảo thủ, hai ham muốn: một đằng quyết giành quyền sống một đằng quyết giữ quyền sống [2] . Tương ứng với nó là hai thái độ, hai tâm thế thời đại: háo hức cái mới và lưu luyến cái cũ. Trong cái háo hức, bên cạnh sự táo bạo nhạy bén, có cả những nôn nóng vội vàng. Trong niềm lưu luyến, song hành với thái độ thủ cựu khư khư ôm lấy những phản giá trị đã cổ hủ, lỗi thời, kệch cỡm, là nỗi thiết tha đến day dứt khắc khoải trước những giá trị có nguy cơ bị phá phách, tiêu huỷ, biến suy. Mỗi tâm thế đều là một nguồn mạch trữ tình lớn của thời đại. Niềm thiết tha khắc khoải ngấm ngầm trong xã hội và lòng người kia cho đến 1918 đã tìm thấy người thi sĩ của nó. Làng Thiện vịnh, xứ đồng trũng chiêm khê mùa thối Vụ bản, Nam Định đã sinh ra cho nền thi ca Việt một cậu bé mà lớn lên sẽ lãnh cái sứ mạng thi sĩ kia. Nguyễn Bính là sự cất tiếng của con người Việt nghìn đời trong cuộc biến thiên vĩ đại mà đầy đau đớn đó. Và đây cũng là một lí do giúp ta hiểu vì sao, thơ Nguyễn Bính vẫn luôn làm xao động mọi tấm lòng Việt, tâm hồn Việt.
    *
    Mà con người Việt nghìn đời trong mỗi chúng ta là ai nếu không phải là con người tiểu nông với tất cả ưu nhược của nó? Trong một xã hội mấy nghìn năm "không đổi nhưng mà trôi cứ trôi" đó, anh chàng tiểu nông kia vẫn sống yên ổn. Đến nỗi ta những tưởng đó đã là cái bản thể bất di bất dịch. Nhưng trước cơn biến thiên lung lay đến tận cội rễ, chàng tiểu nông không thể còn yên ổn. Không thể như cũ, lại chưa thể theo mới. Ngậm ngùi với cái cũ, hoang mang trước cái mới. Bồn chồn, xốc xáo, không yên định là cõi lòng của nó. Nguyễn Bính là tiếng lòng bất an của anh chàng tiểu nông, là tiếng lòng bất an của thời đại. Đứt rễ khỏi đất cũ, chưa bén rễ vào đất mới, lòng thời héo hon, lá thời héo úa. Nguyễn Bính là tiếng lòng héo hắt của cuộc biến thiên kia.
    Nền tảng tinh thần muôn đời của anh tiểu nông là con người cố kết, ý thức bầy đàn. Bầy đàn là chỗ dựa cho mỗi cá thể. Bầy đàn là vướng víu, nhưng bầy đàn là bình ổn. Bầy đàn là chốn giam thân, bầy đàn cũng là chốn nương thân. Cá thể bay nhanh trong bầy đàn, cá thể bay chậm cùng bầy đàn. Bầy đàn nhất nhất quyết định sức mạnh cá thể. Nhưng cơn biến thiên này đã khiến cá thể không muốn và không thể dựa dẫm vào bầy đàn. Mỗi cá thể cần phải là chính nó. Kẻ háo hức thì hân hoan thấy mình thoát khỏi kiềm toả của bầy. Kẻ nặng căn thì sầu tủi vì thấy mình phải lìa khỏi đàn. Nguyễn Bính là tiếng nói sầu tủi của con chim lìa đàn ấy.
    Trong đời sống cổ truyền giá trị cá nhân được xác định dựa vào việc làm tròn bổn phận. Bổn phận là lẽ sống, cũng là điểm tựa bao đời. Bổn phận có thể là một ngáng trở, nhưng cũng là một bấu víu. Bổn phận vừa là cánh tay bó riết vừa là vòng tay âu yếm. Bổn phận khiến cá nhân phải hi sinh, bổn phận cũng làm nên sự cao cả cho cá nhân. Nhưng, trong cơn biến thiên này, tiếng nói của khát vọng nhất tề trỗi dậy. Đôi cánh khát vọng muốn tuông ra khỏi dây nhợ bổn phận. Thời trước, mỗi cuộc giao tranh giữa khát vọng và bổn phận thường được dẹp yên bằng ý thức hi sinh. Còn giờ đây cá nhân lại xác định giá trị của mình ở tầm vóc của khát vọng. Cho nên cuộc giao tranh hoặc biến thế giới tinh thần thành một đấu trường đẫm máu không có hồi kết, hoặc kết thúc bằng thất bại tủi sầu của bổn phận. Khát vọng chiến thắng. Nhưng là một chiến thắng đầy mặc cảm tội lỗi, dai dẳng không nguôi.
    Nguyễn Bính là tiếng nói của cái tôi mang nặng mặc cảm đó.
    Nội dung bao trùm của mặc cảm kia là gì?
    Có thể nói đó là mặc cảm lỡ dở.
  9. M0on1989

    M0on1989 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2007
    Bài viết:
    217
    Đã được thích:
    0
    (Tiếp)
    2. Cái tôi lỡ dở
    Hơn chục năm trước, khi khởi thảo những mẩu đầu tiên về Nguyễn Bính (phân tích bài thơ Xa cách, viết với Nguyễn Đăng Điệp), tôi chủ trương khái quát Nguyễn Bính bằng hai chữ "lỡ làng". Phần vì nó là chữ trở đi trở lại rất nhiều trong Nguyễn Bính, phần vì thấy đây là một bi kịch lớn, bao trùm lên thế giới thơ của thi sĩ này. Giờ đây, đọc vào Nguyễn Bính sâu hơn rồi, nhận rõ hơn tầm vóc của thi sĩ, tôi thấy chữ "lỡ làng" đuối nghĩa, đuối sức như con đò bé không còn chở Nguyễn Bính sang ngang được nữa. Chữ "lỡ làng" hợp với phận gái hơn, lại quá nghiêng về chuyện tình duyên. Trong khi, ngay cả lúc nước mắt lưng tròng - chỉ vài ngày hoen ướt đã hỏng mất một khăn hồng - thì Nguyễn Bính vẫn cứ là phận trai. Với lại, nỗi sầu tủi của Nguyễn Bính phải đâu chỉ có chuyện duyên phận lỡ làng, mà còn cả sự nghiệp dở dang - "Em đi dang dở đời mưa gió / Chị ở vuông tròn phận lãnh cung", "Dang dở một thân nơi đất khách / Tết này ta lại ngắm hoa suông"... Vì thế tôi thấy chữ "lỡ dở" ưu thế hơn. Không phải vì muốn đổi một từ láy sang một từ ghép cho nén, cho đúc. Mà quan trọng là phải chữ ấy mới cưu mang được thân phận Nguyễn Bính, nghĩa là mới gồm được mọi hẩm hiu về cả duyên phận lẫn danh phận của cái tôi kia. Tìm đến chữ này để gọi Nguyễn Bính, tôi giật mình vì thấy: Tạ Tỵ trong cuốn Mười vẻ mặt văn nghệ đầu những năm 70 của thế kỉ trước đã tìm đến nó khi gọi Nguyễn Bính là "thiên tài lỡ dở". Nhưng xem kĩ, thấy chữ Tạ Tỵ nghiêng về cái nghĩa chỉ con người thực: hoàn cảnh đã tạo ra Nguyễn Bính như là một thi tài dở dang, với một thái độ tiếc rẻ gần với Phan Ngọc - "Nguyễn Bính chỉ còn thiếu một hiểu biết Tây học nên không thành nổi nhà thơ đầu đàn..." [3] . Và chỉ có thế.
    Phần mình, dùng chữ "lỡ dở", tôi không chỉ muốn nói thơ Nguyễn Bính là sự lên tiếng của những cảnh ngộ oan nghiệt, những thân phận ngang trái. Mà quan trọng hơn, Nguyễn Bính là thi sĩ của cái lỡ dở, như một phạm trù trữ tình vậy. Bởi vì "lỡ dở" đâu chỉ là chuyện của riêng Nguyễn Bính, riêng của thời đại Nguyễn Bính, mà sau này và mãi mãi nó vẫn là một thảm trạng phổ biến của cõi nhân sinh. Có phải trên thế gian, thân phận nào cũng may mắn, cũng vinh hoa cả đâu. Ngay cả những kẻ nhiều hanh thông may mắn, có phải không từng nếm mùi lỡ dở đâu! Song hành với sự thành đạt của nhân gian, bao giờ cũng là sự lỡ dở. Mà đã lỡ dở, làm sao tránh khỏi tủi sầu bi phẫn. Bởi thế, đây quả là một nguồn lệ vẫn ngấm ngầm đây đó trong lòng thế nhân. Có điều, ở Nguyễn Bính, ở thời Nguyễn Bính, bi kịch ấy sắc sói hơn, đắng đót hơn. Ông sinh ra dường như để dành cho sự lỡ dở. Trời đày ông để ông phải làm tròn cái sứ mệnh oái oăm đó. Từ thân thế mình, Nguyễn Bính đã cất lên tiếng nói về một bi kịch trùm cả thời thế, mà mở ra tới cùng, cũng là một bi kịch nhân thế. Nếu thân thế Nguyễn Bính hanh thông, hẳn đã không có nghiệp thơ Nguyễn Bính.
    *
    Nghiên cứu tiểu sử nhiều nhà văn, lắm lúc thấy nghi ngờ cái tín điều đã thành mặc nhiên trong truyền thống: văn là người. Thực ra, chẳng phải nhọc lòng hoài nghi. Nó vẫn mặc nhiên là tín điều. Có chăng, cần phải hiểu thế nào về người thôi. Sự đồng nhất giản đơn con người sinh hoạt với con người văn chương thì rất dễ gây thất vọng, hẫng hụt. Bởi văn là sự lên tiếng của con người tâm linh, con người khát vọng. Khát vọng chân chính của một con người chính là biểu hiện tập trung cho bản chất của người ấy. Và do đó tầm vóc khát vọng cũng quyết định phần lớn tầm vóc của cá nhân. Tôi chưa biết anh là ai, nhưng hãy bộc bạch khát vọng của mình, tôi sẽ biết anh là ai. Cho nên, văn là người, là cái con người ấy. Tức con người bên trong, con người bề sâu, con người khát vọng. Nhà văn Nguyễn Khải có lần nói, không phải định thanh minh cho mình hay cho ai, rằng: đối với anh nghệ sĩ, phần tốt đẹp, cao quí nhất của tâm hồn đã trút vào văn chương hết rồi. Còn những gì thể hiện trong sinh hoạt đời thường, đôi khi chỉ là phần cặn bã của hắn mà thôi. Nguyễn Bính cũng thế thôi. Người ta đã kể ra chả ít chuyện nhếch nhác, bê tha, lôm loam của Nguyễn Bính trong sinh hoạt, giao du. Đời thường lắm chỗ sao mà trái cựa trái khoáy với con người trong văn chương đến thế. Nhưng bức chân dung tinh thần đích thực là thuộc về cái tôi bề sâu của nghệ sĩ. Cái tôi ấy tự hoạ trong văn chương ngay cả khi nó không hề tự giác. Nguyễn Bính đã trút vào thi ca tất cả những khát vọng sâu kín và cao quí nhất của mình. Cho nên chả vì cái bã bên ngoài mà nghi ngờ cái hồn bên trong. Cũng bởi sự không thể đồng nhất này mà trong nghiên cứu nghệ thuật mới cần phân biệt con người thi sĩ (ngoài đời) và cái tôi thi sĩ (trong văn). Cái tôi ấy là sự chung đúc của khát vọng. Nói cách khác, cái tôi là khát vọng thi sĩ được nhân hình hoá.
    Và, theo tôi, cũng như những hình tượng nghệ thuật khác, hình tượng cái tôi là một nhất thể được tạo bởi sự hoà hợp (gồm cả tương tranh và chuyển hoá) của các đối cực.
    *
    Lỡ dở tạo nên cái tôi kia bắt đầu do sinh bất phùng thời. Hãy xuất phát từ nền tảng nhân cách của cái tôi được gọi bằng anh chàng nhà quê, là gã chân quê Nguyễn Bính: một thôn dân - nho sinh. Nhận diện cái tôi Nguyễn Bính, nhiều người chỉ thấy đó là một thôn dân. Nghĩa là chỉ thấy một phía. Mà chỉ thế thôi, thì chưa ra Nguyễn Bính. Không phải một thôn dân thuần tuý, Nguyễn Bính là thôn dân - nho sinh. Cái ta vẫn gọi là hồn quê Nguyễn Bính không phải một đơn chất. Trái lại, là hợp chất: con người thôn dân và con người nho sinh quyện với nhau trong một điệu hồn chung. Từ con người thực ngoài đời thành cái tôi trong thơ ca, Nguyễn Bính không chỉ mang theo cái lai lịch "con nhà nho cũ", mà chất nho sinh còn hiện rất rõ trong cốt cách của cái tôi ấy. Biểu hiện tập trung nhất của nó hẳn là giấc mơ quan trạng.
    Có thể nói, cái tôi ấy suốt đời vương vấn giấc mơ quan trạng. Trong thơ Nguyễn Bính, giấc mơ quan trạng luôn song hành với giấc mơ thanh đạm thanh bình. Bởi thế, nó trở thành giấc mộng đôi: cả con người nho sinh và con người thôn dân cùng mơ chung một giấc mơ về "thời trước". Thời trước với chàng thôn dân là thời "trai hiền bạn với gái đồng trinh", thời của "Hoa và rượu" - "Đời say men rượu thơm hoa rụng", thời "Thanh đạm" vợ chồng thuận hoà, bạn bè tri kỉ: "Nhà gianh thì sẵn đấy / Vợ xấu có làm sao / Cuốc kêu ngoài bãi sậy / Hoa súng nở đầy ao / Mấy sào vườn đất mới / Giồng dâu và giồng cam / Không ngại xa người tới / Thăm tôi tôi cám ơn / Làng bên sẵn rượu ngon / Đêm nay ta đối ẩm / Tre nhà đương cữ ấm / Tha hồ là măng non / Đường làng không tiện xe / Sớm mai người hãy trẩy / Cây nguyệt nằm suông mãi / Tôi xin đàn người nghe"... Cảnh sống êm đềm thế chẳng phải là mơ ước nghìn đời của bất cứ thôn dân nào?
    Còn với anh chàng con nhà nho cũ, thì "thời trước" là thời vợ tần tảo tầm tang, chồng dùi mài kinh sử, thời của giấc mơ hồ điệp, thời của hiển đạt vinh hoa. Hoặc trạng nguyên trở thành phò mã:"Ngựa bạch buông chùng áo trạng nguyên... lòng trạng lâng lâng màu phú quí, chờ "công chúa cài trâm thả tú cầu". Hoặc quan trạng vinh qui về làng: "Chồng tôi cưỡi ngựa vinh qui / Hai bên có lính hầu đi dẹp đường / Tôi ra đứng tận gốc bàng / Chồng tôi cưỡi ngựa cả làng ra xem", hạnh phúc thật là trọn vẹn, đã đầy, viên mãn: "Đêm qua mới thật là đêm / Ai đem giăng sáng giãi lên vườn chè"... Đó là cái thời lí tưởng mà nho sinh nào cũng hằng mơ ước, khát khao, hi vọng. Thời ấy đáp ứng được cho con người cả chuyện công danh lẫn chuyện nhân duyên, cả khao khát nhân sinh của một con người, cả nhu cầu thẩm mĩ của một nghệ sĩ.
    Dù đã vào thơ theo qui luật điển hình hoá, nhưng một cái tôi bao giờ cũng nảy nở từ con người thực ngoài đời của thi sĩ. Vốn là con nhà nho cũ gắn với thôn quê, "thời trước" đương nhiên là cái mẫu lí tưởng của Nguyễn Bính. Nhưng cái "thời trước" kia chỉ còn trong cổ tích, trong truyện nôm khuyết danh, trong những tích chèo mà không khí thanh bình vinh hoa của nó từng tưới tắm cho mơ mộng của Nguyễn Bính một thời. Ngày thì theo đòi búi tó củ hành với cậu ruột mình một nho sĩ thôn Vân, đêm thì chìm đắm trong những hội chèo thôn Đoài làng Đặng. Giờ đây, cuộc biến thiên lạnh lùng này đã bứt thế giới mộng kia khỏi hiện thời, thẳng tay ném vào dĩ vãng. Nó đã vĩnh viễn thành thế giới của hoài niệm. Bi kịch của cái tôi ấy ở chỗ: là con người của "thời trước", nhưng lại sinh ra ở thời này. Tây học đã trục xuất Hán học khỏi đương thời, Hán học đành ôm hận lủi thủi đi về quá vãng. "Bây giờ thời thế biến thiên / Nhà vua không lấy trạng nguyên nữa rồi". Thậm chí, "Khoa cử bỏ rồi thôi hết trạng / Giời đem hoa cỏ trả vườn tiên. "Lỡ duyên búi tó củ hành / Trường thi Nam Định biến thành trường bay". Hình ảnh đầy hấp dẫn của những Tống Trân, Nguyễn Hiền vĩnh viễn xa vời. Nhưng điều oái oăm là: Nguyễn Bính chỉ có thể được sinh ra bởi cuộc biến thiên đầy mất mát ấy. Giống như sự hỏng thi trường kì mới sinh ra Tú Xương vậy. Nếu không chúng ta có thể có thêm một quan trạng một ông nghè ông cống nữa để rồi những học vị chức danh ấy tan ra mây khói, và sẽ hoàn toàn không có một thi sĩ chân quê, không thể nào có nổi một tác giả "Lỡ bước sang ngang".
    Nhưng cái tôi Nguyễn Bính không chịu lìa bỏ hẳn. Và đây chính là một khía cạnh điển hình cho tâm trạng lãng mạn. Chỗ này, cái nhìn lí giải đòi hỏi chúng ta phải xem xét rộng hơn một chút. Trước kia, người ta thấy mối bất hoà với thực tại chỉ là cơ sở tâm lí riêng của khuynh hướng lãng mạn. Thực ra, bất hoà với thực tại là cơ sở tâm lí phổ biến của nghệ sĩ. Nếu niềm khát khao một hình thái lý tưởng lúc nào cũng thiêu đốt lòng nghệ sĩ, thì cũng có thể nói, bất hoà với thực tại phải được xem như thuộc tính nghệ sĩ. Tất nhiên chữ bất hoà cần được hiểu với các cung bậc khác nhau: không thoả mãn, không bằng lòng, không hoà nhập, không chấp nhận thực tại. Nếu bằng lòng với thực tại, tức là lí tưởng đã bị tiêu tan. Do đó niềm khát khao khiến anh thành nghệ sĩ cũng tiêu tan rồi. Nhưng vì sao bất hoà? vì nghệ sĩ bao giờ cũng thấy thực tại chưa đáp ứng được cả nhu cầu tồn sinh lẫn nhu cầu thẩm mĩ. Nghĩa là chưa đáp ứng được khát khao về hạnh phúc và khát khao về cái đẹp. Thậm chí, trước một thực tại nào đó, ở mức cực đoan tột cùng, nó còn thấy thực tại thù địch với hạnh phúc chân chính của con người, thù địch với cái đẹp. Thế là, từ một gốc chung là mối bất hoà, mà các khuynh hướng nghệ thuật có những ứng xử khác nhau. Sự khác nhau bao trùm của các khuynh hướng, có thể nói, cũng bắt đầu từ những phép ứng xử. Lãng mạn thì đào sâu vào chủ quan vẽ ra một thực tại trong mơ ước để thay thế thực tại bên ngoài. Hiện thực lại đi thẳng vào thực tại ngoài đời để phân tích nó, phanh phui nó, phê phán nó. Trong khi khuynh hướng cách mạng dường như lại muốn cải biến nó. Vậy thực tại một kẻ lãng mạn mơ ước là thế nào? Đó là thực tại trong hồi tưởng, huyễn tưởng, viễn tưởng. Hồi tưởng đưa nó về với quá khứ vàng son, với thời oanh liệt, phục hiện lại những dư âm dư ảnh, những hình sắc còn sót lại của một thời, mà nó cho rằng chỉ ở đó, cái đẹp và hạnh phúc mới tồn tại. Huyễn tưởng dẫn nó vào cõi yêu, cõi tiên, cõi ma, cõi đạo, vào tiền kiếp. Viễn tưởng lại dẫn nó đến một tương lai xán lạn mãi tận tít mù khơi... Cái tôi Lãng mạn Nguyễn Bính thì tìm về đâu? Về "thời trước" - "Thời trước làm sao thật thái bình". "Thời trước" thực là thiên đường đối với một thôn dân - nho sinh. Chàng chỉ còn đến được với cái thiên đường riêng ấy của mình bằng một cách duy nhất: mơ thôi. Nguyễn Bính đã không ít lần ngán ngẩm kêu lên: "Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi!". Tuy nhiên, mơ mộng lại là một đời sống, một lối thoát tinh thần không thể thiếu của gã thôn dân - nho sinh lỡ thời ấy.
    Đó mới chỉ là một phía của bi kịch lỡ dở.
  10. M0on1989

    M0on1989 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2007
    Bài viết:
    217
    Đã được thích:
    0
    (Tiếp )
    *
    Không thể thành quan trạng với giấc mộng vinh hoa, không thể ở thôn hương với giấc mơ thanh đạm. Cả gã nho sinh lẫn gã thôn dân đều đã mất đi cái đích của mình. Cả hai nhất trí đồng tâm rời khỏi quê mình, dấn thân vào quê người. Trên con đường tha hương ấy, họ đã hoà vào một nhân cách mới, một diện mạo mới: thi sĩ lãng tử. Và thế là mở ra một bi kịch mới. Nó là bi kịch tiếp nối mà cũng là bi kịch nhân đôi. Gã thi sĩ giang hồ này muốn nhập cuộc mà không xong. Đời sống giang hồ đòi hỏi kẻ lãng tử phải quăng thân vào phong trần cát bụi, lấy lênh đênh làm đời sống, làm hạnh phúc. Muốn thế, phải có máu phiêu lưu. Trong khi đó, phiêu lưu lại không có sẵn trong gien tiểu nông của gã giang hồ bất đắc chí này. Nên tình trạng tinh thần của gã là sợ phiêu lưu mà lại dấn bước giang hồ. Chàng thi sĩ này không tìm thấy chất thơ thông thường của tiêu dao tang bồng, không thấy cái thú siêu thoát lãng mạn của ngao du sơn thuỷ. Trái lại, mỗi bước lênh đênh là một bước long đong. Dù chỉ là "giang hồ vặt", thì kẻ giang hồ vẫn luôn chỉ thấy mình bị vây khốn giữa bao bất trắc, chỉ thấy cám cảnh cho cái phận nổi trôi giời đày của mình, chỉ cảm thấy thật chua chát: giang hồ là một cuộc đày ải - "Cúi mặt soi gương chén rượu đầy / Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ...Không hiểu vì đâu hai đứa lại / Chung lưng làm một chuyến đi đày".
    Cũng không có sẵn trong gien tiểu nông kia cái cao ngạo của một cá nhân khi thoát li khỏi bầy đàn. Rời bỏ mái nhà sinh trưởng, cái tôi lên đường, sau cái khoảnh khắc cảm thấy tự do hết sức ngắn ngủi, nó lập tức cảm thấy trống phía sau lưng, hẫng dưới chân bước. Tình trạng của nó là tình trạng của một con diều đứt dây. Bơ vơ là cái thường xuyên dày vò nó. "Bơ vơ trong xứ người xa lạ", "Trơ vơ trên bến nước sông đầy"... Lòng nó không có cái hùng tâm tráng chí kiểu trượng phu hành đạo vì nghĩa lớn, đã đành. Mà ngay cả cái lâng lâng khoái thú của một cái tôi đang lên đường tìm kiếm bản thân cũng không có. Không có phấn hứng thấy thế là mình đã trưởng thành, đã tách khỏi "bầu nước ối" của mái nhà sinh trưởng. Cái mà nó thấy đúng là: Xểnh nhà ra thất nghiệp, như bao người mẹ tiểu nông vẫn ái ngại cho con cái.
    Trong cái gien tiểu nông đó cũng không có sẵn cái lạnh lùng của kẻ sẵn sàng khước từ bổn phận để mặc sức đuổi theo khát vọng. Khi ở thì thấy khát vọng là trên hết, bổn phận là vướng víu. Khi đi bỗng thấy khát vọng là ích kỉ, bổn phận mới thiêng liêng. Thế là mặc cảm lỗi đạo hành hạ nó, càng bước đi xa càng nặng nề trầm trọng. Lỗi đạo với quê hương, lỗi đạo với gia đình. Nó thấy mình là kẻ tệ bạc, phụ bạc: "Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh / Tôi đi dan díu với kinh thành", Đứa thương cha yếu thằng thương mẹ / Cha mẹ chiều chiều con nước mây", nhiều khi cái tôi ấy đã nức nở trong day dứt vì té ra mình là đứa con hư đốn bất nghĩa: "Con đi mười mấy năm trời / Một thân bé bỏng nửa đời gió sương / Thầy đừng nhớ mẹ đừng thương / Cầm như đồng kẽm qua đường đánh rơi / Thày mẹ ơi! Thày mẹ ơi / Tiếc công thày mẹ đẻ người con hư...". Tóm lại, là giang hồ trong mặc cảm. Mặc cảm bơ vơ. Mặc cảm lỗi đạo, tệ bạc. Khí chất và lương tâm của con người tiểu nông cổ truyền trong thâm căn cố đế của cái tôi kia bị xốc xáo lên trong cơn biến thiên đó.
    *
    Có thể nhận rõ hơn diện mạo của cái tôi Nguyễn Bính trong tương quan với đương thời.
    Cái Tôi Thơ mới thường nghiêng về sự hả hê bởi được giải phóng khỏi cái Ta. Nếu cô đơn, thì thường là khi phải đối diện với vũ trụ mênh mông, khi không có một cái Tôi khác để gắn bó. Nguyễn Bính khác. Trước hết, về Nguyễn Bính mà nói bằng cô đơn, không ra. Nguyễn Bính là nỗi đơn côi. Khác nhau có một chữ, nhưng là hai hồn vía. Không phải ngẫu nhiên mà mặc cảm chia lìa, mặc cảm bơ vơ lại bám riết lấy tâm tư Nguyễn Bính suốt cả đời không chịu buông tha. Nhìn đâu cũng thấy chia lìa: "Con sào đẩy sóng thuyền nan lìa bờ", "Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn", "Chán chường như lũ tàn quân lìa thành", "Những cuộc chia lìa khởi tự đây", "Anh em li tán lâu dần thành ra", "Lìa cành theo gió lá luồn qua song", "Sầu nghiêng theo cánh chim lìa tổ"... Nhìn đâu cũng thấy côi cút, đơn chiếc, vô định: "Hồn đơn chẳng có nơi nương tựa", "Hồn đơn quằn quại xác gầy", "Muôn vàn đơn chiếc đổ vào đầu tôi", "Một người đi mấy mươi người nhớ thương", "Ta đi nhưng biết về đâu chứ", "Anh đi đó ! Anh về đâu?", "Nào biết về đâu kẻ ngước xuôi", "Biết lạc về đâu lòng hỡi lòng"... Điều này không thể không có nguyên uỷ sâu xa từ ẩn ức mồ côi của Nguyễn Bính (mới ba tháng đã mất mẹ, rồi cha đi bước nữa, phải ở với người cậu, dù có được bù đắp đến đâu thì bản tính đa cảm của thi sĩ vẫn cứ trầm mình trong mặc cảm côi cút, bơ vơ). Nhưng mặc cảm này, oan trái thay, lại khiến cho hồn thi sĩ cảm nhập được và mang chở được nỗi niềm lỡ dở của cả thời đại ấy. Nghĩa là nỗi côi cút đầy bất hạnh kia bỗng trở thành cái giá oan nghiệt mà Nguyễn Bính phải trả cho cái nghiệp thi sĩ của mình. Hay nói theo giọng khách quan thì nhờ bi kịch cá nhân mà Nguyễn Bính đã cảm thông với bi kịch của thời đại. Vì thế, cái Tôi Nguyễn Bính là nỗi đơn côi vì mất đi điểm tựa thiêng liêng nơi cái Ta. Lìa khỏi cái Ta, cái Tôi ấy dày vò về Mất hơn là tự mãn về Được. Đơn côi trong tình ái. Đơn côi giữa xứ người. Đơn côi giữa đô thị. Đơn côi cả khi đã về tới cố hương.
    Về bình diện văn hoá, Nguyễn Bính là con đẻ của cuộc hôn nhân đầy lỡ dở giữa nền văn minh đô thị hiện đại với văn minh thôn dã cổ truyền. Khác xa với những cái tôi thuần đô thị, Nguyễn Bính là cái tôi - phản - đô - thị. Lúc nào cũng mang nặng mối "sầu đô thị". Cứ tưởng Nguyễn Bính chỉ là đứa con ra đời từ cuộc hôn phối giữa làn mưa xuân trong lành với giậu mồng tơi dân dã. Nào ngờ lẫn trong làn mưa kia có chút bụi kinh thành. Cái chút bụi mơ hồ đã âm thầm lớn lên thành ý hướng giang hồ. Và chính nó đã xúi giục Nguyễn Bính lên đường dấn thân vào cát bụi với những cuộc giang hồ vặt, khi sa vào bất đắc chí. Sang đò, bước lên bậc bến thứ nhất để vào thế giới đô thị quê người, Nguyễn Bính đã gửi lại bên kia bờ tất cả vườn cam mái gianh, **** trắng tơ vàng, giàn giầu hàng cau... Nhưng rốt cuộc, Nguyễn Bính lại bắt đầu cuộc tìm kiếm chính những thứ ấy giữa phố xá đô thành mà không tự biết. Hẳn nhiên, làm sao có thể thấy những thứ ấy trong cát bụi chốn này. Con đường kiếm tìm loanh quanh kia tất lại dẫn cái tôi ấy trở về với nơi mình từ giã.
    Nhưng, một khía cạnh rất đáng nói là: bi kịch của cái tôi kia không có tận cùng. Sinh ra từ cuộc tình đương giữa hồi dang dở giữa Đô thị và Thôn quê như thế, Nguyễn Bính đã cố chạy theo tìm sự cưu mang của từng phía, nhưng cả hai đều chối bỏ, mỗi bên phụ phàng theo một cách riêng. Thoạt đầu ánh sáng kinh thành huyễn hoặc, anh chàng chân quê đã tưởng có thể gửi mình vào đó, tìm thấy trong hứa hẹn của nó những vinh hoa. Nhưng cuối cùng, chỉ là phù hoa: "Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng / Sớm nay sực tỉnh sầu đô thị". Chán chường, chàng tìm lại chốn quê. Nguyễn Bính về quê không phải như Đào Uyên Minh "qui khứ lai từ" bởi quá chán ngán cảnh luồn cúi nơi trường đào mận. Không phải như một nhà nho thành đạt và chán ngán, về quê theo lẽ xuất xử hành tàng, về ở ẩn lánh đời. Mà cái Tôi Nguyễn Bính về quê như một người suốt đời băn khoăn đi kiếm cách sống cho mình, suốt đời tìm kiếm công danh và chỗ đứng trong cái cuộc sống văn minh đô thị. Mà cuối cùng tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Công danh dở dang, duyên phận lỡ làng. Cố hương ngỡ bình lặng muôn đời là thế cũng không dung được một kẻ đã ngập hẳn về thôn ổ mà chẳng thể rửa sạch khỏi lòng mối sầu đô thị ăn sâu. Yêu lắm lắm những gì chân mộc của cố hương, nhưng giữa kẻ hồi hương và đất cũ đã có những ngăn cách vô hình không thể vượt qua: Không còn ai ở lại nhà / Hỏi còn ai nữa? để hoa đầy vườn / Trăng đầy ngõ, gió đầy thôn / Anh về quê cũ có buồn không anh?... Một lần lỡ bước sang ngang là đơn côi vĩnh viễn. Nguyễn Bính là cái lỡ dở muôn đời ấy. Nó là một bi kịch không biên giới.
    Trên bình diện đạo đức đơn thuần, cái tôi Nguyễn Bính là con đẻ từ sự lỡ dở của bổn phận và khát vọng, của chữ hiếu và chữ tình. Thời ấy, chữ tình được viết hoa và tô đậm hẳn lên, chữ hiếu mờ hẳn đi lùi lại sau hàng. Chữ tình muốn chia bào giã từ chữ hiếu, "em ơi em ở lại nhà / vườn dâu em đốn mẹ già em thương... Miếu thiêng vụng kén người thờ / Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em". Nhưng vừa quay gót đã gục đầu xuống, úp mặt vào hai bàn tay mà nức nở tức tưởi: "úp mặt vào hai bàn tay / Chị tôi khóc suốt một ngày một đêm". Cái Tôi muốn khẳng định mình, nhưng khi từ giã mái nhà sinh trưởng, xa rời vòng tay của cái Ta, nó vừa thấy đơn côi yếu ớt lại vừa thấy mình là kẻ phụ rẫy đáng chê trách. Những bổn phận thiêng liêng ngày trước ràng buộc là thế. Mỗi khi cần chọn lựa, bao giờ nó cũng giành được vị thế độc tôn, tất cả những thứ khác đều phải nhượng bộ hi sinh. Nay khát vọng cá nhân bùng nổ, nó thấy mình là hơn hết thảy. Nó đòi phải được sống đã đầy. Nhưng ở trường hợp Nguyễn Bính, nó dứt áo ra đi chỉ để đạt được sự lỡ làng, còn bản thân nó thì luôn luôn dang dở. Lỡ bước sang ngang, bổn phận đã không tròn, khát vọng cũng chẳng thành. Dang dở vĩnh viễn. Nói ý thức cá nhân ở Nguyễn Bính khác xa với những trường hợp khác là thế. Nó không phải tiếng nói tự tôn, tự kiêu, tự đại một chiều cực đoan. Không phải cái Tôi hiếu thắng khi thoát khỏi cái Ta. Mà nó là cái tôi đầy mặc cảm. Lúc nào nó cũng thấy mình là kẻ tệ bạc với cái Ta đó. Thèm được thoát li khỏi cái Ta cố kết. Nhưng chưa thoát li đã lập tức thấy mình là kẻ sao mà bạc tình. "Mẹ cha thì nhớ thương mình / Mình đi thương nhớ người tình xa xôi". Nhưng mà lại không thể khác. Cho nên mỗi bước đi trên đường đời là một bước ngoái lại thăm thẳm phía sau,"Thầy ơi đừng chặt vườn chè / Mẹ ơi đừng bán cây lê con giồng"... mỗi cuộc đi là một cuộc dày vò đày ải chính mình. Hành trình lìa quê cũng là hành trình của ăn năn, của khắc khoải cố hương. Chưa đi đã thấy ngay là mình vừa đánh mất một cái gì thiêng liêng hệ trọng nhất của đời mình, của cuộc sống này.
    Tóm lại, cái tôi Nguyễn Bính từ bỏ quê để luôn khắc khoải nhớ quê, tìm vào đô thị để chán chường đô thị, tìm kiếm công danh chỉ gặp dở dang, theo đuổi tình duyên chỉ gặp lỡ làng. Dứt bỏ bổn phận để chạy theo khát vọng: bổn phận không tròn, khát vọng tan vỡ. Cái gì của nó cũng lỡ dở. Cho nên Nguyễn Bính là cái tôi lỡ dở của thời đại ấy. Tôi cho rằng chính Nguyễn Bính, chứ không phải ai khác, mới là nhà Thơ Mới mang đầy đủ tấn bi kịch của thời đại mình. Một tâm trạng bất đắc chí mênh mông dằng dặc.
    Cái tôi Nguyễn Bính vẽ ra trong thế giới nghệ thuật của mình là một người cả đời cứ lang thang kiếm tìm chính mình. Càng đi, dường như càng lầm lạc, càng đi càng không thấy. Mọi hứa hẹn đều chỉ là ảo ảnh. Công danh, Hạnh phúc đều không thấy? Đều không dành cho mình? Đều không có? Cuối cùng cái tôi ấy hi vọng tìm thấy mình (tìm thấy mình hay tìm lại được mình? có lẽ là cả hai) khi đã về lại nơi mà mình đã từ bỏ một cách vội vàng nông nổi. Nhưng rồi Nguyễn Bính đã không tìm thấy. Không có chỗ nào cho mình. Đô thị không. Thôn quê không. Quê người không. Quê mình cũng không. Lìa đàn cũng có nghĩa là lạc loài. Nguyễn Bính là sự lỡ dở trọn kiếp con chim lìa đàn không chỉ trong cái thời đại lỡ dở đó.

Chia sẻ trang này