1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cambodia

Chủ đề trong 'Du lịch' bởi VNHL, 10/06/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. VNHL

    VNHL Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/07/2001
    Bài viết:
    1.764
    Đã được thích:
    0
    Một bài viết về Cambodia
    ------------

    trở về với
    những cánh đồng chết
    ngô thế vinh


    TRỞ LẠI THĂM XỨ CHÙA THÁP

    Hơn 30 năm sau trở lại thăm đất nước Cam Bốt vẫn là một thứ kinh nghiệm "độc nhất vô nhị." Năm 1970 là đi vào một đất nước Cam Bốt đang chìm đắm trong chiến tranh từ Việt Nam tràn sang. Tiếp theo đó là những năm tháng kinh hoàng của chiến dịch "cáp duồn" người Việt dưới chính quyền Lon Nol, rồi là những năm "tẩy sạch chủng tộc" của Pol Pot.



    Năm 2001 trở lại một đất nước đã trải qua những năm tháng ác mộng của mênh mông những Cánh Đồng Chết mà tưởng như mới hôm qua. Nhưng Cam Bốt đang vực dậy từ tro than và hướng về tương lai. Không với tính cách du lịch mà là một Fieldtrip tới với một khúc đoạn khác của con sông Mekong, khúc sông đã từng loang máu và nổi trôi những chùm xác không đầu của người Việt. Người Việt người Khmer nói chung vẫn có cách nhìn mang dấu ấn tiêu cực về nhau bắt nguồn từ mối thù hận lịch sử.



    Đến với con sông Mekong với tôi đã như một tiếng gọi quyến rũ _ như một cuộc trở về, để tìm tới với Biển Hồ, con sông Tonlé Sap cùng với khúc đoạn khác của con sông Mekong. Điều mà thế hệ sắp tới có thể sẽ không còn cơ hội để thấy được sinh cảnh phong phú nhưng quá mong manh của một dòng sông sẽ trở thành "con sông của quá khứ".



    ĐƯỜNG VÀO XIEM REAP

    Xiem Reap có nghĩa là "Xiêm bại trận". Là một tỉnh nhỏ đồng quê nằm phía tây bắc Biển Hồ, cảnh trí xanh tươi với những bóng dừa, cây cau, cây me và đủ các loại cây trái nhiệt đới. Nguyên là vị trí trọng yếu với các ngọn đồi chiến lược, các vua Khmer đã dựng nên khu đền đài Angkor như kinh đô từ thế kỷ thứ 9 tới thế kỷ 13, nơi đây cũng đã từng là bãi chiến trường trong suốt những năm nội chiến của mấy thập niên qua.



    Thời kỳ "sau Khmer Đỏ", Siem Reap là một thị trấn đang thức dậy vì là điểm hẹn xuất phát cho những đoàn du khách tới thăm kỳ quan Angkor _ nhất là từ khi có đường bay trực tiếp đổ du khách từ Bangkok vào Siem Reap.



    Chỉ cần giấy thông hành khi tới. Đội cảnh sát phi cảng Siem Reap có vẻ chuyên nghiệp. Cho dù với thông hành Mỹ, tôi vẫn được giữ lại khá lâu với người đại úy trưởng toán với cặp mắt thật sáng nhưng lạnh. Khi trao lại sổ thông hành cho tôi, rất nhiều ngụ ý anh nói với tôi bằng tiếng Việt rất ngắn gọn hai tiếng Cám Ơn. Và tôi hiểu rằng những ngày trên xứ Chùa Tháp với giấy tờ tùy thân gì đi nữa thì tôi vẫn thực sự mang căn cước một Người Việt. Tôi đang tìm tới với cộng đồng người Khmer, cộng đồng người Chăm mang theo cả gánh nặng quá khứ của gần ba thế kỷ.



    ĐẾN VỚI ĐẾ THIÊN ĐẾ THÍCH

    Để thăm hết các khu đền đài Angkor có lẽ du khách phải cần từ 3 ngày tới 1 tuần lễ. Vì không phải là một cuộc du lịch tới Angkor, tôi chỉ có một ngày để đến thăm một nền văn minh rực rỡ nhưng đã suy tàn của con sông Mekong.



    Năm 1943, chàng thanh niên 31 tuổi Nguyễn Hiến Lê trong dịp đi công tác cho Sở Công Chánh ở Siem Reap, đã có dịp đi thăm Đế Thiên Đế Thích và ông đã viết một Du ký ngắn về chuyến đi này.



    Hơn nửa thế kỷ sau ông, tôi đến với Angkor, đến với những khối đá khổng lồ và vô tri của Angkor nhưng được kết hợp thành một tổng thể kiến trúc hài hòa lại được tô điểm bởi vô số những tác phẩm điêu khắc hết sức tinh vi. Toàn cảnh thì đây là công trình vĩ đại của các kiến trúc sư bậc thầy, của một đội ngũ điêu khắc gia tài hoa và rất giỏi về cơ thể học. Bao nhiêu bút mực để vinh danh Michelangelo của phương Tây nhưng du khách đến với Đế Thiên Đế Thích chỉ biết âm thầm ngưỡng mộ những nghệ sĩ lớn khuyết danh và không thể không tự hỏi họ từ đâu tới và hồn họ ở đâu bây giờ. Tác phẩm của họ hoàn tất trước Michelangelo ít nhất là hàng 5 thế kỷ.



    Bình minh trên Angkor Wat là một cảnh quan tuyệt đẹp, một khúc giao hưởng tĩnh lặng kết hợp giữa thiên nhiên và kỳ tích của con người. Năm ngọn tháp vươn lên trên một nền trời từ màu xám đang dần ửng đỏ. Mặt trời lên, hàng cây thốt nốt cao đứng soi bóng như nhân chứng của ngàn năm. Sương đêm còn đọng long lanh trên những tàu lá súng trên mặt hồ. Bước lên những bực thang, đi vào khu đền đài với hàng ngàn thước đá chạm trổ như một pho sử đá cảnh trần gian, vươn lên là các tượng đá hùng vĩ uy nghi gây cảm giác choáng ngợp, để tưởng như thời gian ngưng lại cho phút trầm tư về nỗi phù du của các triều đại và kiếp người. Hướng lên những tượng Phật với ánh mắt từ bi và nụ cười bí ẩn mà thanh thoát _ với nụ cười La Joconde cô chỉ là một phó bản mờ nhạt không sao sánh được.



    Bây giờ là bình minh của trời đất nhưng lại là hoàng hôn của một nền văn minh. Không, hoàng hôn của hai nền văn minh: Angkor-Khmer và Champa. Cảm giác thật kỳ lạ vương vất khó tả khi chứng kiến đám bà sơ ngồi trên bệ đá cao của một khu thư viện hoang phế, hướng về phía mặt trời mọc cùng hát bản thánh ca hồn nhiên vô tư với thanh âm thoảng xa trong gió và trong nắng mai.



    TỪ LÀNG NỒI VIỆT NAM

    Từ Siem Reap bằng thuyền máy về hướng nam ra tới Chong Khneas hay còn gọi là Khu Làng Nổi Người Việt phía tây bắc Biển Hồ, với sinh cảnh thật phong phú của đám cư dân sống trên sông nước. Những khu làng nổi này di chuyển theo mùa, theo mực nước lên xuống.

    Do nguồn tài nguyên giàu có của Biển Hồ đã thu hút đủ sắc dân từ các nơi đổ tới và hình thành những khu làng nổi. Nếp sống ấy hầu như ít thay đổi từ hàng trăm năm nay. Họ chủ ý sống bằng nghề chài lưới, ngoài cá lưới được từ Biển Hồ còn phải kể tới nghề nuôi cá ***g, trại nuôi cá sấu, nuôi rắn, nuôi vịt, đốn củi, săn chim thú và cả vớt các loài rong tảo.



    Tới với khu làng nổi là tới với vẻ đẹp của một sinh cảnh thiên nhiên đồng lầy còn hoang dã. Bình minh hay hoàng hôn trên khu làng nổi là một trong những cảnh quan tuyệt đẹp của Biển Hồ.



    TỚI TRÀM CHIM VÙNG SINH THÁI PREK TOAL

    Từ Chong Khneas, khoảng hai tiếng đồng hồ bằng thuyền máy chạy băng băng trên Biển Hồ gió mạnh sóng khá lớn trên trời mây vần vũ có cảm tưởng như đang trên mặt biển. Băng qua Biển Hồ đi về hướng nam để tới được Prek Toal thuộc tỉnh Battambang, là khu làng nổi khác của người Khmer, nơi đây có đặt văn phòng Sở Bảo Tồn Biển Hồ / Tonle Sap Biosphere Reserve.



    Prek Toal với Tràm Chim là một trong 3 khu sinh thái của Biển Hồ, là nơi tụ hội đông đảo của một số loài chim hiếm quý. Từ xa trên Biển Hồ, đã thấy bay lượn những đàn chim nước lớn nhỏ đủ loại.



    Như một hiện tượng thiên nhiên kỳ diệu, diện tích Biển Hồ co dãn theo mùa. Là hồ cạn với diện tích 2,500 km2 mùa khô, tới mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 tháng 7, do nước con sông Mekong dâng cao, tạo sức ép khiến con sông Tonlé Sap phải đổi chiều, chảy ngược vào Biển Hồ, khiến nước hồ dâng cao từ 8 tới 10 mét và tràn bờ làm tăng diện tích Biển Hồ lớn gấp 5 lần.



    Tháng 10 năm 1997, Biển Hồ được UNESCO công nhận là Khu Bảo Tồn Sinh Thái. Biển Hồ được chia ra làm 3 khu: khu trung tâm (core), khu đệm (buffer), và khu chuyển tiếp (transition). Mục đích lâu dài là bảo vệ các khu trung tâm để tương lai sẽ trở thành công viên quốc gia. Ba khu trung tâm của Biển Hồ có giá trị bảo tồn rất cao là: Prek Toal, Boeng Tonle Chhmar, Stung Sen.



    Với hệ sinh thái hết sức đa dạng bao gồm những con suối, những hồ, các cánh đồng lũ, các loại thảo mộc đất sũng. Tất cả kết hợp tạo thành một hệ thủy học duy nhất của Biển Hồ, nuôi dưỡng một quần thể sinh học phong phú bao gồm vô số loại cá, các loại chim nước, các loài bò sát, loài lưỡng cư, các động vật có vú, các rong tảo và vi sinh vật.



    Rừng lũ đóng một vai trò sinh tử để nuôi dưỡng và tái sinh các nguồn sinh vật - có tác dụng cộng sinh hỗ tương như một chuỗi thực phẩm khổng lồ .



    Riêng về cá, có tới hơn 200 loại cá trong đó bao gồm hơn 70 loại có giá trị dinh dưỡng và thương mại lớn. Cá đánh được chỉ riêng ở Biển Hồ đã chiếm tới hơn 60% tổng số cá nước ngọt của Cam Bốt. Mối e ngại hiện nay là số lượng cá ngày một sút giảm, số cá lớn cũng ngày một ít đi.



    Riêng về các loài chim, do nguồn thức ăn vô cùng phong phú, cộng thêm với sinh cảnh đồng lầy và rừng lũ rất biến thiên , tạo nên vùng cư trú lý tưởng cho vô số loài chim nước. Khảo sát sơ khởi cho thấy có hàng trăm loại chim trong số đó có 12 loại được coi là hiếm quý đối với thế giới.



    Rừng lũ Biển Hồ còn là sinh cảnh cho các loại bò sát, có vú: 23 loại rắn, 13 loại rùa, 1 loại cá sấu, vượn, khỉ, mèo báo, rái cá ...

    Bây giờ là giữa tháng 12, mực nước xuống thấp. Những búi rác khô vướng trên cành cao cho thấy mực nước đỉnh lũ cách đây 3 tháng phải cao tới hơn 3 mét. Giữa các chòm cây, không có lấy một đường nước quang đãng. Chỉ thấy nhấp nhô các bụi cây thấp. Một chiếc ghe tam bản nhỏ có lẽ là thích hợp để di chuyển trong khu rừng lũ. Chỉ có tôi là người Việt, với ba người Khmer trên một chiếc thuyền máy khá lớn [vốn để đi trên Biển Hồ] giữa mênh mông khu rừng lũ. Cứ chạy được một đoạn, chiếc ghe khựng lại do cánh quạt bị quấn đầy những dây nhợ và các bụi cây nhỏ. Mỗi lần như vậy thì tài công và người phụ máy lại bì bõm nhảy xuống nước loay hoay tháo gỡ. Cả hai lộ vẻ bực bội và mất kiên nhẫn. Giữa rừng lũ không phương hướng, dưới bầu trời nắng gắt là những cánh chim bay lượn, đi tới hay quay trở về_ không biết quyết định nào là đúng. Nhưng rồi cuối cùng thì chiếc ghe máy cũng tới được trung tâm Tràm Chim.



    Do có báo trước, Meas Rithy có ý chờ đón tôi. Meas chưa tới 30, tốt nghiệp về Lâm Nghiệp Đại học Phnom Penh, từ ngày ra trường được bổ nhiệm làm Trưởng Trạm Prek Toal. Vì thường xuyên tiếp xúc với các viên chức UNESCO, Meas nói tiếng Anh lưu loát. Meas dành cho tôi một briefing ngắn gọn để hiểu hơn về tràm chim và khu bảo tồn Prek Toal; quan trọng hơn là sau đó Meas giúp tôi một chuyến quan sát thực địa có hướng dẫn.



    Meas chỉ cho tôi một cái chòi buộc cheo leo trên ngọn cây cao. Phải leo lên bằng nhiều bực thang dây đu đưa. Chòi nhỏ chỉ đủ treo 1 chiếc võng và sàn đứng là những thân cây xếp ngang buộc bằng dây trạo. Có lẽ đây là điểm cao nhất để có cái nhìn toàn cảnh tràm chim. Từ đây bằng ống nhòm có thể nhìn ra từng lùm cây xa, với vô số chim lớn nhỏ đậu từng chùm. Chúng gồm nhiều chủng loại, nhưng chung sống hòa bình - Meas thích thú nói với tôi như vậy. Chúng cùng làm tổ và đẻ trứng chi chít trên đó. Meas giảng cho tôi đặc tính của một số loài chim. Meas nói thêm, thời gian lý tưởng để thăm tràm chim là từ tháng Giêng đến tháng Ba cũng là mùa nước cạn, rừng lũ trở thành vùng đất bùn với rất nhiều vũng và các hồ cạn với ê hề tôm cá, cũng là thời gian để các loài chim muông tụ về đây nhiều vô kể - sinh cảnh ấy chắc phải vượt xa cuốn phim kinh dị về chim của Hitch**** - như một kỳ quan môi sinh.



    Sau đó tôi và Meas bước xuống xuồng tam bản với một người chèo để tới gần hơn với từng vòm cây và đám chim muông. Con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên mặt nước giữa vẻ đẹp hoang sơ và trinh nguyên của rừng lũ. Ghe dừng lại từng chặng để tôi có thể quan sát gần từng loại chim khác nhau như: Spot-billed Pelican (chim bồ nông mỏ đốm), Oriental Darter (bồ nông cổ rằn Đông phương), Black Necked Stork (sếu cổ đen), Milky Stork (sếu sữa), Grey-headed Fish Eagle (chim ưng đầu xám)... có 12 loại được kể là hiếm cần bảo tồn.



    Trên vòng về, được biết thêm về cuộc sống Meas. Lương 15 đôla một tháng không đủ sống nhưng anh vẫn say mê công việc bảo vệ rừng lũ và đám chim muông. Anh không hay biết gì về chuỗi những con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam và cả tình huống nếu mực nước Biển Hồ xuống thấp 1 mét thì hậu quả tức thời là sẽ mất đi 2.000 Km2 diện tích rừng lũ_ dĩ nhiên có Khu Bảo Tồn Prek Toal. Meas không có được tầm nhìn xa hơn tràm chim của anh và chỉ ôm ấp một giấc mộng con, mong ước sao có được mối quen biết để có cơ hội đi học thêm nhất là ở Mỹ.



    JAYAVARMAN VII SIEM REAP

    Thời gian còn lại ở Siem Reap, tôi tới thăm bệnh viện Jayavarman VII, là bệnh viện nhi đồng mới được Sihanouk và Hunsen cắt băng khánh thành năm 1999. Đây là bệnh viện thứ ba, hai bệnh viện kia là Kantha Bopha I và II ở Nam Vang. Beat Richner, giám đốc cả 3 bệnh viện không chỉ là một bác sĩ Nhi khoa, ông còn là nhạc sĩ cello chơi nhạc Bach có hạng. Richner, người sáng lập và điều hành cả ba nhà thương Nhi Đồng và là một khuôn mặt huyền thoại.



    Gốc Thụy Sĩ, từng là bác sĩ điều trị trong một bệnh viện Nhi Đồng ở Nam Vang từ 1974/75 cho tới khi Khmer Đỏ tiến chiếm thủ đô. Năm 1991, Richner được Sihanouk yêu cầu giúp phục hồi bệnh viện Nhi Đồng này. Năm 1992, bệnh viện Kantha Bopha bắt đầu tái hoạt động. Năm 1996, thêm một bệnh viện Kantha Bopha II được khánh thành cũng ở Nam Vang. Ba năm sau khánh thành thêm một bệnh viện ở Siem Reap-Angkor: bệnh viện Jayavarman VII , với cái tên chọn đặt bao hàm một nội dung lịch sử.



    Jayavarman là tên vị vua anh hùng cuối cùng của triều đại Khmer-Angkor thế kỷ 12, có công mở mang bờ cõi vương quốc rộng lớn nhất, không chỉ xây dựng các khu đền đài kỳ vĩ nổi tiếng như Bayon, ông còn quan tâm tới các công trình công ích như mở mang đường sá, xây cất rất nhiều dưỡng đường và các bệnh viện.



    Mọi điều trị trong bệnh viện Jayavarman VII rất tiêu chuẩn, tất cả đều miễn phí cho trẻ em nghèo Cam Bốt. Bệnh viện còn là nơi giảng dạy và thực tập cho sinh viên y khoa và các nội trú. Để điều hành ba bệnh viện, mỗi năm cần tới 9 triệu đôla do tặng dữ của tư nhân chủ yếu từ dân chúng Thụy Sĩ. Bác sĩ Richner cứ 3 ngày ở Nam Vang, 3 ngày cuối tuần ở Siem Reap. Cho dù vô cùng bận rộn nhưng mỗi tối ngày thứ Bảy bao giờ cũng có một buổi hòa nhạc Bach ở bệnh viện. "Beatocello in Concert" do chính Richner trình diễn để gây quỹ nhưng vào cửa thì tự do. Tới tham dự phần đông là du khách ngoại quốc đang tới viếng thăm khu đền đài Angkor.



    Giữa một thị trấn nhỏ, không xa Đế Thiên Đế Thích, trong khí hậu của lục địa Á Châu Gió Mùa, cảm giác thật kỳ lạ khi thả mình trong dòng nhạc Bach qua tiếng đàn cello của người bác sĩ nhi khoa tên Richner để thấy rằng không còn giới hạn Đông và Tây như Kipling thường nói, bây giờ thì con sông Mekong như đã hòa lẫn vào dòng sông Danube. Người thầy thuốc nghệ sĩ ấy đã đưa nhạc Bach đầy tiết tấu và trí tuệ vào các khu đền đài của Châu Á. "Bach At The Pagoda" với những nốt nhạc còn vang xa, vươn xa tới cả Những Cánh Đồng Chết để xoa dịu vỗ về và là nguồn an ủi.



    Rời bệnh viện Siem Reap sạch sẽ khang trang, với hình ảnh những bà mẹ Khmer tin tưởng ôm con từ ngoài cửa đi vào, cùng một lúc hừng lên trong nắng mai trên cao nơi mái ngói đỏ là tượng Jayavarman VII hao giống đầu tượng Phật, với cạnh đó là một câu trích dẫn với ẩn dụ đầy ý nghĩa: Les souffrances des peuples sont les souffrances des rois_ Nỗi thống khổ của thần dân cũng chính là nỗi đau của đấng quân vương_ Jayavarman VII. Vua Sihanouk của một thời sắp qua, "Vua Hunsen" của thời đại mới có cảm nhận được niềm đau nào không của những người Khmer sống sót đi ra từ Những Cánh Đồng Chết.



    Richner gợi nhớ về hình ảnh một Schweitzer chăm sóc những người cùi ở Lambaréné Phi Châu và cũng là một nhạc sĩ nhưng trước Richner hơn nửa thế kỷ.



    Phần ngày còn lại, tôi cũng tới thăm Trại Nuôi Cá Sấu cách trung tâm thị trấn 2 Km. Trại nuôi cá sấu thì đâu có gì lạ nhưng do chuyện kể kinh hoàng không thể tin là có thật, thời Pol Pot lính Khmer Đỏ đã ném các nạn nhân còn sống xuống hồ cho đàn cá sấu xúm vào ăn thịt. Bây giờ trại chủ yếu nuôi sấu bán sang Thái Lan với giá 2,000 đôla/con để lấy da. Cảnh cá sấu ăn thịt người thì không thấy nhưng chỉ riêng cảnh cho cá sấu ăn bình thường hàng tuần mỗi thứ sáu cũng đã khiến cho người xem phải lên ruột.



    NAM VANG: CÂU LẠC BỘ KÝ GIẢ NGOẠI QUỐC

    FCC / Foreign Correspondents? Club, rất quen thuộc với các nhà báo trong những năm chiến tranh, nằm trên đường bờ sông Preah Sisovath, là một khu nhà lầu 3 tầng kiến trúc từ thời Pháp. Nơi cho các nhà báo ngoại quốc tạm ghé qua và có dịp gặp gỡ nhau.



    Cho dù 3 ngày trước đó từ Siem Reap đã điện thoại giữ chỗ trước và được hứa hẹn có xe đón tại phi trường. Nhưng rồi đã không có xe đón, phải thuê taxi về Câu Lạc Bộ và rốt cuộc cũng không có buồng trống.



    Không quá giàu tưởng tượng, nhưng tôi hiểu rằng Nam Vang không phải là một nơi 100% an toàn đối với khách ngoại quốc. Chọn leo lên lưng một chiếc Honda ôm hay bước vào một chiếc taxi-chui không bảng hiệu là không biết được đưa về đâu. Bởi vì cướp có vũ trang vẫn thường xảy ra. Cũng đã có lời khuyên cho du khách là ở tình huống nào thì cũng không bao giờ nên chống cự, chỉ nên giơ tay đầu hàng để bọn cướp lấy gì thì lấy, chủ yếu là tiền. Thẻ tín dụng hay passport thường được ném trả lại sau đó. Trước cửa FCC lúc này là đám lái xe Honda ôm, hỗn hào tranh giành khách với nhao nhao những câu hỏi như chỉ để đánh giá con mồi: You are Chinese, you are Thai, you are Japanese? Thấy bên cạnh FCC là một quán Café Internet, tôi trả lời là chỉ cần vào Internet và đã có phòng khách sạn. Để từ đây tôi có thể mượn phone liên lạc với người tài xế Taxi vừa đón tôi từ phi trường. Với một chiếc taxi có bảng hiệu, tài xế có tên và số Hand Phone lại biết chút tiếng Anh, thì cũng là một chọn lựa tương đối an toàn. Sok Thon, tên người tài xế, qua điện thoại anh ta nhận ra tôi ngay, đáp ngắn gọn: No Problem và hứa trở lại đón.



    ANH TÀI XẾ "NO PROBLEM"

    Nửa giờ sau, Sok Thon vào đón tôi từ trong quán Café Internet và giúp đem hành lý ra xe. Taxi là một chiếc Camry cũ có máy lạnh. Tôi ngỏ ý muốn tìm một khách sạn cỡ FCC và có tầm nhìn ra bờ sông. No Problem. Anh luôn luôn trả lời đầy vẻ tự tin như vậy. Anh đưa tôi tới Sunshine Hotel, vẫn trên đường bờ sông, kế bên khách sạn Indochine. Chủ nhân người Hoa. Phòng trên lầu 4, cửa sổ nhìn ra con sông Tonlé Sap xuôi chảy về Quatre Bras trước Hoàng cung.



    Sự tắc trách của FCC lại giúp tôi cơ may tìm được người tài xế như bạn đồng hành mà tôi cần. Sok Thon 100% người Khmer, 10 năm lái taxi với tiếng Anh không cần văn phạm nhưng ngữ vựng đủ để hai người hiểu nhau và anh lại là người rất xính nói tiếng ngoại quốc kể cả vài câu tiếng Pháp.



    Nửa ngày đầu ở Nam Vang, sau khi check-in vào khách sạn, việc đầu tiên là đến một hiệu sách lớn Monument Books trên đại lộ Norodom mua tấm bản đồ cập nhật xứ Chùa Tháp có thêm bản đồ chi tiết thủ đô Nam Vang và cả kiếm mua mấy tờ báo Phnom Penh Post, Cambodia Daily tiếng Anh và thêm tờ báo tiếng Pháp Cambodge Soir ra buổi chiều.



    Sau khi định hướng trên bản đồ, tôi chủ động bảo Sok Thon đưa đi thăm từng địa danh chính của Nam Vang: đến với cây cầu Chruoy Changvar, đài Chiến Thắng Việt Nam Cam Bốt, cầu Monivong, khu người Chăm người Việt bên bờ sông Bassac và cả nơi vừa xảy ra hai đám cháy... đủ chụp hai cuộn phim trong bước đầu thăm viếng.



    CẦU CHRUOY CHANGVAR VÀ THE KILLING FIELDS

    Còn có tên là cây Cầu Hữu Nghị Nhật Bản, là "cây cầu lịch sử" dài 700m bắc ngang sông Tonlé Sap đông bắc Nam Vang, đường đi Kompong Cham. Chiếc cầu rất nổi tiếng này đã bị giật sập trong cuộc giao tranh dữ dội năm 1975 _ biểu tượng cho sự tàn phá của đất nước Cam Bốt cũng là bối cảnh của phim The Killing Fields khi quân Khmer Đỏ vào tiến chiếm Nam Vang. Đây cũng là nơi Sydney Schanberg ký giả New York Times, John Swain ký giả người Anh báo Sunday Times và 3 người khác bị quân Khmer Đỏ bắt và suýt bị xử bắn. Họ được ***h Pran viên thông dịch của Schanberg can đảm và lanh trí cứu sống trong gang tấc. Câu chuyện nghẹt thở này cũng được John Swain kể lại một cách chi tiết trong cuốn sách River Of Time xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1997. Mãi 18 năm sau, chiếc cầu mới được Nhật giúp tái thiết (1993) với tổn phí lên tới 23.2 triệu đôla không bồi hoàn.



    CẦU MONIVONG VÀ HAI ĐÁM CHÁY KHẢ NGHI

    Còn gọi là Cầu Việt Nam, bắc ngang sông Bassac đông nam Nam Vang theo quốc Lộ 1 đi Sài Gòn 220 Km. Đây cũng là cây cầu lịch sử diễn ra những trận pháo và cả những trận đánh kinh hoàng trước khi thủ đô Nam Vang nằm trong tay quân Khmer Đỏ.



    Dọc bờ sông Bassac không xa chân cây cầu là ngổn ngang những khu nhà ổ chuột mà đám cư dân đa số là gốc Việt.



    Nơi đây lại mới được báo chí nhắc tới qua 2 vụ cháy lớn vừa xảy ra vào ngày 26 và 27 tháng 11 năm 2001. Vụ cháy thứ nhất gần khu Nhà hát Bassac, thiêu rụi hơn 2200 căn nhà. Vụ cháy thứ hai xảy ra buổi tối ngày sau nơi khu Chhbar Ampoe bên kia cầu Monivong thiêu hủy hơn 1000 căn nhà khiến một người bị chết cháy. Biến cố xảy ra trùng hợp với cuộc viếng thăm của Chủ tịch Việt Nam Trần Đức Lương. Theo tin AFP 06/12 thì các giới chức ngoại giao Tây phương tin rằng cả hai vụ cháy có ý nghĩa như một thông điệp (?) gửi tới Hà Nội.



    Một số nạn nhân trong vụ cháy ở Chhbar Ampoe cả quyết rằng nhà họ bị đốt. Theo một nhân chứng xin được dấu tên nói với ký giả Phnom Penh Post "Trong bóng đêm, chính mắt tôi thấy bó đuốc từ một con thuyền máy chạy nhanh từ ngoài sông tung vào, trúng túp lều của ông Thanh và bốc cháy". Thanh là tên nạn nhân bị chết cháy...



    Khi tôi tới thăm hiện trường 2 đám cháy, còn ngửi thấy mùi than khét với ngổn ngang những mảnh vụn gạch vữa, các xà gỗ cháy dở dang, vài miếng tôn cũ cháy đen cong queo, các cây dừa chỉ còn đứng trơ thân nám và đã cháy rụi hết lá. Các gia đình nạn nhân thì đã được tống lên xe đưa ra xa ngoài thủ đô, trên cảnh đổ nát ấy chỉ còn thấy vài ba con chó hoang không biết kiếm thức ăn gì trong đống tro than ấy.



    "Tai Nạn hay Bị Đốt", thì cũng sự đã rồi, việc giúp đỡ các nạn nhân lại thuộc trách nhiệm của các cơ quan ngoại quốc. Theo ước tính của Trung Tâm Tái Định Cư Liên Hiệp Quốc / UNCHS thì có khoảng 16,500 người chịu cảnh màn trời chiếu đất sau 2 vụ cháy. Chính quyền đã di chuyển ngay số nạn nhân ra khỏi thủ đô. Các tổ chức phi chính phủ NGOs thì chỉ trích phản ứng vội vã của chính quyền Nam Vang khi đưa các nạn nhân tới một nơi không có chút tiện nghi sinh hoạt: không có đường xá và nằm trên một cánh đồng lũ thấp. Các chuyên viên cứu trợ ngoại quốc cho rằng cả hai khu đều hoàn toàn không thích hợp cho việc tái định cư và phải cần ít nhất là sáu tháng tu bổ chỉnh trang trước khi đưa dân tới.



    Đã từ lâu chính quyền Nam Vang không hề giấu diếm kế hoạch muốn khai quang các khu gia cư hỗn độn thiếu vệ sinh trong thủ đô, dọc theo bờ sông Bassac xuống tận phía nam cây cầu Monivong với đám dân nghèo trong các xóm nhà lá này - đa số là người Việt, vẫn được xem như là dân chiếm đất bất hợp pháp.



    Peter Swan, thuộc Nhóm Giảm Nghèo Đô Thị Nam Vang nhận định rằng khi các nạn nhân không có công ăn việc làm nơi tái định cư thì sớm muộn họ cũng tìm cách bỏ đi.



    Trải qua bao nhiêu bước thăng trầm trên đất nước Cam Bốt, đám người Việt tha phương này lúc nào cũng chỉ là một thứ "công dân hạng hai" trên xứ Chùa Tháp.



    ĐƯỜNG SỐ 5: KHU KỸ NGHỆ TONLÉ SAP

    Lúa gạo và cá là xương sống của nền kinh tế Cam Bốt từ bao thế kỷ. Giấc mơ kỹ nghệ hóa là bước phát triển tiếp theo kể từ khi có hòa bình. Điển hình là theo con đường số 5 dọc bờ sông Tonlé Sap các khu kỹ nghệ mọc lên: các nhà máy hóa chất, nhà máy rượu, các nhà máy cưa, khu kỹ nghệ bông vải và may mặc ...



    Sok Thon giải thích sở dĩ khu kỹ nghệ lập bên sông là để dễ có nguồn nước cung cấp cho các nhà máy. Nhưng đồng thời tôi cũng phải hiểu thêm con sông Tonlé Sap dần đà trở thành cống rãnh cho các chất thải kỹ nghệ hoặc sẽ được đưa đẩy lên Biển Hồ trong mùa mưa và đổ xuống ĐBSCL trong mùa khô. Khi mà độ ô nhiễm con sông Tonlé Sap chưa tới "ngưỡng tử vong" thì vẫn còn những đợt cá từ Biển Hồ xuống ĐBSCL nhưng sẽ không còn là ?những con cá sạch? mà đã trở thành một nguồn cá bị ô nhiễm.



    ĐƯỜNG ĐI KOMPONG CHHNANG - TỚI VỚI BIỂN HỒ

    Năm 1975 trên con đường số 5 này, từng đoàn người lũ lượt với hai bàn tay trắng bị đuổi ra khỏi thủ đô Nam Vang để đi về những Cánh Đồng Chết. Là một trong những quốc lộ chính chạy dọc theo bờ nam con sông Tonlé Sap tới tỉnh Kompong Chhnang lên Biển Hồ, tới Chhnok Tru_ khu làng nổi chuyên nghề đánh cá với rất đông người Việt.



    Đúng là ngày hành hạ chiếc xe Camry và cả sống lưng của khách ngồi trong đó vì tình trạng con đường số 5 quá tồi tệ. Đá răm, ổ gà và cả những khúc đường vỡ lầy lội. Những lỗ lớn trên đường theo Sok Thon là do những trái pháo trong thời kỳ giao tranh với Khmer Đỏ. Sau đó chỉ được lấp bằng đất tạm thời rồi những bánh xe tải nặng lại đào lên những lỗ lớn hơn và sâu hơn. Theo Bộ Công Chánh, thì trước chiến tranh Cam Bốt có 34, 000 Km đường trải nhựa, bây giờ chỉ còn vỏn vẹn 350 Km. Mới đây, Hunsen đã làm một màn trình diễn khá ngoạn mục: dồn hết các bộ trưởng trong nội các lên một xe bus, bắt họ phải chịu đựng các đoạn đường đầy ổ gà xấu nhất của Cam Bốt đồng thời nhiếc móc họ về tình trạng trì trệ không thể chấp nhận được. Hunsen là một chính trị gia khôn ngoan, bởi vì cải thiện giao thông nhanh là cách thu hút phiếu hiệu quả nhất cho đảng cầm quyền trong kỳ bầu cử vào tháng 2 năm tới.



    Sok Thon giải thích với tôi: Kompong có nghĩa là Bến sông. Chhnang là đồ gốm đồ sành. Kompong Chhnang là tỉnh làm đồ gốm đồ sành nằm cạnh bến sông Tonlé Sap. Đúng với tên gọi, hai bên đường có bầy bán đủ loại hũ chậu nồi niêu bằng đất nung. Trải dài ra chân trời xa là những cánh đồng lúa, luôn luôn có vươn lên những hàng cây thốt nốt mà mỗi thân cây còn mang nguyên những vết thương miểng đạn của một thời chinh chiến; có cây bị cắt đứt ngọn chỉ còn trơ lại phần thân cây đen xám. Từ các con đường làng đi ra, không phải là hiếm thấy những người dân quê cụt chân chống nạng_ đa số là nạn nhân của mìn bẫy còn vương vãi trên khắp đất nước Cam Bốt.



    Bây giờ trước mắt là cái giá phải trả cho những chiếc xe chạy trên con lộ xấu: trên đường rải rác vài chiếc xe bị xẹp bánh vì những tảng đá sắc. Chiếc Camry cũ kỹ của chúng tôi cũng không may mắn hơn gì. Một bánh sau bị xẹp khi vừa tới ranh thị trấn Kompong Chhnang. Lỗ thủng quá lớn để có thể vá nhưng cũng chỉ cần 10 phút sau, anh tài xế đã một mình thay xong chiếc bánh secours.



    Mới bắt đầu cuộc hành trình, với 4 chiếc bánh xe cũ kỹ lại không còn bánh secours trên con đường quê xấu xí vẫn đầy ổ gà và đá răm, rồi sao nữa nếu thêm một bánh xe bị xẹp. Tôi bầy tỏ mối quan ngại ấy nhưng với anh tài xế thì vẫn cứ trả lời là "No Problem". Quả là không sao với Sok Thon vì anh ấy là người Khmer, nhưng riêng tôi thì hoàn toàn không muốn cảnh bất đắc dĩ phải qua đêm trong một khu làng Miên xa xôi hẻo lánh với căn cước là một người Việt.



    Rồi anh ta vẫn cứ trực chỉ lên đường, khúc đường trước mặt vẫn lởm chởm đầy đá và bụi. Sok Thon như một sĩ quan ban Ba, anh tận tụy không nề hà thiệt hơn và muốn thực hiện cho bằng được kế hoạch hành quân mà tôi đề ra. Chính tôi lại là người phải kìm hãm anh ta. Tôi bảo anh chiếc Camry là để chạy trong thành phố không phải là xe Jeep, anh không thể "lái hung hãn" như vậy được. Nhưng anh vẫn cả quyết là không sao.



    Chhnok Tru cách Kompong Chhnang 36 cây số đi vào bằng con đường đất đá nhỏ hơn. Đó là một khu làng nổi trên cửa sông Tonlé Sap và Biển Hồ dân cư sống bằng nghề chài lưới. Nơi chung sống của nhiều sắc dân, đông nhất là người Việt, rồi tới người Chăm và người Khmer. Cũng dễ nhận ra họ qua diện mạo và sắc phục. Phụ nữ Việt thì vẫn bận áo bà ba, vẫn nói tiếng Việt giọng Nam từ thuyền nọ sang thuyền kia vang vang trên mặt sông lạch.



    Tài công thuê được sáng nay là một cậu bé Khmer 12 tuổi thành thạo lái chiếc thuyền đuôi tôm đưa tôi và Sok Thon chạy len lách giữa những khu nhà nổi. Có lẽ do nguồn cá phong phú của Biển Hồ, mực sống của cư dân nơi đây nói chung cao hơn hẳn những người Việt sống trong các khu ổ chuột ở Nam Vang. Những nhà nổi khang trang, trên nóc có những cột ăngten truyền hình. Trước một số nhà có trang trí những chậu hoa giấy đỏ hay cúc vàng. Ngoài nhà ***g nuôi cá, họ còn nuôi thêm chó và gà vịt. Tôn giáo thì đa dạng: có cả khu Nhà Thờ nổi Công giáo "An Tôn" và Chùa Phật "Quan Thế Ấm" cho người Việt. Sinh hoạt buôn bán trên sông nước không thiếu những bảng hiệu tiếng Việt: Tiệm Cắt Tóc, Tiệm Sửa Đồng Hồ... Những người Việt ở đây có vẻ tự tin sống hiên ngang với căn cước của họ cho dù trong quá khứ không thiếu những tang tóc đã đổ lên đầu họ dưới thời Lol Nol và Pol Pot.



    KOMPONG CHAM JAPANESE BRIDGE

    Trước khi tới Nam Vang, tôi cũng được biết Nhật đang giúp xây cây cầu đầu tiên của Cam Bốt bắc ngang sông Mekong nơi tỉnh Kompong Cham, cầu có chiều dài 1.4 Km với tổn phí lên tới 56 triệu đôla. Cây cầu sẽ mở đường sang các tỉnh phía đông và đông bắc Cam Bốt và cũng là điểm nối quan trọng cho siêu xa lộ đầu tiên nối liền Bangkok - Nam Vang sang tới Sài Gòn.



    Công trình được khởi công từ 1998. Quá trình xây dựng hơn 3 năm. Nay tới với cây Cầu Nhật - Kompong Cham đẹp lộng lẫy vừa hoàn tất. Cầu mới được Hunsen khánh thành ngày 4 tháng 12 năm 2001. Không phải chỉ có tôi, anh tài xế Sok Thon cũng háo hức muốn được lần đầu tiên tận mắt thấy vóc dáng cây cầu mới ấy.



    Khởi hành từ sáng sớm, Đường số 7 lên Kompong Cham có lẽ là đoạn đường trải nhựa tốt nhất của Cam Bốt. Kompong Cham là thành phố giang cảng lớn thứ ba với tài nguyên phong phú là cao su, lúa gạo và cây trái. Là vùng đất tốt và phì nhiêu với hai bên đường là mênh mông những thửa ruộng lúa vàng. Rải rác đã có vài ba toán gặt lúa sớm bằng tay. Nổi trên nền trời xanh luôn luôn là những thân cây thốt nốt cao thấp như nét đặc thù cảnh đồng quê xứ Chùa Tháp. Bên ruộng lúa thỉnh thoảng lại có xen vào một hồ sen với những tàu lá xanh bông đỏ. Làng mạc gồm những khu nhà sàn để thích nghi với mùa mưa lũ. Những mái Chùa Tháp, kiến trúc rất khác với những ngôi chùa Việt Nam. Trong một đất nước Cam Bốt mà đạo Phật Tiểu Thừa được coi như quốc giáo, chùa chiền hiện diện khắp nơi. Nhưng tới thời Khmer Đỏ thì tình hình đã hoàn toàn đổi khác. Do cuồng vọng tiến tới một xã hội cộng sản nguyên thủy trong đó mọi người đều phải làm việc thì giới sư sãi bị coi là bọn ăn bám. Và hậu quả là chỉ sau 44 tháng dưới chế độ Khmer Đỏ, từ con số 60,000 sư sãi chỉ còn chưa tới 1,000 sống sót để trở lại những ngôi chùa đổ nát được dùng làm kho chứa, nhà giam và cả nơi hành quyết.



    Sau Những Năm Số Không, đối với những người Khmer sống sót thì việc trở về dưới bóng từ bi của Đức Phật là bước rũ bỏ cơn ác mộng và tìm được nguồn an ủi cho đời này và cả hy vọng giải thoát cho những kiếp sau.



    NHỮNG CẤY THỐT NỐT BÊN HỒ SEN

    Tôi dành những ngày giờ cuối cùng trước khi rời Nam Vang để đến thăm Olympic Stadium và Viện Bảo tàng Tuol Sleng.



    Sân Vận Động nằm gần 2 đại lộ Sihanouk và Monireth, từng là nơi tập trung các cuộc biểu tình xuống đường vĩ đại vào thập niên 70 của chánh quyền Lon Nol phát động chiến dịch toàn quốc chống Việt Nam, đây cũng là nơi bao nhiêu nạn nhân bị Khmer Đỏ hành quyết. Bây giờ nơi đây chỉ thuần là một sân vận động đang được chỉnh trang và mở rộng với cả hồ bơi tiêu chuẩn thế vận để đón cả du khách.



    Viện Bảo Tàng Tuol Sleng đối với thế giới như biểu tượng tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ. Như một cái tên định mệnh, theo từ điển tiếng Khmer thì Tuol Sleng có nghĩa như một Ngọn Đồi Độc Dược. Nguyên là một trường trung học hiền lành giữa phía nam thủ đô Nam Vang được biến cải thành trại giam S-21 nơi tra tấn. S-21 được bao bọc bởi hai hàng rào sắt và chằng chịt dây kẽm gai có dẫn điện cao thế để ngăn không cho một tù nhân nào trốn trại. Bên trong, mỗi phòng học được biến thành phòng giam với cửa sổ có chấn song sắt và rất dầy dây kẽm gai. Tên trùm nhà giam S-21 là Kang Kek Ieu nguyên nhà giáo dạy toán có biệt danh là Đồng chí Duch. Những lính canh trại giam là đám trai gái tuổi từ 10 tới 15 ngu dốt nhưng được Khmer Đỏ nhồi sọ để trở thành những tên hết sức quá khích và cực kỳ hung bạo. Và điều kỳ lạ là sự chu đáo của các hồ sơ lưu trữ của bọn cai ngục Tuol Sleng: các nạn nhân mới tới đều được lăn tay chụp hình và phải làm tờ khai lý lịch chi tiết từ lúc sinh ra cho tới khi bị bắt. Vô số những bức hình nạn nhân chụp với tư thế tay bị trói khuỷu sau lưng, khuôn mặt bị tra tấn xưng vều, từ hai hốc mắt toát ra vẻ kinh hoàng khôn tả. Rồi là hình những xác nạn nhân chết ở những tư thế khác nhau trên các vũng máu loang. Tưởng như vẫn còn mùi máu tanh tưởi, những tiếng la thét đâu đây trong những khu phòng giam trống trải lạnh lẽo với thời gian thì như đã lùi về một thời hoang sơ thái cổ. Bản đồ đất nước Cam Bốt trong 4 năm ấy được ghép bằng Sọ Người với những Con Sông Máu.

    Ra khỏi cổng trại Tuol Sleng với những bước chân và trái tim nặng trĩu, tôi tự nhủ nếu là ngày đầu tiên tới Nam Vang tới Tuol Sleng tôi sẽ không lưu lại thêm một ngày nào nữa trên đất nước Cam Bốt.



    Ngồi trên chuyến bay rời phi trường quốc tế Pochentong, nhìn xuống thủ đô Nam Vang, nhìn xuống con sông Mekong nơi Quatre Bras trước Hoàng cung, hình ảnh đẹp đẽ cuối cùng mà tôi muốn giữ lại trong trí tưởng về đất nước Cam Bốt đó là hàng cây thốt nốt với thân cây còn lỗ chỗ vết đạn nhưng vẫn đứng thẳng vươn lên trời xanh từ bên bờ một ruộng sen ngát hương với nở rực những bông sen hồng và trắng.



    Vẫn có đó những bình minh và hoàng hôn trên sông Mekong, vẫn có đó vẻ đẹp tráng lệ và huy hoàng của trời và đất cho dù qua bao đổi thay, bao cuộc chiến tranh trong nỗi u mê của con người. Chuyến đi càng củng cố thêm mối e ngại của tôi về những bước suy thoái của con Sông Mekong.



    Ngô Thế Vinh

    Siem Reap - Phnom Penh

    Kampong Chhnang - Kompong Cham

    12 / 01



    nghe rơi bao lá vàng
    ngập giòng nước sông Seine
    mưa rơi trên phím đàn
    chừng nào cho tôi quên
  2. Toet

    Toet Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/02/2002
    Bài viết:
    1.179
    Đã được thích:
    0
    Bác VNHL quyết tâm thám hiểm đất nước chùa tháp qua trải nghiệm của người khác ha bác?
    Hị hị, bác lại e ngại tàn dư của PolPot - kẻ đã tiêu biến thành tro rùi?
  3. vietnamoffroad

    vietnamoffroad Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/05/2002
    Bài viết:
    19
    Đã được thích:
    0
    Hôm nay tôi đọc bài viết này cùng với một người anh đã từng là lính tình nguyện Việt Nam. Gợi nhớ lại những kỷ niệm kinh hoàng của lịch sử, có lẽ đất nước mà tôi thề sẽ không bao giờ đặt chân tới là Cambodia. Bạn tôi là bác sĩ tình nguyện của Cộng hoà Pháp tại Laos đã làm một chuyến du lịch xuôi dòng Mékong từ Paksé (Laos) về tới Sài Gòn năm 1970 và đã chứng kiến vô số xác người Việt trôi cùng dòng sông về đất mẹ. Các bạn nghĩ gì?
  4. VNHL

    VNHL Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/07/2001
    Bài viết:
    1.764
    Đã được thích:
    0
    Quá khứ nên khép lại, bác vietnamoffroad ạ. Oan oan tương báo đến bao giờ mới dứt.
    Em Toet bao giờ đi Cambodia đấy?

    nghe rơi bao lá vàng
    ngập giòng nước sông Seine
    mưa rơi trên phím đàn
    chừng nào cho tôi quên
  5. Toet

    Toet Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/02/2002
    Bài viết:
    1.179
    Đã được thích:
    0
    vietnamoffroad ám ảnh cũng phải thôi. Hình ảnh cả một dòng sông xác đồng bào mình trôi nổi thế. Thật là khủng khiếp!
    Nhưng đúng như VNHL nói, lịch sử đã khép lại những trang thảm khốc ấy, nếu cứ bới mãi ra thì lại thành kẻ hẹp hòi như cái lũ đang lu loa bên Cambodia bi giờ.
    Còn là mình đi chiêm ngưỡng một kỳ quan của nhân loại. Công trình kiến trúc chỉ là nhân chứng chứng kiến các sự kiện lịch sử, chẳng có tội tình gì mà người đời lại hắt hủi.
    Tui thì tui cứ đi đấy, miễn là đi theo đường nhựa lớn, nhất quyết không chui bụi rậm. Hì hì, là nhà cháu vẫn e ngại vụ mìn chưa gỡ hết.
    Mấy anh em hô hào đi Cambodia lặn đâu hết rùi? Khi nào thi cử xong xuôi thì lên tiếng nhé.
  6. On4U

    On4U Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/03/2002
    Bài viết:
    3.578
    Đã được thích:
    0
    Hehe... thôi thì mời chị 1 nuôi làm 1 chuyến đến nhà em trước khi đi Cambodia nhé http://ttvnonline.com/forum/forum.asp?FORUM_ID=256
    All for you
  7. vietnamoffroad

    vietnamoffroad Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/05/2002
    Bài viết:
    19
    Đã được thích:
    0
    chẳng cần bới thêm chuyện cũ làm gì, chuyện hôm nay đây. Bạn tôi hiện đang là đặc phái viên cho một cơ quan thông tấn tại Phnompenh, chưa tối là không dám ra đường. Người Việt bên ấy đang bị kỳ thị chủng tộc. Thôi tôi ở nhà không đi đâu. Sợ chúng nó thì ít mà sợ nhỡ mình cay mũi lại đánh nhau to
  8. VNHL

    VNHL Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/07/2001
    Bài viết:
    1.764
    Đã được thích:
    0
    Đến Bangkok bằng đường bộ

    Chợ nổi ở Damnoen Saduak, trung tâm Thái Lan.
    Bằng cách này, lộ trình của khách sẽ đi qua Campuchia. Khởi hành từ TP HCM đến cửa khẩu Mộc Bài rồi tới thành phố PhnomPenh bằng ôtô, bạn chỉ mất độ 8 giờ. Đường đi tương đối dễ và đẹp mắt với cảnh sắc luôn thay đổi.
    Lưu lại PhnomPenh hơn 1 ngày, du khách sẽ có dịp đi dạo bên sông Mekong vào buổi tối, bờ bên kia là các nhà hàng Trung Hoa với nhiều món đặc sản. Các hướng dẫn viên sẽ đưa đoàn đến thăm các địa chỉ nổi tiếng tại thủ đô của Campuchia như bảo tàng quốc gia, chùa bạc, hoàng cung, nhà tù Tousleng. Nếu có nhiều thời gian, đừng quên ghé thăm casino lừng danh được thiết kế trên một con tàu.
    Từ PhnomPenh, khách sẽ đến Siem Riep bằng tàu cao tốc. Đây là cơ hội để chứng kiến cảnh sinh hoạt của cư dân ven sông. Bạn có thể tham quan đền Angkor Wat, xem mặt trời lặn từ đền Phnon Bakheng. Đêm đến, không gian và thời gian dường như được dành riêng cho điệu múa Apsara của các vũ nữ Campuchia. Lại một ngày dừng chân ở đây để thăm khu di tích Angkor Thom và các đền Kravan, Prerup, Menbon Oriental, Tasom, Neak Pean và đền Preah Khan.
    Đoạn đường từ Siem Piep đi Bangkok sẽ rất lý thú bởi hai bên đường là những cánh rừng nhiệt đới đang tươi tốt trở lại vào mùa mưa. Đêm đến, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một Bangkok đêm rực sáng ánh đèn, có thể ghé siêu thị, cửa hàng, để mua sắm.
    Hôm sau, bạn sẽ có hẳn một ngày để tham quan Grand Palace, đền Wat Phrakew. Bạn sẽ được đi du thuyền dọc theo những con kênh nhỏ, tận mắt chứng kiến cảnh dân cư sinh hoạt tại đây, ngắm hoàng hôn từ đền Wat Arien.
    Ngày cuối cùng thường được du khách sử dụng để mua quà về làm kỷ niệm. Chuyến bay buổi trưa từ Bangkok sẽ đưa khách về TP HCM, kết thúc một tuần khám phá mới. Tham gia tour du lịch một tuần này, bạn sẽ chỉ mất 415 USD/người.
    (Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

    nghe rơi bao lá vàng
    ngập giòng nước sông Seine
    mưa rơi trên phím đàn
    chừng nào cho tôi quên
  9. Toet

    Toet Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/02/2002
    Bài viết:
    1.179
    Đã được thích:
    0
    VNHL ới ời, anh lại đi tiếp thị cho hãng du lịch nào thế? Chán anh xế, tour đi cả Laos và Cambodia của em có 500US$ trong vòng 10 ngày thì anh không quảng cáo.Hmm, lần sau có đi đâu sẽ không rủ rê anh nữa
  10. VNHL

    VNHL Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/07/2001
    Bài viết:
    1.764
    Đã được thích:
    0
    Anh copy ở trên VNExpress ra. Tour của em có ở trên một topic khác rồi mà.

    nghe rơi bao lá vàng
    ngập giòng nước sông Seine
    mưa rơi trên phím đàn
    chừng nào cho tôi quên

Chia sẻ trang này