1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cần Thơ mến yêu !!! Một vài nét về Thành Phố Cần Thơ ( hình ảnh, thông tin...)

Chủ đề trong 'Cần Thơ' bởi Natalia, 02/06/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Natalia

    Natalia Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/03/2002
    Bài viết:
    1.801
    Đã được thích:
    0
    DU LỊCH XANH vùng đồng bằng sông Cửu Long
    [​IMG]
    Tại đồng bằng vùng sông Cửu Long có nhiều cảnh quan độc đáo, là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá, đã củng cố thành một mảng đề tài trong bức tranh hoành tráng góp phần vào chương trình Việt Nam đặc sắc. Thật vậy, lưu vực sông Cửu Long ngày càng được quan tâm trong tuyến du lịch xanh, hằng năm đón hàng trăm nghìn lược khách nước ngoài.
    Do cảnh quan thiên nhiên nhiệt đới đất rừng phương Nam ưu đãi cho vùng đồng bằng phì nhiêu đa dạng tính sinh học, lắm vẻ mỹ quan, cỏ cây hoa trái, chim muông khí hậu trong lành thoải mái chưa đượm mùi cơ khí, với núi non, sông biển đượm màu sắc rực rỡ luôn gắn bó cùng đất nước mang những thần tích, huyền thoại. Phần lớn du khách trong và ngoài nước muốn tìm tòi, bồi dưỡng kiến văn, tình cảm, di dưỡng tinh thần sau những tháng ngày lao động cật lực trong cuộc sống đời thường.
    Một trong những nét đẹp hấp dẫn nhất hiện nay là những sân chim, vườn cò. Nổi cộm và mang tính biểu trưng là Tràm chim (Ðồng Tháp), Sân chim Bạc Liêu, Vườn cò Bằng Lăng (Cần Thơ), Cù Lao Thới Sơn (Tiền Giang)...
    Thiên nhiên hào phóng, hệ sinh thái ngập nước dâng tặng con người biết bao tài nguyên quý, gắn liền với môi sinh cho mọi sinh vật, tạo điều kiện tốt cho tỉnh Ðồng Tháp Mười xây dựng. Chu vi khu bảo tồn chiếm gần 8.000 ha, có 150 loài thực vật thuộc 50 họ, nhiều nhất là tràm, lúa tự nhiên, lác, năng, cỏ, súng, sen...cùng với hơn 100 loài động vật có xương sống, trong đó gồm 15 loài bò sát, 140 loài chim, gồm 15 loài chim quý, đặc biệt hạc đầu đỏ là loài hạc quý nhất ở phương Ðông. Hiện nay có một số loài chim quý khác xuất hịên như loài cò ốc, thường sinh sống ở các đầm lầy, làm tổ ở những khu rừng ngập mặn, rừng tràm, loài gà đẩy, loài hạc cổ trẳng, cúm núm.
    Du khách ghé thăm miệt vườn như ở trạm cù lao Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang với cây trái sum sê. Dọc sông Tiền, ngắm một bên là vườn quả ngọt tiếp nối bạt ngàn với các bến sông tập nập ghe xuồng chất đầy trái cây Nam Bộ, bên kia sông là cồn Rồng với ống khói lô nhô khu công nghiệp mới. Có dịp bách bộ trên cù lao đi dưới những tán lạ vườn cây trĩu quả thơm lừng trái chín: xoài, mận, mít, nghe lòng khoan khoái dễ chịu.
    Rời cù lao, qua phà ghé cồn Phụng (Bến Tre) là những lò thủ công truyền thống làm bánh kẹo, hoặc đi du thuyền nghe ca tài tử trên sông nước Tiền Giang nghe "muồi câu vọng cổ" đậm đà chất Nam Bộ thời khai hoang vỡ đất.
    Về tỉnh Bạc Liêu, với hệ sinh thái ngập mặn ven biển, nhiều cây đặc thù như chà là, cóc, tra, lâm dồ...Qua tìm hiểu các lão nông tri điền ở địa phương, trước kia ở đây có nhiều vườn chim nhưng qua quá trình khai hoang của dân tứ xứ đến lập nghiệp, hiện nay chỉ tồn tại một vườn chim diện tích hơn 100 ha thuộc khu vực xã Mỹ Thành, non 6 km, thu hút du khách gần xa.
    Có thể nói vườn chim Bạc Liêu rất phong phú và đa dạng chủng loại, gần 50 loài chim tập trung về làm tổ, sinh sôi phát triển hàng chục nghìn con mỗi năm, nhất là vào mùa mưa chim rủ nhau về đây sinh sản rất đông. Các nhà khoa học đã nhận định rằng vùng này xưa kia là một quần thể thực vật với gần 260 loài cây hoang dại, trong đó hơn 10 loài cây quý, 25 loài cây làm thuốc, động vật có hơn 300 loài, trong đó có 100 loài chim chóc, 40 loài thú. Hiện tại, chim Bạc Liêu cư trú theo từng loại như có tổ chức sắp xếp của tạo hoá quy rõ nét giữa các loài với nhau, vị trí ai nấy ở, không được xâm phạm lãnh thổ của nhau. Tỉnh đang có dự án bảo vệ và phát triển tính đa dạng sinh học đất ngập nước ở Sân chim Bạc Liêu.
    Còn tại cầu Bằng Lăng, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ, rẽ vào phía tay phải khoảng 1km, sẽ được chiêm ngưỡng vườn cò của ông Bảy Thuyền. Khu vực vườn còn rộng khoảng 15 ha, trồng các loại tre, trúc, xoài, dừa, gáo...Từ năm 1990 đến nay, có đàn cò hơn 1.000 con đến trú ngụ, sinh sôi phát triển, đến nay cả trăm nghìn con, là nơi đất lành chim đậu. Uỷ ban Nhan dân và Công ty Du lịch tỉnh Cần Thơ đã đầu tư, biến vườn cò thành khu du lịch thu hút khách tham quan các nơi thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên và khí hậu trong lành của miền quê mát mẻ.
    Cảnh quan thiên nhiên Nam Bộ hào phóng thoả mộng lãng du, tìm kiếm sự yên ổn trong tâm hồn. Tiềm năng du lịch sinh thái còn nhiều hứa hẹn. Kinh tế du lịch mới mẻ, dịch vụ chưa nhiều nhưng điểm đặc sắc của thiên nhiên hoang dã đã làm say đắm du khách.
    Theo Hoài Nhân - Báo Nhân dân

    [​IMG]Natalia[​IMG]
  2. Natalia

    Natalia Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/03/2002
    Bài viết:
    1.801
    Đã được thích:
    0
    Ghe xuồng Nam Bộ
    [​IMG]
    Ðến Nam Bộ ấn tượng sâu sắc nhất là dòng sông, con nước, chiếc xuồng, chiếc ghe, con đò, cái bè... hội tụ trên sông nước. Chợ nổi trên sông nước như chợ Gành Hào, chợ Phụng Hiệp, chợ Cái Răng, chợ Phong Ðiền; tất cả đều trở thành nét văn hóa độc đáo của miệt vườn Nam Bộ.
    Sách "Gia Ðịnh thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức mô tả ở Gia Định chổ não cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở hoặc để đi chợ hay đi thăm người thân thích hoặc chở gạo đi buôn bán rất tiện lợi...".
    Ghe xuồng Nam Bộ phát triển theo nhiều kiểu, đa dạng, phong phú. Từ những chiếc ghe, xuồng bơi, chèo, chống, luồn lách qua các kênh rạch đủ cỡ, đủ hình dạng, đủ độ nông sâu cho đến những loại ghe thuyền cỡ lớn, vận tải nặng, chuyên chở được nhiều người. Ngày nay, việc di chuyển trên sông nước còn có ghe máy, xuồng máy chạy với vận tốc nhanh dùng song song với các loại ghe, xuồng cổ điển. Vì thế mà nghề đóng ghe cũng đã có sự đổi thay ít nhiều về hình dáng và kỹ thuật lắp ráp.
    Ở nam bộ, người ta phân biệt hai loại ghe và xuồng rất rõ ràng.
    Xuồng có mấy loại: xuồng ba lá, xuồng máy, xuồng năm lá... Xuồng ba lá dài trung bình 4 m và rộng 1,5 m, có sức chở từ bốn đến sáu người, vừa gọn vừa kín đáo. Sở dĩ gọi là xuồng ba lá vì có ba ván, một ván giữa và hai ván ở hai bên hông, ở giữa có kê sạp nhưng thấp hơn ở đầu mũi và đầu lái để giữ thăng bằng. Xuồng năm lá hình dáng không khác mấy loại ba lá, chỉ có khác là gồm năm mảnh ván ghép lại nên mức độ chòng chành ít hơn, và hai đầu xuồng có khác chút ít. Xuồng năm lá chính là xuồng ba lá cải tiến. Xuồng máy có gắn động cơ để có vận tốc nhanh hơn. Xuồng có đôi be gió chắn trên hai bên mép xuồng và chạy suốt chiều dài thân xuồng. Xuồng máy có đầu lái giống hình thang vuông.
    [​IMG]
    Ghe có nhiều loại: ghe tam bản, ghe hầu, ghe chài, ghe lườn... Ghe tam bản mui ngắn, có đến chín mảnh ván ghép hoặc nhiều hơn. Ghe có đôi be gió giống như xuồng máy, boong ghe chiếm nửa chiều dài bụng ghe, nơi này để làm chỗ nghỉ ngơi, còn phần trước để chất hàng hóa. Ghe có bánh lái nằm dưới lườn sau đầu lái và có cần để điều khiển. Trước mũi ghe có vẽ con mắt mà theo dân gian, thì đây là biểu tượng để trừ ác thú hay thuồng luồng tiến công. Ngoài ra còn có thêm loại ghe tam bản mui dài chiếm gần hết chiều dài của ghe. Loại này trông như một cái nhà di chuyển trên mặt nước. Ghe hầu là loại ghe lớn có trang trí đẹp, dùng cho các gia đình giàu sang. Ghe lườn thon nhẹ, bụng nhỏ và dài, còn gọi là ghe độc mộc, làm từ một cây gỗ, đẽo gọt và khoét ở ruột để thành ghe. Ghe trông đơn giản, không cong ở hai đầu mũi và lái, trong thân ghe chẳng kê sạp như các loại ghe khác. Ghe chài gồm nhiều mảnh gỗ ghép lại, có hai tầng, bên trong thân ghe chia làm hai phần, phần đầu chứa hàng hóa, phần sau cho người đi ghe. Ghe chài còn có phần mui rời phía sau phòng lái dùng để tắm rửa, nấu cơm, dùng cho người đi buôn bán xa, lâu ngày, và sống trên sông nước.
    Bên cạnh các loại ghe vừa kể trên còn có nhiều loại phương tiện đi lại như tắc ráng, phà, chẹt, bè... Di chuyển nhanh, chở nhẹ có ghe lưới, chở hàng thì có ghe bè, ghe ***g, dùng chở cá thì có ghe cá, ghe rổi, dùng để bắt tôm cá thì có ghe cào tôm.
    Nghề đi ghe, đi xuồng từ lâu trở nên quen thuộc với cư dân Nam Bộ, tồn tại song song với nghề làm ruộng, làm vườn. Hiện nay, tại một số địa phương ở Nam Bộ, việc đi lại bằng đường bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại cho nên sông ngòi vẫn là thủy đạo quan trọng trong công tác vận tải, thương mại và đi lại. Hơn nữa, ghe xuồng cũng là phương tiện để truyền tải văn hóa dân gian đi khắp nơi. Chính hình ảnh những chiếc ghe, chiếc xuồng trên sông rạch gắn bó suốt đời với cư dân Nam Bộ, cho nên đã xuất hiện những điệu hò, câu hát như hò chèo ghe, hò mái dài, mái cụt, hò sông Hậu, hò Ðồng Tháp... và đã tạo nên sắc thái văn hóa riêng của văn minh miệt vườn.
    CÔN GIANG

    [​IMG]Natalia[​IMG]
  3. hoangtubanggia

    hoangtubanggia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/04/2002
    Bài viết:
    39
    Đã được thích:
    0
    XE LÔI - NÉT ĐỘC đáo ở miền Tây Nam bộ
    [​IMG]
    Trên các ngã đường của miền Tây Nam Bộ, từ những đại lộ đến những con hẻm nhỏ, thường xuyên có những chiếc xe lôi xuôi ngược, như những con thoi đu đưa trên đường phố. Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc, gắn bó với đời sống văn hoá, sinh hoạt của người dân ở đây.
    Có nhiều ý kiến cho rằng, xe lôi ngày nay có lịch sử thoát thai từ chiếc xe kéo của thời Pháp thuộc. Cơ cấu chiếc xe gồm: thùng xe có mui che và băng ngồi phía sau, đặt trên hai bánh xe lớn và cặp gọng gỗ dài nhô ra phía trước, người phu xe còng lưng kéo xe. Ban đầu, loại xe kéo này chỉ phục vụ cho các quan Tây hoặc giới quan lại vương giả người Việt; dần dần xe kéo được xã hội hoá, nên đã trở thành phương tiện vận chuyển công cộng phục vụ rộng rãi cho mọi tầng lớp trong xã hội.
    [​IMG]
    Theo dòng thời gian, chiếc xe kéo đã được cải biên: cắt bỏ hai gọng gỗ, thay vào đó là một tấm ván gọt đẽo thành hình mũi tàu nhô lên ở giữa với một vòng sắt tròn ở chóp nhọn, dùng để móc thanh sắt đinh ốc, hoặc hàn chặt vào sườn xe, và đã trở thành chiếc xe lôi như ngày nay.
    Vào trước năm 1975, chiếc xe lôi có cục gù nhô lên ở giữa, vì lúc đó mỗi xe chỉ được phép chở 4 ngườ khách: hai người ngồi ở băng trước và 2 người ngồi ở băng sau, quay mặt đối diện lại với nhau. Mui xe chỉ che mát cho người ngồi ở băng sau, còn người ngồi ở băng trước thì phải chịu hứng nắng mưa. Do vậy, băng sau thường dành cho những người già hoặc phụ nữ còn băng trước là nam giới thanh niên...
    [​IMG]
    Ðến sau năm 1975, theo nhu cầu của cuộc sống, cái mũi tàu kia không còn nhô lên như trước, mà nó phẳng lì và bầu tròn ở hai góc ngoài, để có thể chở được khoảng 5,6 người. Tấm ván gỗ cũng được thay thế bằng tấm nhôm cho sạch đẹp và sáng sủa.
    Vào thời kỳ đầu, xe lôi được kéo bằng xe đạp không có mui. Ðến thập niên 1940-1960 đã xuất hiện xe lôi máy Mobylette của Pháp, xe gắn máy động cơ Sachs của Ðức, lắp vào các loại sườn như Gobel, Bosch, Mamut... và hiện nay là các loại xe của Nhật như Honda, Suzuki, Yamaha... là đầu xe kéo được ưa chuộng, trong số đó thì loại Honda 67 được xem là mạnh và bền, được giới xe lôi sử dụng rộng rãi đến ngày nay.
    Bên cạnh xe lôi hiện nay còn xuất hiện nhiều loại phương tiện vận chuyển công cộng khác như: xe buýt, taxi, Daihatsu, Honda "ôm", xe đạp "ôm"... nhưng vẫn còn số đông hành khách thích đi xe lôi. Sự tiện ích của xe lôi là có thể chở khách đến tận cùng ngõ hẻm, kể cả hành lý, giá cước, lại vừa túi tiền với mọi người nhất là dân lao động mua gánh bán bưng. Ði xe lôi cũng là thú vui của một số đông thanh niên học sinh: họ thích đi cùng vài người bạn trên chiếc xe lôi, vừa ngắm cảnh, hóng mát, chuyện trò vui vẻ thoải mái vì không gian trên xe cũng vừa đủ ngồi, không ảnh hưởng mọi người xung quanh như trên xe đò, xe buýt.
    Ở §BSCL, MỖI MỘT TỈNH CÓ RIÊNG DÁNG VẺ KHÁC NHAU VỀ phương tiện xe lôi. Xe lôi ở Cần Thơ có dáng mô phỏng của chiếc xích lô với mui che xếp lại được, còn gọi là "xe vua". Xe lôi Sóc Trăng có dạng như xe thổ mộ của Sài Gòn, có hai khoang mui kín và chở được nhiều người hơn so với xe lôi ở Cần Thơ. Ðặc biệt, xe lôi Sóc Trăng rất tiện lợi đối với bạn hàng từ miệt vườn ra chợ buôn bán trái cây, rau quả... Nếu bạn có đến Phnôm Pênh thì bạn sẽ thấy xe lôi ở Nam Vang giống với xe lôi ở Sóc Trăng! Còn ở Mỹ Tho (Tiền Giang) vẫn sử dụng xe xích lô như ở TP. HCM.
    THƯỜNG THÌ XE LÔI CÓ CHUNG BẾN ĐỖ VỚI XE ĐÒ ĐỂ RƯỚC KHÁCH. Ở CẦN THƠ, BẾN XE LÔI LỚN NHẤT LÀ BẾN NGÔ QUYỀN, BẾN bắc Cần Thơ, bến Võ Văn Tần... và ở khắp các ngã tư trên đường đi, lúc nào hành khách cũng có thể dễ dàng vẫy tay là có xe lôi dừng lại ngay.
    Hiện Cần Thơ có khoảng trên 2.000 chiếc xe lôi do hợp tác xã quản lý, ngoài ra còn có khoảng 300 chiếc chạy "chui" không đăng ký. Hàng tháng, mỗi xe phải đóng thuế 52.000 đồng. Mỗi năm, xe lôi phải đóng các thứ thuế từ 200.000 đ - 300.000 đ. Nếu có dịp nhìn cảnh biết bao nhiêu chiếc xe lôi xếp hàng tại bến "chờ tài", bạn sẽ không khỏi xót xa và thầm khâm phục lòng nhẫn nại của họ! Giờ giấc chạy của xe lôi xem như "có mặt 24/24" để đón khách. Khách du lịch nước ngoài cũng rất thích sử dụng phương tiện này để tham quan thực tế.
    Quả thật, không thể phủ nhận, chiếc xe lôi vẫn luôn là hình ảnh quen thuộc của người dân đồng bằng Nam Bộ. Hình ảnh đó đã trở thành một nét văn hoá rất độc đáo, ghi đậm dấu ấn trong lòng du khách khi ghé bước đến nơi này.
    Trần Văn Thuận - Thu Hiền
    ẢNH: DIỆP HOÀI MINH
    Tạp chí Mốt và Cuộc Sống


    Nếu ta gặp một người khi ra ngõ thì hãy đừng tiếc lời chào người ấy lấy một câu, vì biết đâu ngày mai không gặp được nữa

  4. hoangtubanggia

    hoangtubanggia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/04/2002
    Bài viết:
    39
    Đã được thích:
    0
    Sân chim ở đồng bằng sông Cửu Long
    [​IMG]
    Sếu đầu đỏ ở vườn chim Tam Nông, Ðồng Tháp
    Thống kê cho biết ở ÐBSCL có khoảng 30 vườn chim lớn nhỏ trên các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Ðồng Tháp, Cần thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang... (riêng hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau đã có hơn 10 vườn chim).
    Nhiều vườn chim được hình thành ngay tại các chùa chiền, miếu mộ, diện tích hẹp, chỉ vài ba công đất. Có nơi chim tụ tại khu vườn cây ăn trái của nguyên chủ bỏ hoang vì những năm bom đạn chiến tranh tàn phá. Có những vườn chim hình thành từ rất lâu, rộng hàng trăm héc-ta, như vườn chim ở rừng U Minh Thượng, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), vườn chim Ngọc Hiển (Cà Mau). Ðặc biệt nhất là Vườn quốc gia Tràm Chim Tam Nông (Ðồng Tháp), diện tích 8.000 ha, bao gồm năm xã, thị trấn của huyện Tam Nông. Năm 2000 và những tháng đầu năm 2001, Vườn quốc gia Tràm Chim đã đón tiếp hơn 70 đoàn với hơn 1.200 lượt khách trong và ngoài nước đến du ngoạn và nghiên cứu khoa học. Nơi đây có thảm thực vật với 130 loài và là nơi cư trú của hơn 100 loài động vật có xương sống, 56 loài thủy sản, 147 loài chim. Trong đó, có 13 loài chim quý hiếm của thế giới, đặc biệt là sếu đầu đỏ, cổ trụi.
    [​IMG]
    Sân chim Bạc Liêu.
    Hằng năm, sau khi lũ rút, những cơn gió bấc lao rao thổi, nước đồng cạn dần, cá tép tuôn ra sông, là thời điểm sếu cổ trụi bay về vườn Tràm Chim kiếm ăn, múa hát. Tính đến cuối tháng 4-2001, tại vườn Tràm Chim đã xuất hiện thêm nhạn biển, một loài chim quý, mới phát hiện. Ðoàn sinh thái thực địa của Hội bảo vệ sếu quốc tế (ICF) và nhà nghiên cứu điểu học của Nhật Bản đã hợp tác với vườn quốc gia Tràm Chim nghiên cứu quá trình sinh sống của loài sếu để bảo vệ loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này.
    Xứ dừa Bến Tre thu hút nhiều loài chim từ ÐBSCL, tuy số lượng còn ít. Bến Tre là vùng tiêu biểu cho rừng ngập mặn quy tụ các nhóm chim sống ven bờ nước. Nhiều bãi triều rộng ở các vùng cửa sông là môi trường thiên nhiên lý tưởng cho các loài chim ăn các sinh vật ven bờ nước. Những khu rừng đước trồng mới ở Thạnh Phú, Bình Ðại, Ba Tri... trở thành sân chim hấp dẫn. Các sân chim khác ở Cồn Ðất, Cồn Nhàn đang khôi phục và vẫy gọi nhiều loài chim một thời lục tục trở lại đông đảo như cò, diệc, cồng cộc, sáo, le le và dơi quạ, tạo cảnh quan độc đáo.
    Vườn chim Bạc Liêu rộng 250 ha với gần 50 loại chim làm tổ sinh sôi nảy nở, mỗi năm phát triển thêm hàng chục ngàn con, nào quắm trắng, cò trắng, cò xanh, cồng cộc, điên điển, vạc, diệc, giang sen, cùng với các loài chim lạ chưa xác định được tên. Chúng quần tụ, làm tổ trong những vạt rừng rậm rạp gồm các loại cây giá, cóc, tra, chà là và cỏ dại. Thông thường, mùa mưa là mùa chim về tụ hội, xây tổ sinh sản. Mùa khô đồng ruộng nứt nẻ, rừng cạn nước, nhiều loài chim phải di trú nơi khác. Những năm gần đây, nhằm giữ được chim trong mùa nắng, ban quản lý vườn chim Bạc Liêu đã đào kênh bao quanh, đào hồ chứa nước, đào mương nuôi cá tạo nguồn nước và thức ăn để có "đất lành chim đậu".
    Ðược biết ÐBSCL còn có một số loài chim quý hiếm khác mới xuất hiện như loài cò ốc thường sinh sống ở các đầm lầy và làm tổ ở các khu rừng ngập mặn, rừng tràm. Loài gà đảy làm tổ ở các rừng tràm Kiên Giang, Cà Mau, số lượng chưa nhiều. Hạc cổ trắng là loài hiếm, cũng đã tìm thấy ở các cánh rừng tràm Kiên Giang, Cà Mau.
    Theo thống kê các loài chim thú và lưỡng cư, bò sát tại các vườn chim ở ÐBSCL, thì vườn chim có số lượng cao nhất là Ngọc Hiển (Cà Mau), U Minh Thượng (Kiên Giang). Còn vườn chim có số lượng ít nhất là vườn chim Cù Lao Ðất (Bến Tre). Mỗi vườn chim chí ít có từ 4.000 con, nhiều nhất là 100 nghìn con. Số lượng cá thể của từng loài ít nhất cũng vài chục con, có loài vài ngàn, có loài cả vài chục ngàn. Trong số các vườn chim ở ÐBSCL, không những chỉ có chim mà còn có thú và lưỡng cư, bò sát. Trước đây, vườn chim ở rừng U Minh Thượng có hổ, nai, heo rừng, chồn khỉ, trăn, rắn, rùa...
    Vườn chim tỉnh Sóc Trăng có một loài thú nuôi con bằng sữa, nhưng biết bay là dơi quạ. Số lượng dơi quạ tại Chùa Dơi (Sóc Trăng) khá đông, nổi tiếng trên cả nước. Dơi, quạ ở đây to khỏe, mỗi con nặng nửa cân.
    Hiện nay số lượng chim tại các vườn chim ở ÐBSCL giảm sút đáng kể so với trước. Các vườn chim thiên nhiên là những nguồn lợi quan trọng của đất nước, cần bảo vệ chặt chẽ. "Sân chim vườn cò" là cảnh quan độc đáo, nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá ngày càng thu hút đông đảo khách thăm trong nước và ngoài nước.
    TRẦN TRỌNG TRÍ

    Nếu ta gặp một người khi ra ngõ thì hãy đừng tiếc lời chào người ấy lấy một câu, vì biết đâu ngày mai không gặp được nữa

  5. hoangtubanggia

    hoangtubanggia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/04/2002
    Bài viết:
    39
    Đã được thích:
    0
    Làng cổ miệt vườn
    [​IMG]
    Ngôi nhà cổ ở phường Bình Thủy, Long Tuyền.
    Làng cổ Long Tuyền ở tây nam TP Cần Thơ là nơi "đất lành", nhiều nhà văn hóa có tiếng đất Nam Bộ đã sinh ra ở đây. Ngày nay, Long Tuyền thu hút du khách nhờ vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ cùng vườn cây trái xum xuê.
    [​IMG]
    Trùng tu đình Bình Thủy.
    Làng cổ Long Tuyền nằm ở phía tây nam vàm sông Cần Thơ, nay gồm các phường Bình Thủy, An Thới cùng hai xã Long Tuyền, Long Hòa thuộc thành phố Cần Thơ. Qua quá trình vận động phát triển hàng trăm năm, Long Tuyền cổ kính còn có vinh dự góp phần tạo nên thành phố trung tâm cả vùng châu thổ Nam Bộ hôm nay.
    Trước khi có "tỉnh Cần Thơ" trên bản đồ hành chính (1876) vùng đất này thuộc "lục ấp" rồi dần trở thành làng Bình Hưng (1844, đời Thiệu Trị thứ 13). Ðến năm 1852, nhân sự kiện đoàn hải thuyền của Tuần phủ Huỳnh Mẫn Ðạt thoát hiểm ngay trên sông Bình Thủy thuộc làng, nên cái tên Bình Thủy ra đời. Bình Thủy đã đẹp sao phải đổi lại là Long Tuyền (1908)? Các bậc tiền nhân đã lý giải và bình thật hay: "Rạch này (ý nói sông Bình Thủy) nước chảy uốn khúc như thân rồng nằm, miệng rộng và vàm sông Bình Thủy há toác ra ngậm trái châu là đất Cồn Linh án ngang vàm sông. Các chi lưu của bốn rạch tủa ra như bốn chân rồng. Ðoạn đuôi thon thon nằm vắt tận cuối làng. Nước sông bốn mùa lăn tăn gợn sóng như muôn triệu vẩy rồng lấp la lấp lánh, ẩn hiện giữa những vườn cây trái xum xuê...".
    Ðịa hình Long Tuyền như biểu tượng thu nhỏ của vùng đồng bằng sông nước mênh mang này. Sông Bình Thủy dài 15 km chia làng thành hai phần đối xứng rồi từ đây tỏa ra trên 30 con kênh rạch lớn nhỏ tự nhiên hoặc nhân tạo đan xen chằng chịt với những tên gọi rất bình dị như điệu hò nơi đây vậy. Bà Ðồ, Bà Chủ Kiểu, Ông Ðội, Ông Quới, rạch Cam, rạch Chanh... Cả một nền "văn hóa ghe xuồng" hiển hiện trên sông rạch rồi vườn cây kế tiếp vườn cây, xanh ngắt, ngút ngàn.
    Các cụ đã tiên liệu Long Tuyền sẽ là một vùng "địa linh nhân kiệt", là "đất học". Và sự thật đúng như vậy. Làng cổ Long Tuyền là nơi sinh ra cụ Thủ khoa Nghi Chi Bùi Hữu Nghĩa (1807 - 1872), một trong bốn Rồng vàng đất Nam Bộ. "Văn minh sông nước miệt vườn" Cần Thơ cũng đẹp hơn, đi xa hơn qua thơ văn của cụ, hay nói như nhà nghiên cứu văn học, giáo sư Lê Trí Viễn: "Nếu nói đến Mạc Thiên Tích là nói biển, nói núi, nói hồ ở Hà Tiên, đọc Trịnh Hoài Ðức là đọc cảnh vật miền Ðông thì với cụ Thủ khoa là nói về trời nước Hậu Giang vậy".
    Lần đầu trong lịch sử văn hóa, cụ đã dân gian hóa nghệ thuật tuồng mà trước đó vốn là nghệ thuật cung đình. Vở tuồng nổi tiếng Kim Thạch kỳ duyên của Cụ được coi là cổ nhất nước ta từng lưu diễn khắp lục tỉnh, trên cả ba miền và cũng là vở tuồng đầu tiên của nước nhà được dịch ra tiếng Pháp. Vì vậy nhiều người quả quyết: Khi nói đến tuồng thì Trung Bộ có Ðào Tấn còn Nam Bộ chính là Bùi Hữu Nghĩa. Lại có nhà nghiên cứu văn học cho rằng trong thể loại văn tế, nếu Nguyễn Ðình Chiểu viết hay và cảm động nhất về những nghĩa sĩ tử vì nước thì Bùi Hữu Nghĩa viết hay nhất, cảm động nhất về những người thân yêu trong gia đình (tế vợ và con gái): "Ðất chẳng phải chồng, sao nỡ thịt xương hòa với đất / Trời không chết vợ, đặng coi gan ruột thử cho trời... Có linh chín suối đừng xao lãng / Thỉnh thoảng về thăm lúc tối trời", "Ðường ra ngõ vào còn đó, con đi đâu cho cỏ mọc rêu phong / Thúng may rổ vá còn đây, con đi đâu cho mốc meo đóng trắng", v.v. Những áng thơ "rút ruột" đó vẫn xao động xót xa lòng người đến tận bây giờ. Long Tuyền còn đó "Tao đàn Bà Ðồ" lưu danh hậu thế (bộ "Hằng Nga thi tập") từng là nơi "nhả ngọc phun châu" của những tài văn yêu nước chói sáng Nam Bộ thời cận đại như Phan Văn Trị (chán cảnh quan trường lui về ẩn dật tại Phong Ðiền, Cần Thơ), Nguyễn Ðình Chiểu, Huỳnh Mẫn Ðạt, Lê Quang Chiểu, Phan Hiến Ðạo, Cử Thanh... Trong hai cuộc chiến khốc liệt giành độc lập dân tộc, người dân Long Tuyền luôn thể hiện nghĩa khí truyền đời "Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây..." của cụ Thủ khoa ngày trước. Là một xã nằm trên tuyến lộ vòng cung oai hùng "Ðạn chen đầu đạn, bom cài hố bom" khốc liệt năm xưa, tấm lòng trung trinh vì cách mạng của người dân Long Tuyền thật vô cùng. Xã có đến 409 gia đình liệt sĩ, 16 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" mà Ðảng, Nhà nước phong tặng xã Long Tuyền là một minh chứng cụ thể cho phẩm chất đó.
    Ðã đến Cần Thơ, du khách thường tìm đến Long Tuyền bởi nơi đây ngoài cảnh sông nước hữu tình, còn có đến sáu di tích cấp quốc gia, chiếm gần một phần ba số di tích quốc gia cả tỉnh Cần Thơ. Ðình Bình Thủy, tức Long Tuyền cổ miếu, được dựng lên từ thuở "khai sinh lập địa" (1844) có quy mô diện tích vào loại lớn (trên 4.000 m2) trong các đình làng Cần Thơ, phản ánh phần nào tầm vóc của làng cổ Long Tuyền. Tiềm ẩn dưới mái đình này không chỉ là lịch sử truyền thống cội nguồn của một làng cổ Nam Bộ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ. Hằng năm, vào dịp lễ Kỳ Yên (thượng điền: 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch; hạ điền: 14, 15 tháng chạp) đều có lễ rước sắc thần; không khí náo nhiệt vui tươi của hội làng với nhiều trò chơi dân gian, hát bội, hát Tiều. Ðây là một lễ hội văn hóa thu hút hàng nghìn dân chúng khắp nơi, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang).
    Rồi chùa Nam Nhã (nơi từng lưu dấu chân của Phan Bội Châu, Cường Ðể và sau này là nhà cách mạng Ngô Gia Tự), Hội Linh cổ tự, Long Quang cổ tự, mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, trụ sở An Nam Cộng sản Ðảng... Và cũng không thể bỏ qua thắng cảnh vườn lan, nhà cổ Bình Thủy (26/1A đường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), nơi được coi là điểm sáng văn hóa về nguồn của đất phương Nam. Hình như ở vùng đồng bằng sông nước này chưa có chủ nhân ngôi nhà nào lại có dịp tiếp xúc, tạo tình quyến luyến với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như chủ nhân nhà cổ Bình Thủy: nhà thơ Xuân Diệu, Xuân Thủy, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa lão thành Trần Văn Giàu, nhà văn hóa Sơn Nam, nhà viết kịch Học Phi, v.v. Ðây cũng là ngôi nhà có duyên với "nghệ thuật thứ bảy" nhất bởi đã lọt vào khuôn hình của hàng chục bộ phim (Chân trời nơi ấy, Những nẻo đường phù sa, Công tử Bạc Liêu, Cây tre trăm đốt, Tây Ðô và ban mai, Xương rồng Cần Thơ...),v.v. Ðặc biệt bộ phim nổi tiếng "Người tình" của đạo diễn người Pháp Annand cũng được quay hơn một tuần ở đây.
    Cần Thơ có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ gìn giữ di tích. Ðình Bình Thủy đang được trùng tu với kinh phí trên 1 tỷ đồng; chùa Nam Nhã cũng được sửa sang thoáng đãng sạch sẽ hơn; làm đường vô Hội Linh cổ tự; dự án tu bổ vườn lan, nhà cổ Bình Thủy...
    Phong khí văn hóa Long Tuyền là sự hòa quyện của đất, nước và con người nơi đây; là sự nở hoa của quá khứ trong lòng hiện tại; là sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Long Tuyền tuy tiếp xúc với nhiều nền văn hóa (Hoa, Khmer, Pháp, Nhật, Mỹ...) nhưng vẫn tạo ra, giữ gìn được bản sắc "văn minh miệt vườn sông nước" rất riêng, rất độc đáo và đó chính là nội lực, là cội nguồn sức mạnh giúp Long Tuyền đứng vững, phát triển trên vùng đất mới đầy biến động.
    VŨ THỐNG

    Nếu ta gặp một người khi ra ngõ thì hãy đừng tiếc lời chào người ấy lấy một câu, vì biết đâu ngày mai không gặp được nữa

  6. Natalia

    Natalia Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/03/2002
    Bài viết:
    1.801
    Đã được thích:
    0
    *** Ai có về Cần Thơ ***
    - Con người Cần Thơ đậm đà hiếu khách . Họ chân chất mộc mạc, gần gũi lắm, mà cũng dè dặt lắm ... Ừ, bởi vì họ có quá nhiều thứ để yêu, để tự hào, và chỉ muốn giữ lại cho riêng mình! Đó là bến Ninh Kiều - nguồn cảm hứng bất tận cho văn nhân, thi sĩ, là ngã bảy Phụng Hiệp cùng với khu chợ nổi trên sông đã là nơi hẹn hò mua bán tấp nập hàng hoá . Là người đẹp Tây Đô gần như đã trở thành một nhân vật lịch sử huyền thoại . Là những cánh đồng bát ngát lúa vàng, đưa Cần Thơ trở thành nơi xuất khẩu gạo lớn nhất khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long...
    - Họ sống bằng gạo Cần Thơ, tắm nước Cần Thơ...không trách sao mà tình iêu trong họ lớn đến thế!
    *** Vài nét về cái NHẤT của Cần Thơ:
    - Sân vận động lớn nhất ViệtNam: Ít ai biết danh hiệu này lại rơi vào sân vận động Cần Thơ . Trông nó củ kỹ, lại ít liên quan đến sự kiện thể thao tầm cỡ, nào nhưng với sức chứa 45.000 ngàn chổ ngồi (hơn đứt Sân Vận Động Thống Nhất), nó nghiễm nhiên trở thành SVĐ lớn NHẤT Việt Nam
    - Cây Xương rồng khổng lồ nhất: "Hắn" có họ hàng với Mexico, trụ sừng sửng trước sân nhà cổ BÌNH THUỶ (căn nhà này 130 năm) ngót nghét cũng gần 40 năm! "Hắn" cao tới 7 mét, nên người ta fải căn dây, chêm cọc vào thân "hắn" phòng khi bị ngã .
    - Bảo tàng sống động nhất: Chưa bảo tàng nào thú vị như bảo tàng Cần Thơ, xem nè vườn cây trái xanh um lại nằm ngay giữa sảnh, những phiên bản thật của cá, lúa, cây trái các loại ... được giới thiệu một cách chi tiết nhất, rồi còn những hình nộm y như thật với trang phục của các dân tộc, bảo tàng còn lưu lại hình của các danh nhân đất Cần Thơ .
    - Con đường đẹp nhất: Các bạn học sinh Cần Thơ thống nhất chọn con đường Nguyễn Trãi là con đường đẹp nhất! Dốc xuôi thoai thoải, hai hàng cây cao hơn tầm mắt, toả bóng xuống một góc phố yên tĩnh, thật sự bình yên !
    - Chiếc xe chở được nhiều người nhất: Đó là chiếc xe lôi bạn ạ! Chỉ với một chiếc xe máy và cái thùng bằng gỗ phía sau, nó trở thành một phương tiện di chuyển đặc trưng của dân Cần Thơ, vừa đơn giản, vừa tiện lợi, mà cảm giác ngồi vắt vẻo trên xe lô cũng thú vị lắm lắm!
    (do cantho trong mực tím)

    [​IMG]Natalia[​IMG]
  7. Natalia

    Natalia Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/03/2002
    Bài viết:
    1.801
    Đã được thích:
    0
    *** sẽ không là Cần Thơ nếu thiếu ...DẬP DỀNH CHỢ NỔI ***
    - Tại sao khắp lục tỉnh mênh mông sông nước, chỉ có Cần Thơ nổi tiếng với chợ trên sông đông đúc, nhột nhịp ? nhiều người đem thắc mắc hỏi người Cần Thơ, người Cần Thơ lắc đầu không biết nữa, chỉ biết chợ trên sông có từ ngày xửa ngày xưa, bà con từ khắp nơi đổ về buôn bán, người ở Vị Thanh, Ngã Ba Nước Trong, thậm chí đi chợ Cà Mau...đi chợ ngã bảy Phụng Hiệp, người ở Đồng Tháp, Vàm Bi, Trường Long, Bà Đầm, Ba Mít ...thì đi chợ Phong Điền . Chợ Cái Răng nhỏ nằm ngay trên đường từ Cần Thơ đi Sóc Trăng . Chỉ cần đi trên cầu Cái Răng bạn sẽ thấy những chiếc ghe lớn, ghe của những người bán sĩ, đậu kín cả khúc sông .
    - Chợ nổi họp sớm, hai ba giờ khuya ghe từ khắp nơi đổ về xôn xao nhộn nhịp, xuồng nhỏ kĩu kịt trái cây: Cóc, Cam, Quýt, Dưa ...Xuồng nào bán trái gì găm trái ấy trước mũi thuyền . Không cần rao nhiều ai nhìn cũng thấy, có ghe bán bún, bánh mì, có ghe bán toàn đồ khô như nước mắm, tiêu, hành, dầu ăn, bột ngọt ...
    - Phong Điền nổi tiếng là chợ trái cây, đứng trên cao nhìn xuống nón trắng nhấp nhô cả một vùng sông, Phụng Hiệp chia thành 2 khu vực: phía ngoài là những chiếc xuồng lớn từ Cà Mau, Bạc Liêu, có cả Đồng Tháp chuyên bán sỉ, chợ Phụng Hiệp lớn nhất, nổi tiếng là nơi bán rùa, rắn và đồ rẫy (bầu, dưa, bí, mướp, củ cải, khoai tây, cà rôt...)

    [​IMG]Natalia[​IMG]
  8. Natalia

    Natalia Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/03/2002
    Bài viết:
    1.801
    Đã được thích:
    0
    *** NHỮNG ĐIỂM HẸN KHÔNG THỂ BỎ QUA ***
    - VƯỜN CÒ BẰNG LĂNG: Đây là một khu thoáng mát với nhiều loại cây như tre, tầm vông, trâm bầu ... được chủ vườn là chú Bảy cải tạo thành nơi cho Cò sinh sống . Vào giờ cao điểm, đàn Cò tại đây lên đến cả trăm ngàn con lận đó, đến vườn cò Bằng Lăng, bạn không chỉ ngắm Cò vào buổi chiều tà khi chúng kéo về ngủ, còn có thể ngấm nghía cảnh cò mẹ ấp trứng suốt cả ngày .
    - CÙ LAO TÂN LỘC: Giữa khung cảnh thiên nhiên thoáng mát, bạn có thể tổ chức một cuộc dã ngoại thú vị, ngồi thật yên trên võng nghe tiếng gà túc túc ban trưa, tiếng chim khi xa khi gần, tiếng ong của các loại côn trùng ... vừa có thể ăn đến ngán thì thôi đủ loại trái cây như Cam, Quýt, Chôm chôm, Nhãn, Cóc ... mà chẳng tốn kém bao nhiêu hết .
    - VƯỜN DU LỊCH MỸ KHÁNH: Từ một vườn cây thông thường, nơi này đã hình thành làng du lịch, tương đối tiện nghi với vườn cây, nhà nghỉ, hồ bơi ... với 2000 đồng VN cho một vé vào cửa, bạn có thể thoải mái dạo trong vườn trái cây rộng bạc ngàn, tha hồ mà chụp ảnh, đi đến lúc mỏi chân bạn hãy ngã lưng trên võng để thưởng thức những đĩa trái cây mát lạnh ...
    - Không chỉ vui chơi, nhiều bạn tuổi Tím Cần Thơ cũng có một mùa hè đầy ý nghĩa, ngay từ đầu tháng bảy, gần 1000 tuổi Tím - sinh viên Đại Học Cần Thơ đã náo nức tham gia chiến dịch Mùa Hè Tình Nguyện, các bạn khoác lên mình sắc áo xanh, các bạn đã toả về các xã vùng sâu của Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang... tham gia trồng rừng, đắp đường, khám bệnh, phát thuốc miễn phí, xây dựng nhà tình thương, để cùng cộng đồng xây dựng nông thôn mới .

    [​IMG]Natalia[​IMG]
  9. Natalia

    Natalia Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/03/2002
    Bài viết:
    1.801
    Đã được thích:
    0
    *** ĐIỂM HẸN RỈ TAI ***
    - Khu Hàng Dương Bãi Cát: Đây là khu "Đặc Sản" trái cây dĩa và bánh flan mà học trò Cần Thơ tíu tít đạp xe đến vào mổi buổi chiều, vì giá cả cũng hợp với túi tiền của học sinh lắm: trái cây 3.000 đồng / dĩa, bánh flan 1.000 - 2.000 đồng /cái, Để mình nói trước cho các bạn chuẩn bị tâm lý nhé, trái cây dĩa ở Cần Thơ luôn được "trang trí" thêm một lớp đá bào có sữa và siro, còn bánh flan thì fải để tủ lạnh cho đông lại thật cứng thì mới là ngon .
    - Hủ Tiếu .... "Bèo": Bên hông công Viên Lưu Hữu Phước (đường Lê Lai - cũng là nơi chổ Cantho ở đó nghen hihi) có một con hẻm nhỏ chuyên phục vụ hủ tiếu cho các thực khách học trò, tụi mình gọi nó là "Hủ tiếu bèo" vì giá chỉ có 1.000 đồng một tô thôi . Một tí hủ tiếu, vài lát huyết, đậu hủ ... cũng đủ để dằn "bụng" rồi, quán này còn có thêm món "Kem bèo" chỉ có 500 đồng /ly, địa chỉ: 2/35 đường Lê Lai .
    - Rau Má ...mua một tặng một: Một ly rau má đậu xanh ngon ơi là ngon chỉ có giá 2000 đồng, đặc biệt sau khi uống xong bạn còn được chủ wán "khuyến mãi" thêm một ly rau má khác nữa, mấy dzụ tặng thêm này học trò thích mê nên hầu như quán lúc nào cũng đông khách, địa chỉ: 12/5 đường Lê Lai .
    - Hẻm Vịt Nấu Chao: Đó là tên mà người Cần Thơ đặt cho con hẻm số 1 đường Lý Tự Trọng, khi đến Cần Thơ, chỉ cần bạn nói đến "hẻm vịt nấu chao" hay "hẻm số 1" là hầu như bạn học trò nào cũng biết, mỗi khi sinh nhận, hợp mặt ... có tiết mục liên hoan gì thì bọn mình thường kéo nhau đến đây, một cái lẩu cho 6 người ăn no nê chỉ có giá 25.000 ngàn đồng thôi .
    - Chuối Nướng! Khoai Mì Nướng! Đó là những củ khoai mì luộc, nhào cho nhừ, trộn với dừa nạo, nắng thành những cái bánh tròn trĩnh, nướng 2 mặt vàng điều, rồi nhữmg quả chuối nhỏ lột hết vỏ cũng được nướng chín . Bọn con gái hay mang đến lớp rồi chia nhau ăn, thắc mắc hoài cái bánh có gì đặc biệt thì ra chỉ 1.000 đồng cho 4 trái chuối nướng, còn bánh khoai mì thì chỉ có 500 đồng 1 cái thôi, rẻ rề hà, bạn có thể tìm thấy món này ở bất cứ cổng trường nào hay con đường ở Cần Thơ đấy!

    [​IMG]Natalia[​IMG]
  10. Natalia

    Natalia Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/03/2002
    Bài viết:
    1.801
    Đã được thích:
    0
    *** ĐẠI HỌC CẦN THƠ ***
    - Ấn Tượng đầu tiên: Đẹp, những thảm cỏ và hàng bằng lăng xanh ngát thơ mộng, phòng thí nghiệm, thư viện, ký túc xá, nhà ăn giảng đường điều sạch sẽ khang trang ...
    - Ấn Tượng thứ hai: Rộng . chỉ riêng khu II (ĐCHT có tất cả 3 khu) đã rộng đến 200 ha
    - Ấn tượng thứ ba: Qui mô, trường có 8 khoa: Sư Phạm, Nông Nghiệp, Kinh Tế, Quản Trị Kinh Doanh, Công Nghệ, Y-Nha-Dược, Công Nghệ Thông Tin, Luật, Khoa Học cùng 3 viện và 3 trung tâm . Trong số lượng thí sinh dzự thi vô trường năm 2002-2003 thuộc vào hàng CAO NHẤT NƯỚC .
    - Có Một Ngôi Chợ Trong Trường: Một ngôi chợ bé xinh xinh nhưng cũng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu nằm lọt thõm trong khuôn viên trường, sát ngay bên khu ký túc xá sinh viên, dĩ nhiên đối tượng phục vụ chính là sinh viên nhà ta, sinh viên cần gì cũng chẳng cần ra khỏi trường, có khi lại còn mua được hàng với giá rẻ hơn ở chợ .
    - Nhà Ăn .... Tự Phụ Vụ: Nếu bạn là tân sinh viên thì bạn fải chuấn bị tâm lý khi bước vào nhà ăn của trường nhé! Sẽ chẳng có ai đến hỏi bạn xem bạn ăn gì đâu, bạn phải tự phục vụ đấy! Này nhé, tự lấy khay đựng thức ăn, tự chọn món, tự bưng ra quầy tính tiền (có máy điện tử như siêu thị đàng hoàng nhé) sau đó tự bưng về bàn ăn! hệt như ở nước ngoài ấy nhỉ ?
    - Mỗi Tỉnh có một "Giang Sơn" riêng: Nếu như các trường Đại Học tại Sài Gòn thường thì có ký túc xá dành chung cho tất cả các tỉnh thì ở Đại Học Cần Thơ, sinh viên mỗi tỉnh khác nhau lại có hẳn một "giang sơn" riêng trong khu ký túc xá để tương thân tương ái lẩn nhau. Mỗi khi có hội thi gì thì các ký túc xá lại thi thố tưng bừng với nhau, vui hết biết luôn!

    [​IMG]Natalia[​IMG]

Chia sẻ trang này