1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Canada, chuyện ở "nơi đang sống"

Chủ đề trong 'Canada' bởi Lemotionchef, 23/01/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Lemotionchef

    Lemotionchef Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/01/2004
    Bài viết:
    40
    Đã được thích:
    0
    Canada, chuyện ở "nơi đang sống"

    Tết của người Việt ở Toronto - Lại một mùa xuân xa xứ nữa. Đây là mùa xuân thứ 9 liên tiếp tôi không được hưởng cái không khí ấm cúng và náo nức đón giây phút giao thừa với gia đình và bè bạn trên quê hương. Tuy ở một xã hội công nghiệp và tất bật như Toronto nhưng một cộng đồng đông đảo người Trung Quốc, Đại Hàn và Việt Nam (3 dân tộc châu Á đón tết âm lịch) đã làm cho cái không khí chuẩn bị tết cũng có vẻ ồn ào hơn những ngày thường.

    Ở các khu phố và thương xá có đông người Á châu buôn bán người ta cũng chăng đèn kết hoa cùng câu đối đỏ. Người mua bán nhộn nhịp. Cộng đồng người Việt ở Toronto còn tổ chức cả hội chợ Tết với sự tham gia của các ca sĩ hải ngoại và các trò vui chơi, biểu diễn võ thuật, múa lân. Hội chợ được tổ chức vào một ngày cuối tuần để nhiều người không phải đi làm có thể tham dự. Ở phố Tàu Toronto, vào dịp này màn múa lân và múa rồng do các câu lạc bộ võ thuật của người Hoa ở đây tổ chức. Cuốn hút người xem nhất là những con lân biết vẫy đuôi, vẫy tai vớí những cây bắp cải trắng (theo tiếng Hoa, bắp cải phát âm gần giống như ?ophát tài?). Tiếng trống lân lúc dồn dập, lúc khoan thai trông thật hấp dẫn. Cảnh sát được huy động để cấm ô tô đi lại ở những con đường này. Khách đi đường đều đứng lại xem và chụp ảnh.

    Từ trước tết người ta đã rục rịch xin nghỉ phép năm để kéo nhau về Việt Nam ăn tết. Những năm gần đây, thủ tục đi lại thuận tiện hơn nhiều, đồng thời Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng chuẩn bị tết cho đồng bào trong nước vui hơn với nhiều hoạt động văn hoá nên số người Việt Nam ở Torônto về quê ăn tết cũng tăng lên. Ngoài sự xốn xang sắp được về quê hương đón xuân, sự chuẩn bị cũng rất phức tạp và tốn kém. Ngoài tiền nong quà cáp để biếu gia đình và người thân còn phải mang hộ nhiều thứ do bạn bè ở bên này không về gửi. Những ai không về được đều mong tết năm sau hay năm sau nữa đến lượt mình được về Việt Nam.

    Ở các cửa hàng đông người Việt, người ta hỏi nhau í ới: ?oTết này có về Việt Nam ăn tết không ??. Thậm chí một số người lái xe điện hoặc xe buýt còn chào các hành khách gốc Á châu bằng các câu như ?oHappy Chinese New Year? nghe thật vui.

    Một vài năm trở lại đây, ở bên này cũng có mứt tết trong nước xuất khẩu sang được bày bán rất nhiều trong các siêu thị người Việt hoặc người Hoa trong dịp Tết. Ngoài ra các loại thức ăn như bánh chưng, bánh dày, giò chả, nem chua, dưa hành, thịt nấu đông, măng miến mộc nhĩ, hoa quả Việt Nam chẳng thiếu thứ gì. Có lẽ cả tiền bạc để chuẩn bị cho cái tết cũng chẳng thiếu. Nhưng cuối cùng cũng lại thiếu thốn rất nhiều thứ khác: thiếu quê hương, gia đình và bạn bè, và đặc biệt là thiếu thời gian. Mọi người vẫn phải đi học, đi làm như ngày thường do đó thời gian quét dọn nhà cửa, mua bán, nấu nướng và thăm hỏi nhau phải được tính toán kỹ lưỡng.

    Có nhiều gia đình vẫn giứ được tập quán cổ truyền nên chuyển bị tết một cách rất nghiêm chỉnh và chu đáo đúng như phong tục ở nhà. Từ đồ ăn cho đến đồ cúng tất niên hay chúc tết và mừng tuổi. Đến lúc giao thừa có rất đông người đến các chùa Việt Nam trong thành phố để lễ Phật và hái lộc.

    Nhưng cũng có nhiều người còn không chuẩn bị được gì nhiều mà chỉ chạy vội ra chợ mua một chút đồ ăn và về cúng ở nhà vào đêm giao thừa. Có nhiều người còn không chuẩn bị gì cả mà chỉ đưa cả gia đình đi ăn ở một nhà hàng nào đó cho nhanh. Có người quá bận thì không có cả tết nữa.

    Ở các trường Đại học, sinh viên Việt Nam cũng ra số báo xuân bằng tiếng Việt hẳn hoi (có lẽ là số báo duy nhất trong năm). Báo của sinh viên Việt of University of Toronto va o York Universtiy được in ấn tương đối cẩn thận và phát không mất tiền cho sinh viên hay đồng bào nào muốn đọc. Một số học sinh, sinh viên còn có bài kiểm tra hay bài tập lớn trong dịp này nên cũng chẳng kịp nghĩ gì đến chuyện tết nữa.

    Trong mấy ngày gần tết, do thời gian rất ít nên nếu có đi thăm nhà ai thì đó chỉ là những bạn bè rât thân. Quà cáp thì có khi chỉ là một chai rượu, vài cái bánh chưng hay ít hoa quả. Mọi người sẽ gọi điện thoại thăm hỏi nhau rất nhiều và gọi về Việt Nam.

    Sang đến sáng mồng 1 thì mỗi thứ nhanh chóng trở lại bình thường như chưa bao giờ có Tết vậy. Lúc này người ta có lẽ sẽ đợi để đón những người về Việt Nam quay lại mang theo những tin tức sốt dẻo từ quê hương. Những người này khi rời Việt Nam có lẽ đều tự nhủ: ''Quê hương, hẹn gặp lại vào xuân sau nhé !''

    (Bài viết của một Việt kiều tại Canada)

    Được Lemotionchef sửa chữa / chuyển vào 17:37 ngày 23/01/2004
  2. Lemotionchef

    Lemotionchef Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/01/2004
    Bài viết:
    40
    Đã được thích:
    0
    Chỉ có 2 ngày cho cái Tết quê hương. Với một người xa xứ hơn 30 năm như tôi, Tết cổ truyền đến thật đột ngột. Ba mươi Tết, một người bạn gửi vào máy tôi text mail: "Tết nhất gì chưa?", tôi mới giật mình nhớ ra mình chưa chuẩn bị gì cho mấy ngày Tết cả. Trong tôi trỗi dậy bao nhiêu cảm xúc về những ngày Tết khi tôi còn ở Việt Nam, bỗng thấy nôn nao lạ.
    Bệnh nhân cuối cùng vừa rời khỏi phòng mạch là tôi phóng lên xe chạy ào ra Bến Thành market. Có lẽ tôi không phải là "thành phần cá biệt" đâu, rất nhiều người (dĩ nhiên là người Việt) cũng hối hả sắm Tết như tôi. Rồi tôi hòa vào cái không khí Tết của kiều bào mình ở Canada, mà cụ thể là Toronto, nơi tôi đang sống. Tiếng xe đẩy chạm nhau lanh canh, tiếng trẻ con ríu rít, tiếng người lớn xôn xao, mà lại là tiếng Việt mới "đã" chứ, làm lòng tôi nao nao, cái cảm giác lâu lắm rồi tưởng chừng như đã bị cuộc sống bận rộn, hối hả làm tan biến.
    Khác với mười mấy năm trước, bây giờ cái gì bên nhà có là bên đây có. ?oChợ? Bến Thành, ?ochợ? Tân Hưng ở Toronto bán đủ cả, có lẽ chỉ thiếu bún tươi thôi. Hoa quả, bánh mứt ngày Tết thứ nhập từ Trung Quốc, Thái Lan..., thứ bên nhà mang sang, thứ bà con người Việt mình sản xuất tại chỗ. Không còn thấy loại bánh chưng gói bằng giấy bạc trông rất phản cảm nữa. Bánh chưng gói bằng lá của bên nhà 10 đô la Canada (CAD) một cái, bánh tét 7 CAD một đòn bán rất nhiều ở chợ của người Việt nhưng tôi thích mua bánh chưng bán trong sân chùa, sân nhà thờ để gây quỹ hơn.
    Bình thường trái cây xứ nhiệt đới cũng phong phú lắm, Tết nhất thì ai cũng mua cho đủ mâm ngũ quả, 3 quả na nhỏ xíu 6 CAD cũng mua, phải có "cầu vừa đủ xài" mà. Tết thấy rõ nhất ở gian hàng mứt, ngày thường vốn chẳng thấy bán nhưng đến cận Tết thì có đủ loại mứt từ Việt Nam mang sang, đựng trong từng giỏ rất dễ thương. Giá không rẻ chút nào mà nhiều người vẫn khệ nệ mang về. Trả từ 35-50 CAD để mang không khí Tết về nhà, kể cũng đáng lắm chứ.
    Mấy gian hàng hoa Forever, Bloor and Kenedy, Bloor village có bán thêm mấy cành đào, mấy cành mai. Thật ra đó chỉ là một loại hoa giống hoa mai được trồng trong nhà kiếng, giá 30 CAD/bình. Người Việt mình trưng cho đỡ nhớ Tết ở bên nhà chứ làm gì có được cảm giác kỳ diệu của một sáng thức dậy thấy cành mai toàn nụ của ngày hôm trước bỗng rực rỡ sắc vàng. Mùa đông mà, hoa mua sao, mấy ngày sau vẫn... y như vậy.
    Sắm sửa vậy thôi chứ dù rơi vào ngày thứ mấy trong tuần đi nữa, người Việt mình ở đây thường ăn Tết trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Bọn trẻ đôi khi đi làm mệt quá, không còn biết Tết là gì, chợt nhớ ra chỉ vội vã mua sắm qua loa, gọi nhau đến ăn uống để có chút cảm giác về ngày Tết.
    Nhà nào may mắn có người già thì có thêm đêm giao thừa ấm áp. Các cụ cũng cúng giao thừa, "đón" ông bà về ăn Tết, đơn giản thôi, làm sao đầy đủ như ở Việt Nam được, cho con cháu tụ họp về thấy không khí ngày Tết.
    Tôi vẫn còn hạnh phúc được đưa mẹ già đi chùa hái lộc đầu xuân. Ở Toronto có khá nhiều chùa, các chùa Pháp Vân, Hoa Nghiêm, A Di Đà, Cam Lộ... nhỏ thôi nhưng ấm cúng. Mấy ngày Tết trời lạnh lắm, âm 10 độ, lúc có gió còn âm đến 20 độ nhưng vẫn có khá nhiều người đến lễ Phật, hái lộc. Dưới mấy lớp áo lạnh, mẹ tôi vẫn trịnh trọng mặc chiếc áo dài. Nhìn bà ngồi tĩnh tâm trước bàn thờ Phật tổ, trong hương trầm thơm ngát, tôi biết bà đang tìm về những mùa xuân cũ. Với bà, ở đây, Tết chưa bao giờ mang hương vị quê nhà.
    Bao giờ cũng vậy, sáng thứ bảy là... mùng một để trẻ con nhận lì xì. Tôi đã cẩn thận đổi tiền mới đựng trong phong bao đỏ lì xì cho các cháu. Đơn giản thôi, tôi muốn chúng có một phần tuổi thơ mà tôi đã để lại Việt Nam. Nhưng chúng không nắm chặt phong bao lì xì như chúng tôi ngày trước mà vội vã mở ra rồi vung vẩy tờ 20, 50 CAD, bàn nhau sẽ mua games hay robot. Đường dây nhà nào cũng bận suốt vì quá nhiều người gọi điện chúc Tết nhau, gọi điện Việt Nam thăm gia đình...
    Trong những ngày này, ai chẳng bùi ngùi nhớ quê, nhớ nhà. Nhịp sống hối hả hằng ngày đã khiến họ không có thời gian để nhớ, giờ đây bao nhớ thương lại tràn về...
    Chỉ vỏn vẹn hai ngày thôi, Tết lại qua đi, mọi người lại lao vào kiếm sống, học hành. Sáng thứ hai tôi lại đi làm và bệnh nhân của ngày hôm ấy trở thành "nạn nhân" của tôi, bởi vì câu đầu tiên tôi hỏi không phải là "Ông (bà) cảm thấy ra sao?" mà là "Ăn Tết có vui không?". Nhiều ông Tây đã trố mắt nhìn tôi. Biết làm sao được, niềm vui ngày Tết ở nơi xa xứ chỉ nho nhỏ thế thôi nhưng cũng đủ làm chúng tôi nhớ quê hương quay quắt.
    (Bài viết của một Việt kiều tại Canada)
    Được Lemotionchef sửa chữa / chuyển vào 17:38 ngày 23/01/2004
  3. Lemotionchef

    Lemotionchef Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/01/2004
    Bài viết:
    40
    Đã được thích:
    0
    Tết Việt Nam giữa mùa đông Canada. Những ngày cuối năm tại Việt Nam là những ngày băng phong tuyết lạnh phủ khắp thành phố Québec (Canada), một thành phố xinh xắn, hiền hoà với những người dân vẫn kiên trì bảo vệ tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ của mình, mặc dù về mặt địa lý là thành phố thuộc vùng Bắc Mỹ, phần lớn dân chúng sử dụng tiếng Anh. Trong lòng thành phố Québec nhỏ bé này, rải rác cũng có cộng đồng người Việt sinh sống tại đây. Đặc biệt, khoảng 15 sinh viên VN vẫn miệt mài sôi kinh nấu sử trong làng Đại học Laval mặc cho tuyết rơi gió hú giữa vùng đất lạnh này. Tại đại học Laval còn có sự hiện diện của một số thầy cô giáo người Việt Nam, vì thế những sinh viên VN cũng có thể gặp bậc đàn anh để trao đổi trong học tập nghiên cứu. Một giáo sư Canada tại Đại học Laval nhận xét: "nhìn chung cộng đồng người Việt ở thành phố Québec này tuy không nhiều nhưng rất được thiện cảm với nhân dân địa phương". Còn sinh viên các nước khác thì thán phục sự chăm học cần mẫn và sự chọn lựa ngành học khá đa dạng.
    Khi bước sang mùa đông băng tuyết cũng là lúc chạnh lòng nhớ đến quê hương ấm áp của mình ở mãi xa xôi. Thật vậy, truyền thống đón tết cổ truyền đã trở thành một phần không thể thiếu được trong tâm hồn người Việt. Bên VN ăn tết tức là mừng xuân, nhưng bên xứ sở phương bắc băng giá này thì không phải là xuân mà là đang giữa mùa đông. Tuy vậy những sinh viên VN thuộc đại học Laval vẫn luôn hướng về đất mẹ Việt Nam xa xôi để cùng chia xẻ cái nắng tết ấm áp với gia đình. Họ cũng lại quây quần bên nhau để cùng chúc tết cho nhau như bao lần tết xa nhà, ăn tết trên đất khách quê người. Tết năm nay sẽ có khoảng trên 10 sinh viên VN sẽ cùng nhau chia sẻ một cái tết xa nhà. Cụm từ "tết xa nhà" xem ra chỉ vỏn vẹn ba từ ngắn ngủi nhưng giữa khái niệm "tết'''' và "nhà'''' đối với những người con xa xứ lại là khoảng cách nửa vòng Trái đất.
    Chắc chắn đêm 30 tết, một huyết mạch duy nhất để giúp họ có được chút hơi ấm gia đình là giọng nói vang vang lời chúc tết, lời hỏi thăm, lời chia sẻ động viên và cảm thông qua đường dây điện thoại hoặc qua những lá thư điện tử tuy có khô khan nhưng cũng phần nào bồi đắp được nỗi nhớ nhà lúc này đang chuẩn bị bông hoa chưng tết, nhớ con đường chốc chốc lại thấy ánh lửa bên vệ đường với nồi bánh chưng xanh đang nấu, nhớ khu phố ấm áp tình làng nghĩa xóm. Một đặc điểm của tết cổ truyền là gia đình đoàn tụ bên ông bà cha mẹ để bầu khí hạnh phúc trong hiệp nhất làm tan biến đi những nhọc nhằn vất vả trong năm. Những sinh viên và cán bộ nghiên cứu VN tại vùng Québec này cùng chung vui chia sẻ cái tết xa nhà với nhau, họ cùng hẹn nhau ra phố đi chợ để kiếm cho được những món mà khi nấu lên phải phảng phất hương vị VN. Tuy nhiên bữa ăn chỉ là phương tiện để có dịp gặp gỡ, hàn huyên tâm sự, một điều mà ai cũng cảm nhận sâu sắc là tình gia đình người Việt cho dù ở Thái Nguyên, Hà Nội, TP.HCM hay Cần Thơ, mỗi người đều cảm thấy như anh em một nhà. Sau những giờ phút cùng hưởng tết bên nhau giữa mùa đông băng tuyết là lúc bước vào cảm xúc riêng tư của từng người khi trở về với căn phòng ký túc xá đại học nhỏ nhắn của mình, mỗi người một tâm trạng, có người miên man suy nghĩ về bố mẹ, về người bạn gái sắp cưới, có người lâng lâng một chút tình cảm của người cha người mẹ xa con cái gia đình trong những ngày tết. Chỉ có nhìn nhau qua ánh mắt mới thấu hiểu tình cảm của những người con ăn tết xa nhà vì cảm xúc chỉ hiểu được bằng cảm xúc chứ ngôn từ nói không hết ý được, đặc biệt là cảm xúc trong bầu không khí "đồng cảnh tương lân".
    Tết là công việc học tập nghiên cứu
    Những ngày cuối năm đề tài tết cũng thường được nhắc đi nhắc lại trong nhóm sinh viên VN tại Québec này. Vì ai cũng biết là phải chuẩn bị đón tết trong hoàn cảnh xa nhà chứ không phải là xa nhà quên tết. Tuy nhiên công việc học tập và nghiên cứu vẫn là nhiệm vụ hàng đầu phải hoàn thành vì cuối năm cũng là lúc chuẩn bị thi kết thúc khoá học.
    Những SV Canada gốc Việt khi nhắc đến tết cổ truyền, các em nói lên những cảm nghiệm của mình về tết trong bối cảnh gia đình như là chính các em đã từng sống qua những ngày tết bên VN. Đặc biệt là các em rất mong học thành tài ra trường có việc làm và có điều kiện về thăm quê hương xứ sở vào dịp tết. Tuy còn trẻ nhưng tình đồng bào lại trưởng thành nơi cung cách sống của mỗi em khi giao lưu với nhóm SV VN du học tại đây và nhất là nhắc đến những hình ảnh chuẩn bị đón tết bên VN, các em không khỏi cảm xúc nao nao muốn bay về VN hưởng tết ấm áp. Và có lẽ chúng ta có thể đồng cảm được phần nào cảnh ăn tết xa nhà giữa mùa đông Canada, giữa làng Đại học Laval, Québec của những sinh viên và cán bộ nghiên cứu VN.
    (Bài viết của một Việt kiều tại Canada)
    Được Lemotionchef sửa chữa / chuyển vào 16:20 ngày 27/01/2004
  4. Lemotionchef

    Lemotionchef Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/01/2004
    Bài viết:
    40
    Đã được thích:
    0
    Các mod vui lòng đổi tên chủ đề thành: Canada, chuyện ở "nơi đang sống". Cám ơn các mod nhiều.
    Chuyện ở "nơi đang sống". Thế là tôi đã đặt chân đến Canada. Lần đầu tiên đến một đất nước cách chúng ta đến nửa vòng trái đất, thú thực, tôi đã không khỏi ngỡ ngàng.
    Theo trình tự, người Canada đầu tiên tôi được tiếp xúc khi đến Canada là những tiếp viên hàng không. Air Canada bay nội địa có đội ngũ tiếp viên đứng tuổi. Thế là tôi và cô bạn bắt đầu nhớ đến các tiếp viên của Việt Nam Airlines trẻ trung và xinh đẹp. Bay từ Vancouver đến Montreal hơn 5 giờ hay từ Toronto về Montreal chưa đầy 1 giờ. Mấy cô tiếp viên đứng tuổi tay cầm bình trà, tay kia kẹp nách một chồng cốc nhựa chìa vào mặt hành khách mà hỏi: "Xin vui lòng dùng trà?". Nếu OK thì phải tự tay rút cốc nâng cho họ rót. Đến nơi kể, hoá ra ai cũng ấn tượng về chuyện này. Đại loại là Vietnam Airlines ngọt ngào hơn, tận tình hơn, bay nội địa hơn 1 giờ ăn uống nhiều hơn. Hàng hàng không Cathay có tiếng là dịch vụ tốt, thế mà hôm nọ đi từ Việt Nam chậm lên chậm xuống, thông báo đi thông báo lại mấy lần, và cũng phải chờ đợi dài cổ. Cái điệp khúc "xin lỗi" cứ được nhấn đi nhấn lại vài lần, ở Nhật Bản, đến Hong Kong, rồi Canada. Hình như các hãng hàng không châu Á rất chú trọng đến đội ngũ tiếp viên chứ không chỉ riêng dịch vụ vé, đồ ăn và an toàn chuyến bay.
    Theo quy định trên giấy tờ thì các khu vực chính phủ, du lịch, sân bay, hải quan của Canada đều đề song ngữ. Nhưng đến Vancover làm thủ tục hải quan, mặc dù có rất nhiều bảng treo đề song ngữ thì họ bảo đợi họ đi tìm ai đó nói được tiếng Pháp đã.
    Đến Ottawa, bạn có thể chào hỏi vài câu bằng tiếng Pháp với công chức, còn đến Toronto tiếng Pháp lại là ngoại ngữ. Dân Quebec không sạch sẽ. Ở những nơi công cộng như công viên, bờ sông... dễ dàng thấy túi ni-lon, lon coca lăn lóc. May mà ở đây đất rộng người thưa, không khí khô nên... vẫn chấp nhận được.
    Dù sao Canada vẫn nổi tiếng là "nơi đáng sống" nhất nhì thế giới. Họ đã từng là quán quân 7 năm liên tiếp trong cuộc bình chọn này. Một trong các ưu thế chính là chăm sóc sức khoẻ cộng đồng miễn phí. Có điều mặt trái của nó cũng khiếp. Hãy thử tưởng tượng ai đó ho một cái là đã gọi cấp cứu rồi. Người cần cấp cứu thật lấy đâu ra chỗ chữa chạy, phương tiện kịp thời... Vì thế việc thu phí tượng trưng hay thế nào đó để nâng cao ý thức của người dân đã là chủ đề gây tranh cãi từ nhiều năm nay. Bọn tôi và cả người Canada thường nói vui với nhau: Hệ thống y tế của Canada cực tốt với... người khoẻ!
    Hôm tôi đến một phòng khám để tranh thủ kiểm tra toàn bộ sức khoẻ (tất nhiên miễn phí) thấy hàng loạt cụ già ngồi xếp hàng, trò chuyện râm ran, người phục vụ thông báo đang mùa hè, các bác sĩ đi nghỉ nhiều, sẽ đợi lâu. Tình trạng bộ máy quản lý cồng kềnh, làm việc gì cũng không giải quyết ngay được, hẹn lên hẹn xuống. Trẻ con thì năm thứ hai đi học đã được dạy cách gọi cảnh sát nếu bố mẹ không... tôn trọng. Sự tự do thái quá này chính là nguyên nhân ràng buộc tình cảm trong gia đình lỏng lẻo. Đi đây đi đó nhìn thấy các cụ già trầm mặc ngồi thơ thẩn trên ghế đá lại thấy chạnh lòng...

    (Bài viết của một Việt kiều tại Canada)
  5. Lemotionchef

    Lemotionchef Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/01/2004
    Bài viết:
    40
    Đã được thích:
    0
    Đầu năm mới, một người bà con của tôi sinh sống ở Canada quyết định về đón Tết ở quê hương. Cùng với việc thăm thân, ông còn được mời tham dự một số cuộc gặp gỡ với kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài của Đảng, Nhà nước và cơ quan ngoại giao nước ta tổ chức. Cảm tưởng đầu tiên khi về với Tổ quốc của ông là sự đổi thay đến ngỡ ngàng của quê hương mình sau hơn 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nó khác xa những gì ông tưởng, những gì đã nghe về Tổ quốc tại nơi ông sinh sống.
    Hỏi chuyện ông, tôi mới biết, nơi ông sinh sống, thông tin về Việt Nam đến với bà con Việt kiều khá thường xuyên. Người xa xứ ai cũng háo hức trông ngóng tin nhà. Nhưng những người yêu quê hương Tổ quốc, mỗi lần nghe tin lại không khỏi băn khoăn lo lắng về hiện tại và tương lai của đất nước mình. ở đất khách quê người, ít ai được tận mắt nhìn thấy, mà chỉ tưởng tượng qua những thông tin người ta cung cấp bằng mọi phương tiện. Tin tốt lành thì ít, tin nói xấu chế độ, xuyên tạc sự thật thì nhiều... Khi nhận được thông tin Việt Nam là một trong những nước an toàn nhất năm 2001, ông cũng sinh ra hoài nghi và quyết định về quê để tìm hiểu thực hư ra sao. Về quê cha đất tổ, ông mới vỡ nhẽ, nhiều thông tin ông được nghe ở nơi đất khách đã bị bóp méo xuyên tạc nhiều lần. Cái tốt được thông tin cũng chỉ nhằm đánh lừa người nghe mà tin vào cái xấu. Bước chân đi trên đất Tổ rồi nghĩ lại những điều người ta nói về nước mình sao mà ngậm ngùi, chua xót. Đáng tiếc thay, nhiều thói hư, tật xấu mà kẻ thù lợi dụng và khai thác triệt để xuyên tạc tình hình đất nước, bôi nhọ chế độ ta đều từ một số thông tin đã được đăng tải trên báo chí của ta...
    Nghe lại tâm sự của ông, tôi mới vỡ lẽ. Việc thông tin cho kiều bào Việt Nam sinh sống ở nước ngoài cũng cần thường xuyên, kịp thời hơn, không chỉ là những dịp họp mặt kiều bào đầu năm mà còn phải cung cấp thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng tới đồng bào. Trách nhiệm thông tin cho kiều bào cũng cần được cơ quan sứ quán ở các nước quan tâm hơn, nhất là cung cấp những tờ báo, tạp chí chính thống của nước ta cho các tổ chức, hội người Việt Nam ở nước ngoài để đồng bào hiểu rõ hơn về đất nước, tránh những sơ hở để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, bóp méo sự thật.

    (Bài viết của một Việt kiều tại Canada)
    Được Lemotionchef sửa chữa / chuyển vào 18:31 ngày 27/01/2004
  6. Lemotionchef

    Lemotionchef Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/01/2004
    Bài viết:
    40
    Đã được thích:
    0
    Bún ốc Hà Nội ở Toronto. Trên chuyến bay của hãng hàng không Cathay Pacific bay từ sân bay Anchorage (Hoa Kỳ) về thành phố Toronto lớn nhất nước Canada, tôi có gặp và nói chuyện với hai cô ca sĩ Việt kiều sinh sống tại California - Mỹ sang Canada để thực hiện các show trình diễn ca nhạc phục vụ Việt kiều ở xứ này. Sau những câu chuyện nghề nghiệp, tôi đã hỏi lan man qua các chuyện đời tư và sở thích của các cô. Bất chợt, cô Lan Hương thổ lộ là khi đến Toronto việc đầu tiên mà cô phải làm là đi tìm quán bún ốc Hà Nội tại đại lộ Spadina ngay giữa khu phố Trung Hoa ở trung tâm thành phố để được thưởng thức món ăn "khoái khẩu bậc nhất" đó. Cô cũng cho tôi hay, chưa có quán ăn Việt Nam nào trên đất Mỹ có được hương vị bún ốc Hà Nội độc đáo như quán ăn Toronto này. Tôi đã cẩn thận xin cô cho địa chỉ quán ăn nói trên để có dịp trở về với món ăn mang hương vị quê hương mình ngay trên đất bạn Canada cách xa Việt Nam vừa đúng nửa vòng trái đất.
    Vào một ngày đẹp trời đầu tháng 8-1998, tôi cùng một anh bạn bác sĩ Việt kiều sống tại Missisauga phía tây Toronto lái xe chạy về trung tâm thành phố để tìm đến đại lộ Spadina nói trên. Sau khi gửi xe vào bãi kế bên đại lộ, chúng tôi đã đi dạo dọc tuyến và nhận ra rất nhiều hàng, quán và cả siêu thị của người Việt. Kế bên siêu thị Sài Gòn và tiệm phở Bắc, chúng tôi đã tìm ra nhà hàng nhỏ nhắn với cái tên viết bằng tiếng Việt hết sức giản dị: "Quán bún ốc và bún chả Hà Nội". Bước vào qua cửa kính lớn, một cô gái Việt Nam với bộ đồ lụa trắng Hà Ðông đã vồn vã mời chào chúng tôi bằng giọng Hà Nội gốc thật dễ thương: "Xin mời hai chú vào bàn trong thưởng thức hương vị quê hương!". Tôi nhìn quanh, thấy có khoảng bảy, tám bàn có khách, chủ yếu là người Việt và xen vào là vài ba khách Canada, Mỹ. Mùi bún chả thơm lừng xen lẫn mùi bún ốc thoang thoảng mát dịu đã khiến tôi muốn ứa nước miếng. Ngồi trong quán này, nghe toàn tiếng Việt xen với tiếng ca nhè nhẹ từ loa phát ra các điệu dân ca Việt Nam, tôi chợt có cảm nghĩ như mình đang được sống ở giữa quê hương. Các bức tranh treo tường cũng toàn là tranh lụa vẽ phong cảnh Hà Nội và Huế, Sài Gòn quen thuộc.
    Sau khi gọi món, cô hầu bàn đã nhanh nhảu bưng lên hai tô bún ốc lớn và hai đĩa rau sống có đủ rau, hoa chuối, giá sống và các loại rau thơm, rau mùi, chanh ớt những loại rau và gia vị độc đáo của Việt Nam. Nhìn vào tô bún, mầu nước đục nhờ thơm vị bỗng rượu và loang loáng mầu mỡ gấc đỏ au pha với ớt chưng thơm cay càng làm cho các sợi bún trắng tinh và những con ốc hạt mít mỡ màng thêm hấp dẫn. Chúng tôi vừa ăn vừa nhấm nháp hương vị độc đáo của bún ốc Hà Nội mà từ lâu lắm mới được thưởng thức.
    Ðúng là vị bún ốc nghìn xưa của Thăng Long, vừa thanh khiết, vừa đậm đà, vừa nóng bỏng, không thể trộn lẫn với bất cứ món ăn nào khác.
    Tôi hỏi chuyện cô bé hầu bàn để biết thêm về chủ nhân quán ăn này cũng như để biết làm sao họ có được các thứ gia vị Việt Nam độc đáo như thế. Cô bé cho hay, bà chủ là một bà cụ người Hà Nội di cư vào Nam năm 1954, sau đó lưu lạc sang làm ăn ở xứ này. Bà là một người sành điệu và nổi tiếng nấu các món ăn dân gian Việt Nam tại Hà Nội.
    Ðể có được những gia vị quý, bà đã phải đặt hàng các trại trồng rau trong nhà kính ở Toronto cũng như đặt mua bỗng rượu tại các nhà nấu rượu Việt Nam ngay trong khu phố Trung Hoa. Cũng may, ngày nay ở Toronto có rất nhiều người Việt đến cư ngụ nên gần đây các chợ Việt Nam mọc lên như nấm và bán đủ mọi thứ hàng Việt Nam sản xuất tại Canada, trừ món ốc tươi. Tôi hỏi cô bé làm thế nào để có được những mớ ốc ngon đến thế? Cô bé thực thà chạy vào mở tủ lạnh lấy ra cho tôi xem các gói ốc đông lạnh gửi từ Việt Nam qua. Cô nói đầy tự hào: "Toàn ốc Việt Nam chính hiệu được chế biến đông lạnh tại Bình Chánh của TP Hồ Chí Minh gửi qua đấy nhé!".
    Khi biết tôi không phải từ Mỹ qua chơi mà là người Hà Nội mới từ thành phố Hồ Chí Minh qua xứ này, cô đã rối rít hỏi thăm quê hương và còn mời tôi và anh bạn trẻ đi cùng dùng một ấm trà Thiết Quan Âm ướp sen đặc biệt được nhập từ Việt Nam. Cô cũng cho hay, nhiều người Việt định cư tại Mỹ, hằng năm qua Canada chơi chẳng bao giờ bỏ qua quán này để thưởng thức món bún ốc Hà Nội.
    Tại Canada, khi tới thăm các thành phố Montréal, Québec hoặc Ottawa, tôi cũng có dịp được ăn các tô bún ốc Việt Nam. Thế nhưng, rõ ràng là không đâu người ta có thể nấu được những tô bún ốc ngon như ở quán này.
    Thế mới biết để có thể thưởng thức hương vị thủ đô độc đáo chẳng phải dễ gì nếu chủ quán hay đầu bếp không phải chính là người dân gốc Hà Nội nghìn năm văn hiến với một "gu" ẩm thực tuyệt vời của dân Thăng Long kinh kỳ muôn thuở.

    (Bài viết của một Việt kiều tại Canada)
    Được Lemotionchef sửa chữa / chuyển vào 18:02 ngày 29/01/2004

Chia sẻ trang này