1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cao Xuân Hạo: Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn?

Chủ đề trong 'Tiếng Việt' bởi culan, 10/04/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. culan

    culan Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/10/2002
    Bài viết:
    223
    Đã được thích:
    0
    Cao Xuân Hạo: Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn?

    ( copied )
    tg: Lê Hoàng
    Bài viết của GS Cao Xuân Hạo về ưu thế hơn hẳn của chữ Hán so với chữ Tây, chắc chắn không ít thì nhiều đã gây tranh cãi. Phản bác có Nguyễn Hoàng Sơn, bênh vực có Trịnh Hữu Tuệ:

    Khi GS Cao Xuân Hạo nhắc đến kết quả thí nghiệm của một nhóm học giả Mỹ về chứng alexia để củng cố ý kiến của mình, Nguyễn Hoàng Sơn chỉ trích rằng đây chỉ là một "thí nghiệm duy nhất... mà chắc GS cũng chỉ đọc trên báo, chưa được kiểm nghiệm". Lời chỉ trích này cho thấy Nguyễn Hoàng Sơn không có khái niệm gì về cách làm việc khoa học. Nếu mới chỉ có một thí nghiệm, hoặc ta chỉ biết về một thí nghiệm, thì việc trích kết quả của thí nghiệm ấy là hoàn toàn bình thường, chẳng việc gì ta phải đợi đến thí nghiệm thứ hai, thứ ba cả. Còn việc chỉ đọc trên báo mà chưa kiểm nghiệm thì gần như là điều tất nhiên. Chính vì thế nên mới có hàng nghìn tờ chuyên san khoa học, để mọi người có thể đọc mà không cần đến tận nơi kiểm nghiệm.

    Đọc qua những bài ấy, tôi vẫn thắc mắc, tự hỏi: Liệu ai có sức thuyết phục hơn, GS Cao Xuân Hạo hay Tiến Sĩ kiêm chuyên gia Rùa Hoàn Kiếm Hà Đình Đán?

    Trong nhiều năm qua Hà Đình Đán nhiều lần xuất hiện trên báo SGGP với đề tài Rùa Hoàn Kiếm. TS Đán đã thống kê những lần rùa nổi lên ở hồ Hoàn Kiếm để chứng minh rùa hồ Hoàn Kiếm là Rùa Thiêng, là Quốc Bảo - theo đó hầu như vào các ngày lịch sử (không nhớ rõ) hay những lần tu sửa khuôn viên hồ Hoàn Kiếm thì rùa luôn nổi lên. Thống kê như vậy liệu có giá trị nếu không xem xét cả những ngày thường? Tỷ lệ rùa xuất hiện trong các ngày lễ có lớn hơn nhiều so với ngày thường? Chả may rùa hầu như ngày nào cũng nổi mà TS Đán không biết, thì kết luận rùa thiêng càng buồn cười hơn!

    Còn thí nghiệm của GS Cao Xuân Hạo về chứng alexia có gì khác không? Thí nghiệm chứng tỏ những trẻ học kém chữ Latin không tỏ ra đần độn khi học chữ tượng hình (tức khả năng nhận dạng phân tích kém hơn khả năng nhận dạng tổng hợp), nhưng vẫn chưa chứng tỏ trẻ học kém chữ tượng hình cũng không thể học chữ Latin tốt hơn - chưa thể vội vã kết luận gì, vì khả năng tổng hợp kém chưa chắc khả năng phân tích cũng kém. Sở trường và sở đoản mỗi người có khác nên thí nghiệm ấy chưa chứng minh hệ chữ nào kém hơn. Không những Tư tưởng mà Khoa học Đông Tây cũng khác nhau ở điểm này: Đông thiên tổng hợp (chủ toàn), và Tây thiên phân tích (chủ biệt). Chẳng hạn ở Phương Tây thì Vật Lý không thể khảo sát tương tác vật chất nếu không cô lập hệ thống, ngược lại, Đông Y dựa trên quan niệm holistic, giúp người bệnh lấy cân bằng mà tự khỏi bệnh. Ai dám bảo Đông Y hay Tây Y luôn hiệu quả hơn? Và thí nghiệm một chiều của GS Cao Xuân Hạo đã khẳng định được gì chăng?

    Cũng như thống kê Rùa Hà Đình Đán, rõ ràng là không phải thí nghiệm và kết luận "khoa học" nào cũng đáng tin cậy. Một nhóm nghiên cứu ở Đại Học Harvard đã tiến hành 1 cuộc thí nghiệm để tìm hiểu hội chứng Cao Lầu (Chinese Syndrome), nhức đầu khó chịu khi ăn các món nêm nhiều bột ngọt. Họ cho hai nhóm ăn có bột ngọt và không bột ngọt nhưng không hề biết mình thuộc nhóm nào. Theo họ kết quả cho thấy hội chứng Cao Lầu chỉ là chuyện hoang đường. Nhưng kết luận như vậy có đủ tin cậy không?

    Thứ nhất là không rõ:
    ?" Họ thử bột ngọt ít nhiều ra sao, vì người Âu Mỹ to con khỏe mạnh hơn ắt phải thử với liều lượng cao hơn.

    ?" Họ đã thực hiện thí nghiệm với cả những người mắc hội chứng Cao Lầu không? Nghĩa là thí nghiệm có những 4 nhóm, trong đó có 2 nhóm chứ không phải 1 nhóm đối chứng.

    Thứ hai, kết luận ấy không thể phủ nhận thực tế cá nhân tôi là nạn nhân chứng Cao Lầu: mỗi lần ăn món nêm nhiều bột ngọt, chẳng hạn món phở Bắc, tôi bị đau gáy buốt trán tức ngực mỏi nhừ lưng - và bị nhiều lần trước khi tôi biết đến nạn nhân thứ 2 của triệu chứng ấy, thậm chí trước khi biết đến các danh từ Hội Chứng Cao Lầu và Chinese Syndrome - hoàn toàn không thể do ảnh hưởng tưởng tượng từ sách báo hay lời truyền miệng.

    Khi đọc, người biết chữ thành thục không hề đánh vần. Họ nhận ra các từ ngữ qua diện mạo chung của chúng, không khác gì ta nhận ra một vật, một người quen không phải bằng cách lần lượt nhận ra từng chi tiết (mắt, rồi mũi, rồi miệng, rồi tai ...) mà nhận ra ngay tức khắc toàn thể diện mạo của vật hay người đó [1] .

    Trong tâm lý học hiện đại, khái niệm "diện mạo tổng quát" này được gọi là Gestalt. Cái Gestalt này càng gọn ghẽ (prégnant) bao nhiêu thì việc nhận dạng "tức khắc" càng dễ dàng và tự nhiên bấy nhiêu. Về phương diện này, chữ Hán hơn hẳn chữ Tây. Mỗi chữ Hán là một Gestalt tuyệt hảo, trong khi cái chuỗi chữ cái La-Tinh chắp thành một hàng dài không làm thành một hình ảnh có thể nhận diện dễ dàng trong một chớp mắt như chữ Hán.

    Theo GS Cao Xuân Hạo, Gestalt càng gọn ghẽ bao nhiêu thì việc nhận dạng "tức khắc" càng dễ dàng và tự nhiên bấy nhiêu. Và GS Cao Xuân Hạo kết luận "về phương diện này, chữ Hán hơn hẳn chữ Tây." Nhưng hơn hẳn như thế hẳn đã có ý nghĩa gì: tốc độ nhận dạng từng chữ nhanh hơn liệu có tác dụng nào hơn, khi nó nhanh quá so với tốc độ xử lý tiếp nhận dòng thông tin? Tương tự, với tốc độ đánh máy chuyên nghiệp có giới hạn, việc nâng cấp máy PC lên P4 tốc độ 3Hz hay 300GHz gì đó liệu có giúp ta gõ văn bản nhanh hơn không? Các nhà tâm lý trên không nêu rõ tốc độ nhận diện từng Gestalt so với giới hạn tốc độ xử lý dòng thông tin qua các Gestalt đó. Ngoài khía cạnh nhận diện mặt chữ ra, cú pháp các thứ tiếng khác nhau có vai trò quyết định nào đối với tốc độ não xử lý dòng thông tin qua ngôn ngữ đó?


    Không rõ theo GS Cao Xuân Hạo thì chữ viết (có thể cải biến) hay cú pháp (kể như bất biến) mới có vai trò quyết định hơn cả? Nhưng rõ là ông ca ngợi ưu thế của chữ Hán không chút nghi ngại: Không có gì đáng lấy làm lạ nếu sách chữ Tây rất khó đọc theo cách "Nhất mục thập hàng" như sách chữ Hán.

    Tôi không biết tiếng Pháp, Đức, Nga ra sao, chứ với tiếng Anh thì đã có nhiều sách luyện đọc nhanh, giúp ta cải thiện tốc độ đọc, tăng lên 500-2000 chữ một phút. Nhưng cứ theo các sách đó, thì số có thể vừa đọc vừa sang trang rất hiếm. Liệu so với tốc độ đọc chữ Hán dễ dàng nhanh cỡ "Nhất mục thập hàng", ai sẽ vội vã cho rằng các nước Âu Mỹ nếu không đã thì trước sau gì cũng "thua hẳn" các nước dùng chữ tượng hình?

    Còn ở Việt Nam nhu cầu đọc nhanh đã thành một hiện tượng xã hội chưa? Ở Việt Nam đã có sách luyện đọc tiếng Việt cho nhanh hơn chưa? Bản thân GS Cao Xuân Hạo đã có ý định viết sách luyện đọc nhanh tiếng Việt chưa? GS đã thống kê xem người đọc nhanh như máy chiếm bao nhiêu phần trăm trong số những người thành đạt ưu tú nhất nhì trong các nước dùng chữ tượng hình và chữ hệ Latin? Hiện nay trình độ quản trị và đào tạo ở các nước tiên tiến đã bỏ xa các nước tụt hậu - người quản trị / người học hiện nay không phải cứ ngốn càng nhiều báo cáo /sách báo là xong việc. Đành rằng đọc ít nghĩ nhiều và đọc nhiều nghĩ ít đều cần thiết - nhưng quan trọng hơn cả là đọc/học 1 biết 10 làm 100 - chứ không phải đọc/học 10 biết 1, như cách học nhồi nhét ở bậc phổ thông tại Việt Nam hiện nay.

    GS Cao Xuân Hạo có vẻ rất hào hứng với tốc độ đọc chữ Hán, nhưng tốc độ viết chữ Hán thế nào? Rõ ràng chữ Latin kiểu viết tay nét liền nét (không phải chữ Việt cải cách khốn khổ, bỏ bớt nét ngoặc cho "đơn giản dễ viết" năm nao) bình thường viết nhanh dễ hơn chữ Hán; còn muốn ngoáy tiếng Hán cho nhanh, chỉ có loại chữ thảo. Nhưng tiếc rằng cũng như chữ tốc ký tiếng Việt hay tiếng Tây chuyên dùng của thư ký ngày xưa, chữ thảo không phải là cách viết phổ cập, không phải ai cũng biết và cũng dễ đọc. Theo tôi biết chữ tốc ký tiếng Việt viết tháu thì ngay cả người viết cũng chào thua, vậy chữ thảo tiếng Hán cũng là tốc ký mà viết tháu có dễ đọc hơn? Cũng xin hỏi bản thân GS Cao Xuân Hạo đã định chuyển sang ghi chép tay bằng tiếng hay chữ Hán chưa? GS Cao Xuân Hạo có dùng Windows bản tiếng Hoa?


    Có khá nhiều người Việt nghĩ đến những ai đã đem chữ "Quốc ngữ" thay cho chữ Hán, chữ Nôm với một lòng biết ơn sâu xa, cho rằng việc đó đã đưa nước ta tiến vào hiện đại. Nghĩ như thế tôi e có phần vội vàng. Chẳng lẽ sự tiến bộ của Trung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng, Ðại Hàn, Singapore không đủ để chứng minh sự sai trái của ý nghĩ đó hay sao?

    Giá hồi ấy ông cha ta không sáng tạo ra chữ Nôm, mà cứ dùng chữ Hán để viết cả văn Hán lẫn quốc văn như người Nhật Bản đã làm (và hiện nay vẫn làm) ?, thì tình hình có lẽ đã khác.

    Lập luận và giả định trên có gì nhầm lẫn hay sắc bén? Tại sao Việt Nam không dùng chữ Hán và Bắc Hàn có dùng chữ Hán đều nghèo khó nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc? Vì cái hoạ chữ Quốc ngữ hay hoạ chữ Nôm, vì chiến tranh hay vì mấy lần theo học Trung Cộng nên Việt Nam đến nay mới bắt đầu khá hơn Bắc Hàn nghèo đói? Thực tế là: đều dùng chữ hình tượng, nhưng Bắc Hàn và Nam Hàn lại không cùng sánh bước phát triển kinh tế; và Đài Loan chứ không phải Trung Cộng nhất nhì thế giới về sản xuất Mainboard (bo mạch chủ cho máy tính PC); và Trung Cộng nhờ Bác Mao đã từng tụt lùi khá xa trước khi trở thành cọp giấy [*] (thế mà không ngờ đã hóa rồng thật). Liệu có thể cho rằng tiến bộ vượt bực ở Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng, Singapore, Ðại Hàn đều là nhờ chữ Hán? Ở Singapore tiếng Anh chứ không phải tiếng Hán là ngôn ngữ dùng toàn lãnh thổ, còn tiếng Hán chỉ là một trong bốn ngôn ngữ bản địa chính thức bắt buộc trong phạm vi cộng đồng sắc tộc, vậy tiếng nào mới là có công đóng góp cho sự phồn vinh của Singapore? Giá mà Việt Nam vẫn dùng chữ Hán, thì chắc sẽ hoá rồng nhanh hơn Bắc Hàn và Singapore? Cũng theo lập luận ấy, giá mà Nam Hàn chuyển sang chữ Tây, có lẽ Bắc Hàn đã thống nhất Nam Hàn từ lâu?

    Ngày nay nhiều người, trong đó có cả những nhà ngữ học phương Tây, đã thấy rõ những ưu điểm lớn lao của chữ Hán. Có người còn tiên đoán rằng chỉ vài ba mươi năm nũa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc (theo họ, đến lúc ấy các hàng rào ngôn ngữ - barrières linguistiques - xưa nay vẫn ngăn cách các dân tộc, sẽ bị vô hiệu hoá, và đến lúc ấy nhân loại sẽ giao tiếp với nhau dễ dàng gấp trăm lần so với hiện nay.

    Đấy cũng chỉ là một dự đoán? Hay sẽ là một cuộc đổi ngôi ngoạn mục, một cuộc tái sinh cái nôi văn minh Trung Hoa? Chả có gì khó hiểu khi ta chưa từng nghe có ai nói đến cái gọi là Nôi Văn Minh Hoa Kỳ. Từ lâu thông tin lan đi toàn cầu với tốc độ ánh sáng, triệt tiêu khoảng cách địa lý, đã khiến khái niệm Nôi Văn Minh trở thành vô nghĩa. Hay nói rõ hơn, chỉ có thể nói rằng Hoa Kỳ là mồ chôn nôi văn minh nhân loại thì đúng hơn. Ánh sáng cuối cùng từ cái nôi ấy, nếu có, chính là tiếng Mỹ, vẫn và sẽ không ngừng lấn lướt tiếng Pháp trong cộng đồng EU, và tín hiệu số hóa trên mạng InterNet toàn cầu. Liệu sẽ có một luồng ánh sáng ngược lại, hồi sinh từ Trung Hoa Cổ Đại xa xưa?

    So với người Nhật và người Việt Nam chỉ giỏi giữ nước hơn là cướp nước, người Mông Cổ chỉ vô địch cướp nước, quả đúng là người Trung Hoa vô địch giữ nước và cướp nước, và có tiếng thông minh nhất nhì Châu Á. Nhưng hiện nay chính người Trung Hoa đang dốc hết tâm sức học hỏi từ Phương Tây nói chung, và từ Mỹ nói riêng. Sách Mao và sách Khổng mang nặng tư tưởng áp đặt đã bị cất vào bảo tàng viện để họ khởi đầu công cuộc giải phóng sáng tạo trong môi trường giáo dục. Họ sẵn sàng trả lương tương đương lương Mỹ trả để khuyến khích nhân tài trong các ngành mũi nhọn sau khi học ở Mỹ về Trung Cộng làm việc hết mình. Tất nhiên tham vọng của họ là vị trí hiện nay của Hoa Kỳ, là những Bill Gates Made in China, nhưng khó mà tưởng tượng được rằng trong tương lai chữ Hán sẽ là kẻ sống sót duy nhất, là mồ chôn các chữ viết hệ Latin của thế giới - trừ khi Trung Hoa trở về ngôi vị Cổ Đại II, là cái nôi văn minh nhân loại, chẳng hạn khi nó là quốc gia duy nhất sống sót sau một thảm họa toàn cầu nào đó.

    Dự đoán ấy nếu thành sự thật, sẽ là đáng vui hay đáng sợ?


    ...........................
    Cù Lần
  2. culan

    culan Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/10/2002
    Bài viết:
    223
    Đã được thích:
    0
    Bài của gs Cao Xuân Hạo
    Cao Xuân Hạo
    Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn?
    Từ những thập kỷ đầu của thế kỷ XX trở về trước, người châu Âu thường yên trí rằng mình dùng thứ chữ viết hợp lý nhất, khoa học nhất, tiến bộ nhất. Vì thứ chữ ABC của họ là thứ chữ ghi âm. Năm 1897, Hội ngữ âm học quốc tế ra đời cùng với bảng chữ cái gọi là Tự mẫu phiên âm quốc tế - International Phonetic Alphabet (IPA), được coi là lý tưởng của lối chữ ghi âm. Trong mấy thập kỷ kế theo, người ta thi nhau lên án những cái "bất hợp lý" trong hệ thống chính tả của những thứ tiếng như tiếng Pháp và tiếng Anh ("phát âm một đàng viết một nẻo") và những đề án cải cách chính tả thi nhau lần lượt ra đời.
    Thế nhưng gần một trăm năm đã qua, mà không có một đề nghị nhỏ nào trong các đề án đó được thực hiện.
    Thật là may, vì đó là một việc không thể làm được, và không nên làm một chút nào. Niềm tự hào ấu trĩ về lối viết ABC cũng như những cáo trạng ồn ào về tính "bất hợp lý" của chính tả Pháp, Anh và những đề nghị cải cách chữ viết đủ kiểu đều xuất phát từ một sự lầm lẫn thô thiển: lúc bấy giờ người ta chưa hiểu cho lắm là chữ viết có chức năng gì trong đời sống và trong nền văn minh, và nó cần phải như thế nào mới làm tròn được chức năng ấy ở mức tối ưu.
    Kể từ những năm 30 trở đi, sau những công trình của Trường ngữ học Prague nêu rõ những chức năng và yêu cầu của ngôn ngữ viết khiến cho nó khác với ngôn ngữ nói, những tiếng kêu gào trước kia dần dần im lặng, và chẳng còn mấy ai buồn nhắc đến nữa.
    Người ta đã hiểu rằng không có lấy chút cơ sở khoa học nào để khẳng định rằng chữ viết ghi âm là "khoa học nhất", và thứ chính tả lý tưởng là "phát âm thế nào viết thế ấy".
    Kịp đến thập kỷ 70, những bước tiến lớn của ngành ngữ học và những phát hiện của âm vị học về khái niệm "tổ hợp âm" càng khiến cho các định kiến cũ lộ hết tính chất vô căn cứ của nó.
    Số là ở phương Tây người ta nhận thấy có một số trẻ em không sao học đánh vần được, và do đó học mãi cũng vẫn không biết viết. Số này rất ít, nhưng không ít đến mức có thể bỏ mặc làm ngơ, nó chiếm khoảng 0,01% đến 0,02% số trẻ em ở lứa tuổi học tiểu học. Nghĩa là trong một triệu em có khoảng từ một ngàn hai đến hai ngàn em như thế. Người ta gọi "chứng bệnh" này là alexia (chứng không đọc chữ được) hay dislexia (chứng mất khả năng đọc chữ). Những em này thường được coi là "khuyết tật" hay thậm chí "quá đần độn" không hy vọng gì trở thành người có chút ít học thức được.
    May thay, có những nhà ngữ học nảy ra cái ý nghi ngờ rằng nguyên nhân của tình trạng này không phải ở các em, mà chính là ở lối viết ABC. Năm 1978, một nhóm ngữ học Mỹ quyết định làm một cuộc thí nghiệm. Họ mở một số lớp gồm toàn trẻ em "khuyết tật" mắc chứng alexia và dạy chương trình tiểu học cho chúng bằng chữ Hán (xin bạn đọc hiểu đúng cho: dĩ nhiên các em ấy học tiếng Anh và học các môn khác bằng tiếng Anh, nhưng các từ tiếng Anh đều được viết bằng chữ Hán. Chẳng hạn, câu He came to a high mountain được viết bằng sáu chữ Hán là "Tha đáo cập nhất cao sơn"). Sau năm đầu, các em đọc và viết được 1600 từ đơn, và về khả năng hấp thu tri thức, chúng tỏ ra không "đần độn" chút nào, mà kết quả học tập của chúng lại có phần trội hơn các em học tiểu học bằng chữ ABC.
    Người ta hiểu ra rằng các em này chẳng phải có khuyết tật gì, chẳng qua trong não của chúng hình như công năng của bán cầu bên phải (tri giác tổng hợp) trội hơn công năng của bán cầu bên trái (tri giác phân tích) cho nên chỉ nhận dạng được chữ Hán vốn có hình thể đặc trưng rất rõ, mà không tách được các từ ra từng âm tố - từng chữ cái.
    Ðể hiểu rõ hơn hiện tượng này, ta hãy xét qua cơ chế của việc đọc chữ. Khi đọc, người biết chữ thành thục không hề đánh vần. Họ nhận ra các từ ngữ qua diện mạo chung của chúng, không khác gì ta nhận ra một vật, một người quen không phải bằng cách lần lượt nhận ra từng chi tiết (mắt, rồi mũi, rồi miệng, rồi tai ...) mà nhận ra ngay tức khắc toàn thể diện mạo của vật hay người đó [1] .
    Trong tâm lý học hiện đại, khái niệm "diện mạo tổng quát" này được gọi là Gestalt. Cái Gestalt này càng gọn ghẽ (prégnant) bao nhiêu thì việc nhận dạng "tức khắc" càng dễ dàng và tự nhiên bấy nhiêu. Về phương diện này, chữ Hán hơn hẳn chữ Tây. Mỗi chữ Hán là một Gestalt tuyệt hảo, trong khi cái chuỗi chữ cái La-Tinh chắp thành một hàng dài không làm thành một hình ảnh có thể nhận diện dễ dàng trong một chớp mắt như chữ Hán. Ta thử so sánh cách viết mấy từ sau đây, trong cách viết bằng chữ Hán được đặt cạnh cách viết bằng chữ Tây (ABC)* :

    Không có gì đáng lấy làm lạ nếu sách chữ Tây rất khó đọc theo cách "Nhất mục thập hàng" như sách chữ Hán.
    Có khá nhiều người Việt nghĩ đến những ai đã đem chữ "Quốc ngữ" thay cho chữ Hán, chữ Nôm với một lòng biết ơn sâu xa, cho rằng việc đó đã đưa nước ta tiến vào hiện đại. Nghĩ như thế tôi e có phần vội vàng. Chẳng lẽ sự tiến bộ củaTrung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng, Ðại Hàn, Singapore không đủ để chứng minh sự sai trái của ý nghĩ đó hay sao?
    Năm 1985, trong một cuốn sách nổi tiếng, cuốn Le nouveau monde sinisé (Thế giới Hán hóa ngày nay), Léon Vandermeersch [2] khẳng định rằng sở dĩ những "con rồng" nói trên thành rồng được chính là vì họ vẫn dùng chữ Hán [3] . Chỉ còn một nước chưa thành rồng được : Việt Nam. Nước này đã bỏ mất chữ Hán mà trước kia nó đã từng dùng Dĩ nhiên, ta có thể không đồng ý với học giả này, nhưng khó lòng có thể nói rằng đó là một chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên.
    Chữ ABC đối với đa số quả có một ưu điểm lớn là họcrất nhanh. Muốn đọc chữ ABC chỉ cần học vài tháng, trong khi muốn viết 1200 chữ Hán thông dụng thôi đã phải mất một năm. Ưu điểm đó khiến cho chữ "quốc ngữ" đắc dụng trong thời Pháp thuộc, khi mà người ta cần thanh toán việc học đọc học viết tiếng mẹ đẻ cho nhanh để chuyển sang học chữ Pháp và tiếng Pháp. Nó cũng đắc dụng trong thời kháng chiến, khi cần thanh toán mù chữ cho thật nhanh để còn lo đánh giặc.
    Nhưng trong hoàn cảnh độc lập, trong hòa bình, trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, cái ưu thế này không còn lớn như trước nữa. Trong những điều kiện bình thường, dành vài ba năm tiểu học cho việc học chữ (đồng thời các môn khác), không phải là một việc gì quá phí phạm. Tốc độ và chất lượng giảng dạy ở các trường tiểu học, trung học và đại học ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng, Singapore không hề kém so với các nước dùng chữ Tây, trong đó có Việt Nam.
    Trong hoàn cảnh lịch sử của nước ta còn có một điều làm cho chữ "quốc ngữ" đâm ra có vẻ ưu việt đặc biệt: đó là sự tồn tại của chữ Nôm hồi bấy giờ. Trước khi có chữ "quốc ngữ", ông cha ta dùng chữ Nôm để viết tiếng mẹ đẻ. Mà chữ Nôm thì khó hơn chữ Hán rất nhiều (theo một chuyên gia Hán Nôm, nó khó gấp 5 lần). Chính nhờ sự tương phản với thứ chữ phức tạp, khó học ấy mà chữ "quốc ngữ" có vẻ như "tiện"hơn hẳn.
    Giá hồi ấy ông cha ta không sáng tạo ra chữ Nôm, mà cứ dùng chữ Hán để viết cả văn Hán lẫn quốc văn như người Nhật Bản đã làm (và hiện nay vẫn làm), nghĩa là mỗi chữ có hai cách đọc, Hán âm (Kan-on) và Quốc âm (Go-on) [4] , thì tình hình có lẽ đã khác.
    Tiếng Nhật là tiếng đa âm tiết; thế mà người Nhật vẫn dùng được chữ Hán (Kanji) cho hầu hết các văn bản, tuy thỉnh thoảng có thêm như chữ Kana (ghi từng âm tiết) cho các phụ tố (như no: chỉ sinh cách, de chỉ vị cách , ni chỉ tặng cách v.v.). Nhưng nếu vậy làm sao người đọc biết được một chữ nào đó cần được đọc theo Hán âm hay theo quốc âm? Chẳng hạn nếu viết , làm sao biết lúc nào đọc là sơn, lúc nào đọc là núi? Trong đa số trường hợp, văn cảnh sẽ mách cho ta biết. Chẳng hạn nếu thấy viết ta sẽ biết phải đọc là cao sơn thượng, còn nếu thấy , ta sẽ biết đó là trên núi cao, trừ phi có những lý do khác không cho phép đọc như vậy. Nếu cần, có thể dùng một vài dấu phụ. Kinh nghiệm hàng chục thế kỷ dùng chữ Hán để viết tiếng Nhật ít ra cũng chứng minh được rằng lối viết nói trên có thể dùng một cách có hiệu quả. Tiếng Nhật, vốn là ngôn ngữ chắp dính (agglutinating) đa tiết, đã dùng được chữ Hán như vậy, thì tiếng Việt, vốn cùng loại hình đơn lập như tiếng Hán, lại càng dễ dùng chữ Hán hơn.
    Tiếng Việt có một cấu trúc ngữ âm khác hẳn các thứ tiếng châu Âu. Trên hơn 320 trang sách, người viết mấy dòng này đã chứng minh rằng âm vị học của phương Tây (vốn là nền tảng lý thuyết của cách viết ABC) không thể đem ứng dụng để nghiên cứu và phân tích những thứ tiếng đơn lập như tiếng Hán, tiếng Việt hay những thứ tiếng chắp dính như tiếng Nhật, hay những thứ tiếng "có sườn phụ âm" như tiếng A Rập, tiếng Do Thái v.v. Nó chỉ có giá trị và hiệu lực đối với các ngôn ngữ biến hình. Việc phân tách mỗi tiếng (âm tiết) ra thành nhiều âm tố (speech sound), rồi thành nhiều âm vị (phonems), là một hiện tượng kỳ quặc chỉ có thể có với một cấu trúc ngữ pháp trong đó mỗi tiếng có thể gồm hai ba yếu tố có nghĩa (chẳng hạn, từ shla trong tiếng Nga (1 âm tiết) gồm có ba hình vị (ba yếu tố có nghĩa): sh có nghĩa là "đi", l có nghĩa "quá khứ", a có nghĩa "giống cái" [5] .
    Từ đó ta có thể thấy rõ rằng chữ viết ABC, vốn phản ánh cái cấu trúc ấy, khó lòng thích hợp với tiếng Việt và cách tri giác của người Việt đối với tiếng mẹ đẻ của họ. Tiếng Việt (và khá nhiều thứ tiếng khác ở Việt Nam), tiếng Hán, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Myanmar, tiếng Malagasy (Madagascar), tiếng Mixteko, tiếng Mazateco, v.v. là những ngôn ngữ âm tiết tính, trong đó âm tiết là một đơn vị có cương vị ngôn ngữ học minh xác, lại không thể phân tích ra thành những "âm tố" có cương vị tương đương, trong khi trong các thứ tiếng châu Âu chính âm tố mới có cương vị của những đơn vị ngôn ngữ ("âm vị") còn âm tiết lại không có cương vị ngôn ngữ học gì. Không phải ngẫu nhiên mà châu Âu chính là nơi phát minh ra chữ viết ABC. Và sở dĩ thứ chữ này được phổ biến ra khắp thế giới, khônh phải vì một nguyên nhân ngôn ngữ học, mà chính là vì địa vị thống trị của các nước đế quốc chủ nghĩa ở châu Âu.
    Hiện nay tất cả các khách du lịch đến nước ta đều kinh ngạc trước tình trạng người Việt không đọc được những dòng chữ đề trên các đền đài và di tích lịch sử. Họ nói "Các ngài là những người mù chữ ngay trên đất nước mình". Nạn mù chữ Hán cũng là cội nguồn của việc hiểu sai các từ Việt gốc Hán. Cũng như người Pháp không thể giỏi tiếng Pháp nếu không biệt tiếng La Tinh, người Việt Nam cũng không thể giỏi tiếng Việt nếu không biết chữ Hán, thứ chữ đã từng được dùng để viết hơn 70% số từ của tiếng Việt, những từ mà ngày nay vẫn được dùng với một tần suất rất cao.
    Việc học chữ Hán không thể không được đưa vào chương trình trung học.
    Ngày nay nhiều người, trong đó có cả những nhà ngữ học phương Tây, đã thấy rõ những ưu điểm lớn lao của chữ Hán. Có người còn tiên đoán rằng chỉ vài ba mươi năm nũa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc (theo họ, đến lúc ấy các hàng rào ngôn ngữ - barrières linguistiques - xưa nay vẫn ngăn cách các dân tộc, sẽ bị vô hiệu hoá, và đến lúc ấy nhân loại sẽ giao tiếp với nhau dễ dàng gấp trăm lần so với hiện nay.quay lại với chữ Hán. Việc từ bỏ chữ Hán để chuyển sang chữ Tây là một sự kiện không còn hoán cải được nữa rồi. Nhưng, cũng như một trận hồng thủy, những tác hại của nó có thể khắc phục được: ta còn có thể học và nghiên cứu chữ Hán như một di sản của văn hoá dân tộc, và do đó mà bảo tồn một truyền thống quý giá đi đôi với những nghệ thuật cao cả như thư pháp, vốn là tài sản chung của các dân tộc Viễn Ðông và có thể làm thành một mối dây liên lạc giữa các dân tộc rất gần gũi nhau về văn hoá này.
    (Ðăng lần đầu trên Kiến thức ngày nay số 14, 15-6-1994) [6]
    --------------------------------------------------------------------------------
    [1] Do đó, lối học đọc thông qua "đánh vần" là một cách làm sai trái ngay từ nguyên lý. Bây giờ trên thế giới không còn mấy nơi dùng cách học này
    [2] Hiện nay là Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ (École francaise d´Extrême-Orient- trước đây ở Hà NộI, bây giờ ở Paris).
    [3] Léon Vandermeersch 1985, Le nouveau monde sinisé. Paris: Seuil.
    [4] Chẳng hạn, cách đọc Kan-on của chữ SƠN?* là [san], còn Go-on là [yama].
    [5] Cao Xuân Hạo 1985, Phonologie et linéarité. Réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine. Paris: SELAF.
    [6] Sau khi KTNN đang bài này, toà soạn có nhận đưọc nhiều ý kiến phản đối tác giả, trong đó có một bức thư viết :"... hình như ông Hạo học quá nhiều thứ vô bổ cho nên quên mất thứ quan trọng nhất: đạo làm người. Một người đã đưa nước Việt Nam từ cõi man rợ đến ánh sáng văn minh rực rỡ của châu Âu như Alexandre de Rhodes mà ông nỡ quên ơn thì thử hỏi ông đi học bấy nhiêu năm để làm gì?
    Hoá ra công ơn của ông A.de Rhodes là thế. Tác giả bức thư không biết rằng vị thừa sai này tuyệt nhiên không góp một chút gì vào quá trình xây dựng chữ quốc ngữ (từ đầu đến cuối, đó là công sức của các giáo sĩ Bồ Ðào Nha, như những tài liệu mới công bố sau này đều xác nhận). Vả lại nước ta không thể coi là một nước "man rợ" trước khi có chữ "quốc ngữ", và việc Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và hàng trăm nuớc khác không la tinh hoá chữ viết mà vẫn tiến nhanh hơn ta nhiều, cũng cho thấy rằng cái "ơn" của thứ chữ này không lớn đến mức ấy.
    ...........................
    Cù Lần
  3. culan

    culan Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/10/2002
    Bài viết:
    223
    Đã được thích:
    0
    Jennifer Tran
    Chữ quốc ngữ, chữ nước ta
    Nhân cuộc thảo luận trên talawas về chữ quốc ngữ, tôi nhớ lại một nhận xét của một người quen, thuộc lớp đàn anh, khi cuộc chiến Việt Nam đang hồi ác liệt, và triết gia người Anh, Bertrand Russell mở ra Toà Án quốc tế kết án sự can thiệp của người Mỹ vào VN, với triết gia người Pháp, Jean-Paul Sartre là thư ký Toà Án. Người đàn anh trên nhắc tới một nhận định của Bertrand Russell, theo đó, tội ác đầu tiên, là do những ông cố đạo, khi huỷ chữ viết của người Việt, tức chữ Nôm có gốc chữ Nho, tượng hình, gốc bám vào đất (như truyền thuyết về bánh dầy, bánh trưng), thay bằng chữ quốc ngữ tượng thanh, gốc La Tinh. Theo Russell, qua người đàn anh, tội ác huỷ diệt môi trường sống không ghê gớm bằng tội ác huỷ diệt chữ viết, [bởi vì một khi "căn nhà của hữu thể" không còn bám vào đất, con người sẽ chấp nhận bất cứ một ý thức hệ, như là cứu tinh của nó].
    Sau này tôi có tìm đọc một số tài liệu về toà án đó, nhưng chưa tìm ra những chi tiết trên.
    Không hiểu Cao Xuân Hạo có đọc tài liệu trên không, khi đặt vấn đề về chữ quốc ngữ. Vả chăng, khi nói, "nếu người Pháp không thay thế chữ Nôm bằng chữ quốc ngữ, chúng ta sẽ..." là giả dụ một chuyện chưa xẩy ra. Dù muốn, dù không, chữ quốc ngữ đã trở thành một ngôn ngữ chính thức từ bao lâu nay của người Việt, chúng ta phải chấp nhận, và cố làm cho nó hoàn thiện hơn. Đó mới là vấn đề. Một đứa trẻ Việt Nam sinh tại nước ngoài, sẽ viết được tên bố mẹ nó, dễ dàng hơn là một đứa trẻ gốc Hoa, hoặc Đại Hàn. Tôi đã từng thấy một cháu bé viết chữ "bố" và "mẹ" và bố mẹ cháu mừng đến rớt nước mắt. Hơn nữa, cùng với thời đại không gian ảo, với hàng triệu triệu trang web bằng những chữ có gốc La Tinh, chữ quốc ngữ xem ra có vị thế hơn, so với chữ Nho, hoặc chữ Nôm.
    Sau đây, xin trích Nguyễn Tuân bàn về chữ quốc ngữ, trong bài viết về Tú Xương (Thời và Thơ Tú Xương, viết tại Hà Nội, đề ngày 5 tháng Mười 1962):
    "Nghĩ đến cuộc đời Tú Xương và nghĩ về cái lúc Tú Xương chết năm 1907 đó, tôi lấy làm tiếc cho Tú Xương sao không cố sống thêm ít năm nữa, hoặc mươi tháng nữa thôi. Để làm gì? Để cho Tú Xương được gặp phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục chính thức ra đời sau hai tháng Tú Xương từ trần.
    Tú Xương là người ghét chữ quốc ngữ. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục làm *****************, và chủ trương dùng chữ quốc ngữ làm thứ chữ phổ thông đắc lực nhất trong dân chúng để đẩy rộng mạnh công cuộc khai thông dân trí. Nay mong muốn một người ghét cay ghét đắng chữ quốc ngữ tìm đến chữ quốc ngữ của Đông Kinh Nghĩa Thục, liệu cuộc gặp gỡ có dẫn tới kết hợp tích cực gì không?
    Tú Xương ghét chữ quốc ngữ vì chỉ thấy cái đám ký phán thông dùng nó để cho Tây sai khiến mình và làm hại mình. Nó là thứ chữ của đám bất lương, đám bất lương từ bên ngoài đến, đám bất lương từ trong nước mọc lên, do Tây vừa đào tạo ra. Vua quan phong kiến giết đạo, buộc con chiên họ giẫm qua thập tự mà chết như thế nào, thì Tú Xương ghét ký thông phán như thế. Tú Xương cho đám thơ lại tân thời đó, đám ký phán đó chẳng qua cũng là một thứ đi đạo nữa mà thôi. Chữ quốc ngữ họ viết ra, cũng là một thứ chữ mật mã gì đó của đám chỉ điểm cho giặc. Cho nên thơ Tú Xương giương cung giương nỏ lên mà bắn xả vào đám văn thư ký phán nhị tâm, và mỗi câu ngày nay xem lại, vẫn còn thấy rung lên như những mũi tên tre vừa mới cắm phập vào điểm đen. Trong lúc bắn để lùi để cố thủ cho chữ Hán [chữ Nho], Tú Xương bắn bừa cả vào chữ quốc ngữ. Chê trách Tú Xương thiếu nhỡn quan chính trị không nhìn xa rộng về tiền đồ ngôn tự và văn hóa là đúng quá đi thôi.
    Nhưng chữ quốc ngữ do Đông Kinh Nghĩa Thục đưa ra, do chính những nhà khoa bảng, những bậc tiêu biểu cho sĩ phu yêu nước viết ra và đọc lên để cảnh tỉnh hồn nước cũ, nhất định Tú Xương phải nhận định nó có khác đi, nếu Tú Xương còn được sống nốt cả cái năm 1907 đó...."
    Con người Tú Tài ấy vui tin đạo học, lạc đạo nhưng cũng khó bề an bần. Cũng trà, rượu, lầu ca, thuyền hát, cũng trai gái thư đi thư về nhưng có chơi mà không hẳn là thú, con người Tú Xương hành lạc một cách thật sục sặc, lòng hậu mà lời thì bạc khinh ra mặt. [Liệu có thể dùng chính những lời này, để nói về Nguyễn Tuân? JT].
    Nhưng theo tôi nghĩ, cái khía đau xót nhất trong thảm kịch Tú Xương, là con người chuyên thơ nôm ấy - Tôi chưa từng nghe ai đọc thơ chữ Hán Tú Xương. Thường thường các nhà thơ hồi đó làm cả thơ nôm, làm cả thơ Hán, rồi có khi lại tự mình dịch thơ chữ Hán của chính mình thành ra thơ nôm. Trong cái tình hình chung đó, trường hợp chuyên thơ nôm của Tú Xương cũng là một trường hợp đặc biệt - lại là một người không hoà mình được vào với chữ quốc ngữ (như những nhà nho Đông Kinh Nghĩa Thục cùng thời) và vì thế, càng nặng nề thêm cái phần thương tiếc của người thức giả lớp sau, mỗi lần đọc lại thơ Tú Xương, và nghe lại cái tiếng "gọi đò" xưa đó."
    (Trích Tuyển Tập Nguyễn Tuân, tập 3, Lữ Huy Nguyên tuyển chọn, nhà xb Văn Học, Hà Nội, 2000)
    ...........................
    Cù Lần
  4. culan

    culan Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/10/2002
    Bài viết:
    223
    Đã được thích:
    0
    Quốc Việt
    Từ dọn vườn đến chữ quốc ngữ
    Tác giả Nguyễn Luyện nói thật đúng. Chúng ta chăm chỉ dọn vườn của kẻ muốn dọn vườn nhà chúng ta[1]. Nhưng phải chăng chính đó là toàn bộ í nghĩa của tranh luận? Theo lí thuyết, nếu như cả hai bên cùng dọn sạch vườn của nhau thì cuộc tranh luận chiến thắng. Tuy nhiên, cũng theo lí thuyết thì sẽ không bao giờ dọn sạch vườn được, vì vậy mà có 2 kiểu nhìn chiến thắng: hoặc là vườn của chúng ta ít cỏ hơn vườn của bọn họ, hoặc là vườn bọn họ nhiều cỏ hơn vườn của chúng ta. Kiểu chiến thắng thứ ba thực sự thuộc về kẻ mạnh: người ta thấy rằng: vườn mình quả có lắm cỏ, nhưng sau khi đã dọn vườn thì số cây quí nhiều hơn lên. Thế nhưng, ai mà chịu được khi lão hàng xóm cứ nhất quyết cho rằng cái cây giống quí của nhà mình là cỏ dại? Thêm nữa, vì một lí do nào đó, cỏ dại trong vườn người khác thì rất dễ nhận ra, khác hẳn cỏ vườn nhà mình. Thực ra thì đã chắc gì "cỏ là cỏ là cỏ"?
    "Cãi" lại một luận điểm của một nhà khoa học có hạng, hơn nữa lại là một người mình và nhiều người khác yêu mến và tin tưởng không phải là một chuyện dễ dàng. Ông Nguyễn Hoàng Sơn hẳn cũng biết điều đó. Trên thực tế, ông không "cãi" (chữ của ông Lê Thạch Linh) mà ông phản đối, ông công kích, bằng những chiến thuật không phải là không có chỗ đáng chê trách[2]. Nhưng với một người đọc tầm thường như tôi thì những mũi công kích đó không phải là không có lí. Ngược lại, nó còn có chỗ thuyết phục và chẳng có gì đáng gọi là "trò cười cho thiên hạ" như ông Lê Thạch Linh nhận xét cả[3].
    Nhiều người đã nói về bài của Nguyễn Hoàng Sơn. Ở đây tôi muốn đề cập đến những luận cứ khoa học trong các bài báo của giáo sư Cao Xuân Hạo. Lẽ tất nhiên, tôi nhất quyết không dám động đến phương diện lí thuyết ngôn ngữ cũng như những giá trị và những đóng góp của chúng mà chỉ dám đề cập đến một vài luận điểm chung chung trong các bài báo đã được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ cập.
    Trong bài "Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn"[5], giáo sư nêu ra kết quả một thí nghiệm dạy học cho trẻ em "khuyết tật" ở Mĩ năm 1978, dường như để chứng minh cho sự hơn hẳn của chữ Hán. Theo tôi, điều đó chưa thể được gọi là một chứng cứ khoa học cho tính ưu việt của chữ Hán, nói một cách tổng quát. May ra nó chỉ chứng minh được một điều là chữ Hán có thể giúp ích cho một bộ phận trẻ em "khuyết tật" đặc biệt trong việc học chữ ở cấp tiểu học (do khả năng tượng hình của nó?):
    "Người ta hiểu ra rằng các em này chẳng phải có khuyết tật gì, chẳng qua trong não của chúng hình như công năng của bán cầu bên phải (tri giác tổng hợp) trội hơn công năng của bán cầu bên trái (tri giác phân tích) cho nên chỉ nhận dạng được chữ Hán vốn có hình thể đặc trưng rất rõ, mà không tách được các từ ra từng âm tố - từng chữ cái."[1]
    Nếu như điều "hình như" này đúng thì luận cứ cho tính ưu việt của chữ Hán lại càng không thể áp dụng: phải chăng 99,99% số trẻ em còn lại có công năng bán cầu não trái trội hơn và thích hợp với chữ ABC hơn là chữ Hán?
    Cũng trong bài này, giáo sư gần như cho rằng "tiến bộ của một số nước trong khu vực" có nguyên nhân là vì họ giữ được chữ viết gắn với Hán ngữ. Điều này không phải là một luận cứ khoa học, chỉ có thể coi là một giả thuyết làm việc hay một í kiến cá nhân có tính chất tham khảo, cho dù giáo sư có mượn lời của Léon Vandermeersch trong một cuốn sách nổi tiếng: "khẳng định rằng sở dĩ những "con rồng" nói trên thành rồng được chính là vì họ vẫn dùng chữ Hán". Việc ông Léon Vandermeersch khẳng định là quyền của ông Leon Vandermeersch, nhưng nếu như giáo sư lại trích dẫn để mọi người lầm tưởng đó là luận cứ khoa học thì thật buồn. Ở một chỗ khác, giáo sư cho rằng vì chữ Nôm khó nên chữ quốc ngữ mới thay thế được chữ Hán: "Mà chữ Nôm thì khó hơn chữ Hán rất nhiều (theo một chuyên gia Hán Nôm, nó khó gấp 5 lần)"[5]. Liệu đây có phải là một luận điểm có tính khoa học? Cho dù nó được nói ra bởi một chuyên gia và được gán cho một con số định lượng, tôi khó mà tưởng tượng căn cứ khoa học cho sự định lượng khó khăn ấy cho chữ Nôm.
    Trong bài "Nhận xét về chữ Quốc Ngữ"[4], dẫn cuốn "Âm vị học và tuyến tính", giáo sư đã "chứng minh rằng lý thuyết âm vị học hiện hành chỉ có giá trị đối với các ngôn ngữ "tiểu âm vị" (micro-phonematic) như các thứ tiếng châu Âu chứ không thể dùng cho những thứ tiếng "đại âm vị" (macrophonematic) như tiếng Nhật, tiếng Malagasi, và nhất là các thứ tiếng đơn lập như tiếng Hán, tiếng Thái, tiếng Việt, trong đó cái đơn vị âm vị học tương đương về cương vị cấu trúc với âm vị Âu châu là âm tiết (tiếng) chứ không phải là âm tố." và kết luận: "chữ quốc ngữ không phải là một cách viết thích hợp với tiếng Việt." Tuy nhiên, liệu có phải là mạo hiểm không khi đồng nghĩa lí thuyết âm vị học với chữ quốc ngữ? Lí thuyết âm vị học xuất hiện trước hay sau hệ thống mẫu tự ABC? Hay là từ chứng minh đã dẫn, chỉ có thể kết luận được là "lí thuyết âm vị học hiện hành không thích hợp với việc phân tích tiếng/chữ Việt? Tôi không rõ lắm.
    Ở nhiều chỗ khác giáo sư cho rằng chữ quốc ngữ dễ học và thuận tiện hơn chữ Hán, trái với kết luận "về phương diện lí thuyết ngôn ngữ học cấu trúc thì chữ quốc ngữ không thích hợp với tiếng Việt". Nếu không phải điều đó là mâu thuẫn thì phải chăng dễ học và thuận tiện không phải là một trong các tiêu chuẩn của "thích hợp"? Nhất là khi giáo sư đã nhận định: "Như trên kia đã nói, khi người ta đã có nhiều thế kỷ để quen với diện mạo văn tự của các từ ngữ, cái diện mạo ấy trở thành cái hồn của chữ nghĩa. Nó biểu hiện ý nghĩa của ngôn từ không cần thông qua cách phát âm"[4]. Tôi muốn hiểu rằng, khi đã quen với diện mạo của văn tự rồi thì chính cái diện mạo [bất kì] đó đã mang nghĩa của từ ngữ, không cần đến sự biểu nghĩa [tượng hình] của chữ viết, như giáo sư nhận định: "Cho nên một hệ thống chữ viết lý tưởng phải phản ánh, ít nhất là một phần, cái nghĩa của từ ngữ"[4]. Lạy Chúa, thật là khó tin khi mà: "khi đã quen với diện mạo văn tự của các từ ngữ thì các diện mạo ấy biểu hiện ý nghĩa của ngôn từ" rồi mà lại cần một "hệ thống chữ viết lí tưởng" để phản ánh một phần cái nghĩa của từ ngữ nữa? Phải chăng ý nghĩa của ngôn ngữ lí tưởng của tương lai lại chỉ là để phản ánh một phần nghĩa của từ ngữ?
    Nhân tiện nói đến chuyện "quen với diện mạo của từ ngữ", liệu có vội vã quá không khi cho rằng: chỉ có chữ Hán mới mang lại khả năng đọc nhanh: "Về phương diện này[diện mạo tổng quát], chữ Hán hơn hẳn chữ Tây. Mỗi chữ Hán là một Gestalt tuyệt hảo, trong khi cái chuỗi chữ cái La-Tinh chắp thành một hàng dài không làm thành một hình ảnh có thể nhận diện dễ dàng trong một chớp mắt như chữ Hán"[5]. Có một nghiên cứu khoa học nào so sánh khả năng đọc nhanh được của các ngôn ngữ không? Một người Anh đọc một cuốn sách tiếng Anh không thể nhanh bằng một người Trung quốc đọc một cuốn sách chữ Hán ư?
    "Kinh nghiệm hàng chục thế kỷ dùng chữ Hán để viết tiếng Nhật ít ra cũng chứng minh được rằng lối viết nói trên có thể dùng một cách có hiệu quả. Tiếng Nhật, vốn là ngôn ngữ chắp dính (agglutinating) đa tiết, đã dùng được chữ Hán như vậy, thì tiếng Việt, vốn cùng loại hình đơn lập như tiếng Hán, lại càng dễ dùng chữ Hán hơn."[5]
    Nếu như quay trở lại với chữ Hán chỉ vì là tiếng Việt "lại càng dễ dùng" hơn tiếng Nhật thì chẳng hoá ra học chữ Hán chỉ vì Nhật còn dùng được Hán tự nữa là Việt nam ư?
    Giáo sư cho rằng nhược điểm lớn nhất của từ thuần Việt là vì nó dễ quá. Dễ quá thì xác xuất "tưởng bở" sẽ cao hơn. Anh Trịnh Hữu Tuệ bảo vệ ý kiến này và cho rằng chuyện dùng những thuật ngữ "khó hiểu" khiến người ta phải đọc là chuyện bình thường.[6] Tôi không cho rằng đây là một lí do xác đáng và khoa học. Xác xuất dùng sai cao đối với một hệ thống thuật ngữ không phải là một thuộc tính của ngôn ngữ, nó là thuộc tính của những người sử dụng, hay đúng hơn là văn hoá sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng đó. Bản thân ngôn ngữ, không vì khó mà khiến người sử dụng nó chính xác hơn, cũng như không vì dễ mà làm rối loạn chính nó. Tôi vẫn nghĩ rằng chữ viết là một hệ thống kí hiệu cho toàn bộ những kiến thức và trạng thái của một xã hội. Khi bản thân ngôn ngữ bộc lộ những dấu hiệu "loạn" thì đó chính là vì hệ thống các khái niệm, trạng thái, chuẩn mực của xã hội đã bị rối loạn chứ không phải vì ngược lại. Có lẽ điều đúng hơn là bản thân ngôn ngữ không bao giờ rối loạn, cũng như tôi cho rằng nó không xuống cấp hay lên cấp chỉ cho nó và vì chính nó. Nếu ngôn ngữ là một công cụ thì hiệu quả sử dụng không phụ thuộc vào chính nó. Nếu nó thể hiện một trạng thái hay chính là một phần của một chủ thể, thì sự lên xuống của nó chỉ là sự lên xuống của chủ thể mà nó liên quan.
    Giáo sư Cao Xuân Hạo nhiều lần nhận định về tình trạng loạn thuật ngữ ở một số ngành, trên báo chí và dường như cho rằng học chữ Hán bắt buộc ở phổ thông là giải pháp. Liệu biết sơ qua về chữ Hán (từ tình hình giáo dục ngoại ngữ ở phổ thông mà suy ra thì khó có thể nói là một vài tiết bắt buộc có thể giúp học sinh nắm vững chữ Hán được) có thể giúp khắc phục điều đó không hay thực tế là do văn hoá sử dụng chữ viết nói chung có vấn đề? Liệu một quyển từ điển từ Hán Việt tốt và một chuẩn mực ngôn ngữ nghiêm ngặt có giúp ích hơn là sự thay đổi toàn bộ chương trình của hệ giáo dục với rất nhiều hệ lụy. Những hệ lụy này không những là một bài toán cho nền kinh tế chính trị của xã hội đương thời, mà còn đặt ra vấn đề cho sự phát triển trong tương lai. Chúng ta đã có môn Tiếng Việt, vậy tại sao từ vựng Hán Việt và sự sử chúng một cách chính xác lại không thể là một phần của môn học đó? Dựa trên tất cả các lập luận của giáo sư Cao Xuân Hạo, tôi vẫn chưa mảy may được thuyết phục rằng, biết một chút chữ Hán có thể giải quyết được các vấn đề của tiếng Việt nói riêng và xã hội Việt nam nói chung. Đề xuất về một chương trình dạy và học chữ Hán ở cấp phổ thông là một đề xuất cần được tất cả những người quan tâm đến tiếng Việt suy nghĩ.
    Vai trò của chữ quốc ngữ và ảnh hưởng của nó lên văn hoá là một vấn đề phức tạp và đòi hỏi những tiếp cận từ nhiều khía cạnh chứ không thể chỉ bằng khía cạnh ngôn ngữ thuần túy. Ông Jennifer Trần dường như muốn qui trách nhiệm cho chữ quốc ngữ những hệ lụy của các chuyển biến về văn hoá, chính trị, xã hội.[7] Đó là một cách nhìn lí thú, nhưng phải chăng là ngay cả bản thân sự xuất hiện và phổ biến của chữ quốc ngữ đã hàm chứa những nguyên nhân xâu xa và những động lực tiềm ẩn của những biến chuyển xã hội đã xảy ra rồi? Phải chẳng chính sự phổ biến của nó cũng đã là một sản phẩm của văn hoá. Kiểu gì thì đó cũng là một sự kiện đã xảy ra, và vì vậy là tất yếu. Chữ quốc ngữ, không phải chỉ là công sức của các nhà truyền giáo, mà phần lớn còn là công sức của các trí thức Việt nam, và vì vậy, có thể tự hào rằng đó là chữ viết Việt nam. Việc nó xuống cấp hay lên cấp, thiết nghĩ không phải lỗi của chính nó, hay tệ hơn, lỗi của những người đã gắng công phổ biến nó, chắc chắn chỉ bởi lỗi của những người nắm giữ nó hôm nay. Liệu có quá không khi gắn cho nó những vai trò kinh tế, chính trị, và văn hoá tiêu cực khi tự nhận rằng nó mang lại nhiều thuận tiện?
    Cuối cùng hình như một trong những nguyên nhân chính khiến cho nhiều người luyến tiếc với Hán tự là vì các văn tự cổ, vì í kiến của một vài ông Tây kêu rằng "ta mù chữ ngay trên quê hương mình", vì sự đứt đoạn với văn hoá chữ viết "ngày xưa" (tôi tránh từ truyền thống, bởi với tôi, chữ quốc ngữ và văn hoá chữ quốc ngữ cũng đã là một truyền thống). Sĩ diện với mấy ông Tây thì dễ: chỉ việc dịch chúng ra quốc ngữ. Còn văn hoá? Liệu có thể không cảm nhận được văn chương của người xưa chỉ vì không biết đọc chữ Hán? Liệu có thể bị đứt đoạn văn hoá chỉ vì không biết thư pháp chữ Hán? Liệu những truyền thống tốt đẹp không được phép sinh ra mà chỉ là những cái đã tồn tại từ xa xưa? Liệu hội nhập chỉ là sự đóng góp cái mình đã có chứ không phải là cái mình sẽ tạo ra một cách khoa học, hệ thống và hiện đại? Tôi không biết. Cỏ là cỏ không phải là cỏ.
    19-2-2003
    ...........................
    Cù Lần
  5. culan

    culan Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/10/2002
    Bài viết:
    223
    Đã được thích:
    0
    Trịnh Hữu Tuệ
    Một vài nhận xét về việc Nguyễn Hoàng Sơn vs. Cao Xuân Hạo
    Đọc bài "Dùng chữ quốc ngữ là một "tai hoạ" ư?" của Nguyễn Hoàng Sơn (VNQĐ tháng 6.2002, talawas 23.01.2003), trong đó tác giả phê bình những quan điểm của GS Cao Xuân Hạo về chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, ta thấy có hai điểm không ổn. Thứ nhất, GS Cao Xuân Hạo nói một đằng, Nguyễn Hoàng Sơn phê bình một nẻo. Thứ hai, Nguyễn Hoàng Sơn phê bình những cái hoàn toàn không đáng phê bình.
    Hãy xem xét trường hợp thứ nhất. GS Cao Xuân Hạo nói rằng xét "trên bình diện ngôn ngữ học lý thuyết, chữ quốc ngữ không phải là một cách viết thích hợp với tiếng Việt".[1] Tất nhiên ông nói như vậy là vì ông đã nghiên cứu cấu trúc âm vị học của tiếng Việt, so sánh nó với các thứ tiếng dùng chữ La-tinh khác. Kết quả nghiên cứu được trình bày đầy đủ trong một cuốn sách, được in bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, và trong cả các bài viết ở đây ở kia, muốn đọc là có ngay. Vậy nếu muốn phê bình Cao Xuân Hạo thì ta phải làm gì? Tất nhiên là ta phải đọc những gì ông viết về vấn đề này để rồi chỉ ra rằng kết luận trên của ông là vô lý, tức là chỉ ra rằng xét trên bình diện ngôn ngữ học, chữ quốc ngữ thích hợp với tiếng Việt. Một việc làm hết sức hiển nhiên. Nhưng Nguyễn Hoàng Sơn có làm như vậy không? Không! Thay vì đó, ông tuyên bố "chữ quốc ngữ là một hạnh ngộ của dân tộc ta, một động lực to lớn trên con đường canh tân đất nước". Ông đưa ra một loạt ví dụ các nhà nho tên tuổi đã ca ngợi chữ quốc ngữ ra sao, nói rằng "chính lòng yêu nước, thương nòi đã khiến ông cha ta nhanh tróng nhận ra thứ chữ mới là một lợi khí để chấn hưng dân khí, mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân tài, vấn hồi lại độc lập." Sau đó ông trách GS Cao Xuân Hạo đã "làm người đi học phân tâm, làm giảm lòng yêu và tự hào về chữ viết, rộng ra là văn hoá của dân tộc, lòng kính trọng với các bậc tiền bối". Về chữ Nôm cũng vậy. GS Cao Xuân Hạo nói rằng "theo một chuyên gia Hán Nôm...chữ Nôm khó hơn chữ Hán rất nhiều".[2] Một nhận xét mang tính khoa học, có thể dễ dàng phủ nhận bằng khoa học. Nhưng Nguyễn Hoàng Sơn đã không dùng khoa học để phản bác, mà chỉ nhắc nhở rằng "chính nhờ thứ chữ phức tạp ấy và những người không ngại mang tiếng nôm na mách qué chúng ta ngày nay mới có "Quốc âm thi tập" (Nguyễn Trãi)..., "Truyện Kiều (Nguyễn Du), thơ Xuân Hương, thơ Bà Huyện... để mà ngâm ngợi, tự hào và giới thiệu với bạn bè thế giới đấy", và lên án GS Cao Xuân Hạo nghĩ như vậy là "vô ơn với chữ Nôm và những người sáng tạo ra nó..." Ta có thể thấy rằng Nguyễn Hoàng Sơn đi lạc đề hoàn toàn. GS Cao Xuân Hạo nói trên cơ sở khoa học, Nguyễn Hoàng Sơn nói trên cơ sở chẳng hiểu là gì học nữa. Những gì Nguyễn Hoàng Sơn nói ngẫu nhiên đúng - tất nhiên là Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm rồi - và có thể có một giá trị hùng biện nào đấy trong một cuộc tranh luận khác, nhưng khi phạm vi bàn luận là ngôn ngữ học lý thuyết, thì chúng chẳng đúng cũng chẳng sai, và chẳng có bất kì một giá trị gì. Nguyễn Hoàng Sơn không hề chỉ ra được rằng GS Cao Xuân Hạo nói sai, ông chỉ lớn tiếng nhắc nhở rằng không được phép nói như vậy. Chúng ta không thể không nghĩ đến những lời lên án Galileo của nhà thờ châu Âu thời trung cổ.
    Sự thiếu (khoa) học của Nguyễn Hoàng Sơn còn thể hiện ở một loạt những lời chỉ trích hết sức vô lý. Ví dụ, khi nhắc đến cuốn sách "Âm vị học và Tuyến tính", Nguyễn Hoàng Sơn nói rằng GS Cao Xuân Hạo đã "bỏ công viết một cuốn sách tiếng Pháp", rồi thêm vào một cách mỉa mai rằng "chắc là cho các ông Tây". Sự mỉa mai này hoàn toàn vô căn cứ. Thứ nhất, cuốn sách đó có cả bằng tiếng Việt. Thứ hai, lý do tại sao GS Cao Xuân Hạo viết bản đầu tiên bằng tiếng Pháp là hoàn toàn dễ hiểu. Ngôn ngữ học hiện đại, cũng như nhiều môn khoa học khác, được xây dựng trên những thứ tiếng châu Âu, trong đó có tiếng Pháp. Dịch toàn bộ số lượng khổng lồ những khái niệm khoa học ra tiếng Việt để viết một cuốn sách tiếng Việt mà vào thời đó chắc chỉ để cho một vài ông bạn đều biết tiếng Pháp đọc là một việc dở hơi! Khi thấy có nhu cầu, GS Cao Xuân Hạo cũng đã bỏ rất nhiều công dịch cuốn sách đó ra tiếng Việt. Ta tự hỏi bản tiếng Việt đối với Nguyễn Hoàng Sơn có dễ hiểu hơn bản tiếng Pháp không. Thứ ba, ngôn ngữ không phải là tiêu chuẩn để đánh giá một công trình khoa học. Chỉ có người không bình thường về trí tuệ mới đi trách Newton đã viết bằng tiếng La-tinh chứ không phải tiếng Anh.
    Khi GS Cao Xuân Hạo nhắc đến kết quả thí nghiệm của một nhóm học giả Mỹ về chứng alexia để củng cố ý kiến của mình, Nguyễn Hoàng Sơn chỉ trích rằng đây chỉ là một "thí nghiệm duy nhất... mà chắc GS cũng chỉ đọc trên báo, chưa được kiểm nghiệm". Lời chỉ trích này cho thấy Nguyễn Hoàng Sơn không có khái niệm gì về cách làm việc khoa học. Nếu mới chỉ có một thí nghiệm, hoặc ta chỉ biết về một thí nghiệm, thì việc trích kết quả của thí nghiệm ấy là hoàn toàn bình thường, chẳng việc gì ta phải đợi đến thí nghiệm thứ hai, thứ ba cả. Còn việc chỉ đọc trên báo mà chưa kiểm nghiệm thì gần như là điều tất nhiên. Chính vì thế nên mới có hàng nghìn tờ chuyên san khoa học, để mọi người có thể đọc mà không cần đến tận nơi kiểm nghiệm.
    Nguyễn Hoàng Sơn nói "lý do CXH phản đối từ thuần Việt là vì nó... dễ hiểu quá, ông nói "từ thuần Việt dễ hiểu thật, nhưng đó chính là nhược điểm lớn nhất của nó"! Trời đất ơi, cứ cái đà này chắc ông sẽ là người ủng hộ cho việc nói những câu thật cầu kì như các ông đồ gàn ngày xưa, mỗi câu là một điển cố, người nghe phải nát óc ra mới hiểu được thì mới là thông minh sâu sắc ư?" Hãy xem có đúng GS Cao Xuân Hạo ủng hộ "nói những câu thật cầu kì như các ông đồ gàn ngày xưa" không. Đoạn văn đầy đủ của GS Cao Xuân Hạo là, "Từ "thuần Việt" dễ hiểu thật, nhưng đó chính là nhược điểm lớn nhất của nó, vì khi một thuật ngữ quá dễ hiểu, thì cách hiểu "quá dễ" ấy có rất nhiều xác suất là lối "vọng văn sinh nghĩa" - tức là cứ nhìn chữ mà đoán mò ra nghĩa, cho nên có thể sai hoàn toàn. Trong nhiều ngành, trên thực tế đã có hàng ngàn thuật ngữ được hiểu như thế, chẳng hạn như tình thái, hàm nghĩa, ngữ dụng, sở chỉ, v.v. là những thuật ngữ có vẻ dễ hiểu đến nỗi ai cũng cho là mình hiểu rồi, cho nên không thấy cần đọc sách nữa. Chính tính chất trừu tượng, khó hiểu (?) của thuật ngữ Hán-Việt tránh được cho ta cái hiểm họa ấy." Ta có thể thấy ông hoàn toàn có lý trong trường hợp này. Chẳng phải vô cớ mà khái niệm chủ chốt trong lý thuyết thông tin được gọi là entropy, một từ mà thoạt đầu nhìn cả tây lẫn ta đều không ai hiểu. Cha đẻ của lý thuyết thông tin, Claude Shannon, đã phải dùng từ này vì "không ai hiểu nó là cái gì",[3] để ai muốn hiểu được nó thì phải tìm hiểu kỹ càng chứ đừng có đoán mò. Tóm lại, việc dùng những từ lạ, không hiểu được một cách thông thường trong khoa học là một việc hết sức bình thường. Nguyễn Hoàng Sơn một là không hiểu nổi điều này, hai là không hiểu nổi GS Cao Xuân Hạo muốn nói gì.
    Một bài phê bình như bài của Nguyễn Hoàng Sơn, nếu không đọc với một thái độ canh chừng, xem xét kỹ quan điểm, lời nói của người bị phê bình, thì có thể dẫn đến những cái nhìn sai lạc. Nhưng nếu biết được rằng phần lớn những cái nó phê bình một là không tồn tại, hai là không đáng để mang ra phê bình, thì ta sẽ nhìn ra bài viết giá trị được bao nhiêu: rất ít.
    © 2003 talawas
    --------------------------------------------------------------------------------
    [1] Cao Xuân Hạo, "Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ". CXH còn nói thêm sau đó "trên bình diện thực tiễn, dùng chữ quốc ngữ...vẫn có một thuận lợi khá quan trọng ở chỗ nó đưa nước ta vào cái khối cộng đồng lớn của những nước dùng chữ La Tinh trên sách báo, giấy tờ và biển hiệu".
    [2] Cao Xuân Hạo, "Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn?"
    [3] Jerry Campbell, Grammatical Man, tr. 32.
    ...........................
    Cù Lần
  6. culan

    culan Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/10/2002
    Bài viết:
    223
    Đã được thích:
    0

    Cao Xuân Hạo
    Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ
    1.
    Trên bình diện ngôn ngữ học lý thuyết, chữ quốc ngữ không phải là một cách viết thích hợp với tiếng Việt. Nó sử dụng tự mẫu La Tinh, một hệ thống văn tự phản ánh cấu trúc âm vị học của các ngôn ngữ biến hình kiểu châu Âu, trong đó đơn vị cơ bản là "tiểu âm vị" (microphoneme), một đơn vị được thể hiện bằng một "âm tố" ("speech sound"), trong khi đơn vị cơ bản của hệ thống âm vị học tiếng Việt là "tiếng", hay "hình tiết" (morphosyllabème) hay "trường âm vị" (macrophoneme)- vốn đồng thời là đơn vị ngữ nghĩa và ngữ pháp. Trong cuốn Âm vị học và tuyến tính (Phonologie et linéarité: Réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaime, SELAF, Paris, 1985), tôi có chứng minh rằng lý thuyết âm vị học hiện hành chỉ có giá trị đối với các ngôn ngữ "tiểu âm vị" (micro-phonematic) như các thứ tiếng châu Âu chứ không thể dùng cho những thứ tiếng "đại âm vị" (macrophonematic) như tiếng Nhật, tiếng Malagasi, và nhất là các thứ tiếng đơn lập như tiếng Hán, tiếng Thái, tiếng Việt, trong đó cái đơn vị âm vị học tương đương về cương vị cấu trúc với âm vị Âu châu là âm tiết (tiếng) chứ không phải là âm tố. Một thứ chữ như chữ quốc ngữ, chữ "Pin yin" hay chữ "Romaji" che giấu và xuyên tạc cái cấu trúc âm vị học đích thực của các thứ tiếng sử dụng nó, và làm cho người nghiên cứu lạc hướng hoàn toàn.
    2.
    Ðó là xét trên bình diện lý thuyết ngôn ngữ học cấu trúc. Còn trên bình diện thực tiễn, dùng chữ quốc ngữ cho tiếng Việt cũng không có hại bao nhiêu, vì thứ văn tự này cho phép phân biệt đầy đủ các âm thanh cần phân biệt của tiếng Việt [1]. Và mặc dầu việc vay mượn kiểu chữ này của phương Tây, theo ý tôi, là một công việc có phần đáng tiếc, nó vẫn có một thuận lợi khá quan trọng ở chỗ nó đưa nước ta vào cái khối cộng đồng lớn của những nước dùng chữ La Tinh trên sách báo, giấy tờ và biển hiệu. Nhờ đó, một khi "tiếng" đã được tháo rời ra thành âm, các văn bản tiếng Việt có thể sao đúng chính tả của bất cứ từ ngữ nào (đặc biệt là các tên họ) được viết bằng chữ La Tinh hoặc đã được chuyển tự sang hệ chữ La Tinh. Ðiều này làm cho việc phiên âm các tên họ của người nước ngoài trở nên hoàn toàn vô ích và thậm chí rất có hại, nhất là khi ta biết rằng theo thống kê sơ bộ hơn 90% các tên họ nước ngoài (kể cả người Pháp và người Anh) bị phiên âm sai chỉ vì người viết không biết đọc các tên họ ấy (chứ không phải vì quy tắc chính tả tiếng Việt không cho phép phiên âm đúng). Vả lại làm sao có thể biết đọc cho đúng tên họ của dăm trăm thứ tiếng trong nhân loại ? Trong tình hình văn hóa của thế giới ngày nay, việc truyền thông, trao đổi được thực hiện chủ yếu là qua văn bản, cho nên chính tả quan trọng hơn phát âm rất nhiều. Cái thói phiên âm sinh ra do một định kiến hoàn toàn vô căn cứ (chưa bao giờ được kiểm nghiệm), cho rằng quần chúng ít học và học sinh không thể viết đúng và đọc đúng những từ như volt, watt, ampère hay những tên như Marx, Engels. Thật ra nhiều người trong số chúng tôi đã làm thí nghiệm trên hàng trăm học sinh cấp một sau khi đã thí nghiệm trên con cái chúng tôi với những kết quả hết sức rõ ràng: chỉ cần chép lại một lần và ôn lại từ ba đến năm lần bằng cách "ám tả" theo trí nhớ là các cháu đủ thuộc vài chục tên riêng cho đến bốn năm năm sau, cùng với vài ba trăm tên khác được học thêm trong những năm kế theo [2].
    3.
    Kể từ những năm 20 của thế kỷ cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, đã có nhiều người Pháp đề nghị cải tiến chữ quốc ngữ mà họ cho là bất hợp lý. Rồi đến khi miền Bắc được giải phóng, suốt ba năm trời đã diễn ra không biết bao nhiêu cuộc họp, đã in không biết bao nhiêu bài vở và kỷ yếu bàn về cách cải tiến chữ quốc ngữ, rồi cuối cùng người ta mới nhận ra rằng đó là một công việc không những hoàn toàn vô ích mà còn hết sức có hại, lặp lại một cách vô duyên một giai đoạn đã qua của lịch sử chính tả ở châu Âu mà ngày nay người Anh và người Pháp mỗi khi nhớ lại không khỏi cảm thấy bẽ bàng. Số là năm 1897, sau khi Hội Ngữ âm học quốc tế (IPA) ra đời và công bố hệ tự mẫu gọi là Alphabet Phonétique International, một số hội viên và hàng trăm người khác khởi động một phong trào rầm rộ cực lực lên án chính tả Anh và Pháp mà họ cho là hết sức phi lý, cần phải bỏ ngay vì đó là "một nghĩa địa của những hình thái cổ lỗ đã lỗi thời từ lâu" để thay nó bằng một thứ chữ viết phản ánh cách phát âm một cách trung thành và nhất quán, theo nguyên tắc "mỗi chữ ghi một âm và mỗi âm ghi bằng một chữ".
    May thay, với sự đóng góp của những người am hiểu ngôn ngữ hơn, người ta đã nhận ra rằng chữ viết có một chức năng khác với lời nói, chủ yếu là ở chỗ người đọc một văn bản rất khác với người tham gia đối thoại, và chữ viết được đọc bằng mắt chứ không phải nghe bằng tai, cho nên cách nhận diện từ ngữ trên một văn bản rất khác với cách nhận diện từ ngữ khi nghe một lời nói bằng miệng với sự hiệndiện của người phát ngôn ngay trong khi đối thoại. Khi một hệ chữ viết đã được dùng trong vài ba thế kỷ, nó trở thành một truyền thống văn hóa. Mỗi từ ngữ dần dần có một diện mạo riêng, một Gestalt mà người ta đã quen thuộc đến mức không thể thay đổi được nữa. Và cái Gestalt thị giác do cách viết tạo nên được liên hội với cái nghĩa của từ ngữ bất chấp cách phát âm ra sao, và nhờ đó mà người đọc phân biệt được các từ đồng âm mặc dầu không có sự giúp đỡ của tình huống đối thoại hay của sự hiện diện của người đối thoại mà người kia có thể hỏi lại ngay khi không hiểu vì không biết người phát ngôn muốn dùng từ nào trong số những từ đồng âm. Ðó là chưa nói rằng chính tả còn cho biết khá nhiều điều hữu ích về từ nguyên, và do đó, về nghĩa của những từ dùng căn tố Hy Lạp, La Tinh hay Sanskrit, về gốc gác của những tên riêng, và do đó, về quốc tịch hay tôn giáo của người đương sự. Cho nên từ khi có cái phong trào "bài xích và cải cách chính tả Anh Pháp" cho đến nay đã đúng một thế kỷ mà hai hệ thống chính tả này vẫn tồn tại y nguyên, và ngày nay họa chăng chỉ có những người không được bình thường may ra mới còn nghĩ đến chuyện cải cách chính tả Anh hay Pháp, mặc dầu so với chữ quốc ngữ, hai thứ chính tả này còn xa cách phát âm gấp bội.
    4.
    Chữ viết không phải là phiên âm, vì ngôn ngữ không phải chỉ là âm thanh: nó còn có nghĩa nữa. Cho nên một hệ thống chữ viết lý tưởng phải phản ánh, ít nhất là một phần, cái nghĩa của từ ngữ. Từ cổ đại, loài người đã có một hệ thống chữ viết gần đạt đến cái lý tưởng ấy: chữ Hán. Một bằng chứng sáng rực của tính ưu việt của chữ Hán là hiệu quả tuyệt vời của việc sử dụng nó cho một ngôn ngữ thuộc một loại hình hoàn toàn khác tiếng Hán: tiếng Nhật, một thứ tiếng đa âm tiết thuộc loại hình chắp dính (agglutinating). Khi dùng cho tiếng Nhật, nếu không kể một số rất ít những từ gốc Hán được người Nhật phát âm hao hao như tiếng Hán (các từ Hán-Nhật còn giữ dạng đơn âm hay chỉ biến thành song âm), chữ Hán chỉ biểu thị nghĩa, rồi thông qua nghĩa mà biểu thị âm (khi hiểu nghĩa rồi, người Nhật mới chọn giữa hai ba cách phát âm có thể bằng cách căn cứ vào văn cảnh). Dựa vào những thành quả ngoạn mục của việc dạy tiếng Anh bằng chữ Hán cho các học sinh Mỹ mắc chứng dislexia (không học được cách "đánh vần"), một số nhà ngữ học Mỹ đã thấy rõ tính ưu việt của một hệ thống văn tự phi ngữ âm và đã đi đến chỗ tin rằng đó chính là thứ chữ tương lai của nhân loại. Vả lại ai cũng biết rằng chính là nhờ chữ Hán mà người Trung Quốc, vốn nói nhiều ngôn ngữ khác nhau (về phương diện ngôn ngữ học, tiếng Bắc Kinh, tiếng Quảng Ðông, tiếng Triều Châu là những ngôn ngữ khác nhau chứ không phải là những phương ngữ, vì khoảng cách giữa các thứ tiếng ấy xa hơn khoảng cách giữa các ngôn ngữ Slavian như tiếng Nga với tiếng Nam Tư (Serbo-Croatian) hay tiếng Bulgari rất nhiều), có được một công cụ giao tiếp chung. Một nhà ngữ học Pháp gọi chữ Hán là "một thứ esperanto cho đôi mắt của các thần dân Trung Hoa". Thứ esperanto này còn có tầm tác dụng vượt xa bờ cõi Trung Quốc: nó còn là phương tiện giao tiếp đắc lực giữa người Hán và các sứ giả "man tộc" như người Hàn, người Nhật, người Giao Chỉ, người Hồ, và các thứ "rợ" khác, vốn thường bút đàm với người Hán (và với nhau) nhiều hơn là ngôn đàm.
    5.
    Nói đến đây, tôi chắc các vị hiểu tại sao chính tả tiếng Anh và tiếng Pháp "bất hợp lý" đến thế mà vẫn không thể thay đổi được. Khi lớn tiếng lên án chữ viết đương thời, những người Anh và những người Pháp cấp tiến ngày ấy cũng như những người Việt cấp tiến của thời kỳ 1954 (và ngay đến ngày nay hình như vẫn còn sót lại) chỉ chăm chăm vào một tiêu chuẩn duy nhất: ngữ âm (hay âm vị học). Họ phán xử hệ thống chính tả bằng cách đặt câu hỏi: Nó đã phản ánh thật đúng cách phát âm chưa ? Nó đã nhất quán đi theo nguyên tắc "âm và chữ tương ứng một đối một" hay chưa ? Còn những tiêu chuẩn khác thì họ không cần biết đến. Ở đây tôi chỉ xin nhắc đến tiêu chuẩn "truyền thống" hay "tập quán". Như trên kia đã nói, khi người ta đã có nhiều thế kỷ để quen với diện mạo văn tự của các từ ngữ, cái diện mạo ấy trở thành cái hồn của chữ nghĩa. Nó biểu hiện ý nghĩa của ngôn từ không cần thông qua cách phát âm (vốn thay đổi tuỳ theo từng vùng), thành thử mọi mưu đồ cải cách đều là một sự xúc phạm đến truyền thống văn hóa. Viết gia (trong gia đình) thành za hay da, viết lý (trong luân lý) thành lí, viết yêu thành iêu hay iâw, viết qua thành kwa hay cwa trong nhiều thập kỷ nữa vẫn sẽ được tri giác như những lỗi của một lớp người thiếu hiểu biết, nếu không là một lớp người coi khinh hàng chục thế hệ đi trước, trong đó có những bậc thầy đã dựng nên cả một nền văn học hiện đại. Và như thế để làm gì? Chẳng lẽ chỉ vì muốn tiết kiệm khoảng 2% lượng giấy in sách? Chỉ cần tiết kiệm cỡ chữ "corps 10" bằng cỡ chữ "corps 9" cũng tiết kiệm được gấp mười lần như thế. Dĩ nhiên, một cuộc cải cách như thế sẽ không có hại gì đến mấy triệu học sinh vỡ lòng mới bắt đầu học thứ chữ mới. Nhưng ta cứ thử tính số tiền tốn phí để in lại tất cả các sách vở cần thiết cho các thế hệ học thứ chữ mới. Và thử tính xem có sáu mươi mấy triệu người lớn trở thành mù chữ (hay ít ra cũng thành những người dốt nát chuyên viết sai chính tả do những tập quán cũ và cách đánh vần các văn bản một cách khó nhọc, ít ra là trong dăm bảy năm sau cải cách) [3].
    Nhược điểm của chữ quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm vị học, mà chính là ở chỗ nó có tính chất thuần túy ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong trường hợp các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt. Tuy vậy, cũng gần giống như chữ Anh và chữ Pháp, những chỗ bị người ta coi là bất hợp lý chính là những chỗ làm cho nó phân biệt nghĩa và cội nguồn của các từ đồng âm như gia và da, lý và lí (trong lí nhí ) [4], v.v.. Ðáng tiếc là những trường hợp như thế không lấy gì làm nhiều. Nhưngcó ít vẫn còn hơn là không có, như khi ta thay chữ quốc ngữ bằng một thứ chữ thuần túy ghi âm. Bỏ chữ Hán và chữ Nôm là một tai họa không còn hoán cải được nữa, nhưng ta còn có thể bổ cứu cho sự mất mát này bằng cách dạy chữ Hán như một môn bắt buộc ở trường phổ thông. Người Việt sẽ không thể giỏi tiếng Việt nếu không thấu đáo nghĩa của các từ Hán-Việt, vốn chiếm tỷ lệ hơn 70% trongtvốn từ vựng tiếng Việt.
    (Báo cáo đọc tại Hội nghị "Chữ quốc ngữ và sự phát triển của văn hóa Việt Nam", Trường Ðại học Tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh 1995)
    (Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, nxb Trẻ 2001, tr.107-113)
    --------------------------------------------------------------------------------
    [1] Về những cái lợi và cái hại của chữ quốc ngữ, xin xem bài Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn? (Kiến thức ngày nay, số 14, ngày 15-6-1994).
    [2] Xin xem bài "Về cách viết và cách đọc các tên riêng nuớc ngoài trên văn bản tiếng Việt", cũng có đăng trong tập này
    [3] Xin xem thêm bài "Có cần cải cách chữ Quốc ngữ không?" đăng trên Bán nguyệt san Kiến thức ngày nay, số 223, năm 1996
    [4] Xem thêm Cao Xuân Hạo, "Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn", cũng có đăng trong tập này.
    ...........................
    Cù Lần
  7. culan

    culan Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/10/2002
    Bài viết:
    223
    Đã được thích:
    0
    Cao Xuân Hạo
    "Hán -Việt" và "thuần Việt"
    Ðã có một thời người ta bài trừ hai chữ trực thăng và thay nó bằng mấy chữ máy bay lên thẳng, vì trực thăng là "từ Hán-Việt", một thứ từ ngữ "ngoại lai", "đi mượn của người Hán", tức là từ của tiếng nước ngoài, còn lên thẳng là từ "thuần Việt", là sản phẩm "cây nhà lá vườn" đáng tự hào của người Việt Nam "chính cống", tức người "Kinh", người "Giao Chỉ", người "Keo" hay người "Yuôn".
    Việc sử dụng nhiều các từ Hán-Việt được nhiều người coi là một hành vi lạm dụng, thậm chí vô đạo đức, cần tránh đến mức tối đa, nhất là khi đã có sẵn những từ "thuần Việt" có thể dùng đề thay thế, và việc thay thế này được coi là một nghĩa cử có tác dụng "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", một trong những nhiệm vụ hàng đầu của mọi công dân nước Việt. Việc thay thế trực thăng bằng lên thẳng đã từng được đánh giá là "một thắng lợi vẻ vang của chủ nghĩa yêu nước", "một thành tựu lớn lao trong việc bảo vệ nền văn hoá dân tộc".
    Ðến khi trong kỹ nghệ hàng không lần lượt xuất hiện những kiểu máy bay cất cách theo chiều thẳng đứng, không cần chạy trên mặt đất để lấy đà, tức là "lên thẳng" thực sự, nhưng lại tuyệt nhiên không phải là "trực thăng", người ta mới thấy "hố", bèn vội vàng dùng lại hai chữ trực thăng.
    Những trường hợp tương tự và những tình trạng lúng túng mà phong trào bài xích "từ Hán Việt" gây ra cũng còn thấy có với những từ ngữ như phi công, bị thay bằng giặc lái (từ này được thay bằng người lái khi dùng cho phi công của ta: ai nấy đều đã được nghe anh hùng không quân Nguyễn Văn Cốc nói trên Ðài phát thanh "Tôi là người lái nhân dân Việt Nam"); giáo cụ trực quan bị thay bằng đồ dùng để dạy, không phận bị thay bằng vùng trời; hải phận bị thay bằng vùng biển (trong khilãnh thổkhông hề bị thay bằng vùng đất)[1]; hoả tiễn bị thay bằng tên lửa[2] ; công tố viên bị thay bằng ủy viên buộc tội; tuần dương hạm bị thay bằng tàu tuần biển, v.v., v.v. [3]
    Vậy thiết tưởng cũng nên xét lại xem nội dung của hai khái niệm Hán-Việt và thuần Việt là gì, để thấy rõ hơn việc bài trừ các từ ngữ Hán-Việt và tìm cách thay thế nó bằng những từ ngữ "thuần Việt" có phải là một biện pháp "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" hay không.
    Trước hết phải nói ngay rằng không làm gì có những từ có thể gọi một cách chính xác là "thuần Việt", nếu định nghĩa đó là những từ do chính người Việt (dân tộc Việt) sáng tạo ra từ đầu, chứ không bắt nguồn từ tiếng nói của một dân tộc hay một tộc người nào khác. Trước khi có tiếng Việt hiện đại đã từng có một thời đai mà tiền thân của nó là tiếng Việt-Mường, bắt nguồn từ một chi của tiếng Môn-Khmer. Liệu có thể nói rằng những từ ngữ Việt Mường là "thuần Viêt" không, hay nói rằng những từ ngữ Môn-Khmer là "thuần Việt-Mường" không? Khó lòng có thể nói như vậy, vì có thể khẳng định rằng tiếng Việt-Mường là một ngôn ngữ khác chứ không phải là tiếng Việt, cũng như tiếng Môn-Khmer là một ngôn ngữ khác chứ không phải là tiếng Việt-Mường. Vậy có thể coi những từ Môn-Khmer hay những từ Việt-Mường là "thuần Việt" không? Hay đó là những từ mà tiếng Việt đã vay mượn của tiếng Môn-Khmer hay tiếng Việt-Mường? Khó lòng có thể chọn một trong hai cách trả lời, vì cả hai đều không đúng.
    Thật ra phải nói rằng đó là những từ Việt có nguồn gốc trong một ngôn ngữ "mẹ" (hay "ngôn ngữ bà ngoại") của chính nó[4], có khác với những từ Thái, những từ Mã Lai, những từ Hán hay những từ Ấn Âu, vốn bắt nguồn từ những ngôn ngữ không có quan hệ thân tộc với nó.
    Vậy tại sao không nói đó là những từ vay mượn? "Từ vay mượn"(emprunts, loan words) là một khái niệm cần được định nghĩa trên quan điểm lịch sử, và trên cơ sở một cái mốc đánh dấu sự thành hình của ngôn ngữ đang xét. Kể từ cái thời đại mà tiếng Việt-Mường chẳng hạn, có thể coi là đã thành hình như một ngôn ngữ, hay nói cho đúng hơn, một ngữ trạng (état de langue) có những đặc trưng khiến nó có thể coi như không còn là thứ tiếng trước kia (hay ngữ trạng trước kia) nữa, thì những từ ngữ mà nó du nhập từ những ngôn ngữ khác có tiếp xúc với nó có thể coi là những yếu tố vay mượn, trong khi những từ ngữ mà "mẹ nó" vay mươn lại không thể coi là như thế, vì những từ ngữ này đã là những di sản của thời trước do "mẹ nó" để lại và được nó xử lý như những yếu tố thuộc vốn từ vựng của tiếng "mẹ đẻ". Khi những người nói tiếng Việt-Mường không còn vay mượn những từ ngữ Thái (gạo, gà, vịt và hơn 100 từ khác) như hồi chưa tách hẳn ra khỏi tiếng Môn-Khmer, thì những từ này đã được nhập vào vốn từ vựng của tiếng mẹ đẻ của họ, nghĩa là đã trở thành những từ "thuần Việt-Mường".
    Ðối với các từ gốc Hán cũng vậy, tuy ở đây tình hình có phức tạp hơn một chút. Qua hơn 1000 năm bắc thuộc, tiếng Việt đã mượn của tiếng Hán một số từ ngữ nhiều gấp bốn lần vốn từ ngữ đã có trước kia. Trong số từ vay mượn này, có những từ "bình dân" dần dần được người bản ngữ đồng hoá và dần dần có được một dáng dấp ngữ âm riêng, được dùng y hệt như những từ gốc của bản ngữ, và đến vài ba thế hệ sau khi vay mượn, không còn bị người bản ngữ tri giác như những từ ngoại lai nữa. Bên cạnh đó có những từ ngữ Hán đi vào tiếng Việt theo con đường "bác học", chủ yếu là qua các văn bản hành chính sự vụ mà ngay trong các triều đại đã giành được độc lập cũng được viết bằng chữ Hán cổ điển. Ðó chính là tiền thân của các "từ "Hán-Việt" sau này. Những từ này có một diện mạo ngữ âm được quy định chính xác theo các tự điển Trung quốc ?" theo cách chú âm bằng thủ pháp "phiên thiết". Do đó các nhà nghiên cứu thường thấy cần phân biệt giũa những từ ngữ gốc Hán "bình dân" và những từ "Hán-Việt". Dĩ nhiên sự phân biệt này hoàn toàn có cơ sở. Nhưng nó không đủ để phân biệt đối xử với những từ như đầu, tính, dân, học, hiểu được coi như những từ "thuần Việt" và với những từ ngữ như đại bác, tín nhiệm được coi là cần được loại bỏ trong chừng mưc có thể.
    Khi dựng lên sự phân biệt nhân tạo giữa "Hán-Việt" và "thuần Việt", người ta thường quên mất rằng hầu hết những từ được gọi là "thuần Việt" cũng đều có nguồn gốc ngoại quốc (Thái, Mã-Lai, Chăm, Căm-Pu-Chia, Quảng Ðông, Ấn Ðộ, v.v.) không kém gì các từ "Hán-Việt" và các từ mới vay mượn của tiếng Pháp, tiếng Anh. Thật ra, cái sắc thái đặc biệt mà người ta tri giác được ở các từ Hán -Việt không phải là do một đặc trưng "ngoại quốc" gì của các từ này. Chẳng hạn, xét về ngữ âm, các từ Hán-Việt đều có một cấu trúc âm tiết chuẩn mực của những từ thuần Việt, như các công trình nghiên cứu cấu trúc ngữ âm của các từ Hán-Việt đã cho thấy, chứ không có một âm hưởng là lạ như các từ vay mượn như pa-tê, gòong, soóc, xéc, boong, tỉm xắm, vằn thắn (kể cả những tên riêng Quảng Ðông như Cóong, Dzếnh).
    Sở dĩ các từ Hán-Việt được một số người Việt "có học" phân biệt với các từ "thuần Việt". trong đó có cả các từ gốc Hán được phát âm đúng như trong tự điển phiên thiết như đầu, dân, hiểu, học, là vì những lý do khác, không mấy khi được ý thức rõ ràng. Ðó là :
    1. Những yếu tố "Hán-Việt" không được dùng "độc lập" như các yếu tố "thuần Việt", mà chỉ xuất hiện trong những tổ hợp hai tiếng trở lên. Sự phân biệt này trở nên quan trọng và có dáng "khoa học" kể từ khi giới học giả Việt Nam phát hiện ra cái chuẩn tắc hình thức của phái ngữ học miêu tả dùng sự khu biệt giữa " bound forms và"free formslàm nguyên tắc toàn năng và tuyệt đối quyết định mọi thao tác phân tích và thuyết minh ngôn ngữ học.
    ...........................
    Cù Lần
  8. culan

    culan Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/10/2002
    Bài viết:
    223
    Đã được thích:
    0
    Thật ra nguyên tắc này, tuy có một tác dụng thực tiễn nhất định, nhưng xét về lý thuyết hoàn toàn không liên quan gì đến ngôn ngữ học, cho nên nếu được ứng dụng một cách máy móc, sẽ dẫn đến những sự lầm lẫn hết sức thô lậu, như chúng tôi đã chứng minh trong khá nhiều bài vở, và như giới ngữ học thế giới sau những năm 30 đã thấy rõ. Riêng trong lĩnh vực đang xét, nó dẫn tới những kết quả phi lý sau đây :
    quốc ca là một từ nhưng dân ca là hai từ
    súng trường ?"------ ?"- súng ngắn ?"----
    hải quân ?"------ ?"- không quân ?"----
    Cái chuẩn tắc thô thiển này phủ nhận tư cách từ của tất cả những từ bao giờ cũng đi với một phụ ngữ (bổ ngữ hay định ngữ); đó là các vị từ ngoại động (transitive verbs) như nai (lưng) hay các danh từ đơn vị (unit nouns) như chiếc (đũa) chẳng hạn, và làm nảy sinh ra những sự ngộ nhận đáng xấu hổ trong lý thuyết ngữ học phổ thông, như khái niệm "loại từ" ("classifier") chẳng hạn, mà mãi gần đây (đến tận 1994) vẫn có người ta còn chưa thấy rõ tính phi lý.
    2. Trong tiếng Việt, các từ "Hán-Việt" làm thành một lớp riêng, có những đăc trưng ngữ pháp (a) và tu từ (phong cách học) (b) riêng.
    a. Về ngữ pháp, các từ tổ Hán-Việt tuy cũng chứa đựng những mối quan hệ cú pháp (đẳng lập hay chính phụ) rõ rệt không kém các từ tổ "thuần Việt", nhưng mối quan hệ cú pháp này chặt hơn nhiều, một phần là nhờ cái "trật tự ngược" (phụ trước chính sau) so với các từ tổ thuần Việt.
    Chẳng hạn quan hệ cú pháp chính phụ trong xạ thủ hay phi công chặt hơn nhiều so với mối quan hệ tương đương trong người bắn hay người lái : trong khi xạ thủ Nam chỉ có thể hiểu một cách, thì người bắn Nam không cho biết đó là kẻ đã bắn anh Nam hay là người lính tên là Nam (chắc hẳn cách hiểu thứ nhất (trọng âm [111]) tự nhiên hơn cách hiểu thứ hai (trọng âm [011]) [5].
    Tính chất "chặt" của môí quan hệ cú pháp này giữa hai từ"Hán-Việt" làm cho các từ tổ tương tự dễ được hiểu đúng hơn nhiều khi được dùng làm thuật ngữ chuyên môn (khoa học hay kỹ thuật), nhờ đó mà khi cần cấu tạo một thuật ngữ, từ "Hán Việt" bao giờ cũng có ưu thế hơn hẳn từ "thuần Việt", tuy có một thời, nhân danh tính "đại chúng", người ta đã thay những thuật ngữ như khủng long hay nhược điểm bằng những thuật ngữ như thằn lằn kinh khủng [6] hay điểm yếu (đến bây giờ thuật ngữ sau lại bị thay nhầm bằng yếu điểm, vốn có nghĩa khác hẳn). Hồi ấy, người ta còn yêu cầu đặt thuật ngữ khoa học làm sao mỗi người chỉ cần biết đọc chữ quốc ngữ là hiểu ngay được nội dung. Phải chi có thể làm được như vậy, thì có lẽ toàn dân ngay từ sáu bảy tuổi đã không còn phải đi học nữa, vì đã hiểu được đủ thứ khái niệm như nguyên tử, điện tử. lượng tử, tích phân, vi phân, v.v. sau khi những từ Hán-Việt được chuyển thành từ "thuần Việt".
    "thuần Việt" dễ hiểu thật, nhưng đó chính là nhược điểm lớn nhất của nó, vì khi một thuật ngữ quá dễ hiểu, thì cách hiểu "quá dễ" ấy có rất nhiều xác suất là lối "vọng văn sinh nghĩa" ?" tức là cứ nhìn chữ mà đoán mò ra nghĩa, cho nên có thể sai hoàn toàn. Trong nhiều ngành, trên thực tế đã có hàng ngàn thuật ngữ được hiểu như thế, chẳng hạn như tình thái, hàm nghĩa, ngữ dụng, sở chỉ, v.v. là những thuật ngữ có vẻ dễ hiểu đến nỗi ai cũng cho là mình hiểu rồi, cho nên không thấy cần đọc sách nữa.
    Chính tính chất trừu tượng, khó hiểu (?) của thuật ngữ Hán-Việt tránh được cho ta cái hiểm họa ấy.
    b. Về phương diện ngữ nghĩa, hầu như ai cũng đã thấy từ lâu rằng phần lớn các từ Hán Việt đều có một sắc thái ngữ nghĩa (hay tu từ) khiến cho nó khác một cách khá rõ với các từ thuần Việt dường như đồng nghĩa với nó. Ðó là sắc thái "trang trọng", hay "thi vị", hay "cổ kính", hay "bác học", hay "mờ ảo"của các từ Hán-Việt. Ðiều đáng ngạc nhiên là lẽ ra cái sắc thái đặc thù ấy phải cho thấy ngay rằng những từ ấy đã trở thành những từ "thuầnViệt" từ lâu, chính vì trong tiếng Hán nó không hề có, thì ngược lại nó lại được dùng như một cái cớ để bài bác và để tìm đủ cách loại trừ.
    Trong tiếng Hán, nữ chỉ có nghĩa là "gái", phụ nữ chỉ là "đàn bà", trượng phu là "đàn ông" (hay "chồng"), hoa đăng chỉ là "đèn hoa/bông", sơn động chỉ là "hang núi", lam sơn chỉ là "núi xanh", tử sĩ chỉ là "quân lính chết", mãnh hổ chỉ là "con cọp mạnh", tràng kỷ chỉ là "cái ghế dài", lôi vũ chỉlà "mưa giông", phong ba chỉ là "sóng gió", hài chỉ là "giày"[7]
    Sở dĩ khi chuyển sang tiếng Việt những từ ngữ này có được cái sắc thái "thi vị". "cổ kính" hay "bác học" và cái sức mạnh tu từ của nó chính vì nó đối lập với những từ ngữ "thuần Việt" (hay "nôm na"), và đó chính là nguyên nhân làm cho nó có được cái sắc thái ngữ nghĩa hay tu từ mà nó vốn không có trong tiếng Hán, và cái sắc thái mới ấy cũng chính là bằng chứng hoàn toàn chắc chắn cho thấy rằng nó đã là một bộ phận hữu cơ của hệ thống từ vựng của tiếng Việt, hay nói gọn lại, nó đã hoàn toàn trở thành những từ ngữ của tiếng Việt, tức những từ ngữ "thuần Việt".
    Chính cái phong vị riêng (trang trọng, bác học, v.v.) của các từ ngữ Hán-Việt đã cám dỗ một số người làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng sính dùng loại từ ngữ này. Ðáng lẽ nói "bàn nhanh" thì người ta thích nói "hội ý" hơn; đáng lẽ nói "nói chuyện phiếm" thì người ta thích nói "mạn đàm" hơn, đáng lẽ nói "đi thăm" hay "đi xem" thì người ta thích nói "tham quan" hơn, v.v.
    Trước tình hình đó, hồi kháng chiến chống Pháp chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy cần nhắc nhở cán bộ trong cuốn Sửa đổi lối làm việc (dưới bút danh XYZ) là nên nói năng với quần chúng một cách giản dị hơn, dễ hiểu hơn, bình dân hơn, đừng dùng những từ ngữ quá trang trọng, quá bác học mà thành ra khó hiểu. Nói tóm lại, phải dùng từ ngữ sao cho thích hợp với quần chúng.
    Về sau, những lời dặn dò chí lý ấy dần dần bị hiểu sai thành một chủ trương thanh lọc từ ngữ ngoại lai, và người ta hè nhau tìm cách thay thế những từ Hán-Việt nằng những từ "thuần Việt", nghĩa là những từ ngoại lai khác, gốc Thái, Mã Lai, Môn-Khmer, Ấn độ, v.v. trong khi xây dựng thuật gốc Mã Lai, gốc Chàm, gốc Ấn, v,v., trong đó có cả những thuật ngữ khoa học và kỹ thuật.
    Người ta tưởng làm như vậy là bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, trong khi đó chính là làm cho tiếng Việt nghèo đi, và thay những cách nói đúng đắn, hay ho và thích hợp với tình huống, với ngôn cảnh hay văn cảnh bằng những cách nói ngô ngọng, lạc lỏng, thậm chí vô lễ và man rợ. Nếu gọi con gái bạn mình bằng quý nữ chẳng hạn là lố lăng, thì gọi một người đàn bà bằng đồng chí gái hay y tá gái cũng lố lăng không kém. Thủ tướng gái không bằng nữ thủ tướng. nhưng đầy tớ gái lại hơn nữ đầy tớ. Ngài Tổng thống và vợ không bằng Ngài tổng thống và phu nhân, nhưng thằng Út nhà tôi và phu nhân lại không bằng Thằng Út nhà tôi và vợ nó. Nói chung những sự kết hợp không tương thích đều cho những kết quả xấu.
    Gần đây ta thấy xuất hiện những từ ngữ kỳ quặc mà lại hoàn toàn thừa, nhưng được những người sính chữ "sành điệu" hoan nghênh, chẳng hạn như cụm từ chí ít mà theo gương một vài nhân vật thời thượng người ta ưa dùng thay cho ít nhất, ít ra hay tối thiểu. Từ tổ này vừa lai căng vừa sai trái. Trong tiếng Hán cũng như trong tiếng Việt, chí không bao giờ có ý nghĩa "cực cấp tương đối" (superlatif relatif), thường được diễn đạt bằng hơn cả, nhất hay tối. Nó chỉ có thể có nghĩa "cực cấp tuyệt đối" (superlatif absolu), tức là cái nghĩa thường được diễn đạt bằng rất, lắm, như trong chí phải, chí lý, chí tôn, chí hiếu, chí công, chí minh.
    Ðăng lần đầu trong Kiến thức ngày nay số 118 năm 1993<
    (Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, nxb Trẻ 2001, tr.79-88)
    --------------------------------------------------------------------------------
    [1] Về sau từ vùng biển lại bị thay bằng lãnh hải
    [2] Ngày trước, thứ tên có châm lửa dùng để bắn vào những mục tiêu có thể bốc cháy được gọi là hoả hổ . Gía để dành tên lửa để dịch thuật ngữ này thì thích hợp hơn nhiều so với cách dùng tên lửa để dịch missile hay fusée , vì thứ "đạn" này chẳng giống mũi tên chút nào.
    [3] Ðể chứng minh rằng tiếng Việt đủ giàu để tự cung cấp những thuật ngữ cần thiết, có người đã đề nghị thay "Ðại hội Phụ nữ toàn quốc" bằng "Buổi sum họp lớn của đàn bà cả nước" và ở một cuộc hội thảo năm 1979 có người đề nghị dịch các thuật ngữ chỉ tâm bệnh tính dục như zoophily, gerontophily, necrophily, v.v. bằng những thuật ngữ bắt đầu bằng loạn dâm như loạn dâm con vật, loạn dâm người già, loạn dâm xác chết v.v. thay cho các thuật ngữ cũ như ái thú, ái lão, ái thi, v.v.
    [4] Dĩ nhiên các thuật ngữ này đều phải hiểu theo một nghĩa có tính chất ước định chứ không phải theo nghĩa đen.
    [5] Thí dụ của Nguyễn Tài Cẩn (1965)
    [6] Ðây là một lỗi ngữ pháp rất nặng : kinh khủng, một định ngữ trang trí, không thể kết hợp với thằng lằn, nhất là trong một thuật ngữ, vốn chỉ có thể chấp nhận một định ngữ hạn định (phân loại) cf. Cao Xuân Hạo. Cấu trúc của Danh ngữ. Tiếng Việt, Mấy vấn đề... (1998)
    [7] Những từ "Hán-Việt" không có một tử "thuần Việt" tương phản với nó làm thành một cặp đâiệp thức (doublet), như đầu, hiểu, đông, tây, nam, bắc, v.v. thì không có những sắc thái tu từ này
    ...........................
    Cù Lần
  9. culan

    culan Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/10/2002
    Bài viết:
    223
    Đã được thích:
    0
    Tiếng Việt: xuống cấp hay hội nhập?*
    Giáo sư Cao Xuân Hạo trả lời phỏng vấn của báo Lao Động
    LTS (báo Lao Động): Trong xu hướng hội nhập, ngôn ngữ là một trong những thành tố quan trọng làm nên bản sắc văn hóa của một dân tộc và là đối tượng để nghiên cứu và gìn giữ. Bằng tâm huyết và những công trình khoa học của mình trong suốt 20 năm qua, GS, dịch giả Cao Xuân Hạo là một trong những người đầu tiên tìm cách nghiên cứu tiếng Việt đích thực bằng cách quan sát chính lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Việt một cách có hệ thống (chứ không phải bằng cách sao chép ngữ pháp tiếng Âu Châu).
    Cùng với Tiểu ban tiếng Việt của Hội Ngôn ngữ học TPHCM, ông (vốn là Phó Chủ tịch của Hội, kiêm Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học VN) và các đồng sự đang cùng soạn thảo một bộ sách nhằm thay thế những sách giáo khoa đang dùng ở các trường của ta mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có ý định hủy bỏ, mặc dầu đã từ lâu công nhận rằng kết quả của "12 năm học tiếng Việt qua những cuốn sách ấy là một con số không tròn trịa". Trong bộ sách này, các tác giả sẽ trình bày 300 quy tắc cơ bản mà học sinh phải nắm vững để nói, viết và hiểu đúng tiếng Việt, diễn đạt chính xác những cảm nghĩ của mình và thanh toán những lỗi nặng mà nhà trường chưa bao giờ dạy cách sửa.
    Vì sao ông lại cho rằng "tiếng Việt chưa bao giờ được giảng dạy thực sự ở nhà trường"? Nói như thế có phần cực đoan quá chăng?
    Trong sách giáo khoa tiếng Việt dùng ở nhà trường trung học trong mấy chục năm nay, ngữ pháp tiếng Việt chỉ có mặt trên danh nghĩa, chứ xét về thực chất thì đó là ngữ pháp tiếng Âu Châu được minh hoạ bằng những câu tiếng Việt. Những câu này được sàng lọc rất kỹ: Chỉ có những câu nào giống hệt câu tiếng Pháp mới được đưa vào sách, thành thử chỉ có khoảng vài chục kiểu câu (trong số mấy trăm) được giảng và phân tích cho học sinh dùng. Rốt cục là trong sách hầu như không nói một câu nào về tiếng Việt, về những quy tắc ngữ pháp mà học sinh phải nắm vững để nói, viết và hiểu cho đúng tiếng Việt. Bất cứ nhà ngữ học ngoại quốc nào tình cờ đọc sách dạy tiếng Việt cũng phải thấy ngay rằng đây là một thứ tiếng Châu Âu tiêu biểu, điển hình, thuần tuý; thứ tiếng đó chắc chắn không phải là ngôn ngữ của Nguyễn Du, của Hồ Chí Minh, của Xuân Diệu, của Tố Hữu... của ca dao tục ngữ VN.
    Trong khi đó, ai cũng biết rằng tiếng Việt và tiếng Châu Âu nằm ở hai cực đối lập với nhau đến mức tối đa, có thể nói là một trời một vực. Làm sao có thể chép ngữ pháp tiếng Việt từ tiếng Châu Âu, nhân danh là "hội nhập"? Có khá nhiều người lấy làm tự hào khi thấy dưới ngòi bút của một số tác giả, nhất là các dịch giả, tiếng Việt bây giờ càng ngày càng Tây, nghĩa là càng giống thứ tiếng Việt bồi của mấy ông Tây mới học tiếng Việt. Theo tôi, "hội nhập" chưa bao giờ có nghĩa là gột cho thật sạch những bản sắc của dân tộc để bôi lên mình một lớp sơn thật Tây.
    Ngôn ngữ vốn là sản phẩm tinh túy nhất của văn hoá dân tộc, và đồng thời lại chính là công cụ chi phối mọi hành động, mọi suy nghĩ của một dân tộc. Khi một người Việt không còn biết cách diễn đạt ý nghĩ và tình cảm của mình bằng tiếng mẹ đẻ của mình và của cha ông mình, mà phải bắt chước mấy ông Tây để nói những câu như Em đã, đang, và sẽ được yêu tha thiết bởi anh... chẳng hạn, thì đó là sự suy vong của tiếng Việt.
    Tôi đã nói và viết khá nhiều về sự xuống cấp nhanh đến chóng mặt của tiếng Việt. Tình hình ấy, chính nhà trường của ta phải chịu trách nhiệm. Nếu không bắt đầu dạy tiếng Việt đích thực trong nhà trường ngay từ thập kỷ này, thì những nỗi lo sợ như trên chẳng mấy chốc mà trở thành hiện thực.
    Có người nói rằng thứ tiếng Việt mà ông và các đồng sự của ông ở Hội Ngôn ngữ học TPHCM muốn bảo vệ chỉ là một thứ tiếng Việt đã lỗi thời. Trong khi đó, một trong những đặc tính của ngôn ngữ chính là sự uyển chuyển, biến hóa linh hoạt theo môi trường, xã hội và thời đại...
    Đúng là ngôn ngữ có chuyển biến, nhưng phần chuyển biến nhanh nhất là từ vựng. Trong khi đó ngữ pháp lại thay đổi rất ít và rất chậm. Từ thế kỷ XV (thời Nguyễn Trãi) cho đến nay về cơ bản ngữ pháp tiếng Việt vẫn là một. Tất cả những quy tắc ngữ pháp của thời ấy nay vẫn còn nguyên hiệu lực. Hầu như không có thêm một quy tắc nào mới.
    Còn có cách gì cải thiện được tình hình hiện nay không?
    Dĩ nhiên tôi không bi quan đến mức như một vài bạn đồng nghiệp của tôi. Tuy vậy, nguy cơ vẫn còn đó. Nhưng nếu hoài bão của chúng ta khi xây dựng chương trình tiếng Việt chung quy là mong sao học sinh quên hết những gì đã học, thì tại sao không cố gắng đưa vào chương trình những điều không những không sai trái (vì cố ép bằng được những sự kiện của tiếng Việt vào cái khuôn của tiếng Châu Âu) mà còn cần thiết cho việc hiểu biết tiếng Việt một cách đủ chính xác và nhuần nhị để có thể hiểu đúng hơn, sâu hơn nền văn học của nước nhà và biết diễn đạt một cách chính xác và tinh tế những cảm nghĩ của chính mình?
    Thời hội nhập, tiếng Việt có cần tuân theo những quy tắc truyền thống quá cứng nhắc nữa không; hay cần đơn giản hóa, thưa ông?
    Làm sao tiếng Việt chấp nhận những kiểu nói của tiếng Châu Âu? Tôi không hẹp hòi, nhưng rõ ràng có một điều kiện tiên quyết và quyết định là đừng làm mâu thuẫn những quy tắc ngữ pháp cơ bản của tiếng Việt. Duy nhất trước đây có Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đặt vấn đề về một trong những quy tắc mà ngay chính các nhà ngôn ngữ học cũng không giải thích được, chỉ dùng theo bản năng. Nhiệm vụ của nhà ngôn ngữ học là hiển ngôn hóa những gì mà em bé năm tuổi chưa hiển ngôn được. Tôi đã viết gần xong 300 quy tắc như thế cho riêng tiếng Việt.
    Xin cảm ơn giáo sư.
    (Lao Động số Tết 2003)
    ...........................
    Cù Lần
  10. Terminator3

    Terminator3 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2002
    Bài viết:
    3.174
    Đã được thích:
    0
    Cám ơn bác đã dày công sưu tầm gửi bài lên cho mọi người cùng đọc.
    Hôm trước tôi có tậu được quyển sách tập hợp các bài viết của GS Cao Xuân Hạo, khi nào rảnh sẽ gửi lên góp cùng các bác.

Chia sẻ trang này