1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Câu chuyện nước Mỹ

Chủ đề trong 'Mỹ (United States)' bởi thosan, 25/06/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. thosan

    thosan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2003
    Bài viết:
    914
    Đã được thích:
    0
    Sau 11/9 nghe nói người Mỹ càng có nhu cầu bộc lộ tình cảm. Xe tải lao trên xa lộ Mỹ treo những lá quốc kỳ nhỏ, có khi trên thành xe còn ngoằn ngoèo dòng chữ "You can only protect your liberties in this world by protecting the other man's freedom. You can only be free if I am free" (Bạn chỉ có thể bảo vệ tự do của bạn trong thế giới này bằng việc bảo vệ tự do của người khác. Bạn chỉ có thể tự do nếu như tôi tự do). Vừa rành rẽ vừa yếu mềm. Nhiều người ở HN còn nhắc câu Bill Clinton từng phát biểu trong chuyến sang VN "Chúng ta càng ngày càng phụ thuộc nhau hơn"- chính trị hay yếu mềm? Có những con người trẻ tuổi không biết đến chiến tranh, không quan tâm chính trị, thế mà rồi số phận cũng buộc vào nhau một cách kỳ lạ. Như câu chuyện ám ảnh chúng tôi nhất ở Boston hồi tháng 2 mà tôi có ý định chỉ kể sơ sơ, để bạn đọc tự kết luận lấy. Chỉ biết có thể những câu chuyện kiểu này đã làm thành một phần "lai lịch" chuyến đi của đoàn nhà văn nhà báo vừa qua. Và những lý do tế nhị đã khiến không thể kể tên thật của người trong cuộc

    ở thành phố Boston, cách đây ít năm, xuất hiện một cô gái VN đặc biệt. Cô bị bỏng rất nặng, gần như phải thường trực trong bệnh viện. Da mặt dính vào cổ, mắt cứng, má lột, mũi gần như chỉ còn một nửa. Tròng mắt không sao nhưng cả khuôn mặt nhìn chung biến dạng. Đau đớn là, trước khi bị nạn, cô là cô gái xinh đẹp giỏi giang, học hành đỗ đạt. Nghe nói, khi tai nạn mới xảy ra, không chỉ cô mà gia đình, cha mẹ cũng hơn một lần "không thiết sống".
    Thông qua một người Mỹ thuộc giới trí thức - văn nghệ rất có tiếng mà tôi cũng không muốn kể tên thật ở đây - vốn cũng là người quen biết gia đình cô, biết cô từng xinh đẹp như thế nào, cô được các giáo sư đầu ngành bỏng chữa cho, với sự tài trợ hảo tâm của rất nhiều người. Nghe đâu tổng chi phí lên tới ba, bốn trăm ngàn đô la. Cô gái nhỏ đã trải qua 8 lần phẫu thuật! Buổi chiều đáng nhớ, thật sự đáng nhớ trong lần ghé thăm Boston thành phố cổ xinh xắn ấy, chúng tôi gặp cô tại một tiệc chiêu đãi, mắt vẽ nhẹ, môi nhếch hơi cứng có thoa chút son, nụ cười rạng rỡ phong thái tự tin đến nỗi người đối diện có thể nói đùa bất cứ chuyện gì. "Có phải lần mổ thứ 8 thì ông K. mang anh chàng mắt biếc này đến gây mê không?"
    G.S sinh năm 1968, người Mỹ gốc Iceland. Anh không biết gì nhiều về đất nước có tên là VN kể cả khi bàn về chiến tranh cho đến ngày có hai anh bạn thân người Việt. Thế rồi dắt dây thế nào anh quen cô qua người bạn Việt sau khi cô gặp tai họa và hai người cưới nhau sau đó không lâu.
    "ảnh thương yêu em không kể xiết, cha mẹ ảnh cũng vậy. ảnh có chị gái và em trai, thỉnh thoảng em làm món cơm VN cho cả nhà. Khi em vào bếp, nhất định ảnh phải đứng bên cạnh làm cái gì đó và rất áy náy nếu chỉ có em động tay..."
    G. không nói được tiếng Việt, nhưng tất cả phụ nữ và đàn ông trong bọn 12 người chúng tôi hôm ấy đều "mê" anh, dáng dong dỏng, gương mặt hiền hậu "không chịu nổi" sáng trông trẻ hơn những người đàn ông Mỹ cùng tuổi. Đôi mắt như giọt thuỷ ngân trong veo chăm chắm vào khuôn mặt vợ, đỡ lấy chiếc nem làm cô không đưa được vào khuôn miệng khó mở rộng và đón vội khay thức ăn suýt lạng đi trong tay cô ở thang máy.
    Những ngày tháng 4 này, nghe nói cô sẽ lên bàn mổ lần thứ 9, chủ yếu giải phẫu thẩm mỹ. Cấy da mông lên da mặt và hoàn thiện cánh mũi. Chắc là sẽ tốt đẹp hơn.

    (Dương Phương Vinh)

    Hello,anh sờ tí sao em không đồng ý!!!! (Lionel Richie)
  2. thosan

    thosan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2003
    Bài viết:
    914
    Đã được thích:
    0
    Ý nghĩ trên đường băng (Kỳ cuối)
    Trở về sau chuyến đi, những người thân, sơ đặt cho chúng tôi những câu hỏi khiến vỡ lẽ, mọi người hoá ra suy nghĩ giống nhau đến vậy: Tình hình khám xét ở sân bay thế nào, chỗ Tháp Đôi bị sập giờ ra sao, ăn uống ngon hay dở hơn mình... Và "sống ở đâu sướng nhất, có phải Mỹ không?".

    Thậm chí có cả những ý tưởng chục năm trở về trước "Cho ở lại thì có ở không" "Ai mời (gạ) định cư thì trả lời thế nào". Đùa, bao giờ đùa cũng dễ nhất: Bất tiện lắm. Tên mình đang "vần" như thế này, sang Tây sống lại cứ bị đảo đi, mất cả tên, xướng lên nghe không quen được...
    Một nhà văn đồng hành thổ lộ, có thể anh sẽ viết bài dài kỳ về "xứ Mỹ", tứ bài hình như là "người khổng lồ yếu đuối" và "càng tự do, càng nề nếp".
    Không đi Mỹ cũng biết ra đường ai muốn quần áo tóc tai thế nào cũng được, nói ngả nói nghiêng vô tư. Đi trên đường người nặng cỡ tạ rưỡi, mắt không nhìn được giày, xấu xí lập dị vẫn đi lại và hành xử như những "trang nhan sắc" chứ ở ta, người như thế ra chỗ công cộng trẻ con ê cho đã đủ muốn độn thổ. Chửi Tổng thống chưa đã, có người còn lên cơn thoát y ngay trong buổi lễ đón thiên niên kỉ mới tại khu đài tưởng niệm gần tháp "Bút chì". Truyền hình Mỹ ngoài những show hấp dẫn cả hành tinh như "Tán gẫu" (Talk show) "Ai muốn trở thành triệu phú", có tiết mục "đặc Mỹ": một người đàn ông nom ngoại hình giống tổng thống đương nhiệm đến 90%, nhảy bổ ra nói những câu lố nhố lăng nhăng, nhại thói quen xấu nhất của "nguyên mẫu", xát muối vào những xì căng đan của ông ta. Chẳng hạn, hồi Bill Clinton lâm vào vòng kiện tụng của các người đẹp, tay "Bill phẩy" lên TH leo lẻo "không biết lịch tối nay ngủ với ai nhỉ, họp hành nhiều chán quá". Còn "Bush phẩy" thì ngô nghê đau khổ đối phó vụ cô con gái rượu mê uống rượu suốt ngày bị bắt phạt. Xã hội còn tạo điều kiện cho anh được giải toả stress như quả bóng căng phải cho xì hơi bớt kẻo nó nổ tung. Thường xuyên có những cuộc, cảnh sát căng dây, chăng hàng rào cho đám thanh niên hippy thoả thuê hú hét như một lũ điên. Tuy nhiên luật cấm ra khỏi vạch cho phép, mà ở Mỹ thì chuyện luật hoá, sở trường.
    Người Mỹ lo giữ môi trường thiên nhiên của mình ghê gớm. Câu chuyện của một người Việt ngụ cư đã gần chục năm: Một lần đi xe hơi xuyên cánh rừng gỗ đỏ như rừng nguyên sinh, anh gặp toàn cành gẫy, lá mọc rậm rạp... Anh buột miệng hỏi, nếu có ai đó ngứa mắt muốn dọn dẹp cho quang quẻ có được không. Người bạn Mỹ đáp liền: ấy chết, không được đâu, phạm luật và ra toà ngay. Rồi anh ta giải thích thêm: Ông ơi, thiên nhiên ở đâu có thể bị tàn phá chứ Mỹ thì không bao giờ đâu nhé. Ông có biết không, ở những khu du lịch ven biển, người ta đã bí mật mua cả vỏ sò, ốc hến... của nơi khác, nước khác, mang về thả xuống nước của họ, quảng cáo rầm rộ, để đám du khách hiếu kỳ bốn phương tới tha hồ ngụp lặn mò tìm và đương nhiên hí hửng mang về khoe với thiên hạ là đã bắt được ốc, hến Mỹ đấy. Thế là tốn tiền mà đi tha đồ giả về nhà, ôi người.
    Chuyện của anh bạn chuyên gia khai thác dầu mỏ, chẳng biết độ chính xác đến đâu: không những bỏ tiền tươi ra để mua về dùng ngay, nước này còn đem dầu thô mua của các nước khác về đổ xuống các bể dự trữ của mình, đậy nắp lại và chỉ mang ra dùng khi cạn nguồn, "ghê chưa".
    Lại nói chủ đề giấc mơ Mỹ. Từ câu nói nổi tiếng của Martin Luther King "I have a dream" (Tôi có một giấc mơ), mệnh đề này ngày càng triển khai sâu rộng. Tất cả bạn bè tôi theo học hay làm việc tại Mỹ đều khẳng định một điều là giới trẻ Mỹ hiện có chung ý nghĩ họ đang được lớn lên trong một xã hội tốt đẹp nhất thế giới, không hoàn hảo nhưng mà tối ưu! Họ thích nói "tốt nhất" chứ không phải "giàu nhất". Về quan niệm giáo dục, ngày càng có nhiều người đi học vì sở thích chứ không hẳn mưu sinh. Họ có thể chọn những nghề mà thanh niên ta ít ai màng như nuôi cá, làm vườn. Tuy nhiên phần lớn thanh niên Mỹ vẫn đi học với mục đích kiếm được nhiều tiền hơn. Cách mạng tin học đã sinh rất nhiều triệu phú dưới 25 tuổi, những người mà phát minh được nuôi dưỡng trong khát vọng làm giàu: necessity is the mother of invention (nhu cầu là mẹ của phát minh). Giới trẻ ở đây còn có những ước mơ rất "ngạo mạn" ngây thơ, muốn làm hiệp sĩ hiện đại đi cứu nhân độ thế ở những nơi nghèo khó trên trái đất. Họ đều muốn học xong đại học thì đi đâu đó làm việc thiện tình nguyện độ một hai năm. Câu thoại của Ivanhoe (nhân vật của Walter Scott) được in ở các email, xem như phương cách sống "Tôi cho bạn mấy chữ cơ bản làm công thức của thành công: trù liệu kỹ càng, thực thi trôi chảy". Đi ngoài đường, sau 11/9 mật độ càng dày hơn những nam thanh nữ tú mặc áo phông trắng đơn giản, quần soóc mang hình lá cờ đầy sao. Tha thiết bày tỏ chính kiến trên xe tải (đã kể trong kỳ trước). Ai cũng có cuộc sống riêng tư cần sự tôn trọng tối đa, bất khả xâm phạm, dù đó là những kẻ "khác đời" đến đâu - đồng tính ái chẳng hạn.
    Sang Mỹ các bạn thấy người ta có biết nhiều về VN không? Không chỉ ngài đại sứ Mỹ ở Hà Nội hỏi chúng tôi câu ấy, còn nhà sử học Dương Trung Quốc cho chi tiết quý giá: có một người VN đã biết khá sớm về nước Mỹ, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng đặt chân đến Boston từ năm 1912. Người từ 1945 đã "chơi đẹp", tự tay trao trả tù binh cho phía Mỹ đúng nguyên tắc đồng minh. Nước Mỹ bây giờ, phương châm win-win được tất cả ưa thích - đôi bên cùng có lợi...

    (Dương Phương Vinh)



    Hai mươi tuổi trẻ măng,các cụ cũng gọi thầy mà nghe đỏ mặt
    Sáu chục xuân già cả,con trẻ tự xưng em nghĩ lại tươi đời
  3. thosan

    thosan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2003
    Bài viết:
    914
    Đã được thích:
    0
    Đặt chân đến thành phố du lịch San Francisco chặng dừng cuối cùng của chuyến đi, thoạt đầu chúng tôi hơi thất vọng - nơi tá túc tồi, xa trung tâm. Người hướng dẫn giải thích: lý do an toàn. Việt kiều sẽ không khách sáo đâu! Đi ăn phở, nên ngồi chia bàn ra ăn cho nhanh rồi chuồn lẹ. Sau 5 hôm ở đây cả bọn đã ha hả kết luận nếu có biểu tình lẫn nhau thì chính là 12 con người trong chiếc xe này sẽ động thủ trước, nồi da nấu thịt trước. Chọn ngày xuất hành xấu thế - mồng 5 tháng giêng âm lịch, mà gặp được những đồng hương tử tế nhất - cha Phụng ở nhà thờ S. Mary- Iowa, vợ chồng anh Dũng chị Thành cũng ở thành phố này, GS Minh Hoa - Đại học cộng đồng San Francisco... nhiều lắm. Có khoảng cách không, có làm phiền nhau hay không? Có, thỉnh thoảng, chẳng hạn tuy có biệt hiệu "nhà văn hướng nội" tức ai ở Hà Nội sang cũng "hướng", cũng tiếp nhưng một số nhà văn ở San Jose dặn dò chúng tôi nếu có viết gì đừng nhắc tên họ. Nghe đâu có tờ báo Việt nào đó cũng kịp tương bài viết cảnh báo "12 tên văn nô cộng sản đã sang đến đây, đừng nghe chúng nó" (!) Lam Trường, Phương Thanh từng bị biểu tình vì là "văn công cộng sản sang tuyên truyền", Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi thì "go home" trong một băng vải dẫn đầu đám người. Phản đối cả chú Tễu, biểu tình cả rối nước thì biết rồi đấy!
    Trong những lần gặp ngắn ngủi, một số viên chức ngoại giao VN ở Mỹ, sau khi trổ tài tả cảnh sắc nơi họ sinh sống - thiên nhiên, môi trường, những rừng cây vườn đào rực rỡ về mùa xuân nghe "bắt thèm"... thường kể thêm các câu chuyện nho nhỏ để đỡ phiến diện cuộc cưỡi ngựa xem hoa, thầy bói xem voi của cả đám chúng tôi. Tôi rất tin khi các anh nói đã chịu khó đọc khá đủ sách báo của người mình bên này dù có khi chúng đầy định kiến, ấu trĩ... nhằm hiểu được cuộc sống của họ, họ đang nghĩ gì, muốn những gì... Hơn 1,3 triệu người Việt đang sinh sống trên 5 chục bang của nước Mỹ. Tập trung đông nhất ở Cali, Texas, Massachusetts, Virginia, Louisana, Washington, Illinois sau 5 đợt di cư lớn, là tỉ lệ không nhỏ trong 4% người châu á ở Mỹ. Có những người sang bao năm vẫn gọi Harvard là "Ha-va", Kane là "ca-ne", và giọng điệu thì "xưa rích" chống cộng chống cả người không cộng. Song "có không biết bao nhiêu người gọi điện, viết thư cho chúng tôi, bày tỏ nguyện vọng được trở về nước, khổ cũng được, khó chịu cũng được"...
    Đôi khi cứ không khỏi so sánh, hết chuyện này chuyện khác. Nghe nói ông Trần Quốc Vượng đang thu thập tài liệu để ra cuốn sách nói về thói hư tật xấu của người Việt, chắc giống kiểu Người Trung Quốc xấu xí của ông Bá Dương. Bao nhiêu năm trước Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã trào lộng "Dân hai mươi triệu ai người lớn - Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con". Cô gái bị bỏng mặt, để lại di chứng dữ dội - nhân vật trong kỳ 6 "Lai lịch một chuyến đi" kể rằng nếu ra đường có ai đó nhìn cô tò mò - 99% là đồng hương, 1% Trung Quốc. Một nhà văn nữ sống ở nước ngoài, được coi là gai ngạnh viết trong một tiểu luận, đại ý: làm người VN thì thế này thế nọ... nhưng nếu được phép lựa chọn kiếp sau, lại thở dài mà nói: Việt Nam!
    Trên chiếc máy bay trở về Sài Gòn sau một tháng dài thay đổi hết cả nhịp độ sinh hoạt, bỗng đâu thấy túa ra nhiều trẻ con đến thế. Da vàng, tóc thẳng; rồi da đen đỏ, quần đỏ, bám váy một bà mẹ trẻ xinh tóc cũng đỏ. Có chú bé trắng tinh mũm mĩm ngồi trong xe đẩy cứ cười mãi một mình, tay vẫy bất cứ ai đi ngang qua - làm cho những Thu Huệ, Duy Anh mắt cứ sáng rực như sao chổi, có vẻ thèm thuồng xin phép cha mẹ nó được bế ẵm lắm. Đứa nào cũng như bước ra từ một chương trình quảng cáo sữa đặc có đường. Trẻ em, một hình ảnh đáng yêu nhất trên đường, trên trái đất. Tôi cho mình đã may mắn lắm khi kết thúc một chặng bay, một chặng đi dài với hình ảnh đọng lại như thế này. Trong một bộ phim Mỹ cảm động chiếu trên truyền hình cách nay đã lâu, các nhà làm phim đưa tựa - hình như lời một danh nhân nào đó "Bàn tay đong đưa vành nôi là bàn tay thống trị hoàn cầu"...

    (Dương Phương Vinh)

    Hai mươi tuổi trẻ măng,các cụ cũng gọi thầy mà nghe đỏ mặt
    Sáu chục xuân già cả,con trẻ tự xưng em nghĩ lại tươi đời

Chia sẻ trang này