1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cây vĩ cầm vàng - không như mong đợi.

Chủ đề trong 'Điện ảnh (MFC)' bởi Sean, 26/12/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Sean

    Sean Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/03/2002
    Bài viết:
    2.899
    Đã được thích:
    0
    Cây vĩ cầm vàng - không như mong đợi.

    Cây vĩ cầm vàng (Together) ​

    Đạo diễn: Trần Khải Ca
    Diễn viên: Đường Vân, Lưu Bội Kỳ, Trần Hồng

    Khi những âm thanh violin réo rắt nhẹ nhàng trải khắp căn phòng.
    Khi những giọt nước mắt của cậu bé Trần Tiểu Xuân chầm chậm rơi xuống từng dây đàn
    Đó cũng chính là lúc khán giả bật khóc


    Một lời giới thiệu nhẹ nhàng, sâu lắng in trang trọng lên bìa Poster được làm khá sáng tạo của bộ phim Cây vĩ cầm vàng khiến người xem không khỏi cảm động, cay cay nơi mắt. Nói khách quan quả thực đây là một bộ phim hay, nhưng chưa "tới" để khiến cho người xem phải cảm động đến rơi nước mắt. Cả mạch câu chuyện diễn ra khá đều, hơi ít điểm nhấn và một kết thúc có gì đấy hơi gượng không làm thoả lòng khán giả như mong đợi. Đạo diễn Trần Khải Ca đã có một cái kết khá bất ngờ, khác đi nhiều so với dự đoán của tôi lúc đầu khi bước vào rạp xem. Những tưởng cậu bé Tiểu Xuân sẽ là người bước lên sân khấu trình bầy những giai điệu cuối cùng, cùng với đó là những tràng pháo tay khen thưởng của ban giám khảo và hàng trăm khán giả đang ngồi bên dưới và trên hết là sự có mặt của người cha. Những tưởng cậu bé sẽ là người được chọn làm đại biểu đi dự liên hoan phim quốc tế, tiếp đó sẽ là vinh quang, danh lợi, tiền tài bay về tràn ngập. Nhưng khác hoàn toàn với sự mường tượng của người xem, cái kết phim thật cảm động sâu sắc, nhân văn, khi cậu bé đứng giữa sân ga và chơi violin bằng cả trái tim trước sự chúng kiến của người thầy, người cha và nhận được hàng nghìn lời vỗ tay từ những người không quen biết trên sân ga. ***g trên những hình ảnh khuôn mặt câu bé Tiểu Xuân đang chơi nhạc hết mình bằng cả trái tim là những khung hình đen trắng thuở xa xưa, khi cha cậu nhặt được em bị bỏ rơi tại nơi đây. Một tình cảm cha con không gì có thể chia rẽ họ được, và cậu bé đã chọn mình là một nghệ sĩ tài năng chứ không phải là một nghệ sĩ vì danh lợi. Câu chuyện phim là mảnh đời của những con người nghèo khổ nhưng đầy ắp tình người, tình cha con, tình thầy trò. Về một người thầy với lối sống tuyềnh toàng, bừa bộn kể từ sau khi người yêu đi lấy chồng, nhưng trong ông vẫn còn một tình yêu đối với âm nhạc. Đối với ông âm nhạc là một thứ tình yêu tồn tại mãi mãi. Về một người con gái thành thị bất cần, ăn chơi trên những đồng tiền trong túi đàn ông. Nhưng trong cô vẫn luôn tồn tại một lòng kiêu hãnh, lòng danh dự và trên hết là một tình người ấm áp, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Về một người cha nông dân nghèo khổ, thất học tìm đủ mọi cách để nuôi con trở thành tài. Đã có những lúc cảm thấy ông thật đáng ghét khi từ bỏ thầy Giang nghèo để đến với thầy Dương, người sẽ mang lại danh vọng cho con mình. bỏ qua những cái đó ông là một người cha tuyệt vời, làm ăn vất vả, chấp nhận mọi điều khó khăn chỉ mong con được thành tài, dù đó không phải là con đẻ của ông. Đối với tôi điều còn đọng lại mãi trong ký ức sau khi xem hết phim đó chính là tình người trong phim, hãy biết yêu và trân trọng cuộc sống hơn. Hãy biết yêu và trân trọng những người thân xung quanh mình hơn. Khi những tiếng violin réo rắt trải khắp sân ga đoạn cuối phim, đã tưởng tôi sẽ bật khóc, nhưng không ...

    Có một cái gì đó hơi "gượng" ở đây khiến cho những giọt nước mắt lại chẩy ngược lại, chưa rơi đã khô, chưa đầy đã vơi. Dù biết rằng đây là một cái kết khá bất ngờ được chỉ đạo bởi đạo diễn hàng đầu Trung Quốc: Trần Khải Ca, khi cho Tiểu Xuân gặp lại cha tại sân ga. Dù biết rằng em đã chơi đàn bằng cả con tim của mình, dù biết rằng em không thể bỏ người cha đã nuôi nấng trong suốt 13 năm không có bóng mẹ, dù biết rằng tình yêu thương của họ đã thắng được danh vọng nổi tiếng đấy ... nhưng nó vẫn còn thiếu một chút điểm nhấn nào đấy khiến khán giả phải tâm phục khẩu phục phải bật khóc, rơi lệ. Người ta xem xong vẫn có thể đặt câu hỏi tại sao cha em không ở lại để xem Tiểu Xuân biểu diễn, dù chỉ là ẩn núp nơi cánh gà không cho em biết. Vì những điều ông muốn là cho con được trở thanh một nghệ sĩ violin nổi tiếng cơ mà. Có phải chăng điều đó cũng đã làm phụ long của bao người không, phụ sự chăm sóc của cha từng đấy năm, phụ lòng thầy Giang tận tu, phụ lòng thầy Dương (Trần Khải Ca) khá "cáo"? Điều đó còn khiến cho tôi còn phải suy nghĩ. Nhưng dù sao đây cũng là một phim hay với những tiếng violin réo rắt đi vào lòng người xem.

    Cinema Paradiso

    Được Sean sửa chữa / chuyển vào 00:39 ngày 26/12/2003
  2. zazu

    zazu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/05/2001
    Bài viết:
    1.736
    Đã được thích:
    0
    To Sean:
    Thật tệ là anh lại đến rạp muộn và không được xem từ đầu bộ phim (Chúa tha tội cho tôi :))
    Cảm nhận đầu tiên anh đối với phim này là phim không được chau chuốt. Hơi tuềnh toàng trong cả lối diễn đạt lẫn lấy khung hình. Chúng ta có thể thấy đạo diễn liên tục xử dụng kính mờ và đèn ven rất gắt để mô tả cảnh nghệ sĩ chơi đàn. Một cách thức hết sức cổ điển được dùng từ những năm 70-80, và cho đến bây giờ có lẽ rất ít bộ phim còn dùng đến, đơn giản là ngày nay ý tưởng và góc quay + ánh sáng đã có những bước tiến dài để thể hiện cảm xúc mà vẫn bứt ra khỏi được cái lối mòn cũ ấy.
    Bối cảnh của phim rất Trung Quốc, rất Châu Á, nhưng cũng rất gượng. Có thể nói việc đưa cô gái sống gần nhà (không nhớ tên) vào là hết sức thất bại. Diễn không tới và có thể do kịch bản làm cho cô không có đất thể hiện chăng ??? nó đã đem lại cảm giác tầm thường mà bất cứ phim truyền hình nào cũng có thể "nêu lên" được.
    Cái kết của bộ phim, trái với dự đoán của Sean, nhưng đúng y chang dự đoán của anh. Em có thể không ngờ, mà chính anh cũng không ngờ vì một kết cục "kiểu mỹ" anh gán cho phim của Trần Khải Ca lại trở thành hiện thực ... :(.
    Không có chút bất ngờ, và không có chút cảm động nào cho kết cục bộ phim.
    Có thể nói bộ phim này chưa làm tròn sứ mạng của mình. Nó đã nêu lên được một điều gì đó rất thật, rất gần với đời sống, đó là sự thiên biến vạn hoá của cảm xúc trong con người. Ở TIểu Xuân, đó là lòng đam mê âm nhạc, mà có lẽ nó xuất phát từ chính cá tính của em, một cá tính hết sức mạnh cùng với nội tâm phức tạp khiến cho đôi lúc người xem cảm thấy em như cái cây mọc hoang,ngang tàng và liều lĩnh ... mới đầu anh cho rằng bộ phim sẽ xây dựng theo trường phái giằng xé nội tâm, đến lúc làm cho khán giả cũng phải bức xúc vì sự phức tạp và bất lực trước vấn đề, khi đó, đạo diễn sẽ đưa ra 1 lối thoát . Tuy nhiên dường như đạo diễn lại muốn bộ phim đi theo xu hướng giáo dục, với một kết thúc "có hậu" khiến khán giả hài lòng (nhưng thất bại).
    Có hai điều mà anh tâm đắc nhất trong phim này, đó là cảnh lúc Tiểu Xuân được ông thầy giáo nhận làm học trò, và thu xếp cho em ở lại nhà ông và còn sửa sang lại đàu tóc cho em. Lúc đó người bố nghe được tin vui, nhìn thấy con trai mình sáng sủa về cả thể chất lẫn tương lai, ông dường như vô cùng xúc động, ông đứng trước tiểu Xuân, tay run run đưa lên rồi lại hạ xuống mà không giám động vào em, có lẽ ông tưởng mình đang mơ ? có lẽ ông sợ cái chạm tay nhẹ của mình thôi cũng có thể làm tan biết mất giấc mơ đẹp đẽ này ??? một cảnh quay đầy tình yêu và cảm xúc. Rất đẹp.
    Cái thứ hai là xem xong bộ phim này, anh nghĩ liệu MFC, những ai yêu thích âm nhạc, cần phải có một buổi đi xem diễn nhạc cổ điển :)
    What'r u doing here ?GET OUT !!! RIGHT NOW !!!
    oNeLoVe--::--::--::--::--::--Am I Pro ?
  3. Gio_mua_dong_bac

    Gio_mua_dong_bac Làm quen Moderator

    Tham gia ngày:
    14/03/2003
    Bài viết:
    8.105
    Đã được thích:
    5
    Đạo diễn Trần Khải Ca đã nói về ý tưởng của bộ phim: ?oVới tôi, âm nhạc là một thiên thần vô hình. Chúng ta không thể thấy được, nhưng nó sẽ đến khi chúng ta cần đến. Tôi thực sự cảm nhận theo cách đó.? Ông muốn làm một phim về bộ mặt mới của văn hoá Trung Hoa trước những thay đổi và ảnh hưởng từ phương Tây. Khi xem một chương trình truyền hình, ông vô tình thấy câu chuyện có thật về hai cha con từ miền quê trung Quốc muốn lên Bắc Kinh để tìm thầy dạy vĩ cầm. Trần Khải Ca xúc động trước cảnh người cha ngồi ngẩn ngơ bên toà nhà có cánh cửa sổ mở tung để nghe tiếng đàn vĩ cầm của con trai ông vang lên. Ai đi ngang qua, ông cũng tự hào khoe ?oNghe đi, con trai tôi đang đàn đấy?. Khi trả lời phỏng vấn, người cha nói ?oThế hệ của chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian trong cuộc Cách Mạng Văn Hoá. Nhưng con trai tôi sẽ khác. Nó có nhiều cơ hội và tôi sẽ bằng mọi cách giúp con tôi thành người chơi vĩ cầm số một thế giới?. Với Trần Khải Ca, ông tự hỏi: liệu âm nhạc có ý nghĩa giống nhau với người con và người cha không? Điều gì đem lại hạnh phúc cho họ? Và khi phải hy sinh bản thân để đến được thành công thì điều gì giúp họ sát cánh bên nhau? Những câu hỏi này đã đưa Trần Khải Ca đến với ý tưởng cho bộ phim Together - Cây vĩ cầm vàng.
    Cây vĩ cầm vàng đặt một vấn đề quen thuộc: liệu những truyền thống văn hoá, những giá trị xưa cũ hay sự hiện đại, mới lạ mang màu sắc thương mại sẽ đem đến thành công trong văn hoá?
    Việc đánh giá hay_dở đều tuỳ thuộc vào góc nhìn của mỗi người.Học Vĩ cầm từ năm 8 tuổi,em nghĩ Trần Khải Ca đã khá thành công trong việc truyền tải ý tưởng của fim.

    "Khi em bên anh
    Sao trên trời là hoa ,hoa dưới đất là sao
    Khi em xa anh
    Sao trên trời là nước mắt, hoa dưới đất là sao rơi..."
  4. Prayer

    Prayer Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    18/11/2002
    Bài viết:
    333
    Đã được thích:
    0
    Em thấy cách sử dụng ánh sáng trong phim cũng rất đẹp đấy chứ, nhất là lúc thầy Giang dạy những bài học cuối cùng cho Tiểu Xuân. Hai thầy trò mỗi người chơi một nhạc cụ, trò chơi Violin, thầy chơi Piano, ánh sánh hắt vào bờ vai hai nhạc công rất bắt mắt.
    Đoạn đầu thì nhạc cụ được chơi là đàn nhị kết hợp với nhạc hiện đại khá hay.
    Cái đoạn kết, khi Tiểu Xuân đánh xong violin thì những người xung quanh đều vỗ tay, có cái gì đó rất phương Tây. Em không thích cái đoạn này lắm.
    Trong phim Trần Khải Ca cũng góp mặt như một diễn viên (Thầy Dương), đóng mặt không có biểu hiện cảm xúc gì, có lẽ vai này nó như vậy.
    Còn cô Trần Hồng trong vai cô gái bất cần giống như những nhân vật truyền hình quá quen thuộc trong phim của Trung Quốc chiếu trên tivi rồi, vai này không nổi lắm, dù khá quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến Tiểu Xuân.
    Nếu ai thích nghe nhạc cổ điển kiểu này thì phim Red Violin là một phim không thể bỏ qua. Phim đánh Piano còn có Shine, Lengend of 1900, The Pianist, The Piano, Amadeus. Thể loại phim kết hợp với nhạc giao hưởng, với các nhạc cụ cổ điển kiểu này thường để lại nhiều cảm xúc nơi người xem
    Listen to Tommy with a candle burning, and you'll see your future​

Chia sẻ trang này