1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Chân dung tác giả văn học (Mới: Nhà thơ Paul Éluard )

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Julian, 28/11/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Võ Đình
    Hoạ sĩ, nhà văn Võ Đình tên thật là Võ Ðình Mai, sinh năm 1933 tại Huế. Ông từng du học tại Paris những năm 50. Sinh hoạt trong các bộ môn vẽ, văn thơ, và biên khảo, Võ Đình hiện đang định cư tại Hoa Kỳ và tham gia sáng tác ở cá thể loại hội hoạ, văn thơ và biên khảo. Võ Đình có các công trình nghệ thuật được ghi trong: Nhân vật Việt Nam (1974), Thơ Văn VN hải ngoaị(1985), Who''''s in American Art,Contemporary Authors, Printworld, The New York, Art Review...
    Trên 40 tác phẩm ở nhiều thể loại của Võ Đình đã được xuất bản. Mọt số tác phẩm chính do Văn Nghệ ( Caliornia )xuất bản: Xứ Sấm Sét (1987) , Yoga Căn Bản (1989) , Ðóa Sen Và Nụ Cười (1990) , Sao Có Tiếng Sóng (1991)
    Ngoài ra Võ Đình con có tranh triển lãm tại nhiều thành phố lớn trên thế giới
    Đọc truyện ngắn Láng giềng của Võ Đình:
    http://www.ttvnol.com/tacphamvanhoc/133954/trang-8.ttvn
    Đọc các truyện ngắn khác của Võ Đình:
    http://ttvnol.com/vanhoc/182136.ttvn
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 00:46 ngày 04/04/2004
  2. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết



    Đó là bà Huỳnh Thị Thái (1896-1982), bút danh Huỳnh Thị Bảo Hòa, quê ở xã Hòa Minh, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) với cuốn tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn viết vào năm 1927. Bà còn là ký giả của nhiều tờ báo và là người phụ nữ đầu tiên của Đà thành cắt tóc ngắn, đi xe đạp...Từ thông tin của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Dy Hy đã tiếp cận gia đình và những người thân quen. Ông cũng là người duy nhất được cung cấp hầu như toàn bộ tư liệu, từ ảnh chụp, thẻ phóng viên, các tác phẩm đã xuất bản và di cảo của bà để biên soạn, cho ra đời cuốn Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa - Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên (Nhà xuất bản Văn học - 2003). Trong cuốn sách này, Thy Hảo Trương Dy Hy sau phần biên khảo đã cho in toàn bộ cuốn Tây phương mỹ nhơn - Luân lý tiểu thuyết; Chiêm Thành lược khảo và Bà Nà du ký - một ký sự in trên tạp chí Nam Phong tháng 6-1931.
    Bà Huỳnh Thị Thái sinh năm 1896 là con của cụ Huỳnh Phúc Lợi - nguyên là một võ quan triều Nguyễn, từng tham gia Hội Cần Vương Quảng Nam và bà Bùi Thị Trang. Lúc trưởng thành, bà sánh duyên cùng Hàn lâm viện đại học sĩ Vương Khả Lãm, và theo chồng về sống tại Đà Nẵng.
    Là một phụ nữ nông thôn trở thành Vương phu nhân, nhưng vốn là người có học, bà sớm tiếp thu tinh thần Duy Tân và tích cực tham gia các hoạt động của phong trào yêu nước hồi bấy giờ. Không chỉ đăng đàn diễn thuyết kêu gọi chị em học chữ quốc ngữ, thực hiện nếp sống mới..., bà còn đứng ra làm lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh, tham gia Nữ công học hội do bà Đạm Phương thành lập. Bà còn là người phụ nữ làm báo từ rất sớm, là thông tín viên thường trực tờ Thực nghiệp dân báo của Hà Nội; đồng thời viết cho nhiều tờ báo khác như Nam Phong (Hà Nội), Tiếng Dân (Huế), Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn (Sài Gòn)...
    Năm 1927, với bút danh Huỳnh Thị Bảo Hòa, bà cho ra đời cuốn tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn và được bạn đọc đương thời hoan nghênh. Bộ tiểu thuyết này được in tại nhà in Bảo Tồn (Sài Gòn), khổ 14x20 cm. Bìa in hình bán thân một phụ nữ Pháp chít khăn, cổ đeo chuỗi hạt. Tiểu thuyết có 15 hồi lấy bối cảnh của thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam) trong đệ nhất thế chiến (1914-1918). Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân phát hiện được tác phẩm này ở Thư viện quốc gia Hà Nội.
    Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu khi xem xong tiểu thuyết nói trên đã viết lời tặng, ca ngợi nội dung tiết nghĩa và văn từ lưu hoạt... Bùi Thế Mỹ - người giữ việc nhuận sắc và trông nom việc xuất bản tiểu thuyết này viết trên tờ Đông Pháp thời báo cho biết là ông tôn trọng tác giả nên không thêm bớt, sửa đổi một chữ nào...
    Cuốn sách do Thy Hảo Trương Dy Hy biên soạn còn cho biết, bà Huỳnh Thị Bảo Hòa là người phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực khảo cứu, biên khảo với tác phẩm Chiêm Thành lược khảo. Chủ bút báo Nam Phong lúc ấy là Phạm Quỳnh đã viết lời giới thiệu cho tác phẩm này. Ngoài ra, bà còn viết nghiên cứu về tuồng. Nhưng thú vị nhất đối với những người làm báo là tác phẩm Bà Nà du ký in trên tờ Nam Phong năm 1931. Đó là một thiên ký sự không chỉ quý ở phần tư liệu mà còn về cả bút pháp phóng khoáng nhưng chân thực mà đến giờ cũng ít người làm được.
    Bà Huỳnh Thị Thái mất ngày 8-5-1982 tại ngôi nhà 82 Phan Châu Trinh - Đà Nẵng, thọ 86 tuổi.
    Người viết bài này băn khoăn một điều rằng, nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa mới qua đời năm 1982, lại sống ở Đà Nẵng, thế mà trước đó, người ta vẫn nói đến người phụ nữ đầu tiên của nước ta viết tiểu thuyết không phải là bà, thậm chí tiểu thuyết đầu tiên nói đến cũng ra sau tiểu thuyết của bà hàng chục năm. Đây là vấn đề đáng quan ngại cho công tác nghiên cứu, phê bình văn học khi mảng công việc này ngày càng ít người theo đuổi. Dù muộn, chúng ta cũng cảm ơn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có công phát hiện một tư liệu quý và Thy Hảo Trương Dy Hy đã làm một việc cần thiết trả lại sự chính xác cho văn học sử Việt Nam.
    Nguyễn Thế Thịnh
    16-04-2003

  3. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Nguyễn Dậu​
    Nhà văn Nguyễn Dậu tên thật Trương Mẫn Song. Sinh ngày 20/10/1930. Quê quán ở Hà nội.
    TÁC PHẨM CHÍNH:
    "Ðôi bờ" (1957)
    "ánh đèn trong lò" (1960)
    "Mở hầm" (1961)
    "Con thú bị ruồng bỏ" (1990)
    "Thóang chốc cuộc đời" (1990)
    "Nàng Kiều Như" (1991)
    Nhà văn Nguyễn Dậu, "mai nở hai lần" (I)​

    Thời trẻ, nhà văn Nguyễn Dậu sớm được chú ý qua những tiểu thuyết táo bạo, ngồn ngộn thực tế đời sống. Về già, ông lại được nhiều bạn đọc yêu mến bởi những truyện ngắn thâm trầm, sâu sắc, đặc biệt là mảng truyện ngắn về số phận những người sinh sống quanh Hồ Gươm.
    Sáng sớm ngày 25-7-2002, đến cơ quan làm việc, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, chúng tôi nhận được tin điện từ Hải Phòng nhà văn Nguyễn Dậu mất trong đêm vừa rồi! Tin này thật là buồn! Và, trong buổi sáng, nhiều văn nghệ sĩ thường qua lại số nhà 51 Trần Hưng Đạo, đã nán lại đây, để nói tới Nguyễn Dậu, nhớ và thương yêu Nguyễn Dậu. Những nghệ sĩ cao niên thì nhắc tới ấn tượng đầu tiên Nguyễn Dậu tạo nên khi mới bước vào làng văn: tiểu thuyết Nữ du kích Cam Lộ (Nhà xuất bản Thời Mới, 1955). Phần đông văn nghệ sĩ, cả cao niên, trung niên và một số còn trẻ lắm, cũng đều nhắc nhớ tiểu thuyết Mở hầm (Nxb Thanh niên, 1961)... Mọi người đều biết Nguyễn Dậu có một cuộc đời thật gian khổ. Lại thấy tên là Nguyễn Dậu, nên có người cho rằng ông tuổi gà, nên khổ. Suy như vậy, lại suy diễn tiếp rằng, dậu, nhưng là Quý Dậu, quý nên tài. Ý rằng Nguyễn Dậu tuổi Quý Dậu (1933). Cũng do yêu nên mới nói vậy... Thực ra, tên thật của ông là Trương Mẫn Song, và sinh năm 1930, là năm Canh Ngọ. Ông người gốc ở Hoài Đức, Hà Tây, sinh quán Hải Phòng. Nhưng, ông có một số phận đầy phiêu bạt, khiến ông ít được sống và gắn bó với quê nhà. Thời thơ ấu Nguyễn Dậu sống với mẹ ở Hải Phòng, khu xóm thợ xi-măng. Vừa qua tuổi 15, ông đã thoát ly gia đình, tham gia công tác tuyên truyền ở vùng địch hậu. Một năm sau, tháng 11-1946, Nguyễn Dậu gia nhập bộ đội, bắt đầu những tháng ngày đi qua nhiều vùng mặt trận và làm nhiều việc của người lính chiến đấu: quân y, lính cao xạ, có lúc là bộ binh, có khi làm lính dã pháo 105 ly, vì biết tiếng Trung Quốc nên đôi khi là người phiên dịch... Cuộc sống nay đây, mai đó thường xui khiến người ta cầm bút viết văn, và Nguyễn Dậu đã viết văn, ghi lại những câu chuyện cuộc đời mà anh chứng kiến vào những cuốn sổ tay giắt trong ba-lô người lính. Đầu những năm 50, Nguyễn Dậu được đi học một khóa đào tạo sĩ quan bên Trung Quốc. Với sự kiện này, mấy chục năm sau có người còn nêu giả định rằng, nếu Nguyễn Dậu không theo văn nghiệp có lẽ đã thành một vị tướng. Tuy nhiên, Nguyễn Dậu đã đi theo con đường của số phận ông.
    Hòa bình lập lại trên miền bắc, trở về thủ đô Hà Nội, Nguyễn Dậu gia nhập cuộc sống văn chương với tiểu thuyết Nữ du kích Cam Lộ. Bạn đọc chú ý đến ông, một ngòi bút sắc sảo và bạo dạn. Ông chuyển ngành, làm việc ở Xưởng phim, rồi sang làm biên tập ở Nhà xuất bản Phổ thông, tiếp nữa về tòa soạn báo Văn nghệ, sau đó về công tác tại Sở Văn hóa Hà Nội... Một thời gian không dài, ông qua nhiều công tác, đồng thời, cũng cho ra mắt nhiều tác phẩm: tiểu thuyết Đôi bờ, 1957; tập truyện Ánh đèn trong lò; truyện dài Vòm trời Tĩnh Túc, 1962; tập truyện Huệ Ngọc, 1962; và tiểu thuyết Mở hầm là ấn tượng đáng kể nhất. Có thể nói, tiểu thuyết Mở hầm là một tác phẩm được nhà văn viết một cách sắc sảo và bạo dạn nhất, trở thành hiện tượng đương thời làm sửng sốt nhiều người. Đời sống người thợ mỏ, dưới ngòi bút Nguyễn Dậu, hiện lên thật sinh động, chân thực. Sau này, cuối những năm 80, tôi gặp, rồi gắn bó với Nguyễn Dậu, mới biết thêm về việc ông viết Mở hầm rồi Mở hầm ra đời, có ảnh hưởng thế nào cuộc đời ông. Ông bảo, ông không ngờ cuốn sách mà ông đã thực sự lao vào thực tế vùng mỏ, làm việc như người thợ mỏ đến mức bị tai nạn lao động gẫy chân, sau khi bó bột thì bắt tay viết, viết 27 đêm thì xong tập 1, và khi được in ra thì nó lại run rủi đời ông vào những khúc ngoặt thật khôn lường. Sau sự kiện Mở hầm, không còn thấy tên tuổi Nguyễn Dậu xuất hiện trên văn đàn nữa. Có người nói ông chuyển sang nghề cúp tóc ở đền Ngọc Sơn, hồ Gươm. Lại có người quả quyết là Nguyễn Dậu đã thay tên đổi dạng thành một thầy lang đi bắt mạch, bốc thuốc ở các vùng quê. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Sau khi Mở hầm bị phê phán, Nguyễn Dậu ngừng viết văn. Ông cũng có làm thêm nghề cúp tóc, cũng có thăm bệnh bốc thuốc, cốt để thêm thu nhập, bởi, lương tháng của ông quá thấp. Đến khi nghỉ việc ở Sở văn hóa Hà Nội, lương hưu quá ít, Nguyễn Dậu phải chuyên nghiệp hơn trong nghề cúp tóc và nghề thầy lang. Sau năm 1975, để sinh nhai, Nguyễn Dậu phải đi vào nam, sang cả đất bạn Cam-pu-chia nữa, cho đến đầu những năm 80 mới quay về Hà Nội. Bốn, năm mươi tuổi mà vẫn phải phiêu bạt!
    Sau sự kiện tiểu thuyết Mở hầm, tưởng như đời văn của Nguyễn Dậu đã chấm hết, vậy mà, hai mươi tám năm sau, cái bút danh cũ càng Nguyễn Dậu lại xuất hiện trên tuần báo Người Hà Nội với một truyện ngắn có thể nói là đặc sắc: Ngựa phi trong bão tuyết. Tôi mừng lắm, đã đến nhà thăm ông ngay khi báo ra, nói lời mừng ông trở lại văn đàn. Hôm đó, ông nói rằng, lúc nào cũng muốn ngồi vào bàn viết. Chúng tôi có bảo ông đừng cắt tóc nữa, đừng nay đây mai đó nữa. Ông cười, nụ cười hiền lành, chất phác, rồi nói, đận này dứt khoát định cư ở Hà Nội và phải viết bù cho thời gian mấy chục năm không viết chứ. Quả nhiên, một loạt hơn hai mươi truyện ngắn của Nguyễn Dậu ào ạt xuất hiện trên các báo: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Người Hà Nội, Lao động, Tác phẩm mới... Trong đó, có nhiều truyện vào loại xuất sắc, như Con thú bị ruồng bỏ, Mật rắn, Rùa hồ Gươm, Chó sói gửi chân... Vào tuổi sáu mươi, bút lực Nguyễn Dậu dồi dào lạ thường. Từ văn phong, lối mô tả, cách khai thác đề tài đến ý tưởng tác phẩm, thấy một Nguyễn Dậu tài hoa và sâu sắc hơn người. Trong Ngựa phi trong bão tuyết nhân vật Nguyễn Tầm Tư có số phận đầy thua thiệt, nhưng vẫn sống được, vẫn giữ được tâm hồn và khí phách của mình trước cuộc sống. Nguyễn Tầm Tư, sau này, còn xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm khác của Nguyễn Dậu. Một lần, ông thổ lộ với tôi rằng, Tầm Tư, tiếng Việt nói lái thành Từ Tâm (có nghĩa là lòng thành). Và Tầm Tư, trong tiếng Hán, hàm nghĩa tìm tòi, suy nghĩ, lại hàm nghĩa sự rút ruột nhả tơ của con tằm (ti tư cũng là tơ, tằm tơ). Như thế, Nguyễn Tầm Tư là nhân vật nhà văn ký thác tâm nguyện và chí hướng của ông. Chỉ hơn hai mươi truyện ngắn xuất hiện trong một thời gian ngắn, Nguyễn Dậu trở thành nhà văn được nhiều bạn đọc yêu quý, cả bạn đọc từng biết văn chương của ông ba mươi năm trước, cả bạn đọc sinh sau những năm sáu mươi. Ông viết về những con chó săn của một ông tướng, mà thật nhiều niềm vui và đau đớn. Ông viết về những con rùa ở Hồ Gươm, mà thật nhiều lo âu, phấp phỏng, buồn thương. Ông viết về mật rắn, về ngựa nòi, về câu cá bằng một hiểu biết sâu sắc về thiên nhiên cũng như những suy ngẫm thẳm sâu về cõi người. Ông trình bày những chuyện về con người với tất cả sự chiêm nghiệm của ông suốt mấy chục năm trường phiêu bạt. Người đọc được tiếp nhận từ những truyện ngắn Nguyễn Dậu nhiều bài học về cuộc sống lăn lóc đầy khổ đau. Qua văn ông, người đọc thấy yêu thêm đồng loại, thấy tin ở những ngày sắp tới. Thật mừng, ngay sau khi xuất hiện ào ạt trên báo, hơn hai mươi truyện ngắn của Nguyễn Dậu được xuất bản thành sách. Và, sách của ông cũng liên tiếp ra đời: Tập truyện Con thú bị ruồng bỏ, 1990; tiểu thuyết Nàng Kiều Như, 1990; tập truyện Rùa hồ Gươm, 1991 ; tập truyện Ngọt ngào và man trá...
  4. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Nhà văn Nguyễn Dậu, "mai nở hai lần" (II)​
    Nguyễn Dậu cầm bút sáng tác trở lại một cách bình thản, thoải mái. Không diễn thuyết đăng đàn, cũng chẳng thấy ông viết gì về một quá khứ "oan khuất mà vinh quang". Có lần tôi đã hỏi ông rằng, ông đánh giá quá khứ của mình thế nào? Ông cười, nụ cười hệt như hoạ sĩ Nguyễn Tầm Tư trong truyện Ngựa phi trong bão tuyết, "cười không lộ răng chỉ lõm sâu hai bên mép, cho ta thấy đây là một người hiền từ". Rồi ông tâm sự "giả sử thời trai trẻ tôi có vinh quang thật, thì đó cũng là thứ vinh quang của thời bồng bột thôi. Nhà văn mà tự hào về cái vinh quang đó, thì khác gì một con người chỉ muốn làm trẻ con mà không muốn trưởng thành nữa"...
    Căn nhà 8 mét vuông của vợ chồng nhà văn Nguyễn Dậu ở trong một ngách nhỏ bên chân đường đê La Thành. Ngoài cửa căn nhà này, ông ghi một dòng chữ chân thành và khiêm tốn: Nhà văn Nguyễn Dậu - thầy thuốc Trương Mẫn Song. Tôi biết, một số người quan tâm có nói rằng Nguyễn Dậu là người lận đận cả trong nghiệp văn chương, cả trong trường tình. Về đường văn chương, tôi không nghĩ ông là người lận đận, mà ngược lại. Bởi, thời trẻ, Nguyễn Dậu đã sớm được bạn đọc chú ý. Rồi đến thời về già, ông lại được nhiều bạn đọc yêu mến. Đời văn của ông, như đời mai nở hai lần. Còn đường tình duyên, quả là ông phải tục huyền, nhưng rõ là ông hài lòng với căn nhà cấp bốn với hai trái tim nương tựa vào nhau. Một lần, Nguyễn Dậu đạp xe đến nhà tôi chơi. Vào nhà, ông nói ngay rằng, ông rất hài lòng với đời sống của mình, rằng, ông tự thấy đã viết được một cách xứng đáng với Hồ Gươm. Tôi hiểu ngay, ông có một niềm vui thật sâu sắc bởi những trang ông viết về cuộc sống con người, cây cỏ, thiên nhiên của Hồ Gươm. Đúng là trong nửa sau thế kỷ XX, không tác giả nào có thể viết về Hồ Gươm danh tiếng hay được như Nguyễn Dậu. Từ loài rùa, loài cá dưới hồ, đến những vòm cây, những cổ thụ, và thật nhiều những số phận người sống trong khu Đền Ngọc Sơn hoặc kiếm sống quanh bờ hồ. Anh chàng bán mật vịt giả mật rắn, trong truyện Mật rắn, là một kiểu người sống hoang quanh bờ hồ Gươm, không thể có ở các vùng đất khác. Người nữ dũng sĩ đánh Pháp Đinh Thị Cườm, bởi cuộc đời gặp cảnh ngang trái, khổ đau, đến tá túc trong khu Đền Ngọc Sơn mấy chục năm trời giữa bao cạm bẫy, tai ương, mà vẫn giữ được phẩm giá. Đó là câu chuyện Người ơi, người ở phương nao, người đọc có thể khóc vì thương yêu nhân vật do Nguyễn Dậu sáng tạo nên. Truyện Mặt nước sóng sánh cho người đọc thấy được cái thế giới cá ở dưới Hồ Gươm cũng đầy bất thường như thế giới người làm việc kiếm cơm quanh hồ. Rồi những ông Khọm Đen, thằng Nhắng trong truyện Rùa hồ Gươm, thực sự là những số phận, dưới ngòi bút của nhà văn, khiến người đọc chú mục theo dõi với những lo sợ phập phồng hy vọng, rồi thắt lòng trước cảnh đớn đau của vợ chồng nhà rùa... Có thể nói, với nhiều truyện ngắn, nhiều truyện ký, tiểu thuyết Nàng Kiều Như và tiểu thuyết Xanh Vàng, Trắng, Đỏ, Đen nhà văn Nguyễn Dậu đã tạo nên một bộ phận nữa của Hồ Gươm, đối với bạn đọc văn học, nó sẽ sống lâu bền cùng với Hồ Gươm danh thắng. Như vây, mười bảy năm cư ngụ và làm ăn sinh sống ở khu Đền Ngọc Sơn là thời gian thật quý giá đối với cuộc đời văn chương Nguyễn Dậu!
    Nay đã có thể nhìn tổng quát cuộc đời văn chương của nhà văn Nguyễn Dậu, và cũng dễ thấy, ông để lại cho đời hai mảng tác phẩm chủ yếu. Đầu tiên, là những tác phẩm ông xuất bản từ năm 1955 đến 1962, khép lại với sự kiện Mở hầm. Mảng thứ hai, là những sáng tác của ông kể từ truyện ngắn Ngựa phi trong bão tuyết cho đến những tác phẩm mà ông đã làm nên một bộ phận nữa của Hồ Gươm, Hà Nội, như tôi đã nêu ở trên. Để đạt được một vị trí vinh dự trong đời sống tinh thần của Hồ Gươm, Hà Nội, ông viết và đã cho in hơn nghìn trang sách trong vòng ba năm, từ 1989 đến 1992. Để có thể viết mảng tác phẩm thứ nhất những năm hòa bình mới lập lại trên miền bắc, Nguyễn Dậu lăn xả vào thực tế lao động ở các nhà máy, hầm mỏ; và, với sức trẻ, ông viết say mê, gấp gáp. Văn ông trong giai đoạn đó ngồn ngộn sức sống. Sự sống tươi nguyên, nên có thể bị coi là tự nhiên chủ nghĩa (!). Còn để viết mảng tác phẩm thứ hai, Nguyễn Dậu với những thua thiệt đau khổ riêng, đã hòa mình vào cuộc sống thiên nhiên của vùng Hồ Gươm danh thắng cũng như nhiều con người, nhiều số phận mà dòng chảy cuộc đời đưa họ táp vào vùng Hồ Gươm. Văn ông giai đoạn này vững vàng về bố cục, mạnh bạo trong suy tư, sắc sảo trong mô tả, và đặc biệt sâu lắng trong xúc cảm. Đạt đến thành công đó, vẫn chưa đủ. Bởi, gần gụi ông, nên tôi biết, bút lực của ông vẫn còn sâu và mạnh (tuy từ sáu tư, sáu lăm tuổi trở đi, thể chất ông suy giảm nhiều). Còn một lẽ nữa, Nguyễn Dậu còn chất chứa trong lòng nhiều kỷ niệm, vốn sống của thời ông là người lính chống Pháp; và, còn chất chứa trong lòng những kỷ niệm và vốn sống về sự trì trệ, non kém của xã hội ta thời kỳ chưa đổi mới. Là một nhà văn, nhờ có sự nghiệp đổi mới mà tái hồi văn đàn, Nguyễn Dậu muốn nhận thức lại quá khứ để thấy một bài học lớn cho tương lai ấp ủ đó của ông, tôi biết. Và, ông đã bắt tay vào viết bộ tiểu thuyết về cuộc sống xã hội ta còn non nớt về quản lý, gặp những sai lầm đáng tiếc, đau lòng. Rất tiếc, ông chưa hoàn chỉnh được tác phẩm này. Khi Nhà xuất bản yêu cầu ông sửa chữa bổ sung mới có thể xuất bản được, thì ông đã đang cắm cúi vào viết một tiểu thuyết dài về quãng ngày ông tham gia công tác tuyên truyền và chiến đấu ở vùng địch hậu, những năm kháng chiến chống Pháp. Cuốn tiểu thuyết này, cùng với những khó khăn về đời sống thường nhật, khiến ông xuống sức rất nhanh. Năm 1995, tiểu thuyết Nhọc nhằn sông Luộc được in ra, thì ông phải hai lần đi nằm bệnh viện, mỗi lần hơn một tháng. Huyết áp của ông cao và rất thất thường. Một hôm, đã khỏe lại, ông nói với tôi rằng, có lẽ ông không còn sức viết dài hơi nữa, chỉ cầm cự bằng những truyện ngắn vậy. Cầm cự, nhưng truyện ngắn của ông cũng xuất hiện đều đặn trên báo. Năm 1996 và 1997, Nguyễn Dậu cho xuất bản ba tập truyện ngắn: Hương khói lòng ai, Đôi hoa tai lóng lánh và Bảng lảng hoàng hôn. Văn của ông giai đoạn này thật giản dị, trầm tĩnh. Không ào ạt sắc bén như văn chương thời kỳ trước đây nữa, nhưng thấy rất rõ ý tưởng chính của ông thời kỳ này là kể những câu chuyện an ủi những người còn phải sống khó khăn, thiếu thốn ở đời. Vốn có trái tim nhạy cảm trước những cuộc đời thua thiệt, lận đận, các nhân vật của ông tạo nên thường không thành đạt về danh vọng, tiền tài, nhưng sống cao đẹp, giàu lòng vị tha. Đó là mong ước của ông về thế giới con người.
    Năm 1998, Nguyễn Dậu nói với một số bạn bè thân thiết về kế hoạch, ông chuyển cư về Hải Phòng. Tôi có nhắc lại chuyện mười năm trước ông đã khẳng định rằng: "Đận này dứt khoát định cư ở Hà Nội". Ông cười, nụ cười thật là buồn. Rồi ông chuyển cư về Hải Phòng. Thời gian đầu, thỉnh thoảng ông về Hà Nội. Ông rất nhớ Hà Nội, nhớ người, nhớ cảnh sắc Hà Nội. Anh em ở đây rất thương Nguyễn Dậu. Do vậy mà một lần chúng tôi đã kiên quyết đòi hỏi ông một việc là không được đi xe máy Hải Phòng - Hà Nội nữa: ông chịu ngay. Điều đó khiến anh em càng thương Nguyễn Dậu hơn. Bởi, ông đã nhượng bước, đã thấm cái gánh nặng tuổi tác và bệnh tật. Năm 2000, Nguyễn Dậu không về thăm Hà Nội, dù nhớ Hà Nội nhiều lúc ứa nước mắt... - thư ông viết như vậy. Nhưng vẫn có tập tác phẩm Truyện ngắn Nguyễn Dậu, năm 2001. Mùa xuân và đầu hè 2002, ông vẫn cầm cự viết và in ba truyện ngắn trên báo Văn nghệ. Truyện cuối cùng, Chấm dứt kiếp hoang in trên mặt báo, thì hai tuần sau ông qua đời!
    Cái buổi sáng đến cơ quan và nhận được tin điện từ Hải Phòng lên, ở 51 Trần Hưng Đạo chúng tôi nán lại lâu hơn mọi ngày, để nhắc nhớ đến Nguyễn Dậu. Buổi chiều, tôi đi báo tin cho một bạn là nhà giáo, tiến sĩ toán học. Anh là người quan tâm nhiều đến cuộc đời văn chương Nguyễn Dậu. Nghe tin xong, anh thở hắt ra một hơi rất dài, rồi nói nhỏ, rất nhỏ: "Bởi cuộc đời chưa hoàn hảo này mà ông Nguyễn Dậu luôn luôn đau khổ. Và từ những nỗi đau khổ đó, ông đã viết. Do vậy mà còn lại cho đời một di sản văn chương Nguyễn Dậu"...
    Vâng, cuộc đời vốn không hoàn hảo. Nên cuộc đời mới sinh ra những tài năng để làm những việc thúc đẩy nó hướng tới sự hoàn hảo. Bởi vậy mà có Nguyễn Dậu trong cuộc đời này!
    Hà Nội 8-8-2002
    ANH CHI
    (Báo Văn nghệ)
    Nguồn: hue.vnn.vn
    Đọc truyện ngắn Chó sói gửi chân của Nguyễn Dậu:
    http://www.ttvnol.com/forum/t_131970/28
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 21:30 ngày 30/04/2004
  5. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Phó Đức An
    Người tình không quen biết của Tản Đà



    Xuân về. Chùa Hương lại mở hội. Mùng 6 Tết Quý Mùi, hội chùa Hương năm nay đã mở cửa và hội lại kéo hết mùa xuân Hầu như hội chùa Hương năm nào Tản Đà cũng có mặt. Vậy mà hội chùa Hương xuân Canh Thân (1922) vì không có tiền mà Tản Đà đành "bó gối" ngồi nhà. Tản Đà nhớ đủ thứ, mọi kỷ niệm. Thế là thi sĩ than thở:
    Muốn ăn rau sắng chùa Hương
    Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa
    Mình đi ta ở lại nhà
    Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm...
    Thi sĩ đã cho in nỗi niềm ấy lên báo nhà, tức là tờ An Nam tạp chí, tờ báo tư nhân của Tản Đà và chính Tản Đà làm chủ bút kiêm ký giả, trị sự... từ A đến Z.
    Một chuyện quá bất ngờ đã xảy ra. Chỉ sau mấy hôm báo ra, Tản Đà nhận được một bưu phẩm. Mở ra là một gói rau sắng còn tươi nguyên. Tiếc một điều là chẳng biết của ai gửi cho. Bưu phẩm không ghi tên người gửi. Địa chỉ cũng không. Chỉ có tờ giấy ghi mấy vần thơ họa lại:
    Kính dâng rau sắng chùa Hương
    Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa
    Không đi thời gửi lại nhà
    Thay cho dưa khú cùng là cà thâm
    Đỗ thị tang nữ bái tặng
    Là một nhà thơ tâm hồn đầy lãng mạn. Tản Đà coi đây là quà quý của một "người tình không quen biết". Rồi thi sĩ có mấy vần "cảm tạ tri âm" và lại in lên "báo nhà".
    Chẳng có gì là bưng bít được dân tò mò. Họ đã moi ra được. Đó là Đỗ Thị Khê có biệt hiệu là Song Khê, người Phủ Lý - Hà Nam, một tâm hồn thơ, rất mê thơ Tản Đà và đầy lòng ngưỡng mộ thi sĩ. Họ tán nhau: Đỗ tang nữ là cô gái hái dâu họ Đỗ. Người ta cho cô gái này phải là người có học. Nhưng cũng có người lại nói rằng biết đâu đấy, có khi lại một ?otướng? nào đó đùa với Tản Đà một cú.
    Chuyện cứ hư hư thực thực.Chuyện xảy ra từ đầu thế kỷ 20 mà đến mãi cuối thế kỷ mọi chuyện mới được sáng tỏ. Đó là chuyện do Nguyễn Công Minh, con trai của bà Song Khê kể.
    Song Khê tên thật là Đỗ Thị Khê, sinh năm 1901, quê quán Cẩm Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nhưng bà lại sinh ra và lớn lên tại Thất Khê, tỉnh Cao Bằng. Vì thế bà lấy biệt hiệu là Song Khê. Là em gái nữ sĩ Tương Phố (tác giả của Giọt lệ thu) nên Đỗ Thị Khê có ảnh hưởng, tâm hồn sớm đến với nàng thơ. Khi đọc mấy dòng "than thở" của Tản Đà, bà đang làm ở trạm hộ sinh Phủ Lý (Hà Nam). Bà từng tốt nghiệp lớp hộ sinh cao cấp Đông Dương (tương đương trình độ bác sĩ). Bà đã gửi qua dây thép tức là bưu điện mớ rau sắng và mấy vần họa lại cho Tản Đà.
    Sau chuyện rau sắng một thời gian, năm 1927 bà chuyển ra Móng Cái. An Nam tạp chí vẫn được bà đọc đều. Qua báo, bà thấy Tản Đà bây giờ cuộc sống cũng chật vật. Bà dành cả một tháng lương gửi biếu Tản Đà kèm theo những lời khích lệ.
    Làm việc ở Móng Cái được một năm, năm 1928 bà Song Khê chuyển về làm việc ở Kiến An. Tản Đà có người bạn thơ ở Hải Phòng. Nhân một chuyến Tản Đà xuống Hải Phòng thăm bạn, người bạn đã đưa thi sĩ tới thăm... Song Khê. Có điều oái oăm, ông bạn này lại chơi một trò... bí mật, giấu cả hai, không cho ai biết.
    Sau cuộc gặp gỡ ấy, Song Khê mới biết đó là Tản Đà và Tản Đà mới biết mình đã được gặp... "người tình không quen biết".Song Khê còn làm việc ở nhiều nơi, rồi vào Sài Gòn, cuối cùng định cư ở Mỹ. Năm 1993 bà Song Khê qua đời. Thọ 93 tuổi.
    2003

  6. lamlo

    lamlo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/12/2002
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Nhược Pháp

    Nguyễn Nhược Pháp sinh ngày 12-12-1914 tại Hà Nội, học luật. Ông có thơ đăng báo từ năm 18 tuổi. Tập thơ đầu tay "Ngày xưa" xuất bản lúc tác giả 20 tuổi đã xếp Nguyễn Nhược Pháp vào hàng những nhà thơ nổi tiếng khi ấy. Rất tiếc, đời thơ Nguyễn Nhược Pháp quá ngắn, ông mất vì bệnh lao ở Hà Nội ngày 19-12-1938, giữa tuổi đời 24, chưa vợ con.
    Tập Ngày xưa chỉ vẻn vẹn có mười bài thơ. Hoài Thanh, trong Thi nhân Việt Nam (xuất bản 1943) phải kêu lên: Thơ in ra rất ít mà được người ta mến nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Đến nay hơn nửa thế kỷ đã chất chồng trên những trang thơ mỏng manh ấy mà lòng xúc động của bạn đọc vẫn tươi nguyên. Có gì lạ trong những nét thơ mảnh dẻ mềm mại ấy? Có gì mê hoặc trong cái hồn thơ lặng lẽ và hóm hỉnh ấy?
    Đúng như tên của tập: Ngày xưa, những bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp toàn nói chuyện ngày xưa. Xưa trong cổ tích (Sơn Tinh - Thủy Tinh), trong dã sử (Mỵ Châu - Trọng Thủy), trong lịch sử (Nguyễn Thị Kim...), trong đời sống (Chùa Hương, Đi cống...). Tác giả gợi lại nét đẹp xưa của cảnh và người. Hoài cổ nhưng không xa vắng, tưởng nhớ nhưng không buồn thương. Tác giả cho ta hưởng lại những ý vị của thời xưa trong cái nhìn yêu đời, trong sáng, đầy ngộ nghĩnh.
    Bài thơ Sơn Tinh - Thủy Tinh kể lại câu chuyện cổ. Cái cốt truyện mượn trong cổ tích. Nhưng những chi tiết nửa thực nửa ảo, vừa có lý, vừa vô lý, vừa nghiêm túc vừa buồn cười là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Nhược Pháp. Nhất là cái giọng kể. Đọc Nguyễn Nhược Pháp nên lưu ý cái giọng thơ. Còn nhiều bí ẩn trong cái giọng ấy lắm. Nó rất biến hóa, lúc là kể, lúc là cảm - nhiều khi nó là tất cả, trang trọng đấy mà cũng hài hước đấy, lôi cuốn một cách mê hoặc. Xét ngẫu nhiên một đoạn, như đoạn tả Mỵ Nương:
    Mỵ Nương xinh như tiên trên trần
    Tóc xanh viền má hây hây đỏ
    Miệng nàng bé thắm như san hô
    Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ
    Mê nàng bao nhiêu người làm thơ.
    Hùng Vương thường nhìn con yêu quá
    Chắp tay ngẩng lên trời tạ ân
    Toàn những câu thơ giản dị, chi tiết thực lắm, thực hơn Nguyễn Du tả Kiều mà lại rất gợi rất ảo, đúng là đẹp như tiên(!) Những ý xen vào: Mê nàng bao nhiêu người làm thơ hay nhìn con yêu quá rất lòng cha của Hùng Vương là những tình cảm được hiện đại hóa rất tinh và rất hóm, hình như cũng chỉ thấy ở Nguyễn Nhược Pháp.
    Một nhà thơ cùng thời với Nguyễn Nhược Pháp cũng hay quay về đề tài Ngày xưa là Phạm Huy Thông. Nhưng hai người hai bút pháp khác nhau và đều có tài năng. Phạm Huy Thông hùng tráng, kỳ vĩ, anh hùng ca. Nguyễn Nhược Pháp dịu dàng, tinh tế, trữ tình, nội tâm rất giàu nhưng ít nói, có nói cũng nhỏ nhẹ. Cái nhìn hồn nhiên tươi tắn nhưng cách cảm nghĩ vẫn thấu đáo nhân tình, thâm thúy, lúc nào cũng như giấu một nụ cười cảm thông đầy độ lượng với mọi chuyện của cõi người (và cả cõi thần). Thế giới thơ Nguyễn Nhược Pháp là thế giới của đời thường, người thường, tính nhân bản chân thật nên hóa sâu sắc. Không một tính cách nào trong thơ Nguyễn Nhược Pháp bị mất đi bản tính thực của mình. Đến vua nghĩ chuyện nhân duyên cho con: Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước và băn khoăn:
    Nhưng có một nàng mà hai rể
    Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều
    Thú vị của câu thơ là ở chữ hơi nhiều.
    Cảnh dẫn lễ của chàng rể hụt Thủy Tinh hoàn toàn trong tưởng tượng nhưng miêu tả rất sống, vừa đọc lên đã hiện ra trước mắt. Đoàn rước qui mô mà cái thất bại đã thấy rồi:
    Theo sau cua đỏ và tôm cá
    Chia đội năm mươi hòm ngọc trai
    Khập khiễng bò lê trên đất lạ
    Trước thành tập tễnh đi hàng hai
    Nguyễn Nhược Pháp giỏi dùng chi tiết lắm. Cái oai của Sơn Tinh:
    Tay ghì cương hổ, tay cầm lau.
    Phải có oai thần nên điều khiển hổ dữ chỉ cần một nhành lau. Nếu tay ghì cương hổ, tay cầm côn, bức tranh vẫn hùng dũng nhưng cái oai không còn.
    Bài thơ Chùa Hương tả tình, tả cảnh, tả diễn biến tâm trạng cũng tài hoa, nhiều khám phá. Bài thơ đầy tính kịch và cũng đầy tính thơ mộng. Bài thơ này cùng với Sơn Tinh - Thủy Tinh là hai bài hay nhất của Nguyễn Nhược Pháp và cũng là hai bài góp vào phần tự hào của một giai đoạn văn chương. Chùa Hương có nhiều "xen" tâm lý rất hay của một cô gái mới lớn, lần đầu đến với tình yêu trong khung cảnh kỳ ảo của đất Phật. Cái tài quan sát lòng người của nhà thơ trẻ này có đầy đủ cái lịch lãm của một cây bút tiểu thuyết, vừa xúc động, vừa vui đùa, tiến lui tung hứng rất khéo léo. Bài thơ hết rồi mà ý thơ còn tràn sang cả câu chú thích Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết. Lấy nhau rồi là hết chuyện. Nội câu chú thích ấy cũng đủ hé cho ta thấy cái tạng cảm xúc của Nguyễn Nhược Pháp: Duyên dáng, hóm hỉnh và sâu sắc.
    Nguyễn Nhược Pháp có biệt tài tạo thần thái cho cảnh vật. Chỉ vài nét là đủ dựng nên cái hồn của phong cảnh. Cảnh ma quái của giếng Trọng Thủy: gợi từ hình ảnh, từ âm thanh và cả từ âm điệu của câu thơ:
    Phơn phớt hồn ma đóm lập lòe
    Cú rúc. Đàn dơi bay tứ bề
    Răng rắc kêu như tiếng xương đập
    Gió rền, quỉ khóc, lay cành tre
    Chưa cần xét đến tình, ý, tư tưởng, sự nắm bắt và tái tạo thiên nhiên ấy chính là dấu hiệu của một năng khiếu thơ ở Nguyễn Nhược Pháp. Có lẽ chính vì vậy mà chỉ mười bài thơ, quá ít ỏi đối với một đời thơ, Nguyễn Nhược Pháp vẫn đủ để ở lại với nền thơ Việt Nam.
    VŨ QUẦN PHƯƠNG
  7. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Sơn Tinh Thủy Tinh

    Nguyễn Nhược Pháp ​
    I
    Ngày xưa, khi rừng mây u ám,
    Sông núi còn vang um tiếng thần,
    Con vua Hùng Vương thứ mười tám,
    Mỵ Nương, xinh như tiên trên trần.
    Tóc xanh viền má hây hây đỏ;
    Miệng nàng bé, thắm như san hô;
    Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ;
    Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ.
    Hùng Vương thường nhìn con yêu quá,
    Chắp tay ngẩng lên trời tạ ân;
    Rồi cười bảo xứng ngôi phò mã,
    Trừ có ai ngang thần nhân.
    Hay đâu thần tiên đi lấy vợ !
    Sơn Tinh; Thủy Tinh lòng tơ vương.
    Không quản rừng cao, sông cách trở,
    Cùng đến Phong Châu xin Mỵ Nương.
    Sơn Tinh có một mắt ở trán,
    Thủy Tinh râu ria quăn xanh rì.
    Một thần phi bạch hổ trên cạn,
    Một thần cưỡi lưng rồng uy nghi.
    Hai thần bên cửa thành thi lễ,
    Hùng Vương âu yếm nhìn con yêu.
    Nhưng có một nàng mà hai rể,
    Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều !
    Thủy Tinh khoe :"Thần có phép lạ !"
    Dứt lời, tay hất chòm râu xanh,
    Bắt quyết, hò mây to nước cả,
    Dậm chân ! Rung khắp làng gần quanh.
    Ào ào mưa đổ xuống như thác,
    Cây xiêu, cầu gẫy, nước hò reo,
    Lăn, cuốn, gầm, lay, tung sóng bạc,
    Bò, lợn và cột nhà trôi theo.
    Mỵ Nương ôm Hùng Vương kinh hãi.
    Sơn Tinh cười: "Xin nàng đừng lo !";
    Vung tay niệm chú ! Núi từng dải,
    Nhà lớn, đồi con lổm ngổm bò
    Chạy mưa.
    Vua tùy con kén chọn,
    Mỵ Nương khép nép như cành hoa :
    "Con đây phận đào tơ bé mọn,
    Nhân duyên cúi để quyền mẹ cha."
    Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước,
    Rồi bảo mai lửa hồng nhuốm sương,
    Lễ vật thần nào mang tới trước,
    Vui lòng vua gả nàng Mỵ Nương.
    II
    Bình minh má ửng đào phơn phớt,
    Ngọc đỏ rung trên đầu lá xanh.
    Ngọn liễu chim vàng ca thánh thót,
    Ngự giá Hùng Vương lên mặt thành.
    Mỵ Nương bên lầu son tựa cửa,
    Rèm ngọc lơ thơ phủ áo hồng.
    Cánh nhạn long lanh vờn ánh lửa,
    Mê nàng, chim ngửng lưng trời đông.
    Rừng xanh thả mây đào man mác.
    Sơn Tinh ngồi bạch hổ đi đầu,
    Mình phủ áo bào hồng ngọc dát,
    Tay ghì cương hổ, tay cầm lau.
    Theo sau năm chục con voi xám
    Hục hặc, lưng cong phủ gấm điều,
    Tải bạc, kim cương, vàng lấp loáng,
    Sừng tê, ngà voi và sừng hươu.
    Hùng Vương trên mặt thành liễu rủ,
    Hớn hở thần trông, thoảng nụ cười.
    Thần suốt đêm sao dài không ngủ,
    Mày ngài, mắt phượng vẫn còn tươi.
    Sơn Tinh đến lạy chào bên cửa,
    Vua thân ngự đón nàng Mỵ Nương.
    Lầu son nàng ngoái trông lần lữa,
    Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương.
    Quì lạy cha già bên kiệu bạc,
    Thương người, thương cảnh xót lòng đau.
    Nhìn quanh, khói tỏa buồn man mác,
    Nàng kêu :"Phụ vương ôi ! Phong Châu !"
    Kiệu nhỏ đưa nàng đi thoăn thoắt,
    Hùng Vương mơ, vịn tay bờ thành.
    Trông bụi hồng tuôn xa, xa lắc,
    Mắt nhòa lệ ngọc ngấn đầm quanh...
    Thoảng gió vù vù như gió bể
    Thủy Tinh ngồi trên lưng rồng vàng.
    Yên gấm tung dài bay đỏ choé,
    Mình khoác bào xanh da trời quang.
    Theo sau cua đỏ và tôm cá,
    Chia đội năm mươi hòm ngọc trai,
    Khập khiễng bò lê trên đất lạ,
    Trước thành tập tễnh đi hàng hai.
    Hùng Vương mặt rồng chau ủ rũ,
    Chân trời còn phảng bóng người yêu.
    Thủy Tinh thúc rồng đau kêu rú,
    Vừa uất vì thương, vừa bởi kiêu.
    Co hết gân nghiến răng, thần quát :
    "Giết, giết Sơn Tinh hả hờn ta !"
    Tức thời nước sủi reo như thác,
    Tôm cá quăng ngọc trai và hoa.
    III
    Sơn Tinh đang kèm theo sau kiệu,
    Áo bào phơ phất nụ cười bay.
    (Vui chỉ mê ai xinh mới hiểu).
    Thần trông kiệu nhỏ hồn thêm say.
    Choàng nghe sóng vỗ reo như sấm,
    Bạch hổ dừng chân, lùi, vểnh tai.
    Mỵ Nương tung bức rèm đỏ thắm,
    Sơn Tinh trông thấy càng dương oai.
    Sóng cả gầm reo lăn như chớp,
    Thủy Tinh cỡi lưng rồng hung hăng.
    Cá voi quác mồm to muốn đớp,
    Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng.
    Càng cua lởm chởm giơ như mác,
    Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao.
    Sơn Tinh hiểu thần ghen, tức khắc
    Niệm chú, đất nẩy vù lên cao.
    Hoa tay thần vẫy hùm, voi, báo
    Đuôi quắp, nhe nanh, giơ vuốt đồng,
    Đạp long đất núi, gầm xông xáo,
    Máu vọt phì reo, muôn ngấn hồng.
    Mây đen hăm hở bay mù mịt,
    Sấm ran, sét động nổ loè xanh.
    Tôm cá xưa nay im thin thít,
    Mở quác mồm to kêu thất thanh.
    Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong kiệu,
    Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhòa
    (Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu,
    Nhưng thật dễ thương) : "Ô! Vì ta!"
    Thủy Tinh năm năm dâng nước bể,
    Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương.
    Trần gian đâu có người dai thế,
    Cũng bởi thần yêu nên khác thường !
    4/1933


  8. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    DƯƠNG THỊ XUÂN QUÝ
    TIỂU SỬ
    Sinh ngày 19/04/1941 tại Hà nội. Xuất thân trong một gia đình trí thức yêu nước; bố là cụ Dương Tụ Qúan, nhà giáo và nhà biên sọan sách nghiên cứu văn học cổ Việt nam.
    Tuổi thơ trải qua trong vùng căn cứ kháng chiến Thái nguyên. Năm 1954, về Hà nội.
    Sau khi tốt nghiệp cấp II, vào học trường trung cấp mỏ Qủang ninh và bắt đầu viết bài trên tạp chí Văn nghệ vùng mỏ.
    Năm 1961-1968, là phóng viên báo Phụ nữ Việt nam, tốt nghiệp trường báo chí.
    Ðế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc, chị đã sớm có mặt tại tuyến lửa khu IV. Tháng 04/1968, đi chiến trường miền Nam, là phóng viên tạp chí Văn nghệ giải phóng (Trung trung bộ).
    Chị hy sinh ngày 08/03/1969 tại Qủang nam- Ðà nẵng.
    Người phụ nữ mới là hình ảnh nổi bật trong sáng tác của Xuân Qúy.Ðây là một cây bút nữ khá tinh tế, nghiêng về ca ngợi những vẻ đẹp tâm hồn của con người cho dù chị chưa thực hiện trọn vẹn hòai bão sáng tác của mình.
    --------------------------------------------------------------------------------
    TÁC PHẨM CHÍNH
    "Về làng" (truyện ngắn đầu tay-1960)
    "Chỗ đứng" (tập truyện ngắn-1968)
    "Hoa rừng" (tập truyện ngắn, bút ký-1970)
    "Hoa rừng" (tập hợp truyện ngắn, bút ký, nhật ký, thư từ-1979)...
    --------------------------------------------------------------------------------
    NHẬN ĐỊNH:

    Người phụ nữ mảnh mai mà mạnh mẽ
    Năm 1969, nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý hy sinh khi tài năng đang độ chín. Bạn bè, đồng chí của chị cùng vào chiến trường năm xưa vẫn còn nhớ những hình ảnh xúc động về người phụ nữ mảnh mai mà luôn xông pha nơi khó khăn, gian khổ.
    Khi tôi vào tới chiến trường Khu 5 thì chị Dương Thị Xuân Quý (Dương Thị Minh Hương) đã hy sinh. Nhưng tôi cứ nghĩ chị vẫn còn đâu đấy. Chị đang sửa gùi, bỏ võng, nylon và mọi thứ vào trong đó để ngày mai đi cõng gạo còn mình thì nằm chèo queo ngay trên cái sạp nứa.
    - Sao chị không treo võng mà ngủ, muỗi nó cắn cho thì sốt nữa đấy - Cậu Thông, quản lý cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5 hỏi.
    Chị Quý cười:
    - Mình có tính lề mề lắm, đi lại chậm chạp lắm, mình phải chuẩn bị trước để sáng mai anh em hô lên là mình đứng dậy đi liền.
    Trên đường đi, khi mọi người dừng lại nghỉ, chị vẫn lùi lũi gùi gạo đi. Chị sợ mình nghỉ lại, lúc mọi người cùng đi chị sẽ bị tụt hậu xa quá. Có lần chị không theo kịp anh em nên phải ngủ rừng một mình. Một hôm ở Bến Giằng, trong khi chờ đò để qua sông, nước lũ ào ào kéo đến, chị phải leo lên một cây khế dại ngồi giữa đêm mưa to gió lớn, rét như cắt.
    Tôi như nghe chị Quý nói với em Tam, cấp dưỡng cơ quan:
    - Này em, chị thấy em mồ côi cha mẹ sớm, phải đi ở thuê, không được đi học, chị thương em lắm. Chị đã gửi các anh mua vở, bút, mực cho em đây này. Bắt đầu từ đêm nay, rửa nồi chảo xong là em lên đây, chị dạy cho em học...
    Tam bây giờ đã đọc thông viết thạo, em mới gửi thư cho thằng em làm du kích ở quê. Thư mở đầu rằng: "Em à, chị nhờ có chị Quý, nhà báo, nhà văn ở cơ quan dạy cho chị biết chữ, hôm nay mới viết thư cho em. Thế mà các anh, các chú bảo chị Quý hy sinh rồi... Chị thương quá, mấy hôm nay, đêm nào chị cũng nằm khóc mãi. Người tốt như chị Quý sao lại chết...?".
    Tôi nhớ ngày tôi mới vào chiến trường, ở tạm Ban Tuyên huấn Khu ít ngày, khi tiễn tôi về Hội văn nghệ, một đồng chí phụ trách sản xuất, có lẽ chưa từng sống với chị Quý một ngày nào, bỗng nói với tôi:
    - Thôi em đi, cố gắng viết cho sắc và sống cho tốt như chị Quý nhé...
    Dương Thị Xuân Quý (1941 - 1969) đã sống một cuộc đời sôi nổi của một nhà báo, một nhà văn cách mạng: chị làm bất cứ việc gì, đi bất cứ đâu, sống bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng thoải mái, cũng hào hứng. Chị không thuộc loại những cô gái thích quẩn quanh trong bốn bức tường của cuộc sống gia đình chật hẹp, yên vui và đầy đủ tiện nghi. Chị như một con chim luôn thích phóng mình trong khoảng trời cao rộng, nhưng không phải những khoảng trời bình yên. Chị luôn tìm chỗ đứng ở nơi khó khăn gian khổ.
    Từ một cô gái nhỏ nhắn, có phần yếu sức khỏe, sinh ra trong một gia đình trí thức - cha là Dương Tự Quán, một chủ nhiệm có tiếng của một tờ báo Hà Nội, bác ruột là Dương Quảng Hàm, một nhà văn học sử nổi tiếng - có năng khiếu về văn học, nhưng khi tốt nghiệp phổ thông xong, chị không vào đại học văn như nhiều bạn bè mà đi học trung cấp địa chất để có dịp tung hoành khắp đất nước. Sau khi ra trường, chị làm ở báo Vùng mỏ (Quảng Ninh). Do những bài viết xuất sắc của chị ở báo Vùng mỏ, chị được báo Phụ nữ Việt Nam xin về làm phóng viên, biên tập. Chị ít chịu ngồi yên ở tòa soạn. Chị xông xáo đi về các địa phương tìm đến những nơi tiên tiến, những nhân vật điển hình để viết về họ. Chị thử sức ở cả hai sở trường là làm báo và viết văn, mà mặt nào cũng được chị chú trọng. Những bài báo của chị được lãnh đạo ban biên tập vừa lòng, không có sự phàn nàn như một số nhà văn khi làm báo thì "lo viết truyện mà không lo viết báo". Chị ham và viết về nông thôn. Ngay từ những tác phẩm đầu tiên: Sa mạc tuổi thơ (1963), Mía (1963), Về làng (1964), Ðảm đang (1964), chị đã thể hiện mình theo hướng đó và càng ngày càng khẳng định mình hơn. Chị đã chọn cho mình một con đường rộng lớn, bởi trong nền văn học nước ta cho đến nay đề tài nông thôn, nông nghiệp vẫn là đề tài phong phú, hấp dẫn các nhà văn, nhà báo. Những truyện ngắn chị đã viết cũng đã phản ánh phần nào cuộc sống nông thôn miền bắc trong những năm 60. Ðó là việc cải tạo đất đai (trong Sa mạc tuổi thơ và Ðất cằn), phong trào đi khai hoang xây dựng quê hương mới (Mía) và những công việc làm ăn của hợp tác xã như chống úng, ươm bèo (Chuyện cô Duyên, Về làng).
    Dù viết về vấn đề gì, nhân vật chính trong tác phẩm của chị vẫn là người phụ nữ mới, với cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho bản thân. Chị đã thấy được đằng sau cái vỏ ngoài bình đẳng là sự bất bình đẳng sâu xa giữa người phụ nữ và nam giới ở nông thôn. Nó được biểu hiện một cách tinh vi, dưới những dáng vẻ thanh cao, đẹp đẽ. Khi thì như một sự cảm thông rất anh em, bè bạn (Chỗ đứng), khi như sự lo thay lo hộ (Ðảm đang), khi như một sự chiếu cố rất đồng chí, đồng tình (Ðứng vững). Những hình thức giả tạo đó không che nổi mắt người phụ nữ. Chị em hiểu ra rằng, chỉ có tự mình đứng ra đấu tranh thì mới thật sự giành quyền bình đẳng.
    Nét riêng của Dương Thị Xuân Quý là ở chỗ chị luôn tìm những gì tốt đẹp, những con người mới, những việc làm mới. Ðiều ấy càng thể hiện rõ hơn khi đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại ở Miền Bắc: Ngòi bút của chị hướng nhiều về những người đang chiến đấu, bởi chỉ trong chiến đấu, con người mới dễ có điều kiện thể hiện đầy đủ nhất những phẩm chất tốt đẹp của mình. Chị lên đường đi vào tuyến lửa Khu bốn. Sống hòa mình vào cuộc chiến đấu và sản xuất ở đây, chị đã viết tập ký Nữ quân Trần Phú, truyện ngắn Ðêm yên tĩnh và khi về tòa soạn lại viết tiếp truyện Sau chuyến đi xa. Cả ba tác phẩm này đều phản ánh nếp sinh hoạt mới của Miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu - nổi bật lên thái độ bình tĩnh, đàng hoàng của nhân dân, sẵn sàng chiến đấu lâu dài với giặc Mỹ.
    Nhưng cuộc sống trong những năm chiến tranh phá hoại ở Miền Bắc, vẫn chưa thỏa mãn sự khát khao phản ánh phẩm chất anh hùng và những nét đẹp của con người Việt Nam của chị. Chị xin đi vào Miền Nam - chiến trường lớn của đất nước - khi con chị mới 16 tháng tuổi. Chị đã gửi con về cho mẹ mình nuôi, và xa con, xa mãi chẳng bao giờ trở lại...
    Vốn say mê những việc làm mới, những con người tốt đẹp, ngay trên đường hành quân vất vả, nhiều khi chỉ mong đến trạm để ngã vật xuống nghỉ, nhưng người phụ nữ gầy yếu mà có nghị lực mạnh mẽ này vẫn khao khát quan sát và nung nấu suy nghĩ trước những sự việc, những con người mình gặp để khi vào đến chiến trường là ngồi viết. Ðó là truyện Hoa rừng và Niềm vui thầm lặng. Dương Thị Xuân Quý đã dựng lên hình ảnh các chiến sĩ ở một trạm đường dây, suốt ngày gùi cõng, đưa bộ đội, cán bộ hành quân, đêm về lại tổ chức văn nghệ để động viên những người ra trận.
    Tại cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5, bên cạnh những công việc thường nhật như gùi cõng, sản xuất, làm nhà, Dương Thị Xuân Quý vẫn suy nghĩ đề ra một kế hoạch sáng tác những truyện và ký mà chị ấp ủ. Ðêm đêm, bên ngọn đèn chai được ủ trong thùng dầu xà lách, chỉ chừa một lỗ nhỏ cho ánh sáng chiếu ra, chị ngồi suy nghĩ đề cương, ý tứ cho cái ký ở căn cứ và hai truyện ngắn Mầm xanh và Má Huệ. Nhưng chị chưa viết vội. Chị muốn mình trực tiếp về đồng bằng Quảng Ðà - vùng đất vô cùng ác liệt của Khu 5 - để sống với bà con, tìm hiểu thêm cuộc chiến đấu ở đây đã. Những năm sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Quảng Ðà lại càng căng thẳng và ác liệt. Ðịch điên cuồng khủng bố, chúng càn quét liên miên hòng đánh bật dân khỏi đất sống để tạo nên những vùng trắng. Bà con bám trụ phải sống trong hầm và mọi hoạt động đều chuyển vào ban đêm. Cái chết ở cạnh bên họ. Vậy mà Dương Thị Xuân Quý đã về sống với bà con, phấn khởi đi và viết. Bàn chân chị đã đi qua những lối sát đồn Kiểm Lâm, len lỏi cạnh đồn Bà Rén, dẫm lên cát bỏng của miền đông Duy Xuyên lô nhô bót giặc. Trong thời gian đó, chị đã vừa đi vừa hoàn thành hai cái ký và một truyện ngắn. Nhưng điều quan trọng nhất để nói về chị chính là con người chị - Dương Thị Xuân Quý. Một cán bộ phụ trách Ban Tuyên huấn Duy Xuyên (Quảng Ðà) kể lại:
    - Ngay trước đêm bị địch càn, chị Quý còn ngồi làm việc tới hơn mười một giờ khuya. Chị bảo chị cố gắng hoàn thành cái bút ký về xã Xuyên Hòa, xã Anh hùng nổi tiếng ở Quảng Ðà.
    Nhưng chị đã ngã xuống không kịp hoàn chỉnh cái bút ký ấy. Chị hy sinh tại vùng cát Xuyên Tân ngày 8-3-1969.
    THANH QUẾ
    --------------------------------------------------------------------------------
    HỒI ỨC:
    Dương Thị Xuân Quý đến chiến trường vào đúng cái thời thật gay go, đen tối: sau Xuân Mậu Thân. Tôi chỉ gặp chị một lần, hôm họp anh em viết văn ở căn cứ Quảng Ðà. Chúng tôi họp, bom B52 nổ rền đâu đó sườn núi bên kia. Quý đến muộn một chút. Chị vừa bị sốt rét rừng, gượng dậy mà đi. Thật tình hôm ấy tôi mong chờ chị đến. Ðã nghe tên, quý mến, mà chưa được gặp người. Một cô gái bước vào. Tôi biết ngay là Quý, không rõ vì sao. Chị gầy và xanh quá. Nói là còm cõi cũng không quá đáng. Duy có đôi mắt, tất cả là ở đấy. Ðôi mắt vừa đằm thắm, vừa rắn rỏi, vừa thông minh. Hay đúng hơn, nhìn vào đôi mắt ấy, anh bỗng hiểu rằng trước mặt anh là một con người có thể lặng lẽ suốt đời đi đến mục đích đã tự khẳng định của mình, bất chấp tất cả, không gì ngăn trở được. Suốt buổi họp, Quý không nói một câu nào. Chị chỉ lắng nghe, đôi mắt thông minh quan sát, nhận xét, suy nghĩ. Chị tự cho mình là người mới đến chiến trường, chưa có kinh nghiệm gì chưa từng trải, phải học hỏi nhiều. Tôi hỏi:
    - Quý bớt sốt chưa?
    - Ðỡ anh ạ.
    - Cháu thế nào?
    - Em chưa được tin.
    Quý có một nỗi đau, mà tất cả chúng tôi kính trọng. Hai anh chị đi chiến trường, gửi đứa con duy nhất tại Hà Nội.
    Dương Hương Ly có câu thơ:
    "... Và em gọi đó là hạnh phúc!".
    Chúng tôi đều hiểu ở đây, chiến trường cái gì chúng tôi khó một thì Quý khó gấp mười. Giọt máu của chị, một nửa cuộc đời chị, người mẹ, bây giờ thăm thẳm cách xa, một dải Trường Sơn đằng đẵng.
    Và chị bảo đó Hạnh Phúc.
    Lúc này, vì mới vào, vả lại còn yếu, Quý chưa được xuống đồng bằng. Chị vui vẻ lẳng lặng nhận nhiệm vụ "trông nhà" cho anh em đi hoạt động - nghĩa là giữ cơ quan.
    Mà thế nào là "trông nhà" những ngày ấy, các bạn có hình dung được không? Lúc này bọn Mỹ càn phá hết sức ác liệt. B52 ngày nào cũng đánh bom vùng căn cứ. Bọn lữ đoàn 101 Mỹ sục sạo khắp các vùng núi, hang cùng ngõ hẻm. Ðể bảo tồn lực lượng, ngay trên núi, chúng tôi tránh ở tập trung, phân tán cơ quan thành từng bộ phận nhỏ, thường chỉ năm ba người, đóng rải rác ra mỗi bộ phận một cụm núi cách nhau có khi nửa ngày, một ngày đường, thường gần một con suối rất nhỏ, tốt hơn cả là suối nhỏ đến nỗi không có ghi trên bản đồ quân sự chi tiết nhất. "Cơ quan" là một căn lều cất trong rừng, cách đó không xa là khu rẫy, nơi chúng tôi tỉa lúa trồng ngô, kiếm cái ăn, giải quyết cái nhiệm vụ mấy năm trước đồng chí Tư lệnh quân khu đã nói: "Phải tồn tại đã".
    Mỗi cơ quan có năm, ba người đi hoạt động đồng bằng, thường thì chỉ một người "trông nhà"; tôi đã sống những ngày như vậy, tôi biết, một mình thui thủi trong một khu rừng, một cụm núi, hằng tháng trời không thấy bóng, không nghe tiếng nói, bước chân con người, tự nấu lấy mà ăn, sốt rét nằm vùi một mình, tỉnh dậy cầm cái rựa, cái niết ra rẫy chặt cây xới cỏ đêm phải ngủ ngay chòi rẫy để đuổi khỉ rừng ra phá lúa, phá dưa (mà cái bọn khỉ mới láu lỉnh ghê gớm, biết mình chỉ có một người, nhất là con gái, chúng quay lại bắt nạt)... Thế đấy, "giữ nhà!". Hằng tháng, hai tháng, ba tháng Quý đã nhận cái công việc hậu cần ấy ngay từ buổi đầu mới vào miền nam. Cô gái Hà Nội, mấy tháng trước đây còn nhí nhảnh ở phố Hàng Bông! Tôi có nhận xét: sức chịu đựng, khả năng thích ứng của phụ nữ bao giờ cũng lớn hơn bọn đàn ông chúng ta. Thỉnh thoảng Quý lại ra đi một chuyến, kiếm cái ăn dự trữ cho anh em nay mai về họp hành, sơ kết, tổng kết, chị vào rừng hái trái xoay, sốt rét thế mà cũng một gùi oằn vai, đi ba ngày núi, xuống vùng bán sơn địa Tí, Sé đổi gạo cõng về. Gạo đổ vào kho, để dành. Còn mình thì ăn rau rừng...
    Hôm gặp tôi, Quý đưa cho tôi một cái truyện ngắn:
    - Anh đọc hộ, em mới viết xong.
    Ðó chính là truyện ngắn Hoa rừng. Quý viết trong những ngày "giữ nhà" một mình, chắc là vừa đuổi khỉ vừa viết.
    Cho tôi nói điều này: thật bất công nếu không gọi chị là một người anh hùng.
    Ðược đi đồng bằng chuyến đầu, chị lao xuống vùng sâu, rất sâu. Quả thật lần đó bàn chuyện chuyến đi của Quý, tôi rất ngại. Dầu sao chị chưa quen chiến trường. Kinh nghiệm cho tôi biết những anh em mới vào chiến trường thường dễ hy sinh, và thường hy sinh ngay trên đường đi khi chưa kịp đến điểm công tác. Trên đường đi, anh bị ba cái bất lợi lớn: một là chưa hiểu quy luật hoạt động của thằng địch tại chỗ, hai là chưa thuộc địa hình, có bất trắc dễ chạy bậy, ba là cũng chưa quen dân, chưa hiểu nên nương tựa vào đâu lúc cần. Ðáng lý ra Quý chưa nên đi quá sâu như vậy... Nhưng chẳng ai ngăn nổi Quý. Chị đâm sâu xuống tận vùng biển Bình Triều, Bình Dương, rồi vượt qua vùng Hội An sông nước mênh mông, để ra vùng đông Duy Xuyên. Ðây là địa bàn của bọn Nam Triều Tiên. Quý đến Xuyên Tân thì gặp càn. Chị ở hầm bí mật. Với Nam Triều Tiên, có một kinh nghiệm: chúng nó càn rất lì, rất dai. Chúng có thể nằm im, mai phục một chỗ, tuyệt không động tĩnh, một tuần, hai tuần. Quý nằm hầm một ngày, một đêm, hai ngày, hai đêm, rồi ngày thứ ba. Ðêm thứ ba, thấy yên tĩnh quá, đã khuya, chị ngoi lên. Một loạt đạn Nam Triều Tiên quật ngã chị ngay trên miệng hầm.
    Quý chết ở vùng sâu, lúc ấy anh em chúng tôi, đồng nghiệp đồng chí của chị, đều ở xa. Không ai nghe được lời nói cuối cùng của chị khi ngã xuống. Riêng tôi, tôi cứ tin lời cuối cùng của chị là một tiếng gọi:
    - Con!...
    Nguyên Ngọc
  9. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    XUÂN QUỲNH ​
    Tiểu sử:
    Tên đầy đủ là Nguyễn thị Xuân Qùynh. Sinh năm 1942. Quê ở huyện Hòai Ðức, tỉnh Hà đông (nay là tỉnh Hà tây).
    Năm 1955, làm diễn viên múa trong đòan văn công.
    Từ 1963, làm báo, biên tập viên nhà xuất bản, ủy viên BCH Hội nhà văn VN (khóa III).
    Xuân Qùynh mất đột ngột trong một tai nạn giao thông bi thảm tại Hải hưng, ngày 29/08/1988.
    Xuân Qùynh làm thơ từ lúc còn là diễn viên. Thơ chị thể hiện một trái tim phụ nữ hồn hậu, nhạy cảm, chân thành, nhiều lo âu và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường.
    Tác phẩm chính:
    Các tập thơ:
    "Chồi biếc" (1963)
    "Hoa dọc chiến hào" (1968)
    "Gió Lào cát trắng" (1974)
    "Lời ru trên mặt đất" (1978)
    "Tự hát" (1984)
    "Sân ga chiều em đi" (1984)
    "Hoa cỏ may" (1988

    Tự hát
    Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
    Trái tim em anh đã từng biết đấy
    Anh là người coi thường của cải
    Nếu cần em bán nó đi ngay.
    Em cũng không mong nó giống mặt trời
    Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
    Lại mình anh với đêm dài câm lặng
    Mà lòng anh xa cách với lòng em.
    Em trở về đúng nghĩa trái tim
    Biết làm sống những hồng cầu đã chết
    Biết lấy lại những gì đã mất
    Biết rút gần khoảng cách của yêu tin.
    Em trở về đúng nghĩa trái tim em
    Biết khao khát những điều anh mơ ước
    Biết xúc động qua nhiều nhận thức
    Biết yêu anh và biết được anh yêu.
    Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
    Nhưng cửa sổ con tàu chẳng đóng
    Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
    Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh.
    Em lo âu trước xa tắp đường mình
    Trái tim đập những điều không thể nói
    Trái tim đập cồn cào cơn đói
    Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn.
    Em trở về đúng nghĩa trái tim em
    Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
    Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
    Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.
    Thuyền và biển
    Em sẽ kể anh nghe
    Chuyện con thuyền và biển
    "Từ ngày nào chẳng biết
    Thuyền nghe lời biển khơi
    Cánh hải âu, sóng biếc
    Ðưa thuyền đi muôn nơi
    Lòng thuyền nhiều khát vọng
    Và tình biển bao la
    Thuyền đi hoài không mỏi
    Biển còn xa... còn xa
    Những đêm trăng hiền từ
    Biển như cô gái nhỏ
    Thầm thì gửi tâm tư
    Quanh mạn thuyền sóng vỗ
    Cũng có khi vô cớ
    Biển ào ạt xô thuyền
    (Vì tình yêu muôn thuở
    Có bao giờ đứng yên?)
    --------------------------------------------------------------------------------
    hoa cỏ may
    Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ
    Ðắng cay gửi lại bao mùa cũ
    Thơ viết đôi dòng theo gió xa
    Kháp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
    áo em sơ ý cỏ găm đầy
    Lời yêu mỏng mảnh như làn khói
    Ai biết lòng anh có đổi thay?
  10. daysleeper__

    daysleeper__ Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/03/2003
    Bài viết:
    1.087
    Đã được thích:
    0
    tại hạ Khâm phục sự " type" kiên nhẫn của tráng sĩ " độc cô cầu bại " . Người kiên nhẫn như tráng sĩ đây thật là hiếm có trên giang hồ đó hả ( Có sữ dụng một ít vốn ngôn ngữ của phim Hongkhong ) . Đùa tí ! bác Julian thật là kiên nhẫn quá ! Vote bác 5 sao ( bác là người đầu tiên được tôi vote đấy ! )

Chia sẻ trang này