1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Chân dung tác giả văn học (Mới: Nhà thơ Paul Éluard )

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Julian, 28/11/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    ĐÀO TUẤN ẢNH​
    Một thế kỷ thơ Anna Akhmatova (I)​
    Anna Akhmatova, một trong những đại diện xuất sắc của thơ Nga thế kỷ XX, người được tôn vinh là Nữ thần thi ca của nước Nga.
    Cùng với thơ của Mandelstam, sáng tác của bà là cơ sở cho sự hình thành cả một trường phái trong thơ Nga đầu thế kỷ XX - trường phái thơ Đỉnh cao (acmeism) (*). Trường phái này đã có ảnh hưởng lớn tới nhiều thế hệ thơ sau này, trong đó đặc biệt là nhà thơ đoạt giải Nobel Iusiv Brodski (1947-1996).
    Cũng như phần lớn các nhà thơ cùng thế hệ như Gumiliev, Blok, Svetaeva, Khlebnikov... đường thơ Akhmatova là "con đường khổ ải". Gần nửa thế kỷ bị cấm đoán, thơ bà vẫn được truyền tụng trong nhân dân, được nuôi dưỡng bằng tình yêu và lòng biết ơn của bạn đọc. Toàn bộ sáng tác của bà là một bộ biên niên đồ sộ bằng thơ, là sự dũng cảm vượt lên trên những căn bệnh tinh thần của thời đại, là sự thấu hiểu tận cùng ý nghĩa bi kịch cao cả của các giá trị nhân bản và thiên chúa giáo.
    Từ những bài thơ đầu tiên sáng tác vào năm 1904, thơ Anna Akhmatova đã đi trọn một thế kỷ - thế kỷ XX khắc nghiệt, đầy hiểm hoạ đối với dân tộc bà.
    Akhmatova Anna Andreevna, tên thật Gorenko, sinh ngày 11.6.1889 tại Oddesa, mất ngày 5.3.1966 ở ngoại ô Moskva. Sinh trưởng trong một gia đình trí thức, từ nhỏ bà được học tại trường Hoàng Thôn, nơi Puskin đã từng học. Năm 1908-1910 bà thi vào chuyên khoa luật, trường Cao học nữ Kiev, sau đó chuyển sang học khoa Văn - sử. Năm 1910 Akhmatova kết hôn với N.S. Gumilev, sỹ quan, nhà thám hiểm và là nhà thơ lớn. Song cuộc hôn nhân giữa hai nhà thơ không bền, tám năm sau họ chia tay nhau. Kết quả lớn nhất của mối tình đó là một nữ sỹ tài năng của nước Nga xuất hiện và một nhà lịch sử-địa lý học nổi tiếng sau này của nước Nga - Lev Gumilev, con trai duy nhất của hai người, ra đời.
    Những bài thơ đầu tiên Akhmatova viết từ năm 1903-1904. Thời kỳ này bà sáng tác gần 100 bài thơ, song phần lớn đã không còn giữ được. Tên tuổi Akhmatova thực sự xuất hiện vào năm 1912, khi tập thơ đầu tiên Buổi chiều của bà ra đời với lời đề tựa của M.A. Kuzmin, nhà phê bình nổi tiếng đương thời. Mặc dù thơ Akhmatova thời kỳ này chịu ảnh hưởng rõ rệt phong cách Annenski(1), song "Con mắt xanh" của nhà phê bình vẫn nhận thấy trong đó những xúc cảm chân thành, dự cảm bi kịch lớn lao, sự nắm bắt tinh tế, kỹ lưỡng kỹ thuật thơ truyền thống, ngôn ngữ thơ tự do, phóng khoáng trên một nền văn hoá sâu rộng - những yếu tố sẽ tạo nên con đường thơ riêng cho nữ sĩ sau này. Kuzmin là người đầu tiên có công phát hiện ra một tài năng thơ lớn của nước Nga.
    Ngay trong những sáng tác đầu tay, Akhmatova đã tìm tới văn hoá và lịch sử dân tộc, sử dụng những môtip tín ngưỡng, ngôn ngữ dân gian. Qua tư tưởng và kết cấu trữ tình của những bài thơ thời kỳ này đã hình thành những đặc điểm thi pháp đăc trưng cho thơ Akhmatova trong các giai đoạn sáng tác tiếp theo: trữ tình được cấy vào miếng đất sử thi, nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật dựa trên những "đối thoại ngầm", độc thoại nội tâm, những chi tiết cụ thể, tính cốt truyện, nghệ thuật khắc họa tâm lý kiểu văn xuôi, những câu thơ dệt từ chất liệu đời thường được nâng lên tầm khái quát...
    Sau khi tập Buổi chiều ra đời, Akhmatova bước vào văn đàn như một tài năng đầy hứa hẹn. Các tạp chí lớn giành nhau in thơ bà. Năm 1913-1914 Akhmatova tham gia Hội các nhà thơ do nhà thơ Nedobrovo đứng ra tổ chức. Sau khi tập thơ thứ hai Chuỗi tràng hạt của bà xuất hiện (1914), Nedobrovo viết bài giới thiệu mang tiêu đề "Anna Akhmatova" đăng trên tạp chí Tư tưởng Nga, số 7 năm 1915. Uy tín và bài giới thiệu tràn đầy xúc cảm của Nedobrovo đã đóng vai trò tạo bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của Akhmatova. Trong bài viết, Nedobrovo tiên đoán đường thơ tương lai của nữ sỹ "không chỉ mở rộng phạm vi chật hẹp của những đề tài cá nhân, mà còn đi sâu vào bản chất tâm hồn con người và các sự kiện cuộc sống". Rất hiểu "tạng thơ" của Akhmatova, ông kêu gọi bà tiếp tục truyền thống Puskin trong khi tìm cho mình con đường nghệ thuật riêng, tạo phong cách thơ cho mình. Với sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn, Akhmatova đã tuyên bố: "Mà cũng có thể ông (Nedobrovo) đã tạo ra Akhmatova"(2). Có thể nói, trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Akhmatova có điều gì may mắn, thì đó là việc bà đã gặp được các "quý nhân", những người đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành và phát triển một Akhmatova tài năng, độc đáo của làng thơ Nga thế kỷ XX.
    Một may mắn nữa mà số phận đã dành cho Akhmatova đó là thi tài của bà nảy nở và được vun trồng trên mảnh đất thơ Nga màu mỡ của ba thập niên cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Đây là giao thời đổi thay tận gốc rễ của lịch sử Nga, một giai đoạn cực kỳ phức tạp, đầy rẫy những mâu thuẫn và hiểm họa khốc liệt: nạn đói, thế chiến lần thứ nhất, các cuộc đàn áp cách mạng đẫm máu của Sa Hoàng. Nước Nga chìm trong buổi hoàng hôn ảm đạm. Thế nhưng, rất lạ, trên cái nền bấp bênh và hỗn loạn đó, văn hoá Nga lại dường như ở trong trạng thái thăng hoa rực rỡ. Sau một thế kỷ phát triển gấp rút, nền văn hoá này đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc trong các lĩnh vực, hội tụ đủ điều kiện để hoà nhập vào dòng văn hoá nhân loại.
    Âm nhạc có những nhạc sĩ lừng danh như Rakhmaninov, Skriabin, Stravinski. Trường phái balê Nga nổi tiếng với các cuộc du diễn khắp châu Âu. Danh tiếng Nhà hát nghệ thuật do Stanhislav và Dantrenko sáng lập vang dội nhiều nơi trên thế giới. Các hoạ sĩ bậc thày: Levintan, Serov, L.O.Pasternak (thân sinh Pasternak-nhà thơ), Benua, Bakst, Dobuzinski, Larionov, Gontrarova, Mark Sagan, Kandinski, Malevich... đã khám phá ra những con đường mới cho hội hoạ Nga và thế giới, còn Trechiakov và Sukin đã xây dựng những bảo tàng tranh có một không hai lúc đó. I.V. Svetaev, thân sinh của một trong những nhà thơ lớn của thế kỷ XX, nữ sỹ M.Svetaeva, đã sáng lập ra bảo tàng mỹ thuật lớn nhất nước Nga và nổi tiếng thế giới ở Moskva.
    Trường phái triết học tôn giáo Nga được hình thành, với thời gian, đã được thừa nhận rộng rãi ở khắp châu Âu. Các công trình của các nhà triết học thuộc trường phái này được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. N. A. Berdiaev và S. Bungakov, tiếp tục sự nghiệp của nhà triết học tôn giáo thần bí - nhà thơ lãng mạn Soloviev, cùng với Merezkovski và nữ sỹ Gipnus lập ra tạp chí Con đường mới, trong đó diễn ra những cuộc tranh luận sôi nổi về triết học tôn giáo và triết học lịch sử. Hợp tác và đối thoại với các nhà triết học cùng thời, họ có tham vọng tạo dựng một cuộc sống tinh thần mới cho nhân dân Nga và cho toàn nhân loại.
    Toàn bộ nền văn học Nga những thập niên này mang đậm dấu ấn "lo lắng tôn giáo". Nếu không lưu ý tới điểm này sẽ rất khó lý giải những khám phá trong lĩnh vực tư tưởng nghệ thuật và hệ hình thi pháp đặc trưng trong sáng tác của các nhà văn, nhà thơ lớn thời kỳ này, không lý giải được sự bùng nổ cùng lúc nhiều trường phái sáng tác khác nhau - vừa như sự tự cần bằng, tự điều chỉnh của văn học Nga sau mấy thập niên chịu ảnh hưởng của khoa học thực nghiệm, khuynh hướng xã hội cực đoan trong sáng tác của văn học dân túy, vừa như sự tìm kiếm những con đường mới cho nghệ thuật để đáp ứng những yêu cầu to lớn của thời đại.
    Sau cái chết của A. Sekhov và L.Tolstoi, dường như văn học hiện thực Nga bắt đầu nhường vị trí tiên phong cho chủ nghĩa hiện đại chiếm lĩnh ồ ạt văn đàn với những trường phái có tôn chỉ mục đích sáng tác riêng, như trường phái thơ suy đồi (décadence), tượng trưng, ấn tượng, vị lai... Bức tranh văn học thời kỳ này còn được tô điểm thêm bằng sắc màu của chủ nghĩa lãng mạn mới với thần tượng về một cá nhân tự do, kiêu hãnh và cô độc, thiên về những cái dị thường, những xúc cảm cao cả, các thể loại thơ bi ca, ballađa. Thơ lãng mạn mới không hòa nhập thành một trào lưu, song hơi thở của nó dội vào sáng tác của tất cả các nhóm phái, muộn hơn một chút, với sức mạnh đặc biệt, vào sáng tác của phái thơ Đỉnh cao: Gumiliev, Akhmatova, Mandelstam... Đó là sự bừng sáng của dòng thơ lãng mạn cuồn cuộn chảy từ giữa thế kỷ XVIII, đạt đỉnh điểm vào đầu thế kỷ XIX trong sáng tác của Byron ở Anh và Puskin, Lermontov ở Nga, tràn vào bến bờ của thế kỷ XX, đóng vai trò quan trọng cho việc ra đời của chủ nghĩa hiện đại, và cách tân dòng thơ hiện thực cổ điển.
    Thơ Akhmatova sinh thành và phát triển trong một môi trường văn hoá như vậy, và đến lượt mình, bà đã làm rạng danh thêm cho giai đoạn văn hoá được mệnh danh "thế kỷ Bạc" của Nga bằng con đường thơ độc đáo của mình.
    Con đường ấy hiển hiện càng lúc càng rõ, con đường duy nhất xuyên suốt thế kỷ, và nói như Olga Bergolls, "con đường đó, giống như mọi đường đời, không thẳng, không bằng phẳng bình nguyên, mà cheo leo, quanh co đường núi. Vẫn luôn là mình, có lúc dường như đi lại những cua đường đã qua, nhà thơ, trên thực tế, vẫn leo lên cao không ngừng nghỉ và nếm trải tất cả: lúc bão giông, lúc sa mạc, khi là vùng đất nở đầy hoa, "chiếm lĩnh" chúng bằng thơ, luôn hướng lên đỉnh núi mà độ cao của nó nhà thơ không thể nào biết được và không bao giờ xác định trước được..."(3) Đường thơ Akhmatova là như vậy, và mỗi giai đoạn sáng tác của bà là một khúc trên con đường gian khó, cheo leo ấy, là một bộ phận của cái cơ thể thơ sinh động đang trên đà vươn tới đỉnh cao.
    Và đỉnh cao ấy đã được Gumiliev đặt tên cho trường phái thơ do ông đứng đầu - trường phái acmeism - dựa trên sáng tác của bà và Mandelstam. Bản thân Akhmatova cũng từng thừa nhận: "...Trường phái Đỉnh cao hình thành trên những bài thơ của tôi và của Mandelstam mà ông (Gumiliev) đã đọc và nghiền ngẫm rất kỹ"(4). Nhóm thơ Đỉnh cao ra đời (năm 1912) như sự đối lập lại trường phái thơ tượng trưng. Các nhà thơ Đỉnh cao tuyên bố về sự sùng bái thế giới vật thể, thực tại sống động, phủ nhận tính chất huyền bí và những tượng trưng của nước Chúa phản ánh qua các hiện tượng của cuộc sống trần gian trong thơ của các nhà tượng trưng. Xuất phát từ quan niệm này là định hướng mang tính nguyên tắc về ý nghĩa vật chất chính xác của ngôn từ, tính hài hòa của tất cả các thành tố trong ngôn ngữ thơ, tính logic của tổ chức kết cấu (hoà trộn hợp lý những lớp lang ban đầu và kết thúc - Gumilev), "cú pháp sử thi của các mô thức từ ngữ" (B.M. Zirmunski)... Các nguyên tắc này được xác lập từ thi pháp thơ Akhmatova và thơ Mandelstam, những nhà thơ mà Blok - chủ tướng phái thơ tượng trưng, mặc dầu phải thừa nhận là "vô cùng tài năng", song vẫn chê là quá thiên về kỹ thuật, "ít xúc cảm, thiếu thánh thần" (lấy ý thơ của Puskin). Tuy nhiên, mặc dù tranh cãi, chê bai nhau kịch liệt, các nhà thơ lớn của hai trường phái này vẫn có những ảnh hưởng qua lại hết sức rõ rệt. Các nhà thơ tượng trưng cố gắng "hạ thấp xuống trần gian", đưa nhiều hơn vào thơ mình những chi tiết của đời thường sống động, sử dụng một số thủ pháp, kỹ thuật điêu luyện của trường phái Đỉnh cao. Ngược lại, các nhà thơ Đỉnh cao không ngần ngại sử dụng những tượng trưng đa nghĩa, những mô típ tôn giáo, thần bí, có ý thức vươn tới cuộc sống tâm linh vốn đặc trưng cho thơ tượng trưng.
    Hệ thống thi pháp mang tính chất "tranh cãi - bổ sung" đó đã đem lại thành công lớn cho tập thơ thứ ba Đàn chim trắng của Akhmatova. Tập thơ này ra đời ngay trước cách mạng tháng Mười năm 1917 - như sự tổng kết cả giai đoạn thơ trước đó.
    Bên cạnh những "bàn tay màu tím", những "tĩnh lặng ngân lên thành tiếng"... trong thơ tượng trưng của Briusov, hay những bài thơ vị lai của Khlebnikov làm từ những âm tiết và ngữ điệu thuần tuý, vô nghĩa (bobêobi đôi môi hát), trữ tình trong ba tập thơ đầu của Akhmatova nổi bật và độc đáo bởi thế giới đời thường giản dị, trong sáng, rõ ràng, cảm nhận được, sờ mó được. Xúc cảm thường được biểu hiện bằng những hình tượng cụ thể bên ngoài: "Trắng rợn người/ tấm rèm trên cửa trắng..." (Hai bài thơ), bằng những chi tiết cụ thể mang sức nặng của nghĩa bất ngờ soi rọi toàn bài thơ: " Trong bím tóc rối bời ẩn giấu/ Thoảng nghe mùi thuốc lá quen quen" (Tấm thảm sờn dưới chân tượng thánh).
    Thủ pháp yêu thích của Akhmatova là so sánh những cái không thể so sánh, sử dụng từ trái nghĩa như từ đồng nghĩa. Bà mô tả pho tượng nữ thần khỏa thân:
    Hãy nhìn kìa, nàng buồn rầu hớn hở
    Và khỏa thân trang trọng áo quần.
    ( Đào Tuấn Ảnh dịch) (*)
    Trong trữ tình Akhmatova, tâm trạng con người được diễn tả trong một thứ không - thời gian cụ thể, chính xác đến ma mị: "Thứ tư, vào lúc ba giờ!..." hay "Thứ hai. Đêm. Ngày hai mươi mốt"... Và tính cụ thể của không - thời gian, của sự vật, luôn đan cài với những hình tượng mờ ảo, những khái niệm vô định:
    Thứ hai. Đêm. Ngày hai mươi mốt
    Kinh thành bóng tối ảo mờ
    Có một kẻ vô công ngồi viết:
    Tình yêu vẫn có tới giờ.
    Thực - hư, cụ thể - trừu tượng hoà quyện, tạo thành thế giới thơ riêng - thế giới Akhmatova. Sự phối hợp các cặp hình tượng, hay khái niệm đối lập là một trong những thủ pháp giúp cho "cuộc sống đi vào trong thơ Akhmatova đã không còn là cuộc sống" (Sklovski).
    Xúc cảm trữ tình thể hiện một cách kín đáo mang tính phản xạ rõ ràng, tâm trạng được thể hiện thông qua những chi tiết bên ngoài, những hình tượng cụ thể, kế tiếp, cấu trúc thơ được nghiền ngẫm kỹ lưỡng, cú pháp sử thi, âm hưởng truyền thống, sự phối hợp những cái không thể kết hợp, cho phép các nhà phê bình nói về "chất Puskin" đặc trưng trong thơ của Akhmatova.
    Ở đây cũng cần phải nói tới "chất Nekrasov" trong sáng tác của bà, nhất là loại thơ ba âm tiết phức tạp của nhà thơ mà Akhmatova sử dụng tài tình trong một số bài thơ của mình: khi bỏ một trong hai âm tiết không có trọng âm, cấu trúc bài thơ lập tức trở nên trúc trắc, khấp khểnh, phá vỡ dòng chảy bình lặng của thơ, tạo biểu cảm căng thẳng, kịch tính cho những trăn trở trữ tình, nhưng đồng thời lại tạo nhịp độ, tiết tấu mới, sắc màu của hội hoạ ấn tượng và chất nhạc mang đậm tính hiện đại:
    Trái tim nhòa dần ký ức vừng dương
    Cỏ vàng hơn trước
    Gió ngấm dần những bông tuyết đầu đông
    Chập chờn, ngơ ngác
    Những dòng kênh thôi rì rào lấp loá
    Nước giá băng rồi
    ở đây sẽ chẳng gì xảy ra được nữa
    Vạn vạn kiếp người
    Cây dương liễu giữa bầu trời trống rỗng
    Dệt quạt mỏng manh
    Hẳn tốt hơn, nếu như em đã chẳng
    Từng là vợ anh
    Trái tim nhoà dần ký ức vừng dương.
    Sẽ tuyền bóng tối?
    Chắc là vậy!... Chỉ một đêm qua thoáng
    Đông đã sang rồi.
    (Hồng Thanh Quang dịch)
    Thơ của Akhmatova là sự cố kết giữa ngữ điệu của lời ăn tiếng nói hàng ngày với ngữ điệu những bài hát, ngữ điệu hùng biện, bước chuyển tiếp tự nhiên, hợp lôgic từ ngôn từ cao cả xuống ngôn ngữ đời thường và ngược lại (thí dụ như bài thơ "Anh biết chăng em khốn khổ đọa đày...". Thơ trở thành những ngữ cảnh. Ngôn ngữ thơ dường như tiếp tục dòng độc thoại nội tâm giấu kín trước người đọc (...ở đằng ấy kẻ giống tôi bằng đá hoa cương). Đôi lúc dòng thơ tuôn chảy như những câu trả lời trong cuộc đối thoại thì thầm đằng sau văn bản: "Không, chàng hoàng tử, em đâu phải cô gái ấy...". Một số bài thơ là những màn đối thoại (Lòng bàn tay anh nóng rãy...; Chàng Sưgan ở đâu, hỡi cô gái dỏng cao...).
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 02:13 ngày 30/08/2004
  2. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    ĐÀO TUẤN ẢNH​
    Một thế kỷ thơ Anna Akhmatova (II)​
    Trong trữ tình Akhmatova thời - không gian chuyển động, "cốt truyện" liên quan tới quá khứ, song là để nói về hiện tại và nhiều khi là về tương lai. Akhmatova khách quan hóa tâm trạng, rất chừng mực trong biểu lộ xúc cảm. Bà truyền vào trữ tình của mình những cảm xúc, suy tư đã qua, dường như chỉ nhớ lại, tái hiện lại những tâm trạng đã từng trải nghiệm. Xuất phát từ đây là sự tinh khiết của ngôn ngữ thơ và sự khước từ quyết liệt tất cả những ngoa ngôn, phóng đại, dị nghịch, hào nhoáng... Thơ Akhmatova, một mặt, bằng hình thức cô đọng, giản dị, đã tái tạo giản lược những "cốt truyện", vì thế nó dễ gần, dễ thấm như văn xuôi, nhưng mặt khác, trong tổng thể, lại dựng được khuôn mặt trữ tình độc đáo. Sự phân tán những "cốt truyện" hoà nhập với khuôn mặt trữ tình nhất quán mang lại cho thơ Akhmatova một phong cách hằng định, bền vững, đồng thời lại tạo ra những "mặt nạ" văn học đa dạng, khác nhau trong sáng tác của bà. Ở đây thơ Akhmatova làm ta nhớ tới văn xuôi đời thường đậm chất trữ tình, nhạc, hoạ của Sekhov - nhà cách tân lớn trong văn xuôi Nga mà bà thừa nhận đã chịu nhiều ảnh hưởng (5).
    Sau cách mạng tháng Mười, trong những năm 1920, số phận liên tiếp giáng xuống Akhmatova những đòn khốc liệt. Thời gian này bà làm việc tại thư viện trường đại học Nông nghiệp. Người chồng cũ, nhà thơ Gumiliev bị sát hại. Người ta đề nghị bà tố cáo ông, bôi nhọ thanh danh của Mandelstam và nhiều nhà thơ lớn khác. Akhmatova không những từ chối tất cả những việc đó, bà còn viết những dòng thống thiết, thể hiện nỗi đau khôn nguôi trước cái chết oan uổng, khốc liệt của một nhà thơ lớn:
    Chẳng còn anh nữa giữa thế gian
    Từ đống tuyết anh không còn đứng dậy
    Hai mươi tám tay súng lưỡi lê
    Và năm phát đạn
    Áo liệm đớn đau
    Tôi may cho người bạn đời yêu dấu
    Nước Nga ơi sao Người thích máu
    Những đứa con trên mảnh đất của Người
    Và bà đã phải trả giá. Bị liệt vào thành phần "chống đối nguy hiểm" bà bị mất việc làm, bị cắt toàn bộ khẩu phần lương thực, chất đốt. Cánh cửa của tất cả các tạp chí lớn đã khép lại đối với bà. Người con trai duy nhất bị bắt và bà theo con đi khắp các nhà tù, trại giam trên nước Nga. Giọng thơ Akhmatova lúc này mang ngữ điệu bi thương, nhưng không có nước mắt. Tình cảnh nước Nga, số phận bi thảm của thế hệ mình, Akhmatova đã nói tới trong chùm thơ Vòng hoa cho những người đã chết và nhiều những bài thơ khác:
    Cớ sao các người đánh bả nguồn nước
    Và vấy bẩn lên bánh mì của tôi?
    Cớ sao chút tự do cuối cùng
    Các người gán ổ gian phi nhơ nhớp?
    Phải chăng vì tôi không cười nhạo báng
    Những cái chết đắng cay của bạn bè?
    Hay bởi tôi vẫn còn tin tưởng
    Vào Tổ quốc mình đau khổ tái tê?
    Sao cho không còn đao phủ và đoạn đầu đài,
    Dù trên thế gian này các nhà thơ biến mất,
    Khoác tấm áo choàng sám hối lên vai
    Nến trong tay, ta đi, rú gào u uất...
    (Tạ Phương dịch)
    Trong những năm bị đàn áp nặng nề, tưởng chừng bà sẽ phải ngã gục, nhờ mối dây liên hệ bên trong với Tổ quốc, với bạn đọc của mình, Akhmatova vẫn sống và tiếp tục sáng tác. Những năm 1920-1930 bà đã hoàn thành hai tập thơ xuất sắc: Cây mã đề và Anno Domini, trong đó thơ bà vẫn bám chắc vào mảnh đất Nga, cuộc sống và con người Nga đang phải chịu những mất mát khủng khiếp do nội chiến, đói rét và các cuộc thanh trừng đẫm máu gây ra. Trong hai tập thơ này, bên cạnh những bài thơ tiếp tục đề tài trữ tình những năm 1910, xuất hiện những bài thơ có môtip công dân và môtip tôn giáo. Song trước hết là số lượng đáng kể những bài thơ mang ngữ điệu hùng biện, đau thương - trang trọng tô điểm cho những tình cảm (thậm chí là những tình cảm thầm kín, riêng tư nhất), ngôn ngữ cao cả kết hợp với ngôn ngữ văn xuôi đời thường. Mặc dù có những dự cảm, những đợi chờ u ám "ngày phán xử cuối cùng" (Gửi nhiều người), Akhmatova vẫn cảm nhận được mình là đứa con của thế hệ giông bão cách mạng. Một trong những chủ soái của trường phái hình thức Nga lúc đó là Sklovski, bằng lối phê bình độc đáo của mình, đã viết về Anno Domini như sau:
    "Dường như đó là những trích đoạn nhật ký. Đọc những trích đoạn đó thật lạ lùng và khủng khiếp. Tôi không thể trích những bài thơ đó ra đây.
    Tôi có cảm giác đang tiết lộ bí mật của người khác.
    Không thể phân tách những bài thơ đó.
    Trong nghệ thuật con người kể về mình, và điều khủng khiếp không phải vì con người khủng khiếp, mà là sự phát hiện khủng khiếp về con người.
    ...
    Khát vọng tính cụ thể, chiến đấu vì sự tồn tại của đồ vật, vì đồ vật "không viết hoa", vì đồ vật, chứ không phải khái niệm, - đó là cảm hứng của thơ ngày hôm nay.
    Tính cụ thể - đồ vật - trở thành một bộ phận của cấu trúc nghệ thuật.
    Số phận con người trở thành thủ pháp nghệ thuật.
    Thủ pháp.
    Vâng, thủ pháp.
    Đó là tôi đang cắt rốn cho nghệ thuật vừa được sinh ra.
    Chúng ta tôn vinh sự tách rời của nghệ thuật với cuộc sống, chúng ta tôn vinh lòng dũng cảm và sự anh minh của các nhà thơ, những người thấu hiểu rằng cuộc sống đi vào trong thơ, sẽ không còn là cuộc sống.
    Nó vào thơ bằng sự chọn lọc khác.
    Giống như cây thánh giá trong kinh thánh không còn bằng gỗ.
    "Tự do rồi, Sancho", - Donkihote nói, khi ra khỏi sân cung điện quận công.
    Tự do của thơ ca, sự khác biệt của các khái niệm khi đã được đưa vào thơ với chính nó trước khi có sự sáng tạo của thi ca, - đó chính là sự giải mã của trữ tình.
    Đó là sự trả lời cho câu hỏi vì sao tập thơ tuyệt vời của Anna Akhmatova lại tuyệt vời, tại sao những bài viết của các nhà phê bình của mọi thời đại và mọi dân tộc đã và sẽ đáng hổ thẹn, một khi chúng đã và đang bẻ vụn, phân tách những bài thơ của các nhà thơ để thừa nhận và chứng minh"(6).
    Sở dĩ tôi trích gần như nguyên văn bài viết của Sklovski, bởi chỉ trong chưa đầy trang viết nhà phê bình lỗi lạc này đã giải được mã thi pháp không chỉ của Anno Domino, mà của toàn bộ thơ Akhmatova. Mật mã đó nằm trong một câu ngắn gọn, song rất nổi tiếng của Belinski: "Để thể hiện được cuộc sống, thơ trước hết phải là thơ". Bí mật của thi pháp Akhmatova là ở chỗ bà đã cảm nhận được bản chất thơ Puskin, người có chiếc đũa thần của bà tiên trong truyện cổ tích, phép nhiệm màu của nữ thần Afro***, biến những cái cụ thể hàng ngày thành thơ. Và Akhmatova đã khám phá ra nghệ thuật kỳ vĩ trong sự giản dị, trong sáng đến lạ lùng của thơ ông:
    Liệu ai biết, thế nào là vinh quang?
    Với giá nào ông đã từng phải trả
    Để trong đời có được quyền năng
    Lúc ban ơn, lúc vui đùa, cợt nhả
    Với mọi người, thật sáng suốt, tinh anh,
    Hoặc lặng im, bí hiểm lạnh lùng
    Gọi cái chân bằng chính tên của nó
    (Puskin)
    Năm 1940, ngoại trừ những bài thơ và tiểu luận về Puskin và những bản dịch, tác phẩm của Akhmatova hoàn toàn bị cấm in vì "can tội" mang nặng tính thính phòng chật hẹp, những tình cảm riêng tư, thầm kín không phù hợp với "công cuộc xây dựng đất nước, với hình tượng con người mới", yếu tố tôn giáo độc hại v.v... Những bài thơ viết trong giai đoạn từ 1924 - 1940 đã được bà tuyển vào các tập Cây sậy, Cuốn sách thứ bẩy, Trên con đường quê. Thời gian này Akhmatova hoàn thành Khúc tưởng niệm (1935-1940) nổi tiếng và bắt tay vào viết Trường ca không nhân vật - những kiệt tác minh chứng cho tài năng và lòng dũng cảm của nhà thơ, người bằng cả bản năng và lý trí đã vượt lên trên căn bệnh ấu trĩ của thời đại, bởi thấu hiểu điều cốt tử nhất của công việc sáng tạo: "muốn thể hiện cuộc sống, thơ trước hết phải là thơ".
    Khúc tưởng niệm là bước ngoặt trong sáng tác của Akhmatova. Dù bị đàn áp, cô lập, trong chùm thơ - trường ca này giọng của Akhmatova vẫn vang vọng như tiếng kêu của nhân dân bất hạnh ("Nếu như bịt miệng tôi/ Cái miệng đọa đày kêu tiếng kêu trăm triệu người đau khổ..."). Số phận cá nhân gắn liền với số phận của nhân dân ("Khi ấy cùng với nhân dân tôi/ ở nơi nào có dân, tiếc thay, có mặt tôi ở đấy"). Akhmatova nâng nỗi đau của mình lên đỉnh cao bi kịch toàn nhân loại, trở thành nỗi đau chung, và biến nỗi đau của kẻ khác thành chính nỗi đau của mình. Bi kịch của nước Nga được cảm nhận như một kỷ nguyên của lịch sử thế giới.
    Trong các bài thơ của tập Khúc tưởng niệm văng vẳng những khúc dân ca buồn kéo dài lê thê (Sông Đông êm đềm lặng lẽ trôi...) xen lẫn những tiếng khóc than của người mẹ ròng rã gần hai năm đứng trong hàng người dằng dặc thăm nuôi đứa con trai duy nhất trong lao tù (Mười bẩy tháng tôi than khóc...), khúc bi ca (Cận kề cái chết). Những môtip sử thi đan xen với những suy tư trữ tình (Không, đấy không phải tôi, mà ai đó đang đau khổ...). Trong ngữ điệu đa thanh nghe thấy cả lời cầu nguyện âm thầm, cả tiếng nức nở, cả tiếng thét, cả tiếng thầm thì khe khẽ, lẫn nỗi tức giận cuồng dại. Âm thanh đa phức điệu trong thơ Akhmatova vang lên gợi nhớ tiếng những dàn chuông nhiều bè của nhà thờ Nga trầm hùng ngân nga, lanh lảnh rộn rã (Sông Đông êm đềm lặng lẽ trôi...). Những bài thơ trong trường ca được kết nối chặt chẽ, hoàn chỉnh nhờ sự có mặt từ đầu tới cuối hình tượng những người mẹ (bài thơ Dành tặng, Lại một giỗ nữa tới gần...". Hình tượng "tảng đá" - cái chết - bức tượng im lìm, chết lặng trong những bài thơ cuối cùng, chuyển thành hình tượng bức tượng đồng tuôn những dòng nước mắt biểu lộ nỗi đau sống. Tuy nhiên, tác phẩm với bi kịch vĩ đại hoành tráng vẫn được kết thúc "theo kiểu Puskin" - sự chiến thắng của cội nguồn trong sáng ban đầu trước hỗn loạn tối tăm, của cuộc sống trước cái chết:
    Mặc thế kỷ bắt đầu bằng tượng đồng im lìm, câm lặng
    Nước mắt thành dòng, tuyết bám đang tan,
    Hãy để bồ câu nhà tù gù ở nơi xa
    Hãy để những con thuyền nhẹ lướt trên Neva.
    Với Khúc tưởng niệm Akhmatova đã thực sự trở thành nhà thơ bi tráng mang vóc dáng dân tộc và thế giới.
    *
    Âm điệu bi tráng tiếp tục vang lên trong thơ Akhmatova trong thời kỳ chiến tranh Vệ quốc (1939-1945).
    Khi Leningrad bị quân thù phát xít mạnh gấp sáu lần phong toả, khi hàng ngày báo đài đưa tin về những thành phố Nga bị chiếm đóng sau những trận chiến đẫm máu, trên tờ Sự thật Leninrad xuất hiện những dòng chữ lớn:
    Cờ quân thù
    Tan như khói:
    Lẽ phải thuộc chúng ta
    Và chúng ta tất thắng
    Những dòng này là của Anna Akhmatova.
    Nhà thơ có mặt ở Leningrad vào thời điểm khó khăn nhất, dũng cảm đón nhận tai họa cùng toàn dân và thể hiện lòng trung thành và tình yêu Tổ quốc ở mức độ cao nhất. Tư tưởng chủ đạo trong những bài thơ Lời thề, Lòng dũng cảm - đó là nước Nga, những đứa con của nước Nga: từ những người đã chết tới những đứa trẻ mới ra đời, và ngôn ngữ Nga, và thiên nhiên Nga, tức là tất cả những gì quý giá nhất đối với nhà thơ:
    Cô gái hôm nay đưa tiễn người thương
    Sẽ vượt qua nỗi đau dũng cảm, kiên cường.
    Xin thề cùng cháu con, xin thề trước tiên tổ
    Không kẻ thù nào bắt được ta quỳ gối, quy hàng!
    (Lời thề)
    Sự đối nghịch hình tượng, khái niệm - thủ pháp quen thuộc của Akhmatova, được sử dụng trong bài thơ như một nốt nhấn, thể hiện lòng quả cảm của đất nước đứng trước hoạ diệt vong: "Xin thề cùng cháu con, xin thề trước tiên tổ"(7).
    Thơ của Akhmatova thời kỳ này là tiếng vọng hào hùng của cả một dân tộc vừa ra khỏi hai cuộc chiến tranh (thế chiến lần thứ nhất và nội chiến) lại phải lao vào một cuộc chiến mới khốc liệt hơn, trong đó hàng chục triệu người đã ngã xuống vì sự sống còn của đất nước. Người ta đã thuộc thơ bà như thuộc thơ Simonov, thuộc bài ca Kachiusa trên đường ra mặt trận và trong những chiến hào. Thơ chiến tranh của Akhmatova đã "tuyển mộ" được lớp độc giả đại chúng. Nhờ có những bài thơ này cả nước Nga đã biết tới toàn bộ các sáng tác của bà trước đây. Thơ Akhmatova chinh phục được người đọc trước hết vì đó là nghệ thuật đích thực, là thơ của những tình cảm chân thật, mạnh mẽ và cao đẹp, minh chứng lớn nhất về cuộc sống đạo đức và nhân cách con người. Đó là thơ trữ tình, tự bạch, thơ của sự thật và niềm tin cao nhất mang trong nó những tâm sự thầm kín riêng tư của tác giả và mối liên hệ với người đọc.
    Trong thời điểm chiến tranh gian khó nhất, hàng ngày Akhmatova vẫn nhận được thư của bạn đọc - những người lính ngoài mặt trận(8), trong đó họ bàn luận với bà về thơ ca, đề nghị bà gửi cho họ những sáng tác mới... Việc bạn đọc cả nước yêu thích thơ Akhmatova đã đập tan luận điệu vu khống, bôi nhọ tài năng và nhân cách của bà, bởi vì, theo Olga Becgon, dù cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và khí thế toàn dân tộc đã rọi sáng, đã truyền cho sáng tác của nhà thơ một sức mạnh đặc biệt nào đó, thì cội nguồn sức mạnh đó đã phải có từ trước; và từ lâu đã phải có giọng nói đó, con đường thơ đó, để vào thời điểm gay cấn nhất nó có thể hoà cùng giọng nói và đường đi của nhân dân. Mà thực sự nhà thơ cũng chỉ có một giọng - nhà thơ có thể hạ nó xuống tới mức thì thầm, hoặc nâng cao nó thành tiếng thét, nhưng thay đổi chất giọng thì nhà thơ không thể. Những bức thư từ mặt trận gửi về cho Akhmatova cho thấy những người lính thuộc rất nhiều thơ tình của bà. Họ yêu thích thơ tình của nữ sỹ, vì trong những bài thơ đó tình yêu không giống như tình yêu trong nhiều bài thơ đương thời được dùng như phương tiện thực hiện những nghĩa vụ xã hội, mà là tình cảm tự nhiên, nó lôi cuốn và đáng ca ngợi chỉ vì một điều - đó là tình cảm thực sự của con người. Thơ "thính phòng", thơ "phòng the", thơ "độc hại" mà người ta gán cho Akhmatova chắc chắn không thể nào bắt được nhịp với khí thế toàn dân như vậy, không thể nào được yêu thích và thuộc nhiều đến như vậy.
    Akhmatova đã thực sự trở thành nhà thơ của dân tộc.
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 02:10 ngày 30/08/2004
  3. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    ĐÀO TUẤN ẢNH​
    Một thế kỷ thơ Anna Akhmatova (III)
    Giai đoạn chiến tranh thơ Akhmatova được đăng chủ yếu ở hai tạp chí Leningrad và Những ngôi sao. Những tưởng người ta đã quên đi những lời buộc tội, hối hận trước những lỗi lầm đã gây ra cho nhà thơ lớn của dân tộc. Vậy mà ngay sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1946, cùng với nhà văn Zosenko, một lần nữa bà lại bị bêu riếu lăng nhục với tư cách nhà thơ và công dân trong báo cáo của A. A. Zdanov và trong Nghị quyết BCH ĐCSLX về các tạp chí Leningrad và Những ngôi sao. Thì ra người ta vẫn chưa quên bà từng là vợ của Gumiliev, chưa quên bà là người bạn lớn của Mandelstam, của Blok và Svetaeva, hành động tự xin ra khỏi Hội nhà văn để phản đối phong trào đàn áp trí thức năm 1929, và nhất là bà không viết thơ theo "đơn đặt hàng". Cho dù bà có những đóng góp lớn như thế nào cho nền thơ viết về chiến tranh Vệ Quốc, thì những trữ tình thấm đẫm tình cảm riêng tư, những môtip tôn giáo trong thơ bà vẫn là cái cớ để người ta ghép tội. Bà bị khai trừ khỏi Hội nhà văn Liên Xô. Một lần nữa Akhmatova lại phải im lặng. Tuy nhiên, sau chiến tranh thơ của bà đã sống trong tâm hồn nhiều thế hệ bạn đọc Nga, uy tín cá nhân cùng tài năng của bà không một thế lực nào có thể bôi nhọ, xóa nhoà.
    Nhờ có sự trợ giúp của bạn bè và độc giả bà đã không bị chết vì đói rét và cô đơn. Thời gian này Akhmatova tuyển các bài thơ sáng tác trước đây và những bài thơ mới vào các tập mà không có một hi vọng nào chúng sẽ ra mắt bạn đọc (Những dòng tứ tuyệt, Giấc mơ, Mơ là thật hay không là thật, Cứ để cho ai đấy nghỉ thêm ở phương Nam, Anh đòi thơ em ngay lập tức, Kìa mùa thu, mùa trái quả...). Trong sáng tác giai đoạn này xúc cảm trữ tình thường được thể hiện bằng hình thức cô đọng của những bài thơ ngắn, chứa đựng ý nghĩa sâu xa. Thơ mang sức chứa đạo đức tối đa, những châm ngôn triết lý, nhưng không biến thành những tuyên bố cứng nhắc, mà vẫn giữ được những tình cảm sống động, tuy rất chừng mực.
    Trường ca không nhân vật (1940-1962) trở thành tác phẩm chính của Akhmatova, được bắt đầu bằng sự xác định mốc thời gian và thời đại - thời đại giao thời giữa hai thế kỷ đầy mâu thuẫn và nghịch lý, thời đại của những biến thiên lớn lao trong mọi lĩnh vực, thời đại của chém giết và đói nghèo, song cũng lại là thời đại của một nền văn học, nghệ thuật tuyệt vời được mệnh danh là thế kỷ Bạc:
    Vòm cuốn Emita sẫm dần
    Vườn Mùa hè chỉ còn tiếng hát
    Con quay gió, và mâm trăng dát bạc
    Đông lạnh dần trên thế kỷ bạch kim.
    Mặc dù công khai tuyên bố từ chối nhân vật trong tác phẩm của mình, trong suốt tập trường ca là số phận của tác giả - một người trải qua các thời kỳ biến động khủng khiếp của nước Nga - từ giai đoạn trước cách mạng tới thế chiến lần thứ hai. Các lớp thời gian - quá khứ, hiện tại và tương lai - đan cài, xen kẽ, cả một kỷ nguyên được phản chiếu trong tấm gương tâm hồn. Lương tâm được lựa chọn làm tiêu chuẩn phản ánh số phận của mọi người và số phận cá nhân. Nhân vật trữ tình dường như gánh mọi tội lỗi của thế gian, và sự sẵn sàng hy sinh lập chiến công xuyên suốt từng trang Trường ca không nhân vật bằng ánh sáng của trí tuệ và lòng nhân hậu.
    Nhân vật trữ tình Akhmatova cảm nhận số phận cá nhân như số phận của dân tộc, chính vì thế Trường ca không nhân vật trở thành giọng nói trong sạch, nhẫn nhịn và đầy lương tâm trách nhiệm của thời đại.
    *
    Có lẽ không một người Nga nào lại không thuộc thơ Akhmatova. Thơ bà được phổ nhạc khá nhiều, chính vì thế sức lan truyền của nó thật lớn. Bà là nhà thơ viết về nhiều đề tài, song dù có viết về đề tài gì thì tình yêu luôn là những đốm sáng lấp lánh trong từng câu thơ của bà. Và người Nga đã tôn vinh Akhmatova là "bà chúa thơ tình" của thế kỷ XX.
    Chúng tôi xin dừng lại phân những đặc điểm thi pháp của Akhmatova thể hiện ở mảng thơ quan trọng này, cố lý giải vì sao người ta lại yêu thích thơ tình của bà tới vậy.
    Chuyên san Thơ (Việt Nam) số 5 tháng 11/2003 đăng bài Akhmatova kể về Blok, trong đó có đoạn hai nhà thơ tình cờ gặp nhau trong một buổi dạ hội. Trước lúc Akhmatova lên phát biểu và đọc thơ, Blok đã khuyên bà đọc bài "Chúng ta là lũ anh hùng rơm". Akhmatova từ chối với lý do trong bài thơ có những chi tiết quá "văn xuôi", "đời thường". Bà nói với Blok: "đọc đến câu "Tôi mặc váy bó", người ta cười chết". Blok "trấn an" bà, trả lời: "Khi tôi đọc câu "Và kẻ nát rượu với đôi mắt cá chày" người ta cũng cười tôi đấy thôi"...
    Chi tiết này cho thấy sự "bổ sung" lẫn nhau giữa hai đại diện của hai trường phái thơ lớn mà chúng tôi đã nói tới ở phần trên. Và người đọc cũng dễ bỏ qua chi tiết này nếu không biết xuất xứ của bài thơ, tên gọi chính xác, cũng như không được đọc toàn bộ bài thơ đó. Đây là một trong những bài thơ của Akhmatova được nhiều người đương thời rất thích, bản thân Blok, như chúng ta thấy, cũng thuộc lòng nó. Bài thơ thể hiện nét độc đáo trong phong cách thơ Akhmatova nói chung và thơ tình của bà nói riêng, đó là sự hoà hợp tuyệt diệu những yếu tố dường như không thể kết hợp được trong thơ: tính trữ tình xen lẫn tính sử thi, chất thơ được chiết từ những chi tiết, tình huống cụ thể của đời thường, những tính cách tâm lý tinh tế, sâu sắc, sự biến đổi kỳ ảo từ nhân vật kể chuyện sang nhân vật trữ tình và ngược lại... Đây là một trong nhiều bài thơ của Akhmatova giống như cảnh kịch, trong đó, trên nền sự kiện chung, diễn ra tình huống kịch, hành động kịch, những đối thoại ngầm giữa các nhân vật xen lẫn độc thoại nội tâm của người kể chuyện hay nhân vật trữ tình.
    Chúng ta hãy đọc và thử phân tích bài thơ có đầu đề rất ngộ: Quán chó hoang, mà Blok nói tới.
    Tất cả chúng ta - lũ say mèm, phóng đãng
    Tụ tập nơi này nào vui thú gì đâu!
    Trên tường kia hoa và chim lử lả
    Dưới đám mây phiêu lãng nát nhàu.
    Anh ngậm chiếc tẩu đen lặng thinh
    Trên tẩu thuốc khói vẽ hình kỳ quặc.
    Chiếc váy bó sát người em mặc
    Muốn tôn thêm vẻ kiều diễm thân hình.
    Ô cửa sổ từ lâu rồi khép chặt:
    Ở đằng kia giông bão, giá băng?
    Cặp mắt anh - mắt chú mèo hoang
    Rất cẩn trọng, so đo và tính toán
    Ôi, trái tim em sao buồn tới vậy
    Phải chăng giờ chết đã tới gần?
    Còn cô gái say sưa trong điệu nhảy
    Có biết rằng địa ngục ở dưới chân?
    Bài thơ này có xuất xứ như sau: Vào những năm 1912-1915 ở Peterburg có một quán rượu tên là "Quán Chó hoang" rất nổi tiếng vì là nơi giao du của giới văn nghệ sỹ. Các họa sỹ thời thượng vẽ tranh trên khắp các bức tường, những bức tranh phong cảnh Nga với những cánh rừng, cây cối, chim chóc và những đám mây theo phong cách hiện đại chủ nghĩa. Các nhà văn, nhà thơ thuộc đủ các trường phái, các nhạc sỹ, ca sỹ đọc và biểu diễn những tác phẩm của mình ở đó. Những buổi "sinh hoạt văn học nghệ thuật" như vậy diễn ra hàng đêm. Có một lần Akhmatova đọc thơ của mình trong quán đó. Sau này bà lấy tên Quán chó hoang làm đầu đề cho bài thơ(9).
    Bốn câu thơ đầu tái hiện toàn bộ không khí nước Nga thập niên đầu thế kỷ XX đang bước vào cuộc thế chiến đẫm máu lần thứ nhất và chuẩn bị cho cuộc cách mạng tháng Mười tiếp sau. Đây cũng là giai đoạn đoạn khủng hoảng của nhiều văn nghệ sỹ, sự cùng đường bế tắc của họ trước những đảo lộn, đổ vỡ khủng khiếp đang diễn ra.
    Văn chương không có cách gì giúp cho nước Nga đang lao vào cơn bão lửa. Trong không khí ngột ngạt, bất lực, vô vọng đó, các văn nghệ sỹ thường tụ tập nhau lại để tự giễu mình là "chó hoang", là "lũ say mèm phóng đãng", là những kẻ sinh nhầm thời đại ( "Thế kỷ hai mươi... vô gia cư hơn cả / Khoảnh khắc cuộc đời còn khủng khiếp hơn xưa". A. Blok).
    Trong bài thơ Akhmatova đã sử dụng những hình tượng, cụm từ, câu và ý đối chọi để mô tả một không gian căng thẳng đầy kịch tính: khung cảnh ồn ào của quán rượu, không khí bị nén chặt của đêm trước thế chiến và sự im lặng của cặp trai gái. Thật ra họ không im lặng mà đang "đối thoại" ngầm với nhau, đúng hơn, chỉ có nhân vật nữ "nói", trách cứ, giãi bày nỗi đau khổ vì tình yêu sắp mất, sự ghen tuông, ngờ vực đang cấu xé, hành hạ nàng. Còn chàng thì im lặng đốt thuốc. Khói thuốc vẽ những hình thù kỳ quặc, khó hiểu, cũng giống như những tâm trạng khó hiểu mà chàng đã thôi không chia sẻ cùng nàng. Người đàn bà cảm nhận được tình yêu nơi người đàn ông đã hết. Để vớt vát tình thế, nàng cố tình "diện" chiếc váy bó sát để tôn thêm vẻ kiều diễm của thân hình, hòng mong chàng vì thế mà quay lại. Một hi vọng mỏng manh. Một chi tiết rất đàn bà! Nhưng mà sao? Người đàn ông đâu có để ý, tâm hồn anh ta, giống như khuôn cửa sổ nhỏ, đã vĩnh viễn khép chặt trước nàng. Thật ra thì anh ta, giống như chú mèo hoang cẩn trọng, đang cố lựa lời "giải thích", tìm cách "ra đi" cho yên ổn - ra đi theo kiểu đàn ông! Nàng thì như kẻ sắp chết. Còn cô gái kia (nhân vật thứ ba) - "đối tượng" mới của chàng Don Joan, đang hoan hỉ, vui vẻ nhảy nhót, đâu có biết anh ta chính là cái địa ngục mà cô ta, giống như người đàn bà đang đau khổ này, sắp sửa rơi vào (lại đối chọi "vui vẻ, nhảy nhót" với "địa ngục).
    Vẫn là nét độc đáo trong thi pháp Akhmatova mà chúng ta đã nói tới: miêu tả tâm lý nhân vật bằng những hành động, cử chỉ bên ngoài, những chi tiết đối nghịch rất đời thường cụ thể, bằng những đối thoại, độc thoại nội tâm. Điều này đã thể hiện ngay từ những bài thơ đầu tiên của bà. Bài ca về cuộc gặp gỡ cuối cùng đã làm độc giả sửng sốt bởi những ngụ ý, liên tưởng, những chi tiết vô cùng nhỏ nhặt lại chứa đầy ý tứ, truyền đạt một cách tinh tế, chính xác diễn biến tâm lý của nhân vật:
    Ngực buốt lạnh vô phương cứu chữa,
    Chân bước đi vẫn cứ nhẹ không.
    Bàn tay em mải miết đeo găng
    Tay bên phải xỏ nhầm găng tay trái
    (Bài ca về cuộc gặp cuối cùng)
    Một chi tiết rất Akhmatova - người đàn bà "xăm xăm băng lối" tới cuộc hẹn, hồi hộp, bối rối tới mức tay xỏ nhầm găng! Còn gì thuyết phục hơn khi miêu tả tâm trạng bấn loạn vì tình như thế! Svetaeva viết rằng chỉ bằng chi tiết: "Tay bên phải xỏ nhầm găng tay trái" Akhmatova, lúc đó còn rất trẻ, đã lột tả được trạng thái tâm lý, tình cảm của người đàn bà đang yêu, sự bấn loạn trữ tình, - toàn bộ kinh nghiệm! - Chỉ bằng một nét chấm phá ấy thôi bà đã lưu danh muôn thủa cái hành động có từ ngàn xưa nơi người phụ nữ, nơi nhà thơ, những con người trong những khoảnh khắc trọng đại của cuộc đời thường quên mất đâu là bên trái, đâu bên phải - không chỉ có găng tay, mà là cả tay, cả thế giới, những con người bỗng nhiên đánh mất mọi tự tin nơi mình.
    Bằng những chi tiết cụ thể, cực kỳ chuẩn xác, một điều gì đó còn lớn lao hơn một tâm trạng đã được khẳng định và tượng trưng hoá, - đó là một tâm hồn chân thực, toàn vẹn. Tình yêu trong thơ Akhmatova không phải chỉ là dục vọng đam mê, là sự gần gũi, mà nhất thiết và trên hết phải là sự thăng hoa của tâm hồn, là sự vươn tới tận thiện, tận mỹ, là mối liên hệ tinh thần giữa hai con người. Khi điều đó không xảy ra nữa thì tình yêu chỉ còn là nỗi bất hạnh đáng nguyền rủa, nó tước mất những suy nghĩ trong sạch, tách con người ra khỏi vũ trụ, nhấn chìm nó trong thế giới u ám của địa ngục:
    Và trái tim ấy thôi đồng vọng
    Với giọng nói em, vui sướng, u buồn
    Hết cả rồi... Thơ về đêm trống,
    Nơi muôn năm anh đã không còn
    (Hồng Thanh Quang dịch)
    Nếu tình yêu trong thơ Svetaeva luôn gắn với hình tượng giông bão, hoả diệm sơn, sóng thần, biển động, thì người đàn bà yêu và được yêu trong thơ Akhmatova cùng lắm cũng chỉ chân thành thỏ thẻ: "Em phát điên, chàng trai lạ lùng ơi...", và trạng thái thăng hoa của tình yêu được diễn tả bằng câu nói giản dị: "Nhìn xem này! trên ngón út của em/ Chiếc nhẫn nhỏ xinh mượt mà óng ả" (những bài thơ trong tập Chuỗi tràng hạt).
    Tình yêu nhẹ nhàng dung dị đó lại là một thứ tình yêu không gì chế ngự nổi: không "nhiệm vụ", không "hoàn cảnh", một thứ tình yêu không chút vị kỷ, tính toán, so đo, một tình yêu giàu có, thảo rộng bởi nó là nhu cầu tự nhiên của tâm hồn, một tâm hồn không thể yêu cách nào khác ngoài tự nguyện và dâng hiến.
  4. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    ĐÀO TUẤN ẢNH​
    Một thế kỷ thơ Anna Akhmatova (IV)​
    Đối với Akhmatova tình yêu - là hiện tượng tự nhiên của tự do tinh thần. Điều đó được tuyên bố ngạo nghễ:
    Vinh quang trần gian như khói sương
    Tôi đâu đòi hỏi cho mình
    Chỉ có hạnh phúc tôi mang lại
    Cho người yêu, cho tất cả những người tình
    Và vang lên như một tín điều:
    Mùa thứ năm trong năm,
    Là lời anh tán tụng
    Hãy thở thứ Tự do cuối cùng
    Bởi đó là tình yêu
    Mỗi nhà thơ tình đều cố gắng đưa ra "tuyên ngôn", "định nghĩa" của mình về tình yêu. Đối với Akhmatova tình yêu - đó là Tự do cuối cùng, tức Tự do tối cao. Khi yêu thực sự con người được ban cho thứ ân sủng đặc biệt đó.
    Tình yêu trong thơ Akhmatova - tình yêu của những đòi hỏi tinh thần cao, là lĩnh vực của tự do tối thượng và là niềm vui sướng, khả năng dâng hiến toàn vẹn của trái tim - tình yêu ấy đồng thời là bi kịch. Bởi nó không được chia xẻ: không phải ai cũng có khả năng bắt kịp tình yêu này, khi "rơi" vào nó, người thì không tiếp nhận nổi - "Đến dịu dàng anh cũng không đòi hỏi", người thì, điều này còn cay đắng hơn, chỉ cần một chút, một vài mảnh vụn - "Chén tình không uống cạn / Chỉ nhấp môi gọi là...".
    Song tình yêu bi kịch trong thơ Akhmatova còn gần và cần đối với con người hơn những thứ tình yêu "thành công", viên mãn thường gặp trong thơ đương thời. Là bởi bi kịch trong thơ Akhmatova tạo ra một nguồn tình cảm vô tận, giấu trong nó khát vọng hướng tới toàn thiện, toàn mỹ. Chất bi kịch này làm tăng vẻ đẹp và sức mạnh tình cảm, khả năng bất diệt của nó - đó là sự vận động. Blok nói: "Từ đau khổ tới vui sướng là con đường thẳng, từ buồn chán tới vui sướng chẳng có con đường nào". Loại thơ tình yêu thành đạt hạn chế tình cảm, làm nó nghèo đi bởi sự tự thoả mãn. Mà thật ra sự thành đạt nói chung không bao giờ có thể là đối tượng của thơ - vì thành đạt luôn đồng nghĩa với bất động, đứng yên. Tình yêu trong thơ Akhmatova không thành đạt, song cũng không phải không hạnh phúc. Chỉ cần một khả năng biết hi sinh vì tình yêu, một tình yêu không cần đền đáp, không tính toán, một tình yêu khó khăn và đau đớn - "đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu" (Xuân Quỳnh) - chỉ cần một khả năng đó của trái tim đủ để có một hạnh phúc thực sự. Và người đọc biết ơn tình yêu đó, thứ tình yêu nuôi dưỡng tình cảm của họ, không trói buộc họ bởi bất cứ công thức nào...
    Anh cấm em hát, cấm em cười
    Còn cầu nguyện từ lâu anh đã cấm
    Gì cũng được, miễn chúng mình bên nhau
    Mọi thứ còn lại nào có đáng gì đâu
    Eikhenbaoum nhận xét rằng Akhmatova - một thi sỹ cảm nhận cuộc sống cá nhân mình như cuộc sống lịch sử, cuộc sống dân tộc. Tình yêu trong thơ bà không bao giờ tách biệt khỏi những những gì diễn ra ở cuộc sống xung quanh, nó hòa quyện tinh tế với những bộ phận khác trong một chỉnh thể hữu cơ. Trong bài Quán chó hoang chỉ qua bốn câu thơ mở đầu mô tả quang cảnh quán rượu người đọc đã cảm nhận đầy đủ không khí của thời đại. Chính vì vậy mà nó thật hoà hợp với tâm trạng, tình huống đầy kịch tính cụ thể, riêng tư ở phía dưới. Chỉ cần một thuật ngữ, một khái niệm nào đó về chính trị, xã hội, tư tưởng, đạo đức lọt vào thì cảnh kịch phía dưới sẽ biến mất, hoặc nếu còn, thì cũng sẽ diễn ra thật gượng gạo, không còn cái logic đặc biệt của nghệ thuật đòi hỏi cảm bằng trái tim, tâm hồn, hơn hiểu bằng đầu óc, lý trí. Trên cái nền như vậy biên độ xúc cảm trong thơ tình Akhmatova rất rộng và cực kỳ phong phú. Đó là thơ tình yêu hiểu theo nghĩa rộng: tình yêu giữa những con người, tình yêu tổ quốc, yêu nghệ thuật, yêu thiên nhiên.
    Thơ tình yêu là một bộ phận "máu thịt" trong toàn bộ sáng tác của Akhmatova. Và giống như một trong những bộ phận làm nên cơ thể sống, nó sẽ chết nếu bị tách lìa khỏi cơ thể ấy. Cũng như vậy, tình yêu trong thi sỹ có tên Akhmatova sẽ không còn, nếu tách nó khỏi tình yêu với nước Nga, thiên nhiên Nga, nhân dân Nga. Tình yêu này đã giúp bà sống trọn một đời thơ dài. Hai bài thơ rung động lòng người được viết ra lúc bà khó sống nhất: Người ta nghĩ chúng mình nghèo lắm.. và Cầu nguyện, trong đó Nước Nga là tình yêu lớn nhất của bà, vì nó bà khước từ mọi lời mời mọc:
    Một giọng nói với tôi. An ủi. Gọi mời
    Giọng ấy bảo: "Hãy tới đây đi bạn!
    Bỏ lại miền quê hoang vu, tội lỗi,
    Bỏ lại Nước Nga vĩnh viễn phía sau,
    Ta sẽ rửa sạch máu trên đôi tay bạn,
    Ta sẽ trục khỏi tim nỗi hổ thẹn nhục nhằn,
    Dùng một cái tên mỹ miều ta sẽ phủ
    Lên thất bại ê chề, lên nỗi hận lòng căm".
    Bàn tay tôi lạnh lùng, bình tĩnh
    Ngăn không cho giọng ấy cất lên
    Ngăn những lời dịu ngọt ấm êm
    Toan lăng nhục một tâm hồn đau khổ
    (Tạ Phương dịch)
    Nước Nga đối với Akhmatova, cũng như Tự do đối với Petopi, vì sự sống còn của nó bà sẵn sàng hiến dâng tất cả, không chỉ những người mình yêu mà còn cả tài thơ của mình nữa:
    Cứ để tôi sống những năm dài đói khổ
    Cứ ngạt thở, mất ngủ, sốt cao
    Cứ việc lấy đi đứa con và tình yêu
    Cùng tài thơ mà trời đã phú
    Trong Thánh lễ tôi khẩn cầu như thế,
    Sau bao ngày khốn khổ đoạ đầy,
    Để mây đen trên nước Nga đau khổ
    Tan đi trong ánh sáng ban ngày
    (Cầu nguyện)
    *
    Cũng như nhiều nhà văn, nhà thơ tài năng khác, Akhmatova sợ người đời sau này sẽ không hiểu cuộc đời mình, không hiểu thơ mình, chính vì vậy sẽ quên lãng nó. Ngay từ năm 1913, dự cảm về số phận vinh quang đầy cay đắng sẽ dành cho mình, bà đã viết những dòng thơ này để minh chứng cho tấm lòng mình, để hậu thế phán xét:
    Và em đứng đây - lạy Chúa lòng lành! -
    Trên lớp phủ băng mỏng manh, dễ vỡ,
    Còn anh, những bức thư của em xin hãy giữ,
    Cho thế hệ mai sau phán xét chúng mình.
    ??........................................................
    Ôi, nước uống trần gian sao ngọt quá,
    Lưới tình trần gian sao dệt quá dày.
    Hãy để cho tên em một khi nào đó
    Lũ trẻ sẽ đọc lên trong sách lúc học bài.
    Và, khi chúng biết về chuyện buồn này,
    Cứ để chúng mỉm cười ranh mãnh...
    Không cho nổi em tình yêu và sự tĩnh tâm,
    Anh hãy tặng em niềm vinh quang cay đắng.
    (Tạ Phương dịch)
    Đúng như dự cảm của nhà thơ, ngày hôm nay trường học đã giảng dạy thơ của bà cho học sinh. Thế hệ thế kỷ XXI, thế hệ của máy tính và quảng cáo, vẫn đọc, hiểu và yêu thơ bà, biết ơn bà - người gìn giữ, truyền lại cho họ những điều tốt đẹp nhất trong văn hoá Nga.
    Biết ơn, vì nhờ những dòng thơ tuyệt vời của bà mà "vũ trụ câm điếc này đã nói được", như nhà thơ Brodski năm 1989 đã viết tặng bà trong bài Một trăm năm Anna Akhmatova:
    Tâm hồn vĩ đại, xin cúi chào qua biển cả
    qua những gì che phủ nó, - Người và phần tan rữa
    ngủ yên trong lòng đất mẹ, nhờ có Người
    mà vũ trụ câm điếc này tìm được lời như quà tặng.
    (Thanh Thảo dịch)



    (1) Annenski Innoketnti Phedorovich (1856-1909) nhà thơ lớn của thế kỷ Bạc. Sáng tác của ông là mắt xích độc đáo nối các nhà thơ thuộc các thế hệ của hai trường phái tượng trưng và Đỉnh cao trong thơ Nga.
    Trong các hồi ký Bắt chước I. Annenski và Người thày, Akhmatova cũng tự nhận mình là học trò của nhà thơ kiệt xuất này.
    (2) Naiman A.G. Những câu chuyện về Akhmatova. M, 1989, tr.33.
    (3) Olga Becgon Thơ viết về chiến tranh của Anna Akhmatova. Tạp chí Ngọn cờ số 10 năm 2001, tr. 75. Bài viết này Becgon viết năm 1946 cho tạp chí Những ngôi sao. Lúc bài viết lên khuôn thì cùng đúng là lúc Báo cáo của Zdanov và Nghị quyết về tạp chí Lenigrad và Những ngôi sao được tuyên bố. Bài viết của Becgon hiển nhiên bị bóc khỏi khuôn và bị thất lạc. Năm 2001 nó đã được tìm lại và đăng tải trên tạp chí Ngọn cờ (ĐTA)
    (4) Thế giới mới, 1969, số 6, tr.241.
    (5) O.Mandelstam nhận xét về ảnh hưởng của văn xuôi Nga đối với thơ Akhmatova // Mandelstam. 0. Tuyển tác phẩm 2 tập. M., 1990. T.2, tr. 26;
    Sekhov và "thế kỷ bạc". M., 1996 (bài của Seikina M A. Sekhov, K. Gamsul và A. Akhmatova. Tr, 127 -133 và Davchian L. A. Motip kịch A.Sekhov và bài thơ "Trăng dừng lại phía bên kia hồ..." của A. Akhmatova. Tr. 133-138
    (6) Anna Akhmatova trong Victo Sklovski. Tính sổ kiểu Hămbuốc. M. 1990, tr. 142
    (7) Nguyên văn "Xin thề trước những đứa trẻ, xin thề trước những nấm mộ" (ĐTA)
    (8) Theo O. Bergolls. Bài viết đã dẫn.
    (9) Theo B.S.Baevski Lịch sử văn học Nga thế kỷ XX, NXB "Những ngôn ngữ văn hóa Nga", M.1999., tr. 85.

  5. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Nhà văn Vũ Bão: "Tôi viết cái bên trong mình" ​
    Nhà văn Vũ Bão sinh ra ở đất Thái Bình, là một trong những người đầu tiên tham gia Hội Nhà văn VN.
    Các tác phẩm đáng nhớ: tiểu thuyết Sắp cưới, tập truyện ngắn Bút bi hết mực, Ông khóc tôi cũng khóc..., đặc biệt tập truyện Người vãi linh hồn của ông đã được in ở Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản...
    Tác phẩm mới là tiểu thuyết tự truyện Rễ bèo chân sóng đang gửi dự thi tiểu thuyết hay ở Hội nhà văn

    "Tôi viết cái bên trong mình chứ không phải hiện thực bên ngoài dội vào, ép vào. Cũng tương tự trò vui thuở bé, chúng tôi hay vào lò kéo mật, buộc cái lạt vào củ khoai, thả nó chìm nghỉm trong sanh mật đang lên khói, hồi lâu mới kéo lên. Củ khoai được chín cùng với vị mật thơm ngon. Tôi mong văn tôi cũng được như thế". Nhà văn Vũ Bảo trò chuyện.
    * Người ta bảo ông hơn người ở chỗ sắc sảo mà không gai góc, ông nghĩ sao?
    - Người đã ở vào hoàn cảnh như tôi còn tỏ ra gai góc với ai. Dù làm lương y hay thày phẫu thuật trong văn chương, thì cũng phải có cái tâm ngay thẳng và khả năng quan sát, phán đoán cho tốt. Đi vào những chuyện đời thường vân vi cũng phải có "duyên", tuỳ theo tạng mỗi người.
    Đời sống vướng bận lo toan sinh tồn, sự thật và lịch sử và con người, văn hoá luôn có nguy cơ bị khuất lấp bởi nhiều thứ, trong đó có sách vở và những quan điểm nhất thời, hay cái đích phù hợp. Bí quyết để mọi người tâm phục khẩu phục, chính là anh có hết lòng với sự thật hay không, có dám dành cả đời cho việc truy tìm cái thật hay chỉ thành thật a dua.
    * Ông thích nhìn thẳng vào những bệnh thành tích hão, nói như rồng leo, chơi trội, bệnh a dua, hão huyền, vậy ông độ lượng vào lúc nào?
    - Tôi độ lượng vào lúc viết để nói lên tất cả những điều ấy.
    * Và các anh lính của ông cứ nhem nhẻm lý sự với cấp trên, người ta bảo đó là cách ông làm giàu thêm cho thoại, ông nghĩ sao?
    - Anh lính trong văn chương không phải người lính thực ngoài đời. Anh lính của tôi đại diện cho cái gì hồn nhiên đáng yêu, biết quên mình vì đồng đội, biết làm cách nào để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chiến đấu, không màng danh lợi gì ngoài việc giữ cho đúng, giữ cho vững bản ngã con người mình, dù chỉ là cái tên cha mẹ đặt hay một lối cảm nghĩ riêng. Anh ta có cái lý của mình.
    * Ông không cốt tả thân phận mà thiên về những mối quan hệ của con người, đi con đường xa hơn, lạ hơn, có khi nào ông định thay đổi lối viết của mình?
    - Lối viết là cái không chọn được. Nó là con đẻ của thiên tư cá tính nhà văn, nhưng lại chịu tác động gay gắt của hoàn cảnh. Tôi chỉ có thể viết như vậy trong điều kiện của tôi, phải đấu tranh và "nuốt trôi" bao gian khó vì quyền được viết.
    Nguồn: Thể thao & Văn hoá
  6. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Ba chàng ngự lâm của văn học Trung Hoa​
    Đó là ba nhà văn hàng đầu của đại lục hiện nay: Lý Nhuệ, Mạc Ngôn và Dư Hoa. Tác phẩm của họ có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Vừa qua, cả ba tác gia này được Bộ trưởng Văn hoá Pháp trao Huân chương kỵ sĩ về văn học và nghệ thuật.
    Dưới đây là những lời nhận xét mà Bộ trưởng Jean-Jacques Aillagon dành cho Lý Nhuệ, Mạc Ngôn và Dư Hoa:
    Theo lệnh của Tổng thống Pháp, tôi rất vinh hạnh được trao phần thưởng này cho các vị.
    Với Mạc Ngôn: Tiểu thuyết dài và ngắn của ngài đã có tiếng vang lớn trong đông đảo bạn đọc ở nước Pháp. Ngôn ngữ trong truyện giàu hình tượng; tình cảm của ngài đối với quê hương là tỉnh Sơn Đông với cách viết phản ánh cuộc sống nông thôn cùng những lời kể giàu tính biểu cảm lịch sử đã khiến cho một số cảnh sống của Trung Hoa trở thành một bức tranh sinh động, hoà quyện giữa bạo lực, cảm thông và hài hước. Ngài rất thích thử nghiệm về cách kể chuyện nhưng tôi cho rằng điều mà bạn đọc hứng thú nhất vẫn là tất cả các nhân vật của ngài được ngài xử lý bằng thủ pháp "biết mười tả một", bất kể họ có là những người xuất thân nông dân như ngài, hay là những viên chức, công chức mà ngài thông thuộc.
    Với Lý Nhuệ: Sáng tác của Lý Nhuệ, bất kể truyện dài, truyện ngắn hay tản văn đều không ngừng theo đuổi sự đổi mới về mạch suy nghĩ hay bút pháp. Ngài đã dùng phương thức rất tỉ mỉ để miêu tả cuộc sống ở nông thôn cao nguyên Hoàng Thổ. Bút pháp của ngài giàu tính âm nhạc. Ngài đã phản ánh toàn diện bộ mặt của nông thôn Trung Hoa. Ngoài việc để cho nhân vật phát ngôn, ngài còn để cho cả loài vật cũng có tiếng nói, cũng đối thoại, như truyện đồng thoại của Andersen, hay ngụ ngôn của Lafontaine.
    Với Dư Hoa: Truyện ngắn hay truyện dài của ngài Dư Hoa đã đi sâu tìm tòi một thế giới đầy rẫy căng thẳng và bạo lực. Trong lời văn trình bày có sức mạnh của ngài, hiện thực và ảo tưởng, ly kỳ và tầm thường đồng thời nhào trộn lại với nhau. Thủ pháp trần thuật giàu tính kịch của ngài đã bộc lộ ra những chi tiết, tình tiết không khác gì những tác phẩm âm nhạc. Phương thức sáng tác độc nhất vô nhị đó của ngài đã khiến bạn đọc cảm nhận được cái thế giới mà nhân tính đã bị thử thách đến cùng cực; rồi sau đó lại trở về với những lo lắng và niềm vui của thời thơ ấu.
    Nguồn: Lao động, vnexpress
  7. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    150 năm ngày sinh Rimbaud (20/10/1954 - 20/10/2004)​
    Tôi nhớ Rimbaud...​
    Jean Nicolas Arthur Rimbaud sinh ngày 20/10/1854 ở Charleville, một tỉnh lỵ trên vùng cao nguyên Ardennes thuộc miền Đông-Bắc nước Pháp, gần biên giới Pháp-Bỉ. Cha ông, Frédéric Rimbaud, là một viên đại úy bộ binh, cao lớn đẹp người, tính tình phóng khoáng, thích văn chương, hay mơ mộng, nhưng ít khi có mặt trong gia đình. Năm 1864, khi Rimbaud lên mười, cha ông nghỉ hưu. Một hôm, bất ngờ, cha ông bỏ nhà đi biệt tăm. Bà mẹ Rimbaud là con gái một cựu phú nông đã nhập giới trung lưu thành thị. Dáng người cao gầy, sau ngày chồng ra đi, bà chỉ mặc toàn đồ đen. Bà kiêu hãnh, ít nói, độc đoán, nhưng cũng đầy tình mẫu tử. Bà tôn trọng lễ giáo, trật tự gia đình và trật tự xã hội. Nói vắn tắt, bà là một phụ nữ bình thường. Và phi thường. Như một bà mẹ khác, bà mẹ của Marguerite Duras. Vitalie Cuif, bà mẹ của Rimbaud, có thể là ?obà hoàng hậu? và ?omụ phù thủy? trong thơ Rimbaud.
    Rimbaud có một người anh cả, Fréderic, và hai cô em gái, Vitalie và Isabelle. Rimbaud vốn rất thông minh, nhưng cuộc đời tỉnh lỵ buồn tẻ, cộng thêm không khí gia đình ngột ngạt, khiến ông càng ngày càng khao khát tự do, nuôi mầm phản kháng và phiêu bạt giang hồ từ thời bé. Tuy thế, trong những năm tháng đầu đời, Rimbaud vẫn chăm học, dù những lúc tức bực cũng có lấy phấn viết ?omerde à Dieu? (Thượng đế là cục ***) trên vỉa hè đối diện cổng nhà thờ cho hả dạ. Năm lên 15, Rimbaud đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ tiếng Latinh. Năm lên 16 cậu Rimbaud đã hai lần bỏ nhà đi trốn.
    Thoạt tiên, Rimbaud bắt chước các thi sĩ đương thời làm thơ cổ điển, mong được nhóm Thi sơn (Montparnasse contemporain) của Lecomte de Lisle, Théodore de Banville in thơ mình trong tuyển tập của họ. Le bateau ivre (Con tàu say) và Voyelles (Phụ âm) là hai bài thơ danh tiếng nhất của Rimbaud làm theo thể thơ cổ điển có vần. Trong bài thơ đầu, Rimbaud tự ví mình với một con tàu không còn trói buộc, không người điều khiển, đã thoát khỏi dòng sông nhỏ hẹp, bồng bênh trên đại dương giông bão, say mê ngắm nhìn tinh tú, sinh vật, những chân trời mới lạ. Bài thơ này đặt Rimbaud vào hàng ngũ các nhà thơ thuộc thi phái Tượng trưng. Rimbaud đưa bài thơ này cho Verlaine đọc khi được Verlaine mời xuống Paris ở chơi với gia đình ông vài hôm. Voyelles là một bài sonnet gồm mười bốn câu chia làm bốn khổ, hai khổ đầu bốn câu, hai khổ sau ba câu, mỗi câu mười hai âm tiết, một thể thơ rất thịnh hành ở thế kỷ 16, đã được Joachim du Bellay (1522-1560) và Pierre de Ronsard (1524-1585) sử dụng rất tài tình. Song bài Phụ âm của Rimbaud, tuy sử dụng thể thơ cổ điển nhưng lại rất độc đáo, vì có những ẩn dụ mới mẻ, và bắt đầu bằng một câu thơ không giống ai rất ngộ nghĩnh, khiến người đọc phải giật mình: A đen, E trắng, I đỏ, U xanh, O lam: phụ âm.
    Une Saison en Enfer (Một mùa ở địa ngục) và Illuminations, hai tập thơ chính của Rimbaud làm theo thể thơ-văn xuôi không vần, khởi xướng bởi hai nhà thơ đàn anh Aloysius Bertrand (Gaspard de la nuit / Gaspard của đêm tối) và Charles Baudelaire (Petits poèmes en prose / Những bài thơ-văn xuôi nho nhỏ), đã mở đường cho thi ca hiện đại, nhất là cho trường thơ Siêu thực.
    Illuminations gồm tất thảy 42 bài thơ. Bốn mươi bài làm theo thể thơ-văn xuôi, và hai bài (Marine và Mouvement), với các câu thơ vắt dòng không đồng đều nhau, và không vần, có thể là tổ phụ của thơ tự do. Cho đến nay người ta vẫn chưa rõ các bài thơ trong thi tập này được sáng tạo trong thời kỳ nào, trước hay sau, hay đồng thời với Một mùa ở địa ngục. Có khi thật dài (Enfance, Vies, Jeunesse), có khi chỉ là vài câu ngắn (Antique, Départ, Fêtes d"Hiver), các bài thơ trong thi tập này vừa trong sáng vừa bí hiểm (nếu nói vậy mà không phạm nghịch lý), khi thảng thốt lúc trữ tình, đầy những hình ảnh mê cuồng, những cảnh trí mộng mị với những lời tiên tri.
    Tập Một mùa ở địa ngục, viết năm 19 tuổi, gồm nhiều bài thơ-văn xuôi xen lẫn sáu khổ thơ có vần. Giọng thơ nóng sốt, hổn hển, của thi tập này đánh dấu sự bùng nổ của cơn khủng hoảng đã âm ỉ trong tâm hồn người thiếu niên thi sĩ đã từ hơn mấy tháng rồi. Khác với các bài thơ có thể coi là rời rạc trong Illuminations, các bài thơ trong Một mùa ở địa ngục đều có liên hệ mật thiết với nhau, hợp thành một tuyên ngôn, hay một di chúc - nếu ta muốn diễn dịch như vậy - quy tụ những suy gẫm của nhà thơ về bản thân, thi ca, tôn giáo, triết học, v.v... Chúng cũng phản ánh quãng đời nghệ sĩ lang thang và cuộc tình Rimbaud-Verlaine ngắn ngủi và sóng gió; một cuộc tình say đắm, cấm kỵ, giữa một gã con trai 17, tóc dài chấm vai, quỷ quái, tài hoa (người chồng ở địa ngục / époux infernal) và một nhà thơ lớn tuổi hơn, đã thành danh, có gia đình và địa vị xã hội (đồng nữ điên dại / vierge folle). Trong cuộc tình đồng giới này, Rimbaud đóng vai ?ongười chồng?, Verlaine lãnh vai ?othụ động?.
    Rimbaud có sang London với Verlaine. Và, hoặc một mình, hoặc cùng bạn bè, đã tới Vienna, Hamburg, Stuttgart, đến các nước Xcốtlen, Ý, Bỉ, Đức, nhiều khi phải đi bộ vì không có tiền. Năm Rimbaud 19 tuổi, ngày 10/7/1873, ở Bruxelles, Verlaine trong một cơn say và gây gổ, đã bắn Rimbaud một, hay hai phát súng lục. Rimbaud chỉ bị thương nhẹ nơi cườm tay. Tuy vậy Verlaine phải lãnh hai năm tù vì tội cố ý đả thương. Nhưng thật ra, Verlaine bị tù rất có thể là vì xã hội nề nếp lúc bấy giờ muốn trừng phạt một nhà thơ phóng túng.

    Rimbaud buồn rầu trở lại gia đình lúc đó đã dọn về Roche, cũng trong vùng rừng núi Ardennes. Trong tình thế cô đơn tuyệt vọng, Rimbaud hoàn tất bản thảo tập Một mùa ở địa ngục mà lúc đầu ông định gọi là Livre paien (Sách ngoại đạo) hay Livre nègre (Sách mọi), và gửi cho một nhà in ở Bruxelles. Vì không đủ tiền trả phí tổn nên nhà chủ chỉ trao cho Rimbaud vài ấn bản và cất giữ phần còn lại. Và có thể đây đã là đầu giây mối nhợ của cái giả thuyết (qua lời đồn đại của một số bạn hữu và thân nhân) cho rằng Rimbaud đã từ bỏ tham vọng ?olàm mới thơ ca? và ước nguyện ?obiến đổi cuộc đời?; đã hoàn toàn phủ nhận hành động làm thơ, và đã tự sỉ vả (?oôi đứa quê mùa!?); và trong một ngày của mùa thu năm 1873, đã tự tay đốt hết các tác phẩm của mình. Mãi cho đến năm 1901, nghĩa là 10 năm sau khi Rimbaud đã ra người thiên cổ, người ta mới tình cờ phát hiện các tập thơ đã in xong và bỏ quên dưới căn hầm nhà in. Tất nhiên sự phát hiện này đã đánh đổ nhiều định kiến sai bậy trong việc đọc thơ Rimbaud trước đấy.

    Cũng theo truyền thuyết - phần lớn dựa vào bài Giã biệt trong Một mùa ở địa ngục - Rimbaud chỉ làm thơ trong một thời gian rất ngắn (tối đa là 5 năm kể từ năm lên 15) rồi ông từ bỏ hẳn. Năm 1876 Rimbaud xin đăng lính thuộc địa cho Hà Lan, nhưng lúc đến Batavia (tên cũ của Djakarta) ông trốn về châu Âu sau ba tuần lễ. Từ đầu thu 1877 đến cuối hè 1880 là những chuyến đi tới lui liên tục (vì nhuốm bệnh thình lình) giữa các nơi như Aden, Chypre, Ai Cập và Charleville hay Roche. Tháng 12/1880, đã ngoài 26, Rimbaud lần đầu tiên đến Harrar (Abyssinie) để thám hiểm, rồi ở lại đây lập nghiệp, mở tiệm buôn súng đạn, cà phê, da thú, nô lệ, mong chóng làm giàu. Năm 1891, một vết thương nhẹ nơi đầu gối bị nhiễm độc. Vết thương gây nhức nhối và không xê dịch được, Rimbaud phải nằm băng ca đáp tàu hồi hương. Tháng năm, 1891, tàu đỗ bến Marseilles. Rimbaud lập tức được đưa vào nhà thương để cưa chân. Tháng bảy Rimbaud bình phục, trở về Roche thăm cô em gái Isabelle. Nhưng chỉ vài hôm sau sức khỏe lại giảm sút. Rimbaud và Isabelle vội vã trở xuống Marseilles. Rimbaud lại phải vào bệnh viện.

    Ngày 10/11/1891, chỉ vài tuần sau buổi lễ sinh nhật 37 tuổi, Rimbaud qua đời, trong lúc thơ ông bắt đầu được công chúng biết đến, và cái tên Rimbaud đang dần dần trở thành một huyền thoại. Để rồi, vào đầu thế kỷ 20, một nhà thơ lãng mạn Việt Nam, trong cái không khí tưng bừng nhộn nhịp, sáng tạo và khai sinh Thơ Mới ở Hà Nội, đã cảm hứng đặt bút viết:
    Tôi nhớ Rimbaud và Verlaine
    Hai chàng thi sĩ choáng hơi men...
    Nguyễn Đăng Thường
    Nguồn: eVăn
  8. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Phỏng vấn nhà văn Trần Vũ (trích)​


    Lê Quỳnh Mai (LQM): Một thập niên trước, khi truyện ngắn Mùa Mưa Gai Sắc(1) xuất hiện trên tạp chí Hợp Lưu đã gây ra cuộc bàn cãi sôi nổi trong văn giới. Rồi sau đó, các tác giả Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Mạnh Trinh, Phan Huy Ðường, Thụy Khuê, Nguyễn Xuân Hoàng, Trương Vũ, Nguyễn Văn Trung, v.v.. đã bàn luận về tập truyện Cái Chết Sau Quá Khứ giống như Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Ngọc Bích, Hoàng Khởi Phong, Bùi Bảo Trúc trước đây đã viết về Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu. Nhìn chung, có nhiều so sánh giữa Mùa Mưa Gai Sắc với trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác. Suy nghĩ cá nhân của ông về vấn đề này?

    Trần Vũ (TV): Trước nhất, tôi nghĩ không thể so sánh một truyện ngắn giới hạn trong một hình ảnh âm bản, một khúc đời thái lát, đôi ba nhân vật phẩu thuật, như trường hợp Mùa Mưa Gai Sắc với một trường thiên tiểu thuyết công phu, trên ngàn trang giấy, trải dài từ chiếc nôi của biến động Bình Ðịnh ra Bắc Hà, trở ngược xuống Bến Ván, rồi vào Gia Ðịnh với cả trăm nhân vật, với tham vọng ghi lại toàn bộ thăng trầm đất nước ở vào thời kỳ lên sởi ?oda beo?, với những vùng ?otạm chiếm? hoặc đã ?ogiải phóng? như trong Sông Côn Mùa Lũ. Truyện ngắn Mùa Mưa Gai Sắc không có tham vọng đó và thể loại truyện ngắn không cho phép tham vọng ấy.
    Với Sông Côn Mùa Lũ, Nguyễn Mộng Giác đi tìm bình dị con người trong vĩ nhân. Với Mùa Mưa Gai Sắc tôi đi tìm dã thú trong con người. Hai mục đích khác nhau. Mặt khác, tôi không viết truyện lịch sử.

    LQM: Ông chưa trả lời toàn vẹn câu hỏi. Vì sao có sự so sánh giữa hai nhân vật Ngọc Hân-Nguyễn Huệ của Mùa Mưa Gai Sắc và trong Sông Côn Mùa Lũ? Tiện đây xin hỏi thêm mối tương quan giữa Trần Vũ và Nguyễn Mộng Giác, mà dường như đã khơi nguồn cho truyện ngắn gây nhiều bất mãn này?

    TV: Chuyện rất dài... So sánh của giới phê bình và điểm sách mà tôi được đọc trên các nhật trình và tạp chí Việt ngữ, chủ yếu tập trung quanh hình ảnh dã man của Nguyễn Huệ, cũng như mối thâm thù toan tính ám sát Huệ của Lê Ngọc Hân trong Mùa Mưa Gai Sắc. Ðây là trái biệt chính. Huệ trong Sông Côn Mùa Lũ rất hiền hoà, trong sáng, Hân thắm thiết, đằm thắm, ngoan ngoãn... nhưng có lẽ, nên bắt đầu từ mối tương quan vô hình giữa tôi và nhà văn Nguyễn Mộng Giác.
    Tất cả đã bắt đầu rất sớm, cách đây hai thập niên. Lúc đó và cho đến bây giờ, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã luôn là một nhà văn đàn anh, người đã đem đến cho tôi vô vàn say mê với tập truyện Ngựa Nản Chân Bon. Chính năm 84, khi tôi chưa viết truyện, Nguyễn Mộng Giác với tập 1 Những Ðợt Sóng Ngầm của trường thiên Mùa Biển Ðộng đã lôi tôi vào thế giới văn chương mà tôi vừa biết đến ở Sàigòn trước 75, rồi đứt khúc.
    Có thể xem, một trong những yếu tố khiến tôi bước chân vào văn xuôi là do hấp lực của Mùa Biển Ðộng. Tôi đã ?omê? nhân vật Diễm rất nhiều, mê những giọt mồ hôi ẩm trên ngấn cổ cô Diễm những trưa nắng mang thau nước rửa mặt cho Ngữ bên xưởng vẽ của Ngô. Mê cách trao thân hết mình của Diễm dưới chân cầu Gia Hội cho Ngữ. Mê cách sống không hối tiếc và quyết tâm làm giàu sau khi gạch bỏ tình yêu của Diễm. Nguyễn Mộng Giác rất thành công trong mô tả phụ nữ miền Nam trước 75. Như Nam, thiếu nữ dấn thân và thần thánh Tường, giáo sư triết của trường Quốc Học, thần thánh trong đời sống, trong tình yêu, trong cả nhẫn nhục chịu đựng. Nguyễn Mộng Giác phân tích tài tình đời sống, từng trạng huống tâm lý, đi từ lãng mạn tột độ, băn khoăn cùng cực, vui sướng hết mức đến hốt hoảng, đăm chiêu, tuyệt vọng rồi liều lĩnh. Nhân vật Tường, cũng đầy sôi động. Trước khi nhảy núi, Tường trở về nhà mắng cha, ông Thanh Tuyến, đã lái xe Toyota bằng máu của nhân dân lao động...
    Ðã hai thập niên trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ như in không khí của gia đình ông Thanh Tuyến, rõ ràng là không khí của gia đình tôi, từ nếp sống, cách sinh hoạt, nếp suy nghĩ, phản xạ trước chánh quyền, trước đám đông, thói quen xã hội... Gia đình tôi, một gia đình Bắc di cư, mà không hề khác gia đình ông Thanh Tuyến bố của Tường, một gia đình Huế. Ðiều đó cho thấy Nguyễn Mộng Giác đã tái tạo được đơn vị gia đình Việt Nam trong tiểu thuyết của ông.
    Ðã hai thập niên mà ở hải ngoại chưa có cuốn tiểu thuyết nào làm tôi say mê nhiều hơn vậy. Ði làm ôm theo, ngồi trong xe lửa đọc miên man, vào công ty gấp sách lại chỉ mong chóng mau đến giờ hết việc, xuống xe điện, mở tập 2 Bảo Nổi, các nhân vật lại sống trở lại, cười nói, yêu khóc giận hờn, từng màu áo, sắc son môi, khoé mắt, tưng bừng trên trang giấy, làm như mình chưa hề rời xa họ một giây phút nào, đã thân thiết với họ tột bực, đã sống chung, chia sẻ tận cùng đời sống thầm kín của từng người. Tuyệt diệu là tất cả đã xảy ra, diễn ra, sinh sống trên cái nền lịch sử tan vỡ của miền Nam trước 75, khởi đi từ thao thức sinh viên, tranh đấu miền Trung, Phật giáo xuống đường... Nguyễn Mộng Giác ghi lại được hết tất cả những chuyện ấy, nhỏ nhặt từ trong nhà ra đến ngoài chợ, từ trong trường học ra tới đồn Mang Cá. Các đoạn đánh nhau ngoài Huế, ********* núp dưới chân Chúa khiến Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ càu nhàu vừa bi hài vừa chết chóc như trong Full Metal Jacket của Stanley Kubrich (quay sau mấy năm). Sau Tình Ca Trong Lửa Ðỏ, Giải Khăn Sô Cho Huế Ðổ Nát của Nhã Ca, bút ký chiến trường của Phan Nhật Nam và ký Quảng Trị của Dương Nghiễm Mậu, tôi thật sự khám phá chiến tranh, biến động xã hội và miền Trung qua Nguyễn Mộng Giác. Tiểu thuyết ngoài nước bây giờ chai sạn vì không còn những Mùa Biển Ðộng nữa. Và cũng không chỉ ngoài nước, cả trong nước, chưa có cuốn tiểu thuyết nào mang kích thước, chiều kích sánh bằng. Cùng thể loại, Vỡ Bờ của Nguyễn Ðình Thi, Ðống Rác Cũ của Nguyễn Công Hoan là những trường thiên đọc chán vô cùng.
    Trả lời dài ...trường thiên như vậy, để cô hiểu nỗi say mê tiểu thuyết Nguyễn Mộng Giác của tôi, đã bắt đầu từ buổi sáng xám trắng, ảm đạm, một nhóm thuyền nhân vô tình phát giác có kẻ thắt cổ chết trong căn lều bên cạnh, rồi im lặng thao thức cho số phận con người trên cái nền trầm trầm của kinh thánh. Những trang Ngựa Nản Chân Bon đó, Nguyễn Mộng Giác đã viết ngày ông vừa đặt chân lên trại tỵ nạn Galand-Nam Dương. Ðó là năm 82. Tôi cũng vừa rời Phi Luật Tân, vừa chứng kiến cảnh thuyền nhân tự tử trong trại đảo Puerto Princesa City vì bị ...từ chối đi Mỹ, vừa đặt chân đến Âu châu. Tôi đã gặp Nguyễn Mộng Giác khi ấy.
    Khi ấy, giai đoạn 82-84, văn học hải ngoại đang thành hình và Nguyễn Mộng Giác là một trong những tác giả chính. Khi ấy, Nguyễn Mộng Giác đáp ứng tâm tình của độc giả vì ông đã thể hiện tâm tình thật của chính ông, một cá nhân chìm trong loạn lạc nội chiến của đất nước.
    Nhưng 7 năm sau, đến Sông Côn Mùa Lũ thì tôi thất vọng. Cuốn trường thiên này thiếu sôi nổi, thiếu ?osức mạnh? túm bắt, xô, đẩy, đạp người đọc vào trong tiểu thuyết rồi giặt dũ cho đến tả tơi, rã rời mê đắm. Sông Côn Mùa Lũ không có chất mê hoặc của những tác phẩm quỷ quái như Anh Em Nhà Karamazov. Ðộc giả không bắt được nhân vật, quá trơn tru, thiếu sần sùi, ít góc cạnh. Nói cách thô lậu là người đọc không ăn nằm được với nhân vật. Lý do, theo tôi nghĩ, vì nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã viết trường thiên này thời gian ở Việt Nam sau 75. Thiếu tự do sáng tác, lo lắng trước các chính sách văn hóa của nhà nước, khiến ông đã không thể đẩy nhân vật đến cùng, mà phải chọn vị thế trung dung, an toàn, do đó tất cả nhân vật đều chung chung ...?oít vấn đề?.
    Lúc đó, khoảng 1991, mua mấy tập Sông Côn Mùa Lũ khá mắc, tôi bực mình với Nguyễn Huệ của Nguyễn Mộng Giác ở An Thái vô cùng. Có mỗi bàn tay nhỏ nhắn xinh xắn của An mà cũng không dám nắm. Ðọc mấy trăm trang sách không biết đến chừng nào An-Huệ mới cầm tay, hôn môi. Nhát cáy như vậy làm sao Huệ đánh Ðông dẹp Bắc, 4 lần vào Gia Ðịnh, 3 lần ra Bắc Hà, thảm sát Minh Hương, diệt quân Xiêm ở Rạch Gầm, giết thuộc hạ Nguyễn Hữu Chỉnh-Vũ Văn Nhậm, chưởi mắng dứt bỏ tình huyết thống đạo lý luân thường để đảo chánh anh ruột Nguyễn Nhạc, về sau còn đục thuyền cho thân nhân gia đình Ngọc Hân chết chìm...
    Quang Trung hoàng đế, con người đó, lạ thay, dưới ngòi bút Nguyễn Mộng Giác vô cùng lành với chư tướng, do dự và nhút nhát trước phái yếu.
    Với tôi, ấn tượng đầu tiên sau khi đọc Sông Côn Mùa Lũ là Nguyễn Mộng Giác khắc hoạ nhân vật Huệ không thành công. Người đọc không bắt được thần thái uy lực của Huệ, một trong những yếu tố chính, vì thiếu uy lực đó sẽ không có Huệ. Nguyễn Huệ trong Sông Côn Mùa Lũ là bản sao của Ngữ, một... trung sĩ địa phương quân trước khi đi học khoá sĩ quan trừ bị Thủ Ðức trong Mùa Biển Ðộng. Các nhân vật khác trong Sông Côn Mùa Lũ cũng đều là bản sao của Mùa Biển Ðộng, mặc dù họ ?osinh? ra trước Mùa Biển Ðộng.
    Ngay khi gấp sách, tôi quyết định viết một truyện ngắn phác hoạ lại Nguyễn Huệ, đúng theo suy nghĩ của mình. Hoàng đế Quang Trung trong tâm trí tôi phải mang hình ảnh Thành Cát Tư Hãn, vó ngựa trường chinh, bách chiến bách thắng và có chất ...thổ phỉ!
    Phần khác, tôi không tin Lê Ngọc Hân có thể yêu Nguyễn Huệ ngay phút đầu tiên, dễ dàng và say đắm. Khác biệt giai cấp, văn hoá, tâm lý quá lớn. Chưa nói đến thù cha, thù nhà, nợ nước, khiến Ngọc Hân khó mà... vô tư. Sau 75, các tiểu thư Sàigòn trong một thời gian dài đã không vô tư, trừ phi làm Vương Thúy Kiều liều mình chuộc cha đi học tập, đa số đã từ chối các ?oanh hùng quân đội nhân dân?. Tôi muốn thể hiện lại điều đó, sự chối từ áo vải cờ đào của những thiếu nữ kinh kỳ sinh sống nơi kinh đô bị chiếm đóng.
    Mùa Mưa Gai Sắc ra đời trong suy nghĩ đó, với ước muốn tân tạo hình ảnh Nguyễn Huệ trong đầu mình, như mình muốn, trong tự do tuyệt đối.
    Tất nhiên không phải hình ảnh truyền thống của môn lịch sử học đường, và sự khác biệt này không hề tàn phá lòng quý trọng của tôi đối với nhà văn Nguyễn Mộng Giác, là một nhà văn đàn anh, người đã giữ lửa, đã làm đầu tàu thúc đẩy văn học hải ngoại trong hai thập niên vừa rồi.
    (còn tiếp)
    Tham khảo:
    Truyện ngắn Ngựa nản chân bon: http://ttvnol.com/vanhoc/131970/trang-39.ttvn
    Tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ: http://ttvnol.com/tacphamvanhoc/404269/trang-1.ttvn
    Truyện ngắn Mùa mưa gai sắc: http://ttvnol.com/tacphamvanhoc/133954/trang-10.ttvn

    Được julian sửa chữa / chuyển vào 06:47 ngày 28/10/2004
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 09:36 ngày 30/10/2004
  9. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    LQM: Theo Trần Vũ, nền tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu? trong thời điểm hôm nay, cuối năm 2003 này? Ông đã tổng kết 12 năm sinh hoạt trên tạp chí Hợp Lưu, chắc cũng có thể ?otổng kết? tiểu thuyết?
    TV:Nền tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu? hôm nay? Ðây là một câu hỏi mênh mông.Tổng kết một ...nền tiểu thuyết chưa thành hình, đòi hỏi cả một bài nghiên cứu, tra cứu tỉ mỉ, trích dẫn tùm lùm, không thể ?otổng kết? trong phạm vi một bài phỏng vấn, nhưng tôi sẽ cố gắng phân tích một vài điểm trên khía cạnh nổi của bề mặt tiểu thuyết.
    Về thống kê, trong suốt năm vừa qua, theo Phạm Thị Hoài mà tạp chí Talawas đặt mua, ngành xuất bản VN quốc nội in ấn 100 đầu tiểu thuyết. Ngành in ấn tại Pháp, chỉ cho riêng đầu tháng 9/2003, xuất bản 691 tiểu thuyết. Nếu không tính 236 tiểu thuyết ngoại quốc phiên dịch sang Pháp ngữ, con số còn lại là một mức chênh lệch quá lớn, giữa một dân tộc có 2000 năm văn hiến với 60 triệu dân và một dân tộc có 4000 năm văn hiến với 80 triệu dân. Nền tiểu thuyết Việt Nam ở đâu? hôm nay? cuối năm 2003? Thống kê trên trả lời cho câu hỏi của cô.

    LQM: Bước ra ngoài thống kê?
    TV: Bước ra ngoài thống kê chỉ có thể đi tìm những lời bào chữa. Không thể so sánh Việt Nam với Pháp, một đế quốc đã có nhiều mươi thế kỷ truyền thống văn xuôi, một đế quốc đã từng có nhiều thời kỳ hoàng kim? Khó là một giải thích duy nhất.
    Vì sao hôm nay thể loại truyện ngắn thịnh hành trong lúc thể loại tiểu thuyết được độc giả ưa chuộng lại vắng bóng? Nhà văn Việt không còn muốn viết dài?
    Các sáng tác hai, ba trang và từng câu mỗi ngày một nhiều. Văn xuôi Việt Nam đang ...teo lại. Trong chiều hướng này, với thể loại truyện Câu đang bành trướng, sẽ phát sinh ...truờng thiên tiểu thuyết cực ngắn gồm nhiều chương, mỗi chương với một câu duy nhất. Tôi không tin lắm vào khả năng của truyện thật ngắn hay cực ngắn, cho dù là thể loại thích hợp với các diễn đàn internet, cho dù truyện thật ngắn nổi tiếng Ðường Tăng trong nước và100 truyện cực ngắn của Trần Tất Ðạt trên Tiền Vệ gần đây rất hay, đây là hai tác giả thành công trong hai thể loại ngắn này.
    Phần thiếu trầm trọng của văn chương Việt hôm nay nằm ở tiểu thuyết, loại tiểu thuyết có nhân vật, ghi lại băn khoăn con người, đột biến xã hội, xáo trộn thời đại, vấn nạn đất nước, diễn tả một cách bình thường hay khác thường? Ðây mới là thể loại thật sự có khả năng chinh phục độc giả Việt, cũng như thế giới.
    Thành công của Bảo Ninh hay Dương Thu Hương khi dịch ra tiếng nước ngoài, trước nhất là thành công của thể loại tiểu thuyết. Ðiều đó không có nghĩa truyện ngắn không bằng tiểu thuyết, không thể so sánh thịt bò với cá lóc. Nhưng độc giả VN và thế giới đã chọn lựa, steak và.. bò nhúng dấm! Thời tiền chiến, chính tiểu thuyết Tự Lực Văn Ðoàn và sau 54, tiểu thuyết dịch và tiểu thuyết trong Nam đã lôi cuốn người đọc tạo ra nhiều tầng lớp độc giả và các thế hệ nhà văn đi sau. Ngày nay, cái gì lôi kéo giới trẻ đi vào văn chương? Phê bình? Thi ca? Truyện Ngắn? Thể loại đầu dành cho giới chuyên môn. Thể loại giữa khép kín trong vòng tròn thi sĩ, và thể loại sau đã chứng minh sản phẩm lạm phát, ít khách tiêu thụ.
    Kỳ quặc, khi chúng ta biết, truyện ngắn là một trong những thể loại khó nhất của văn xuôi, nhưng nhà văn Việt nào cũng có nhiều mươi đầu truyện... Nina Mc Pherson, dịch giả chánh thức của Dương Thu Hương, trong những buổi tối rủ nhau đi uống rượu khuya, thường kể: Các nhà xuất bản Hoa Kỳ đã luôn ngao ngán, ngán ngẩm lắc đầu mỗi khi cô ôm bản dịch truyện ngắn VN đến chào mời. Lần nào cô cũng nhận một câu trả lời: ?oNhà văn Việt Nam có tiểu thuyết không??
    Tại sao trên thế giới truyện ngắn hiếm đi nhưng đến Việt Nam sinh sôi nảy nở kinh dị? Tại sao những bậc thầy truyện ngắn trên thế giới như Borges, Tchékov, Guy de Maupassant... không nhiều và một đời viết văn được dăm truyện ngắn hay đã là nhiều, nhưng ở Việt Nam mỗi nhà văn là một... cỗ máy sản xuất truyện ngắn? và đang gia công sản xuất truyện cực ngắn? Vì đặc thù kinh tế đất nước là một nền sản xuất nhỏ? Tôi chưa rõ lắm. Tôi tự đặt cho mình những câu hỏi. Các câu hỏi mỗi lúc một nhiều thêm lên sau mỗi lần bước chân vào các hiệu sách Việt, tìm mua một cuốn tiểu thuyết, chưa nói xuất sắc, chỉ cần đủ lôi cuốn một tuần lễ, nhưng tìm không ra. Bước chân vào hiệu sách Việt, từ Cali về đến trong nước, từ nhà sách Tú Quỳnh ở Bolsa đến nhà sách Nguyễn Huệ trên đại lộ Nguyễn Huệ Sàigòn là cả một nỗi chán chường.
    Ít tiểu thuyết, càng ít tiểu thuyết hay, trở thành một ác mộng.
    Hôm nay, cuối 2003, dường như giới phê bình trong-ngoài nước và giới sáng tác trong-ngoài nước đều đã công nhận khủng hoảng tiểu thuyết này. Nhưng nguyên nhân của ác mộng ở đâu?
    Tôi không rõ lắm nguồn cơn ác mộng của hội nhà văn Hà Nội hay TP HCM. Với bên này, tôi lờ mờ trông thấy. Tôi không nghĩ nhà văn Việt không còn muốn viết truyện dài, nhưng tiểu thuyết là một thể loại khó, dài mà không lê thê, vẫn chặt chẽ, xuyên suốt, liền lạc, không dễ viết chút nào. Không thể viết tiểu thuyết nếu không đam mê hết mình, trong một thời gian dài liên tục, không thể viết tiểu thuyết chỉ bằng chộp bắt những góc độ, những mảnh đời, bằng khả năng quan sát ...cuối tuần. Cần cái nhìn rộng, xuyên suốt sự vật, con người, xã hội, cần kinh nghiệm, vốn sống, va chạm, chung đụng, ngôn ngữ, và khả năng tổng hợp, phân tích, quản trị nhân vật? chưa kể đến cấu trúc, giọng văn và khí hậu truyện từ trang đầu đến trang cuối phải nhất quán. Ngần ấy thứ, trong đời sống quá tất bật và đơn điệu ở ngoài nước, khiến tiểu thuyết trở thành một cuộc đầu tư, đầy thách đố.
    Tôi không biết có quá hàm hồ hay không khi đặt câu hỏi: Có phải chính vì thiếu tiểu thuyết mà văn học hải ngoại ít độc giả, khiến ngành xuất bản khủng hoảng, do dự mỗi khi in ấn? Nhưng tôi thấy rõ: ngoài nước thiếu một đội ngũ ký giả văn học chuyên nghiệp làm công việc giới thiệu tác phẩm, khiến nhà văn Việt đã luôn phải xuất hiện dưới dạng truyện ngắn trên các tập san văn nghệ để đến với độc giả của họ. Trái lại, ngược hẳn, tiểu thuyết gia ngoại quốc không cần đăng báo, các nhà xuất bản và nhật báo, tạp chí làm công việc giới thiệu, quảng cáo tác phẩm, tiếp cận khách hàng. Ðây là lý do, vì sao, truyện ngắn lấn át tiểu thuyết và tràn lan suốt hai thập niên vừa qua.
    Sự trống vắng tiểu thuyết này đưa đến một hậu quả: Văn học hải ngoại là một chuỗi vụn những thành tựu nhỏ. Những hột soàn tấm, cho dù có thật nhiều, hằng hà sa số (trong thực tế ít hơn vậy), cũng không thể thay thế những viên kim cương không cợn than trên 10 ly. Hiếm có tác giả nào ngoài nước, có 10 truyện ngắn thật xuất sắc trong cùng một tập truyện, để tập truyện đó trở thành một hiện tượng.

    LQM: Với ông, có cách nào thay đổi tình trạng này?
    TV: Tôi nghĩ đã đến lúc nhà văn Việt ngoài nước cần đi tìm tác phẩm công phu. Từ chối xuất hiện trên mặt báo thường xuyên. Chấm dứt bao sân cho các tập san. Ðộc giả Việt sẽ bằng lòng với tiểu luận như độc giả Pháp đã hài lòng với tiểu luận trên các báo Lire, Magazine Littéraire, Esprit,... rất ít đăng trích đoạn tiểu thuyết và gần như không có truyện ngắn.
    Ở thời điểm hôm nay, thêm 5 truyện ngắn hay nữa, không thay đổi văn học VN. Thêm 5 truyện... hay cực ngắn, lại càng không đem đến gì thêm. Ngược lại, với 5 tiểu thuyết xuất sắc, sẽ ghi một dấu mốc, đánh dấu một giai đoạn. Giới sáng tác, một số đã ý thức không thể tiếp tục với truyện ngắn, một thể loại thiếu sức chứa của xe hàng 18 bánh. Tôi chờ đợi rất nhiều ở tiểu thuyết của Thơ Thơ, Mai Ninh, Nam Dao, Lê Thị Thấm Vân, Phan Huy Ðường, Quỳnh Dao, Nguyễn Thị Thanh Bình và truyện vừa Nguyễn Thị Hoàng Bắc đang thành hình. Hy vọng năm 2004 sẽ mở ra một giai đoạn mới: giai đoạn tiểu thuyết ngoài nước. Ðã đến lúc, các chủ biên Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Khánh Trường, Nguyễn Hưng Quốc nên tiếp tay đẩy mạnh tiểu thuyết bằng cách ưu tiên giới thiệu các trích đoạn, hoặc như tổng biên tập Nguyễn Ðình Thi đã đăng nguyên cuốn tiểu thuyết Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài trên tạp chí Tác Phẩm Mới, không hề tiếc trang, khi Thiên Sứ vừa chào đời chưa xuất bản và Phạm Thị Hoài hãy còn là một người viết mới. Ðây là hình thức mà nhà văn Dương Nghiễm Mậu gọi là tiểu thuyết phổ thông và ông đã thực hiện khi làm chủ bút tạp chí Văn Nghệ Sàigòn.

    Được julian sửa chữa / chuyển vào 09:35 ngày 30/10/2004
  10. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    LQM: Dưới mắt nhìn của một nhà văn thuộc thế hệ trẻ cầm bút lưu vong, theo Trần Vũ, văn học hải ngoại sẽ đi về đâu? Vấn đề«Ðàng Trong», «Ðàng Ngoài» có còn là một vấn đề lớn để tranh luận như cả một thập niên trước đây không?

    TV: Cho phép tôi đính chính. Tôi không phải là một nhà văn. Tôi chỉ là người viết truyện lâu lâu gởi đăng báo. Và tôi cũng không còn trẻ nữa, nếu các chủ bút, giới biên khảo vẫn ưu ái xếp vào giai cấp không có quá khứ, điều đó chẳng qua vì không có thế hệ người viết sinh trong thập niên 70 ngoài nước. Thế hệ sinh trong thập niên 60 đang là thế hệ cuối cùng.

    LQM: Vậy theo ông, thế nào mới là một nhà văn? Và xin ông cho tên một nhà văn Việt Nam điển hình?

    TV: Với tôi, một nhà văn, ngoài tác phẩm, trước nhất là một người trí thức có tư cách và cất tiếng nói trước bất công của xã hội, trước chính quyền không sợ hãi, với tất cả trách nhiệm. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là một nhà văn. Ông xứng đáng là văn hào của nước Việt Nam.

    LQM: Quaylại câu hỏi văn học hải ngoại sẽ đi về đâu... Tham dự giòng văn chương này rất sớm, ông có thể dự báo?

    TV: Những ngày đầu di tản, thời Thư Gởi Bạn, rồi Lại Thư Gởi Bạn, cho đến những năm 78, 79 trên tạp chí Văn Học Nghệ Thuật, Võ Phiến thường đặt câu hỏi 15 năm sau biết có còn ai đọc chữ Việt nữa hay không? 20 năm sau, câu trả lời đã có: Vẫn còn người đọc, nhưng ...ít người mua. Văn học hải ngoại rồi sẽ nhập với văn học quốc nội để thành một dòng chảy duy nhất: Văn Học Việt Nam. Chậm hay mau, tùy thuộc thủ tục hành chánh hải quan. Nhưng đây là định mệnh của dòng văn chương khát khao tổ quốc va sinh ra từ thảm kịch nội chiến này.
    Tương lai trước mắt, thập niên 2000 là thập niên quyết định của văn học hải ngoại. Ða số các tác giả Trịnh Y Thư, Cao Xuân Huy, Phan Thị Trọng Tuyến, Kiệt Tấn, Diệu Tần, Miêng, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Ngu Yên, Tưởng Năng Tiến, Nguyễn ý Thuần, Nguyễn Bá Trạc, Trần Long Hồ, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Thị Kim Lan, Hoàng Xuân Sơn, Nam Dao, Hồ Minh Dũng, Trần Doãn Nho, Mai Ninh, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Xuân Quang, Lê Bi, Lê Thị Huệ, Vũ Huy Quang, Ðỗ Quỳnh Dao, Nguyễn Ðức Bạt Ngàn, Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Luân Hoán, Ngự Thuyết, Tam Thanh, Trần Mộng Tú, Bùi Bích Hà, Thái Tú Hạp, Lâm Chương, Song Thao, Phạm Việt Cường, Mai Kim Ngọc, Ngô Nguyên Dũng, Phan Tấn Hải, Trùng Dương, Túy Hồng, Trần Thị Lai Hồng, Thế Giang, Võ Ðình, Trương Vũ, v.v.. đều đã bước qua khúc quanh dẫn vào xa lộ The Last Pacific Highway... Còn bao nhiêu hoài bão nếu không trút hết ra giấy sẽ đem theo xuống mồ. Ðây là một mất mát lớn, vì thệ hệ nhà văn này đã trải qua nhiều xã hội VN, Pháp thuộc, đệ nhất-đệ nhị Cộng Hoà, xã hội XHCN, tù đày, vượt biển, trại tỵ nạn, xã hội tư bản,... ít có thế hệ nhà văn Việt nào giàu kinh nghiệm, nhiều khổ đau, mất mát, cũng như đã phải trả giá nhiều và tiếp xúc trực tiếp với phương Tây như những nhà văn Việt kể trên. Không còn nhiều thời gian nữa. Những chuyến tàu cuối cùng đã cặp bến. Không lên chuyến này, sẽ không còn chuyến nào nữa.
    Thế hệ tôi cũng không còn nhiều thời gian, đồng hồ tay anh Trịnh Y Thư và tay anh Ngô Thế Vinh chỉ 12g đêm kém 5, đồng hồ tay tôi và các bạn bè của mình, Thận Nhiên, Phan Nhiên Hạo, Thơ Thơ, Phạm thị Ngọc, Trân Sa, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Hương, Ðinh Linh, Hồ Ðình Nghiêm, Hoàng Mai Ðạt, Hồ Như, Nguyễn Thanh Hùng, Lê Thị Thấm Vân, Vũ Quỳnh Hương, Vũ Quỳnh Nh, Thường Quán... chỉ 12 g đêm kém 10. Tất cả còn 5, 10 phút phù du đó, để rong chơi phung phá một lần nữa, sau đó hoá ...bí rợ.

    LQM: Còn vấn đề «Ðàng Trong», «Ðàng Ngoài» thì sao?

    TV: Vấn đề «Ðàng Trong», «Ðàng Ngoài»? Cô muốn hỏi vấn đề Nam-Bắc? Vấn đề này... đập vào mắt! Tôi không nghiên cứu xã hội học, cũng không quan tâm đến chính trị, lãnh vực của lựu đạn, hầm chông và mã tấu. Tôi chỉ có thể trả lời cô những gì tôi trông thấy sau những lần về thăm nhà. Miền Nam hoàn toàn Bắc hoá. Toàn bộ guồng máy nhân viên hành chánh, thuế khoá, an ninh trong Nam đều do người Bắc nắm giữ, ngay những chức vụ thấp nhất. Số lượng người Bắc sinh sống trong Nam đông vô cùng, ở Sàigòn, tỷ lệ 4/10 là ít. Người Nam ra Bắc sinh sống ngược lại rất hiếm. Tôi hoàn toàn không phiền hà chi việc người Bắc ?odi cư? vào Nam sau 75, nhưng tôi thấy rõ miền Nam chịu chính sách cai quản của người Bắc, một cuộc Nam tiến.
    Tại sao gần tuyệt đại bộ phận sinh viên du học là người Bắc? tại sao những nhà văn công du quảng cáo văn chương Việt Nam là những nhà văn Bắc? Và tại sao trên mặt văn chương, chỉ một giọng văn Bắc? thuần Bắc? Giọng văn Bắc thường sắc, mạnh, nhưng nhìn toàn cảnh văn học trong nước hôm nay bị đơn điệu. Tại sao có hiện tượng Bùi Hoằng Vị, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng và những nhà văn cũ Dương Nghiễm Mậu, Cung Tích Biền, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thuỵ Long, Trần Thị Ngh, v.v... chỉ xuất hiện trên các tạp chí hải ngoại? Nếu Nam-Bắc cùng tẩy chay nhau, thì nhà văn trong Nam đã tẩy chay hội nhà văn của chính quyền vì họ không có tiếng nói. Không biết bao nhiêu nhà văn trong Nam, những khi gặp, đã nói với tôi họ không xem những hiện tượng văn học ngoài Bắc ra ký lô nào, và những trao giải-không nhận giải đều sắp đặt, cũng như xuất bản, thu hồi, rồi ...tái bản. Và tại sao hội nhà văn, viện văn học, trường viết văn Nguyễn Du, các đại học ngữ văn, đã cử bao nhiêu nhà văn, viện sĩ, nhà phê bình ra nước ngoài tìm hiểu văn học hải ngoại ?ocánh tay nối dài của Ðàng Trong?, nhưng khi về nước hội thảo, trên văn bản chánh thức đều tránh đề cập? Tại sao Hoàng Ngọc Hiến, Ðỗ Minh Tuấn, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Huệ Chi, Trần Văn Thủy,... nghiên cứu cộng đồng hải ngoại, văn học hải ngoại cho trung tâm William Joiner Center của Hoa Kỳ nhưng về trong nước họ không thể phúc trình hay công bố nghiên cứu của mình cho dân Việt Nam hay biết một phần máu của dân tộc này đang chảy ngoài nước? Nếu đây là vấn đề «Ðàng Trong», «Ðàng Ngoài» như cô hỏi, thì tôi chứng kiến tận mắt như vậy.

    LQM: Như vậy vấn đề«Ðàng Trong», «Ðàng Ngoài» sẽù còn là một vấn đề lớn để tranh luận. Nhưng tại sao thuộc thế hệ trưởng thành sau khi chiến tranh chấm dứt, ông không nghĩ phải vượt lên trên vấn đề Nam-Bắc, Quốc-Cộng và phải quên đi quá khứ nội chiến đẫm máu của dân tộc để hướng đến tương lai?

    TV: Tất nhiên là tôi nghĩ đến, nếu không tôi đã không tham dự tạp chí Hợp Lưu do họạ sĩ Khánh Trường khởi xướng từ năm 91. Tôi hiểu phải biết vượt lên trên vấn đề Nam-Bắc, Quốc-Cộng, không nên để quá khứ hãm hiếp hiện tại. Nhưng tôi cũng biết một khi hiện tại không trung thực thì chiếc bóng của hiện tại sẽ không hoàn chỉnh và bóng tối của quá khứ sẽ trỗi dậy. Tôi sống trong trông chờ một hiện tại trung thực ở quê nhà. Và chỉ trên cái nền sạch sẽ này, tất cả người Việt mới có thể cùng đi vào tương lai.

Chia sẻ trang này