1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

CHÂN TRỜI CŨ - Hồ Dzếnh

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Gatgu, 02/08/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Gatgu

    Gatgu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/04/2002
    Bài viết:
    1.030
    Đã được thích:
    0
    Vừa một kiếp người ​
    Anh Hai tôi đi đến nay đã là sáu năm mà không hề quay về lấy một bận. Thỉnh thoảng tôi có đả động đến chuyện về, anh tôi lại gạt ngay đi:
    - Cứ như trẻ con !
    Tôi biết vì sao anh tôi không muốn về, mà chỉ thỉnh thoảng mới nhắn lời về thôi: anh tôi nghèo. Nghèo thì về làm gì, một khi họ hàng, bà con cứ yên trí là ai đi đâu xa về thì phải giàu. Nhưng cớ chính giữ anh tôi ở lại mãi đây là cái tuổi ba mươi của anh. Anh tôi nhiều lúc soi gương rồi cau mặt lại. Tôi biết anh tôi khổ lắm: ba mươi tuổi mà đã hai lần vợ chết. Nhiều khi nằm ngửa mặt lên trần nhà, đương suy nghĩ sự gì, anh tôi vùng dậy hỏi tôi:
    - Mẹ năm nay bao nhiêu tuổi em nhỉ ?
    Tôi không biết đáp làm sao cả, vì tôi có biết mẹ tôi bao nhiêu tuổi đâu. Sáu mươi nhé? Bảy mươi nhé? Chắc đâu vào quãng ấy. Điều đúng nhất là mẹ tôi đã già. Đời người chỉ còn tính từng gang, từng tấc; mặt trời đã nhuộm một sắc vàng tận thế vì sắp xuống núi rồi. ở lòng mỗi người trong ba anh em chúng tôi đều có hình ảnh một bà cụ già, vẻ mặt đau khổ, chống gậy chiều chiều trông ngóng một bầy con không về. Anh tôi thấy hỏi tôi cũng không biết được thêm sự gì, nên lại nằm xuống, và lần này, kín đáo thở dài. Tôi ít khi nói chuyện với anh tôi, vì hai anh em ruột ít khi nói chuyện với nhau. Vài ba câu chuyện nhà cửa, mấy điều hỏi thăm về sức khoẻ, rồi chúng tôi quay ra nghĩ ngợi riêng, tựa hồ như sống tách hẳn nhau ra. Anh tôi chơi khét tiếng lên một dạo. Hết giải khiêu vũ này đến giải khiêu vũ khác, hết bạc trăm vất vào sòng này, lại đến bạc nghìn vất vào sòng khác. Trên các dải đường đưa đến những ngõ trụy lạc, anh tôi, mồm phì hơi rượu, thuốc lá ngậm xiên ra một bên mép, vẫn hất cái mũ dạ lên gần chỏm đầu, thất thểu đi tìm cái lý tưởng đen tối của đời anh. Đời sỉ nhục, mắng mỏ anh tôi nhiều lần, nên anh bảo không cần ngó ngàng đến đời nữa. Những con "gà mái thượng hạng" gọi anh tôi là ông Hoàng, và các bạn của tiền bạc tặng anh là "người rất thân yêu". Anh tôi cho bọn này hưởng tất cả những đêm sung sướng mà chúng có thể ao ước được. Tiền bạc, tiền bạc nhắm mắt vất qua cửa sổ ấy, anh tôi không gửi về cho mẹ tôi, cho tôi đồng nào. Anh bảo cứ tiêu, tiêu cho sướng, cho từ cái chóp núi lăn xuống khe sâu, cho cùng một lúc hưởng được cả hai vị đời: khoái lạc và chua chát. Cuối năm sau, người ta cho anh tôi vào tù. Tiền bạc lúc ấy mới được dịp minh oan cho cái két tự nhiên thủng của một nhà buôn to nhất nhì ở Hà Nội. Ngày dán cái trán vào thanh cửa sắt, trước mặt anh tôi, tôi thấy con người phóng đãng ấy nói một giọng buồn lạ:
    - Cũng chả nên trách ai. Tiền bạc kiếm được một cách không lương thiện chỉ nên tiêu vào những chỗ không lương thiện.
    Mẹ tôi ngày ngày đem cho anh mấy chiếc bánh giò và thỉnh thoảng phong thuốc lá. Một tháng sau, anh tôi được tha. Lo liệu nơi ăn, chốn ở cho anh tôi xong, chúng tôi đưa chân mẹ ra tàu. Lúc tàu huýt còi đưa mẹ tôi trở lại cái làng, cái chợ ở một vùng nhà quê Trung Kỳ, thì người chỉ vào cái đầu bị húi trọc của anh tôi mà dặn:
    - Rồi liệu mà tu tỉnh lại đấy, con nhé ! Anh tôi im lặng không đáp. Nhìn dáng đi vẫn đường hoàng của anh, tôi thầm nhủ:
    - Hay anh này lại định thụt két nữa đây? Nhưng tôi không dám nói ra; tiếng thế, tôi vẫn sợ anh tôi, tôi còn phục anh tôi là khác. Anh tôi xấu ở ngoài đời, nhưng khi còn ở đằng sau cánh cửa gian phòng thuê, anh tôi vẫn tỏ ra là một người anh biết dạy em, yêu em. Tôi nghiệm thấy từ ngày anh tôi bị bắt, bè bạn cứ rủ nhau vắng dần. Tự nhiên, trên trái đất của tình cảm, những bóng dáng thân thiết biến mòn đi, chỉ còn để mọc lên bên anh, hình dáng một người đàn bà góa tay dắt đứa con nhỏ là tôi. Nhớ đến những người trước kia hay cho tôi ăn bánh, hay vuốt má tôi, tôi hỏi anh:
    - Các anh Thịnh, Thảo, chị Joséphine Huệ, Henriette Loan đâu rồi anh ?
    Anh tôi không trả lời, đứng nhìn ra dãy phố âm thầm dưới bầu trời tang tóc như không hứa có ngày mai... Cuối năm sau, tôi tiếp được tin anh tôi lấy vợ. Anh tôi lấy một người rất đứng đắn, theo lời anh, cốt để làm lại cuộc đời đã gần long lở hết. Tôi mừng vì có người chị dâu tốt, còn mẹ tôi, vì từ nay đỡ phải lo lắng nhiều cho anh. Trước mấy hôm cưới, anh tôi gửi cho tôi một bức thư:
    Haiphong le 25 Mars 1936
    Em yêu quí.
    Anh báo cho em một tin vui: anh sắp lấy vợ. Em có thể tin chắc rằng em sẽ có một người chị dâu biết chiều chuộng em. Bao giờ rỗi, anh gửi tiền cho mà xuống đây chơi, lúc ấy, em mới tin lời anh nói là thật. Chúc em học hành tấn tới. Về chuyện này anh đã có thư thưa với mẹ rồi. Mẹ cũng bằng lòng. Anh của em X.X

    Ngước mắt nhìn lên tấm lịch, tôi viết thư trả lời cho anh:
    Hanoi le 27 Mars 1939
    Anh yêu quý,
    Em sung sướng vô cùng khi nghe tin anh lấy vợ. Em sung sướng hơn nữa là người vợ hiền lành của anh sẽ là người chị dâu gương mẫu của em. Nhưng em buồn lắm anh ạ. Tháng trước mẹ gửi ra cho em năm đồng, mẹ bảo đấy là tiền học vay được. Hiện giờ mẹ không có lấy một cái quần cho ra trò, vì cái quần lĩnh Bưởi của anh biếu mẹ năm ngoái để mặc đi chợ đã sờn rách rồi. Em không muốn quấy mẹ, nên em phải quấy anh. Anh chịu khó vay tạm cho em ở đâu bốn đồng rưỡi (quatre piaạtres et cinquante centạ) cho em giả tiền học, không thì ông đốc trường đuổi đi. Em chả còn lòng nào mà làm thơ mừng anh chị nữa. Bao giờ có tiền hãy hay. Chúc anh chị bình an. Em bé của anh X.X.

    Bốn ngày sau, đương ngồi trong lớp, tôi nhận được một lá thư từ Hải Phòng gửi lên. Tôi xé ra xem thì thấy... tám đồng bạc! Tôi bàng hoàng như người chợt tỉnh ngủ. Có điều lạ là chữ đề phong bì lại là chữ đàn bà, hơi mất "phốt". Tám đồng là tám đồng! Bức thư - gọi thế vì nó có tem, có dấu - không thêm một chữ hỏi thăm nào. Mãi sau này, lúc người chị dâu quý hóa của tôi mất đi, anh tôi mới kể chuyện lại: "Hôm nhận được thư tôi, anh tôi đút túi rồi quên đi. Cách đến ba hôm sau ngày cưới, chị tôi lục quần áo xem có thư nhân tình không, thì bắt được mảnh giấy cầu cứu ấy. Chị tôi tháo ngay chiếc nhẫn ra cầm đi, gửi tiền cho tôi, vì chị không biết mua mandat thế nào".
  2. Gatgu

    Gatgu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/04/2002
    Bài viết:
    1.030
    Đã được thích:
    0
    Câu chuyện trên kia sống mãi trong trí tôi, như vẻ mặt phúc hậu trong ảnh của người đàn bà đi qua cuộc đời anh tôi vừa đúng sáu tháng. Hôm nhận được tin chị tôi chết, tôi gục đầu xuống bàn khóc, như khóc một người ân nhân. Cái tình xa xôi ấy quả thật là cao quý, cao quý thêm khi người thi ân lại chưa gặp người chịu ân lấy một lần. Ngày nay, mỗi khi gặp trên đường đời một người đàn bà thùy mị, tôi lại nhớ đến chị dâu tôi và tôi chắc sau này sẽ được ve vuốt bởi những bàn tay dịu dàng như cái bàn tay tôi tưởng tượng. Lâu lâu, tôi lại xuống Hải Phòng thăm anh tôi một lần. Tôi nhận thấy anh tôi gầy đi, buồn thêm ra. Anh tôi thôi việc, nhất định nằm lì ở nhà một người bạn. Trong số phận đen tối của cuộc đời, anh tôi dò dẫm níu lấy cái tương lai không chắc chắn, mắt nhìn ra một phương trời không hứa hẹn, giữa một cánh đồng mà bão táp vừa đi qua. Tôi thương anh tôi lắm, những lúc anh ngồi gác chân lên bàn, ngửa mình ra thành ghế, điếu thuốc lá cháy hờ hững giữa hai kẽ tay, cặp mắt ngó chăm chú lên trần nhà trắng, trên đó, rong chơi mấy con thạch sùng. Một lần, tôi hấp tấp đi tàu từ Hà Nội xuống báo cho anh tôi một tin mừng: tại một công sở trên đây người ta đương cần dùng một viên thư ký thạo tiếng Anh. Trái lại với sự tôi chờ đợi, anh tôi lạnh lùng gật đầu một cái, rồi trả lời:
    - Để anh xem!
    Suốt ngày hôm ấy, tôi không thấy anh tôi đả động đến chuyện đi làm. Anh tôi cứ lờ đi như không có tôi ở bên mình, vẫn quẳng mũ xuống giường, rồi lại ném thân xuống ghế. Một giấc mơ bao phủ lấy cử chỉ và lời nói của anh. Con đường tôi ném ra trước mắt anh lại nhỏ quá, bấp bênh quá, trong áng sương mù dày nghịt vây kín đời anh. Nghe tôi giục lần thứ ba, anh tôi mới uể oải lại bàn ngồi làm "đờ măng", còn tôi thì yên trí cầm quyển sách xem, rồi ngủ mất. Khi tôi tỉnh dậy, anh tôi đã đi từ lúc nào. Tôi lò mò lại bàn xem anh tôi đã viết được những gì, thì trời ơi! anh tôi thoắng một lối chữ như gà bới, với một văn pháp khó nhọc và mơ mộng đến cực điểm. Anh tôi viết như thế này:
    Kính gửi ông giám đốc, Tôi tên là....ngụ ở số nhà...phố....Hải Phòng, được hân hạnh đến với tấm lòng thành kính sâu xa.... sâu xa.... sâu xa xin ông cái chân việc khuyết.... Trời ơi! Tôi buồn quá, buồn quá, buồn.... buồn.... đến chết được... Chưa hết, anh tôi còn bỏ một đoạn giấy trắng, rồi chua thêm, như người nói xong chuyện, buồn quá, gắt lên một tiếng chua chát: "Phải chăng là người ta phải sống thật sa ngã mới thấy mình sung sướng???" Tôi buột miệng than dài:
    - Ra anh này hỏng rồi! Điên rồi! Mơ ngủ rồi! Hai giờ sau, anh tôi cầm cái vé tàu về, bảo tôi:
    - Đến ba giờ tàu chạy, em ra ga đi thì vừa ! Tôi ngơ ngác, không hiểu sao, nhưng cũng đi thu vén quần áo bỏ vào cặp, vì đã gần hai giờ bốn mươi rồi. Anh tôi đưa chân tôi ra ga, giơ tay chào tôi theo kiểu nhà binh, và nói bằng một thứ giọng say rượu:
    - Em viết thư thưa với mẹ là anh vẫn bình yên nhé !
    Anh tôi nói xong rồi biến mất. Nhìn lại sân ga, tôi hình dung bóng một người đau khổ, đi trộn vào trong những người đẹp đẽ, vui tươi, cái rơm rác trôi dạt trên biển đời, qua bao nhiêu ngày giông tố. Tàu chạy được quá hai ga thì tôi quên mất anh tôi đi. Trời mát và đẹp của tiết tháng tám cứ như xui người ta làm thơ. Đồng lúa miên man chảy ở hai bên thành tàu, mau hơn dãy núi đường xa đi như người bách bộ. Anh Cả tôi nghèo và phải nuôi vợ con. Anh Hai tôi phong trần, chán hết mọi sự cho đến cả danh vọng. Tôi làm thơ và chỉ thích có làm thơ. Mẹ tôi đau khổ sinh ra ba chúng tôi để chỉ càng ngày càng thêm đau khổ, càng ngày càng thấy mình già đi. Cách ít lâu, anh tôi lại lấy vợ, lại thử lập cuộc đời. Sự cưới xin lần này không kèn, không trống. Người chị dâu mới của tôi chắc hẳn không được lương thiện lắm, vì anh tôi, tôi biết, chỉ thích tạo hạnh phúc trong những đêm đen, và làm mặt trời vào những ngày mưa lạnh. Mẹ tôi trả lời anh rằng: "Con muốn lấy ai thì lấy, mẹ bây giờ nghèo lắm, không còn sức nào lo cho con nữa. Mẹ chỉ lo cho thằng út sau này sẽ phải bơ vơ thôi." Thằng út là tôi. Nhưng tôi có bơ vơ đâu nào? Tôi vẫn ngày ngày nhìn mây gió, xây dựng cuộc đời trong không gian và ước ao cái chết của Lý Thái Bạch. Tôi sung sướng lắm. Tôi sống thoả rồi. Nàng thơ đến cho tôi hoa, và lấy cái tay hiền hậu xé từng mảnh đời của tôi mang đi, xé mà vẫn cho thuốc tê, nước ngọt. Mẹ tôi nhầm, cũng như người đời nhầm. Tôi có khổ đâu, mà mẹ tôi cứ khóc thương tôi mãi? Người chị dâu mới của tôi lại cũng... chết nốt ! Tôi nhất định không lấy làm lạ nữa. Mẹ tôi bảo anh có số sát vợ. Sát vợ thì lấy đến tiên, tiên cũng chết nữa là người! Anh tôi nhất định không lập gia đình nữa, nhất định không về. Rồi anh bỏ đi vào Sài Gòn, vào Phnom Pênh, và nghe đâu đương làm một chân gì trên hãng tàu buôn chạy ngoài vịnh Xiêm La. Nhiều lúc tôi quên bẵng rằng trong đời tôi còn có một người anh đi bao nhiêu lâu mà chớ hề viết cho tôi một chữ. Không gian thê lương và mông mênh lắm, bóng dáng một con chim chỉ là con số không trong vùng rộng lớn.
    Tôi chắc anh tôi đã nhiều lần phải buồn, cũng như mẹ tôi nhiều lần đưa dải yếm lên lau nước mắt, và tôi tưởng tượng qua sợi khói thuốc lá, mơ màng đến một góc biển xa xôi, nơi phiêu lưu một linh hồn phóng dật. Bây giờ tôi đã đi đạo, vì tôi xét ra là tôn giáo chỉ cần cho sự tìm hiểu cái nghĩa tinh thần của sự sống. Hằng ngày đọc kinh, hằng tuần quỳ trước tòa giải tội, tôi thấy tôi trong sạch hơn lên. Nhưng tôi không khỏi có vài giọt nước mắt ứa trên mi, chảy trên quyển kinh tôi đọc, khi tôi nghĩ rằng, xa tôi đây, qua mây và qua gió, còn một người đau khổ sống tách hẳn ra những nỗi vui sướng trên trần . Giờ này, mẹ tôi chắc cũng đương lần hạt, và tùy theo hai tôn giáo khác nhau, lời cầu xin của chúng tôi vẫn là một: mong cho kẻ ở xa chóng được yên ổn trở về. Nhìn lên tượng Chúa, tôi thấy tự đấy tỏa ra một lẽ thiêng liêng, nhân từ và đẹp đẽ. Tôi nhìn vào trong hồn, hình ảnh một tù nhân của đời xổ tóc, ngày ngày nhìn ra mây gió, làm tôi đoạn lòng. Điều tôi tin đúng nhất, là Chúa sẽ soi lòng cho anh tôi, sẽ cho anh hưởng một cuộc đời khác hẳn cuộc đời anh đang sống. Tin như thế, nên tôi chắc sẽ được bắt tay anh tôi ở trên thiên đường.
    12 -1940
    Được gatgu sửa chữa / chuyển vào 23:02 ngày 13/08/2003
  3. starry_river

    starry_river Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/02/2002
    Bài viết:
    2.027
    Đã được thích:
    0
    Thằng cháu đích tôn​
    Chỉ mãi cách đây không lâu, sau mười năm từ ngày ba tôi mất đi tôi mới kịp nhận thấy lòng thương yêu của người trao cho thằng cháu đích tôn là hợp lẽ.
    Và, càng chân nhận cái giá trị của tấm lòng yêu thương ấy, tôi càng cảm thấy mình là nhỏ nhen, ích kỷ. Nó lớn hơn tôi năm tuổi, và mồ côi từ ngày mới biết đi. Đó là một tâm hồn rất lạ, tôi có thể nói là lạ hơn mọi tâm hồn tôi gặp từ trước đến nay. Đó là một đứa trẻ sinh ra trong cảnh túng thiếu, gạo ít, khoai nhiều, để rồi lớn lên dưới một trời binh lửa. Trong cặp mắt thâm và sắc của nó, tôi thoáng thấy vẻ cương quyết thầm kín của một tấm lòng phơi ra trước sự tàn ác của số mệnh, thử thách những nỗi khe khắt nhất đời. Một người khác vào tuổi thằng cháu tôi không thể nào sống hơn những cảnh gian nan như thế: nó đã từng nhịn đói ròng rã trong sáu ngày trời để tránh loạn, và đã từng thăm viếng cảnh mất còn của gia đình sau bao ngày giặc giã. Cuộc cách mệnh vĩ đại của đất nước Trung Hoa, tôi tin như thế, nếu đã tạo ra những Tôn Dật Tiên, Uông Tinh Vệ, thì nó cũng đã tạo nên thằng cháu tôi, một tâm hồn dạn dày và đau khổ. Có khác là những bộ mặt trên được sáng ngời qua lịch sử, còn cái dưới thì bị chìm đắm trong tối tăm. Vậy trải những nỗi gian nan quá lớn lao cho một tâm hồn còn bé bỏng, thằng cháu ấy đã đặt chân lên đất nước Việt Nam của tôi - tôi viết rõ: đất nước Việt Nam của tôi - với cái thân hình thô bỉ, tâm tính cục cằn. Tôi thì đương ở thời kỳ yêu những cái gì mảnh dẻ, bé nhỏ, và những bước chân đầu tiên của thằng cháu tả trên dội xuống thềm gạch nhà tôi, đem lại ngay cho tôi sự khó chịu của một người thốt nhiên thấy mình bị ngáng trên con đường đi. Thủa ấy, tôi sống gần như lơ đãng hẳn, nên tôi chưa từng để ý đến những dòng máu thân thiết đương còn chảy trên một mảnh đất khác đây. Hồn tôi chỉ đầy đủ khi nào nó có lẩn một phần lớn linh hồn Việt Nam.
    Tôi yêu nhớ nước tôi thật, nhưng tình yêu ấy, trước khi gieo vào lòng tôi, phải được lọc qua màu cây xanh thắm vây kín lấy những làng mạc thân yêu. Đôi phen lòng tôi se lại, nhưng sự se lòng vì một tình cảm khác lập tức được hoà trong âm điệu của một thứ tiếng nói âu yếm, cái tiếng nói của trái tim tôi. Ngày xưa, cho đến bây giờ nữa, hồn tôi nhiều lúc bỏ tôi đi, và áng chừng không tìm thấy phương trời nhất định, lại trở về với tôi, để lại rời xa tôi như thế mãi. Nếu vào những lúc bị phân chia trong tình cảm như thế, có ai hỏi tôi yêu nước Nam hay nước Trung Hoa, thì tôi chỉ còn biết... khóc! Tôi khó mà nói ra đây, cái tâm trạng phức tạp của một người mà huyết quản chứa đựng hai thứ tinh hoa, ngoài sự để cho lòng mình rung động, rung động đến tận cùng vì một tấm tình nghìn đời không có lời phân giải. Tôi còn nhớ rõ hôm đó, sau buổi học chiều, về nhà, tôi đã thấy cái con người là lạ ấy ngồi xếp bằng tròn lên tấm phản, gần bàn thờ, vây chung quanh là họ hàng, thân thích. Không hiểu sao tôi nghĩ ngay đến một trò lạ mắt, thứ trò vẫn diễu ở ngoài đường của mấy người Tàu mãi võ. Đôi mắt thâm của thằng cháu xa lạ bật lên nhìn tôi, khiến tôi lùi lại. Thấy dáng điệu sợ sệt của tôi, anh tôi cười:
    - Ông cháu của chú đấy ! Thằng Quắn đấy mà! Thằng Quắn ! Thằng Quắn là thằng nào ? Tôi nhìn anh tôi, ngờ vực:
    - Anh đừng nói dối nữa, ai đấy anh ?
    - Con anh chị ở bên Tàu đấy. Ba yêu nó hơn mày kia !
    Biết không ai nói dối tôi nữa, tôi mới tin. Nhưng lúc tôi tin là lúc tôi ghét. Một sự ghen tuông nổi dậy, xâm chiếm lấy tôi. Tôi vất sách ra giường, làu nhàu:
    - Cháu với chả cháu ! Chạy xuống bếp, tôi phụng phịu hỏi mẹ:
    - Sao anh Hai lại bảo ba yêu nó hả mẹ?
    Mẹ tôi cười:
    - Vì nó là cháu !
    - Thế mẹ cũng yêu nó à ?
    Mẹ tôi biết tôi ghen, nên vừa dịu giọng, vừa lấy tay đánh vào má tôi:
    - Con chó con của mẹ thì ai mà ghét được !
    Vẫn chưa yên lòng, tôi còn hỏi gặng người thêm:
    - Mẹ đừng yêu nó nhé, mẹ yêu con kia ! Mẹ thề đi !
    Mẹ tôi vụt cười, nhưng cũng chiều lòng tôi:
    - Nào, thề nào. Đứa nào mà yêu nó hơn con thì đứa ấy... không ăn cơm nữa !
    Từ đấy, tôi gieo cái ác cảm vô lý xuống đầu thằng cháu xa lạ. Tôi hạch sách nó, kèn cựa nó, nhưng vẻ mặt thiết bì lạnh lùng kia vẫn không vì thế mà thay đổi. Mỗi lần tôi có làm quá lắm, thì nó chỉ:
    - Chú hay ghẹo cháu lắm !
    Đến thế mà vẫn cho là ghẹo, thì chỉ có một mình thằng cháu tôi mới nghĩ được sự đó. Đôi khi tôi gắt lên:
    - Cút, cút về Tàu đi ! ở đây làm hại ông !
    Nhưng nó vẫn lầm lì suốt ngày. Mẹ tôi bảo nó thâm. Ba tôi cho là nó biết nghĩ. Hình như ba tôi có lý hơn. Nó đi thơ thẩn hết trong sân lại ra đường, mồm lẩm nhẩm đọc những gì không rõ. Tôi hỏi mãi nó mới đáp:
    - Cháu học bài !
    Tôi lườm lườm:
    - Mày thì có mà học ăn !
    Tôi gắt, nó im lặng. Và sự này càng làm tôi thêm tức. Thậm chí tôi ngờ nó nịnh ba tôi, để người yêu nó. Nhiều lần đi học về, lên gác, tôi thấy nó nằm sóng soài bên cạnh khay đèn của ba tôi, không để hút mà để trò chuyện. Những lúc ấy, nó tươi cười, vui vẻ, nhưng hễ thoáng thấy tôi là im bặt. Ba tôi thường bảo tôi:
    - Con làm gì mà xung khắc với nó thế. Chú cháu không biết thì dạy bảo nhau mới phải chứ.
    Tôi vâng dạ cho có chuyện. Tôi không dám làm nũng ba tôi nhiều, vì người nghiêm, vì người ít nói. Ba tôi là nước Tàu, nước Tàu bí mật. Lòng mẹ tôi mới thật là cái địa hạt tình cảm của tôi. Sống với chúng tôi được một năm, khi đã nói hơi thạo tiếng Việt Nam, thằng cháu tôi bắt đầu đi học. ý kiến ấy là của ba tôi. Ba tôi cho rằng nó thông minh, có thể học chữ Pháp được. Hẳn là tôi không thích có người bạn đồng học và đồng hành như thế. Tôi bảo mẹ tôi:
    - Nó thì học gì được chữ Tây, mẹ nhỉ ?
    Mẹ tôi gật đầu đồng ý. Từ đấy ngày bốn lần, chúng tôi men theo con đường nhỏ hẹp đến nhà trường. Tôi không phải cắp sách nữa. Tôi lấy sự đi tay không là một cái thú của những người trịnh thượng và kiêu căng. Thằng cháu tôi không bao giờ biết thẹn. Hắn ứng đáp mạnh bạo những câu hỏi của thầy giáo, giữa bao nhiêu cặp mắt nghịch ngợm mở to ra vì tò mò. Có nó đi bên cạnh, tôi được cái lợi là thấy lảng ra xa những người bạn trước kia làm tôi kinh hãi nhất. Tôi ngồi ở lớp ba và cháu tôi, lớp bét. Tôi học hơn nó hai lớp nên nói tiếng Pháp có cơ thạo hơn. Hồi đó, vì chương trình ban sơ học chưa đổi mới như bây giờ, nên một người học trò lớp ba mà biết lõm được mẹo luật chữ Pháp là thường. Nhưng dẫu "tài" đến đâu, tôi bắt buộc phải thừa nhận rằng thằng cháu tôi học tấn tới đến nỗi thầy giáo phải cất nó lên lớp tư cùng trong một năm. Với một khiếu thông minh sắc nhọn, một bản tính ham học và ham biết, nó cơ hồ có thể tiến sát đến bực học vấn của tôi lúc nào không biết. Tôi đâm ra lo và... ghen.
  4. starry_river

    starry_river Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/02/2002
    Bài viết:
    2.027
    Đã được thích:
    0
    Nhưng thằng cháu, thằng cháu ghê gớm ấy, vẫn tuần tự tiến, vẫn tuần tự đọc rõ từ quyển sách này sang quyển sách khác. Hắn học chữ Pháp theo lối cổ điển Trung Hoa, nghĩa là dịch bừa sang bên cạnh những chữ nào khó nhớ. Thí dụ như "pơ tít tơ" thì nó chữa sang chữ Tàu là "pổ tít tố", để dễ nhớ. Không cần tôi dạy, người học trò lòng đầy hoài bão to lớn ấy vẫn xáo trộn cả Đông, Tây dưới ánh đèn hoa kỳ, để nhẫn nại phá thủng bức màn đen vây bọc chân trời văn chương Pháp. Bắt đầu từ ngày nghe nó chào bạn bằng một câu tiếng Pháp rất oai vệ, tôi không còn dám khinh nhờn người cháu ấy nữa.
    Tôi ước đoán rằng, chỉ chậm lắm là một năm nữa chúng tôi sẽ được cùng nhau ngồi một lớp, học chung một thầy, để rồi nó lại bỏ tôi mà đi xa hơn. Giữa năm ấy, ba tôi mất. Trước khi tắt thở, người vẫn nhắc nhở đến đứa cháu yêu và ân cần dặn mẹ tôi phải chăm sóc nó tử tế. Tuy có lời dặn của người đã khuất, cháu tôi từ đấy sống rất bơ vơ, có lẽ vì nó cảm thấy chung quanh mình sự xa vắng, tuy luôn luôn sống giữa gia đình. Người cháu đau khổ ấy đã thấy chết lần thứ hai niềm thân thiết nhất trong đời. Cái chết của ba tôi mở đầu một cuộc sống khác giữa chúng tôi, cuộc sống dần dần trở nên êm ái vì thiện cảm, nhưng đúng hơn là vì lòng xót thương. Khi tôi không còn lòng ghen tị đối với người cháu ấy nữa, thì lại chính là lúc những sự uất ức nổi lên trong lòng nó, sự uất ức mà không một lần nào nó thèm thổ lộ ra ngoài. Như tôi đã có dịp nói trong bài "Người chị dâu tôi", nhà tôi hồi ấy, cơm toàn ghế khoai. Riêng phần tôi được một niêu cơm trắng với đĩa cá thu kho, hay giò mặn. Những đĩa đồ ăn ngon lành ấy, mẹ tôi thường có ý đẩy lại trước mặt tôi, vì người chỉ muốn có một mình tôi ăn thôi. Cái sung sướng ích kỷ của tôi được diễn ra trong hơn hai năm, và có thể còn diễn ra được mãi, nếu không có một lần... Một lần, thằng cháu tôi mua hai xu kẹo trước bữa cơm. Nó nói thầm với người nhà là ăn cho chắc bụng, vì ăn cơm khoai mãi đã chán đi rồi. Nghe chuyện, và từ đấy, tôi xóa cái phần cơm ích kỷ trên kia đi, để chịu chung sự khó nuốt với những người chung quanh. Ngày tháng lạnh lùng qua... Nhà quê An nam như một tấm lòng hiền từ rộng mở, nhà quê An nam niềm nở, thân thiết tiếp đón chúng tôi, vào lúc mà tương lai chỉ là sự mù mịt, còn dĩ vãng thì lưu lại những dấu vết đau lòng. Chúng tôi sống những ngày tàn ở đấy như nhà ẩn sĩ vui quên những sự bất đắc chí một thời. Cái cảm xúc lần đầu nhận được hoàn cảnh, tôi đem hoà nó vào tình yêu thiên nhiên, và tôi khăng khít giữ lấy từng mẩu kỷ niệm của thiếu thời, do đấy, lòng thương sâu xa đất nước Việt Nam. Sau ngày ba tôi mất đi, cảnh túng thiếu của gia đình tôi lại càng rõ rệt. Mẹ tôi lo lắng trăm nghìn công việc, đến quên cả chăm nom sự học của chúng tôi. Không ai bảo ai, thằng cháu kể trên và tôi cùng biết thu ngắn những hàng chữ trước kia hoang toàng trên mặt giấy. Chúng tôi bắt đầu bỏ những cái gạch ở dưới mỗi bài học đi để được lợi thêm một hàng chữ. Không phải vì nhà tôi nghèo đến nỗi không mua cho chúng tôi được một thếp giấy, nhưng vì chúng tôi thấy sự xin tiền mua vở là một điều khó khăn. Nếu cái gạch trí khôn thường được nẩy ra trong những lúc nguy biến, thì chính trong cảnh nghèo khổ, sự sáng kiến của người ta mới được dịp đâm chồi.
    Thằng cháu thân yêu của tôi biết tự may lấy quần áo mặc, bằng cách phá bốn cái quần đùi một lúc để làm thành một cái quần dài. Nó đem những bẹ cau, bẹ dừa, đóng thành dép, thành những đôi giày Tàu xinh xinh một cách bất ngờ. Nó trau dồi "nghệ thuật", cần mẫn và tinh vi đến nỗi tôi tưởng sau này ra đời, nó sẽ không cần mang một chút ơn nào của nhân loại. Duy có giấy Tây là nó không chế ra được. Một hôm nó bảo tôi:
    - Chú có giấy trắng cho cháu mấy tờ.
    Tôi hỏi lấy giấy làm gì, thì nó không đáp. Vài ngày sau, giở vở học của cháu, tôi thấy những tờ giấy tôi cho được dán nối sau mấy trang viết đặc chữ, cái mưu mô tuyệt xảo làm dài hạn hết của những quyển vở ở đám học trò nghèo. Một hôm khác, đương buổi học, tôi được thầy giáo bên lớp ba cho gọi sang. Thầy vừa bảo tôi, vừa chỉ thằng cháu đương qùy ở cuối lớp:
    - Có phải thằng này là cháu anh không? Sao anh không bảo nó mua giấy đóng vở học? Tôi sợ quá, không biết đáp thế nào, thì thầy đã tiếp:
    - Tôi bảo nó mua vở tất cả bốn lần, mà vẫn chưa có. Nếu chiều nay không có nữa, thì đừng trách tôi ác nhé! Rõ đồ Tàu!
    Câu nói sau cùng vừa hết, tôi thấy nổi dậy trong lòng nỗi công phẫn, cái đau đớn khi có người dẫu là người trên chạm đến quốc thể tôi. Tôi nói:
    - Thưa thầy, sách vở nó thiếu, để con mua. Nhưng thầy đừng mắng chúng con như thế thì hơn. Giọng tôi nói hơi bướng làm thầy đỏ mặt. Và, tiếp theo câu mắng: "Đúng là đồ... Tô Định !", một tờ giấy kê khai rõ tội tôi gửi lên ông đốc trường. Tôi bị phạt vì tội hỗn, bị qùy hơn hai tiếng đồng hồ. Lần đó là lần đầu trong đời học sinh, tôi cảm thấy sự vui vẻ trong lúc chịu phạt. Chiều về, tôi hỏi cháu:
    - Sao cháu không mua vở, để thầy giáo phạt cho ?
    Cháu tôi đáp, lạnh lẽo:
    - Nhưng cháu sợ xin tiền bà lắm !
    Chỉ một câu trả lời vắn tắt ấy thôi, nhưng nó đã làm tôi cảm động bao nhiêu, vì tấm lòng hy sinh và nhẫn nại của cháu, nếu sự hy sinh và nhẫn nại ở đời này có thể dùng để xứng đáng chỉ những hành vi cao quý, cao quý ở chỗ nó rất đơn giản, tầm thường. Cách đây một năm, chúng tôi xa nhau, và cháu tôi đã học hết lớp nhì. Tôi bỏ căn trường nhỏ, bỏ khu làng thân yêu, đi học xa, để trau dồi cái học thức mà càng ngày tôi càng thấy thiếu thốn, nghèo nàn.
    Rồi cháu tôi cũng thôi học nốt. Nó xoay ra đi làm, sống cái đời của những người Trung Hoa không nề hà sự khó nhọc, Sáng quét hè, chiều lên cửa, không cần biết đến số tiền lương nhiều lắm là ba đồng, khi mới bước chân vào học việc. Mấy năm sau, cháu tôi đã tậu được một ngôi nhà nhỏ, đã lấy vợ, và ạinh con. Cuộc đời khe khắt như lòng người, thô sơ như manh áo vải sọc, đã bị lùi trước sự kiên nhẫn, chịu khó của những người tản mác ở khắp mặt địa cầu, ở bất cứ một nơi nào có khói. Tôi không thể như các bạn đồng bang, không thể như thằng cháu thân yêu của tôi được. Tôi không muốn để cho kinh nghiệm nắm chặt tay lôi đi trên đường đời. Tôi là một đứa trẻ dại, chạy theo con đường thênh thang của lòng sở thích, ngã nhiều lần, rồi lại gượng đứng dậy, trên mặt đầy nước mắt, trong lòng đầy đau thương. Nhưng tôi cảm thấy thanh thú vô cùng, khi cái gai hoa hồng đâm rách da, khi con **** thân yêu trên tay tôi tan thành phấn, khi tôi được khóc vì những sự điên dại, ngang trái của đời mình. Cháu tôi - lúc này đã là cha của hai đứa con - thường bảo tôi:
    - Sao chú không chịu gây dựng cuộc đời, cho bà vui lòng? Chú học giỏi, chú có thể đi làm được nhiều tiền.
    Tôi đưa mắt nhìn hai vợ chồng đứa cháu yêu quý, cồng kềnh thêm hai đứa con, rồi trả lời, nhưng hình như trả lời cho chính tôi thì đúng hơn:
    - Cháu ạ, gây dựng trong cuộc đời, là điều tốt, nhưng phá hoại vì văn chương, sự ấy cũng không kém vinh hạnh gì. Cả hai cùng chứng rằng ta đã sống.
    8-1943
  5. Gatgu

    Gatgu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/04/2002
    Bài viết:
    1.030
    Đã được thích:
    0
    Ngày lên đường​
    Thế rồi tôi nhất định bỏ cái tỉnh nhỏ của tôi từ đấy. Tôi nhất định đi lính, nhất định bắt chước những bạn đồng học của tôi. Họ, một phần lớn, đã khoác lên mình bộ quần áo màu vàng nhợt, vượt đến một nơi cách đây hàng nghìn dặm. Tiếng hát của buổi từ biệt còn văng vẳng trong tai tôi, thứ tiếng hát mỗi lần cất lên, người nghe có cái cảm tưởng được ngửi thấy mùi thuốc súng, được sống một ít cái không khí ở chiến trường. Họ đã đi rồi. Chân trời bình yên khép lên họ. Bây giờ đến lượt tôi. Ròng rã trong bao nhiêu ngày trời, trong óc tôi hằn một cái dấu hỏi: đi hay ở ? Sau cùng tôi bằng lòng đi. Tôi tâm niệm, giữ gìn cái ý định ấy cho nó khỏi phai, cho nó khỏi lạt. Tôi không dám nhìn mẹ tôi, vì sợ những nếp nhăn trên má người. Tôi sợ không dám chơi với ai nữa. Tôi cầu cho cuộc đời vẫn cũ như cuộc đời, để đừng có cái gì mới hết. Tôi sẽ hăng hái đi như các bạn, bởi quanh tôi, ở đây, gió đã vàng lắm rồi, và mùa thu của cuộc đời đã lại. Tàu chỉ còn một chuyến nữa. Số lính kén có chừng. Tôi hỏi tôi:
    - Về nước ta sẽ làm gì ? Ta yếu lắm !
    Rồi tôi tự trả lời lấy:
    - Quét chuồng ngựa. Lau giày cho ba quân. Làm được tất, làm là tốt rồi.
    Tôi chưa đi đâu bao giờ, nên nói đến đi đâu, tôi vẫn cảm động. Mộng giang hồ ám ảnh tôi từ hồi nhỏ, ngày tôi bắt đầu cầm cái thước dò đường trên tấm bản đồ năm châu. Tôi ao ước sang Marseille, sang Manille, Hương Cảng, sang Lào, sang Cao Mên. ở đâu, tôi cũng tin chắc rằng cảnh tượng đẹp đẽ, sung sướng hơn ở tỉnh nhà. Tôi mơ ước được làm bồi tàu thủy, được theo về xứ sở của họ, những người Pháp giàu lòng nhân từ. Tôi biết cả giá tàu sang Pháp, từ trên "pont", đến hạng nhất, bằng cách mày mò, thóc mách riêng. Nơi xa, nơi xa với tất cả những tuổi trẻ như tôi, nơi xa vẫn có một sức quyến rũ say đắm. Tôi nhớ mãi cái màu trời xanh biếc, sắc nước lam tươi, chen vào giữa là những cánh buồm trắng chấm lửng một cách nên thơ trong mấy bức ảnh bày rải rác ở các cửa hiệu. Tôi phải đi. Tôi phải sống. Đời tôi phải khác thế này. Và cơ hội tốt nhất đã đến. Nhưng tôi mới có mười lăm tuổi. Tôi băn khoăn không hiểu vì sao được đi là thú, tôi lại ngại ngần giữa lúc nên đi. Vì mẹ tôi chăng ? Vì nước Nam yêu quý chăng ? Có lẽ. Những ruộng đất, đồi núi của xứ Trung Kỳ bình yên như thế này, ai xa mà không nhớ được! Tôi thấy là một sức mạnh quá đầu óc tôi, sự rời bỏ một người mẹ hằng nựng nịu tôi, hôn hít tôi, hằng chia bùi, xẻ ngọt với tôi. Thêm nữa trời ban cho cái óc mộng, tôi đã trót làm thơ cái tình sâu rộng ấy lên, và biến nó thành tình yêu đất nước. " Mẹ." Thực không còn gì có nghĩa bằng người ấy nữa. Người ấy to quá, rộng quá, tuy tất cả sự có nghĩa chỉ là cái thân hình tiều tụy, bọc bằng chiếc áo vá vai. Ngày mai là ngày lên đường, mà hôm nay, tôi chưa sửa ạoạn gì hết. Tôi đờ đẫn cả người. Tôi bâng khuâng như vừa để mất đi một cái gì thân thiết lắm. Và lúc tôi khép mắt lại, để không trông thấy, không tưởng tượng gì nữa, thì hồn tôi chợt nhận biết một cảnh sắc lưu luyến hằng ngày: cảnh quê mùa, đồng áng. ạ hay ! Nước Nam đẹp đến như thế này ư ? Ngày thường tôi có thấy nước Nam "mẹ" như thế này đâu! Một tổ quốc. Hai tổ quốc. Cái trên là cha tôi. Cái dưới, mẹ. Tôi nắm tay lại, nói như người quyết định:
    - Đi là đi ! Đi là đi ? Dễ như thế à ? Không, đi là ... nhớ!
    Tôi để rơi một giọt nước mắt cho bạn tôi trông thấy. Hắn cười:
    - À, thằng này nó khóc, anh em ạ. Hay nhớ mẹ thì ở nhà!
    Tôi vội gạt nước mắt, cãi:
    - Người ta ngáp mà lại!
    Sự chế giễu của bạn làm tôi hăng lên, không bịn rịn nữa. Nhưng không bịn rịn nữa thì tôi lại xấu hổ. Tôi nhận rõ rằng trong đám người quả quáết kia, tôi là người thiếu quả quáết nhất. Tôi sắp được giang hồ rất phải lúc, cái giang hồ nhiễm đầy vẻ hào hùng, phóng thái. Quê hương của tôi gọi tôi, cái đất nước mà tất cả mọi tấm lòng tôi còn đều phải thương nhớ đến. Xưa kia, lòng tôi đôi phen náo nức, muốn cao lên, cao lên theo lá cờ vui mừng trước gió, nó là cái dấu hiệu của một tình yêu khác rào rạt trong tôi. Xưa kia tôi từng mơ ước một cuộc đi đến mục đích, tốt đẹp như bây giờ. Đi là sống. Tôi cần phải đi, và đây rồi, ngày lên đường đã lại.
    * * *
    Được gatgu sửa chữa / chuyển vào 21:21 ngày 22/08/2003
  6. Gatgu

    Gatgu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/04/2002
    Bài viết:
    1.030
    Đã được thích:
    0
    Tôi vừa xếp valise, vừa gạt nước mắt. Tôi làm cái công việc ghê gớm ấy vào một đêm khuya khoắt, lúc cả nhà tôi ngủ rồi, sau khi nói dối mẹ tôi là ra Nam thăm người bạn. Tôi nghĩ chỉ còn cách nói dối ấy là tiện, vì mẹ tôi chắc cũng không nỡ giận tôi nữa, một khi tôi ở xa. Mẹ tôi bằng lòng cho tôi đi, nhưng ái ngại dặn:
    - Con mau mà về nhé, đây mẹ cho thêm một đồng nữa mà tiêu vặt.
    Trước sự tử tế trắng trợn của mẹ tôi, tôi suýt oà lên khóc, và chực nắm lấy áo người mà nói: "Không, con nói dối, con đi lính đấy, mẹ ạ". Cũng may lúc ấy, mẹ tôi bận hàng, để tôi có đủ thì giờ trở vào nhà, vừa đi vừa sùi sụt. Tôi chọn những cái quần áo còn lành lặn bỏ vào trong valise, và chất thêm vào đấy ít cuốn tiểu thuyết chữ Pháp. Tôi đau đớn như người vừa phạm lỗi nặng, khi tôi nghe, từ gian phòng bên đưa lại, tiếng thở dài não nuột trong giấc ngủ của mẹ tôi. Xếp hành lý xong, tôi bí mật trao valise cho thằng nhỏ, dặn nó mang lại nhà bạn trước vì tôi cần phải đi với vài cái quần áo cho người nhà đỡ nghi. Sáng mai... ánh bình minh chưa bao giờ nhợt nhạt, sầu muộn đến thế. Tôi chống mắt thức, chờ giờ tàu, nên tiếng gà gáy thứ nhất vọng vào lòng tôi một nỗi buồn thăm thẳm. Rồi tiếp đến rạng đông diễu cái cảnh huyền ảo bên ngoài. Sáng ấy, không hiểu sao mẹ tôi lại dậy sớm hơn mọi ngày. Từ dưới bếp, người lệ khệ mang lên một thau nước nóng, thả bơi ở giữa chiếc khăn mặt bông trắng tinh. Người còn tự rót nước cho tôi uống nữa. Lúc ấy, đã sáu giờ Sáng. Chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa là tàu chạy, là tôi đi.
    - Kìa con không ra ga đi thì vừa ?
    Tôi không đáp, lẳng lặng cắp gói quần áo ra đi. Mẹ tôi ngờ là tôi dỗi vì có ít tiền nên gọi lại cho thêm mấy hào. Đã trót bước đi, tôi không thể nào quay lại được nữa, nên chối:
    - Đã, con có đủ rồi ạ.
    Giọng tôi nói run run qua bóng tối mờ mờ. Mẹ tôi đứng lặng nhìn tôi, nhưng chiếc xe tay đã chạy. Chúng tôi có tất cả năm người đồng lòng đi. Theo chương trình đã định, chúng tôi lấy vé tàu ra Hà Nội, rồi từ ở đấy, lên thẳng Vân Nam. Chúng tôi sẽ sống chết với nhau, chúng tôi sẽ làm đủ mọi cách để đến khi về, mặt mày được vinh dự. Đưa chân chúng tôi hôm ấy, độ mươi người, hầu hết là bạn bè cùng lớp, những tâm hồn sôi nổi nhất, mà cũng chóng nguội lạnh nhất. Chúng tôi mặc quần áo vàng học ạinh, mạnh dạn và cố lấy vẻ tươi trẻ. Còn mười lăm phút nữa thì tàu chạy. Trong chúng tôi, lác đác có vài ba cái mặt trở nên nằng nặng, vài cặp mắt hơi chớp.
    Huýt ! Huýt ! Sình...Sình ! Tiếng còi và máy của tàu chở than làm chúng tôi, không hẹn nhau, cùng giật mình. Lấy vé xong, tôi vừa xách valise ra sân ga, thì có người bạn bảo tôi:
    - Mẹ anh kia kìa! Mẹ tôi thật !
    Tôi vội vàng giấu chiếc valise đi, rồi chạy ra đón người. Tôi chắc mẹ tôi đã được mách về cuộc hành trình của tôi, nên tôi lo lắm. Nhưng sự thực thì mẹ tôi chưa biết gì hết. Tôi muốn khóc lên mà thú tội với người, vì tôi không còn một phần nhỏ can đảm nào bỏ đi trước những vết nhăn chằng chịt trên mặt người nữa. Mẹ tôi đưa ra một cái gói gì to bọc bằng nhật trình, rồi bảo tôi:
    - Con bỏ quên đôi giày "săng đan" này, nên mẹ phải chạy lên đưa cho con.
    Mẹ tôi đã "chạy" lên thực, cố nhiên là chạy trên đôi chân gầy yếu, vì sợ tốn tiền xe, đưa cho tôi đôi giày mà người biết là tôi thích đi nhất. Tôi cầm đôi giày mà ứa nước mắt. Tôi đã quyết định về sự đi của tôi rồi. Tôi đã quyết định bằng cách... ở lại ! Không một lời nói, tôi đến giằng chiếc valise ở tay bạn lại, và trong khi các bạn nhốn nháo ra sân ga, tôi cũng nhốn nháo... trở về. Mẹ tôi ngạc nhiên bảo tôi:
    - Sao con không đi với các anh cho vui ?
    Tôi lắc đầu:
    - Để hôm khác con đi cũng được.
    * * *
    Câu chuyện trên, mãi đến hai năm sau, mẹ tôi mới biết. Mẹ tôi biết, rồi mẹ tôi cười, rồi mẹ tôi đánh yêu tôi mà bảo:
    - Mày chả về mà làm quan cho mẹ nhờ !
    Các bạn tôi cũng không đạt được đến mục đích. Họ nản chí ở dọc đường, có kẻ xuống Nam, có người gan liền theo tàu đến Hà Nội rồi đáp ô tô trở về. Gặp lại nhau, chúng tôi chỉ cười, cười rơi nước mắt, và không ai bảo ai, cùng lẳng lặng đẩy câu chuyện trên kia vào dĩ vãng.
    * * *
    Hôm nay, một buổi chiều không nắng, không mưa, một buổi chiều nhàn tĩnh. Tôi đứng trên một dốc phố vắng, đưa mắt nhìn toán người từ xa lại với màu áo tôi thường khoác ngày xưa, ngày mà tôi đã suýt một lần về nước. Gió chiều lên lành lạnh. Qua màu áo cũng bạc, cũng cũ ấy, cái màu áo xông lên mùi Á Đông, tự nhiên, tôi cảm thấy ai hoài, chua xót. Hình như từ phương trời xa đương trôi về lòng tôi một buổi chiều tận thế.....
    2-1940
  7. Gatgu

    Gatgu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/04/2002
    Bài viết:
    1.030
    Đã được thích:
    0
    Ngày gặp gỡ ​
    Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
    Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò...

    Ngày nhỏ, mỗi lần chán chúng bạn, tôi vẫn hay lại bên mẹ tôi cầu khẩn người kể lại sự cưới xin giữa người và ba tôi, rồi để tôi đem thuật lại với hàng xóm. Tôi còn nhớ nơi mẹ tôi ngồi kể chuyện là một cái hè bằng đất nện trước nhà. Từ đó, tôi vừa nghe chuyện, vừa nhìn ánh nắng chiều nghiêng xế, và những bóng lá lung linh. Có khi đương giữa câu chuyện, tôi véo má mẹ tôi mà hỏi:
    - Đố mẹ biết bao giờ đến Tết ? Đố mẹ biết con được bao nhiêu tiền phong bao?
    Mẹ tôi khẽ gỡ tay tôi ra, lặng lẽ nói tiếp và lặng lẽ ru tôi ngủ mất lúc nào ! Tuy nhiên, trong giấc mơ kỳ dị, tôi vẫn hình dung được cả đám cưới, chú rể là ba tôi, cô dâu là mẹ tôi và... tôi là người dự lễ ! Dần dần tôi lớn lên. Qua mẩu đời sum họp của hai người sinh ra tôi, tôi nhận thấy một định mệnh khe khắt, một duyên phận tăm tối và buồn rầu. Vì thế, tôi được biết rằng phần nhiều, hay tất cả cũng được, những bà mẹ Việt Nam đều phải đau khổ ngay từ lúc lọt lòng. Mọi sự do "Trời" định, các tâm hồn đó chỉ biết vâng theo, một cách nhẫn nhục, một cách lặng lẽ, một cách chua xót vô cùng ! Bao nhiêu thế kỷ rồi, những tiếng thở dài mất tăm trong đêm tối, những mái đầu bù rối nghiêng xuống bổn phận hằng ngày, tầm thường và nhỏ mọn. Cuộc hôn nhân của mẹ tôi, đến nay, tôi mới thấm thía được hết cái đơn giản, cái nghi lễ của nó. Và đến ngày nay, tôi mới hiểu mẹ tôi hơn lúc nào hết, người con gái lái đò trên sông Ghép ngày xưa, người mẹ Việt Nam một cách dịu dàng và cao quý.
    * * *
    Cách đây hơn năm mươi năm. Một buổi chiều mùa hè vàng rực. Trên bờ sông Ghép lặng lẽ của tỉnh Thanh Hóa, dân làng Ngọc Giáp bỗng thấy bóng một người ngoại quốc, tay xách một gói vải xanh và đầu chụp chiếc mũ rơm đã vàng ỏng. Người khách lạ có chiếc trán rất lạ: nó nhỏ nhưng nhô ra một cách bướng bỉnh. Nhất là đôi mắt, sắc như dao, bén như nước, nhìn vật gì thì như hút vật ấy. Hai cái đặc điểm đó nhất định không được tạo bằng thuỷ thổ Việt Nam, mà là bằng tinh hoa của một dân tộc khác. Một vẻ gì xương xương, rắn rắn độn khắp mình người khách, biến cái thân thể thoạt trông thì gầy kia ra sự chịu đựng khó nhọc, ở đấy, một nghị lực bền vững tiềm tàng. Khách mặc một bộ quần áo bằng lĩnh Quảng Đông, nguyên màu đen, nhưng sau khi trải nhiều phong trần, đã đổi sang màu xám kệch. Y phục ấy gợi được trong lòng người gặp, bao nhiêu là cảm giác thanh thú, hương vị xa xôi. Từ đằng xa, những gợn lụa phơ phất như những gợn gió trùng dương, và khi lại gần thì gió trùng dương lại chỉ toàn xông lên một mùi cá mặn ! Linh hồn Trung Quốc phát lộ ra trong từng bước đi, điệu đứng, trong sự trầm mặc, trông tìm, trong cả cách đưa năm đầu ngón tay có móng dài vẩn ghét lên gãi sồn sột chiếc đầu gần như húi trọc tếch. Đêm về trong những bước nhẹ, hắt hiu bốc hơi lên mặt sông.
    Nắng tắt dần dần chỉ còn ánh vàng pha sắc tím. Hoàng hôn ở đây không như hoàng hôn ở Giang Tây, Hồ Bắc, hoàng hôn ở đây ưu hoài như một chinh phụ nhớ chồng. Và như một gã giang hồ chạnh lòng khóc nước. Tuy nhiên, đôi mắt trong và Sáng kia không hề vẩn bởi màu sắc thê lương, vẫn quắc lên nhìn những đợt sóng nhuyễn nhàng bò quanh mấy con thuyền ngái ngủ. Cử chỉ lạnh lẽo đó thật là trái hẳn với cảnh sông nước buồn rầu, cái cảnh tầm thường nhưng đã làm chuyển dời bao nhiêu cuộc đời ngang dọc. Khách ngồi xuống vệ cỏ, không để ngắm cảnh chiều, mà để tháo cái gói vải từ bao lâu vẫn đeo ở tay, lấy ra một gói cơm nắm. Rồi không dao, không đũa, khách bẻ ngoắt nửa nắm cơm, đưa lên miệng, trong khi mấy ngón tay lần gỡ từng miếng cá khô. Đôi lúc khách ngừng nhai, chép miệng cho thấm xuống đáy lòng cái hương vị đậm đà của bữa cơm lưu lạc. Chỉ sau mươi phút, không còn một miếng cơm, một khúc cá nào sót lại trên mảnh lá chuối héo. Tất cả lương thực ngọt ngào trôi qua cổ họng, đảo lộn trong cái dạ dày vô bệnh, để biến thành những dòng máu hùng cường luân lưu nuôi mạch sống, và nuôi lớn mãi cái chí nguyện giang hồ. n xong, khách xoa tay đứng dậy, bước xuống bến sông rửa mặt và vốc nước uống, rồi lại trở lên nằm, đầu gối trên bọc hành lý. Tất cả những công việc ấy như đã được ấn định theo một phương pháp, nên có mạch lạc và quá củ hẳn hoi. Khách nằm rất bình tĩnh, tay chân duỗi thẳng, mặt hướng lên không gian, tâm thần nhập định. Nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy loáng trên bụng khách một lưỡi dao nhọn như lá bùa hộ mệnh đặt ở đấy từ bao giờ. Trời quang lấp lánh sao, hứa một đêm phẳng lặng. Gió sông lên đầy. Làng mạc, xa xa, chìm mờ trong bóng tối, đôi lúc để lọt ra vài tiếng chó sủa ma. Mấy điểm đèn hạt đậu run trên sông như những con mắt buồn từ kiếp trước.
  8. Gatgu

    Gatgu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/04/2002
    Bài viết:
    1.030
    Đã được thích:
    0
    Bỗng, giữa khoảng triền miên rộng rãi, ngân đưa một điệu hát lơ lửng bay trên dòng nước, một điệu hát đò đưa, trầm trầm, lặng lẽ:
    Muốn sang nhưng ngại vắng thuyền,
    Muốn về bên ấy nhưng duyên lỡ rồi!

    Nhịp hát gần lại và xa đi theo chiếc thuyền nhỏ, cô độc, ảo não, trong sự tỏ bày kín đáo của một tấm lòng thương nhớ mênh mông. ở trên bờ sông bên này, người khách đã đứng dậy, tay nắm chuôi dao, mắt nhìn cái vệt lửa của chiếc thuyền đặt mờ trên mặt nước. Thuyền hình như lại gần, vì sóng vỗ vào mạn đò mỗi lúc một mạnh. Và sau khi nhận đúng là một chiếc đò chở khách, người lữ hành của đất nước Trung Quốc hò lên:
    - Tồ ui ! (Đò ơi!)
    Sóng nước trả lời lại cái giọng kêu quái gở bằng một bóng vang lạnh lẽo. Tiếp đến tiếng từ dưới sông vọng lên, cái tiếng nhỏ nhẹ của người con gái xứ Trung Bộ:
    - Ai gọi đò?
    Một phút yên lặng. Người khách lạ khó nhọc lắm mới kiếm được câu trả lời:
    - Ng...ộ...ộ! à "tui tây" (à tôi đây)
    Nói xong khách xăm xăm bước xuống đò, trước vẻ ngạc nhiên vô cùng của thiếu nữ. Đò quay mũi, thiếu nữ yên lặng chèo. Tiếng sóng khua, làm rộn vào lòng nàng một nỗi lo sợ kín đáo. Vừa chèo, nàng vừa liếc nhìn người khách lạ mà thoạt trông, nàng có cái cảm tưởng hãi hùng như gặp một tên giặc cướp Tàu ô ghê gớm. Đò đã ra giữa sông. Một làn gió thổi mạnh. Người khách lạ lúc này đã như rời bỏ những tư tưởng riêng, bắt đầu ngoảnh lên nhìn thiếu nữ. Đó là một cái nhìn rất lẹ, nhưng rất chắc, cái nhìn vẽ rõ ra một sự quáết định, khiến thiếu nữ bậm môi lại, và tuy trong bóng sao mờ mờ, e thẹn nhìn lảng ra ngoài xa... Một thoáng cười chạy qua môi khách, làm dịu hẳn vẻ hung tợn vừa rồi khiến thiếu nữ sợ hãi. Là vì lần đầu tiên trong đời, nàng chịu cái nhìn sắc mắt đó. Nó không tìm ở người nàng những điểm đẹp đẽ, mà chỉ cốt khám phá những điều kiện cần thiết cho sự gây dựng hạnh phúc gia đình, sự vững bền của nòi giống. Và biết đâu, trong khi nghĩ đến những gương cần mẫn đã từng lấp lánh phản chiếu cái đẹp huyền bí, thần thánh của góc trời phương Đông, người lữ hành kia đã không quan niệm người đàn bà Việt Nam như đã quan niệm người đàn bà Trung Quốc? Cho nên, dưới bóng sao đêm ấy, trên dòng sông khuya, người con gái Việt Nam đã che đôi má ửng hồng trước một người khách lạ và cùng lúc không hiểu sao, nàng thấy ngậm ngùi chua xót...
    - Nhà "nị" ở đâu?
    Người con gái ngơ ngác một lúc lâu, rồi mới hỏi:
    - Nị? Nị là gì? Tôi không hiểu.
    Khách cũng ngẩn người trong vài phút mới tìm được cách cắt nghĩa:
    - Nị là...nị! Là...
    Một ngón tay theo câu nói bỏ dở, chỉ thẳng vào thiếu nữ khiến nàng không nhịn được cười:
    - A! Nị là cô?
    Khách lộ vẻ sung sướng đột ngột như người học trò không thuộc bài vừa được bạn nhắc:
    - Cô ở đâu?
    Thiếu nữ mỉm cười, đưa tay chỉ một cái xóm nhỏ gần đấy, nơi hắt hiu Sáng vài chấm đèn dầu lạc loáng thoáng qua hàng rào tre thưa mỏng. Trong đêm, vẳng đưa tiếng chày giã gạo, đều đều rơi vào giữa cảnh tĩnh mịch, như kéo giãn thời khắc buồn bã không bao giờ tàn. Đò ghé bến. Người khách toan đưa đồng xu cầm sẵn trong tay cho thiếu nữ, bỗng lại ngần ngại:
    - Cho "tui" ngủ một đêm ở nhà cô nhé ?
    Thiếu nữ đặt con sào lên thành đò, ấp úng:
    - Ông hỏi mẹ tôi ấy. Tôi không biết !
    Nói đoạn nàng bước vội đi trước, nhưng đôi lúc chậm chân lại, vì biết người khách đang rảo bước theo. Đến một cái ngõ tre, thiếu nữ cất tiếng gọi:
    - Mẹ này, có ông khách "Tàu" xin ngủ trọ.
    Một bà cụ trạc năm mươi tuổi, tay cầm chiếc đèn con, từ trong nhà đi ra:
    - Ai ? Ai mà trọ với ngủ?
    Người khách lạ cúi đầu chào bà cụ một cách kính cẩn. Bà cụ đáp lễ xong, quay lại bảo người con gái:
    - Con xem dọn nhà trên, rồi nhường cái giường cho ông ấy nằm.
    Bà cụ nói vừa dứt, cô gái đã vùng chạy vào bóng tối, đem theo cái mặt chắc là phải đỏ hơn ban nãy nhiều.

  9. Gatgu

    Gatgu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/04/2002
    Bài viết:
    1.030
    Đã được thích:
    0
    Trong khi ngồi tiếp chuyện khách, bà cụ thành thực hỏi:
    - "Chú" đã xơi cơm chưa, để tôi bảo cháu nó nấu?
    "Chú" khách cũng thành thực trả lời:
    - "Tui " ăn cơm rồi. Tui ăn ở ngoài bờ sông!
    Câu trả lời tự nhiên và ngờ nghệch đó khiến bà cụ mỉm cười và khiến cô gái đương ngồi đun nước gần đấy, cũng sặc cười theo. Nhìn cả hai miệng cười cùng một lúc, người khách ngơ ngác đưa mắt liếc hai bà con chủ nhà:
    - Cười? Cười "tui"?
    Bà cụ đỡ lời:
    - À, cháu nó thấy ông lạ.
    Đêm ấy là đêm đầu tiên trong cuộc đời giang hồ, người lữ khách đặt lưng trên chiếc giường tre ẽo ợt, giữa những tiếng và hình ảnh khác hẳn với những cái quen biết ở quê hương. Mái nhà tranh lợp sơ sài, để chảy xuống mặt khách một dòng ánh trăng hạ tuần, và ngừng lại ở đấy thành những đồng hào mới long lanh. Gió thổi trong vườn cau, xào xạc. Tĩnh mịch dễ làm đuối lòng người. Lữ khách lúc này, đã thấy chết chí phiêu lưu, bôn tẩu, để cảm khái trong niềm thương nhớ, trong giây phút chạnh lòng tưởng đến một mảnh đất xa xôi. Lữ khách ngạc nhiên ghé tai vào cõi yên lặng, cái yên lặng mênh mông và u uất, không bị phá bởi một tiếng súng bắn cướp nào như ở quê hương. Mấy tiếng tù và khuya rúc lên, bay vào gian nhà vắng. Lắng biết mọi người đã ngủ yên cả, vị thần tử của giang sơn Trung Quốc vắt chân chữ ngũ, khe khẽ ngâm một bài thơ cổ, qua nỗi xúc động đột nhiên tụ lại trong người:
    Uỵt loọc, vú thày sướng mủn thín,
    Coong phống, dì phổ, tui sàu mìn,
    Cú chấu sèng ngồi Hồn sán sì,
    Dề pun, chống séng tâu hạc sin.
    (*)
    (Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
    Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên,
    Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
    Dạ bán, chung thanh đáo khách thuyền...)
    Ngay lúc ấy, từ gian buồng bên nổi lên mấy tiếng gì như chuột rúc. Lữ khách, thấy đứt mạch cảm hứng, càu nhàu trong bóng tối:
    - Ấy dà! Cẩm tố xỉ a ! (Chà! Lắm chuột thế! )
    Nhưng đó không phải là tiếng chuột rúc. Đó là tiếng người con gái chở đò ban tối cười qua hai làn môi kín đáo khép lại.
    1-1940
    ---------------------------
    (*): Bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế, thời Đường.
    Mắt em to
    K0, mắt anh to
    K0 tin 2 đứa chập mi đo
    Mắt chưa chạm mắt môi đã chạm
    Mắt nhắm lại rồi làm sao đo?
  10. Gatgu

    Gatgu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/04/2002
    Bài viết:
    1.030
    Đã được thích:
    0
    Chị Yên​
    Chính tên chị là An. Mẹ tôi gọi tránh ra là Yên. Yên là con nuôi mẹ tôi, nuôi để thay cho người nhà, để có ai hỏi thì bảo: nó là con nuôi tôi. Mẹ tôi thường kể lại rằng mua chị ta với cái giá hai quan tiền vào một năm lụt lội, đói kém. Yên như biết phận mình là con nuôi nên không bao giờ lên mặt với tôi hết. Ngày tôi còn nhỏ, Yên giữ tôi. Đó là người bạn gái ngày xưa, để sau này thành một người chị rất tốt. Kể ra, đối với Yên, tôi chịu lỗi nhiều lắm. Lòng tử tế, trung thành của Yên, mỗi lần nhắc đến, tôi không khỏi ngậm ngùi. Ngày nay, tuy Yên không sống chung với tôi trên quả đất này nữa, nhưng hình ảnh Yên vẫn theo tôi, bên những hình ảnh thân mến khác.
    Chị Yên có một thân hình gầy nhẳng, trái hẳn lại với cái sức khỏe dai dẳng của chị. Cái nghệ thuật độc nhất, cái nghệ thuật đạt được đến cái độ tối cao của Yên là sự bổ hết mười hai tạ củi trong một ngày liền. Mẹ tôi đảm đang thế mà vẫn phải lắc đầu, mỗi lần thuật lại cái kỳ công ấy. Một hôm chị Yên cầm dao rựa chặt củi, vô ý để lưỡi dao phập vào đầu ngón chân cái bắn ra cách đấy vài thước. Không một tiếng kêu, chị lấy vạt áo bịt ngay chỗ máu chảy, và lê dần nhặt cái đầu ngón chân lìa ra kia, chắp lại. Tuy bị thương, chị vẫn bổ củi, với một vẻ điềm tĩnh không hai. Không phải chị Yên bị mẹ tôi bạc đãi, nhưng vì tính thích làm, nên Yên tự muốn đầy đọa mình luôn. Người con gái ấy, suốt trong mười mấy năm trời, đã chứng kiến cái lên xuống của gia đình tôi, đã chia chung cảnh vui vẻ, nghèo khó với mọi người trong nhà. Ngày bốn lượt, chị gánh hàng cho mẹ tôi đi, về chợ, tiếng kẽo kẹt của chiếc đòn tre trên vai, bình yên nhip với tháng ngày âm u vắng mọi sự xa hoa của một người đàn bà Việt Nam chân chính. Chị Yên của tôi không đẹp, nhưng có duyên. Chị ăn trầu cắn chỉ, và vá vai một cách tài tình. Đôi khi có người giễu cợt chị, chị chỉ yên lặng. Tôi không hiểu có phải vì sự chịu thương, chịu khó như thế mà kiếp Yên chỉ là một chuỗi ngày đau khổ, nó thu ngắn đời sống của Yên lại không ? Chị Yên là tượng trưng cái tinh thần Việt Nam cao quý, là đại biểu của những bà mẹ cúi mình trên sự khó nhọc, để sinh sản ra một đàn con lìa cội rễ, vênh vang tự nhận mình là những đầu óc sáng suốt của cái thế kỷ đương qua. Trước sau, dưới sự phán đoán nghiêm ngặt của kỷ niệm, đối với chị Yên tôi vẫn là người bội bạc. Chữ bội bạc, với tôi, còn là nhẹ, tôi toan mượn đến tiếng dã man. Tôi không thể nào quên được một hôm, đi học về, lục nồi không thấy cá thu, thứ cá tôi ưa nhất, vì chị đã để cho mèo tha mất rồi, tôi nóng mắt, sẵn đôi giày Tây đang đi, nhằm xương ống chân chị mà chọt một cái thật mạnh. Yên nhắm mắt lại, nghiến răng để chịu đựng sự tàn ác của tôi. Khi nghe thấy tiếng guốc của mẹ tôi xuống nhà, Yên vội đứng lên, xuýt xoa:
    - Khiếp ! Cái bực cửa làm cao quá, vấp phải luôn !
    Mẹ tôi lườm chị và mắng:
    - Rõ mù ! Người ta đi thì chả thấy việc gì. Chỉ được cái bị thịt !
    Tôi không biết nói thế nào cả nên yên lặng. Đợi mẹ tôi đi khỏi, tôi tháo đôi giày Tây ra, trói cả hai chiếc làm một, định vất xuống ao. Chị Yên thấy thế, can tôi:
    - Đừng em ! Vất giày đi, nhỡ mẹ hỏi không thấy, mẹ đánh chết !
    Tôi phụng phịu trả lời:
    - Nó đá chị thì em vất quách nó đi.
    Đôi giày ấy, tôi đem ném nó vào một xó, nói thác với mẹ tôi là đau chân phải đi guốc. Tôi vất nó đi, nhưng thỉnh thoảng Yên lại lấy nó ra lau chùi, làm tôi phát gắt:
    - Chị còn tiếc nó làm gì nữa. Để em chặt nó ra.
    Tôi chặt nó ra thật. Bắt đầu từ đấy, không bao giờ tôi dùng thứ giày Tây mõm nhái và có ống như thế nữa. Thậm chí tôi ghét lây cả những người mang nó. Tôi thương Yên ngày một thêm, bởi chỗ tôi đá Yên loét thành một mụn sâu quảng, rồi biến ra cái sẹo thâm đen. Lòng tôi đôi phen thắt lại, rùng rợn nghĩ đến cái cử chỉ hung hãn của mình. Còn Yên, Yên không nghĩ gì hết. Mỗi lần tôi nhắc chuyện xưa, Yên chỉ cười mà gạt đi:
    - Trò con nít, nhắc lại làm gì!
    Lòng Yên chỉ biết có sự trung thành và tận tuỵ. Yên không thể nào như tôi, một người tự tạo ra đau khổ để sống, để sung sướng vì thấy mình đau khổ hơn người. Tâm hồn mơ ước kín đáo của người con gái ấy chỉ hơi hé mở để rung động vì một trong số những người thích Yên. Tôi biết chuyện, trêu Yên, và Yên chỉ đỏ mặt. Yên không biết chữ, nên vẫn nhờ tôi đọc các truyện Phạm Công và Cúc Hoa cho nghe. Yên thuộc lòng từng đoạn và đôi khi ngâm lên. Dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu con, những tối, Yên chăm chú nghe tôi đọc, và nhiều lúc đọc theo. Cuối năm ấy, người yêu Yên đến hỏi Yên. Mẹ tôi bằng lòng gả, nhưng bảo đợi đến hết tang ba tôi. Non ba năm đối với người con gái ấy có là bao; đó chỉ là một sự đợi chờ nhỏ nhặt, bên cạnh những công việc liên miên. Gia dĩ, chị Yên lại không biết thế nào là phản bội, thì cái ái tình chỉ thầm nuôi trong lòng hẳn phải là đẹp đẽ, chân thật.

Chia sẻ trang này