1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Chat với mình

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Quan_Di_Ngo, 10/11/2007.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Quan_Di_Ngo

    Quan_Di_Ngo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/09/2003
    Bài viết:
    1.528
    Đã được thích:
    4
    Chat với mình

    [1]

    - Hổm rày nghe chừng lắm chuyện, nào là chuyện kinh doanh, chuyện thơ văn lại cả chuyện thư pháp thư phiếc nữa, mệt không?
    + Mệt.
    - Vẫn sống đấy chứ?
    + Sống.
    - Vợ con thế nào?
    + Khỏe.
    - Mày trả lời như thằng khùng ấy. Tao biết hết suy nghĩ của mày, cả những điều mày đã chia sẻ với người đời, cả những điều mày thinh nín. Mà mày thinh nín để làm gì cơ chứ?
    + Tao có lý do.
    - Thôi đi ông nội! Cái lý do của mày tao cũng biết tỏng rồi. Tao chỉ muốn mày thật với với tao, cũng là thật với chính mày. Nhiều lúc tao thấy tủi thân, mày ôm đồm đủ thứ, chẳng bao giờ mày tự hỏi mày, tức hỏi tao xem phải ôm đồm thế làm gì. Cuộc sống hẩy mày lên cái bục sân khấu nham nhở tì vết son phấn thế chưa đủ hay sao? Có khi nào mày nghĩ cho mình?
    + Tao biết phải nói gì bây giờ. Mọi thứ chung quanh tao giống như những trang sức của nỗi buồn, nó càng tô điểm thì càng buồn. Tao chỉ muốn dừng lại mọi thứ, cho các tế bào thần kinh ngơi nghỉ, nhưng đó lại là điều xa xỉ nhất mà tao không bao giờ có được. Thì đành xoắn tay lên làm, mà đã làm thì nói để làm gì!
    - Ừ, mà cũng khó cho mày. Tao biết trong đầu mày được nhồi nhiều những giá trị khuôn thước, cổ điển và cổ hủ. Đó là những cái gông mày tự đeo vào cổ, nhưng cũng chính lại là thứ trang sức duy nhất làm cho mày dễ dàng nhận diện trong cái thời buổi hiện sinh này.
    + Mày bảo thời này mà hiện sinh á? Mày bao dung hay mày keo kiệt về góc nhìn thực tại mà lại phát ngôn như thế? Tao nghĩ mày đang làm nhục Thủy tổ của chủ nghĩa hiện sinh để vinh danh Thủy tổ của chủ nghĩa thực dụng.
    - Aaaa! Thế là tao chọc cho mày nói được rồi. Có thế chứ. Cứ nói toạc hết ra, tội quái gì mà phải ngậm miệng tự sướng, tự đau lấy một mình. Mày không thấy sao, bạn mày đó, nó có cần gì nghĩ ngợi khi nói, khi viết. Ấy thế mà nó vẫn sống bằng nhuận bút của mấy tờ báo lá cải đó thôi. Hết đề tài, nó moi cả chuyện bố mẹ nó ra để đưa lên báo, rốt cuộc, lại đỡ cho mẹ cha nó ít tiền phải cung phụng nó hằng tháng. Tao nhớ hôm đọc "Giấc mơ hình chiếc thớt" của Trần Quang Quý, bỗng chợt nhớ đến câu nói vui của Nguyễn Hòa về cái dự định ông sẽ viết một bài phê bình tựa đề là "Thực tại dáng con dao". Nghĩ thấy vui vui. Hai cái thứ "Thớt" và "Dao" có vẻ như đối lập, nhưng nó cứ làm tao liên tưởng đến những hoạt động tác động có tính bền vững đến kinh ngạc. Thế mới biết, thớt thiếu dao thớt ì chơ cái mặt, dao thiếu thớt, dao biết chém cái chi...(xin khất lỗi tác giả bài hát Tình cây và đất, nhưng nếu được, xin vui lòng viết thêm một bài Tình dao và thớt).
    + Mày có cái kiểu nửa mếu nửa cười cay nghiệt đó từ bao giờ thế? Cứ cho là cuộc đời này nó là thế đi, nhưng đã ai chết vì những điều khốn nạn đó đâu. Tao có đọc cái bài "Phê bình sự phê bình có tính văng mạng" của Nguyễn Hòa rồi, nhưng đọc xong, tao thấy cái việc ông ấy lo và nghĩ cũng chả giải quyết được vấn đề gì, có chăng là lại làm cho mấy tay được "phê bình" cười hả bụng, vì họ luôn có cách phản ứng là, người ta khen hay chửi mình tức là có...đọc và biết đến mình! Đấy, đến như nhân cách và nhân phẩm lẫn đạo đức tối thiểu để giữ gìn chút liêm sỉ họ cũng đem ra để đổi lấy một chút tiếng tăm, thì trách gì mấy đứa trẻ con!
    - Mày bảo ai trẻ con? Xin lỗi mà ạ! Có họa chúng nó coi mày là trẻ con thì có. Trong mắt chúng nó, mày chẳng là cái đếch gì đâu. Thế mày không nhớ à? Một thằng sinh viên choạc chọe học chẳng môn nào quá năm điểm, nhưng cứ mở mồm là tinh thông bách nghệ, đàm luận trăm ngành, không những thế, nó còn lôi cả các giáo sư tiến sĩ ra vuốt lại râu cho Âu - Nhan - Liễu - Triệu, lẫn bố con nhà họ Vương bên Tàu và cả Alexandre De Rhodes bên Tây đó sao? Mày ăn nói coi chừng, kẻo bờ vách có tai, chúng lại cho mày lên báo bây giờ!
    + Ừ, chết thật, mày nói tao lại mới nhớ, cách đây ít bữa, tao nhỡ góp ý đôi nhời với một ông tiến sĩ văn học về cái bài ổng phang túi bụi giới viết trẻ, tao thấy ổng chụp mũ quá, lại phê bình theo cái lối cảm tính, với giọng điệu kẻ cả đầy phán xử. Tao cũng chưa cho đăng ở đâu, mới gửi qua mail cho ổng đọc, thì ổng trả lời quanh co một hồi, sau đó đề nghị theo cái kiểu của những kẻ xỏ dép hai chân rằng: "Tuấn đăng ở đâu cũng được, nhưng đề nghị không được đăng ở...nhé". Đúng là tiến sĩ văn học có khác (nghe đồn là có thêm cả học hàm Phó giáo sư), viết một câu văn đề nghị nhưng lại có hai chữ "không được", nghe cứ như là ra lệnh chứ đâu phải là đề nghị đề xuất gì. Tao nói thật với mày, tao chả muốn lấy cái "hiện tượng " đó để gán cho cái "bản chất" của một số người vừa lo làm chức sắc, vừa viết lách dạy đời, nhưng tao buồn lắm mày ạ.
    - Thì tao bảo rồi, mày chỉ được cái đa đoan, mà đa đoan thì đa nghĩ, đa nghĩ thì đa huệ lụy. Thôi, kệ thây hết đi cho rảnh nợ.
    + Nói là nói thế thôi, chứ quẳng thế quái nào được. Nhiều khi tao thấy mình như thằng dở hơi, chuyện mình chẳng lo cứ đi lo chuyện người khác. Mà thôi, để mai nói chuyện tiếp nhé, tao đi hầm móng heo cho mẹ thằng cu. Hix, cuối cùng thì cả ngày cũng làm được một việc có nghĩa là vô bếp nấu cho mẹ con nó được chút đồ ăn. Đúng là, khi nhìn mẹ nó ăn và nhìn con nó bú, tao thấy ý nghĩa hơn mấy vạn ngữ ngôn chật ních trong sách vở mày ạ.
    - Ừ.

    [2]

    + Nghe mày ừ, tao thấy chẳng giống mày tí nào. Mày xưa giờ vẫn thường hăng hái, dũng khí lắm cơ mà! Sao nghe tao ví việc nấu đồ ăn cho vợ con còn ý nghĩa hơn mấy vạn ngữ ngôn trong sách vở, thì mày lại tư lự thế?
    - Tao đang nhớ nhà. Quê nhà đang bão lũ, nước dâng ngập mọi ngả đường, đồng ruộng. Muốn về thăm cũng chẳng dứt ra về được. Mọi liên lạc đều qua điện thoại, lúc được lúc không. Sông Chu nước lớn vượt báo động 3, sông Mã có nơi nước tràn ngập vào khu dân cư xấp xỉ mái nhà, sông Cầu Chày phải mở hết các cửa đập Cầu Nha mà nước vẫn lớn gần tới mặt đê. Tao không lo năm nay quê nhà sẽ vỡ đê, vì liên tục mấy năm được nhà nước đầu tư kè đắp cũng ổn. Nhưng còn mùa màng...Lại đói thôi!
    + Cũng dễ lắm. An ninh lương thực địa phương mấy năm nay nghe chừng không ổn. Kể từ sau cái vụ phá lúa trồng mía theo cái quy hoạch vùng kinh tế mía trọng điểm của tỉnh, bà con có nơi bán mía mua lúa chẳng đủ ăn, lấy đâu dự trữ. Năm nay nước ngập khắp các cánh đồng, kiểu gì rồi sau khi nước rút, chỗ nào còn cây mía sống được cũng hóa bông hết, tỉ lệ đường giảm, thì bán được mấy xu. Không đói mới là lạ.
    - Thì mày tính một xã như xã Quảng Phú, thuộc diện miền núi, thu nhập trong dân chủ yếu dựa vào cây mía cây sắn, thế mà cán bộ tham ô tham nhũng từ trên xuống dưới đến bạc tỷ. Đợt vừa rồi công an về tóm cả chủ tịch lẫn bí thư. Cũng may cho dân...
    + Ôi dào, mày chỉ được cái nghĩ xa xôi, ngay xã mày đó thôi, tay chủ tịch xã tham nhũng, bị kỷ luật, sau đó lại được đề bạt làm bí thư đảng bộ xã. Có cái ngược đời nào mà bị kỷ luật lại được lên chức bao giờ. Dân họ phản đối, phía tổ chức cán bộ huyện mới thu xếp khéo cho lão ấy về. Nhưng vừa qua lại nghe tin lão được bầu làm bí thư chi bộ xóm 21, vì chả còn ai có trình độ để làm. Cái vòng là cái vòng vèo ấy, nghĩ chỉ tổ nát đầu thôi. Nhưng phúc đức là Đảng và Nhà nước gia sức chống tham ô tham nhũng, bọn hại dân mọt nước ấy mới bị đưa ra ánh sáng. Nếu không, kiểu gì nhân cái vụ...bão bùng này chúng lại có cớ mà kiếm chác.
    - Mày nhỏ nhỏ cái mồm thôi...
    + Ơ hay, thế tao nói sai à?
    - Không sai, nhưng với nhiều người thì...không đúng.
    + Ơ, với ai?
    - Thì tao cứ nói thế, mày cứ đợi rồi hẵng biết. Thế mày định bán đất quê không bao giờ về làng nữa sao mà toàn lôi mấy vị đó ra mà rủa thế. Làm ơn nín đi cho tao được nhờ cái phúc khi lá rụng...về vườn.
    + Mày cứ làm như nhà mày lắm đất ở quê lắm không biết! Gớm, có được 35 mét vuông, nhờ ****** đi bộ đội bị thương tật đầy người, mới được mua theo giá gốc. Cả nhà bốn người cộng với ba con chó, đi vô đi ra đụng nhau chan chát, ở quê, một mụn đất ấy có bán cũng chả mua được một chiếc xe Tàu. Bán với chả chác!
    - Tao cứ lo xa thế đấy. Cái ngữ mày lang bạt hết trong Nam ngoài Bắc, còng lưng kiếm đất cắm dùi mãi mà chưa xong. Mai kia khe hết ba cái chữ học được của ông thầy cúng đang thịnh ở thành phố, rồi lại vác dái về làng, lúc đó, chữ của mày chẳng che nổi cái thậm thụt đâu con ạ!
    + Tao nói có vậy mà mày xồ lên ngoa ngoắt thế? Tao biết khi nào thì sẽ chui về làng. Nhưng tao tin, còn lắm người giàu lên nhờ thời cuộc thì còn sinh hàng đống lễ nghĩa. Cái chữ thầy cúng của tao vẫn có khối người cần. Mày không ra đường Nguyễn Thái Học mà coi, cả chữ lẫn khung họ đòi những sáu nhăm nghìn, trong đó khung chỉ hết có sáu mươi nghìn, còn những năm nghìn tiền chữ. Thế thì đói làm sao được. Chỉ thương các cụ ở quê, bòn vườn cả tháng giáp hạt không mua nổi một đôi pin Con Thỏ phòng khi đêm hôm mưa gió. Ở ngoài đây, viết có mỗi chữ, mà đắt gần bằng hai cân thóc. Tao là tao còn lâu tao mới về.
    - Thì ra đồng tiền làm mờ mắt mày rồi. Mày tham ba cái tiền lẻ của người ta mà quên quê hương đó phỏng?
    + Mày đừng có mà bảo đó là tiền lẻ nhá! Mày quên những ngày cù bất cù bơ ở Sài Gòn rồi sao? Đi lượm rác cả đêm kiếm không đầy chục nghìn bạc, sáng ra gặm ổ bánh mì không bơ không sữa rồi đi học. Cầm trên tay tờ trăm nghìn cứ run lẩy bẩy, sợ đứa nào nó móc mất thì có mà đi ăn mày. Bây giờ bán được một chữ dăm nghìn, đã vội thấy phú phụ bần!
    - Ừ, mày nói tao hiểu ra rồi. Mà mày nhắc đến Sài Gòn làm tao thấy nhớ quá! Thôi, viết mấy cái comments trả lời bạn bè đi rồi còn đi ngủ, mai tâm sự tiếp nhé.
    + Ơ..mà..ừ, thế cũng được.


    Được Quan_Di_Ngo sửa chữa / chuyển vào 22:31 ngày 10/11/2007
  2. Quan_Di_Ngo

    Quan_Di_Ngo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/09/2003
    Bài viết:
    1.528
    Đã được thích:
    4
    [3]
    - Không ngủ được à?
    + Hồi nãy mày nhắc đến Sài Gòn làm tao nhớ quá. Không biết giờ này anh em bạn bè thế nào. Nhớ có lần ngồi uống rượu thịt chó ở Cầu Ông Tạ, bạn tao hát "...bận hành quân nên chắc khó thăm nhau...", làm cho cả mấy đứa nín thinh không nói gì, cứ nâng rượu lên là nốc cạn.
    - Mày rồi cũng khổ suốt đời thôi! Cái gì quên được thì quên đi. tao nghe nói, cái bộ não người cũng giống như cái khuôn làm đậu phụ (Tàu hũ), khi đã đầy, nhận vào chỗ này, nó phòi ra chỗ khác. Chả biết có phải thế không mà như cái chuyện cười về nhà khoa học kia nuôi con mèo, đến khi nó đẻ mèo con ông ta phải đục đến hai cái lỗ, sợ một cái, mèo lớn đi không có lối cho mèo con đi. Tao nghĩ, chắc "cái khuôn đậu phụ " của ổng đã đầy.
    + Ôi giời, mày cứ nói thế, ra đường mà xem, khối đứa chả biết đã đầy cái khuôn ấy hay chưa, nhưng kiểu cách thì phọt ra nhìn thấy. Nhất là cái thời buổi bây giờ, đi đâu cũng phải cần cái Profiles cho thật đẹp, thật dầy và thật dài, nhìn thoáng qua thấy đủ các loại chứng chỉ, đủ các loại thành tích chứng minh năng lực. Sợ thật. Mà họ học gì mà học được nhiều thế không biết!
    - Tao cứ tưởng mày làm cửu vạn cho chữ nghĩa ở thành phố mãi, thì cách nghĩ, cách tư duy phải khang khác lúc ở quê kia chứ. Vẫn cứ là nông dân đặc sệt thôi. Này nhé, cái đống profiles ấy toàn là coppy lẫn nhau thôi. Nhưng khốn nạn là ở chỗ, biết tỏng tòng tong là chúng vẽ cho đầy hồ sơ năng lực, nhưng các nhà tuyển dụng và sử dụng chúng vẫn cứ...cho là thế. Hôm tao hỏi một thằng cha hiện làm giám đốc quan hệ đối tác cho công ty...rằng, ông nhiều bằng cấp thế, mà ông chỉ có hơn tôi một tuổi, thế ông học lúc nào mà có 3 bằng đại học, một bằng chuyên tu quản lý nhân sự, một bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh? Hắn cười rồi bảo, tôi chỉ có một cái bằng cử nhân ĐH ngoại thương thôi...
    +Ơ, thật à?
    - Thế chả thật hóa ra tao nói điêu mày à! Mày mà được xem đống hồ sơ dự thầu các gói công trình xây dựng khu trường CĐ Công nghệ XYZ, mày có mà sợ vải linh hồn. Có những hồ sơ công ty vừa mới thành lập doanh nghiệp được chưa đầy hai tháng, mà các công trình đã từng tham gia xây dựng liệt kê hết gần hai mặt giấy A4. Mày có gọi hồn Ngô Thừa Ân dậy viết tiếp Tây Du Ký, ban cho Tôn Ngộ Không thêm 72 phép nữa thì lão Khỉ ấy cũng bó tay. Nhưng...
    + Mày cứ nói tiếp đi...
    - Nhưng mà nghĩ đi thì cũng nên nghĩ lại. Bây giờ hội nhập rồi, WTO cũng đã vào, các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào nước ta như cá chép mùa vật đẻ, các doanh nghiệp mọc lên như nấm, không cạnh và tranh thì có mà ra rìa. Người ta vẽ chút hồ sơ cho đẹp, để qua mắt nhà đầu tư xây dựng cũng hòng kiếm bát cơm thôi.
    + Thế hóa ra cái vụ sập cầu Cần Thơ, cũng có cái kiểu đó à?
    - Mày cú rúc váy vợ, chả chịu đọc báo chí gì cả. Báo điện tử VnExpress đưa tin to đùng ra đó: Chiều 2/10 được ủy quyền của Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định khởi tố vụ án sập cầu hôm 26/9 với tội danh "vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
    + Ôi trời ơi, người ta có thể vì miếng cơm như mày nói mà đánh đổi hàng mấy chục mạng người được sao? Cũng xây và cũng dựng, nhưng cứ nhìn cây cầu Long Biên được Pháp xây dựng từ 1899 - 1902 mà thấy nghẹn ngào cho những câu cầu hiện đại. Chả nói gì xa xôi, ngay ở quê mình đó, đê sông Cầu Chày được các cô chú Thanh niên xung phong ngày trước đắp, lụt to, nước ***g qua chân đê mà không vỡ. Còn đê sông Chu, do các nhà thầu bây giờ trúng thầu kè đắp, sửa chữa, cứ lụt mùa trước xong thì mùa sau kè lại. Thế mới biết, thuở khoai sắn thay cơm mà người ta làm thật, thuở vi tính vi tiếc thì lại ăn thật làm láo.
    - Thì đó, hồi nảy trên thời sự đưa tin Ông Musharraf chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Pakistan, phát biểu với báo chí, ông bảo: "Dân chủ là số đa!". Có lẽ, bây giờ cái gì được nhiều người tán đồng, thì đó là dân chủ, thì đó là...[chân lý]. Mấy lão dân làm chủ mấy công ty kia tự tay xé đôi hai chữ dân chủ ra, để tự cho mình cái quyền làm chủ những tính mạng người khác. Chẳng trách gì mà nhìn sắc mặt các nguyên thủ nhà nước mấy hôm rày trên tivi hốc hác đi hẳn. Chưa lo chỉ đạo vụ Cần Thơ xong thì lại đến bão lũ khắp miền Bắc, miền Trung. Mà phần nhiều các hậu quả lại như lời Thủ tướng phát biểu hôm rồi trên truyền hình là, do quá kém về quản lý nhà nước.
    + Ừ.
    - Mày lại ừ nữa rồi.
    + Thì biết nói gì?
    - Thế mày không thấy cái trách nhiệm công dân của mình à? Cả nước đang hướng vào những khu vực bị thiệt hại từ vụ sập cầu đến các nơi đang khắc phục hậu quả bão lũ. Mày cũng nên làm gì đi chứ. Không đóng góp được gì thì ủng hộ qua Chữ thập đỏ mấy ngày lương. À, mà mày từ tháng ba đến giời có được nhận đồng lương nào đâu mà ủng hộ. Thôi thì làm việc gì đó cũng được, miễn là tấm lòng.
    - Ừ, tao hiểu rồi....
    [4]
    - Thế đấy, cứ phang cho mày tẹo tèo teo lý lẽ, là hoặc mày nói mày hiểu rồi, hoặc là thần mặt ra nghĩ ngợi.
    + Vậy phải phản ứng làm sao? Mày thừa biết tính tao rồi còn gì. Đi nhậu với ông tiến sĩ dỏm, tao chẳng thấy ngon miệng bằng ngồi uống rượu cồn với mấy chú chạy xe ôm. Nhớ hôm rồi đi "công cán" với tay tiến sĩ..., về rồi chả biết viết cái gì, đành ngồi đọc Kiều ru vợ ngủ.
    - Kể ra mày cũng lạ! Cái thời nào rồi mà mày sống cực đoan bỏ xừ. Bây giờ, ngành khoa học vũ trụ đã đưa người lên mặt trăng, sao hỏa rồi. Biết đâu chừng, trong lúc cuống cuồng, các phi hành gia đại tiểu tiện lên chỗ nằm của chị Hằng ngồi xõa tóc í chứ. Vậy mà, lúc nào cũng thấy mày ngồi ngâm thơ, ngắm trăng và khen trăng không những đẹp mà còn...độ lượng.
    + Mày lại suy diễn rồi. Thú thực, tao cũng có đọc và theo dõi các trào lưu văn học qua báo chí truyền thông. Vui lắm mà buồn cũng lắm. Vui là bây giờ đi đâu cũng gặp được nhà thơ, nhà văn, chứ không như thuở nào, chỉ biết đến quý vị ấy trong sách giáo khoa. Buồn là gặp rồi chả biết họ là ai với ai. Cứ nghe người gọi chung chung cho họ là nhóm này, nhóm kia, xanh xanh, đỏ đỏ. Tao ít thấy có cái tên nào tre trẻ đứng độc lập được ít ngày. Tao lôi sách của họ ra đọc, ngửa mặt lên trời không phải để ngắm trăng, mà là đang cố hỏi ông trời xem họ viết gì. Nói ra, tao chỉ sợ mày bảo tao dốt nát, nhưng quả là nhiều bài của họ tao không hiểu được. Hoặc có hiểu, thì tao cũng chỉ hiểu sơ sơ là, họ mới phát minh ra phép sử dụng tu từ kiểu mới, phép chia các từ láy ra thành nhiều từ đơn rồi ghép lại thành từ mới, mang nghĩa tương tự hoặc chả còn nghĩa gì nữa. Tao thấy họ làm rất hay. Chí ít thì nó cũng cho tao thấy nó na ná như ngày trước tao mơ hồ về một khái niệm văn chương hiện đại, là dần tiến đến việc xóa bỏ các quy ước, định đoạt số phận riêng cho các cụm âm tiết trở nên sang trọng hoặc dị biệt.
    - Tao thấy mày yêu và ủng hộ văn trẻ, thơ trẻ lắm cơ mà. Sao lại suy nghĩ thế?
    + Tao có nói là tao không yêu đâu. Yêu lắm đấy chứ. Ủng hộ cả hai tay. Họ nhiều khi có vẻ bầy đàn trong sự cô độc của các quan niệm đang cuộn vòng trong não bộ các vị tiền bối trước họ, thêm vào đó là những trăn trở muốn bước ra khỏi những khuôn thước gò bó. Mãi hồm rồi mở cửa sân thượng ra phơi tả lót cho con, tao mới hiểu được lí do tại sao tao yêu họ. Vì cũng giống như người leo cầu thang, leo hết bậc thì đụng phải trần nhà rồi lại đi xuống. Chỉ khi mở được các cánh cửa dẫn ra sân thượng, nhìn được ánh trăng không bị phất phơ tả lót che ngang, lúc đó họ mới nghĩ và mơ đến những cánh diều bay trên trời lộng gió. Tao hiểu được sự hân hoan đó của họ.
    - Mày cứ vẽ chuyện. Thực ra, con người ta ai chẳng muốn khác người, hơn người. Điều quan trọng là ít ai nhận ra cái có thật của mình, đó là năng khiếu trội nhất của họ, để phát huy. Tao tin rằng, khi ai đó tìm thấy và tập trung hết sức cho năng khiếu trội của họ, nhất định họ sẽ thành công, họ sẽ là họ trong ý nghĩa của cái đơn nhất, cái vinh quang, cái không lẫn lộn, cái tách li khỏi hệ thống bầy đàn.
    + Biết thế, nhưng cái tầm của những năng khiếu trội đâu có phải ai cũng như nhau. Tao nghe đồn, có vị phê bình nói rằng, các tác phẩm văn chương trẻ (8X) bây giờ hầu hết là nông nghĩa, nếu không muốn nói là đơn nghĩa. Tao nghĩ, vị phê bình kia cũng có chút có lý, vì có vẻ như các tác phẩm văn học trẻ gần đây ít lóng lánh như những giọt sương mai để có thể làm cho con họa mi soi gương buổi sáng, phải bật lên tiếng hót, mà có khi lại như giọt nước lọc bỏ trong bình, làm cho con quạ vục mỏ vào uống xong bị nhiễm độc bởi thành phần cứng chưa xử lý quá nhiều. Tuy nhiên, đừng vì thế mà dội nước lạnh lên đầu họ nếu như không làm được cái việc là tiếp lửa cho họ. Chí ít, họ dũng cảm hơn nhiều người chỉ biết ôm khư khư lấy những xác chữ lẫn xác trí tuệ của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... để làm nên những tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Có lẽ, tao yêu họ bởi vì tao luôn yêu những ai dám nghĩ, dám làm ra cái mới, dù cái mới đôi khi phải chấp nhận sự méo mó hoặc dị dạng, nhưng nó đủ tư cách là một sản phẩm trí tuệ mà không phải ăn cắp rác thải tâm hồn của những người đi trước.
    - Hôm nay mày nói to mồm thế? Mày vẫn hay thích Bùi Giáng ở câu: Rằng xin các hạ hãy vô ngôn lắm cơ mà?
    + Mày lại nhắc tao đúng cái nhân vật mà tao đang nghĩ tới rồi đó. Thôi để khi khác tao nói cho mày nghe về cái sự "nhiễm" Bùi Giáng hay học đòi Bùi Giáng cho nghe nhé.
    - Nói chuyện với mày tức bỏ mẹ, cứ đến đoạn tao thích nghe thì mày lại bận. Thôi cứ đi làm đi..
  3. Quan_Di_Ngo

    Quan_Di_Ngo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/09/2003
    Bài viết:
    1.528
    Đã được thích:
    4
    [5]
    + Mày đang nói đến những người bị "nhiễm" Bùi Giáng, mà là nhiễm gì? Nhiễm cái sự điên hay cách viết văn làm thơ của cụ?
    - Gần như là nhiễm đủ thứ. Có kẻ học đòi điên theo Bùi Giáng, nhưng học không đến cái trình điên hoành tráng như tỉnh, hóa ra điên dại. Có kẻ khôn quá hóa hèn, tưởng bắt chước cái kiểu u u tịch tịch trong cách dụng ngữ hành văn của Bùi Giáng, rốt cuộc, lại cứ ngọng ngọng ngịu ngịu, đọc thấy cứ có mùi nước chấm. Có kẻ tỉnh khô cũng lại giả vờ điên một cách móm mém, nhảy lên mặt báo, ngồi xổm chỉ trỏ rằng Bùi Giáng là thế này thế nọ.
    + Mày nói vậy thì họ đâu có "nhiễm" được gì. Mà nếu như đúng thế, thì đấy không phải là nhiễm, mà theo cách nói của người xưa là "hữu xạ tự nhiên hương", nên **** ong nó vật vờ kiếm tí chút dư vị. Cũng lạ, cái chữ "hương" với cái chữ "mùi", về mặt vật lí tính mà nói, đều là dạng khuếch tán các phân/nguyên tử, nhưng nếu nó tác động lên khứu giác theo cách con người quy định là "thơm" thì gọi là "hương", mà "thối" thì gọi là "mùi". Tao thấy trong trường hợp này, nếu nói cho đến cùng thì phải chữa câu nói kia là "hữu xạ tự nhiên...mùi" mới xứng đáng với các khứa giác của "bọn giả tỉnh".
    - Mày lúc nào cũng ngoa ngoắt cái mồm. Chả trách gì mấy em sinh viên quen thân với mày cứ hay rỉ tai nhau là, mày đến cái tọa đàm nào là lành ít dữ nhiều. Cách nói chuyện của mày nó cứ cay nghiệt và có vẻ như hậm hực thế nào í, bỏ được thói ấy, chắc mày không đến nỗi...
    + Nỗi gì? Chả ai vả miệng tao mà mày lại vả. Mày cứ nghĩ mà xem, con người, ai cũng có chín cái lỗ, cái lỗ nào cũng muốn nhận lấy những điều thơm tho, ngọt ngào, sung sướng. Nhưng khi thải ra, thì lỗ nào cũng là hôi thối và tanh khắm. Chả biết có phải đó là cái hậu duệ của quy luật tự nhiên trong chính cái xác phàm mà tạo hóa đã nặn nọt ra con người hay không, nhưng nó ảnh hưởng bao trùm lên mọi thứ toát ra từ cơ thể bất kì ai. Vì vậy, cũng là dễ hiểu cho việc người đời quen với việc đón nhận những thứ ngọt ngào, chứ chẳng mấy quen đem bùi ngọt đổi đắng cay riêng mình.
    - Rõ là thế. Thì trong mắt tao Bùi Giáng là một anh hùng có công cứu rỗi cho những chuẩn mực nhàm chán, mà nếu ví von, chỉ có thể ví những chuẩn mực ấy như những bức tranh đẹp, nhưng đã hết thời, chỉ có thể đóng khung treo vào viện bảo tàng, để nó còn chứa vẹn nguyên cái giá trị nguyên sơ của nó.
    + Mày yêu Bùi Giáng thế sao không viết về cụ một vài bài?
    - Biết cái gì mà viết. Biết nhiều như ông giám đốc trung tâm dạy người ta thành thi sĩ, mà nhận định về Bùi Giáng còn sai bét. Tao thì lấy đâu ra chữ mà cạnh khóe được ai. Có chút chữ còm thì khe đổi gạo từng bữa, nhăng cuội chỉ tổ mất cơm ăn à?!
    + Mày lại thế rồi. Con người ta sống ở đời phải có chính kiến chứ. Cuộc sống cùng lắm là trăm tuổi lại về với đất. Mười mấy nghìn năm có xa xôi gì so với sự hình thành của cái vũ trụ này, ấy thế mà cả cái thời đại Át-lan-tích chìm dưới đáy đại dương chả còn lưu danh một tuổi tên nào. Thế thì, hãy sống cho nó cháy rụi hết những gì gọi là đam mê, hãy hát cho đến tận cùng giọng khản, hãy thở cho tận kiệt dòng sinh mới thỏa cái phúc làm người chứ. Tao mà như mày, thì tao chỉ ước mình như Bùi Giáng từng ước, nhưng tao sẽ ước là khi nào tao chết, không phải ai mà chính là Bùi Giáng sẽ rỏ cho tao vài giọt nước mắt, hay vài giọt nước tiểu, cũng được.
    - Mày lúc nào cũng có cái kiểu liên tưởng chả giống người. Bùi Giáng chết rồi, thì làm sao mà rỏ cho mày nước mắt hay nước tiểu?
    + Thì đấy. Cũng vì người ta chết rồi nên nói sao mà chả được. Khối thằng liêm sĩ đầy mình, ngực đính đầy những danh hiệu, nhưng lúc nào cũng vu khống cho người chết. Mày không tin ra nhà sách mua vài cuốn sách nghiên cứu về mà đọc.
    - Nói như mày có mà các nhà sách in toàn thứ đó sao?
    + Ấy chết, mày cũng đừng vu khống cho tao thế chứ. Người ta in đủ thứ chứ đâu có chỉ in sách nghiên cứu đâu. In ra bán không được, thì móc ngoặc với mấy tay nhà báo cơ hội, cãi nhau chí chóe mấy bài, cuối cùng thì bán cũng...hết. Lợi cả năm bảy đường mà.
    - Tưởng mày lý giải thế nào, chứ nói kiểu đó thì tao cũng nói được. Chả trách hôm rồi đi dự tọa đàm văn học về mấy cuốn sách mới xuất bản bên trường Viết văn Nguyễn Du (cũ), tao được nghe một tham luận của một em mới vào trường, bào chữa cho nhân vật gái điếm trong truyện của Nguyễn Văn Học rằng, cô gái điếm ấy thật đáng thương, không những phải đi làm gái để nuôi con, mà còn cả nuôi chồng và nuôi gia đình lớn nữa. Tao phì cười, định đứng lên thêm cho câu văn ấy một cái dấu phẩy và viết tiếp, không những thế mà cô gái điếm ấy còn nuôi cả...các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, và tạo cơ hội thăng tiến cho các sinh viên lẫn học viên sau đại học - nhờ vào việc lấy cô gái điếm ấy làm đề tài sáng tác, rồi nghiên cứu, rồi phê, rồi bình, rồi bảo vệ các luận văn, luận án.
    + Ơ, mày cũng từng học ở đó ít bữa, mà mày quên tên cũ của cái trường đó mang tên Nguyễn Du, tác giả của cuốn truyện Kiều giúp mày làm được quả thư pháp 300m đó à. Thế cô Kiều không là gái bán hoa thì là Quan thế âm Bồ tát chắc. Nhưng mày đừng có coi thường cổ nhé. Nhờ cô ấy cả mà hôm nay họ Nguyễn ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh có được một bức tượng, chả biết giống ai, nhưng viết dưới chân tượng là: Nguyễn Du; Nhờ cô ấy cả mà có biết bao nhiêu nhà Kiều học, bao nhiêu văn bằng tiến sĩ. Mày cũng kiếm được tí rồi còn gì.
    - Ờ...thì đôi khi cũng phải nói ra vẻ một chút chứ. Thiên hạ họ nói trên mây còn chả chết ai, tao cứ nói thế cho nó gọi là có cân có đối.
    + Cái thằng này chỉ được...
    [6]
    - Chỉ được cái gì?
    + Chỉ được cái suy luận trời đất là không ai bằng. Đúng là cái thời "tự do ngôn luận", người ta thích nói gì thì nói, đến như cả một tờ báo rất oách nọ, cũng nói theo kiểu "sân nhà", để thích phang gì cùng chiều thì phang, còn ngược ý là...phập. Tự dưng, tao lại nhớ đến câu chuyện Con Gà Công Nghiệp ở Đồng Nai cách đây một vài năm...
    - Chuyện thế nào?
    + À thì...chuyện của các đại gia. Một số "đại gia...bé" của ta bỏ tiền ra làm trang trại nuôi gà công nghiệp, lúc đầu bắt tay với một số "đại gia...bự" nước ngoài, lấy giống của họ, mua thức ăn gia súc của họ. Được một vài năm, các "đại gia...bé" của ta cũng lông lống gần bằng các ''đại gia...bự", thế là chiêu mánh được bung ra. Đầu tiên, các ông lớn dừng nuôi gà thịt, chỉ sản xuất gà giống, bán một tặng một, sau đó bán một tặng bốn. Các ông nhỏ ham lợi, nhảy ra ,mua cả thiên, cả vạn về nuôi, mở rộng trang trại mà vẫn chả phải lo về mặt thị trường, vì các ông lớn dừng nuôi gà thịt. Các ông nhỏ trúng được một vụ, thì các ông lớn lại hô bán gà giống mua một tặng sáu. Lần này thì các ông nhỏ đã "bự" hơn nhiều, lao vào tất tần tật cho một mẻ hoành tráng. Nhưng đến khi gà non một ký, thì các ông lớn tăng gấp đôi giá tiền bán thức ăn cho gà, và trong chuồng của các ông ấy cũng đầy ắp gà thịt. Các ông nhỏ đôn đáo chạy vay ngân hàng tiền mua thức ăn gia súc, cũng chả đủ cho bầy gà cả mấy vạn con xơi. Đành kêu lái vô bán đổ bán tháo, kéo lại được một phần vốn thì không đủ bù cho cái chênh lệch kia, rốt cuộc mất trắng. Lúc này, các ông lớn mới bung gà của mình ra, bán với giá gấp rưỡi trên thị trường vẫn đắt như tôm tươi. Thành ra, các ông lớn hốt một lúc được cả hai nguồn lãi: Thức ăn gia súc và gà thịt. Các ông nhỏ thì, một số nhỏ hẳn đi, một số chẳng còn thấy bóng dáng đâu. Ấy mới biết cái đạo lý cá lớn nuốt cá bé muôn đời vẫn vậy.
    - Ối xời, ăn thua gì so với cái thị trường máy cưa hiện nay. Nói đến máy cưa, nhiều nông dân Việt Nam còn chưa hình dung nó như thế nào, có chăng là nhìn thấy trên tivi qua mấy bộ phim về lâm tặc. Nhưng cái anh Thụy Điển đã nhảy vào Việt Nam đầu tư và xây dựng thị trường này hơn mười năm nay rồi. Ban đầu là bán máy cưa (30% bán cho dân lâm nghiệp, 70% bán cho lâm tặc), qua bốn năm thì rừng nguyên sinh cũng trọc, lúc này, anh Thụy Điển tung ra linh kiện sửa chữa và đầu tư các máy khác như máy cắt cỏ, máy gặt lúa, máy bơm thuốc sâu, máy tưới đa năng v.v...Tưởng như chả ai còn nhắc đến cái máy cưa nữa, vì rừng còn đâu gỗ mà bán máy cưa để dân mua về cưa cọc rào à. Thế nhưng, cách đây hai năm, tổng số lượng máy cưa bán trên thị trường Việt Nam là bốn mươi nghìn chiếc một năm, so với thị trường châu Âu là tương đương một phần hai, và ngang bằng với thị trường Ba Lan. Hỏi ra mới biết là cái anh Thụy Điển nó khôn nhưng cái tài hơn là nó khéo. Anh ta đầu tư miễn phí cho công tác trồng rừng và kỹ thuật chăm sóc, anh ta bán được các máy móc như vừa nói. Trồng rừng đúng kỹ thuật, chăm sóc tốt, cây cối mau phát triển, bốn đến năm năm là có thể thu hoạch gối. Bên cạnh đó, chính sách của Đảng và Nhà nước ta lại khuyến khích việc khoán rừng cho nông dân, vì thế, cái thị trường chẳng ai để ý kia vô tình chẳng phải cạnh tranh (lúc này, tỷ lệ máy cưa bán cho dân lâm nghiệp tăng lên khoảng 70% chỉ còn 30% bán cho lâm tặc). Nếu có cạnh tranh thì chỉ đôi chút với anh Nga và anh Tàu. Nhưng anh Nga thì máy móc cồng kềnh, khó sử dụng, anh Tàu thì ba hôm là hỏng. Rốt cuộc anh Thụy Điển độc tôn. Thiết nghĩ, cũng là cách "nuốt nhau" nhưng kẻ có đầu óc phân tích và có chiến lược đầu tư lâu dài, bao giờ cũng có cái hậu xứng đáng. Những kẻ chộp giật, tuy thắng lớn, nhưng rồi kẻ "bự" hơn cũng sẽ tìm cách "ăn tươi".
    + Mà tao với mày hết chuyện rồi sao mà lôi toàn chuyện gà ngóe, cưa kéo ra nói thế nhỉ. Không còn gì để nói nữa à?
    - Có mà nói hết đời không hết chuyện. Tao mà biết viết văn, tao viết được cả ngày không hết những điều nhìn thấy. Chỉ tiếc là...
    +Tiếc gì?
    - Tiếc là tao có viết cũng chả làm nên được trò trống gì!
    + Sao mày nói chuyện kì cục vậy. Thế cứ phải nên trò nên trống thì mới viết được à. Sao cũng nằm trong một chỉnh thể mà tao mày lại khác thế. Tao luôn sợ không tìm được chuyện để viết, ngược lại mày...
    - Thế cho nên cái tổng hợp của tao với mày cộng lại mới trở thành một thứ dở hơi. Chả khác chi con quỷ và chàng hoàng tử tranh giành nhau tấm bánh trong bóng tối. Theo Chúa không theo, mà theo Quỷ cũng không theo. Cứ lửng lơ giữa khoảng đêm ngày, vật vờ làm khổ vợ con chứ được cái gì. Thà rằng, giết quách đi một trong hai thằng trong mình, có khi làm nên chuyện.
    + Ừ nhỉ, có vẻ như mày nói đúng. Hay là mày hoặc tao, một trong hai thằng bắt thăm...tự tử, để cứu cái thằng mình?
    - Ờ...mà...mẹ kiếp!
  4. Quan_Di_Ngo

    Quan_Di_Ngo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/09/2003
    Bài viết:
    1.528
    Đã được thích:
    4
    [7]
    + Sao mày lại chửi đổng?
    - Tao nghĩ đến cái gọi là trách nhiệm và bổn phận. Muốn chết cho ngon lành đâu phải dễ. Nhiều đứa muốn chết, nhưng do chưa cứu vãn được cái trách nhiệm với đời, với người, nên phải cố mà sống gượng.
    + Trách với chả nhiệm. Thế kỷ nào rồi mà mày cứ phải chịu trách nhiệm với suy nghĩ của người khác thế?! Mày sống cho mày, chết cũng cho mày, chứ có cho thằng ông nội nào đâu mà phải suy với nghĩ. Đấy là cái dây thừng mày tự thít chặt lấy cổ mà thôi. Mày cứ nghĩ đi, mày còng lưng bò lết thết dưới gầm người, cốt vẽ cho cái diện mạo, cái tiếng tăm đôi phần son phấn, để mát mặt mẹ cha, làng xóm. Nhưng đã có ai hiểu được cho mày phải đánh đổi bằng cả cái sự bò trườn khốn khổ của mày chưa? Những khi thất bại, những lúc ốm đau, mày cứ phải giấu nhẹm đi, chẳng dám thốt ra là mày đang quá tải, đang lao lực trầm trọng, đang phá sản không chỉ là tài sản vật chất mà cả tinh thần. Mày mua được một hai nụ cười của mẹ *******, của bà con lối xóm, bằng cái giá ấy thì đắt hơn tôm tươi mày ạ. Khốn khổ lắm!
    - Tao cũng biết thế, nhưng không phải khốn khổ mà khốn nạn là, tao có muốn khác đi cũng không được. Tuổi thơ đã xô tao lộn cổ xuống cái ao làng lấm lem những suy nghĩ cục gạch ấy rồi. Đến khi lông lống một chút thì chịu ơn cả trăm nghìn quan hệ, nuốt nước miếng qua ngày còn thấy rát cổ họng bởi những vết bầm gào thét lạy thưa. Thế thì, mày bảo tao phải tẩy rửa bằng cái gì cho sạch trơn huệ lụy? Mà đã không sạch được thì phải sống chung với nó, đã sống với nó thì phải chấp nhận thôi. Có chăng làm được chút gì cho mình, thì đó là những phút giây sống thật, như tao đang sống với mày vậy.
    + Thì đành vậy, phải sống chung trong một cơ thể với mày, nhiều lúc tao như một bào thai, có quậy đạp thế nào cũng vẫn nằm trong bụng mẹ. Có khi, cũng muốn khoắc lên mình bộ xiêm y mà cuộc đời thêu dệt cho mày, để thử ve vẩy quạt tàu, nhưng lại sợ không giấu được cái đuôi loài khỉ. Thành thử, tao cứ đứng sau tấm liếp của sự mặc cả hơn thua, được mất, nhìn cuộc đời vôi ve hàng mã cho mày mà ngượng ngùng cho cái phận làm người.
    - Cũng đáng thôi mày ạ. Sống thời nào cũng đều phải có cái kiểu dáng vôi ve ấy cả. Thiếu là trơ trọi và cô độc ngay lập tức. Có mấy ai tin gỗ hơn nước sơn đâu, dẫu vẫn thuộc lòng cái câu tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Vôi ve bây giờ được hiểu là đại diện hình ảnh cho sự sang trọng mặc định, cho dù, sự sang trọng ấy được cấu thành bởi cốt cách hay sự sáo rỗng.
    + Như mấy bữa nay trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin ầm xèo chuyện cô diễn viên đóng(bị đóng/được đóng) phim ***, tao thấy chuyện ấy cũng bình thường. Nói như một tay bình luận kia, chuyện ******** của những người yêu nhau thì nó có từ cái thuở loài người biết che thân, hoặc xa xưa hơn nữa. Có gì lạ đâu. Mà có khi, người ta đã học được cách sống của những nền văn hóa khác, họ ứng dụng một cách trung thực và trung thành nhất với bản năng, bỏ qua những tì vết về mặt chụp khuôn các giá trị bị cô lập bởi quan niệm nơi họ sống, nên họ cũng chẳng nghĩ gì. Mà nghĩ để làm gì?!
    - Thế mày đồng tình với việc sống như thế à? Ngay như mấy bà bán nước chè ngoài góc phố còn than phiền là bị sụp đổ thần tượng, trong khi mày được ăn học, được đọc sách thánh hiền mà mày nghĩ như mấy đứa nào kia vậy.
    + Tao đang nói theo lối nói của mày đó chứ. Vì tao thấy nó buồn cười, vì tao tin chả có đứa nào không chui ra từ chỗ ấy, nhưng hễ cứ nghe nói đến chỗ ấy lại lè lưỡi ra, nhưng trong lòng lại run tê kiểu khác. Sống được mấy hôm trên cõi này mà đến như sống với mình còn sống không thật, chứ nói gì sống với người khác. Tao khinh nhất những đứa như thế. Vừa ném đá vừa la làng. Oai phong cái nỗi gì.
    - Thì ra lâu nay tao nghĩ sai về mày. Mày cũng không đến nỗi nào. Cứ ngỡ mày thuộc cái loại lúc nào cũng chỉ ôm lấy nửa giường sách vở nửa giường trăng, ai dè cũng hiện sinh ra phết.
    + Ấy đấy, mày lại lôi khái niệm ra rồi. Cái chữ hiện sinh nói mồm thì được, chứ sống theo đúng nghĩa thì được mấy thằng. Tao thấy chỗ nọ chỗ kia, thiên hạ ngộ nhận bỏ xừ. Chỗ thì hiện đại, chỗ thì hậu hiện đại, chỗ khác thì hiện sinh, nhưng hiện tại thì chả biết mình chỗ nào. Chưa biết chừng cái tiền hiện đại còn chưa qua, thấy thế giới người ta nói gì, cũng vơ lấy rồi chỉ trỏ. Tuy thế, nhưng cũng vui là nhờ họ mà mình cũng định nghĩa được cái thằng mình.
    - Khà khà...Mày lại tự vả mồm mày rồi. Mày vừa bảo thiên hạ ngộ nhận, mà mày lại muốn định nghĩa cái thằng mình, thì cái định nghĩa ấy dù nó là gì cũng là ngộ nhận nốt.
    + Ừ nhỉ, chả trách nhìn mồm má nhiều người cứ thấy sưng vêu lên, giờ mới hiểu...

Chia sẻ trang này