1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Chén rượu Hương đưa say lại tỉnh

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Julian, 05/12/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Hồ Xuân Hương
    Đồng Tiền Hoẻn

    Cũng lò cũng bể, cũng cùng than,
    Mở mặt vuông tròn với thế gian.
    Kém cạnh cho nên mang tiếng hoẻn,
    Đủ đồng ắt cũng đóng nên quan.

    Lovetolive[/size=18]
  2. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Cảnh làm lẽ
    Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
    Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
    Năm thì mười họa, nên chăng chớ,
    Một tháng đôi lần, có cũng không ...
    Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng,
    Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
    Thân này ví biết dường này nhỉ,
    Thà trước thôi đành ở vậy xong.
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 06:20 ngày 19/03/2004
  3. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Câu Đối Tết​
    Tối ba mươi khép cánh càn khôn, đóng chặt lại kẻo ma vương đưa quỉ tới
    Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào
  4. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Đánh Đu
    Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,(1)
    Người thì lên đánh kẻ ngồi trông,
    Trai đu gối hạc khom khom cật
    Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
    Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
    Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
    Chơi xuân có biết xuân chăng tá. (2)
    Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!(3)
    Chú thích:
    (1) Bốn cột: Bốn cây tre trồng làm cây đu.
    (2) Chơi xuân: Cuộc vui chơi đón xuân. Biết xuân: Biết tình xuân.
    (3) Cuối vụ chơi xuân, các cột đu lại nhổ đi hết, chỉ còn trơ lại các lỗ cọc và rồi người ta sẽ lấp đi. Hồ Xuân Hương chua chát nói về thói vô tâm rất đáng trách về phía nam giới.
  5. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Duyên Kỳ Ngộ
    Nghìn dặm có duyên sự cũng thành, (1)
    Xin đừng lo lắng hết xuân xanh.
    Tấc gang tay họa thơ không dứt,
    Gần gụi cung dương lá vẫn lành.
    Tên sẵn bút đề dường chĩnh chện,
    Trống mang dùi cắp đã phanh phanh.
    Tuy không thả lá trôi dòng ngự, (2)
    Chim tới vườn đào thế mới xinh.
    (1) Do câu "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ" tức có duyên thì xa ngàn dặm cũng gặp nhau .
    (2) Do tích lá thắm đề thơ mà ra, ngày xưa có một cung nữ viết thư thả dòng sông cho trôi từ trong hoàng thành ra ngoài, hẽ ai vớt được thì sẽ lấy làm chồng, và Vu Hựu là thanh niên đã được diẽm phúc ấy

    Được julian sửa chữa / chuyển vào 08:12 ngày 20/07/2004
  6. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Hồ Xuân Hương
    Vũ Quần Phương​

    Bà là nhà thơ độc đáo nhất trong nền thơ Việt Nam. Bà không giống ai và cũng chưa ai học được giọng thơ bà. Đến nay vẫn chưa tìm được năm sinh năm mất của bà, nhiều chi tiết về cuộc đời bà còn là giả thiết. Người ta suy ra từ nội dung thơ. Theo những suy luận ấy bà sống vào thời cuối Lê đầu Nguyễn, có thơ xướng họa với Chiêu Hổ (Phạm Đình Hổ 1768-1839), lại có thơ tặng Nguyễn Du (1765-1820). Quê gốc ở Quỳnh Đôi, Nghệ An, quê mẹ ở Hải Dương nhưng bà sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Bà đã đặt chân tới nhiều vùng non nước miền Bắc, miền Trung: Vĩnh Yên, Tuyên Quang, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Giao thông thời ấy khó khăn, lại là phụ nữ, đi rộng được như thế, phải là người lịch lãm lắm.
    Thời Hồ Xuân Hương sống là thời chín rộ của những tài năng thơ Việt Nam, một chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc bao trùm lên hầu hết các thi phẩm. Phận người phụ nữ trở thành trung tâm xót thương của nhiều hồn thi sĩ. Cô Kiều, cô cung nữ, người chinh phụ... đã thành những thân phận xót đau điển hình của Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm... Là một nhà thơ nữ, hơn thế lại phải gánh chịu nhiều buồn tủi của duyên phận, của tập tục xã hội, Hồ Xuân Hương thấm thía hơn ai hết nỗi khổ của giới mình. Đề tài thơ bà là chính cuộc đời bà. Cảm xúc thơ là cảm xúc sống thường trực của bà. Khi Nguyễn Du hai lần ngửa mặt than Đau đớn thay phận đàn bà thì bà bình thản nhưng kiên quyết hạ bệ rồi vùi xuống đất đen những thứ uy danh đặc quyền đặc lợi của đám mày râu, từ ông tướng bại trận, bại trận mà còn lập miếu ra oai, thờ cúng, cho đến đám sỹ tử lanh chanh khoe tài thơ phú. Bà lên giọng đàn chị vừa mắng vừa xoa đầu lũ ngọng đứng xem chuông ấy, Lại đây cho chị dạy làm thơ. Ngay đến đám người tự thị mình là quân tử, là anh hùng bà cũng lôi xuống cho các chú ngồi đúng chỗ của mình, dưới bóng cái quạt giấy chành ra ba góc: Mát mặt anh hùng khi tắt gió/ Che đầu quân tử lúc sa mưa.
    Mặt khác, bà đề cao bản lĩnh người phụ nữ Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa/ Mảnh tình một khối thiếp xin mang; ca ngợi tài năng người phụ nữ Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu; ca ngợi phẩm chất sống cao ở họ Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá bạc như vôi. Hồ Xuân Hương biết lắm nỗi khao khát hạnh phúc của người đàn bà. Bà nguyền rủa cái kiếp lấy chồng chung. Đơn chiếc nhưng ẩn giấu một đòi hỏi cao, chấp nhận thách thức Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn/ Trơ cái hồng nhan với nước non. Đem cái hồng nhan, cái hồng nhan cụ thể chứ không phải phận hồng nhan khái niệm, mà đọ vào non nước. Hồ Xuân Hương là vậy. Một dáng đứng cao vời, ***g lộng từ trên nhìn xuống cái xã hội trọng nam khinh nữ, sa đọa, bần tiện bậc nhất, lại hay lên mặt thánh thần đạo đức giả, Hồ Xuân Hương biết tỏng cái tâm địa của nó, bà nói toẹt vào mặt Hiền nhân quân tử ai là chẳngChúa dấu vua yêu một cái này.
    Thơ Hồ Xuân Hương ai đọc cũng thích. Nhưng có người thích mà lại ngại. Họ cho thơ bà tục. Thật ra cái gọi là tục ấy chỉ là một phương tiện để đấu tranh, một thứ vũ khí đánh gần lợi hại của bà. Tước đi cách nói sắc nhọn đa nghĩa táo bạo này, sức công phá của thơ bà giảm đi nhiều lắm, không còn vị Hồ Xuân Hương nữa. Đánh bọn đạo đức giả không gì lợi hại bằng cái vũ khí gọi là tục ấy. Bà có tài làm người ta liên tưởng cái nọ xọ cái kia nhưng cuối cùng là ha hả tiếng cười thanh thiên bạch nhật của sự thật, của lẽ phải, của đạo lý. Còn tục ư? Đố ai tìm được trong thơ Hồ Xuân Hương câu chữ nào tục. Bà nói ý nhị lắm. Bà phô diễn mọi phép biến hóa tài tình của tiếng Việt. Bà vận dụng ca dao tục ngữ để nói những điều mà ngôn ngữ thường không nói được Đầu sư há phải gì bà cốt/ Bá ngọ con ong bé cái lầm (ca dao: Bà cốt đánh trống long tong/ Nhảy lên nhảy xuống con ong đốt... gì). Bằng ngôn ngữ thanh đẹp bà gợi liên tưởng những hình ảnh thuộc bản năng sinh lý của con người. Từ bản năng, bà làm bật ra tiếng cười trí tuệ. Đấy là nét độc đáo của Hồ Xuân Hương. Hồn thơ bà có sự tự tin, thông minh, khỏe khoắn của trí tuệ nhân dân, của kho tàng truyện tiếu lâm. Hơn thế, xen kẽ giọng hài hước, bỡn cợt, là một giọng trữ tình thấm thía, thăm thẳm nỗi niềm Mõ thảm không khua mà cũng cốc/ Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om. Có câu thơ tả thực (bánh trôi nước) mà chan chứa xót thương khi vận vào nỗi người Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Riêng em vẫn giữ tấm lòng son.
    Cảm xúc thơ Hồ Xuân Hương mạnh nhanh, có khi như bạo liệt nhưng lại rất tinh tế. Trong cuộc tổng lộn trái những hành vi và nhân cách đạo đức giả bà có sự phân biệt mức độ để có liều lượng thơ thích hợp. Đám học trò dốt lại hay khoe mẽ khác với bọn sư hổ mang, bọn quan lại tham lam háo sắc. Đó là chỗ nhân tình của bà. Bà không đánh vào con người, không đánh vào nghề nghiệp, bà chỉ chế giễu hành vi, nhân cách của nó. Cái cười của bà hồn nhiên lắm, kẻ bị đánh cũng phải cười vì bà lọc được ra cái nghịch cảnh đáng cười. Cười từ hình ảnh Oản dâng trước mặt băm ba phẩm/ Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà. Cười vì cái tình thế Đi thì cũng dở, ở không xong của anh chàng đang tranh thủ "bồi dưỡng mắt". Có khi cười do ngôn ngữ, nói lóng, nói lái, tượng thanh, tượng hình. Xuân Hương có nhiều phép dựng câu thơ dậy, thả sức sống mới cho tạo vật Cỏ gà lún phún leo quanh mép/ Cá giếc le te lách giữa dòng. Lãng mạn thơ mộng mà lại thâm trầm hài hước: Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Hai hàng chân ngọc duỗi song song. Nói như đùa mà đầy tính khuyên nhủ giáo dục: Chơi xuân có biết xuân chăng tá/ Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không (Chơi đu). Hồ Xuân Hương không lý sự, bà chỉ trình bày việc đời mà đã là việc đời thì lại luôn ẩn giấu một nụ cười tinh nghịch. Bà độ lượng, đầy cảm thông. Cảm thông với cô gái không mà có, cảm thông với cả quân tử hiền nhân Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo, cảm thông với người ta lúc trẻ trung. Tình cảm ấy xuất phát từ cái nhìn khỏe khoắn trong sáng và chan chứa lòng yêu cuộc đời cụ thể, trần tục, tươi rói như nó vốn có. Chất thơ Hồ Xuân Hương là tinh chất được lọc ra từ những bề bộn không có gì là "nên thơ" của đời. Chỉ những bản lĩnh thi sĩ lớn mới tìm thơ từ đời mộc như thế.
    Hồ Xuân Hương sống cách chúng ta hai thế kỷ nhưng thơ bà không bị cũ, trái lại, người thời nay vẫn kinh ngạc vì sự mới mẻ của nó. Xuân Diệu tôn bà là bà chúa thơ Nôm. Bà là nhà thơ bậc nhất trong việc làm giàu công năng của tiếng Việt. Tiếng Việt thật hơn và cũng kỳ lạ hơn trong thơ bà. Bà cho thơ Đường một cách diễn đạt Việt, phát huy được hết khẩu ngữ, tục ngữ, nói lái... của tiếng Việt. Có những âm trong tiếng nói thường ít dùng, khó dùng, vậy mà vào thơ bà lại thành thoải mái, đầy ý vị (thơ tả các hang động). Có khi chỉ thanh điệu thôi cũng đủ gợi được hình ảnh Xỏ kẽ kèo tre đốt ngẳng ngheo (Quán Khánh).
  7. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Đề đền Sầm Nghi Đống​
    (1)
    Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
    Kìa đến thái thú(2) đứng cheo leo.
    Ví đây đổi phận làm trai được,
    Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!
    (1) Đền Sầm Nghi Đống trước ở ngõ Sầm Công nay là phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nộị Sầm Nghi Đống là tướng theo Tôn Sĩ Nghị sang ta chiếm đóng thủ đô Đông Kinh (Thăng Long). Nghị bị vua Quang Trung đánh đuổi về Tàu năm 1789. Sầm Nghi Đống chạy không kịp, thắt cổ tự tử ở nơi mà sau khi quan hệ bang giao đã trở lại bình thường vua Quang Trung cho phép Hoa kiều ở Hà Nội lập đền thờ.
    (2) Thái thú: Đống làm tri huyện, khi sang Đông Đô được Tôn Sĩ Nghị cho làm chức thái thú.

  8. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Nhân đọc cuốn "Hồ Xuân Hương - Con người - Tư tưởng - Tác phẩm": Chỉ "đồ sộ" thì chưa đủ ​


    Đó là điều tôi muốn nói về tình trạng xuất bản tràn lan và không ít nhầm lẫn hiện nay biểu hiện cụ thể qua các công trình mang danh nghiên cứu lý luận khoa học.
    Gần đây, tình cờ đến tay tôi cuốn sách nghiên cứu: Hồ Xuân Hương - Con người - Tư tưởng - Tác phẩm, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin ấn hành năm 2003, dày ngót nghét 1000 trang. Lời nhà xuất bản đánh giá rất cao: "Suốt một thế kỷ qua đã có hàng trăm công trình sưu tầm, nghiên cứu về Hồ Xuân Hương... Các nhà nghiên cứu đều công tác trong ngành khoa học xã hội, trong đó có những tên tuổi lớn... Gần đây xuất hiện một nữ tác giả trẻ là nhà khoa học tự nhiên, PGS, TS Hoàng Bích Ngọc đã dày công nghiên cứu một chuyên đề lớn về Hồ Xuân Hương. Đây là một công trình nghiên cứu đồ sộ, công phu và có nhiều đề xuất độc đáo, táo bạo, nghiêm túc, khác với nhiều ý kiến từng phát hiện về Hồ Xuân Hương trước đây."
    Thoạt đầu tôi không tin lắm, NXB thường quá lời để quảng cáo cho ấn phẩm bán chạy. Nhưng rồi lại thấy xuất hiện trên báo chí bài điểm sách có nội dung tương tự nên hăm hở đọc. Càng đọc nỗi hoài nghi thấp thoáng cứ lớn dần thành ám ảnh. Hoá ra tập sách này chỉ "đồ sộ" ở hình thức, bìa cứng, khổ to, dày dặn mà nội dung không những nghèo nàn, lặp lại những ý kiến từng có mà còn phạm nhiều sai lạc sơ đẳng!
    Trong khoa học, dù là khoa học về đối tượng nghệ thuật yêu cầu tính chính xác không chặt chẽ, nghiêm ngặt như khoa học tự nhiên, nhưng cũng đòi hỏi nhà nghiên cứu không chỉ bỏ công phu sưu tầm, lượm lặt những đánh giá phân tích đã có về đề tài nghiên cứu rồi phụ thêm ít lời lẽ của mình là đã coi như đầy đủ, và nghiễm nhiên tự xem mình như một nhà nghiên cứu có đóng góp mới mẻ! Để được coi là có phát hiện, khám phá, nhà nghiên cứu phải đặt kết quả nghiên cứu của mình vào quá trình nghiên cứu đề tài trước đó, xem nó đã diễn ra như thế nào, đạt được những thành tựu cụ thể gì, hiện có điểm nào chưa sáng tỏ, rồi đến lượt mình, bằng công trình nghiên cứu đem thêm vào những kiến giải mới, góp phần lấp đầy những khoảng trống.
    Trong cuốn sách này, nhà nghiên cứu Hoàng Bích Ngọc cũng giành hẳn một phần đáng kể mang tiêu đề "Trao đổi về một số quan điểm nhìn nhận và đánh giá Hồ Xuân Hương" (từ trang 597 đến 722), nhưng đọc nó, chỉ thấy lược thuật và trích dẫn gần như nguyên văn các nhà nghiên cứu khác còn hễ cứ lên tiếng "trao đổi" là thế nào cũng để lộ sự hẫng hụt, lầm lẫn không đáng có.
    Đối với tình hình nghiên cứu Hồ Xuân Hương ở nước ngoài, lẽ ra không thể bỏ quên bài viết của GSTS Niculin - một nhà Việt Nam học có uy tín của Liên-xô cũ, công bố dưới hình thức giới thiệu bản dịch thơ Hồ Xuân Hương ra tiếng Nga, NXB Khoa học Matxcova ấn hành năm 1968, như một tiểu luận nghiên cứu đặc sắc mở ra hướng tiếp cận mới mẻ thơ Hồ Xuân Hương vì đã vận dụng rất thành công phương pháp Carnavalesque của học giả nổi tiếng Bakhtin thì lại giới thiệu một bài báo mang tính chất hồi ký của Niculin, kể lại thực trạng ngành xuất bản dưới cơ chế quan liêu bao cấp ở Liên-xô trước đây, có nội dung rất xa xôi với công việc nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương. Tôi thật sự ngạc nhiên không rõ Hoàng Bích Ngọc làm sao mà lại hiểu sai nội dung bài báo vốn dễ hiểu này đến thế? Thực hư là thế này, trong bài báo Hồ Xuân Hương và số phận truyện cổ tích Việt Nam ở Liên-xô, Niculin nhắc lại trường hợp, hồi cuối những năm 50 của thế kỉ XX, ông có mang bản dịch Truyện cổ tích Việt Nam ra tiếng Nga đi chào hàng ở mấy NXB nhưng đều bị từ chối. Mãi đến khi, tại một phiên họp quan trọng của ngành xuất bản, vị Bộ trưởng Văn hoá Liên Xô thời đó công khai biểu dương một NXB đã cho ra đời những cuốn sách hay như bản dịch Thơ Hồ Xuân Hương, thế là mấy ngày sau đó, rẽ vào NXB Niculin được đón tiếp nồng nhiệt và người ta lôi ra từ "đáy ngăn bàn" bản thảo bản dịch Truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam xếp xó bao lâu nay để đưa vào kế hoạch xuất bản cấp tốc. Từ sự tình đó, Niculin hóm hỉnh kết luận "bằng cách khó ai hiểu rõ, bà - Hồ Xuân Hương - đã ảnh hưởng đến số phận những truyện cổ tích VN ở Liên Xô". Chuyện chỉ có vậy. Không hiểu tại sao nhà nghiên cứu lại tán rộng ra là Niculin muốn ví thơ Hồ Xuân Hương như những truyện cổ tích của VN mà do chỗ thơ Hồ Xuân Hương là "của riêng" Hồ Xuân Hương nên được xuất bản dễ dàng còn truyện cổ tích là sản phẩm văn hoá chung của dân tộc nên rất khó được công bố? Đúng là ông nói gà bà nói vịt! (xem trang 700).
    Trong phần phân tích "giá trị tư tưởng của thơ Hồ Xuân Hương" (từ trang 564 đến 567), cảm giác tác giả kéo lùi hoạt động nghiên cứu với lối mòn công thức cách nay mấy thập kỷ của cách tiếp cận văn học theo kiểu xã hội học dung tục. Chẳng hạn tác giả đặt hẳn vấn đề Nghiên cứu chủ nghĩa yêu nước trong thơ Hồ Xuân Hương (trang 566) nhưng lại lạc sang dẫn giải tình yêu thiên nhiên. Rồi trịnh trọng công bố "phát hiện" của mình trong cái gọi là "Tính khoa học trong nghệ thuật thơ Hồ Xuân Hương" với nhận định xanh rờn "Thơ Hồ Xuân Hương là thơ hiện thực và mức độ chính xác khoa học trong thơ có thể nói là mang tính định lượng" (trang 581) hoặc nhận định bao quát rằng "Thơ Hồ Xuân Hương có đặc điểm rất kín kẽ, mọi vấn đề đặt ra đều giải quyết, đảm bảo sự khép kín về ý tưởng" (vẫn trang 581). Nếu quả thực thơ Hồ Xuân Hương "khép kín về tư tưởng" thì làm gì có hiện tượng suốt gần thế kỷ tìm hiểu thơ Bà chúa thơ Nôm này người ta vẫn không thôi tranh cãi, nhiều vấn đề vẫn còn treo lại đó. Và nếu thơ bà mà kín kẽ như vậy thì có còn là thơ nữa hay không?
    Càng đọc càng thấy lồ lộ, nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên quá quen với việc mổ xẻ định lượng đối tượng của "ngành thuỷ khí, hàng không", chuyên môn của mình nên khi bước sang vườn văn chương - chữ nghĩa không tránh khỏi quán tính nghề nghiệp, đi tới những nhận định tréo cẳng ngỗng mà lại ngộ nhận mình đang tiến hành nghiên cứu văn chương một cách nghiêm túc và sáng tạo.
    Điều đáng nói là "hiện tượng" này ở ta tuy không phổ biến nhưng cũng chẳng cá biệt. Trong việc nghiên cứu truyện Kiều, mấy "công trình" ra mắt gần đây cũng ít nhiều như vậy, rồi tập sách Cảm nhận thi ca, xuất hiện năm 1999 của một cây bút nghiệp dư còn đứng ra tổng kết nền thơ ca VN thế kỷ XX bằng cách định ra 5 gương mặt nhà thơ lớn nhất mà gây sốc nhất là kể tên một nhà thơ mà dư luận còn ít biết đến để rồi tự cho mình có con mắt xanh phát hiện.
    Việc cho ra những công trình nghiên cứu kém chất lượng gây nhiễu dư luận, làm thụt lùi ý thức văn học nghệ thuật nói chung, phải chăng khâu xuất bản phải chịu trách nhiệm chính?

    Nguyễn Văn Thành
    Nguồn: NetNam


  9. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Già kén kẹn hom ​
    Bụng làm dạ chịu trách chi ai,
    Già kén kẹn hom ví chẳng sai.
    Tiếc đĩa hồng ngâm cho chuột vọc,
    Thừa mâm bánh ngọt để ngâu vầy.
    Miệng khôn trôn dại đừng than phận,
    Bụng ỏng lưng eo chớ trách trời!
    Đừng đứng núi này trông núi nọ,
    Đói lòng nên mới phải ăn khoai.
  10. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Giếng Nước
    Ngõ ngang thăm thẳm tới nhà ông
    Giếng tốt thanh thơi, giếng lạ lùng.
    Cầu trắng phau phau đôi ván ghép,
    Nước trong leo lẻo một dòng thông.
    Cỏ gà lún phún leo quanh mép,
    Cá diếc le te lách giữa dòng.
    Giếng ấy thanh tân ai chẳng biết,
    Ðố ai dám thả nạ dòng dòng.

Chia sẻ trang này