1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

CHIẾN TRANH ĐƯỜNG PHỐ_trận Huế Tết Mậu thân 1968 từ góc nhìn phía Mỹ

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi ngthi96, 16/01/2017.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    Cần có thời gian để chuyển khẩu đại liên 50 qua cánh đồng tới chỗ bờ ruộng. Trong lúc chờ đội, thiếu tá Baker gọi 1 trung sĩ trung đội phó đến gặp và yêu cầu anh này cho ý kiến. Trung sĩ nhất Harold Klein, hạ sĩ quan cao cấp nhất đại đội B, đang tạm làm trung đội trưởng đề nghị gọi chiếc Duster lên tới sau bờ ruộng để có thể chế áp tuyến phòng thủ đối phương từ cự ly gần hơn. Trong lúc ý kiến này được thực thi, Baker nói với người trung sĩ nhất rằng ông nghĩ kế hoạch tấn công lúc đầu vẫn thể thực hiện được và yêu cầu 1 người tình nguyện lên chỉ huy trung đội tiên phong. Sau 1 lúc im lặng nặng nề, thì trung sĩ tiểu đội trưởng Broom nhận lãnh công việc đó.


    Baker gọi điện đài báo cho đại úy Frank Lambert biết tình hình mới. Lambert nói đại đội D sẽ xông lên ngay khi chiếc Duster tác xạ. Trong khi chiếc xe tăng khai hỏa dưới sự hướng dẫn của trung sĩ nhất Klein, thì binh nhất Albert Rocha, lính xích hầu của đại đội D bò lên định dùng bộc phá (pole charge - loại bộc phá buộc vào đầu 1 sào tre, hoặc gỗ. ND) diệt cái hầm. 1 bộ đội Bắc Việt trong hầm nổ súng bắn Rocha. Viên đạn bắn trúng ốp lót tay khẩu M16 của người lính, nhưng anh vẫn bò tiếp. Trung úy Frederick Krupa, đại đội phó đại đội D, cũng bò lên hỗ trợ. Khi 2 người áp sát lỗ châu mai thì Rocha bắn vào trong hầm. Thế rồi Krupa tọng khối bộc phá nặng gần 5kg vào đó - rồi tấn chặt lại trong khi lính Bắc Việt bên trong ngừng bắn, cuống cuồng cố đẩy nó ra. Sau khi bộc phá nổ, 1 lính địch vọt ra khỏi cửa sau căn hầm và bị Rocha bắn chết.


    Cái hầm bị diệt khiến cho mặt sau tuyến phòng ngự địch bị chọc thủng và tiểu đoàn 5/7 lại có thể tiến công. đại đội D vượt qua căn hầm đến chỗ rặng tre thứ nhì và tới bảo vệ phía sau và sườn phải đại đội B. Cùng lúc đó trung sĩ Broom dẫn quân vọt qua hàng tre, rẽ trái rồi xông tới đánh chiếm tuyến chiến hào tiền tiêu của địch. Khi đã vào trong lũy tre, trung đội Broom nhảy vào chiến hào rồi theo hàng 1 đánh thốc lên phía bắc. Từ sau bờ ruộng, đại đội B nổ súng chi viện cho trung đội tiên phong. đại đội A bên thôn Liễu Cốc Thượng cũng xả súng vào cả 2 tuyến chiến hào địch để yểm trợ.


    Mỗi khi trung đội đi đầu của đại đội B (lúc này đã thay phiên cho nhau) chạm trán quân Bắc Việt, họ liền gọi về báo trung sĩ nhất Klein, lúc này vẫn đứng cạnh chiếc xe tăng Duster, nhờ anh chỉ điểm mục tiêu cho tổ lái. Sau đó tay lính xích hầu sẽ cho nổ 1 trái lựu đạn khói để đánh dấu chỗ mình và chiếc Duster sẽ nã chừng 15-20 viên đạn 40 ly vào đám tre lệch về bên trái chỗ có khói từ 10-15m. Lúc đầu, cách này khá hiệu quả trong khoảng chục lần nhưng rồi lính đi đầu đại đội B cũng vấp phải 1 hầm chiến đấu mà đạn 40mm không thể làm gì nổi. 1 chiếc trực thăng vũ trang đang lập khu chờ bên trên liền được gọi xuống để oanh tạc hỏa điểm này từ trên cao. Thêm vào đó, thiếu tá Baker còn điều thêm 1 tổ súng phun lửa lên nữa. Tay súng phun lửa sổng lưng tiến đến, dừng cách căn hầm vài mét rồi nổi lửa thiêu nó. 1 lính Bắc Việt vọt ra khỏi cửa sau, rẽ qua khúc ngoặt và mất dạng nhưng không bị ai bắn vì tay súng phun lửa đã cản tầm nhìn của số lính nấp sau bờ ruộng.


    Đến quá trưa thì trận đánh chiếm rặng tre dày kết thúc. Tất cả các đơn vị bộ đội còn trong đó đều đã rút hết. 1 lính thuộc tiểu đoàn 2/12 đi cùng tiểu đoàn 5/7 đã dẫn đội chung sự tới chỗ cái 1 hố súng cối 81mm chôn xác 11 đồng đội hôm 4/2. Cả 5 binh sĩ của đại đội D bị bỏ lại trước rặng tre ngày 12/2 cũng đã được qui tập. Mấy lính Bắc Việt tụt lại đang trốn trong đó đều đã bị quét sạch, nhiều chiến lợi phẩm bị tịch thu. Trong ngày 21/2, tiểu đoàn 5/7 kỵ binh bay đã chiếm được chừng 70 công sự lớn nhỏ của địch, trong đó có 1 số được cố thủ rất chắc. tiểu đoàn 5 đánh xuyên qua thôn Quê Chữ nhưng không vào tới thôn La Chữ. tiểu đoàn sẽ chẳng bao giờ vào tới boong ke chỉ huy của mặt trận Trị-Thiên.


    Theo như kế hoạch, tiểu đoàn 2, trung đoàn dù 501 tấn công vào T-T Woods chỗ ranh giới giữa 2 thôn La Chữ và Quê Chữ, còn 2 đại đội thuộc tiểu đoàn 2/12 Kỵ binh bay thì đánh vào thôn La Chữ từ phía nam. Lực lượng chủ yếu Bắc Việt đã biến mất; quân Mỹ chỉ chạm trán lẻ tẻ với các toán địch làm nhiệm vụ cản hậu. Bộ tư lệnh mặt trận Trị Thiên đã rút khỏi boong ke và quân Mỹ không cần chiến đấu cũng chiếm được nó. Lúc 5g20, tiểu đoàn 1/7 Kỵ binh bay tiến theo đường 1 xuống đến mặt bắc T-T Woods và cũng chỉ gặp phải sự chống trả của những toán chặn hậu nhỏ của địch.


    Đến cuối ngày 21/2 thì 2 thôn Quê Chữ và La Chữ đều đã được quét sạch. tiểu đoàn 1/7 bọc quanh mặt đông của T-T Woods, chỉ còn cách 5 cây số nữa là đến góc tây Thành Nội. Thực tế là đường tiếp cận Huế của quân Bắc Việt giờ đã bị khóa chặt. Về chiến lược coi như trận chiến ở Huế đã chấm dứt. Những cuộc giao tranh ác liệt sau đó chủ yếu là do các đơn vị quân Giải Phóng tự mình nỗ lực phá vòng vây thoát ra ngoài.






    PHẦN X


    KỲ ĐÀI




    Chương 37








    Trong cuộc họp đêm 20/2 của các sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn 1/5 TQLC thiếu tá Bob Thompson hỏi mấy đại đội trưởng xem liệu còn có thể tung ra 1 cuộc tiến công đêm được không?- đây là chiến thuật duy nhất mà tiểu đoàn 1/5 chưa thử trong suốt tuần qua tại Thành Nội. 3 trong số 4 đại đội trưởng nói lính tráng đã quá mệt sau cả ngày đánh nhau nên cần phải nghỉ ngơi. Duy chỉ có đại đội Alpha của trung úy Pat Polk là thường xuyên làm dự bị, nên khi thấy Thompson hỏi, anh đã đồng ý.

    Ý đồ của Thompson đại để là dùng 1 toán lính nhỏ thuộc trung đội 2, đại đội Alpha lẻn vào khu vực cửa Thượng Tứ. Pat Polk sẽ đích thân chỉ huy toán 'thám sát' - vì nó thực sự đúng là vậy. Họ bắt đầu di chuyển vượt phòng tuyến địch lúc 23g đêm 20/2.


    Đến 3g30 thì trung úy Polk báo cáo quân của mình đã chiếm lĩnh mấy ngôi nhà cao tầng gần cửa Thượng Tứ 1 cách êm thắm. Họ không vấp phải 1 lính Bắc Việt nào trên đường tiến quân cả.


    Đến khoảng 6g sáng thì các thành viên trong toán thám sát tiến hành thẩm vấn 1 người đàn ông lớn tuổi cùng 2 đứa con nhỏ. Mấy người bị bắt này rõ là thường dân vô tội chẳng có thông tin gì để cung cấp nên rút cục đã được thả.
    caonam_vOz, filber70, huymaya3 người khác thích bài này.
  2. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    Lúc 8g, toán thám sát từ 1 vị trí quan sát trong mấy ngôi nhà phát hiện có 2 đơn vị bộ đội Bắc Việt đang tập trung ngoài chỗ trống cạnh chỗ mình. Tiền sát viên cối 81mm, đi cùng toán thám sát - họ mò ra đây chính là để anh này làm việc - gọi khẩu đội cối 106,7mm mới bố trí tại MACV mấy bữa trước tập kích bằng đạn hơi cay. Khí CS khiến lính Bắc Việt giải tán. Sau đó 1 tổ trinh sát bắn tỉa lợi tình trạng rối loạn của địch để bắn hạ các mục tiêu mà không gây sự chú ý quá mức. Họ báo cáo đã giết được 4 lính Bắc Việt trong lần đó và sau đó còn hạ thêm được 1 số nữa nhờ sự áp dụng sở trường ẩn núp vào tác chiến đô thị. Địch chẳng bao giờ phát hiện được vị trí của toán thám sát.


    Khi tin tức về chuyến đột nhập được lan truyền - thiếu tá Thompson kêu gọi các đại đội khác học tập cách làm của đại đội Alpha - thì niềm hân hoan tràn ngập tiểu đoàn. Các sĩ quan cao cấp nhanh chóng chỉ ra rằng đây là 1 bài học trực quan sinh động cho thấy TQLC Mỹ cũng có kỹ năng không hề thua kém khả năng tiềm nhập "xuất quỉ nhập thần" của bộ đội Bắc Việt.


    *

    Suốt cả ngày hôm ấy, bộ đội Bắc Việt đương cự đối diện tiểu đoàn 1/5 hầu như toàn bắn ngay từ xa bằng súng trường và súng máy. TQLC Mỹ tiến công theo hướng tường thành đông nam có nhìn thấy 1 số quân địch nhưng địch cũng bắn lại quyết liệt. đại đội Delta của đại úy Myron Harrington cố gắng lần nữa tiến trên mặt tường thành đông bắc đến góc đông Thành Nội nhưng không thành công. đại đội Bravo và đại đội Charlie xông lên tiến công vào cuối buổi sáng nhưng chỉ phát triển được chút ít. Đến cuối ngày thì đại đội Charlie bị bộ đội bắn mạnh, nhất là từ trên mặt thành đông nam. Địch bắn dữ quá khiến đơn vị phải nằm bẹp dí.


    Tổng số thương vong của tiểu đoàn 1 TQLC trong ngày 21/2 là 3 chết, 14 bị thương nặng phải đưa đi sơ tán, 5 bị thương nhẹ vẫn chiến đấu được sau khi chữa trị. Đổi lại, TQLC Mỹ xác nhận giết được 16 quân Giải Phóng, 1 đầu hàng, thu được 5 súng cá nhân. Vào cuối ngày, trước sự kháng cự quyết liệt của địch, các đơn vị thuộc tiểu đoàn 1/5 đều phải dừng lại cách tường thành đông nam 1 lô nhà.


    Suốt ngày hôm đó tới đêm thứ 2, toán thám sát thuộc đại đội Alpha của trung úy Pat Folk vẫn ém trong mấy ngôi nhà gần cửa Thượng Tứ.


    *

    Sáng hôm sau, ngày 21/2, đại đội Lima, tiểu đoàn 3, trung đoàn 5 của đại úy John Niotis được phối thuộc cho trung đoàn 1 TQLC. Đến 14g30 thì đại đội chính thức được bàn giao cho tiểu đoàn 1/5 sang chiến đấu trong Thành Nội. Ngay lập tức đại đội còn tương đối sung sức này được lệnh ra công viên Doc Lao để trực thăng chở sang Thành Mang Cá. Quân Bắc Việt dùng súng máy bắn lên chiếc trực thăng đầu tiên và những chiếc kế tiếp. Do quá nguy hiểm nên hoạt động chuyển quân phải dừng lại. Việc này khiến cho 45 lính cuối cùng của đại đội Lima bị kẹt lại MACV suốt đêm.


    Chiến đoàn A TQLC VNCH của trung tá Hoàng Tích Thông vẫn bị chặn đứng sau cống Thủy Quan, ở khoảng giữa tường tây nam Thành Nội. Bị cái cống chạy suốt chính diện ngăn cản, các tiểu đoàn của Thông buộc phải vượt qua cống bằng 2 cái cầu nằm dưới sự khống chế của súng máy bộ đội Bắc Việt trên tường thành. Khi lính VNCH thử tấn công quân phòng thủ bằng hơi cay thì bộ đội Bắc Việt với mặt nạ phòng độc tự chế làm bằng vải đã khắc phục được tác dụng của khí CS. 1 đợt xung phong sau khi tập kích bằng khí CS của các tiểu đoàn dưới quyền Thông đã bị đánh bật với những tổn thất nặng nề. Sau đó rocket 122mm của Bắc Việt từ trên những ngọn đồi phía tây lại phóng xuống khu vực của TQLC VNCH gây thêm cho họ nhiều thương vong nữa.


    Rõ ràng là quân Bắc Việt đang chủ yếu dồn nỗ lực sang chống trả chiến đoàn TQLC VNCH. Cửa Hữu; lối thoát duy nhất khỏi Thành Nội của trung đoàn 6 Bắc Việt vẫn đang được nhiều đơn vị quân Giải Phóng cùng cảm tình viên dùng để sơ tán. Thêm nữa địa hình ở đây rất thuận lợi với sở trường bám trụ của bộ đội Bắc Việt. Ví dụ như khu vực đối diện với tiểu đoàn 4 TQLC VNCH với công viên nhà cửa, đền chùa nằm rải rác - chính là nơi lý tưởng để phòng ngự nhất là khi tiểu đoàn 4 VNCH bị tường thành ngăn cản không thể đi vòng suốt khoảng 1000m sau khu vực phòng thủ của đối phương.


    Tuy nhiên, về phía mình, các tiểu đoàn TQLC VNCH giờ đã được pháo binh chi viện hầu như quá dư dật. Dù tiểu đoàn 1/5 của Bob Thompson chẳng có gì để oanh kích vào vùng bị hạn chế phía trước ngoài súng cối, thì TQLC VNCH lại được phép dùng pháo 105 ly cơ hữu cùng tất các loại trọng pháo, thậm chí là cả pháo hạm của Hải quân Hoa Kỳ. Tuy các tiểu đoàn VNCH vẫn không thể tiến lên, dù đã khống chế được cửa Hữu và từ vị trí của mình có thể tiêu diệt tất cả những người bên phía Giải phóng muốn thoát ra ngoài. Thêm nữa, đến cuối ngày thì rõ ràng 4 tiểu đoàn quân Mỹ ở phía tây bắc Huế, chỗ T-T Woods đã khóa chặt được tuyến đường sơ tán cũng như tiếp viện từ bên ngoài Thành Nội.


    Thiếu tá Bill Eshelman gán 1 phần lỗi trong thất bại ngày hôm đó cho trung tá Hoàng Tích Thông, chiến đoàn trưởng. Không biết vì lý do gì mà Thông lại từ chối không tái cung cấp đạn cối 81mm cho tiểu đoàn 4 TQLC VNCH. Khi thấy đơn vị mình chỉ còn vỏn vẹn 21 quả đạn cối 81mm, thiếu tá Đỗ Đình Vượng, tiểu đoàn trưởng đã không chịu bắn nữa. Khi Eshelman hỏi về số lượng đạn dược được tiếp tế qua kênh cố vấn thì biết ban tiếp vận chiến đoàn còn rất nhiều chứ không hề thiếu. Do vậy, trong khi pháo 203 ly của Mỹ cùng pháo 105 ly VNCH đang dập dữ dội xuống khu vực bộ đội Bắc Việt đang bám trụ thì các tiểu đoàn TQLC VNCH trên tuyến đầu lại không có đủ đạn cối 81mm để rót chính xác vào những mục tiêu đang ngăn cản mình. Đến khi 2 chiếc xe tăng M41 VNCH tới gia nhập tiểu đoàn 4 lúc cuối ngày thì thiếu tá Vượng và thiếu tá Eshelman mới phấn khởi hơn 1 chút. Nhưng niềm vui của họ cũng chẳng được lâu. Đại bác 76 ly của mấy cái xe tăng không đủ sức xuyên thủng những căn nhà đúc ở Huế.
  3. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    Quá bế tắc và bức xúc, cuối cùng thiếu tá Vượng mới hỏi thiếu tá Eshelman: "Làm gì tiếp bây giờ?". Eshelman không tin những gì mình nghe thấy. Trong suốt quan hệ bấy lâu nay, Vượng luôn tự cao tự đại, kiên quyết không nghe những gì Eshelman khuyên bảo. Ông chỉ được coi là đối tác bên TQLC Mỹ chứ chẳng phải là cố vấn. Giờ thì Vượng lại hỏi ý kiến Eshelman. Eshelman thực sự giốc hết mọi kiến thức mình biết trong khi thiếu tá Vượng chăm chú lắng nghe. Tuy nhiên niềm an ủi lớn nhất với Eshelman là việc trung đoàn 1 TQLC hứa sẽ chuyển cho chiến đoàn TQLC VNCH 1-2 chiếc Ontos ngay khi tiểu đoàn 1/5 chiếm xong các mục tiêu của mình - chỉ 1-2 ngày nữa, điều này mang đến 1 hy vọng. Tuy thế, thiếu tá Eshelman biết chìa khóa để phá vỡ trận tuyến của quân Giải Phóng là không yểm, mà cái này phụ thuộc vào việc thời tiết có tốt lên hay là không?


    *

    Ngoài việc các tiểu đoàn Lục quân Mỹ đang gia tăng sức ép từ bên ngoài, tình hình tại mặt trận vùng I có nhiều chuyển biến thuận lợi cho phép chỉ huy quân đoàn của VNCH là trung tướng Hoàng Xuân Lãm đáp ứng sự đòi hỏi liên tục của chuẩn tướng Trưởng về vấn đề gửi thêm quân tăng viện. Ngày 21/2, tướng Lãm đã đồng ý chuyển đến Huế 2 tiểu đoàn biệt động quân số 21 và 39 - thuộc lực lượng trừ bị của Vùng I chiến thuật. 2 tiểu đoàn này di chuyển qua Tứ Hạ vào Huế trong đêm đó và được sư đoàn 1 VNCH giao nhiệm vụ quét sạch quân giải phóng ra khỏi những khu dân cư ở bờ đông sông Hương (vùng Phú Vang. ND). Các lực lượng đối phương trong khu vực này đang hoạt động rất mạnh, những tuần tuần tiễu và tàu vận tải chạy trên sông vẫn bị lính bắn tỉa địch bắn.


    *

    Đến tối 21/2 thì ai cũng biết việc tái chiếm Huế "chỉ còn là vấn đề thời gian." hay "nhiều nhất là vài ngày". Vấn đề ở đây là liệu sẽ còn bao nhiêu binh sĩ nữa phải mất mạng trước khi quân Giải Phóng chấp nhận bỏ cuộc.











    Chương 38



    Vào lúc 3g30 sáng, Bộ đội Bắc Việt khơi mào trận đánh ngày 22/2 trong Thành Nội bằng 1 loạt đạn cối bắn xuống các đại đội Bravo và Charlie, tiểu đoàn 1/5. Ít nhất 20 quả đạn cối 82 ly đã rót trúng các vị trí của TQLC, giết 4 và làm 4 lính Mỹ bị thương. TQLC dùng súng cối đáp trả nhưng không thể xác định được kết quả.

    Cũng vào lúc trời còn chưa sáng, chiến đoàn TQLC VNCH cũng bị pháo kích dữ dội bằng 1 loạt rocket 122 ly. Thiếu tá Bill Eshelman, cố vấn trưởng của tiểu đoàn 4 TQLC VNCH, đoan chắc đó là hậu quả của việc tuân thủ kỷ luật truyền tin quá lỏng lẻo. Ông biết vào đêm trước bộ đội Bắc Việt đã nghe được các cuộc đàm thoại vô tuyến đề cập đến kế hoạch tác chiến ngày 22 bằng 'bạch văn'. Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, các đơn vị VNCH tại Huế cũng thường xuyên nghe lỏm được làn sóng vô tuyến của quân Bắc Việt.

    *

    Đúng 9g30, tiểu đoàn 1/5 TQLC Mỹ bắt đầu tiến công nhưng bộ đội Bắc Việt trong khu vực phòng thủ quá chắc, các mũi đột kích của cả 3 tiểu đoàn TQLC trên tuyến đầu đều hụt hơi. Cuộc tiến công biến thành cuộc đọ súng lẻ tẻ từ cự ly xa. Có vẻ như lính Mỹ và bộ đội Bắc Việt đã đạt được 1 'công ước hưu chiến' (modus vivendi) rồi vậy.

    Đến trưa thì sở chỉ huy tiểu đoàn 1/5 nhận được tin đại đội Lima, tiểu đoàn 3, trung đoàn 5 đã gom đủ quân và sẵn sàng tham chiến. Thiếu tá Bob Thompson quyết định cho thay đại đội Bravo, tiểu đoàn 1/5, đơn vị bị thương vong nặng nhất và gửi 50-60 lính sống sót của đại đội này về Phú Bài để an dưỡng.

    *

    Vào lúc 13g, toán thám sát thuộc đại đội Alpha của trung úy Pat Polk lẻn ra khỏi những ngôi nhà họ đã chốt gần cửa Thượng Tứ. Toán thám sát êm thắm luồn đến tường thành ở góc phía đông Thành Nội. Tại đây, hạ sĩ nhất James Avella lôi từ trong túi dết ra 1 lá cờ Mỹ nhỏ. Được trung úy Polk ngầm bật đèn xanh, Avella buộc lá cờ vào 1 ống kim loại trèo lên mái nhà kho lợp tôn rồi buộc nó vào cột điện thoại. Đây là lần thứ nhì TQLC Mỹ treo quốc kỳ ở 1 nơi công khai tại Huế.

    *

    đại đội Lima, tiểu đoàn 3/5 ra tới nơi lúc 13g30. Với sự hỗ trợ của 1 số xe tăng M48 của TQLC, đơn vị tiến hành tấn công ngay khi vừa đến phòng tuyến của tiểu đoàn 1/5. "Chưa thấy qua tài chưa đổ lệ", đại đội dũng cảm càn thẳng lên những chốt mà các binh sĩ dạn dày trận mạc tiểu đoàn 1/5 cũng đừng hòng tới gần hồi sáng. Khi trung đội đi đầu vừa ào qua 1 cây cầu thì những tay súng bắn tỉa Bắc Việt đang ém kỹ trong khu vực bắt đầu nổ súng bắn chéo cánh sẻ. Nhiều TQLC đại đội Lima gục xuống, những người sống sót thì cũng không sao ngóc đầu lên nổi.

    Đại úy John Niotis cùng thượng sĩ đại đội Wally Loucks, từ 1 vị trí quan sát gần đó chứng kiến cảnh đại đội Lima được 'chào sân'. Ngay khi thấy các TQLC bên kia cầu nằm rạp xuống đất, Loucks liền phóng sang dưới lằn đạn địch. Viên thượng sĩ kiểm tra những người bị thương rồi chọn lấy 1 binh sĩ mà anh nghĩ đang nguy kịch nhất, xốc người lính lên vai rồi chạy lóc cóc trở về. Người lính bị thương được đưa về đến trạm sơ cứu tiểu đoàn 1/5 nhưng rồi cũng không qua khỏi.
    caonam_vOz, filber70, gaume12 người khác thích bài này.
  4. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    Trong lúc đó, Wally Loucks lại lao qua cầu kéo mấy thương binh còn lại vào chỗ an toàn. Đến khi đại đội Lima tổ chức tái tấn công thì thượng sĩ Louck tiếp tục tham gia vào việc chuyển thương binh về tuyến sau.

    *

    Lúc 14g, thiếu tá Ray Latall cùng thiếu tá John Van Es được lệnh báo động cấp 1, leo lên ngồi trong buồng lái máy bay bom A-4 Skyhawk của mình thuộc phi đoàn cường kích số 221 của binh chủng TQLC đóng tại sân bay Chu Lai. Họ được cho biết có thể sẽ phải bay ra Huế vì thời tiết lúc này ở đó đang tốt. Mỗi chiếc máy bay phản lực được vũ trang 8 quả bom phá Snakeye nặng 300 cân Anh; 2 quả bom napalm nặng 500 cân Anh; cùng 1 cơ số đạn đại bác 20 ly. Là sĩ quan tình báo của Liên đoàn không quân số 12 TQLC, thiếu tá Latall biết máy bay phản lực của TQLC chỉ có thể hoạt động ở Huế mấy ngày hoặc nhiều nhất là 1 tuần. Thời tiết ở Chu Lai rất đẹp nhưng tại Huế trần mây hãy còn thấp.

    Biên đội 2 máy bay, mật danh liên lạc là Helborne 513, được lệnh xuất kích lúc 14g30 phút. Sau khi làm liên lạc với Trung Tâm hành Quân Không Trợ (Direct Air Support Control) tại Phú Bài, Helborne 513 được dẫn bay ở độ cao 7000m cách Huế 35km. Khi những chiếc A-4 đến khu chờ thì đỉnh mây vẫn ở dưới độ cao vòng lượn của họ hơn 500m.


    Với những lính bộ binh TQLC đang phải chiến đấu mở đường đến góc thành phía đông thì công tác chuẩn bị của 2 phi công A-4 quá là ung dung, nhàn hạ. Trong lúc lập vòng lượn, các thiếu tá Latall và Van Es kiểm tra điều chỉnh lại cự ly xạ kích và công tắc quân giới sang chế độ cắt bom ở độ cao thấp. Sau đó trong khi chờ đến lượt mình, họ tiếp tục lượn vòng và theo dõi trên sóng vô tuyến 1 nhiệm vụ đang diễn ra; 1 chiếc máy bay chỉ điểm mục tiêu O-1 của Lục quân đang hướng dẫn 2 máy bay A-4 khác của TQLC công kích xuống mục tiêu giáp Thành Nội. Qua trao đổi giữa các phi công O-1 và A-4 có thể thấy trần mây đang cách mặt đất chỉ chừng 350m và trời đang xấu đi nhanh chóng. Latall cùng Van Es cũng biết rằng biên đội kia – phi xuất thứ 3 trong buổi sáng – đã bị địch bắn lên khi họ bay qua mục tiêu.


    Sở chỉ huy Huế - Phú Bài liên lạc với Latall và Van Es trao đổi về việc sẽ điều Helborne 513 qua đánh mục tiêu khác. 1 phi vụ “khẩn cấp” ("emergency" mission- là nhiệm vụ khẩn chỉ sử dụng khi đang theo nhiệm vụ khác hoặc đang nằm tại sân bay) chỉ có thể thực hiện với điều kiện trần mây thấp nhất – 350m, tầm nhìn tối thiểu nhất – 5 km. Tuy nhiên thiếu tá Latall và thiếu tá Van Es đã quyết định trước khi thời tiết xấu thêm sẽ vẫn không kích nếu được dẫn vào đúng mục tiêu. Latall gọi về Huế - Phú Bài xin phép thực hiện phi vụ “bắt buộc” (mission "mandatory"- là các chuyến tuần tra thường kỳ bắt buộc cho một mục đích nào đó) trong điều kiện thời tiết tối thiểu. Đến 15g thì Huế - Phú Bài gọi báo cho phép Helborne 513 thực hiện nhiệm vụ yểm trợ cận phòng, tức là cấp ưu tiên bắt buộc cao nhất.


    Sau khi mọi hạn chế vì lý do thời tiết đã được dỡ bỏ - 2 phi công A-4 liền nhập cuộc ngay, giảm tốc độ, chân dầu, bật các thiết bị rồi chúi mũi xuống biển Đông. 2 phi công đều không biết rõ khi xuyên mây xuống thì mình sẽ chỗ nào. Trong khi máy bay chúi xuống họ chuyển sang liên lạc với Benchmark 15; 1 máy bay O-1 do phi công Lục quân lái chở theo sĩ quan điều hành không yểm TQLC là đại úy Laramy.


    Mấy chiếc A-4 cải bằng trên mặt biển dưới bầu trời âm u chỉ cách sóng nước chừng 150m. Họ bẻ lái hướng mũi máy bay về phía cảng, giảm tốc độ hết mức rồi trực chỉ Huế. Khi đã bay trên thành phố thì mấy phi công mới nhìn thấy Benchmark 15 lần đầu tiên. 2 chiếc A-4 đang bay với tốc độ 350 knot trong khi chiếc O-1 lại sơn màu xanh lá cây sẫm nên phải chú ý lắm mới nhìn thấy. Nó xuất hiện trước mắt họ 1,6km lệch về bên phải. Ngay khi thiếu tá Latall nhìn thấy chiếc O-1 thì đại úy Laramy cũng liên lạc thông báo mình đã thấy 2 chiếc A-4.


    Trong khi Laramy mô tả mục tiêu, Latall bay chậm lại tìm Van Es và thấy bạn ở cách mình không xa lắm. Cả 2 máy bay A-4 đều sơn màu xám trắng giống y như màu những đám mây họ mới bay qua. Nếu Latall bay quá xa trước Van Es, họ rất dễ lạc nhau.

    Latall rất ấn tượng trước sự mô tả mục tiêu của Laramy. Cái giọng hướng dẫn rành rọt, dễ hiểu của Benchmark 15 thật quí như vàng trong khung cảnh bầu trời u ám bên trên Huế lúc này. Bob Laramy là 1 tay rất giỏi. Thêm nữa từ hôm 31/1 tới giờ, ngày nào anh cũng bay ở Huế nhưng hầu như chẳng được tích sự gì vì trời quá xấu.


    Đại úy Laramy nói mình sẽ đánh dấu mục tiêu bằng khói màu xanh lá cây, không thích hợp lắm với thời tiết lúc đó. Chiếc O-1 của Lục quân có sẵn duy nhất để hướng dẫn Helborne 513 khi đó lại đang vũ trang ở chế độ làm nhiệm vụ cứu hộ; không mang theo rocket khói như thường thấy trên các máy bay chỉ điểm mục tiêu. Để ném lựu đạn khói, đại úy Laramy phải yêu cầu phi công bay thấp và chậm trên đầu mục tiêu; 1 tác vụ hết sức mạo hiểm. Và đến lúc ấy Laramy mới biết viên phi công kia mới ra trận lần đầu. Đây là phi vụ chiến đấu đầu tiên của anh ta ở Việt Nam. Viên phi công sẽ liều làm thử, nhưng sự non kinh nghiệm của anh này khiến tình huống đã khó lại càng khó hơn.


    Cuối cùng 2 chiếc phản lực cũng phải tiếp cận cái mục tiêu đáng sợ kia. Bay vừa thấp vừa chậm do đeo quá nhiều bom đạn nặng nề, 2 phi công phải hết sức để ý tránh khá nhiều cột ăng ten nằm rải rác khắp thành phố. Chẳng thể nào nhìn rõ chúng cả và cũng chẳng hề biết liệu chúng có nằm trên đường bay của mình hay không? Cột khói đen kịt bốc lên từ chiếc tàu LCU đang cháy trên sông, những đám mây khói bụi cao chót vót do trọng pháo oanh tạc gây ra cộng với mưa đã hạn chế tầm nhìn, gây ra sao nhãng. Thậm chí họ còn được báo là có máy bay trực thăng bay hoạt động gần đó nữa.
    caonam_vOz, huytop, Longbow4 người khác thích bài này.
  5. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    Benchmark 15 bắt đầu bay xuống đánh dấu mục tiêu – khu vực tường thành đông nam trước mặt tiểu đoàn 1/5 của thiếu tá Bob Thompson. Khi khói xanh bốc lên thì cả 2 phi công đang lượn vòng đều báo đã nhìn thấy cùng với cả 1 đám khói cũng màu xanh khác nữa. Chẳng phi công nào biết đâu là đám khói đánh dấu mục tiêu cho mình. Hẳn là bộ đội Bắc Việt đã nghe được tần số liên lạc trên không nên đã ném trái lựu đạn khói thứ 2 ra. Chỉ có đại úy Laramy mới biết đám khói nào mới đúng nên anh liên lạc với các phi công phản lực để dẫn họ tới mục tiêu.


    Thiếu tá Van Es làm 1 lượt công kích giả (dummy run - nghĩa là bay qua mục tiêu làm động tác công kích nhưng không cắt bom. ND) để xác nhận rằng mình đã định vị được mục tiêu, thiếu tá Latall cũng vậy. Thêm 1 rủi ro nữa là các phi công chẳng thể nào biết những chiến hữu TQLC bên dưới đang cách nơi họ ném bom bao xa cả? Nhưng hẳn là sẽ rất gần do vậy họ càng không được phép xảy ra sai sót.


    Đại úy Laramy xác nhận 2 chiếc A-4 vừa bay qua đầu mục tiêu. Bộ đội Bắc Việt dưới đất cũng đã xác nhận - bằng cách dùng súng máy bắn lên.


    Các phi công phản lực có thể ném tất cả bom trong 1 lượt công kích, nhưng khi nhìn trời thì Van Es cùng Latall đều biết họ sẽ là phi vụ cuối cùng trong ngày. Do đó Latall và Van Es quyết định sẽ chỉ thả 1 lượt bay 2 trái bom để đảm bảo sao cho các TQLC dưới đất được yểm trợ nhiều nhất.


    Bay trên độ cao tầm 40m, tốc độ tối thiểu là 350 knot, Latall không được chứng kiến của Van Es công kích, tuy nhiên lần cắt bom đầu tiên của số 1 khá hoàn hảo. Khi thoát ly Van Es gọi báo cho biết là lượt bay quá “nóng”, nghĩa là anh đã cắt bom xong và bị phía dưới bắn lên. Benchmark 15 chỉnh hướng bay lại 1 chút cho Latall nên anh có thể bao quát được 1 vùng rộng hơn. Latall có thể nhìn thấy những lằn đạn đang lao về phía mình cũng như nghe tiếng chúng ghim trúng máy bay mình kêu thun thút. Mặc kệ, Latall vẫn cắt bom chính xác. Thiếu tá Bob Thompson sau này khi báo cáo đã khen 4 quả bom nalpam đầu tiên đã nổ tung chỉ cách tiền duyên tiểu đoàn 50 mét. Thompson cũng cảm nhận được sức nóng của mấy trái bom đó.


    Trong lượt công kích tiếp theo, thiếu tá Van Es đã ném 2 trái bom Snakeye 300 cân Anh trúng ngay mục tiêu. Lượt của Latall cũng thế. Lúc đó do đã thuộc đường và thấy khói đen của bom nalpam nên việc tìm mục tiêu trở nên nhanh chóng hơn nhiều. Trần mây giờ đã thấp hơn – chỉ còn 70m - và súng máy Bắc Việt vẫn bắn. Latall tiếp tục hướng xuống mục tiêu, cẩn thận tránh chiếc O-1. Khi liếc nhìn xuống anh bỗng cảm thấy sốc, mắt tròn xoe khi thấy hàng ngàn con người dưới mặt đất – những dân thường chạy nạn với những đồ đạc quí giá chất trên lưng. Tới điểm cắt bom, Latall lại nhìn và nghe thấy những viên đạn bắn lên trúng vào chiếc A-4 của mình. Sau khi cắt bom, anh kéo cần lái nhẹ nhàng thoát ly để kiểm tra xem còn điều khiển được nó không? Mọi thứ vẫn tốt nhưng những lỗ thủng trên thân máy bay gần chân anh đã làm ca bin buồng lái bị mất điều áp. Latall cũng phát hiện ra thiết bị dẫn đường của mình cũng đã bị bắn hỏng.


    Trên đường vòng lại mục tiêu, Latall bay qua chỗ Benchmark 15. Chiếc O-1 đang bay thẳng bên trái ở cùng hướng và độ cao và với anh. Nhưng đến khi Latall cải theo hướng gió về vị trí của mình thực hiện lượt công kích tiếp theo thì trong tai nghe bỗng vang lên tiếng cảnh báo: “Benchmark 15! Kéo lên! Kéo lên!" Sợ mình sẽ va chạm với chiếc O-1, Latall chúc mũi máy bay hạ xuống 15 bộ. Những tiếng hét vẫn vang lên thất thanh. Lúc đó biết mình đã ở cách xa chiếc O-1 Latall nhận ra đại úy Laramy không phải đang nói đến lần công kích cuối cùng xuống mục tiêu của mình.


    Latall hãm máy bay lại hết mức để quan sát rõ hơn. Nhìn qua vai trái anh thấy chiếc O-1 đang bay chao đảo phía sau. Không thấy lửa hay khói gì nhưng Latall nhìn rõ chất lỏng màu cam phụt ra trước mũi chiếc O-1. Rõ ràng Benchmark 15 sẽ rơi hoặc phải đáp khẩn cấp. Thiếu tá Van Es liên lạc về báo sẽ đảm nhiệm bay cứu hộ - nghĩa là lượn vòng quanh chiếc O-1 cho đến khi trực thăng cứu hộ được điều đến.


    Lúc này thì cả 2 chiếc A-4 đã dùng lố lượng nhiên liệu dành cho phi vụ. Nếu bay ở Huế lâu hơn nữa họ sẽ gặp nguy hiểm trên đường về Chu Lai. Dù thế 2 chiếc A-4 vẫn quyết định nấn ná lại thêm. Chiếc O-1 chúi về hướng sông Hương, mũi máy bay cố ngóc lên rồi lao xuống đất.


    Khi chiếc O-1 rơi thì Latall đang ở trên đầu mục tiêu. Thấy mình không thể cứ ném bom bừa được, do đó anh tắt công tắc quân giới làm động tác giả cắt bom. Nếu đúng như toan tính thì động tác giả này sẽ khiến lính Bắc Việt phải chúi đầu xuống nấp và bộ binh Mỹ lại được dễ thở hơn trong chốc lát.


    Latall vừa thoát ly thì nghe tin báo qua điện đài là ở dưới đất có 1 toán cứu hộ đang trên đường đến chỗ máy bay rơi. Helborne 513 được chỉ thị thả nốt số bom còn lại rồi về căn cứ.


    2 phi công A-4 từ chối làm theo chỉ thị và báo lại là mình vẫn ở lại Huế. Họ làm thêm nhiều lượt công kích giả nữa xuống mục tiêu và chỗ chiếc O-1 vừa để giúp tiểu đoàn 1/5 vừa ngăn không cho địch tiếp cận chỗ máy bay rơi. 2 chiếc A-4 chưa kịp thả thêm quả bom nào thì sở chỉ huy Huế - Phú Bài nghiêm lệnh cho họ về ngay căn cứ vì trời hiện đã trở nên mù mịt. Vào phút chót Latall tình cờ nhìn thấy Van Es, anh bèn nhập ngay với chiếc số 1 vì thiết bị dẫn đường của mình đã hỏng. Trên đường bay về, Latall báo cho Van Es biết máy bay của bạn đang bị dò nhiên liệu do thùng xăng bị thủng 1 lỗ.


    Dù sắp cạn nhiên liệu, 2 chiếc A-4 vẫn về đến Chu Lai an toàn. Chiếc máy bay của thiếu tá Van Es bị bắn thủng thùng xăng chính, đầu cánh, cửa hầm chứa bánh đáp. Chiếc của Latall thì bị thủng lỗ chỗ suốt từ mũi đến cánh đuôi. Đêm đó căn cứ Chu Lai cho biết viên phi công Lục quân lái chiếc O-1 đã bị bắn chết từ lúc thiếu tá công kích lần thứ nhì. Đại úy Bob Laramy, 1 sĩ quan bộ binh TQLC mới được huấn luyện qua loa làm phi công đã cố gắng cầm lái nhưng chiếc máy bay O-1 vẫn bị mất điều khiển và rơi xuống. Đại úy Laramy tới được 1 vị trí của quân VNCH nhưng bị bỏng nặng và cuối cùng phải giải ngũ vì lý do sức khỏe. Hôm sau thiếu tá John Van Es và thiếu tá Ray Latall nghe nói họ được công nhận là đã tiêu diệt được 73 lính Bắc Việt trong khu vực 150m dọc tường Thành Nội.
    caonam_vOz, huytop, gaume13 người khác thích bài này.
  6. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    *

    Trận đánh ngày 22/2 tại khu vực của chiến đoàn TQLC VNCH, bắt đầu từ lúc 6g45 phút khi bộ đội Bắc Việt cố thủ trên tường thành Nội dùng hỏa lực súng trường và súng máy bắn xuống. Súng cối đặt xa hơn về phía đông nam làm mọi thứ thêm hỗn loạn thêm. Thương vong tăng lên đáng kể. Đến 8g30, quân Bắc Việt tổ chức phản kích đánh bật 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 3 VNCH ra khỏi ngôi trường nằm giữa khu vực chiến đoàn và TQLC Mỹ vốn bị phe chính phủ chiếm mấy hôm nay.


    Chiến đoàn TQLC VNCH lại được pháo 203 ly từ phía nam hỗ trợ mạnh mẽ. Các loạt pháo 203 ly ban đầu dập xuống 1 tuyến cách tiền duyên chiến đoàn 300m về phía đông nam. Những loạt bắn tiếp theo ngày càng xích lại gần hơn cho đến khi TQLC VNCH báo vị trí của họ đã bị mảnh pháo ‘sờ’ đến. Cứ sau mỗi đợt pháo, loa phóng thanh bên phía VNCH lại chĩa sang phía đối diện kêu gọi quân Giải Phóng đầu hàng. Dù hầu hết bộ đội giải phóng vẫn bám trụ trong công sự cá nhân hay hầm chiến đấu nhưng họ cũng tạo điều kiện cho hàng trăm thường dân đi qua chỗ mình sang chiến tuyến của lính VNCH. Tất nhiên cũng có cả lính địch trà trộn lẫn vào đám dân chạy nạn nhưng 1 số vẫn bị lộ khi quân chính phủ tiến hành sàng lọc, thẩm vấn.


    Có pháo chi viện mạnh mẽ cùng hệ thống tâm lý chiến đắc lực, thế nhưng các tiểu đoàn 4 và 5 TQLC VNCH trong ngày 22/2 vẫn không sao tiến lên được. Dường như quân Giải Phóng giữ cửa Hữu ngày càng chở nên quyết tâm hơn.


    *

    Khu vực tác chiến của tiểu đoàn 1/5 TQLC Mỹ đang có những thay đổi lớn lao. Trung đội 2, đại đội Alpha đã nằm trên tường thành ở góc phía đông Thành Nội suốt đêm 22/2, mà không thấy bộ đội Bắc Việt trên hướng này có phản ứng thù địch gì. 8g sáng ngày 23/2, đại đội Delta, tiểu đoàn 1/5 của đại úy Myron Harrington từ phòng tuyến của mình cách tường thành đông nam 1 khối nhà đã tổ chức xung phong dưới lằn đạn bắn tỉa lẻ tẻ của địch và đã chiếm được mục tiêu của mình. Trong đợt xung phong cuối cùng, đại đội có quân số bị hao hụt rất nhiều này có 2 TQLC bị thương và tìm được 1 xác bộ đội Bắc Việt trong khi tỏa ra tảo thanh toàn bộ khu vực.


    Trong khi đại đội Delta xông lên tấn công thì đại đội Lima, tiểu đoàn 3/5 của đại úy John Niotis với quân số đông hơn nhiều xoay sang phía tây nam đánh thẳng về góc đông của Đại Nội. Lực lượng bộ đội Bắc Việt đối mặt với đại đội tuy không nhiều nhưng lại chống trả rất quyết liệt. Tiến triển khá là chậm. Chắc hẳn là do lính đại đội Lima mới chỉ kinh qua chiến đấu trên đường phố có 1 hôm nên họ tỏ ra rất thận trọng.


    Lúc 9g45 thì 1 trong số 2 hay 3 xe tăng M48 theo hỗ trợ đại đội của đại úy Niotis đã bị trúng 1 phát RPG. 1 thành viên tổ lái tử trận, 1 bị thương nhẹ. Chiếc xe tăng bị hỏng nặng phải kéo về tuyến sau.


    Nhận thấy quân Bắc Việt chẳng còn kháng cự được bao lâu nữa, thiếu tá Bob Thompson cùng thiếu tá Len Wunderlich rời sở chỉ huy tiểu đoàn đi đến trước hiên 1 ngôi nhà đúc để có thể từ đó quan sát, chỉ đạo tiểu đoàn mình dốc toàn lực ra công kích. Đến lúc này thì đại đội Lima, tiểu đoàn 3/5 cũng đã tiến nhanh hơn trước. Bob Thompson quan sát từ trên vị trí chỉ huy mới đã nghĩ đấy là trận tiến công đẹp nhất mà mình từng chứng kiến – hơn cả những cuộc thao diễn mà ông chứng kiến và tham dự ở Quantico. Sáng sớm hôm đó trời rất trong xanh do đó có rất nhiều máy bay phản lực của TQLC tới tham chiến. Giờ thì các phi công đang háo hức đã có thể rải bom phá, bom nalpam và nã rocket trước chính diện tiến công của tiểu đoàn 1/5 100m. Sau khi vượt qua được khó khăn ban sáng, lúc này đại đội Lima, tiểu đoàn 3/5 cứ tiến quân phăng phăng. Mấy xe tăng M48 còn lại cùng 2 chiếc Ontos thật đúng là ‘đáng đồng tiền bát gạo’. Chúng phối hợp tấn công cùng bộ binh rất nhịp nhàng. Rốt cục cái mục tiêu ‘xương xẩu’ là cửa Thượng Tứ cũng đã rơi vào tay TQLC Mỹ.


    Vào khoảng 10g sáng, viên trung sĩ trung đội phó trung đội xe tăng hoặc người pháo thủ hẳn đã nhìn thấy có người di chuyển chỗ ngôi nhà đang đóng sở chỉ huy tiểu đoàn 1/5, nơi đang có mặt thiếu tá Thompson, thiếu tá Wunderlich cùng toàn ban chỉ huy. Thành viên tổ lái tăng hấp tấp kết luận ngay là ngôi nhà này đang bị địch chiếm giữ. Về phía mình 2 viên thiếu tá lại đinh ninh mình đang được ‘dự khán' 1 pha biểu diễn tiêu diệt vị trí địch đâu đó tận phía sau. Trong khi đang thưởng thức màn trình diễn họ bỗng phát giác họng đại bác 90mm kia bỗng chĩa thẳng về phía mình. Trong khoảnh khắc cuối cùng, lại thấy cái tháp pháo quay đi và nòng pháo ngóc lên. Tay pháo thủ mới thấy 1 mục tiêu ngon hơn. Cỗ xe tăng bắn mấy phát đạn bay ngang qua sở chỉ huy về phía tường Đại Nội. Nhưng sau đó họng pháo lại quay về hướng sở chỉ huy tiểu đoàn. Bob Thompson thấy 1 luồng khói phụt ra rồi thì - “BÙM”- viên đạn 90ly lao thẳng vào nhà. May thay, thiếu tá Thompson, thiếu tá Wunderlich cùng số điện đài viên đều đã kịp nằm rạp xuống khi quả đạn tăng nổ tung trên mái hiên chỗ ban công. Thấy vẫn chưa đủ đô, tay trưởng xe còn dùng đại liên 50 gắn trên tháp quan trắc cày nát hiên nhà nữa. Theo bản năng, Thompson chạy về phía cửa để chui vào trong nhà nhưng cậu cận vệ mới đã xô Thompson ngã xuống rồi lấy thân mình che cho ông. Thompson hết sức ngạc nhiên. Người cận vệ cũ của ông mới bị bắn chết ngày hôm trước và cậu mới này thì vừa được viên thượng sĩ cố vấn tiểu đoàn chọn rất ngẫu nhiên. Thậm chí Thompson còn chưa biết cậu bé tên gì và đoan chắc cậu hạ sĩ này cũng chỉ biết gọi mình là “thiếu tá” mà thôi. Thế rồi, Thompson lại thêm kinh ngạc khi thấy Len Wunderlich chẳng nói chẳng rằng chộp lấy ống nói của lính điện đài rồi tuôn ra những lời tục tĩu hiếm thấy lệnh cho viên trung sĩ xe tăng ngừng bắn. Kỳ diệu thay, ngoài việc làm Thompson thất kinh, thì đòn ‘tấn công’ của chiếc xe tăng không gây ra thiệt hại gì hết.


    Chỉ lát sau, 1 xe tăng M48 đi yểm trợ cho đại đội Lima, tiểu đoàn 3/5 cũng bị 1 loạt RPG từ trên tường Đại Nội bắn trúng làm 3 thành viên tổ lái bị thương. Sau đó 1 phút, trong khi chiếc xe tăng hỏng đang được lùi về thì nó lại dính thêm 3 quả RPG nữa. TQLC của đại đội Lima phát hiện được vị trí súng chống tăng địch liền nã đạn M16, M60 vào đó và gọi cối 60mm dập xuống. Bộ đội Bắc Việt bắn trả nhưng đạn cối đã mau chóng xóa sổ các vị trí của địch. Chiếc xe tăng rút lui an toàn nhưng trận đọ súng cũng làm cho đại đội Lima có 1 TQLC tử trận, 6 bị thương nặng phải đưa đi sơ tán, 5 bị thương nhẹ.
  7. viagraless

    viagraless Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    23/07/2004
    Bài viết:
    698
    Đã được thích:
    357
    Đọc mà thấy sướng, công nhận lính mình oánh nhau chì thiệt, cảm ơn dịch giả rất nhiều
    convitbuocngthi96 thích bài này.
  8. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    Đến 10g20 phút, đại đội Alpha, tiểu đoàn 1/5 khi đang nhích từng chút men theo tường đông bắc Đại Nội đã bị trúng 3 quả đạn cối 82mm. 4 TQLC bị thương nặng phải đưa đi sơ tán, 1 bị thương nhẹ vẫn ở lại cùng đơn vị.


    Vào đầu buổi chiều, đại đội Delta, tiểu đoàn 1/5 tiến về phía tây nam chủ yếu là để thanh toán số công sự của quân Bắc Việt trên tường thành đông nam. Thế rồi số quân đi đầu của đại đội đã vấp phải 1 số lớn quân địch đang chốt trong 1 trận địa có nhiều lô cốt, hầm chiến đầu có thể liên kết, chi viện lẫn nhau. Hỏa lực mạnh mẽ của súng trường, súng máy và súng chống tăng bộ đội Bắc Việt đã khiến cho đại đội Delta có nguy cơ bị chặn đứng. Nhưng đại úy Myron Harrington quyết không để cho thứ gì có thể ngáng đường mình giành chiến thắng cuối cùng. Harrington cùng 2 tổ bazooka 90 ly tiến lên rồi hướng dẫn họ bắn vào những chỗ mà anh coi là nền tảng trong trận địa phòng ngự của Bắc Việt. Sau đó Harrington chạy qua chạy lại như con thoi trên tuyến đầu để chỉ thị mục tiêu và tổ chức bắn chế áp. Ngoài ra, Harrington còn đích thân gọi gọi pháo binh và súng cối dập xuống cách vị trí quân mình chỉ chừng 25 thước nữa. Quân Mỹ chiếm được 4 vị trí của quân Bắc Việt. Khi thấy hệ thống phòng ngự địch bắt đầu vỡ, Harrington lên trước, kêu gọi số quân đi đầu xốc tới, rồi đích thân dẫn binh sĩ xông lên tiến đánh 1 vị trí khác của địch. Đến lúc này thì đại đội Delta đã bắt đầu chọc thủng được tuyến phòng ngự của đối phương. Trận xung phong cuối cùng cũng đánh bại được quân địch. TQLC của Harrington đếm được 25 xác lính Bắc Việt trên trận địa. Đại úy Myron Harrington đã được tặng thưởng huân chương Chữ thập Hải quân vì hành động chỉ huy xuất sắc trong trận đánh đó. (Theo tài liệu của ta, bộ đội đã được lệnh rút khỏi Huế từ sáng 22/2, rút dần từng đơn vị một; chỉ còn những tổ chặn hậu kìm chân địch là còn ở lại. Việc rút quân hoàn tất ngày 25/2. Đó là lý do Mỹ có thể tiến nhanh như thế. Trung đoàn 6 cố thủ thành Nội chính là trung đoàn Phú Xuân, chủ lực của quân khu Trị Thiên, đơn vị vinh dự 2 lần cắm cờ cắm cờ trên Kỷ Đài - Ngọ Môn ngày giải phóng thành phố Huế (8 giờ ngày 1/1/1968 và 6 giờ 30 phút ngày 26/3/1975). ND)


    *

    Ngay khi thiếu tá Bob Thompson biết chắc hệ thống phòng ngự của Bắc Việt trước mặt tiểu đoàn 1/5 cuối cùng cũng đã sụp đổ, ông liền yêu cầu tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2, trung đoàn 3 VNCH tới sở chỉ huy gặp mình. Viên đại úy, ăn mặc khá chải chuốt này, mấy hôm trước từng xin Thompson cho phép tổ chức tấn công lên Kỳ Đài để hạ lá cờ lớn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN bay trên đó xuống. Thompson khi ấy đã phải nói với viên tiểu đoàn trưởng là nếu như góc thành phía đông vẫn chưa nằm trong tay quân bạn thì mọi nỗ lực tiến tới đó chỉ để tự sát mà thôi. Đến chiều ngày 23/2 thì Thompson bảo với viên đại úy là tiểu đoàn 2, trung đoàn 3 VNCH giờ đã có thể lên đánh chiếm Kỳ Đài. Thompson cứ tưởng tay sĩ quan VNCH sẽ ‘nhảy cẫng lên’ nắm lấy cơ hội vậy mà anh ta lại trả lời: “Có lẽ ông lên chiếm nó thì hơn.”


    Việc tiểu đoàn 1/5 TQLC Mỹ lên chiếm Kỳ Đài là 1 điều rất khó được chấp nhận. Bộ chỉ huy cấp trên đã nói rõ là dù có thể, tiểu đoàn TQLC Mỹ cũng không được phép hạ cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN trên Kỳ Đài xuống cũng như việc tiến vào Đại Nội. Vì thể diện quốc gia của nam VN nên chỉ có các đơn vị Lục quân hay TQLC của VNCH là được phép đánh chiếm 2 mục tiêu mang ý nghĩa tối thượng về chính trị này mà thôi.


    Với những hạn chế trên, tiểu đoàn 1/5 đành kết thúc ngày bằng cách chiếm hết các mục tiêu được cho phép. Ngoại trừ việc nắn thẳng chiến tuyến và tiến hành truy quét phía sau, tiểu đoàn 1 chẳng còn gì để làm trong Thành Nội nữa.


    Trong ngày 23/2, đến 11 giờ trưa thì các tiểu đoàn 4 và 5 TQLC VNCH mới bắt đầu tiến công. Người ta đã hứa sẽ cho pháo kích, không kích oanh tạc suốt dọc tiền duyên của họ, nhưng nhiều giờ đã qua đi mà chẳng thấy hỏa lực chi viện đâu hết. Do yểm trợ không đủ, ngay cả cối 81mm cơ hữu cũng chẳng có vì hết đạn các tiểu đoàn chỉ biết dàn hàng ngang tiến lên mỗi tiểu đoàn tấn công bằng 3 đại đội. 1 lần nữa TQLC VNCH lại không thể vượt qua nổi cống Thủy Quan. Dù cho các sĩ quan và hạ sĩ quan đã cố gắng đốc thúc nhưng có thể thấy ngay là hôm đó chiến đoàn TQLC VNCH lại thất bại.


    Đến cuối ngày thì tinh thần của các tiểu đoàn 4 và 5 TQLC VNCH đã xuống thấp đến cùng cực. Bầu không khí buồn thảm làn tràn ở mọi cấp, đây là điều chưa từng xảy ra trong lực lượng TQLC, binh chủng ưu tú loại nhất của VNCH.


    *

    Dường như viên chỉ huy tiểu đoàn 2, trung đoàn 3 VNCH đã buộc phải thừa lệnh của thượng cấp – không ai khác ngoài tướng Trưởng – dẫn toàn bộ đơn vị từ phòng tuyến của tiểu đoàn 1/5 tiến dọc theo tường đông nam Thành Nội tới Kỳ Đài. Lính VNCH tiến lên trong màn đêm trước khi trời sáng. Cuộc xung phong cuối cùng diễn ra lúc 5g sáng. Họ dễ dàng tràn ngập đơn vị địch phòng thủ ở đây và hạ được 31 lính đối phương.


    Trong ánh sáng ban mai, lá cờ to lớn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN cái gai trong mắt và là nỗi ám ảnh các giới lãnh đạo Hoa Kỳ và nam VN suốt từ ngày 31/1 đến nay đã bị lính VNCH hạ xuống. Một lúc sau nó được thay bằng 1 lá quốc kỳ lớn của VNCH.


    *

    Đến 7g30 sáng, sau khi đã lên lại tinh thần với vinh dự này, lực lượng chính của trung đoàn 3 VNCH, được 1 chi đoàn thuộc thiết doàn 7 Kỵ binh hỗ trợ xông lên tiến đánh những ổ đề kháng trên tường Đại Nội. Trong phần lớn 3 tiếng đồng hồ sau đó, 1 không khí hân hoan lan tràn khắp Thành Nội. Cùng với những bản nhạc ái quốc phát trên loa phóng thanh, lính VNCH bắn và ném lựu đạn ào ào lên mặt tường Đại Nội. Đến 10g25 thì những hỏa điểm cuối cùng của địch cũng đã bị dập tắt. Tướng Trưởng lệnh cho đại đội Hắc Báo, đơn vị trinh sát của sư đoàn 1 VNCH và tiểu đoàn 2, trung đoàn 3 mở tung cửa Ngọ Môn và xông vào đánh chiếm bên trong. Lại thêm nhiều tiếng súng cùng tiếng lựu đạn nổ rộ lên sau đó. Cuộc tiến công cuối cùng diễn ra lúc 15g15 phút. Đến 17g thì Đại Nội được tuyên bố là đã an toàn.
  9. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    Suốt cả buổi sáng chiến đoàn A TQLC VNCH cố thử 1 lần nữa đột phá trận địa phòng ngự của bộ đội Bắc Việt. Ngay khi cuộc tiến công được phát động có thể thấy rõ là bộ đội đã rút lui hoặc đơn giản hơn là bỏ lại vị trí. Tới gần trưa thì 2 đại đội thuộc tiểu đoàn 4 TQLC VNCH đã chiếm được cửa Hữu và cuộc tiến công của 2 tiểu đoàn này nhanh chóng phát triển ra xa hơn. Giờ thì tất cả những chiến sĩ Giải Phóng nào còn lại trong Thành Nội đều không thể nào thoát ra được nữa. Cho đến hoàng hôn TQLC VNCH vẫn chưa chiếm xong góc nam Thành Nội nhưng đến 5g sáng hôm sau thì họ lại tấn công tiếp tục. Cuối cùng, đến ngày 25/2, góc thành phía nam mới sụp đổ nhờ sự chi viện của 2 chiếc xe tăng Ontos của TQLC Mỹ.








    PHẦN KẾT




    Thành phố Huế được bộ tư lệnh quân đoàn I VNCH tuyên bố đã tái chiếm hoàn toàn vào ngày 26/2, 1 ngày sau khi giành lại khu Đại Nội. Dù đã công bố chính thức tin báo tiệp về việc kết thúc trận chiến, nhưng ở Huế và vùng xung quanh vẫn còn xảy ra những trận đánh đẫm máu với những đơn vị quân Giải Phóng gan góc suốt 3 tuần lễ nữa.

    Với 3 tiểu đoàn TQLC Mỹ đã tham chiến tại Huế; tiểu đoàn 1/1 của trung tá Mark Grave tiếp tục tiến hành truy quét khu vực phía đông khu phái bộ MACV cho đến đầu tháng 3, mới lập lại an ninh cho nơi này. Vào cuối tháng 2, tiểu đoàn 2/5 của trung tá Ernie Cheatham, đơn vị đã tái chiếm khu Tam giác hôm 10/2 cũng tiêu diệt xong bộ phận chủ lực của trung đoàn 4 Bắc Việt trong các cuộc hành quân truy kích ráo riết phía nam sông Phủ Cam. Trong mấy ngày đầu tháng 3, tiểu đoàn 2/5 của Cheatham cùng với tiểu đoàn 1/5 của thiếu tá Bob Thompson lại tổ chức hành quân càn quét khu vực giữa sông Hương với biển Đông (vùng Phú Vang. ND). Ngày 2 tháng 3, chiến đoàn X-ray tuyên bố kết thúc các chiến dịch tại Huế. Đến mùng 4/3 thì tiểu đoàn 1/5 trở lại đội hình trung đoàn 5 TQLC và quay về Phú Bài để tái trang bị. Đến ngày 5/3 thì đại tá Stan Hughes cùng ban tham mưu trung đoàn rời khu MACV về lại Phú Bài. Sang ngày 8/3, tiểu đoàn 2/5 di chuyển về phía nam để bắt đầu tiến hành các chiến dịch mới dưới sự chỉ huy của trung đoàn 5 TQLC.

    Sau khi Thành Nội thất thủ, lữ đoàn 2 sư đoàn dù 101 cùng lữ đoàn 3 sư đoàn 1 Kỵ binh bay từ hướng bắc và hướng tây tiếp tục càn quét tiến về thành phố. Họ cùng các đơn vị khác thuộc 2 sư đoàn Mỹ trên cũng đã vượt sông Hương tổ chức hành quân truy quét địch trong mấy ngày. Sau đó các đơn vị Lục quân Mỹ lại rút về để bắt đầu các chiến dịch đã được lên kế hoạch từ trước bị đổ bể do tình hình khẩn cấp ở Huế gây nên.

    Chiến đoàn A TQLC VNCH vẫn đụng độ tiếp tục với các đơn vị quân Giải Phóng còn tụt lại ở Huế và lân cận. Đến đầu tháng 3 thì nó được rút ra, cả 3 tiểu đoàn này đều được trả về doanh trại của mình ở miền nam để tái trang bị và huấn luyện lính bổ sung cho hàng trăm TQLC đã thương vong ở Sài Gòn và Huế.

    Sư đoàn 1 VNCH, với bộ tư lệnh đặt ở Huế, tiếp tục việc truy quét đối phương ở trong và ngoài thành phố rồi từ từ trở lại công việc trước đây của mình là trấn giữ phần phía bắc vùng I chiến thuật. Phải mất nhiều tháng sư đoàn mới lấy lại sức mạnh như hồi trước Tết và còn lâu hơn nữa để nó nhận thêm lính nghĩa vụ và huấn luyện tân binh. Tuy nhiên với sự lãnh đạo đáng tin cậy của chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng, nó vẫn là 1 trong những sư đoàn tác chiến giỏi nhất trong toàn quân lực VNCH.

    Thành phố Huế xinh đẹp giờ chỉ còn là đống gạch vụn. Sẽ phải mất nhiều năm xây dựng lại và việc này chưa kịp hoàn thành thì VNCH đã sụp đổ trước cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975 của Bắc Việt. Tuy nhiên bi kịch thực sự của trận chiến Huế không phải nằm ở những thiệt hại về vật chất hay thậm chí cả những tổn thất trong lĩnh vực di tích, bảo vật quốc gia mà còn là cái chết của hàng ngàn thường dân Huế - thiệt mạng 1 cách vô tình hay hữu ý trong các trận đánh nhằm tái chiếm lại thành phố.

    (Tổng số thương vong trong trận giải tỏa Huế: VNCH: tử trận 384, bị thương 1800, mất tích 30; Mỹ: TQLC chết 147, bị thương 857; Lục quân chết 74; bị thương 507; Phía đồng minh tuyên bố có 5000 quân giải phóng hy sinh trong thành phố cùng khoảng 3000 người nữa trong các trận đánh với các đơn vị thuộc sư đoàn 101 và sư đoàn 1 Kỵ binh bay. 40% nhà cửa ở Huế bị phá hủy. Có 5800 thường dân bị chết hoặc mất tích; 116.000 người mất chỗ ở. Theo tài liệu của ta thì Sau 25 ngày đêm chiến đấu và làm chủ thành phố Huế. quân và dân ta đã diệt, bắt sống, bức hàng hơn 25.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 255 máy bay, bắn cháy 41 tàu chiến, phá hủy 533 xe quân sự và nhiều kho đạn lớn của địch.ND)




    tèn tén ten...cuốn trận Mậu thân tại Huế đã hết sạch...cảm ơn các bác đã theo dõi...đặc biệt cảm ơn các bác đã like e nhiệt tình giúp e có động lực hoàn thành cuốn sách này ạ...Các bác trên forum có thể in ra đọc cũng được nhưng xin không sử dụng cho mục đích thương mại..
    maseo, caonam_vOz, DepTraiDeu6 người khác thích bài này.
  10. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Cám ơn bác Nguyễn Thi rất nhiều....

Chia sẻ trang này