1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Chim Bit-ta vẫn hót - Khuất Quang Thụy

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Milou, 24/01/2003.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Chim Bit-ta vẫn hót - Khuất Quang Thụy

    Chim Bit-ta vẫn hót - Khuất Quang Thụy

    Hoàng hôn xuống đúng vào lúc chiếc xe du lịch của chúng tôi tới chân đèo An Khê. Nhìn thấy núi non trùng điệp như thành quách trước mặt, lòng tôi bỗng dưng xao xuyến lạ thường. Mười năm nay tôi mới lại có dịp trở lại Tây Nguyên, vùng đất đã chứng kiến biết bao vui buồn của một thời trẻ trai, trận mạc. Tôi hạ cửa kính xe và thành kính ngước nhìn lên đỉnh núi, mặt trời đỏ rực như vừa nhẹ nhàng đậu xuống nơi ấy, khiến những đám mây bay ngang sườn núi cũng thoắt hồng rực lên. Phía xa, những tảng mây lớn, hình thù kỳ dị cũng đang trôi vùn vụt về phía mặt trời. Riêng tôi, tôi thấy chúng giống như một đàn voi đang vừa gào rống, vừa lao vun vút về phía mặt trời như muốn tới cho kịp để giữ lấy vầng mặt trời đỏ rực kia, không để nó tụt xuống phía bên kia núi rồi tắt lịm đi, để cho mặt đất bị bao phủ bởi một màn đêm tăm tối, đầy bất trắc. Có lẽ, ngày nào trên đỉnh núi kia cũng diễn ra cuộc đuổi bắt hùng tráng ấy. Nhưng, đáng buồn thay, đàn voi mây đã đến chậm. Vừng mặt trời rực rỡ phút chốc lao xuống bên kia dãy núi. Đàn voi mây đến chậm như bỗng cháy rực lên rồi tản ra, ngơ ngẩn trên sườn núi cho đến khi chìm vào bóng đêm, phải chăng, đó là hư ảnh của đoàn voi chiến năm xưa của vua Quang Trung. Chúng tôi đã chẳng có mặt trên vùng đất Tây Sơn thượng đạo, căn cứ kháng chiến năm xưa của nghĩa quân Tây Sơn đó sao?

    - Một cảnh hoàng hôn thật ngoạn mục!

    Ông khách người Hà Lan của chúng tôi bỗng thốt lên như vậy rồi quay sang phía bà vợ của ông, hào hứng nhắc lại những kỷ niệm của họ trong những chuyến thám hiểm. Nhắc lại những buổi hoàng hôn trên dãy Himalaya. Rồi, ông quay sang tôi:

    - Theo như tôi biết, thì chúng ta đang ở sườn phía đông của Trường Sơn, phải không ông?

    - Đúng vậy, thưa ông bà. Chúng ta cũng sắp tới vùng đất mà ông bà dự định sẽ tới.

    Im lặng một lúc lâu. Khi dường như chiếc xe của chúng tôi đã lên đến đỉnh đèo, ông khách của chúng tôi lại lên tiếng hỏi:

    - Ông có hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm được Bitta trong chuyến đi này không?

    Để ông bà yên lòng tôi đáp khẽ:

    - Tôi hy vọng chúng ta sẽ thành công.

    Đáp vậy, nhưng lòng tôi không mấy tin tưởng. Vả lại, tôi cũng không thấy có gì thật quan trọng trong cái việc liệu có tìm thấy hay không tìm thấy ở nơi núi rừng trùng trùng điệp điệp này, một loài chim được coi như là đã tuyệt chủng. Chỉ tình cờ mà tôi trở thành người trợ thủ cho ông bà Vây-mơ, nhà điểu học người Hà Lan, trong chuyến thám hiểm này của họ. ở viện, tôi được coi là một người có nhiều hiểu biết về núi rừng Tây Nguyên, tôi đã từng chiến đấu nhiều năm ở đó, đã làm luận án về rừng Tây Nguyên, đã nhiều lần đi khảo sát và có nhiều bạn bè ở vùng này. Nghề của tôi là nghề lâm sinh, tôi biết khá rõ về cây, rừng nhưng lại ít chú ý tới chim thú. Tuy vậy, khi cần phải có một người đi với nhà điểu học Hà Lan thì ông viện trưởng lại nhớ đến tôi. Ông gọi tôi đến văn phòng và bảo "Có một nhà điểu học Hà Lan cần đi Tây Nguyên để tìm một loại chim. Các nhà sinh vật của chúng ta cũng không biết nó có hay không có ở nước ta. Ông già Hà Lan này thì lại tin chắc rằng chúng vẫn tồn tại ở đâu đó trong rừng Tây Nguyên. Bọn mình muốn cậu đi với ông ta một chuyến, học được gì thì học. Cậu biết về Tây Nguyên, lại nói được cả tiếng Anh, tiếng Đức... à, mà cậu lưu ý, ông Vây-mơ có đem theo cả phu nhân nữa. Bà ta cũng rất... dễ chịu...".

    Thế là tôi trở thành thành viên của "nhóm Bitta" như ông bà Vây-mơ vẫn gọi. Ngoài tôi và ông bà ra, nhóm còn có thêm hai thành viên nữa. Đó là một cô phiên dịch xinh đẹp tên là Thủy mà điểm yếu duy nhất là "không dịch được những cụm từ chuyên môn". Cô ta rất phấn khởi khi biết tôi hiểu và nói được tiếng Anh, tiếng Đức ở cả "phần đời" lẫn "phần đạo". Một thành viên nữa của nhóm còn kỳ lạ hơn, đó là Nỗ, được giới thiệu là một "người hướng dẫn du lịch", với một khuyết điểm nho nhỏ, là "không biết tý gì về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch" và chẳng mấy khi thấy anh ta xúc động trước những danh lam thắng cảnh, nước biếc non xanh. Dần dần tôi cũng hiểu, thực ra anh ta là người được phái đi để bảo vệ an toàn cho hai vị khách quý.

    Trước khi rời Hà Nội ra đi, ông bà Vây-mơ xúc động trao cho mỗi chúng tôi một đôi áo phông có in hình con chim mà ông gọi là chim Bit-ta và yêu cầu chúng tôi mặc vào để lên đường lấy may. Chiếc xe chở chúng tôi đi là một chiếc Toyota 12 chỗ ngồi, cũng được gắn lên thành xe hình những con chim Bit-ta. Tôi tự nhủ, chúng tôi trông cứ như một đội bóng sắp sửa ra sân vậy. Nỗ nhún vai bảo tôi: "Họ lắm tiền mà! Lên rừng tìm chim thì thật là điên rồ". Còn cô phiên dịch xinh đẹp thì ghé vào tai tôi, nói nhỏ "Nếu tìm được Bit-ta là có ối ngoại tệ đấy, anh Dũng ạ".

    II

    Tiến sĩ Vây-mơ là một nhà nghiên cứu môi sinh nổi tiếng trên thế giới. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về các loài chim, thú quý hiếm còn tồn tại ở những vùng khí hậu khác nhau trên thế giới. Trong những năm gần đây ông chú ý tới vùng á nhiệt đới. Trong đống tài liệu lưu trữ mà ông đọc được khi nghiên cứu ở Paris, có tập tài liệu do một nhà du lịch người Pháp ghi chép trong những chuyến thám hiểm mà ông ta thực hiện ở xứ Đông Dương từ những năm đầu thế kỷ này. Tập ghi chép đã nhắc tới nhiều loại chim thú quý và những loại kỳ hoa dị thảo ít được biết đến trên thế giới. Là một nhà điểu học, tiến sĩ Vây-mơ bỗng giật mình khi thấy trong tập tài liệu có nhắc tới một loài chim đã từ lâu được coi là tuyệt chủng trên thế giới. Đó là một loài chim được các nhà điểu học gọi tên là chim Bit-ta. Trong cuốn ghi chép của nhà du lịch người Pháp này, loài chim ấy được miêu tả rất chính xác, kèm theo cả hình vẽ và ảnh chụp tiêu bản. Mặc dù trong tài liệu này loài chim ấy được gọi bằng một cái tên rất khó đọc, do nhà du lịch phiên âm theo thổ ngữ địa phương, nhưng tiến sĩ Vây-mơ vẫn khẳng định nó chính là loài chim Bit-ta mà ông đang tìm kiếm. Vì nó mà ông và En-sa, vợ ông, đã lặn lội khắp xứ ấn Độ, xứ Trung Quốc, xứ Miến Điện... Bởi vì, bằng nhiều luận cứ khoa học, ông không tin rằng loài chim quý ấy đã bị tuyệt chủng. Vì thế, ông quyết tâm chuẩn bị một chuyến thám hiểm ở Việt Nam, lần theo hành trình của nhà thám hiểm người Pháp năm xưa để tìm chim Bit-ta. Ông tin rằng, một loài chim còn được một đồng nghiệp mô tả tràn đầy sức sống như vậy không dễ gì bị tuyệt chủng trong vòng chưa đầy một thế kỷ. Nhưng, vẫn còn một yếu tố phải tính đến, đó là chiến tranh. Gần một thế kỷ qua trên đất nước này không mấy khi im tiếng bom đạn. Vùng đất mà ông sắp đặt chân tới đã trở thành một chiến trường nổi tiếng khắp thế giới. Chiến tranh, hai tiếng khủng khiếp đó đối với ông cũng không xa lạ gì. Ký ức thời trai trẻ của ông gắn liền với những diễn biến của thế chiến thứ hai. Hơn thế nữa, ông còn được nếm mùi trại tập trung, được chứng kiến các dân tộc châu Âu quằn quại trong cơn cuồng của bọn phát-xít. Những năm tháng ấy, họa diệt chủng treo lơ lửng trên đầu nhiều dân tộc chứ đâu chỉ với những loài chim muông cầm thú. Nhưng rồi, lương tri con người đã thức tỉnh, các dân tộc đã vùng lên kề vai sát cánh chiến đấu tiêu diệt bọn phát-xít. Nhờ ơn Chúa, châu Âu đã vượt qua được cơn tai biến khủng khiếp ấy. Và rồi cuộc sống lại xanh tươi. Nhưng rồi, ngọn lửa chiến tranh lại bùng lên ở nơi này hay nơi kia trên trái đất. Xứ sở xanh tươi này cũng không thoát khỏi tai họa khủng khiếp ấy. Theo dõi những tin tức về cuộc chiến tranh này trong suốt hai chục năm trời, ông không hiểu vì sao một đất nước nhỏ bé, một dân tộc nghèo nàn lạc hậu đến như vậy lại có thể chiến thắng trước một đội quân khổng lồ có những kho vũ khí, súng đạn vào loại khủng khiếp nhất thế giới như quân đội Mỹ. Người Việt Nam đã tự bảo vệ được đất nước mình, dĩ nhiên bằng một cái giá khá đắt mà cho đến hôm nay, họ vẫn đang còn phải trả. Trong mấy chục năm bão lửa ấy, đến núi non, sông suối còn phải biến dạng, nói chi đến một loài chim nhỏ bé và yếu đuối như chim Bit-ta?

    Ông không hề ngạc nhiên khi ở Hà Nội, không mấy ai biết đến loài chim này, đến cái tên của nó cũng còn khiến nhiều nhà chuyên môn về sinh vật và môi trường Việt Nam ngỡ ngàng. Ngay cả ngài viện trưởng cũng chỉ biết cười hồn nhiên mà nói rằng: "Xin lỗi ngài tiến sĩ, trong mấy chục năm qua chúng tôi còn chưa đủ thời gian để quan tâm đến mỗi con người, kể chi đến một loài chim? Tuy vậy, một khi ông bà đến đây thì chúng tôi sẽ cùng với ông bà thử kiếm tìm. Biết đâu đất nước chúng tôi chẳng giữ được cho nhân loại một loài chim quý?

    Và, ông đã nhận được mọi sự giúp đỡ cần thiết, kể cả một người trợ thủ đắc lực như kỹ sư Dũng. Anh ta đã giúp ông nhanh chóng có được mọi tài liệu cần thiết về khí hậu, môi trường, về rừng Việt Nam và các nhóm sinh vật trong mỗi khu vực, mỗi vùng tiểu khí hậu. Tóm lại, đó là một kỹ sư có năng lực, đã từng chiến đấu nhiều năm ở vùng cao nguyên mà ông sẽ tới và đã từng là nghiên cứu sinh ở Đức, có kiến thức vững vàng, nói thông thạo tiếng Anh và tiếng Đức. Như thế là quá đủ để bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm.

    Bên cạnh ông là En-sa. Phải, bao giờ cũng là En-sa. Mặc dù đã ngoài năm mươi tuổi, nhưng chưa bao giờ En-sa chịu thừa nhận rằng mình không còn phù hợp với những chuyến đi vất vả gian nan kiểu như thế này. Khi ông vừa hé ra ý đồ đi thám hiểm ở Việt Nam là nàng lập tức quyết định: "Em cần phải luôn ở bên anh. Khí hậu ở vùng này thật khủng khiếp, em biết rõ là như vậy mà. Vả lại... chim Bit-ta cũng là tình yêu của em. Ta cần phải tìm ra chúng, dẫu có phải lộn trái cả vỏ trái đất này lên. Nhưng em tin rằng những con chim bé nhỏ ấy vẫn chờ đợi chúng ta ở đâu đó!".

    Niềm tin của En-sa thật mãnh liệt và cần thiết cho ông xiết bao?



    [​IMG]
  2. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    III
    Chúng tôi phải nằm chờ ở nhà khách Liên hiệp Lâm - nông - công nghiệp Kon Hà Nừng vài ngày để chờ ông Tổng giám đốc đi công tác Sài Gòn. Ông bà Vây-mơ dành thời gian rỗi để đọc các tài liệu mà văn phòng tổng giám đốc liên hiệp cung cấp. Đó là những tài liệu về lâm sinh, khí hậu, môi trường, cư dân ở vùng địa bàn liên hiệp quản lý. Dĩ nhiên tôi phải lần lượt đọc và lược dịch những tài liệu đó cho ông bà tiến sĩ. Trong khi đó Nỗ thì ngủ, còn cô phiên dịch xinh đẹp thì bị các chàng trai ở đây quậy và dẫn đi chơi khắp các nơi. Mỗi lần cô lêu lổng ở đâu đó trở về đều thấy cô tha về một thứ gì đó, khi thì một bức tượng gỗ nhỏ xíu, một hòn đá có hình thù kỳ dị, một cái gùi bé tí xíu được trang trí rất cầu kỳ... còn hôm nay, cô tha về một túi đầy những trái cam vàng ửng, thơm nức cả phòng.
    - Anh có biết đây là quả gì không?
    - Cam. Dĩ nhiên rồi!
    - Đúng là cam - Cô nheo mắt cười, vẻ bí mật - Nhưng không phải loại cam thường đâu nhé.
    - Vậy thì... cam thần, cam tiên chứ gì?
    - Nếu gọi là cam tiên thì... cũng chẳng có gì là quá đáng?
    Tôi cười lớn:
    - Hẳn là cô vừa được các chàng trai lâm nghiệp đưa đến một xứ sở thần tiên nào đó, phải không?
    - Đúng vậy - Cô cười khanh khách. - Em đã đến xứ sở thần tiên. Anh biết không. Cam này em hái trong vườn cam của nữ đô đốc Bùi Thị Xuân đấy!
    - Phịa!
    - Anh không tin sao? Cách đây chừng mươi cây số, có một khu rừng... Ngày xưa là căn cứ luyện voi của nữ đô đốc Bùi Thị Xuân. Bà đô đốc rất thích cam, đi tới đâu trồng tới đó. ở khu này hiện còn chừng vài chục gốc cam. Dĩ nhiên bây giờ thì cây đã thành cổ thụ rồi. Anh xem đây, hương vị vẫn rất tuyệt vời.
    Tôi cầm trái cam lên và lập tức tin ngay câu chuyện của Thủy. Cách đây hơn hai trăm năm nơi này là vùng căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn. Đô đốc Xuân đã từng luyện voi ở thung lũng này, vậy thì những vườn cam được trồng từ ngày ấy có thể còn một số cây sót lại đến hôm nay.
    - Các anh kiểm lâm đưa em đến nơi ấy. Anh biết không, thật là tuyệt vời. Mặc dù bây giờ đã là rừng, nhưng khi vào tới nơi là lập tức em chìm ngợp trong một làn hương thơm nức. Em rợn cả người, tưởng như chỉ một lát nữa thôi, vị nữ đô đốc kia sẽ cưỡi voi rẽ rừng đi tới và bảo: "Này cô bé, nếu cô lấy những trái cam này về đặt trên đầu giường thì ban đêm cô sẽ mơ thấy những giấc mơ tuyệt đẹp".
    Tôi phá lên cười:
    - Cô nên chuyển nghề đi thôi, Thủy ạ. Cô nói năng y như một nhà thơ ấy rồi!
    Thủy nghiêm mặt tuyên bố:
    - Chuyến này... em sẽ làm thơ, thật đấy. Cho anh biết tay!
    Tôi tuyên bố rằng, nói chung, tôi không muốn dây vào các nhà thơ, vậy thì nếu cô có ý định làm thi sĩ, xin hãy cố nhịn cho đến khi kết thúc chuyến đi này. Và, nếu cô còn tiếp tục lặn lội vào rừng như vậy, tôi sẽ báo với anh Nỗ, để anh ta cho cô một trận.
    Lời đe của tôi lập tức có hiệu quả, Thủy bỗng xịu mặt xuống và thôi không nói về những chuyến phiêu lưu nho nhỏ của mình nữa. Nhưng chỉ một lát sau, cô bỗng bật đứng dậy.
    - ấy chết! Tí nữa em quên... Em đã hứa đưa ông bà Vây-mơ đi chơi chợ. Anh có đi không, vui lắm.
    - Thì đi... thử xem cái chợ ở xứ Tây Nguyên này có gì hấp dẫn không.
    Nửa giờ sau "nhóm Bit-ta" đã có mặt trên con đường dẫn đến chợ Ka-nac.
    Gần tới chợ, chúng tôi liền bị một lũ trẻ chừng gần hai chục đứa bao vây. Chúng hầu hết là trẻ em Ba-na đứa nào đứa nấy mình trần như nhộng, đen trùi trũi; tóc quăn đỏ như râu ngô. Nỗ ra sức thét lác, nhưng chẳng ăn thua gì. ở xứ rừng hẻo lánh này mấy khi đã có ông Tây bà đầm mà xem. Ông Vây-mơ không hề tỏ vẻ khó chịu trước đoàn tùy tùng ấy, ngược lại ông còn xì xồ nô giỡn với chúng nữa. Thấy chúng cứ dán mắt vào con chim Bit-ta trên áo phông của chúng tôi, tôi bỗng nảy ra một ý liền chỉ vào con chim trên áo mình, hỏi:
    - Này, các em có biết con chim này không?
    Không ngờ chúng thản nhiên gật đầu. Mừng quá, tôi thông báo ngay cho ông bà Vây-mơ.
    - Thưa ông bà, ở đây quả nhiên có loài chim này. Những đứa trẻ kia biết đấy!
    Cả hai ông bà đều thốt lên:
    - Chúa ơi! Ông... không nói đùa đấy chứ?
    Rồi lập tức ông vẫy lũ trẻ lại quanh mình. Chúng tôi cùng ngồi xuống một vạt cỏ ven đồi. Ông Vây-mơ quay sang tôi, nói khẽ:
    - Ông có thể kiếm được chút gì cho các anh bạn trẻ này không?
    - Ô! Có ngay.
    Tôi hiểu ý ông già và đứng dậy, một lát sau khi tôi trở về với mấy gói kẹo trên tay thì đã thấy cả ông bà Vây-mơ và lũ trẻ đều đang chúm môi, chúm mỏ đồng ca "Chi... riu.. chiu rìu... chít chi riu... ui...". Cô phiên dịch thì tít mắt lại, cười nắc nẻ.
    Tôi đưa mấy gói kẹo cho bà En-sa, bà cảm ơn tôi rồi lập tức bóc ra, chia cho lũ trẻ. Chúng reo hò ầm ĩ, rồi vừa nhai kẹo, chúng vừa líu tíu kể chuyện, tranh cãi về thứ chim mà ông bà ngoại quốc kia bảo chúng là chim Bit-ta. Cái tên nghe lạ hoắc! Hoặc có lẽ người ngoại quốc ấy đã lầm. Còn chúng, chúng gọi loài chim ấy là chim chi-ri. Cứ vào đầu mùa rẫy, loại chim này lại từ rừng sâu bay ra, chúng không bay thành từng đàn như chim mồng két hay các loài chim khác mà chỉ tập hợp thành từng tốp, từng tốp dăm bảy con. Chúng bay tới, lượn một hồi trên rẫy, kêu vang "chi riu... chi riu... chích... chi riu..." rồi sà xuống những bụi cây thấp ven rẫy. Chúng không bao giờ ăn lúa rẫy mà chỉ tìm bắt những loại sâu bọ côn trùng. Đối với người dân trong vùng loài chim ấy không có gì đặc sắc ngoài bộ lông xanh biếc, cái mỏ phớt hồng, đôi chân nhỏ xíu. Người ta không bao giờ săn đuổi loài chim bé nhỏ và vô hại ấy. Nhưng, quả thật những năm gần đây, dường như chúng ngày một ít xuất hiện hơn ở thung lũng này. Quanh đây, rừng đã bị chặt hết để làm nương rẫy, xây dựng nhà ở cho một thị trấn mới. Cuộc sống trong thung lũng trở nên ồn ào náo nhiệt hơn, vì thế chim Bit-ta đã bỏ đi xa, thi thoảng mới thấy chúng bay trở về đậu trên những rặng cây ven rừng, ngơ ngác nhìn quang cảnh đang đổi thay trong thung lũng. Rồi, chúng lại bay trở vào rừng sâu, tìm nơi yên bình hợn mà vui chơi, ca hát.
    Cuộc gặp gỡ bất ngờ với lũ trẻ khiến ông bà Vây-mơ vô cùng vui vẻ. Cuộc tìm kiếm ngỡ khó khăn, gian khổ lắm, ai ngờ chưa bắt đầu đã có những dấu hiệu khả quan.
    - Ông thấy chứ - Ông Vây-mơ sôi nổi nói với Dũng - Trẻ con chính là thiên nhiên. Chính vì vậy chúng dễ dàng hiểu biết và cảm thông được với thiên nhiên. Người lớn chúng ta cứ ngày một chai lỳ đi, ngày một ít nhạy cảm hơn với thiên nhiên ngoại trừ chứng nhức xương. Trẻ em ở đất nước các ông lại càng gần với thiên nhiên. Chúng sống còn lam lũ lắm, tôi biết, chúng bị thiệt thòi nhiều, ít được hưởng những thành quả văn minh của nhân loại. Nhưng để bù lại sự thiệt thòi đó, chúng còn có thiên nhiên.
    Điều đó thì anh cũng biết. Nhưng anh còn biết rằng thật bất hạnh cho những đứa trẻ có quá nhiều thiên nhiên mà còn quá ít cơm áo, tiện nghi. Một cánh hoa rừng, một tiếng chim hót chưa đủ để an ủi cuộc sống còn nhiều gian nan vất vả của các em. Các em làm sao hiểu được vì sao một ông Tây từ những chân trời xa lắc đến đây chỉ để nghe được tiếng chim hót của một loài chim. Ngay cả nhiều người lớn khi nghe chuyện này cũng có thể tặc lưỡi mà rằng: "Ôi chao! Đó cũng là cái lối chơi ngông của những ông Tây bà đầm đã dư tiền dư bạc".
    Tuy đã biết chắc rằng chim Bit-ta đang có mặt trong vùng rừng núi này rồi nhưng hóa ra tìm thấy chúng cũng chẳng dễ dàng gì. Hai ngày liền băng rừng lội suối, cả đoàn đều đã thấm mệt. Cô phiên dịch phải nằm lại ở một đội sản xuất của lâm trường vì đôi chân của cô đã sưng vù lên. Riêng Nỗ ngày càng trở nên băn khoăn hơn vì vị khách ngoài máy quay phim có mang theo súng, mà nếu là súng bắn hơi độc thì thật quá sức tưởng tượng. Anh không hiểu các vị thủ trưởng ở Hà Nội có biết sự việc này không? Vì vậy, anh vô cùng băn khoăn, không biết có nên cấm ông Vây-mơ mang theo thứ vũ khí lạ lẫm đó vào rừng hay không? Đắn đo mãi rồi anh ta quyết định gặp riêng tôi để hỏi về khẩu súng. Tôi đành phải giải thích cho anh ta hiểu rằng đó là một thứ công cụ nghiên cứu của các nhà điển học. Khi gặp các loài chim, muốn nghiên cứu chúng họ dùng súng này bắn hạ chúng xuống rồi quan sát, nghiên cứu, chụp ảnh quay phim chúng. Vài phút sau con chim sẽ tỉnh lại, nghiên cứu xong, họ sẽ thả chúng trở về với thiên nhiên mà không làm phương hại gì tới chúng. Còn như đối với con người thì những khẩu súng đó hoàn toàn vô hại... Nghe tôi nói vậy, Nỗ đã yên tâm phần nào. Nhưng càng vào sâu trong rừng, anh càng lo lắng hơn, nếu có điều gì không hay xảy ra với các vị khách thì anh là người phải chịu trách nhiệm. Ngày thứ ba, để anh yên tâm, tôi mượn của tự vệ lâm trường một khẩu tiểu liên và yêu cầu người dẫn đường cho chúng tôi, một công nhân ở đội khảo sát thiết kế, cũng mang theo một khẩu súng nữa rồi bảo Nỗ: "Anh yên tâm đi! Tôi đã từng là chiến binh, đã từng chiến đấu ở chiến trường này. Nếu có tình huống gì tôi và cậu Lý cũng có thể chiến đấu được để bảo vệ khách". Thấy chúng tôi mang theo súng ông bà Vây-mơ có vẻ ngạc nhiên. Tôi nói: "Chúng ta có thể gặp thú dữ, cần phải sẵn sàng tự vệ". Rồi chúng tôi lại lên đường.
    Tôi không mấy ngạc nhiên trước sự dẻo dai của hai vị khách. Họ đã từng vượt qua nhiều dãy núi hiểm trở trên thế giới, từng thám hiểm ở châu Mỹ, từng sống với thổ dân ở Canada. Cao nguyên này đối với họ vẫn chưa phải là nơi thâm sơn cùng cốc. Riêng bà En-sa thì chỉ có một thứ khiến bà e sợ, đó là con vắt. Chiều hôm qua, bà đã làm cả "nhà" phát hoảng lên khi phát hiện ra có hai con quỷ sứ mềm nhũn ấy bám trên người.
    Buổi trưa hôm đó chúng tôi dừng chân bên một con suối đẹp, nước trong veo. Bất chợt tôi nhận ra ngay đây vốn là một trạm giao liên trong những năm chiến tranh... Hơn nữa, không phải chỉ là một trạm giao liên bất kỳ, mà là một trạm giao liên tôi từng qua, đã có nhiều kỷ niệm buồn đau. Hồi hộp lạ thường, tôi bật dậy, lần theo bờ suối rồi vượt lên một vạt rừng già. Tôi lần trên mặt đất để tìm dấu vết những căn hầm, những cái bếp Hoàng Cầm. Nhưng... không còn gì hết. Cỏ cây đã mọc kín các lối đi, các khoảng trống. Chẳng lẽ không còn lại dấu vết gì, chẳng lẽ tôi đã lầm sao? Tôi hăm hở lao lên sườn đồi. Và... tôi đã tìm ra một dấu tích, đó là những cái hố bom. Bây giờ thì không thể lầm được nữa. Mặc dù những cái hố bom này cũng đã rậm rạp um tùm cây cối! Đây chính ra là những trái bom chúng ném trúng đội hình đóng quân của tiểu đoàn chúng tôi. Mười hai chiến sĩ đã hy sinh trong đó có Đoàn, bạn thân nhất của tôi. Đoàn đã ra đi mà... không còn để lại một dấu vết gì. Sau những tiếng nổ khủng khiếp ấy, bạn tôi đã tan biến đi trong cánh rừng này. Tôi vượt qua những hố bom liên tiếp, lần tới một gốc cây lớn. Một cây sao cát cổ thụ có dễ phải gần chục người ôm mới xuể. Buổi chiều hôm đó, chúng tôi đã ngồi với nhau dưới gốc cây này. Đoàn đã đọc cho tôi nghe những bài thơ anh mới viết. Những bài thơ thật hay nhưng buồn. Hồi đó tôi đã từng có lần phê bình Đoàn về những bài thơ buồn bã ấy. Làm sao lại buồn, khi chúng ta đi chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước mình? Đoàn bảo, đó là những bài thơ anh viết cho riêng anh thôi, không phải viết để đăng báo hay đọc trên đài... Chiều ấy, bên cây sao cát này, Đoàn lại đọc thêm một bài thơ buồn. Sau đó... đúng rồi... tôi chợt nhớ ra và đứng bật dậy, lần xung quanh thân cây. Cái dòng chữ bây giờ xù lên như một vết sẹo. Bên cạnh đó là nham nhở những vết mảnh bom, những vết bom cũng đã xanh rêu, nhựa cây đùn ra vít gần kín cả những vết chém ấy. Thời gian đã làm được mọi việc. Những chiếc hố bom kia, rồi cũng sẽ bị vùi lấp, cây cối sẽ lại mọc lên như chẳng hề có điều gì xảy ra.
    Tôi thẫn thờ trở lại bên bờ suối nơi đoàn đang nghỉ chân. Tới nơi, tôi bỗng gặp một không khí nghiêm trang lạ thường. Ông bà Vây-mơ quỳ bên một tảng đá, cả hai đều đeo máy nghe, trước mặt họ là những máy móc thiết bị nghe ghi, bày la liệt. Sau lưng họ, Nỗ và anh bạn đưa đường đứng im phăng phắc. Thấy tôi về, ông Vây-mơ khẽ vẫy tay, gọi tôi lại kề bên rồi thì thầm:
    - Bit-ta! Bit-ta... đấy. Chúng đang ca hát! Kia kìa... trên vòm cây kia, có những mươi chú.
    Chúng tôi đã nhận ra những con chim nhỏ xíu đang chuyền trên tán cây bên bờ suối. Tuy vậy, tôi ngạc nhiên vô cùng vì sự bình dị của chúng. Cả tiếng hót cũng vậy, tiếng hót không hề xa lạ với tôi. Tôi đã từng nghe chúng hót nhiều lần, ở đâu đó, trên dãy Trường Sơn. Cũng có thể buổi chiều hôm đó, dưới cây sao cát tôi và Đoàn cũng đã nghe chúng hót trước khi trận bom quái ác kia giội xuống.
    Bây giờ thì tôi đã biết chim Bit-ta với vẻ đẹp bình dị và tiếng hót thanh tao của chúng. Vẻ đẹp ấy đã từng gần gũi với những người lính chúng tôi. Tiếng thầm thì ấy đã từng che chở chúng tôi trong những ngày quyết liệt của chiến tranh. Kỳ diệu biết bao!
    Kon Hà Nừng 5-1992

    [​IMG]
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này