1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

CHỢ DƯA LÊ SỐ 41 HÀNG BUÔN (HÀ NỘI VÀO ĐÔNG.EM ƠI LỬA TẮT BÌNH KHÔ RƯỢU ĐỜI VẮNG EM RỒI.... VUI VỚI

Chủ đề trong 'Album' bởi fanmatic, 05/11/2005.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. fanmatic

    fanmatic Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/06/2002
    Bài viết:
    7.045
    Đã được thích:
    0
    Lễ cúng trăng của người Khmer Nam bộ
    Người Khmer quan niệm mặt trăng là một vị thần điều tiết và có ảnh hưởng lớn đến mùa màng. để tưởng nhớ công ơn, vào dịp thu hoạch hoa màu họ làm lễ cúng trăng và được tổ chức thống nhất vào đúng đêm rằm tháng 10 tại khuôn viên chùa, cũng có thể ở nhà hoặc nhiều nhà cùng tập trung trên khoảng sân rộng rãi không có bóng cây che khuất. Họ trải chiếu ngồi quay về hướng mặt trăng, đợi lúc trăng cao toả sáng, một người cao niên làm chủ lễ sẽ nói lên lòng biết ơn, xin mặt trăng tiếp nhận lễ vật và cầu cho mưa thuận gió hoà trong năm tới. Thức cúng đặc biệt không thể thiếu trong lễ này là cốm dẹp, được quết từ lúa nếp. Cúng xong, trẻ em được gọi đến cũng chắp tay hướng về mặt trăng, chủ lễ lấy cốm dẹp đút vào miệng các em. Chính vì nghi thức này mà lễ cúng trăng còn gọi là Okombok, tức là "Đút cốm dẹp".Do tín ngưỡng Phật giáo, lễ cúng trăng còn liên quan đến câu chuyện ngụ ngôn "Con thỏ và mặt trăng". Xưa kia, thỏ từng là một kiếp hoá thân của Đức Phật sống bên bờ sông Hằng. Một hôm, thần Sakah xuống trần giả làm người ăn xin để thử lòng thỏ, không có gì làm phước, thỏ đốt lên đống lửa nhảy vào và nói "Mời người dùng thịt này". Lửa bỗng tắt ngấm và người ăn xin biến mất, thần Sakah hiện ra khen ngợi lòng hy sinh cao đẹp của thỏ và vẽ hình thỏ lên mặt trăng. Vì vậy, lễ cúng trăng còn để tưởng nhớ đến tiền kiếp của Phật thích ca.Trò chơi dân gian chủ yếu trong dịp này là các cuộc đua ghe ngo, thường diễn ra trước đó một hai ngày và kết thúc vào trưa rằm âm lịch để trở về làm lễ cúng trăng. Qua lễ hội cũng là thời điểm bước vào mùa khô, hoa màu thu hoạch xong, các gánh hát Yukê (một loại hình kịch hát dân gian đặc trưng của người Khmer Nam Bộ) do nhân dân trong phum srok lập ra bắt đầu lưu diễn vui chơi. Sau đó, mọi người lại trở về với ruộng rẫy khi đến mùa cày cấy.
  2. fanmatic

    fanmatic Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/06/2002
    Bài viết:
    7.045
    Đã được thích:
    0
    Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn
    Dân tộc Pà Thẻn có khoảng trên 5.000 người sống tập trung chủ yếu ở hai huyện Bắc Quang (Hà Giang) và Chiêm Hoá (Tuyên Quang). Ở đây vẫn còn lưu giữ nhiều lễ hội và phong tục từ xưa để lại, trong đó có lễ hội nhảy lửa độc đáo, mang đậm nét huyền bí, hoang sơ.Lễ hội nhảy lửa được coi như lễ hội mừng lúa mới của người Pà Thẻn. Nó bắt đầu vào giữa tháng 10 âm lịch, khi mùa vụ đã thu hoạch xong và kéo dài qua Tết Nguyên đán mới kết thúc. Để bắt đầu một lễ hội nhảy lửa phải có một thầy mo đến làm lễ cầu thần linh. Lễ vật cúng tế gồm có 1 bát hương, 1 chiếc đàn sắt, 1 con gà, 10 chén rượu, tiền giấy. Một đống lửa lớn được đốt lên và thầy mo bắt đầu làm lễ. Thời gian làm lễ kéo dài 1-2 giờ đồng hồ trước khi lễ hội nhảy lửa được bắt đầu. Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên sẽ ngồi đối diện với thầy mo. Đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa. Sau đó anh ta nhảy vào đống lửa mà không có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi gì. Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tỉnh cơn và tiếp tục làm lễ nhập đồng. Một người có thể tham gia nhảy nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn của mình. Nhảy lửa chỉ dành cho nam giới và những chàng trai này luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của mọi người.Nếu muốn, bạn có thể tham dự lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, để cảm nhận được một không khí đầy huyền bí và linh thiêng. Khi cuộc sống hiện đại đã len lỏi vào từng ngõ xóm mà dân tộc Pà Thẻn vẫn lưu giữ được lễ hội này thì thật là điều đáng trân trọng.
  3. fanmatic

    fanmatic Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/06/2002
    Bài viết:
    7.045
    Đã được thích:
    0
    Xuân về trẩy hội Cổ Loa
    Tôi đến lễ hội Cổ Loa vào đúng ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch, mặc dù hôm sau mới là ngày hội chính, nhưng hôm nay du khách đã về rất đông. Ở khu Đền Thượng, nơi thờ cúng An Dương Vương, cũng là nơi tổ chức chính lễ hội, cho đến khu đình là nơi ngày xưa các quan họp bàn và điếm thờ Mỵ Châu, đều đã nghi ngút khói hương Phía trước khu đình này còn có điếm thờ vị tướng Cao Lỗ. Bao quanh là các đường thành đắp bằng đất vẫn còn dấu tích. Thành được thiết kế ba vòng, chia ra Thành nội, Thành trung và Thành ngoại với chu vi 17 km. Người xây thành thời An Dương Vương đã biết dựa theo thế đất, theo địa hình, địa vật để thiết kế. Ở những nơi có sông được đắp đất bên trong, lấy con sông làm hào nước để ngăn chặn quân địch. Do thực tế chống xâm lược, các vòng thành được xây dựng cách nhau rất rộng về phía Bắc và phía Đông, đây là hai hướng mà quân xâm lược phương bắc thường hay tấn công. ở phía Nam có con sông Hoàng chảy qua, nên vòng thành áp gần con sông đó. Thành Cổ Loa còn được gọi là "Thành ốc" vì các đường thành tạo ra các đường vòng tròn hình trôn ốc...Từ truyền thuyết dân gian An Dương Vương xây dựng thành, các nhà khảo cổ học đã khai quật một đoạn thành và phát hiện ra nhiều điều lý thú. Do ban đầu An Dương Vương từ vùng núi Bạch Hạc (Việt Trì) di chuyển xuống đồng bằng nên chưa có kinh nghiệm xây thành. Thành xây sát hồ nước và đầm lầy, thành đắp cao, hào đào sâu, nên khi nước lên tường thành bị sụp đổ. Sau đó những người thợ xây thành đã biết trộn phế liệu của các lò gốm, gạch ngói vụn làm cho vật liệu xây thành trở nên vững chắc hơn, thành mới đứng vững được. Ngày nay ở nhiều đoạn tường thành còn sót lại đều thể hiện rất rõ kỹ thuật xây dựng tường thành thời kỳ An Dương Vương. Trong gian trưng bầy các hiện vật tại đình Cổ Loa mà các nhà khảo cổ khai quật được ở đây cho thấy thành Cổ Loa hội tụ nhiều giai đoạn lịch sử của thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt ở Việt Nam.Lễ hội Cổ Loa năm nay ngoài việc tế lễ như mọi năm, tổ chức nhiều trò chơi dân gian: bắn nỏ, ném còn, đu truyền thống, chơi chọi gà... còn có những trò chơi hiện đại khác như bóng chuyền, cầu lông. Ngoài ra còn tổ chức hội thi nấu ăn các món ăn truyền thống... Du khách đến Cổ Loa được thưởng thức món bún rau cần của làng Mạch Tràng, nước làm bún lấy từ nước giếng Trọng Thuỷ, tạo nên một thứ bún không trắng ngần như ta thường thấy ngoài chợ, mà sợi bún hơi đen và dai hơn, ăn cùng với nem cuốn sống hay đậu phụ chấm mắm tôm. Một điều thú vị hơn cho du khách khi đến với lễ hội Cổ Loa là được thưởng thức nghệ thuật múa rối và những làn điệu quan họ từ vùng khác đến góp vui.Theo đánh giá của nhiều cụ già ở xã Cổ Loa thì trước đây lễ hội Cổ Loa có bát xã (tám xã) tham gia lễ bái theo tục cổ trong một không khí trang nghiêm. Việc tuyển chọn cụ Đám phải được dự kiến và gieo tiền khất keo (tức là Thánh ứng đồng sấp, đồng ngửa) mới được làm cụ Đám. Cỗ Bỏng (Bỏng Chủ) được trộn với mật và dùng khuôn nén thành bánh... Rước các cỗ vật cũng rước từ các thôn đến đền thờ An Dương Vương. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, từ mùng 6 đến ngày mùng 9, có năm kéo dài đến 12 ngày. Vài năm trở lại đây vì điều kiện khách quan mang lại nên lễ hội tổ chức ít ngày hơn và cỗ vật chỉ được rước vòng quanh hồ trước đền thờ An Dương Vương...Ông Trương Văn Vịnh, thành viên Ban tổ chức lễ hội Cổ Loa năm 2003 cho biết: Năm nay, công tác bảo vệ lễ hội có nhiều tiến bộ. Những hàng quán lớn nhỏ, các quầy trò chơi xổ số, điện tử đều được sắp xếp ở trước sân khu vực phía ngoài Đình và dọc theo hai bên đường. Các điểm trông giữ xe đạp, xe máy được bố trí gần các di tích để thuận tiện cho du khách thập phương về tham gia lễ hội, đồng thời vận động bà con phát động và thực hiện nếp sống văn minh đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường. Mặc dù lượng khách đến sớm và đông hơn so với lễ hội năm ngoái nhưng tình hình an ninh trật tự vẫn rất an toàn. Để làm tốt công tác an ninh trật tự, công an huyện Đông Anh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã Cổ Loa, đặc biệt là lực lượng công an xã kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm an ninh trật tự trong những ngày lễ hội diễn ra.Cuối năm ngoái, trong chương trình hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Quy hoạch chi tiết khu di tích Cổ Loa đã được phê duyệt với số vốn đầu tư 300 tỷ VND. Với Dự án này, Khu di tích Cổ Loa Thành chắc chắn sẽ được khôi phục xứng đáng với vị trí lịch sử của nó. Theo đó, Lễ hội Cổ Loa sẽ trở thành lễ hội đầy ấn tượng trong những ngày xuân của đất nước.
  4. fanmatic

    fanmatic Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/06/2002
    Bài viết:
    7.045
    Đã được thích:
    0
    Đầu năm đi lễ Thượng Nguyên
    Từ xa xưa trong dân gian Việt Nam đã truyền tụng câu ca:Lễ Phật quanh nămkhông bằng rằm tháng Giêng Hai câu ca muốn nói lên tầm lễ nghĩa của ngày Tết Thượng Nguyên - rằm tháng Giêng. Theo sử sách cũ chép lại, Thượng Nguyên vừa được gọi là lễ vừa được gọi là Tết, một trong những cái Tết trong năm đầy ý nghĩa của người dân Việt Nam. Lễ Thượng Nguyên có sách ghi có nguồn gốc từ thời Tây Hán. Lễ được khởi hành vào buổi tối để cúng thần sao, cầu một năm mưa thuận gió hoà cho mùa màng tốt tươi. Song, Tết Thượng Nguyên cũng được coi là ngày vía phật. Vào ngày này, Phật tổ giáng trần tại các chùa để chứng độ lòng trung thành của các tăng ni, phật tử. Vì thế, các lão bà thường tới chùa để cầu kinh niệm phật. Các cụ vừa lần tràng hạt, vừa kể lại sự tích của Đức Phật, của Chư vị bồ tát cũng như sự hy sinh cao cả của các người. Chùa Quán Sứ, trụ sở của Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam là nơi nhiều người tìm đến cầu khấn. Các đôi lứa, nam thanh nữ tú cũng dắt tay nhau đến cửa Phật, để khấn nguyện cầu may mắn, tài lộc cho cả năm, không gặp điều hung chỉ gặp điều cát. Và cũng theo quan niệm của lớp trẻ, trong khí xuân đi lễ chùa vào ngày rằm đầu năm có nhiều â,"cái mớiâ, nên bao giờ cũng đẹp nhất. Họ thường cầu chúc cho một cuộc sống mới với nhau đến trọn đời. Chùa Hà (Cầu Giấy- Hà Nội) là một địa chỉ có đông các đôi trai gái tìm về hành hương khấn vái hầu mong được se duyên kết tóc với nhau đến trọn đời hơn cả. Vào ngày rằm tháng Giêng, ở tất cả các chùa, đền, phủ đều nghi ngút khói nhang của người đến cúng bái. Các tín đồ phật tử đổ về đông, các dịch vụ phục vụ việc đèn nhang như hương hoa, vàng, mã của các bà các cô cũng cực kỳ đắt khách, người mua không mặc cả và người bán không nói thách. Tất cả mọi người đều vui vẻ hướng về đất Phật với nhiều tâm trạng khác nhau. Bà Đàm, một người bán đồ lễ hơn chục năm trước cửa chùa Bà Đá (Hà Nội) cho biết: Ngày nay không riêng gì lớp người già như chúng tôi tới chùa, lớp thanh niên trẻ tới chùa ngày một đông. Lớp trẻ thể hiện lòng cung kính ngưỡng mộ hướng về cửa Phật như thế lớp già cả như chúng tôi cũng mừng vì hướng về Phật là hướng tới cái thiện, ở đời người ta sống không thể thiếu cái thiện, cái thiện nhiều, kỷ cương trật tự xã hội mới tốt. Thực vậy cùng với tín ngưỡng tâm linh, đầu năm đi lễ rằm tháng Giêng đã trở thành một phong tục đẹp, một nét sinh hoạt văn hoá trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.Ở Việt Nam, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Điều 70 của Hiến pháp nước Việt Nam nêu rõ: "Đảng và Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng được giáo được pháp luật bảo hộ. Không được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước". Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện để người dân tự do theo đạo của mình và để coi tín ngưỡng như một văn hoá tôn giáo gắn với mạch phát triển của dân tộc. Nhiều ngôi chùa có giá trị được công nhận là Di tích văn hoá, Di tích lịch sử, được trùng tu hoặc xây dựng lại theo nguyên gốc để phục vụ việc đón tiếp đông đảo phật tử đến lễ, cầu may cho bản thân và gia quyến an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.Cùng với sự khởi sắc đi lên của nền kinh tế nước nhà, những năm gần đây người đi lễ chùa ngày một đông lên và cũng thu hút nhiều độ tuổi khác nhau.Năm vừa qua kinh tế nước nhà có bước phát triển mới, nhân dân các dân tộc trên đất nước Việt Nam vui vẻ đón một mùa Xuân Quí Mùi với nhiều hy vọng vào một năm tốt đẹp hơn nữa trên mọi lĩnh vực. Vì thế lễ Thượng Nguyên năm nay cũng được đông đảo các phật tử quan tâm. Ngay sau ngày Tết Nguyên đán các phủ, đền, chùa đã chỉnh trang lại, chăng đèn hoa, chuẩn bị đón phật tử mười phương về lễ Phật. Gọi là lễ Thượng Nguyên nhưng từ ngày 12 tháng Giêng, mặc dù trời chuyển mưa rét hầu hết các ngôi chùa đã rộng cửa đón phật tử và du khách. Không khí vui tươi đầm ấm của lễ Thượng Nguyên năm nay có thể thấy ở mọi chùa. Chùa Thọ Lão tuy nằm khuất trong ngõ nhỏ phố Lò Đúc nhưng là một chùa đẹp và có tiếng là linh thiêng. Từ sáng sớm đã có nhiều phật tử tới tế lễ, xin lộc, làm lễ giải sao, xin quẻ may mắn. Dư thầy trụ trì Thích Đàm Hiếu cho biết, cũng như mọi năm, lễ Thượng Nguyên năm nay được nhà chùa tổ chức chu đáo, tôn nghiêm, tạo mọi điều kiện cho phật tử đến làm lễ. Khi hỏi về chính sách của Chính phủ về tôn giáo, sư thầy Thích Đàm Hiếu vui vẻ trả lời: "Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thụ lộc để các nhà chùa hoạt động; tự do tín ngưỡng của nhân dân được đảm bảo. Tư tưởng của đạo pháp chúng tôi là sống phúc âm trong lòng dân tộc".Rời chùa Thọ Lão ngược lên Phủ Tây Hồ, vòng vào chùa Sùng Quangâ,¦ đâu đâu cũng bắt gặp một không khí tôn nghiêm lễ chùa ngày rằm đầu tiên của năm Quí Mùi. Nằm bên con đường 32 chùa Đình Quán được coi là ngôi chùa có địa thế đẹp nhất nhì Hà Nội. Theo qui định, chùa Đình Quán lễ Thượng Nguyên đúng vào ngày 12 tháng giêng. Giải thích điều này, các thầy ở chùa cho chúng tôi biết, lễ Thượng Nguyên tổ chức trong 4 ngày từ 12 đến rằm nhưng ngày 12 bao giờ cũng là lễ chính. Đúng ngày này, phật tử ở khắp nơi về lễ chùa đông lên tối cả chục nghìn người. Trưa ngày 12, các phật tử được thụ hưởng bữa cơm chay miễn phí.Đi lễ chùa đúng dịp lễ Thượng Nguyên là nhu cầu tâm linh của người Việt. Nếu xa xưa chủ yếu là các bà các chị thì nay đối tượng đã thay đổi nhiều. Ngoài các bà cc chị ăn mặc áo nâu sồng nhà phật, đến chùa Đình Quán còn có nhiều lứa tuổi khác nhau. Họ là công chức đang làm việc tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay liên doanh nước ngoài. Nhiều cắp trai gái độ tuổi sinh viên mang đồ lễ tới chùa cầu chúc cho mình gặp may trong học tập và con đường công danh sự nghiệp. Dẫu là ai, làm gì, khi đến lễ chùa họ đều thanh thản và thành tâm cầu ước cho bản thân và gia đình những điều tốt lành. Nhìn chung, lễ được tổ chức trang nghiêm, trật tự và văn hoá. Ra khỏi không khí ngày lễ rằm tháng Giêng tại các chùa; lời sư thầy Thích Đàm Hiếu vẫn còn ghi nhớ trong tôi: "Chúng tôi cầu Phật tổ Như Lai chúc phúc cho mọi người hạnh phúc, an khang, thịnh vượng; cầu cho đất nước ngày một phát triển thái bình".
  5. fanmatic

    fanmatic Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/06/2002
    Bài viết:
    7.045
    Đã được thích:
    0
    Lễ hội đua voi Buôn Đôn
    Nói đến Buôn Đôn, người ta nghĩ ngay đến một địa danh nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Các già làng thường tự hào kể về cách săn bắt và thuần dưỡng voi, về "Vua voi" Y Thu Kâ,"nul. Tương truyền, khi còn sống ông Y Thu đã săn được hơn 300 con voi, trong đó có một con voi trắng (Bạch tượng) đem dâng vua Xiêm, được Vua ban tặng danh hiệu Khunsenốp. Khi ông chết, buôn làng đã xây cho ông một cái mộ vuông cao to bằng gian nhà ngay giữa khu nhà mồ của Buôn. Người Buôn Đôn coi voi như người. Nếu hỏi bất cứ ai về chuyện săn bắt, thuần dưỡng voi thì đều được kể với vẻ say sưa. Hôm tôi đến, một chàng thanh niên là Asem khoe ở đây vừa bắt được một chú voi con. Theo tục lệ, trước khi lên đường săn voi phải làm lễ cúng voi. Mỗi đầu voi phải cúng một ché rượu, một con gà tại nhà nào chính. Khi cúng thắp 18 ngọn đèn làm bằng sáp ong. Cúng từ đêm cho tới khi trời sáng thì lên đường vào cuộc săn. Khi bắt voi phải theo luật quy định, chỉ được dùng dây thòng lọng quàng vào hai chân sau. Nếu không may, người đi săn quăng thòng lọng vào hai chân trước sẽ bị phạt 2 con trâu, 2 con heo, 4 ché rượu cần. Lễ vật này dùng để cúng xin lỗi voi. Nếu bắt được voi đực không có ngà, hoặc voi có chửa cũng phải phạt như trên. Săn được voi chỉ có một ngà ở phía bên trái cũng bị phạt, ngược lại săn được voi có ngà ở bên phải thì được thưởng. Voi săn được dẫn về, nhà chủ giết một con gà, buộc một ché rượu cúng mừng voi. Ngày hôm sau cúng tiếp hai con gà, hai ché rượu nữa rồi mới buộc chân xâu tai voi.Hội voi là một trong những hoạt động lớn nhằm đưa văn hóa làng về cơ sở, đưa văn hóa làng buôn về với làng buôn. Hội voi thể hiện sức mạnh hào khí Tây Nguyên và sự gần gũi, gắn bó như người bạn. Hội voi cũng là dịp để các chàng trai Êđê khoe tài với những cô gái Mâ,"nông, thể hiện trình độ thuần dưỡng voi rừng.Sáng sớm, tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn - xã Krông Na - huyện Buôn Đôn, 25 chú voi đại diện cho trên 200 voi nhà của tỉnh Đắc Lắc đã về tham dự lễ hội voi. Hàng nghìn người trong đó có rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đã hào hứng xem các chú voi đua tài qua 5 môn thi: Thi chạy, kéo vật nặng, đá bóng, ném xa, bơi vượt sông Serêpok và các màn trình diễn. Nhưng đối với những người quản tượng và kể cả khách du lịch thì voi nào thắng trong các cuộc đua không quan trọng mà hơn thế nữa, mọi người được đắm say trong không khí lễ hội đặc sắc của Buôn Đôn, của Tây Nguyên.
  6. fanmatic

    fanmatic Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/06/2002
    Bài viết:
    7.045
    Đã được thích:
    0
    Lễ hội lộc hoa của người Xinh Mun
    Trên dải đất biên giới Việt - Lào ở Sơn La, ngoài các dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú sinh sống, còn có khoảng ba bốn vạn bà con Xinh Mun định cư lâu đời. Xinh Mun nghĩa là người ở núi, trước đây còn gọi là người Puộc (Côn Pụa)Tuy kinh tế chậm phát triển, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng trong cộng đồng Xinh Mun cũng có những nét đẹp văn hoá đặc trưng. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân sang, khi hoa đào đã vãn, hoa ban đã nở trắng sườn non, măng đắng đã mọc ngoài rừng, cũng là dịp bà con Xinh Mun, từng nhà từng nhà tưng bừng tổ chức lễ hội Ksai Sa Típ, nghĩa là Lễ hội Lộc hoa, cầu lộc, cầu mùa, cầu phúc, cho con người mạnh khoẻ, mùa màng tốt tươi.Lễ hội Lộc hoa được tổ chức vào sau dịp Tết Nguyên Đán, lần lượt tổ chức từng nhà, mỗi bản có bao nhiêu nhà là có bấy nhiêu ngày hội, lễ hội kéo dài, nhưng không bao giờ diễn ra khi hoa ban đã tàn, măng đắng đã mọc cao, vì khi ấy mùa làm nương (đầu tháng 4 dương lịch) đã bắt đầu, để không ảnh hưởng đến sản xuất.Tuy lễ hội tổ chức trong từng nhà, nhưng lại là dịp hội tụ dân bản vì ai cũng tự giác tham gia, ai làm trái lệ dễ bị chê cười, ghét bỏ, thậm chí có thể bị loại ra khỏi cộng đồng.Gọi là lễ hội nhưng không tốn kém vì được tổ chức đơn giản. Mâm lễ hội, ngoài 2 con gà luộc, một "ếp" xôi gạo mới, 1 đĩa trầu cau, ba chum rượu cần, là 2 bát canh nấu từ hoa ban và măng đắng - một món cúng thần linh, tổ tiên có tính bắt buộc.Một cây nêu cao 4-5m dựng ở giữa nhà, được trang trí bằng những lá xanh, những cành hoa ban trắng ngần buộc gài kín cây nêu, ngoài ra bà con còn gài thêm những bông lúa nếp vàng được giữ nguyên sau khi gặt mùa năm trước, xung quanh cây nêu có ba vò rượu cần, đặc biệt có từ 3 đến 5 "bàn sang" - 1 loại nhạc cụ được "chế tạo" từ các chum, vò con, bên trong được làm bằng mảnh đồng mỏng, hình tròn đục thủng một lỗ ở cạnh mép nắp, để xỏ dây vào khi gõ một tay cầm dây nâng lên, hạ xuống trên miệng chum, tay bên kia cầm 1 que tre gõ nhịp nhàng lên nắp chum, tạo nên một âm hưởng mang đậm bản sắc dân tộc quện vào tiếng trống, tiếng chiêng lúc bổng, lúc trầm, lúc dịu dàng, khi bùng lên sôi nổi thúc giục mọi người vào hội xoè quanh cây nêu.Lễ hội được bắt đầu khi chủ nhà (chủ lễ) ngồi nghiêm chỉnh bên cạnh mâm lễ khấn: Hỡi người trông coi ở tầng dưới hãy lên để trông coi cho ta hôm nay làm Lễ Ksai Sai Típ, thần linh hãy bảo vệ, hãy ăn hoa thay cơm, uống rượu thay măng, ăn hương thay hương thơm, ăn hương nếp thay cơm, ăn rồi hãy bảo vệ cho cuộc vui lành mạnh, cho hết ốm đau, cho vui trọn vẹn. Người lớn bảo nhau, trẻ em nghe lời người lớn, được vậy thì ước gì cũng có, sống lâu muôn tuổi, hỡi thần linh hãy bảo vệ hãy ngồi mâm đây ăn thịt, ăn hoa, ăn hương thơm, hãy phù hộ cho con cháu khoẻ như con gấu trong rừng, chạy nhanh như con hoẵng ngoài núi.Rời mâm cỗ cúng ở góc nhà sàn, chủ lễ bước đến cạnh cây nêu giữa nhà, vít cần rượu nói lời mời tổ tiên uống trước bằng những lời trân trọng, thiết tha: "Hỡi tổ tiên, hôm nay ngày lành tháng tốt, ngày sản xuất đã được nhìn thấy kết quả, con cháu làm lễ hội Ksai Sa típ, tổ tiên hãy đến bảo vệ cho con cháu ăn uống vui vẻ, vui chơi thoả mái, nhưng xin hãy đừng để cho ai uống say làm náo loạn bản mường, cãi cọ nhau làm xấu hổ mọi người, năm nay vui, năm mới vui tiếp, như thế mới vui bản yên mường, ai cũng sống lâu muôn tuổi, gìn giữ cuộc sống, chống lại thú rừng, người xấu quấy phá". Chủ lễ tiếp tục mời thần linh uống rượu: "Hỡi thần linh, bảo vệ ta, hãy bảo vệ ta đến cùng, xin mời thần linh uống rượu cùng ta".Sau khi mời tổ tiên, thần linh uống rượu xong, chủ lễ trân trọng mời ba "già bản" có uy tín trong dòng họ, trong bản mường, sau đó mời đến con cháu, và toàn thể dân bản đến dự lễ hội uống rượu.Cùng lúc tiệc rượu bắt đầu là tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nhạc từ nhạc cụ "bàn sang" nổi lên rộn rã, mọi người nắm tay bắt đầu múa xoè xung quanh cây nêu giữa nhà. Khác với xoè Thái êm dịu, nhẹ nhàng, xoè quanh cây nêu lễ hội Lộc hoa rộn ràng, mạnh mẽ, có phần quyết liệt hơn, ồn ã hơn nhiều, xoè múa say sưa, lúc cầm tay nhau, lúc xoè khan, lúc dùng khăn nối vào nhau, tạo thành điệu xoè kéo co (xoè Thái không đâu có). Xoè khoảng 1 giờ, tiếng trống tiếng nhạc trầm dần, họ lại mời nhau uống rượu cần, rồi lại tiếp tục xoè, hết đợt này đến đợt khác, kéo dài đến lúc phương đông hửng sáng mới kết thúc, mọi người hoan hỉ xuồng cầu thang về nhà, để đến tối hôm sau lại đến dự Lễ hội ở nhà người trong họ hoặc cùng mường cho đến khi hoa ban đã tàn, măng đắng mọc cao.Hoàn toàn khác lễ hội của các dân tộc anh em, lễ hội Ksai sa típ của người Xinh Mun Tây bắc tuy kéo dài nhiều ngày nhưng không ăn uống linh đình, chỉ múa không có hát, vừa giản dị vừa vui, thường được tổ chức từng gia đình, vào buổi tối ấm cúng nên rất vui, thể hiện được bản sắc văn hoá của một dân tộc sống nơi biên giới Việt - Lào xa xôi.
  7. fanmatic

    fanmatic Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/06/2002
    Bài viết:
    7.045
    Đã được thích:
    0
    Người Lô Lô với lễ cầu mưa
    Từ Lũng Cú tới Xín Cái - Mèo Vạc (Hà Giang) là các bản làng của gần 1.200 đồng bào Lô Lô. Nơi hành lễ là khu sân rộng giữa bản. Đồ tế lễ trong hội cầu mưa phải có rượu ngô, chó, gà; một thanh kiếm (có thể bằng sắt hoặc gỗ); một bát nước; bốn chén rượu, bốn ống hương bằng tre tượng trưng cho bốn phương trời và vật không thể thiếu trong tất cả các cuộc tế lễ của đồng bào Lô Lô- đó là trống đồng. Trống của người Lô Lô có hai loại, trống đực và trống cái, trống đồng như báu vật linh thiêng của cha ông để lại.Đồ tế bày trong một cái mẹt, trên giá đỡ, thầy mo bắt đầu hành lễ. Tay phải ông cầm kiếm nâng lên, hạ xuống theo nhịp khấn, tay trái ông đánh trống đồng, miệng lầm rầm cầu khấn thần Kết Dơ (hai vị đứng đầu, cai quản trời đất). Cầu thần phù hộ cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà, làng bản no ấm.Cúng xong, dân bản quây quần uống rượu, múa hát xung quanh bàn lễ. Những làn điệu dân ca Tế Phua, Tế La, Hồ La Tế, Ta Sì Phua chan chứa tình yêu quê hương, hạnh phúc lứa đôi. Ngày hội cầu mưa, người già gặp nhau nói chuyện nhà, chuyện trồng cây, cấy lúa, chăn nuôi, chọn rể, cưới dâu. Với đám thanh niên, đây là dịp tìm người yêu qua câu hát giao duyên, bằng tiếng sáo cờ lé, sáo đôi. Các cô gái Lô Lô rực rỡ trong bộ váy áo mới, thêu hoa văn rực rỡ. Áo cổ vuông, tay áo được ghép bằng nhiều mảnh vải màu khác nhau, váy dài có thêu xanh, đỏ, vàng? trên nền vài chàm xanh. Dây lưng thêu hoa có tua rua sặc sỡ. Kết hợp với bộ trang phục truyền thống là những vòng cổ, vòng tay bằng bạc lóng lánh.Lễ hội cầu mưa của đồng bào Lô Lô mang tính tín ngưỡng phồn thực khá phổ biến ở các cư dân nông nghiệp. Vào dịp tổ chức lễ hội, hầu như mọi sinh hoạt của người Lô Lô đều hướng vào việc cầu mưa. Họ tâm nguyện, cầu khấn, ước ao những hạt mưa rơi xuống tưới tắm cho cánh đồng Mèo Vạc ngày càng xanh tốt, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm.
  8. fanmatic

    fanmatic Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/06/2002
    Bài viết:
    7.045
    Đã được thích:
    0
    Lễ hội đền Ba Xã
    Đền nay ở Minh Đức, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây người dân vẫn có thói quen gọi con trâu là con nghé cho dù con trâu đó đã làm "cha" làm "mẹ", chân đã bại, răng đã long không thể kéo cày. Theo như lời kể của các bậc cao niên: Xa xưa, vùng này là rốn nước đồng chiêm, nghiệp canh nông cả năm chỉ ở một mùa mà vẫn bấp bênh. Cư dân đói nghèo xơ xác trên đồng trắng, nước trong. Cho tới khi có người họ Mạc, tên gọi là Trâu Trắng ra dạy dân khoanh vùng ngăn nước và trồng các giống lúa thích ứng theo từng mùa vụ. Kết quả là dân được ấm no, quần cư trở nên phồn thịnh và trù phú. Khi ông qua đời, nhớ công ơn ấy, nhân dân trong vùng quyên tiền, góp sức lập đền thờ và tôn ông làm đức thành hoàng và cũng từ đấy người dân địa phương có thói quen kỵ huý tên gọi: Trâu.Đền thờ đức thánh Mạc Trâu đặt ở nơi trung tâm của năm thôn: Thịnh Cầu, Thịnh Bằng, Thịnh Thần, Thịnh Thượng và Thịnh Hạ. Mặt đền nhìn về hướng đông, trông ra mặt hồ sen rộng bát ngát. Hai bên tả hữu đền, bên là chi lưu của dòng sông Nhuệ, bên là đường cái quan uốn khúc như con rồng, con rắn lượn quanh. Đền có kết cấu mặt bằng theo kiểu "nội công ngoại quốc". Từ đường lớn đi vào qua tam quan là con đường vỉa gạch nghiêng đưa ta đến sân chầu. Hai bên đường, dưới bóng cây cổ thụ, có bày nhiều trâu đá, ngựa đá, voi đá và chó đá trông vừa uy nghiêm vừa dân dã. Chính điện khang trang chia làm ba lớp, nên thường được gọi nôm là tam cung. Trên các vì kèo, chắn gió, đặc biệt là cửa võng được chạm trổ tinh vi bằng nhiều họa tiết như: tứ linh, hoa lá, cá vượt Vũ Môn... Nội cung bày bài vị đức thành hoàng và năm bát nhang thờ của năm làng cùng nhiều đồ tế khí: tàn lọng, bát bửu, xà mâu và kiệu rước...Hai bên chính điện, cùng trông ra sân chầu là hai dãy nhà năm gian, ứng với năm thôn dùng làm nơi tiếp khách và nhận lễ trong mỗi kỳ lễ hội...Đền Ba Xã tứ mùa bát tiết hương bay. Song nhộn nhịp tưng bừng hơn cả là kỳ lễ hội thường niên 12 tháng 6. Và như đã thành lệ, cứ năm năm một kỳ mở lễ hội to. Để chuẩn bị cho mỗi kỳ lễ hội, người năm thôn ở Minh Đức nuôi năm con nghé. Trước ngày lễ hội các con nghé được dắt đến thi. Con nào vào giải thì được chọn để hôm sau mở hội giết thịt tế thần và chia đều để năm thôn thụ lộc. Ngày khai hội 12 tháng 6, từ sáng sớm, làng thôn đã rộn rã, tưng bừng. Người của năm thôn trống giong cờ mở, kiệu rước đưa thần thánh thờ trong bản hạt thôn mình về đền dự hội. Sau khi cả năm thôn, anh trước em sau đã tề tựu đông đủ, lễ rước nước bắt đầu. Vẫn theo thứ tự anh trước em sau, năm đoàn rước ra sông Nhuệ làm lễ rước nước. Đi đầu mỗi đoàn rước là đội cờ. Tiếp sau là đội nhạc, đội kiệu rước bát nhang hương án, và kiệu rước chum nước. Chum nước được quây quanh bằng vải trắng, miệng phủ vuông vải đỏ. Tới bờ sông năm thôn, mỗi thôn dùng năm chiếc chải ra giữa lòng sông lấy nước về làm lễ mộc dục.Sau lễ mộc dục là lễ tế thần, lần lượt năm thôn làm lễ tế, tiếp sau là lễ tế của các dòng họ, các gia đình và khách thập phương. Trong khi ở chính đền long trọng diễn ra lễ tế, ở ngoài hồ ngoài bãi đền, diễn ra nhiều trò chơi sôi động như múa rồng, múa lân, chọi gà, đấu vật. Sôi nổi và cuốn hút người xem hơn cả là trò đập bị gạo và túm nước. Người ta treo nhiều bị gạo và túm nước lên một giá treo. Ai đập vào bị gạo thì được thưởng. Ai đập vào túm nước, túm nước vỡ ra bắn tung tóe vào người, khiến người xem xung quanh cười rộ lên.Lễ hội đền Ba Xã đã từ lâu trở thành lệ của năm thôn: Thịnh Cầu, Thịnh Bằng, Thịnh Thần, Thịnh Thượng, Thịnh Hạ và dân chúng thập phương kéo về dự hội rất đông. Để phục vụ cho việc ăn ở của khách thập phương, nhiều người địa phương quần tụ gần đền dựng nhà, lập quán thành một nơi buôn bán sầm uất thời xưa. Chính vì lẽ đó mà ở gần đền Ba Xã ngày nay có một địa danh được gọi là: Phố Cống Thần.
     
  9. fanmatic

    fanmatic Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/06/2002
    Bài viết:
    7.045
    Đã được thích:
    0
    Hội Sáo đền - một lễ hội thả diều độc đáo
    Ở Thái Bình ngoài hội chùa Keo nổi tiếng còn có hội Sáo đền, một lễ hội thả diều độc đáo được ít người biết đến. Lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến 27-3 hằng năm tại xã Song An, huyện Vũ Thư.Về Thái Bình người ta thường chỉ biết đến hội chùa Keo. Ít ai biết được trên đường đi hội chùa Keo còn có một lễ hội khá độc đáo còn tồn tại đến ngày nay đó là hội Sáo đền. Hội Sáo đền diễn ra từ ngày 20 đến 27-3 hằng năm tại xã Song An, huyện Vũ Thư. Những ngày diễn ra lễ hội bà con địa phương cùng du khách thập phương về với lễ hội trong niềm vui hân hoan. Vì về nơi đây người ta còn tìm về một trong những cái nôi của làn điệu chèo ngọt ngào nổi tiếng. Ngày nay Sáo đền được biết đến với trò chơi thả diều độc đáo. Cũng như mọi lễ hội khác ngoài phần lễ là phần hội. Phần hội với đủ các trò chơi như: chọi gà, cờ người, bắn cung, bắt vịt... và trò thi diều sáo. Đã từ hàng trăm năm nay như lời cụ Khiếu Văn Luyến cho biết; luật chơi không hề thay đổi. Người chủ diều chọn đúng hướng gió kéo dây. Ban tổ chức cắm hai cây sào trên đầu có buộc hai lưỡi mác rất bén cắm hai cây sào đó hai bên dây diều, khoảng cách của hai cây sào là 50cm. Khi nghe hồi trống lệnh nổi lên, các chủ diều chỉnh chuẩn diều kéo căng dây và đâm lên. Cánh diều nào không chuẩn đảo qua đảo lại, dây diều sẽ chạm phải hai lưỡi mác trên hai ngọn sào là đứt dây ngay. Như vậy cánh diều đó bị loại khỏi cuộc chơi, cứ thế diều nào đậu được đến ngày cuối cùng của hội thì chủ diều đó đoạt giải. Cụ Lương Thanh Được, một người cao tuổi trong làng cho biết: Theo như cụ biết từ lúc cụ còn nhỏ, mỗi năm chỉ duy nhất một người đoạt giải, có năm không có ai đoạt được giải diều, như năm 2003 này chẳng hạn. Tôi hỏi cụ thi diều phải nhờ ở gió trời, vậy có năm nào vào ngày hội mà không có gió trời hoặc gió không đủ mạnh để đâm diều sáo? Cụ nói: "Trường hợp này cũng có, mấy năm gần đây có năm 1998. Hội diễn ra đến ngày 25 mà vẫn không có gió, sáng 26 là chính hội gió chỉ hiu hiu. Mọi người đến với lễ hội đã biểu hiện tâm trạng buồn vì có lẽ năm nay không được thi và xem thi thả diều. Nhưng tôi nhớ đúng 11 giờ 15 phút trưa ngày 26 năm đó bắt đầu có từng cơn gió và sang đầu chiều gió đã đủ để tổ chức hội thi diều". Quả thực điều này khiến cụ và nhiều người khác phải ngạc nhiên, khó giải thích đến tận khi chúng tôi gặp cụ. Như cụ nói đó là ''''gió thần'''', vậy là nhờ ''''gió thần'''' hội Sáo đền không năm nào bị gián đoạn. Diều được giải nhất ngoài việc đậu đến hết hội ở giữa hai lưỡi mác thì sáo diều phải thật hay. Sáo hay là bộ sáo gồm 2 sáo trở lên, tiếng sáo trong trẻo, âm thanh giữa các sáo trong bộ sáo phải phối hợp cho nhau hài hoà, ngọt ngào, du dương ... Nói về sáo, cụ Được kể, đời bố của cụ có người chơi diều thời đó còn buông bằng dây tre, đã làm cánh diều khung bằng 4 cây tre nối lại. Bộ sáo của chiếc diều có 2 chiếc. Chuyện còn kể rằng khi diều bổ xuống cánh đồng, chủ diều chưa kịp mang về, có người ăn xin đã chui được lọt vào chiếc sáo to của diều đó ngủ. Câu chuyện này được người dân nơi đây lấy làm tự hào và luôn kể cho khách thập phương về dự lễ hội.
  10. fanmatic

    fanmatic Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/06/2002
    Bài viết:
    7.045
    Đã được thích:
    0
    Lễ hội cầu an cho bản mường
    Lễ hội cầu an cho bản mường (xên bản, xên mường) của người Thái, đặc biệt là người Thái Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu, người Mường... là một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng người ở Tây Bắc. Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng giêng, đầu tháng hai âm lịch hàng năm (dịp tết Nguyên Đán), gắn với tục giết trâu hiến sinh cầu và tạ thần linh, được biểu hiện qua tiếng sấm, tức lời phán quyết của vua trời, qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng... Lễ hội có liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả bản mường, đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cộng đồng năm ấy, nên được tổ chức rất trọng thể, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đồng bào ở địa vực lớn (bản, mường).Lễ hội cầu an cho bản mường của một số tộc ít người sở dĩ thu hút được sự tham gia tổ chức, đóng góp... của các bản, mường là bởi, trước hết nó gắn với nghi lễ hiến sinh thờ thần nước, nguồn nước - vị thần gắn bó chặt chẽ với đời sống tâm linh của cộng đồng. Thứ nữa, theo quan niệm lâu đời của người dân bản mường, nếu không tổ chức lễ cúng trong toàn bản, toàn mường, không hiến lễ vật (trâu, cặp trâu) cho tổ tiên và các vị thần linh thì cuộc sống vật chất và tâm linh của con người trong cộng đồng sẽ gặp những trắc trở, không thuận lợi, thần linh không phù hộ cho được nhân khang, vật thịnh, cộng đồng bình an. Chính vì thế mà để được bình yên, cộng đồng người Thái, Mường... nơi Tây Bắc xa xôi này sử dụng một thế ứng xử rất quen thuộc của các cư dân Việt và cư dân các tộc ít người trên đất Việt, là hiến tế lễ vật (trâu, bò, heo, gà...) cho thần linh, mà ở đây là thủy thần, thần nước, thần nguồn nước... dưới dạng con thuồng luồng, con giải, con giao long... Các nghi lễ này ngày càng nhạt dần đi, ngắn gọn thêm, nhường chỗ cho các trò bách hý mang tính hội hè. Dù thế, qua nghi thức hiến sinh rất ngắn gọn trên, những nhà khoa học, văn hóa thạo giải mã sẽ đọc được rất nhiều biểu tượng gắn với cội nguồn văn hóa vốn có.Vậy là, để cầu bình an, cầu được mùa, mường bản tổ chức lễ hội xên mường, xên bản (hội hoa ban). Thường thì người ta tổ chức lễ cầu an cho mường trước, sau đó lần lượt làm lễ hội cầu an cho bản hoặc liên bản. Lễ hội này không chỉ bộc lộ khát vọng an lành cho cuộc sống, mối quan hệ khăng khít giữa thần và người mà còn biểu hiện khát vọng sinh sôi qua sự mong muốn là cầu khẩn mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi. Dần dà, lễ hội này còn mang tính chất tạ ơn thần linh đã cho mùa màng bội thu, đem sự no ấm đến cho mọi người. Chính vì thế, ngày nay, qui mô lễ hội (to hay nhỏ, kéo dài hay thu gọn... ) một phần lớn tùy thuộc vào thời tiết liên quan đến sự được mất của mùa màng năm tới, nhưng còn phụ thuộc vào sự được mất, nhiều ít của mùa màng vừa rồi, sau khi thu hoạch.Lễ hội này thường được tổ chức tại một bãi rộng, nơi có nguồn nước (mở nước), nhiều khi là nguồn nước thiêng, hoặc ở cạnh rừng (bìa rừng) trong hai hoặc ba ngày. Từ địa vực mà sự hiến sinh gắn với một biểu hiện của thần linh hay bản thân thần linh (sấm, mưa, thuồng luồng, thổ công, thổ địạ..). Nhiều người cho biết, ở Mộc Châu, lễ hội này được tiến hành ở đầu nguồn nước thuộc một bản được chọn (thường là bản Mòn). Đây là nguồn nước thiêng, gần rừng thiêng, nơi cư trú của thần thuồng luồng đầy uy lực. Ở người Thái Mai Châu, thì lễ hội lại được tổ chức ở bãi rộng gần đình như các lễ hội ở châu thổ, đồng bằng. Có nơi, người ta tổ chức lễ ở các miếu thờ thổ công, thổ địa của bản, của gia đình, ở vườn và ở đầu ruộng. Thường thì ngay từ dịp tết Nguyên Đán, mọi thứ dùng cho lễ hội đã chuẩn bị xong. Lễ hội thường kéo dài trong ba ngày (có nơi hai ngày một đêm, có nơi một ngày một đêm). Nghi lễ cúng viếng cơ bản là hiến sinh trâu (nơi là một cặp trâu đực to, trắng - đen, nơi thì một con, nhiều nơi cúng cả gà, lợn). Ở Mộc Châu, trong lễ xên bản, xên mường, người ta hiến tế cặp trâu đen - trắng cỡ từ mười tuổi trở lên. Hai trâu, nhưng trâu trắng mới thực sự mang năng lượng thiêng để thành lễ vật tế thần (ở đây là thủy quái thuồng luồng, con ma to nhất dưới nước mà bà con thường gọi là phi ngược). Có lẽ nghi thức thờ, hiến sinh hai trâu là mới hơn nghi thức hiến sinh một trâu mộng rất phổ biến. Bởi theo bà con cho biết, trước kia, dân một mường khác phải đem trâu trắng và các đồ cúng lên cúng tại bản Mòn này. Từ đó nảy sinh lễ cúng liên mường (xên liên mường) mà đồ cúng và trâu hiến sinh tăng thêm về số lượng. Suy tưởng này, thực ra mới chỉ là giả thiết.Người chịu trách nhiệm chính trong tổ chức lễ hội cầu an bản mường là a nha, nhưng người trực tiếp điều hành buổi lễ lại chính là ông thầy cúng (mo mường). Dân chúng trong mường, ngoài bản, bất kể già trẻ gái trai đều có nghĩa vụ tham gia, đóng góp tùy sức mình và được quyền tham dự lễ hội của mường.Nghi lễ giết trâu ở đây hết sức đơn giản, không quan trọng và hệ thống như nghi lễ đâm trâu, ăn trâu ở Tây Nguyên. Trước ngày hội chính thức, tức là khoảng 2-3 giờ chiều ngày hôm trước, người ta đã làm lễ giết trâu. Trước khi thịt trâu, ông mo mường và ông mò phăn (tức ông thầy chém, được dân mường chọn ra) làm lễ vái thần linh, tổ tiên rồi cầm dao nhọn làm động tác chém dữ (mang tính nghi lễ) vào cổ các con trâu dùng tế lễ, miệng thì thầm những câu như thần chú (thực ra, nhiều người cho rằng các ông chỉ nói lời kính báo với thần linh, tổ tiên: trâu tế thần đã sẵn, dân bản, dân mường đã thịt trâu dâng các vị rồi đây nhé, xin các vị về mà nhận lấy). Sau đó, các ông lui ra, dành chỗ cho các thanh niên khỏe mạnh vào chém trâu, thịt trâu... Bắt đầu ngày hội, người ta làm nhiều mâm cỗ cúng (mỗi mâm cỗ tượng trưng cho một bản lớn, xưa, có tạo bản đứng đầu, các bản nhỏ không được tượng trưng bằng mâm cỗ) đặt cạnh nguồn nước thiêng của mường. Đặc biệt, mâm cỗ của ông a nha, đặt ở giữa, dùng cúng tổ tiên (mâm cúng chính thức) phải đầy đủ các bộ phận của con trâu hiến tế (đầu, đùi, thân, móng, đuôị..) cùng tất cả các bộ phận của một con lợn. Những mâm còn lại của các bản, ngoài thịt trâu, cơm rượu... còn phải có gà vịt, đặt ở hai bên mâm cúng chính, dành để cúng các vị thần khác. Khi buổi lễ bắt đầu, mo mường quì trước các mâm cỗ, phía sau là a nha, tạo bản, dân mường quì lễ. Trong không khí trang nghiêm, linh thiêng, ông mo trang trọng, xuất thần đọc bài cúng đã thông thuộc, mời tổ tiên (ông cha bà cố nội ngoại tiếng Thái là Pao pu pang cải), thần đất (Chau đỉn), chủ nguồn nước (Chau nặm bo), thổ công thổ địa... về nhận lễ vật, dùng cỗ, vui vẻ với cộng đồng dân cư bản mường; đồng thời cầu mong tổ tiên thần linh ban phúc, phù trợ cho bản mường bình yên, làm ăn suôn sẻ, con người khỏe mạnh, ngô lúa sinh sôi, gia súc gia cầm đàn đàn, lớp lớp. Khấn xong, mo mường và các vị chức sắc cùng dân bản mường vái lạy tổ tiên và các vị thần. Trong lúc đó, mo mường ném hai quả trứng (một đỏ, một trắng) và một nắm cơm nhỏ xuống nguồn nước. Cuộc lễ kết thúc, mọi người bắt đầu vào cuộc ăn uống cộng cảm, vui chơi thể thao, văn nghệ... Cuộc ăn uống cộng cảm diễn ra hết sức vui nhưng đúng lễ nghi. Các ông mo mường, a nha, tạo bản... ăn làm phép ở mâm cỗ chính, rồi đi từng mâm; ở mỗi mâm các ông ăn một miếng thịt, uống một hớp rượu. Kế đó, cả bản mường ăn uống vui vẻ cho bằng hết các mâm, không được bỏ thừa hay đem về.Để chuẩn bị cho việc diễn ra những trò bách hý trong hội lễ, ngay từ sáng tinh mơ của ngày đầu tiên, bên cạnh vị trí cúng lễ (mặt bằng, có thể là bàn đá cạnh nguồn nước), người dân bản đã sửa sang, dọn dẹp một mặt bằng rộng, cách nơi hành lễ khoảng trên dưới 100m. Mọi hoạt động hội hè, trò chơi, văn nghệ, thể thao... đều được diễn ra nơi đây. Trời về chiều, trong tiếng trống, tiếng chiêng dìu dặt lúc khoan lúc nhặt, dân làng tổ chức xòe vòng, xòe đôi, xòe đơn thật hào hứng. Bên mâm rượu tập thể, những nam thanh nữ tú hát giỏi múa hay, biết nhiều, nhanh nhẹn trong ứng đối vừa ăn uống, chọc ghẹo, vừa hát đối đáp giao duyên. Họ hát giới thiệu, khen ngợi nhau, bày tỏ chí hướng, tỏ lòng với nhau... trong men rượu, men tình... Bên cạnh đó, dăm bảy đôi nam nữ (thường là những đôi đã ngầm kết nhau, tổ chức múa sạp, thi bắn nỏ, bắn súng hỏa mai. Nhiều nơi còn có tục đi săn tập thể vào ngày kết thúc lễ hội. Dưới sự chỉ huy của một thợ săn giỏi nhất mường, được dân bản bầu lên, mọi người lao mình vào cuộc săn một cách hào hứng. Thú rừng săn được sẽ chia đều cho mọi người cũng như lũ chó tham gia cuộc săn... Cứ như thế cuộc vui kéo dài trong hai, ba ngày. Sau đó, bản nào về bản ấy. Bản nào giàu có, nhiều khả năng vật chất thì mời mo mường, a nha về bản mình, tiếp tục mổ lợn, giết gà tiệc tùng vui vẻ, hoặc tổ chức cầu an cho bản (xên bản).Như vậy các nghi lễ chính trong lễ hội cầu an bản mường vừa bộc lộ tín ngưỡng thờ phụng thủy thần (thần nước, thần nguồn nước, sấm báo mưa) vừa thể hiện tín ngưỡng gắn với thời săn bắn, hái lượm nguyên thủy. Tuy nhiên, bằng vào tục hiến sinh trâu, có thể thấy nghi lễ chính là cầu thần nước, cầu tổ tiên cho làng bản bình an, làm ăn phát đạt, người vật phát triển. Tục đi săn, nhiều khi, là hệ quả kéo theo, ngày càng mang tính hội hè nhiều hơn. Vết tích nghi lễ tín ngưỡng qua tục săn bắn tỏ ra rất mờ nhạt. Dù sao, đó cũng là sự kéo theo hay xếp lớp văn hóa, thường gặp trong văn hóa dân gian.Về lễ hội cầu an cho bản mường, có tư liệu khác cho rằng đối tượng thiêng được chú ý là tiếng sấm (bóng dáng của nhiên thần, thần sấm, chớp - pháp lôi, pháp điện). Ngoài việc bộc lộ sự ngưỡng vọng, khẩn cầu thần nước cho mùa màng sinh sôi, con người phồn thịnh, có lẽ cũng còn những tín hiệu biểu trưng khác cần phải bóc tách và lý giải. Dù sao, việc chú trọng đến tiếng sấm đầu năm, với tư cách bóng dáng hay bản thân một nhiên thần (đại diện cho trời), một mặt chứng tỏ sự gắn bó đến mức nhiều khi lệ thuộc vào thiên nhiên, thiên thần của cư dân và mùa màng tộc Thái, mặt khác cho thấy kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm ăn phong phú của cư dân ở đây. Qua một vài chi tiết thoáng qua, có tính gợi mở sau đây: "Người Thái Mai Châu cho rằng hễ năm nào nghe tiếng sấm rền từ phía thượng nguồn sông Mã, thì năm đó ắt có đại hạn... Người ta mổ ít lợn, gà làm lễ tế thần để cầu mưa, rửa lá lúa, xua đuổi thần trùng... Ngược lại, hễ nghe tiếng sấm đầu năm rền ở phía thượng nguồn sông Đà, thì mọi người đều phấn khởi, tươi vui. Họ tin rằng năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, triển vọng mùa màng sẽ bội thu, thóc ngô đầy bồ đầy kho, mọi người khỏe mạnh, ít ốm đau" (60 lễ hội truyền thống Việt Nam - Thạch Phương, Lê Trung Dũng - Nxb Khoa học Xã hội), có thể thấy thần linh cũng được phân loại tốt xấu gắn với hoàn cảnh cụ thể, sự vật cụ thể, nguồn nước cụ thể (sông Mã, sông Đà...). Kinh nghiệm làm ăn thực tiễn có tác động không nhỏ đến suy niệm và đời sống tâm linh cư dân miền núi. Điều này gắn với việc thờ thuỷ quái đã nêu, song có vẻ gián tiếp hơn. Tuy nhiên, về mặt diễn trình, lễ hội cầu an bản mường có khác nhau ở một số chi tiết hội.Như vậy, ngoài sự khác biệt đôi chút ở nghi lễ hiến tế, hầu như các hoạt động của lễ hội cầu an bản mường đều giống nhau ở chỗ đây là dịp để mọi người tụ họp, gặp gỡ với tổ tiên, thần linh, gặp gỡ với nhau trong cả sinh hoạt vật chất lẫn hành động tâm linh; vừa bộc lộ niềm thành kính, ngưỡng vọng thánh thần, vừa thể hiện sức mạnh của con người; vừa cầu phúc cho một cuộc sống hạnh phúc, an bình, vừa bộc lộ khả năng vui chơi, thi tài... Có thể nói, lễ hội cầu an bản mường là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của các tộc Thái, Mường... một sinh hoạt văn hóa dân gian tổng thể; một nguồn vui không thể thiếu của cư dân ít người nơi rẻo cao Tây Bắc xa xôi, mỗi khi mùa hoa ban trắng nở.
     
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này