1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Chữ Nôm và nguồn gốc tiếng Việt

Chủ đề trong 'Tiếng Việt' bởi PKaN, 05/04/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. PKaN

    PKaN Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/11/2006
    Bài viết:
    979
    Đã được thích:
    0
    Chữ Nôm và nguồn gốc tiếng Việt

    Dưới đây là một vài trích đoạn từ bài viết về chữ Nôm trên Wikipedia tiếng Việt:

    Hơn 1.000 năm sau đó ?"từ thế kỷ 10 cho đến thế kỷ 20 ?"một phần lớn các tài liệu văn học, triết học, sử học, luật pháp, y khoa, tôn giáo, và hành chính được viết bằng chữ Nôm. Dưới triều đại nhà Tây Sơn, toàn bộ các văn kiện hành chính được viết bằng chữ Nôm trong 24 năm, từ 1788 đến 1802. Nói cách khác, chữ Nôm là công cụ duy nhất hoàn toàn Việt Nam ghi lại lịch sử văn hoá của dân tộc trong khoảng 10 thế kỷ.

    [...]

    Ngày nay, trên thế giới chưa có đến 100 người đọc được chữ Nôm. Một phần quan trọng của lịch sử Việt Nam như thế nằm ngoài tầm tay của 80 triệu người nói tiếng Việt.

    [...]

    Chữ Quốc ngữ ra đời tuy đơn giản, dễ nhớ dễ học nhưng lại có nhược điểm là chữ biểu âm khó diễn đạt hết các từ cùng âm khác nghĩa vốn rất nhiều trong tiếng Hán và tiếng Việt. Và vì lý do này, có nhiều từ Việt bị dùng sai, nhưng do dùng lâu quen và do đó từ sai trở thành từ đúng (ví dụ: khốn nạn). Và cũng chính vì việc từ khi sử dụng chữ Quốc ngữ không tiếp tục giảng dạy và học chữ Hán Nôm đã làm cho những thế hệ người Việt ngày nay không còn biết đến chữ Hán Nôm nữa, và không thể đọc được những tư liệu sách vở trong kho di sản Hán Nôm ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Chính vì điều đó mà ít có thế hệ người Việt sau này có thể hiểu rõ và dùng đúng tiếng Việt như nghĩa thật sự của nó (vì hơn 70% tiếng Việt được hình thành từ tiếng Hán-Việt).






    Như vậy chữ Nôm, tuy xuất phát từ chữ tượng hình Trung Quốc, nhưng đã từng là một trong những sáng tạo quan trọng của người Việt để ghi tiếng Việt. Tuy nhiên điều đáng tiếc là hiện nay số người đọc được chữ Nôm không còn nhiều (theo bài viết trên thì chỉ có không đến 100 người), như vậy một phần rất lớn bút tích, di khảo để lại bằng chữ Nôm có nguy cơ bị vùi lấp trong quên lãng. Trước những thông tin như trên về chư Nôm em có một vài nhận xét và câu hỏi như sau:

    - Trong chương trình văn học phổ thông luôn có một phần quan trọng nói về thơ Nôm (điển hình là Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương), tuy nhiên quanh đi quẩn lại cũng chỉ thấy 2 tác giả đấy, trong khi lịch sử có đến "10 thế kỉ sử dụng chữ Nôm", vậy xin được hỏi các bác trong văn chương cũng như trong văn hoá Việt cổ nói chung chữ Nôm được sử dụng như thế nào ? Còn những tác giả tiêu biểu nào khác ?

    - Cũng vẫn về đề tài văn học - nghệ thuật. Theo một số nhận xét em từng được nghe thì trong suốt một thời gian rất dài tiếng Hán và chữ Hán vẫn luôn được coi là thứ ngôn ngữ "quý tộc" trong văn chương. Tầng lớp nho sĩ thường chuộng tiếng Hán, do đó chữ Nôm đã từng bị coi là thứ chữ viết "loại 2": quá phức tạp để tầng lớp bình dân tiếp cận, nhưng lại không đủ "cao quý" để tầng lớp nho sĩ sáng tác. Chỉ đến thế kỉ 18 (thời Tây Sơn, như bài viết trên đã đề cập) với ngòi bút của Nguyễn Du thì chữ Nôm mới được sử dụng rộng rãi và chính thức, song đó cũng là khởi đầu của sự kết thúc, vì thế kỉ 18 là lúc các giáo sĩ châu Âu đến nước ta và bắt đầu hình thành chữ quốc ngữ. Theo lập luận này thì chữ Nôm chỉ đạt cực thịnh trong một thời gian rất ngắn, vậy lí do gì khiến nó tồn tại được đến hơn 10 thế kỉ ?

    Bản thân các sách giáo khoa Việt Nam khi đề cập chữ Nôm cũng đều nói vô cùng vắn tắt rằng nó là thứ chữ "phức tạp hơn cả chữ Hán, bất tiện khi sử dụng" và chủ yếu giới thiệu văn học chữ Nôm của thế kỉ 18. Vậy bản chất sự hình thành và việc sử dụng chữ Nôm trong lịch sử Việt Nam là như thế nào ?

    - Thứ ba, không chỉ liên quan đến chữ Nôm mà rộng hơn, liên quan đến tiếng Việt: 70% ngôn ngữ tiếng Việt hình thành từ tiếng Hán, vậy liệu có thể hiểu rằng 30% còn lại là "thuần Việt", là "hàng Việt Nam chất lượng cao", còn 70% kia là sản phẩm "made in China" ? Tất nhiên lịch sử đã để lại như vậy, nhưng nếu Trung Quốc không đô hộ VN thì liệu có thể chắc chắn rằng tiếng Việt đã phát triển theo một hướng hoàn toàn khác ? Câu hỏi đặt ra ở đây là nguồn gốc ban đầu của tiếng Việt. Nếu trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc tiếng Việt chịu nhiều thay đổi như vậy thì có nghĩa rằng trước khi TQ xâm lược nước ta tiếng Việt là một ngôn ngữ vô cùng hạn chế, rất khác so với tiếng Việt mà chúng ta nói hiện nay ?

    Theo các nghiên cứu ngôn ngữ học, tiếng Việt nằm trong hệ Việt-Mường, em không biết tiếng Mường nhưng mạo muội cho rằng ngày nay nó không còn giống tiếng Việt nữa, tiếng Việt đã bị Hán hoá trong một thời gian dài. Tuy nhiên ngày nay tiếng Việt là tiếng Việt, còn tiếng Trung là tiếng Trung, không thể lẫn lộn, vậy nguồn gốc tiếng Việt là như thế nào ? (Trong bài viết của Wiki có ví dụ về từ "khốn nạn", em vẫn tưởng đây là từ Hán Việt, hoá ra nó là từ thuần Việt ?)

    Tóm lại, liệu ta có thể nói đến một thứ "tiếng Hán-Việt" ? Chẳng hạn bài thơ rất nổi tiếng của Lý Thường Kiệt:

    Nam quốc sơn hà Nam đế cư
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    Dịch sang tiếng Việt (?):

    Sông núi nước Nam vua nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

    Rõ ràng bản 2 dễ hiểu hơn bản 1, nhưng bản 1 không phải là hoàn toàn không thể hiểu được: đó vẫn là những từ phát âm theo tiếng Việt, viết bằng tiếng Việt, nhưng nghĩa lại là tiếng Hán. Tất cả những từ trong bản 1 đều tồn tại trong tiếng Việt dưới dạng các yếu tố Hán Việt, thế nhưng vẫn cần phải có một bản dịch để hiểu rõ hơn ý nghĩa của bài thơ, vậy là dịch từ tiếng Việt sang tiếng Việt sao ?

    Dông dài lan man thế đủ rồi, chỉ là chút suy nghĩ của em về chữ Nôm và nguồn gốc tiếng Việt thôi. Nếu các bác có quan tâm đến những vấn đề này xin cùng vào đây trao đổi, rất hoan nghênh

    Được pkan sửa chữa / chuyển vào 19:19 ngày 05/04/2007

Chia sẻ trang này