Chút tâm tình với xứ Nghệ Chào các bạn xứ Nghệ Tôi không phải là người xứ Nghệ, nhưng tình cảm của tôi với non nước xứ Nghệ thì luôn luôn có thừa. Chúng tôi là một nhóm chuyên đi du lịch bằng xe máy, và đã lang thang khắp nẻo đường miền núi Tây Bắc. Cách đây 3 năm, chúng tôi quyết định thử sức với những cung đường xứ Nghệ, và kể từ đó, những địa danh như Quế Phong, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, đã nằm sâu trong chúng tôi. Đã cày đi cày lại không dưới 3 lần vùng miền núi này, vậy mà chúng tôi vẫn còn đầy đam mê. Xin chia sẻ với anh em xứ Nghệ bằng một bài ký, mới được viết nhân dịp anh em chúng tôi đi Con Cuông - Tương Dương - Kỳ Sơn hồi Tết năm 2004. Vì không phải người xứ Nghệ nên chắc thông tin còn nhiều khiếm khuyết, mong các bác bổ sung TÌM TRẦM Hà cúi xuống nhặt miếng khô bò rừng nướng, rồi hờ hững đưa lên mồm, chiêu thêm một ngụm rượu. Giọng anh nhỏ dần lại, nghe đùng đục và buồn buồn Lúc đó vào khoảng 8 - 9 giờ sáng gì đó. Toán của chúng tôi gồm 3 người đang mò mẫm trong rừng đại ngàn của huyện Nong Hét, thuộc tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. Tôi ngồi bệt trên một phiến đá lớn, vừa thở vừa nhặt hết đám vắt xanh đang loe nghoe bò ngược lên. Đang ngả người trên gốc cây nghỉ mệt thì chợt nghe tiếng la thất thanh từ phía góc rừng đằng Tây. Giật nẩy mình, tôi choàng dậy chạy ào về phía tiếng kêu đó. Chỉ thấy Huềnh đứng ngẩn người ra, tay mân mê một thân cây gỗ lớn, vỏ xù xì và nứt nẻ như những đám rẫy mùa gió Lào và nổi u lên những cục bướu to cỡ bằng quả mít, trông giống hệt như tổ kiến rừng. Tôi nghẹn cả thở lại, run run ngước nhìn. Cây dó phải cao cỡ chừng 30-40m, lá ở trên đã ngả hẳn sang màu vàng và càng lên cao thì càng xoắn tít lại và nhỏ dần đi. Xung quanh gốc cây là vài gò mối to cỡ bằng nấm mộ ở dưới xuôi, nhưng đất xốp và mềm hơn nhiều. Chúng tôi chết lặng đi vài mươi phút. Huềnh hự lên một tiếng: Trúng rồi, trúng rồi, và nhanh thoăn thoắt gỡ cái cưa bản to sau lưng ra. Chúng tôi ào vào dọn sạch ổ mối và các cây tạp xung quanh, cứ 2 người một nhịp, cưa ngang cây dó, đến gần sát gốc. Đến trưa thì cây đổ, nghỉ ngơi và ăn uống. Toàn lẳng lặng xách khẩu AK cưa báng ra đầu rừng, chặt dăm tàu là chuối khô to bản làm mái lợp, rồi trèo lên chạc ba của cây săng lẻ nằm khoèo. Trong mọi chuyến đi điệu ( đi trầm ) của chúng tôi, Toàn luôn nhận nhiệm vụ cảnh giới, vừa là canh chừng phỉ Mèo, vừa canh chừng cả các nhóm đi điệu khác luôn rắp tâm cướp hàng. Có lẽ đây là chuyến đi điệu không thể quên được trong đời tôi. Trầm thấy ở khắp nơi, trên ngọn, ở thân, ở rễ, ở cả những cành đâm ngang dọc. Chúng tôi bò lê bò toài trên đám trầm, đào, đục, đẽo, cưa, cắt. Róc hết những phần gỗ mục và thừa ra, tôi ước chừng phải được khoảng trên một tạ, mà là loại kỳ nam thứ thiệt, thớ nhuyễn mịn, nhờn và dính. Huềnh bẻ một miếng to cỡ nửa ngón tay út, đút tọt vào mồm nhai nghiến ngấu, rồi gào lên: Loại một rồi, anh Hà ơi. Đúng lúc đang dồn trầm vào ba lô thì tôi nghe tiếng đạn AK nổ ròn từ phía Toàn, rồi sau đó đạn bay chiu chíu về phía chúng tôi. Nhanh như sóc, tôi và Huềnh lăn sang hai bên, rồi lao vụt vào bụi rậm. Dăm sáu bóng người quần áo rách rưới, tay lăm lăm súng đủ loại từ AK, carbin đến M79 ào ào chạy từ trên dốc xuống. Gặp phỉ Mông rồi, một ý nghĩ chết chóc thoáng qua trong óc, chắc thằng Toàn bị rồi. Tôi nín thở, từ từ tụt xuống khe đá, rồi trườn như con rắn qua góc núi bên kia. Đám H?Tmong quay súng bắn loạn xạ bốn phía. Hú hồn, chỗ mà chỉ ít phút trước tôi còn nấp giờ đã bị cày nát bởi một viên M79. Tôi tiếp tục bò đi thật xa cho đến khi không còn nghe thấy tiếng của đám phỉ nữa, rồi tìm một hang đá chui vào trú ẩn. Thằng Huềnh đã phạm một sai lầm rất nghiêm trọng. Khi phát hiện ra cây trầm, nó đã không kìm được mình nên hét lên một tiếng to. Mà ở giữa thung lũng xung quanh là vách núi, tiếng thét rất dễ vang xa. Các cậu không biết đó thôi. Tụi tôi đi điệu cực lắm. Đêm ngủ thì chui vào gốc cây to, ngủ ngồi, tay luôn đặt trên cò súng, chỉ cần có tiếng động lạ hoặc sai quy ước là quất luôn. Rồi hai giờ sáng dậy, nấu cơm để ăn cho cả ngày. Nấu ban ngày bọn phỉ mà nó nhìn thấy khói nghi ngút bay lên thì đảm bảo nửa giờ sau mâm cơm đang nấu sẽ trở thành mâm cơm giỗ ngay. Có lẽ một thằng phỉ mọi nào nghe thấy tiếng Huềnh liền dẫn đồng bọn của tụi nó tới, và kết quả là? Tôi nằm im cho đến sáng hôm sau, khi đám phỉ kia đã rút hết và trả lại cho núi rừng vẻ yên ắng đến lạnh lùng của nó. Chỗ cắm trại hôm qua bây giờ chỉ là một bãi đất hoang tàn, toàn bộ đồ đạc, dụng cụ của chúng tôi bị lấy hết, và đặc biệt là năm ba lô đựng trầm cũng đã bị mang đi.
Tôi men lên chỗ chốt của Toàn. Người Toàn nát bấy vì đạn AK, mắt vẫn mở trừng trừng như không hiểu vì sao mình chết. Chằng còn xẻng, chẳng còn cuốc để đào hố, tôi nhét Toàn vào một khe đá, lấy đá to và cây rừng phủ lên trên để thú rừng khỏi bới xác. Đúng lúc đó thì nghe một tiếng rên khẽ từ phía khe suối cuối đám rừng săng lẻ. Tôi giật mình, rút con dao rừng bên hông ra, lách vào đám cây bụi rồi lắng tai nghe ngóng. Tiếng rên vẫn còn, nhưng lần này thì to hơn và nghe ngắt quãng: Đau quá, đau quá mạ ơi. Tôi giật mình, đúng tiếng thằng Huềnh rồi. Huềnh đang nằm vắt mình trên một tảng đá lớn bên bờ suối, ở phía dưới đầu là một mảng đen sẫm, ruồi bay vo ve xung quanh. Tôi đỡ đầu nó dậy, thì thấy phía sau gáy có một lỗ thủng nhỏ, đằng trước phía má trái là một đám lầy nhầy máu, thịt và răng. Thôi chết, thằng Huềnh cũng trúng đạn rồi. Còn nước còn tát, tôi cởi áo ra, quấn chặt đầu thằng Huềnh lại, rồi xốc lên vai, Đang lúc chuẩn bị cõng nó về thì chợt thấy dưới bụng nó là một khúc trầm lớn, dài khoảng nửa mét. Tôi nhặt lên, dắt kỹ vào bụng, rồi cõng thằng Huềnh chạy như bay về phía mặt trời. Chạy trong rừng khoảng 6-7 tiếng gì đó, tôi gặp một người Thái đi nương. Hỏi thì biết đây gần biên giới Việt Lào, khá an toàn. Đợi người Thái đi khuất, tôi lén rút khúc trầm ra, chôn và đánh dấu kỹ để về sau quay lại tìm, rồi tiếp tục cõng thằng Huềnh chạy tiếp. Khoảng 30 phút sau, tôi tới được đồn biên phòng Nậm Càn. Thằng Huềnh chắc ông trời chưa muốn bắt nó đi. Bị đạn bắn như thế, máu chắc mất cỡ cả lít, vậy mà nó vẫn sống, chỉ bị nói ngọng và biến dạng khuôn mặt. Hóa ra hôm đó nó cũng chạy được, nhưng tiếc của nên buổi đêm mò vào lấy lại trầm. Mới lấy được một thanh thì bị bọn phỉ phát hiện, chạy thoát nhưng bị một viên đạn lạc. Hai tuần sau khi về đến nhà, tôi lộn lại cánh rừng hôm trước, bí mật đào thanh trầm lên và mang xuống gặp đầu nậu của huyện. Thanh trầm khoảng 7 kg, tôi bán được gần năm trăm triệu đồng. Chia cho nhà thằng Toàn 200, thằng Huềnh 200, còn phần tôi gần 100 triệu đồng. Bốn tháng sau, tôi và ba anh trai của thằng Toàn lại cắt rừng vượt biên giới sang tìm xác thằng Toàn về. Có thể là do lũ đã xoá sạch dấu vết, hoặc cũng có thể do hoảng loạn nên trí nhớ không tốt, tôi không sao tìm được khu trại hôm xưa nữa. Chỉ tội nghiệp thằng Toàn phải ngủ đêm lạnh lẽo một mình giữa đại ngàn. Ba thằng anh của Toàn căm lắm, cứ nằng nặc đòi đi tìm mấy thằng phỉ để trả thù, nhưng rừng đại ngàn mênh mông bát ngát, tụi phỉ thì cực giỏi lẩn trốn biết tìm đâu được. Sau ba ngày, chúng tôi quay trở về bản với một nỗi uất hận khôn nguôi. Về sau, nghe các anh biên phòng kể lại là mấy toán phỉ trên địa bàn đó đã bị bộ đội đặc nhiệm Pa Thét Lào phối hợp với trinh sát biên phòng Việt Nam dọn sạch rồi.
Cám ơn giatlientuc đã có lời động viên. Chúng tôi ở bên box du lịch, sang đây tham gia mong các bác ủng hộ Xin được tiếp tục bài TÌM TRẦM Chúng tôi ( nhóm Tây bắc ) đang ở ngã ba khe Kiền, xã giáp ranh giữa 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Từ đây có con đường độc đạo, men theo suối vào xã Nậm Càn rồi chạy dọc theo biên giới lên Na Ngoi, Mường Tít. Đường bây giờ đã được mở rộng để ô tô đi, tuy còn lầy lội, ngoằn nghèo và bẩn thỉu, nhưng với người dân ở đây thì cũng đã là tốt lắm rồi. Chứ trước năm 2000 chỉ có một con đường mòn cỡ 2 con trâu đi ngang, cây rừng mọc vấn vít kín cả lối đi. Cả một giải dọc biên giới này miên man là rừng, là gỗ đinh hương, gỗ đinh, gỗ lim, giổi, táu và đặc biệt là cây dó. Chúng tôi gặp Hà tại đó, ở một quán nhỏ ven đường vào một buổi chiều muộn đầu tháng giêng, lạnh và lất phất mưa. Từng là một tay đi điệu nổi tiếng khắp huyện Tương Dương, nay Hà đã bỏ nghề và trở thành xã đội trưởng xã Lưu Kiền. Trước mắt chúng tôi là một chàng trai chừng ba nhăm tuổi, mặc quần tây, đi giầy đen và sơ mi trắng. Khác hẳn những gì chúng tôi tưởng tượng về một tay đi điệu, Hà trông hiền lành, trắng trẻo và hơi có phần thư sinh. Anh có một vợ và 2 con, hiện đang học tại Vinh. Tôi hỏi anh: Sao bây giờ không đi trầm nữa, khó kiếm hay là không được giá à. Hà nói: Không giá vẫn cao lắm nhưng thôi rồi, xã và đồn biên phòng bây giờ không cho đi nữa, vả lại bên đấy vẫn còn nhiều phỉ lắm, không an toàn đâu. Bây giờ làm xã đội trưởng, bận nhiều công tác lắm. Mỗi tháng nhà nước trả cho 500 nghìn tiền lương, cộng với cửa hàng ở đây, mua bán trao đổi với người Kinh dưới xuôi và người Thái, người Mông trên này ( Hà có một cửa hàng ngay trên quốc lộ 7 ), hàng tháng cũng đủ tiền nuôi 2 đứa ăn học. Thôi không đi điệu nữa. Chị Lan, vợ anh Hà, nhìn chồng trìu mến: Hồi trước đi điệu, mỗi lần về da xanh mét, tóc thì rụng sạch. Bây giờ thì cấm tiệt. Nuôi mãi mới được thế này đấy. -------------------------------------------------------------------------------- Bên Lào rừng mới gọi là rừng thực sự. Hà kể tiếp. Rừng rậm rịt lắm, đi trong rừng giữa trưa hè nắng chang chang mà ở dưới thì tối om cứ như trời chiều lúc 6-7 giờ tối. Có khi chúng tôi chỉ chặn hai đầu suối, khua khoắng một hồi trong các khe đá là có thể túm được vài chú cá suối, to cỡ bắp chân người lớn. Chặt đầu, chặt đuôi, bỏ hết lòng mề, chỉ lấy phần thân thôi. Thịt ngọt như cá Lăng sông Lam ấy, nhưng chắc hơn nhiều. Rồi cả lợn rừng nữa. Hôm nào thèm thịt, chỉ cần rắc ít cơm ra góc rừng, khoảng một tiếng sau là một chú lợn rừng nặng đến 2 tạ ụt ịt lao tới, mà tới giữa ban ngày ban mặt nhé. Còn trầm thì thực ra ở bên Lào chỗ nào cũng có trầm. Nhưng những chỗ dễ đi thì dân Lào dọn sạch rồi. Vùng có phỉ hoạt động thì không ai dám bén mảng tới, nên còn nhiều trầm lắm. Mà đám phỉ này lại không biết cách tìm trầm, và cũng không có dụng cụ tìm trầm. Vì thế, biết là nguy hiểm, biết là dễ chết, nhưng vì món lợi lớn quá anh em chúng tôi vẫn cứ liều đi vào. Chết cũng nhiều rồi, có bản phải mấy chục thanh niên không trở về sau những chuyến đi điệu. Mà chết lại toàn rơi vào thằng thiếu kinh nghiệm, không cẩn thận trong việc xoá dấu vết. Có thằng vừa làm trầm vừa hát toáng lên mới lạ chứ. Còn cứ ?o đi không dấu, nấu không khói? như tụi tôi thì mới trường thọ được.
OOOOOOOOOOOO chào bác , cháu biết vụ các bác đi Nghệ An chơi rồi , em cái hôm trước 1/6 định đến "xoáy" các bác đấy ,nhưng mắc quá Mấy bác box Du Lịch ơi hè 2005 em mời các bác , dâu con hai họ nhà các bác về Nghệ An chơi , nhân dịp kỉ niệm 115 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh , 2005 được chọn là năm du lịch Nghệ An , các bác nhé , nhà em ở Vinh đấy Tiện đây cho cháu hỏi , tên Vũ Thanh Minh hắn lặn đi đâu rồi hả bác Loops