1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Chuyện buồn của một ông tiến sĩ - nhà báo Vũ thơ

Chủ đề trong 'ĐH Xây Dựng' bởi aka20, 25/01/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. aka20

    aka20 Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    05/10/2005
    Bài viết:
    514
    Đã được thích:
    1
    Chuyện buồn của một ông tiến sĩ - nhà báo Vũ thơ

    Chuyện buồn của một ông tiến sĩ
    22:39:01, 23/10/2005


    PGS.TSKH Trần Đức Chính
    Một tiến sĩ có luận án khoa học được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá xuất sắc và đem ra ứng dụng thực tế ở nước ngoài. Nhưng khi về nước, ông được giao cho việc... theo dõi việc đi sớm về muộn của giáo viên, sinh viên - một công việc chẳng liên quan gì đến chuyên môn của ông. Câu chuyện của PGS.TSKH Trần Đức Chính, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội là một ví dụ về tình trạng lãng phí chất xám trong các cơ quan, tổ chức nhà nước hiện nay.

    Vinh quang xứ người

    Ông Trần Đức Chính về Trường ĐH Xây dựng từ năm 1989 và làm giảng viên bộ môn Sức bền vật liệu. Lúc đó, ông là phó tiến sĩ (sau này được gọi là tiến sĩ). Năm 1993, ông là giảng viên chính. Ba năm sau, ông được Nhà nước phong danh hiệu Phó giáo sư, rồi được bộ môn, khoa, trường cử đi thực tập sinh cao cấp tại Trường ĐH Xây dựng - kiến trúc quốc gia Kiep (Ukraine) trong thời hạn 1 năm. Sau thời gian làm thực tập sinh, thấy ông là người có khả năng nên nhà trường giữ lại làm nghiên cứu sinh cao cấp. Vào cuối năm 2000, Bộ Giáo dục Ukraine đề nghị phía Việt Nam cho ông ở lại thêm 3 năm để làm tiến sĩ khoa học (TSKH). Bộ GD-ĐT Việt Nam đồng ý.

    Đúng hạn, vào cuối năm 2003 ông Chính đã hoàn thành luận án tiến sĩ với đề tài "Phát triển lý thuyết và ứng dụng của phương pháp phân tử biên để giải một lớp các bài toán cơ học môi trường lớp" (Truyền nhiệt đàn nhiệt, cơ học phá hủy và động lực sóng). Đây là một trong những vấn đề có liên quan để giải quyết, khắc phục hiện tượng rò rỉ hạt nhân, một lĩnh vực mà các nhà khoa học thế giới đang trăn trở. Đề tài của ông đã được 100% phiếu (20/20 người) trong Hội đồng bảo vệ luận án TSKH nhất trí xếp vào loại xuất sắc. Công trình được quốc tế thừa nhận và đăng tải ở nhiều tạp chí khoa học quốc tế, đưa vào tuyển tập kỷ yếu của đại hội Cơ học thế giới tổ chức tại Nhật Bản. Tại Ukraine, nhiều tạp chí đã có bài viết ca ngợi công trình của ông và Bộ Giải quyết các tình trạng khẩn cấp của Ucraina đã cho một số kết quả của công trình ứng dụng vào việc khắc phục an toàn hạt nhân.

    Bị từ chối trên "sân nhà"

    Ông tiến sĩ trở về Việt Nam với mong muốn trở lại Trường ĐH Xây dựng, mang những kiến thức khoa học tiếp tục giảng dạy cho thế hệ trẻ. Ông viết đơn xin về làm chuyên môn như trước. Nhưng thật bất ngờ, người có trách nhiệm của bộ môn đã từ chối với lý do: ông đi lâu quá, bộ môn không chờ được nên đã nhận người khác về thay. Và một lý do khác: chủ trương của bộ môn chỉ cho những người trẻ đi đào tạo còn đã già như ông thì đi ngắn hạn cho biết rồi về giảng dạy. Đằng này, ông đã làm trái ý họ và nếu ai cũng như ông thì bộ môn không quản được.

    Các thầy hiệu trưởng, hiệu phó của trường cũng ủng hộ mong muốn của ông Chính và đã đề nghị với bộ môn nhận ông về. Tuy nhiên, những người trách nhiệm của bộ môn và khoa vẫn nhất định từ chối. Việc nhận người về đã được phân quyền cho bộ môn nên Ban giám hiệu không thể can thiệp sâu hơn vì sợ mất dân chủ. Để giải quyết công việc cho ông, Ban giám hiệu đành đưa ông vào một cái chức "Phó ban thường trực Ban Thanh tra đào tạo". Nghe thì có "chức" thật, nhưng công việc thì chẳng cần gì đến kiến thức bởi hằng ngày chỉ theo dõi và nhắc nhở việc đi sớm về muộn của giáo viên, ý thức kỷ luật của sinh viên, kiểm tra xem bàn ghế phương tiện học tập có hỏng thì sửa chữa..., trừ một nội dung công việc có cần chút trình độ là thanh tra tuyển sinh. Đã thế, ngày làm việc của ông cũng khác thường: bắt đầu từ 12h trưa và kết thúc lúc 20h tối. Nghĩa là từ khi có giờ học đến khi giáo viên và sinh viên tan lớp.

    Điều đáng nói là bộ môn của ông vẫn thiếu người giảng dạy. Lúc ông đi có 18 người, nay chỉ còn 13. Vì vậy, nếu có người nào của bộ môn đi giảng dạy các lớp tại chức thì sinh viên lại phải học ghép lớp. Thấy vậy, gần đây ông lại tiếp tục làm đơn để xin được dạy kiêm nhiệm 30% thời gian, còn lại ông vẫn tiếp tục làm công việc hành chính mà trường đã giao. Vậy mà họ vẫn không đồng ý vì sợ "tấm gương" của ông sẽ bị người khác noi theo!

    Ông buồn lắm bởi cứ mãi làm công việc hành chính thế này, những kiến thức chắc sẽ thui chột theo ngày tháng trong khi môn học mà ông giảng dạy (cơ học môi trường) thì không phải giảng viên nào của bộ môn cũng giảng dạy được. Day dứt, ông lại nhờ những người đã từng có vị thế trong trường, những "cây đa, cây đề" có ảnh hưởng lớn tới trường đến tận nơi gặp những người có trách nhiệm của bộ môn để thuyết phục. Kết quả vẫn là lời từ chối bởi lý do: đó là quy định của tập thể. Trước đây, họ đã không nhất trí cho ông được ở lại làm luận án, nay lại nhận ông về thì hóa ra lại mâu thuẫn với quan điểm trước đây (!?).

    Bất lực, ông có ý định xin sang làm việc tại một trường đại học khác. Đã có trường sẵn sàng nhận ông về để làm chủ nhiệm khoa nhưng Ban giám hiệu nhà trường lại không cho ông đi vì sợ "mang tiếng" với trường bạn. Thấy Ban giám hiệu cũng đã đối xử tốt với mình nên ông cũng không muốn đưa họ vào thế khó xử. Vậy là ông lại chấp nhận cái công việc tréo ngoe của mình.

    Khi biết tình cảnh của ông tiến sĩ, chúng tôi đã đề nghị được đăng báo song ông không muốn vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của trường. Nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu như sự thật này không được phơi bày để những người có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục phải nhìn nhận lại cách sử dụng nguồn nhân lực trí thức hiện nay.

    Vũ Thơ
  2. aka20

    aka20 Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    05/10/2005
    Bài viết:
    514
    Đã được thích:
    1
    BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG Độc lâp - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------***--------------- ----------------***-----------------
    Số: 571/2005/CV/ĐHXD Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2005
    (V/v trả lời báo chí)
    Kính gửi: Ông Tổng biên tập Báo Thanh niên
    và Thanh niên Online
    Chủ Nhật, ngày 23/10/2005, Thanh niên Online; thứ Hai, ngày 24/10/2005 Báo Thanh niên có đăng bài "Chuyện buồn của một ông Tiến sỹ" của tác giả Vũ Thơ viết về PGS.TSKH. Trần Đức Chính hiện đang công tác tại trường Đại học Xây dựng. Chúng tôi có ý kiến như sau:
    1. Bài viết của tác giả Vũ Thơ chỉ khai thác thông tin một chiều từ PGS.TSKH. Trần Đức Chính nên có cái nhìn thiên lệch sai sự thật.
    2. Ông Trần Đức Chính đi thực tập sinh quá thời hạn 6 tháng, trường ĐHXD đã phải xin phép Bộ GD&ĐT cho phép gia hạn. Khi trở về nước ông Trần Đức Chính không báo cáo kết quả nghiên cứu của mình ở nước ngoài với Bộ môn, đơn vị trực tiếp quản lý và nhà trường.
    3. Ông Trần Đức Chính đưa ra những thông tin về công trình nghiên cứu "Phát triển lý thuyết và ứng dụng của phương pháp phần tử biên để giải một lớp các bài toán Cơ học môi trường lớp" và các kết quả đánh giá luận án Tiến sỹ 20/20 thành viên Hội đồng Bảo vệ Luận án TSKH nhất trí xếp vào loại xuất sắc; công trình được Quốc tế thừa nhận và được đăng tải ở nhiều tạp chí Khoa học Quốc tế?, được Thanh niên và Thanh niên online đăng tải ở các số báo trên nhà trường cần phải tìm hiểu thêm.
    4. Ông Trần Đức Chính đã từng là Cán bộ Giảng dạy ở Bộ môn Sức bền Vật liệu. Khi ông Chính trở về không được tập thể bộ môn đồng ý thì chính bản thân ông Chính cũng cần phải hỏi lại mình?
    5. Bài báo của tác giả Vũ Thơ viết trên cơ sở thiếu thông tin, nhận thông tin một chiều đã gây hậu quả nghiêm trọng cho trường Đại học Xây dựng nói riêng và ngành Giáo dục và Đào tạo và công tác giáo dục thanh niên, học sinh sinh viên nói chung. Hậu quả trực tiếp là ở một số diễn đàn cũng như trên Thanh niên Online ngày 26/10 độc giả đã có những bình luận không đúng như trường ĐHXD đã lãng phí chất xám, trù dập cán bộ?
    Trường Đại học Xây dựng đề nghị Báo Thanh niên, Thanh niên Online có biện pháp xử lý, khắc phục ngay và làm việc trực tiếp với nhà trường để đưa đến cho bạn đọc những thông tin chính xác.
    Xin gửi tới Quý báo lời chào trân trọng!

    Hiệu trưởng trường Đại học xây dựng
  3. aka20

    aka20 Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    05/10/2005
    Bài viết:
    514
    Đã được thích:
    1
    Tôi là Lê Ngọc Hồng, giáo viên bộ môn SBVL trường ĐHXD, cũng có thể coi là người có liên quan tới phóng sự cuả tác gỉa Vũ Thơ đăng trên báo Thanh niên ngày 22 tháng 10 năm 2005, mà sau đó, hưởng ứng bài báo, nhiều bạn đọc đã có phản ảnh suy nghĩ của mình trên mạng.
    Về việc này, tôi, với tư cách bạn đọc và với tư cách một đồng nghiệp của ông Trần Đức Chính cũng như với tư cách một Nhà giáo ưu tú đã đến tuổi về hưu, xin có đôi lời với các bạn. Trước hết, các bạn, về cơ bản là những con người sống nhiệt tình, quan tâm tới những sự kiện đang diễn ra trên đất nước, với môi trường Giáo dục, mong muốn đấu tranh với những xấu xa, tiêu cực để góp phần đưa mọi mặt hoạt động của đất nước tiến lên. Rất tiếc rằng những điều phản ảnh trên bài báo của Vũ Thơ là phiến diện, một chiều, không điều tra ở cơ sở mà chỉ thuần tuý dựa trên một vài hiện tượng được nghe nói nào đó. Trách nhiệm của tác giả Vũ Thơ và Toà soạn báo Thanh niên sẽ được đề cập đến một cách công khai trong một dịp khác, mà bản thân tờ báo cũng như tác giả nên đến gặp gỡ với cơ sở để làm rõ việc này. Nhà trường, ngay sau khi bài báo ra mắt, đã có điện thoại tới ông Tổng biên tập tờ báo. Mọi việc đang diễn ra theo đúng trình tự cần có thì với lòng nhiệt tình của mình, một số bạn đã có ý những ý kiến gay gắt trên mạng ...
    Thưa các bạn, xã hội chúng ta rất cần những con người có học vấn, nhưng không chỉ có thế. ở đây tôi không được phép diễn giải cụ thể vì nó liên quan tới một con người. Mọi ý kiến, chúng tôi đã trình bày với Ban Giám hiệu và Tổ chức trường ĐHXD từ những ngày trước. Tôi đề nghị các bạn tạm kiên trì chờ đợi, không nên có phản ứng gay gắt khi chưa nắm được đầy đủ thông tin từ hai phía. Điều đó dễ gây thêm sự hiểu nhầm và sự thiếu niềm tin vào một đội ngũ đông đảo các nhà giáo. Các bạn sẽ lại tiếp tục có ý kiến của mình sau khi có ý kiến chính thức lần thứ hai của Toà soạn báo Thanh niên, đặc biệt của tác giả Vũ Thơ.
    Qua đây, tôi cũng mong chuyển lời tới tác giả Vũ Thơ nên tìm hiểu cặn kẽ hơn để viết chính xác và có trách nhiệm hơn những phát biểu của mình. Tác giả cần phải tới Cơ sở để tìm hiểu các thông tin cặn kẽ cụ thể cho những điều gì mình viết.
    Xin cám ơn tất cả sự quan tâm của các bạn. Mong các bạn tiếp tục phát huy nhiệt tình tuổi trẻ, trách nhiệm với cuộc sống, với xã hội.
    Ngày 27 tháng 10 năm 2005.
    PGS.TS-NGƯT Lê Ngọc Hồng, Trường ĐHXD
  4. NCD

    NCD Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/04/2002
    Bài viết:
    7.059
    Đã được thích:
    1
    "Phát triển lý thuyết và ứng dụng của phương pháp phân tử biên để giải một lớp các bài toán cơ học môi trường lớp" (Truyền nhiệt đàn nhiệt, cơ học phá hủy và động lực sóng)
    Cái tên đề tài nghe có vẻ rất chiến đấu này chỉ hù doạ những ai chưa biết thôi. Chú này đã kinh qua cơ học môi trường liên tục chắc cũng nắm được khái niệm mô hình hoá phân tử và xác định điều kiện biên. Ở trường (giáo trình) ta mới chỉ xét đến trong một mặt phẳng, còn tác giả đã nâng cao lên là xét đến nhiều mặt phẳng có chung phần tử => chính là liên quan đến dao động lan truyền.
    Đấy là thiển ý của em về cái đề tài này. Và tất nhiên nó cũng chỉ ra rằng Mr. Chính nên dạy ở IAEA mới đúng, chứ về trường dạy làm gì.
    Việc Mr.Chính không được dạy sức bền thì Mr. Hồng - trưởng bộ môn không thấy nêu lý do nhưng đúng là bộ môn này có vẻ có vấn đề thật. Từ khi Mr. Duyên ra đi không trở lại (do ngộ độc rượu) thì bộ môn càng thiếu người mà chưa thấy chú trẻ nào, trẻ nhất em đoán là bác Doanh "dị nhân" (cũng gần đầu 5 chứ ít gì) .
    Không hiểu lớp kế cận sức bền lấy ở đâu ra... Có lẽ Mr. Hồng có yêu cầu trình độ cao quá chăng? Câu hỏi này đành để BGH giải quyết thôi.
    Còn chúng ta, tốt nhất cứ học thật lực để qua cái môn khoai khốc này. Đừng để lớp đàn anh lại phải nghe 4 tiếng đau lòng "Sức bền vật lộn" thêm lần nữa.
    Than ôi!

Chia sẻ trang này