CHUYỆN CÁ, CHUYỆN ĐỜI CHUYỆN CÁ, CHUYỆN ĐỜI Lương Thư Trung Bây giờ là tháng năm. Bên ngoài có lẽ tiết trời đang đổi mùa . Những cơn bão tuyết hồi chúng tôi ở vùng Rhode Island mới về đây, nay không còn nữa . Gió lùa qua cửa sổ nhà ông Hai , chúng tôi nghe hơi nóng ùa theo làm cho bên trong phòng khách như nực nội thêm . Và nước trong hồ nơi chúng tôi ngụp lặn ròng rã mấy tháng nay cũng đang dần dần ấm lại hơn mọi khi . Thắm thoát mà quá nhanh ! Mới đó mà ông Hai đã đem hai chị em cá thác còm chúng tôi về nuôi dưỡng cũng đã gần nửa năm rồi, chứ ít ỏi gì ! Nửa năm với cái hồ rộng gần ba mươi "ga-lông" như hôm trước chúng tôi có thưa với bạn, kể cũng là tiên một cõi giữa xứ lạ quê người này rồi ! Vẫn ngày hai luợt ông hai cho chị em cá thác còm chúng tôi mỗi đứa vài con cá mồi bằng ngón tay út . Ăn lấy sống mà chứ đâu phải sống để chỉ cần ăn thôi đâu, phải không bạn ? Nhưng có cái thích thú là khi ông Hai thả vài con cá mồi vào, chúng tôi đứa nào cũng hí hửng mừng lắm. Sống trong hồ nước mà, ba bên bốn bề là một vòng thành bằng kiếng, có kiếm tìm được miếng ăn nào ngoài miếng ăn bố thí của người chủ già nua của mình . Nhưng có điều chúng tôi muốn tâm tình thêm với bạn là cách ăn mồi chạy như vậy có cái thú vị của nó . Con mồi lội lòng vòng như điếng hồn khi gặp chị em tôi lội lòng vòng theo vách hộ Hiểu được cái lo lắng của những con cá nhỏ, nhưng biết làm sao hơn khi chúng tôi không tìm được thứ gì khác ngoài mớ đá trứng nằm sâu dưới đáy hồ cùng vài ba bụi rong đuôi chồn, cùng vài ba bụi bông súng vừa bén rễ với những cọng non nhỏ rứt như sợi chỉ mành treo chiếc lá mỏng bằng đồng tiền. Và chúng tôi theo bản năng sinh tồn cứ hả miệng nuốt trững con cá nhỏ lờ khờ . Cái miệng cá thác lác còm mở lớn, chúng tôi ngậm con mồi gọn lõn với cái đuôi ngoắt qua ngoắt lại thong dong. Và chúng tôi núp mình dưới một bụi rông đuôi chồn chăm rễ dưới lớp đá trứng xanh biếc để nghe cái bao tử no dần, no dần ... Riêng về điều này thôi, cái điều "cá nhỏ ăn cá lớn" như cửa miệng người đời thường nói, vậy mà khi chúng tôi vô tới cái hồ kiếng rồi cũng không tránh khỏi . Chị em tôi nghe bà Hai tâm sự với ông Hai : - Ông ơi, đừng cho cá thác lác ăn cá nhỏ nữa . Tội lắm ! Nghe bà Hai nói vậy, chị em tôi cũng phát rầu . Chuyến này chắc có thay đổi , nhưng chúng tôi không lượng định được sự đổi thay sẽ tới mức nào . Vì nghe ra, bà Hai hiền lắm nhưng bà cũng quyết liệt can ngăn ông Hai trong việc bắt loài cá nhỏ chết cho cá lớn sống phè phỡn, nhỡn nhơ giữa vùng nước trong leo lẻo ... Ngồi suy nghĩ một hồi, ông Hai mới trả lời vợ : - Bà nghĩ coi, hồi đời trước, cá thác lác còm chỉ ăn tép rong thôi . Bây giờ sang đây rồi, người ta tập cho nó ăn cá con quen rồi, làm sao mà sửa lại cho được . Tui cũng biết chuyện tội lỗi lắm chứ ! Nhưng nuôi cá mà bỏ đói nó chắc còn tội cũng không thua gì . Nói thì vậy, để từ từ rồi tui tính lại coi ! Nghe ông Hai nói chuyện với bà Hai chúng tôi lại đăm ra lo âu lắm. Và không biết ông Hai tính bằng cách nào đây ! Thế rồi, một ngày kia, khi có người bạn vong niên của ông Hai đến chơi, ông Hai mới hỏi : - Hồi nào tới giờ chú em có nghe ai kể chuyện người ăn thịt người không ? Người bạn nhỏ của ông Hai đáp : - Dạ, thưa chưa nghe ông Hai . Điều đó có thiệt sao ông Hai ? Ông Hai mới từ từ kể lại câu chuyện Cấp Ảm, tự là Trương Nhụ, người Bộc Dương; tổ tiên có người sủng thần của Vệ quân ngày xưa . Hiếu Cảnh Đế băng, thái tử lên ngôi, Cấp Ảm được làm Yết Giạ Một hôm quận Hà Nội cháy, lửa lan ra thiêu rụi mất hơn ngàn nóc nhà, vua sai Cấp Ảm đi quan sát . Tới khi về lại báo cáo rằng : "- Vô ý cháy nhà, cháy lan hàng xóm, can gì phải lo . Thần đi qua quận Hà Nam, hơn một vạn gia đình nghèo khó của quận này bị nạn lụt và hạn hán, có gia đình cha con ăn thịt nhau, thần đã kính cẩn tự tiện lấy danh nghĩa là sứ giả của Thiên tử mà xuất thóc của kho quận Hà Nam, phát chẩn cho đám dân nghèo đói . Thần xin nộp lại phù tiết mà chịu cái tội đã "kiểu mệnh" (giả mệnh lệnh vua). Vua khen và tha không bắt tội, đổi đi làm quan lệnh huyện Vinh Dương . Cấp Ảm cho việc làm quan lệnh là điều sỉ nhục, nên cáo bệnh về quê . Vua hay tin ấy, vời Cấp Ảm, bổ làm trung đại phu ."(1) Nghe xong, người bạn vong niên của ông Hai có vẻ trầm tư lắm về câu chuyện Cấp Ảm trong Sử Ký Tư Mã Thiên. Rồi ông Hai mới mang chuyện cá ăn thịt cá ra kể cho người bạn nhỏ nghe . Nghe xong, người bạn vong niên của ông Hai không dám đưa ra ý kiến gì vì nhiều lẽ . Trước nhất là vì chỗ thân tình, mà ý kiến của bà Hai cũng đúng lắm . Nuôi con cá này mà bắt con cá kia làm mồi thì chỉ là cái điều bất nhân. Còn nuôi cá mà không cho nó ăn, bỏ đói bỏ khát lại là điều quá bất nhẫn . Ngồi suy nghĩ một hồi, người bạn nhỏ của ông Hai mới nói : - Đâu, ông Hai tính lại coi cách nào hợp với trời đất cứ theo đó mà làm, miễn thế nào cá nuôi không bị đói mà cá nhỏ cũng không bị chết oan là cách hợp lý nhất. Với đôi hố mắt sâu muôn thuở, ông Hai nhìn chúng tôi một chặp lâu rồi mới nói : - Để tui thử tập cho nó ăn tép xem sao . Chứ bây giờ bỏ mồi ngang xương, có nước hai con cá thác lác còm này có ngày sẽ tiêu đời ! Nằm chèo queo một góc hồ, chị em chúng tôi nghe ông Hai nói vậy cũng đang lo . Lo vì không biết tép ở đây làm sao ông Hai kiếm được . Lại nữa, chúng tôi lo vì lâu quá không ai cho mình ăn tép, không biết mùi tép có tanh không ? Hiểu được cái lo đó, ông Hai từ từ giảm lần cá mồi . Thay vì mỗi ngày hai con, nay ông Hai cho chúng tôi mỗi đứa một con duy nhất . Lần hồi, vài bữa sau, ông Hai cho thêm một miếng tép nhỏ đông lạnh. Nói là tép, nhưng ở đây sao nó lớn lắm. Ở bên sông Cửu Long mình và trên các rạch ngòi các giống tép rong, tép đất, tép bạc con nào con nấy nhỏ xíu hà . Thành ra, một con tép ở đây cắt ra được năm bảy miếng mồi tùy theo lớn nhỏ khác nhau . Vì bụng chưa no do mồi cá bớt lại, nên chị em thác lác còm chúng tôi nhắm nháp thử miếng tép ông Hai xắt mỏng cũng tàm tạm nhưng chưa mạnh miệng lắm. Chuyện đời nghĩ cũng ngộ, hồi còn lang bạt kỳ hồ khắp các vùng sông nước tận miệt quê mùa, món gì ăn cũng ngon miệng. Nhưng có điều là lúc bấy giờ mình phải tự tìm kiếm thức ăn, chứ không như bây giờ mỗi ngày đều được ông Hai cung phụng đầy đủ ngày hai bữa ròng rã mấy tháng trường . Mà việc tự tìm kiếm miếng ăn là việc cực chứ có đâu như ông vua Cỏ hồi đời xửa đời xưa chỉ nằm đó chờ cho sung rụng ngay vô miệng, chờ cho cỏ bò tới bên ngai vàng rồi mới bắt đầu nhỡn nhơ thưởng thức vị chua ngọt của mọi vật ở đời . Không biết có phải nhờ vậy mà mình ăn ngon chăng? Còn bây giờ, suốt ngày lội lòng vòng quanh hồ rồi tới cử lại được ăn, nên đăm ra õng ẹo, khen chê miếng ngon miếng dở, mồi này mồi nọ, làm khổ thêm tấm thân già của ông Hai hơi bộn bộn ... Như một lẽ tự nhiên, người mỗi ngày mỗi già, tuổi mỗi ngày mỗi thêm, sức vóc chúng tôi nay cũng lớn mau quá sức . Đứa nào cũng mập thù lù, chứ không như ngày mới về hồ cá ông Hai, chúng tôi chỉ là những con cá "lưỡi mèo" như tên gọi quen thuộc hồi còn bên vùng sông sâu nước chảy miệt Cửu Long Giang hoặc như tên gọi bên xứ Mỹ này là "lưỡi dao thằng hề", nghe nó vừa ví dỏm vừa buồn cười quá mạng. Chị em cá thác còm chúng tôi tự lấy làm thẹn thùng về cái tính ỷ lại và hay quên của mình, thiệt là tệ lậu ! Mấy hôm rày, trong hồ kiếng này lại có thêm nhiều rong đuôi chồn, mấy gốc cây mục , mấy cục đá xanh phủ lớp rêu mỏng mà ông Hai lượm trên một khu rừng thật xa . Nơi đó có dòng suối nhỏ róc rách quanh năm, có những thảm rêu màu lá mạ, có những cụm lá tai tượng, những bụi me đất mọc đầy theo hai bên bờ con suối mát và có cả bóng hình của một cụ già tóc bạc phơ như màu tuyết xứ này. Cụ già tóc bạc phơ ấy qua bao mùa trăng tròn rồi lại khuyết đã chọn nơi rừng vắng này, bên con suối nhỏ ngồi câu cá qua ngày, sống một đời ẩn nhẫn vào những năm tháng hoàng hôn của cuộc đời, chẳng khác nào Lữ Thượng đời nhà Chu bảy mươi tuổi còn bán quán ở Cức Tân, có lúc ngồi câu ở Bàn Khê (Vị Thủy)(2). Tiếng suối chảy, tiếng chim rừng xao xác lá, tiếng trở mình của những chiếc lá thay mùa, tiếng vượn hú vẳng xa đưa lại là cả một trời gợi lại cho cụ nhung nhớ về một khu rừng thân thuộc nào như cảnh vật trong Nhị Độ Mai ngày trước: "chim xào xạc lá, vượn leo lắc cành ". Nhìn cảnh vật, nhớ lại mình rồi thương lấy cụ già giờ cũng cùng thân phận bèo trôi vô định ở một dòng sông đời lạ lẵm ... Có lẽ ông Hai biết chị em thác lác còm chúng tôi rất thất vọng với bức bình phong ở phía sau hồ kiếng vì đó là những ảnh ảo của một loại thiên nhiên không có thật, chúng tôi lội hoài mà không đụng cọng rong nào trong ấy, nên chi ông Hai đã xây nhà cất trại cho chúng tôi quá khang trang. Nơi này là vồ đá rong rêu bao phủ . Nơi kia là ổ cá với hai khúc gỗ mục trầm thủy nằm chồng lên nhau như căn nhà lầu . Sân trước, sân sau được rải một lớp đá trứng màu rêu xanh biếc. Tiếng nước chảy róc rách làm đong đưa những sợi rễ non trắng nõn lặt lìa, linh động ... Biết ông Hai cực nhọc với mình, chúng tôi lúc nào cũng lội lờn vờn phô hết cái nét dịu dàng qua từng cái vi, cái kỳ như một điệu vũ mà cá sắp vượt vũ môn . Thỉnh thoảng hai chị em chúng tôi từ dưới đáy hồ lội vọt lên mặt nước ụp móng làm thành tiếng kêu vừa đủ lớn để làm cho cảnh nước trong hồ ra chiều như cảnh thật ngoài thiên nhiên. Những chấm đen trên nền vẫy bạc của chị em chúng tôi bây giờ lại biến đổi kỳ lạ . Nó lấp lánh như là một thứ ngọc bích lung linh chấp chới giữa vùng ánh sáng vừa mới định hình . Dĩ nhiên rồi, nói về mình như vậy là điều không phải, cho dù đó chỉ là cái nét đẹp hết sức nhà quê, không thoát ra được kiếp đời của một loài cá bổi như loài thác lác còm . Nhưng dù sao, đó là cái nét hết sức giản dị như trích cồ trổ mã, như gà nòi nhú cựa bằng hột bắp mà chúng tôi đền tạ công lao ông Hai hoạn dưỡng chúng tôi mấy tháng nay với cả tấm lòng. Nghe nói một nhà tư tưởng nào đã nói : "Anh hãy nói cho tôi biết anh thích đọc loại sách nào, tôi sẽ đoán anh là người thế nào !". Câu danh ngôn này cũng có thể áp dụng cho cái thú nuôi cá được hông chú ? Chị em thác lác còm nghe ông Hai vừa mới hỏi người bạn vong niên của ông như vậy . Chúng tôi dựa lưng vào gốc chà, và nghe người bạn nhỏ của ông Hai trả lời : - Dạ, được một phần ông Hai . Ông Hai tiếp : - ""Được một phần" là sao vậy chú ? Chú em có thể cắt nghĩa rõ hơn hay cho một tỉ dụ cụ thể để qua học hỏi được hông ? Người bạn vong niên của ông Hai trù trừ ra chiều nửa muốn nói mà nửa muốn không, và rồi cuối cùng người bạn nhỏ từ chối khéo : - Về điều này, cũng còn tùy theo từng người, khó mà nói ra cho thật chính xác . Nhưng có điều nuôi cá là một thú vui mà đọc sách cũng là một thú vui khác . Cả hai cùng đi tìm những gì ngoài việc đi cày kiếm cơm hằng ngày . Ông Hai nghe người bạn nhỏ nói vậy, cũng không muốn đưa câu chuyện đi vào chỗ bí làm gì . Vì thật ra, vạn vật mỗi thứ mỗi tính, không thứ nào giống tính thứ nào, miễn sao người ta sống hết lòng với cái kiếp đời mà tạo hóa ban phát cho mình có mặt trên vũ trụ này là được rồi ; đừng đòi hỏi ở người khác có cùng những cá tính như mình, những chọn lựa như mình vì không có sở thích nào giống sở thích nào trên mặt đất này ngay cả hai người cùng yêu nhau, nói gì đến sự chọn lựa một quyển sách hay chọn lựa một loài cá để nuôi cho vui cửa vui nhà . Việc tìm hiểu một người quả là khó vô cùng . Trong ca dao có nói rồi đó, chứ phải chưa nói đâu : "dò sông dò biển dễ dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người !" Với đôi mắt sâu hun hút, ông Hai từ từ kể cho người bạn nhỏ nghe câu chuyện Ngu Khanh với câu nói để đời của Hầu Doanh trong Sử Ký của Tư Mã Thiên : "Ngu Khanh, tướng quốc nước Triệu, biết rằng mình không thể nói với Triệu Vương về việc Ngụy Tề, bèn cởi tướng ấn, cùng với Ngụy Tề lẻn bước ra đi . Lúc bấy giờ Ngu Khanh nghĩ rằng chẳng có nước nào nương dựa được, bèn chạy đến thành Đại Lương, định nhờ Tín Lăng quân giúp để thoát sang nước Sở . Tín Lăng quân hay tin, nhưng vì sợ Tần nên còn do dự, chưa chịu tiếp kiến, nói : - Ngu Khanh là người thế nào ? Lúc đó có mặt Hầu Doanh . Hầu Doanh nói với Tín Lăng quân : - Con người vốn không phải dễ gì mà hiểu được, mà hiểu được người cũng lại là một chuyện không phải dễ gì .(Không phải ai cũng hiểu được người). Ngu Khanh chân đi dép cỏ, vai vác dù cán dài, lần đầu ra mắt Triệu Vương được tặng một đôi ngọc bích trắng và trăm dật vàng; lần ra mắt thứ hai, được cất lên làm thượng khanh; lần thứ ba, được trao tướng ấn, phong vạn hộ hầu . Lúc đó, thiên hạ tranh nhau tìm hiểu Ngu Khanh . Nguy Tề gặp bước khốn cùng về với Ngu Khanh, Ngu Khanh không dám coi tước lộc là quí, cởi tướng ấn, quẳng cái tước vạn hộ hầu mà lén bước ra đi . Người ta cứu kẻ sĩ lúc khốn cùng, tìm về với Công tử, mà Công tử lại hỏi :"Ngu Khanh là người thế nào ?". Con người vốn không phải dễ gì mà hiểu được, mà hiểu được người cũng lại là một chuyện không phải dễ gì ."(3) Nghe ông Hai kể lại câu chuyện như vậy, người bạn trẻ vổ tay xuống đùi một cái chách như nhớ ra điều gì , rồi cùng mời ông Hai nâng chén trà đã rót ra tự nãy giờ và nhắp thêm một ngụm nước rồi ra chiều trầm ngâm suy nghĩ lung lắm ... Người bạn trẻ mới kể cho ông Hai nghe về con lươn vàng mà người ấy mới mua từ một ngôi chợ bán tạp hóa về thả trong hồ cá thác lác ở nhà . Con lươn nặng đến một "phao", mà nghe đâu hai người hoán đổi rồi so sánh ra cũng gần bằng nửa kí lô gờ-ram chứ đâu phải nhỏ nhích gì . Người bạn trẻ ra chiều thích thú lắm . Thích thú vì cái cách lội của lươn, vì cái gì là lạ ở con vật mà ít ai chơi cá, chơi tôm lại nuôi nó để mà nhìn ngắm bao giờ . Thế nhưng người bạn trẻ này lại thích quá là thích như vậy, mới chết ! Nghe ra điều này ông Hai lại càng nghiền ngẫm thêm câu nói của Hầu Doanh với Tín Lăng quân :"Con người vốn không dễ gì mà hiểu được, mà hiểu được người cũng lại là một chuyện không phải dễ gì ." Mà quả là điều thú vị về một sự thật khi người bạn trẻ tâm sự với ông Hai lúc chọn con lươn vàng về thả vào hồ cá thác lác ... Người ấy muốn nhận ra cái cảm xúc khi bắt gặp "con rắn thần Naga trên đồng bằng sông Cửu Long" với tất cả tấm lòng trân quí một dòng sông sắp "cạn dòng" sau khi đọc được "Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng" của nhà văn Ngô Thế Vinh :"Tương truyền rằng khi đức Thích Ca đang ngồi tịnh tâm giữa rừng bên bờ hồ, gặp rắn Naga rất linh hiển vốn là hiện thân của thần ác, vậy mà đức Thích Ca đã cảm hóa được rắn thần. Gặp hôm đó là ngày mưa to gió lớn, rắn Naga cuộn tròn mình bảy vòng và đầu ngẫng cao ngậm hết gió mưa để làm thân che cho đức Phật . Từ đó về sau người Khmer tìm cho được những thân gỗ sao dài đục làm Ghe Ngo - biểu tượng cho rắn thần Naga - và hàng năm người Khmer sống nơi Đồng Bằng Châu Thổ Sông Cửu Long có tục lệ đua Ghe Ngo để mùng Mùa Nước Nổi ..."(4) Điều đặc biệt mà người bạn trẻ của ông Hai được cảm hóa bởi rắn thần Naga là hiện thân của một ân nhân hiện đang dần dần bị hảm hại bởi cư dân dọc hai bên dòng sông thiêng từ thượng nguồn chạy dài xuống tận hạ lưu ... Đó là dòng nước ngọt, là rừng mưa, rừng lũ mang về phù sa cho hằng triệu hằng triệu người bám rễ vào những cánh đồng bằng phì nhiêu bát ngát mà tìm kiếm gây trồng những hạt ngọc của trời để nuôi sống những dòng sống bất tận ... "Đức Phật và rắn Thần Naga" là hai biểu tượng của một đời sống thái bình an lạc , thái bình an lạc từ ngoài thiên nhiên đến cả tâm thức người phàm trần lắm phen chìm nổi ... Chính vì những nghĩ ngợi như vậy, người bạn trẻ của ông Hai còn tự tay mình đúc thêm một tượng đức Phật với gương mặt thật hiền từ ngời sáng đặt chìm trong hồ nước. Nhận ra điều hợp với tâm thức là một điều đã khó rồi, nay lại thực hiện điều ấy bằng những hình tượng có thật quả thật "không phải là một chuyện dễ gì ". Thế nhưng người bạn trẻ đã cố gắng làm được những điều ấy . Nhưng tiếc thay, con lươn vàng không đủ nội lực để hóa thân làm biểu tượng cho rắn thần Naga và nó quậy phá quá mạng ! Nên chi người bạn trẻ của ông Hai dường như đã thêm một lần thất vọng vì chú lươn vàng ... Hoặc giả cái lòng trì chí của người trẻ tuổi này chưa đủ bản lĩnh để biến con lươn vàng thành rắn thần Naga từ bờ bên kia đại dương chăng? Hai chị em thác lác còm chúng tôi dựa vách mà nghe hai người lớn tuổi nói chuyện, nhiều khi không hiểu hết điều gì còn ẩn tàng trong câu nói của hai người . Nhưng có điều chắc chắn rằng lươn không phải là cá và cá không phải là lươn, nên cuộc sống chung giữa lươn và cá không biết có trục trặc gì hông, chỉ có mấy chị cá thác còm ở nhà người bạn trẻ mới biết được ; ngoài ra, mọi bàn bạc về điều này đều vô nghĩa, chỉ là bàn trớt mà thôi vì mình cũng chưa lâm trận như vậy . Thật ra, hồi còn dưới Rhode Island, chúng tôi hồi trước khi về đây có ở chung hồ với một con rắn lạ mà có lần đã kể lại cho bạn nghe rồi, dù không hề hấn gì nhưng những ngày tháng chung chạ như vậy chúng tôi ớn lắm, suốt ngày cứ ru rú núp sau một cục đá giả như sợ ma quỉ không bằng, có đâu như bây giờ lội lòng vòng thong dong một cõi ... Thành ra, nghĩ cho cùng, cuộc hôn phối nào cũng vậy, phải hợp lẽ trước đã, rồi mới tính tới cái trò chơi khác mới hứng thú được . Vả lại, ở đời này, người ta bị ràng buộc nhiều vào những khuôn mẫu có sẵn, những định kiến có từ đời trước rồi lại lưu truyền lại nhiều đời nữa, do vậy mà thành ra có cố chấp, có bảo thủ, bảo tồn ... Ở trần gian này khi có người nói về lươn, về cá thì không thiếu gì điều khen chê, mai mỉa nhiều lúc không biết đâu hư thực . Thông thường nói về cá thì có cá hóa long, nói về lươn thì lươn sống lâu thành chồn, rồi có lời khuyên : "Gái ngoan nên lấy chồng khôn Cũng như cá vượt võ môn thành rồng." Đôi lúc có loại cá lại hóa thành con thuồng luồng mà dân chúng vùng sông Tam Đường tôn là thần Tu Ngước, con cháu của nó, họ gọi là Tu Ngu Nàm, trong Bảy Đêm Huyền Thoại của Vũ Bằng (5) hay cá ma cá thần trong truyện đời xưa vùng Cần Thơ, Rạch Giá do ông bà xưa thường kể lại . Và vì xưa quá là xưa rồi, nên bây giờ những chuyện cũ như vậy nay đã là chuyện cổ tích trong dân gian dọc hai bên bờ Cửu Long Giang ... Nhưng phải thành thật nhận ra rằng mỗi dòng giống, dù sang dù hèn, dù hiền dù dữ, dù khôn dù dại, tất thảy đều có sự lưu truyền, có cái nét chính thống mỗi loại hạng, không có nét chính thống nào giống nét chính thống nào , vì thế mà không nên cố chấp cho rằng loài này chính thống hơn loài khác, vật này quí hơn vật khác ... Từ bên trên góc hồ, tiếng nước chảy từ cái máy bơm làm cho dòng nước luôn luôn luân chuyển nghe róc rách tối ngày . Hôm nay chị em chúng tôi lại làm quen thêm một con cá thác lác còm mới nữa do người em Út của ông Hai từ Rhode Island mang lên cho . Con cá còn nhỏ nhưng đẹp lắm. Những chắm đen trên mình vẫy bạc in hình rõ thật là rõ như những nét hoa văn trên một bức tranh đẹp . Người em Út của ông Hai thương ông Hai lắm . Biết anh mình nhớ cánh đồng ngày xưa, nhớ những mùa dằm mưa dãi nắng giăng từ luồng lưới kiếm con cá đấp đổi qua ngày, nhớ những bước chưn hụt giò ngày ngày lặn hụp ngoài dòng sông Cái Lớn giở từng gốc chà bắt cá chờ thời mà em ông thương ông Hai vô cùng . Có lần em Út ông Hai cùng với một người anh, lớn hơn ông Hai sáu tuổi, vô vùng rừng tràm thăm ông Hai lúc còn trong trại tập trung . Đường xá quá xa xôi, xe cộ lại khan hiếm nên khi đến một chợ quận nhỏ thì bị trễ nãi, lở đường. Đêm giữa vùng quê hiu quạnh "muỗi kêu như sáo thổi", hai anh em mới bèn trải tấm ni lon ngay bến đò vắng khách ngủ qua đêm, chờ sáng tinh sương lên đường vô rừng sâu thăm ông anh mình đang khắc khoải chờ đợi tin nhà . Vậy mà rồi hai người bị lính bắt bỏ bót hết một đêm vì lý do ngủ ở bến đò . Chuyện đời nghĩ cũng ngồ ngộ, lỡ đường mà không được ngủ ngoài đường, thế mới chết tươi ! Sáng hôm sau được thả ra, hai anh em mới lò dò trở lại bến sông không xưa nhưng có chút kỷ niệm hơi ly kỳ để xuống đò tìm thăm ông Hai tận trong rừng tràm . Sau lần gặp gỡ mừng mừng tủi tủi ấy, ba anh em chia tay nhau và rồi xa cách nhau có gần mười bốn năm trời mới hội ngộ lại được, mà nhiều lúc ông Hai ngồi hồi tưởng lại đó cũng là "một chuyện không phải dễ gì ! " Còn ông anh, lớn hơn ông Hai sáu tuổi, thì còn quanh năm ruộng lúa ở quê nhà . Giờ thì cũng đã già thêm, tóc đã bạc thêm, sức coi mòi cũng yếu thêm nhưng có điều đời sống ngày cơm rau dưa muối hai bữa mà lòng vẫn ngay thẳng lắm. Mấy mươi năm trước, có lần ông anh già nua này cũng đã khẳng khái từ quan, trở về đời dân giả quê mùa vì không chịu được cảnh đời luồn lọt. Cái nét chính thống của người nhà quê là thế đọ Nó không cố làm ra vẻ chính thống mà lại là chính thống từ trong nòi rồi, khó lợt phai pha lộn được . Nhưng có một điều cũng hơi lạ là người có học thường hay bàn về chính thống. Sĩ phu ngày xưa mỗi bận muốn ra làm quan giúp nước hay cáo lui về ở ẩn là nghĩ ngay vị vua mình sắp thờ có phải là dòng chính thống hay không chính thống. Còn người có học thức ngày nay cũng lác đác có người lại đặt vấn đề "tư cách chính thống" của giới có học . Vậy chẳng lẽ người làm ruộng vì học hành không tới đâu mà không thể tự nhận ra cái nét chính thống của giới nhà quê chưn trần của mình được sao ? Ông Hai tự đặt câu hỏi cho mình và cho người bạn trẻ của ông như vậy nhiều lần ... Mỗi bận ông Hai đặt ra những câu hỏi về những băn khoăn này, người bạn trẻ ấy trầm ngâm suy nghĩ nhiều lắm . Chúng tôi chợt nhận ra ông Hai đang nhìn vao hồ cá nước trong vắt . Nãy giờ chị em tôi nằm êm ru bên chú em nhỏ "lưỡi mèo" từ Rhode Island mới nhập bầy vài hôm nay . Dù xa lạ lúc đầu, nhưng qua vài ngày sống chung hồ, hai chị em chúng tôi lại thân thiện với con cá thác lác nhỏ này như quen nhau từ lâu lắm. Âu đó cũng là chỗ cùng giống cùng loài . Nơi xứ xa này mà nhất là nơi cái hồ riêng biệt này mà gống cá thác lác chúng tôi không hẹn lại gặp nhau trong cảnh cá chậu chim ***g này mà không thân thiện nhau thì còn gì để nói nữa đâu , phải hông bạn ? Chiều nay thời tiết bỗng dưng thay đổi . Nhiệt độ xuống thấp . Mây bay vần vũ một màu xám xịt . Từ đầu dây điện thoại bên kia, ông Hai đang gọi nói chuyện với ông Bảy Cù Lao về việc nuôi cá . Dịp này, người bạn già của ông Hai cũng có cho hay về việc con lươn vàng từ một vùng đầm lầy nào bên Việt Nam mới lang bạt qua đây được mấy ngày, rồi dưng không lại lọt vào hồ cá thác còm của người bạn trẻ tuổi, quậy phá tanh banh ráo trọi . Nào là dây nhợ bơm khí ốc xy, rong cỏ trong hồ, thứ nào cũng lăn lóc nghiêng ngã . Và bạo nhất là con lươn vàng lại rượt cá thác lác rầm trời, chịu đời không thấu . Người bạn trẻ cùng ông Bảy Cù Lao bèn tương kế tựu kế rồi đi đến quyết định sau cùng là đem con lươn vô bếp xào lăn là phải cách nhất . Qua điện thoại, ông Hai được người bạn trẻ cho biết : - Hồi bữa trước ông Hai có nói sơ sơ về loại lươn vàng là nó quậy dữ lắm . Nhưng tui hổng tin . Đến chừng nghe ông Bảy Cù Lao nói lươn là giống ăn tạp, có ngày nó ăn luôn cá thác còm của mầy, tui mới tin . Và mấy thầy trò đang nhậu món lươn xào lăn, ngon lắm. Nghe người bạn vong niên nói vậy, ông Hai ngồi trầm ngâm ra vẻ buồn lắm. Ông Hai buồn không phải vì không được mời nhậu món lươn vàng xào lăn béo ngậy, mà chính vì người bạn trẻ không tin những điều ông nói về bản chất của loài lươn là có thật . Chuyện vô cùng nhỏ mà có thật, nói ra với một người tưởng là tri kỷ , mà người ấy lại còn nghi ngờ, không đáng tin, thì chuyện gì lớn lao hơn làm sao nói ai nghe mình nữa ! Từ đó, ông Hai mới bắt chước Hầu Doanh, mà nghiệm ra một điều là tìm người hiểu mình "không phải là một chuyện dễ gì ". Nhưng, ông Hai tự an ủi mình, chuyện đời có gì là đáng để băn khoăn nghĩ quẩn, thêm mệt tuổi già . Ông Hai bèn quên ngay câu chuyện tin hay không tin của người đời và nói lời chúc mừng các bạn nuôi cá của ông có một bữa nhậu thịt lươn thiệt là vui cửa vui nhà .... Và lần này, ông Hai cảm thông ngay với người bạn trẻ về một lần không thực hiện nổi "rắn thần Naga " trong một hồ nước trong leo lẻo . Nhưng ông Hai rất mừng là cái lòng của người bạn trẻ tuổi đang lắng xuống, lắng xuống thật sâu để nghe tiếng ca lặng lẽ ở một bờ bến nào vô định bên dòng nước Cửu Long Giang với ánh sáng huyền diệu của Đức Phật và sự linh hiển của dòng nước thiêng cứu độ muôn loài ... Nghe sự việc như vậy, mấy chị em cá thác còm chúng tôi cũng mừng húm cho các bạn bên nhà hàng xóm thoát được một tai họa bất chợt giữa hồ nước trong leo lẻo yên bình ... Buông điện thoại xuống, chúng tôi nghe ông Hai thở ra một hơi dài vừa như mệt mỏi, vừa như chán nản mà cũng pha thêm chút gì yên bụng. Với đôi mắt sâu muôn thuở, ông Hai đến bên hồ cá nhìn ngắm ba chị em chúng tôi đang nằm im bên gốc cây phủ lớp rêu mỏng . Thấy cái bóng người chiếu qua làn nước, hiện lên vách kiếng lung linh, chúng tôi hơi giật mình lay động nhẹ . Ông Hai lấy bàn tay xoa xoa lên mặt kiếng chỗ chúng tôi đang nằm mà không nói gì . Ông lại đi vào nhà bếp và trở ra với vài miếng mồi tép trên bàn tay gầy . Chúng tôi được ông Hai cho ăn thêm một bữa ăn chiều như mọi ngày . Bụng đang đói mà có tép được lột vỏ sẵn, nên đứa nào cũng ăn như ăn gỏi . Phải nhận ra rằng, đời sống chẳng qua là một thói quen, lúc đầu khó nhưng rồi tập riết là được . Chỉ sợ lòng không bền, chí mau nản là coi như tiêu đời và kéo thêm nhiều chú cá nhỏ chết oan, chết ức cho cái lưng phè phè của mấy con cá bổi ... Dường như trong căn phòng nhỏ của ông Hai qua mấy tháng nay, chúng tôi nhận ra không có gì thay đổi nhiều ngoài cái việc bên hồ cá sặt có thêm một cặp cá sặt **** ông Hai mới mua về cũng từ Rhode Island. Tính ra có tất cả là bốn cặp cá sặt với bốn sắc màu khác nhau, không cặp nào giống với cặp nào . Từ bên này hồ nhìn sang bên kia hồ cá sặt với ba bụi bông súng xum xuê lá một màu xanh biêng biếc, chúng tôi nghe ông Hai nhắc lại với bà Hai những ngày tát vũng, tát mương ở dưới ruộng . Cá sặt muôn trùng, đủ loại, biết làm gì cho hết ngoài ba cái mắm, cái khô . Nào sặt rằn, sặt ****, sặt điệp không thiếu loại nào nhưng bản tính cá sặt lại hiền không cắn mổ gì nhau và đặc biệt với cái miệng nhỏ, cá sặt không ăn câu như cá thác lác còm hay các loài cá khác . Mỗi một kỷ niệm qua đi của những ngày bắt từng rổ cá sặt trên lung, trên đìa về làm mắm làm khô là mỗi một vết hằn in đậm lên vầng trán lấm chấm đồi mồi của người chủ già nua ... Và chúng tôi chợt hiểu được vì sao ông Hai lúc nào cũng muốn giữ lại mãi những ngày nắng sớm mưa chiều qua một đoạn đời cơ hàn cơm rau dưa mắm như vậy, không rời ... Bên hồ cá chép màu vàng, kế bên hông hồ cá chúng tôi, đàn cá chép dường như hớn hở lắm . Lúc nào các bạn ấy cũng lội tung tăng trên mặt nước như đang thi nhau vượt vũ môn bên chiếc tàu "Titanic" lắt lư theo dòng nước đang chảy róc rách quanh hồ . Mấy hôm nay ông Hai có thả thêm hai con cá he nghệ màu vẫy bạc với kỳ trên có một chấm đen trên nền màu vàng. Hôm mang hai con cá này về thả vào hồ cá chép, ông Hai kể cho bà Hai là hồi má ông còn sống, má ông có một cái thú vui là vào những ngày tản cư bà rất thích câu cá he trên sông. Má ông chỉ ngồi trước mũi ghe tam bản với cái cần câu bằng ngọn trúc, nhợ câu bằng dây gân, lưỡi câu không có ngạnh được uốn bằng cây kim may vá áo quần, loại kim đít vàng và mồi câu cá he là một hột cườm màu đỏ được luồn vào lưỡi câu rồi dùng dây chỉ buộc lại cho chặt để hột cườm không bị tuột ra . Và thêm một dùa cám rang cho vàng thơm phưng phức . Chỉ chừng ấy thôi, má ông Hai vừa ném một nhúm cám xuống dòng nước trong, cám theo nước trôi đi mang theo hương thơm của cám rang béo ngậy mời gọi những bầy cá he, cá thiểu, cá lòng tong quần tụ về trước mũi ghe tam bản . Và má ông Hai tay cầm cần câu với mồi hột cườm gắn sẵn mà vụt nhợ câu rồi giựt lên đều đều, liên tục như người nhạc trưởng điều khiển một ban nhạc đại hòa tấu . Cứ thế cá he, cá thiểu, cá lòng tong cứ mắc vào lưỡi câu và có cái rỗ để sẵn ở bên cạnh, má ông Hai chỉ cần cho cá ngay vào cái rỗ là tự động cá vùng vằn rồi xứt ra, khỏi phải gở cá như nhiều cách câu khác . Hết con cá này nuốt hột cườm rồi lại con cá khác nuốt hột cườm, cứ thế hột cườm thì chỉ có một miếng mồi còn nguyên mà trong rỗ cả một bầy cá he, cá thiểu đang nằm khô vẫy . Nhưng cũng lạ là bầy cá he, cá thiểu dưới dòng nước trong vẫn cứ tụ hội về theo mùi thơm của cám rang vàng nghính để tiếp tục nuốt vội cái hột cườm màu đỏ tươi khô cứng trong lưỡi câu cũng nhỏ xíu như một trò giởn chơi .... Những năm tháng chạy giặc xa nhà như vậy, những con cá he má ông Hai câu được làm thành những bữa cơm ngon cho đàn con dại mà cũng khuây khỏa được chút nào lo buồn vì thời cuộc giặc giả lung tung phải bỏ nhà trống vườn hoang mà chạy lấy cái sống ... Nhưng có lẽ, hơn một lần ông Hai kể lại cho bà Hai nghe hồi còn nhỏ, sống ở nhà quê vùng làng Tân Bình, ông thường theo Tía ông chận hầm, xúc ụ để bắt những chú cá he về nuôi ở một cái hồ dài như con rạch nhỏ phía sau vườn cam quít . Cái ụ nhỏ hình tròn như bồ lúa với cái cửa bề ngang khoảng hai thước được chận lại bằng cái tấm liếp tre cao khỏi mặt nước . Mỗi khi nhử cá vào ụ, tấm liếp tre này được giở hỏng lên khỏi mặt nước với cái ngọn tầm vông dài có đến ba bốn thước được đặt trên cái nạn cắm ngay giữa miệng ụ . Mồi nhử cá là cám rang thơm phức được rải đều trong ụ được bao bọc bởi một cái vòng tròn làm bằng cọng tàu lá chuối giữ cho cám khỏi trôi giạt ra bên ngoài , nhằm dụ cá vào trọn trong ụ . Đến khi theo dõi thấy cá vô ụ khá đông, Tía ông Hai bèn rút cái ngọn tầm vông để tấm liếp tre sập xuống và chận cá đang mê mồi mắt kẹt trong ụ . Và lúc bấy giờ Tía ông Hai mới dùng cái xịa tròn bằng cái nia hay cái rổ xúc mà xúc lấy cá . Những con cá he nghệ, cá mè vinh, cá vảnh, cá éc, cá mè lúi là những loại cá được chọn lựa để thả vào một cái hào rộng để nuôi cho lớn . Chính vì vậy mà hồi xưa nhà ông Hai lúc nào cũng có một ao cá he nghệ lên dọi vàng rực một màu vàng dưới làn nước trong veo bốn mùa . Và chi em tôi hiểu được phần nào khi nhận ra ông Hai cưng hai con cá he nghệ này coi mòi dữ lắm. Thế mới hay câu nói của một cô giáo trường làng nói sao mà có nghĩa quá chừng :"Dĩ vảng là một hồ sơ được xếp lại, nhưng khi mình mở ra nó lại mới ràng ràng". Niềm thương nhớ nào mà không mới khi mình lại chợt nhớ lại một đoạn đời cũ qua rồi mấy mươi năm ! Chiều nay, một buổi chiều mùa Xuân nơi này mà nhiệt độ còn quá thấp . Có lẽ tiết trời bên ngoài khá lạnh nên hồ nước mà bọn tôi đang ở đang lạnh dần. Ông Hai vừa mở thêm một chút "hít' điện. Ánh lửa vừa nhấp nháy bật lên một tia sáng nhỏ nhoi treo lưng chừng nơi gốc hồ . Chúng tôi lội vòng qua chỗ ánh sáng vừa mới lóe lên xem có gì lạ xuất hiện . Đến bên cạnh ngọn lửa sưởi, chị em tôi nghe nước ấm lại như mọi ngày, nên đứa nào cũng mừng lắm ...Tiếng chuông ngoài cửa vừa bấm nhẹ . Tiếng mở cửa cũng nhẹ như hơi gió chạm vào vách lạ Và người bạn trẻ lại ghé thăm ông Hai chơi, mà chủ yếu là uống trà và nói chuyện cá mú cho vui nữa . Ngồi vào cái ghế như mọi khi, người bạn trẻ hỏi ông Hai có khoẻ hông ? Tiếng ông Hai trả lời nhỏ xíu : - Lúc nào cũng rề rề, mà vẫn phải cày sâu cuốc bẩm, nên khỏe hết nổi . Chị em tôi thấy khách lại nhà nên đứa nào cũng luống cuống, lội lòng vòng rồi vào núp bên những gốc chà màu rêu xanh đậm . Bà Hai mang ra bình trà nóng và hai cái chun uống trà . Hai người bạn, một già một trẻ, rót cho nhau từng giọt nước trà xanh bốc hơi như chút tình bé nhỏ còn xót lại sau bao mùa tuyết qua rồi, cây cối lại xanh um nơi vùng đất lạ này . Nhìn chung quanh, người bạn trẻ thấy khung cảnh căn phòng không mấy thay đổi gì khác . Cũng vần cảnh cũ quen thân, cũng với hồ cá chép vàng tung tăng lội bên bụi rau salad son rỉa từng chiếc lá làm mồi, cũng với hồ cá sặt chờn vờn đòi ăn khi có bóng người đến gần , mà sao trong lòng người bạn trẻ thấy có điều gì hơi mới lạ . Thì ra, người bạn trẻ nhận ra chúng tôi thích dựa lưng vào những gốc cây màu tràm lụt như căn nhà yên ấm lắm và cứ trầm trồ hoài về cảnh vật trong hồ cá thác lác còm . Bỗng người bạn trẻ lấy trong cái bóp nhỏ một con tem thơ in từ Việt Nam in hình hai con "cá còm", mỗi con với chín chắm màu đen trên nền vẫy bạc, để ông Hai xem thử . Con tem thơ đề giá là ba ngàn đồng . Ông Hai trầm ngâm một hồi, nhấp giọng bằng một chút trà, rồi mới hỏi : - Bưu chính cũng biết đến cá thác lác còm nữa sao ? Người bạn trẻ đặt chun trà xuống bàn rồi đáp : - Cá thác lác còm là loại cá được chú ý nhiều ở vùng này ông Hai à, nói gì ở bên mình. Nghe người bạn trẻ nói vậy, ông Hai nhìn cái hồ có ba chị em chúng tôi đang bơi lội, rồi đưa ra nhận xét về một luồng đang tìm về loài cá bổi : - Từ ngày có người nuôi cá thác lác còm như mình, các tiệm cá lại tìm loại cá này về bán khá nhiều và giá lại mắt như cắt cổ chứ không còn rẻ rề như mấy lúc trước nữa . Chú em có thấy vậy hông ? Người bạn trẻ đáp : - Loài cá thác lác còm mà lên hình trên tem thơ rồi, thì giống cá này đâu còn là cá bổi nữa ông Hai ! Chị em chúng tôi nghe người bạn vong niên của ông Hai nói vậy lại càng rầu . Chị em tôi rầu vì từ trong tên gọi, mình chẳng là gì rồi nói gì đến tên tuổi, tiếng tăm với đời . Người Trung Hoa gọi chúng tôi với cái tên "thất tinh ngư " là cá với bảy chấm đen in trên mình như bảy ngôi sao; người Mỹ gọi là "lưỡi dao thằng hề"; người Ai Lao gọi chúng tôi với cái tên ngồ ngộ là "ba thoi" có nghĩa là "chiếc lá "; người bình dân vùng đồng bằng sông Cửu Long lại gọi "thác lác còm"để phân biệt với loài thác lác trắng không có chấm đen; còn bưu chính lại nghèo nàn hơn, gọi gọn lõn là "cá còm" . Từ những tên gọi như vậy, bạn thấy mỗi nơi mỗi hình dung chúng tôi theo cách khác nhau, nhưng chung qui cũng chỉ là một tên gọi thật cục mịch, nghèo nàn . Nên chị em tôi hết sức rầu là vì mình sắp sửa bị mất dần cái gốc chính thống khi bị người đời đưa mình đi xa dần cái cội nguồn trên sông nước Cửu Long lúc nào không ai biết trước được . Xa con sông đã buồn tha thiết rồi, mà nay lại xa dần cái gốc cá bổi lại càng buồn hơn bội phần, chứ vui sướng gì những gió sớm mưa chiều ... Ba chị em tôi nhìn nét mặt ông Hai hơi rầu rầu, nhưng đôi mắt vẫn sáng rực . Ông Hai mới chậm rãi nói : - Chuyện đời đâu phải ai cũng muốn người ta biết mình . Sống thầm lặng như một giống cá bổi này cũng đâu phải là "một chuyện dễ gì !" Người bạn trẻ hiểu ra cái ý ông Hai, nên không còn nhắc đến một chút danh hảo mà chúng tôi được gắn ghép ngoài đời nữa . Chị em tôi hơi yên bụng khi câu chuyện giữa hai người không còn nhắc bàn đến số phận giống cá thác lác còm như một loài cá quí nữa . Bỗng dưng chúng tôi lại nhớ về những vạt lung đầy rong đuôi chồn pha lẫn nhiều loài rong trầm thủy khác, những ổ cá chìm sâu dưới làn nước ngọt hiền hòa, những căn nhà ấm cúng làm bằng những nhánh chà me nước đầy gai nơi các đầu doi đuôi vịnh mà chúng tôi biết bao lần nương náu qua những dặm trường. Không biết trong trời đất, ngoài ông Hai, có ai đã hiểu được rằng chúng tôi không bao giờ muốn xa cái gốc cá bổi này không ?!? Như để chia sẻ với người lớn tuổi hơn mình về cái gốc gác nhà quê, người bạn trẻ của ông Hai mời ông Hai thêm chút nước trà, rồi mới nói : - Chuyện cá, chuyện đời nghĩ cũng vui vui ! Lương Thư Trung --------- Phụ chú : Chữ dùng của Nguyễn Hiến Lê trong Sử Ký Của Tư Mã Thiên. (1) (2) (3) Sử Ký Của Tư Mã Thiên do Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, nhà xuất bản Lá Bối, in lần thứ hai, 1972, Sài Gòn. (4) Tiểu thuyết Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng của Ngô Thế Vinh, nhà xuất bản Văn Nghệ, năm 2000, California (Hoa Kỳ). (5)Bảy Đêm Huyền Thoại của Vũ Bằng do Văn Học xuất bản, in lần thứ nhứt, 1972, Sài Gòn.