1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Chuyện chẳng có gì sốc

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi migkhoaicun, 01/04/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. migkhoaicun

    migkhoaicun Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/01/2004
    Bài viết:
    448
    Đã được thích:
    0
    Chuyện chẳng có gì sốc

    cho bạn và cho tôi... những câu chuyện hay những đoạn cắt vặt vãnh trong cuộc sống. Bình thường thôi. Nhưng những mẩu chữ ấy cũng đã là tôi một thời (khéo cái tôi ấy bi giờ chết ngoém rồi), huynh đệ hay tỉ muội yêu thơ văn ạ.
  2. migkhoaicun

    migkhoaicun Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/01/2004
    Bài viết:
    448
    Đã được thích:
    0
    Chọn
    Vậy là bố mẹ nó đã li dị nhau. "Xong phim" theo như cách nói của thằng Minh - Sơn - đầu - đinh - đít - xanh; gọi như thế vì nó tên là Minh, có bố tên là Sơn, hiện giờ tóc nó đang để đầu đinh và hồi bé thường bị cả lớp ê ê mỗi khi ngồi bô vì đi mẫu giáo rồi mà mông vẫn còn xanh. Tóm lại là nói theo kiểu thằng Minh, nói theo kiểu con Loan, nói theo kiểu bà thẩm phán mắt cận nó đã phải gặp ở cái nơi nó không muốn đến chút nào là toà án... thì "chung kết" vẫn là bố mẹ nó không ở với nhau nữa, "chấm dứt tất cả mọi liên quan, mọi nghĩa vụ và quyền lợi" với nhau ngoại trừ thực thể sống lù lù chứng minh sự liên quan không thể chối bỏ giữa hai thực thể - không - còn - muốn - liên - quan đến nhau: Nó.
    Mà nói cho cùng, nó cũng đã đến cái tuổi pháp luật không thể trợn trừng trợn trạo bắt hai cái - thực - thể - không - còn - muốn - liên quan kia phải lo cho mình nữa. 18 tuổi - đồng nghĩa với alê - ra đường! Đấy là trong lúc tự ái đến nghẹn họng, nó nghĩ như thế; chứ bố mẹ nó cũng chẳng tệ đến mức mỗi người mỗi ngả rồi tống khứ nó về cho ông bà nuôi. "Con à! Con lớn rồi, con phải hiểu và hãy tự quyết định lấy. Con muốn ở với bố hay với mẹ đều được, cả bố lẫn mẹ đều sẵn sàng giang rộng vòng tay đón con; sẽ không có ai tranh chấp, không có ai ầm ĩ hết. Bố mẹ không thể tiếp tục sống chung. Nhưng lúc nào bố mẹ cũng yêu thương con"... Nó ngồi chết lặng, mập mờ như thấy gương mặt cả bố lẫn mẹ đang nhoà dần, nhoà dần, rồi bồng bềnh trôi tít lên cao, cao mãi, như cao đến tận trần nhà... giống như đầu của những con đà điểu dài ngẳng... ờ mà phải... đà điểu... "Con à! Thấy con đà điểu chưa? Đà điểu sống ở sa mạc, chúng chạy rất nhanh nhưng thường có những phản ứng rất buồn cười mỗi khi sợ hãi. Khi sợ, chúng thường rúc đầu vào cát, rúc thật sâu để không còn nhìn thấy được kẻ đang săn đuổi mình, vậy là chúng yên tâm trong giây lát là mối nguy hiểm đã bị loại bỏ..."... "Xem thế thôi, cả nhà mình chụp ảnh nhé, cười lên nào. Bố mẹ yêu con"... Nó 8 tuổi, nó đang ở trong sở thú... nhưng mà... không phải! Nó lắc mạnh đầu. Gương mặt bố mẹ chạy tuột từ trần nhà xuống trở lại vị trí cũ, đang nhìn nó lo lắng chờ đợi "con không sao chứ?"... "Con không sao." nó lẩm bẩm "con ở với ai cũng được, tuỳ bố mẹ".
  3. migkhoaicun

    migkhoaicun Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/01/2004
    Bài viết:
    448
    Đã được thích:
    0
    Vậy là nó ở với bố. Nói đúng hơn - là ở với bố trước khi ở với mẹ - theo một thoả - thuận - đầy - tính - văn - hoá - và - có - học của bố mẹ nó với nhau. Nghĩa là nó có đầy đủ quyền tự do chọn lựa, ở với bố một thời gian rồi chuyển sang ở với mẹ, sau đó suy nghĩ xem ở với bố - độc - thân hay ở với mẹ - độc - thân thì thú vị hơn...
    Cho đến khi ở với bố hết một tuần, nó vẫn là một đứa ngoan ngoãn và cam chịu. Nói như vậy không có nghĩa là nó đầu hàng hoàn cảnh. Chỉ là nó đã mất cả tháng trời trước đó để nghiền ngẫm xem nên trừng phạt bố mẹ nó bằng cách nào mà chưa nghĩ ra. Trong các bộ phim sướt mướt nó vẫn xem, các tên tội phạm trẻ tuổi thường có một gia đình tan vỡ, bố là giám đốc, mẹ mê bài bạc và thường bỏ bê thằng con quý tử với một đống tiền, bọn trẻ lớn lên trong cảnh đánh chửi nhau như cơm bữa của bố mẹ dẫn đến tâm lý chán nản, coi thường cuộc sống gia đình..v..v.. Và những câu chuyện đó bao giờ cũng kết thúc bằng cảnh bố mẹ của những "thằng mất dạy" đó khóc lóc thê thảm khi con mình phải ở tù, hối hận vì mình đã không quan tâm đến gia đình, và từ đó cả bố lẫn mẹ đều tu sửa tâm tính, quay lại vun vén tình cảm, mong đến ngày con ra tù làm lại cuộc đời. Thật lòng, nó thấy những cái kết thúc sặc mùi có hậu đó rất chuối. Bởi một lẽ đương nhiên là thực tế sẽ chẳng diễn ra như thế, những "thằng mất dạy" đó sẽ phải lầm lũi vào tù một cách lặng lẽ, trong khi bên ngoài, bố mẹ nó đánh chửi, đổ lỗi cho nhau, hết ầm ĩ thì ai phắn đường người nấy, mặc xác cái cục nợ cuộc đời. à! mà cũng có thể có một kịch bản khác cho những đứa con có bố mẹ li dị, đó là "bọn chúng" bỏ nhà đi bụi, vạ vật rồi sa đà vào hút hít, trộm cắp, cuối cùng là SIDA rồi chết bờ chết bụi ở một xó xỉnh nào đó mà vẫn chẳng có ai quan tâm... Chung kết lại, là hãy cứ phá cho tanh banh ra rồi đổ tất cả tội lỗi lên đầu những người đã sinh thành ra chúng, trong khi liệu bọn chúng nó có thực sự đau khổ vì việc đó hay không thì ai mà biết được. Mặc kệ. Li dị, bố tế nhị, mẹ tế nhị, tất cả mọi người đều coi lũ trẻ đó như những cái ly dễ vỡ. Nương nhẹ. Tha thứ. Và bao che. Thốt nhiên, từ những kẻ vẫn bị kìm kẹp, bị quản chế trong hàng nghìn luật lệ và quy định của gia đình - chúng trở thành những kẻ phán xét, chúng "cao" hơn bố mẹ chúng. Và tự cho mình cái quyền được tự do, được vin vào cái cớ "đau khổ" để mà làm đủ những trò trước đây chúng muốn làm đến chết đi được mà không dám.
    Nó thở hắt ra. Để làm cái quái quỷ gì cơ chứ? Có một câu nói mà nó đã đọc được ở đâu đó, rằng người Châu á thì nói "vì con cái nên chúng ta không thể chia tay nhau", còn người Châu Âu thì bảo "vì con cái nên chúng ta cần phải ly hôn". Vì cái gì mới được. Vì nó à? Vì nó mà bắt hai người không còn tình cảm phải gắng gượng sống bên nhau, gắng gượng nuôi dưỡng một cái vỏ bọc mỏng như vỏ trứng "chúng ta (dù sao cũng là) một gia đình" à? Để rồi như "ông bà bô" con Loan, một gia đình có học, không ai trong nhà đả động đến hai chữ "ly hôn", thậm chí những tiếng "nhạy cảm" như "không hợp", "chia tay"; hay "bất đồng" cũng chẳng bao giờ xuất hiện trong những mẩu đối thoại của bố mẹ nó. Nhưng bố có bồ của bố, mẹ có bồ của mẹ. Còn con Loan - dĩ nhiên chẳng ngu đần đến mức không biết điều đó. Nhiều khi ngồi quán cà phê, nhìn con bạn châm thuốc hút, nó muốn cản lại nhưng lại ngồi xuội lơ khi con bé thở ra những vòng khói tròn: "Ông bà ấy luôn lấy tao ra làm cái cớ để biện minh cho sự ràng buộc của chính mình. Sợ tai tiếng, sợ dư luận và ngại thay đổi thì nói huỵch toẹt ra cho rồi. Tối về trong khi các nhà quây quần thì nhà tao bố chui vào phòng làm việc khoá trái cửa lại, mẹ trang điểm đi ra ngoài. Không bao giờ cãi cọ, không bao giờ to tiếng. Nói là vì con. Tao lớn rồi! Tao chẳng cần cái thứ bình phong giả tạo đó nữa. Tại sao người lớn không dám sống thật với chính mình?"...
  4. migkhoaicun

    migkhoaicun Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/01/2004
    Bài viết:
    448
    Đã được thích:
    0
    Còn Ngọc Anh, có bao giờ Loan thèm sống như Ngọc Anh không nhỉ? Nếu nhận định của nó không lầm, thì đây chính là một gia đình theo trường phái Châu Âu. Nghĩa là tôi và anh không còn yêu nhau, nào chúng ta giải tán, nhưng vẫn cùng mối quan tâm chung là con cái. Sống riêng - nhưng tôn trọng nhau, giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của nhau trong mắt con cái. Còn hơn để con lớn lên mà phải chứng kiến những xô xát không thể tránh khỏi của bố mẹ. Nhưng mà như thế thì "khoai tây" quá. Cái cảnh mẹ nó và dì ghẻ dắt tay nhau tung tăng đi siêu thị, rồi hồn nhiên "kể tội" bố nó cho nhau nghe cứ kỳ cục thế nào ấy. Nhưng dù thế nào đi nữa, Ngọc Anh vẫn sống thoải mái hơn Loan. Ngọc Anh học rất giỏi, làm thơ hay, chơi đàn tốt, nhìn nhận mọi thứ đều thật rộng rãi, minh bạch và sòng phẳng. "Bố mẹ tao không hợp, nên không ở với nhau. Nhưng cũng không sao. Mày tin hay không thì tuỳ, nhưng từ năm ba tuổi, ông bà ấy đã nói chuyện một cách thẳng thắn với tao. Tình cảm nam nữ là cái có thể thay đổi, chỉ có tình ruột thịt là bền vững. Tao thấy cuộc sống chẳng có gì đáng phàn nàn. Chưa có ai tỏ ra vô trách nhiệm với tao. Không sống chung, nhưng cả bố, mẹ và dì đều thật sự là những người văn minh. Văn minh viết hoa đấy nhé. Không hề gượng ép. Vô tư đi."...
    ừ! Thì "vô tư đi". Nhưng liệu trên đời mấy người được như bố mẹ Ngọc Anh??? Và bao nhiêu đứa con "vô tư đi" được như thế? Nó cố thử hình dung ra cảnh khi bố (hoặc mẹ) có bồ hay vợ (hoặc chồng) mới. Nó sẽ phải cư xử thế nào nhỉ? Nhỏ nhẹ di chân trên sàn nhà rồi chào hỏi như một người xa lạ để chứng tỏ mình "biết điều", "có học", hay vồn vã nhiệt tình để ra vẻ ta đây "văn minh"? Đằng nào thì cũng "chuối" cả! Thế còn bố mẹ nó? Nhìn thấy một - nửa - không - còn - là - của - mình dung dăng dung dẻ với một - nửa - mới - chưa - biết - có - phải - của - mình - hay - không? Cảm giác sẽ thế nào nhỉ? Có thấy ghen không? Hay lại lạnh băng coi như không nhìn thấy. Mà ghen theo lối người lớn sẽ là thế nào nhỉ? Nhiều khi nó tự hỏi có phải người ta yêu nhau thật không? Hay chỉ là lòng ích kỷ thích sở hữu quen thuộc của con người? Giống y chang như lũ trẻ con giữ đồ chơi, có những con búp bê dặt dẹo gãy tay gãy chân, nằm lăn lóc ở xó chẳng bao giờ sờ đến, nhưng hễ thấy đứa khác muốn chơi là thế nào cũng chạy xồ đến, dằng lấy bằng được. Con mướp nhà bà Chi hàng xóm cũng vậy, nó không ăn chuột, hễ bắt được là kéo lê con vật ra giữa sân, vần vò các kiểu, nhưng chỉ thoáng thấy bóng người là nó vội vàng quắp lấy chạy biến, bà Chi cáu lắm vì thi thoảng lại thấy mùi chuột chết nhặng xị bốc lên từ khắp các xó xỉnh. Chó mèo còn thế, huống chi người. Chẳng ai muốn những thứ là sở hữu của mình lại bị người khác lấy mất, dù những thứ đó chẳng mang lại lợi ích gì cho cuộc sống của mình. Không thế thì sao vào thời trước, người ta mất công chôn sống những cô gái làm thần giữ của để làm gì? Làm một hành động tàn ác như thế, chỉ để giữ những thứ mà cả đời mình sẽ chẳng động đến nữa, cũng chẳng biết đến mấy mươi đời sau mới có kẻ phạm vào, phải ích kỷ đến thế nào mới thế được?
  5. migkhoaicun

    migkhoaicun Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/01/2004
    Bài viết:
    448
    Đã được thích:
    0
    Còn Ngọc Anh, có bao giờ Loan thèm sống như Ngọc Anh không nhỉ? Nếu nhận định của nó không lầm, thì đây chính là một gia đình theo trường phái Châu Âu. Nghĩa là tôi và anh không còn yêu nhau, nào chúng ta giải tán, nhưng vẫn cùng mối quan tâm chung là con cái. Sống riêng - nhưng tôn trọng nhau, giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của nhau trong mắt con cái. Còn hơn để con lớn lên mà phải chứng kiến những xô xát không thể tránh khỏi của bố mẹ. Nhưng mà như thế thì "khoai tây" quá. Cái cảnh mẹ nó và dì ghẻ dắt tay nhau tung tăng đi siêu thị, rồi hồn nhiên "kể tội" bố nó cho nhau nghe cứ kỳ cục thế nào ấy. Nhưng dù thế nào đi nữa, Ngọc Anh vẫn sống thoải mái hơn Loan. Ngọc Anh học rất giỏi, làm thơ hay, chơi đàn tốt, nhìn nhận mọi thứ đều thật rộng rãi, minh bạch và sòng phẳng. "Bố mẹ tao không hợp, nên không ở với nhau. Nhưng cũng không sao. Mày tin hay không thì tuỳ, nhưng từ năm ba tuổi, ông bà ấy đã nói chuyện một cách thẳng thắn với tao. Tình cảm nam nữ là cái có thể thay đổi, chỉ có tình ruột thịt là bền vững. Tao thấy cuộc sống chẳng có gì đáng phàn nàn. Chưa có ai tỏ ra vô trách nhiệm với tao. Không sống chung, nhưng cả bố, mẹ và dì đều thật sự là những người văn minh. Văn minh viết hoa đấy nhé. Không hề gượng ép. Vô tư đi."...
    ừ! Thì "vô tư đi". Nhưng liệu trên đời mấy người được như bố mẹ Ngọc Anh??? Và bao nhiêu đứa con "vô tư đi" được như thế? Nó cố thử hình dung ra cảnh khi bố (hoặc mẹ) có bồ hay vợ (hoặc chồng) mới. Nó sẽ phải cư xử thế nào nhỉ? Nhỏ nhẹ di chân trên sàn nhà rồi chào hỏi như một người xa lạ để chứng tỏ mình "biết điều", "có học", hay vồn vã nhiệt tình để ra vẻ ta đây "văn minh"? Đằng nào thì cũng "chuối" cả! Thế còn bố mẹ nó? Nhìn thấy một - nửa - không - còn - là - của - mình dung dăng dung dẻ với một - nửa - mới - chưa - biết - có - phải - của - mình - hay - không? Cảm giác sẽ thế nào nhỉ? Có thấy ghen không? Hay lại lạnh băng coi như không nhìn thấy. Mà ghen theo lối người lớn sẽ là thế nào nhỉ? Nhiều khi nó tự hỏi có phải người ta yêu nhau thật không? Hay chỉ là lòng ích kỷ thích sở hữu quen thuộc của con người? Giống y chang như lũ trẻ con giữ đồ chơi, có những con búp bê dặt dẹo gãy tay gãy chân, nằm lăn lóc ở xó chẳng bao giờ sờ đến, nhưng hễ thấy đứa khác muốn chơi là thế nào cũng chạy xồ đến, dằng lấy bằng được. Con mướp nhà bà Chi hàng xóm cũng vậy, nó không ăn chuột, hễ bắt được là kéo lê con vật ra giữa sân, vần vò các kiểu, nhưng chỉ thoáng thấy bóng người là nó vội vàng quắp lấy chạy biến, bà Chi cáu lắm vì thi thoảng lại thấy mùi chuột chết nhặng xị bốc lên từ khắp các xó xỉnh. Chó mèo còn thế, huống chi người. Chẳng ai muốn những thứ là sở hữu của mình lại bị người khác lấy mất, dù những thứ đó chẳng mang lại lợi ích gì cho cuộc sống của mình. Không thế thì sao vào thời trước, người ta mất công chôn sống những cô gái làm thần giữ của để làm gì? Làm một hành động tàn ác như thế, chỉ để giữ những thứ mà cả đời mình sẽ chẳng động đến nữa, cũng chẳng biết đến mấy mươi đời sau mới có kẻ phạm vào, phải ích kỷ đến thế nào mới thế được?
  6. migkhoaicun

    migkhoaicun Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/01/2004
    Bài viết:
    448
    Đã được thích:
    0
    18 tuổi - nó chưa yêu. Ghen, cùng lắm chỉ là những cú ăn vạ hồi bé khi thấy mẹ bế một đứa khác, hay chút bực bội nho nhỏ lúc vô tình nhìn thấy Dũng long dong đèo con bé lớp 10C ngang phố. Xét cho cùng, nó cũng chẳng thích Dũng lắm, "thường thôi" - như cách nói của bọn trẻ con vẫn lẻo nhẻo học theo đĩa hài Xuân Hinh bật ra rả ở mấy xe "thuốc tẩy Hoàng Tiến, lót giày, thuốc chuột". Nhưng nếu đã sống với một người tới gần 20 năm, liệu nó có chấp nhận được việc người ấy có một người khác không? Bố - liệu bố có bao giờ nhớ món canh cua rau láo nháo mẹ nấu rất ngon không? Bố vẫn bảo hàng cơm bụi nấu canh cứ chuồi chuội, vì "bọn hắn" chẳng chịu lọc cua cho kỹ, lại lười không chưng gạch lên cho bát canh trông màu mỡ ngọt ngào thật thích mắt. Chị Nhị mỗi lần đi chợ thường vớ đại mớ cua đã giã sẵn, lạnh ngắt và có lúc còn chẳng thơm. Nhưng mẹ, hôm nào mẹ cũng lại lọ mọ nhặt từng con còn sống nguyên, con nào con nấy càng đen bóng, chắc nịch, làm bà hàng cua vừa xuýt xoa khen cô chọn rõ tinh, vừa làu nhàu cua già chắc thế này xay thì có mà gãy tay. Cả những lần nửa đêm bố muốn ăn xôi gấc, bố mẹ đèo nhau đi hái trộm gấc ở giàn nhà người ta, rồi hý ha hý hửng vo gạo, nấu nướng. Xôi chín thì cũng đã gần ba giờ sáng, cả nhà vừa ngáp ngắn ngáp dài, vừa ăn, vừa trêu nhau cười đến chảy cả nước mắt... Còn mẹ, mẹ có nhớ hôm nhà mình cháy dây điện, bố loay hoay sửa nhưng quên không dập cầu dao, đến khi nối lại bị giật nám đen cả tay, mẹ cứ ôm bố, nước mắt vòng quanh không nhỉ? Người lớn sao lại thế? Người lớn buồn cười thật? Nếu sau này nó lấy chồng - mà không, chưa chắc nó đã lấy chồng, nhỡ rồi lại "không hợp" thì tội cho con nó lắm, cơ mà, chắc quái gì đã kịp có con? Nhưng mà hay ho thật, lo làm gì cái chuyện xa vời tận đẩu tận đâu, ngay khi mà "bồ" cũng còn chưa có cơ chứ? - nhưng mà nếu nó có lấy chồng thật, chẳng biết rồi nó có quay lưng lại với kỷ niệm như bố mẹ nó hay không nữa? Nhưng mà...? Cơ mà...? Sao lại...? Sao thế...?
    Nó lắc mạnh đầu. Mắt cay xè. Cảm giác rõ ràng như đang rơi vào vô thức. Mọi thứ đều trống rỗng và khó hiểu. Có phải tất cả những đứa con có bố mẹ chia tay nhau đều như thế không nhỉ? Không! Không phải! Ngọc Anh có thế đâu? Nhưng mà nó không phải là Ngọc Anh, nó là nó, nó cần một gia đình có đầy đủ cả bố lẫn mẹ. Để làm gì? Một tiếng nói châm chọc vang lên từ đâu đó trong đầu nó. Mày có phải đứa nhóc nữa đâu. Đứng có đổ ụp như thế chứ!...
    Nó uể oải nhìn đồng hồ, đã gần 5 giờ chiều. Giờ này nếu như mọi khi, thì mẹ nó đã về, tất tả nhặt rau, thái thịt để bố con nó có cơm ăn ngay, không phải chờ lâu. Còn bố, thể nào bố cũng mang thêm một ít sữa đậu nành về cho nó. Nói rằng năm nay là năm cuối cấp, phải ăn uống thêm những thứ có chất để còn học thi... Căn phòng này của bố nhỏ tí, chẳng có bếp nên không cần phải nấu cơm, chỉ có nồi cơm điện bé xíu, và cái bếp ga du lịch sắm vội để đó như làm cảnh. Buổi sáng bố đi làm, để lại cho nó mười lăm nghìn để ăn ba bữa. Còn bố, ở lì cơ quan đến 9, 10 giờ đêm, chắc bố ăn cơm hộp.
  7. migkhoaicun

    migkhoaicun Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/01/2004
    Bài viết:
    448
    Đã được thích:
    0
    Ba tờ năm nghìn nóng ran lên trong túi, từ sáng đến giờ nó đã ăn uống gì đâu. Và bỏ cả hai buổi học thêm và học chính. Bố mẹ nó thật khéo chọn thời điểm để ly dị, khi mà chỉ vài ngày nữa là học kỳ I của nó sẽ kết thúc. Thôi rồi tất cả những tháng ngày vì con vì con (cái điệp khúc mà hàng đêm nó nghe rõ giữa những câu bố mẹ cãi cọ trong màn, âm thanh của sự bất bình và phẫn uất nén lại trong cổ họng của cả bố lẫn mẹ bật ra thành những tiếng rin rít), thôi rồi những buổi cả bố lẫn mẹ đều ép nó ăn uống đến căng bụng để lấy sức mà học. Nó bây giờ là thứ "chẳng có ai giành giật". Tự do làm sao.
    Nó đứng dậy. Thở dài hai cái. Dắt xe đạp ra khỏi nhà. Đi đâu nhỉ? Chắc lại lên đường Thanh Niên. Hà Nội phố! Hà Nội lá! Hà Nội chỉ có mấy cái hồ mà đông đặc những người là người. Như một thói quen, hễ có thời gian là người ta đổ ra những con đường quanh hồ, chẳng thấy mát hơn, chỉ rặt khói xe sặc sụa, nhưng không đi không yên, quen rồi. Đôi khi chỉ vì ngại thay đổi những thói quen, mà người ta cứ mặc cho cuộc đời mình trôi phồng phềnh như vậy. 18 tuổi - dường như nó đã kịp già cỗi với một thói quen...
    ...
    "Chị sao vậy?" - con bé đánh giày quen nhìn nó dò hỏi - "mai chị có ra đây dạy em nữa không?"... chẳng đợi câu trả lời, con bé xà xuống bên cạnh nó, tụt dép ngồi bệt trên cỏ. Vừa nắn nắn đôi chân chai sần, con bé vừa cười: "sáng nay em vừa ra bưu điện gửi cho mẹ em được dững hai trăm dưởi, cơ mà tháng này sao cái gì cũng lên chị ạ. Gạo hai đồng bảy một cân. Em tính học chữ cho thạo thạo rồi xin làm osin cho nhà nào tử tế, ít ra khi nào người ta viết dặn dò cái gì còn đọc được. Con Hà bạn em nó xin làm cho nhà ông đại tá, ông bà cho hẳn ba trăm một tháng, lại chẳng phải lo chỗ ăn chỗ ngủ. Sáng dậy là cô, con ông bà viết gần đầy trang giấy, toàn gạch đầu dòng những việc phải làm, cô dặn nấu nướng theo ý cô chị ạ. Nó xách làn, mang giấy đi chợ, lôi ra đọc đọc cứ như nhân viên xịn ấy. Bọn em nhìn nó lên được mấy chân kính, hoành tráng luôn. Nhưng mà nó cao, người ta không chê. Em hơi còi, nhưng mà làm gì còi lắm, chị nhỉ?". Con bé huyên thuyên liên mồm, cầm tay nó, đặt lên cái đầu gối củ lạc: "Chị sờ xem, chân em bây giờ có cả thịt đây này, bây giờ ngày nào em cũng ăn thêm năm trăm lạc rang."... Nó phì cười, cái con bé này đến là lạ. Con gái, 12 tuổi, mấy đứa đi đánh giày? Lần trước nó hỏi sao không đi bán kẹo cao su, bảo không thích làm những việc những đứa khác làm nhiều. Thế mà bây giờ lại tò tò tuyên bố muốn theo đuôi con bạn. "ừ! Không gầy. Thế làm osin rồi thì sao?". "Em sẽ làm khoảng 3 năm. Có một tý vốn, rồi xin học may ở chỗ nào đó, học được rồi lại xin làm phụ cho người ta, chả mấy chốc rồi sẽ được lên làm thợ chính. Chị tin không? Em có hẳn mười cái hoa tay cơ nhá..."... Mặt mày rạng rỡ, con bé xoè bàn tay cáu cúa, kẽ móng tay ken két đất lẫn si đánh giày cho nó xem... "Rồi sao nữa?" - Nó lặp lại câu hỏi một cách vô thức... "Sao là sao? Em làm thợ chính, có tiền. Rồi sẽ có một ai đó đến tìm hiểu, em sẽ không lấy ông nào hôi rình, rượu suốt ngày như bố em. Như thế em sẽ không bị đánh. Sẽ vui vẻ. Rồi cứ thế mà sống thôi"....
  8. migkhoaicun

    migkhoaicun Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/01/2004
    Bài viết:
    448
    Đã được thích:
    0
    "... rồi cứ thế mà sống thôi"... Nó thấy hẫng, cái con nhóc này, con nhóc cao chưa đến 1m30, đen thủi và gầy nhom, tưởng gió thổi là bay, vậy mà ứng xử với cuộc đời thật vững vàng, biết rõ mình sẽ là ai, mình sẽ làm gì, tương lai của mình sẽ ra sao? Còn nó, nó sẽ là gì nhỉ? Một đứa có bố mẹ li dị, bị cuộc đời bỏ rơi, sẽ trượt đại học, sẽ bỏ nhà đi lang thang và sẽ chết dấm dúi ở một xó nào đó như hàng trăm đứa từng có bố mẹ li dị khác à? ... Đừng hòng! Chả phải Lệ Quyên, "chị" ca sĩ nó yêu thích đã từng nói "90% số phận là do mình quyết định" sao? Tương lai - là do mình chọn! Nó đứng phắt dậy. Đá chân chống xe. Con nhóc nhìn theo, tò mò: "Chị đi đâu thế?". "Về". Nó gục gặc đầu. "Thế tối mai chị có dạy em nữa không?". "Có". "Vẫn ở trong đền nhá, tối mai có lớp học võ, thể nào cụ từ chả để đèn sáng muộn". "ừ"...
    Nó leo lên xe, đạp dấn mấy cái. Ngang qua trạm điện thoại thẻ, nó ngần ngừ, rồi bước vào, quay số cơ quan bố. "Alô" - giọng bố nó vang lên, mệt mỏi. "Bố đấy à? Con đây". "Sao thế con, có việc gì mà lại gọi bố giờ này?". Vẻ mệt mỏi đã trở thành hốt hoảng. "Không bố ạ, không có việc gì cả. Con chỉ định bảo hôm nay bố về sớm nhé, con nấu cơm, bố con mình ăn xong rồi con học bài". Im lặng. Nghe rõ tiếng bố nó thở nhẹ trong máy, rồi... "được con ạ, bố sẽ về, con chỉ việc nấu cơm và luộc ít rau thôi nhé, bố sẽ mua thịt quay, đỡ vất vả". "Thế cũng được bố ạ. Chào bố". "ừ, về nhà luôn con nhé, bố sẽ mua thêm cả ít sữa đậu nành, bố con mình cùng uống". "Vâng"... Bố nó đặt máy. Nó vẫn đứng im, tay giữ ống nghe. Chầm chậm, nó gác ống nghe lên, dắt xe xuống vỉa hè....
    Đường phố vẫn nghìn nghịt người qua lại. Chẳng biết giờ này mẹ đang làm gì nhỉ? Chiều nay mẹ ăn gì? Có thấy nhớ nó không?... Và bố? Mấy giờ bố sẽ về?
    Cũng chẳng biết được! Nỗi buồn xâm chiếm đầu óc nó dường như vẫn còn nguyên. Nhưng sự nặng nề đè lên ngực đã bay đi đâu mất. Chẳng có con đường bắt buộc nào cho những số phận giống nhau. Nó đã chọn mình sẽ không trở thành kẻ để cho người ta khinh rẻ hoặc thương hại. Nó sẽ vẫn học đại học, sẽ sống thật gọn gàng và khoẻ khoắn. Thậm chí, chẳng cần phải giống như Ngọc Anh, đâu có ai bắt nó phải giống như Ngọc Anh. Nó là nó. Và sẽ là như vậy.
    ...
    Nó hít một hơi đầy ***g ngực thứ không khí sặc mùi khói xe giờ tan tầm. Thốt nhiên, trong một thoáng, nó lại thấy vui vẻ. Thật khó khăn khi phải tự quyết định mình sẽ trở thành người thế nào, trong khi chẳng có ai bắt mình quyết định cả.
    Thế nhưng cũng thật đơn giản. Chỉ cần chọn.
    Và nó đã chọn.
    "Mai là một ngày mới"...

  9. storylover

    storylover Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/03/2006
    Bài viết:
    90
    Đã được thích:
    0
    Truyện bạn tả tâm lý rất chân thực. Tôi thích cách nhìn tích cực của bạn về cuộc sống. Những cách nhìn như thế này cần được cổ vũ.

Chia sẻ trang này