1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Chuyện Huế ít người biết (sưu tầm tại đây)

Chủ đề trong 'Huế' bởi duongphuongbay, 09/04/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Chuyện Huế ít người biết (sưu tầm tại đây)

    Linh Hựu Quán -nhà thờ Lão Tử độc nhất ở Kinh đô Huế xưa

    NGUYỄN ĐẮC XUÂN

    Mặc dù nhà Nguyễn chỉ quan tâm đến đạo Nho của Khổng Tử, nhưng các vua Nguyễn cũng không thể phủ nhận được thực tế là xã hội Việt Nam đầu Thế kỷ XIX vẫn còn giữ tinh thần Tam giáo đồng nguyên (Phật, Lão, Nho). Do đó, ngoài Văn Thánh thờ Khổng Tử, nhà Nguyễn còn cho sửa sang nhiều ngôi quốc tự để thờ Phật, xây dựng Linh Hựu Quán để thờ Lão Tử. Văn Thánh được dựng ở Kinh đô và nhiều địa phương trong cả nưóc, các chùa thờ Phật thì có khắp nơi, riêng Linh Hựu Quán thờ Lão Tử thì chỉ có ở Kinh đô Huế và chỉ có một mà thôi.

    Sách Đại Nam Nhất Thống Chi viết thời Tự Đức (Bản dịch Nxb KHXH, HN 1969. t.1, tr.71) và soạn lại dưới thời Duy Tân (Bản dịch , tập Kinh sư, bản dịch, Bộ QGGD, SG. 1960, tr.87) đếu có chép di tích Linh Hựu Quán đứng đầu trong mục Tự Quán (chùa quán). Vua Thiệu Trị - ông vua thứ ba của triều Nguyễn, cho rằng: "Nước ta vốn có tiếng là văn hiến" và " văn vật ở nước ta không kém gì Trung Quốc" (ĐNTL, tập XXIV, tr.137 và 409). Tiêu biểu cho văn hiến Việt Nam ở chốn Kinh Kỳ là 20 thắng cảnh mà nhà vua đã làm thơ "tức cảnh" và cho minh hoạ rồi tập hợp lại trong Ngự Đề Danh Thắng Đồ Hội Thi Tập. Đồng thời cho khắc bia dựng ở từng thắng cảnh để lưu truyền hậu thế. Trong 20 bài thơ tức cảnh ấy, có bài Linh Quán Khánh Vận (Tiếng khánh ở quán Linh Hựu) viết về Linh Hựu Quán vớiỳ số thứ tự thứ 13. Điều đó chứng tỏ Linh Hựu Quán nổi tiếng giống như Hồ Tịnh Tâm (bài số 3), sông Hương (bài số 11), núi Ngự Bình (bài số 12), chùa Thiên Mụ (bài số 14). . . Nhưng rất tiếc từ rất lâu di tích Linh Hựu Quán đã biến mất, chỉ còn một số người rất ít biết Linh Hựu Quán qua thư tịch mà thôi. Vì thế bài viết nầy xin giới thiệu đôi nét về Linh Hựu Quán.

    Quán là nhà thờ của Đạo sĩ. Triều Nguyễn xây dựng Linh Hựu Quán như đã nói trên là để thờ Lão Tử. Các pháp sư, đạo sĩ làm việc ở quán đều do triều đình bổ nhiệm và cấp bổng lộc. Quán toạ lạc tại phường Ân Thạnh (sau đổi thành Tây Linh), phía bắc sông Ngự Hà, phía tây Trấn Bình Đài (Mang Cá) trong Kinh thành (Xem sơ đồ do L.Cadière thực hiện). Quán được xây dựng vào năm thứ 10 triều Minh Mạng (1829) trên một khu đất khá rộng. Công trình gồm có điện Trùng Tiêu 5 gian nằm ở chính giữa, bên trái có gác Từ Vân, bên phải có gác Tường Quang. Hai gác nầy có kiến trúc giống nhau, tầng dưới một gian hai chái, tầng trên một gian. Hai bên điện Trùng Tiêu có hai dãy hành lang, mỗi bên dài 5 gian nối với hai gác Từ Vân và Tường Quang. Trước quán dựng Tam quan ba gian, có vọng lâu xinh xắn. Cuối con dường dẫn từ Quán ra sông Ngự Hà có Phường môn Linh Tinh. (Xem tranh khắc minh hoạ trong Ngự Đề Danh Thắng Đồ Hội Thi Tập)

    Đầu thế kỷ 19, khi xây dựng Kinh thành Huế, nhà Nguyễn lập Trấn Bình Đài để bảo vệ Kinh đô từ phía đông bắc. Do đó, trong quá trình đánh Huế, thực dân Pháp tìm mọi cách chiếm hữu Trấn Bình Đài. Điều 5, Hiệp ước Giáp thân (6.1884), thực dân Pháp ép triều đình Huế phải nhượng Trấn Bình Đài cho Pháp đóng quân. Từ đó dân Huế gọi Trấn Bình Đài là đồn Mang Cá. Trong biến cố Thất thủ Kinh đô năm 1885, quân đội Pháp đánh chiếm khu vực Linh Hựu Quán và một số công trình khác của triều đình (như cung Bảo Định). Qua năm 1886, Toàn quyền Paul Bert với sự tham mưu của Trương Vĩnh Ký lại ép triều Đồng Khánh nhượng tiếp khu đất nằm giữa Trấn Bình Đài và Linh Hựu Quán để Pháp xây dựng thêm doanh trại, đồn bót, nhà thương, kho hậu cần. . . . Linh Hựu Quán bị triệt giải. Dân Huế gọi khu nhượng địa mới nầy là Mang Cá Lớn, khu Trấn Bình Đài cũ là Mang Cá Nhỏ. Lúc bấy giờ có một số dân theo đạo Thiên chúa ở thôn Cự Lại (vùng Thuận An) lên sinh sống chung quanh doanh trại Pháp ở khu Mang Cá, họ làm bồi bếp, nấu ăn, buôn bán. . .Lấy lý do giúp đỡ những giáo dân nầy về mặt tôn giáo, linh mục Eugène Marie - Joseph Allys (1852-1936) xin cất một nhà thờ trên đất Linh Hựu Quán để giáo dân "có nơi đọc kinh sớm tối, lễ lạc Chúa nhật". Nhưng vì luật lệ của Triều đình cấm xây dựng Nhà thờ Thiên chúa giáo trong Kinh thành nên chuyện không thành. Sau đó dưới triều Thành Thái Duy Tân, do sự vận động của Thượng Thị vệ Ngô Đình Khả (1857-1923), một nhà thờ Thiên chúa giáo được xây dựng trên đất của Linh Hựu Quán, lấy tên là Họ Cầu Kho. Theo sách Nhân vật giáo phận Huế (tập I, tr.241, chú thích 15) của Lê Ngọc Bích, nhà thờ ấy "chỉ được lợp tranh tre" mà thôi. . . .Dưới thời Ngô Đình Diệm (1954-1963), chính quyền cho phép triệt hạ nhà thờ cũ để làm trường Tín Đức (ngày nay là Trường PTCS Thuận Lộc) nhà thờ mới được xây dựng khang trang vào đúng vị trí Linh Hựu Quán ngày xưa(1). Đó là Nhà thờ Giáo xứ Tây Linh trên đường Thái Phiên phường Thuận Lộc ngày nay (Xem ảnh). Theo L. Cadière địa danh Tây Linh có chữ Linh gốc từ Linh Hựu Quán. Tấm bia khắc bài Linh Quán Khánh Vận không rõ biến mất từ thời nào. Trước năm 1933, L.Cadière cố công đi tìm vẫn không thấy. Hiện nay tại số 57 Nguyễn Chí Thanh thuộc phường Phú Hiệp có một kiến trúc gỗ, chính đường ba gian hai chái, tiền đường dài 7m, rộng 3m, mang tên Quán Linh Hựu, ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XX, bên trong thờ Phật, thờ Mẫu. . .Phải chăng sau khi Linh Hựu Quán bị dẹp bỏ người ta xây dựng địa điểm mới nầy để lưu danh ? Và, để tranh thủ được nhiều tín đồ, thay vì thờ Lão Tử dần dần người ta thờ Phật và thờ Mẫu ?

    Ngày nay đạo Lão không còn được ai theo, trong lúc nhiều di tích lịch sử quan trọng chưa có ngân sách để trùng tu tôn tạo, đặt vấn đề phục hồi lại Linh Hựu Quán là một chuyện xa vời. Với tư cách là một người nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa, tôi nghĩ tất cả những di tích của Kinh đô Huế cũ ta cần phải sưu tập tư liệu, hình ảnh, phải nghiên cứu giới thiệu một cách khoa học để chống lại sự lãng quên. Riêng Linh Hựu Quán không những là một công trình kiến trúc đẹp quan trọng ở Kinh đô, được vua Thiệu Trị làm thơ ca ngợi mà nó còn là một di tích minh chứng cho thời kỳ Tam giáo đồng nguyên của xã hội Việt Nam xưa. Không có tư liệu về Linh Hựu Quán thì lấy gì để chứng minh điều ? Nếu chưa đủ khả năng phục hồi lại di tích cũ thì ít ra cũng cần có đủ tư liệu để dựng lại một mô hình Linh Hựu Quán phục vụ khách du lịch và con cháu sau nầy !

    Gác Thọ Lộc, 10.2001

    Tài liệu tham khảo:

    Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế, tập I và tập II (Huế 2000, lưu hành nội bộ)

    Léopole Cadière, La Citadelle de Hué, Onomastique, BAVH. Janvier-Juin 1933

    Phan Thuận An, Kinh Thành Huế, Nxb Thuận Hoá, H.1999

    Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí;

    - Bản Tự Đức, bản dịch, t.1, Nxb KHXH, HN 1969.

    - Bản Duy Tân, bản dịch, tập Kinh sư, Bộ QGGD, SG. 1960

    - Thái Văn Kiểm, Đất Việt Trời Nam, Nguồn Sống, SG.1960;

    - Vua Thiệu Trị, Thần Kinh Nhị Thập Cảnh, TTBTDTCĐ Huế, Thuận Hoá, H.1997




    TO BE OR NOT TO BE


    Được duongphuongbay sửa chữa / chuyển vào 01:12 ngày 10/04/2004
  2. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Liệt Nữ Ấu Triệu
    Khi về nước, chí sĩ Phan Bội Châu bị chính quyền Pháp giam lỏng ở dốc Bến Ngự, Huế, trong ngôi nhà ba gian, chung quanh có sân và vườn nhỏ. Phía trái lối ra vào, sát tường rào, có một mái đình, giữa đề bốn chữ "Ấu Triệu bi đình" (Nhà bia Ấu Triệu) hai bên cột đề câu đối quốc văn:
    Tơ nhân sợi nghĩa giây lưng trắng
    Dạ sắt lòng son nết má hồng

    Giữa đình là một tấm bia đá mặt trước khắc chữ nho, mặt sau khắc quốc ngữ như sau: Bia liệt nữ Ấu Triệu, người xã Thê Lại Thượng, phủ Thừa Thiên, năm canh tuất đời vua Duy Tân, bị bắt vì quốc sự, bị tra tấn hết sức tàn nhẫn, nhưng thủy chung không cung khai một lời. Ngày 16 tháng 3 năm ấy tự tử trong ngục. Các đồng chí nhờ vậy mà được thoát nạn. Than ôi quả là một liệt nữ. Sống vì nước chết vì nòi. Bà Trưng, cô Triệu, xưa rày mấy ai!
    Hỏi ra mới biết Ấu Triệu là danh hiệu ông Phan đặt cho cô Lê Thị. Đàn, con nhà tiền bối cách mạng Lê Xuân Uyên. Khi cha bị giam tại nhà lao Thừa Thiên, cô Đàn phải lui tới thăm nom. Vốn là một thiếu nữ đương thì xuân sắc lại có theo đòi bút nghiên nên sớm được đốc phủ ho. Đinh, gốc Nam Kỳ, bấy giờ là viên chức cao cấp trong tòa Khâm sứ, để ý tới và hứa sẽ hết sức giúp cho thân phụ cô được tha, nếu ưng thuận làm tiểu tinh. Vì thương cha nuốt hận chốn lao tù, cô cũng nghĩ như nàng Kiều:
    Dâng thư đã thẹn nàng Oanh
    Lại thua ả Lý bán mình hay sao!

    Thế là cô trở thành "Cô Đốc" sau khi cha được phóng thích. Chẳng bao lâu sau đó, đốc phủ phải đổi vào Sàigon. Nghĩ mình chút phận lẽ mọn, cô nhất quyết không theo chồng, ở lại với cha, tiếp tục chí hướng cách mạng. Để tiện liên lạc với các đồng chí của cha, cô mở một quán nước bên vệ đường An Hòa. Ở đây, một hôm cô gặp ông Phan. Rồi khi ông Phan sang Trung Hoa, được tin cô tuẫn tiết, ông viết trong tập "Việt Nam Nghĩa liệt sử" đoạn hồi ký được trong nước dịch lại như sau: Sau khoa canh tý tôi đỗ cử nhân rồi vào Huế, nói là để học trường Hậu bổ rồi ra làm quan. Nhưng thật ra là để tìm những người có tư tưởng trong học giới Việt Nam hồi ấy như Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh và sĩ phu Tri. Thiên. Nam Ngãi, nghĩa là tìm đồng chí cách mạng. Trên đường từ An Hòa về thị xã Huế, tôi thường nghỉ chân trong một quán bên vệ đuờng. Chủ quán là một cô gái trẻ đẹp, có tên là "Cô Đốc". Hỏi ra mới biết lai lịch đáng thương đánh kính của cô. Từ đó chúng tôi đã trở thành một cặp đồng chí cách mạng. Sau khi tôi qua Nhật vì phong trào Đông du, Cô Đốc hoạt động trong nước với nhiệm vụ vận động du học sinh và tài chánh trong hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Năm 1912, Việt Nam Quang Phục hội thành lập, lẽ tất nhiên cô là đảng viên Tri. Thiên. Năm 1916, cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục do vua Duy Tân lãnh đạo, với sự giúp sức của mấy ông Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề... bị thất bại cô Đốc bi. Pháp bắt áp giải về Huế, giam tại nhà lao Phu? Thừa, tra khảo để tìm liên hệ tổ chức. Bị cực hình tra tấn, cô cương quyết không xưng ra một đồng đảng nào hay bộ phận nào của đảng. Rồi trong một đêm không sao, nhân lúc quân coi ngục ngủ say, cô Đốc xé áo làm dây, treo cổ lên song sắt nhà laọ..
    Cô Đàn hy sinh thân thế để cứu cha, lại có lòng quả cảm trung thành với đảng, tự hủy đời mình, gương dũng liệt thật đáng ca ngợi và kính phục. Song tặng cô danh hiệu Ấu Triệu (cô Triệu Thị Trinh nhỏ) đặt cái công bảo toàn cho đảng ngang với sự nghiệp đánh đông dẹp bắc của Hai Bà cùng cô Triệu, e có phần quá mức chăng?
    Hiện nay ở Huế có 1 con đường ngắn dẫn vào chùa Linh Quang bên hông Nhà Lưu niệm Phan Bội Châu được đặt tên là Ấu Triệu.

    TO BE OR NOT TO BE
  3. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Báo Tiếng Sông Hương, xuất bản ở Dallas-TX năm 1994, có trích dẫn 3 bài thơ của Bà Ấu Triệu bằng Hán Văn và Đặng Thái Mai đã dịch ra Việt văn như sau:
    (I)
    Huyết khô, lệ kiệt, hận nan tiêu,
    Trường đoạn Hương Giang dạ nhật trào
    Ngô đảng tảo thanh cừu lỗ nhật
    Phần tiền nhất chỉ v. nùng tiêu .

    (Dịch)
    Huyết lệ dầu khan giận chưa sờn,
    Chiều hôm tê tái nước sông Hương .
    Nhóm ta khi qyét xong quân giặc,
    Trước nấm mồ em đốt bó nhang .
    (II)
    Trùng trùng yểm lệ kiến Trưng Vương,
    Đề huyết thư quyên chỉ tự thương .
    Bằng tạ Phật linh như tái thế,
    Nguyện thân thiên tý tý thiên sang .

    (Dịch)
    Suối vàng gạt lệ gặp Bà Trưng,
    Máu thắm hồn quyên khóc thảm thương .
    Lạy Phật thân này còn hóa kiếp,
    Tay xin nghìn cánh cách nghìn thương .
    (III)
    Thê lương ngục thất mệnh chung thi,
    Hải khoát sa không khốc tự trị .
    Tử quốc đáo nùng thiên hữu phận,
    Thương tâm quan lũ kỳ nam nhi .

    (Dịch)
    Lạnh lùng cảnh ngục lúc quyên sinh,
    Biển rộng đồng không mình biết mình .
    Chết với nước non em tốt số,
    Chạnh lòng tủi hổ lũ trâm anh .
    Khoảng năm 1930, lúc đó cụ Phan Bội Châu còn bị an trí tại Bến Ngự Huế, cụ đã xây một bia kỷ niệm cô Lê Thị Đàn ngay trong vườn nhà cụ ở . Cụ thường gọi cô là "Bà Ấu Triệu" (Bà Triệu nhỏ) . Bài văn khắc trên bia của Cô Lê thị Đàn như sau : (Trong sách TỰ PHÁN viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cụ Phan Bội Châu cũng có nói đến chuyện này ).
    (I)
    Sinh nê bất nhiếm hoa quân tử,
    Bão phát vô ngôn thạch khả phân .

    *Gần bùn không bẩn hoa quân tử
    Ôm ngọc làm thinh đá hiền nhân
    (II)
    Tâm khả huyền ư thiên nhật nguyệt,
    Thân tàng gía dữ Việt giang sơn .

    *Tấm thân trót gả giang sơn Việt
    Tấc dạ soi chung nhật nguyệt trời
    Văn bia : (Phiên âm Hán Việt)
    "Nữ liệt sĩ bi đình,
    Nữ đồng bào Ấu Triệu liệt nữ Lê Thị Đàn chi thần, Thừa Thiên Phủ, Thế Lại Thương Xã . Duy Tân (Canh Tuất) dĩ quốc sự án hạ ngục, khảo tấn nghiêm cực, thống khổ vạn trạng, nhiên bất khuất . Thị niên tam nguyệt thập lục tự tuẫn dĩ cố, chư đồng chi
    đa thoát võng gỉa .
    Ô hô ! Liệt hỷ !
    Minh viết : Thân bất khả lục, chí bất khả nhục, đao nhân nhi tử, Trưng Triệu nhi tục, kỳ tần gỉa anh, kỳ mật gỉa dạnh nữ kiệt, nữ kiệt, hà nhạc nhật tinh .
    Liệt nữ tuẫn nghĩa hận chí thập bát niên nguyệt nhật "

    (Quốc ngữ) :
    "Bia cô Ấu Triệu liệt nữ,
    Người xã Thế Lại Thượng, Phủ Thừa Thiên . Năm Canh Tuất đời Duy Tân vì án quốc sự, bị khảo tấn hết sức khổ nhưng trước sau không khai một lời . Ngày 16 tháng 3 năm ấy tự tử ở trong ngục, các người đồng chí nhờ đó được vô sự . Than ôi ! Nghĩa liệt !
    Lời minh rằng :
    Sống vì nước chết vì nòi
    Bà Trưng Bà Triệu xưa này mấy ai "
    Trong sách Tự Phán có ghi lại một bài thơ của cụ Phan Bội Châu "Đề bia Ấu Triệu" như sau :
    Lọ là các cậu, lọ là ông,
    Ai bảo rằng thư chẳng phải hùng .
    Miệng có chào lòng quên sấm sét,
    Gan đành bỏ mạng tiếc non song .
    Dây lưng một giải bền hơn sắt,
    Nét máu ngàn thu đậm với hồng .
    Ai hỏi biết chăng thời chớ hỏi,
    Hỏi hòn đá nọ biết hay không ? "
    (trích TAĐBVL---NLT)

    TO BE OR NOT TO BE
  4. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Một số chỗ sai trong Từ điển Lịch sử Thừa Thiên-Huế

    Vào cuối năm 2000, nhà xuất bản Thuận Hoá ở Huế cho ra đời công trình Từ điển Lịch sử Thừa Thiên Huế (viết tắt TĐ) do Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế và Trường Đại học Khoa học Huế đồng chủ trì, Tiến sĩ Đỗ Bang chủ biên, dày gần 1200 trang, "nhằm cung cấp thông tin đa diện về lịch sử và văn hóa, không những đối với nhân dân trong tỉnh, trong nước và sự hâm mộ của hàng triệu người yêu Huế trên thế giới mà còn phục vụ cho hàng chục ngàn lượt du khách đến thăm Huế hàng năm" (trích Lời mở đầu của Tiến sĩ Đỗ Bang, tr.5). Nhưng rất tiếc công trình nầy được biên soạn không được như ý nên đã bị báo chí phê bình về nhiều mặt như Từ điển mà không thể sử dụng để tra cứu được, đặt tên các mục từ không đúng, tài liệu tham khảo nghèo nàn, cũ và không được xử lý một cách khoa học nên dẫn đến viết sai nội dung các mục từ. Về chỗ đứng của các soạn giả cũng không rõ nhiều mục từ lẫn lộn trắng đen. Tuy thế những người có trách nhiệm không thấy những thiếu sót nghiêm trọng của mình để khắc phục hậu quả mà vẫn tìm mọi cách phát hành rộng rãi cuốn Từ điển kém phẩm chất ấy. Về những sai sót của cuốn TĐ báo chí đã nói nhiều, riêng bài viết nầy chúng tôi chỉ đề cập đến một số điều bất cập của cuốn Từ điển về những thông tin liên quan đến lịch sử Phật giáo TTH. Những điều bất cập của TĐ về lịch sử Phật giáo TTH biểu hiện dưới các dạng sau đây:
    1. Thừa và thiếu: TĐ có 1588 mục từ mà đã dành cho chùa Thiên Mụ đến 7 (bảy) mục từ: Xây dựng chùa Thiên Mụ (tr.461), Thiên Mụ (chùa) (tr.782), Đúc chuông chùa Thiên Mụ (tr.205), Bảo quản ở Tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ (1885) (tr.21), Trùng tu chùa Thiên Mụ (1665) (tr.437), Trùng tu chùa Thiên Mụ (1714) (tr.437), Trùng tu chùa Thiên Mu (1815) (tr.438). Sao không dồn cả 7 mục từ đó vào mục từ Thiên Mụ (chùa) ? Huế là một trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam, tại sao viết chùa Diệu Hỉ (tr.570), chùa Qui Thiện (tr.759) mà không có chùa Diệu Viên, chùa Hồng Ân của Sư bà Diệu Không, Tịnh thất Hoàng Mai của Sư bà Cát Tường ? Theo tiêu chí cỡ chùa Diệu Hỉ thì có thể viết thêm trên 50 mục từ về chùa ở TTH nữa. Điều khó hiểu là các soạn giả đã bỏ qua các chùa Trúc Lâm, chùa Vạn Phước và hàng chục ngôi chùa cổ khác đã có rất nhiều quan hệ với lịch sử TTH ! Ví dụ như chùa Phước Thành (176/1 Phan Châu Trinh) của bà Ngọc Cầu - "thứ phi" của Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt (Khoát), chùa cổ Đông Thuyền do Công chúa Ngọc Ky trùng tu năm 1842, chùa Pháp Vân (thường gọi là chùa Khoai) - nơi đặt "bản doanh" của Đông Sơn thi tửu hội của anh em Đoàn Hữu Trưng và Đoàn Hữu Trực - những chủ tướng của cuộc nổi dậy chống vua Tự Đức năm 1866; chùa Thiên Hoà của Phủ Tuy Lý Vương, chùa Phước Duyên - nơi tu học của Đại Đức Thích Thanh Tuệ - người đã tự thiêu chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm vào ngày 13 tháng 8 năm 1963, chùa Tăng Quang - một cơ sở cách mạng, nơi tiếp tế và cứu chữa thương binh trong Chiến dịch Tấn công nổi dậy hồi tết Mậu Thân 1968 v.v..(*) Vì sự hiểu biết hạn chế hay vì một lý do cá nhân nào khác ?
    Viết về chùa Bà (Thiên Hậu Cung, tr.781) sao có thể bỏ sót Chùa Ông và các chùa Tàu nổi tiếng trên đường Chi Lăng như chùa Quảng Đông (157-159, Chi Lăng), chùa Bà Hải Nam (205, Chi Lăng), chùa Phúc Kiến ( 213 Chi Lăng)... Những chùa Tàu nầy có thua gì những chùa Tàu ở Hội An trong quần thể di tích được công nhận là di sản thế giới ở Hội An đâu ?
    Khi các soạn giả đã viết Lê Đình Thám (tr.955), Thích Mật Thể (tr.1104) tại sao lại không viết Sư bà Diệu Hương, Sư bà Diệu Không là những người đã có một ảnh hưởng lớn đến Phật giáo Huế và Việt Nam thế kỷ XX ?
    2. Nội dung đá nhau và không đúng với sự thật lịch sử: Mục từ "Thành lập Hội chấn hưng Phật giáo ở Trung kỳ", TĐ viết :"Năm 1933, thực dân Pháp lập ra Hội chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ, nhằm lợi dụng tôn giáo để tách quần chúng ra khỏi ảnh hưởng của phong trào cách mạng"(tr.385).
    Đoạn sử nầy có hai điều sai: Sai thứ nhất là nó mâu thuẫn ngay với nội dung mục từ Lê Đình Thám (1897-1969(tr. 956). TĐ viết: "Ông (Lê Đình Thám) là nhân vật chủ chốt của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Huế". Viết như vậy chứng tỏ ông Lê Đình Thám là người của thực dân Pháp, và chúng đã đưa ông ra làm nhân vật chủ chốt của một phong trào phản cách mạng. Sự thật lịch sử thì ngược lại. Lê Đình Thám là một Cư sĩ Phật giáo suốt đời yêu nước. Bởi thế Lê Đình Thám mới được Từ điển Lịch sử Thừa Thiên Huế do Đỗ Bang chủ biên xem ông là một nhân vật lịch sử (yêu nước).
    Sai thứ hai không có chuyện thực dân Pháp lập ra "Hội chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ". Theo bộ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang (Văn học, HN.1994) ở Huế xưa nay chưa hề có một tổ chức nào được thành lập mang tên là "Phong trào chấn hưng Phật giáo" cả. Chỉ có việc vào năm 1932, nhờ sự giúp đỡ của bà Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái hậu), vua Bảo Đại cho phép An Nam Phật học hội ra đời do Hoà thượng Giác Tiên đứng đầu, trụ sở đầu tiên đặt tại chùa Trúc Lâm Huế. An Nam Phật học hội là một tổ chức xã hội mà không bị thực dân Pháp cài mật thám vào. Năm 1935, An Nam Phật học hội đã tổ chức một đại lễ Phật đản chưa từng có ở nơi mệnh danh là Kinh đô Phật giáo Huế. Đây là cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên của Phật giáo Trung kỳ. An Nam Phật học hội qui tụ được nhiều nhà tu hành uyên bác như các Thiền sư Mật Khế, Mật Thể, Đôn Hậu, Diệu Hương, Diệu Không..., các cư sĩ như Tiến sĩ Đinh Văn Chấp, Nguyễn Khoa Tân, Bửu Bác...An Nam Phật học hội ra báo Viên Âm, tổ chức các buổi thuyết pháp, dịch Kinh sách. Phải chăng các Phật sự ấy đã gây nên Phong trào chấn hưng Phật giáo ? TĐ viết mục từ "Đấu tranh chống Mỹ Diệm khủng bố tôn giáo (1963)"(tr.188). Năm 1963, cuộc vận động của Phật tử Huế chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo chứ làm gì có chuyện chống Mỹ Diệm khủng bố tôn giáo ? Cuộc vận động đó được Mỹ ủng hộ kia mà ? Đi từ đấu tranh dân chủ (chống kỳ thị tôn giáo) lên đến đấu tranh dân tộc (chống Mỹ) là cả một đoạn đường dài của Phong trào đô thị chứ đâu mà dễ dàng đến thế ? Đặt tên cái mục từ nầy chứng tỏ người biên soạn không hiểu gì lịch sử đấu tranh của Huế cả nên đã vô tình xuyên tạc lịch sử.
    3. Có tài liệu nhưng không xử lý được tài liệu, gây rối loạn lịch sử: Về các Phong trào đấu tranh của Phật tử và sinh viên học sinh Huế trong hai năm 1964 và 1965, TĐ LSTTH viết 3 sự kiện ghi theo số trong Bảng tra mục từ là:
    283) Đấu tranh chống Mỹ đòi Trần Văn Hương từ chức (1964) (tr.188);
    285) Đấu tranh chống Mỹ của sinh viên Huế (1964,1965) (tr.190);
    288) Đấu tranh đòi hủy bỏ "Hiến chương Vũng Tàu"(1964) (tr.191).
    Lịch sử Thừa Thiên Huế trong thời gian cuối năm 1964 và đầu năm 1965 đã diễn ra Phong trào đấu tranh mang tính quốc gia là đòi hủy bỏ "Hiến chương Vũng Tàu" của tướng Sài Gòn Nguyễn Khánh (kéo dài từ 20.8.1964 đến tháng 10.1964) và Phong trào đấu tranh đòi cách chức Thủ tướng Sài Gòn Trần Văn Hương (kéo dài từ cuối tháng 12.1964 đến cuối tháng 1.1965). Đó là hai sự kiện quan trọng, TĐLSTTH dù viết chưa đúng nhưng cũng đã soạn thành hai mục từ sự kiện 283) và 288). Nhưng không hiểu mục từ sự kiện 285) Đấu tranh chống Mỹ của sinh viên Huế (1964,1965) (tr.190) thuộc về phong trào nào ? Phải chăng do không nghiên cứu nên soạn giả đã cắt một phần của sự kiện trước 283) và một phần của sự kiện sau 288) làm thành sự kiện 285). Viết như thế có phải là làm nhiễu loạn lịch sử. Viết về chùa Kim Tiên sách ĐNNTC bản đời Duy Tân được các soạn già dùng thường xuyên đã ghi rất rõ "Tương truyền chùa nầy do Hoà thượng Bích Phong làm ra" (Thừa Thiên tập Thượng, bản dịch của Nguyễn Tạo, tr. 86). Nhưng với mục từ Kim Tiên (Chùa) (tr. 651), TĐLSTTH viết: "Không rõ ai khai sơn."
    4. Xem nhẹ các phong trào đấu tranh bảo vệ ''quyền dân tộc tự quyết'' của Phật tử Huế: Thừa Thiên Huế có Huế là một trung tâm Phật giáo quan trọng nhất ở miền Nam Việt Nam. Cuộc vận động của Phật giáo Huế chống chính thể Ngô Đình Diệm và các chính quyền tay sai sau Diệm đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử các Phong trào đấu tranh ở Đô thị miền Nam từ 1963 đến năm 1975. Thế nhưng có thể nói các di tích và con người theo đạo Phật ở Huế trong các cuộc đấu tranh từ 1963 đến 1975 đã bị quên lãng. TĐ không hề nhắc đến các nhà sư đã tự thiêu chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và các chính phủ tay sai Mỹ như Đại đức Thích Thanh Tuệ (chùa Phước Duyên), tự thiêu ngày 13.8.1963, Thượng tọa Thích Tiêu Diêu (chùa Từ Đàm), tự thiêu ngày 16.8.1963; Sư cô Thanh Quang (tự thiêu tại chùa Diệu Đế vào ngày 29 tháng 5.1966), nữ học sinh Nguyễn Thị Vân, tự thiêu ngày 31.5.1966, Đại đức Thích Chơn Thể (chùa Tường Vân) tự thiêu ngày 9.5.1971 v.v. và v.v. Những người Phật tử đó hy sinh bên lề lịch sử Thừa Thiên sao ? TĐ viết về nhà thờ Tây Lộc mới xây năm 1966 để thờ "các Thánh tử đạo" (tr.765) của Thiên chúa giáo, nhưng lạ thay các nhà soạn TĐ không quan tâm gì đến tháp bia kỷ niệm những người Thánh tử đạo Phật giáo chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm từ năm 1963 dựng trước Đài phát thanh Huế - nơi mọi người Huế thường qua lại hằng ngày. Theo tiêu chí của TĐ nêu ở Lời mở đầu là TĐ "chỉ tuyển chọn những mục từ có quá trình và nội dung lịch sử" (tr.7). Phải chăng tháp bia kỷ niệm những người Thánh tử đạo Phật giáo chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm không có quá trình và nội dung lịch sử ?
    Bài viết nầy chỉ mới trích một số ví dụ để dẫn chứng chứ thật sự chưa thể kê cứu hết những bất cập về lịch sử Phật giáo TTH của TĐ. Cách đây gần ba thế kỷ nhà văn Pháp J.B.Bossuet (1627-1704) có lời báo động rằng :"Từ ngày có những nhà viết sử thì không còn sử nữa" (Depuis qu'' il y a des historiens , il n'' y a plus d'' histoire). Rất mong các nhà sử học biên soạn TĐ ngày nay đọc lại lời báo động của Bossuet mà có biện pháp viết lại cuốn TĐ để cho lịch sử TTH nói chung và lịch sử Phật giáo TTH nói riêng khỏi rơi vào hoàn cảnh " không còn sử nữa".
    Tháng 3/2001-Tâm Hằng

    TO BE OR NOT TO BE
  5. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961)
    Hữu Vinh dịch và giới thiệu
    Trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu...
    Giọng hò Huế đã đưa bài ca ấy vào tâm khảm của người Việt Nam không biết tự bao giờ... Hầu như ai cũng biết, và biết chủ đề bài ca liên quan tới cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân. Nhưng có lẽ ít người biết tên tác giả: Nguyễn Phúc Ưng Bình, bút hiệu Thúc Giạ Thị. Ngoài tập thơ chữ Hán giới thiệu trong bài này, Thúc Giạ Thị là tác giả các vở tuồng Tuồng Lộ Ðịch, Tuồng Tào lao và các tập thơ Tình Thúc Giạ, Ðời Thúc Giạ, Bán buồn mua vui, Tiếng hát sông Hương...
    Chúng ta đã thưởng thức Thơ, Ca Huế, Ca Trù, Hò, Tuồng của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một nhà thơ lừng lẫy của miền sông Hương núi Ngự. Nhưng nói đến sự nghiệp văn chương của thi ông mà không nhắc đến thơ chữ Hán của thi ông là một điều thiếu sót lớn lao. Thi ông Ưng Bình Thúc Giạ đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam tất cả 197 bài thơ chữ Hán, nếu kể một bài thơ thuộc loại tám câu, thì thi ông đã sáng tác hơn 200 bài theo lối thơ Ðường luật. Phần nhiều đều là những bài thơ thật tuyệt vời không những về hình thức lẫn nội dung.
    Thơ chữ Hán của Ưng Bình có những đặc điểm sau đây:
    1. Nói chung, thi ông xoay quanh chữ "Tình". Tình đối với núi sông non nước, tình đối với thiên nhiên, tình bạn thơ ca, tình bạn ở quan trường, tình bạn bè thâm giao, tình với cô đào của ca trù và ca Huế.
    2. Tình của thi sĩ thường được thể hiện qua những "nỗi buồn". Buồn của thi ông cũng đa dạng, nhưng cũng rất đặc biệt. Thi ông không buồn như nỗi buồn day dứt, than thở sinh không gặp thời như phần đông các thi gia đời Tống, Ðường. Thi ông cũng buồn vì ly loạn chiến tranh, nhưng không buồn tê tái như Ðỗ Phủ, không buồn man mác như Lý Bạch, không buồn yếm thế như Lý Thương Ẩn. Trái lại, người làm quan Án Sát mà lúc nào cũng say sưa với cái đẹp của vũ trụ, cái đẹp của thiên nhiên và buồn một cách nhẹ nhàng, thanh tươi. Thi ông buồn vì xa nhà, nhớ quê; buồn vì xa bạn, xa cô đào; buồn vì thiếu người để cùng ngao du sơn thuỷ; buồn vì mưa thu; buồn vì xa người ruột thịt v.v. Do đó thơ chữ Hán của thi ông có sự thu hút mãnh liệt đối với đa số người đọc, vì hồn thơ thanh thoát, mộc mạc nhưng tế nhị, sâu sắc.
    3. Thơ của thi ông thường hay ghi lại những vết tích lịch sử, địa lý và xã hội cho nên rất gần gũi và dễ cảm nhịp với con tim của người đọc cùng xứ sở. Chúng ta có thể cùng được thưởng thức phong cảnh tuyệt vời ở những nơi danh thắng mà trong đó còn có những nhân vật nổi tiếng có liên quan đến lịch sử, văn học và xã hội đương thời.
    Cuộc đời của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị là cuộc đời của những bậc đường quan, nhưng cũng là của những kẻ tao nhân mặc khách. Gió mát, trăng thanh, phong cảnh, trời thu, tình yêu đều là những yếu tố cần thiết, là nguồn thơ không thể thiếu. Phần nhiều các thi sĩ sống và sáng tác vì cô đơn, yêu cô đơn, lấy sự cô đơn, sự khổ đau làm lẽ tự nhiên cho nguồn sáng tạo. Thi ông thì trái ngược, lấy tình người làm gốc chốt, lấy ngoại cảnh thiên nhiên để cảm hứng, để dệt thành những vần thơ ngọt ngào, thanh thoát và đầy ắp tình người luyến lưu, đậm đà. Thi ông thường hứng tạo những vần thơ về tình người trong những lúc cùng bè bạn ngao du sơn thuỷ, chơi thuyền, trèo núi; hay trong những lúc ngâm thơ xướng họa; hay trong những lúc hò hát; hay trong những phút nhớ nhung vì xa cách. Do vậy, trong cuộc đời của thi ông, bạn bè, ca nữ và thiên nhiên là những yếu tố quan trọng.
    Tình bạn đối với bạn thơ
    Tập thơ chữ Hán của thi ông hầu như là tập thơ hoạ với thơ của các bạn thơ. Thi ông có rất nhiều bạn bè. Song thi ông thường hoạ thơ và nhắc nhở đến nhiều lần với mối cảm tình nồng nàn, đậm đà là những người như ông Thúc Thuyên, Ðông Chi, Ðông Trì và Hà Thiếu Trai.
    Ðối với em trai Thượng Thư Thúc Thuyên
    Thi sĩ thì ai cũng lắm tình, nhưng mối tình ruột thịt của thi ông đã đặc biệt đành cho Thúc Thuyên thì thật đậm đà, được thể hiện qua tám bài thơ còn để lại trong tập thơ chữ Hán có liên quan đến Thúc Thuyên. Thượng Thư Thúc Thuyên, không ai khác hơn là người em ruột của thi ông, tuổi tác gần kề, cũng yêu thơ và cũng là quan lớn trong triều đình nhà Nguyễn. Ðều cùng là những bậc đại quan trong triều, việc quan gánh nặng trên vai, Thúc Thuyên và Thúc Giạ đều phải rày đây mai đó, nhậm chức ở những nơi khác biệt. Anh em hiếm lúc đoàn tụ sinh sống bên nhau. Tuy nhiên không phải vì thế mà tình cảm anh em ruột thịt xa mặt cách lòng. Song ý trời không thay đổi được. Năm Ất Hợi (1935), lúc Thúc Giạ về hưu được hai năm thì Thúc Thuyên mất. Thi ông khóc em thống thiết như sau:
    Ất Hợi bát nguyệt thập lục nhật khốc gia đệ Thúc Thuyên.
    (Lộc minh đình thi thảo tập 2 bài số 129).
    Thiên thiên di tích thính ai minh
    Sắt sắt thu thanh diệp lạc thanh
    Do thị nguyệt minh tam kính cúc
    Vị hà phong tiễn nhất chi kinh
    Túy dư hoa giáp nan thành tịch
    Trước nhữ ban y bất tại đình
    Cạnh phú linh nguyên vô thiểu bổ
    Phật tiền đính lễ phúng tâm kinh Ngày 16 tháng 8 năm Ất Hợi khóc em Thúc Thuyên.
    Chim sầu lối cũ cỏ còn xanh
    Xào xạc thu sang rụng lá cành
    Ðây cũng trăng chờ ba luống cúc
    Mà đâu gió cuộn một cành Kinh
    Ðể ta bạc tóc ai say với
    Thiếu áo mầu em sân vắng tanh
    Ca tụng chim chìa đâu ý nghĩa
    Phật đài đãnh lễ tụng tâm kinh

    Chú thích: Cây Kinh để chỉ tình anh em hoà thuận (Tự điển Thiều Chửu, trang 554). Chim Chìa còn có tên Tích Linh, để chỉ tình em quấn quýt (Tự điển Thiều Chửu, trang 798).
    Ðối với ông Thiếu Trai Hà Ngại
    Trong 197 bài thơ chữ Hán còn lưu lại, thi ông đã dành gần 15 bài thơ hoạ với ông Hà Ngại. Ðây là số tỉ lệ lớn nhất về thơ hoạ của thi ông với bạn bè. Thi ông quen biết với ông họ Hà từ lúc còn làm Tri Phủ huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Tình bạn cứ kéo dài cho tới lúc về hưu và nhất là lúc tuổi gần về trời, thi ông với ông họ Hà có rất nhiều bài thơ hoạ tuyệt tác.
    Ðáp hoạ Bình Ðịnh Quan Sát sứ Hà Thiếu Trai trung thu cảm tác nguyên vận.
    (Lộc minh đình thi thảo tập 2 bài số 189).
    Thu khứ thu lai thu hựu thu
    Hợp ly ly hợp kỷ thời hưu
    Tài hoa ngã thặng Uyên Minh kính
    Tuyển cú quân đăng Dữu Lượng lâu
    Giang tế oanh ca thôi cựu mộng
    Vân biên nhạn tín giải tân sầu
    Tự liên sấu cốt sai thi cốt
    Nan đạo thừa tra tác viễn du

    Hoạ đáp thơ Trung thu cảm tác của quan Án Sát Bình Ðịnh Hà Thiếu Trai.
    Thu đến thu đi đã mấy mùa
    Hợp tan tan hợp đến bao giờ
    Uyên Minh vườn cũ tôi trồng cúc
    Dữu Lượng trên lầu anh vịnh thơ
    Ðầu bến giọng oanh ru mộng cũ
    Chân trời bóng nhạn rộn tin chờ
    Tìm thơ mòn mỏi đà gầy cọm
    Phải dạo thuyền chơi chuyện chẳng đùa

    Tình đối với Thiên nhiên
    Cuộc đời của thi ông, sống ở Huế chỉ trừ lúc sinh ra, sống thuở thiếu thời và lúc về hưu, còn ngoài ra đều vì việc quan nên phải rày đây mai đó, nhậm chức quan lúc thì ra phiá bắc miền trung, lúc thì vào phía nam miền trung nước Việt. Ngao du sơn thuỷ, thơ ngâm, rượu nhắm, hò hát, bạn bè là những yếu tố cần thiết trong cuộc đời của thi ông. Qua những vần thơ chữ Hán, chúng ta có dịp thưởng ngoạn những danh thắng như: Chùa Tra Am, chùa Linh Mụ, núi Ngự sông Hương ở Huế, sông Ngưu Chữ ở Hương Khê, Ðầm Cầu Hai, núi Bạch Mã ở Thừa Thiên, Ngũ Hành Sơn ở Quảng nam, sông Hãn ở Quảng Trị, núi Linh Phong ở Bình Ðịnh, Ðộng Phong Nha, Luỹ Thầy, sông Gianh, sông Nhật Lệ, núi Ðâu Mâu ở Quảng Bình, dãy Hoành Sơn ở Hà Tĩnh, Văn Miếu ở Hà Nội v.v...
    Trung thu
    Tân Tỵ trung thu phiếm nguyệt hữu hoài
    (Lộc minh đình thi thảo tập 2 bài số 190).
    Nhất diệp khinh chu thủy thượng phù
    Sổ thanh hàn nhạn bất thắng thu
    Nhĩ Tỳ bà khúc thương ly hợp
    Xuy phụng hoàng tiêu cảm khứ lưu
    Phẩm mính đề thi chiêu khách họa
    Hữu ngư vô tửu hướng khuê mưu
    Bồng song liêm quyển hàm thanh mộng
    Thố ảnh tương khuy bạn chẩm đầu


    Cảm nhớ vào dịp Trung thu năm Tân Tỵ (năm 1941) chơi thuyền.

    Một chiếc thuyền con thả lững lờ
    Thu sầu nhạn lẻ gọi bâng quơ
    Tiếng Tỳ tan hợp lòng thương cảm
    Sáo Phượng chờ đi luống ngẩn ngơ
    Trà nhắm thơ đề mời khách hoạ
    Cá còn rượu thiếu gọi nhà đưa
    Mạn thuyền say mộng bên rèm cuốn
    Ngước mắt trăng chờ bên gối mơ
    Ði thăm núi Linh Phong ở Bình Ðịnh.

    Quý Dậu thủ hạ giai Nại Viên Ưng Nghệ Lan Ðình Ưng Bộ Thúc Ðồng Ưng Loại Thanh Chi Ưng Thông tùng Bình Ðịnh tỉnh Án Sát sứ Thiếp Thiết Phù Cát huyện doãn Thái Văn Chánh phóng Linh Phong cổ tự (Lộc minh đình thi thảo tập 2 bài số 94).
    Linh Phong cổ xát cận Bàn thành
    Huề hữu đăng lâm bộ bộ khinh
    Hữu hoạ sơn vân phù phiến phiến
    Vô ba sơn tuyền lạc thanh thanh
    Ngự sàng hoán tỉnh quân vương mộng
    Thạch thất thường lưu đại sĩ danh
    Hà hạnh thử sinh tu đắc đáo
    Tương yêu địa chủ thái đa tình

    Ðầu muà hè năm Quý Dậu (năm 1933) cùng các ông Nại Viên Ưng Nghệ, Lan Ðình Ưng Bộ, Thúc Ðồng Ưng Loại, Thanh Chi Ưng Thông theo quan Án Sát tỉnh Bình Ðịnh là Thiếp Thiết, quan huyện Phù Cát là Thái Văn Chánh đến thăm chùa cổ Linh Phong.
    Linh Phong chùa cổ cạnh Bàn thành
    Cùng bạn lên chơi bước bước nhanh
    Họa có mây trời hình lớp lớp
    Sóng yên suối nước tiếng thanh thanh
    Long sàng vương đế hồn mơ tỉnh
    Thạch thất phật bà tiếng nổi danh
    May mắn đời này tu có được
    Chủ chùa mời đón quá thân tình

    Yếu tố thơ Ðường trong thơ chữ Hán của Ưng Bình
    Ưng Bình chữ Hán uyên thâm một phần nhờ ảnh hưởng của thơ Ðường, phú Tống. Mượn tình và cảnh trong thơ Ðường để dệt nên những vần thơ trác tuyệt là một trong những đặc điểm trong thơ chữ Hán của thi ông. Nhưng không vì thế mà làm cho thơ chữ Hán của thi ông cứng cỏi, câu nệ, nặng nề, trái lại thơ chữ Hán của thi ông lại thanh tươi, nhẹ nhàng, ý thơ lai láng, trữ tình, sâu đậm, cô đọng, và phần nhiều dễ gây được cảm thông sâu xa với người đọc. Thi ông chịu ảnh hưởng nhiều đối với các thi nhân Tống, Ðường của Trung Quốc như Bạch Cư Dị, Ðỗ Phủ, Lý Bạch, Lý Thương Ẩn và Vương Duy. Thi thánh Ðỗ Phủ là thi nhân được nhắc đến nhiều nhất trong thơ của thi ông, kế đến là Vương Duy và Lý Thương Ẩn.
    Dưới đây là bài thơ trong đó mượn ý thơ của các thi sĩ đời Ðường để diễn đạt sự nhớ nhung bạn cũ.
    Xuân nhật hữu hoài Linh Giang cựu hữu - Án Sát Quảng Bình
    (Lộc Minh đình thi thảo tập 1 bài số 66).
    Tế sổ lạc hoa sầu vị phá
    Tĩnh thinh đề điểu tín tương lai
    Ngâm bôi hữu khách hoài vân thụ
    Lữ dạ hà nhân khán đẩu đài
    Kỷ khúc Vị Thành tân sắc liễu
    Nhất chi Kế bắc cựu tình mai
    Tư quân nhiễu mộng tầm quân xứ
    Chu phiếm Linh Giang thượng Hải đài

    Ngày xuân nhớ bạn cũ ở sông Gianh - Án Sát Quảng Bình
    Ðếm tàn hoa rụng chạnh sầu
    Lặng nghe chim gọi đợi cầu tri âm
    Mây ngàn rượu ngóng thơ ngâm
    Trông sao đêm trọ âm thầm nhớ ai
    Vị thành khúc vẳng bên tai
    Nhớ người Kế Bắc cành mai gợi tình
    Nhớ anh vào mộng tìm quanh
    Sông Gianh thuyền dạo lên thành Hải trông

    Chú thích: Mây ngàn, thơ Ðỗ Phủ Xuân nhật hoài Lý Bạch, có hai câu "Vị Bắc xuân thiên thụ, Giang Ðông nhật mộ vân"; Trần trọng Kim dịch Ngày xuân nhớ Lý Bạch: "Cây xuân Vị Bắc xanh rờn, Giang Ðông chiều tối mây ngàn thênh thênh". (Nhìn phong cảnh nên thơ ở Vị Bắc mà nhớ người ở Giang Ðông).
    "Vị Thành", "Dương Quan" hay "Tam Ðiệp" thường được thi ông lấy ý từ bài Vị Thành Khúc thơ Vương Duy để diễn tả tình cảnh chia ly bịn rịn, ngậm ngùi với bạn bè.
    Vị Thành Khúc
    Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần
    Khách xá thanh thanh liễu sắc tân
    Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
    Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.

    Vương Duy
    Khúc hát Vị Thành
    Vị thành mưa sáng mờ sương bụi
    Lữ xá xanh màu sắc liễu xuân
    Anh ơi hãy cạn ly này nhé
    Qua khỏi Dương Quan ai cố nhân
    (Hữu Vinh dịch)
    Phần Kết
    Trong 197 bài thơ chữ Hán trong tập Lộc Minh Ðình thi thảo, thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã để lại cho nền thơ văn chúng ta nhiều bài thơ trác tuyệt, là những tài liệu quý giá để cho người đời sau còn có dịp nghiên cứu và hiểu được phần nào về xã hội, lịch sử thời đó, cũng như có dịp hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của thi ông.
    Lượt qua những bài thơ chữ Hán, thi ông sẽ đưa người đọc về thế giới phong lưu của hàng mặc khách ngày xưa, ta sẽ cảm thấy buồn vui lẫn lộn, tình cảm sẽ dạt dào, và có được cảm giác nhớ nhung chất ngất, tai ta còn nghe văng vẳng đâu đây những tiếng cười vui với những nhịp trống, lời ca, tiếng hát, câu hò của khách thơ, của ca nữ trong những dịp vui hát ca Huế, ca Trù, hay trong những lúc dạo chơi với núi non, trăng thanh, gió mát, thuyền chèo ở miền Trung nước Việt.
    Ðọc những vần thơ đầy ắp tình bạn, tình người, tình đối với ca nữ, tình đối với trăng thanh, gió mát, hoa tươi, cỏ đẹp, núi biếc, sông mờ, ta dễ cảm nhận được ý nghĩa của tình người qua thi ca của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
    Dịch giả chân thành cám ơn nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, ái nữ của thi ông, đã chỉ dẫn, khuyến khích, cho phép trích dịch và cung cấp tài liệu.
    Được duongphuongbay sửa chữa / chuyển vào 01:09 ngày 10/04/2004
  6. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    CUỘC ĐỜI CỦA MỘT ÔNG TƯỚNG LỪNG DANH BẮT ĐẦU TỪ MỘT BÀI VĂN NHỎ
    Nguyễn Văn Chương (1800-1874) xuất thân trong một gia đình làm ruộng và thợ mộc ở làng Chí Long huyện Phong Điền (cũ). Tuy cha mẹ nghèo nhưng ông cũng được theo học liên tiếp với ba thầy mà thầy nào trong một thời gian cũng "hết chữ". Chương có óc thông minh và trí nhớ khác thường. Khi các thầy đã hết chữ, ông tự học một mình, ngày đêm miên man đọc sách, nhất là sách Luận Ngữ, Tả Truyện. Ông đọc cả sách dạy võ, ham luyện võ thuật, nghiên cứu binh thơ đồ trận cùng những sách có thể ứng dụng được cho đời. Thấy ông có một sự hiểu biết uyên bác, một lối suy luận sâu sắc chưa ai từng có (ở Phong Điền), cho nên người đương thời cứ nghĩ rằng ông gặp được dị nhân truyền dạy cho những điều kiện tuyệt ấy chứ người đời dễ gì có thể dạy cho ông được như thế.
    Ông không thích lối học văn cử nghiệp. Nhân khi vua Minh Mạng có chiếu chỉ chiêu mộ những người có học thức vào làm nha lại tại các phủ, huyện, ông xin vào giữ một chân thơ lại nhỏ ở huyện Phong Điền. Lúc ấy ở huyện có xảy ra một vụ án khá bí ẩn khiến các quan lại không ai có thể khám phá ra được. Nghe nói Nguyễn Văn Chương có óc thông minh tuyệt vời, trí xảo thần diệu, họ bèn gọi ông đến giao cho ông xét vụ án. Quả nhiên ông đã tìm ra thủ phạm. Văn Chương đã dùng một lối văn sắc bén, khúc chiết minh bạch để viết bản án. Đám quan lại đã trải qua nhiều trường ốc cũng phải tấm tắc khen ngợi. Bản án đó được đưa lên Tỉnh rồi Tỉnh chuyển qua Bộ. Bộ xem qua thấy giá trị cái bản án này tương đương với một văn bằng đại học cho nên tác giả bản án được bổ làm thơ lại ngay tại bộ Hộ ở Kinh thành. Ở Bộ ông học chưa đầy ba tháng ông lại đã tinh thông cả toán tinh, toán diền.
    Vua Minh Mạng vốn là người học rộng, biết trọng nhân tài nghe tin các quan đồn đại tài đức của Chương, nhà vua liền goiï vào bệ kiến. Mới trông thấy Chương thân hình tráng kiện, mặt mũi khôi ngô, Minh Mạng mừng rỡ khen rằng:
    - "Người này coi bộ phẩm cách hơn người, khen cho ai đã có mắt xét được hiền tài, tiến cử cho ta một người xứng đáng".
    Vua truyền đem giấy bút bảo Văn Chương làm một tờ sớ ngay trước mặt vua. Văn Chương hí hoáy viết một lúc là xong ngay, rồi dâng trình ngự lâm. Minh Mạng là người rất nghiêm khắc thế mà khi xem xong tờ sớ cũng phải buộc miệng khen rằng:
    - "Chữ tốt, văn hay, dù bậc đại khoa cũng không hơn được".
    Từ đó Văn Chương được bạt thọ hàm Điển bộ lãnh chức biên tu (Chánh thất phẩm cùng một trật với giáo tho, kinh lịch) tại Nội các tức Văn phòng của vua ở Nội điện, không bao lâu sau ông được thăng lên đến Hồng Lô Tự Khanh (Chánh tứ phẩm cùng một trật với phủ thừa án sát) và vẫn làm việc ở Nội các. Đến năm ông 35 tuổi ông được chuyển từ văn qua võ, ông phục vụ ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức... và trở thành một người anh hùng chống thực dân Pháp tuy không may mắn nhưng đáng cho lịch sử vô cùng tín ngưỡng. Vì tài trí và công lao của Nguyễn Văn Chương nên đến năm 1850, vua Tự Đức đã chuẩn phê cải tên cho ông là Nguyễn Tri Phương. Đổi tên dựa theo câu "Dõng thả tri phương^
    TO BE OR NOT TO BE
  7. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    PHẠM PHÚ THỨ KHUYÊN VUA TỰ ĐỨC BỎ TÍNH LƯỜI BIẾNG
    Vua Tự Đức lúc còn nhỏ bị bệnh đậu mùa, mặt rổ nói ngọng. Tuy được bà Từ Dũ chăm sóc nuôi dưỡng tận tình, nhưng ông thường đau yếu, hay lẫn tránh những hoạt động mệt nhọc. Từ khi ông lên ngôi, những buổi thiết triều quan trọng thường bị bãi bỏ. Nhất là vào những ngày đông tháng giá. Công việc trị dân bị đình đốn phiến tấu không dâng lên được. Bọn quan lại cơ hội thì nhân đó tranh thủ thu vén cho mình, những người có một chút tình với dân với nước thì lo lắng cho xã tắc không vui. Tình hình đó ai cũng thấy nhưng không ai dám khuyên can vua.
    Thấy tình hình kéo dài không ổn, trong đám quan lại bỗng có một người dám đứng ra làm việc đó. Người ấy là ông Phạm Phú Thứ người Quảng Nam, đỗ tiến sĩ giữ chức Thị Độc trong viện Tập Hiền. Phạm gửi cho Tự Đức một tờ sớ xin trích một đoạn như sau:
    "Kẻ hạ thần có nghe: sự siêng năng là đức của thánh nhân nết tốt của quân tử. Xưa vua Thuấn nối ngôi vua Nghiêu, thiên hạ đã thái bình mà vẫn chăm lo làm việc, không chút rỗi rảnh. Vua Văn Vương cũng là bậc thánh, đức tốt, đủ làm phép tắc muôn nước, dậy mà còn chăm lo việc dân đến nỗi không rỗi ăn uống cho no. Hai vua ấy siêng năng là dường nào... Các liệt thánh (của ta) cũng không kém gì vua Thuấn vua Văn. Bởi vì sự trị an trong nước không tới thì lui, cho nên đấng nhân quân phải siêng lo luôn, rỗi đâu mà chơi nhởi. Nay đức Hoàng Thượng lên giữ Thánh nghiệp bốn biển theo về. Vậy mà kẻ hạ thần trộm thấy công việc chốn triều đình còn bề trễ, thần dân trong nước đang ngóng cổ trông ơn vua. Lúc này chính là lúc Hoàng Thượng chăm lo mới phải. Thế mà Ngài lên ngôi ba năm nay, nhân khi tiết hậu đổi thay, thường hay se mình, qua tiết thu đông càng thêm đau yếu. Các quan ngự y điều trị đã ra công chữa chạy, các đìng thần đang sớ thỉnh an, muốn nói mà không dám cạn lời. Nay nhờ phúc trời, Thánh thể đã mạnh khỏe. Ngài nên tự cường đừng nên trể nhác, bắt chước theo đế vương theo liệt thánh, còn e không thỏa lòng mong của thiên hạ. Vả chăng về tiết mùa đông, mưa nắng là sự thường. Thế mà chốn đại đình vắng thấy nghi chầu, nơi hậu uyển thường nghe tiếng trống, trể nải như vậy, tôi e trị hoá càng lùi. Chốn kinh diên không nơi giảng sách thì điều được điều mất không biết xét vào đâu, mà lời nói lành càng ngày càng vắng vẻ. Bầy tôi ít thấy vào ra mắt, thì phận vua tôi xa cách, mà tình kẻ dưới một ngày một sơ. Các quan phủ huyện các nơi, chực dẫn kiến mãi mà không được, ắt sự lợi sự hại trong dân sao thấu tai Vua, mà dân chánh ngày một kém đi. Phương chi việc trong nước không phải chỉ mấy điều đó mà thôi. Vậy kẻ hạ thần cúi xin Hoàng Thượng hãy nghĩ đến tiền nhân vì siêng năng mà làm nên thịnh trị, rồi Ngài nhớ lấy mà đừng quên, hãy gắng lấy mà đừng trể, nước nhà được yên ổn dài lâu cũng bởi đó mà ra. Kẻ hạ thần ngồi thấp nói cao, mình biết mình chắc có tội, ngữa nhờ lượng thánh xét cho!" - Phạm Phú Thứ.
    Sớ ấy tâu lên vua Tự Đức đọc qua giận tái mặt. Nếu một người nào đó dám viết tờ sớ ấy chắc Tự Đức đã ra lệnh chém ngang lưng vì tôi phạm thượng. Nhưng với Phạm Phú Thứ thì Tự Đức không dám làm như thế. Lúc còn làm Thái Tử, nhiều lần Tự Đức đã đưa thơ nhờ Phạm duyệt và nhà vua đã biết tài của Phạm. Để cho khách quan, ông bảo đình thần hãy nghị tội Phạm. Bọn nịnh thần giá áo túi cơm đầu triều Tự Đức có dịp lập công lấy lòng vua đùng đùng kết tội ông, họ bảo ông là nói với vua mà dung nhiều lời quá đáng. Thế là Phạm bị tội đồ, phát phối vào làm lính ở trạm Thừa Nông (Nong bây giờ). Tưởng như thế là thoả đáng rồi. Không ngờ cái tin đó đến tai bà Từ Dũ - mẹ vua Tự Đức. Bà Từ Dũ hỏi con:
    "Ông Phạm dâng sớ hặc cái tính lười biếng của con thì ổng được lợi gì?"
    Tự Đức đáp:
    - "Ông không được lợi gì nhưng sao bề tôi lai nói với vua quá đáng như thế?"
    - "Khi người ta thương thì người ta mới giận. Mà đã giận thì nói quá lời. Còn những người bẩm bẩm dạ dạ để được lòng vua chắc chi đã trung với vua?"
    Tự Đức cúi đầu làm thinh, Bà Từ hỏi tiếp:
    - "Ông Phạm vô Thừa Nông làm lính có buồn không?"
    - Không những không buồn mà trái lại ông rất vui. Con nghe nói chiều chiều rảnh việc ông hay thả thuyền trên sông Thừa Nông ngâm thơ với biệt hiệu là Nông Giang!".
    - "Thế thì người trượng phu không phải vui ở chức tước được người trên trọng hay khinh mà cốt ở việc làm chân chính!".
    Tự Đức sụp lạy mẹ.
    Sau đó Phạm Phú Thứ được triệu về Kinh khai phục chức Hàn lâm viện điển tích, biệt phái đến sở tu thư. Về sau, Phạm Phú Thứ trở thành một đại thần nổi tiếng thời Tự Đức.

    TO BE OR NOT TO BE
  8. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Chữ "HUẾ" có từ lúc nào?
    Danh từ "HUẾ" có từ bao giờ ? Chữ "HUẾ" có ý nghĩa là gì ? Đó là điều thắc mắc của nhiều người, trong đó có cả những người con dân Huế .
    Người ta thường cho rằng chữ Huế do tiếng Hóa (trong Thuận Hóa, Hóa Châu) đọc chệch ra, qủa đúng như thế thì đọc chệch ra từ bao giờ, vì sao lại đọc chệch ra như thế ?
    Lần giở những trang lịch sử văn học cổ của dân tộc, chúng ta bắt gặp một câu trong Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn , tương truyền của vua Lê Thánh Tông (tại vị 1460-1469) :"hương kì nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bị hồ tiêu, thau Lào thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vơi then". Dựa vào câu này, nhiều người cho rằng danh xưng "HUẾ" xuất hiện chậm lắm cũng vào cuối thế kỷ thứ Mười Lăm. Tuy nhiên tác phẩm Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn chưa chắc là của Vua Lê Thánh Tông, nên không chắc chắn định được mốc thời gian.
    Đến khi Dương Văn An, tiến sĩ đời nhà Mạc viết sách Ô Châu Cận Lục vào năm 1555, có ghi một chi tiết của huyện Tư Vinh (thuộc tỉnh Thừa Thiên) như sau: "Có nơi hoa tường liễu ngõ, vẻ rất đong đưa, nơi có tiếng Huế, quần Chiêm ..."
    Đến cuối thế kỷ Mười Sáu sang nửa thế kỷ Mười Bảy, do nhu cầu học tiếng Việt để truyền Đạo Công Giáo, vì chữ Hán và chữ Nôm đều rắc rối, các Giáo sĩ Tây Phương đã tìm cách dùng mẫu tự chữ La Tinh để ghi âm ngôn ngữ bản xứ . Người có công lớn trong việc thành lập chữ Quốc Ngữ (chữ viết ngày nay ta dùng) là Giáo sĩ Công Giáo Alexandre De Rhode, (tiếng Việt gọi là Đắc Lộ) người Pháp, ngài đã đến Đàng Trong hai lần, lần đầu khoảng năm 1624-1627, lần sau vào khoảng năm 1640-1645, ngài học tiếng Việt rất giỏi, chỉ trong vòng 6 tháng đã nói thông thạo . Và trong tác phẩm Voyages et Mission của ngài xuất bản tại Paris năm 1653 (tái bản 1666 và 1668) ngài có viết : gọi Thủ Phủ chúa Nguyễn là Kẻ Huế (ke Hue) .
    Thế là danh xưng này chắc chắn đã có từ trước, muộn lắm cũng vào năm 1636 khi chúa Nguyễn Phúc Lan, tức Chúa Thượng (1636-1647) khi dời thủ phủ từ làng Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền đến Phủ mới ở làng Kim Long.

    TO BE OR NOT TO BE
  9. junkie

    junkie Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/10/2003
    Bài viết:
    175
    Đã được thích:
    0
    Rất khâm phục và cảm ơn anh rất nhiều về những thông tin bổ ích mà anh đem đến cho chúng tôi, tôi chỉ tiếc rằng mình tài hèn sức mọn nên không thể góp được tiếng nói vào một số chủ đề của anh được, chỉ biết rằng có thể bằng cách đọc những gì anh đem đến cũng là một cách để giữ và bảo tồn hình ảnh Huế ở trong mình, như vậy cũng có thể gọi là một cách yêu Huế phải không anh?
    Anh đường ngạc nhiên gì về việc các chủ đề của anh ít người hồi âm bởi mọi người có thể đều choáng ngợp trước những gì anh đem đến, anh hãy cứ viết bài nhiều , thật nhiều vào, tôi sẽ là độc giả trung thành của anh.

    Ngày mai chẳng biết ra sao nữa
    Mà có ra sao cũng chẳng sao.
  10. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    "Sơ yếu lí lịch" cụ Phan Bội Châu bằng thơ
    Huyết lệ sử cụ Phan Sào Nam
    Nhiễu điều gương cụ Sào Nam
    Họ là Phan Bội chính hàm tên Châu
    Sử vàng để lại ngàn câu
    Không tham danh lợi chẳng cầu đỉnh chung
    Ðâu màng trướng lụa thềm nhung
    Nằm gai nếm mật thở cùng nước non
    Ðời Người trọn chữ sắt son
    Rừng sâu núi thẳm nỉ non sơn hà
    Bắc-Nam nuốt nghẹn châu pha
    Bởi loài Pháp thuộc nhồi da dân mình
    Nạn dân ách nước Nghê-Kình
    ?oLưu cầu huyết lệ? gọi tình muôn dân (1)
    ?oÐông Du? già trẻ xa gần (2)
    Phong trào kết họp góp phần đấu tranh
    Nước non nghiêng ngửa thâu canh
    Lệ nhòa máu thắm cam đành ly hương
    Bao năm khắc khoải vấn vương
    ?oHồn vong quốc sử? trăm đường sơn khê (3)
    Dạ sầu lòng những tái tê
    Với bầu nhiệt huyết quyết thề núi sông
    Dãi dầu há nệ gai chông
    Chờ ngày ?oQuang phục? máu hồng sục sôi (4)
    Nào ngờ vận nước nổi trôi
    Chim ***g cá chậu bởi loài vong nô
    ?oNgục Trung Thư? hận thế cô (5)
    Giang sơn đen tối cơ đồ tả tơi
    Vận nước biến, thế xu thời
    Tặc Hồ bán đứng đất trời ngửa nghiêng
    Dòng đời cụ mãi oan khiên
    Vào tù ra khám xích xiềng thực dân
    Giang sơn gồng gánh tảo tần
    Cáo Hồ gian ác giết dần dân ta
    Ngổn ngang hận nước thù nhà
    Xương rơi máu đổ mực hòa dòng châu
    Sĩ phu trong cảnh bể dâu !!!
    Ai gieo bao nỗi cơ cầu đắng cay
    Hết Tàu rồi lại chống Tây
    Ngờ đâu Hồ tặc một bầy điêu ngoa
    Trét bùn giết sạch Quốc gia
    Rước voi cõng rắn cắn gà thê lương
    Núi sông bao khúc đoạn trường
    Tơ vò ruột thắt quê hương đọa đày
    Cụ Phan lòng há chuyển lay
    Dù trong lao lý héo gầy xác thân
    Nhưng tim óc chẳng khô cằn
    Vì dân Nam Quốc xả thân sơn hà
    Tù gông biền biệt quê Cha
    Dặm về cố quốc gian tà tứ phương
    Cuối đời gần bến sông Hương
    Hơi tàn sức kiệt âm dương đôi bờ
    Ngàn cây nội cỏ xác xơ
    Vẫn còn ngọn giáo ngọn cờ phất cao
    Sử xanh lưu mãi ngàn sau
    Quân Dân cá nước lụa đào SÀO-NAM .
    KHAI TRINH
    Chú thích:
    (1) Vì nỗi nhục Pháp đô hộ nên cụ Phan viết sách tựa đề ?oLưu cầu huyết lệ tâm thư?.
    (2) 1905 cụ Phan sang Nhật thành lập phong trào ?oÐông Du? được giới thanh niên ưu tú hưởng ứng nồng nhiệt .
    (3) Ðang bí mật hoạt động tại Nhật cụ viết cuốn ?oViệt Nam vong quốc sử?.
    (4) 1912 cụ thành lập ?oQuang phục hội?
    (5) 1913 trong ngục tại Quảng Châu cụ viết cuốn ?oNgục Trung Thư? và gửi lén về nước.

Chia sẻ trang này