Chuyện phiếm về ngựa Người miền xuôi ít nhắc đến ngựa, nếu có ai đó sinh phải năm con ngựa cũng chỉ được xem là người có số phải đi lại nhiều là cùng, nhưng với người miền núi thì con ngựa thực sự có vai trò như một thành viên trong gia đình. Nhà giàu có chín tàu ngựa Người Kinh ở dưới xuôi coi trọng con trâu thế nào thì người Mông ở miền núi coi trọng con ngựa như thế, thậm chí hơn thế. Ngựa được xếp vào danh mục tài sản gia đình, khi liệt kê, nhà nào có chín tàu bò, chín tàu ngựa hẳn là phong lưu lắmCon ngựa của người Mông hơn con trâu của người Kinh ở chỗ, nó không chỉ thồ hàng xuống chợ, là phương tiện để cô vợ mang được anh chồng say từ chảo thắng cố về nhà, mà còn là thứ để làm cảnh, làm sang cho chủ, nhất là với thanh niên chưa vợ. Khi có một con ngựa trưởng thành người ta bắt đầu tắm táp, lấy bàn chải chải bờm và bắt đầu tỉa phần bờm trên gáy, phải tỉa sao cho bờm không quá ngắn, ngắn trông sẽ không còn mềm mại, lại cũng không quá dài, chỉ đủ để gọn ghẽ. Riêng phần bờm gần mắt người ta không tỉa mà cho rủ xuống. Vào các ngày hội, nhất là hội xuân, các Đrâu Mông (anh trai Mông) trang trí cho con ngựa có khi lâu hơn trang trí cho chính mình. Con ngựa được đeo bộ yên cương đẹp nhất. Loại gỗ làm yên cương phải là gỗ nhẹ, dẻo, thơm, thường là pơmu, thông hoặc long não. Sang hơn thì dùng yên cương bằng da, nhà quyền quý muốn khoe mẽ nữa thì trang trí xung quanh bộ yên cương đó bằng những xâu bạc trắng hoa xoè, thêm cả lục lạc đeo cổ, hông. Nhà nghèo đến mấy cũng không ai để cho ngựa nằm đất bao giờ mà chuồng ngựa phải có sàn gỗ. Nhà giàu thì làm cho mỗi con một ô, nhà nghèo thì nhốt chung. Cỏ ngựa được thái thành từng đoạn ngắn, cho vào máng. Mùa thu hoạch ngựa được ăn thêm cháo ngô hoặc cháo gạo. Ngựa được ăn hầu như tất cả các loại lá cây nên vào mùa đông không phải ăn cỏ khô như bò. Chọn một con ngựa đẹp Con ngựa đẹp làm sang cho anh trai Mông. Vì thế, chọn được con ngựa đẹp, anh trai Mông chỉ cưỡi những lúc đặc biệt, còn chỉ dắt. Đi vào đám hội, anh trai nào dắt theo một con ngựa đẹp, có bộ yên cương cầu kỳ, bờm tỉa đẹp, người đó được các cô chú ý nhiều hơn. Còn các chàng trai khác thì nhìn theo ghen tỵ. Một con ngựa đẹp trước hết phải là một con ngựa to khoẻ. Ngựa to khoẻ là ngựa mười lăm nắm trở lên. Đó là cách đo độ dài chân trước của ngựa. Thực tế vô cùng hiếm những con ngựa có chân trước dài đo được mười tám nắm tay mà chọn được một con mười năm, mười sáu, mười bảy nắm đã là may rồi. Về màu lông, ngựa hồng (lông màu cánh dán) được coi là ngựa đẹp nhất chứ không phải đen tuyền hay ngựa bạch như một số người vẫn nghĩ. Có người nói rằng sở dĩ ngựa hồng được coi là đẹp nhất bởi màu lông đó rất ăn với màu xám của núi đá. Về dáng đi, người ta chỉ có một cách đánh giá chính xác nhất là ngồi lên cưỡi thử. Con ngựa tốt nhất phải là con ngựa dù đi thong thả hay phi nước đại thì người cưỡi vẫn không cảm thấy xốc, thấy chồm. Ở vùng cao, từ xưa đã có những tay lái ngựa chuyên đi gom ngựa từ khắp các bản gần, bản xa, phiên chợ mang đi bán hoặc đổi, chứ người Mông đã nuôi ngựa là ít khi bán, càng không bao giờ tự dưng đem mổ thịt như mổ bò, mổ trâu nếu như đó không phải là con ngựa bị ngã núi hoặc là con ngựa già quá, ốm chết. Đi chợ vùng cao gần như không bao giờ mua được thịt ngựa. Nuôi ngựa cái phải hai năm rưỡi mới được một ngựa con, nhà nào có ngựa cho lấy giống thì khi ngựa con ra đời, nhà kia phải trả một khoản tiền tương đương với 1/4 giá con ngựa. Và chuyện của người nấu cao ngựa Ông Nguyễn Khắc Đãi (xã Ngọc Đường - Thị xã Hà Giang) là một người nấu cao ngựa lâu năm. Ông nói: ?oNgựa bạch là giống ngựa người ta không thích nuôi nhất thì nó lại là thứ tôi cần.? Nhưng cũng chính vì người ta ít nuôi nên việc tìm cho được một con ngựa bạch như mong muốn để nấu cao không đơn giản, mặc dù cứ theo thống kê thì ngựa là thứ được người vùng cao nuôi nhiều nhất nhì trong nhà. Một con ngựa bạch thật sự phải hội đủ bốn yếu tố (chứ không phải chỉ là ngựa có lông màu trắng): Thứ nhất phải là một con ngựa không có một tí màu nào khác dù là lồm đốm đen hoặc nâu ở dưới bụng; Thứ hai, con ngựa đó phải có cặp mắt long nhãn, nghĩa là tròng mắt màu trắng đục; Thứ ba, móng cũng phải trắng; Thứ tư, lưỡi trắng. Để tìm một con ngựa như thế, những năm gần đây ông Đãi phải đi khắp các vùng Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên... Một con ngựa bạch thời giá khoảng 5-6 triệu đồng, số cao nấu được bán khoảng 7 triệu, tiền thịt được khoảng 1 triệu nữa. Trừ các loại chi phí, có khi ông chỉ lãi vài trăm ngàn đến 1 triệu. Nhưng khi nói đến chuyện nấu cao ngựa bạch, ông Đãi hoạt bát hẳn lên, dường như đó là một thứ đam mê kỳ lạ. Cao ngựa chỉ nấu bằng xương, cùng với ngựa cần có một con chó đen và một con mèo đen. Chó đen thường là chó ta, lông, lưỡi, móng cũng đen tuyền. Như ông Đãi nói là: ?ocon chó đó phải đen kịt, đen bẩn, đen xù lông chứ không phải đen mượt?. Ngoài ra, còn cần có hai cẳng chân trước của con sơn dương. Phần xương của bốn thứ con đó phải được làm sạch, đập vỡ ra ra để bỏ thật sạch tuỷ đi, nhưng gân thì giữ lại. Thường là sao xương trong một cái chảo lớn, khi xương khô nóng thì đổ rượu vào. Ông Đãi nói rằng làm như thế để các chất bẩn sẽ bay đi theo hơi rượu, khi chế biến xong mới cho nước vào, nếu củi tốt thì đun liên tục trong 5 ngày, củi kém thì 7 ngày. Sau một ngày rưỡi lấy một cái rổ, rải một lớp xô màn, trên đổ một lớp thóc, lọc lấy nước, lại nhắt xương đun tiếp hai ngày nữa, lọc lần nữa, đến khi dùng tay bẻ vụn xương ra được thì bỏ xương đi, lúc này lửa phải nhỏ, vừa đun vừa quấy liên tục để cao không bị khê. "Mỗi năm kiếm được một con để cuối năm bắc nồi nấu cao, đáp ứng đơn đặt hàng từ đầu năm, có khi từ năm trước đã là may...Và có lẽ cũng chỉ nên nấu một con cho đỡ nhớ nghề vậy thôi chứ làm thịt con ngựa, mình cũng không đành lòng?, ông Đãi nói, có vẻ gì hơi ngậm ngùi. DH