1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Chuyện thiền

Chủ đề trong 'Học thuật' bởi julie06, 23/01/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Chuyện thiền

    Chén Trà

    Nan-in, một thiền sư Nhật bản dưới thời Minh Trị (1868-1912), ngày kia tiếp một giáo sư đại học đến hỏi Thiền.
    Nan-in pha trà, ông rót trà đầy chén của khách, rồi vẫn tiếp tục rót.
    Vị giáo sư nhìn nước trà chảy ra ngoài cho đến khi ông không thể tự kiềm chế được nữa bèn nói: "Chén đầy rồi !"
    Nan-in trả lời: "Như chén trà kia, trí ngài đầy cả những ý tưởng, những suy luận thuần lý riêng tư. Làm thế nào tôi có thể chỉ Thiền cho ngài, trừ phi ngài đã đổ sạch trà trong cốc của ngài ra ?" (*)

    Lời bình của Tung Sơn
    Một bạn đọc lời bàn bạc thô thiển và quê mùa của ta xong trách: "Lối bàn của bác thiếu tôn kính. Đối với ngôn từ của những bậc cao minh hiền giả ngày xưa, làm sao bác lại dám đùa cợt, phê bình phóng túng như vậy ?"

    Ta ngửa mặt nhìn trời cười to mà không nói, không phải vì học đòi các vị thiền sư, nhưng vì thấy người đang giận, sợ trả lời ngay thì đâm ra cãi vả vô ích.

    Ôi! ta nghĩ chuyện thiền là những thí dụ điển hình, có thể dùng làm khởi điểm để suy nghĩ về một số vấn đề căn bản ở đời, và tuyệt nhiên không có tính cách thần bí, linh thiêng. Thế thì bổn phận của người bàn không phải là tán dương suông, không phải là thổi vào rún các vị thiền sư để những chiếc bụng xẹp lép vì ăn uống thanh đạm của các ngài phùng to một cách không đẹp và vô ích.

    Ôi mọi chuyện ngụ ngôn đều hạn chế và diễn tả một chân lý tương đối. Khư khư bám chặt vào chúng là một chuyện khôi hài vậy. Cho nên khi tuyên bố "Ta vốn không nói lời nào" (ngã bổn vô ngôn), đã đành đức Phật muốn nói là những điều Người đã dạy cho đệ tử không đáng kể gì so với những điều Người chứng ngộ, nhưng một đàng người cũng muốn ngăn ngừa tinh thần giáo điều chấp chặt vào kinh điển, trở ngại lớn lao cho hạnh tinh tấn.

    Chuyện thiền trên đây nhằm đả kích chủ nghĩa giáo điều hẹp hòi và tinh thần cố chấp thường gặp ở những người trí thức vậy.

    Ôi! cũng như chén trà đầy nước, một khi chúng ta đã nô lệ thành kiến, giáo điều rồi thì làm sao chúng ta có thể đối thoại một cách hữu ích với người khác.

    Nhưng có người sẽ hỏi: "Câu nói của vị thiền sư há không thể ứng dụng cho chính ông ta hay sao? Dựa vào đâu mà ông cho là những tư tưởng của chính ông là đúng? Và liệu thiền sư lại không phải đổ sạch trà ra khỏi chén của ông ta sao?"

    Câu hỏi hoàn toàn chí lý và chính đáng. Câu nói của vị thiền sư cần phải được xem như là lời cảnh cáo cần thiết cho một cuộc đối thoại đích thực nghĩa là một cuộc đối thoại nhằm đi tìm sự thực, trên cơ sở luận lý.
    Chính vì vậy mà đạo Phật đề cao tinh thần phá chấp và hỉ xả: không bám chặt những tư tưởng của riêng mình và luôn luôn hoan hỉ đón nhận những tư tưởng đúng đắn, tốt đẹp của người khác.

    Do đó, yêu cầu mà vị thiền sư đặt ra cho khách, ngài vẫn thường xuyên đặt ra cho chính mình nếu ngài không chối bỏ tinh thần hỉ xả mà bất cứ người Phật tử chân chính nào cũng phải thực hành. Hình ảnh chiếc chén không, như vậy, diễn tả tinh thần hỉ xả, sẵn sàng chấp nhận chân lý bất cứ đến từ đâu.

    Và những kẻ ăn nói hồ đồ, không dám nhìn sự thực và lý luận trên những dữ kiện khách quan đúng đắn, chỉ đáng làm trò cười cho thiên hạ vậy.

    ------------------------------------------------------------------------------------
    (*) Dịch thoát theo quyển "101 chuyện Thiền" ("Zen flesh, Zen bones") do Paul Reps soạn.

    Được julie06 sửa chữa / chuyển vào 14:26 ngày 23/01/2005
  2. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Học Im Lặng
    (Tung Sơn)
    Đệ tử phái Thiên thai thường học thiền định. Khi phái này chưa du nhập vào Nhật bản, có bốn người đệ tử giao hẹn nhau không nói một lời nào trong bảy ngày.
    Ngày đầu bốn người đều im lặng. Họ chú tâm thiền định. Nhưng khi trời tối và những ngọn đèn dầu mờ dần, một người đệ tử không thể giữ im lặng được nữa, bảo người giúp việc: "hãy sửa đèn đuốc lại đi!"
    Người đệ tử thứ nhì ngạc nhiên khi nghe người đệ tử thứ nhất nói, anh ta bèn nhắc bạn: "Chúng ta đã giao hẹn nhau không nói câu nào kia mà".
    Người đệ tử thứ ba nói: "Cả hai anh đều ngu xuẩn. Tại sao các anh lại nói chuyện?"
    Người đệ tử thứ tư kết luận: "Tôi là người duy nhất không hề nói chuyện".
    Trích quyển "101 truyện thiền" (zen flesh, zen bones; trang 92)
    Lời bàn của Tung Sơn
    Câu chuyện thiền trên đây khiến Tung Sơn nghĩ đến nhà xí thư viện Sorbonne. Nguyên là trên tường nhà xí thư viện này lúc nào cũng đầy những câu văn, những hình ảnh trình bày những suy tư, những cảm tưởng thuộc tình tự, chính trị, triết học... và ******** dĩ nhiên! Có lẽ vì nhà xí là một khung cảnh thích hợp cho sự suy tư chăng? Rất có thể vì ở đó người ta được dịp cô đơn để gặp gỡ chính mình, đối thoại với chính mình một cách rất ư là thành thực mà không sợ cái nhìn soi mói của người khác. Những tư tưởng nhà xí cao siêu đó, dĩ nhiên, như tất cả mọi tư tưởng cao siêu khác, không làm vừa lòng tất cả mọi người, nhất là đối với những người cho rằng tư tưởng là cái chi thanh cao vượt khỏi không gian và thời gian, nhất là khi đó lại là không gian và thời gian nhà xí, vốn chật chội, hẹp hòi và có hương "nồng" và không "thanh thanh" như một nhà thơ đã tả. Sự phẫn nộ rất chân chính nói trên được phát biểu bằng nhiều cách khác nhau. Khi thì đứng đắn, nghiêm trang: "N''écrivez pas sur les murs"(1) (dĩ nhiên chính câu này được viết trên tường). Khi thì bao hàm một phán đoán đạo đức, khá tục tằn: "C''est con d''écrire de telles conneries sur les murs" (2) (dĩ nhiên câu này cũng được viết trên tường)... Nếu đọc qua những tư tưởng viết trên tường, người ta phải công nhận rằng những nhận định trên đây là đúng. Nhưng chúng bao hàm một mâu thuẫn lô gích trầm trọng: viết trên tường để phản đối sự kiện viết trên tường có nghĩa là tự mình phản đối mình, cũng mâu thuẫn như người dân đảo Crète khi anh ta tuyên bố rằng mọi người dân đảo Crète đều nói láo!
    Câu chuyện thiền trên đây cũng có một giá trị tương tự câu chuyện nhà xí mà Tung Sơn vừa kể. Thật vậy, các người đệ tử thứ hai, thứ ba, thứ tư, bằng những lời phản đối khác nhau, đều làm một việc in hệt như người đệ tử thứ nhất: phá vỡ sự im lặng mà đáng ra, theo lời giao hẹn, họ phải giữ.
    Câu chuyện này, về một phương diện khác, đã diễn tả khá rõ lý thuyết nhân duyên sinh của nhà Phật: câu nói của người thứ nhất đã gây ra những phản ứng của ba người bạn. Và trùng trùng duyên khởi! Ba người bạn khi phản ứng tưởng là mình đã làm một chuyện tốt ngờ đâu cũng chỉ gây thêm ồn ào, và không đủ khả năng thiết lập lại sự im lặng muốn có. Câu mắng của người đệ tử thứ ba, sự tự hào ngu xuẩn của người đệ tử thứ tư không khỏi làm người thức giả bực cười.
    Câu chuyện còn đặt ra một vấn đề khó giải quyết: trước câu nói của người đệ tử thứ nhất, ba người đệ tử kia phải làm gì để phản đối hoặc để làm cho người này thấy được giá trị của họ (đã im lặng)? Họ có thể hành động nhiều cách khác nhau ngoài lời nói. Hoặc trang nhã: bấm lưng người bạn làm dấu nhắc anh ta phải im lặng. Hoặc bạo động hơn: đá đít cảnh cáo anh ta đã phá vỡ im lặng (nhưng dĩ nhiên đừng hét!)... Hoặc...hoặc...
    Nhưng thật ra mọi biện pháp nói trên đều vô ích khi người ta đặt câu hỏi: im lặng để làm gì? Câu trả lời đã rành rành: im lặng để tĩnh tâm thiền định. Ôi, tâm đã không tĩnh, đã còn bị ngoại vật chi phối, đã còn muốn mắng nhiếc người khác, đã còn muốn khoe khoang thì im lặng để làm gì?
    Ôi! Nếu cái áo không làm nổi thầy tu, thì sự im lặng cũng không làm nổi một vị thiền sư. Và dĩ nhiên lời nói...!
    --------------------------------------------------------------------------------------
    (1) đừng viết lên tường
    (2) Viết những diều ngu xuẩn như vậy lên tường thì thật là ngu
  3. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Thanh Kiếm Banzo
    (Tung Sơn)
    Matajuro Yagyu là con của một nhà kiếm thuật nổi tiếng. Cha anh tin rằng con mình kiếm thuật quá tầm thường, không thể trở thành thầy dạy kiếm thuật được, nên từ bỏ anh.
    Vì vậy Matajuro đi đến núi Futara tìm gặp Banzo, một nhà kiếm thuật trứ danh. Nhưng Banzo cũng thấy lời phán xét của cha Matajuro là đúng. Banzo hỏi: "Anh muốn học kiếm thuật với ta phải không? Anh không có đủ điều kiện cần thiết."
    Người thanh niên khẩn khoản: "Nhưng nếu tôi chịu khó luyện tập, phải bao nhiêu năm tôi mới trở thành thầy dạy kiếm thuật được?"
    Banzo trả lời: "Suốt đời anh".
    Matajuro nói: "Tôi không thể chờ đợi lâu đến thế. Gian khổ thế nào tôi cũng chịu miễn là sư phụ dạy cho tôi. Nếu tôi nguyện làm tôi tớ hầu sư phụ, thì phải bao nhiêu lâu? "
    Banzo trả lời: "à, có lẽ chừng mười năm".
    Matajuro năn nỉ: "Cha tôi già rồi, ít năm nữa tôi sẽ phải săn sóc người. Nếu tôi luyện tập không ngừng, phải mất bao nhiêu năm?"
    Banzo nói: "à, có lẽ độ ba mươi năm".
    Matajuro hỏi: "Sao vậy? Lúc đầu sư phụ nói mười năm bây giờ lại nói ba mươi năm. Gian khổ thế nào tôi cũng chịu, miễn là học được tuyệt nghệ trong một thời gian ngắn nhất."
    Banzo bảo: "Ðược, nếu vậy anh sẽ ở lại với ta trong bảy mươi năm. Một người nôn nóng đạt được kết quả như anh ít khi học nhanh được."
    Hiểu rằng Banzo trách mình thiếu kiên nhẫn, người thanh niên thưa: "Bạch sư phụ, con xin chịu".
    Banzo cấm Matajuro nói đến kiếm thuật hay đụng đến một thanh kiếm. Anh ta nấu cơm, rửa chén, làm giường, quét sân, giữ vườn, làm tất cả mọi việc trừ việc học kiếm thuật.
    Ba năm qua. Matajuro vẫn tiếp tục làm việc. Anh ta buồn bã khi nghĩ đến tương lai. Anh vẫn chưa bắt đầu học kiếm thuật, mục đích của đời anh.
    Nhưng một hôm, Banzo lẻn đến sau lưng anh và dùng thanh kiếm gỗ nện cho anh một đòn rất đau.
    Ngày hôm sau, khi Matajuro đang nấu cơm, Banzo bất ngờ nhảy đến tấn công anh.
    Sau đó, bất kể đêm ngày, lúc nào Matajuro cũng phải tự vệ, đề phòng mọi nhát kiếm bất ngờ. Không phút nào anh không nghĩ đến thanh kiếm của Banzo.
    Anh học kiếm thuật nhanh đến nỗi sư phụ anh cũng phải mỉm cười hài lòng. Matajuro trở nên nhà kiếm thuật tài ba nhất trong nước. (*)
    Lời bình của Tung Sơn
    Ôi, người bình có nhiệm vụ phải viết lời bình như cây quạt dùng để quạt vậy. Nhưng khi câu chuyện nhằm đề cao sự kiên nhẫn, chuyên tâm học tập, ý đã quá rõ ràng như hai với hai là bốn, thì liệu bình giả có phải lải nhải dài dòng tán hươu tán vượn chăng? Liệu bình giả tránh được trường hợp cây quạt ở trong tay ông chánh tổng nọ trong một câu chuyện đời xưa chăng?
    Có một thầy đồ nghèo (nhưng thâm) nằm ngủ ngon lành trong khoang một con thuyền đang xuôi giòng. Ðến một bến đò nọ có một ông chánh tổng rất hách lên thuyền. Ông chánh tổng dùng cán quạt khỏ vào đầu thầy đồ, dựng thầy dậy để chiếm lấy chỗ nằm. Thầy đồ, phần mất ngủ, phần bị đánh, giận lắm bèn nghĩ cách trả thù. Thuyền trôi trong đêm. Ông chánh tổng, không ngủ được, buồn vì không biết làm gì, mới hỏi thầy đồ:
    - Nầy, thầy đồ có thơ gì hãy đọc lên nghe cho vui.
    Thầy đồ gãi đầu, thưa:
    - Dạ, thơ thì không có, nhưng kể chuyện thì được ạ.
    - Ðược, thế thì thầy kể chuyện cho nghe đi.
    Thầy đồ kể:
    - Trong làng tôi có một người đàn bà chồng đi lính lâu ngày. Khi người chồng về thì thấy vợ mình đang có thai. Tức lắm, anh ta đánh đập vợ và tra hỏi xem vợ đã ngủ với ai. Người vợ sợ quá mới trả lời bừa: "Dạ em ngủ với pho tượng trên chùa". Người chồng tức giận chạy lên chùa, dùng cán quạt đánh vào đầu mỗi pho tượng và hỏi: "Mày ngủ với vợ tao phải không?" Pho tượng nào cũng điềm nhiên yên lặng. Nhưng khi người chồng đánh đến tượng ông Ác, thì pho tượng quát (vừa nói thầy đồ vừa phùng mang trợn mắt điểm vào mặt ông chánh tổng): "Tao có ngủ với vợ mày đâu mà mày đánh vào đầu tao!"
    Ông chánh tái mặt vì biết là thầy đồ trả đũa.
    Xem vậy cái quạt không những chỉ dùng để quạt mà còn có thể dùng để khỏ vào đầu người ta cũng như câu chuyện khôi hài không phải chỉ để mua vui mà còn để chửi thiên hạ (hoặc..., như Tung Sơn đang làm, để lấp đầy vài trang giấy trắng).
    Nghĩ lẩn thẩn như vậy nên Tung Sơn mới tự đặt vấn đề: phải chăng mình đã chọn dịch câu chuyện anh chàng Matajuro, chẳng qua vì ảnh hưởng của mấy cuốn truyện kiếm hiệp đã đọc ngày xưa, hoặc vì lòng riêng yêu hình ảnh "gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo" của người khách biên đình "râu hùm, hàm én", hễ thấy có gươm, có kiếm thuật thì vội cho là hay. Câu chuyện phải chăng chẳng có một ý nghĩa nào đặc biệt thiền hết?
    Nhưng bưng đầu suy nghĩ cho đến khi tóc đã bù rối, ta mới giác ngộ được ý nghĩa thiền của câu chuyện, bèn thở dài mà than rằng: "bình giả, bịnh giả!" Rõ ta thật lẩn thẩn và ngu tối vô cùng? Ý nghĩa câu chuyện đã rõ mồn một như vậy sao không thấy? Hay là tại ta chỉ lo nghĩ đến việc suy nghĩ nên mãi bóp trán vò đầu và không chịu nghĩ đến chính câu chuyện?
    Matajuro cũng thế. Lúc đầu, thay vì luyện tập kiếm thuật, anh ta chỉ nghĩ đến thời gian cần thiết để học thành tài, do đó thành ra nôn nóng, tập luyện chẳng ra gì. Về sau, sở dĩ học hành mau tấn tới vì anh đã luôn luôn chú tâm đến kiếm thuật bất kể ngày đêm. Anh thực sự sống kiếm thuật vậy.
    Ôi, Thiền là gì nếu không phải là nghệ thuật sống thực cuộc đời, nghĩa là sống cái hiện thực ở đây và bây giờ.
    Ðã thế thì sao chiều hôm nay, trời nắng đẹp, ta không ra sân nhìn những cụm hoa vàng đang nở rộ, nằm trên bãi cỏ nhìn trời xanh mây trắng hay nhìn sâu từng sới cỏ non. Như vậy có phải là ta sẽ sống thực ý nghĩa câu chuyện hơn là bù đầu bàn luận dông dài?
    -----------------------------------------------------------------------------------
    (*) Dịch thoát theo quyển "101 chuyện Thiền" ("Zen flesh, Zen bones") do Paul Reps soạn.
  4. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    TẮT ĐÈN
    (Nguyên Si)
    Có một anh mù lại thăm một người bạn đến khuya mới về. Người bạn trao cho anh ta một cái đèn.
    - "Tôi cần chi tới đèn, anh ơi. Đối với tôi, ánh sáng cũng như bóng tối mà thôi", người mù buồn bã trả lời.
    - "Tôi biết lắm. Anh chẳng cần đèn để dò đường đi. Nhưng có đèn anh sẽ đỡ bị người khác đâm vào anh. Vậy anh cứ cầm lấy đi."
    Người mù cầm đèn mạnh dạn bước đi. Nhưng chẳng bao lâu, có kẻ đâm thẳng vào anh ta.
    - "Ô hay! Đi đứng phải coi chừng một chút chứ. Bộ ông không nhìn thấy ánh đèn của tôi sao?"
    Người lạ mặt trả lời chậm rãi:
    - "Này ông bạn ơi ! Đèn ông bạn đã tắt từ lâu rồi..." (*)
    Lời bình của Nguyên Si
    Chắc hẳn sẽ có kẻ đa sầu đa cảm đọc chuyện này mà động mối thương tâm, trách ta sao lấy sự tàn tật của người đời mà làm trò cười cho thiên hạ. Ta xin gạt nước mắt cho người, và đáp : luân lý hay phi luân lý đều không có chỗ đứng trong chuyện Thiền. Dĩ nhiên vẫn có những kẻ trình bày hay hiểu chuyện Thiền như những bài học luân lý, lại có kẻ khác rêu rao rằng Thiền là một hệ thống triết lý hoàn toàn phi luân lý, phi đạo đức, phi nhân bản, phi vân vân. Ta thấy thật chẳng khác chi một đằng trói buộc Thiền lại bằng một sợi dây khô cằn, cứng nhắc, một đằng ném tung Thiền lên thượng tầng không gian, để rồi nhào xuống... hố thẳm của tư tưởng. Hơn nữa, chưa thấu được lẽ Không mà đã bài bác tất cả, ta e ngại rằng thái độ đó chẳng là kiêu ngạo lắm thay!
    Cho nên vấn đề luân lý hay phi luân lý thường đưa tới cố chấp hay ngạo mạn, cả hai đều trái ngược với tinh thần Thiền vậy.
    Chuyện Thiền thường có giá trị biểu tượng, cho nên "mù" ở đây phải hiểu theo một nghĩa rất rộng, chẳng những bao gồm những kẻ không có mắt, mà còn gồm những kẻ "có mắt không ngươi", những kẻ tuy giác quan đầy đủ, nhưng nhận thức vẫn sai lầm. Nói như vậy thì câu chuyện trên xảy ra mỗi ngày, và ở mọi nơi, chẳng có chi là hiếm lắm thay!
    Nhận định sai lầm đầu tiên của kẻ mù là khi được người bạn trao cho cây đèn, anh chỉ nghĩ đến một mặt của cái dụng, tức là soi đường cho anh đi. Anh quên rằng cây đèn còn có thể soi sáng anh như soi sáng một đồ vật, để kẻ khác nhìn thấy mà tránh anh. Ôi, chẳng qua là chấp ngã quá mà thôi! Kẻ ngu si luôn luôn coi mình như trung tâm của vũ trụ, như chủ thể của mọi tiếp xúc. Có biết đâu rằng mình cũng chỉ là một sự vật trong thế giới tương quan, một đối tượng cho một chủ thể khác.
    Ta chợt nhớ tới mùa hè trong thư viện, thường có những kẻ cởi giày cho mát mẻ đôi chân. Chủ thể được mát mẻ, nhưng có biết đâu rằng đôi chân cũng là một đối tượng gây nhiều "khó khăn" cho những kẻ khác?
    Sai lầm thứ nhì của kẻ mù là khi có cây đèn rồi, thì lại chấp chặt vào ý niệm đèn sáng, cho nên quên rằng cây đèn có thể tắt đi. Ôi ! còn gì dễ lu mờ, dễ tắt hơn ngọn đèn đang sáng tỏ? Còn gì tiêu biểu hơn cho tính vô thường của vạn vật, như trong kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa, đã có nói:
    "Hãy coi thế giới biến ảo này như một ngôi sao mờ dần buổi bình minh, một chiếc bọt trên giòng sông, một ánh chớp trong đám mây hè, một ngọn đèn le lói, một bóng hình, một giấc mộng."
    Lý do của sự chấp thường là thiếu sót hai thái độ thực nghiệm và phương tiện thường được đề cao trong đạo Phật.
    Thái độ thực nghiệm tức là tìm cách sống gần sự vật, để cho ý niệm của mình về sự vật phù hợp trong mỗi giây phút với sự vật. Như trong câu chuyện, nếu không nhìn thấy ánh sáng thì anh mù vẫn có thể dùng giác quan khác để biết đèn sáng hay đèn tắt, chẳng hạn như lấy tay đo nhiệt độ của cây đèn. Không có thực nghiệm thì con người sẽ chấp vào một ý niệm của mình, một ý niệm tách rời sự vật.
    Thái độ phương tiện nghĩa là hiểu rõ phương tiện, và hiểu rằng phương tiện không phải là chân lý, rằng ngón tay (chỉ mặt trăng) không phải là mặt trăng. Người mù trong câu chuyện không hiểu phương-tiện-đèn là gì, không hiểu chức năng của nó. Ta lại nghĩ đến những kẻ chấp nhận chủ thuyết này nọ, mà không hề thấu hiểu rằng những chủ thuyết đó chỉ là những phương tiện cần phải được ứng dụng tùy theo hoàn cảnh.
    Nhưng cái nguy hại nhất của sự mù lòa, ngu dốt, không phải do chính sự ngu dốt này mà do những bộc phát tình cảm từ đó đưa tới. Nghĩ rằng mình mù lòa đưa tới mặc cảm tự ti, sự buồn bã, chua xót, trách đời. Nghĩ rằng mình có ánh đèn che chở đưa tới thái độ ngạo mạn, hung hăng, gây gổ. Ta thấy vậy mà chép miệng than rằng : Ôi ! trên thế giới này, những kẻ trái lý, sai lầm, ngu si, đần độn nhiều lắm thay ! Chỉ khác với câu chuyện trên là khi nghe nói "đèn tắt rồi", người mù liền tỉnh ngộ, trong khi đó nói lên sự thật cho những kẻ "có mắt không ngươi" lại như chế dầu vào lửa, càng làm cho họ thêm hung hăng...
    Bàn về thiên hạ mãi rồi, Nguyên Si mới vỗ đầu chợt nhớ tới mình vốn cũng là một phần của thiên hạ. Ôi! đa tạ đức sinh thành đã đặt tên cho ta là Nguyên Si. Mỗi lần ta tự gọi tên, cũng là một lời tự nhủ : Si ơi là Si ! Ngu ơi là ngu... Chân lý thì vô cùng tận mà tâm trí ta thì bé nhỏ vô cùng. Chẳng khác chi kẻ mù với một cây đèn đã tắt.
    Thế rồi, từ khiêm tốn ta đi tới buồn lo, lo mãi rồi thì đi kiếm sách đọc, kiếm sách đọc thì gặp một bài thơ của Thiền sư Vạn Hạnh, ý nhị vô cùng :
    Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
    Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
    Nhậm vận thịnh suy, vô bố úy
    Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
    Tạm dịch là :
    Sự vật như bóng chớp, có rồi lại không
    Cây cối vào xuân thì tươi, đến thu lại khô
    Mặc kệ thịnh suy xoay vần, không lo sợ gì
    Thịnh suy chỉ như hạt sương trên đầu ngọn cỏ.
    Ôi ! Sự vật như bóng chớp, như hạt sương, như bèo bọt. Có không hay thịnh suy chỉ là hai trạng thái của một sự vật biến chuyển, hai trạng thái do tâm ta phân biệt mà thôi.
    Có chi mà lo sợ buồn rầu, có chi mà kiêu ngạo hung hăng?
    Phải rồi ! Anh bạn mù ơi, độc giả mù ơi ! Đừng có lôi thôi nữa.
    Hãy tắt đèn trên câu chuyện này đi, mà ra giòng sông nhìn bọt nước vỡ tan, ra cánh đồng nhìn hạt sương bốc theo làn gió ấm.
    -------------------------------------------------------------------------------------
    (*) Dịch thoát theo quyển "101 chuyện Thiền" ("Zen flesh, Zen bones") do Paul Reps soạn.
  5. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Ðối Thoại Trong Im Lặng
    (Nguyên Si)

    Tại một ngôi chùa kia, có hai sư huynh đệ trụ trì. Người anh thì thông minh uyên bác, nhưng người em thì đã dốt đặc cán mai, lại chỉ còn có một con mắt.
    Một hôm, có một nhà sư đi ngang qua chùa và xin cho ở đậu. Tục lệ thời bấy giờ là muốn được đón nhận vào chùa, người khách phải toàn thắng người chủ trong một cuộc so tài về giáo lý. Nhà sư khách xin được so tài về giáo lý.
    Người anh mệt mỏi vì học kinh điển suốt ngày, nên nhờ người em ra thay mặt mình. Ông quá biết rõ sự ngu dốt của em mình, nên dặn dò rất kỹ lưỡng:
    - "Ðệ nhớ cứ giữ im lặng là hơn cả."
    Người em vâng lời, và bước ra ngồi đối diện với người khách. Chẳng bao lâu, người khách chạy đến tìm người anh, mắt tròn xoe, và nói:
    - "Xin thán phục! Sư đệ ngài quả là tinh thông giáo lý! Tôi xin chịu thua rồi."
    - "Vì sao vậy?", người anh đưa mắt hỏi.
    - "Ðây, để tôi kể cho ngài nghe cuộc đối thoại bất hủ này! Ðầu tiên, tôi giơ một ngón tay lên, để chỉ Ðức Phật, đấng Từ bi Giác ngộ. Sư đệ ngài liền giơ lên hai ngón tay, ý nói Ðức Phật và Giáo lý của Ngài không thể nào tách rời nhau được. Tôi liền giơ lên ba ngón tay, tượng trưng cho Tam Bảo là Phật Pháp Tăng. Thì tuyệt diệu thay! Sư đệ ngài liền xòe bàn tay phóng lên không trung, để phá tan tất cả và thu Chân Không vào một mối! Giáo lý của các ngài đã đạt tới mức Thượng thừa! Tôi xin bái phục, và cũng xin hẹn ngày sau tái ngộ."
    Người khách bỏ đi rồi, thì chỉ một lát sau người em hùng hổ chạy tới:
    - "Ðâu? Hắn đâu rồi?"
    - "Hình như đệ đã thắng hắn rồi phải không?", người anh hỏi.
    - "Thắng cái khỉ khô! Ðệ sắp cho hắn một trận bây giờ đây này..."
    Người anh ngạc nhiên hỏi nguyên do.
    Người em trả lời, giọng ấm ức:
    - "Huynh có thể nào tưởng tượng, hắn hỗn xược đến thế này là cùng. Ðầu tiên, hắn mỉm cười chế riễu đệ, và giơ một ngón tay lên chê là đệ chỉ có một mắt. Ðệ cố nén giận, vì nghĩ dù sao mình là chủ, hắn là khách, cũng nên giữ lễ với hắn một chút. Nên đệ giơ hai ngón tay lên mừng cho hắn còn đủ hai mắt. Nhưng quá quẩn thay! Hắn lại giơ lên ba ngón tay, ý nói cả hai người cộng lại cũng chỉ có được ba con mắt! Tới đó, đệ không còn chịu nổi nữa, liền vung tay lên định ban cho hắn một chưởng thì hắn vùng bỏ chạy mất..." (*)

    Lời bình của Nguyên Si
    Tục ngữ ta có câu: "Ông nói gà, bà nói vịt", thiết tưởng rất thích hợp với câu chuyện trên đây. Nhưng gà với vịt còn có thể nấu nướng như nhau, chứ Phật Pháp Tăng và con mắt chột của nhà sư thì làm sao mà bỏ chung vào một lò được? Cũng vì vậy mà trong chùa nọ suýt xẩy ra một trận đấu chưởng kinh hồn!
    Nguyên Si tôi le lưỡi, lắc đầu, gãi tai, mà than thở: Ôi! cuộc đối thoại trên có phải chăng là một cuộc đối thoại giữa hai nhà sư đi tìm Chân Lý, hay rốt cục cũng chỉ là hai cuộc độc thoại của hai tâm hồn bị ám? Sự cảm thông giữa những con người mới thật là khó khăn thay! Cũng như mỗi khi bàn chuyện Thiền, Nguyên Si muốn nói bao nhiêu điều với độc giả. Nhưng nặn óc ra lời rồi, mà ngòi bút những ngập ngừng trên giấy trắng, chẳng hiểu rồi đây độc giả có cảm thông cho hay chăng?
    Thở than xong, thì lại trộm nghĩ: phàm ở đời, muốn cảm thông nhau, thì chỉ có hai cách là nói và không nói (theo nghĩa rộng).
    Nói tức là dùng một phương pháp biểu tượng để diễn đạt tư tưởng của mình. Thường tình, người ta dùng lời nói (ngôn ngữ), chữ viết (văn tự), hoặc nếu không nói không viết được (hay lười nói lười viết), thì dùng dấu hiệu (hiệu ngữ). Nhưng trong trường hợp nào cũng dùng một cái này để chỉ định một cái kia. Do đó, thật là một phương pháp vô cùng thiếu sót, một chiếc cầu thông cảm mỏng manh và tạm bợ.
    Xin kể một câu chuyện vui, xảy ra tại một trạm xe lửa bên Anh. Một bà già nghễnh ngãng hỏi người xếp ga:
    - "Xe lửa đi Luân đôn mấy giờ mới tới và ngừng ở đây bao lâu, thưa ông?"
    - "Thưa bà, từ hai giờ kém hai phút tới hai giờ hai phút (from two to two to two two)."
    - "Chèng đéc ơi! Ông này nghễnh ngãng thiệt. Tôi có hỏi ông còi xe lửa kêu ra sao đâu mà ông cứ tu-tu hoài vậy."
    Câu chuyện này nói rõ được sự thiếu sót của ngôn ngữ.
    Nhưng dù mỏng manh thiếu sót, tạm bợ đến đâu chăng nữa, từ ngữ cũng là một phương tiện cần thiết để tiến lại gần Chân Lý, và gây cảm thông giữa những con người. Ðã "nhập thế cục" thì "bất khả vô văn tự"; ngày xưa Ðức Phật cũng đã do dự nhiều trước khi thuyết pháp, nhưng rốt cục Ngài cũng phải dùng đến ngôn ngữ. Ðối với người Phật tử, ngón tay của Ngài tuy không phải là mặt trăng, song phải lần theo mới thấy được mặt trăng; đến khi tới đầu ngón tay rồi, mới có thể từ bỏ ngón tay mà nhảy qua mặt trăng. Ðó mới là giai đoạn phá bỏ mọi chấp trước vào văn tự, cũng như mọi phương pháp giả lập. Như vậy, tu Phật là cả một công trình lâu dài, lần bước từ giai đoạn này qua giai đoạn khác, từ "hữu luận" qua tới "vô luận" rồi mới tới "duyên giác", đâu có phải một sớm một chiều mà đã thấu được lẽ Chân Không!
    Riêng về các phương tiện diễn đạt tư tưởng hay tình cảm, thì phải công nhận rằng lời nói và chữ viết đích xác, tinh vi hơn dấu hiệu nhiều lắm. Dùng dấu hiệu thay từ ngữ, tức là muốn trở lui về thời kỳ thượng cổ! Thật vậy, mỗi lời, mỗi chữ chỉ có thể chỉ định một vài khái niệm, trong khi đó mỗi cử chỉ có thể chở theo hàng trăm ngàn ý nghĩa, tùy theo trí tưởng tượng của con người, nhất là những con người bệnh hoạn, mê sảng, bị ám, như hai nhà sư trong câu chuyện nói trên. Nhà sư chột mắt mang nặng mặc cảm về sự chột mắt của mình, nên nhìn đâu cũng ra sự chê bai, chế riễu: dù là giơ ngón tay hay vẫy ngón chân, vỗ bụng hay rung đùi, tất cả sẽ được thâu vào con mắt chột oái oăm. Nhà sư kia thì lại bị ám ảnh bởi những giáo điều, nên nhìn đâu cũng ra giáo lý "cao siêu": một là Phật, hai là Pháp, ba là Tam Bảo, bốn là Tứ Ðế, năm là Ngũ Minh, sáu là Lục Nhập, bảy là Thất Bồ Ðề Phần, tám là Bát Chánh Ðạo, v.v... (cứ như thế cho đến tận tám vạn bốn ngàn là Bát vạn tứ thiên Pháp Môn).
    Như vậy, theo ý Nguyên Si, nếu có nói, thì hãy tránh dấu hiệu, dùng ngôn ngữ, cho đích xác, cho hợp lý, cho thông dụng, tránh những từ ngữ mơ hồ - chỉ định rất nhiều mà thật ra không chỉ định gì cả. Nhất là cố gắng cởi bỏ mặc cảm, thành kiến trong khi đối thoại. Mới nói như vậy thì cảm thấy dễ, nhưng thực hành mới thấy là khó vô cùng.
    Còn nếu không nói ? Nếu không nói, thì tức là giữ im lặng. Im lặng cũng có thể cảm thông được. Hơn nữa, im lặng, nếu tuyệt đối, vì không còn thuộc vào thế giới hiện tượng mà đi sâu vào bản thể, nên sẽ có thể dẫn tới Chân Lý tuyệt đối.

    Nhưng phải kể đến những loại im lặng giả hiệu.
    Ðiển hình cho loại im lặng giả hiệu đầu tiên là câu chuyện "đối thoại trong im lặng" trên. Các nhà sư trong câu chuyện đều hiểu sai chữ "tĩnh". Thật tình, họ không im lặng chút nào vì chính tâm hồn họ còn bị xáo trộn bởi những mặc cảm, sự giận hờn, lòng tranh chấp.
    Loại im lặng giả hiệu thứ hai là loại lợi dụng cái im lặng trong sáng, để che đậy một cái im lặng vẩn đục. Ta nhớ tới người xưa đã có câu: "Kẻ cực hiền giống như kẻ cực ngu" hay "Người biết thì không nói"... Thật vậy: kẻ cực ngu không biết gì hết nên dĩ nhiên phải im lặng rồi, còn người cực hiền thì đâu thấy gì đáng nói nên giữ im lặng. - giữa hai thái cực, ngu và hiền đều lên tiếng nói. Nhưng ngu nói ngu, và hiền nói hiền, tương đối còn dễ nhận ra, chứ trong cái im lặng thì làm sao phân biệt được người cực hiền với kẻ cực ngu? Có lẽ vì vậy cho nên mới có lắm kẻ lợi dụng sự im lặng đó, như lợi dụng tinh thần "bất lập văn tự" (không dựa lên chữ nghĩa) của Thiền tông, để che đậy cái rỗng tuếch, ngu xuẩn của mình! Than ôi! Nếu có phải than về Thiền tông, thì Nguyên Si tôi sẽ than như vầy: Ôi! Thiền quả là một nơi lẫn lộn vàng thau; một nơi mà lắm kẻ bịp bợm tha hồ dựa lên tinh thần "vô niệm", "pháp chấp" mà tung hoành, lấn áp lên những tinh thần thanh tịnh, cao minh. Họ thẳng tay dán nhãn hiệu "Thiền" vào những lời nói, những hành động phi lý nhất, và dần dần "Thiền" sẽ có thể bị đồng hóa với "lẩn thẩn", "điên rồ"...
    Nhưng còn im lặng thật sự? Im lặng thật sự, thì còn gì đáng nói nữa...
    Xin mượn, để kết luận, một bài thơ của Ðiều Ngự Giác Hoàng, sư tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, đời Trần, tả một cuộc "đối thoại" trong im lặng, đầy thi vị và giải thoát:
    Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
    Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.
    Khách lai, bất vấn nhân gian sự,
    Chỉ bạng lan can khán thúy vi. (1)
    Dịch thơ (Ngô tất tố):
    Chim hót dễ dà, liễu tả tơi
    Thềm hoa mây phủ bóng nhà dài.
    Khách vào, chẳng hỏi niềm nhân sự,
    Tựa bức lan can, chỉ ngắm trời.

    --------------------------------------------------------------------------------------
    (*) Dịch thoát theo quyển "101 chuyện Thiền" ("Zen flesh, Zen bones") do Paul Reps soạn.
    (1) Bông liễu nở đầy, chim hót chậm rãi. Trước bóng thềm nhà trồng hoa, mây chiều bay lơ lửng. Khách đến thăm, không hỏi đến việc đời, việc người. Mà chỉ tựa lan can, ngắm bầu trời xanh biếc.

  6. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Mùa Xuân nói chuyện về thiền và vài nhà "thơ rượu"
    (Nguyên Si)
    Trời đất sinh ra rượu với thơ,
    Không thơ không rượu sống như thừa(1).
    Bình rượu, túi thơ là những vật liệu luôn luôn mang bên mình của nhà thi sĩ. Rượu và thơ không thể tách rời nhau, vì rượu mang lại nguồn cảm hứng cho hồn thơ lai láng, mang lại khí hào sảng của đấng trượng phu, và làm toại nguyện ước mơ của người xưa, là: ngâm nga câu thơ dưới ánh trăng, cùng người tri kỷ chuốc rượu...
    Nhưng rượu không phải chỉ đem lại nguồn cảm hứng, khí hào sảng, tình tri kỷ. Rượu còn mang lại sự say sưa, quên lảng. Quên sự đời mang đầy ảo tưởng, thất vọng, bất bình. Những nhà "thơ rượu" đa số quả là những nhà thơ bất đắc chí.
    Dù là Horace nâng ly ca tụng mùa xuân, khi tuyết tan chảy trên đỉnh đồi, giữa tiếng cừu dê kêu trên đồng nội, dù là Lý Bạch say khướt dưới ánh trăng đến khi tỉnh giấc, lại chuốc rượu hát ca một mình, dù là Tản Đà cất chén quỳnh mải mê đi tìm người tri kỷ:
    Rượu thơ mình lại với mình,
    Khi say quên cả tấm hình phù du(2).
    tất cả đều tìm trong cơn say lúy túy, một giấc mộng bé, trong giấc mộng to...
    Vì cuộc đời chẳng là một giấc mộng lớn ư ?
    Xử thế nhược đại mộng,
    Hồ vi lao kỳ sinh?
    Sở dĩ chung nhật túy,
    Đồi nhiên ngọa tiền doanh... (3)
    Một giấc mộng dài đả làm đau lòng nhiều người, vì xấu nhiều đẹp ít, vì thường là một cơn ác mộng, một giấc mộng lắm phiền hà. Khác xa với cái mơ mộng của tuổi thơ, đó là cơn thực mộng phũ phàng của người từng trải:
    Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng mệt. (4)
    Phải, thất vọng vì cuộc đời, vì con người, ai nấy đều đả trải qua, hơn trong một giây phút. Ai nấy đều đả thoáng nhìn thế sự như mây nổi, bèo trôi, nhìn công danh phú quí như đóa hoa phù dung, như con phù du, sớm tối đả tàn:
    Tuồng ảo hóa đả bầy ra đấy,
    Cảnh phù du trông thấy mà đau (5).
    Chỉ vì định luật vô thường của vũ trụ, với sự biến đổi không ngừng của sự vật, khiến cho " mái tóc sớm như tơ xanh, mà chiều đả thành tuyết " 6, khiến cho "cây cì tươi tốt lúc xuân sang, thu tới đả khô cằn" (7).
    Qua Héraclite, qua các nhà hiền triết "n độ Dravidiens với quan niệm samsâra (luân hồi) và mâyâ (ảo giới), tính chất vô thường đả được xác định, cho đến khi được Phật Thích Ca bổ túc bằng thuyết vô ngả, là một giai đoạn quan trọng vô cùng.
    Thật vậy, nếu chỉ hiểu vạn vật vô thường, thì con người sẽ suốt đời than thân trách phận, dù lắm khi vì một mối "sầu vạn cổ" vượt khìi thân phận cá nhân mình:
    Tiền bất kiến cổ nhân
    Hậu bất chi lai giả
    Niệm thiên địa chi du du
    Độc thương nhiên nhi lệ hạ (8).
    Ai người trước đả qua?
    Ai người sau sẽ tới?
    Ngẫm trời đất khôn cùng
    Một mình rơi giọt lệ.
    Nhà "thơ rượu" cũng vậy, vì thấy cuộc đời đầy những bụi bậm tranh giành, chỉ vì công danh tiền bạc hảo huyền, trong khi thế giới đảo điên, quốc gia tao loạn, nên tìm quên trong thơ trong rượu, dưới ánh trăng tưởng chừng như trong sáng muôn đời. Cứ như thế: tỉnh rồi lại say, say rồi lại tỉnh. Khi say, thấy "lòng vui cùng cực, sống chết ngang nhau" (9), nhưng lúc tỉnh lại cảm thấy "nỗi sầu muôn vạn mối" (10):
    Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu
    Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu (11).
    Rút gươm chém nước, nước vẫn trôi
    Nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu.
    Than ôi! Rượu chẳng tiêu được sầu, ngược lại rượu để lại sau cơn cuồng nhiệt hứng tình, một nỗi buồn ray rứt, khó quên. Trước vò rượu ngổn ngang, túi thơ nhầu nát...
    Chỉ vì thi sĩ không quên được cái bản ngả to lớn của mình, không biết thản nhiên trước sự thịnh suy của sự vật chỉ "như hạt sương trên đầu ngọn cỏ" (12), và không hiểu được rằng: nếu thực là mộng, thì mộng cũng chính là thực.
    Và nếu cho rằng sống Thiền là sống thực, sống hiện tại, thì còn gì ngược lại tinh thần thiền hơn là trốn tránh thực tại? là để tâm hồn chìm đắm trong một thế giới mộng ảo, say sưa? Thật chẳng khác chi thay vì tự thức tỉnh mình, lại đi sâu vào một giấc mộng con trong giấc mộng lớn! Các nhà "thơ rượu" làm như vậy, chẳng là làm cho cuộc đời đả ngắn ngủi rồi, lại còn ngắn ngủi thêm ư?
    Mà dẫu đời người ngắn ngủi đi chăng nữa, đâu có thể nào đo ví bằng thời gian. Cứ xem như con rùa sống hơn trăm năm, cây cổ thụ sống cả ngàn năm, đâu thể nào so sánh với con người sống mấy chục năm? Dĩ nhiên (hay không,... tùy bạn), đả là con người, thì phải sống một cách mảnh liệt, trọn vẹn, không để phí một giây một phút, lại càng không thể tìm quên sự sống trong rượu chè ma túy. Nếu cần, xin lấy con ve sầu làm gương: người ta cho nó tên là "sầu" nhưng nó không sầu chút nào. Trái lại, sau bảy năm đầy đọa dưới đất, nó chỉ sống bảy ngày trên cây, nên suốt ngày chú ta kêu inh ìi, như muốn gửi vào từng tùm cây kẽ lá bức thông điệp của mặt trời và sự sống.
    Người tu Thiền, coi mình cũng như mọi sinh vật, nên ý thức được sự quí báu của mỗi giây phút sống trên thế gian này, nhưng tuyệt nhiên không chấp chặt vào sự sống đó, cũng như không chấp chặt vào một vật gì. Điềm nhiên, tự nhiên, và hồn nhiên sống, trong một niềm vui nhẹ nhàng, giải thoát. Không lo, không sợ, không sầu. Cuộc đời tuy như "một vì sao mờ dần buổi bình minh, một ngọn đèn dầu leo lét, một tia chớp trong đám mây hè, một bóng ma, một giấc mộng..."(13), nhưng tiếng hát chim hoàng anh hôm nay thanh hơn bao giờ hết, hương thơm hoa mộc hoa trà hôm nay dịu hơn bao giờ hết!
    Và chẳng cần chuốc rượu ngâm thơ, vị Thiền sư cũng thấy lòng vui man mác khi nhìn mặt trăng trong sáng chiếu qua cửa sổ túp lều tranh. Còn chúng ta? Ngày hôm nay, Xuân đả trở về với bao bải cì non, bao đóa hoa hàm tiếu. Hảy thưởng thức cái đẹp hiện tại nhiệm mầu để rồi khi hồng thưa, xanh rậm, không còn "tiếc làm gì những đóa hoa rơi" (14).
    Và cũng xin trong một nụ cười cởi mở, cùng một vài nhà "thơ rượu" nhấm nháp, ngâm nga:
    Còn thơ còn rượu còn xuân mải
    Còn mải xuân còn rượu với thơ. (15)
    ------------------------------------------------------------------------------------
    (1) Tản Đà: Ngày Xuân thơ rượu.
    (2) Tản Đà: Ngày Xuân thơ rượu.
    (3) Lý Bạch: Xuân nhật túy khởi ngôn chí.
    (4) Cao bá Quát: Ngán đời.
    (5) Ôn như Hầu: Cung oán ngâm khúc.
    (6) Lý Bạch: Tương tiến tửu.
    (7) Vạn Hạnh thiền sư.
    (8) Trần tử Ngang: Đăng U châu đài ca.
    (9) Lý Bạch: Nguyệt hạ độc chước III.
    (10) Lý Bạch: Nguyệt hạ độc chước IV.
    (11) Lý Bạch: Tuyên châu tiễn biệt hiệu thư Thúc Vân.
    (12) Vạn Hạnh thiền sư.
    (13) Kim Cương Bát nhả Ba la mật đa.
    (14) Vương Duy: Tống xuân từ
    (15) Tản Đà: Ngày Xuân thơ rượu.

  7. voiconlontalonton

    voiconlontalonton Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/09/2003
    Bài viết:
    1.362
    Đã được thích:
    0
    Mấy cái này xem ra trình độ thiền tồi quá, hé hé

Chia sẻ trang này