1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Chuyện trong nhà

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi mimosadalats, 05/08/2011.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. mimosadalats

    mimosadalats Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/01/2008
    Bài viết:
    10
    Đã được thích:
    0

    Phần 1

    1.
    Nước mắt tràn mi cô gái ngồi trước mặt tôi, thỉnh thoảng cô lấy một miếng khăn giấy í nhị chấm khóe mắt động nước. Khuôn mặt gầy xương xương, da ngăm ngăm không quá xinh đẹp cũng không quá hiền lành. Tuy vậy tôi vẫn thấy thương cảm. Mỗi người phụ nữ một nỗi niềm chất chứa như đá chôn trong mộ, lấy chồng thì yêu chồng có con thì yêu con ngoài ra còn phải yêu cả anh chị em bố mẹ chồng; tình cảnh thật đáng thương. Dù rằng thời này không quá như thời xưa, mẹ chồng cũng nhũn nhặn hơn mẹ chồng ngày trước, không có cảnh gọi con dâu bằng chị, hay ngồi canh con trai trước buồng cưới. Chuyện cũng xưa nhưng lịch sử đâu có thể một sớm một chiều mà phai nhạt.
    Trước mặt tôi là một cô gái đang đau khổ nhưng tôi biết nói gì vói cô ấy? Nghề của tôi là nghe, nghe càng nhiều càng tốt, muốn khóc thì khóc muốn nói thì nói chỉ cần đừng động tay động chân vói tôi là được. Bác sĩ tâm lí, nghề gần chết đói cũng chả có nhiều hơi sức mà khuyên can người no đủ hơn mình. Khách hàng của tôi phần nhiều là các nàng dâu, nàng thì hiền lành, nàng thì ghê gớm; nhưng bản thân tôi nghĩ chả có nàng dâu nào hiền lành mà tìm đến tôi; mấy cô con dâu hiền thường ấm ức khóc hay chia sẻ với mẹ đẻ chứ ít đến tôi để mất tiền. Chỉ có những cô nàng có tâm sự không thể giao cho mẹ đẻ hay chồng cất giữ, giao cho người lạ như tôi cất giữ cho an toàn.
    Mỗi ngày tôi đều cố gắng nghe, nghe đến mức lỗ tai đau nhức. Hết chuyện mẹ chồng này đến chuyện mẹ chồng khác, làm tôi có cảm giác người đàn bà nào trở thành mẹ chồng cũng giống như mụ phù thủy hung giữ chỉ nhăm nhé xé toạc hạnh phúc con trai mình ra làm đôi. Hàng ngày các mụ phu thủy mẹ chồng đều giơ móng tay sắc nhọn cắm vào tim các cô con dâu, còn các cô con dâu thì mềm oặt trên vai các anh chồng khiến cho trái tìm đàn ông nào cũng nhức nhối. Mẹ hiền của mình bỗng trở thành mụ già độc địa, cô vợ ngày nào trên giường ngủ cũng ra đủ mọi yêu sách biến thành diễn viên hạng nhất và bỗng nhiên trở nên yếu đuối như hồi mới yêu, biết nghiêng bên nào ngả bên nào, mẹ là máu thịt vợ là tim gan; bên nào gục ngã thì cũng tổn thương sâu sắc đến người đàn ông. Xem ra biết vậy thì không nên cưới vợ, cứ làm nhân tình rồi nhà ai nấy sống thì sẽ chẳng có xung đột đến mức gươm giáo vác ra nghênh chiến hàng ngày thế này.
    Tôi ngấm đến mức say, về tới nhà không dám bật tivi, mở lên là thấy phim Hàn quốc bi thảm, qua chỗ khác thì phim Trung quốc giết người, kênh Việt Nam thì toàn người đẹp no say, nhà giàu viễn cảnh sáng rỡ đối nghịch với cái nhà 30m ba thế hệ của nhà tôi, tính bình quân mỗi thế hệ sỏ hữu 10m diện tích sinh hoạt bao gồm ăn, ngủ di chuyển, vệ sinh và yêu nhau. Nhà người ta phòng tắm bằng phòng ngủ vợ chồng tôi, hành lang thì thành nhà bếp chỉ đánh rắm cũng thối lên tới phòng khách, vợ chồng trong phòng ngủ nhìn nhau như hàng xóm chung giường, gần nhau rón rén như ngoại tình. Tôi đâm ra sợ, cái gì đẹp quá cũng khiến mình trở nên tham lam, nhìn sân nhà người ta chỉ muốn kiếm về làm sân nhà mình, đầu óc bỗng trở nên hẹp hòi, nhìn đâu cũng cho là chỉ có tệ nạn.
    Tôi như cái thùng rác, ai có gì cũng vứt vào cho bằng hết, cái thùng rác đầy ứ lên khiến cho tôi thấy mình thật tài giỏi, hồi trước học gì không học cứ thích tâm lí. Nếu hồi đó tôi đi học Nha khoa thì hay biết mấy, ngày ngày ngồi nhàn hạ trong phòng răng sáng lóa, chịu khó bẻ mấy cái răng sâu, làm sạch mấy cái miệng viêm nha chu, cạo ít vôi răng cho dân chúng thu tiền thì mỗi năm cả nhà cũng đi nước ngoài vài lần du lịch, sống trong nhà như villa ngoại ô. Đằng này, cả năm trong thành phố, đi đâu cũng nghĩ đến tiền nong đắt đỏ, sợ bị chặt chém thành ra giống như con giun ngày ngày chỉ biết đào đất trong hang, thi thoảng chỉ dám ra cửa sổ hóng gió toàn mùi than tổ ong nhà bên cạnh. Cùng lắm thì cũng nên học bác sĩ chuyên khoa gì đó, bây giờ tiền quỹ phòng một tuần được chia nghe đâu cũng lên tới hàng chục triệu. Một tháng có bốn tuần, xem ra người ta làm đâu cần tới lương tháng. Tệ hơn nữa thì làm giáo viên, tôi học hành không tệ, thi vào đại học thành tích không tồi nhưng lại không chọn nghề đi dạy, tự mình nhận thấy bác sĩ tâm hồn mới cao quý. Hàng ngày ngồi hưởng cái cao quý đấy rồi chịu khó ăn kiêng tập thể dục, luyện tính nhẫn nại ngồi nghe thì đã đạt đến cõi vô thường, tinh thần tuyệt đối trong sạch lành mạnh.
    May mắn vợ chồng tôi chưa có con, người trong nhà cũng không nhiều, chỉ toàn người già cả nghỉ hưu ngồi xem tivi cả ngày nên mọi thứ xem ra cũng dễ chịu, tiền lương ít thì ăn ít, già ăn càng ít càng khỏe, vợ chồng tôi trẻ nhất, thế hệ trí thức thứ 3 được đào tạo bài bản hơn các thế hệ trước, tư duy cũng cởi mở và hành động cũng thoải mái. Có điều nói cho công bằng thì cũng chẳng có gì dễ chịu khi sống vói hàng loạt những người già, xem ra cái nhà là trại dưỡng lão. Mỗi ngày đi làm về biến thành nhân viên phục vụ, dịch vụ không cao nhưng cũng khiến người làm dịch vụ như tôi kiệt sức. Chuyện nhà người ta đã nghe đầy hai lỗ tai, bây giờ còn chuyện nhà mình, tôi đành coi như mình là bệnh nhân sống cùng bệnh nhân. Không muốn đem chuyện nhà ra với đồng nghiệp khác nên vui vẻ chịu đựng, tính nết ngày càng nhẫn nại, biết nghe cái gì nên nghe, bỏ cái gì nên bỏ. Dẫu sao hàng tối ngủ cói chồng, chồng chẳng là máu thịt của họ sau? Chẳng qua mình ngủ vói máu thịt của họ, ăn tươi nuốt sống máu thịt của họ từ thời còn đại học, dùng tiền lương của chồng từ hồi sống chung với nhau. Bảo sao không đem lại hậu quả sau này là thành người giúp việc kiêm lao động chính trong nhà. Sau vài năm lao động công ích thì được coi là người trong nhà, xem ra thành quả đạt được còn cao hơn bậc đại học. Ngày ngày nghe khóc, nhìn nước mắt người khác lẽ nào về nhà lại ngồi tự lau nước mắt cho mình, chồng vẫn còn ở cơ quan không thì đi uống bia với bạn bè để trốn cái chật chội, ẩm mốc u ám trong nhà.
    Cũng có thời tôi và chồng tôi chỉ nhìn nhau thôi là thấy hưng phấn nhưng rồi thời gian đó tắt ngấm bằng một đám cưới có đêm tân hôn u ám, một khi cô dâu đòi bế vào nhà, vượt qua 2 ngưõng cửa lịch sử ngồi nhìn ra bằng cái nhìn rùng rợn và nhe hàm răng vẫn còn nhuộm đen của cụ ngoại chồng tôi đã biết đêm tân hôn sẽ không còn ý nghĩa. Vệ sinh thì dùng chung, dội nước cùng không dám dội to sựo người lớn trong nhà không ngủ được, bà ngoại chồng và bố mẹ chồng không ngủ được có nghĩa là đêm tân hôn phải lùi lại, các va chạm sỏ mó phải kìm nén đến mức tối đa. Cách nhau một cái vách gỗ, chỉ cần trở mình thì bên kia vách cũng cảm nhận được vợ chồng tôi đành dấm dúi trong đêm đầu tiên. Mọi thứ chẳng còn nhiều hạnh phúc.
    Hôn nhân chẳng phải mồ mả gì như người ta vẫn nói, hôn nhân chỉ làm người ta tỉnh ngộ sau một giấc mơ tuyệt vời, thấy người yêu biến thành chồng sáng cạy dỉ mũi chùi vào chăn, tối ngáy phì phò hơi thở phả ra mùi cóc chết. Hôn nhân giống như người quên đánh răng buổi tối và sáng dậy vẫn chưa hết ngái ngủ bỗng bị một gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt. Cô dâu lộng lẫy hôm qua thay vào đó là một người đàn bà nằm dang chân gác lên người mình, da mặt sần sần vài nốt muỗi đốt do tối qua ngủ không kịp mắc màn. Làm gì có hơi thở thơm tho thanh mát sau một đêm ngủ như trong các tiểu thuyết diễm tình, tóc tai chưa kịp gội dính đầy mùi keo xịt tóc và khuôn mặt vẫn còn nhàu nát sau những ngày vất vả chuẩn bị cho lễ cưới. Hôn nhân của ai thơm mát tôi sẽ vô cùng ngưỡng mộ, hôn nhân vì tình của trí thức chúng tôi là dấu chấm hết cho một thời gian lãng mạn thiếu thực tế và hệ quả cũng là một chuỗi ngày tràn nước mắt bi nhièu hơn hài.

    Anh yêu em vì em là chuyên gia tâm lí!

    Chồng tôi là chuyên gia cho một nghành giải trí, cũng từng yêu đương xông pha dăm ba trận vói các người đẹp trên phim ảnh. Nhưng thực tế anh đều bị các người đẹp bỏ rơi sau khi chứng kiến ngôi nhà lịch sử ba thế hệ kèm cái mác phố cổ trên chứng nhận. Bố mẹ và cụ anh không chuyển đi đâu, họ đã sống nhiều thế hệ, mỏ mắt ra là thấy mùi rêu ám, nhắm mắt lại vẫn thấy mùi hôi phố chợ cách đấy 1km. Nhưng kí ức là kí ức, truyền thống là truyền thống, nhà chỉ có một con, cha mẹ cũng không có nhiều, họ hàng cần phải đông đúc để thể hiện tinh thần dân tộc. Đến khi gặp tôi, anh quyết định yêu tôi nhanh chóng. Tinh thần bất khuất của anh khiến tôi không kìm nén được, người đàn ông hào hoa, đẹp đẽ và ngọt ngào có nằm mơ cũng không tìm thấy. Tôi đồng ý ngay mà chưa kịp tỉnh táo, nhìn bố mẹ anh thấy yêu bố mẹ anh, nhìn cụ anh tôi có thể hôn cụ anh chỉ vì yêu anh quá. Đến ngày cưới anh bảo tôi: Anh yêu em vì em là chuyên gia tâm lí! Hóa ra anh yêu cái ngành học của tôi, vì yêu những ngành khác họ đều bỏ anh vì sợ quá. Tôi những tường anh là nạ nhân của mình, xem ra tôi nhầm, tôi mới là con cá ngốc nghếch tham miếng mồi ngon. Chuyên gia tâm lí thì sao: chuyên gia biết nghe và không bao giờ phản đối; chuyên gia không thể nói láo, chuyên gia có thể nghe tâm sự của người khác nhưng không thể mang tâm sự của mình đi gửi gắm vào một chỗ khác. Thật đáng đời, tình yêu đã có mùi ngay từ ban đầu nhưng tôi không biết.
    Người đàn ông hào hoa, phong nhã chọn tôi đâu phải vì yêu, anh ta chọn tôi vì thấy tôi phù hợp với gia đình tam đại đồng đường. Tôi nuốt nước mắt, ***g ngực đau tức. Làm người đàn bà của anh ta rồi mới biết mình bị lừa, đầu tiên là nghĩ đến việc li hôn. Mới chưa đăng kí kết hôn được bao lâu mà đã li hôn thì còn mặt mũi nào, khi lấy chồng bố mẹ đều khóc thút thít chúc cho con gái hạnh phúc trăm năm đầu bạc, sống như bố mẹ đồng cam công khổ. Chưa qua tuần trăng mật chẳng lẽ nước mắt ngắn dài xin về lấy lại chỗ cũ làm nơi ẩn náu che dấu mình sao? Xem ra, dù đã từng là nhà của mình mấy chục năm, bố mẹ cũng là bố mẹ mình mấy chục năm nhưng được gả đi rồi mà tự động về thì cũng mất mặt bố mẹ vẫn coi như là không có nơi nương tựa. Vẫn chưa có cái nhà nào là nhà của mình thì vẫn coi như chưa có người đàn ông chính thức trong đời. Đàn ông chính là cái nhà, chính là cái túi tiền không biết vơi của đàn bà, nếu chưa đạt đến đỉnh cao đó thì vẫn chưa có đàn ông. Đàn ông đâu chỉ ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, đâu phải chỉ cần cho tinh trùng là sinh nổi con, không phải trẻ con được ấp từ tử cung đàn bà hay sao? Vậy thì để có tử cung sinh con, để có cái gối ôm mềm nhũn thơm tho thì phải trả giá, có khi mua rẻ, có khi mua đắt nhưng tự chung lại thì đàn bà không có giá chỉ có đàn bà phù hợp với đàn ông. Tôi là cái lựa chọn phù hợp của anh ta. Phù hợp vói 10m vuồng hỉ nộ ái ố, toa lét vẫn dùng chung với cả khu nhà chứ không riêng của ai. Chỗ riêng tư thành ra nơi công cộng, nhà mình đánh rắm cũng phải nín, cực khoái cũng phải nhịn, rặn ỉa càng phải kín đáo càng không phô trương thì càng tốt; lúc nào cũng phải khoe ra cái mặt đã được tô son trát phấn rực rỡ, nụ cười thường trực trên môi nếu không muốn bị coi là khinh người. Cuộc sống có thật nhiều mặt nạ.
    Tức chết đi được. Nhưng tôi cũng sống được, mọi chuyện cũng không quá nặng nề, mười mét vuông thì sao chứ? Ối người chưa có đến năm mét hay sao? Chưa kể mười mét vuông ỏ đây là mười mét vuông phố cổ, đáng giá hàng trăm ngàn lần mười mét vuông chỗ khác. Nếu tính quy đổi tôi đang sống trong một biệt thự giá mười tỉ, chả phải các phố khác họ đòi đền bù 1 tỉ/m vuông đó sao? Một tỉ, một tỉ chả phải 50.000$ à? Tôi đang sống trong ngôi nhà trị giá 1,5 triệu $, đến tây cũng phải ngưỡng mộ. Tôi cũng thấy bớt ghét chồng hơn vì thấy xem ra tính theo tỉ giá ngoại tệ và tính theo giá trị trượt giá thì chúng tôi vẫn được xếp vào hàng triệu phú đô la. Chưa kể bà ngoại anh đã quá già, khi bà ngoại anh mất đi thì diện tích sống sẽ được nâng lên thêm năm mét vuông nữa? năm mét vuông là năm tỉ, mỗi mét vuông là một tỉ, vị chi hiện nay cụ đang sống với một tài sản trị giá mười tỉ đồng. Không biết bà có hiểu là bà đang loay hoay trong một đống tiền và có thể nếu bán đi bà sẽ được chôn vói đám ma chi phí lên tới một tỉ không nhỉ? Rồi khi bố mẹ anh ra đi, bố mẹ anh cũng già rồi, chúng tôi và con cái mình sẽ sống trong ngôi nhà trị giá ba mươi tỉ vị chi là ba mươi mét vuông giữa thủ đô cổ kính. Còn gì vinh dự và tự hào hơn nữa. Tôi hiểu bố mẹ chồng, hiểu chồng hơn nhờ khả năng quy đổi đất ra tiền, ai mà chả nghĩ đến chuyện đó. Ngoài lí do truyền thống tôi nghĩ là cả nhà anh đều nghĩ đến khoản tiền ba mươi tỉ như tôi đang nghĩ, có thể cụ anh thì không vì thời đó cụ chưa bao giờ hình dung đến tiền tỉ, đến khi có tiền tỉ rồi thì bà ngoại anh đã bị lẫn.
    Cuộc sống này vốn nặng nề, nếu chỉ vì kiến sống bằng việc nghe những người khác nói và thỉnh thoảng cho họ lời khuyên lí thuyết và sáo rỗng thì tôi cũng chỉ vừa đủ nuôi mình, vẫn bám tình yêu của bố mẹ như con đỉa bám hút máu người. Chẳng lẽ kết cục nó lại tồi tệ đến thế sao?
    “Chỉ tại mình!” tôi vẫn luôn luôn đổ tại mình mỗi khi phải làm cái gì đó nửa chừng. Tại mình sai lầm, tại mình ngu ngốc; có lẽ nào? Master, master là cái con khỉ gì khi không nuôi sống được cái người sở hữu nó. Thỉnh thoảng, vọ chồng tôi chơi trò ngu ngốc là tìm đồ, thì thoảng bàn tay lần mò run rẩy của anh chạm vào người tôi thì anh hét lên: “bắt được rồi!” Mỗi lần anh hét thì ba mươi mét vuông nhà rung chuyển, bố mẹ anh chạy hùng hục tới hỏi: Bắt được con chuột rồi à? Nó đâu??? Bàn tay vừa chạm vào người tôi lục soát đã rút lại, khéo léo chuyển chỗ. Ba mươi tuổi, có bằng master tâm lí và những cơn ******** bị dập tắp phũ phàng, tôi biết làm sao với ngôi nhà chỉ có một ông chồng và 3 người già nua. Mọi người nói chúng tôi nên sinh một đứa con, chồng tôi cũng khuyến khích nhưng mà sinh kiểu gì đây, đến việc làm cách nào để có nó cũng là một vấn đề nan giải. Thậm thụt thì hay đấy, nhưng vấn đề là mỗi lần thậm thụt đều không mang lại kết quả, chúng tôi sẽ làm gì với bốn thế hệ trong ba mươi mét vuông nhà và cái toalet dùng chung lúc nhúc dòi.
    Thỉnh thoảng mẹ chồng tôi rất khó tính, giống như những người đàn bà trên sáu mươi tuổi khác, bà vẫn có cảm giác anh con trai bốn mươi tuổi của mình là một cậu bé cần được ve vuốt, tôi không hiểu đến lúc bằng tuổi bà và có con tôi có còn đủ dũng cảm cho con ngồi bên cạnh và vuốt tóc hay không? Thi thoảng hai mẹ con tình cảm kiểu mẹ con chấy rận khiến tôi phát ngượng với ông chồng tuổi trung niên đang trở về thời trẻ con. Nghĩ đến đó tôi cũng cảm thấy như nóng sốt, chồng người ta là thanh niên trai tráng, chồng mình đã trung niên mà hành xử như thiếu nhi.
    Người đàn bà như gió mát mùa hè, chăn đắp trong mùa đông. Chồng chị có lẽ không phải đối với vợ như những tiện nghi đảm bao cho cuộc sống hoàn hảo nhưng chồng tôi là thế; anh chàng bốn mươi tuổi chuyên gia giải trí đẹp trai và phong độ thực ra chỉ là một đứa trẻ hay vòi vĩnh. Mẹ anh ta không còn có khả năng đáp ứng nên anh ta bèn tìm lấy một người vợ, điều không may tôi chính là một trong những người không may mắn đó. Ba mươi tuổi đời vẫn là trinh nữ, không phải vì tham tiếc mà vì chả có thời gian để làm việc đó trong con mắt canh gác ngặt nghèo của bố mẹ tôi. Yêu ai cũng bị canh giữ khiên cho các chàng thanh niên phải chấp nhận không thể lọt qua con mắt soi mói của mẹ tôi, trời xui đất khiến mẹ tôi lạ có thể để cho chàng rể già qua mắt ngay từ lần giáp mặt đầu tiên. Vẻ đẹp hình thức cổ điển, nghiêm túc khiên cho con mắt đánh giá của mẹ tôi không lường trước được tài năng diễn xuất như thật của chàng. Tuy nhiên điều chàng muốn cũng không quá xa lạ với suy nghĩ của một người đàn bà thời 1952. thời điểm đó việc phục vụ chồng con, gia đình chồng có lẽ là cái đích đến cuối cùng và đầu tiên của bất cứ một người đàn bà nào.
    Bà nuôi dạy một cô trinh nữ để giao cho một lão hà tiện trong tình yêu, bà không biết được đêm tân hôn không thành, những lần làm tính mất hứng và mọi thứ xung quanh ngồi nà cộng vói thói trăng hoa đa tình sẵn có, cuộc sống của tôi đã chọn sẵn cho mình một bước tiến xuống địa ngục. Nếu không có ngôi nhà ba mươi mét vuông trị giá ba mươi tỉ đồng ngay giữa lòng phố cổ có lẽ tôi cũng chả có hứng mà sống nốt. Suy ra đàn ông là gì? Đà ông nếu không phải là túi tiền thì phải là túi tình, anh chồng tôi không có cái túi nào chỉ có ngồi nhà thừa kế, ngôi nhà chả phải là điểm tạ của tôi sao? Lấy chồng không phải là đồng cam cộng khổ, mà còn là chia ngọt sẻ bùi, còn là cảnh chia nhau cái giường chung, cái toalet công cộng, chia nhau ba người già cần chăm sóc và một trong số những người đó còn hcẳng biết mình vừa ăn gì. Có nặng nề hay không thì chỉ có những ai trong cảnh của tôi mới hình dung ra. Chuyện nhà người nào thì chỉ có người đó biết, không ai sống trong sung sướng mà biết được cảnh tượng của tôi. Một bác sĩ tâm lí, một chuyên gia từng đi lại khắp nơi trên thế giới với bộ mặt tươi tình, hàm răng trắng bóng được chăm sóc cẩn thận, cái váy nhã nhặn sang trọng lại là một gnười đàn bà không còn thời gian chải đầu cho tử tế, sáng dậy không kíp đánh răng đã phải đi đổ bô cho bà ngoại chồng. Gọi chồng dậy bằng cách đánh vào mông, mua đồ ăn sáng cho cả nhà và chạy ra khỏi nhà với hành vẫn còn dính trong kẽ răng. Mỗi ngày có một người qua giúp buổi trưa nhưng không ai chịu được quá ba tháng. Ngày ngày, vẫn phải nhìn nước mắt của người khác, vẫn lắng nghe những điều sầu muộn chỉ bằng một phần nỗi sầu muộn tôi đang mang; vẫn phải lắng nghe trong khi đầu đang nghĩ đến lão chồng hôm nay hình như là có hẹn với con bé diễn viên đến thử vai trong khách sạn. Sinh ra khách sạn đâu chỉ dành cho nghỉ ngơi mà còn dành cho các đạo diễn đưa diễn viên đến thử vai. Chồng tôi đã tuyển diễn viên trong khách sạn nhiều đến mức tôi không còn muốn biết, mỗi một vai diễn các cô gái đều phải đến thử, mỗi một bộ phim có vài chục cô gái thử vai, thành ra các đạo diễn như chồng tôi rất chăm chỉ miệt mài. Anh ta sống chết vói những lần chọn diễn viên, bỏ cô nào chọn cô nào cũng là một sự cân não khiến anh chàng rối trí mất hàng tuần. Làm vợ một anh chàng như vậy, liệu tôi có còn nên chọn cách li hôn hay tự tử. Li hôn thì không được, tử tử lại càng không; chưa đến việc phải chết nên tôi chọn phương pháp dung hòa. Lấy tiêu chí thừa kế tài sản làm hướng phấn đấu trong suốt thời kì sống chung. Anh ta càng không muốn li hôn, bởi tìm được người chấp nhận đến sống cùng anh cũng không đơn giản. Tình yêu đó nếu không phải là sự tính toán thì còn biết gọi là gì?
    Mỗi buổi sáng đi làm đều gạt nước mắt ra khỏi cửa bién thành nụ cười, hùng dũng tiến tới cơ quan rồi biến mình thành một chuyên gia hạnh phúc. Tự nhìn các đồng nghiệp của mình, đều thấy lòng họ đang dấu điều gì đó. Miệc cười đều dính mỡ hành, tưởng thơm tho nhưng thực chất là nén bi đát để biến mình thành trí thức tiêu biểu thành đạt trong con mắt bố mẹ. Ai là người cực khổ nhịn ăn để đóng học phí cho con? Ngày trước, khi thời gian còn rất gian khổ, mẹ tôi từng nói Nếu ai bào mẹ tôi ăn mõi con dòi thì kiếm được một nghìn đồng để dành cho con học mẹ tôi cũng sẵn sàng làm. Người đàn bà hy sinh cho mình đến thế, làm sao nỡ làm đau lòng thêm nữa? Cuộc sống của mẹ chả phải đã chuyển hết cho tôi sao? Tôi thế nào thì bà thế đó, sinh con rồi lệ thuộc con. Tôi thực sự cảm thấy mình bước không qua nổi các sức ép tâm lí khủng hoảng đó. Nếu như mẹ mình, biết là vĩ đại đó nhưng tôi thà không sinh con, thà không biết cảm giác làm mẹ nó vĩ đại thế nào để khỏi đổ lên vai đứa con vừa được sinh ra của mình một tham vọng mãnh liệt, khiến cho nó sống cũng không dám sống, chết cũng không dám chết. Tình yêu của mẹ giống như gánh nặng lên vai những đứa con non nớt, vừa sinh ra đã oằn vai, khôgn gánh được thì kéo, không kéo được thì phải ngồi trông chứ không dám đào đất để chôn xuống, cũng không giám bỏ mặc để trộm lấy đi
    Tình yêu nào tôi được hưởng cũng có thêm một gánh nặng, tình yêu của chồng thì đổ lên nhằm tìm một osin ba thế hệ, tình yêu của cha mẹ thì khiến tôi gạt nước mắt dấu vào lòng mà cười tươi, phải tìm cách xóa di nếp nhăn, làm giãn cơ mặt, tiêm botox để khuôn mặt vình viễn chỉ có một kiểu cười không thể thay đổi. Ai bảo tôi là niềm tự hào của cha mẹ, ai bảo tôi ăn cơm cha mẹ, nghiến ngấu sức lao động được quy đổi thành sữa để mà lớn lên; khai thác triệt để tình cảm tiền bạc của bố mẹ để phấn đấu thành người hoàn thiện; đến khi có chút méo mó thì lại trốn tránh sự thật.
    Hôm qua, sau năm năm quan hệ kiểu vợ chồng, chúng tôi gồm tôi và chồng cùng ngồi lại muốn biến quan hệ thành ngưởi ruột rà kiểu anh em. Chồng không bỏ được tôi càng không thể bỏ những buổi thử vai diễn trong phòng khách sạn bình dân, người chàng càng ngày càng có mùi công cộng rất khó nhận biết. Tôi không bỏ được chồng, ngày ngày chăm chỉ đổ bô bưng cháo cũng không nỡ để hai người còn lại ngày ngày cãi nhau không có người dàn xếp càng không nỡ để cái nhà ba mươi mét vuông trị giá một tỉ rưỡi mĩ kim không có tên mình thừa kế. Vậy đành ôm chồng như đứa em trai an ủi; kiếp này vợ chồng trên giấy cứ để vậy, kiếp sau biến thành anh em chia ngọt xẻ bùi, có tiền cùng hưởng có gái cùng chia. Chồng bèn nói: em yêu ai cứ yêu, đừng bỏ anh! Bỏ anh rồi bà vói bố mẹ không ai trông nom, anh không có ai chăm sóc! Nghe rất não nề, hóa ra hôn nhân đều có giá phải trả, tiền còn kiếm được nhưng ba mươi năm tuổi xuân thì tiền không thể mua. Có điều gái già như mình, liệu ra bươn chải thì có thay đổi được không? Dẫu sao vẫn còn được nhờ vả trọng vọng, cùng vẫn được tiêu tiền chồng thì chấp nhận cho xong. Cân nhắc đủ thứ thành ra cứ sống kiểu anh em trong nhà, con dâu biến thành con gái, còn trai biến thành khách trọ, chẳng ai muốn thay đổi.
  2. mimosadalats

    mimosadalats Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/01/2008
    Bài viết:
    10
    Đã được thích:
    0
    Mọi người đọc cho vui, gọi là gì thì nó là cái đấy không câu nệ gì!
    -----------------------------Tự động gộp Reply ---------------------------
    Xin giới thiệu thêm là còn rất nhiều phần, có phần xong rồi có phần vẫn chưa nghĩ ra.
  3. Hangl

    Hangl Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/05/2011
    Bài viết:
    5
    Đã được thích:
    0
    Doc truyen ban viet lai thay phang phat dau do cau truyen cua minh. Cang nghi cang thay ngan ngam... :(

Chia sẻ trang này