1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Clip hướng dẫn quan sát bầu trời tháng 6/2011

Chủ đề trong 'Thiên văn học' bởi Fairydream, 07/06/2011.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Fairydream

    Fairydream Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/07/2002
    Bài viết:
    2.678
    Đã được thích:
    1
    CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM xin giới thiệu clip hướng dẫn bầu trời tháng 6/2011 nằm trong dự án phổ biến thiên văn cho cộng đồng của CLB.

    Dự án này đang trong giai đoạn khởi đầu nên không tránh khỏi các sai sót, rất mong nhận được sự đóng góp của các bạn ngay trên diễn đàn hoặc gửi ý kiến về email hcmc.astroclub@gmail.com

    Ngay trong clip tháng 6 này có một số chỗ lời thuyết minh bị nhầm, các bạn có thể đối chiếu lại với kịch bản để chính xác hơn.

    Trân trọng




    KỊCH BẢN CLIP HƯỚNG DẪN QUAN SÁT THÁNG 6/2011

    Clip hướng dẫn quan sát bầu trời tháng 6

    Các chòm sao nổi bật trên trong trời trong tháng 6

    Chúng ta đã bước vào tháng 6 và một mùa hè mới lại đến. Mùa hè cũng đi kèm với mùa mưa ở nước ta, có thể thấy rõ nhất nếu bạn sống ở miền Nam. Những cơn mưa giông thường xuất hiện vào cuối ngày và nếu may mắn bạn sẽ có một bầu trời trong vắt sau đó. Nếu thời tiết cho phép, bạn hãy bước ra ngoài vào buổi tối và tận hưởng bầu trời sao đầu hè và đặc biệt lưu ý trong tháng sáu này sẽ có 1 hiện tượng thiên văn rất đặc biệt, đó là Nguyệt thực toàn phần vào rạng sáng ngày 16/6


    Vậy chòm sao nào sẽ là mục tiêu mà chúng ta quan sát đầu tiên ? Vào khoảng 9h tối,Hãy nhìn về phía đông nam khoảng lưng chừng trời, trong chi chít các ngôi sao nhỏ ở vùng trời này, bạn sẽ bắt gặp một chòm sao có hình dạng cong cong hình nhữ S rất đặc biệt và có gì đó quen thuộc như bản đồ tổ quốc ta, đó chính là chòm sao Bò Cạp (Scorpius). Chữ S này trông khá giống như một con Bọ cạp khổng lồ, với chiếc đuôi cong dài. Đây là một chòm sao Hoàng Đạo và cũng là cung Hoàng đạo cho những người sinh vào tháng 11. Vị trí giữa chòm Bò cạp được đánh dấu bởi một ngôi rực rỡ hơn những ngôi sao khác có màu ánh lửa vàng cam, đó là sao Antares, đánh dấu trái tim của chú bò cạp. Antares là một ngôi sao cực lớn thuộc loại siêu khổng lồ đỏ (red super giant), có đường kính lớn gấp 400 lần và sáng gấp 9000 lần mặt trời, nó cách chúng ta 604 năm ánh sáng.

    Theo truyền thuyết, con Bò Cạp này bò ra khỏi mặt đất theo lệnh của Hera nhằm tấn công thợ săn Orion, một thợ săn tài giỏi nhưng ngông cuồng dám thách thức cả thần thánh, Bò cạp đã đốt vào chân và giết chết người thợ săn này. Cả Orion và Bò Cạp đều được vinh danh đưa lên bầu trời thành những chòm sao, nhưng nằm ở vị trí đối nhau nên chúng không thể gặp nhau. Do đó, khi chòm Bò Cạp mọc thì chòm thợ săn -Orion lặn khuất ở chân trời Tây như thể cả hai vẫn còn là kẻ thù của nhau.

    Ngay phía bên phải chòm Bò cạp là vị trí chòm Chó Sói (Lupus), chòm sao này gắn liền với chòm Nhân Mã (Centaurus) vì hình ảnh chú chó sói này được tưởng tượng trong bản đồ sao như bị đâm và giết bởi Nhân Mã.Lưu ý tên Lupus rất dễ gây nhầm lẫn với chòm sao Con Thỏ (Lepus) nằm dưới chân thợ săn Orion.

    Chếch sang hướng đông, thấp hơn về phía đuôi của chòm Bò Cạp, bạn sẽ nhận ra một hình dạng quen thuộc khác như một cái đấu nhỏ khá giống với cái đấu của chòm Bắc đẩu, đây chính là một phần của chòm Cung thủ Nhân Mã (Sagittarius) đây cũng là chòm sao Hoàng Đạo, có tên tiếng anh là Archer - Cung thủ. Nhưng ở việt nam rất hay gọi là Nhân Mã nhưng để khỏi lầm với Nhân mã Centaurus, ta nên gọi nó với tên Cung Thủ Nhân mã. Ngoài liên tưởng đến hình dạng cái đấu, bạn cũng có thể hình dung theo cách khác, phần chính của chòm sao này trong khá giống một cái ấm trà (Tea cup) có nắp và hai quai. Do nằm ngay trên phần rất dày đặc của Dãy ngân hà (Milky way) bắt đầu từ phần đuôi của Bò cạp, chòm CTNM là chòm sao sở hữu nhiều cụm tinh vân và vật thể tối nhất trong đó có tinh vân M25 được bao quanh bởi một số sao tạo thành hình xoắn ốc, cụm sao M21, tinh vân trifid, NGC6530 … là những đối tượng tương đối dễ quan sát.

    Nhìn chung vùng trời phía nam này nếu ở vùng quê các bạn mới cảm nhận rõ sự huyền ảo của nó. Đây chính là vùng trời gắn liền với chòm Thần Nông trong dân gian Việt Nam mà chòm sao Bò cạp chính là vị Thần Nông đang đội nón lá khom lưng tắt nước bên dòng sông Ngân hà, gàu xòng là phần cái gàu của chòm Cung thủ Nhân mã. Giữa dòng sông có chú vịt đang bơi. Vậy chú vịt này ở đâu ? nếu có đôi mắt tốt và nhìn thật kĩ bạn sẽ nhận ra đó là chòm Nam Miện (Corona Australis) Cong cong như ức của một chú vịt đang bơi giữa dòng Ngân hà. Chòm Nam miện rất đẹp, nếu điều kiện quan sát lý tưởng nó sẽ tựa như một chuỗi ngọc trai lấp lánh.

    Từ phần đầu chòm Bò cạp chiếu ngang qua về phía bắc bạn sẽ gặp chòm sao chiếm diện tích khá rộng trên bầu trời. Chòm sao người cầm rắn (Ophiuchus) và Chòm Con rắn (Serpens).
    Người cầm rắn ngày nay được xem như một chòm sao hoàng đạo trong 13 chòm Hoàng Đạo của thiên văn học hiện đại vì Mặt trời đi qua chòm sao này trong khoảng thời gian từ 30/11->18/12. Một điều đặc biệt nữa ở chòm Con rắn, đây là chòm sao duy nhất bị chia làm 2 phần phân cách bởi chòm Người Cầm Rắn. Muốn ghi nhớ hình dạng chòm sao khá rộng này, bạn hãy cố gắng hình dung chòm Người Cầm Rắn với những hình nối đơn giản, đặc biệt là đỉnh nhọn của nó ở phía Bắc.

    Chệch thêm về phía Bắc, ngay cạnh đỉnh nhọn của Người Cầm Rắn là chòm Hecquyn (Hercules), chàng dũng sĩ có sức mạnh phi thường và nổi tiếng với 12 kì công của mình. Chòm sao này có phần chính trông như như một chiếc nơ.

    Nhìn về phía Đông và đông bắc, ở lưng chừng trời bạn sẽ dễ dàng thấy một ngôi sao sáng lấp lánh ánh trắng xanh, đó là sao Vega thuộc chòm Thiên Cầm – Lyra. Ngôi sao này cùng hai sao khác là Altair thuộc chòm Thiên Nga (Cygnus) và Deneb thuộc chòm Đại Bàng (Aquila) tạo thành Tam giác mùa hè. Do thời gian này chưa phải là thời điểm tốt nhất để ngắm Tam giác mùa hè nên Bộ ba chòm sao này sẽ được trình bày rõ hơn ở những tháng sau. Tuy nhiên nếu quan sát từ hơn nữa đêm về sáng cùng điều kiên quan sát lý tưởng, bạn sẽ thấy vẻ đẹp của Dãy ngân hà - đám mây sao vắt ngang bầu trời từ chòm Bò Cạp đến chòm Thiên Nga. Đặc biệt ở chòm Thiên Nga, Sông Ngân sẽ tách làm hai nhánh với rất nhiều sao nhỏ lung linh. Sông Ngân gợi nhớ câu chuyện Ngưu Lang -Chức Nữ , chàng Ngư Lang- Altair và nàng Chức Nữ-Vega ở hai bên bờ chia cắt của dòng sông Ngân bàng bạc.

    Vùng trời phía Bắc lúc này, chòm sao Gấu lớn của tháng trước vẫn còn ngự trị với phần cán của chiếc gàu quen thuộc này đang hướng thẳng lên thiên đỉnh, lần theo phần cong này bạn vẫn tìm lại được sao Arctuarus của chòm mục phu đang ở rất cao và tiếp đến là sao Spica thuộc chòm Trinh nữ mà trong tháng trước đã được giới thiệu. Theo cách cũ, bạn hãy tìm ra sao Bắc cực polaris và thử xác định cái gàu của chòm Gấu nhỏ đang ở vị trí dễ xác định nhất vì đang hướng thẳng lên cao. Tuy nhiên điều này không phải dễ thực hiện vì các sao của chiếc gàu này rất mờ và có thể cần sự hỗ trợ của một ống nhòm. Khi tìm được chòm gấu nhỏ, bạn hãy tưởng tượng một đường thẳng chia đôi thân gàu hướng lên trên xéo về phía đông, đường thẳng này sẽ đưa bạn đến một tứ giác sao nhỏ, đây chính là phần đầu của chòm Thiên Long(Draco), Đạc biệt 2 sao của đầu rồng này hợp với một sao của chòm Hecquyn tạo thành một tam giác nhọn cân, điều này giúp bạn kiểm tra lại tứ giác bạn nhìn thấy có đúng không, và cũng có thể từ đây bạn lần tìm ra chòm Hecquyn hay ngược lại.

    Quan sát các hành tinh:

    Vào buổi tối, ngay sau khi hoàng hôn và ánh mặt trời đã tắt hẳn, bạn có thể quan sát được sao Thổ (Saturn) vẫn đang nằm trong chòm Trinh Nữ, nó trông như một ngôi sao màu vàng nhưng không lấp lánh, độ sáng của nó kém sao Spica của Trinh nữ một chút. Khi được quan sát qua kính thiên văn phổ thông, những vòng bụi bao quanh Thổ tinh sẽ hiện ra với vẻ đẹp đặc biệt của chúng. Nếu được quan sát qua một kính thiên văn lớn hơn, bạn có thể phân biệt được sự tách biệt của 2 vòng bụi A và B cùng một vài chấm sáng nhỏ cạnh sao Thổ, đó là các mặt trăng lớn của hành tinh này, trong đó có Titan là mặt trăng lớn nhất.

    Về gấn sáng, khi nhìn về phía đông bạn sẽ dễ dàng bắt gặp sao Mộc (Jupiter) có màu vàng rất sáng đang đơn độc ở vùng trời này. Khi được nhìn qua kính thiên văn, Mộc tinh sẽ hiện rõ các vân nâu đậm trên phần đĩa nâu nhạt, trông như hai vạch vân lớn. Đồng thời 4 chấm sáng xung quanh sao Mộc tạo thành một đường thẳng cũng hiện rõ, đó là 4 mặt trăng lớn nhất của Mộc tinh, 4 mặt trăng này lần đầu tiên được nhà thiên văn người Ý mang tên Galile tìm ra nên còn được gọi là 4 mặt trăng của Galile. Galileo’s moon. Tên lần lượt của chúng là Io, Calisto, Europa và Ganymede. Nếu bạn quan sát sao Mộc trong khoảng thời gian cách nhau vài giờ, bạn sẽ nhận thấy vị trí của 4 mặt trăng này thay đổi rất nhanh vì chúng đang chuyển động trên quỹ đạo của mình quanh sao Mộc.

    Quan sát các vật thể tối:
    Bạn hãy thử cụm sao M7 trong danh sách 110 vật thể tối của Messier, cụm sao này nằm ngay cạnh phần đuôi của chòm Bò Cạp, nó khá sáng và rộng với lấp lánh ánh sao khi được nhìn qua một ống nhòm nhỏ, với sự hỗ trợ của kính thiên văn mạnh hơn, cụm sao sẽ hiện ra rất rõ với chi chít các sao lớn nhỏ đẹp mắt. Ngay cạnh M7 là cụm sao M6, đây cũng là một cụm sao nhỏ và kém sáng hơn một chút, nó còn có tên gọi khác là Cụm sao con bướm (Butterfly Cluster)

    Nếu bạn đã tìm được 4 ngôi sao nằm ở trung tâm chòm Hercules thì đây chính là chìa khoá để tìm một cụm sao hình cầu với tên M13.Với một chiếc kính viễn vọng cỡ vừa bạn sẽ thấy khá rõ cụm sao cầu M13. Nó còn được gọi với tên quen thuộc là Cụm Sao cầu Lớn (The great Cluster). Cụm sao cầu này có chứa đến hơn 1 triệu sao và được Edmond Halley phát hiện năm 1714, và được Messier lập danh lục ngày 1 tháng 6 năm 1764

    Những sự kiện thiên văn đang chú ý:

    Đón xem hiện tượng nguyệt thực toàn phần vào rạng sáng ngày 16/6
    Vào rạng sáng ngày 16/6 này , người dân của một số vùng trên Thế giới sẽ có cơ hội quan sát được hiện tượng nguyệt thực toàn phần (Lunar Eclipse), bóng tối của Trái đất sẽ bao phủ hoàn toàn Mặt trăng trong khoảng thời gian kỉ lục 100 phút, đây là một trong những lần nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỉ 21.

    Những nơi sẽ quan sát được nguyệt thực bao gồm châu Âu, châu Phi, châu Á, Úc, New Zealand, miền nam của Nam Mỹ và miền Đông Nam của nước Mỹ. Những nơi không thấy được gồm Hawaii, Bắc Mỹ, vùng tây bắc của Nam Mỹ, Greenland, Iceland và Bắc Cực.

    Riêng ở Việt Nam ta, nếu muốn xem hoặc ghi hình toàn bộ tiến trình chi tiết của lần nguyệt thực này, bạn phải dậy thật sớm và bắt đầu quan sát từ lúc 1h22 phút rạng sáng ngày 16/6 và kết thúc vào tận khi mặt trời mọc (6h00), nguyệt thực toàn phần sẽ đạt cực đại vào lúc 3h12'35''. Tuy nhiên khoảng thời gian này bao gồm cả thời gian mặt trăng đi vào va ra vùng nữa tối kéo dài khoảng 2 giờ. Nếu chỉ muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp thật sự của nguyệt thực, bạn có thể bỏ qua hai thời điểm khi trăng vào và ra khỏi vùng nữa tối của bóng Trái Đất vì khi đó trăng chỉ mờ đi đôi chút và rất khó nhận ra bằng mắt thường, thay vào đó ta sẽ tập trung quan sát từ lúc trăng vào vùng bóng tối của trái đất đến khi nó ra khỏi đó hoàn toàn.
    [chuyển đoạn này lên trên]
    Bắt đầu từ lúc 1h22p rạng sáng ngày 16/6 giờ Việt Nam, bạn sẽ đừng bỏ qua cơ hội quan sát hiếm có, mặt trăng sẽ bắt đầu vào vùng bóng tối của Trái đất bắt đầu giai đoạn nguyệt thực 1 phần, màu sắc của vùng bóng trái đất in trên mặt trăng sẽ chuyển dần từ đen xám sang ửng đỏ khi vùng bóng này lớn dần. Thời điểm Nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu vào lúc 2h22’ Toàn bộ mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Nguyệt thực toàn phần đạt cực đại vào lúc 3h12'' cũng là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ đồng rõ đẹp nhất. Chúng ta sẽ tiếp tục quan sát được pha nguyệt thực toàn phần cho đến 4h02' , Sau đó trăng sẽ dần ra khỏi vùng tối và màu sắc dần trở về bình thường cho đến khi trăng bước ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn vào lúc 5h2p.


    Vậy thế nào là nguyệt thực, vùng nữa tối và vùng bóng tối?

    Trái Đất được Mặt Trời chiếu sáng đồng thời cũng cản các tia sáng từ Mặt Trời tạo ra một vùng bóng tối trải dài trong không gian. Nguyệt thực là hiện tượng mặt trăng trên quỹ đạo chuyển động của mình đi vào vùng bóng tối này. Khi ấy Mặt Trăng không còn được Mặt Trời chiếu sáng trực tiếp, do đó ánh Trăng không còn sáng như bình thường. Vị trí trái đất nằm giữa Mặt trời và Mặt trăng giải thích vì sao ngày diễn ra nguyệt thực luôn là ngày trăng tròn vì khi ấy nhìn từ trái đất, trăng đang vào pha tròn cực đại.

    Ánh sáng từ Mặt Trời chiếu tới Trái Đất sẽ để lại phía sau vùng bóng tối và vùng nửa tối (hay còn gọi là vùng bóng mờ). Khi Mặt Trăng đi vào vùng nửa tối như trường hợp 1 và 2 ta có Nguyệt thực nửa tối. Quan sát hiện tượng này ta chỉ thấy Mặt Trăng chỉ mờ đi một chút so với bình thường rất khó thấy sự khác biệt.

    Khi Mặt Trăng tiếp giáp với vùng bóng tối như trường hợp 3 ta có Nguyệt thực một phần. Hiện tượng này cho ta thấy cung tròn của bóng Trái Đất hiện rõ trên Mặt Trăng. Chính nhờ hiện tượng này mà nhà thiên văn Aristos đã phát hiện ra Trái Đất có hình cầu.

    Khi Mặt Trăng đi qua và nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối như trường hợp 4 ta có Nguyệt thực toàn phần, đây là trường hợp ta sẽ quan sát được sắp tới đây. Đây cũng là hiện tượng mà năm xưa, vào ngày 29/2 năm 1504, nhà thám hiểm vĩ đại Christ Columbus, người phát hiện ra châu Mỹ đã lợi dụng để cứu đoàn thám hiểm của ông khỏi sự bao vây của những thổ dân da đỏ bằng cách lừa họ rằng đó là dấu hiệu giận dữ của Chúa khi mặt trăng bị nuốt chửng bởi một màu đỏ kì quái nếu người da đỏ đối xử không tốt với đoàn của ông.


    Vậy tại sao Mặt trăng lại chuyển sang màu ửng đỏ mà không phải là tối đen?

    Điều này được giải thích vì ngay cả khi Trái đất chặn các tia từ Mặt trời, thì ánh sáng Mặt trời vẫn rẽ ra xung quanh rìa của Trái đất, và ánh sáng này được phản chiếu lên trên Mặt trăng.
    Ánh sáng từ Mặt Trời có thành phần bao gồm đủ các màu với các bước sóng khác nhau. Khi ánh sáng Mặt trời đi xuyên qua lớp khí quyển Trái Đất các bước sóng ngắn như màu xanh, tím .. sẽ bị khí quyển hấp thụ gần như hoàn toàn, chỉ còn ánh sáng đỏ có bước sóng ánh sáng dài là có khả năng đâm xuyên mạnh nhất đi qua. Đồng thời bầu khí quyển Trái Đất như là một thấu kính hội tụ khổng lồ làm cho ánh sáng đỏ đi xuyên qua có xu hướng lệch về trục chính của vùng bóng tối và ánh sáng này đã chiếu rọi Mặt Trăng khi nó đi qua vùng này, Do đó ta thấy Mặt Trăng có màu đỏ khi diễn ra Nguyệt thực

    Mặt trăng sẽ thay đổi những sắc thái khác nhau trong suốt các giai đoạn diễn ra của Nguyệt thực, bắt đầu từ màu xám đen tới màu đỏ đồng có thể cả màu hổ phách. Độ rực rỡ của màu đỏ này có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi mật độ bụi, và hơi nước của bầu khi quyển Trái Đất vào thời điểm diễn ra Nguyệt Thực

    Chúc các bạn có nhiều đêm đẹp trời !
  2. sdnd

    sdnd Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/06/2011
    Bài viết:
    55
    Đã được thích:
    0
    =D>=D>=D>
    -----------------------------Tự động gộp Reply ---------------------------
    =D>=D>=D>

Chia sẻ trang này