1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Có ai biết gì về Nguyễn Ánh 9 không ?

Chủ đề trong 'Âm nhạc' bởi xitrum83, 04/09/2003.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. xitrum83

    xitrum83 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    401
    Đã được thích:
    0
    Có ai biết gì về Nguyễn Ánh 9 không ?

    Xitrum chỉ biết 1 bài của Nguyễn Ánh 9 là bài Cô đơn, bài này nghe cũng được , không biết nhạc của ông có hay và còn sáng tác bài nào khác không ?

    Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi? Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi?
  2. hothanhphuong

    hothanhphuong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/12/2002
    Bài viết:
    599
    Đã được thích:
    0
    NS Nguyễn Ánh 9: tóc bạc mà trái tim vẫn xanh
    Hàng ghế khán giả đầy ắp người, có những gương mặt còn rất trẻ, mới biết Nguyễn ánh 9 qua những nhạc phẩm trong các bộ phim truyền hình: "Chú bé rắc rối", "Xóm nước đen"... (từ sau 1975) và còn có cả những khán giả tri kỷ, tóc ngả màu sương cũng đến để được nghe lại những bài tình ca quen thuộc, được ngắm nhìn người nghệ sĩ thấp nhỏ, với cách nói chuyện vừa dí dỏm vừa đầy ắp chân tình...
    Thuở ấy, nhạc sĩ Nguyễn ánh 9 chỉ là một nhạc công chơi dương cầm, hòa lẫn trong một ban nhạc. Một bước ngoặt đến với chàng nhạc công này vào năm 1970. Khi cùng với ca sĩ K.L đi biểu diễn ở Nhật về, bữa nọ, chàng bỗng cất tiếng nghêu ngao hát: "Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa. Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa... em ơi!". Chẳng hiểu ẩn tình nào khiến cho trái tim chàng nhạc công còn vô danh ấy bật lên như thế. Song, tiếng nói bất ngờ của một trái tim đang cuồn cuộn sóng có sức thuyết phục vô cùng bởi tiết tấu của nó trào ra tự nhiên, không cần gia công nắn nót... Bạn bè cùng ngồi đấy nghe và ngẩn người rồi cổ vũ: "Ê! Được đấy, làm tiếp coi!". Thế là 2 giờ sau, nhạc phẩm đầu tay của Nguyễn ánh 9 ra đời, với cái tựa đề độc đáo: "Không!". Chưa cạn, nguồn cảm xúc cứ tiếp tục dâng trào và "Không 2" ra đời. Lập tức giới trẻ Sài Gòn lúc bấy giờ đón nhận "Không 1", "Không 2" nhiệt tình qua tiếng hát Elvis Phương.
    Từ đó, chàng nhạc sĩ bất ngờ ấy lặng lẽ nhả tơ với những tình khúc lãng mạn nhưng không bi lụy. ấy là những bài tình ca đẹp như thơ, hồn nhiên như hơi thở:
    "Buổi chiều đạp xe đi trên đường phố vắng. Em chỉ một mình với những cơn mưa..." (Bài "Mùa hạ trong mưa", phổ thơ Kim Tuấn).
    Nhạc của Nguyễn ánh 9 giỏi "mê hoặc" giới trẻ bởi nó dạt dào những cảm xúc rất thật. Những cảm xúc không hề gượng ép đó được thể hiện bằng những tiết tấu nhanh (Không; Xin như làn mây trắng"...) hay trầm lắng trữ tình ("Cô đơn", "Tình khúc chiều mưa", "Ai đưa em về", "Cho người tình xa"...).
    - Riêng bài "Xin như làn mây trắng" vui quá mà cũng dễ hát nữa, có phải nhạc sĩ sáng tác nó khi đang... rất yêu đời?
    + Đó là một món quà nhỏ dành tặng nhạc sĩ Lê Hựu Hà khi anh tách ban nhạc của tôi để đến với ban nhạc mới tên là Mây Trắng (năm 1970). Cuộc đời thường có đủ hỉ, nộ, ái, ố nên cũng có lúc người ta cảm thấy mệt mỏi. Tôi muốn giải tỏa những buồn bực ấy.
    Nào, bạn hãy thử quên hết muộn phiền mà ngước mặt lên nhìn bầu trời xanh bao la, có những cụm mây trắng hiền hòa trôi, bình yên lắm, nhẹ nhàng lắm...
    Sau 1975, Nguyễn ánh 9 vẫn ở lại thành phố yêu thương ruột thịt của mình và... im lặng. Im lặng trước công chúng thôi, chứ lúc nào trái tim người nghệ sĩ trong ông vẫn luôn đập theo những nốt nhạc ngọt ngào. Rồi "Cô đơn" ra đời, những ca khúc cho phim truyền hình tiếp tục ra đời. Khán giả lại ồ lên, lại nhớ đến một Nguyễn ánh 9 viết nhạc như đếm nhịp đập của trái tim mình, rất thật, không cầu kỳ sáo rỗng.
    -Viết tình khúc hay thế, sao ông không có bài nào dành cho mẹ?
    + Thời đó có những bài ca dành cho mẹ tuyệt vời quá, đầy đủ quá (như bài "Lòng mẹ" của Y Vân, "Bông hồng cài áo" của Phạm Thế Mỹ) nên tôi không biết phải viết như thế nào nữa, cứ đắn đo, trăn trở. Mãi đến khi tôi đọc được bài thơ của thi sĩ Thanh Nguyên trên báo, tựa đề "Ngày xưa có mẹ" thì chợt ào lên cảm xúc, muốn bày tỏ tấm lòng của kẻ làm con. Bài "Ngày xưa có mẹ" ra đời: "Cổ tích ngày xưa có công chúa, cổ tích ngày xưa có nhà vua, cổ tích ngày xưa còn có mẹ nữa,... Mẹ có nghĩa là cho không đòi lại bao giờ...".
    - Tuổi không còn trẻ, với bao nhiêu năm làm việc miệt mài, nhìn về tương lai, nhạc sĩ nghĩ gì?
    + Là nghệ sĩ già hay trẻ không quan trọng, quan trọng là trái tim của anh có còn cảm xúc không.
    Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Tôi có tội với cả hai người đàn bà
    Ông là một nhạc sĩ nổi tiếng với những bài hát buồn như Biệt khúc, Buồn ơi, chào mi, Tình khúc chiều mưa... Ngoài ra, với tài đệm đàn, ông đã có công đưa các giọng ca thăng hoa. Cuối tháng 3, nhạc sĩ Nguyễn Ánh lần đầu ra Hà Nội tham gia chương trình Mùa xuân đầu tiên của Ngọc Tân và Ánh Tuyết.
    + Hình như vì đam mê nghệ thuật mà ông đã phải trả một cái giá quá đắt, bị gia đình ngoảnh mặt và cũng mất luôn mối tình đầu tiên?
    - Hồi nhỏ tôi học rất giỏi, ba mẹ muốn tôi trở thành kỹ sư, bác sĩ, chứ không ưa nghệ sĩ. Ba cho tôi lựa chọn, một là làm theo bố mẹ, hai là ra khỏi nhà. Tôi đã chọn cách thứ hai. Buồn là cha mẹ vợ tương lai lúc đó cũng có ý nghĩ giống bố mẹ tôi, nên tôi đã mất mối tình đầu tiên. Để cách ly, cô ấy bị bố mẹ bắt sang Pháp. Sau này, khi tôi đã có vợ con, chúng tôi gặp lại nhau thì mới vỡ lẽ rằng, trước đây, cô ấy bị bố mẹ giấu hết thư và không cho liên lạc với tôi. Đến bây giờ cô ấy vẫn sống một mình với dư âm mối tình đầu.
    + Cái tên Nguyễn Ánh 9 có liên quan gì tới mối tình này không, thưa ông?
    - Đây là tên mà cô ấy đặt cho tôi. Khi tôi viết những bản nhạc đầu tiên, lấy tên thật là Nguyễn Đình Ánh thì dài quá, mà viết là Nguyễn Ánh thì lại trùng với tên của vua Gia Long. Bởi vậy, cô ấy bảo, chữ Nguyễn Ánh có 9 ký tự, mà số 9 theo quan niệm phương Đông là số may mắn, bởi vậy, nên lấy bút danh là Nguyễn Ánh 9.
    + Sau khi biết người yêu đầu tiên vẫn cô đơn, cảm giác của ông như thế nào?
    - Tôi có lỗi rất lớn với gia đình bởi tới giờ tôi vẫn yêu người đó. Nhưng đó là một tình yêu rất xa. Mỗi khi buồn tôi lại nhớ tới những kỷ niệm xưa và nỗi buồn qua đi. Người ấy đã lấy thành công của tôi để làm niềm vui cho mình. Nghĩ tới điều này càng làm tôi buồn thêm. Tất cả tình khúc của tôi chỉ dành cho người ấy.
    + Một tình yêu đẹp thế có làm vợ ông chạnh lòng?
    - Chắc là vợ tôi cũng khổ lắm, nhưng cô ấy rất dễ thương. Cô ấy hiểu và không trách móc, thậm chí còn an ủi tôi. Vợ tôi quá tuyệt vời, thành ra tôi cảm thấy có tội với cả hai người. Hạnh phúc của tôi là có được một tình yêu chân thực, một người vợ hiền và những đứa con ngoan. Thế là quá nhiều với một con người rồi.
    + Sáng tác nhạc bằng chính nỗi đau của mình phải chăng là một sự hành hạ bản thân?
    - Mỗi lần sáng tác, tôi đều mong có người ấy ở bên cạnh và cảm giác thường trực của tôi là xót xa. Tôi cố gắng có được thành công để người đó thấy rằng sự hy sinh của cô ấy là xứng đáng.
    + Cảm giác của ông khi lần đầu tiên ra Hà Nội?
    - Ra Hà Nội tôi không quen biết ai, nên cảm thấy rất bơ vơ. Tôi đi bộ trên những con phố và cảm giác được sự yên tĩnh và thơ mộng của thành phố này. Trịnh Công Sơn lúc còn sống nói với tôi rằng: "Được nhìn, được cảm thấy mùa thu Hà Nội là quá đủ cho một người nghệ sĩ".
    + Năm ngoái, ông đã tuyên bố "gác kiếm", vậy nguyên nhân nào khiến ông lại tiếp tục đệm đàn cho Ánh Tuyết ở chương trình Mùa xuân đầu tiên?
    - Tôi đã đệm đàn cho Ánh Tuyết mười mấy năm nay. Khi tôi viết bài Cô đơn, Ánh Tuyết là người hát đầu tiên. Tôi viết bài này theo cung cách bán cổ điển nên dường như là dành cho giọng ca của Tuyết.
    + Ngoài kỹ thuật, tố chất gì là quan trọng ở người đệm đàn?
    - Trước hết là phải thuộc bài hát. Thứ hai là hiểu được hồn bài hát. Ngoài kỹ thuật, người đệm phải sống với bài hát và nâng cao được bài hát ấy lên. Nhiều khi người hát và người đệm dường như có một sợi dây vô hình làm họ trở nên hoà hợp với nhau và tâm hồn trở nên hoà quyện. Người đệm phải biết lắng nhẹ tiếng đàn hay dồn dập để đưa ca sĩ lên cao trào. Trước đây, tôi mê nhất là đệm cho Thái Thanh và Khánh Ly. Thái Thanh hát kỳ lắm, cứ níu người đệm, làm cho mình quên hẳn xung quanh, chỉ còn nghe tiếng hát và người ca sĩ dẫn lối cho mình. Gần đây thì tôi thích đệm cho Ánh Tuyết vì Tuyết hát rất nhiệt tình và có cảm giác trân trọng bài hát.
    + Sự hoà hợp giữa người ca sĩ và người đệm đàn có khi nào bị ngộ nhận là tình yêu?
    - Khi đàn và hát rất dễ cảm nhau. Tôi cũng có đôi lần như thế. Nhiều khi chỉ là một khoảng lặng để cả hai bắt đầu vào một câu hát mới. Điều này chỉ có những nghệ sĩ mới hiểu nhau được. Tôi cũng bị người ta đồn là có tình cảm với Khánh Ly.
    + Trong các ca sĩ trẻ, ai là người hát thành công nhất nhạc của ông?
    - Hồng Nhung và Thu Phương. Phương hát rất thật thà và đã đem một lối hát mới cho nhạc Nguyễn Ánh 9. Tuy nhiên, khi hát nhạc của tôi, Thu Phương đã bị già đi.
    + Ông thích nhạc sĩ trẻ nào nhất?
    - Đó là Việt Anh và Ngọc Châu. Việt Anh có ca từ rất dễ thương.
    + Ông nhận xét gì về các chương trình ca nhạc hiện nay?
    - Kỹ thuật phòng thu làm giọng ca mượt mà hơn nhưng không thật, đẩy giọng hát lên quá nhiều. Nhiều đến mức ca sĩ không dám hát thật trên sân khấu.
    Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé
    Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi...
  3. TigerN

    TigerN Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/08/2003
    Bài viết:
    40
    Đã được thích:
    0
    Báo Thanh Niên phỏng vấn Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: "Gác kiếm", nhưng có nguôi tình ?
    "Gác kiếm"
    Sau khi tốt nghiệp tú tài Pháp, xuất sắc về môn Toán, Nguyễn Ánh 9 về học ở Đại học Khoa học Sài Gòn. Lúc này thấy con mình nói hơi nhiều về âm nhạc, ông già cực lực phản đối cái nghề xướng ca. Đêm đêm để theo học hỏi ở Bùi Quang Linh (cầm thủ piano khoá đầu tiên Trường Quốc Gia Âm Nhạc - Sân khấu và Kịch nghệ, Bùi Quang Linh tốt nghiệp năm 1959 nhận được xuất học bổng đi Ý, sau khi tốt nghiệp được giữ lại giảng dạy ở Rome cho đến nay), ông đã rời khỏi nhà bằng bộ pi-gia-ma, sang nhà bạn mượn quần áo, tránh "tầm kiểm soát" của gia đình. Nhưng làm sao giấu mãi được lối sống như thế trong một gia đình nền nếp, một quyết định "sinh tử" đã ban ra "hoặc là con tiếp tục học, bằng như theo âm nhạc hãy ra khỏi nhà". Vì âm nhạc, Nguyễn Ánh 9 phải trả một giá quá đắt, sự ngoảnh mặt của gia đình và mất luôn cả mối tình đầu.
    * Lúc đó ông sống như thế nào ?
    - Năm 1960, tôi làm ở phòng trà Anh Vũ, đường Bùi Viện. Đêm ngủ lại nơi này, sáng tập đàn, buổi trưa ăn cơm bình dân, ở đó họ cũng có bán.
    * Nhân duyên khởi nghiệp của ông ?
    - Ngày xưa tại Sài Gòn, trước mỗi buổi chiếu phim ở rạp thường diễn kịch và ca nhạc. Có lần anh Bùi Quang Linh nhận 2 "sô" cùng lúc, rạp Nam Quang và rạp Việt Long (rạp Thăng Long bây giờ), nên anh đã giao lại cho tôi một điểm, đó là buổi lãnh cát-xê đầu đời. Một kỷ niệm khó quên khác là bà chủ rạp Việt Long (mẹ của ca sĩ Mỹ Dung) có lần thiếu một diễn viên kịch nhí, đã giao cho tôi đóng, được lãnh tiền đàng hoàng. Và cạnh rạp hát là phòng trà cũng mang tên Việt Long, nơi đây tôi gặp Lưu Bình (em ruột vũ sư Nguyễn Thông), nữ nghệ sĩ nhảy thiết hài đầu tiên ở Việt Nam, hiện là bà xã.
    * Được xem là một trong những người đệm piano cho ca sĩ hát hay bậc nhất ở Việt Nam, ngoài Bùi Quang Linh, ông còn học ở đâu? Ông thích đệm cho ai hát nhất? Bí quyết việc đệm đàn piano?
    - Tôi chơi piano tiến bộ nhiều nhờ làm chung với ban nhạc Philippines, nhớ ơn ông Crispin đã dạy tôi chơi nhạc jazz từng câu một. Có hai ca sĩ mỗi lần đệm chúng tôi cộng hưởng được xúc cảm là Thái Thanh và Khánh Ly. Đừng bao giờ nghĩ người đệm đàn piano là vai trò phụ, trước tiên phải thuộc lời để hiểu tác phẩm, có như vậy mới đủ khả năng rộng mở nội dung bằng âm nhạc, người đệm và người hát thường xuyên nhìn nhau, hòa hợp để đưa tác phẩm lên tới đỉnh.
    * Nghề nhạc công không giàu, đất nước trãi qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Lúc ngồi phòng trà sang trọng, lúc trở thành dân văn nghệ quần chúng như khi cùng Lê Hựu Hà chơi cho ban nhạc ... "Xa cảng miền Tây", có khi nào ông suy xụp và ân hận vì con đường mình đã theo?
    - Cho đến nay tôi rất tự hào về con đường mình đi. Đã chứng minh được cho ba tôi, nếu nghề nào mình tâm huyết, bỏ công sức, sẽ có những phần thưởng xứng đáng. Nghệ sĩ có người sống bạt mạng, nhưng cũng không thiếu người sống đàng hoàng, trong sáng, có học. Yêu nghề, nghề sẽ không bỏ mình. Cây đàn đã giúp tôi nói hộ nội tâm của mình suốt cả đời.
    * Ông quyết định "gác kiếm", nghỉ biểu diễn khi nào ?
    - Ngày 8-5-2001. Hơn 40 năm, đêm đêm đi đi về về. Ca khúc "Kỷ niệm", sáng tác trong năm 2001 cũng nói lên điều này.
    Tình có nguôi ?
    Người đời biết đến Nguyễn Ánh 9 là một nhạc sĩ sáng tác hơn là một cầm thủ piano, hàng chục ca khúc của ông rất được công chúng nhiều thế hệ ưa thích như Không, Tình khúc chiều mưa, Ai đưa em về, Một lời cuối cho em, ... là những ca khúc có liên quan đến bạn bè như Elvis Phương, Quốc Dũng, Thanh Mai và nhiều ca khúc nhạc phim khác, nhưng "có điều gì đó" nằm trong chuỗi ca khúc Buồn ơi! chào mi, Cho người tình xa, Cho người tôi yêu ?
    - (Nụ cười hiền hậu rất Nguyễn Ánh 9) Liên quan đến ... "người ta". Những ca khúc đó chỉ dành cho một người, đang ở xa, xa lắm.
    (Chợt ông trầm ánh mắt lại, tôi đoán "người ta" đó, có lẽ là nhân vật thời ông bỏ nhà theo tiếng gọi của âm nhạc). Gần như ông chỉ nói cho chính mình.
    - Trước hai nhà biết nhau, mọi chuyện tưởng như đâu vào đó. Nhưng khi tôi bước ra đi, "người ta" nằm trong gia đình lễ giáo, nên chúng tôi khó làm gì khác hơn được. Nhưng "người ta" vẫn dõi theo từng bước chân sự nghiệp của tôi. Tên thật tôi là Nguyễn Đình Ánh, khi sáng tác, thiếu thời nổi máu tếu, muốn làm "vua", chọn tên Nguyễn Ánh, "người ta" phát hiện hai chữ này có 9 mẫu tự, số 9 là số hên, vả lại cũng "kêu" như Louis 14, 15 ... nên thành Nguyễn Ánh 9.
    * Xin lỗi, hơi riêng tư một chút, bà xã có biết chuyện này? và giữa hai người yêu nhau không thành, đối xử với nhau như thế nào?
    - Bà xã mình tuyệt vời lắm, rất dễ hiểu mình. Tôi thì chẳng trách "người ta" chọn chồng sang, có địa vị, còn "người ta" trước đây cũng ủng tôi hết mình, không hận tôi vì âm nhạc mà phụ tình. Số mạng! Thôi thì không đến được với nhau thì thành tri âm tri kỷ vậy.
    * Nhưng mà "nếu trên đường tình ta lẻ loi một mình, thì trên con đường đời ta có mi, buồn ơi" (Buồn ơi! chào mi), rõ ràng tình còn đau, chưa dứt. Rồi trong ca khúc Cô Đơn, câu kết "Tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi, chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ tiếng hát lạc loài", cũng như tưởng đã dứt nhưng một loạt ca khúc sau đó ra đời từ cụm từ cuối của ca khúc Cô đơn, tànhh các ca khúc Bơ vơ, Tiếng hát lạc loài, như vậy đã đến đỉnh điểm của nỗi đau hay hồi kết cuộc ?
    - Trong ca khúc Kỷ niệm (2001) có câu "Đành lãng quên thôi", kỷ niệm đẹp sẽ giữ lấy nhưng tôi không sáng tác, không hành hạ mình nữa.
    * Về nghề nghiệp ông có tiếc vì bỏ một cơ hội nào không?
    - Có, ước ao được đệm nhạc cho Đoàn Chuẩn nghe, nhưng đã quá trễ.
    (Hải Ninh thực hiện)
  4. TigerN

    TigerN Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/08/2003
    Bài viết:
    40
    Đã được thích:
    0
    Buồn Ơi Xin Chào Mi
    Buồn ơi ta xin chào mi
    Khi người yêu ta đã bỏ ta đi
    Buồn ơi ta xin chào mi
    Khi tình yêu chấp cánh bay đi
    Buồn ơi ta đang lẻ loi
    Buồn hỡi ta đang đơn côi
    Buồn ơi hãy đến với ta
    Để quên chuyện tình xót xa
    Nếu trên đường tình ta lẻ loi một mình
    Thì trên đường đời ta có mi buồn ơi! ...
    Buồn ơi thế nhân là thế
    Sao người yêu vẫn mãi say mê
    Buồn ơi yêu đương là thế
    Sao tình ta mãi mãi đam mê
    Người yêu cho ta niềm đau
    Buồn hỡi cho ta quên mau
    Buồn ơi hãy đến với ta
    Để quên chuyện tình xót xa...
    ----------------------------
    Cô Đơn
    Hạnh phúc như đôi chim uyên, tung bay ngập trời nắng ấm.
    Hạnh phúc như sương ban mai, long lanh đậu cành lá thắm.
    Tình yêu một thoáng lên ngôi, nhẹ nhàng như áng mây trôi.
    Dịu dàng như ánh trăng soi, êm êm thương yêu dâng trong hồn tôi
    ĐK:
    Nghe như chim trời phiêu lãng, theo mây trời lang thang,
    rong chơi cùng năm tháng.
    Ôi đêm đêm cùng tiếng hát, cho vơi niềm thương nhớ,
    còn gì cho ước mơ.
    Người hỡi cho tôi quên đi, bao nhiêu kỷ niệm xa xưa.
    Người hỡi cho tôi quên đi, bao nhiêu mộng đẹp nên thơ.
    Tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi.
    Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ, tiếng hát lạc loài...

    -----------------------------
    Biệt Khúc
    Buồn đến bao giờ
    Nhạc sầu hoen ý thơ
    Tìm ai trong giấc mơ
    Nhắc tên ai gọi nhớ
    xót xa hồn thẫn thờ
    * Thầm trách cho đời
    Cuộc đời bao nổi trôi
    Hợp tan rồi thế thôi
    Hãy vui trong tình cuối
    Tiếc chi chuyện lứa đôi
    Cánh hoa tình ái tàn theo năm tháng
    Dáng ai mờ khuất dần theo dĩ vãng
    Tiễn đưa tình lỡ đi vào quên lãng
    Đắng cay chồng chất nỗi sầu riêng mang
    Biết ai còn nhớ tình yêu thứ nhất
    Biết ai còn nhớ tình xưa chất ngất
    Bóng mây hạnh phúc phương nào xa bay
    Xót xa niềm nhớ trong tình đắng cay
    Biệt khúc cho người
    Niềm thương đau khó nguôi
    Trọn đường tình lẻ loi
    Bước chân hoang lạc lối
    Đến bao giờ mới thôi...

    --------------------------------
    Bơ Vơ
    Lạnh lùng mây trôi
    Dòng đời ngược xuôi
    Rồi chiều chậm rơi rơi mãi trong tôi
    Ðường chiều muôn lối
    Một mình lẻ loi
    Tìm niềm hạnh phúc nơi chân trời
    Lặng nhìn mưa bay
    Lòng đầy men say
    Người đời ai hay bao nỗi đắng cay
    Một mình bước tới
    Ðường đời muôn lối
    Còn nhiều mưa rơi nơi xa vời
    Trời chiều bao la
    Người về quanh ta
    Tình buồn hôm qua đã nhạt nhòa
    Một mình đi mãi
    Ðường đời xa xôi
    Và niềm hạnh phúc cháy trong tôi
    Một ngày êm trôi
    Một ngày yên vui
    Tình sầu trong tôi đã quá xa xôi
    Bâu trời lấp lánh
    Ngàn vì sao sáng
    Cuộc tình dĩ vãng bao ngỡ ngàng
    Bầu trời lấp lánh
    Ngập tràn ánh sao
    Ðời người có những phút giây lỡ làng
    Lời 2:
    Lặng nhìn mưa rơi
    Giọt buồn chơi vơi
    Và giòng thời gian cứ mãi cuốn trôi
    Ðường đời muôn lối
    Chập chùng bóng tối
    Và niềm hạnh phúc quá xa vời
    Cuộc tình hôm nay
    Còn nhiều mê say
    Mà nào ai hay những nỗi đắng cay
    Còn gì đâu nữa
    Chuyện tình mộng mơ
    Còn gì đâu nữa để mong chờ
    Cuộc đời bon chen
    Lòng người đảo điên
    Còn lại trong ta những ưu phiền
    Ðời trở về đâu?
    Tình trở về đâu?
    Một mình bơ vơ với nỗi đau
    Cuộc tình chìm sâu
    Nghẹn ngào thương đau
    Tình sầu trong ta biết đến bao lâu
    Ðường chiều hoang nắng
    Cuộc tình xa vắng
    Ngập ngừng từng bước chân ngậm ngùi
    (Cuộc tình xa vắng đường chiều nắng hoang
    Ngập ngừng từng bước chân ngỡ ngàng)

    Được TigerN sửa chữa / chuyển vào 00:14 ngày 05/09/2003
  5. TigerN

    TigerN Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/08/2003
    Bài viết:
    40
    Đã được thích:
    0
    Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1940 tại Phan Rang, nhưng lớn lên và ăn học tại Nha Trang, rồi sau đó là Đà Lạt.
    Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Ánh đã tự học hỏi và chơi dương cầm từ những đĩa nhạc cổ điển đi mượn được của bạn bè.
    Trong thời gian học ở Đà Lạt, một điều may mắn lớn nhất của anh, Nguyễn Ánh 9 đã được nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tác giả của nhiều bài tình ca nổi tiếng như Ai Lên Xứ Hoa Đào, Cho Người Tình Lỡ.... tận tình chỉ dạy và dìu dắt vào thế giới âm nhạc.
    Năm 1951, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài Phát Thanh Sàigòn và Đài Phát Thanh Đà Lạt. Từ đó, Nguyễn Ánh 9 đi khắp nơi biểu diễn dương cầm ở các bar, các nhà hàng nổi tiếng và những ban nhạc thanh niên.
    Cuộc đời nghệ sĩ của Nguyễn Ánh tưởng chừng như dừng lại ở vai trò một nhạc sĩ hòa âm và biểu diễn dương cầm, nhưng sau chuyến đi Nhật vào tháng 8 năm 1970, cùng với Khánh Ly biểu diễn tại hội chợ Osaka (Nhật), với cảm xúc dạt dào, anh viết bài KHÔNG trong vòng một tiếng đồng hồ với những lời lẽ thật lạ thật mới..."Không, không... tôi không còn yêu em nữa". Bài hát lúc đầu cũng có tên thật dài như thế, cảm hứng từ một ca khúc của Christopher "Non, Non, Je ne t''aime plus"...Về sau, Nguyễn Ánh 9 cắt gọn tất cả, chỉ còn lại một chữ KHÔNG duy nhất.
    Sau khi đi Nhật về, Khánh Ly lấy KHÔNG thu cho hãng dĩa 45 vòng Tình Ca Quê Hương. Một thời gian ngắn sau đó, Elvis Phương hát lại bài này trong một băng nhạc của nhạc sĩ Ngọc Chánh và thu lên truyền hình số 9, thì nhạc phẩm "Không" của Nguyễn Ánh 9 mới thật sự gây được một tiếng vang rầm rộ.
    Cũng chính ca khúc "Không" của Nguyễn Ánh 9 và "Mộng Dưới Hoa" của Phạm Đình Chương là hai ca khúc Việt Nam đầu tiên đưa tên tuổi Elvis Phương lúc bấy giờ đang hát ở những Club Mỹ qua những tình khúc ngoại quốc bỗng một sớm một chiều được khán giả VN say mê và trở thành một giọng ca vàng hay nhất của nền tân nhạc VN trong suốt hơn 3 thập niên qua.
    Khi bài Không được phổ biến, tên tuổi của Nguyễn Ánh 9 được mọi người hâm mộ, anh mới thật sự có cảm hứng sáng tác những ca khúc mới lần lượt như "Ai đưa em về", "Một lời cuối cho em", "Chia phôi", "Không 2", "Trọn kiếp đơn côi" ... vào cuối năm 1971 và đầu năm 1972...
    Cùng thời gian đó, Nguyễn Ánh 9 cộng tác với Khánh Ly và Ngọc Chánh ở phòng trà Queen Bee. Cuối năm 70, sau khi Khánh Ly và Ngọc Minh đi Mỹ về, Queen Bee có một vài thay đổi quan trọng. NS Ngọc Chánh mời nữ danh ca Thanh Thúy "tái xuất giang hồ" đóng trụ ở Queen Bee, trong khi đó thì Khánh Ly về hoạt động ở Tự Do của ông bầu Cường.
    Làm ở Queen Bee một thời gian, Nguyễn Ánh 9 về đầu quân ở Mini Club (đường Nguyễn Du vài tháng) cùng với Carol Kim, ban Ba Trái Chuông... Thời gian này, Carol Kim hát thật nức nở đam mê một sáng tác của Nguyễn Ánh 9 "Trọn kiếp đơn côi".
    Cuối năm 71, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về cộng tác cho vũ trường Olympia (đường Lê Lợi) và đến năm 1972, Anh về phụ trách chương trình ca nhạc của phòng trà Hồng Hoa.
    Thời gian này, Nguyễn Ánh 9 sáng tác thêm 2 ca khúc, đó là "Đêm Tình Yêu" và "Mùa Thu Cánh Nâu" (viết chung với một người bạn tên Hoàng Nhu). Hai bài hát này chỉ được thu mỗi bài một lần duy nhất trong những tác phẩm băng nhạc nghệ thuật của Phạm Mạnh Cương phát hành năm 1972 bằng giọng hát Khánh Ly, về sau này, khoảng năm 1981, TT Diễm Xưa mua lại cuốn master "Thương Một Người" gồm 14 ca khúc chọn lọc với giọng ca Khánh Ly, trong số đó có nhạc phẩm "Mùa Thu Cánh Nâu" rất lãng mạn nồng nàn.
    Một thời gian dài sau 75, Nguyễn Ánh 9 tạm ngưng các hoạt động âm nhạc, và sống âm thầm làm một người bình thường, bương chải lao động kiếm sống bằng những nghề khác với chính đôi bàn tay nghệ sĩ của mình.
    Năm 1982, Nguyễn Ánh 9 mới chính thức tái ngộ trở lại với thế giới âm nhạc, và thế là, với tất cả tâm hồn của một nhạc sĩ, anh lại tiếp tục tham gia các chương trình hòa tấu và biểu diễn dương cầm khắp nơi. Nguyễn Ánh 9 còn được mời viết nhạc nền cho một số phim như "Mảnh tình nghiệt ngã", "Mênh mông tình buồn..."
    Khoảng thời gian 1989 đến 1992, Nguyễn Ánh 9 không còn sáng tác nhiều. Tình ca của Nguyễn Ánh 9 thời gian đó có bài "Cô Đơn". Nhạc phẩm này được Anh nuôi dưỡng và hoàn tất trong 5 năm. Với "Cô Đơn", ta không còn nghe một giai điệu u buồn như những ca khúc xưa mà là những lời triết lý về tình yêu, hạnh phúc mang tiết tấu nhạc bán cổ điển thật nhẹ nhàng. Bài hát này, đã được Khánh Hà thu băng đầu tiên ở hải ngoại trong cuốn CD "Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào" năm 1992... và sau đó được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Phi Khanh, Vũ Khanh, Như Mai... thu hình, thu Video những thời gian sau đó.
    Năm 1995, anh sáng tác thêm ca khúc "Cho Người Tình Xa" là những vần thơ nhẹ nhàng, sâu lắng về một cuộc tình đã dở dang. Năm 1994, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được mời sang Pháp viết nhạc nền cho một bộ phim viết về trẻ em ở Cửu Long của Hội Từ Thiện Pháp và tham gia Hội Sáng Tác Gia Quốc Tế Sacem của Pháp. Nhân đó, Anh đã thực hiện đĩa compact disc độc tấu dương cầm của mình.
    Nguyễn Ánh 9 cùng Quốc Dũng viếng thăm Hoa Kỳ năm 2001, được bạn bè cũ đón tiếp nồng nhiệt, và tổ chức một đêm chào mừng Nguyễn Ánh 9 và Quốc Dũng.
  6. xitrum83

    xitrum83 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    401
    Đã được thích:
    0
    Cám ơn anh Phương và bạn TigerN nhiều nha , trước đây xitrum chỉ nghe nhạc không có điều kiện tìm hiểu về tác giả , nhờ lòng nhiệt tình của các bạn trong diễn đàn mà biết thêm nhiều điều hay quá .
    Kiểu này thì 5* còn hơi ít , nhưng gia tài chỉ có vậy , hihi nhận đỡ nha .
    Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi? Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi?

Chia sẻ trang này