1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Có ai viết về offline lần 3 không nào!

Chủ đề trong 'Nhạc TRỊNH' bởi dong533, 11/09/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Tôi đổi được font rùi cho mọi người đọc bài bác Netiventor nhé ..
    Bài nói Chuyện offline lần 3
    ****
    Netinventor
    Thưa các bạn, trong đoạn nhạc dạo giữa bài Đoá Hoa Vô Thường, nhạc sĩ họ Trịnh đã viết một dòng như sau:
    Bốn mùa yêu nhau trong lẽ vô thường của trời đất...
    Hôm nay chủ đề của chúng ta là nói về mùa thu, nhưng tôi lại muốn nói về bốn mùa. Bởi vì cảm hứng về mùa thu cũng là cảm hứng về thiên nhiên, mà mùa thu là một phần trong bốn mùa cho nên tại sao tôi lại không thể không nói về bốn mùa và nói về thiên nhiên trong nhạc Trịnh.
    Thiên nhiên với những tạo vật, âm thanh và hình ảnh của nó luôn luôn biến đổi theo thời gian và cũng chính sự thay đổi đó đã tạo nên bốn mùa của trời đất. Trong nhạc Trịnh chúng ta bắt gặp hình ảnh đẹp đẽ và huyền diệu của bốn mùa:
    Bốn mùa như gió, bốn mùa như mây... (Bốn mùa thay lá)
    Tiếng hát mẹ ru năm xưa mãi là ca dao bốn mùa... (Tình yêu tìm thấy)
    Và chúng ta cũng thấy được sự thay đổi của đất trời và con người trong những khoảng thời gian đó:
    Bốn mùa thay lá, thay hoa thay mãi đời ta... (Bốn mùa thay lá)
    Xuân hạ thu đông bốn mùa làm tóc trắng... (Dã tràng ca)
    Và giữa sự biến đổi vô thường của trời đất ấy, con người lại muốn mong ước:
    Xin cho bốn mùa đất trời lặng gió, đường trần em đi hoa vàng mấy độ...(Hoa vàng mấy độ)
    Nói về thiên nhiên cũng là đề cập ít nhiều đến mảng Tình Yêu trong nhạc Trịnh, và bản thân hình ảnh thiên nhiên cũng là những nhịp điệu chủ đạo để Trịnh Công Sơn nói về tình yêu của mình. Một tình yêu với đất trời, với con người, đời người và cả với sự thay đổi bất định của nó. Những vẻ đẹp thiên nhiên trong nhạc Trịnh có cái gì đó thật mênh mang, mơ hồ, dang trải nhưng rất gần gũi và huyền thoại. Đó là xuân_hạ_thu_đông đi song hành với những hình ảnh mưa_nắng_ gió_sương và những sắc màu xanh_hồng_vàng_xám. Những hình đó cứ mở ra mãi, sinh sôi như những ?ocây tử đinh hương mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận...?
    Con người Việt Nam dù ở đâu cũng vậy, trong đất nước nhỏ bé này, dù những lúc vắng vẻ, lặng lẽ hay những lúc vui chung, ồn ã và náo nhiệt cũng đều cảm nhận được bốn mùa và sự thay đổi, chuyển giao thời tiết của từng mùa. Đôi khi con người ta cũng cảm nhận được cả những sự thay đổi trái mùa, giữa hạ lại chợt thấy chút gió heo may, mùa thu thấy những cơn mưa lạnh và mùa thu chợt thấy ấm áp nhẹ nhàng của một chút nắng mùa hạ, và mùa đông lại thấy những chiếc lá mùa thu rơi về thật lạ lẫm. Phải chăng sự trái ngược đó cũng là một phần huyền diệu của bốn mùa mà chúng ta không thể nào hiểu được, nhưng cũng lại cảm thấy thân quen với nó đến lạ kỳ.
    Con người chúng ta cũng vậy, cũng những lúc thăng hoa và những lúc trầm lắng, có lúc thấy lòng gió heo may đã về, có lúc lại để lòng theo chút nắng bên ngoài, chợt thấy giật mình ôi chiếc lá thu phai. Tất cả những cảm xúc, suy tư đó của chúng ta cũng là những nét mực tô điểm cho tính cách, hình ảnh và suy nghĩ của mỗi con người. Đó phải chăng cũng là bốn mùa trong mỗi con người, chúng tuân theo những quy luật chung mà vẫn mang những nét đẹp, những biến chuyển rất riêng biệt. Đất trời vẫn từng phút giây đổi thay, con người cũng từng ngày thay đổi và bốn mùa của ngoại cảnh và của nội tâm cũng đang chuyển đổi. Đôi lúc sự thay đổi của hai thế giới này đồng điệu, hợp nhịp với nhau tạo nên một sự trùng phùng tuyệt vời của con người với trời đất và tại điểm giao hoà ấy chính là sự nẩy sinh cho Tình Yêu. Con người_Thiên nhiên_Tình yêu đã đưa chúng ta chạm một phần tới những âm điệu triết học đẹp đẽ của nhạc Trịnh.
    Bốn mùa đẹp đẽ như vậy đấy, chúng ta vẫn gọi nó bằng những cái tên quen thuộc: Xuân, Hạ, Thu, Đông nhưng đã có ai gọi một cái tên chung cho cả bốn mùa chưa? Và tại sao nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại đặt tên cho một bài hát là Gọi Tên Bốn Mùa. Nhạc sĩ họ Trịnh đã định danh được cho nó mà chúng ta không hề biết, người nhạc sĩ đã gom góp tất cả những hình ảnh của bốn mùa trong Gọi Tên Bốn Mùa để gọi cho nó một cái tên thật đúng: Tuổi Trời.
    Nghe xót xa hằn lên Tuổi trời...
    Bài hát là những hình ảnh đẹp về bốn mùa, vừa cả trái ngược vừa cả quy luật. Bài hát gợi mở bằng hình ảnh: Em đứng lên gọi mưa vào hạ... Tại sao lại là em đứng lên mà không phải là em lớn lên? Nhưng chính là em lớn lên đấy! Mùa xuân và mùa hạ tượng trưng cho tuổi trẻ và tình yêu, tuổi trẻ thì xanh thắm và tình yêu thì nồng nàn. Và những cơn mưa mùa hạ... Từng cơn mưa, từng cơn mưa... Điệp từ ấy cũng là sự bất thường trong mùa hạ ấy cũng là sự bất thường trong tình yêu. Một chút mưa mùa hạ cũng là một chút giận hờn nhỏ của người đang yêu. Và rồi... mưa thì thầm dưới chân ngà... chất liệu ấy dùng để phác ra những nét xuân sắc tươi tắn của người con gái. Tuy nhiên, ngay cả trong những bức tranh vẽ của mình, Trịnh Công Sơn cũng chưa bao giờ vẽ hết một người con gái hoàn chỉnh. Người con gái trong nhạc và tranh của Trịnh luôn là những hình hài thấp thoáng, mờ ảo. Người ta chỉ thấy những nét chấm phá đâu đó trên sự mỹ miều của một người con gái với ẩn hiện của một Môi Hồng Đào, một gót chân ngà, mắt xanh xao, những ngón xuân nồng, sợi tóc bồng, hai tay xuôi với nụ cười thấp thoáng trên lưng, rồi vai em gầy guộc nhỏ hay tà áo bay phù du... Nhưng chính sự điểm xuyết ấy đã làm nên một xuân nữ, một tiên nga sau làn sương khói của đất trời.
    Những người con gái ấy lớn lên đều vào những lúc giao thời, chuyển tiếp của trời đất. Khi thì cuối xuân mưa vào hạ, lúc thu tàn tạ, giữa đông nhạt nhoà, với xuân vừa mở. Giữa cuối thu với hàng cây đã thưa lá, bơ vơ trơ trọi ấy may sao lại có một chút nắng thấp thoáng khiến con người ta ấm lại, cảm thấy bớt đi thật nhiều sự cô đơn lẻ loi giữa cái heo may lành lạnh của mùa thu ấy. Cái nắng mùa thu không giống như ánh nắng chói chang rừng rực trên đầu của của mùa hè. Nó lúc ẩn lúc hiện, có lúc ta đi dưới hàng cây chợt thấy nắng bừng lên rồi lại dịu xuống nhanh chóng và rồi lại bừng lên và đó cũng là tại sao nhạc sĩ gọi là nắng nhấp nhô là vậy.
    Em đứng lên mùa xuân vừa mở, nụ xuân xanh, cành thênh thang...
    Mùa xuân về và tuổi trẻ trở lại, mở ra trước mắt con người với những cây cành, hoa nụ trải đến vô tận và rộng rãi. Tuổi trẻ tưởng như dài mãi không có điểm kết nhưng lại có điểm kết và rồi lại bất tận, bất diệt. Trong phạm vi của một con người, tuổi trẻ sẽ qua đi, và chim sẽ về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng nhưng trong phạm vi của một cõi người thì sẽ luôn có những tuổi trẻ ra đi và có những tuổi trẻ mới khai sinh. Hi vọng và thất vọng cứ nối tiếp và đan xen nhau như vậy mà ta đâu biết là bến bờ, tuổi trẻ phải chăng đó cũng là khúc ca thần thoại của cuộc đời.
    ....
    Vì có chế độ hạn chế cho bài dài tôi cho làm hai lần nhé ...
    gio_mua_dong@yahoo.com
  2. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Mời các bác đọc tiếp nhé ..
    Mùa xuân là buổi sớm, là bình minh thì mùa đông là đêm tối với sương khói nhoà nhạt và cái lạnh của từng cơn mưa đến. Trịnh Công Sơn nhìn thấy trong mây khói mùa đông đó là những ngón tay măng giá lạnh. Đêm đã buồn lại thêm mùa đông về với những cơn mưa thì càng buồn hơn nữa. Những giây phút đó ta mới thấy thấm thía giá trị của từng ngón xuân nồng, từng phút giây của tuổi trẻ thật quý giá đang trôi đi nhanh chóng.
    Tại sao tác giả lại không liệt kê tuần tự chu trình của các mùa mà lại đặt xen kẽ các mùa với nhau. Hạ_Thu_Xuân_Đông. Đó chính là nói rõ hơn về cái sự bất thường không theo quy luật của mùa màng vậy. Tuổi trẻ của Trịnh Công Sơn đi qua chiến tranh, lớn lên giữa những bom đạn và chết chóc, thù hằn. Những nỗi đau đập vào mắt của những thanh niên trai trẻ đã xáo trộn cái bốn mùa trong tâm hồn của họ. Họ nhận diện nó, viết về nó và để rồi chia sẻ và nâng niu nó trong từng thời khắc quý báu. Tôi không dám chắc Trịnh viết bài này vào thời gian nào, nhưng tôi tin rằng ông sáng tác nó vào thời gian mà sức sáng tạo âm nhạc của ông sung mãn nhất. Cái thời mà bất kỳ những sự vật gì diễn ra trước mắt cũng có thể khiến ông cầm bút, cầm đàn lên mà cảm nhận ngay ra được những ca từ sâu sắc. Thật lạ, đôi lúc tôi có cảm tưởng như không nhìn thấy vẻ đẹp của những ngón chân ngà, những chim về trên cành bão bùng, không thấy những cơn mưa mùa hạ, những nụ xuân xanh và giọt mưa trên những ngón sương mù nữa. Dường như cái tuổi trẻ đó là bước đi bằng những gót chân chai cứng ra chiến tuyến, những chuyến bay dội mưa bom bão đạn trên mảnh đất quê hương, những nòng pháo trơ tráo vô tình chĩa lên trời chiều và những giọt máu, mồ hôi và nước mắt nhỏ trên những họng tiểu liên vừa im tiếng mà khói súng vẫn mịt mờ phảng phất...
    Tôi lại càng không thấy hình ảnh xuân đợi, thu đi, hạ buồn, đông vắng trong những ca từ:
    Rồi mùa đông không về, mùa thu cũng ra đi, mùa xuân vời vợi, mùa hạ khói mây...
    Tôi thấy mùa đông là hình ảnh của những thanh niên trẻ để mãi tuổi thanh xuân của mình dưới cơn bão chiến tranh, mùa thu nối tiếp những đoàn người ra chiến trận, mùa xuân có những người con gái xuân thì đợi người yêu vời vợi xa xăm chưa trở về, những người vợ trẻ chờ chồng còn chất chứa mãi một nỗi buồn thiên cổ như sương khói. Có phải Trịnh đã từng nhìn thấy như thế không và tuổi trẻ trong chiến tranh là như vậy không? Và rồi tình yêu của những con người đó thì sao? Như dấu chim bay, Trịnh gọi đó là tình yêu. Trong chiến tranh thì có cái gì là bền vững đâu khi cái mất mát luôn thường trực, và tình yêu cũng không nằm ngoài vòng xoáy nghiệt ngã đó. Khi nói về thời gian tuổi trẻ trôi đi không trở lại, nhạc sĩ thường nói dùng hình ảnh ngựa để nói như cổ ngữ từng ví von thời gian như bóng câu qua cửa sổ... thì hình ảnh tình yêu lại thường được ông xếp với cánh chim bay đi xa mãi. Nhưng cánh chim đó, bóng câu đi nó đi rồi nó sẽ trở lại bởi ?ocái mất không chắc đã mất và cái còn không hẳn mãi còn?. Những cái tưởng như ngắn ngủi vô thường thì biết đâu là cái vô thủy vô chung. Bốn mùa là khởi nguồn đưa đẩy con người thay đổi mãi theo thời gian, đối diện với thực cảnh xót xa và bốn mùa đó cũng chính là nguồn cội để ta quay trở lại cho năm tháng mới đẹp đẽ và xanh tươi màu hi vọng hơn. Nỗi buồn ngất ngây, nét thân hao gầy chỉ là cái vỏ tạm thời, là bề nổi, dù trong hoàn cảnh nào cũng cần phải có một lòng ham sống và băng qua tuyệt vọng để về hội ngộ sum vầy với hiện tại.
    Cả bài hát này là một câu chuyện thần thoại bất tận của thiên nhiên, muôn loài và con người. Tuổi trời là phiến đá hằn những nét xa xót của cuộc đời nhưng cũng sẽ mãi là mái tóc xuân nhung huyền mọc dài suốt năm tháng. Mái tóc màu đêm đó của người con gái nuôi dưỡng sức sống hiện tại như Trịnh vẫn mong ước mình sống trong hiện tại. Tương lai đối với suy nghĩ thế hệ trẻ trong chiến tranh thật xa xôi mờ nhạt, và tuổi xuân của họ ướp lạnh từng giọt máu nhưng chính mái tóc đêm ấy, gót chân ngà ấy, cái tâm hồn trẻ thơ hồn hậu ấy sẽ là những thực phẩm tìm lại và gìn giữ sự đẹp đẽ, huyền diệu của bốn mùa trong tâm thức của những con người Việt Nam trẻ tuổi.
    Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người...
    Tôi xin được không bình luận về câu này, chỉ biết mong những ai đang sống trong tuổi xuân, sắp bước vào tuổi xuân, hay đã qua tuổi xuân, dù ở bất kỳ một thân phận nào hãy chọn cho mình cách sống của tuổi trẻ, sống bằng tất cả niềm tin và hi vọng của tuổi trẻ. Hãy tin vào tình yêu, gìn giữ, ươm trồng những thời khắc đẹp đẽ, những diệu kỳ của bốn mùa trong trái tim. Tương lai đang ở phía trước và vẫn còn là một điều bí mật, nhưng những gì bạn đang sống hết mình hôm nay bằng trái tim tuổi trẻ, bằng bốn mùa của tâm hồn rộng mở sẽ là những cây cành, lộc nụ đầu tiên cho hoa trái mọc lên thơm ngọt của ngày mai.
    Xin thân tặng các bạn bài thơ tôi viết cách đây 3 năm khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Bài thơ mang âm hưởng cuả bốn mùa, thiên nhiên, con người và tình yêu:
    Thân ái
    Vũ Thế Chung



    gio_mua_dong@yahoo.com
  3. winterm

    winterm Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/06/2002
    Bài viết:
    28
    Đã được thích:
    0
    Lòng ta có khi tựa la cỏ
    Ngồi hát ca rất tự do!

Chia sẻ trang này