1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cô láng giềng trở về - BÃO VŨ

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi julie06, 15/01/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Cô láng giềng trở về - BÃO VŨ

    Mấy đứa cháu nội ngoại của chị em bà Hằng đi đón "bà trẻ" từ ga tàu hỏa về nhà bằng xe máy. Bây giờ bà đang đi trên con đường đê ngày xưa.

    Chân bước vui bên bờ đường quê...
    Ai có hay chăng giờ tôi về...


    Bọn trẻ cười đùa ngả nghiêng trên xe làm ồn cả một đoạn đường.

    Ngày xưa cô bé Hằng vẫn được anh ấy đèo xe đạp đi học trên trường huyện theo đường này. Con đê dọc bờ sông trước kia bên bờ là ruộng mía. Bây giờ thành ra phố. Những ngôi nhà một hai tầng lố nhố lộn xộn. Nhà nào cũng bán hàng linh tinh. Bà đưa mắt lướt qua những mầu sắc sặc sỡ của rượu, bia, cô-ca cô-la, kẹo bánh, giấy vệ sinh, bột giặt, đồ dùng bằng nhựa, quần áo lót... Không thấy kẹo bột, lược bí, lơ hồ quần áo, và một thứ bánh bà đã quên tên, làm bằng bột nếp nướng phồng lên nhuộm phẩm mầu xanh đỏ mà hồi ấy bà rất thích ăn. Liệu trong cái quán ăn kia có canh bún nấu với rau rút và tôm khô không? Hay là canh bánh đa nấu với chim chèo bẻo? Bà cười cái tuổi già của mình. Sao lại đi luyến tiếc những thứ hàng hóa thô thiển ấy.

    Một cô bé khoác chiếc túi du lịch mầu đen đi bộ ngược chiều đột ngột xuất hiện giữa đường. Bà Hằng kịp nhận thấy cô bé có khuôn mặt rất xinh, đôi mắt đen to buồn rười rượi ngơ ngẩn như không nhìn thấy toán xe máy sầm sập trước mặt. Có tiếng một đứa cháu gái bà Hằng, cái Liên, hét to:

    - Chị Hạnh, đi đâu mà mắt không nhìn đường, đâm vào xe bây giờ.

    Nhưng cô bé đã cách xa đoàn xe, lẫn trong đám bụi đường.

    Liên lại quát lên:

    - Anh Cường, phóng ầm ầm thế, đường xấu, ngã bà đấy.

    Thằng cháu đang chở bà, tên là Cường ấy vui tính nhất trong bọn trẻ. Nó cười nói oang oang:

    - Bà ơi, bà bỏ vốn ra liên doanh với xí nghiệp gạch của cháu đi. Có cái mác "Phăng-xe" của bà, xí nghiệp gạch ngói Cường Thịnh của cháu sẽ phát tài to. Lần sau, cháu sẽ đưa ô-tô đời mới đi đón bà. Ðường có xấu hơn nữa, bà vẫn ngồi ngủ êm một mạch đến tận nhà.

    Bà đùa với thằng cháu lém lỉnh:

    - Ừ, bao giờ trúng thưởng của hãng dầu xoa bóp, bà sẽ hùn vốn với cháu. Nhưng để mở lại cái tiệm may ngày xưa của ông nội cháu. Ông Chương ấy, cháu có biết không? Ông cháu giỏi giang lắm đấy.

    Ông Chương là anh trai của bà Hằng.

    Cường từng nghe láng máng về người ông nội làm chủ hiệu thợ may ngoài tỉnh. Sau đi theo ********* làm quân nhu, bị Tây bắt đày Côn Ðảo rồi chết ở đấy. Nhưng nó không chú ý để nhớ những chuyện như thế. Nó bảo:

    - Ông nội cháu ấy à? Chuyện cổ tích, cháu không nhớ gì cả. Chúng cháu lo làm ăn. Chỉ biết cứ đến ngày giỗ tết là làm cỗ cúng các cụ thôi.

    Bà Hằng hỏi Cường:

    - Cháu đã có bạn gái chưa? Là người yêu ấy.

    Cái Liên chen ngang:

    - Bà về kịp dự đám cưới của anh ấy đấy. Ngày kia bà ạ.

    - Thế thì bà sẽ có quà mừng. Chắc vợ Cường phải đẹp lắm. Này, bà về quê thấy con gái làng mình rất đẹp. Cái Liên, cái Hiền, cái Bích đi với bà đây, cả cái cô bé vừa rồi đi ngược chiều với bà cháu mình nữa, đứa nào cũng đẹp, chẳng thua gì con gái Pháp.

    Cái Bích đèo va-li cho bà đi bên cạnh, bĩu cặp môi mọng đỏ kêu lên:

    - Ối giời. Tại bà là bà chúng cháu nên nhìn đứa nào cũng đẹp như Pháp. Chứ bọn con trai trong làng thì than: "Bước chân đến cổng làng ta. Trông thấy đàn bà cứ tưởng đàn ông". Chúng cháu đang ế thiu đấy bà ạ.

    Bà Hằng bật cười. Cái Hiền, con bé xinh nhất bọn, liến thoắng:

    - Bà ơi, chuyến này bà về quê tổ chức xuất khẩu bọn con gái chúng cháu sang Pháp. Bà ưu tiên xếp cho cháu vào đợt một nhé!

    Mấy bà cháu lại cười rộ lên. Cái Liên, trắng hồng mũm mĩm, tóc nhuộm hoe hoe như búp bê, góp chuyện:

    - Cái Hiền nói đúng đấy bà ạ. Chúng cháu xấu xí như ma, có mà "Tây" nó lấy. Ế là đáng đời. Chỉ có chị Hạnh hàng xóm nhà mình mà bà nhìn thấy lúc nãy mới là đẹp. Người mẫu huyện này đấy. Thế mà vào tới vòng hai lại bị anh Cường nhà ta loại mới đau răng chứ.

    Cường như đánh trống lảng, mắng Liên:

    - Cái con ranh này. Biết gì chuyện của các bậc phụ huynh mà nói.

    Bọn trẻ con cũng có những chuyện rắc rối của chúng. Nhưng chắc chúng không đau khổ phiền muộn gì mấy.

    Bà Hằng đã trở về ngôi nhà cũ. Chẳng còn dấu tích gì của ngày xưa. Vườn đất được chia cắt thành những miếng nhỏ cho con cháu. Ao chuôm cũng lấp đi để làm nhà. Lại vẫn những ngôi nhà cao thấp lố nhố sơn quét đủ mầu sắc như dãy phố ven đường đê ngoài kia.

    Mà không, vẫn còn cái cây hương trước ngôi nhà chính mà bà chị ruột của bà Hằng đang ở. Cái cây hương từ thời cụ bá Vận, bố của Hằng, xây bằng gạch: một cây trụ vuông trên có cái mặt bàn thờ lộ thiên để cúng thần linh ngoài trời. Cây hương đứng chênh vênh gội mưa nắng bao nhiêu năm rêu phủ mốc thếch mà không đổ.

    Bên cạnh chân cây hương trước kia là khóm hoa tường vi. Bây giờ là bụi cúc tần. Bài hát ấy nói đến khóm tường vi:

    Năm xưa khi tôi bước chân ra đi...
    Ðôi ta cùng đứng bên hàng tường vi...


    Sau bức tường rào thấp, bên kia vẫn là khu vườn quả um tùm. Không biết có còn cái cây nào của ngày xưa. Có một cây muỗm quả ngọt lắm. Nhà anh ta ở bên ấy. Con ông giáo Thoại, cùng học trường huyện với cô Hằng con cụ bá Vận bên này. Nhà anh ấy cũng khá giả nên mới được học đến bậc cao trường tỉnh. Hai người luôn học cùng trường. Khi học trường tỉnh, Hằng ở nhà bà cô. Còn anh ở nhà trọ. Ngày nghỉ, anh ấy có cái xe đạp Sterling đèo Hằng về nhà. Họ cùng học đến hết thành chung. Họ là một đôi rất đẹp tuy nhà anh ấy có kém hơn nhà Hằng về vườn đất của nả và bố anh chỉ là một ông giáo làng. Ấy là nghĩ theo cách người thường, chứ Hằng cho nghĩ thế là đáng buồn cười. Hằng còn cho là bố cô kém ông giáo Thoại vì ông bá Vận mù chữ.

    Dãy nhà ngang bằng gỗ lim không còn. Trên khu đất ấy bây giờ là ngôi nhà ba tầng ngất ngưởng đầy những vòm cuốn, ban công, mái chóp của nhà thằng Cường.

    Họ ngồi trên cái ổ rơm trong gian cuối dãy nhà ngang. Những sợi rơm mới phơi được nắng, khô nỏ sạch sẽ óng ánh. Hằng tựa lưng vào anh ta, chân duỗi dài như trẻ con chơi trò "nu na nu nống", tập thơ Anna de Noailles mở trên đầu gối. Cô nhấm nháp một cọng rơm, thấy mơ hồ mùi vị của cốm tươi. Anh ấy chơi đàn băng-giô, kiểu đàn thịnh hành thời đó cùng họ với đàn măng-đô-lin và an-tô. Những hợp âm miên man gọi là vê nghe lăn tăn, réo rắt như tiếng đàn nguyệt, nhưng buồn rưng rức.

    - Anh đánh đàn như cung văn ấy. Ðể em lên đồng nhé.

    Và Hằng vừa nhảy nhót dập dềnh trên ổ rơm vừa hát: "A... ý y ỳ a... Cô về đồng cô múa cô chơi... Cô bắn súng lục cô bơi thuyền rồng".

    Nhưng anh ấy bỏ cây đàn xuống, nghiêm mặt nói với Hằng một điều hệ trọng: Anh đã gia nhập vệ quốc quân.

    - Em biết đấy, trai thời loạn mà. Anh đã cùng với các bạn trong đội Hướng đạo sinh ghi tên cả rồi.

    - Anh điên à? - Hằng sửng sốt - Chú em đang xin cho anh vào làm nhà băng. Chuyện của chúng mình quan trọng hơn cả. Loạn thì việc gì đến anh. Ghi tên mà không đi nữa thì ai làm gì anh?

    - Chính anh sẽ "làm gì" anh.

    - Tức là anh không cần gì nữa, không cần biết có em trên đời.

    - Anh cần cả cuộc đời này, trong đó có em. Em không thể chờ anh ít lâu hay sao?

    - Em có thể chờ một người tình suốt đời. Nhưng em không thể chờ dù chỉ một ngày cái người hoang tưởng chạy theo những ảo ảnh như trẻ con chạy theo đám rước thần.

    Họ im lặng. Rồi Hằng thở dài nói như một bà già an phận:

    - Thôi thì tại số chúng mình không đi cùng đường.

    Chẳng gì có thể làm anh đổi ý. Hằng yêu anh vì cái tính cương quyết như ngang bướng ấy. Và cô đành phải chia tay anh cũng vì tính cách ấy. Cả hai người biết rõ tính tình nhau và hiểu rằng không thể nói gì thêm nữa.

    Hằng ngả mình xuống ổ rơm, luồn bàn tay xuống gáy nhìn trân trân lên đám rui mè mái nhà để mặc nước mắt đầm đìa.

    Nhà trên nhà dưới vắng ngắt. Hằng vẫn nằm trên ổ rơm, đưa tay mở cúc áo ngực. Cô muốn xử sự như những cô gái tây phương, cho người tình thứ quý giá nhất khi chia tay. Những sợi rơm lạo xạo dưới lưng Hằng.

    Anh ấy cúi xuống nhìn rất lâu vào mắt Hằng, lắc đầu buồn bã:

    - Cảm ơn em. Nhưng... anh không thể.
  2. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Anh nhặt tập thơ của nữ thi sĩ Pháp lẫn trong đám rơm vàng óng ánh. Chính là tập thơ anh mua tặng cô. Anh giở một trang và đọc:
    ... Trong làn hơi thở rạo rực
    Trên nỗi buồn người tôi để lại
    Khuôn hình duy nhất trái tim tôi...
    Anh đặt tập thơ che bộ ngực trần của Hằng, rồi nặng nhọc đứng lên.
    Hằng lấy chồng, một anh công chức nhà băng bạn đồng sự của ông chú Hằng.
    Ðám cưới vào ngày mùng tám Tết. Trời mưa bụi. Vườn đào nhà Hằng ra hoa muộn, không nở vào mùng một mùng hai, mà đúng đến hôm đám cưới mới mãn khai, mầu hồng tươi sáng rực cả khu vườn. Xác pháo và hoa đào rụng lẫn với nhau trên mặt đất. Khắp làng ai cũng vui vì cái sự kiện đẹp đẽ ấy. Cụ bá Vận cho cả làng ăn cỗ cưới; bất kể ngoại tộc, người dưng. Nhà nào khá giả thì lễ mừng tùy ý. Nhưng người nghèo khó được miễn lễ, cứ ăn uống thỏa thích. Nhưng cụ bá không thiệt thòi gì. Tiền nhà trai đưa cộng với tiền khách mừng, cụ tậu được mấy mẫu ruộng vườn sau đám cưới ấy.
    Hằng cũng vui. Cô đã là vợ của anh chàng công chức điển trai giàu có.
    Hằng biết, bên hàng xóm có một người buồn rầu nhìn sang khu vườn đào. Là anh ấy. Cái anh chàng viển vông, bỏ cả cuộc đời cho một mục đích mơ hồ, nguy hiểm. Anh ấy về chịu tang bố mất trước đấy mấy hôm mà từ chiến khu anh ấy không kịp về. Anh trở về đúng hôm cưới Hằng.
    Hôm tết thanh minh, anh ấy còn trở về lần nữa, lần cuối cùng. Anh về với cây đàn băng-giô bất ly thân mà Hằng từng nghe nó hát về bóng cờ lau của Ðinh tiên Hoàng đế, về dòng sông Bạch Ðằng, về nước non Lam Sơn và về Vệ quốc quân.

    Bây giờ, anh hát về chuyện của hai người.
    Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi...
    Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao...
    Tôi biết người ta đón em tưng bừng...

    Sau này, người ta bảo một anh bạn nhạc sĩ của anh là tác giả bài hát ấy. Hằng thì nghĩ chính anh đã viết lên những giai điệu đau lòng ấy.
    Bao nhiêu năm rồi, bà Hằng không sao quên nổi cảm giác về những sợi rơm vàng lạo xạo dưới lưng qua lớp chiếu.
    - Này, Hiền ơi, bà muốn nằm ổ rơm, có được không? Thế nào mà trong làng chả còn nhà có đống rơm.
    - Không được đâu bà ạ. Hai bà nằm cái đệm mút ấy. Lúa phun thuốc sâu, máy tuốt tung rơm khắp nơi bùn bẩn lắm, nằm ổ rơm làm sao được.
    Ðêm qua ngủ bên bà chị cả, bà Hằng được biết chuyện của thằng Cường. Nó và cái Hạnh bên nhà ấy yêu nhau. Cường mở xưởng gạch ngói trên huyện, được chính chủ tịch huyện ủng hộ và nhiều người hùn vốn, lại trúng nhiều hợp đồng, làm ăn phất lắm.
    Bà chị chép miệng:
    - Bọn trẻ bây giờ thế là chuyện thường. Thôi dì ngủ đi không mệt.
    Bà Hằng không ngủ được. Bà thèm đến nôn nao tiếng lạo xạo của những sợi rơm khô dưới lưng. Bà nghĩ về chuyện ngày xưa. Bà hoang mang, không hiểu bà đã chọn đúng hay sai con đường đời của mình. Cho dù đã là cuối đời thì cũng không thể cứ an phận được...
    Bà đứng tần ngần trước cánh cổng gỗ. Bà được biết ông ấy đã hy sinh sau đó vài năm. Bên ấy bây giờ có người cháu ******* ông bằng chú, góa chồng, đang ở với hai đứa con.
    Lũ trẻ đã gàn bà không nên sang nhà bên kia, vì chuyện của thằng Cường với cô bé Hạnh rất không hay ho cho phía bên nhà bà. Nhưng lúc đám cưới nhốn nháo, không ai để ý, bà Hằng sang bên ấy. Như cái cô Hằng ngày xưa vẫn từng lẻn sang nhà người tình. Bà chưa biết sẽ nói gì khi gặp những người thân của người xưa. Bà khẽ gọi. Một thằng bé ra mở cổng, lễ phép chào bà. Mẹ nó đi giỗ đằng ngoại ở tận Hưng Yên chưa về. Chị Hạnh của nó cũng bỏ đi đâu từ chiều hôm kia. Tội nghiệp cô bé Hạnh có đôi mắt đen thất thần đi như mơ trên đường đê. Trên bàn thờ có mấy bức ảnh. Bà Hằng nhận ra người xưa trong một bức ảnh đen trắng mờ ố.
    Khi đó anh mới ngoài hai mươi tuổi, đầu đội mũ ca-lô, mặc áo trấn thủ, ôm cây đàn băng-giô đứng ngang tàng trước những khóm lá rừng đen sẫm.
    Bà thắp hương trước bức ảnh và thì thầm những câu chỉ mình bà hiểu.
    ... Cánh đồng ven đê mờ mờ mưa phùn. Bọn trẻ đưa bà Hằng ra ga tàu hỏa. Lần này con bé vợ mới của Cường đèo bà. Nó cũng xinh, nhưng không bằng cô bé Hạnh. Không biết Hạnh đã về nhà chưa. Mong rằng cô bé không xuất hiện vào lúc này trên đường giống như hôm nọ để không phải nhìn thấy Cường và vợ nó.
    Những người đẹp thường gian truân. Ngày xưa bà cũng xinh đẹp, có tiếng vùng này và đến bây giờ bà mới nhận thấy mình không hề toại nguyện.
    Lũ trẻ bàn nhau, đưa bà ra ga xong chúng sẽ đi chơi phố đến đêm mới về. Ðể xem tết ở phố có vui bằng nhà quê không. Chúng phóng xe ào ào.
    Trong tiếng gió ù ù bên tai, bà Hằng nghe thấy những âm thanh của riêng mình. Tiếng đàn băng-giô ngày xưa.
    Chân bước xa xa dần đường quê
    Ai biết cho bao giờ tôi về...

Chia sẻ trang này