1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cỏ lông vực - Nguyễn Thị Ngọc Tú

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Milou, 06/07/2001.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Cỏ lông vực - Nguyễn Thị Ngọc Tú

    Cỏ lông vực
    Nguyễn Thị Ngọc Tú

    Tôi có việc phải đến X thị trấn trung du vào một ngày cuối năm. Sau nhiều tháng quanh quẩn với những công việc ở thành phố, về nông thôn ít lâu kể cũng thú vị. ý nghĩ ấy làm cho tôi thêm hào hứng trước khi lên đường. Và để có một chỗ ngồi tốt ở trên tầu nên tôi đã ra ga từ sớm. Trên sân ga cũng đã có nhiều người với hành lý và hàng hóa mang theo chất dọc bên đường ray. Trong số những người chờ tầu hôm đó, tôi chú ý đến một cặp trai gái đang đứng bên cạnh mấy bao tải xếp chồng lên nhau. Họ không giống những người nông dân từ các tỉnh xa về mua lương thực, mặc dù bên miệng một bao tải tôi nhìn thấy những hạt thóc vàng rơi xuống đất. Cô gái cúi xuống nhặt lên từng hạt một, còn anh thanh niên lấy một tờ giấy gói những hạt thóc lại bỏ vào túi áo của mình, sau đó anh xem xét rất kỹ lưỡng chung quanh các bao tải xem có chỗ nào thủng có thể làm cho thóc rơi ra nữa không.

    Tầu đến và tất cả mọi người ào ạt lên tầu. Tôi giúp hai người khuân những bao tải thóc lên toa và hỏi:

    - Anh chị đi suốt?

    - Vâng. Nhưng chỉ có một tôi thôi anh ạ! - Người thanh niên trả lời và nhìn cô gái - còn cô ấy cũng sẽ đi, nhưng một buổi khác.

    - Tôi cũng muốn đi hôm nay, nhưng mắc vài việc bận chưa thu xếp được, như thế là anh Bình có bạn rồi - Cô gái nói và nhìn tôi.

    - Hôm nào Hương xuống báo cho tôi biết trước nhé! - Anh thanh niên nói nhỏ. Cô gái gật đầu và đứng đó cho đến khi tầu chạy.

    Họ bắt tay nhau và anh thanh niên cứ đứng ở toa tầu nhìn theo cho đến khi bóng cô gái chỉ nhỏ bằng hạt vừng rồi mới quay vào chỗ ngồi.

    - Cô ấy là thế nào với cậu thế? - Tôi hỏi khi tầu đã chạy được một ga và giữa hai chúng tôi đã có sự thân mật sau những câu chuyện thông thường với những điếu thuốc cùng châm chung một que diêm.

    - Chả là thế nào cả - Anh ta đáp, nét mặt thoáng vẻ nghĩ ngợi, đôi lông mày dài và thẳng hơi nhíu lại.

    - Chả là thế nào cả thì không có gì quan trọng... - Tôi nói vu vơ đưa đà cho câu chuyện.

    - Chả là thế nào cả nhưng lại rất quan trọng... vì lẽ... - Anh ta ngập ngừng và lại hút thuốc lá - mình yêu cô ấy. Mình cũng thật không ngờ mình đã yêu cô ấy như thế...

    - Được một người đẹp trai như cậu yêu thì nhất rồi còn gì. Nếu so sánh hình thức giữa hai người thì mình xin nói thật, cô ấy không bằng cậu, mình nói thật đấy.

    - Thật ra nhan sắc chỉ có giá trị hấp dẫn lúc ban đầu thôi, còn khi đã sống bên nhau rồi thì điều quan trọng lại không phải là nhan sắc.

    - Cũng có thể... Tôi đáp và ngồi vào giữa những bao thóc, tránh luồng gió từ cửa tầu thốc vào. Tầu đang đi qua những cánh đồng và làng quê trải ra trước mắt chúng tôi: những dược mạ xanh rờn, những ruộng cày ải và đất nâu sẫm phơi ra trong nắng. Tôi cảm thấy buồn ngủ nhưng người bạn cùng đường với tôi thì lại như đang cần người nói chuyện, anh như có điều gì bứt rứt trong người nên khi tôi ngả người tựa lưng vào bao thóc thiu thiu ngủ, thì anh ta kéo tôi dậy, nhìn tôi đăm đăm.

    - Cậu ạ, đây là những bao thóc giống của viện mình mới lai tạo được, mình có nhiệm vụ đem chúng về địa phương để họ nhân ra. Mình sẽ ở đó giúp họ một thời gian rồi mình về thẳng Hà Nội và xin chuyển đi nơi khác, không công tác cùng với cô ấy nữa. Mình đã nghĩ kỹ rồi, chỉ có như thế mình mới sống yên được, còn nếu như mình cứ ở viện thì mình còn yêu Hương. Mà Hương thì lại như không yêu mình, cậu hiểu chứ, mình không đủ sức chịu đựng.

    Tôi gật đầu thông cảm, và thế là chỉ một lúc sau tôi được nghe câu chuyện sau đây.

    ... Tôi là người con trai duy nhất trong gia đình có năm con. Bố mẹ tôi đã quá mệt mỏi và chán nản sau khi đẻ liền bốn người con gái, vì vậy nên khi tôi ra đời được hưởng mọi sự nuông chiều. Một ý muốn nhỏ bé của tôi thành mệnh lệnh cho cả nhà. Từ bé đến khi lên năm, tôi ít đi hoặc chạy chơi dưới đất mà được các chị tôi chuyền tay nhau bế. Tôi được cả nhà sợ, nên tôi cũng tưởng đâu như tất cả những người khác đều phải sợ tôi, cho nên khi tôi bắt nạt những đứa trẻ xung quanh thì thường bị bươu đầu, sứt trán. Tôi ăn uống sung sướng và chẳng thiếu thứ gì, như những đứa trẻ con nhà giàu, mặc dù nhà tôi là một gia đình không giàu. Bố mẹ tôi đã già, bốn chị tôi đã lớn, trừ người chị đầu đã đi lấy chồng, còn tất cả đều sống bằng nghề se hương. Năm ấy, tôi đã mười sáu tuổi và học lớp chín với bao mơ ước đẹp đẽ mở ra trước mắt. Một buổi, khi tôi ăn sáng xong đang ngồi với cây đàn và những bài hát bay **** thì một bà cụ dẫn một cô gái độ mười ba, mười bốn tuổi đến xin bố mẹ tôi làm hương.

    - Cháu nó còn bé, se hương thế nào được? Nghề làm hương tuy không vất vả nắng mưa nhưng phải cẩn thận kiên trì lắm, trẻ con ham chơi thì hỏng cả - Bố tôi nói.

    - Ông bà cứ yên tâm, cháu nó là đứa rất ngoan. Nhà cháu ở ngoại thành, cháu lao động từ bé vì nhà nghèo lại đông em, bố cháu gửi tôi cho ra đây học, cháu phải làm thêm mới có tiền ăn học, ông bà ạ! Cũng do hoàn cảnh, mong ông bà giúp đỡ, tôi tin rằng cháu nó sẽ làm vừa lòng ông bà.

    - Tên cháu là gì nhỉ - Mẹ tôi hỏi.

    - Cháu tên là Chiêm. Mẹ cháu đẻ cháu giữa vụ gặt tháng năm...

    - Chiêm... cái tên hay nhỉ. Thôi được, tôi nhận.

    Nghe vậy, tôi dừng đàn nhìn ra, vừa đúng lúc con bé ngẩng lên nhìn tôi. Nó có đôi mắt đen to và hơi ngơ ngác, khuôn mặt trái xoan nom cũng xinh nhưng hơi "quê" quá. Quần áo nó mặc lem luốc, cũ kỹ, mái tóc lòa xòa. Thấy tôi nhìn, nó vội cúi gằm mặt xuống, chăm chú nhìn những ngón chân.

    - Muốn se hương phải tập mấy ngày rồi mới được tính công tính điểm nhé! Nào, bà nó đâu, nghỉ tay bảo cháu nó làm đã này - Bố tôi nói và lấy cái bay nhỏ bằng gỗ nhẵn thín vẫn giắt trên mái nhà xuống đưa cho con bé.

    Mẹ tôi đứng lên, lại cái bàn nó ngồi, cầm cái bay gạt bột "qua" ra mặt bàn, rồi một tay cầm cái tăm hương đã mớm vào nắm bột bắt đầu lăn. Lăn tròn rồi. Cô bé rón rén đến đứng cạnh mẹ tôi, trố mắt nhìn:

    - Phải có khăn trùm đầu không bụi lắm, cháu ạ. - Mẹ tôi nói. Bà cô vội cởi khăn đưa cho cháu. Con bé trùm cái khăn lụa đen lên trên đầu trông thật buồn cười, cứ như một bà già. Nó bắt đầu ngồi vào ghế và làm theo từng động tác giống như mẹ tôi.

    - Phải nhẹ tay, đều tay mới được cháu ạ. Thế! Thế! Đúng rồi, con bé khéo tay quá! - Tiếng mẹ tôi khen.

    Tôi quay ra nhìn nén hương con bé vừa se và "xì" một tiếng. Nén hương chỗ to, chỗ nhỏ, méo mó, nham nhở. - Con bé khéo tay quá, ông ra mà xem này! Nó sáng dạ thật, vừa học một cái là làm được ngay

    - Tiếng mẹ tôi khen. Con bé được thể càng se liên tiếp. Bỗng nó ngừng tay, hắt hơi mấy cái liền, mặt nó đỏ rực lên, nước mắt chảy ràn rụa.

    - Không quen rồi! Khổ chưa kìa! ấy là hôm nay se hương thường thôi, chứ mai kia Tết đến se hương trầm ngát thì thế nào. Cháu ra sân rửa mặt đi! - Mẹ tôi nói. Nhưng con bé vẫn không đứng lên, chỉ lấy tay dụi mắt, có lẽ nó ngại đi qua trước mặt tôi. Nó cứ lấm lét nhìn tôi và có vẻ sợ. Điều đó làm cho tôi thấy thích thú.

    - Làm lâu rồi nó quen, cháu ạ! Lâu rồi lại thấy thơm thơm thích đáo để. Ra đường ai trông thấy quần áo cũng tưởng bẩn, nhưng lại hóa ra là sạch nhất trần đời. Vừa sạch, vừa thơm. Chẳng thế mà người ta lại có câu: "Nằm đất với chị hàng hương còn hơn nằm giường với chị bán cá...".

    - Cháu nó bé mà bà đã ví von sai toét cả! - Bố tôi càu nhàu rồi quay sang với con bé

    - Kìa! - Cháu lại khóc đấy à? Ra ngoài sân ngồi chơi một chốc cho mắt hết cay đi đã, lấy khăn rửa mặt đi! Lúc ấy con bé mới dám đi ra ngoài sân, đến ngồi bên thành giếng, nước mắt đầm đìa. Tôi bật cười. Mẹ tôi đi đến gần tôi, nói nhỏ:

    - Sao con lại cười em thế!

    Tôi càng cười to và đứng lên, ra đường.

    Hồi đó, tôi chưa hẳn là người lớn cũng không còn là trẻ con nữa, nhưng tôi cũng đã biết rằng tôi đẹp trai. Tôi đã bắt đầu thích ăn diện và để ý đến những cô gái đẹp ở chung quanh. Trong lớp tôi có một cô tên là Bích bằng tuổi tôi và khá xinh. Cô là con một ông bác sĩ công tác tại một bệnh viện lớn, hay đi công tác ở nước ngoài, nên cô ăn diện vào loại nhất. Tôi cảm thấy rất thích cô, tôi hay nhìn cô lúc ngồi học, và thỉnh thoảng khi thầy giáo không chú ý, tôi lại ném sang chỗ cô ngồi một mảnh giấy có dăm ba chữ linh tinh, hôm nào được cô viết trả lời, tôi sung sướng không để đâu cho hết.

    "Thế nào cậu cả, cậu định sau này làm nghề gì?" - Anh rể tôi, một bộ đội phục viên hiện làm công tác ở một nhà máy, thỉnh thoảng mỗi khi đến chơi nhà lại hỏi tôi như vậy.

    Tôi chưa biết trả lời ra sao thì mẹ tôi đã nói:

    - Em nó muốn học gì thì nhà cũng cho đi học ngay, nghề gì em nó cũng làm được, nhưng không biết nó thích nghề gì.

    Tôi cũng không biết mình thích cái gì mặc dù cái gì tôi cũng biết và có thời gian thích thú. Đàn tôi đánh dìu dặt, giọng tôi hát ấm bài ca trữ tình, và tiếng sáo rắt réo cả buổi chiều làm nao lòng người. Tôi lại cũng biết vẽ và biết đá bóng.

    Chiêm có vẻ thích nghe tôi thổi sáo. Mỗi khi nghe tiếng sáo của tôi cô bé lại ngồi lặng đi bên bàn, cái bay dừng lại trên đám bột và đôi mắt nhìn tôi thật lạ kỳ, đôi mắt như muốn nói bao nhiêu điều. Có lúc mắt cô nhòe đi vì nước mắt. Không hiểu cô khóc vì tiếng sáo của tôi hay vì cay bột hương. Càng ngày Chiêm càng tỏ ra có cảm tình với tôi. Đang ngồi se hương, thấy tôi đi đâu về nó lại đỏ bừng mặt, chân tay luống cuống, thấy tôi muộn về, nó thường ra đứng cửa ngóng về phía đầu phố. Có lần tôi bận thi học kỳ, quần áo ngâm trong chậu không giặt được, nó đã lén giấu bố mẹ tôi giặt phơi cho tôi. Tất cả những điều ấy không giấu được mắt mẹ tôi.

    - Con bé ngoan lắm. Nó tuy nhà nghèo nhưng nết na chăm chỉ, lại khéo tay. Nó rất quý con, mẹ thấy nó đến đây làm có khi cũng là cái duyên số trời se chỉ...

    - Mẹ nói cái gì mà kỳ cục vậy? Con gái Hà Nội chết hết rồi hay sao mà con lại phải lấy con bé nhà quê ấy? - Tôi gắt mẹ và cảm thấy bực bội mỗi khi thấy Chiêm tỏ ra quyến luyến tôi.

    - Con chê nó điểm gì? Nó đi làm vất vả cả ngày nhưng tối đến vẫn đi học, năm nào cũng đứng đầu lớp và được giấy khen. Chả hơn những đứa con gái khác học dốt, lười biếng. Trông nó cũng kháu đấy chứ. Hai ba năm nữa dậy thì, lại không xinh phải biết à?

    - Nó đẹp hay xấu, con không quan tâm - Tôi vùng vằng và từ đấy tôi càng tỏ ra coi thường Chiêm. Thế nhưng, lòng tự ái và sĩ diện của tôi vẫn muốn được phỉnh nịnh. Tôi vừa muốn tỏ ra cho mọi người biết tôi coi thường Chiêm, lại cũng muốn Chiêm cứ phải khổ vì tôi. Tôi hay thổi sáo vào những lúc Chiêm có mặt và còn rủ bạn gái đến nhà chơi nhiều hơn. Mỗi khi khuôn mặt Chiêm bối rối tái nhợt đi, tôi lại thấy có cái gì như sung sướng kiêu hãnh. Mặc dù những người con gái đến nhà chơi tôi cũng chẳng ưa thích gì, nhưng để làm Chiêm tức tối, tôi tìm đủ lời khen ngợi họ.

    Đấy, những ngày đầu tuổi thanh niên của tôi là như thế. Còn Chiêm, cô bé nghèo ấy vẫn cần cù nhẫn nại làm việc với gia đình tôi suốt một năm dài cho đến hè năm sau. Cô ta như lớn hơn và đôi má phinh phính trong chiếc áo cánh gụ mỏng mùa hè, nom đã ra vẻ một thiếu nữ xinh xắn. Tình cảm của cô ta đối với tôi như cũng trìu mến, tế nhị hơn. Tôi được biết cô ta ở một làng ngoại ô, làm ruộng, và cô đặc biệt thích trồng trọt. Mảnh vườn nhỏ bé của nhà tôi từ ngày có cô đến làm như khác hẳn. Mỗi lần về thăm nhà, cô lại xin bố mẹ đem ra cho nhà tôi những cây giống, cô còn giúp bố tôi ghép táo. Xem ra bố mẹ tôi có vẻ thích cô, càng làm cho tôi thấy khó chịu hơn. Một hôm, Bích cô bạn gái xinh đẹp và đang là niềm hâm mộ của tôi đến chơi nhà. Khi về, cô có vẻ khó chịu và nói:

    - Cái con bé nhà quê ấy nó cứ nhìn cậu. Cậu với nó là thế nào?

    - Nó se hương thuê cho nhà mình, chứ có gì đâu?

    Tôi nói câu ấy hơi to, cốt để cho Chiêm nghe thấy, nhưng Chiêm vẫn thản nhiên ngồi se hương và người nghe thấy lại là mẹ tôi. Khi Bích về rồi, mẹ tôi bảo:

    - Mẹ chẳng hiểu con thế nào, chứ cái Bích mà con khen mãi ấy, trông cứ trâng trâng tráo tráo, chứ đâu được thùy mị nết na như cái Chiêm!

    - Hoa khôi của trường con đấy mẹ ạ!

    - Hoa khôi gì mà mặt to như cái mâm!

    Rõ ràng là bố mẹ tôi có cảm tình đặc biệt với cái Chiêm, thế mới phiền chứ, mặc dù tôi cũng chưa thấy Chiêm làm gì phiền tôi mà hình như nó thầm lặng giúp tôi nhiều việc nhỏ bé hàng ngày nữa. Con bé thật là lạ. Có lúc tôi cũng thấy có cái gì như mủi lòng thương nó.

    Một hôm, tôi đi học về sớm hơn thường lệ, vừa vào đến cửa đã nghe tiếng ai thổi sáo. Chà, trẻ con dám lấy sáo của tôi ra nghịch! Tôi bực mình quẳng xe đạp, lao vào nhà vừa lúc cái Chiêm quay ra nhìn thấy tôi. Chiêm đang thổi sáo.

    Tôi đi tới, giằng cái sáo trên tay Chiêm, mặt cau lại:

    - Ai cho mày nghịch sáo của tao? Mày sờ vào sáo của tao, làm hỏng cả sáo của tao ra à?

    Chiêm đứng sững nhìn tôi, hai mắt mở to không động đậy, đôi môi tái nhợt hơi mấp máy như muốn nói điều gì mà không nói được.

    - Bận sau bỏ cái tính tò mò nghịch ngợm đi nhé. Hiểu chưa? - Tôi nói gằn giọng, rồi quay đi, nhưng cũng kịp nhìn thấy hai dòng nước mắt chảy dài trên đôi má.

    Tôi ném cái sáo vào chậu nước.

    Khi tôi lên nhà thì Chiêm đã không còn ngồi bên cái bàn nhỏ ở góc nhà cắm cúi se hương như mọi khi nữa. Mẹ tôi buồn rầu nhìn tôi:

    - Con xử sự như một đứa vô học! Con bé nó về rồi, biết làm sao bây giờ ? Mẹ dỗ mãi nó không được. Bây giờ chỉ có cách con đến nhà cô nó xin lỗi nó đi!

    Mấy hôm sau bà cô Chiêm đến thanh toán tiền công của cháu, và nói vì nhà bận, Chiêm phải về giúp gia đình. Nhưng theo sự thăm dò của chị gái tôi, thì Chiêm đã làm cho ông cụ Đối nghề vót đũa. Từ đấy, tôi không gặp lại Chiêm nữa.

    Mùa hè năm ấy, tôi tưởng mình kết thúc được năm học cuối cùng ở cấp ba để bước vào trường đại học. Không ngờ tôi thi rớt, và phải ở lại một năm nữa. Rồi lại đến năm sau, tôi lại trượt vào đại học, và thế là hai mươi tuổi rồi vẫn còn lang thang không học hành, không công tác. Tôi theo chúng bạn đi đàn hát thuê cho các đám cưới và các cuộc liên hoan. ở đâu cần, tôi đến đó. Số tiền kiếm được, tôi may thêm nhiều quần áo đẹp và bắt đầu biết nghiện trà, thuốc, cà phê và thỉnh thoảng nhấp nháp tí rượu. Tôi cảm thấy thoải mái, nhiều lúc thật là vui. Hết đàn hát cho đám cưới, lại nhập vào nhóm vẽ quảng cáo, phông màn cho rạp hát, cũng có đôi lần tôi đóng kịch và được khen. Cao hứng, tôi làm thơ và gửi cho một tờ báo nào đó. Cái xe đạp của tôi long hết ốc vì tôi dong suốt ngày trên phố. Bố mẹ tôi đã già, việc bắt tôi lấy vợ đã trở thành điều cấp bách, nhưng tôi dứt khoát không chịu, bởi lẽ tôi còn muốn bay nhảy, vợ con buộc cẳng chịu sao nổi! Tôi từ chối hết đám này sang đám khác. Tôi đã quen nhàm trong một mối quan hệ với các cô gái và nhiều khi cũng thấy dửng dưng khi nhận được thiếp báo hỉ của một cô người yêu đi lấy chồng! Tôi cũng không hiểu tôi muốn gì, tôi cũng chẳng chuẩn bị hay mong ước một cái gì. Lúc nào tôi cũng thấy bận rộn, hết chạy theo các mốt xe lại mốt quần áo. Tôi mất nhiều thì giờ trong việc mua đi bán lại. Một bộ quần áo mặc, có khi chỉ hai ba bận lại thấy cần phải thay đổi. Hết quần ống hẹp rồi lại đến quần ống rộng, áo có khuy đồng, áo có khuy đính rồi quần bò Mỹ mài gối... Tôi có thể bỏ ra nhiều thời gian để theo đuổi hoặc tỏ tình với một cô gái, dù tôi chưa yêu cô ta bao nhiêu. Tôi sống lửng lơ, và thời gian cứ qua.

    Năm hai mươi bốn tuổi, tôi mới nộp đơn xin vào học một trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp, giống như người ta đi một chuyến tầu vét khi ngày đã muộn và sau mọi thứ lỡ làng. Ba năm sau, tôi ra trường, nhờ anh rể xin giúp tôi được về nhận công tác ở một viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Tôi đâu có thích gì công việc của nhà nông và những nghiên cứu của những người làm kỹ thuật, nhưng làm ở viện thì được ở Hà Nội, và tôi biết làm nông nghiệp nếu khéo thu xếp thì giờ giấc không lấy gì làm căng thẳng lắm. Còn nếu khó khăn, lại tìm cách chuyển đổi sau. Tôi đã tính như vậy và vui vẻ nhận công tác vào một ngày tốt ngày, theo như bố mẹ tôi tính toán.

    Hôm ấy, tôi ăn mặc khá bảnh bao, nghiêm chỉnh, tay xách cặp da, đạp xe đến nơi công tác cùng với những giấy tờ cần thiết. Gọi là viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp, nhưng mới đến ai cũng nhận xét đó là một phòng nông nghiệp huyện; những khoa, phòng nằm lọt giữa những đồng lúa và mảnh vườn, người cán bộ kỹ thuật bước từ ruộng bùn vào phòng thí nghiệm. Tôi có một người bạn rất thân tên là Đại, biệt hiệu Đại "gấu" làm ở phòng nông hóa thổ nhưỡng. Chính Đại "gấu" đã mách nước cho tôi về đây, nhờ nó mà tôi tuy chưa đến nhưng đã như quen biết nơi này.

    - Mày về phòng di truyền à? Thế thì thủ trưởng của mày là nữ, mày sẽ được sinh hoạt dưới triều đại nữ hoàng rồi.

    - Nam nữ gì cũng được tuốt, miễn rằng đừng có khắt khe quá đối với anh em là được! A, nữ hoàng là người như thế nào?

    - Một kỹ sư mới ra trường được hai năm, nhưng đã có công trình về lai tạo giống. Tao không cùng tổ nên không rõ lắm, nhưng nói chung chắc cũng không đến nỗi khó chịu đâu. Nhưng có điều mày về đây phải chú ý, nàng chưa có chồng, có rất nhiều chàng trai theo đuổi. Mày đẹp trai phải cẩn thận, không có ngứa ghẻ, hờn ghen...

    - Nàng có đẹp không?

    - Theo tao bốn cộng.

    - Thế thì hay nhỉ.

    - Suỵt, cô ta kia kìa?



    Tôi nhìn theo tay Đại chỉ, thấy hai cô gái mặc quần áo xanh công nhân xắn tới gối lội dưới một ruộng lúa đang bắt đầu ra đòng. Dưới vành nón lá, tôi không nhận ra khuôn mặt, chỉ thấy dáng người thon thả. Một cô cầm sổ và bút ghi chép hý hoáy, một cô thì cắm cúi xem từng cụm lúa, từ gốc, đến lá, đến ngọn, có lúc hình như cô ta còn thọc tay xuống bùn xem rễ lúa, lâu lâu lại nhổ một cây vứt lên bờ.

    - Cái cô đang nhổ lúa kia là tổ trưởng của cậu. Chúng ta lại làm quen nhé! - Đại "gấu" nói và nhăn hàm răng bàn cuốc ra cười - con gái trông thấy cậu dễ cảm lắm, phải cẩn thận!

    - Thôi đi ông tướng, công tác ăn nói phải nghiêm chỉnh! - Tôi gắt lên.

    - ờ, đồng ý! - Đại thôi không cười nữa, giơ tay xốc cổ áo, mặt nghiêm lại. Cả hai xuống xe dắt đến bên bờ ruộng.

    - Chị Hương ơi! Chị có khách - Đại "gấu" gọi.

    Một khuôn mặt quen thuộc ngẩng lên nhìn tôi. Tôi sửng sốt nhận ra Chiêm - cô bé làm hương ở nhà tôi ngày xưa. Trong đôi mắt và nét mặt cô, tôi hiểu rằng cô cũng nhận ra tôi. Cô hơi lặng người đi một lát, rồi bình tĩnh lại ngay. Còn tôi, tôi nghe trong người như kiến cắn. Tôi lùi lại, giấu mặt vào sau cái lưng to tướng của Đại, nhưng Đại lại cứ đẩy tôi ra trước.

    - Tôi đang dở tay, hai anh đợi tôi một lúc nhé. Hay là hai anh vào cơ quan trước, tôi xin vào ngay bây giờ ạ! - Hương nói và lại cúi xuống làm tiếp.

    - Cán bộ mới về, hay là chị cứ để anh ấy ở lại đây làm luôn? - Đại nháy mắt tôi với nụ cười hài hước.

    - Nếu các anh muốn, xin mời! - cô gái cầm sổ nói và cười - Chị Hương cứ để anh ấy xuống đây nhổ cỏ giúp em. Này anh, liệu anh có nhổ cỏ hay nhổ lúa?

    - Cán bộ kỹ thuật có bằng hẳn hoi đấy chứ, không phải dân bàn giấy đâu mà cô em trộ! - Đại "gấu" tếch toác.

    - Nhưng nhổ cỏ ***g vực cơ mà! Không phải dễ nhận ra đâu! - Cô gái nói rồi lại ném lên bờ một cụm cỏ giống y hệt cụm lúa, có điều mầu lá bạc hơn và cây cao hơn lúa.

    - Đố hai anh biết cỏ ***g vực khác lúa ở chỗ nào? - Cô gái vẫn hồn nhiên.

    - Nó thường cao hơn lúa, có hoa, hoa nó tim tím - Tôi đáp sau khi đã trấn tĩnh lại.

    - Đợi đến lúc có hoa, ăn hết màu của lúa rồi mới biết nó là cỏ thì muộn mất rồi - Cô gái cười giòn. Anh giống bà nông dân ở quê em, mạ bị chết rét đã đi nhổ cỏ ***g vực cấy thay vào.

    - Nhà nông mà cũng nhầm cơ à? - Tôi nói đưa đà.

    - Ai chú ý thì sẽ chẳng bao giờ nhầm. Lúa không có tai mà cỏ thì có tai. Cái tai bé tý teo mầu tím nhạt ở nách lá...

    - Cô xem tai hai anh đây có tím không? - Đại "gấu" cười hơ hớ.

    - Lúc nào cậu cũng tếu được! - Tôi gắt khẽ. Hương lấy trong túi ra chùm chìa khóa đưa cho Đại:

    - Anh tiếp khách hộ nhé! Ngày hôm nay cả phòng đi vắng hết.

    - Mày làm sao mà mặt tái nhợt đi như thế? - Đại hỏi, sau khi chúng tôi đã đi xa đám ruộng thí nghiệm.

    - Tao thật không hiểu, lâu nay tao thấy mày dạn gái lắm cơ mà. - Đó là cái Chiêm, con bé Chiêm ngày trước se hương thuê cho nhà tao. Hơn mười năm rồi, nhưng tao vẫn nhận ra nó và hình như nó cũng nhận ra tao!

    - Thật là hay! Đúng là quả đất tròn! - Ngày đó nó bé nhỏ, gầy gò, lúc nào cũng đi chân đất, có lần nó đi đôi guốc cứ ngã trật ngã trẹo!

    - Bây giờ nó là kỹ sư lại quyền trưởng phòng, tao xin chúc mừng mày gặp chỗ quen biết cũ, dễ sống! - Đại "gấu" vẫn hồn nhiên vô tư với nụ cười tếch toác.

    - Không đơn giản như thế đâu, mày ạ. Vì giữa tao và nó ngày ấy đã xảy ra một chuyện không hay lắm! Tôi kể lại chuyện cũ cho Đại nghe. Nghe xong, nó cười phá lên:

    - Chuyện trẻ con! Bây giờ là người lớn cả rồi, ai lại thế? Tôi và Đại về chỗ làm việc, đã thấy Hương đứng đó chờ từ lâu. Đại xuýt xoa xin lỗi và mở cửa phòng. Những giá gỗ, thùng hòm, tủ to tủ bé với hàng nghìn túi, gói thuốc nhỏ và cân thúng, mẹt, đĩa, rổ rá lủng củng nhìn mà ngán. Tôi cố nén tiếng thở dài.

    Hương tiếp chúng tôi rất tự nhiên, vui vẻ. Cô như đã quên hẳn chuyện cũ, như thế thật là dễ chịu. Những ngày sau đó, cô ta đối với tôi cũng nhẹ nhàng và thận trọng hơn đối với những người khác. Còn tôi, quả thật tôi chưa thể thích nghi với những công việc của cái phòng gọi là di truyền học, với nhiệm vụ giữ giống cũ, lai tạo giống mới này. Toàn kỹ sư và cán bộ kỹ thuật trung cấp, mà suốt ngày phải đếm từng hạt thóc, cân từng lạng gạo và tính toán hết sức tỉ mỉ. Có lúc tôi như muốn điên lên vì những tên những số của hàng mấy nghìn loại thóc giống nhập nội, giống nhập ngoại, giống đang lai tạo, F1 F2...

    Tôi vừa làm quen được với sổ sách và những công việc cân đong đo đếm, thì Hương lại bảo tôi ngâm, ủ, xử lý giống, và nhiều hôm ra làm việc ở ngoài ruộng nữa.

    - Sao cô lại phân công tôi lắm đầu việc như thế nhỉ? Tôi là cán bộ kỹ thuật chứ có phải là đầu sai của cô đâu - Một lần, tôi đã khùng lên và nói với Hương như vậy.

    Cô ta ngồi im, đôi mắt đen mở to nhìn tôi một lúc rất lâu (tôi thấy lại đôi mắt ngày nào, có điều khác là đôi mắt ngày đó đựng đầy nước mắt, còn hôm nay chỉ long lanh và hơi buồn thôi), rồi mới nói:

    - Anh nghĩ như thế là sai rồi. Sở dĩ tôi để anh làm nhiều việc, chính là muốn anh làm quen với công việc. Một người cán bộ kỹ thuật muốn lai tạo được một hạt thóc giống mới, phải làm hàng nghìn công việc và nhiều khi phải làm một mình. Khi đã vào nghề này, tôi nghĩ anh cũng đã yêu nghề và muốn làm một việc gì đó, chứ không phải chỉ đi làm cho đủ giờ như một công chức cũ. Sao lại gọi là tay sai, khi mà tất cả những việc đó tôi cùng làm với anh?

    Tôi cảm thấy mình đuối lý và lặng thinh.

    Trong công tác, tôi thấy Hương làm việc rất nhanh và tỏ ra có năng lực lãnh đạo. Một tổ công tác hơn mười người với hàng trăm đầu việc mỗi ngày, mà Hương đều giải quyết gọn nhẹ. Trong tổ, mọi người đều quý mến Hương, trừ tôi. Nhưng tất nhiên, cái khó chịu của tôi cũng thoảng hoặc có lúc chính tôi cũng thấy là mình sai.

    Hơn mười năm qua, không biết cô ta đã sống và làm việc như thế nào mà được như thế này? Có lúc tôi lại đâm nghi ngờ trí nhớ của mình: có khi đây không phải là cô Chiêm ngày xưa? Mặc dù trong bản lý lịch công tác của cô ghi rõ: Nguyễn Thị Chiêm Hương - Tên thường gọi ngày bé: Chiêm.

    - Thế nào, làm việc với "em" dễ chịu chứ? - Đại "gấu" hỏi tôi.

    - Cũng tương đối, không đến nỗi khó thở lắm!

    - Thế là ổn rồi. Nghe nói cô nàng đang chuẩn bị những giống lúa mới và sẽ báo cáo công trình nghiên cứu trong hội nghị khoa học tới.

    - Cô ta làm những việc ấy bao giờ nhỉ? Lai tạo một hạt thóc, phải mất bao nhiêu năm, chứ có đơn giản đâu.

    - Hình như ngay trong những năm cô ấy còn học trong trường đại học nông nghiệp. Nếu như những giống lúa mới ấy được công nhận thì nàng sẽ vượt xa chúng ta! Nói thật với mày, tao phục đấy!

    Lòng tự ái của thằng con trai trong tôi có gì như bị xúc phạm, tôi vừa buồn bực vừa tiếc thương một cái gì đó đã qua, cuối cùng là một nỗi ghen tị ngấm ngầm bao trùm lên tất cả. Hương đã hơn tôi về công tác, thì tôi sẽ hơn Hương về cuộc sống và niềm vui, để xem ai là người sung sướng hạnh phúc.

    Tôi hay về nhà, và trong những ngày nghỉ thường dẫn bạn gái đến cơ quan chơi. Một hôm, tôi dẫn Lan, một cô bạn gái làm mành trúc xinh đẹp, có nhiều tiền, biết ăn diện, đang là người mà tôi có cảm tình đến nhà Hương. Hương ở trong một gian buồng nhỏ, ngoài cái giường cá nhân, cái bàn viết và tủ sách kỹ thuật nông nghiệp ra, toàn là những bao, gói, thùng đựng thóc, cả những khay nhựa, chậu men và những đồ dùng để xử lý hạt lai. Ngoài vườn, trước cửa là những vật trồng lúa lai, cây còn đeo bao, cây đã nặng hạt. Một cái lọ nhỏ cắm mấy bông hoa cúc áo để bên cửa sổ. Trong nhà tràn ngập mùi thóc giống mùi lá non.

    Hương tiếp chúng tôi tự nhiên vui vẻ như thường ngày. Trong lúc nói chuyện, tôi nhìn hai người và thầm so sánh. Tôi thấy Hương đẹp hơn Lan, thật là tai hại, mặc dù lâu nay tôi vẫn nghĩ ít người đẹp bằng Lan, hôm ấy Lan mặc rất lộng lẫy còn Hương vẫn cái áo bông mầu xanh có kẻ ô vuông, tóc lại hơi rối vì vừa đi ngoài gió. Trên đường về, Lan cứ khen ngợi Hương mãi làm tôi thêm chán ngán.

    Càng gần đến ngày thu hoạch, công việc càng bận rộn. Hương đối với tôi như cũng thân tình và cởi mở hơn. Hàng ngày, cô khéo léo tự đề xuất, hướng tôi vào công việc một cách tự nhiên, tài tình.

    - Anh giúp em việc này nhé! - Có lần, Hương đã xưng em với tôi - Hôm nay em phải ra ruộng che bao cho những hạt lai, không chúng bị phân ly mất.

    Hương quần quật suốt ngày ngoài ruộng, có đêm Hương cũng thức ở ngoài đó để tháo nước hoặc che mưa cho lúa lai. Hương đã cho tôi xem những cuốn sổ ghi chép nhận xét hàng ngày. Có những loại lúa được theo dõi qua hàng chục vụ với quan sát nhận xét thật chi tiết, làm tôi kinh ngạc và cảm phục trong lòng. Những cuốn sổ đó, lúc nào Hương cũng để trong túi áo.

    Tôi cảm thấy bị cuốn vào công việc chẳng còn lúc nào rảnh rỗi nữa. Đại "gấu" đến, nhìn tôi bằng con mắt khác thường.

    - Mày làm sao rồi? - Nó hỏi và cười to.

    - Chẳng sao cả! - Tôi đáp.

    - Tao thấy mày như bị thu hết hồn. Tao ở sát cạnh nách mày mà chẳng thấy mày ngó ngàng gì đến. Bạn bè đứa nào cũng thắc mắc, không hiểu dạo này mày có chuyện gì vui, đến mức quên hết bạn bè?

    - Tao bận làm việc, chúng nó kêu gì?

    - Bộ mày mà cũng mê công việc nhà nông tới thế sao?

    - Đại nói và bỏ đi, với đôi mắt hoài nghi. Hình như đúng là tôi có thay đổi. Không chỉ bè bạn mà cả bố mẹ tôi cũng kêu ca trách móc. Hôm tôi về nhà, sau hai tuần không về, bố tôi hỏi ngay:

    - Con mới quen cô nào thế?

    - Có cô nào đâu ạ? Con bận thu hoạch lúa lai đấy chứ! Công việc có lúc cứ như nhà nông ngày mùa ấy bố ạ!

    - Gớm anh cứ giấu tôi, anh mà ham công tiếc việc thế thì nhà ta mừng!

    - Bố tôi nói. - Cái Lan nó bảo với mẹ rằng dạo này anh đối với nó nhạt nhẽo lắm. Nó có bao nhiêu đám hỏi, anh không cẩn thận thì mất đấy, sắp ba mươi tuổi rồi, bằng anh nhiều người đã có con đi học.- Mẹ tôi tiếp lời.

    - Cô ấy nhạt nhẽo chứ không phải con nhạt nhẽo. Mẹ bảo cô ấy lấy chồng đi, con không thích cô ấy đâu! - Tôi nói, không giấu được vẻ bực mình.Tôi trở lại cơ quan, được biết Hương đã về Hà Nội họp.

    - Hương có gửi gì cho tôi không? - Tôi hỏi mấy cô gái cùng tổ, một cô vội móc túi lấy ra một tờ giấy nhỏ, có mấy chữ của Hương: Hương đi vắng giữa lúc công việc bận bịu, nhờ anh ở nhà thay Hương làm tiếp nhé.

    Tôi cứ đọc đi đọc lại dòng chữ ấy như một người ngớ ngẩn, có lúc tôi thấy vui, có lúc lại thấy buồn, một nỗi buồn tôi chưa thấy bao giờ. Tôi lại ra ruộng làm việc như trước đây cùng với Hương, nhưng thẫn thờ uể oải, đầu óc cứ để đâu đâu. Tôi muốn về Hà Nội đến chỗ Hương họp, muốn được nghe, được biết Hương đã làm gì những năm qua, nhưng làm sao tôi có thể đến đó, nơi của những người có công trình khoa học, còn tôi thì đang bập bõm những bài học đầu tiên.

    Mẹ tôi đến đúng lúc tôi đang ngồi bên bờ ruộng đăm đăm nhìn những hàng lúa để tìm ra những cây cỏ ***g vực.

    - Con làm sao thế? - Mẹ tôi lo âu hỏi và nhìn tôi. Trước mắt mẹ, chắc tôi thiểu não lắm.

    - Cô ấy đi họp những năm ngày mới về - Tôi nói và cảm thấy càng lúng túng.

    - Con nói đến cô nào thế?

    - Cô tổ trưởng của con mẹ ạ! Vì cô ấy đi vắng nên con phải làm thay mọi việc.

    - Khổ thân con! Cán bộ kỹ thuật mà cũng phải chân lấm tay bùn vất vả như thế này ư? Dạo này con gầy đi đấy! Bố con bảo mẹ vào nói với con thu xếp về nhà, bố con đã nhờ người quen chạy cho con chuyển về làm việc ở văn phòng Bộ rồi, con thu xếp về ngay xem thế nào.

    - Con không về đâu cả! Con muốn làm việc ở đây - Tôi nói cương quyết và không nén được vẻ bực bội.

    - Cái đó tùy con thôi, bố mẹ cũng không dám ngăn cản. Tại lâu nay thấy con ít về nhà, mỗi lần về lại có vẻ buồn bực, nên bố con mới làm vậy, chứ có muốn thúc ép gì con đâu!

    - Con buồn bực về chuyện khác. Mẹ có nhớ hồi nhà ta còn làm hương không. Hồi đó có một cô bé đến làm hương cho nhà ta, mẹ còn nhớ không.

    - Có phải con bé Chiêm, mà sao? - Mẹ có thể ngờ rằng bây giờ cô ấy đã là kỹ sư và là tổ trưởng của con không.

    - Thủ trưởng của con? Con cái Chiêm hay khóc ấy? - Mẹ tôi kêu lên và giật mình như nghe tiếng sấm! Nhưng rồi, mẹ tôi lẩm bẩm "Cũng có thể như thế lắm, vì con bé có chí. Thật trời chẳng phụ công ai! Mẹ mừng cho nó, lúc nào con nói với cô ấy thế. Con bảo rằng mẹ rất quí cô ấy, từ ngày xưa cơ, chứ không phải bây giờ".

    Từ hôm ấy, bố mẹ tôi luôn giục giã tôi lấy vợ, nhưng tôi đâu còn đầu óc nghĩ đến chuyện ấy nữa. Tôi đang ở trong tâm trạng bàng hoàng: trong những giống lúa Hương lai tạo, có hai giống được công nhận, và sẽ nhân rộng ra làm giống chính vụ.

    - Anh giúp Hương với nhé!

    Hương kéo tôi vào công việc, cuốn tôi theo với bao nhiêu bận rộn, đến nỗi tôi như quên cả phố phường với bè bạn vui chơi ngày trước. Đã có người xì xầm tôi yêu Hương, tôi nổi cáu một cách thật lòng. Cho đến một hôm, tôi sợ hãi thấy tôi đã yêu Hương từ bao giờ mà tôi không biết. Hôm ấy, chúng tôi đang họp tổ thì Hương có điện thoại, một người thanh niên đi xe máy đến gặp Hương. Hương tiếp anh ta rất lâu, sau đó, anh ta đèo Hương đi đâu mãi đến chiều mới về. Hôm ấy, tôi cảm thấy như ốm, bữa cơm ăn được nửa bát, đầu cứ nóng như rang, nghe tiếng động cơ xe máy của ai là tôi lại giật thót cả người. Cho đến khi Hương về rồi tôi vẫn không sao vui lên được.

    - Anh ốm đấy à? - Hương hỏi tôi; lúc ấy tôi không hiểu sao tôi bỗng thấy tủi thân đến thế.

    - Không. Tôi chỉ mệt thôi, chứ không ốm.

    - Sao anh không nghỉ đi?

    - Hương đi đâu đấy, đi với ai thế? - Tôi không giữ được nữa, và một câu hỏi ngô nghê như thế đã buột ra khỏi miệng. Tôi thấy mặt Chiêm hơi tái đi rồi lại đỏ lên, đôi mắt mấp máy như muốn nói điều gì mà không nói được.

    - Chiêm! - Tôi thảng thốt gọi, vùng lên nắm chặt lấy tay cô - Chiêm tha lỗi cho tôi, tôi yêu Chiêm, Chiêm đừng đi đâu như thế, tôi sợ lắm. Từ nãy đến giờ tôi như cứ ngạt thở.

    - Anh có lỗi gì đâu? - Chiêm rút tay lại thở dài và nói khẽ - Khuôn mặt Hương lúc này thật nghiêm nghị và cũng xinh xắn vô cùng.

    - Anh có lỗi chứ. Lỗi rất lớn, ngày trước ấy mà, chuyện cái sáo... mong em quên đi, hồi ấy anh còn ít tuổi, anh chưa biết gì...

    - Em không quên chuyện ấy được, nhưng em nhớ theo một nghĩa khác.

    - Làm gì còn có nghĩa nào khác nữa, trong một việc xấu như thế?

    - Nghĩa tích cực! Nó giống như một ngọn roi, và đau khổ đã làm em cứng rắn hơn. Nếu như ngày đó anh tốt hơn đối với em, anh nuông chiều em, có khi em lại trở thành người khác. Vì thế nên em không ghét anh, mà ngược lại, anh thấy đấy, em rất quí anh. - Hương nói và cười, cô đã trở lại vẻ hồn nhiên tươi tắn thường ngày.

    - Nhưng anh yêu em.

    - Cám ơn anh - Hương nói, đứng lên không tiếp tục câu chuyện với tôi nữa. Tôi hồi hộp, chờ mong chăm chú theo dõi mọi cử chỉ hàng ngày của Hương. Nhưng Hương như không biết đến điều đó, vẫn túi bụi và mê mải với bao nhiêu công việc...

    Ngày tháng qua. Tình yêu cứ lớn dần lên trong lòng tôi như một khối u và tôi mang nó ngày một nặng nề. Theo những nguồn tin chính xác nhất, tôi được biết Hương chưa có người yêu, nhưng có nhiều anh chàng theo đuổi Hương, trong đó thôi thì đủ kỹ sư, phó tiến sĩ và cán bộ giảng dạy đại học. Tôi cảm thấy mình khó có thể là người chiến thắng tất cả số đó, và tôi sẽ không công tác ở đó nữa. Tôi phải đi xa Hương, thì may ra cuộc sống của tôi mới bình thường lại được. Tôi đã nói với Hương điều này, và Hương nhìn tôi một lúc lâu rồi mới nói:

    - Để em suy nghĩ thêm đã nhé. Trước mắt, anh hãy giúp em đem ít thóc giống cho tỉnh N, để họ nhận đã nhé. Em rất muốn đi nhưng anh thấy đấy, công việc bê búi quá. Anh giao cho họ và nên ở lại đó một thời gian giúp họ gieo trồng cho đúng kỹ thuật. Đi có lâu một tí mới về, có được không anh? Có thể cuối tháng thu xếp được, em sẽ xuống. Thế là tôi lên đường với những bao thóc, và Hương đi tiễn tôi. Bạn bè tôi ai cũng biết tôi yêu Hương, nên chẳng ai ra tiễn tôi cả. Để mặc tôi với Hương, ngay cả Đại "gấu" cũng vậy. Nó đã biết chuyện của tôi, nó bảo: "Cậu phải tấn công dữ dội mới được, sao lành quá vậy?". Và nói xui tôi đủ thứ táo bạo để tỏ tình và chiếm lĩnh trận địa tình yêu. Nhưng tôi thấy không thể làm như thế được trước một người con gái như Hương. Và anh thấy đấy, Hương tiễn tôi bình thường như tiễn một người bạn bình thường.

    Người thanh niên nói đến đó rồi lặng im, đôi mắt nhìn ra ngoài cửa toa tầu, nơi những cánh đồng vừa cày ải nối vào nhau một mầu nâu sẫm chạy dài. Khuôn mặt anh ta với sống mũi thẳng và mái tóc có những búp xoăn tự nhiên, nom thật đẹp.

    - Sau khi nghe chuyện của anh, tôi có một suy nghĩ - Tôi nói.

    - Nếu có thể được, anh cho tôi một lời khuyên - Anh ta đáp, nhưng vẫn không quay lại.

    - Chúng ta tuy mới quen biết nhau, nhưng anh đã cho tôi biết chuyện riêng của anh, tôi cũng coi như đã là bạn anh. Tôi xin thành thật khuyên anh là không nên chuyển đi đâu cả. Ban nãy, lúc ở sân ga, tuy chưa biết chuyện gì của anh, nhưng tôi cũng có những quan sát và nhận xét...

    - Anh cứ nói đi, tôi rất cần biết - Anh ta quay lại, đôi mắt sáng lên nhìn tôi.

    Nhìn vầng trán rộng và rất phẳng của anh ta, tôi bỗng nhiên có cảm giác rằng người thanh niên nồng nhiệt kia đâu lại có những năm tháng sống tẻ lạnh, vô vị, đáng chán như thế trong tuổi trẻ? Chắc có một sự lầm lẫn nào đấy, và con người kia sẽ làm được bao nhiêu việc có ích, chứ không phải chỉ là mang những bao tải thóc này gieo vãi trên những cánh đồng.

    - Mình nhận thấy cô ấy có yêu cậu. Nhưng đó là một tình yêu sẽ không bằng phẳng, suôn sẻ như những tình yêu thông thường khác. Nó đòi hỏi cậu phải có lòng tin và cố gắng nhiều, nhất định hạnh phúc sẽ đến với cậu - Tôi nói theo lòng tôi mong muốn, và bỗng nhiên là tôi cũng tin là thật: họ đã yêu nhau và hạnh phúc sẽ đến với họ.

    Hà Nội, 21 - 1 - 1981 N.T.N.T.


    Được Milou sửa chữa / chuyển vào 00:55 ngày 21/06/2003

Chia sẻ trang này