1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Có một Hà Nội như thế

Chủ đề trong 'Public Hà Nội' bởi hinatea, 18/03/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. hinatea

    hinatea Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/02/2004
    Bài viết:
    4
    Đã được thích:
    0
    Có một Hà Nội như thế

    Nguyễn Trương Quý
    Hà Nội, di sản nghìn năm và tốc độ của đời sống hiện đại


    Kí ức trong những cái tên

    Bắt đầu câu chuyện về Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến kho "di sản gạch ngói" hay là những thứ "văn vật", thời thượng hơn thì dùng từ "văn hoá vật thể" để chỉ những cấu trúc xây dựng của đô thị, trong đó chủ đề phố cổ luôn nóng hổi và dù nghe đã nhàm tai, đã biết quá rõ những gì gọi là đẹp đẽ, những gì trầm kha của một khu phố luôn được nhắc đến hàng đầu trong những nghị quyết về văn hoá xã hội thủ đô hay những hội thảo chuyên đề về Hà Nội, nhưng hình như vẫn chưa ra được đáp số. Trong muôn việc rắc rối đó, chuyện mấy phố Hàng gì bán gì có vẻ dễ hiểu nhất. Ai cũng có thể suy luận từ tên phố ra tên hàng, và chắc mẩm nó vẫn như mình tưởng [1] . Nhất là những người Hà Nội hôm nay vẫn hình dung về mạng lưới phố cổ như những đường chỉ chằng chịt trong lòng bàn tay, nhắm mắt cũng biết, những con đường ẩn chứa những thông điệp sinh mệnh đời sống, quá khứ và tương lai?

    Diện tích khu phố cổ rất nhỏ, nhất là so với diện tích của một Hà Nội mới trong quy hoạch. Với khoảng 100 ha [2] , tức là chưa đến một phần tư diện tích quận Hoàn Kiếm (4,5 km2), quận bé nhất, và bằng 1,2 % diện tích nội thành năm 2002 (82,4 km2). Vậy là Hà Nội đã lớn hơn rất nhiều so với cái thời mà bản đồ đường phố chỉ có mấy khu loanh quanh bên bờ sông Cái, đồng thời ta nhận thấy tầm quan trọng của khu phố cổ vẫn không hề giảm sút, dù diện tích trở nên lọt thỏm giữa mênh mông vành đai bao bọc, tuy không đến nỗi teo lại như miếng da lừa của Balzac nhưng vẫn phải cáng lấy nhiệm vụ hạt nhân tinh hoa, hạt nhân văn hoá hay khiêm tốn hơn là trung tâm thu hút du lịch cũng như kinh doanh kiểu phường phố của Hà Nội nghìn năm.

    Vậy ta hãy làm việc giản dị: la cà dọc ngang các phố ấy, hàng ấy, để kê ra nay bán gì, hay tên tuổi chỉ còn là dư âm một thời "bất phục phản" [3] .
  2. hinatea

    hinatea Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/02/2004
    Bài viết:
    4
    Đã được thích:
    0
    Trong thành phố này, mỗi thứ hàng chỉ bán tại một dãy phố quy định riêng mà người ta đã đặt tên, y hệt kiểu các công ty hay hợp tác xã ở các thành phố châu Âu.
    ( Samuel Baron, A Description of the Kingdom of Tonqueen, 1658).
    Hàng Bạc là một phố danh tiếng. Phố này có tiếng vì nghề đúc bạc nén, kim hoàn và đổi tiền từ thời Lê. Tấm bia ở đình Dũng Hãn số nhà 58 cho biết sự tích tại đó là xưởng đúc bạc nén. Phố thì bé, nhưng gồm dân của 3 làng nghề di dân đến. Đầu tiên là dân Châu Khê (Bình Giang, Hải Dương). Họ có 2 ngôi đình ở số 42 và 50, ngoài ra đến cuối thế kỷ XIX, dân làng ấy kéo lên đông quá nên phải mua lại đền Nội Miếu của thôn Hài Tượng ngách phố Tạ Hiện ăn sang Hàng Bạc để lập đền thờ vọng về quê. Tiếp theo là dân kim hoàn Định Công thượng (Thanh Trì) và Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình). Còn một ngôi đình nữa ở số 24 của dân làng Đông Thọ, cùng với Dũng Hãn là hai làng thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, nơi mở phố (phường) Hàng Bạc. Sau này phố còn nổi về thuốc cam con hươu Tùng Lộc và rạp hát Chuông Vàng. Nhưng bây giờ phố đắt hàng về dịch vụ café tour và những mặt hàng lưu niệm du lịch. Đoạn phố từ gần rạp hát đến đầu Hàng Mắm là các cửa hàng Sinh cà phê, Kim cà phê, và nhiều hiệu khác nữa ăn sang phố Mã Mây, Hàng Bè, Tạ Hiện. Không còn nhiều nhà mở hiệu vàng bạc, theo lấy chút bóng nghề tổ, chỉ nằm tập trung ở đoạn từ Hàng Ngang rẽ vào đến Tạ Hiện. Tác giả Vương Trí Nhàn trong tập "Một số nhà văn hôm nay với Hà Nội" đã kê ra được Thạch Lam và Nguyễn Tuân sinh ra tại đây. Vậy là chất lượng văn hoá coi như đã được đóng dấu đảm bảo với hai nhà văn xếp hạng "fan" ruột của "băm sáu phố phường" cũng như thầy của thú ăn chơi.
    Hàng Khay nằm phía nam Bờ Hồ, trong trục đường chính phát triển phố Pháp, từng có tên là Thợ Khảm, nay còn một vài nhà bán đồ mỹ nghệ chạm khảm sơn mài. Còn lại có vài ba hiệu ảnh và truyền thần nổi tiếng Hà Nội. Hàng Mã vẫn bán chạy các đồ mã, đồ chơi Trung thu, chữ dán phông màn đám cưới, nhưng chỉ ở mỗi đoạn ngắn nửa phố từ Hàng Đường đến ngã năm Hàng Lược. Hàng Mành bán mành tre, mành nhựa ngoại nhập. Hàng Chiếu bán chiếu Nga Sơn, chiếu Thái Bình, chiếu trúc chiếu nhựa Tầu. Hàng Thiếc rủ thêm Lò Rèn thi nhau chí chát. Hàng Đồng vẫn bán đồ tế khí gò đồng. Hàng Trống dăm nhà làm trống, một nhà vẽ tranh còn trụ lại trên con phố nằm về khu phố người Pháp xây lại. Khá nhiều phố vẫn bán loại hàng lâu đời nhưng không phải là hàng tên phố: Hàng Than bán bánh cốm. Hàng Đào cũng còn nhà bán quần áo lụa là nhưng đã nhường chỗ cho đồng hồ, trang sức, không còn "nhuộm điều" như thời Nguyễn Trãi viết trong Dư địa chí. Hàng Đường còn độ mươi nhà bán ô mai, mứt hay bánh kẹo thủ công. Hàng Bông bán quần áo, vải vóc. Hàng Gai bán đồ mỹ nghệ và in khắc. Tố Tịch (hay Hàng Tiện) bán đồ gỗ tiện nhỏ. Hàng Điếu bán mứt sen trần. Hàng Quạt bán cờ phướn. Hàng Bồ bán các loại dây, sợi,?hoặc chuyển sang bán thứ mà lẽ ra phải ở phố mang tên chúng: Hàng Mắm nhận về mình khoản bán áo quan và tiểu sành, những thứ ít phố nào cạnh tranh. Khi này Hàng Hòm chuyển sang bán đồ thủ công mỹ nghệ do nằm cạnh Hàng Gai. Hàng Vải (từng mang tên Hàng Vải Thâm vì khác với Hàng Đào bán lụa tơ, phố bán vải nhuộm nâu cho người lao động) bán tre, nứa (chủ yếu là thang tre và cọc móng), bán cơm và bia cỏ, trong khi Hàng Tre thành một phố công chức và nhiều quán cà phê. Hàng Dầu bán giầy dép thay cho một Hàng Giầy bán bánh kẹo và đồ ăn ngọt dân dã, kéo theo Lò Sũ từng bán hàng đồ mộc và đóng áo quan cũng bán giầy dép, balô, túi xách. Hàng Khoai cạnh chợ Đồng Xuân bán đủ loại bát đĩa sành sứ thuỷ tinh của phố Bát Sứ (từng có tên Hàng Chén) và Bát Đàn đi bán phở bò. Hàng Cân bán giấy thay cho Hàng Giấy bây giờ không rõ bán gì là chính.
    Ngoài ra một vài đặc thù nghề nghiệp mới cho cả dãy phố: ngoài phở bò Bát Đàn, còn có thịt chó Hàng Hương (cạnh gầm cầu Long Biên, đoạn đầu phố Phùng Hưng), cà phê Hàng Hành, bún chả Hàng Mành (mặc dù chỉ có mỗi nhà số 1 bán) hay chợ hoa Tết Hàng Lược.
    Những phố Hàng nằm ngoài khu 36 phố phường đều chỉ còn mang cái tên, không còn bán bung nghề lạc hậu: Ví dụ, Hàng Cá không treo biển "ở đây có bán cá tươi". Phố quá ngắn, chỉ có 124 m, lại gần như không có đặc trưng gì hay một cửa hiệu bán thuỷ hải sản nào sót lại. Hàng Bài, đặc sệt là phố Tây, có trường Đồng Khánh (nay là Trưng Vương), vì thế năm 1888 và 1946 mang tên Đại lộ Đồng Khánh, nhà Godart (tức Bách hoá Tổng hợp, nay là Tràng Tiền Plaza), trại Bảo An Binh (nay là Tổng cục Cảnh sát), rạp chiếu phim Majestic (nay là rạp Tháng Tám), những kiểu cách kiến trúc còn lại xưa nhất là thời Pháp. Nghề kế tiếp bán đồ cờ bạc là nghề sửa chữa đồng hồ. Gần trụ sở công ty xổ số (đi kèm xổ số là món số đề, một hình thức cờ bạc lậu), có một vài hiệu sửa nhỏ, những ông thợ đeo kính lúp ngồi sau tủ hàng be bé, không lấy làm phiền về sự ầm ĩ của cửa hàng kinh doanh băng đĩa của Hồ Gươm Audio, mà dãy phố quanh đó một thời nườm nượp người đi mua hay in sang băng đĩa lậu. Phố Hàng Bột đã đổi tên thành phố Tôn Đức Thắng từ năm 1988, nay còn ngõ Hàng Bột và phường Hàng Bột. Từ thời Pháp, phố đã được mở rộng thành đường lớn, giờ phố bán những thứ như vật liệu nội thất, giầy dép Sài Gòn, may áo cưới. Hàng Cháo là một phố chéo gần sân Hàng Đẫy, bán phụ tùng cơ khí và mũi khoan, thời Pháp có lúc mang tên Hàng Hương. Còn Hàng Đẫy tức là phố Nguyễn Thái Học bây giờ, bán tranh chép kiểu "bờ hồ" và làm biển quảng cáo. Thế Hàng Chuối bán gì? Không phải vì bán chuối hay củ chuối, mà mang tên ấy tình cờ do khi mở phố, quanh đó trồng nhiều chuối nên đặt luôn cho tiện, bây giờ phố vẫn giữ dáng vẻ phố Tây với những biệt thự song lập, nhưng cái chính là phố có "chợ tình" khá náo nhiệt, mà gần đó là Trung tâm Khoa học xã hội Nhân văn Quốc gia, Hội Phụ nữ Việt nam, Nhà xuất bản Phụ nữ, Báo Phụ nữ. Trên vỉa hè là các Thuý Kiều, sau hàng rào là chị Thanh Tâm khả kính (nhân vật quen thuộc trên trang báo Phụ nữ tư vấn tình cảm cho giới nữ có xu hướng hoà giải). Hàng Bún, Hàng Đậu nằm phía bắc ranh giới khu phố cổ, giao thoa với phố công chức kiểu phố Pháp, nên cũng chỉ mang những tên gọi sót lại.
    Một số tên phố không mang chữ Hàng nhưng cũng chuyên một mặt hàng cùng tạo nên sự sinh động cho khu dân cư này: Thợ Nhuộm từng có tên không chính thức là Hàng Bông Nhuộm (hay Ruộm) gắn với Hàng Bông Lờ và Hàng Bông thành một khu vải vóc, nhuộm sấy, hồ lơ, cắt may,.. khá sôi động. Lò Rèn đi cùng Hàng Thiếc, Hàng Đồng đã nói ở trên. Lò Sũ, Chả Cá, Mã Vĩ, Mã Mây, Ngõ Gạch, Thuốc Bắc (cùng bán thuốc bắc có Lãn Ông hay Phúc Kiến ngày trước), những cái tên dáng dấp mặt hàng. Có phố mang tên địa danh hay danh nhân cũng tham gia hàng chuyên: Hà Trung, Ngõ Trạm may đồ da hay vải bạt (gần chợ Hàng Da), Lương Văn Can (đây là phố mới mở đầu thế kỷ 20, bản đồ năm 1911 do Aubé vẽ thì đây là một cái ngõ sau của dãy nhà trông ra mặt phố Hàng Đào, sau này khi đã được quy hoạch thì phố có tên Lê Quý Đôn) bán đồ chơi Trung Quốc?Những phố mang dấu ấn hàng chuyên một thời nhưng ở những cự ly xa so với khu 36 phố phường như Lò Đúc, Lò Lợn, cũng mất dạng những nghề xưa.
  3. hinatea

    hinatea Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/02/2004
    Bài viết:
    4
    Đã được thích:
    0
    Luyến tiếc về phố phường xưa kia, nhiều người trong số chúng ta cũng có mong muốn giữ lại đôi chút phong vị buôn bán như tên gọi các "Hàng", nhưng cũng giật mình khi thấy sức nặng của dấu ấn cũ trong định hướng phát triển. Ta không rõ sẽ có khu phố nào hiện đại mà được nhớ hoài đến thế trong trí óc người đi xa, mà cũng nên biết ở Nam Định, thành phố Dệt, thủ phủ trấn Sơn Nam xưa, cũng từng có khu phố sầm uất, với những Hàng Nâu, Hàng Thao, Hàng Song? mà bây giờ đành chung số phận lờ mờ của một thành phố kém duyên và thiếu sức hút. Tôi nhớ hồi nhỏ, các phố cổ Hà Nội những năm bao cấp buồn bã như màu sắc xam xám của những ngôi nhà tranh Phái, có những cô gái buồn tựa cửa. Nay bạn đi vào những ngõ phố tuy có tên Hàng nhưng cảm giác rất vô danh, "đường phố không chịu gập ghềnh mà chỉ mấp mô, ánh sáng không chịu sáng, chỉ trưng ra một vẻ nghèo nghèo phong lưu tí chút" [4] .Với chúng ta, cái thực dùng đã không còn từ rất lâu, nhưng ý niệm thật là "sự dai dẳng của kí ức". Bao giờ cũng vậy, trong sự phân chia hàng phố, sinh ra phố cao phố thấp, phố sang phố nghèo. Có những phố xưa nay vẫn luôn là phố hạng nhất như Hàng Buồm, Hàng Bạc hay Hàng Gai? lại có những phố kém sang và bần hàn, Thanh Hà, Gầm Cầu, nhưng cũng một phố tiếng là giầu, chỉ cần đi sâu vào trong các ô phố, bỏ qua những cửa kính len dạ là lủng lẳng dây dợ, phên liếp mốc meo. Có phố được nhắc đến với sự kính nể về văn hiến, về trị giá hàng hoá mà nó kinh doanh: Hàng Đào vừa giầu, vừa có những danh nhân hay di tích, chẳng hạn trường Đông Kinh nghĩa thục ở số 10, nhà cụ Lương Văn Can ở số 4.
    Sự hoán đổi, chuyển dịch của bản đồ phân bố hàng hoá là kết quả của sự điều chỉnh tự nhiên trong đời sống kinh tế khu phố cổ. Khi trước, bến sông Hồng còn sát mép khu Chợ Gạo, các phố ven bờ bán những mặt hàng nông thổ sản (Hàng Mắm), vật liệu xây dựng (Hàng Vôi) hay những đồ kềnh càng (Hàng Bè), lớp trong là các phố bán đồ nhu yếu phẩm (Hàng Cân), đồ tinh xảo (Hàng Bạc), lớp nữa đến các phố có gia công sản xuất nhỏ (Hàng Đồng), cuối cùng giáp với thành Hà Nội là các hàng thực phẩm (Hàng Gà). Nay bờ đê kiên cố ngăn cách với bờ sông và sông đổi dòng sang bên Gia Lâm, các vị trí đã đổi thay: chợ Đồng Xuân mới do Pháp xây năm 1890 nằm ở vị trí gần khu cầu Long Biên cạnh chợ Bắc Qua (chợ cũ cạnh chùa Cầu Đông 38b phố Hàng Đường hiện nay, cách chợ mới 200m, ta có bài "bà già đi chợ Cầu Đông, bói xem một quẻ lấy chồng được không" là chỉ chợ này) thành ra một đầu mối giao thương lớn. Các phố bán hàng nông thổ sản kéo từ chợ Bắc Qua ra đến chợ Long Biên họp ở ngoài đê chân cầu. Những hàng tươi sống, hàng vật liệu và cồng kềnh dần chuyển ra các khu phố mới. Đồng thời việc mở mang hồ Gươm cũng như sự phát đạt của du lịch sinh ra các nghề dịch vụ, đồ mỹ nghệ và lưu niệm của các phố gần Bờ Hồ, bất kể nó mang tên gì, Hàng Dầu, Hàng Gai hay Lò Sũ.
    Lịch sử không dừng lại
    Thời Lý, có 61 phường, thời Lê có 36 phường, nhưng các phường nằm rải ra trên một địa bàn khá rộng, tương ứng với khu nội thành các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Có mỗi phường Hàng Đào mang một cái tên đích danh ngành nghề được kê ra trong Dư địa chí. Sau đó đến thời Hồng Đức, thời được ca ngợi là mẫu mực trong lịch sử phong kiến, 36 phường mang các tên chữ, không nôm na mang tên hàng họ [5] .
    Vẫn diện tích ấy, nằm trong phủ Hoài Đức thời đầu thế kỷ 19, chia đi chia lại, tách nhập liên tục, có lúc lên tới 13 tổng với 239 phường, thôn, trại thời Minh Mạng, nhưng cũng không gặp một phường nào mang tên Hàng. Suốt thời gian sau đó, khi người Pháp đến theo bước chân xâm nhập vũ lực đầu tiên của Jeans Dupuis năm 1872 (ngày 22-12, nhưng trước đó viên chỉ huy Senez đã đi tiền trạm ngày 6-11), các con đường trong khu Kẻ Chợ vẫn là một tập hợp dễ biến dạng và khó định vị trong con mắt người Tây phương, đã quen nhìn đô thị bằng bản đồ và tên gọi. Lúc ấy tuy Hà Nội văn hiến mà vẫn ở tình trạng nhà chưa có số, phố chưa có tên, nghĩa là nếu biết cụ tứ đại, ngũ đại nhà mình ở nhà này, không thể suy ra ngày ấy địa chỉ các cụ là số 99 Hàng Đào chẳng hạn.

Chia sẻ trang này